1
15:12 +07 Thứ bảy, 27/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 165

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 164


Hôm nayHôm nay : 18554

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 322676

Tổng cộngTổng cộng : 27876960

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » SÁCH THAM KHẢO

Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay

Thứ ba - 21/05/2013 07:55-Đã xem: 1681
Nhưng tinh thần bác ái của Chúa Ki;-tô thì không phải như vậy, “bác” là rộng lớn, “ái” là yêu, tình yêu rộng vô biên, cho nên mới có thể chứa đựng những chính kiến khác nhau, những bất đồng khác nhau.
Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay

Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay

CHUYỆN NGỤ NGÔN CHO THỜI HIỆN NAY
(Chuyện đồng thoại dành cho người lớn)
Tác giả : Hạnh Lâm Tử
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch và viết suy tư
 --------------------------------------------------------------------------
 
Lời giới thiệu
 
      “Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay” là của nữ văn sĩ Hạnh Lâm Tử, người Đài Loan. Bà cảm nghiệm được triết lý sống qua cảnh vật thiên nhiên, dùng những cảnh sinh hoạt của loài vật mà nhân cách hoá câu chuyện, để trở thành những chuyện ngụ ngôn có tính giáo dục cao.
 
Những câu chuyện này có thể gợi ý làm bài giảng, dạy giáo lý hoặc dùng để suy tư, cũng rất có ích cho mọi người.
Sau mỗi câu chuyện có một đoạn ngắn chia sẻ suy tư của người dịch, xin được giới thiệu cùng bạn đọc.
 
1.  NGỰA TRẮNG, NGỰA ĐEN  
 
     Chuyện ngựa trắng và ngựa đen kéo xe, tranh chấp không hơn nhau, bèn cùng nhau gặp Đấng tạo hóa, xin Ngài quyết định.
 
Đấng tạo hóa nói:
 
-    “Một con ngựa đi nhanh, một con ngựa đi chậm, chiếc xe nhất định phải đổ nhào. Một con ngựa đi về bên trái, một con ngựa đi về bên phải, chiếc xe nhất định rệu rã năm bè bảy mảng. Chỉ có hai con ngựa cùng bước đi nhịp nhàng, nhanh chậm giống nhau, có mục tiêu và phương hướng giống như nhau, thì chiếc xe mới có thể đi được vừa nhanh vừa nhẹ nhàng”.
 
     Một tấm chăn không đắp được hai người khác nhau, một chiếc thuyền không lắp hai lái. Tâm địa không giống nhau, không nên mang cùng một ách.
 
Suy tư 1:
 
     Thói thường người cùng bè cánh với nhau, thì khi làm việc tương đối dễ chịu hơn.
 
     Thế giới này chiến tranh liên miên cũng chỉ vì ý thức hệ khác nhau.
 
     Các phe phái kình chống nhau, dùng mọi thủ đoạn để công kích nhau, cũng chỉ vì không đồng chính kiến với nhau, người ta dùng mọi phương tiện có thể, để lật nhào nhau cũng chỉ vì lòng dạ quá nhỏ nhen.
 
     Thói thường là như thế.
 
     Nhưng tinh thần bác ái của Chúa Ki;-tô thì không phải như vậy, “bác” là rộng lớn, “ái” là yêu, tình yêu rộng vô biên, cho nên mới có thể chứa đựng những chính kiến khác nhau, những bất đồng khác nhau.
 
Giáo Hội của Chúa Ki-tô không phải là một chứng minh hùng hồn của bác ái sao? Giáo Hội không phải là gồm mọi dân tộc trên thế giới sao? Giáo Hội không phải là đủ mọi màu da, chủng tộc sao? Ấy vậy mà vẫn hiệp nhất, vẫn cộng tác với nhau, vẫn thăng tiến thế giới, vẫn trường cửu vững bền cho đến ngày Chúa lại đến.
 
     Một cộng đoàn trưởng thành là một cộng đoàn, mà trong đó, mỗi cá nhân đều quên mình đi, để vì anh em chị em mà phục vụ.
 
     Như vậy, không còn ngựa trắng hay ngựa đen nữa, mà chỉ có một mục tiêu mà mỗi phần tử trong cộng đoàn đều hướng đến: Bác ái.
 
2.  MÂU THUẪN
 
     Con người ta khi đến bước đường cùng cho đến khi mù tịt không biết gì, thì quay lại cầu xin Đấng tạo hóa thương xót.
 
     Đấng tạo hóa nói đúng điểm then chốt giả dối của con người:
 
-        “Các ngươi gọi Ta là Chúa, nhưng không kính trọng Ta là Chúa; các ngươi cầu mong Ta làm Chúa, nhưng lại oán trách Ta làm Chúa”.
 
Suy tư 2:
 
     Con người ta khi nghèo quá, thì lại oán trách ông trời sao lại để cho mình nghèo như thế ?
 
Con người ta khi giàu có quá dư thừa, no đủ, thì Thiên Chúa cũng không tránh khỏi bị chửi: sao ông trời để tôi đánh bạc thua, để tôi bị mất tiền, để tôi bị chúng lừa…
 
     Thất vọng: oán trách Thiên Chúa.
 
     Đã được thoả mãn: quên mất Thiên Chúa.
 
     Chỉ có những ai biết nhìn đến những việc mà Thiên Chúa đã làm cho mình, mới không ngớt lời cảm tạ tình yêu của Ngài mà thôi.
 
3.  MỐT THỊNH HÀNH
 
     Một trận gió, trong rừng rậm đột nhiên nổi lên một trận phong ba, rất nhiều động vật đều say đắm trong tử vi, bói toán, coi sao trên trời, địa lý, vui vẻ không biết mệt nhọc.
 
     Đấng tạo hóa nhìn thấy hiện tượng quái lạ này, than thở, nói: “Bói toán mê tín, là vì thiếu lòng tin đối với mình. Các ngươi dùng phương trình để thiết kế mình, để suy ra quá khứ và tương lai của mình. Kết quả là dễ bị vây trong cảnh hỗn loạn, vừa khóc vừa cười, vừa vui vừa sầu”.
 
Suy tư 3:
 
     Hồi còn nhỏ, mỗi ngày tôi đều có học giáo lý, nhưng lúc đó nơi quê tôi gọi là học kinh nghĩa, cho đến bây giờ, sau hơn ba mươi năm, tôi vẫn còn thuộc làu câu giáo lý của kinh nghĩa:
 
     Hỏi: “Hỏi dị đoan là gì?
 
     Thưa: “Thưa là những sự đơm tế quảy lạy ông bà cha mẹ, tin bói khoa nham độn, cậy phù thuỷ pháp môn nhan, tướng mạo, chọn ngày giờ, chạp giỗ, lên đồng xuống đồng, thờ tiên sư, thổ công..., đặt bài vị cây nêu… …đốt giấy tiền vàng bạc, khi chiêm bao mộng huyễn, gặp đàn ông đàn bà bàn luận tốt xấu, cùng là tin chim kêu gà gáy chuột túc, nhện sa, rằng thiên rằng thính và mọi điều khác như vậy”.
 
     Ngày nay người ta coi tử vi bằng máy vi tính.
 
     Người ta tính chuyện hôn nhân cũng bằng máy tính điện tử.
 
     Làm nhà, mở công xưởng, đi du lịch, đi làm ăn cũng “hỏi” máy vi tính.
 
     Người ta hiện đại hoá dị đoan.
 
     Người ta quên mất nguồn gốc, nguyên nhân của hiện tại, quá khứ và tương lai là Thiên Chúa.
 
     Như thế cũng đủ biết con người ta tin thật nhiều điều nhảm nhí, và cũng có những người công giáo vừa tin vào Thiên Chúa, vừa tin vào những điều gọi là dị đoan ở trên.
 
4.  BỐN QUÂN TỬ.  
 
     Mai, Lan, Cúc, Trúc, vì để tranh giành chức vị vua trong các loài hoa, nên chúng nó đều sử dụng các loại thủ đoạn để chèn ép lẫn nhau, giở mọi thủ đoạn xấu xa.
 
     Chim hạc hỏi Đấng tạo hóa:
 
-        “Lạ thật, họ không phải là bốn quân tử sao? Bình thường thì phong độ thanh thoát, khiêm tốn hoà nhã có lễ nghĩa, tại sao bây giờ lại biến thành như thế chứ?”
 
     Đấng tạo hóa trả lời:
 
-        “Phải hay không phải là quân tử, chỉ có để cám dỗ ra trước mặt thì bản tính tự nhiên sẽ lòi ra”.
 
Suy tư 4:
 
     Người ta thường nói, đừng lấy thước mà đo lòng quân tử, thước đây chính là ám chỉ đến tiền tài, danh vọng, quyền uy.
 
     Có quân tử không chết vì tiền, nhưng chết vì sắc đẹp; có quân tử không chết vì sắc đẹp, nhưng lại chết vì danh vọng; cũng có hạng quân tử không chết vì danh vọng, nhưng lại “nghẻo” vì một tiếng khen… lãng nhách.
 
     Có người bộ dáng bên ngoài thì như là quân tử chính hiệu “con nai vàng”, chẳng có chi làm lung lay được họ, nhưng khi đụng chạm đến quyền lợi cá nhân thì họ biến thành “con chó sói” chính hiệu, giương nanh vuốt móng, nhìn thấy mà ghê.
 
     Nhạc Bất Quần được giới võ lâm tặng cho danh hiệu cao quý: quân tử kiếm, thế nhưng vì pho võ công “Tịch tà kiếm pháp” mà ông ta đã đánh mất tất cả, mất nhân cách, mất nhân phẩm, giết đệ tử, lừa bạn bè, đến nỗi bà vợ chịu không nỗi hành vi tiểu nhân hèn hạ của ông nên đã tự tử…
 
     Vậy thì ai là người quân tử?
 
     Thưa, chính là người biết “kính mến Thiên Chúa và yêu thương anh em như chính mình vậy”.
 
Thật, làm người quân tử khó lắm thay!
 
5-  ÁI TÌNH CỦA PHONG TÍN TỬ [1]
 
     Phong Tín Tử nhìn thấy cái bóng xa xa của con bươm bướm, tình cảm liên miên, bèn nói: “Các anh coi, con bướm vừa đẹp đẽ lại vừa dịu hiền, hơn nữa phong cách lại thanh thoát. Không như con ong mật chỉ biết kêu vù vù, mà lại còn mang thêm một cái kim châm, đốt người khắp nơi, thật là đáng ghét chết đi được”.
 
     Hoa sen trêu chọc : “Ấy là vì anh thích con bướm, người mà anh thích thì tất cả khuyết điểm đều thành ưu điểm. Người mà anh không thích thì ngay cả ưu điểm của họ [anh] nhìn cũng không thấy”.
 
Suy tư 5:
 
     Tục ngữ Việt Nam có câu: “Khi yêu thì trái ấu cũng tròn, khi ghét thì trái bồ hòn cũng méo”- Trái ấu thì ai cũng biết nó “méo” đến thậm tệ, nhưng thật ra nó không phải méo, mà là hình thù chẳng ra cái gì cả; còn trái bồ hòn “tròn” đến mức độ nào thì ai mà chẳng biết, khỏi nói.
 
Nhưng cái đáng nói ở đây chính là: yêu và ghét đều có thể làm cho tròn biến thành méo, và từ méo biến thành tròn, đúng là vĩ đại.
 
     Chỉ có tình yêu của Chúa Ki-tô mới có đủ sức làm méo ra tròn.
 
     Chỉ có sự ganh ghét của ma quỷ mới làm cho tròn thành méo.
 
     Ôi ! Yêu và ghét đều là do cái tâm mà ra cả.
 
6.  NÔ LỆ CHO THÓI QUEN 
 
     Có một thời, hoa sen rất được mọi người tán thưởng, nhưng đến khi tiếng vỗ tay dần dần chấm dứt, thì nó lại như mất cái gì đó, bản thân không được thoải mái.
 
     Đấng tạo hóa nói: “Người nát rượu chìm trong cồn, người đánh bạc lạc mất giữa những con số, con chữ. Lúc nào con đắm đuối trong thói quen, thì trở thành nô lệ cho thói quen”.
 
Suy tư 6:
 
      Cũng là chuyện thường tình của con người mà thôi, mấy cô gái khi nghe ai khen mình đẹp thì khoái tít lên chứ, ai khen mình tài giỏi thì cũng sung sướng hơn được điểm mười.
 
     Nhưng nếu nhìn một cô gái mà nói: cô xấu như quỷ dạ xoa thì có nước mà chết sớm, cô ta sẽ la toáng lên, nào là có mắt như đui, nào là mắt không tròng, nào là…
 
     Con người ta ai cũng thích được kẻ khác khen, dù là khen dối trá, khen để lấy lòng, khen để hưởng xái vài chút danh quyền, chút tình yêu còm cỏi, vì thế, khi người ta không còn khen nữa thì lại buồn rầu, lại trách móc và…hận đời.
 
     Khen hay chê, không phải tự nhiên mà có, nhưng bởi tại mình mà ra.
 
     Mình làm tốt: khen
 
     Mình làm dở: chê,
 
đó là chuyện thường tình của người đời, chẳng có chi lạ cả. Nhưng cái lạ chính là: khi người ta khen hay chê mà mình vẫn vui tươi, cười sung sướng, coi họ là anh em, cái đó đúng là “ngược đời”, là môn đệ của Đức Ki-tô vậy.
 
7.  LÒNG KHÔNG BỐ TRÍ PHÒNG THỦ
 
     Hoa hải đường ôm tâm nhĩ bị nghiến đau và chảy máu, đau khổ nói với Đấng tạo hóa:
 
-    “Người lạ làm tổn thương con, con có thể quên đi rất nhanh, tại sao người càng thân cận, càng làm cho con không thể chịu đựng được?”
 
     Đấng tạo hóa thở dài, nói:
 
-    “Thân cận không nhất định là thân mật, thân mật không nhất định là thân yêu. Người càng thân cận thường làm tổn thương cho nhau càng sâu. Trước mặt người chí thân, chí cận, chí ái, thì trong lòng mình không bố trí phòng thủ, cho đến nỗi bị vết thương đã sâu mà lại lớn.
 
Suy tư 7:
 
     Tục ngữ Việt Nam có câu: “Yêu nhau lắm, cắn nhau đau”. Thật là đúng trăm phần trăm, không chê vào đâu được.
 
     Các cặp vợ chồng trước khi ly dị, không phải là họ đã có thời kỳ yêu nhau lắm sao?
 
     Các bạn trẻ thanh niên nam nữ, trước khi chia tay nhau “đường ai nấy đi”, không phải đã có lần họ đã bất chấp những nghề nghiệp tương lai mà bố mẹ định sẵn cho họ, để đi theo tiếng gọi tình yêu của người bạn gái [trai] sao?
 
… … … … … … … … … … …
 
     Họ đã có một thời bất chấp mọi thứ trên đời: khen chê, thù ghét, đau khổ, vui buồn, sung sướng, phớt lờ mọi sự để được: YÊU.
 
     Nhưng cái đau khổ nhất của họ chính là bị phản bội, bởi càng yêu thương tin tưởng bao nhiêu, đến khi tan vỡ, thì sự thù ghét cũng theo đó mà nhân lên cho đầy bấy nhiêu.
 
     Con người ta mà đã như thế huống chi là Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa không xử sự như con người, nghĩa là Ngài không thù hận, không oán ghét, không “yêu nhau lắm, cắn nhau đau”, nhưng Ngài càng yêu thì càng xoá bỏ những khuyết điểm, càng ban ân sủng, càng chờ đợi.
 
     Ngài sẽ buồn biết bao, khi chúng ta lừa dối và phản bội Ngài.
 
8.  CON DIỆC THÍCH KIỆN.
 
     Con diệc quen thói cáo trạng trong khi cầu khẩn :
 
-    “Đấng tạo hóa ạ, Ngài xem, con chim bay  không trồng cũng không thu, nhưng lại sống nhàn nhã thoải mái, không phải lo ăn mặc, thật quá lười biếng. Hoa bách hợp không kéo sợi cũng không dệt, từ sáng đến tối chỉ làm đỏm cho mình, thật là rất dễ hao kiệt [tinh thần]. Ngài có nên cho họ một bài giáo huấn để họ tỉnh táo chăng?”
 
     Đấng tạo hóa thở dài, nói:
 
-    “Người tự cho mình là nhân nghĩa ơi, khuyết điểm lớn nhất của con chính là: thích đóng người khác vào  thập giá”.
 
Suy tư 8:
 
     Người biệt phái vào cầu nguyện trong đền thờ (Mt 18, 9-12), đã tố cáo người thu thuế đang qùy cầu nguyện ở phía sau: “Lạy Chúa, con không như cái thằng thu thuế tội lỗi kia, nó không ăn chay mỗi tuần, nó không bố thí mà chỉ biết bóc lột, nó…”
 
     Có những tín hữu khi vào toà xưng tội nhưng không chấp nhận tội của mình, mà cứ đổ tội cho người khác: “Thưa cha, nếu con mẹ ấy không chửi con thì con sẽ làm ngơ. Thưa cha, nếu thằng cha đó không có chọc ghẹo con, thì con không có mắng nó là đồ tồi, đồ dơ dáy…”
 
     Có những người lúc cầu nguyện mà cứ phân bì với người khác: “Lạy Chúa, sao Chúa cho nó giàu có thế, tiền dư bạc thừa để nó ăn chơi đàng điếm, nếu Chúa cho con thì con không như nó đâu, con sẽ bố thí cho người nghèo, con sẽ dâng cho nhà thờ, con sẽ…”
 
 
     Nếu trong khi cầu nguyện mà chúng ta biết nói: “Lạy Chúa, con cám ơn Chúa vô cùng, vì Chúa đã ban cho con như con đang có, nếu con giàu có, thì chắc con sẽ kiêu ngạo vô cùng; nếu con hơn mọi người, thì chắc là con coi trời chằng có ki-lô-gam nào cả. Lạy Chúa, Chúa ban cho anh [chị] ấy nhiều thứ quá, tiền bạc, danh vọng, vợ đẹp con ngoan, xin Chúa cho họ biết sử dụng những thứ ấy để làm sáng danh Chúa và có ích cho họ, cho mọi người…”
 
9.  BIẾT BAY
 
     Con chim nói: “Tôi biết bay”
 
     Hoa sen nói: “Tôi cũng biết bay”.
 
     Con chim khinh miệt không thèm nhìn hoa sen, nói:
 
-    “Mày (nói) có sai không? Mày đã bị đóng chết trên mặt đất, làm thế nào mà bay được chứ?”
 
     Hoa sen vui vẻ, sung sướng trả lời rất tự nhiên:
 
-    “Anh sử dụng cánh để bay, còn tôi dùng quả tim để bay”.
 
Suy tư 9:
 
     Thiên Chúa ban cho mỗi người tài năng tri thức không giống nhau: có người thông thạo thiên văn địa lý, có người dạy học, có người làm hoạ sĩ, có người làm ruộng chân lấm tay bùn, có người buôn bán, có người làm linh mục, có người làm dì phước.v.v…
 
     Ai cũng có tư cách và nhân phẩm của mình.
 
     Ai cũng có khối óc để suy tư và quả tim để yêu thương.
 
     Vậy thì, không có lý do gì mà ngăn cấm anh chị em thăng tiến, bay cao.
 
10. TÌM TÒI VẬN MỆNH
 
      Chim quạ rất lưu tâm đến cái gọi là “vận mệnh”.
 
     Nó cũng không ngừng trưng cầu cách nhìn của người khác đối với “vận mệnh”. Con cáo nói nó cũng không dám nghĩ đến vấn đề này, càng nghĩ càng hồ đồ; mà con rái cá có một bộ dạng mù tịt không biết tí gì, tự nó còn lo cho mình qua ngày đoạn tháng cũng chưa xong, vậy mà con chim quạ cũng mê hoặc nó.
 
     Rốt cuộc, có hay không có “vận mệnh” chứ, tại sao càng tìm tòi, càng cảm thấy nó thất thường bất đắc dĩ ?
 
Suy tư 10:
 
     Con người ta từ cổ chí kim, giàu hay nghèo, có học hay không có học, cũng đều muốn biết vận mệnh của mình như thế nào? Vì thế, họ tìm cách sửa đổi vận mệnh cho họ.
 
     Nhưng chẳng mấy ai biết vận mệnh là gì cả.
 
     Họ chỉ biết lúc nào làm ăn thua lỗ thì cho là vận xui; lúc nào công ty sạt nghiệp thì cho là thời vận chưa tới, vận xui; lật xe, con chết, vợ theo trai, họ cũng cho là vận xui.
 
     Có người vì thấy thời vận của mình quá đen, quá hắc ám, nên không ngần ngại bỏ tiền ra để mua vận mệnh hên, nhưng rốt cuộc tiền mất mà vận xui vẫn cứ đuổi không đi.
 
     Đố ai mà biết được vận mệnh của mình? Trên đời này từ xưa đến nay chẳng có một người nào biết cả, ngoại trừ Thiên Chúa.
 
     Nhưng cho dù là chúng ta không biết vận mệnh của mình ra sao, thì chúng ta cũng có thể an vui đi theo vận mệnh, đó là thực hành ý Chúa mọi ngày trong cuộc sống của mình.
 
11. CHIM CÚ KHÔNG GẶP VẬN MAY
 
     Chim cú bay đến trên sân thượng của nhà người ta kêu “ố ồ”, làm cho con người vừa chửi, vừa lấy đá ném nó.
 
     Chim cú mình đầy thương tích, buồn bã khóc tấm tức :
 
-    “Chúa ạ, con thật là vật chẳng lành sao?”.
 
-    “Đương nhiên là không phải, bé con.”- Đấng tạo hóa hiền hoà nói tiếp: “Nhưng nhân loại chỉ quen đem mình hạn chế trong quan niệm bất di bất dịch, đem yêu thích của mình để làm yêu thích, đem tiêu chuẩn của mình để làm tiêu chuẩn, ấn định cho thế giới nầy rất nhiều đẳng cấp…”
 
Suy tư 11:
 
     Con cú mèo đối với con người có ích lắm chứ.
 
     Nầy nhé, nó bắt mấy chú chuột phá hoại mùa màng.
 
     Tôi còn suy ra thêm một đức tính của chim cú nữa, đó là hy sinh. Bạn đừng vội cười, ban ngày, khi bạn vui vẻ học hành, khi bạn đi làm việc kiếm tiền, khi bạn dung dăng dung dẻ dắt bồ đi phố xá coi xe coi cộ, mua sắm hàng hoá, thì con cú kiếm một hốc cây nào đó để nghỉ ngơi, chẳng màng đến chuyện phù vân của con người. Ban đêm, khi bạn đang ngon giấc với nhiều mộng đẹp, nghỉ ngơi sau một ngày vất vả, thì chim cú lại đi làm công việc thanh trừng chuột là những kẻ phá hoại mùa màng của con người…
 
     Ấy vậy mà con người lại ghét nó chứ, đúng là không công bằng, và con người quả có thành kiến rất đáng sợ.
 
     Vì thành kiến với ai đó, cho nên thấy họ làm gì, hay dở chưa biết cứ chê đã, đôi lúc cái hay của họ rõ rõ ràng ràng như thế, mà vẫn cứ chê.
 
     Thành kiến là căn bệnh bất trị của con người, chỉ có tinh thần bác ái của Đức Ki-tô mới xoá bỏ thành kiến trong chúng ta mà thôi.
 
12. KHÔNG OÁN TRÁCH
 
     Hoa sen ấm ức hỏi Đấng tạo hóa:
 
-    “Con đem hương thơm thấm tận tim gan của con, bộ mặt đẹp đẽ của con cho người thưởng thức, thân rễ dành để cho người làm thức ăn, nhuỵ hoa có thể dùng làm thuốc. Con đem cuộc đời của con ra cống hiến mà không giữ lại một chút gì cả, Ngài còn muốn con như thế nào nữa chứ?”
 
     Đấng tạo hóa trả lời :
 
-    “Ta muốn con không oán trách”.
 
Suy tư 12:
 
     Cây đèn cầy khi nó toả sáng chiếu soi, thì tự nó hao đi nhưng nó không oán trách, vì đó là bổn phận của nó, nó tự hủy mình để mọi người được vui vẻ và hân hoan.
 
     Khi chúng ta đã dốc toàn lực ra để làm tròn bổn phận, mà chẳng có nhận được một lời khen thưởng hay động viên, chúng ta đừng than thở nản chí, vì việc chúng ta đang làm là làm cho Chúa, vì Chúa.
 
     Mà đã làm cho Chúa thì cần gì phải trông mong một lời khen của người đời chứ?

Còn nữa...
 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn