1
20:42 +07 Thứ bảy, 27/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 282

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 280


Hôm nayHôm nay : 31171

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 335293

Tổng cộngTổng cộng : 27889577

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » SUY NIỆM CHÚA NHẬT

Các bài suy niệm Chúa nhật II Phục sinh

Thứ bảy - 11/04/2015 17:11-Đã xem: 1059
Khi cảm thấy dễ chịu, chúng ta khá vui vẻ để mặc cho người khác đến gần mình. Nhưng khi đang khó chịu, chúng ta có khuynh hướng tự cắt đứt quan hệ với người khác. Không ai muốn người khác đụng chạm vào chỗ đau của mình. Chúng ta muốn được ở một mình. Mặc dù có thể hiểu được điều này, nhưng đó vẫn là một khuyết điểm. Làm sao có thể chữa lành những vết thương được, khi chúng ta không để cho ai nhìn thấy và đụng chạm vào những vết thương của mình?
Các bài suy niệm Chúa nhật II Phục sinh

Các bài suy niệm Chúa nhật II Phục sinh

PHÚC ÂM: Ga 20, 19-31

"Tám ngày sau Chúa Giêsu hiện đến".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con". Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại". Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Điđymô, không cùng ở với các ông khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: "Chúng tôi đã xem thấy Chúa". Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: "Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin".

Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: "Bình an cho các con". Đoạn Người nói với Tôma: "Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin". Tôma thưa rằng: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!" Chúa Giêsu nói với ông: "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin".   Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.   Đó là lời Chúa. 

 

Chú giải của Noel Quesson

Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở... Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà đó.
Trang Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta hai lần Đức Giêsu Phục sinh “hiện ra” cách nhau tám ngày. Tự nhiên chúng ta dễ để tâm chú ý dện lần hiện ra thứ hai với “Tôma” hơn, vì ta thường đồng hóa với ông, khi trên thực tế ta cũng thấy nơi mình một “kẻ hồ nghi”, một “kẻ cứng lòng tin” và có thể gặp được nơi ông một thứ biện minh cho thái độ thiếu đức tin của ta.
Nhưng dù có thông đồng với Tôma, ta cũng không thể bỏ qua việc đọc trọn vẹn bản văn trên.
Trước tiên, ta cần lưu ý, Đức Giêsu hằng sống thường hiện ra vào Chúa nhật, ngày thứ nhất trong tuần, đó có phải là điều ngẫu nhiên không? Ta quá biết rõ, thời đó các Kitô hữu tiên khởi đâu có ngày nào cũng họp nhau lại. Hằng ngày mỗi người đều phải lo sinh kế. Họ không thể luôn sống bên nhau. Vì thế, Đức Giêsu Phục sinh chỉ hiện “đến” trong khung cảnh buổi họp mặt hằng tuần của họ. Chúng ta có thể nhầm lẫn khi coi đức tin như một vân đề hoàn toàn “riêng tư” hay “cá nhân”: ta thấy rằng sự hiện diện của Đức Kitô Phục sinh đăc biệt được nhận biết, thấu cảm, và xác nghiện trong khuôn khổ một cuộc gặp gỡ tập thể. Họ cùng hiện diện với nhau, tập họp chung ‘trong Giáo Hội’.
Các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông.
Vào lúc thánh Gioan viết những dòng trên. Giáo hội đang gặp sợ hãi và bách hại. Các môn đệ Đức Giêsu đã có thói quen tụ họp này tại nhà ông này, mai tại nhà ông khác. Họ đón tiếp nhau. Họ kiểm tra lẫn nhau: có những người rút lui, có những kẻ bồ đức tin, bỏ nhóm. Họ đâm hoảng sợ. Họ đóng kín cửa. Nhưng giờ đây mỗi Chúa nhật như “Chúa nhật đầu tiên” này, “dấu chỉ” bữa tiệc ly lại được cử hành và một cách huyền nhiệm, Đức Giêsu lại lướt qua những kẻ thuộc về Người, trong “nơi mà họ hiện diện” tại Êphêxô, Côrintô, Giêrusalem, Rôma. Đúng vậy mỗi Chúa nhật là ngày Phục sinh! Chúa vẫn luôn hiện diện giữa cuộc sống chúng con. Chính Chúa làm cho chúng con sống động, dù không thấy Chúa nhưng chúng con vẫn tin.
Lạy Chúa, ngày nay chúng con cũng dễ khóa chặt cửa lại vì sợ hãi, khi Thánh Thần Chúa thổi đến, xin cho những bức tường vây hãm chúng con sụp đổ, để chúng con trở lại thời ca vang: Nào ta hãy mở rộng cửa cho Đức Kitô Phục sinh.
Trước khi đi xa hơn trong việc suy niệm đoạn tin Mừng trên, chúng ta tự hỏi Đức Giêsu muốn giải thoát để phục sinh chúng ta khỏi những tình trạng nào? Khỏi tình trạng bí bức không lối thoát, khỏi tình trạng sợ hãi, đóng cửa cài then, khỏi tình trạng “nguy tử” cho mình? Đó có thể là tội lỗi, thử thách về sức khỏe, đau đớn và thất vọng, khó khăn thuộc phạm vi gia đình, nghề nghiệp. Đó là “Nơi các môn đệ đang hiện diện: đóng cửa cài then!”
Người nói với các ông: “Chúc anh em được bình an”. Thế rồi, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: “Chúc anh em được bình an!”.
Niềm vui Phục sinh, niềm vui Kitô hữu, trước hết không phải là niềm vui dễ dàng, niềm vui tự phát; nghĩa là niềm vui tự nhiên làm ta thấy phấn khởi khi mọi sự đều ổn thỏa, tình trạng sức khỏe khả quan, “tuổi trẻ” vẫn tràn đầy sinh lực, công việc đều thành công, tương quan bạn hữu và gia đình luôn thoải mái. Nhưng niềm vui Phục sinh là niềm vui đến ‘sau' sự sợ hãi! Đó là niềm vui và sự bình an khơi dậy từ một tình trạng hoàn toàn tuyệt vọng (từ cái chết của một kẻ bị đóng đinh) mà từ đó trở đi không có gì để cướp đi khỏi họ niềm vui này: đó là niềm vui và sự bình an phát xuất từ “lòng tin” vào Đức Giêsu. Cũng như ngày thứ nhất trong tuần đó, mỗi buổi họp mặt Chúa nhật, Đức Giêsu đều chúc bình an cho ta, qua tiếng nói của Linh mục: “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em” và Công đồng Vatican II đã tái lập truyền thống xưa “hôn chúc bình an”: các Kitô hữu được mời gọi trao bình an cho nhau, nhân danh Đức Kitô: bắt tay nhau, ôm hôn, mỉm cười với nhau và chào chúc: “Bình an Đức Kitô. Đó không phải là cử chỉ tầm thường, nhưng là “trở nên Đức Kitô” đối với người gần cận của mình; “khi nhiều người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy hiện diện ở đó giữa họ”
Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì bây giờ Thầy cũng sai anh em.
Đó! Chúng ta đâu có thể tưởng tượng được một lời nói như vậy! Thế mà chính Đức Giêsu lập lại cho ta. Tôi là một con người đâu có ra gì, thế mà lại trở nên Đức Giêsu, được sai gởi đến với anh em tôi y như Người đã được “Chúa Cha” sai gởi đến trần gian. Chúng ta đừng lướt qua nhanh những lời trên. Cũng đừng vội vàng gán cho Tôma là kẻ cứng lòng tin. Hãy dừng lại nơi những lời nói trên đây của Đức Giêsu. Ta hãy hiểu biết trách nhiệm trọng đại mà Người trao phó cho ta: “sứ vụ” của Đức Kitô được trao phó cho Giáo Hội và một phần cho tôi. Tôi được Đức Giêsu “sai đi” như Đức Giêsu được Chúa Cha “sai đến”. Một lần nữa tôi phải tìm hiểu ý nghĩa của hai từ trên: “sứ vụ” có nghĩa là “sự sai đi” (bởi tiếng La tinh là “missus”) và “tông đồ” có nghĩa là “kẻ được sai đi” (bởi tiếng Hy Lạp là ‘apostolos’). Khi tôi gặp một người nào trong công việc làm ăn, trong môi trường sống của tôi, thì không phải chỉ nhân danh cá nhân, hay vì lợi ích riêng của tôi, mà chính vì tôi được Đức Kitô sai đến? Tôi phải truyền thông cho bạn một sứ điệp của Đức Giêsu: chính Người nói với bạn những gì tôi sẽ nói với bạn; Người luôn “sống động” trong tôi. Tôi là “miệng lưỡi” của Người, là “thân thể” Người, kề cạnh bạn, để thông tỏ cho bạn tình yêu của Chúa Cha.
Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”.
Đó là việc ban Thánh Thần, một cuộc “tạo thành mới”: Thần Khí của Đức Giêsu được thông truyền cho các môn đệ. Đức Giêsu đã chết “đã tiến về gặp gỡ Chúa Cha” các Kitô hữu tiếp tục công trình của Người. Họ sẽ mang hơi thở sống động của Người, mang Thần Khí Người. Họ sẽ tiếp tục thể hiện những việc làm của Người. Sau này thánh Phaolô sẽ nói: “Anh em là thân hình Đức Ki tô. Anh em là Đền thờ của Thánh Thần”. Còn thánh Gioan cho ta biết, Đức Giêsu lập lại cử chỉ của Thiên Chúa Đấng tạo thành trong sách Sáng thế (St 2,7): “Lạy Thánh linh tạo dựng, xin hãy đến!”.
Đối với Gioan, việc Thánh Thần ngự đến đã xảy ra vào chiều ngày Phục sinh: hoạt động cốt thiết của Đức Giêsu sau khi chiến thắng tử thần, là thông ban “Thánh Thần, Đấng đã Phục sinh Đức Giêsu từ cõi chết” (Rm 8,11). Trong kinh Tin kính đó là điều cốt yếu ta kháng định về Thánh Thần: “Người là Thiên Chúa, và là Đấng ban sự sống”. Thần Khí được trao ban cho các môn đệ ngay buổi chiều ngày Phục Sinh, sẽ hiện lộ ngời sáng trên công trường năm mươi ngày sau đó, vào ngày lễ Ngũ tuần. Đó là thần khí của Thiên Chúa vừa mới thành công rực rỡ, ta dám nói như thế - khi giật Đức Giêsu ra khỏi quyền lực tử thần, và mạc khải Ngài như con Thiên Chúa, nhờ cuộc Phục sinh. “Xét như Đấng đã được Thần Khí thánh hóa, Người đã được đặt làm con Thiên Chúa với tất cả quyền năng, do việc Người từ cõi chết sống lại” (Rm 1,4).
Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha.
'Thắt buộc” và “tháo cởi”, “tha giải” và “cầm giữ”. Kiểu nói này là một hình thức văn phạm của tiếng Aramên: theo đó, người ta dùng hai từ nghịch nghĩa nhau để xác nhận một thực tại cách mạnh mẽ hơn, và để nhấn mạnh tới từ mang tính “tích cực”. Như thể, khi trao ban cho các môn đệ Thần Khí Ngài, Đức Giêsu cũng thông nho họ quyền tháo gỡ con người khỏi sự ác: kể từ đó, ngay tại trần gian, các ông trở nên những kẻ mang” tình xót thương của Thiên Chúa cho mọi người, cũng như Đức Giêsu đã trở nên hiện thân của tình thương đó! “Như Chúa Cha đã sai Thầy thì bây giờ Thầy cũng sai anh em”. Người Kitô hữu cũng được trao ban cho chính sứ vụ mà Đức Giêsu đã tuyên bố là của Người, trong Hội đường Nagiarét, vào lúc khởi đầu tác vụ: “Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố một năm hồng ân của Chúa, trả lại tự do cho người bị áp bức” (Lc, 4,18-19). Tôi có mang thần khí đó, Thần khí giải phóng, Thần khí ban sự sống, Thần khí yêu mến và tha thứ nhân danh Đức Giêsu không? Tha thứ là một ân huệ Phục sinh.
Một người trong nhóm Mười Hai, nên là Tôma, không có mặt khi Đức Giêsu đến. Ông nói: “Nếu tôi không thấy... tôi chẳng có tin”.
Đó là “con người chậm trễ”. Sau buổi lễ gặp mặt, ông mới tới. Trong Tin Mừng, Tôma luôn là người chỉ tin vào lương tri của mình, là người thiết thực nên nghi ngại cả thái độ liều lĩnh của Đức Giêsu: “Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu? (Ga. 14,15). Khi Đức Giêsu nói đến sự phục sinh cho Lagiarô, thì Tôma chỉ thấy trước mắt cái chết (Ga 11,15-16).
Tám ngày sau... Đức Giêsu lại đến và nói: “Đặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy, đừng cứng lòng tin nữa”.
Một tuần. Tôi thấy như Đức Giêsu đang mỉm cười hóm hỉnh trao đổi với Tôma. Người có vẻ đang nói với ông: “Này anh bạn, bạn tưởng tôi đã chết và khuất mặt, khi bạn bày tỏ thái độ không tin. Nhưng tôi vẫn hiện diện lúc đó, cách vô hình, chứng kiến các bạn nói chuyện với nhau. Tuy nhiên, lúc đó tôi không tỏ mình ra với các bạn”. Đó là thái độ kiên nhẫn của Thiên Chúa. Người đã chọn thời gian của Người.
Ong Tôma thưa Người: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con!”
Đó là tiếng kêu diễn từ một lòng tin của con người đã đòi “chạm, thấy”. Ong đã hiểu được Đức Giêsu cho dù không hiện hình, vẫn có đó! Người hiện diện cả vào giờ phút ông nghi ngờ.
Vì thấy Thầy, nên anh đã tin. Phúc thay những người không thấy mà tin.
Đó là mối phúc, mối phúc cuối cùng. Những thực tại cao siêu nhất của Thiên Chúa, ta không thể tự mình thấy được. Chỉ có “đức tin” dẫn đưa chúng ta tiến sâu vào những thực tại đó. Và đó chính là hạnh phúc đích thực!



 

Tôma và con mắt thứ ba

Cách xử sự của Tôma cũng là cách xử sự thông thường của nhiều người. Người ta chỉ chấp nhận là có thật những gì mà người ta có thể xem bằng mắt, bắt bằng tay, những gì cân, đo, đong, đếm... được. Còn những gì người ta không thấy, bị xem như là không có. Khi tôi hỏi bạn bè: Tại sao bạn không tin Thiên Chúa, không tin có linh hồn, không tin có sự sống đời sau? Họ trả lời thật đơn giản: “Có thấy đâu mà tin!”
Thế nhưng, có nhiều điều chúng ta không thấy nhưng chúng ta vẫn phải nhận là chúng hiện hữu. Người ta không thể nhìn thấy tình mẫu tử nơi người mẹ, không nhìn thấy ý chí kiên cường nơi bậc anh hùng, không nhìn thấy trí khôn tuyệt vời của nhà khoa học (bởi vì tình yêu, ý chí, trí tuệ... là những thực tại vô hình, không màu sắc, không trọng lượng, không khối lượng)... nhưng không ai dám phủ nhận rằng những thực tại nầy không có.
Với đôi mắt trần nầy, tầm nhìn của người ta rất hạn hẹp, như “ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung”.
Với đôi mắt trần nầy, chúng ta chỉ nhận thấy một ít sự vật phù du mà thôi. Còn những điều quan trọng, những điều chính yếu thì không thể nhận thấy. Nhà văn Saint-Exupéry đã khám phá ra điều nầy, ông viết: “L'essentiel est invisible pour les yeux” (Thực tại thiết yếu thì mắt trần không thấy được). Do đó, nhân loại cần đến những con mắt khác, những con mắt thứ ba để nhận thức những thực tại cao siêu. Con mắt nầy giúp người ta nhìn xa, nhìn rộng, nhìn sâu, nhìn thấy điều thiết yếu, nhìn thấy chân lý...
Con mắt thứ ba của các nhà vi trùng học là ống kính hiển vi. Nhờ con mắt nầy, nhà nghiên cứu có thể nhìn thấy vi trùng và những siêu vi cực nhỏ... Con mắt thứ ba của các nhà thiên văn là ống kính thiên văn, nhờ đó các nhà khoa học có thể thấy được những ngôi sao cách mặt đất đến mười tỉ năm ánh sáng... Con mắt thứ ba của các nhà quân sự là màn ảnh ra-đa, là vệ tinh quan sát... Chúng giúp các nhà quân sự nắm rõ địa hình cũng như các bí mật quân sự của đối phương nhằm đạt tới chiến thắng.
Trong Phật giáo, con mắt thứ ba của nhà tu hành đạt đạo là 'huệ nhãn', giúp người ta thấy được những thực tại tâm linh siêu hình. Đối với Đức Giêsu, con mắt thứ ba mà Ngài mong muốn các môn đệ Ngài phải có là Đức Tin. Nhờ “Con Mắt Đức Tin”, nhân loại có thể nhận ra Thiên Chúa là Cha yêu thương, nhận ra Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ, nhận ra mình có hồn thiêng bất tử, biết mình có cuộc sống mai sau, có thiên đàng hoả ngục...
Tông đồ Tôma chưa có con mắt thứ ba. Anh chỉ tiếp cận với thế giới qua đôi mắt trần. Anh chủ trương chỉ những gì được xem thấy tận mắt, được sờ tận tay... mới là điều có thực. Chính vì thế, khi nghe các môn đệ bảo anh: “Nầy Tôma, Thầy đã sống lại và đã hiện ra với chúng tôi”, Tôma cho là chuyện đùa.
Cho dù Tôma có thấy Chúa tận mắt đi nữa, chắc gì anh đã tin, vì biết đâu đó chỉ là bóng ma của Chúa Giêsu hiện về. Anh đòi phải kiểm chứng bằng cách xỏ ngón tay vào lỗ đinh, đặt bàn tay vào cạnh sườn... thì anh mới tin! Chúa Giêsu không hài lòng với quan điểm đó. Ngài nói: “Tôma, vì anh đã thấy Thầy nên anh mới tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin.”
Như thế, phúc cho những ai không dùng đôi mắt trần, nhưng dùng con mắt thứ ba, “Con Mắt Đức Tin” để nhận ra Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa luôn tuyên dương những ai có Đức Tin vì đó là con mắt tối cần giúp thấy được những thực tại siêu nhiên và đạt tới ơn cứu độ. Chúa luôn khiển trách các môn đệ khi các ông yếu lòng tin. Chúa buồn phiền vì dân chúng thiếu lòng tin. Chúa khiển trách Tôma là kẻ cứng lòng tin. Xin khai mở cho chúng con con mắt thứ ba, con mắt Đức Tin, để chúng con nhận biết Thiên Chúa Cha là Cha yêu thương, nhận biết Đức Giêsu là Đấng cứu độ nhân loại và nhận biết Thánh Thần Chúa là Đấng thánh hoá mọi người, cùng nhận biết mọi người là anh em thật của chúng con trong Chúa Kitô. Amen.


Bình an

Bài Phúc Âm hôm nay là bài đọc chung cho cả ba chu kỳ A, B, C, vì trong đó thánh Gioan đặt thời điểm rõ ràng là tám ngày sau lễ Phục sinh. Chiều ngày lễ Phục sinh, Chúa Giêsu đã hiện ra với các tông đồ, nhưng thánh Tôma lại vắng mặt. Khi ông về, các tông đồ kể lại cho ông nghe biết việc Chúa Kitô đã Phục sinh, nhưng ông không tin và còn thách thức: “Nếu tôi không nhìn dấu đinh ở tay Ngài, nếu tôi không thọc ngón tay tôi vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay tôi vào cạnh sườn Ngài thì tôi không tin”. Chiều ý thánh Tôma, một tuần lễ sau vào chiều Chúa nhật, Chúa Giêsu hiện ra một lần nữa với các tông đồ và có Tôma ở đó. Tôma đã thấy Chúa và ông đã tin Chúa Kitô Phục sinh.
Dựa vào câu chuyện trong Phúc Âm, người ta chỉ thấy sự cứng lòng tin của thánh Tôma. Như thế, hai chữ Tôma từ đó đã trở thành đồng nghĩa với sự cứng lòng tin và dường như đã trở thành một danh từ chung để chỉ những người không chịu tin một cách dễ dàng vào những chân lý hiển nhiên nào đó. Trường hợp đó người ta hay gọi ông là Tôma, và công khai hơn trong một kinh nổi tiếng mà Giáo hội hay đọc hoặc hay hát khi chầu Thánh Thể trong đó có câu: “Nay dầu không thấy Chúa, tôi như thánh Tôma thuở trước, nhưng tôi cũng xưng ra thật, Chúa thật là Chúa Trời tôi”.
Khi đọc hoặc hát lên câu kinh đó, dù muốn dù không. Giáo hội đã nhắc công khai sự cứng tin của thánh Tôma. Tội nghiệp cho thánh Tôma, ngài đã đi vào lịch sử với sự cứng lòng tin nối tiếp của ngài. Hôm nay, để công bằng, chúng ta hãy có một cái nhìn về phía những người khác, về phía các tông đồ khác để biện hộ cho Tôma một chút kẻo tội nghiệp, Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế đã bị đóng đinh vào thập giá, đã bị giết chết thực sự nhưng biến cố quan trọng nhất là Ngài đã sống lại và hiện ra với các tông đồ. Chúa sống lại là một sự kiện vô tiền khoáng hậu, một biến cố có một không hai, biến cố đó chắc chắn phải mang cho các tông đồ một niềm vui khôn tả, vì đó là một biến cố không thể tưởng tượng được.
Với kinh nghiệm của niềm vui to lớn đó, tâm hồn các ông và cả sự sống các ông phải thay đổi hẳn. Niềm vui được đối diện với Chúa Kitô Phục sinh, niềm vui có một không hai quanh các tông đồ để người khác cũng được vui mừng và tin tưởng như các ông. Trong trường hợp cụ thể này, niềm vui được thấy Chúa sống lại của các tông đồ phải thay đổi Tôma, người đã chẳng may mắn gặp mặt Chúa lúc Chúa hiện ra chiều ngày thứ nhất trong tuần. Nhưng tại sao Tôma vẫn ở trong tình trạng không tin khi được nghe kể lại, cho đến một tuần sau đó khi được diện đối diện với Chúa Giêsu thì ông mới tin.
Các tông đồ kia đã làm chứng về Chúa Kitô Phục sinh như thế nào? Có lẽ vì sợ sệt, trốn tránh mà các ông đã làm cho Tôma vẫn còn nghi ngờ. Các ông có phần trách nhiệm của mình đối với sự cứng lòng tin của Tôma. Vậy, chúng ta là Kitô hữu, là người Công giáo, chúng ta có bổn phận làm chứng cho Chúa Kitô Phục sinh đối với thế giới xung quanh chúng ta.
Ít nhất mỗi ngày Chúa nhật khi dâng Thánh Lễ, chúng ta cùng nhau tuyên xưng: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến”. Vậy chúng ta đã tuyên xưng việc Chúa Kitô Phục sinh như thế nào trong đời sống của mình, trong cách cư xử với tất cả mọi người, trong cách đương đầu với mọi hoàn cảnh để mọi người nhìn vào chúng ta mà tin tưởng, ngợi khen Thiên Chúa Cha ở trên trời, “Đấng đã yêu thương chúng ta đến nỗi đã ban Con Một của Ngài cho chúng ta là Đức Giêsu Kitô” để mang ơn cứu độ cho chúng ta. Mỗi người trong chúng ta có trách nhiệm đem niềm tin, niềm vui và hy vọng đến cho anh chị em của mình bằng cách sống đức tin của mình hằng ngày. Đó là cách chúng ta làm chứng nhân cho Chúa Kitô Phục sinh.
Để có việc làm cụ thể trong tuần này, mỗi người chúng ta hãy cố gắng không than trách vì nghịch cảnh mà chúng ta đang gặp phải trong đời sống của mình. Để làm chứng cho việc tin vào Chúa Kitô Phục sinh, Ngài sẽ biến đổi tất cả thành ân phúc cho cuộc sống trường cửu của tôi. Nếu có dịp, tôi sẽ chia sẻ với gia đình, với bạn bè tôi niềm vui sự đổi mới mà Chúa Kitô Phục sinh đã gây ra trong tâm hồn tôi. 
[Mục Lục]
 
 

Tin

Ngày nọ, nhà của một vị tu sĩ bốc cháy. Để được an toàn, thầy vội leo lên mái nhà. Các bạn hữu tụ tập bên dưới rất lo lắng vì mạng sống thầy chỉ còn “ngàn cân treo sợi tóc”. Họ liền căng một tấm thảm, giữ lấy bốn góc rồi giơ cao và hô lớn:
- Nhảy đi, thầy nhảy xuống đi!
Thầy Nasruddin nói:
- Không được, tôi không nhảy đâu. Thế nào các anh cũng rút tấm thảm đi, để biến tôi thành một trò hề!
- Ôi, thầy ơi! Không phải trò đùa đâu, thầy nhảy mau đi!
Thầy Nasruddin vẫn ngoan cố:
- Không! Tôi chẳng tin ai cả. Cứ trải thảm xuống đất đi, tôi sẽ nhảy.
Bài Tin Mừng này khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều.
Điều thứ nhất khiến tôi suy nghĩ là điều kiện mà Tôma đặt ra: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Ngài, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Ngài thì tôi không tin”. Mặc dù xem ra Đức Giêsu không tán thành thái độ của Tôma, nhưng trong thâm tâm tôi, tôi vẫn tán thành, bởi vì đó là thái độ của người chín chắn, cẩn thận, không nhẹ dạ. Trong những giao tế xã hội, tôi vẫn giữ thái độ cẩn thận ấy. Chẳng hạn khi tôi đi mua hàng, tôi không thể chỉ dựa vào những lời quảng cáo của người bán hàng để rồi mau chóng tin theo mà bỏ tiền ra mua ngay một món hàng mà tôi chưa thử. Huống chi câu chuyện mà Tôma nghe các bạn thuật lại là một chuyện: “động trời” chưa bao giờ xảy ra: một người chết sống lại! Đòi hỏi phải kiểm nghiệm xong rồi mới tin là một đòi hỏi hợp lý.
Nhưng khi tôi tán thành với Tôma, phải chăng là tôi không tán thành với Đức Giêsu? Ngài đòi tôi “không thấy mà tin”. Phải chăng Ngài đòi hỏi một điều không hợp lý?
Suy nghĩ thêm, tôi mới hiểu rằng: tương quan giữa những người yêu thương nhau, không nên cái gì cũng đối xử với nhau bằng lý, mà phải đối xử với nhau bằng tình. Thí dụ cha mẹ nói với đứa con rằng “Con đừng thọc tay vào ổ điện nhé, điện giật chết đấy!” Nếu đứa con không tin, đòi thử nghiệm xong rồi mới tin thì nó sẽ ra sao? Nó phải tin cha mẹ chứ, vì nó biết cha mẹ yêu thương nó. Vì Đức Giêsu yêu tôi nên Ngài có quyền đòi hỏi cao hơn sự hợp lý, Ngài có quyền đòi hỏi sự hợp tình.
Tôi cũng suy nghĩ về chữ “phúc” trong câu Đức Giêsu nói với Tôma: “Phúc cho những ai không thấy mà tin”. Đọc Tin Mừng theo thánh Matthêu, tôi đã biết có tám mối phúc. Bây giờ tôi biết thêm mối phúc thứ chín nữa. Tại sao không thấy mà tin thì có phúc? Tôi nghĩ rằng hạnh phúc thường đi đôi với tình yêu. Khi yêu ai thì người ta dễ tin vào người ấy. Tin thể hiện yêu, và chính vì yêu nên hạnh phúc. Đến đây tôi khám phá một dây liên hệ giữa ba điều: Yêu – Tin – và Hạnh phúc.
Và kết luận tôi rút ra được từ bài Tin Mừng này là:
- Trong tương quan với những người không thân thiết lắm, tôi có thể cẩn thận đòi hỏi sự hợp lý.
- Nhưng trong tương quan với những người thân yêu, tôi phải cư xử sao cho hợp tình.
- Nhất là trong tương quan với Chúa, tôi phải tin Ngài để chứng tỏ là tôi yêu Ngài. Và nếu tôi tin yêu Ngài như thế thì tôi là người hạnh phúc

 
Sưu tầm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn