1
17:51 +07 Thứ sáu, 26/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 83

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 81


Hôm nayHôm nay : 15818

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 298855

Tổng cộngTổng cộng : 27853139

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » NĂM MỤC VỤ GIA ĐÌNH

Dẫn nhập vào LECTIO DIVINA

Chủ nhật - 24/03/2013 20:22-Đã xem: 1604
Tóm lại, theo như Isaac of Stella, Viện Phụ Xitô (Cistercian, thế kỷ 12), đọc và học hỏi Lời Chúa cần có hai yếu tố căn bản: đó là sự quan tâm (solicitude) của Marta và lòng mộ mến (devotion) của Maria khi đón Đức Kitô, Ngôi Lời vào nhà mình (Lc 10:38-42). Sự quan tâm của Marta thúc đẩy sự làm việc hăng say để có một sự thấu hiểu Lời đã được viết xuống; lòng mộ mến của Maria nói lên sự nồng ấm và cởi mở đầy yêu thương đối với những gì mà Lời muốn nhắn nhủ.
Dẫn nhập vào LECTIO DIVINA

Dẫn nhập vào LECTIO DIVINA

Lm. Bernard Phạm Hữu Quang, pss*
 
Chắc chắn mỗi Kitô Hữu đã có hơn một lần trong đời thao thức về việc làm thế nào để đọc và hiểu Lời Chúa. Dĩ nhiên là có nhiều cách đọc Kinh Thánh. Có thể nói được rằng, trên bình diện cá nhân, mỗi người với cá tính, tâm sinh lý và bối cảnh cá biệt, có thể tìm cho mình một cách đọc Kinh Thánh phù hợp cho sự phát triển thiêng liêng cá nhân. Bởi kinh nghiệm cá nhân, mỗi người trong chúng ta đều biết rằng chúng ta không đọc Kinh Thánh trong cùng một phương cách trong suốt cuộc đời của mình, từ  nhỏ đến trưởng thành và đến khi chết. Cuộc đời biến đổi và chúng ta cũng phải lớn lên. Phương cách chúng ta đọc Kinh Thánh và hiểu Kinh Thánh cũng tùy thuộc vào mức độ tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa. Lắng nghe lời của một người bạn thân sẽ khác với lắng nghe lời trao đổi với một người xa lạ hay chỉ quen biết sơ giao.
 
Một cách tổng quát, Kinh Thánh có thể được đọc dưới hình thức: “đụng và nhả ra” (“hit-and-miss”) hay “đụng và bỏ chạy” (“hit-and-run”); nghĩa là chúng ta chỉ sờ, chỉ đụng đến cuốn Kinh Thánh, hay một bản văn nào đó rồi để đó. Kinh Thánh cũng có thể được đọc dưới hình thức “mì ăn liền” để giải đáp một sự thắc mắc nào đó, lý trí hay thiêng liêng… Kinh Thánh còn có thể được đọc một cách “liên tục” từ đầu đến cuối. Kinh Thánh cũng có thể được đọc một cách rất “khoa học” trong khi xử dụng những phương pháp khoa học để phân tích…
 
Tuy nhiên, vì Kinh Thánh là Lời Chúa, đã, đang và còn tiếp tục nói với con người hôm nay, Kinh Thánh phải được đọc với chủ đích thiêng liêng và hoán cải con người. Vì Lời Chúa không những được linh hứng (inspired) nhưng cũng đang linh hứng (inspiring). Nói cách khác, đọc Kinh Thánh, trước hết, là để mình đối diện với Lời Chúa; để đi từ sự khám phá bản văn đến một sự gặp gỡ riêng tư, một cảm nghiệm sâu xa với Thiên Chúa. Đồng thời, cách đọc Lời Chúa phải quan tâm đến việc giúp người đọc càng lúc càng gần hơn với sự thật, không phải một sự thật có tính cách lý thuyết trừu tượng, nhưng đưa người đọc vào sự “dấn thân cố hữu” (existantial involvement) với sự thật mà Đức Kitô mời gọi những ai lắng nghe Lời Ngài (cf. Ga 4:21-26; 8:31-32; 15:1-15…).
 
Trong những trang kế tiếp chúng tôi cố gắng trình bày một cách thức đọc Kinh Thánh được biết dưới danh xưng “lectio divina”. Nếu có những thành ngữ không thể chuyển dịch qua ngôn ngữ khác, có lẽ thành ngữ “lectio divina” thuộc một trong những thành ngữ đó. Theo chúng tôi biết, khi các ngôn ngữ hiện đại đề cập đến sự đọc Kinh Thánh bằng lối tiếp cận này đều giữ nguyên thành ngữ La Tinh này. Đọc Kinh Thánh có tính cách thần thiêng (divine reading), không những chỉ vì điều người ta đang đọc là Lời Chúa, nhưng còn vì Chúa đang ở với kẻ đang đọc Lời Ngài. Luôn luôn có hai người đang đọc: Chúa Thánh Thần và tôi, như Công Đồng Vaticăng II đã dạy trong Hiến Chế Tín Lý “Dei Verbum” : “Kinh Thánh phải được đọc và giải thích trong cùng một thần trí mà Kinh Thánh được viết ra” (số 12). Chính Thánh Thần đã linh hứng tác giả để viết Kinh Thánh bây giờ cùng đọc với người đang đọc Kinh Thánh.
 
Để tránh một hiểu lầm thường có thể xảy ra, chúng ta cần có một sự phân biệt nhỏ giữa “đọc sách thiêng liêng” (spiritual reading) và “lectio divina” (divine reading). Trong khi đọc sách thiêng liêng bao gồm Kinh Thánh, các Giáo Phụ, các Tiến Sỹ cuả Giáo Hội, các sách thiêng liêng, gương các thánh…; “lectio divina” chỉ giới hạn hầu như hoàn toàn vào việc đọc Kinh Thánh.
 
Những gì được trình bày trong những trang kế tiếp là kết quả của công việc góp nhặt đây đó những bông hoa trong “vườn hoa” muôn sắc về Lời Chúa để cắm thành một bình hoa trao tặng cho nhừng ai yêu mến và sống Lời Chúa qua sự thực hành “Lectio divina”. Rất có thể sự lựa chọn những đóa hoa cũng như “nghệ thuật cắm hoa” của chúng tôi còn rất thô sợ vụng về; nhưng cũng xin được ký thác vào đó tâm chân tình để gởi đến những bạn đọc cùng với lời nguyện chúc của thánh Phaolô: “Ước chi lời Đức Kitô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú…” (Col 3:16).
 
Xin chân thành cám ơn tất cả những ai, vì sự nhiệt tâm với Lời Chúa, đã đóng góp cách này hay cách khác để hoàn thành bài tìm hiểu về “Lectio divina” bằng tiếng Việt này.
 
I. Nguồn gốc và lịch sử
 
Thành ngữ “lectio divina” hình như phát xuất trước tiên bởi Origen(1) trong thư gởi cho đồ đệ của mình là Grêgôriô (thành Cesarea). Trong khi Grêgôriô muốn học triết học, Origen đã viết một bức thư để thuyết phục đồ đệ mình đừng học triết nhưng học làm sao để hiểu rõ Lời Chúa “theia anagnôsis” (theia = divine; anagnôsis = reading). Origen viết lá thư đó với sự xác tín rằng Lời Chúa cần thiết hơn triết học. Lại nữa, trong bối cảnh đó, “lectio divina” bao gồm cả chiều kích vừa tri thức vừa cầu nguyện. Tưởng cũng nên biết rằng việc đọc Kinh Thánh hằng ngày vốn là truyền thống của Giáo Hội tiên khởi. Ví dụ, Origen thường chuẩn bị các bài giảng dựa trên các bản văn Kinh Thánh được đọc trong một tuần liền. Vào thời đó, các tín hữu đã có những cuộc gặp gỡ hằng ngày để đọc và giải thích Kinh Thánh, nhưng không mấy thành công (2) giữa các tín hữu. Sau đó, những cuộc gặp gỡ như thế bị bỏ dần.
 
Thánh Ambrosiô (3) xem ra là người đầu tiên đã dịch thành ngữ Hy Lạp “theia anagnôsis” ra tiếng La Tinh: “Lectio divina” để chỉ một sự học hỏi Lời Chúa trong cầu nguyện, hoặc cầu nguyện trong sự học hỏi.
 
Tuy nhiên, Lectio divina, đặc biệt trong chiều kích cá nhân, là sự “phát minh” và đồng thời cũng là “nền tảng” của đời sống chiêm niệm, như các tổ phụ của sa mạc đã sống. Theo truyền thống, thánh Gioan Cassianô (4), một trong những thầy dòng đầu tiên, đã dạy đọc Kinh Thánh theo chiều hướng thiêng liêng và cầu nguyện. Cách đọc Kinh Thánh này bao gồm ba giai đoạn, đó là: lectio (đọc), meditatio(suy gẫm), và oratio (cầu nguyện). Nhưng Cassianô đã tìm thấy cảm hứng ở thánh Giêrônimô (5) và thánh Augustinô (6); cả hai vị đã thường xuyên dùng Lectio divina để đọc Lời Chúa. Collationes(“Conferences”) của Cassianô và De Doctrina Christiana của Augustinô là hai tài liệu quan trọng hướng dẫn đọc Kinh Thánh trong các tu viện. Cả hai bổ túc cho nhau.
 
Thánh Augustinô chấp nhận ý niệm của trường phái Alexandria cho rằng Kinh Thánh cũng là một cuốn bách khoa toàn thư chứa những tri thức lợi ích cho con người. Từ khái niệm đó, thánh nhân đã rút ra những điều hữu ích cho việc giáo dục Kitô Giáo. Trong hai bộ (II và III) về De Doctrina Christiana thánh nhân đã tóm tắt những nguyên tắc chú giải về phê bình bản văn, phê bình văn chương, và phê bình thần học. Những nguyên tắc này, sau này đã thống trị suốt thời Trung Cổ ở miền Tây La tinh (Latin West). Theo thánh Augustinô, những khoa học và những nghệ thuật tự do cần thiết khi mà những môn khoa học đó đóng góp vào sự hiểu biết Lời Chúa. Sinh viên cần hiểu từ ngữ, văn phạm và lịch sử để có thể hiểu nghiã đen của từ ngữ; cần biết biện chứng pháp để phân biệt giữa tín điều đúng và sai; cần biết số học để hiểu các con số biểu tượng; cần biết lịch sử tự nhiên để hiểu biểu tượng và chim chóc; cần biết tu từ học, điểm cao nhất của giáo dục thời đó, để dạy dỗ và giảng thuyết. Là một người thông thạo về khoa tu từ, Augustinô dành cuốn thứ tư cuả bộ De Doctrina Christiana như một hướng dẫn về giảng thuyết. Lectio (đọc) và Praedicatio  (giảng dạy) là những khía cạnh khác nhau của cùng một tiến trình. Mỗi người sẽ học hỏi thêm khi chia sẻ những gì mình đã học hỏi. Trong những tác phẩm khác nhau của ngài về sách Sáng Thế,De Genesis contra Manichaeos, De Genesis Opus Imperfectum, và De Genesis ad Litteram, sự chú giải của thánh Augustinô chú trọng đến những vấn đề liên quan đến biện hộ, thần học, triết lý, và suy tư về việc Tạo Dựng. Tuy nhiên, trong cuốn Confessio (tự thuật), thánh Augustinô trình bày cho thấy rằng việc chú giải cũng cần một hành vi cầu nguyện. Như thế, lectio phải được kết thúc bằng oratio (cầu nguyện).
 
Trong khi thánh Augustinô nhấn mạnh đến sự uyên bác (scholarship), Cassianô chú trọng đến những ngôn ngữ bình dân cho những người bình thường, không học thức. Là một ẩn sĩ Cassianô nhấn mạnh rằng việc đọc Kinh Thánh tương đương với việc ăn chay và thức tỉnh, và là một thứ vũ khí trong cuộc chiến thiêng liêng của đời chiêm tu. Như một kẻ bắt đầu, người tu sĩ chỉ có thể gạt bỏ khỏi những kỷ niệm trần tục đã ghi vào trong tâm khảm bằng việc suy niệm Lời Chúa lâu dài. Và rồi, càng tiến bộ trong cuộc sống chiêm niệm, sự hiểu Kinh Thánh  sẽ là phần thưởng dành cho mình.
 
Theo Cassianô, “khoa học của những kẻ sùng đạo” (science of religious people) nhấn mạnh đến hai phần: thực hành và lý thuyết. Phần thực hành là sự thanh luyện và sửa đổi cuộc sống. Chính hai yếu tố này chuẩn bị tâm trí họ để học hỏi Kinh Thánh tốt hơn là những chuẩn bị có tính cách học đường (academic). Phần lý thuyết là sự giải thích Kinh Thánh. Một cách đọc Kinh Thánh nổi tiếng có tên là “quadriga” (= bốn nghiã = fourfold) đã được Cassianô biện phân ra và sau này đã trở thành truyền thống trong thời Trung Cổ. Một câu Latinh quen thuộc trong thời Trung Cổ, được cho là của Augustinô (của Đan Mạch vào thế kỷ thứ 13), nhưng xem ra đã được luân lưu từ thế kỷ thư 6, đã trở thành một chỉ dẫn cho việc giảng giải Kinh Thánh trong thời Trung Cổ:
 
            Littera gesta docet, quid credas allegoria
            Moralis quid agas, quo tendas anagogia
 
Nghĩa đen (literal) chỉ điều đã xảy ra (nghĩa lịch sử); nghĩa phúng dụ(allegory, bao gồm luôn nghĩa dự hình [typology]) dạy những điều phải tin (nghĩa tín lý); nghĩa luân lý (bao gồm nghĩa tropology) dạy những điều phải sống; và nghĩa huyền bí (anagogy, bao gồm eschatology and mystic) chỉ nơi sẽ đến. Thí dụ: Giêrusalem (cf. Gal 4:22-26) trong nghĩa đen: dùng để chỉ thành của người Do Thái; trong nghĩa phúng dụ: chỉ Giáo Hội của Đức Kitô; trong nghĩa luân lý (ở đây tropology): chỉ tâm hồn con người; và trong nghĩa huyền bí: chỉ thành đô thiên quốc (7).
 
Đối với Cassianô, khi mà vị ẩn tu đã lớn mạnh trong sự thanh bạch của tâm hồn thì những khái niệm về những nghĩa thiêng liêng của vị đó cũng lớn dần lên. Đó là một điều tất yếu và rất “logic”. Khi Kinh Thánh được giải thích trong nghĩa thiêng liêng, Kinh Thánh chiếu rọi cuộc chiến đấu trong đời sống chiêm tu, với những điểm hài lòng cũng như những cám dỗ.
 
Tiếp nối Cassianô, những vị sáng lập dòng chiêm niệm tại Âu Châu đã đưa lection divina vào trong luật dòng của các vị. Thánh Bênêđictô thành Nursia (8) đã chia vào thời khắc mỗi ngày trong tuần dành 2 giờ, vào mùa Chay là 3 giờ cho lectio divina riêng tư; vào chủ nhật, lectio divina thay cho giờ làm việc. Các sách Kinh Thánh  được phân chia cho anh em để đọc trong mùa chay (9).
 
Thánh Xêdariô (10), tổng Giám Mục của Arles (Pháp), trong cuốn “Luật cho các Nữ Tu và các Thầy Dòng” của ngài, đã khuyên nhủ đọc Kinh Thánh riêng 2 giờ mỗi ngày, ngoài ra còn đọc lớn tiếng trong khi dệt vải. Ngay cả trong khi làm một công việc khác, các nữ tu “luôn luôn ngẫm nghĩ (nhai lại = ruminate) điều gì từ Kinh Thánh”(11). Thêm vào đó, ngoài việc nghe đọc sách tại bữa ăn, các vị còn nghe các bài đọc lớn tiếng trong nhà nguyện. Theo gương luật dòng Biển Đức, các thầy dòng và nữ tu của thánh Xêdariô cũng cầu nguyện ngày 7 lần và đọc hết cuốn Thánh Vịnh trong vòng một tuần.
 
Thánh Bêđa (12) dùng nhiều bài dịch Kinh Thánh của ngài ra tiếng Anh cổ để làm phương tiện để thực hành lectio divina, một phương cách có đặc tính cầu nguyện, suy gẫm, và thiêng liêng.
 
Tại Tây Âu, trong khoảng từ thế kỷ thứ 5 đến thứ 9, có thể nói cách chung là các điều kiện cần thiết cho việc học chỉ có thể tìm thấy ở các tu viện. Trong khoảng thời gian này, các học giả cũng đã bắt đầu chất vấn quyền hạn của các Giáo Phụ trên vấn đề chú giải Kinh Thánh. Các nhà chuyên môn này cũng đã tiến triển trong việc học tiếng Do Thái; tuy nhiên, phương pháp “độc tôn” trong việc giải thích Kinh Thánh vẫn là “bốn nghĩa” (cf. “fourfold” ở trên); tức là nghiêng về chú giải thiêng liêng (spiritual exegesis).
 
Vào thế kỷ thứ 10 và 11, các học giả bắt đầu tái khám phá phép biện chứng (dialectic). Khoa tu từ (rhetoric) có thể được xử dụng như một sự giúp đỡ để học Kinh Thánh mà không làm tổn hại đến đức tin của sinh viên. Thêm vào đó, sự thành lập các “trung tâm giáo dục” (“cathedral schools”) tại các thành phố lớn như: Paris (bởi vị tôn sư Manegold; c. 1110), Laon (bởi tôn sư Anselm; c. 1117), Utrecht(bởi tôn sư Lambert, cùng thời với Anselm), đã mở màn cho một thời điểm của sự tìm tòi (scholarship). Trong thời điểm này, môn thần học tín lý hệ thống (systematic theology) và các môn về Kinh Thánh từ từ trở thành hai ngành riêng biệt, và đến thế kỷ thứ 13 thì sự phân biệt xem như trở nên hoàn toàn riêng biệt (13). Sự phát triển này xuất hiện trong nhiều trung tâm giáo dục, trong đó lectio divina của tu viện và những phương pháp biện chứng của các đại học gặp nhau và làm giàu cho nhau. Nghĩa thiêng liêng của Kinh Thánh vẫn còn giữ tầm quan trọng, nhưng sự quan tâm lớn đối với tiếng Do Thái và cách chú giải của Do Thái đã làm sống lại sự ưu tư về nghĩa đen của bản văn. Kinh Thánh đóng hai vai trò tương đối khác nhau trong hai lãnh vực: tại đại học, Kinh Thánh được khai thác theo nghĩa đen của nó trong sự tương quan với các tín điều; trong khi đó, phụng vụ và đời sống chiêm niệm, Kinh Thánh được chú trọng đến nhiều trong nghĩa thiêng liêng để nuôi dưỡng đức tin.
 
Tóm lại, lectio divina trong đời sống tu viện đã được cảm hứng từ thánh Augustinô và thánh Giêrônimô; được quảng bá rộng rãi bởi Cassianô. Thánh Augustinô, mặc dầu quảng bá việc đọc Kinh Thánh với sự hiểu biết khoa học, nhưng thực hành lectio divina trong đời sống đan tu. Thánh Giêrônimô, bậc thầy của việc học Kinh Thánh, nhưng lòng nhiệt thành dành cho lectio divina  thì không thể chối cãi(14). Thánh Giêrônimô và nhóm các nữ tu do ngài hướng dẫn chỉ khác biệt với các nữ tu của Cassianô trong một điều thôi đó là việc học Kinh Thánh bao gồm cả tìm tòi (scholarship).
 
Đáng tiếc, vào cuối thời Trung Cổ, thời của chủ nghĩa kinh viện bắt đầu nở rộ (bắt đầu thế kỷ 12), lectio divina bắt đầu đi xuống, nhường chỗ cho những tranh luận thần học. Vào thế kỷ 16, lectio divina hầu như chỉ còn xử dụng trong những đan viện.
 
Công Đồng Vaticăng II trở về với truyền thống Kinh Thánh và mạnh mẽ khuyên đọc Kinh Thánh với tinh thần học hỏi và cầu nguyện. Công Đồng nói: “Tất cả hàng giáo sỹ, đặc biệt các linh mục của Đức Kitô và những vị khác, như các phó tế hay những giáo lý viên, là những người dấn thân cách công khai trong mục vụ Lời Chúa, phải đắm mình (immerse) vào trong Kinh Thánh bằng sự đọc thánh liên lỉ (constant sacred reading) và học hỏi cần mẫn (diligent study)… Tuy nhiên, họ hãy nhớ rằng sự cầu nguyện phải đi đôi với sự đọc Kinh Thánh, để có một sự đối thoại xảy ra giữa Thiên Chúa và cá nhân” (15).
 
Về phần mình, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết: “Lời Chúa là nguồn mạch quan trọng nhất cho mọi linh đạo Kitô. Lời Chúa làm nảy sinh một sự tuơng quan với Thiên Chúa hằng sống và ý định thánh và cứu rỗi. Chính vì thế, cái mà chúng ta gọi là lectio divina đã luôn luôn có một chỗ đứng kính cẩn, đặc biệt trong đời sống tu viện” (16).
 
II. Thái độ phải có khi đọc Thánh Kinh
 
Trước khi bàn đến những điểm (khiá cạnh = aspects, phases, dimensions) của lectio divina, chúng ta cần nhấn mạnh ở đây những thái độ phải có khi đọc Lời Chúa.
 
1. Những thái độ cần tránh
 
Rất có nhiều thái độ lầm lẫn khi đọc Kinh Thánh. Ví dụ, trước hết, thái độ “thua cuộc”, nghĩa là “đầu hàng” trước khi bắt đầu đọc Kinh Thánh, khi cho rằng những bản văn Kinh Thánh khó hiểu và chỉ dành cho “những người chuyên môn”! Còn bản thân chúng ta (tôi) không đủ khả năng để hiểu điều gì cả. Thế thì tại sao mất thời gian vô ích? Hoặc là Kinh Thánh thì khô khan, chúng ta thích những sách thiêng liêng viết về các thánh hơn… Nếu trong thái độ này có phảng phất chút nào nhân đức “khiêm nhượng” thì chỗ đứng của nó không phù hợp ở đây!
 
Thứ hai, thái độ “tiêu cực”. Đó là thái độ nghi ngờ nếu có điều gì đó được khám phá trong Kinh Thánh có ảnh hưởng không tốt cho đời sống thiêng liêng của mình. Ví dụ, có quá nhiều “xì căng đan” trong Kinh Thánh! Những “xì căng đan” đó có thể xoá bỏ những hình ảnh đẹp mà chúng ta đang có về Thiên Chúa từ những ngày thơ ấu, khi còn ngồi trong các lớp giáo lý trẻ thơ! Đây là thái độ “trẻ con” và không muốn lớn lên cho dù phải vấp ngã!
 
Thứ ba, thái độ “đóng cửa lòng” lại. Đây là thái độ không sẵn sàng đón nhận, lắng nghe Lời Chúa khi đọc Lời Ngài. Chúng ta “làm như kẻ điếc và biến lòng thành chai đá” (cf. Tv 95:7-8). Chúng ta không tin rằng Lời Chúa có khả năng thay đổi cuộc đời chúng ta thành tốt hơn và có thể ban cho chúng ta ơn cứu rỗi đời đời.
 
Thứ tư, thái độ “làm biếng”. Thái độ này rất thường gặp. Chúng ta không muốn bỏ công sức, thời gian, và kỷ luật cho việc đọc Kinh Thánh. Chúng ta cũng có quan tâm đến Kinh Thánh, nhưng chúng ta chỉ muốn có cái gì đó như là “mì ăn liền”!
 
Thứ năm, thái độ “phản bội” lại Lờì Chúa. Thay vì để tâm lắng nghe Lời Chúa, chúng ta lèo lái Lời Chúa để biện hộ cho những chứng từ hay những hành vi của chúng ta; những hành vi nhiều lúc rất sai lầm. Thay vì để Thánh Linh hoạt động trong chúng ta trong khi đọc Lời Chúa, chúng ta lại áp đặt lời và ý muốn chúng ta trên Lời Chúa.
 
2. Những thái độ cần có
 
Để có một kết quả tốt trong khi đọc và học hỏi Lời Chúa, nhiều thái độ “tích cực” cần phải có, ví dụ,
 
Thứ nhất, thái độ “cởi mở con tim” và “trí tuệ” đối với Lời Chúa; vì qua đó Thiên Chúa mạc khải về sự thật của chính Ngài cho chúng ta. Chúng ta không cần, đúng hơn là không thể hiểu mọi sự trong Kinh Thánh. Thái độ chúng ta phải có là thái độ của Samuen: “Lạy Chúa, xin hãy nói vì tôi tớ đang lắng  nghe” (1Sam 3:10). Chúng ta không được áp đặt ý hay lời của mình lên ý và Lời của Chúa. Chúng không được lèo lái Lời Chúa cho vừa lời của chúng ta. Chúng ta đến với Lời Chúa để Ngài nói với chúng ta, vì khi nghe Lời Chúa là khi đi vào sự gặp gỡ với Đức Kitô, Ngôi Lời. Kinh Thánh không phải là một cuốn sách chỉ thu góp những ý tưởng xa xưa hay những câu chuyện cổ tích. Trong Kinh Thánh chúng gặp Thiên Chúa, Đấng truyền thông lời hằng sống cho chúng ta, đó là “Lời cho cuộc sống đời đời” (Ga 6:68).
 
Có một cách đọc Kinh Thánh là khám phá Thiên Chúa như một ngôi thứ ba trong Kinh Thánh, Đấng nói về Ngài. Nhưng cũng có một cách khác là đọc Kinh Thánh nơi Thiên Chúa là ngôi thứ hai. Thiên Chúa nói trực tiếp với mỗi người và tôi (chúng ta) lắng nghe và trả lời. Cách thứ hai là lectio divina.
 
Thứ hai, thái độ “chuyên cần” và “trung thành”. Kinh Thánh là một cuốn sách chứa nhiều điều khó hiểu, nhưng nó tiết lộ những điều “bí ẩn” đó cho những ai thường xuyên đến gần nó. “Ai muốn luôn kết hiệp với Chúa thì phải cầu nguyện, và thường đọc (Kinh Thánh). Vì khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta nói với Thiên Chúa; nhưng khi chúng ta đọc, chính Thiên Chúa nói với chúng ta. Tất cả sự tiến bộ đến từ việc đọc và suy gẫm. Điều mà chúng ta không biết, chúng ta học biết từ việc đọc, và điều mà chúng ta hiểu chúng ta giữ nó trong sự suy gẫm”. (17)
 
Như thế, chúng ta cần dành thời gian, sức lực, và kỷ luật cho việc đọc Lời Chúa. Thiên Chúa đặt một giá phải trả trong Lời của Ngài: sự trung thành và sự cần mẫn trong việc đọc và học Lời Chúa. Nói cách khác, ngay cả trong tiến trình đọc Kinh Thánh, chúng ta phải nhớ thành ngữ: “không vất vả thì chẳng có thành quả“ (no pain no gain). Nếu trong mọi việc chúng ta đều có thể tìm ra thời gian để thực hiện, thế thì tại sao chúng ta lại không có thời gian cho việc đọc Lời Chúa! Học hỏi và đọc Lời Chúa, ngay cả bằng phương pháp lectio divina là công việc của mỗi tín hữu chứ không riêng gì cho các Linh Mục, tu sĩ. Đối với những giáo dân  cho rằng việc đọc Kinh Thánh không quan trọng, thánh Gioan Kim Khẩu (18) nói với họ những lời nặng nề như sau: “Có lẽ, tất cả anh chị nói: ‘Tôi không phải là một ẩn sỹ. Nhưng anh chị lầm lẫn khi cho rằng Kinh Thánh chỉ dành cho các vị ẩn tu trong khi các anh chị, những tín hữu bình thường sống trong thế giới, cần nó hơn chúng tôi. Có điều gì nghiêm trọng và lỗi lầm hơn là không đọc Kinh Thánh, có nghiã là khi cho rằng đọc Kinh Thánh thì không cần thiết và chẳng lợi ích gì” (19).
 
Thứ ba, thái độ “khiêm nhu”. Ngoài những nhân đức đối thần: Đức Tin, Đức Cậy, và Đức Mến cần thiết cách tuyệt đối trong việc đọc Kinh Thánh, đức khiêm nhu, “nhân đức trên mọi nhân đức” như các thánh trong Giáo Hội thường nói, cần thiết nhất trong việc đọc và học hỏi Lời Chúa. Như thế, chúng ta phải biết rằng có những điều trong Kinh Thánh chúng ta sẽ không bao giờ có thể hiểu hết ý nghiã của nó, hoặc chúng ta sẽ không hiểu gì cả, hoặc có những điều sẽ làm chúng ta suy tư, đặt vấn đề. Dầu vậy, là thành phần trong Hội Thánh mà Kinh Thánh được trao cho để được loan báo, giải thích, và giữ gìn, chúng ta sẽ lắng nghe lời Giáo Huấn. Ngoài Giáo hội, Kinh Thánh chẳng có ý nghiã gì với chúng ta (tôi). Ngoài Giáo hội, Kinh Thánh cũng như những cuốn sách khác. Thiên Chúa muốn Kinh Thánh thuộc về đời sống của tín hữu trong Giáo hội; một cuộc sống bao gồm cầu nguyện, các bí tích, những công việc bác ái, những dấn thân tích cực trong cộng đoàn dân Chúa,…Và Giáo hội là nơi tuyệt diệu mà Kinh Thánh được nghe trong nghiã toàn vẹn của nó. Giáo hội là nơi mà biết bao nhân chứng, của Cựư Ứơc cũng như Tân Ứơc, đã sống, đã truyền Lời Chúa lại cho chúng ta, cho dù phải mất mạng sống vì nó. Giáo Hội, Kinh Thánh, và Truyền thống không thể đào hố để chôn nhau bằng việc chống lại nhau; cả ba cùng nhau hoặc lớn mạnh hoặc té ngã (20).
 
Tóm lại, theo như Isaac of Stella, Viện Phụ Xitô (Cistercian, thế kỷ 12), đọc và học hỏi Lời Chúa cần có hai yếu tố căn bản: đó là sự quan tâm (solicitude) của Marta và lòng mộ mến (devotion) của Maria khi đón Đức Kitô, Ngôi Lời vào nhà mình (Lc 10:38-42). Sự quan tâm của Marta thúc đẩy sự làm việc hăng say để có một sự thấu hiểu Lời đã được viết xuống; lòng mộ mến của Maria nói lên sự nồng ấm và cởi mở đầy yêu thương đối với những gì mà Lời muốn nhắn nhủ.
 

(còn nữa)
 

Lưu hành nội bộ
Huế-Việt Nam, Fukuoka-Japan, 2008

***


Huynh đoàn tôi thực hành Lectio divina

Giáo xứ tôi nằm trên ngọn đồi vùng kinh tế mới, chúng tôi như vườn hoa muôn mầu, anh miền Bắc chị miền Nam còn tôi là người Tây nguyên chính gốc. Huynh đoàn tôi bữa nay nguyệt hội, tới giờ đóng góp ý kiến rôm rả lắm, giọng ba miền cứ quyện vào nhau xin kể chuyện nghe chút nhé bà con ơi!

Chị Tư Matta giơ tay hỏi anh Ba.

Anh Ba ơi! Léc-xi-ô-đi-vi-na là cái gì vậy? Mà cái anh giảng viên bữa nọ nói tới hơn hai tiếng đồng hồ, nhìn xấp tài liệu anh cầm cả chín mười tờ giấy mà dội đạn, thực tình chúng tôi chẳng hiểu ảnh nói gì? Anh nói gồm bốn bước làm chúng tôi chả biết dài là bao nhiêu?... Bởi chưng người thì bước dài, người thì bước vừa vừa, còn cỡ như chú tư người cao một mét ba chín thì phải sáu bước mới dài bằng bốn bước của anh Ba chứ lị! À còn nữa! Về sau anh lại bảo là gồm ‘bốn thì’ thì thứ nhất… thì thứ hai… rồi đến thì thứ ba, thứ tư… cứ như là động cơ ô tô ấy chứ!

Nghe thế, có một chị liền giơ tay phát biểu:

- Anh Ba ơi! Tôi đề nghị thế này này: Mai mốt anh có đi họp toàn thể trên Liên huynh gì ấy, thì ý kiến giùm chúng tôi với là… là có gì thì xin mấy bác nói bình dân cho cánh này nhờ với, vì chị em chúng tôi suốt ngày chỉ biết băm bèo nuôi lợn còn chả nên thân, học thì mới có lớp một lớp hai mà… mà làm sao hiểu cái từ mấy bác ấy nói gì… gì là vĩ mô vi mô ấy!... Lại còn phủ nhận rồi không phủ nhận. Ôi giời ơi!... Nghe cứ giống như chị Chín đang lấy miếng vải phủ lên nia cá phơi khô cho khỏi bụi bặm, khỏi ruồi nhặng nó bậu vô ấy!

Nghe một hồi, Ba Phải toát cả mồ hôi lên tiếng:

-  Giời ạ!... thế… thế các chị không hiểu gì hả? hay cố tình không hiểu! Thư chung Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 2012 khuyến khích không chỉ cho các tu sĩ, chủng sinh mà cả giáo dân mình hằng ngày thực hành “Đọc và suy niệm lời Chúa” tiếng nước ngoài gọi là gì… gì nhỉ! À…à nhớ rồi, là… là Léc-xi-ô-đi-vi-na.

-  Ô hay!... Léc-xi-ô-đi-vi-na là ‘đọc và suy Lời Chúa’ hả anh Ba? Ôi giời!... Từ hôm học đến nay mà em chả hiểu gì cả! nghĩ mà tức cả ruột gan.

Ba phải lại hỏi:

-  Thế chị không hiểu thật hả?

- Chị Tám trả lời: Ơ hay!... cái nhà bác Ba này! Cứ tưởng nhà cháu nói đùa hay sao mà hỏi vậy? Người ta không hiểu thì mới hỏi chứ! Này!... nói cho mà biết nhé! Đàng ấy mà không nói thì chị em đàng này đi hỏi chỗ khác nhé!...Chờ đấy mà xem!...

Thấy chị Tám có vẻ nóng ruột, Năm Lôi liền lên tiếng:

- Tôi đề nghị anh Ba hướng dẫn mọi người “Đọc và suy niệm lời Chúa” gọi là Lectio divina gì… gì ấy! nhớ… là bình dân theo văn hóa quần cộc quê mình thôi nhé! chứ…cao siêu thì chẳng ai hiểu nổi đâu.

Ba Phải phấn khởi, hồ hởi chầm chậm giải thích: Thế này nha! ‘đọc và suy Lời Chúa’ gồm bốn bước như sau, xin bà con nghe nè:

-  Bước thứ nhất “Đọc” có nghĩa là: chúng ta đọc cẩn thận một đoạn Thánh kinh ngắn;

-  Bước thứ hai “Suy gẫm” có nghĩa là: cố gắng suy nghĩ xem lời Chúa mà ta vừa đọc (hoặc nghe) nói gì với ta.

-  Bước thứ ba “Cầu nguyện” có nghĩa là: ta trả lời Chúa về những gì Ngài vừa nói với ta, như quyết tâm sửa đổi và sống lời Ngài vừa dậy.

-  Bước thứ bốn “Chiêm niệm” có nghĩa là: Khi ta vừa trả lời Chúa xong, thì tư tưởng ta triền miên hướng về Ngài, chiêm ngắm điều tốt đẹp từ nơi Ngài và cuối cùng nhờ ơn Chúa, ta được trầm mình vào sự hiện diện của Ngài.

Cả Huynh đoàn vang lên tràng pháo tay tán thưởng làm Ba Phải mũi cứ phập phồng như muốn nổ tung, rồi toàn thể Huynh đoàn thực hành ‘đọc và suy Lời Chúa’ với đoạn Tin Mừng (Mc 4,21-25).

“Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng. Vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng. Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất”.

Mười lăm phút và bốn bước đã trôi qua, chị Tám giơ tay phát biểu:

Thưa mọi người, vậy là chúng ta đã biết thực hành ‘đọc và suy niệm Lời Chúa’ bước thứ nhất tôi chăm chú nghe anh Ba đọc chậm rãi hai lần; sang bước thứ hai tôi nhớ tới ngay những lần ăn phở ở ngoài tiệm tôi không dám làm Dấu Thánh giá xin Chúa chúc lành vì xấu hổ… đáng lẽ ánh sáng của tôi phải chiếu giãi ra bằng việc tuyên xưng Đức tin của mình; sang bước thứ ba tôi cúi đầu nói với Chúa: Chúa ơi! Con thật xấu hổ khi không dám tuyên xưng làm chứng về Chúa trước mặt mọi người, con xin lỗi Chúa, con hứa sẽ cố gắng! Xin Chúa giúp con và đừng bỏ con như con đã từng bỏ Chúa nhé, Chúa ơi! Sang bước thứ tư, tôi chiêm ngắm lòng nhân từ bao la của Chúa rồi trầm mình vào và tôi có những giây phút hạnh phúc tuyệt vời bên Chúa mà tư xưa đến giờ chưa hề có được bao giờ.

Lời của chị Tám như ngọn gió thổi bùng đống lửa đang âm ỉ, mọi người đều thưa: Tôi cũng vậy, chúng tôi cũng vậy! Giờ thì chúng tôi đã hiểu và biết thực hành ‘đọc và suy niệm Lời Chúa’ Lectio divina rồi, cám ơn anh Ba nhé! anh Ba!

Hai Quan Họ

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn