1
20:56 +07 Thứ năm, 25/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 70

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 67


Hôm nayHôm nay : 17829

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 280515

Tổng cộngTổng cộng : 27834799

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » NĂM MỤC VỤ GIA ĐÌNH

Tân Phúc Âm hóa trong Thượng Hội đồng Giám mục Thường kỳ lần thứ 13

Thứ sáu - 26/04/2013 16:57-Đã xem: 1644
Hội nghị Thượng Hội đồng Giám mục (THĐGM) Thế giới Thường kỳ lần thứ 13 diễn ra tại Roma từ ngày 7-10 đến 28-10-2012 về chủ đề “Tân Phúc Âm hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo”.
Tân Phúc Âm hóa trong Thượng Hội đồng Giám mục Thường kỳ lần thứ 13

Tân Phúc Âm hóa trong Thượng Hội đồng Giám mục Thường kỳ lần thứ 13

Tân Phúc Âm hóa THĐGM thế giới 3013

Hội nghị Thượng Hội đồng Giám mục (THĐGM) Thế giới Thường kỳ lần thứ 13 diễn ra tại Roma từ ngày 7-10 đến 28-10-2012 về chủ đề “Tân Phúc Âm hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo”.

Đã có nhiều bản phúc trình, nhiều tham luận, nhiều buổi họp nhóm và đúc kết. Thành quả cụ thể của ba tuần lễ làm việc là Sứ điệp gửi toàn thể Dân Chúa và58 Đề nghị được đệ trình lên Đức Thánh Cha. Sứ điệp đã được công bố, còn các Đề nghị, trên nguyên tắc, được dành riêng cho Đức Thánh Cha, tuy nhiên lần này, ngài chấp thuận cho phổ biến bản dịch tiếng Anh, nhưng bản dịch chỉ mang tính thông tin chứ không có giá trị chính thức. Các thông tin về THĐ đã được phổ biến trên các trang web, nay chỉ xin trình bày một ít điểm nhấn về chủ đề tân Phúc Âm hóa từ cảm nhận của một người tham dự Hội nghị.

1.      Ý nghĩa của từ ngữ

ĐTC Gioan-Phaolô II là người đầu tiên dùng từ “Tân Phúc Âm hóa” vào năm 1979 khi ngài về thăm quê hương Ba Lan. Đến năm 1983, trong cuộc nói chuyện với Liên Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ Latinh, ngài xác định ý nghĩa của từ ngữ “mới” : không phải là một Phúc Âm mới, nhưng là “mới về lòng nhiệt thành, mới trong phương pháp và mới trong cách diễn tả” (ĐTC Gioan-Phaolô II, Diễn văn tại Đại hội XIX của CELAM, Port-au-Prince, 9-3-1983, s.3).

Trong bài giảng thánh lễ khai mạc THĐGM ngày 7-10-2012, ĐTC Bênêđictô XVI xác định : Tân Phúc Âm hóachủ yếu hướng tới những người, tuy đã được rửa tội, nhưng đang xa lìa Giáo hội, và sống mà không hề tham chiếu về luân lý Kitô giáo (...), để giúp họ tái gặp gỡ Chúa, là Đấng duy nhất làm cho cuộc sống chúng ta có được ý nghĩa sâu xa và an bình ; để giúp tái khám phá đức tin, là nguồn mạch ân sủng mang lại vui mừng và hy vọng trong đời sống bản thân, gia đình và xã hội”.

Tân Phúc Âm hóa không có nghĩa là loan báo một Phúc Âm mới. Chỉ có một Phúc Âm duy nhất, vì “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay và như vậy đến muôn đời” (Dt 13, 8). Để tránh ngộ nhận, có lẽ nên nói : “Phúc Âm hóa trong bối cảnh mới”, hoặc “đổi mới Phúc Âm hóa trong hoàn cảnh hiện nay”.

2.      Bối cảnh mới

Công cuộc Phúc Âm hóa được gọi là mới, hoặc cần được đổi mới, vì các Kitô hữu đang sống trong một bối cảnh xã hội mới. Thế giới ngày nay có nhiều thay đổi sâu xa, nhiều hoàn cảnh đặc thù khác nhau.

-   Một xã hội tục hóa : con người không bận tâm đến Thiên Chúa nữa, nhưng đi tìm sự sung túc vật chất, tiêu thụ và hưởng thụ. Các giá trị luân lý bị coi nhẹ : tiêu chuẩn luân lý dựa trên sở thích và số đông, ví dụ vấn đề hôn nhân, phái tính, sinh học.

Tại các nước Tây Âu và Bắc Mỹ, việc tham dự bí tích giảm sút trầm trọng, nhiều nơi hầu như quên hẳn bí tích giải tội. Nhiều Kitô hữu không hiểu biết giáo lý. Việc trình bày giáo lý tại một số trường học công giáo bị cấm. Một vài nước cấm trình bày công khai những biểu tượng Kitô giáo.

-   Do ảnh hưởng toàn cầu hóa, não trạng tục hóa đang lan rộng khắp nơi trên thế giới, ngay cả tại các nước châu Á vốn quí trọng tôn giáo, nhưng ngày nay Thiên Chúa cũng đang bị loại dần khỏi đời sống người dân.

Châu Á chiếm tới 60% dân số hoàn cầu, trong đó Trung Quốc và Ấn độ chiếm 37% dân số thế giới, nhưng các Kitô hữu chỉ chiếm 2% dân số. Ngày xưa, Chúa Giêsu đưa ra hình ảnh người mục tử để lại 99 con chiên trong đàn để đi tìm một con chiên lạc ; nhưng ngày nay tại nhiều cộng đoàn, chỉ có một con chiên trong đàn, còn 99 con đang đi lạc.

-   Tại nhiều quốc gia, các chế độ độc tài tìm cách giới hạn, cấm cách, bách hại, quấy nhiễu, can thiệp vào tôn giáo. Các Kitô hữu chịu thiệt thòi và không được tự do thực hành tôn giáo.

-   Cảnh nghèo đói gia tăng, tình trạng di dân ồ ạt, là những thách đố lớn tác động sâu xa trên đời sống đức tin của tín hữu.

-   Một số tín đồ của Hồi giáo, Ấn giáo và Phật giáo đi theo khuynh hướng cực đoan. Các nhà thờ bị đốt, các Kitô hữu bị giết, Giáo hội không được giảng đạo và rửa tội. Tình trạng trở nên trầm trọng hơn khi các tôn giáo ấy là quốc giáo. Một số tín hữu Chính Thống giáo cũng có những hành động cực đoan, cấm cách các tín hữu Công giáo. Tại nhiều nơi ở Trung Đông, các Kitô hữu sống trong ngột ngạt và lo sợ.

-   Các giáo phái ngày càng nhiều và lan rộng, ảnh hưởng trên đời sống đức tin của các Kitô hữu. Đức tin Kitô giáo bị cắt xén để đáp ứng những nhu cầu thực tiễn của con người. Đức Kitô mà các giáo phái loan truyền không còn là Đức Kitô của Phúc Âm.

Hoàn cảnh của thế giới hôm nay là những thách đố lớn cho đời sống đức tin của các Kitô hữu. Rất nhiều tín hữu tuy không chối bỏ đức tin nhưng đã trở thành dửng dưng thờ ơ với đời sống đạo, xa lìa Giáo hội, sống theo tinh thần thế gian chứ không qui chiếu về các giá trị đạo đức của Phúc Âm.

Trong bối cảnh ấy, các môn đệ Đức Kitô không được sợ hãi. Bao nhiêu thách đố phải là bấy nhiêu cơ hội mới để loan báo Tin Mừng. “Nghĩa vụ của chúng ta là phải khắc phục sợ hãi bằng đức tin, chiến thắng sự hèn nhát bằng niềm hy vọng, và sự dửng dưng lãnh đạm bằng tình yêu. Lòng can đảm thanh thản ấy cũng ảnh hưởng đến cái nhìn của chúng ta về thế giới ngày nay. Chúng ta không cảm thấy nhát sợ vì những hoàn cảnh chúng ta đang sống. Thế giới chúng ta đầy những mâu thuẫn và thách đố, nhưng vẫn là công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Thế giới này tuy bị tổn thương vì sự ác, nhưng vẫn luôn được Thiên Chúa yêu thương. Thế giới này là một cánh đồng trong đó có thể canh tân việc gieo vãi Lời Chúa để tái mang lại hoa trái.

Không có chỗ đứng cho sự bi quan trong tâm trí những người biết rằng Chúa đã chiến thắng sự chết và Thánh Linh của Chúa hoạt động mạnh mẽ trong lịch sử. Với lòng khiêm tốn và quyết tâm, một thái độ đến từ xác tín sự thật sau cùng sẽ chiến thắng, chúng ta đến với thế giới này và muốn thấy trong đó một lời mời gọi của Thiên Chúa trở thành chứng nhân về Danh Thánh của Ngài. Giáo hội chúng ta sinh động và, với niềm can đảm của đức tin và chứng tá của bao nhiêu con cái mình, Giáo hội đương đầu với những thách đố do lịch sử đề ra.” (Sứ điệp THĐGM 2012, ss. 5-6)

Phải đặt công cuộc Phúc Âm hoá trong bối cảnh của lịch sử Giáo hội, từ thời kỳ sơ khai, qua các giai đoạn lịch sử khác nhau. Mỗi thời đều có những khó khăn riêng, mỗi giai đoạn đều có thể được coi là khủng hoảng, nhưng từ những tình huống cụ thể, Chúa Thánh Thần dẫn dắt Giáo hội tiến lên và làm chứng cho Đức Kitô trong bối cảnh lịch sử đương thời. Những khó khăn không phải là những cản trở cho bằng là những lời mời gọi trong một giai đoạn mới. Chẳng hạn sự kiện di dân ồ ạt ngày nay đặt ra biết bao vấn đề cho việc thực hành đạo, hôn nhân, hội nhập vào cộng đoàn giáo xứ, nhưng ngược lại, đó cũng là cơ may cho Giáo hội, vì nếu được hướng dẫn, chính họ cũng trở thành tác nhân truyền giáo, như Cv 8, 1-8 minh chứng.

“Đức tin đang có nguy cơ bị lu mờ trong những bối cảnh văn hóa cản trở không cho đức tin trở nên sâu xa hơn nơi bản thân, cản trở sự hiện diện của đức tin trong xã hội … Bối cảnh văn hóa và xã hội thay đổi kêu gọi chúng ta phải làm cái gì mới: đó là sống một cách mới mẻ kinh nghiệm cộng đồng của chúng ta về đức tin” (Sứ điệp s. 2)

Thế giới hôm nay dường như ngày càng vắng bóng Thiên Chúa. Vì thế, một mặt, phải làm sao để củng cố các Kitô hữu vẫn đang sống đức tin để họ không bị chao đảo và rơi vào nguy cơ rời bỏ đức tin, đồng thời giúp những người đã rời bỏ Giáo hội tìm lại đức tin ; mặt khác, trước trào lưu thế tục hóa, cần nỗ lực Phúc Âm hóa các lãnh vực của cuộc sống để chúng được thấm nhuần tinh thần Phúc Âm. Đó là nhiệm vụ của tân Phúc Âm hóa.

3.      Điểm khởi hành : gặp gỡ Đức Kitô

Khi đặt vấn đề Tân Phúc Âm hóa, nhiều người nghĩ đến các chiến lược trên bình diện xã hội hoặc tâm lý. Đây không phải là vấn đề của kỹ thuật tuyên truyền, không phải là nghĩ ra một chiến thuật mới, “như thể Tin Mừng là một sản phẩm cần tung ra trên thị trường các tôn giáo” (Sứ điệp s. 4), để giành lại một số người hoặc một số vùng đất đã mất trước ảnh hưởng của xã hội tục hoá hay của các tôn giáo khác.

Phúc Âm hóa vốn là một đòi hỏi tự yếu tính của đời sống Kitô hữu : làm chiếu toả niềm vui của người môn đệ Đức Kitô. Tất cả mọi Kitô hữu, không chỉ giáo sĩ hay tu sĩ, cần sống ơn gọi Kitô hữu cách sung mãn, vui tươi hạnh phúc vì được đón nhận Tin Mừng và sống theo Tin Mừng, và từ đó, được thúc đẩy từ niềm vui bên trong để hăng say nhiệt thành chia sẻ tin vui cho anh chị em. “Giáo hội tự bản chất là truyền giáo”.

a)      Điều đầu tiên là phải làm mới lại nhiệt tình truyền giáo. Tuy nhiên đây không phải là sự sôi nổi hăng say hoặc hiếu động trên bình diện tâm lý, mà là niềm vui sống đời Kitô hữu phát xuất từsự gặp gỡ cá vị với Đức Kitô. Rất nhiều nghị phụ tại THĐGM đã nhấn mạnh điều này. Các Kitô hữu cần làm mới lại đời sống Kitô hữu : “xuất phát lại từ Đức Kitô”, khám phá vẻ đẹp và sự mới mẻ ngàn đời của Đức Kitô, để nhờ đó làm cho tương quan giữa bản thân với Đức Kitô được sống động và chi phối toàn thể cuộc sống hằng ngày. Chỉ khi nào “ở lại” trong Chúa, đời sống Kitô hữu mới trổ sinh hoa trái. Đó là điều kiện sinh tử.

Vì thế các Kitô hữu cần chiêm ngắm tôn nhan Đức Kitô và hiệp thông vào sự sống của Ngài, đặc biệt trong “Giáo hội là không gian mà Đức Kitô trao tặng trong lịch sử” để chúng ta gặp gỡ Ngài (Sứ điệp s. 3). Trong Giáo hội, chúng ta được trở thành con cái Thiên Chúa nhờ bí tích rửa tội, được lãnh nhận Mình Máu Chúa Giêsu, ơn hòa giải, sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

Việc đọc và suy gẫm Kinh Thánh mang tầm mức hết sức quan trọng, vì ở đó ta gặp gỡ Chúa Giêsu, khám phá dung mạo của Ngài, đồng thời học được những kinh nghiệm truyền giáo của chính Chúa Giêsu và các tông đồ trong Giáo hội sơ khai, ví dụ : các môn đệ đầu tiên, người phụ nữ Samaria, ông Giakêu, sĩ quan Roma, ông Cornêliô, vv.

b)     Sống trong Chúa Thánh Thần

Chúa Thánh Thần là Đấng chủ động của công cuộc Phúc Âm hoá” (Tđ. Sứ vụ Đấng Cứu Chuộc s. 36). Ngài tác động trong Giáo hội cũng như nơi mỗi người tông đồ truyền giáo, và cả trong thế giới và trong tâm hồn những người chưa biết Thiên Chúa.“Chúng ta tín thác nơi sự soi sáng và nơi sức mạnh của Thánh Linh, Đấng sẽ dạy chúng ta những gì chúng ta phải nói và điều chúng ta phải làm, cả trong những lúc khó khăn nhất.” (Sứ điệp s. 5)

Từ biến cố Hiện Xuống, Công đồng Giêsusalem, cho tới hôm nay, Đức Kitô phục sinh luôn ban Chúa Thánh Thần để Giáo hội đối diện với những tình huống mới và làm lan toả quyền năng của Tin Mừng trong thế giới.

Từ đó, vấn đề đặt ra là cần lắng nghe Chúa Thánh Thần và nhận ra sự thúc đẩy của Ngài, nhờ đời sống chiêm niệm, cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa.

Người loan báo Tin Mừng phải là một vị thánh nhờ sự hoán cải liên tục để trở thành chứng nhân sống động của Tin Mừng. Đời sống thánh thiện là điều kiện tiên quyết cho công cuộc loan báo Tin Mừng trong giai đoạn mới.

“Chúng ta không bao giờ được nghĩ rằng việc tân Phúc Âm hóa không liên can trước tiên tới chính chúng ta. Trong những ngày này, nơi các giám mục chúng tôi, nhiều lần có những tiếng nói được gióng lên nhắc nhở rằng để có thể rao giảng Tin Mừng cho thế giới, thì trước tiên Giáo hội cần đặt mình trong tư thế lắng nghe Lời Chúa. Lời mời gọi rao giảng Tin Mừng được diễn tả qua lời kêu gọi hoán cải.”

“Chúng ta hãy tin chắc rằng chúng ta phải là những người trước hết cần phải hoán cải, cần phải trở về với quyền năng của Chúa Kitô, là Đấng duy nhất có thể đổi mới mọi sự, nhất là đổi mới cuộc sống nghèo nàn của chúng ta. Với lòng khiêm tốn chúng ta phải nhìn nhận rằng sự nghèo nàn và yếu đuối của các môn đệ Chúa Giêsu, đặc biệt là nơi các thừa tác viên của Ngài, đè nặng trên uy tín của việc truyền giáo. Chắc chắn các giám mục chúng tôi là những người đầu tiên ý thức rằng chúng ta không bao giờ có thể xứng đáng với ơn gọi và mệnh lệnh của Chúa để loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Chúng ta phải biết khiêm tốn nhìn nhận sự dễ tổn thương của chúng ta đối với những vết thương của lịch sử và không do dự nhìn nhận những tội lỗi cá nhân của chúng ta. Nhưng chúng ta cũng xác tín rằng sức mạnh của Thánh Thần Chúa có thể canh tân Giáo hội của Ngài và làm cho chiếc áo của Giáo hội được rạng người, nếu chúng ta để cho Chúa uốn nắn. Cuộc sống của bao nhiêu vị thánh chứng tỏ điều đó, việc tưởng niệm và kể lại cuộc sống của các vị là một phương thế ưu tiên trong công cuộc tân Phúc Âm hóa.”(Sứ điệp s. 5)

4.      Những lãnh vực cần được quan tâm

Để thực thi công cuộc tân Phúc Âm hóa, Thượng Hội đồng mời gọi duyệt xét lại và đổi mới các hoạt động mục vụ của Giáo hội trong bối cảnh mới của thế giới, và động viên mọi thành phần Dân Chúa dấn thân vào chương trình cấp bách này. Có những lãnh vực được quan tâm nhiều hơn.

1)  Trên bình diện cơ cấu, tại giáo triều Roma đã có Hội đồng Giáo hoàng cổ cõ tân Phúc Âm hóa, nên Thượng Hội Đồng cũng đề nghị mỗi Hội đồng Giám mục thành lập thêm một ủy ban đặc trách vấn đề này. Ngoài ra cần mở thêm một phân khoa chuyên ngành về tân Phúc Âm hóa trong các trường đại học Công giáo.

2)  Giáo lý cho người lớn phải được trình bày có hệ thống, có nền tảng Thánh Kinh, lưu ý đến chiều kích linh đạo và phụng vụ, để giúp các tín hữu ngày càng được củng cố trong ơn gọi Kitô hữu. Ngoài ra, ngày nay vấn đề sự dữ và các khoa học về thiên nhiên và sự sống đặt ra nhiều vấn nạn và là một thách đố cho đức tin ; vì thế giáo lý cần trình bày những lý lẽ của đức tin cách mới mẻ, rõ ràng và chắc chắn.

Trên phương diện thần học, cần soạn những tài liệu “khai mở cho đức tin (preambula fidei) và thần học về tính khả tín” của đức tin Kitô giáo, nhất là trong môi trường văn hóa ngày nay đang hoài nghi về chân lý.

3)  Trong công cuộc Phúc Âm hóa, cử hành phụng vụ, đặc biệt ngày Chúa nhật, có tầm quan trọng đặc biệt. Nhờ phụng vụ, con người gặp gỡ Thiên Chúa để từ đó đi vào đời sống chiêm niệm và củng cố tương quan bạn hữu với Thiên Chúa. Cách riêng, cần quan tâm đến hai bí tích đang có nguy cơ bị coi nhẹ : thêm sức và hòa giải.

Các nghi thức khai tâm Kitô giáo không phải chỉ là thủ tục pháp lý, nên cần được cử hành theo một tiến trình có chuẩn bị kỹ lưỡng để người dự tòng dần dần được dẫn vào đời sống kết hiệp với Chúa Giêsu qua các bí tích.

4)  Chiều kích “đẹp” của đức tin được đề cập khá nhiều. Thiên Chúa là “Chân, Thiện, Mỹ” tuyệt đối. Con người không thể yêu mến Thiên Chúa nếu Ngài không “đẹp” (thánh Augustinô). Cần làm nổi bật vẻ đẹp của đức tin trong các cuộc cử hành phụng vụ, đầu tư nhiều hơn cho các công trình của nghệ thuật thánh để qua đó giới thiệu Đức Kitô cho thế giới. “Vẻ đẹp của đức tin phải rạng ngời, đặc biệt trong các hoạt động phụng vụ thánh, nhất là trong thánh lễ Chúa nhật” (Sứ điệp s. 3).

5)  Một trong ba khía cạnh của tân Phúc Âm hóa là đổi mới phương pháp. Các phương tiện truyền thông xã hội ngày nay là phương thế tối quan trọng trong việc thông truyền đức tin Kitô giáo trong ngôi làng thế giới. Nhiều sai lạc về đức tin và nhiều lối sống trái ngược Tin Mừng đang tác động mạnh mẽ trên con người qua con đường của các phương tiện truyền thông. Nếu không biết sử dụng các phương pháp mới, đức tin và lối sống Tin Mừng khó đi vào trí lòng của con người thời nay.

Đối thoại là một phương thế được con người ngày nay đề cao và dễ chấp nhận. Đối thoại bao hàm lắng nghe và phát biểu, nhận và cho, trong sự khiêm tốn và kính trọng nhau. Đối thoại liên tôn và đối thoại với những người không tin, những nhà trí thức trong lãnh vực văn hóa và khoa học (“Sân chư dân”) : đây là những hoạt động không thể coi nhẹ trong công cuộc tân Phúc Âm hóa, nhất là trong những môi trường có những người theo chủ nghĩa cực đoan.

6)  Giáo xứ được ví “như giếng nước đầu làng để mọi người có thể giải khát, tìm được sự tươi mát của Tin Mừng” (Sứ điệp s. 8). Do đó cần canh tân các sinh hoạt mục vụ của giáo xứ nhằm nuôi dưỡng đức tin và sự hiệp thông để các tín hữu gắn bó với giáo xứ.

Các trung tâm hành hương và lòng đạo đức bình dân góp phần lớn trong việc khơi dậy và nuôi dưỡng đức tin của nhiều giáo dân. Tuy nhiên cần làm thế nào để các tín hữu đạt tới đức tin trưởng thành dựa trên việc lắng nghe Lời Chúa để hoán cải và sống Phúc Âm trong sự hiệp thông Giáo hội.

Gia đình Kitô hữu là Giáo hội tại gia và là trường dạy đức tin đầu tiên, nên có sứ mạng cao cả là thông truyền đức tin cho con cái. Trong chương trình tân Phúc Âm hóa, cần thăm viếng và chăm sóc mục vụ cho các gia đình, đặc biệt đối với những người đã ly dị, những người sống chung không kết hôn, hôn nhân đồng tính, những người sống một mình, vấn đề giáo dục giới tính.

Các mục tử cần quan tâm nhiều hơn đến các cộng đoàn Kitô hữu cơ bản, các phong trào công giáo tiến hành, các phong trào canh tân ơn gọi Kitô hữu, các đặc sủng Thánh Linh. Nếu biết phân định cách sáng suốt để có sự hài hòa quân bình trong Giáo hội-Nhiệm Thể, các cộng đoàn này sẽ góp phần rất lớn trong việc đem lại sinh lực tươi trẻ cho đời sống đức tin và cho việc loan báo Tin Mừng. Điều này ngày càng trở nên quan trọng, vì ngày nay các giáo phái xuất hiện nhiều và có sức lôi cuốn mạnh mẽ nhờ loan báo một Đức Giêsu chữa lành và giải phóng khỏi mọi ràng buộc, nhờ sự quan tâm cá vị đến từng người, tạo được tình thân trong nhóm, và do đó, tạo được niềm vui hứng khởi tinh thần.

7)  Trong sứ mệnh tân Phúc Âm hóa, người nghèo là “sự chọn lựa ưu tiên” của Giáo hội để chăm lo cho họ. Ngày nay ý niệm nghèo không chỉ hiểu trên bình diện kinh tế, mà còn mang nhiều khuôn mặt mới, đó là người ốm đau và bị bỏ rơi, di dân, người bị gạt ra bên lề xã hội và nhân phẩm bị chà đạp, nạn nhân của chiến tranh và của bất công, các tệ nạn xã hội, dân bản xứ … Cách diễn tả mớicủa tân Phúc Âm hóa không phải chỉ là ngôn ngữ thần học phù hợp với thời đại, mà còn là đức ái. Sự dấn thân phục vụ người nghèo là ngôn ngữ của Phúc Âm mà ai cũng có thể hiểu được.

Giáo hội yêu thương người nghèo, nhưng còn phải hành động nhân danh họ. Trong chiều hướng ấy, các giáo huấn xã hội của Giáo hội phải được đưa vào nội dung giáo lý và chương trình huấn luyện ở mọi cấp độ.

Công cuộc tân Phúc Âm hóa cần lưu tâm đặc biệt đến giới trẻ để giúp họ thực sự gặp gỡ Đức Kitô và đón nhận Tin Mừng của Ngài, hướng dẫn họ phát triển con người toàn diện và biết phân định điều tốt điều xấu, nhất là trước ảnh hưởng rất lớn của các phương tiện truyền thông xã hội. Hơn nữa, chính người trẻ cũng được mời gọi để trở thành tác nhân loan báo Tin Mừng cho người trẻ.

Một đối tượng đặc thù của việc loan báo Tin Mừng trong giai đoạn mới là các thành phố. Trước đây công cuộc truyền giáo nhắm đến vùng thôn quê, nhưng ngày nay cần chú ý nhiều hơn đến các thành phố, không những vì tại nhiều thành phố Thiên Chúa đã vắng bóng, mà còn vì lối sống tại thành phố có ảnh hưởng lớn trên lối sống của người dân mọi miền trong đất nước ; hơn nữa, chính các thành phố định hình cho tương lai của các quốc gia trẻ. Làm thế nào để Tin Mừng cũng được loan báo cho những người hoạt động trong lãnh vực văn hóa, kinh tế và chính trị ?

5.      Vui mừng và hy vọng

Tại Thượng Hội đồng, không phải chỉ thuần túy là lý thuyết. Người ta được nghe khá nhiều chứng từ của mọi thành phần Dân Chúa : từ các hồng y, giám mục, linh mục, tu sĩ, đến giáo dân, người già, giới trẻ, nam cũng như nữ, thuộc mọi tổ chức trong Giáo hội. Các chứng từ tuy nhỏ bé và âm thầm, nhưng lại góp phần rất lớn vào công cuộc tân Phúc Âm hóa và đổi mới xã hội.

Người ta vui mừng và trân trọng lắng nghe chứng từ của nhiều giáo dân đã tích cực làm tông đồ trong mọi lãnh vực và có nhiều sáng kiến đem Tin Mừng cho mọi người. Những thành quả đôi khi rất lạ lùng. Chẳng hạn hiệp hội Alpha do hai ông bà Marc và Florence De Leyritz sáng lập tại Pháp và đang phát triển sang một số nước : việc tông đồ đơn giản chỉ là đến gặp gỡ các gia đình, dạy giáo lý, chia sẻ kinh nghiệm sống qua bữa ăn huynh đệ, thế mà hằng năm 1/3 số người được rửa tội trong tổng giáo phận Paris là do nhóm Alpha này dẫn đến với Chúa.

Sứ điệp của THĐ mời gọi không được bi quan. Nói như thế là vì thực sự đã có nhiều ưu tư cho tương lai của Giáo hội. Nhưng dù thực tế có những trở ngại khó khăn, Giáo hội vẫn luôn bước đi trong vui mừng và hy vọng, vì Chúa Thánh Thần là Đấng chủ động trong công cuộc truyền giáo vẫn luôn hướng dẫn Giáo hội trong sứ mạng làm chứng cho Đức Kitô. Ngay cả khi có những bách hại, tử đạo và cấm cách, thì đó không phải là định mệnh áp đặt trên Giáo hội. Thập giá là con đường tất yếu mà Giáo hội phải đi và là hạt giống làm trổ sinh các Kitô hữu, và những giai đoạn đau thương chính là thời kỳ quặn đau để sinh những người con mới trong một thế giới mới cho Thiên Chúa.

Chúng ta chờ đợi Đức Thánh Cha ban hành tông huấn hậu THĐ để đưa ra những giáo huấn áp dụng cho toàn thể Giáo hội. Thế giới tục hóa muốn gạt bỏ Thiên Chúa, nhưng tận sâu xa, đó lại là một sự trống rỗng to lớn khao khát được lấp đầy bằng chân lý và tình thương của Thiên Chúa. Nhân loại khao khát nước đem lại sự sống, nhưng thế giới lại có quá nhiều nguồn nước đục ô nhiễm (x. Sứ điệp s.1). Công cuộc tân Phúc Âm hóa đòi chúng ta dấn thân nhiều hơn nữa để giới thiệu Chúa Giêsu là nước hằng sống đích thực cho con người.



1

+ Giuse Nguyễn Năng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn