1
14:29 +07 Thứ hai, 29/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 314

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 312


Hôm nayHôm nay : 51152

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 441239

Tổng cộngTổng cộng : 27995523

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » SUY NIỆM CHÚA NHẬT

Bài giảng Chúa nhật 12 thường niên

Thứ sáu - 19/06/2015 10:09-Đã xem: 1103
Vì thế, từ nay chúng ta không còn biết ai theo xác thịt nữa. Mặc dù nếu chúng ta đã biết Đức Kitô theo xác thịt, thì giờ đây chúng ta không còn biết như thế nữa. Vậy nếu ai đã trở nên một tạo vật mới trong Đức Kitô, thì những gì cũ đã qua rồi, vì đây mọi sự đều được trở nên mới.
Bài giảng Chúa nhật 12 thường niên

Bài giảng Chúa nhật 12 thường niên

BÀI ĐỌC I: G 38, 1. 8-11
"Sóng cồn của ngươi phải dừng lại đây".

Trích sách Gióp.
Bấy giờ từ cơn gió lốc, Chúa đáp lời Gióp rằng: "Khi nước chảy mạnh vỡ bờ như sinh ra bởi lòng mẹ, ai đã lấy cửa mà ngăn lại, lúc Ta lấy mây làm áo che nó, và lấy u tối che phủ nó như khăn bọc con trẻ? Ta đã vạch biên giới chung quanh nó, đã đặt khung cửa và then chốt mà phán rằng: "Ngươi chảy đến đây mà thôi, không được chảy xa nữa và vỗ sóng ba đào cũng phải dừng tại đây". Đó là lời Chúa.

 

BÀI ĐỌC II: 2 Cr 5, 14-17
"Đây mọi cái mới đã được tạo dựng".

 

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, lòng mến của Đức Kitô thúc bách chúng ta; chúng ta xác tín điều này là một người đã chết vì mọi người, vậy mọi người đều đã chết. Và Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống, thì không còn sống cho chính mình nữa, mà là sống cho Đấng đã chết và sống lại vì họ. Vì thế, từ nay chúng ta không còn biết ai theo xác thịt nữa. Mặc dù nếu chúng ta đã biết Đức Kitô theo xác thịt, thì giờ đây chúng ta không còn biết như thế nữa. Vậy nếu ai đã trở nên một tạo vật mới trong Đức Kitô, thì những gì cũ đã qua rồi, vì đây mọi sự đều được trở nên mới. Đó là lời Chúa.


PHÚC ÂM: Mc 4, 35-40 (Hl 35-41)
"Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Ngày ấy, khi chiều đến, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ". Các ông giải tán đám đông; vì Người đang ở dưới thuyền, nên các ông chở Người đi. Cũng có nhiều thuyền khác theo Người. Chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước. Và Người thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ. Các ông đánh thức Người và nói: "Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?" Chỗi dậy, Người đe gió và phán với biển rằng: "Hãy im đi, hãy lặng đi". Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ. Rồi Người nói với các ông: "Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?" Bấy giờ các ông kinh hãi và nói với nhau rằng: "Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?"   Đó là lời Chúa.


BÀI ĐỌC I (G 38: 1, 8-11)
Đoạn trích sách Gióp nầy có thể được xem như lời dẫn nhập cho câu chuyện Tin Mừng tường thuật việc Đức Giê-su dẹp yên phong ba bão tố trên biển hồ Ghê-nê-sa-rét: Đức Giê-su sở hữu cùng một quyền năng thần linh như Đức Chúa. Khi sáng tạo thế giới, Đức Chúa đã ấn định những giới hạn cho biển cả bằng “lời quyền năng” của Ngài: “Thiên Chúa phán” (St 1: 6-10). Không phải Ngôi Lời đã dự phần vào công trình sáng tạo sao?
Theo thể thi ca đối thoại, tác giả sách Gióp đã phác họa chân dung ông Gióp, một người công chính phải hứng chịu nhiều nỗi bất hạnh. Ông than thân trách phận với bốn người bạn thân. Những người bạn nầy một mực trung thành với lời giải thích truyền thống: ác giả ác báo, sự đau khổ của một ai đó cho thấy kẻ ấy đã phạm tội; hay nếu người đó được xem là công chính mà phải chịu đau khổ, chính vì Thiên Chúa muốn ngăn ngừa người ấy khỏi sa vào tính tự cao tự đại.
Lúc đó, Gióp nỗi trận lôi đình; ông kêu gào mình vô tội và xin Thiên Chúa chứng giám sự vô tội của ông. Thiên Chúa trả lời cho ông trong cơn phong ba bảo tố, như khi xưa Thiên Chúa đã ngỏ lời với ông Mô-sê trên núi Xi-nai. Đây là câu trả lời uy nghi của Đấng sáng tạo vũ trụ. Đức Chúa mô tả công việc của Ngài như nhà kiến thiết tự hào về công trình sáng tạo của mình: Ngài công bố quyền tối thượng của Ngài trên toàn cõi thế, trên biển cả (đây là đoạn văn được trích dẫn hôm nay), trên ánh sáng và bóng tối, trên gió bảo và mây trời, trên muôn loài muôn vật…
Đây đích thực là bài thánh thi ca ngợi công trình sáng tạo. Bài thơ nầy là một trong những lý do khiến nghĩ rằng công trình biên soạn sách Gióp được định vị vào thời lưu đày Ba-by-lon.
1.Khung cảnh lịch sử:
Quả thật, hằng năm, ở Ba-by-lon vào lễ Tân Niên, người ta ngâm thiên hùng ca về cuộc sáng tạo để tôn vinh cuộc chiến thắng khải hoàn của thần Mác-đoút trên thủy thần Ti-a-mát. Như để đáp trả sự tán dương của một vị thần dân ngoại và các nghi lễ hằng năm nầy trong bối cảnh đa thần, những người Do thái lưu đày sáng tác những bài ca và những bài thơ chúc tụng Đức Chúa, Thiên Chúa của Ít-ra-en, Ngài là Thiên Chúa duy nhất và siêu việt, chỉ mình Ngài thật sự sáng tạo vũ trụ và an bài mọi sự.
Chuyện tích về công trình sáng tạo trong sáu ngày ở đầu bộ Kinh Thánh làm chứng điều nầy. Đoạn trích sách Gióp từ chương 38 nầy cũng làm chứng như vậy. Những ám chỉ hay những vay mượn ở bản văn Ba-by-lon thật rõ ràng.
Bài thơ Ba-by-lon kể như thế nầy: sau khi đã chiến thắng thủy thần Ti-a-mát, hiện thân vị thần của vực thẳm nước nguyên thủy, thần Mác-đoút liền phân đôi tử thi của vị ác thần nầy. Với phân nữa tử thi nầy, thần Mác-đoút bao phủ bầu trời…Thần đóng cửa vực thẳm và đặt ngay tại chỗ những người canh cửa, rồi thần truyền lệnh cho họ không được để nước phun trào ra ngoài. Những cách diễn tả tương tự với những hình tượng của bản văn Ba-by-lon được gặp lại trong vài Thánh Vịnh, như Tv 89: 10-11:
“Chính Ngài (Đức Chúa) chế ngự trùng dương ngạo nghễ,
dẹp yên bao sóng cả sóng cồn.
Chính Ngài giày xéo thủy thần Ra-háp, như giày xéo tử thi,
tay mạnh mẽ đập tan quân thù”.
Hay Thánh Vịnh 74: 12-13:
“Thế mà lạy Chúa, Vua chúng con từ muôn thuở,
Đấng từng chiến thắng trên mặt địa cầu,
chính Ngài đã ra oai sẻ đôi lòng biển, trên làn nước biếc,
Ngài đập vỡ sọ thuồng luồng”.
2.Quyền năng của Thiên Chúa:
Trong sách Gióp, việc Thiên Chúa nhắc nhớ quyền năng của Ngài được diễn tả bằng những từ ngữ cao vời. Tác giả hướng phần cuối tác phẩm mình về mầu nhiệm Thiên Chúa. Đức Chúa dạy cho ông Gióp một bài học: ai có thể tự cho mình vô tội? Ai có thể khoác lác khi đòi chất vấn Thiên Chúa và tính sổ với Ngài? Thiên Chúa không phải phân minh với bất cứ ai; Ngài siêu vượt trên muôn loài muôn vật.
BÀI ĐỌC II ( 2Cr 5: 14-17)
Trong đoạn trích thư nầy, thánh Phao-lô biện hộ sứ vụ tông đồ của mình. Sau khi đã nêu lên những gian truân và những niềm hy vọng của sứ vụ tông đồ, thánh Phao-lô vén mở cho thấy ngọn lửa nào đã hun đúc lòng nhiệt thành truyền giáo của thánh nhân, đó chính là tình yêu của Đức Ki tô.
Kiểu nói “Tình yêu của Đức Ki tô” mặc lấy hai nghĩa, vừa diễn tả tình yêu của thánh Phao-lô đối với Đức Ki-tô, vừa diễn tả tình yêu của Đức Ki-tô đối với nhân loại. Chính nghĩa thứ hai nầy: tình yêu của Đức Ki tô đối với nhân loại đã nung nấu lòng nhiệt thành truyền giáo của thánh nhân.
1. “Nếu một người đã chết cho mọi người”:
Khi nghĩ đến hy tế của Đức Ki-tô đã đem lại ơn cứu độ cho muôn người, thánh Phao-lô đã xúc động một cách sâu xa. Niềm cảm mến nầy dâng lên từ cuộc tử nạn của Đức Ki-tô. Cuộc tử nạn của Ngài không thể nào khơi dậy những hình ảnh hung bạo được. Sự kiện các thánh ký mô tả chừng mực cuộc tử nạn của Chúa Giê-su đã duy trì tính khách quan của các bài trình thuật đầy cảm xúc bao nhiêu, thì các bức thư với cung giọng cá nhân, như những bức thư của thánh Phao-lô, đã khơi dậy biết bao tâm tư tình cảm dạt dào.
Tuy nhiên, tâm tư tình cảm của thánh Phao-lô sống động một cách đặc biệt khi thánh nhân gợi lên sự liên đới của Đức Giê-su đau khổ với nhân loại tội lỗi. Ơn cứu độ không được đem đến cho một mình dân Ít-ra-en, nhưng cho toàn thể nhân loại. Tâm hồn Do thái của thánh Phao-lô xúc động sâu xa về điều nầy. Thánh nhân sẽ khai triển sâu xa khía cạnh đạo lý về mặc khải nầy trong thư gởi các tín hữu Rô-ma.
2. “Mọi người đều chết”:
Tư tưởng rất ngắn gọn; từ ngữ rất giản dị chắc chắn âm vang giáo huấn của thánh nhân. Để hiểu đoạn trích nầy, tốt nhất nên quy chiếu đến chương 6 thư gởi các tín hữu Rô-ma.
“Mọi người đều chết”, nghĩa là, chết đối với tội. Chính “con người xưa cũ” của chúng ta đã bị đóng đinh với Đức Ki-tô. Chính vì chết đối với tội nầy mà việc dìm mình vào trong nước thánh tẩy là dấu chỉ: “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Ki tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người” (Rm 6: 8) và “Người đã chết, là chết đối với tội lỗi, và một lần là đủ” (Rm 6: 10).
3. “Để những ai đang sống, không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình”:
Đây là suy tư khái quát, nhưng đặc biệt nhắm đến các tín hữu Cô-rin-tô và những chia rẽ của họ, vì thánh nhân đặt trọng tâm phần trình bày nầy chung quanh khía cạnh sứ vụ hòa giải. Sống trong Đức Ki-tô, chính là không còn nhìn tha nhân “theo quan điểm của loài người”, nhưng “theo quan điểm của Thiên Chúa”.
4. “Và cho dù chúng tôi đã được biết Đức Ki-tô theo quan điểm loài người, thì giờ đây chúng tôi không còn biết Người như vậy nữa”:
Phải chăng lời phát biểu nầy muốn nói rằng trước kia thánh Phao-lô đã biết Đức Giê-su trần thế, hay ít ra đã thấy Ngài và đã nghe Ngài nói; tuy nhiên, vào lúc đó, thánh nhân thuộc về số người không tin vào sứ điệp của Ngài? Đoạn văn nầy đã gây nên biết bao lời giải thích, nhưng dấu hiệu quá nhỏ nên người ta không thể rút ra một câu kết luận như vậy. Đúng hơn, phải chăng thánh nhân ám chỉ đến thời thánh nhân đã là kẻ bách hại, thời thánh nhân đã khảo sát Đức Ki-tô “theo quan điểm loài người”? Lời giải thích nầy cũng không chắc.
Người ta cũng không loại trừ quan điểm bút chiến; đó có thể là chìa khóa của bản văn nầy. Thánh Phao-lô đã viết không bao lâu sau cái chết của Đức Giê-su. Trong đám thính giả của thánh nhân và trong số những người nhận thư của thánh nhân, thánh nhân là một trong số họ đã biết Đức Ki-tô. Vài người trong số họ kiêu hãnh vì mình thuộc “nguồn gốc Do thái”; thậm chí họ còn dựa trên sự kiện là Đức Giê-su đã thực hành luật Do thái để áp đặt luật nầy trên những Ki-tô hữu gốc lương dân. Dường như trong số những đối thủ của thánh nhân ở Cô-rin-tô có những người Ki-tô hữu gốc Do thái thuộc loại nầy. Họ đã đưa ra những lập luận dựa trên một quan niệm về Đức Ki tô “theo xác thịt” như bản văn Hy lạp diễn tả để đòi hỏi áp dụng những yêu sách của họ.
Thánh Phao-lô công bố rằng quan niệm nầy đã lỗi thời. Chính không còn ở nơi cuộc sống “theo xác thịt” nhưng ở nơi cuộc sống “theo Thần Khí” mà người Ki tô hữu được mời gọi dự phần vào: họ đã trở thành “một thụ tạo mới”“Cái cũ đã qua và cái mới đã có đây rồi”. Thánh Phao-lô hướng tầm nhìn về tương lai. Không có gì có thể kiềm chế niềm hưng phấn lao về phía trước của thánh nhân, về Đức Ki-tô quang vinh…Thánh nhân nói với các tín hữu Ê-phê-sô khi dùng động từ ở thì hiện tại: “Người cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Giê-su Ki-tô trên cõi trời rồi” (Ep 2: 6); ấy vậy “Cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Ki tô” là chuyện tương lai (Rm 6: 3-11), tuy nhiên qua việc hiệp thông với Đức Ki tô, ngay từ bây giờ chúng ta thật sự đã được cùng sống lại và cùng ngự trị với Ngài trên cõi trời rồi.
TIN MỪNG (Mc 4: 35-41)
Đây là một trong những bài trình thuật sống động nhất và ý vị nhất của Tin Mừng Mác-cô. Thánh ký cho thấy mình là một người kể chuyện bậc thầy. Hai bài tường thuật song đối của Mt 8: 23-27 và Lc 8: 22-26 không cung cấp những chi tiết chính xác đến như vậy, chẳng hạn như “Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào gối mà ngủ”, và không tường thuật với giọng điệu rất thân quen đến như vậy: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?”.
1.Bối cảnh:
Chúa Giê-su đã giảng dạy đám đông suốt ngày. Bây giờ, Ngài muốn được ở riêng một mình xa khỏi đám đông để có thể nghỉ ngơi đôi chút. Vì thế, Ngài yêu cầu các môn đệ đưa Ngài sang bờ bên kia. Các môn đệ vâng lệnh ngay lập tức đưa con thuyền ra khơi đang khi Ngài“đang ở trên thuyền”, nghĩa là trên cùng một chiếc thuyền Ngài đã vừa mới ngỏ lời với dân chúng hiện đang ở trên bờ, như đã được chỉ rõ ở Mc 4: 1-2: “Đức Giê-su lại bắt đầu giảng dạy ở ven Biển Hồ. Một đám người rất đông tụ họp chung quanh Người nên Người phải xuống thuyền mà ngồi dưới biển, còn toàn thể đám đông thì ở trên bờ. Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều”.
Trong khi giảng dạy cho dân chúng bằng dụ ngôn, Đức Giê-su đã gợi lên rằng Nước Trời đến một cách quyền năng. Bây giờ, Ngài sắp chứng minh cho họ bằng hành động. Đối với các đối thủ của Ngài, những người Biệt Phái và Luật Sĩ, Ngài đã luôn luôn từ chối yêu sách của họ là thực hiện một dấu chỉ ngoạn mục để cho thấy uy quyền Thiên Sai của Ngài. Riêng đối với các môn đệ của Ngài, Ngài sẽ ban cho họ dấu chỉ nầy.
2.Con thuyền trong phong ba bảo tố:
Những trận phong ba bảo tố trên Biển Hồ thường bất ngờ xảy đến. Chúng do từ cuộc gặp gỡ giữa ngọn gió tây thổi từ Địa Trung Hải và gió sa mạc lạnh buốt bất ngờ nổi lên vào lúc đêm xuống.
Tâm trạng bình an thanh thản của Đức Giê-su tương phản với trận cuồng phong dữ dội. Kiệt sức sau một ngày giảng dạy, Đức Giê-su “dựa đầu vào gối mà ngủ”. Gối nầy dành riêng cho người lái thuyền luôn luôn ở đằng lái. Dường như người lái thuyền nhường chỗ đằng lái cho Ngài để Ngài ngủ cho lại sức. Đức Giê-su mệt mõi: Ngài thật sự là một con người, nhưng Ngài sẽ cho thấy Ngài còn hơn cả một con người. Cũng như, sau một dặm đường dài vừa mệt mõi vừa khát, Ngài đã tựa mình vào thành giếng Gia-cóp ở Xy-kha để nghỉ lại sức và xin người phụ nữ Sa-ma-ri một chút nước để giải khát (Ga 4: 6). Ngài đã chọn thời điểm nầy để mặc khải cho chị và dân tộc chị Ngài là Đấng Mê-si-a. Sự đối lập giữa sự yếu đuối thể lý và sức mạnh thần thiêng ở nơi câu chuyện của Mác-cô cũng mặc khải mầu nhiệm con người của Ngài: Ngài là chủ tể của mọi yếu tố thiên nhiên.
Trong cảnh đêm tối với sóng to gió lớn, các môn đệ sợ hãi đánh thức Ngài. Họ hoảng loạn đến cực độ và tiếng kêu cứu của họ trộn lẫn vừa niềm tin tưởng lẫn lời trách cứ: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?”.
3.Mầu nhiệm của Đức Giê-su.
Đức Giê-su truyền lệnh cho biển như một thế lực sự dữ được nhân cách hóa. Với cùng những lời như vậy, Ngài đã buộc quyền lực của quỷ ở trong người bị quỷ ám phải câm miệng và ra khỏi người ấy. Đức Giê-su là Đấng làm cho quyền lực của sự dữ phải thất bại. Những yếu tố thiên nhiên đang điên cuồng gào thét là một biểu tượng.
Sau khi dẹp yên phong ba bảo tố, Đức Giê-su quở trách các môn đệ vì họ thiếu niềm tin vào Ngài. Chỉ mới trước đây thôi, thánh Mác-cô nói với chúng ta, Ngài đã giảng giải cho họ một cách đặc biệt (4: 33-34). Sự quan tâm đặc biệt của Ngài đối với họ đã không có một mảy mai tác dụng sao?
Tất cả câu chuyện được xây dựng trên sự căng thẳng liên tục để rồi đạt đến cao điểm ở nơi sự sợ hãi của các môn đệ về mầu nhiệm của Ngài. Nhưng ở đây, sự sợ hãi của các môn đệ thay đổi bản chất và đối tượng. Nỗi sợ hãi linh thánh xâm chiếm lấy họ: “Ông nầy là ai, mà cả đến gió và biển cũng phải tuân lệnh?”.
4.Ý nghĩa thần học:
Biến cố nầy không đơn thuần chỉ là một phép lạ nhưng còn là một biểu tượng về định mệnh của Đức Giê-su. Khi lôi kéo các môn đệ cùng với Ngài trên một con thuyền vào đêm khuya trong phong ba bảo tố, đó không là một sự tình cờ. Cả cuộc đời Ngài là một cuộc chiến đấu không ngừng chống lại sức mạnh của sự Dữ. Việc Ngài thanh thản nằm ngủ trong phong ba bảo tố hàm chứa nhiều ý nghĩa. Trong Kinh Thánh giấc ngủ là biểu tượng của cái chết. Như vậy, việc Chúa Giê-su bình yên nằm ngủ trong phong ba bảo tố ám chỉ cuộc Tử Nạn của Ngài, cuộc Tử Nạn khiến các môn đệ kinh hoàng vì thiếu niềm tin. Sau giấc ngủ, Đức Giê-su chỗi dậy như một vị Thiên Chúa đầy quyền năng chiến thắng trên quyền lực của sự Dữ và Tử Thần. Trước quyền năng nầy, các môn đệ thắc mắc và nêu lên câu hỏi quan trọng nầy: “Ông nầy là ai mà cả đến gió biển phải tuân lệnh?” Bởi vì trong Kinh Thánh, chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền chế ngự sóng nước của Tử Thần (Tv 107: 23-30).
Khi thuật lại câu chuyện nầy, thánh Mác-cô nhắm đến hai mục đích. Trước hết, Đức Giê-su thật sự là một con người, nhưng cũng thật sự là Thiên Chúa. Nói theo viễn cảnh của cuộc Tử Nạn và Phục Sinh: Đức Giê-su thật sự chết như một con người và thật sự sống lại như một vị Thiên Chúa. Thứ nữa, các tín hữu Rô-ma đang bị bách hại dữ dội. Trong cơn bách hại dữ dội nầy, dường như Đức Giê-su đang ngủ. Việc Ngài xem ra vắng mặt trong khi họ phải đương đầu với biết bao nỗi truân chuyên, khiến họ nghi nan ngờ vực. Chúa sẽ làm gì để cứu họ khỏi cái chết đang cầm chắc nầy? Câu chuyện nầy là câu trả lời của thánh Mác-cô gởi đến họ.

THỬ THÁCH TRONG CUỘC ĐỜI
Trong đời ta gặp nhiều trường hợp giả vờ rất đáng yêu. Chẳng hạn bà mẹ trẻ giả vờ trốn đứa con nhỏ, để nó phải lo âu đi tìm. Và khi thấy nó đã lo âu đến độ tuyệt vọng, sắp khóc đến nơi, bấy giờ bà mẹ mới xuất hiện. Vừa thấy bà mẹ xuất hiện, đứa trẻ vui mừng khôn xiết. Và nó càng yêu mến, càng bám chặt lấy mẹ nó hơn nữa.
Chúa Giêsu cũng có nhiều lần giả vờ như thế. Lần giả vờ được minh nhiên ghi lại trong Tin Mừng là khi Người cùng hai môn đệ đi trên đường Emmaus. Khi đã đến nơi, Người giả vờ muốn đi xa hơn, làm cho các môn đệ phải tha thiết nài nỉ Người mới chịu ở lại. Khi Người ở lại, các môn đệ vui mừng khôn xiết. Và niềm vui lên đến tuyệt đỉnh khi các môn đệ nhận ra Người lúc bẻ bánh.
Hôm nay tuy Tin Mừng không minh nhiên ghi lại, nhưng ta có thể đoán biết Chúa Giêsu đang giả vờ. Vì sóng to gió lớn dập vùi làm cho thuyền chòng chành nghiêng ngả, nước tràn vào đến nỗi thuyền có nguy cơ bị chìm đắm, trong khi đó các tông đồ xôn xao chạy ngược chạy xuôi, hò hét nhau tìm cách tát nước ra. Giữa khung cảnh như thế, làm sao có thể nằm ngủ ngon lành được. Chỉ có thể là giả vờ. Việc giả vờ của Chúa phát xuất do tình yêu.
Vì yêu thương ta, Chúa muốn ta đáp lại tình yêu thương của Chúa. Đó là định luật thông thường trong tình yêu. Khi yêu ai cũng muốn được đáp trả. Chúa không đi ra ngoài định luật thông thường đó. Người tha thiết yêu ta. Người mong ta yêu mến gắn bó với Người, nên đôi khi Người giả vờ lãng quên để ta nhớ mà chạy đến với Người, gắn bó với Người hơn. Như bà mẹ muốn đứa con tỏ ra cần đến mẹ, tha thiết đi tìm mẹ, hốt hoảng khi không thấy mẹ, Chúa cũng mong ta cần đến Chúa, tha thiết đi tìm Chúa và hốt hoảng lo âu khi thấy vắng bóng Chúa.
Vì yêu thương ta, Chúa muốn rèn luyện ta nên người. Để rèn luyện ta, Chúa gửi những thử thách tới. Cuộc đời ví như mặt biển cả mênh mông. Mỗi người là một con thuyền lênh đênh trên mặt nước. Sóng gió là những thử thách trong cuộc đời. Những thử thách Chúa gửi đến giúp ta trưởng thành ở ba phương diện.
Những thử thách giúp ta biết mình hơn. Bình thường ta nghĩ mình chẳng kém thua ai. Nhưng khi gặp thử thách mới biết mình thật yếu đuối. Thánh Phêrô thấy Chúa đi trên mặt nước thì tưởng mình cũng đi được. Nhưng chỉ được mấy bước đã chìm xuống. Các tông đồ là những bạn chài đã quen với sóng nước. Thế mà vẫn kinh hoảng trước bão tố. Đã chứng kiến biết bao phép lạ Chúa làm, nhưng khi gặp gió bão vẫn hoảng kinh. Thử thách giúp ta biết mình. Biết mình để thêm khôn ngoan, thêm trông cậy và nhất là để biết rèn luyện bản thân cho tiến bộ hơn.
Thử thách giúp ta biết yêu mến, cậy trông vào Chúa hơn. Có thử thách ta mới biết sức mình, biết có những việc ở ngoài tầm tay của mình, chẳng ai có thể giúp mình ngoài Chúa. Vì thế gặp nhiều thử thách giúp ta biết cậy trông phó thác vào Chúa hơn. Gặp thử thách ta mới biết chẳng ai yêu thương ta bằng Chúa. Chúa sẽ không để ta bị thử thách quá sức chịu đựng, nên ta sẽ biết yêu mến Chúa hơn.
Thử thách giúp đức tin vững mạnh. Chẳng có thử thách nào kéo dài mãi mãi. Chúa chỉ cho thử thách một thời gian. Rồi Chúa lại can thiệp để sóng yên biển lặng. Khi sóng yên biển lặng rồi, các môn đệ càng vững tin nơi Chúa hơn. Để từ nay các ngài không còn cuống quít lo sợ mỗi khi gặp gian nan nữa. Đời sống mỗi người chúng ta cũng thế. Ai càng gặp nhiều thử thách thì càng trở nên từng trải, vững vàng.
Đời sống không thể thiếu thử thách. Hãy biết rằng Chúa cho phép thử thách vì yêu thương ta, để rèn luyện ta nên người. Hơn nữa Chúa luôn ở bên ta. Vì thế ta hãy vững tin, hãy cậy trông phó thác và hãy biết tận dụng những khó khăn để đức tin thêm vững mạnh. Thử thách rồi sẽ qua đi. Nhưng cách ta phản ứng trước thử thách lại tồn tại và tạo thành giá trị đời ta. Ước gì mọi thử thách ta gặp trong đời đều biến thành cơ hội cho ta được thêm lòng, lòng cậy và lòng mến Chúa.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Tại sao Chúa cho ta bị thử thách? Thử thách có cần thiết không?
2) Thử thách giúp ta trưởng thành thế nào?
3) Ta phải sống thế nào trong thử thách để vượt lên trên thử thách?

 
Sưu tầm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn