1
14:33 +07 Thứ bảy, 27/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 257

Máy chủ tìm kiếm : 24

Khách viếng thăm : 233


Hôm nayHôm nay : 16925

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 321047

Tổng cộngTổng cộng : 27875331

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » SUY NIỆM CHÚA NHẬT

Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa tuần 17 thường niên

Thứ tư - 25/07/2012 23:20-Đã xem: 1483
Thế giới tiến bộ hôm nay vẫn là một thế giới đói. Đừng vội nói đến cái đói tinh thần. Cái đói trên thân xác vẫn làm con người quay quắt. Đói cơm ăn áo mặc, đói nhà ở, đói thuốc men, đói chút nước sạch, rau sạch để dùng, đói an toàn và bảo hộ khi lao động, đói một bầu khí trong lành và yên tĩnh để nghỉ ngơi... Có bao Kitô hữu đã xót xa trước cảnh đói, và đã bắt tay vào cuộc với niềm tin, dù họ chỉ có năm cái bánh và hai con cá. Tất cả những gì giúp thăng tiến đời sống con người đều là việc thánh thiêng, việc của Chúa. Khi thân xác con người được sống xứng hợp, tâm hồn con người dễ vươn lên các giá trị tinh thần.
Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa tuần 17 thường niên

Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa tuần 17 thường niên

 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Phúc Âm: Ga 6, 1-15
 
Khi ấy, Chúa Giêsu đi sang bên kia biển Galilêa, cũng gọi là Tibêria. Có đám đông dân chúng theo Người, vì họ đã thấy những phép lạ Người làm cho những kẻ bệnh tật. Chúa Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái đã gần tới.

Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đám rất đông dân chúng đến với Người. Người hỏi Philipphê: "Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?" Người hỏi như vậy có ý thử ông, vì chính Người đã biết việc Người sắp làm. Philipphê thưa: "Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút". Một trong các môn đệ, tên là Anrê, em ông Simon Phêrô, thưa cùng Người rằng: "Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người". Chúa Giêsu nói: "Cứ bảo người ta ngồi xuống". Nơi đó có nhiều cỏ, người ta ngồi xuống, số đàn ông độ năm ngàn.

Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy bánh, và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, và cá cũng được phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích. Khi họ đã ăn no nê, Người bảo các môn đệ: "Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo phí đi". Họ thu lại được mười hai thúng đầy bánh vụn do năm chiếc bánh lúa mạch người ta đã ăn mà còn dư.

Thấy phép lạ Chúa Giêsu đã làm, người ta đều nói rằng: "Thật ông này là Ðấng tiên tri phải đến trong thế gian". Vì Chúa Giêsu biết rằng người ta sẽ đến bắt Người để tôn làm vua, nên Người lại trốn lên núi một mình.

 

1. CỘNG TÁC VỚI CHÚA

Hãy cộng tác với ơn Chúa

Thánh Augustinô đã nói: Khi tạo dựng nên chúng ta, Chúa không cần hỏi ý kiến chúng ta, nhưng để cứu độ chúng ta, Ngài cần chúng ta đồng ý và cộng tác với Ngài, bởi vì Ngài sẽ không thể cứu độ những ai không muốn. Và như thế, sự cộng tác của chúng ta dường như là một điều kiện cần thiết luôn đòi buộc mỗi người.

Hẳn chúng ta còn nhớ, trong hoang địa, ma quỷ đã cám dỗ Chúa Giêsu: Hãy làm cho những hòn đá này trở nên bánh mà ăn. Thế nhưng qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay, Chúa Giêsu đã không hành động như vậy. Ngài đã làm phép lạ từ năm chiếc bánh và hai con cá của một em nhỏ, hay nói đúng hơn từ một khẩu phần khiêm tốn mà một bà mẹ khôn ngoan và đầy tình thương đã đặt vào tay em, trước khi em lên đường. Sự góp phần của em tuy nhỏ bé nhưng Chúa đã làm cho trở nên to lớn, khả dĩ hàng ngàn người được no đủ giữa một nơi hoang vắng. Đó cũng là cách thức Chúa thường làm trong dòng lịch sử.

Thực vậy, trong Cựu Ước Đavít chỉ là một cậu bé chăn chiên tầm thường, nhưng cộng tác với Chúa, cậu đã đánh thắng tước Goliat và trở nên một vị vua nổi tiếng của dân Do Thái. Cũng vậy, Giêrêmia chỉ là một cậu bé còn nói cà lăm, nhưng vâng lệnh Chúa, đã trở nên một tiên tri sáng chói.

Bước sang Tân Ước, chúng ta cũng thấy được một lề lối, một cách thức hành động như thế. Mẹ Maria chỉ là một cô thôn nữ âm thầm bé nhỏ, không được ai biết đến. Nhưng sau lời xin vâng, cộng tác với Chúa, Mẹ đã trở nên Mẹ của Đức Kitô, Mẹ của Đấng Cứu Thế, Mẹ của chính Thiên Chúa.

Mười hai tông đồ cũng vậy. Các ông phần đông chỉ là những ngư phủ quê mùa và dốt nát, đơn sơ và chất phác. Thế nhưng, một khi đã đáp trả lại tiếng gọi của Chúa, thì Chúa đã biến đổi để các ông trở thành những sứ giả Tin Mừng, những chứng nhân của tình thương và chân lý. Tiếng nói của các ông đã vang vọng khắp nơi và ảnh hưởng của các ông trải dài trong dòng thời gian.

Nhìn vào lịch sử Giáo Hội, chúng ta cũng nhận thấy biết bao nhiêu kẻ tội lỗi, biết bao nhiêu kẻ tầm thường, nhưng một khi quay trở về cùng Chúa và nhất là cộng tác tích cực với Chúa, đã làm nên những việc trọng đại và kỳ diệu.

Rất có thể phần cộng tác của chúng ta thì nhỏ bé và tầm thường, nhưng dưới tác động của Chúa, nó sẽ trở nên to lớn và có một giá trị đáng kể dưới mắt Chúa. Một giọt nước lã, thì chẳng có gì đáng kể, nhưng nếu giọt nước lã ấy được hoà tan trong chén rượu, và sau lời truyền phép của vị linh mục, cũng sẽ trở nên máu thánh Đức Kitô.

Bởi đó điều quan trọng là chúng ta đã thực sự sống theo những hướng dẫn của Chúa hay chưa? Chúng ta đã thực sự cộng tác với Ngài trong việc thánh hoá bản thân cũng như cải tạo môi trường xã hội hay chưa?

 

2. BÁNH HÓA NHIỀU

Ngày kia có một phụ nữ trung niên đến với những người nghèo khổ tại Ấn Độ. Nhìn thấy tình cảnh bi đát của họ, bà tự nhủ: Mình phải làm một điều gì đó mới được. Thế rồi bà dồn tất cả tiền bạc thuê một căn nhà cũ với chiếc sàn dơ dáy. Ngày hôm sau, bà đi khắp vùng lân cận tìm đám con nít đem về dạy dỗ chúng. Bà dùng căn nhà cũ ấy làm phòng học dù không có lấy một chiếc bàn, một chiếc ghế. Bà dùng sàn nhà làm bảng viết. Đó là phương thế bà đã sử dụng để chiến đấu chống lại sự nghèo dốt. Và đó cũng là câu trả lời cảm động nhất mà bà có thể thực hiện. Thế rồi điều gì đã xảy ra cho người phụ nữ và công việc của bà? Hiện nay, bà đã có tám mươi trường học được trang bị đầy đủ. Năm trăm nhà phát chẩn lưu động hiện đại. Bảy mươi bệnh viện cho người cùi. Ba mươi nhà chăm sóc kẻ hấp hối. Ba mươi viện chăm sóc những trẻ em bị bỏ rơi và hơn bốn mươi ngàn người người tình nguyện trên khắp thế giới sẵn sáng giúp đỡ bà. Người phụ nữ đó không ai khác hơn là chính mẹ Têrêxa thành Calcutta.

Từ câu chuyện trên, chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng sáng hôm nay và chúng ta thấy: Cậu bé nọ có năm chiếc bánh và hai con cá. Chúa đã yêu cầu cậu mang đến để Ngài thiết đãi đám đông dân chúng. Cậu bé liền trao bánh và cá cho Chúa để Ngài thực hiện điều kế tiếp. Cuối cùng, hơn năm ngàn người đã được no nê. Đó cũng là điều mẹ Têrêxa đã làm. Bà trao cho Chúa bánh và cá của bà để Ngài thực hiện điều kế tiếp. Thế là Chúa đã nhân chúng lên gấp bội vượt mọi điều mơ ước của bà.

Cũng trong chiều hướng đó, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phát biểu: Nếu phải một mình đối đầu với những thách đố khó khăn của cuộc sống, chúng ta sẽ cảm thấy mình không đủ khả năng và lo sợ trước viễn cảnh tương lai. Nhưng tôi xin nói điều này: Hãy đặt cuộc đời chúng ta trong bàn tay của Chúa. Ngài sẽ chấp nhận và chúc lành cho chúng ta cũng như biến đổi cuộc đời chúng ta một cách tốt đẹp, vượt trên điều chúng ta có thể mơ ước. Giờ đây chúng ta hãy tự vấn lương tâm xem chúng ta đã đặt vào bàn tay của Chúa bao nhiêu phần trăm cuộc sống và khả năng của chúng ta để cho Ngài xử dụng theo ý Ngài muốn. Chúng ta có dâng hiến chính bản thân và mọi năng lực của mình như mẹ Têrêxa, như cậu bé trong đoạn Tin Mừng hôm nay hay chưa? Có lẽ lúc này Chúa cũng muốn nói với chúng ta ngày hôm nay Thầy cần đôi chân, đôi tay và môi miệng của các con. Vì ngày hôm nay, Thầy chỉ biết nhờ đôi chân các con để mang Thầy đến với những kẻ bất hạnh. Thầy chỉ biết nhờ đôi tay các con để vươn tới những kẻ yếu đuối. Thầy chỉ biết nhờ miệng lưỡi các con để nói cho mọi người về tình thương của Thầy.

Tóm lại, Ngài mời gọi chúng ta cộng tác với Ngài để thực hiện những phép lạ, y hệt những phép lạ Ngài đã làm trong Phúc âm. Bất cứ chúng ta trao tặng Ngài điều gì, Ngài sẽ sử dụng nó để đem lại những kết quả to lớn vượt qua sự mong ước của chúng ta.

 

3. CHÚNG TA MUA ĐÂU RA BÁNH CHO HỌ ĂN?

(Trích trong ‘Manna’)

Suy niệm

Có người cho rằng Kitô giáo là một thứ duy tâm, chỉ biết có đời sau, chỉ lo cho linh hồn.

Khi đọc Tin Mừng, ta thấy một điều khác hẳn. Đức Giêsu vừa rao giảng Nước Trời, vừa chữa mọi thứ tật bệnh cho dân chúng. Ngài quan tâm đến thân xác con người. Ngài đem lại ơn cứu độ cho cả hồn lẫn xác.

Đức Giêsu đã từng nếm cái đói trong hoang địa, cái khát bên bờ giếng, cái mệt khiến Ngài ngủ vùi, cái lạnh của những đêm không chỗ trọ, Ngài biết con người có thân xác và là thân xác.

Khi thấy đám đông kiên trì theo Ngài, Đức Giêsu biết lòng họ rất vui, nhưng bụng họ thì đói. Ngài muốn tặng họ một bữa ăn đơn sơ, bất ngờ, một bữa ăn tập thể ngoài trời, trên thảm cỏ xanh tươi sau những trận mưa xuân. Bữa ăn khiến niềm vui được trọn vẹn.

"Chúng ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?"

Đức Giêsu đưa các môn đệ đi vào nỗi bận tâm của Ngài. Ngài cần sự cộng tác của họ. Nhưng câu hỏi trên lại là một bài toán khó. Nó giúp các môn đệ nhận ra sự bất lực của mình. Dù có một số tiền lớn cũng chẳng thấm vào đâu.

Khi con người bất lực thì Thiên Chúa bày tỏ quyền năng. Năm cái bánh lúa mạch và hai con cá nhỏ, từ tay một cậu bé con đến tay Đức Giêsu, đã trở nên lương thực nuôi năm ngàn người.

Thế giới tiến bộ hôm nay vẫn là một thế giới đói. Đừng vội nói đến cái đói tinh thần. Cái đói trên thân xác vẫn làm con người quay quắt. Đói cơm ăn áo mặc, đói nhà ở, đói thuốc men, đói chút nước sạch, rau sạch để dùng, đói an toàn và bảo hộ khi lao động, đói một bầu khí trong lành và yên tĩnh để nghỉ ngơi...

Có bao Kitô hữu đã xót xa trước cảnh đói, và đã bắt tay vào cuộc với niềm tin, dù họ chỉ có năm cái bánh và hai con cá.

Tất cả những gì giúp thăng tiến đời sống con người đều là việc thánh thiêng, việc của Chúa. Khi thân xác con người được sống xứng hợp, tâm hồn con người dễ vươn lên các giá trị tinh thần.

Thiên Chúa đã ban một trái đất đủ nuôi sống mọi người. Đừng trách Thiên Chúa đã tạo ra nghèo khổ. Chỉ nên nhận rằng bất công nằm ngay nơi lòng mình. Xã hội còn nhiều người nghèo đói vì tôi không dám chia sẻ cả điều mình dư thừa, vì tôi bị hút vào cơn lốc của thời trang và mua sắm, vì tôi xa lạ với những Giêsu quanh tôi đang đói khát, không nhà, trần trụi và đau yếu. Ước gì tôi biết yêu mến con người như Đức Giêsu. 

Gợi ý chia sẻ

· Bạn có nghĩ rằng cái đói của thân xác dễ dẫn đến những hư hỏng và sa đọa không? Theo ý bạn, đâu là những điều kiện sống tối thiểu để sống cho ra người?

· Bạn nghĩ gì về sự chênh lệch quá mức giữa người giàu và người nghèo, nước giàu và nước nghèo? Đó có phải là sự bất công không? 

Cầu nguyện

Lạy Chúa, đây là ước mơ của con về thế giới:

Con mơ ước tài nguyên của cả trái đất này là thuộc về mọi người, mọi dân tộc.

Con mơ ước không còn những La-da-rô đói ngồi ngoài cổng, bên trong là người giàu yến tiệc linh đình.

Con mơ ước mọi người đều có việc làm tốt đẹp, không còn những cô gái đứng đường hay những người ăn xin.

Con mơ ước những người thợ được hưởng lương xứng đáng, các ông chủ coi công nhân như anh em.

Con mơ ước tiếng cười trẻ thơ đầy ắp các gia đình, các công viên và bãi biển đầy người đi nghỉ.

Lạy Chúa của con, con ước mơ một thế giới đầy màu xanh, xanh của rừng, xanh của trời, xanh của biển, và xanh của bao niềm hy vọng nơi lòng những ai ham sống và ham dựng xây. Nếu Chúa đã gieo vào lòng con những ước mơ, thì xin giúp con thực hiện những ước mơ đó.

 

4. ĐÀO TẠO TRÁI TIM

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Đài VTV1 đã chiếu lại bộ phim truyền hình nhiều tập “Bản Tin Sớm”. Nhân vật chính trong phim là Gary Hopson, một người thường xuyên theo dõi tin tức hằng ngày qua tờ báo “Chicago”. Khi đọc tin tức, anh thường chú ý tới những người đang gặp nạn. Mỗi khi thấy có người bị nạn, anh luôn băn khoăn tự hỏi xem mình phải làm gì để giúp đỡ nạn nhân. Và lập tức, bất kể những khó khăn, anh lên đường tìm giúp người bị nạn.

Tâm hồn người thanh niên dũng cảm và quảng đại ấy có những nét giống với tâm hồn của Đức Giêsu. Mỗi khi nhìn thấy những cảnh khổ ở đời, Đức Giêsu không sao cầm được lòng thương. Hôm nay, nhìn thấy đám đông đói khát, Người không thể để mặc họ ra về. Người cảm thấy có trách nhiệm phải lo cho họ ăn uống đầy đủ. Dù giữa nơi hoang vu không có hàng quán. Mà nếu có hàng quán cũng chẳng ai đủ tiền mua cơm bánh cho hàng chục nghìn người đang đói khát. Nên người đã làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi dân. Qua phép lạ lớn lao này, Đức Giêsu hé mở cho ta thấy trái tim đầy tình thương xót của Người, quyền năng cao cả của Người. Nhưng đồng thời Người cũng nhân dịp này đào tạo trái tim con người.

Bài học thứ nhất mà Người muốn dạy ta, đó là lòng cảm thương phải biến thành việc làm cụ thể. Lòng cảm thương là một tình cảm tốt. Nhưng cảm thương suông thì chưa đủ. Thiếu việc làm cụ thể, lòng cảm thương nhiều khi trở thành hình thức, giả dối. Lòng cảm thương ai cũng có. Nhưng số người thực sự ra tay hành động vì lòng cảm thương lại rất hiếm. Có rất nhiều lý do: thái độ ngại ngùng, hoàn cảnh phức tạp, thiếu thốn phương tiện. Các tông đồ nại đến những lý do đó để thoái thác hành động. Nhưng Đức Giêsu bắt họ vào cuộc. Đã thấy việc tốt thì cố gắng làm. Dù khó khăn cách mấy cũng phải vượt qua. Chỉ có việc làm cụ thể mới minh chứng một lòng cảm thương đích thực. Thế là các môn đệ phải đi tìm bánh và cá mang đến cho Chúa. Các ông giúp phân phát lương thực cho mọi người. Các ông đi thu lượm những mẩu bánh còn dư. Các ông tích cực tham gia vào việc cứu đói.

Bài học thứ hai mà Người muốn dạy ta, đó là hãy cộng tác vào công trình của Chúa. Chúa có thể làm được mọi sự. Nhưng Người muốn ta cộng tác vào chương trình của Người. Người có thể biến đá thành bánh. Nhưng Người vẫn đón nhận 5 chiếc bánh và 2 con cá của một em bé. Sự đóng góp của con người tuy nhỏ bé, nhưng rất cần thiết. Đó chính là khởi điểm để Chúa làm việc. Đừng khoán trắng cho Chúa mọi việc. Hãy đóng góp phần của mình. Tục ngữ Pháp có câu: “Hãy tự giúp mình, rồi trời sẽ giúp bạn”. Sự cộng tác của ta nói lên nhu cầu thật sự bức thiết. Sự cộng tác tích cực nói lên lòng ta tha thiết mong muốn. Nỗ lực của con người là khởi đầu phải có. Rồi Chúa sẽ làm nốt phần còn lại. Ở đây ta phải ghi nhận lòng quảng đại của em bé. Có lẽ em đi bán bánh. Giữa nơi hoang vu vắng vẻ, trước một đoàn người đói khát, em có thể lợi dụng thời cơ nâng giá bánh để tìm lợi nhuận. Nhưng em đã quảng đại dâng hết cho Chúa. Chính sự quảng đại của em đã góp phần làm nên phép lạ nuôi sống hàng vạn người.

Bài học thứ ba mà Người muốn dạy ta, đó là hãy biết tiết kiệm. Đói khát và thừa mứa. Thiếu thốn và phung phí. Đó là hai trạng thái trái ngược hiện nay trên thế giới. Khi dư giả người ta dễ phung phí. Những người vừa trải qua cơn đói, nay đã vứt bừa bãi những mẩu bánh dư thừa. Đức Giêsu sai các môn đệ đi thu lượm những mẩu bánh thừa. Chúa dậy cho mọi người hãy biết tiết kiệm. Tiết kiệm là trân trọng những của cải Chúa ban. Tiết kiệm là ý thức của cải là của mọi người. Nếu tôi phí phạm, anh em tôi sẽ thiếu thốn. Tiết kiệm để chia sẻ. Tiết kiệm vì công bình. Tiết kiệm vì lợi ích của toàn thể nhân loại. Thế giới còn những người đói nghèo không phải là vì thiếu tài nguyên, nhưng vì phân phối chưa đồng đều, vì những người giầu có tiêu xài phí phạm.

Bài học thứ bốn mà Người muốn dạy ta, đó là phải tìm lương thực thiêng liêng. Vật chất là cần thiết cho đời sống hiện tại. Nhưng vật chất không phải là tất cả. Quá nô lệ vào vật chất, tâm hồn con người sẽ không vươn lên được. Lương thực cho thân xác là một giải quyết cấp thời. Về lâu về dài, muốn con người phát triển, cần phải giải quyết các nạn đói khác. Đó là nạn đói văn hóa. Đó là nạn đói đạo đức. Và trên hết, đó là nạn đói lương thực thiêng liêng. Nhu cầu tâm linh của con người ngày càng lớn rộng. Cơn đói khát tâm linh càng lúc càng mãnh liệt. Tìm đáp ứng nhu cầu tâm linh là một việc làm thiết thực. Nâng cao đời sống tâm linh là đưa con người tới phát triển toàn diện. Chúa bỏ trốn, không chịu để được tôn làm vua, vì Người muốn những kẻ tìm Người tỉnh ngộ, vượt thoát khỏi vòng nô lệ vật chất, vươn lên những giá trị tâm linh.

Với những bài học kèm theo việc hóa bánh ra nhiều, Đức Giêsu muốn đào tạo trái tim chúng ta. Người muốn trái tim ta hãy mở ra để cảm thương anh em đồng loại. Người muốn lòng cảm thương ấy đi đến cùng bằng những việc làm cụ thể, bằng sự cộng tác quảng đại, bằng sự tiết kiệm để giúp ích cho nhiều anh em. Người muốn trái tim ta vươn lên khao khát những chân trời cao thượng của đời sống tâm linh. Người muốn đào tạo ta nên những con người phát triển toàn diện xứng đáng là những người con của Thiên Chúa. Người muốn nuôi dưỡng không chỉ thân xác nhưng nhất là linh hồn ta.

Lạy Chúa, xin nâng tâm hồn con lên tới Chúa. Amen. 

Kiểm điểm đời sống

1. Hãy kể lại những bài học mà Chúa muốn dạy ta qua bài Tin Mừng hôm nay.

2. Bạn có thể góp phần phát triển xã hội bằng cách tiết kiệm. Bạn có thấy việc đó là cần thiết không?

3. Nhiều lần bạn đã xin Chúa cho được cơm no áo ấm. Nhưng có bao giờ bạn xin Chúa cho được nên người tốt, biết sống đạo đức hơn không?

4. Lòng cảm thương của bạn có đi đến những việc làm cụ thể không?

 

5. DỊP MAY BỎ LỠ

(Maurice Brouard)

Từ vài năm nay, những chiến sĩ của một đảng chính trị đã bỏ nhiều công sức cho chiến lược của họ: Thăm dò, họp báo, quảng cáo không ngừng, chẳng thiếu gì cả. Họ thu hút được dư luận: Càng ngày người ta càng nói đến người sẽ là vị lãnh đạo của đảng. Mặc dù có những sự thối lui trong cuộc thăm dò, nhưng cơn sốt vẫn lên cao. Và này đây một cơ hội bất ngờ: Quần chúng náo nức, họ yêu cầu người ấy làm lãnh đạo của đảng. Đến phút chót, người ấy từ chối. Các đảng viên chua xót và thất vọng vì quần chúng đã không biết nắm lấy thời cơ.

Qua dụ ngôn trên đây, tôi muốn hình dung cách mà các bạn hữu của Chúa Giêsu đã phản ứng trước sự từ chối của Ngài. Thực ra Chúa Giêsu cứ luôn luôn bỏ lỡ những cơ hội đưa Ngài tới thành công: Ngài lẩn trốn. Quả thật Ngài không sinh ra để làm chính trị.

Sự lẩn tránh của Chúa Giêsu

Sau bữa ăn no nê ở giữa thiên nhiên, đám đông không ngớt ngạc nhiên về phép lạ mà qua đó họ nhận ra dấu chỉ đáp ứng sự chờ mong sâu xa của họ. Chúng ta biết rằng người Do Thái chờ đợi sự tái diễn phép lạ manna vào ngày tận thế – vào thời Mêsia. Họ chờ đợi một Môisê mới, một vị ngôn sứ, sẽ tái diễn phép lạ manna. Vì vậy, phản ứng của đám đông là chuyện bình thường. Nhìn thấy dấu lạ Chúa Giêsu vừa mới làm, họ nói: ông này thật sự là ngôn sứ, kẻ sẽ đến trong thế gian. Nhưng Chúa Giêsu biết họ sẽ bắt Ngài để tôn lên làm vua, vì thế Ngài lại rút lui lên núi một mình.

Tại sao phải lẩn tránh?

Tại sao Chúa Giêsu lại tránh làm vua? Bởi vì quần chúng chỉ nghĩ đến bánh, còn Ngài lại quan tâm mặc khải cho họ Thiên Chúa thật. Ngài sẽ không cho họ nhận ra được Ngài là ai: Đấng Chúa Cha sai đến mang sự sống mới cho nhân loại. Đây sẽ là bi kịch của đời Ngài. Trong diễn từ vĩnh biệt đêm tiệc ly, Chúa Giêsu tâm sự với những kẻ thân thích của Ngài: “Người Do Thái đã không nhận biết Chúa Cha và cũng không nhận biết Thầy” (16,3). Trong lời cầu nguyện với Chúa Cha, Ngài nói: “Lạy Cha Chí Thánh, thế gian không nhận biết Cha” (17,25). Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần đã không được nhìn nhận. Quần chúng chỉ quan tâm đến phép lạ, phép lạ, đến những ân huệ hoàn toàn vật chất mà thôi. Đối với Chúa Giêsu, điều chính yếu là loài người được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa, và như vậy, họ sẽ cởi mở đối với Thiên Chúa, đối với niềm hy vọng về một thế giới sắp đến. Điều chính yếu trước hết là những kẻ nghi ngờ, tuyệt vọng không thấu hiểu được mầu nhiệm của đau khổ, sự dữ, sự tội và sự chết, tin tưởng vào Thiên Chúa là Cha của họ. Điều chính yếu, là họ kết hợp với Thiên Chúa và cộng tác với Ngài để xây dựng một thế giới dễ thở hơn. Họ sẽ làm được điều này khi nỗ lực giải phóng anh em mình khỏi tất cả những sự dữ đang giam cầm họ trong sự nô lệ, và khỏi mọi ngẫu tượng: Tiền bạc, tiện nghi, quyền thế.

Câu hỏi

Chúng ta tin vào Chúa Giêsu có phải là tin vào vị ngôn sứ cao cả, Đấng giải phóng đến trong trần gian để thỏa mãn những ước vọng sâu xa nhất của chúng ta (ước vọng được cứu rỗi, được sống vĩnh cửu, được hiệp thông với Thiên Chúa) và để lôi cuốn chúng ta giải phóng những người anh em đang phải nô lệ cho sự bất công, thù ghét và cho các ngẫu tượng không?

Lời Chúa và Thánh Thể

Thánh Thể là bữa tiệc được Chúa Giêsu thiết lập để nuôi dưỡng ước muốn hiệp thông của chúng ta với Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần, và để tăng cường ý chí chúng ta muốn phục vụ hết thảy mọi người.

Nguồn tin: GPVO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn