1
21:18 +07 Thứ năm, 02/05/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 132

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 131


Hôm nayHôm nay : 48629

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 99022

Tổng cộngTổng cộng : 28218270

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » SUY NIỆM CHÚA NHẬT

Chia sẻ Lời Chúa Tuần III Mùa Vọng

Thứ sáu - 11/12/2015 15:57-Đã xem: 1955
Các quân nhân cũng hỏi: "Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?" Ông đáp: "Đừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình". Vì dân chúng đang mong đợi và mọi người tự hỏi trong lòng về Gioan rằng: "Có phải chính ông là Đức Kitô chăng?" Gioan trả lời cho mọi người rằng: "Tôi lấy nước mà rửa các ngươi, nhưng Đấng quyền năng hơn tôi sẽ đến, - tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, - chính Người sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Người cầm nia trong tay mà sảy sân lúa của Người, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt!" Ông còn khuyên họ nhiều điều nữa khi rao giảng tin mừng cho dân chúng
Chia sẻ Lời Chúa Tuần III Mùa Vọng

Chia sẻ Lời Chúa Tuần III Mùa Vọng

BÀI ĐỌC I: Xp 3, 14-18a 

"Chúa sẽ hân hoan vì người".

Trích sách Tiên tri Xôphônia. 
Hỡi thiếu nữ Sion, hãy cất tiếng ca! Hỡi Israel, hãy hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy hân hoan và nhảy mừng hết tâm hồn! Chúa đã rút lại lời kết án ngươi và đã đẩy lui quân thù của ngươi. Vua Israel là Chúa ở giữa ngươi, ngươi không còn sợ khổ cực nữa. Trong ngày đó, ở Giêrusalem thiên hạ sẽ nói rằng: Hỡi Sion, đừng sợ, tay ngươi sẽ hết rã rời! Chúa là Thiên Chúa ngươi, là Đấng mạnh mẽ ở giữa ngươi, chính Người cứu thoát ngươi. Người hân hoan vui mừng vì ngươi. Người cảm động yêu thương ngươi, và vì ngươi, Người sung sướng reo mừng. Những kẻ hư hỏng bỏ lề luật, Ta sẽ quy tụ họ lại, vì họ cũng là con cái ngươi. Đó là lời Chúa.

 

BÀI ĐỌC II: Pl 4, 4-7 
"Chúa gần đến".

Trích thơ Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Philipphê. 
Anh em thân mến, anh em hãy vui luôn trong Chúa! Tôi nhắc lại một lần nữa: anh em hãy vui lên! Đức ôn hoà của anh em phải sáng tỏ trước mặt mọi người, vì Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì hết, nhưng trong khi cầu nguyện, anh em hãy trình bày những ước vọng lên cùng Chúa, bằng kinh nguyện và lời cầu xin đi đôi với lời cảm tạ. Và bình an của Thiên Chúa vượt mọi trí hiểu, sẽ giữ gìn lòng trí anh em trong Chúa Giêsu Kitô. Đó là lời Chúa.

 

PHÚC ÂM: Lc 3, 10-18 
"Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?"

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. 
Khi ấy, dân chúng hỏi Gioan rằng: "Vậy chúng tôi phải làm gì?" Ông trả lời: "Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy". Cả những người thu thuế cũng đến xin chịu phép rửa và thưa rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?" Gioan đáp: "Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi". Các quân nhân cũng hỏi: "Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?" Ông đáp: "Đừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình". Vì dân chúng đang mong đợi và mọi người tự hỏi trong lòng về Gioan rằng: "Có phải chính ông là Đức Kitô chăng?" Gioan trả lời cho mọi người rằng: "Tôi lấy nước mà rửa các ngươi, nhưng Đấng quyền năng hơn tôi sẽ đến, - tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, - chính Người sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Người cầm nia trong tay mà sảy sân lúa của Người, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt!" Ông còn khuyên họ nhiều điều nữa khi rao giảng tin mừng cho dân chúng. Đó là lời Chúa.

 

CHÚ GIẢI

BÀI ĐỌC I (Xp 3: 14-18)
Ngôn sứ Xô-phô-ni-a sống vào thế kỷ thứ bảy trước Công Nguyên; ông thi hành sứ vụ của mình ở Giê-ru-sa-lem vào những năm 640-625 trước Công Nguyên.
1.Bối cảnh:
Vương quốc Giu-đa vào lúc đó được cai trị bởi một ấu chúa là Giô-si-gia, lên ngôi lúc tám tuổi. Thời kỳ này được ghi dấu bởi những di hại của một triều đại dài lâu do một vị vua vô đạo là vua Mơ-na-se. Phong tục tập quán ngoại giáo, thờ cúng ngẫu tượng, bạo lực, gian lận, bất công xã hội, thói kiêu căng của những kẻ quyền thế, tinh thần hưởng thụ của những người giàu có, vân vân. Vị ngôn sứ lớn tiếng phê phán lối sống phi nhân, thiếu tình người này và tiên báo cơn thịnh nộ của Thiên Chúa; đó sẽ là “Ngày của Đức Chúa”, ngày thịnh nộ. Tuy nhiên, đó sẽ không là ngày tận thế. Thiên Chúa sẽ cho sót lại một dân nghèo hèn và bé nhỏ, dân này sẽ không làm những chuyện tàn ác bất công, nhưng tìm nương ẩn nơi Đức Chúa.
Bài hoan ca được trích dẫn hôm nay mời gọi Giê-ru-sa-lem hãy vui lên, và ngay liền sau đó, gợi lên những người công chính thoát khỏi án phạt. Nguyên nhân sâu xa khiến Giê-ru-sa-lem hoan hĩ vui mừng chính là chắc chắn mình đã được Thiên Chúa sủng ái, đã được Thiên Chúa cứu độ, Ngài là Chúa Tể lịch sử và đang ngự giữa dân Ngài.
2.Niềm vui của dân Ngài cũng là niềm vui của Thiên Chúa:
Điều ngạc nhiên nhất của bài hoan ca này đó là vị ngôn sứ thiết lập một sự song đối giữa niềm vui của dân thành Giê-ru-sa-lem và niềm vui của Thiên Chúa, chính Ngài sẽ vui mừng hoan hĩ vì gặp lại dân Ngài.
Chắc chắn không cần thiết phải tìm kiếm xem biến cố nào đã gây nên niềm phấn khởi đầy lạc quan ở nơi vị ngôn sứ. Trước tiên, đây là viễn cảnh thời Mê-si-a. Bài thơ của ông ca ngợi vị Vua Cứu Tinh tiến vào Thành Thánh; Ngài là vị vua chiến thắng và giải thoát: “Án lệnh phạt ngươi, Đức Chúa đã rút lại, thù địch của ngươi, Người đã đẩy xa”. “Này Xi-on, đừng sợ, chớ kinh hãi rụng rời”. Bởi vì, trong ngôn từ của vị ngôn sứ, sự giải thoát là dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa tha thứ: “Đức Chúa Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi, Người là vị cứu tinh, là Đấng anh hùng”.
Thành Thánh Giê-ru-sa-lem hân hoan reo mừng đón tiếp Đức Vua của mình, chính Đức Chúa thân hành ngự giá đến ở giữa dân Ngài, Ngài là vị vua đích thật của Ít-ra-en. Trong một bản văn mang đậm nét Mê-si-a hơn, ngôn sứ Da-ca-ri-a ca ngợi niềm vui của Giê-ru-sa-lem bằng những lời lẽ tương tự: “Nào thiếu nữ Xi-on, hãy vui mừng hoan hỹ! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Chúa của người đang đến với ngươi…” (Dcr 9: 9). Thành Đô Giê-ru-sa-lem được giải thoát và sống trong cảnh thái bình thịnh trị, bởi vì Chúa“sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi” như người yêu lấy tình thương mà biến đổi người mình yêu. Niềm vui của Thiên Chúa chẳng thua kém gì niềm vui của Thành Thánh. Thiên Chúa hạnh phúc được ở giữa những người mà tình thương của Ngài đã cứu thoát. “Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng như trong ngày lễ hội” vì dân Ngài đã thấy ơn cứu độ.
Một vị ngôn sứ khác, I-sai-a đệ tam, cũng thấy Thiên Chúa vui mừng hoan hĩ, nhưng trong viễn cảnh cánh chung, Chúa liên kết mình vào với niềm vui của những người được tuyển chọn: “Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới, không còn ai nhớ đến thuở ban đầu và nhắc lại trong tâm trí nữa. Nhưng thiên hạ sẽ vui mừng và luôn mãi hỷ hoan vì những gì chính Ta sáng tạo. Phải, này đây Ta sẽ tạo Giê-ru-sa-lem nên nguồn hoan hỷ và dân ở đó thành nỗi vui mừng. Vì Giê-ru-sa-lem Ta sẽ hoan hỷ, vì dân Ta, Ta sẽ nhảy mừng. Nơi đây, sẽ chẳng còn nghe thấy tiếng than khóc kêu la” (I s 65: 17-19). Thật ra bản văn của Xô-phô-ni-a không phải là không gợi lên quang cảnh Thành Thánh Giê-ru-sa-lem trên trời.
Niềm vui cứu độ thời Mê-si-a là niềm vui mà sứ thần loan báo cho Đức Ma-ri-a, thiếu nữ Xi-on tuyệt vời nhất: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà…Thưa bà, xin đừng sợ…Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà”.
BÀI ĐỌC II (Pl 4: 4-7)
Thánh Phao-lô cũng khẩn khoản nhắc đi nhắc lại các tín hữu Phi-líp-phê hãy vui lên. Còn hơn cả lời khuyến dụ, lời mời gọi này là nguyên tắc căn bản trong thần học của vị Tông Đồ; niềm vui tâm linh: “Hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa”, đúng theo nguyên ngữ,  “trong niềm vui của Chúa Ki-tô”; đây là biểu thức quen thuộc của thánh Phao-lô.
1.Hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa:
Tuy nhiên, như chúng ta biết qua bức thư này, các tín hữu Phi-líp-phê phải chiến đấu cam go vì niềm tin của mình: “Quả thế, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, anh em đã được phúc chẳng những là tin vào Người, mà còn được chịu đau khổ vì Người. Nhờ vậy, anh em được tham dự cùng một cuộc chiến mà anh em đã thấy tôi phải đương đầu trước kia, và nay anh em nghe biết là tôi vẫn còn tiếp tục” (Pl 1: 29-30).
Thánh Phao-lô đưa ra một mẫu gương về niềm vui này, vì vào lúc đó thánh nhân đang bị giam cầm, chắc chắn ở Ê-phê-sô. Thánh nhân đã nhận biết những đau khổ sống động của sứ vụ tông đồ (vài người dân Cô-rin-tô đố kỵ và vu khống ngài và cản trở sứ vụ của thánh nhân ở Ê-phê-xô), tuy nhiên, thánh nhân vẫn vui trong niềm vui của Chúa.
2.Sống hiền hòa.
“Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa rộng rãi”. “Hiền hòa” là dụng ngữ của khoa khôn ngoan Hy lạp; từ này chỉ đức hạnh đặt nền tảng trên lý trí và đức độ, được thăng hoa ở nơi một cuộc sống hiền hòa. Thánh Phao-lô lập lại đức hiền hòa này trong lời khuyên gởi đến hai môn đệ và là cộng tác viên của ngài là Ti-mô-thê: “Không được nghiện rượu, không được hiếu chiến, nhưng phải hiền hòa, không hay gây sự, không ham tiền” (1Tm 3: 3) và Ti-tô: “Đừng chửi bới ai, đừng hiếu chiến, nhưng phải hiền hòa, luôn luôn tỏ lòng nhân từ với mọi người” (Tt 3: 2). Nếu dân ngoại tìm kiếm một lý tưởng như vậy, huống chi là những người Ki-tô hữu. Còn gì tốt đẹp cho bằng các tín hữu phải nêu gương về một cuộc sống hiền hòa. Rõ ràng thánh Phao-lô gởi đến các Ki-tô hữu gốc Hy lạp, họ có thể hiểu được lời khuyên của thánh nhân.
3.Chúa đã gần đến:
 Những người Ki-tô hữu sống vui vẻ và hiền hòa vì họ xác tín ơn cứu độ đang ở trong tầm tay, điều mà các tác giả Tin Mừng diễn tả “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần rồi”. Quả thật, thật thích hợp để duy trì sự uyển chuyển ở nơi câu nói: “Chúa đã đến gần rồi”. Thánh Phao-lô có một cái nhìn tăng tốc của lịch sử. Cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giê-su đã thiết lập kỷ nguyên cứu độ; chắc chắn kỷ nguyên này sẽ triển nở viên mãn vào ngày Đức Giê-su quang lâm. Viễn cảnh này phải đem lại niềm vui tròn đầy cho người Ki-tô hữu, tuy nhiên, ngay từ bây giờ viễn cảnh này được khai mở trong một cuộc sống kết hiệp với Đức Ki tô.
4.Niềm vui, lời khẩn nguyện và bình an:
Vui vì tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa, do đó chẳng có gì phải lo lắng cả. Chính ở nơi niềm tin tưởng này mà lời khẩn nguyện và tâm tình tạ ơn có thể được liên kết mật thiết với nhau. Mối liên kết này hoàn toàn theo truyền thống Kinh Thánh. Các thánh vịnh gia dâng lên Thiên Chúa lời khẩn nguyện và tâm tình cảm tạ tri ân của mình, đồng thời các ngài tin chắc rằng Thiên Chúa sẽ đáp trả niềm tin tưởng của mình. Trong những viễn cảnh Ki-tô giáo, lời khẩn nguyện cắm rể sâu vào trong tâm tình cảm tạ và chiêm ngắm mầu nhiệm cứu độ. Từ đó sinh ra một sự bình an trong tâm hồn, một sự bình an không phát xuất từ nỗ lực phàm nhân, nhưng từ lời hứa của Đức Giê-su cho các môn đệ Ngài, một sự bình an vượt quá mọi hiểu biết của con người.
Trong các bức thư của thánh Phao-lô chúng ta cũng gặp thấy những lời khuyên tương tự; nhưng thư gởi các tín hữu Phi-líp-phê được viết với những lời lẽ thân tình và tràn đầy tin tưởng, qua đó thánh Phao-lô để lộ những bí ẩn đời sống nội tâm của mình.
TIN MỪNG (Lc 3: 10-18).
Thánh Lu-ca là tác giả Tin Mừng duy nhất cho nhiều chi tiết xác định về lời rao giảng của thánh Gioan Tẩy Giả. Bản văn này cũng dâng hiến một lợi ích lớn lao: thánh ký không rao giảng về những đề tài thần học khó hiểu, nhưng về đời sống.
Bản văn bao gồm hai phần, tương xứng với chuyển động kép của câu chuyện: phát triển sứ điệp của thánh Gioan Tẩy Giả, khởi đi từ giáo huấn thực tiển đến mặc khải về Đấng Mê-si-a; đồng thời phát triển tâm lý của những ai thực tâm muốn thay đổi cuộc đời mình, từ việc mở lòng mình ra thi hành đức ái và sự công chính, cho đến việc vươn mình lên tìm kiếm Thiên Chúa hay ít ra vị sứ giả của Ngài.
1.Đám đông:
Đối với đám đông, những người đến xin được chịu phép rửa và bày tỏ ước nguyện thăng tiến trên con đường đức hạnh, thánh Gioan Tẩy Giả đề xuất nguyên tắc đức ái: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”. Việc san sẻ chia sớt cho nhau những hạt cơm manh áo là bước khởi đầu của sự biến đổi tấm lòng. Chúng ta đừng quên, thánh Lu-ca cũng là tác giả sách Công Vụ Tông Đồ: thánh ký đã mô tả hành động“tương thân tương ái” giữa các Ki-tô hữu tiên khởi: “Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự điều là của chung” (Cv 4: 32).
Tiếp đó, thánh nhân trình bày những trường hợp cá biệt, trước tiên, trường hợp của những người thu thuế.
2.Những người thu thuế:
Những người thu thuế bị quy trách nhiệm là những kẻ tham lam hút máu đồng bào của mình, bởi vì những người thu thuế này ứng trước tiền thuế dân chúng phải nộp cho đế quốc Rô-ma, sau đó, nâng cao tiền thuế của dân chúng để làm giàu cho mình. Hơn nữa, dân chúng khinh bĩ họ vì sự hiện diện của họ nhắc nhớ ách đô hộ của chính quyền Rô-ma trên dân Do thái và buộc tội họ là tay sai của thế lực ngoại bang và đối xử họ như “quân trộm cướp”.
Đức Giê-su thường giao du với “quân trộm cướp” này, những kẻ tội lỗi này; Ngài cũng sẽ đưa ra một người trong số họ làm mẫu gương cầu nguyện (Lc 18: 9-14). Chính họ mà thánh Lu-ca, ngay từ khởi đầu Tin Mừng, giới thiệu họ như những người thành tâm thiện chí muốn được hoán cải: “Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì?”. Thật lạ lùng, trong cùng một chương Tin Mừng Gioan sóng đôi với chương Tin Mừng Lu-ca, những người Pha-ri-sêu cũng đến hỏi Gioan Tẩy Giả, nhưng với thái độ hiếu kỳ và ngờ vực, vì thế họ từ chối hoán cải. Thói tự cao tự đại làm cho họ trở nên cố chấp trong khi những kẻ bị khinh bĩ, ghét bỏ lại là những người khiêm tốn mở lòng mình ra trước ánh sáng.
Đối với những người thu thuế này, thánh Gioan Tẩy Giả không đòi hỏi họ phải từ bỏ nghề nghiệp của mình, nhưng thực thi công bình: “Đừng đòi hỏi điều gì quá mức ấn định cho các anh”.
3.Binh lính:
Binh lính cũng đến hỏi thánh nhân: “Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì?”. Những binh lính này là ai? Chắc chắn không phải là các binh lính Rô-ma, họ tránh không trà trộn vào đám đông dân chúng; cũng không phải binh lính Do thái, vì Rô-ma không cho các đất nước bị chiếm đóng quyền tổ chức quân đội. Chắc hẳn đây là dân quân tự vệ được chiêu mộ từ các dân tộc chung quanh, họ thường hộ tống những người thu thuế, vì việc thu thuế thường khó khăn. Khi kể họ là binh lính, phải chăng thánh Lu-ca có ý định khoắc cho sứ điệp của Gioan Tẩy Giả một chiều kích phổ quát? Dù thế nào, họ cũng là hạng người bị dân chúng ghét cay ghét đắng như bọn người thu thuế. Đối với những binh lính này, thánh nhân cũng không đòi hỏi họ từ bỏ nghề nghiệp của mình, nhưng thực thi công bình: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình”.
4.Dân chúng:
Thật có ý nghĩa biết bao, vào lúc này, thánh Lu-ca không còn nói đến “đám đông”, nhưng đến “dân”: “Hồi đó, dân đang trông ngóng”. Như các ngôn sứ xưa kia, thánh Gioan kêu gọi họ hãy hoán cải đừng chần chờ gì nữa vì thời gian sắp đến gần rồi. Thánh nhân nói như một người có uy quyền khiến những ai trông đợi Đấng Mê-si-a tự hỏi: “biết đâu ông Gioan lại chẳng là Đấng Mê-si-a!”. Qua sách Công Vụ Tông Đồ chúng ta biết rằng trong suốt nhiều thập niên có những cộng đoàn môn đệ của thánh Gioan Tẩy Giả, họ vẫn trung thành lời dạy của thầy mình và tôn kính thánh nhân như Đấng Mê-si-a (Cv 18: 24-25; 19: 1-7).
Lúc đó, thánh Gioan Tẩy Giả công bố cho mọi người biết rằng ông không là Đấng Mê-si-a. Với đức khiêm hạ, thánh nhân gợi lên sự cao cả vô cùng tận của Đấng mà ông chỉ là Tiền Hô của Ngài: “Tôi không đáng cỡi quai dép cho Người”. Lời này ám chỉ chính xác đến một truyền thống lâu đời: các kinh sư cấm không được bắt một người nô lệ Do thái làm một công việc nặng nhọc hay hèn hạ như cởi dày cho chủ hay rửa chân cho chủ. Ngay cả một công việc hèn hạ đến thế, thánh nhân tự nhận mình cũng không xứng đáng đối với Đấng mà ông có nhiệm vụ chuẩn bị con đường cho Ngài đến.
5.Phép rửa của Đấng Mê-si-a:
Thánh Gioan Tẩy Giả nhấn mạnh sự khác biệt giữa phép rửa của ông và phép rửa mà Đấng Mê-si-a sẽ thực hiện: “Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa”. “Lửa” này phải chăng được hiểu là lửa của Chúa Thánh Thần như các Giáo Phụ đã hiểu, hay phải hiểu lửa vừa theo Kinh Thánh vừa theo các văn chương phàm trần, nghĩa là lửa có chức năng vừa thanh luyện những người công chính vừa tiêu hủy quân vô đạo? Chúng ta không biết chính xác, nhưng một điều chắc chắn, đó là thánh Gioan Tẩy Giả tự nhận mình là vị Tiền Hô, không chỉ của Đấng Mê-si-a nhưng cũng của Giáo Hội. Chính Giáo Hội sẽ lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần, Đấng ngự xuống trên Giáo Hội như “những hình lưỡi giống như lưỡi lửa”vào ngày lễ Ngũ Tuần (Cv 2: 1-4).
6.Đấng Mê-si-a Thẩm Phán:
Khi mô tả chan dung của Đấng Mê-si-a như một vị Thẩm Phán, Ngài sẽ chọn lựa những người tốt ra khỏi những kẻ xấu, thánh Gioan Tẩy Giả định vị mình vào hàng những đại ngôn sứ, liên kết kỷ nguyên Mê-si-a và kỷ nguyên cánh chung vào trong cùng một viễn cảnh: “Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi”. Giờ thu hoạch mùa màng sẽ tới, nhưng chậm hơn. Chính Đức Giê-su sẽ là vị Thẩm Phán của ngày Chung Thẩm.
7.Khởi điểm của Tin Mừng:
“Ngoài ra, ông còn khuyên dân nhiều điều khác nữa, mà loan báo Tin Mừng cho họ”. Cũng như sách Tin Mừng Mác-cô, sách Tin Mừng Lu-ca đánh dấu khởi điểm Tin Mừng bằng lời rao giảng của thánh Gioan Tẩy Giả. Điều này khiến chúng ta nghĩ rằng khoa giáo lý tiên khởi bắt đầu với việc kể ra thánh Gioan Tẩy Giả và lời dạy của thánh nhân. Bản văn của thánh Lu-ca bày tỏ rất rõ nét khoa giáo lý này. Việc thực hành đức ái và công bình được xem như bước khởi đầu của việc hoán cải, nhưng như thế vẫn chưa đủ, phải dẫn đến việc kết hiệp với một con người, Đức Ki-tô. Chính trong Giáo Hội mà sự kết hiệp này sẽ được thực hiện.
Đây là một trong những bài học, một bài học không nhỏ chút nào, của đoạn Tin Mừng hôm nay.

 

Sự sám hối chân thành

Người Việt Nam được coi là một dân tộc hiếu khách. Vì thế, khi khách đến nhà thì "không gà thì vịt" và cố gắng tiếp đón làm sao để "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi". Thực vậy, khi có khách đến thăm, người ta thường thăm dò ý muốn sở thích của vị khách để tiếp đãi cho chu đáo. Khách càng sang, càng cao qúy người ta càng chuẩn bị kỹ lưỡng từ trang trí nhà cửa, sân vườn đến các món ăn mà vị khách ưa thích. Cũng bởi sự hiếu khách đó, mà người Việt Nam thường tự trách mình thất lễ khi thiếu sự chuẩn bị mà khách lại đột xuất viếng thăm.
Cách đây hơn 2.000 năm người dân Palsetin cũng háo hức đón chờ một thượng khách đến viếng thăm. Một vị khách mà cả pho Cựu ước là bằng chứng sự trăn trở đợi chờ. Đó chính là Đấng Thiên Sai, Đấng Messia sẽ đến để thực hiện lời hứa cứu độ cho nhân trần. Hôm nay họ nghe Gioan rao giảng Đấng đó đã đến nhân trần. Đấng mà cha ông họ ngày đêm mong chờ mà chưa có diễm phúc gặp gỡ, nay quả là phúc đức cho họ được diện kiến Đấng Thiên sai. Họ tràn ngập niềm hân hoan. Họ chạy đến Gioan để tư vấn, xem phải làm gì để vui lòng Đấng Messia? Từ những người nông dân chất phác đầu hôm sớm mai nơi ruộng vườn đến các nhà thu thuế và quan quyền đều muốn có một động tác chuẩn bị thật chu đáo để đón tiếp Đấng Messia. Nhưng lạ thay, Gioan không bảo họ trang trí nhà cửa phố xá cho nguy nga lộng lẫy. Gioan không bảo họ chuẩn bị các món ăn đặc sản của dân tộc để thiết đãi Đấng Messia. Gioan đề nghị họ một cung cách sống để vui lòng Đấng Messia. Đối với đám đông dân chúng hãy biết sống chia sẻ với nhau. Hãy sống đùm bọc nhau trong tình bác ái chân thành qua việc chia sẻ cơm ăn, áo mặc. Đối với người thu thuế và người giầu có hãy sống công bình bác ái. Đừng cho vay nặng lãi. Đừng chồng chất thêm gánh nặng cho dân bằng sưu cao thuế nặng. Hãy sống bằng một trái tim nhân ái biết xót thương kẻ bần cùng lầm than. Đối với binh lính, Gioan đề nghị hãy biết thương dân, đừng hà hiếp bóc lột, đừng sống theo kiểu tham quan vô nại, hãy sống theo chức vụ của mình là để bảo vệ và gìn giữ sự an ninh cho dân làng.
Nghe lời Gioan ai nấy đều muốn thay đổi lối sống cho đẹp lòng Đấng Messia. Từng đoàn người đến sông Giordan. Trong đó có đủ mọi thành phần già trẻ, lớn bé. Quyền qúy cao sang và đói khổ bần hàn. Tất cả đều cúi mình sám hối. Tất cả đều muốn thay đổi lối sống. Sửa lại những quanh co gian trá của lòng người. Lấp đầy những hố sâu của ngăn cách bằng tình yêu chân thành. Và san bằng núi đồi kiêu căng bằng đời sống hoà hợp mến yêu. Một bầu khí thật vui tươi và an bình trải rộng khắp giòng sông Giordan. Một niềm hy vọng cho một thế giới không còn bất công, không còn hận thù chỉ còn có sự chia sẻ, cảm thông trong yêu thương chân thành. Một bầu khí hứa hẹn những ngày tháng thanh bình như lời tiên tri Isaia đã nói: "sói nằm chung với chiên con. Trẻ con thò tay vào hang rắn độc. Người ta sẽ lấy lưỡi gươm mà rèn nên lưỡi cầy và nhân loại sẽ cùng nhau hát vang tiếng hát hoà bình".
Hôm nay, Giáo hội cũng gợi lại hình ảnh đó để nhắc nhở con người thời nay. Chúa đã đến với chúng ta hôm nay qua tha nhân, qua các bí tích. Chúa sẽ đến với chúng ta trong ngày cuối cùng của đời người dương gian, và Chúa sẽ đến trong uy nghi vinh hiển trong ngày quang lâm. Vậy có ai đó đã tự hỏi lòng mình: tôi phải làm gì để đón tiếp Chúa? Nếu chúng ta tin rằng Chúa đang hiện diện giữa chúng ta, liệu rằng chúng ta có gì để dâng cho Chúa? Có lẽ Chúa không cần chúng ta xây nhà nguy nga lộng lẫy cho Chúa. Chúa cũng không cần chúng ta trải thảm lót đường cho Chúa. Chúa chỉ cần chúng ta dâng cho Chúa tấm lòng thanh sạch không vương vấn tội nhơ. Một con tim tràn đầy tình yêu thương đồng loại. Một tấm lòng muốn sửa đổi, muốn thăng tiến bản thân cho tốt hơn, cho đúng với giáo huấn và lề luật của Chúa.
Có một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: Khi Chúa giáng sinh, muôn loài đều tới mừng Chúa. Mỗi loài đều dâng cho Chúa chút quà. Chị bò cái dâng sữa, cậu khỉ biếu Chúa mấy trái cây nhỏ, chú sóc nâu bé nhỏ tình nguyện ở lại làm đồ chơi cho Chúa. Chúa hài đồng vui vẻ nhận tất cả.
Đang lúc các thú vật quây quần bên Chúa, thì chàng cáo xuất hiện. Các con vật đều ghét cáo, vì hắn gian manh quỉ quyệt. Chúng chận không cho cáo đến gần Chúa và tự hỏi không biết cáo định âm mưu gì. Cáo nói rằng, cáo đến dâng lễ vật cho Chúa, nhưng chẳng thấy cáo mang theo lễ vật. Chúa ra hiệu cho cáo vào. Quì bên Chúa hài đồng chàng cáo thì thầm:
- Lạy Chúa, con xin dâng lên Chúa lòng quỷ quyệt của con!
Mọi con vật bỡ ngỡ:
- Dâng gì kỳ cục vậy?
Nhưng cáo vui cười hớn hở, còn Chúa đặt hai tay trên đầu cáo tỏ dấu ưng thuận chúc lành.
Có lẽ đó là món quà mà Chúa cần chúng ta dâng cho Chúa. Dâng lên Chúa chính tội lỗi, yếu đuối của mình. Dâng cho Chúa là hứa với Chúa từ nay sẽ thôi không theo đường cũ, quyết ăn ở ngay lành, sống công bình bác ái và thân ái với mọi người. Ước mong những ngày chuẩn bị mừng lễ giáng sinh với sự trang hoàng bên ngoài bằng hang đá, cây thông, đèn sao lấp lánh, mỗi người chúng ta cũng chuẩn bị một món quà từ tấm lòng sám hối ăn năn để từ trong sâu thẳm cõi lòng có thể rộn ràng lên câu hát "vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương". Amen.

 

NIỀM VUI LÀM CHO CON NGƯỜI TƯƠI TRẺ LÂU GIÀ
VÀ SỐNG LÂU HƠN

Trong bầu khí chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh, Lời Chúa hôm nay kêu mời chúng ta sống trong niềm vui. Ngay từ ca nhập lễ, Giáo Hội dùng lời thánh Phaolô tông đồ kêu gọi tín hữu thành Philipphê để nhắc nhở tất cả: "Anh em hãy vui lên trong Chúa, tôi nhắc lại một lần nữa, anh em hãy vui lên vì Chúa đã gần đến". Và khởi đầu bài đọc thứ nhất trích từ sách tiên tri Sôphônia, chúng ta nghe những lời đầy khích lệ: "Hỡi thiếu nữ hãy cất tiếng ca. Hỡi Israel hãy hân hoan. Hỡi thiếu nữ Giêrusalem hãy hân hoan và hãy nhảy mừng hết tâm hồn". Rồi đến câu đáp ca cũng kêu gọi: "Hãy nhảy mừng và ca ngợi vì ở giữa ngươi có Đấng thánh của Israel thật cao cả". Như thế Giáo Hội muốn chúng ta đón Chúa Cứu Thế với một tâm hồn thật vui vẻ. Niềm vui rất cần cho đời sống con người, ai cũng mong cho đời sống mình được luôn vui tươi.
Trong những cánh thiệp chúc mừng dịp lễ tết, người ta đều chúc nhau vui tươi hạnh phúc. Khoa tâm lý ngày nay còn chứng minh niềm vui làm cho con người tươi trẻ lâu già và sống lâu hơn. Và trên thực tế, con người cố tạo được nhiều cuộc vui chừng nào tốt chừng nấy và mỗi cuộc vui càng kéo dài càng hay. Nhưng phải là những niềm vui nào? Vì có những niềm vui mà sau đó con người cảm thấy trống rỗng buồn sầu và chán nản. Có những niềm vui mà sau đó con người mệt mỏi và thất vọng. Có những niềm vui mà sau đó con người lo âu hối hận. Vậy niềm vui mà Giáo Hội cầu chúc và mong muốn con cái mình đạt được đây phải là niềm vui thật. Niềm vui lâng lâng của Mùa Giáng sinh, khi thấy những trang hoàng rực rỡ với đèn màu, với ngôi sao hang đá máng cỏ, khi nghe những bản thánh ca du dương dịu vợi, khi nhận cánh thiệp với những lời cầu chúc êm đềm từ những người thân yêu. Tất cả vẫn luôn là niềm vui chính đáng. Nhưng chưa phải là niềm vui thật. Vì lễ Giáng sinh sẽ qua đi, mọi trang hoàng sẽ được dẹp lại, mọi người đều trở về với cuộc sống hằng ngày. Niềm vui thật phải là niềm vui phát xuất từ bên trong của con người. Đi tìm nguồn vui bên ngoài mà thôi chỉ là một sự chạy trốn thực tại trong tâm hồn và thường thì không bao giờ đạt được kết quả vì "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ". Niềm vui chân chính phải bắt nguồn từ một trạng thái của tâm hồn và đặt nền tảng trên sự bình an. Đó là niềm vui đã làm cho thánh Phanxicô trong cảnh nghèo khó tự nguyện hòa tâm hồn mình cùng vạn vật ca hát chúc tụng Thiên Chúa. Đó là niềm vui mà thánh Têrêxa Hài Đồng đã nói: "Niềm vui mằm trong cuộc sống con người và con người có thể đạt được nó bất cứ lúc nào và ở đâu, ngay cả trong lâu đài tráng lệ của hoàng cung hay trong chốn thâm u của ngục tù".
Làm thế nào để đạt được niềm vui đó? Trong bài Phúc Âm, thánh Luca ghi lại: Gioan Tiền Hô, người hô hào: "Hãy sửa đường cho Chúa bằng phẳng và ngay thẳng", đã trả lời câu hỏi cho từng lớp người đến hỏi ông. Dân chúng hỏi ông: "Chúng tôi phải làm gì?" Gioan đã trả lời: Hãy sống yêu thương và bác ái. Biết nghĩ đến người khác, biết chia sẻ với những người kém may mắn hơn mình, đừng lợi dụng địa vị, quyền hành hà hiếp người khác. Nói tóm lại, vì Chúa quên mình phục vụ anh chị em và chu toàn bổn phận hằng ngày của mình, đó là đường dẫn đến niềm vui thật sự.
Mảnh đất tốt cho niềm vui thật phát triển là tình thương yêu nhau giữa con người. Sống trong một thế giới đầy dẫy hận thù chiến tranh, sống trong một xã hội cá lớn nuốt cá bé, sống trong một môi trường tranh đấu lừa đảo, gạt gẫm nhau để sống làm cho chúng ta có một tư tưởng bi quan: con người chắc là không bao giờ yêu thương nhau được, con người khó thực hiện những điều Gioan Tiền Hô chỉ dạy trong Phúc Âm. Dầu vậy, chúng ta đừng bi quan mà hãy nhớ đến phúc thật thứ bảy Chúa Giêsu đã dạy: "Ai làm cho người hòa thuận ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời vậy". Và một điểm nữa giúp chúng ta lạc quan là mẫu số chung của tất cả mọi người, mọi phe nhóm, mọi xu hướng, mọi chủ trương đều là hòa bình và huynh đệ yêu thương nhau.
Thật vậy, nếu chúng ta có dịp hỏi tất cả mọi người, tất cả mọi tổ chức kể cả những tổ chức đang cầm súng lăn xả vào chiến tranh xâm lược, thì trong thâm tâm họ, họ vẫn tin là họ yêu mến hòa bình và huynh đệ, dầu cho họ sai lầm trong phương tiện. Đó có thể là mẫu số chung, là điểm phát xuất chung để dựng một thế giới an vui. Và điều những người có đức tin càng tin tưởng vững chắc là Thiên Chúa luôn luôn hiện diện trong lịch sử của con người, lịch sử cứu độ nhất là kể từ sự nhập thể của Chúa Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa. Đó là một sự hiện diện sống động như chính Chúa Giêsu đã nói: "Cha ta làm việc liên lỉ; Ta cũng thế". Sự hiện diện đó không bao giờ để một bên những nghịch cảnh, những đau buồn của con người nhất là những con người bị áp bức, bị kìm kẹp.
Trong những ngày chuẩn bị mừng lễ Chúa Giáng sinh này, chúng ta hãy có cái nhìn lạc quan vào vũ trụ, vào đời sống con người trên mặt đất này. Vì hãy biết rằng, công việc tạo dựng cũng như công việc cứu chuộc là công việc của Thiên Chúa, và công việc Chúa làm thì không bao giờ thất bại. Bằng chứng là gương của Chúa Giêsu, sau sự đau khổ cùng cực và cái chết đau thương nhục nhã là sự sống lại vinh quang làm vua cai trị trời và đất. Với cái nhìn lạc quan đó và với lòng tin tưởng Thiên Chúa là Cha nhân từ đầy lòng từ bi thương xót, chúng ta hãy luôn sống trong niềm vui và hy vọng. Niềm vui và hy vọng đó phải thúc đẩy mỗi người chúng ta cộng tác tích cực vào công trình cứu rỗi, nhờ ơn Chúa và với những người thành tâm thiện chí.
Để có việc làm cụ thể trong tuần này, tôi sẽ cố gắng năng nhớ đến lời tiên tri Sôphônia trong bài đọc thứ nhất để sống tin tưởng vào Chúa hơn: "Hỡi Sion đừng sợ, Chúa là Thiên Chúa ngươi, là Đấng mạnh mẽ ở giữa ngươi, chính Người cứu thoát ngươi". Và cụ thể hơn, tôi sẽ cố gắng không than van về những cực nhọc hoặc đau buồn tôi đang gánh chịu, nhưng biết chấp nhận cho người khác được vui và luôn cố gắng tươi cười niềm nỡ với tất cả mọi người, nhất là những người trong gia đình của tôi.

 

 CÁC NGÀY TRONG TUẦN

Thứ Hai

 

 Mt 21,23-27
 A. Hạt giống...
1. Chúa Giêsu bị chất vấn :
- Ai chất vấn ? “Các thượng tế và kỳ mục” (câu 23). Mc 11,27 còn kể thêm các kinh sư. Như thế, những người chất vấn Chúa Giêsu gồm đủ 3 thành phần của Thượng Hội Đồng Do thái giáo, tức là những lãnh tụ cao cấp nhất của Đạo.
- Chất vấn về điều gì ? Về quyền của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã đuổi những người buôn bán (phía trước, câu 12-13), đã chữa bệnh (câu 14) và nay đang giảng dạy (câu 23). Và tất cả những việc đó Ngài lại làm ngay trong Đền thờ, tức là ở một nơi chính thức nhất, nơi mà người ta coi là lãnh địa riêng của những lãnh tụ tôn giáo do thái. Ngài không phải là tư tế, không phải là kỳ mục và cũng không phải là kinh sư. Tại sao Ngài làm những việc đó, và làm ngay trong Đền thờ ?
- Động cơ của việc chất vấn : không phải chất vấn để tìm cho biết sự thật, mà chất vấn để bắt lỗi.
2. Phản ứng của Chúa Giêsu :
- Chúa Giêsu không trả lời mà hỏi ngược lại những kẻ chất vấn Ngài. Làm như thế, không phải là Ngài muốn tránh né vấn đề, mà là Ngài muốn họ suy nghĩ về một vấn đề căn bản hơn : chỉ vì ganh ghét nên họ đã không đón nhận lời rao giảng của Gioan và Chúa Giêsu. Nay họ phải suy nghĩ kỹ xem sứ mạng của Gioan và Ngài là do đâu : có phải do tham vọng cá nhân hay do chính Thiên Chúa ?
3. Kết cuộc : Họ không chịu suy nghĩ (vì không thích suy nghĩ vấn đề đó) nên đáp là không biết. Chúa Giêsu thấy họ không có thiện chí nên cũng không trả lời câu hỏi của họ.
 
B.... nẩy mầm.
1. Câu hỏi của Chúa Giêsu khiến các thượng tế và kỳ mục phải bối rối. Sự bối rối đó vạch trần lòng dạ cố chấp của họ không muốn tìm hiểu sự thật. Sự thật về phép rửa của Gioan chỉ thuộc một trong hai trường hợp : hoặc do Thiên Chúa hoặc do loài người. Nhưng họ không muốn tìm hiểu và không muốn trả lời. Nếu họ chịu tìm hiểu thì họ đã có câu trả lời và đã dám trả lời. Nhiều khi vì không muốn bỏ đi một thành kiến, chúng ta cũng không chịu khó tìm hiểu nên cũng rơi vào thái độ cố chấp tới nỗi mù quáng như vậy.
2. Có một số điều ta không thích nghĩ tới và không muốn đặt lại vấn đề, vì nếu làm thế thì ta phải sắp xếp lại cuộc sống, có thể phải từ bỏ những thói quen đã thành nếp, có thể phải khởi sự lại từ đầu. Thí dụ : cuộc sống hiện nay của tôi với những tương giao, những tham vọng, những thói quen... có gì không ổn không ? Có gì phải sửa đổi ? Có gì phải từ bỏ ? Phải cố gắng thêm gì ?... Ta không muốn nghĩ tới để ta có thể tiếp tục an phận. Nhưng Lời Chúa hôm nay mời ta can đảm đặt lại vấn đề. Có như thế ta mới đi đúng hướng và đời ta mới tốt đẹp hơn.
3. Bài đọc I là một câu chuyện rất hay nhắc nhớ chúng ta nên thoát khỏi thành kiến cố chấp, thoát khỏi danh lợi thú đang bịt mắt ta, và hãy nhìn ra sự thật : Balaam là một thày bói ngoại giáo rất nổi tiếng. Ông được kẻ thù của dân Do Thái ba lần thuê mướn với lễ vật hậu hỹ để ông đi trù ẻo người Do Thái. Cả ba lần ông đi đều bị con lừa của ông phá đám không cho thực hiện. Ông đánh nó, Chúa cho nó biết nói mắng lại ý đồ đen tối và sự tham lam của ông. Cuối cùng ông nhận ra sự thật và đi đến doanh trại người Do Thái để tuyên sấm ca tụng họ như nội dung của bài đọc một. Ông tiên báo một vì sao sáng sẽ mọc lên, một Phủ việt của nhà vua sẽ xuất hiện : Đức Giêsu Kitô.
4. Mầm khác :
 

 Thứ Ba

 

 Mt 21,28-32
 A. Hạt giống...
Dụ ngôn hai người con :
- Người con thứ nhất : Cha nó bảo nó đi làm vườn nho. Nó đáp không. Nhưng sau đó nó hối hận và đi làm. Đây là hình ảnh của lương dân : ban đầu không đáp lời mời gọi của Thiên Chúa, nhưng sau đó hối hận và làm theo lời Chúa dạy.
- Người con thứ hai : Khi cha nó bảo nó đi làm vườn nho, nó nhanh nhẹn thưa vâng, nhưng thực tế là không đi làm. Đây là hình ảnh của dân do thái, chỉ đáp ứng với Chúa bằng miệng chứ không thi hành.
Sau khi kể dụ ngôn, Đức Giêsu đánh giá :
- Đứa con thứ nhất (lương dân) mới là đứa thi hành đúng ý Thiên Chúa.
- Điểm đặc biệt là Đức Giêsu đã coi lương dân là đứa con thứ nhất, hơn cả dân do thái dù được Thiên Chúa kêu gọi trước nhưng chỉ được coi là đứa con thứ hai.
 
B.... nẩy mầm.
1. Thưa vâng với Chúa là việc rất dễ. Biết bao lần tôi đã thưa vâng với Ngài, thưa rất nhanh nhẹn, rất sốt sắng. Nhưng chỉ là thưa thế thôi, chứ thực sự là tôi đã không làm như tôi thưa. Đó là bởi vì hình như tôi chỉ sống đạo khi cầu nguyện, khi tĩnh tâm. Sau đó trở lại cuộc sống thì tôi quên hết những gì đã thưa và đã hứa với Chúa. Tôi giống như những nhà ngoại giao, những con buôn, và thậm chí hầu như tôi coi rẻ Chúa, tôi xí gạt Ngài.
2. Khi phân tích sâu hơn về thái độ của hai người con này, Đức Giêsu cho thấy vấn đề then chốt là hối hận và hoán cải : người con thứ nhất “sau đó hối hận” (câu 29) ; người con thứ hai “vẫn không chịu hối hận” (câu 32). Hoán cải là điều mà ai ai cũng phải thường xuyên làm. Mỗi lời Chúa mà chúng ta nghe đều chỉ cho ta thấy phải làm gì ; so lại với cách sống thì ta thấy mình đã không làm như thế ; ừ đó ta quyết tâm hoán cải để làm lại cho đúng ý Chúa. Đây chính là điều ta phải thường xuyên làm.
3. “Những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” : Tại vì họ biết mình tội lỗi. Biết mình tội lỗi thì dễ hoán cải hơn. Và vì hoán cải nên được vào Nước Thiên Chúa. Xin cho con biết thân con là kẻ tội lỗi.
4. Mùa đông năm 1982, một phản lực cơ Hoa kỳ bị chết máy đã đâm nhào xuống một dòng sông. Nhiều hành khách sống sót chơi vơi giữa dòng sông giá lạnh. Giữa những người bộ hành chứng kiến, một thanh niên bất chấp dòng nước lạnh đã phóng người xuống sông cứu vớt một thiếu phụ đang chới với trên sóng nước. Hành động này khiến Tổng Thống Reagan tuyên dương anh là anh hùng dân tộc. Khi được hỏi lý do việc liều mạng sống, anh trả lời “Tôi đã làm điều tôi phải làm”.
“Tôi đã làm điều tôi phải làm”, lời giải thích trên cũng có thể là lời tuyên tín sống động của những người không hề mang danh hiệu Kitô nhưng có lẽ lại sống tinh thần Kitô một cách sâu xa hơn những người vỗ ngực xưng mình là môn đệ Đức Kitô nhưng cuộc sống lại hoàn toàn là một phản chứng ("Mỗi ngày một tin vui")
5. Mầm khác :
 

 Thứ Tư

 

 Lc 7,19-23
 A. Hạt giống...
Gioan Tẩy giả là người dọn đường cho Đấng Messia nhưng đang bị Hêrôđê giam trong ngục tù. Ở trong tù, Gioan nghe biết hoạt động của Đức Giêsu. Một mặt ông nghĩ Ngài chính là Đấng Messia mà ông loan báo là sắp đến. Nhưng mặt khác, ông hơi nghi ngờ, bởi vì theo ông thì Đấng Messia là một quan tòa xét xử, trừng trị kẻ ác, thế mà ông chưa thấy Đức Giêsu xét xử và trừng trị ai cả. Vì thế ông sai môn đệ đến hỏi, xin Đức Giêsu nói rõ Ngài có phải là Đấng Messia phải đến hay không.
Đức Giêsu không trả lời thẳng, mà bảo các môn đệ Gioan về kể lại cho Thầy họ những điều họ đã thấy Đức Giêsu làm : cho kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, và kẻ nghèo được nghe Tin Mừng. Đây chính là hình ảnh Messia mà tiên tri Isaia đã mô tả. Nhưng không phải là một Messia thẩm phán, mà là một Messia Tôi Tớ phục vụ.
Đức Giêsu cũng biết rằng hình ảnh Messia Tôi tớ quá ngược với hình ảnh Messia Thẩm phán mà Gioan vẫn có trong đầu. Cho nên Ngài nhắn thêm với Gioan : “Phúc cho người nào không vấp ngã vì tôi”.
 
B.... nẩy mầm.
1. Chính Gioan Tẩy Giả mà còn nuôi một hình ảnh một Đấng Messia uy quyền xét xử và trừng trị kẻ gian ác, huống chi chúng ta. Chúng ta cũng nuôi một hình ảnh Thiên Chúa uy quyền, một hình ảnh Giáo Hội hiển hách. Vì thế chúng ta thường khoe với người khác về cách tổ chức, về những hoạt động, những thành tích v.v. của đạo. Chúng ta tưởng rằng như thế thì người ta sẽ mến và trọng Thiên Chúa và Giáo Hội của chúng ta.
Nhưng Đức Giêsu thì không muốn thế : Thiên Chúa mà Ngài trình bày là một Thiên Chúa nhân từ, yêu thương, tha thứ ; về bản thân thì Ngài muốn cho người ta thấy Ngài là Đấng Cứu Nhân Độ thế. Mà quả thật, những hình ảnh loại này mới có sức cảm hóa và thuyết phục người ta.
Nói cụ thể, thay vì phô trương cho người ta thấy những nét huy hoàng của đạo, thay vì cãi nhau với người ta để tôn cao Giáo Hội, chúng ta, qua cách sống và hành động của mình, hãy cho người ta thấy rằng chúng ta và Giáo Hội chúng ta tha thiết muốn làm cho kẻ điếc được nghe, kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, người bệnh được khoẻ, kẻ nghèo được ấm no, người khổ được an ủi v.v.
2. Mẹ Têrêxa Calcutta là người cho thế giới thấy rõ nhất hình ảnh Đấng Messia quan tâm cứu giúp những kẻ khốn khổ. Nhưng tiếc thay Mẹ Têrêxa không còn nữa ! Mà thế giới thì vẫn luôn cần có những người như Mẹ. Ước gì trong Giáo Hội nổi lên những Têrêxa Calcutta khác. Ước gì tôi cũng là một Têrêxa Calcutta khác.
3. “Hay là chúng tôi phải đợi một Đấng Messia khác” : nếu Giáo Hội không là một Messia cứu nhân độ thế, thì người ta sẽ đi tìm Đấng cứu nhân độ thế ở chỗ khác. Nếu cộng đoàn của tôi không phải là một nơi cứu nhân độ thế, thì người ta sẽ tìm đến những chỗ khác. Nếu tôi không phải là một người cứu nhân độ thế, thì dù tôi là Linh mục, tu sĩ hay kitô hữu, tôi cũng chẳng có giá trị gì cho người tôi mong đợi, người ta sẽ đi tìm một người khác.
4. Mùa Vọng là thời gian mong chờ Đấng Messia, và Giáo Hội muốn nói cho những người thời nay biết rằng họ có thể tìm thấy nơi chính Giáo Hội Đấng Messia mà lòng họ mong chờ. Nhưng liệu Giáo Hội có thuyết phục được họ không ?
5. Trong tác phẩm “Ngày của Đức Kitô chết” của Jim Bishop, có một đoạn mô tả những gì người do thái cảm thấy về việc Đấng Cứu Thế đến :
“Việc Đấng Cứu Thế đến là nỗi ám ảnh của cả một quốc gia, là niềm vui ngoài mức tưởng tượng, là hạnh phúc vượt khỏi niềm tin, là niềm an ủi cho những vất vả của con người , là hy vọng của dân đang bị xiềng xích tủi nhục. Đấng Cứu thế luôn là sự hứa hẹn cho buổi sáng ngày mai .” ("Mỗi ngày một tin vui")
6. Mầm khác :
 

 Thứ Năm

 

 Lc 7,24-30
 A. Hạt giống...
Đoạn Tin Mừng này nối tiếp đoạn hôm qua. Khi các môn đệ của Gioan Tẩy giả ra đi rồi, Đức Giêsu nhận xét về ông này :
- Gioan không là một người nhu nhược như cây sậy phất phơ trước gió, trái lại ông rất can đảm dám vạch tội vua Hêrôđê.
- Gioan không phải là một người tìm sống một cuộc sống tiện nghi ăn sung mặc sướng, trái lại ông sống rất thanh đạm và kham khổ.
- Gioan chính là một ngôn sứ, và còn hơn ngôn sứ, Gioan là dọn đường cho Đấng Messia.
 
B.... nẩy mầm.
1. Nếu Gioan chịu làm một cây sậy gió thổi chiều nào uốn theo chiều đó thì cuộc đời Gioan đã không bị gãy đổ, Hêrôđê sẽ ủng hộ Gioan, mọi người quý trọng Gioan và coi Gioan là chính Đấng Messia. Tóm lại Gioan sẽ được tất cả. Nhưng sứ mạng Gioan không hoàn thành.
Nhưng vì Gioan can đảm thi hành sứ mạng bất chấp những phong ba bão táp, nên ngài đã bị cầm tù, bị chém đầu và kết thúc đời mình trong ngục tù tăm tối, dưới tay một đứa con gái. Tuy nhiên chính vì thế mà Gioan trở thành “người cao trọng nhất trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ”.
Xin cho con can đảm trung thành với sứ mạng của con.
2. Để thi hành sứ mạng ngôn sứ của mình, Gioan chỉ cần giảng cho dân nghe thôi là đủ, tội gì phải vào sống trong hoang địa, tội gì phải ăn uống kham khổ bằng châu chấu và mật ong rừng, tội gì phải mặc áo bằng da thú thô sơ nhám nhúa ? Thưa vì Gioan không muốn giảng chỉ bằng lời mà còn bằng cách sống. Gioan giảng về sự sám hối, hoán cải, cho nên Gioan cần phải sống kham khổ như thế.
3. “Kẻ nhỏ nhất trong Nước Thiên Chúa còn cao trọng hơn Gioan” : một vị ngôn sứ cực nhọc dọn đường cho Đấng Cứu Thế, chịu sống kham khổ trong sa mạc, và chịu chết thê thảm vì sứ mạng của mình, thế mà còn không có phúc bằng tôi, một người sống thời Tân Ước !
Xin cám ơn Thánh Gioan Tẩy giả. Ngài đã chuẩn bị sẵn tất cả để cho con hưởng dùng.
Xin cám ơn Chúa đã đặc biệt ưu đãi con dù con không có công gì.
Xin cho con thực sự trở thành kẻ bé nhỏ trong Nước Chúa.
4. Mầm khác :
 

 Thứ Sáu

 

 Ga 5,33-36
 A. Hạt giống...
Đoạn Tin Mừng này là một phần của bài diễn từ Chúa Giêsu nói với những người do thái sau khi Ngài làm phép lạ chữa một người bất toại ở hồ Bétdatha.
Những người do thái ấy chống đối Đức Giêsu vì Ngài làm việc này trong ngày Sabbat. Đức Giêsu nói một bài diễn từ dài, đại ý là : sở dĩ Ngài làm việc trong ngày sabát là vì Ngài noi gương Thiên Chúa là Cha của Ngài (đoạn phía trước, các câu 19-20). Họ không tin và ngầm muốn Ngài có người làm chứng. Biết thế, Đức Giêsu đưa ra một người chứng, đó chính là Gioan Tẩy giả. Ngoài ra còn có một người chứng đáng tin hơn nữa, đó là chính Chúa Cha. Chính Chúa Cha đã sai Ngài và bảo Ngài làm những việc đó.
 
B.... nẩy mầm.
1. “Trong khi toàn bộ Thánh Kinh Cựu Ước đều loan báo về sự xuất hiện của Đấng cứu thế, nhưng vì thiếu đức tin và lòng đạo đức chân thành, các người do thái đã không thực sự nhìn thấy Thiên Chúa và lắng nghe lời Ngài qua khuôn mặt và lời nói của Chúa Giêsu, và do đó không đón nhận Ngài như Đấng được Thiên Chúa sai đến” ("Mỗi ngày một tin vui"). Tại sao có thảm kịch này ? Vì người do thái nuôi sẵn một hình ảnh về Đấng Messia, hợp với sở thích của họ. Cái hình ảnh ấy che mất hình ảnh đích thực của Đấng Messia. Ta thấy đó, người ta có thể đọc sách thánh mà không tìm thấy Thiên Chúa nhưng chỉ thấy chính mình.
2. Một thợ săn lạc trong rừng nhiều lần. Một người bạn mua cho anh một la bàn. Dù vậy, anh thợ săn trẻ vẫn bị lạc. Khi tìm thấy, người bạn hỏi xem anh có mang theo la bàn. Anh bảo có.
            - Tại sao anh không dùng nó ?
            - Tôi không dám. Tôi muốn đi về hướng Nam và cố giữ cho kim chỉ hướng Nam, nhưng không được. Nó luôn lắc quanh và chỉ hướng Bắc.
            Nhiều người mong Thánh Kinh chỉ hướng họ muốn đi, hơn là hướng Thánh Kinh muốn họ đi.(Góp nhặt)
3. Có lần, nhà văn Mark Twain nói : “Nhiều người lấy làm buồn phiền vì không hiểu một đoạn Thánh Kinh nào đó. Phần tôi, tôi thấy rằng những đoạn Thánh Kinh làm tôi bối rối nhất là những đoạn mà tôi cho là mình đã hiểu.”
4. Muốn đọc Sách Thánh mà thấy được Chúa, ta phải bỏ đi hết mọi thành kiến có sẵn, phải khiêm tốn để cho lời Chúa tra vấn mình, phải can đảm từ bỏ những gì Chúa đòi hỏi, và phải kiên trì thực hiện những điều Chúa dạy.
5. Mầm khác :

Sưu tầm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn