1
08:38 +07 Thứ hai, 29/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 292


Hôm nayHôm nay : 29121

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 419208

Tổng cộngTổng cộng : 27973492

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » SUY NIỆM CHÚA NHẬT

Suy niệm Chúa nhật 6 TNB và Xuân Ất Mùi

Thứ bảy - 14/02/2015 07:32-Đã xem: 1060
Anh em thân mến, dầu anh em ăn, dầu anh em uống, dầu anh em làm việc gì khác, anh em hãy làm mọi sự cho sáng danh Chúa. Anh em đừng nên cớ cho người Do-thái, dân ngoại hay Hội thánh của Thiên Chúa phải vấp phạm. Như tôi đây, tôi cố làm hài lòng mọi người trong mọi sự, không tìm điều gì lợi ích cho tôi, nhưng tìm điều lợi ích cho nhiều người, để họ được cứu rỗi. Anh em hãy noi gương tôi, như tôi đã noi gương Đức Kitô
Suy niệm Chúa nhật 6 TNB và Xuân Ất Mùi

Suy niệm Chúa nhật 6 TNB và Xuân Ất Mùi

PHÚC ÂM: Mc 1, 40-45

"Bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. 
Khi ấy, có một người bệnh cùi đến van xin Chúa Giêsu và quỳ xuống thưa Người rằng: "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch". Động lòng thương, Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy và nói: "Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh". Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch. Nhưng Người nghiêm nghị bảo anh đi ngay và dặn rằng: "Anh hãy ý tứ đừng nói cho ai biết, một hãy đi trình diện cùng trưởng tế và dâng của lễ theo luật Môsê để minh chứng mình đã được khỏi bệnh". Nhưng đi khỏi, người ấy liền cao rao và loan truyền tin đó, nên Chúa Giêsu không thể công khai vào thành nào được. Người dừng lại ở ngoài thành, trong những nơi vắng vẻ, và người ta từ khắp nơi tuôn đến cùng Người. Đó là lời Chúa.

 


“Hãy sống đẹp cho nhau”

Cuộc sống hôm nay rất cần cái đẹp. Cái đẹp cho bản thân như ăn ngon mặc đẹp. Cái đẹp cho tha nhân như một cử chỉ đẹp, một phong cách đẹp, một lời nói làm đẹp lòng người. Nhà văn Tolstoy đã kể lại một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời ông như sau: Một hôm, ông đang ngồi nghỉ mát trên ghế đá công viên, từ xa có một người quần áo rách nát tả tơi đến gần và ngả mũ xin ông giúp đỡ. Thấy cảnh cơ cực, nhà văn liền thò tay vào túi định lấy tiền giúp cho người hành khất. Thế nhưng, ông đưa tay tìm hết túi này đến túi kia cũng không kiếm được một đồng nào trong túi. Bấy giờ ông nhìn người ăn xin và nói trong sự hối tiếc: “Này người anh em! Xin thứ lỗi cho tôi. Rất tiếc là hôm nay tôi không mang theo một đồng nào trong túi”. Nghe lời nói chân tình đó, người ăn xin không buồn mà còn nở nụ cười rạng rỡ trên môi và nói: “Không đâu thưa ông. Hôm nay ông đã cho tôi một món quà quý báu còn hơn cả tiền bạc. Đó là ông đã không khinh dể tôi mà còn coi tôi như người anh em của ông”.

Bài Phúc âm hôm nay, thánh Marcô cũng tường thuật lại một cử chỉ đẹp mà Chúa Giêsu đã dành cho người bệnh phong hủi nan y. Ngài đưa tay chạm vào thân thể lở loét của anh. Một thân thể hôi hám và dơ bẩn mà người đời đã xa tránh. Hành động này không chỉ nhằm mục đích chữa bệnh cho anh mà còn xoa dịu nỗi đau trong lòng của anh. Anh bị người đời khinh chê. Anh bị xã hội loại trừ. Người đời xếp anh vào hàng tội nhân bị Thiên Chúa giáng hoạ. Khi chạm đến thân thể anh, Chúa Giêsu cũng chạm đến tâm hồn anh. Anh được chữa lành cả hồn lẫn xác. Thân xác anh khoẻ mạnh. Danh dự của anh cũng được phục hồi. Tâm hồn anh cũng bình an và tươi vui. Từ nay anh không bị người đời xa lánh, khinh chê. Từ nay anh không còn tủi hổ vì phận số bất hạnh của mình. Qua Chúa Giêsu, anh được cộng đồng đón nhận. Nhờ Chúa Giêsu, anh được xã hội nhìn nhận. Xã hội không còn lý do để khinh chê hay loại bỏ anh ra bên lề xã hội. Giờ đây anh có thể sống tươi vui như bao con người khác trong xã hội. Anh không còn mặc cảm về bệnh tật. Anh không còn mặc cảm bị khinh chê. Anh được quyền sống như bao con người khác, được tôn trọng và yêu thương.

Có ai đó đã từng nói rằng: “một lời nói hay không bằng một cử chỉ đẹp”. Cuộc sống sẽ hạnh phúc hơn khi mỗi người biết làm đẹp lòng nhau. Cuộc sống sẽ bớt đi những tủi hờn, những cô đơn và thất vọng nếu chúng ta biết sống đẹp với nhau. Đừng chơi xấu, đừng loại trừ nhau, nhưng hãy đón nhận nhau. Cuộc sống sẽ vơi đi những nỗi sầu khổ đắng cay nếu mỗi người chúng ta biết đối xử đẹp với nhau.

Thế nhưng, giữa cuộc đời hôm nay vẫn còn đó những lối sống tiểu nhân tầm thường, nên vẫn còn đó những oan ức, những giọt nước mắt đắng cay vì tình người phụ bạc, vì tình đời thay trắng đổi đen. Cuộc sống hôm nay vẫn còn đó những lối sống kém văn hoá, những cư xử thấp hèn nên vẫn còn đó những ứng xử thô lỗ, cộc cằn, những hành vi phi nhân và bất nghĩa.

Ước gì mỗi người chúng ta hãy can đảm loại bỏ những hành vi thô lỗ, cộc cằn, những hành xử thiếu văn hoá khởi đi từ chính gia đình chúng ta. Mỗi thành viên trong gia đình hãy biết dâng tặng cho nhau những cử chỉ đẹp như: sự quan tâm, sự khiêm tốn, ôn hoà và hiền hậu với nhau. Chúng ta không thể “khôn nhà dại chợ”, sống tốt với hàng xóm mà cư xử tệ với anh em. Chúng ta không thể sống trọn vẹn đức ái Kitô giáo nếu chúng ta không yêu mến gia đình chúng ta. Đức ái luôn mời gọi chúng ta phục vụ nhau một cách quảng đại, hy sinh và quên mình. Đức ái mời gọi chúng ta sống khiêm nhu, hiền lành và nhẫn nại với nhau. Đức ái bao hàm sự bao dung và đón nhận nhau trong yêu thương và tha thứ. Đức ái không cho phép chúng ta loại trừ hay tẩy chay nhau. Đức ái mời gọi chúng ta dâng tặng cho nhau những nghĩa cử yêu thương làm đẹp lòng nhau.

 

Chúa Giêsu năm xưa đã đưa tay chạm đến người bệnh để chữa lành cho anh. Ngài có thể phán một lời thì con người anh có thể lành lặn. Thế nhưng, Chúa đã sử dụng đôi tay để trao ban tình yêu và sự quan tâm trìu mến dành cho anh. Phải chăng, Ngài cũng muốn chúng ta hãy tiếp tục trao ban cho nhau những nghĩa cử yêu thương nồng ấm tình người? Ước gì từng người chúng ta hãy biết dâng tặng cho nhau những nghĩa cử yêu thương, những lời nói dịu dàng, những hành vi bác ái và vị tha. Ước gì lối sống đẹp của chúng ta sẽ là dấu chỉ chứng nhân tin mừng cho thế giới hôm nay. Amen
 


BỆNH PHONG TÂM HỒN

Thời xưa, bệnh phong là một bệnh nan y, bị mọi người kinh tởm xa lánh. Trong đạo Do thái, người mắc bệnh phong bị gạt ra ngoài lề xã hội. Họ không được sống chung với thân nhân trong xóm làng, nhưng bị xua đuổi ra ngoài đồng ruộng, vào trong rừng núi hay trong sa mạc. Họ phải ăn mặc rách rưới. Đi đến đâu cũng phải kêu to lên: “Ô uế, ô uế”, cho mọi người biết mà xa tránh. Ai tiếp xúc với người bệnh phong đều bị coi là ô uế. Ai đụng chạm vào người bệnh phong bị con như mắc tội rất nặng. Chẳng ai dám đến gần người bệnh phong. Người bệnh như thế, không những bị những vết thương trên thân xác hành hạ đau đớn mà còn bị những nỗi đau, nỗi nhục trong tâm hồn dằn vặt khổ sở. Họ bị xã hội khinh khi loại trừ. Họ bị một mặc cảm chua chát dày vò. Nhân phẩm không được tôn trọng, họ sống mà bị con như đã chết. Nhưng chưa chết được, họ vẫn phải tiếp tục sống để chịu những nỗi đau đớn còn hơn cả cái chết gặm nhấm, thiêu đốt.

Một lần nữa, Đức Giêsu lại vượt qua những biên giới cấm kỵ khi dám đến gần người bệnh phong. Không những Người đến gần mà còn đưa tay chạm vào thân mình bệnh nhân. Lòng thương yêu đã khiến Đức Giêsu dám làm tất cả. Vì thương người bệnh, Đức Giêsu đã bất chấp nguy hiểm bị lây nhiễm, đã bất chấp những điều bị coi là cấm kỵ của đạo Do Thái.

Khi chữa khỏi bệnh phong, Người đã giải thoát người bệnh khỏi những đau đớn phần xác. Từ nay anh không còn bị những vết thương hành hạ. Thân thể anh trở nên lành lặn. Da dẻ anh trở lại hồng hào tươi tắn. Khuôn mặt anh rạng rỡ. Giọng nói anh thanh tao. Anh cũng là một người như bao người khác.

Nhưng điều quan trọng hơn, đó là khi chữa anh khỏi chứng bệnh nan y, Đức Giêsu đồng thời cũng giải phóng anh khỏi những mặc cảm đè nặng tâm hồn anh bao năm tháng qua. Khi Đức Giêsu vuốt ve thân thể bệnh tật của anh. Người đã vuốt ve tâm hồn anh. Trước kia anh cảm thấy bị mọi người xa lánh. Nay anh cảm thấy qua Đức Giêsu mọi người gần gũi anh hơn bao giờ. Trước kia anh cảm thấy bị khinh miệt. Nay anh cảm thấy được trân trọng. Trước kia anh cảm thấy bị bỏ rơi. Nay, dưới bàn tay dịu hiền của Đức Giêsu, anh cảm thấy được yêu thương vỗ về. Những vết thương sâu thẳm trong trái tim anh đã liền da lành lặn. Đức Giêsu đã hồi sinh tâm hồn lạnh giá của anh.

Muốn cho mọi người chấp nhận anh tái hội nhập vào đời sống xã hội. Đức Giêsu bảo anh đi trình diện với thày cả theo như luật định. Trước kia anh bị loại trừ, bị gạt ra ngoài lề xã hội. Nay anh được bàn tay âu yếm ân cần của Đức Giêsu đón nhận anh trở lại xã hội loài người. Qua vị thượng tế, anh được công khai đón nhận. Nhân phẩm anh được phục hồi. Danh dự anh được tôn cao. Giờ đây anh có thể tự tin, vui sống giữa mọi người, như mọi người.

Chúng ta ai cũng có những mặc cảm đè nặng tâm hồn, những vết thương sâu kín, những niềm đau khôn nguôi, những nỗi buồn hầu như không ai thông cảm được. Hãy noi gương người bệnh phong chạy đến với Đức Giêsu. Người sẽ xóa đi những mặc cảm đè nặng hồn ta. Người sẽ chữa lành những vết thương bao năm gặm nhấm trái tim ta. Người sẽ xoa dịu những nỗi đau vò xé tâm tư. Người sẽ an ủi những nỗi buồn phủ kín hồn ta.

Phần ta, hãy biết noi gương bắt chước Đức Giêsu, đừng loại trừ anh em mình ra khỏi đời sống xã hội. Hãy biết đến với những anh em bị bỏ rơi. Hãy biết an ủi những anh em đang buồn khổ. Hãy biết tránh cho anh em những mặc cảm nặng nề. Hãy hàn gắn những vết thương trong tâm hồn anh em. Hãy tôn trọng danh dự và nhân phẩm của anh em. Hãy giúp cho anh em mình được hòa nhập vào đời sống cộng đoàn, đời sống xã hội. Nước ta đang quyết tâm thanh toán bệnh phong vào cuối năm nay. Xứ đạo ta cũng hãy quyết tâm thanh toán bệnh phong trong tâm hồn. Hãy diệt trừ bệnh phong chia rẽ. Hãy tẩy chay bệnh phong loại trừ. Hãy xóa đi bệnh phong phân biệt. Hãy phá tan bệnh phong nghi kỵ. Hãy bài trừ bệnh phong kết án. Nếu ta thanh toán được bệnh phong tâm hồn, thân thể xứ đạo ta sẽ liền da liền thịt, khuôn mặt xứ đạo ta sẽ hồng hào, rạng rỡ vui tươi phản ảnh được khuôn mặt đích thực của Đức Kitô.

Lạy Đức Giêsu, xin cứu độ chúng con. Amen.

CÂU HỎI GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ

1- Cha Đa-miêng và Đức cha Cát-xe đã sống với người phong và lây bệnh của họ. Có lần nào bạn đã tiếp xúc với người bị bệnh hay bị bỏ rơi chưa? Bạn có phải trả giá về hành động này không?

2- Có bao giờ bạn đã là nạn nhân bị người khác loại trừ chưa? Bạn cảm thấy thế nào? Bạn rút ra được bài học gì từ kinh nghiệm đó?

3- Bạn đã có kinh nghiệm về sự được Chúa an ủi, được Chúa cứu chữa, được Chúa tha thứ bao giờ chưa?
 


Người bị loại trừ

Đối với tâm lý người xưa nói chung và người Do Thái nói riêng, bệnh tật nếu không phải do tội lỗi thì cũng là trò ma chước quỷ bày ra. Xét theo diện nào, thì bệnh tật cũng đều đáng sợ. Và bệnh càng nặng, càng ghê tởm, người ta càng phải cẩn thận, đề phòng.

Ở đất Do Thái thời bấy giờ có lẽ không bệnh nào nan trị bằng bệnh phong cùi. Nó vừa ghê tởm vừa dễ lây. Xã hội lập tức đã phải có biện pháp đối với những người mắc bệnh phong cùi. Luật pháp Do Thái trục xuất người phong cùi ra khỏi đời sống cộng đồng xã hội. Người phong cùi phải ra khỏi nhà, đến ở những nơi hoang vu hẻo lánh, không được tiếp xúc với ai và cũng không được để cho ai đến gần mình. Gặp ai qua đường, bệnh nhân phải lên tiếng làm hiệu trước để cho mọi người tránh xa, kẻo bị ô nhiễm theo luật. Vô phúc cho ai bị ô nhiễm như vậy, vì sẽ bị tuyệt thông, không được tham dự các nghi lễ nữa, trước khi làm lễ thanh tẩy theo luật dạy. Còn chính người phong cùi, khi thấy thân xác lành sạch phải đến trình diện các Thầy Tư Tế để xin khám nghiệm. Nếu đúng đã lành bệnh thật, họ còn phải dâng lễ đền tội và thanh tẩy trước khi được cấp giấy chứng nhận phục hồi quyền hiệp thông với cộng đồng xã hội.

Anh chị em thân mến,

Có hiểu số phận thảm thương của người phong cùi trong xã hội Do Thái thời xưa, chúng ta mới hiểu được ý nghĩa đoạn Tin Mừng hôm nay: Một người phong cùi dám đến gần Chúa Giêsu, bất chấp pháp luật ngăn cấm. Anh đến quỳ xuống van lạy Chúa Giêsu. Thái độ đó chứng tỏ một lòng tin thật mạnh mẽ. Chúa Giêsu động lòng thương, Ngài cũng bất chấp pháp luật, Ngài giơ tay ra đụng đến người phong cùi và phán: “Ta muốn anh được sạch”, tức thì bệnh phong cùi biến mất, người phong cùi được lành sạch.

Ngày nay, quan niệm khắt khe đối với bệnh phong cùi đã chuyển biến. Nhiều người và nhiều tổ chức từ thiện đã và đang xả thân chăm sóc, giúp đỡ, điều trị những người phong cùi trên thế giới. Với đà tiến bộ của y khoa, người ta đã hy vọng sẽ một ngày không xa, sẽ bài trừ được hết bệnh phong cùi.

Tuy nhiên, có một thứ bệnh phong cùi mà khoa học không bao giờ chữa được, đó là bệnh phong cùi của tâm hồn, đó là tội lỗi: hận thù, kỳ thị chủng tộc, ý thức hệ, bạo lực. Chính bệnh phong cùi này mới đáng sợ, vì nó cô lập con người xa cách Thiên Chúa và cộng đoàn dân Chúa. Bệnh phong cùi này chỉ có Máu Thánh Chúa Kitô mới thanh tẩy được. Chúa Giêsu đã đến để giao hòa vạn vật với nhau, nhờ được giao hòa với Thiên Chúa. Vì Ngài đến để xóa bỏ tội lỗi và làm cho tất cả nhân loại được nên trong sạch, được đến gần Thiên Chúa, được nên dân Chúa. Chúa Giêsu đã chết và và sống lại để cho chúng ta được lành sạch, cho chúng ta được làm con Thiên Chúa và làm anh em hết mọi người. Không loại trừ ai và không bị ai loại trừ. Ngài đã giao hòa vạn vật trên trời dưới đất, không còn loài vật sạch hay dơ, không còn biên giới ngăn cách chúng ta với Chúa và với mọi người. Nhưng Chúa Giêsu cũng đã để lại trong Giáo Hội các Nhiệm Tích, nhất là Nhiệm Tích Hòa Giải là phương thế Chúa dùng để tẩy sạch bệnh phong cùi của chúng ta và giao hòa nối kết chúng ta lại với Chúa và với mọi người, để củng cố mối dây liên kết ấy ngày càng bền chặt hơn.

Thưa anh chị em,

Chúng ta đã biết, theo luật pháp Do Thái, người mắc bệnh phong cùi phải ở riêng ngoài trại, cách ly mọi người, không được đến gần ai và cũng không ai được đến gần họ. Nhưng ở đây, với lòng tin mãnh liệt, người cùi đón đường và tiến đến bên Chúa Giêsu. Còn Chúa Giêsu, thay vì xa lánh bệnh nhân như luật buộc, “Ngài đưa tay ra đụng đến người phong cùi”. Đối với Chúa, không có vấn đề kỳ thị, cấm kỵ, loại trừ. Chúa là tất cả cho mọi người, không kỳ thị chủng tộc, văn hóa, giàu nghèo, bệnh tật…

Thái độ tin tưởng của người phong cùi và hành động nhân hậu của Chúa Giêsu cho chúng ta một bài học: chúng ta đừng bao giờ tự biến thành người mắc bệnh phong cùi nghĩa là đừng tự cô lập mình với anh em, đừng tự giam mình trong pháo đài ích kỷ, thù hận nhưng hãy biết quảng đại yêu thương bằng việc sẵn sàng quên mình vì mọi người.

Noi gương Chúa Giêsu, mỗi người chúng ta hãy biết nhìn người anh em đồng loại như một “cái mình khác” của chính mình. Một khi nhìn nhận như thế, chúng ta phải trở nên anh em của bất cứ người nào, không trừ một ai, và phải đi đến với mọi người để phục vụ trong tình yêu thương. Người già cả, người nghèo khó, người bệnh tật, người cô đơn hay hèn kém… Tất cả đều kêu gọi lương tâm Kitô giáo của chúng ta, và chúng ta hãy nhớ lại Lời Chúa: “Tất cả những gì anh em làm cho một người bé nhỏ nhất trong các anh em Ta, là anh em đã làm cho chính Ta” (Mt 25,40). Chúng ta hãy nhìn nhận trong mọi người sự có mặt của Chúa Kitô. Mọi người đều là anh em mà chúng ta phải yêu mến một cách thật tình. Bằng chính lời nói, hành động yêu thương mà chúng ta làm chứng cho tình yêu của Chúa Kitô và thông hiệp với những người khác trong mầu nhiệm tình yêu của Cha trên trời.

Có lẽ ông bà anh chị em đã được nghe nói đến Đức Cha Jean Cassaigne, nguyên Giám Mục Giáo phận Sài Gòn của chúng ta trước đây. Sau 15 năm làm Giám Mục Sài Gòn, Đức Cha Jean Cassaigne đã tình nguyện về sống giữa những bệnh nhân phong cùi thân yêu của ngài ở trại phong cùi Di Linh (Lâm Đồng), trong một ngôi nhà gỗ nhỏ hẹp. Tuy không giữ một địa vị nào trước mặt xã hội, nhưng ngài thật là một người bạn của người phong cùi, một chứng nhân của tình yêu Thiên Chúa, một con người hy sinh phục vụ người phong cùi, chấp nhận mang lấy bệnh phong cùi của họ và chết đi ở giữa họ.

Mười tám năm trời, ngài sống trong thinh lặng giữa rừng núi thâm u, với những bệnh nhân phong cùi, không mấy ai biết đến. Nhưng khi ngài mất đi vào năm 1973, mọi người hay biết đều cảm phục tấm gương hy sinh anh dũng của ngài, ngài đáng được gọi là: “Cha của người phong cùi”.

Tấm gương bác ái cao cả đó, không phải ai cũng có thể noi theo được, nhưng trước mắt chúng ta, còn có những người, những tập thể mà chúng ta xa lánh kiểu dân Do Thái thời Cựu Ước xa lánh người phong cùi. Có khi chúng ta đã gán cho họ những nhãn hiệu thù nghịch, để rồi không bao giờ muốn tiếp xúc với họ, sợ mình trở thành “cùi” như họ. Có khi chúng ta đã từ chối tiếp xúc, hợp tác với cá nhân này hay tập thể nọ, chỉ vì họ không cùng tôn giáo hay lập trường với chúng ta. Nếu chúng ta làm như vậy là chúng ta khinh thường, làm nhục sứ mạng giao hòa mọi người mọi vật, sứ mạng mà Chúa Giêsu đã nhận lãnh từ Chúa Cha, đã thi hành bằng cách hiến mạng sống mình, đổ đến giọt máu cuối cùng trong trái tim của Ngài.

Trong Thánh Lễ hôm nay, khi chúng ta tưởng niệm Mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu, mầu nhiệm là cho chúng ta được giao hòa với Chúa và với nhau, chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta luôn xa lánh tội lỗi để được hiệp thông với Chúa và với anh em, biết sống quảng đại mối giao hòa với hết mọi người mà Chúa Giêsu Kitô đã đem đến cho chúng ta
 

Sưu tầm
 

MỪNG XUÂN ẤT MÙI

 
Giao Thừa
 
Thời gian vẫn vần trôi. Như chiếc kim đồng hồ mãi vần xoay. Thời gian chẳng đợi chờ ai bao giờ. Ngày hôm qua đã thành quá khứ. Ngày mai còn chưa tới. Chỉ có ngày hôm nay đang trong tầm tay. Có thể nói món quà quý báu nhất mà Thượng Đế ban cho chúng ta hưởng thụ chính là thời gian. Thời gian lại qua đi rất nhanh nếu chúng ta không biết hưởng thụ thì thật uổng phí! Thời gian sẽ không chờ, thế nên, đừng chờ sau này mới làm những việc mà đáng lý mình phải làm. Nếu không làm ngày hôm nay thì không biết ngày mai chúng ta còn có cơ hội hay khả năng để thực hiện ước mơ của mình hay không?
 
Có những người con nghĩ rằng khi lớn lên sẽ phụng dưỡng cha mẹ, thế nên tuổi nhỏ thì vẫn lười biếng, sống thiếu trách nhiệm với gia đình, nhưng khi lớn lên thì cha mẹ đâu còn để mà thảo hiếu.
 
Có những người cha người mẹ tưởng rằng mình còn nhiều thời gian để xây mộng ước, thế nên, vẫn cứ trì trệ, không lo tương lai, đến khi già vẫn chưa có một mái nhà nương thân.
 
Có những bạn trẻ tưởng rằng thời gian còn dài, thế nên, vẫn vui chơi, có khi sa đọa, đến khi bệnh tật mới biết mình không còn cơ hội cho tương lai.
 
Có biết bao nhiêu mộng ước, dệt thật nhiều nhưng vẫn dở dang vì chẳng đủ thời gian để hoàn thành.
 
Có một người rất keo kiệt, lúc nào cũng chắt bóp chẳng dám ăn tiêu gì. Tích cóp cả đời, anh ta để dành được cả một gia tài lớn.
 
 Không ngờ một ngày, Thần Chết đột nhiên xuất hiện đòi đưa anh ta đi. Lúc này anh ta mới nhận ra mình chưa kịp hưởng thụ chút gì từ số tiền kia. Anh ta bèn nài nỉ:
 
 - Tôi chia một phần ba tài sản của tôi cho Ngài, chỉ cần cho tôi sống thêm một năm thôi. 
 - Không được. - Thần Chết lắc đầu. 
 - Vậy tôi đưa Ngài một nửa. Ngài cho tôi nửa năm nữa, được không? - Anh ta tiếp tục van xin. 
 - Không được. - Thần Chết vẫn không đồng ý. 
 Anh ta vội nói: 
 - Vậy... tôi xin giao hết của cải cho Ngài. Ngài cho tôi một ngày thôi, được không? 
 - Không được. - Thần Chết vừa nói, vừa giơ cao chiếc lưỡi hái trên tay.
 Người đàn ông tuyệt vọng cầu xin Thần Chết lần cuối cùng: 
 - Thế thì Ngài cho tôi một phút để viết chúc thư vậy.
 Lần này, Thần Chết gật đầu. Anh run rẩy viết một dòng: 
 - Xin hãy ghi nhớ: "Bao nhiều tiền bạc cũng không mua nổi một ngày". 
 
Thời gian thật quý hóa. Quý hóa vì nó một đi mà không quay trở lại. Thời gian cho ta làm việc, cho ta hưởng niềm vui nhưng chúng ta đã để lỡ thời gian khi lao vào những đam mê lầm lạc, khi hăng say tranh chấp bon chen với cuộc đời. Chúng ta đã đánh mất niềm vui của thời gian hiện tại. Đây mới là thời gian thực. Thời gian để sống và hưởng thụ. Vì quá khứ đã vuột qua. Tương lai còn mù tối. Hiện tại mới quan trọng với chúng ta. Hãy sống thật vui vẻ, lạc quan với hiện tại, vì đó là cách chúng ta không lãng phí thời gian.
 
Theo niềm tin ky-tô giáo, thời gian là ân ban của Thiên Chúa. Thời gian Chúa ban cho con người dài ngắn khác nhau. Điều đáng tiếc là ít ai bằng lòng với hiện tại. Không bằng lòng với hiện tại, nên con người thường hay lo lắng, bon chen, dùng đủ mọi khả năng, sức lực, tâm trí mong sống dài hơn, giàu có hơn, danh vọng và quyền lực hơn. Khi đã đạt đến mục tiêu rồi con người lại cảm thấy một khoảng trống vắng trong tâm hồn mà tất cả những lạc thú trần gian không thể lấp đầy. Dường như cuộc đời chẳng có gì vừa ý, toại nguyện mãi mãi với con người, vì ‘Được voi đòi tiên” là vậy.
 
Chúa Giê-su phán: “ Có ai trong các ngươi lo lắng mà làm cho đời mình dài thêm một khắc không? Vậy nếu đến việc rất nhỏ các ngươi cũng không có thể được sao các ngươi lo việc khác? Hãy xem hoa huệ mọc lên thể nào: nó chẳng làm khó nhọc, cũng không kéo chỉ; song ta phán cùng các ngươi, dầu vua Sa-lô-môn sang trọng đến đâu, cũng không được mặc áo như một hoa nào trong giống ấy” (Lc 12, 25-26)
 
Trong giây phút giao thừa, là thời gian chuyển tiếp giữa cũ và mới. Một thời khắc chuyển sang một năm mới với nhiều âu lo, trăn trở. Chúng ta hãy gác mọi lo âu trăn trở để sống giây phút hiện tại thật bình yên và hạnh phúc. Hãy phó dâng cho Chúa như muôn chim, muôn hoa để cho Chúa thực hiện theo sự quan phòng của Ngài. Chúng ta hãy tin tưởng vào Thiên Chúa quyền năng, một Thiên Chúa nhân từ sẽ làm mọi sự tốt nhất cho con người, vì chúng ta là hình ảnh của Ngài, là con cái của Ngài, Ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta.
 
Xin Chúa chúc phúc cho chúng ta một đêm giao thừa an bình. Xin cầu chúc cho quý ông bà và anh chị em được những giây phút hiện tại này tràn đầy niềm vui trong tình Chúa tình người đầy ắp hôm nay. Amen
 


Ngày Mồng Một
 
Ngày đầu năm chúng ta hướng về Đấng tạo thành. Đấng đã làm cho con tạo xoay vần, cho trời đất luân chuyển Xuân – Hạ – Thu – Đông. Hướng về Ngài để phó dâng về một năm mới bắt đầu. Một khởi sự mong được vẹn toàn nhờ ơn trên phù hộ. Hướng về Đấng tạo thành cũng mời gọi con người nhìn nhận sự quan phòng che chở, phù trì của Ngài để dâng lời tạ ơn về những ơn lành Ngài ban.
 
Đó là lý do mà người Việt Nam đi lễ hội đầu năm rất đông. Họ đi vì lòng tạ ơn. Họ đi vì mong muốn được Trời phù hộ chúc phúc cho một năm an bình. Đây cũng là một truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam. Cha ông ta luôn tin vào vận Trời. Cha ông ta luôn phó thác cho Trời. Và ngày đầu năm là dịp thuận lợi nhất để tri ân và cầu xin với Đấng tạo hóa đã làm nên muôn loài.
 
Điều này ta có thể thấy qua sự tích bánh chưng bành dày. Chuyện kể rằng: Đời Hùng Vương thứ Sáu, sau khi đánh dẹp xong giặc Ân bên Tàu , vua có ý định truyền ngôi cho con.
 
Nhân dịp đầu Xuân, vua họp các hoàng tử lại, bảo rằng:
- "Con nào tìm được thức ăn ngon lành, để bày cỗ cho có ý nghĩa nhất, thì ta sẽ truyền ngôi vua cho".
 
Các hoàng tử đua nhau tìm kiếm của ngon vật lạ dâng lên cho vua cha, với hy vọng mình lấy được ngai vàng.
 
Trong khi đó, người con trai thứ 18 tên là Tiết Liêu có tính tình hiền hậu, lối sống đạo hạnh, hiếu thảo với cha mẹ, nhưng vì mẹ mất sớm, thiếu người chỉ vẽ, nên ông lo lắng không biết làm thế nào tìm được của ăn ngon và có ý nghĩa.
 
Một hôm, Tiết Liêu nằm mộng thấy có vị Thần đến bảo:
- "Này con, trong Trời Đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người.  Con hãy lấy gạo nếp làm 2 thứ bánh: bánh dầy và bánh chưng. Thần còn dặn kỹ càng cách làm.
 
Đến ngày hẹn, các hoàng tử đều đem thức ăn đến bày trên mâm cỗ. Trời ơi! đầy các món ăn vừa thơm ngon vừa lạ mắt. Hoàng tử Tiết Liêu trên mâm chỉ có 2 tấm bánh Chưng và bánh Dầy. Vua cha lấy làm lạ hỏi lý do. Tiết Liêu đem chuyện Thần báo mộng dạy cách làm, giải thích ý nghĩa của 2 thứ bánh. Vua cha nếm thử, thấy bánh ngon, khen có ý nghĩa, bèn truyền ngôi Vua lại cho Tiết Liêu.
 
Kể từ đó, mỗi khi đến Tết Nguyên Đán, theo lệnh vua, dân chúng làm bánh Dầy và bánh Chưng để dâng cúng Tổ Tiên và Trời Đất.
Bánh chưng bánh dầy tượng trưng cho Trời Đất. Trời Đất ở đây không hiểu theo nghĩa vật chất mà là tượng trưng cho Đấng tạo thành trời đất. Con người phải biết ơn Đấng tạo thành. Con người dâng cho Đấng tạo thành hạt gạo là tinh hoa của đất trời, là ân lộc trời ban. Con người dùng hạt gạo trời cho để kết thành tấm bánh như nói lên tấm bánh là ân lộc trời ban và cũng là công sức con người làm nên.
 
Đấng tạo hóa càn khôn mà nhân loại hướng về với lòng biết ơn chính là Thiên Chúa toàn năng. Ngài đã làm nên hoàn vũ. Ngài đã cho định luật bốn mùa vần xoay như tình yêu của Ngài vẫn đong đầy cho nhân gian vượt mọi thời gian. Chính Ngài làm chủ vận mạng của lịch sử nhân loại. Chính Ngài mới có thể phù hộ, che chở gìn gìn con người, vì Ngài là Đấng quyền năng.
 
Thiên Chúa lại không xa lạ với con người. Ngài là Cha muôn loài và cũng là Cha của loài người chúng ta. Ngài là một người Cha rất tốt lành. Ngài luôn cho mưa thuận gió hòa. Không phân biệt lành dữ. Không phân biệt màu da. Ngài luôn cho mưa ơn trên xuống cho kẻ lành người dữ.
 
Lời Chúa ngày đầu năm hôm nay mời gọi chúng ta hãy tín thác đường đời cho Thiên Chúa. Hãy để Chúa chúc phúc cho một năm bình an. Hãy để Chúa làm chủ vận mệnh của mình theo thánh ý Chúa. Vả lại, cuộc sống đâu mấy khi theo ý chúng ta, vì “Mưu sự tại nhân – Thành sự tại thiên”. Sự khôn ngoan mời gọi chúng ta hãy để Chúa khởi sự và hoàn tất mọi việc theo ý Ngài. Điều này không có nghĩa là ta phó mặc cho Thiên Chúa, còn mình thì “ngồi chờ sung rụng”. Điều này chỉ nhắc nhở chúng ta hãy khiêm tốn nhìn nhận sự bất toàn của mình để trông cậy vào sự phù hộ của Thiên Chúa cho công việc của mình được mọi sự như ý.
 
Hãy nhìn xem muôn triệu đóa hoa chỉ đẹp xinh khi hướng về mặt trời. Hãy nhìn xem vạn vật vần xoay chung quanh mặt trời để tạo nên muôn điều kỳ diệu đẹp xinh. Đó là quy luật của vạn vật. Đó cũng là quy luật của loài người khi biết quy hướng về Thiên Chúa, và chỉ trong Thiên Chúa con người mới hạnh phúc bình an. Xin cho mỗi người chúng ta biết quy phục Thiên Chuá, biết dành cho Ngài vị trí tôn thờ tuyệt đối trong lòng chúng ta. Và với lòng tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa, chúng ta hãy phó dâng mọi sự cho Chúa. Xin Chúa chúc phúc cho chúng ta một năm bình an và vạn sự cát tường. Amen
 


 
Ngày Mồng Hai Tết

 
Ngày tết là dịp để chúng ta đoàn tụ với gia đình. Ai cũng mong được về cùng chung với gia đình bên mân cơm. Cùng dâng cho nhau ly rượu chúc mừng năm mới. Bữa cơm tết với gia đình thật ấm cúng, thật đáng quý biết bao. Vì ở giữa cuộc đời bon chen, không ở đâu bình yên bằng gia đình. Không ở đâu có tình yêu chân thật bằng cha mẹ con cái yêu thương nhau. Gia đình là tổ ấm, là điểm tựa của mỗi người, dù đi đâu thì gia đình vẫn luôn sẵn sàng là bến đỗ để ta trở về.
 
Thế nhưng, để hiểu điều này đôi khi phải chờ đến khi rời xa gia đình, lúc ấy chúng ta mới nuối tiếc về mái ấm gia đình mà chúng ta đã từng làm lơ hay hững hờ:
 
Khi rời xa mới biết ý nghĩa của gia đình
Mới biết niềm vui trong từng cử chỉ 
Mới biết hạnh phúc phải đâu nào xa xỉ
Vì chỉ một nụ cười cũng đủ ấm con tim…(Kim Liên)
 
Có những người khi xa gia đình mới cảm thấy thương cha thương mẹ. Họ mới cảm nhận được “Công cha như núi Thái Sơn – Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Xa cha, nhớ mẹ, họ chỉ mong cho các ngài bình yên hạnh phúc trong  lời kinh nguyện mà thôi:
Giữ mãi gia đình trong một góc riêng
Để nhớ để mong để âm thầm cầu nguyện:
- Xin nỗi buồn đừng hằn trên mặt mẹ
Và nụ cười đừng chia cách môi cha… (Kim Liên)
 
Khi rời xa khỏi vòng tay nồng ấm của cha mẹ, người ta mới thấy hụt hẫng, bâng khuâng. Tuy trong đời họ có tiền, có địa vị nhưng lại thiếu một tình yêu ôm ấp bảo ban. Thế nên, có những người thầm ước được trở về tuổi thơ, để nơi đó họ được sống trong vòng tay yêu thương của mẹ cha:
 
Thời gian thấm thoắt trôi đi, 
Tìm đâu một vé trở về tuổi thơ? 
Một thời lém lỉnh ngây ngô, 
Sống trong đùm bọc bến bờ yêu thương. (ST)
 
Tuổi thơ ai cũng hạnh phúc. Cái hạnh phúc là được ở trong vòng tay yêu thương của cha mẹ. Cái hạnh phúc nồng ấm khi được cha mẹ “Nâng như nâng trứng – Hứng như hứng hoa”. Cái hạnh phúc được làm nũng, được ăn vạ và được mẹ vỗ về. Đó cũng là món nợ ân tình mà những người làm con phải trả cho các bậc sinh thành đến suốt cuộc đời.
 
Con nợ mẹ cha những ngày vui bất tận
Rong ruổi suốt cuộc đời không định hướng tương lai
Con nợ những chiếc hôn còn nóng hổi vành môi
Trong cơn điên loạn giữa bạc tiền mến mộ
 
Nợ ân nghĩa mẹ cha đòi hỏi chúng ta phải trả cho suốt cuộc đời. Nếu các ngài đang trong tuổi già lầm lũi cô đơn thì hãy chăm nom, săn sóc, phụng dưỡng tuổi già. Nếu các ngài là những cha mẹ trẻ đang bươn chải một nắng hai sương thì phận làm con, hãy chia sẻ gánh nặng với các ngài trong khả năng của mình. Và nếu các ngài đã qua đời thì xin dành cho các ngài những nén hương với lời nguyện cầu tha thiết cho các ngài sớm hưởng phúc thiên đàng bên Chúa.
 
Một nén hương nồng nàn lặng lẽ
Nỗi lòng con gửi gắm những niềm thương
Dù bao năm dù có hóa vô thường
Công sinh dưỡng vẫn là công lớn nhất.
 
Nhưng dù muốn dù không khi nói đến tình nghĩa mẹ cha, ai cũng cảm thấy mình còn thiếu sót, còn nhiều lỗi lầm với mẹ cha. Có những người đã từng cãi lời mẹ cha. Có những người đã từng quên lãng mẹ cha để mải miết đi tìm danh vọng. Có những người còn bất hiếu với mẹ cha qua những việc làm thất đức, đáng xấu hổ với “liệt tổ, liệt tông”. Đó là lý do khiến bao người khi nghĩ đến mẹ cha lại cảm thấy nuối tiếc về thời gian bên cha mẹ, nuối tiếc vì những việc làm đã gây đau khổ cho cha mẹ. Thế nên, có ai đó nói rằng:
 
Bài học đầu đời thật vất vả mẹ cha ơi!
Xin cho con im lặng để mắt con cay
Xin cho con lạnh lùng để con không bật khóc
Xin cho con góp nhặt để còn chút lương tâm
Xin cho con chuộc lỗi dù biết đã muộn màng.
 
Hôm nay Mồng Hai Tết, ngày cầu cho ông bà cha mẹ. Ai cũng phải nợ ân, nợ nghĩa ông bà cha mẹ. Hãy dùng thời gian hôm nay để nói lên lòng hiếu kính của chúng ta với các ngài. Hãy dâng cho các ngài lời nguyện cầu với lòng biết ơn mong sao các ngài luôn hạnh phúc bên đàn con cháu. Chúng ta hãy dành thời gian hôm nay để sum vầy bên các ngài quanh cầu chuyện đầu năm. Cùng chúc mừng các ngài vạn sự cát tường.
Xin cầu chúc cho các gia đình một ngày ngập tràn niềm vui sum vầy bên những người thân yêu nhất. Cầu chúc cho mọi nhà rộn ràng tiếng cười vui bên mâm cơm gia đình. Xin Chúa chúc lành cho ngày sum họp hôm nay được trọn niềm trong Chúa và bên nhau. Amen
 


 Ngày Mồng 3 Tết
 
Thiên Chúa ban cho mỗi người một nén bạc. Nén bạc tượng trưng cho khả năng, cho điều kiện của mỗi người khác nhau. Thế nên, phải biết “liệu cơm gắm mắm” cho phù hợp với khả năng và điều kiện của mình. Đừng mơ tưởng những sự viễn vông, vì điều đó vượt ngoài khả năng. Đừng làm những việc không trong tầm tay kẻo uống phí thời gian, vì uổng công vô ích.
 
Có một con Dê tự tách ra khỏi đàn, bị con Sói đuổi theo. Dê quay lại, nói với Sói:
- Thưa ngài, tôi biết thân phận mình phải hiến dâng cho ngài. Nhưng để ngài thưởng thức món ăn đựơc ngon, ngài hãy thổi sáo và tôi múa nhảy cho mà xem. 
Sói bắt đầu thổi sáo cho Dê nhảy quay cuồng. Lũ chó nhà nghe tiếng huyên náo bèn nhảy ra đuổi Sói. 
Sói vừa chạy vừa quay đầu lại nói với Dê:
- Ta chịu thua ngươi vì ta vốn anh hàng thịt lại giở trò làm nhạc công, nên bỏ lỡ mất thời cơ.
 
Hóa ra khi chúng ta làm những việc ngoài khả năng thì chúng ta chỉ là một anh hề mà thôi. Có khi vất vả mà chằng nên công trạng gì. Thế nên, hãy nắm bắt những gì mình có thể làm được và trong tầm tay của mình. Đừng làm những chuyện “vá trời” mà chẳng được công ích gì!  Hãy làm những chuyện trước mắt, những chuyện cần làm ngay mới đem lại hiệu quả cao. Con sói đã sổng mất con mồi khi làm việc không đúng khả năng của mình. Con người cũng sẽ thất bại nếu không biết làm đúng chuyên môn, hay đúng khả năng của mình.
 
Hôm nay, ngày Mồng Ba Tết, chúng ta hướng lòng lên Đấng Tạo thành để cúi xin Ngài chúc phúc cho công việc một năm được thuận buồm xuôi gió. Chúng ta tin rằng “Mưu sự tại nhân, Thành sự tại Thiên”. Con người chúng ta dù mưu lược đến đâu! Dù cần cù đến đâu mà không có sự chúc phúc của Thiên Chúa thì cũng chỉ là “dã tràng xe cát biển Đông” mà thôi! Hơn nữa, sự vất vả lao nhọc của chúng ta nếu được hỗ trợ bởi ơn trên phù hộ, chắc chắn công việc của chúng ta sẽ được thành toàn, được viên mãn theo dự định.
 
Chúa ban cho chúng ta mỗi người một khả năng, tựa như mỗi đóa hoa làm cho vườn hoa đa sắc. Cuộc đời con người nếu biết dùng khả năng của mình cũng vẽ lên bức tranh đẹp cho cuộc đời. Sự cần cù lao động cũng là dịp để chúng ta thể hiện vai trò cộng tác vào công trình sáng tạo và cứu chuộc của Thiên Chúa. Thiên Chúa tạo dựng con người để con người tiếp tục hoàn thiện công trình mà Ngài đã tạo dựng. Sự hoàn thiện đòi con người phải cần mẫn, phải sáng tạo. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn đòi chúng ta quy hướng về Ngài, Ngài vẫn đòi chúng ta trao phó mọi sự trong tay Ngài, tựa như người con chỉ làm theo sự xếp đặt của cha mẹ, dầu vẫn phải sáng tạo và làm tốt hơn cho công việc.
 
Ngày đầu năm chúng ta hãy dâng cho Chúa những công việc và dự định của chúng ta. Xin Chúa hãy làm vơi đi những gánh nặng cuộc đời bằng ân sủng của Chúa. Xin Chúa hãy chúc lành cho những dự định của chúng ta sớm được hoàn thành. Chúng ta tin vào Thiên Chúa quyền năng. Chúng ta tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa sẽ chăm sóc từng cuộc đời chúng ta theo lòng nhân ái của Ngài. Trong niềm tin đó, chúng ta hãy để cho Ngài an bài mọi sự theo thánh ý Ngài, còn chúng ta hãy làm mọi sự theo khả năng của mình. Amen

 
Sưu tầm

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn