1
04:33 +07 Thứ hai, 29/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 292


Hôm nayHôm nay : 13336

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 403423

Tổng cộngTổng cộng : 27957707

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » CHUYỆN ĐỜI THƯỜNG

Tâm sự đời “Tre”

Thứ bảy - 04/01/2014 22:39-Đã xem: 1983
Thật vậy, cuộc đời của tre là thế. Người ta trồng tre đâu phải chỉ để ngắm, cũng không phải chỉ để lấy bóng mát. Nhưng bản chất của tre là dâng hiến. Tre dâng hiến trọn vẹn từ măng tre, đến bẹ tre, từ thân và cả cành, lá, gốc tre cho con người và cho cuộc sống.
Tâm sự đời “Tre”

Tâm sự đời “Tre”

Khi nói về quê hương đất nước, con người Việt Nam người ta thường nhắc đến hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình. Bởi đó là những hình ảnh thân thương, quen thuộc của làng Việt cổ truyền. Nhưng bên cạnh đó còn có một hình ảnh rất đẹp, rất thanh cao đi vào tâm thức của người con dân đất Việt, đó là hình ảnh lũy tre làng.

“Tre xanh, xanh tự bao giờ
Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh…”

Cây tre, cây nứa, cây trúc,… và nhiều loại tre bương khác là loại cây thuộc họ Lúa. Tre có thân rễ ngâm, sống lâu mọc ra những chồi gọi là măng. Thân rạ hóa mộc có thể cao đến 10 -18m , ít phân nhánh. Mỗi cây có khoảng 30 đốt,… Cả đời cây tre chỉ ra hoa một lần và vòng đời của nó sẽ khép lại khi tre “bật ra hoa”. Tuy vậy, tre lại là bạn thân thiết của con người.Từ khi lọt lòng ta nằm trong chiếc nôi tre, lớn lên ta gắn bó với tre qua các trò chơi dân gian: làm diều, làm sáo, làm lồng đèn trung thu… Tre hiện diện trong đời sống con người từ ăn, ở, làm việc, trong phong tục, tập quán, dựng nhà dựng cửa… Vì vậy, tre đi vào cuộc sống của người Việt Nam. Tre là biểu tượng cho con người Việt Nam mộc mạc mà thanh cao, giản dị mà chí khí.

Tự đồng hóa mình với hình ảnh cây tre, con gửi gắm tâm tình tri ân của con đối với Đấng Tạo Thành, và khát vọng họa lại tình yêu bao la trời bể mà Người đã dành cho con trong suốt cuộc đời. Đồng thời con cũng muốn nói lên lòng tri ân của con với mảnh đất mẹ Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp nơi đã đón nhận và giáo dưỡng con để con được lớn lên và hiến dâng trọn vẹn.

NỘI DUNG:

1.  Chọn gọi

Là con dân đất Việt, con cũng là một cây tre được Thiên Chúa ươm mầm nơi một làng quê miền Bắc Việt Nam. Cũng giống như bao mầm cây khác, con được hưởng tình yêu thương ngọt ngào từ một gia đình hạnh phúc gồm bố mẹ và 4 chị em. Là con gái đầu lòng lại là đứa con gái duy nhất nên con càng được chăm chút, cưng chiều. Năm con chưa kịp tròn 7 tuổi thì Thiên Chúa đã sớm cất mẹ con về trời do một tai nạn đột ngột. Sự ra đi bất ngờ của mẹ làm đảo lộn cuộc sống của mọi thành viên trong gia đình con. Bố con ngã qụy vì cảnh gà trống nuôi con, còn bốn chị em con thì nháo nhác mỗi đứa mỗi phương. Con và em trai kế được phân công ở với bố; hai em bé thằng 3 tuổi, thằng 7 tháng được ông bà ngoại ẵm về nuôi. Ngày ông bà ngoại chính thức đón em là ngày bố đau như thắt từng khúc ruột. Bố không thể cầm lòng khi ẵm thằng út giao cho bà ngoại. Bố con đã khóc những giọt nước mắt bế tắc, tuyệt vọng cũng giống như giọt nước mắt của Chị Dậu khi phải bán con. Nhưng ý Chúa, bố con tâm niệm như thế nên bố để các em đi. Ở lại với bố tuy chỉ còn con và em trai kế lúc đó 5 tuổi nhưng bố con vẫn không ngơi vất vả. Sáng sáng bố dậy thật sớm để lo cơm nước, giặt giũ áo quần, rồi chạy theo miếng cơm manh áo. Chiều bố lại về tắm rửa, lo cơm nước cho hai chị em. Đêm đến, nhất là những đêm mùa hè oi bức bố thức trắng đêm để ngồi quạt cho con ngủ. Con biết, bố đang cố gắng hóa thành mẹ nhẹ nhàng, chu đáo. Nhưng chỉ được một thời gian thì bố con đổ bệnh, kéo theo đó là kinh tế gia đình suy sụp khiến bố con phải ngậm đắng cầm kỷ vật quý giá là chiếc dây chuyền ngày cưới đi đổi gạo. Thật là bi thảm! Bố con lại khóc….Nhưng thánh ý Chúa thật nhiệm mầu. Giữa lúc bóng đêm vây bủa, con người tưởng chừng đã rơi vào ngõ cụt thì Thiên Chúa lại bắt tay làm việc. Vì vậy, một trận bão táp chỉ là để Ngài bật tung cả cụm tre và để rồi Ngài chú ý đến một chồi non như Ngài từng thổ lộ:

“Ta sẽ lấy, sẽ ngắt một chồi non,
chính Ta sẽ trồng nó trên đỉnh núi cao vòi vọi”

(Ed 17,22)

Chồi măng bắt đầu từ phần thân sát đất của cây tre mẹ nên mọi chất dinh dưỡng phải nhờ mẹ mà có. Do vậy, ngắt chồi măng khỏi tre mẹ khác nào khiến chồi măng chết khô. Nhưng với con, Thiên Chúa lại có ý ngắt con khỏi nguồn sống của mẹ, cho con sớm nếm trải kinh nghiệm đau đớn về nỗi cô đơn, mất mát để rồi Ngài khởi đầu thánh ý của Ngài. Năm 1992 khi con 12 tuổi, cái tuổi mà bố con bắt đầu cảm thấy lo lắng, bồn chồn vì sự thay đổi tâm sinh lý của cô con gái. Lo lắng khiến bố nảy ra sáng kiến là gửi con trong Dòng Đa Minh Bùi Chu để nhờ các Dì uốn nắn dạy dỗ. Được sự đồng ý của các Dì, cuối tuần con ôm quần áo vào ngủ trong nhà các Dì để sáng mai đi lễ và sinh hoạt với các chị đệ tử. Chỉ một vài tuần thôi, bọn trẻ trong làng ngưỡng mộ con ra mặt. Chúng bắt đầu xì xèo chuyện con lui tới Nhà Dòng: “Con H. nó đi tu đấy”, đứa khác lại nói: “Làm gì có chuyện đó, nó có biết làm dấu đâu mà đòi đi tu?”. Nghe vậy, con tức anh ách. Nhưng các bạn có lý. Con đâu có ngoan ngoãn gì, lại sống nơi phố chợ nên chỉ quen những trò quậy phá, còn chuyện đạo đức thì hoàn toàn xa lạ. Nhưng kể cũng hay, từ cái ngày lui tới Nhà Dòng, con bắt đầu có những biến chuyển. Con thích ăn mặc gọn gàng, thích mặc cái quần màu đen để cho giống các Dì. Con lại còn ước ao đến nhà thờ mỗi ngày. Nhưng cứ ở nhà với bố thì khó lòng thực hiện được điều này, nên con đã ngỏ lời với bố cho con được vào ở luôn trong Nhà Dòng. Bố con bằng lòng thế là con trở thành một cô đệ tử tí hon trong sáng và hồn nhiên. Tưởng đây sẽ là “đỉnh núi cao vòi vọi” nơi mà Thiên Chúa sẽ gieo trồng chồi non mà Ngài để mắt tới. Nhưng không, chỉ một vài tháng thôi, ngày 3 tháng 6 năm 1993, Thiên Chúa lại đem con đến một mảnh đất khác, đó là mảnh đất mẹ Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp. Đây mới chính là nơi Thiên Chúa quyết định trồng chồi non. Suốt 12 năm ròng, tức là từ năm 1993 đến năm 2005 trong mái nhà Thỉnh viện của Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp, Thiên Chúa vun tưới, chăm sóc, vỗ về và trang bị hành trang tri thức lẫn đạo đức biến chồi non thành búp măng xinh xắn, vừa mắt. Từ năm 2005 đến năm 2006, Thiên Chúa thử luyện búp măng trong gia đình Tiền Tập Sinh. Hai năm tiếp theo Thiên Chúa đưa búp măng vào trong sa mạc thánh để búp măng trổ rễ biến thành một cây tre. Ba năm sau trong mái trường thần học thánh Tôma, và một năm thực tập tông đồ cây tre non nớt được trang bị hành trang chuẩn bị tháp nhập vào hàng ngũ loài tre dâng hiến. Vậy là đã kinh qua gần 20 năm, một chặng đường dài thiệt dài, lâu thiệt lâu không đúng như sự sinh trưởng bình thường của một cây tre. Theo các nhà nghiên cứu, tre là loài thực vật sinh trưởng nhanh nhất trên trái đất có thể cao thêm 1,2m chỉ trong 1 ngày. Nhưng không, vì đây là cây tre Thiên Chúa chọn nên Ngài cần một hành trình dài để Ngài nuôi dưỡng.

2. Nuôi dưỡng

“Thương em vì cá trích ve
vì rau muống luộc vì mè trộn măng”

Thực vậy, măng là món ăn ưa thích đã có từ lâu đời trong văn hóa ẩm thực của người Việt. Nhưng phải hỏi người trồng măng mới thấu hiểu được nỗi vất vả của nghề. Muốn có một ngọn măng xanh tốt, người ta phải vun xới, lấp đất mặt, nén chặt, phủ rơm rạ để giữ ẩm cho cây. Không những thế còn phải canh lần để bón phân và phải tỉnh táo trước mọi loại sâu bệnh, nấm bệnh tấn công gây thối măng. Tương tự như thế, khi Thiên Chúa quyết định trồng cây măng đời con trong mái nhà của Chúa, Ngài cũng lắm công chăm sóc và giáo dưỡng. Từ lời ăn tiếng nói, từ bước đi dáng đứng bên ngoài đến tâm tình phải có bên trong đều được Chúa dạy bảo, uốn nắn qua bàn tay khéo léo, thương yêu và tận tâm của nhiều Dì Giáo phụ trách huấn luyện trong Dòng. Các Dì đã dành cho con một tình thương mà khó lòng kể cho hết. Con ghi nhận đó là món quà tuyệt nhất mà Thiên Chúa dùng để bù đắp cho tình thương của cha, tình yêu của mẹ mà con đã sớm phải thiếu vắng. Con chỉ biết cúi đầu cám tạ.  

Không chỉ được quý Dì giáo săn sóc, trong gia đình Thỉnh viện con còn được hưởng sự chăm chút của các chị lớn. Con còn nhớ hồi con học lớp 9 – lớp 10, con thường hay bị xỉu vì thiếu Canxi. Theo lời khuyên của bác sĩ, Dì giáo mua thuốc về cho con và căn dặn con phải uống thuốc đều đặn mỗi ngày. Nhưng con sợ thuốc nên ngày uống ngày không. Biết chuyện Dì Giáo phải giao thuốc cho một chị lớn biểu chị ngày nào cũng phải pha thuốc và dụ cho con uống bằng được. Có những lần con ngoan ngoãn vâng lời chị, nhưng nhiều lần con bắt chị phải chơi trò trốn tìm. Nghĩ lại sao mà thương chị thế! 

Được hưởng nhiều tình thương như vậy, lẽ ra con phải sống ngoan hơn, dễ thương hơn; nhưng ngược lại con vẫn mang trong mình cái tinh nghịch, bướng bỉnh của tuổi học trò. Sau khi học hết phổ thông trung học, rời mái ấm Thỉnh viện cơ sở I, con lên thành phố để bước vào giảng đường đại học. Bắt đầu từ đây, Thiên Chúa tôi luyện con trong giai đoạn mới, giai đoạn thử thách.  

3. Thử thách

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Lửa thử vàng, gian nan thử đức”

Kinh nghiệm đó đúng luôn cả với loài tre. Những cây tre có thân mình thẳng đứng, cao vút, bất khuất vươn lên bầu trời cao đều là những cây tre từng kinh qua sương gió bão tố. Là một thân tre, trong kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa, Ngài thử luyện đời con bằng một loạt các biến cố.

Bước vào năm thứ hai của đại học một loạt những nghi vấn từ đâu xuất hiện trong đầu óc con. Có Thiên Chúa thật hay không? Tại sao phải đi tu?  Đời tu có ý nghĩa gì chăng hay chỉ là những lý tưởng viển vông của những kẻ mơ mộng? Những nghi vấn ấy chưa kịp giải quyết thì trên giảng đường đại học, con lại gặp các triết gia vô thần như: Ludwig Feuerbach (1804-1872), Marx (1818-1883), Nietzsche (1844-1900). Các triết gia này cho rằng Thượng Đế chỉ là sản phẩm của sự tưởng tượng, là sự phóng chiếu của con người. Họ phê phán Kitô giáo rao giảng một nền luân lý nô lệ. Các Kitô hữu như những con chiên yếu đuối hèn nhát, không đủ khả năng sống làm người có trách nhiệm. Cũng thời điểm đó hình ảnh của bố và các em hiện về trong trí óc con. Con xót xa nhớ đến làn da cháy xém vì sương nắng của bố, con thương các em côi cút không có bàn tay người mẹ hiền chăm chút, con thương ngôi nhà không người quyét dọn, thương cái bếp quanh năm lạnh lẽo không người nhóm lửa. Vâng, bấy nhiêu điều ấy làm con không còn thích thú với những giờ kinh nguyện, thánh lễ…con bắt đầu nhìn đời tu với cặp mắt lưỡng lự, nghi ngờ. Tu có giá trị gì không hay chỉ là một cái nghề trong xã hội? Những câu hỏi này làm con bứt rứt. Nhưng cũng còn may vì Thiên Chúa còn cho con thiện chí và sự chân thành nên con đã trình bày với Dì Giáo và được các Dì lưu tâm giúp đỡ tận tình. Trước sự quan tâm của quý Dì, con thấy mình thật có lỗi, con không xứng với tình yêu mà Chúa qua Hội Dòng dành cho con. Vì vậy, lòng con dịu lại, trái tim con bớt sôi sục, con tiếp tục ở lại trong ơn gọi nhưng chỉ sống hời hợt, thiếu xác tín. Sau này, phải đợi đến một biến cố khác nữa, biến cố này mới mang đến cho con câu trả lời cho tất cả những gì con khắc khoải. Biến cố này chính là một bước ngoặc thay đổi toàn bộ cuộc đời con.

Biến cố đã xảy ra vào mùa xuân năm 2001. Sau 8 năm liên tục không được về quê đón xuân bên gia đình, năm nay do không vướng bận chuyện học hành con lên tàu về quê ăn tết, hy vọng có được một cái tết hạnh phúc nhất. Nhưng thật tội nghiệp cho con vì con vừa bước ra khỏi xe, người nhà cho con hay tin bố con bệnh nặng khó qua khỏi. “Không!” Con phản kháng mạnh mẽ. Không thể có chuyện này vì con đã tin tưởng, đã giao kèo với Chúa rằng: “Con đi tu thì Chúa phải cho bố con khỏe mạnh”. Vì thế không thể có kết cục như thế này. Không, con không tin, con không chấp nhận. Nhưng con đang đứng trước cửa nhà con, ngôi nhà khóa cửa im lìm. Vắng quá, tan hoang quá! Một cảm giác lạnh đi từ lòng bàn chân đến đỉnh đầu rồi thấm vào tận trái tim con. Bước từng bước thẫn thờ con mở cửa vào nhà, rồi đưa tay khùa hết lớp màng nhện này đến lớp màng nhện khác. Hóa ra, Bố con đã nằm liệt cả tháng, các Dì Dòng Đa Minh Bùi Chu mới chuyển bố con đi cấp cứu ngày hôm qua. Sau một đêm, sáng hôm sau con đã tìm đến bệnh viện. Mọi điều chứng thực, bố con mắc cùng một lúc nhiều căn bệnh hiểm nghèo. Nhìn thấy con, bố con khóc. Sự có mặt của con là một bất ngờ vì không ai báo cho con biết bố bị bệnh mà con thì lại có mặt đúng vào giờ phút này. Đúng là ý thánh ý Chúa! Thánh ý Chúa nhiệm mầu, Ngài không muốn cây tre Ngài trồng lại yếu ớt, Ngài muốn một cây tre trải nghiệm sương gió, vì vậy, Ngài bắt đầu thử thách con… Thật vậy, bên giường bệnh ngắm nhìn bố mỗi lúc một xuống dốc khiến con linh cảm về một sự trống trải mất mát, thêm vào đó là một cảm nhận về một gánh nặng sắp đè lên đôi vai gầy yếu non nớt của con. Như có một lực đẩy từ bên trong, con đến bên giường bố hỏi: “Bố ơi, bố có muốn con đi tu không?”. Dĩ nhiên với con, đó là điều quan trọng hơn mọi điều mà lúc này con cần biết nên con đã hỏi một cách vội vàng như để ngăn chặn những dòng nước mắt đang trực tuôn tràn. Vậy mà, bố con vẫn bình thản, bố trả lời con rõ ràng từng chữ một: “Bố… muốn… lắm…Bố muốn con đi tu”. Cổ họng con ghẹn đắng, cái đắng nghẹn ngào như bóp chặt lấy tim gan con khiến con không thở nổi. “Tại sao đến giờ phút cuối cùng bố vẫn muốn con đi tu? Chẳng lẽ bố không cảm thấy chút gì hối tiếc vì đã phải hy sinh quá nhiều để cho con được đi tu?. “Tại sao bố không trách Thiên Chúa?”. “Sao bố không nói rằng: bố không muốn con đi tu?… Thật khó diễn tả được cảm xúc của con lúc đấy, vừa bất ngờ, vừa xúc động, nhưng con vẫn cố nén lòng không để thác lệ tuôn rơi trước mặt bố. Cửa phòng bệnh vẫn mở, con nhào ra ngoài và gào lên như chưa từng biết khóc là gì. Ngày hôm sau, bác sĩ cho con hay bố con không thể qua khỏi cơn nguy hiểm. Bố đã ra đi vào đúng ngày mùng 3 tết. Đám tang của bố diễn ra vội vàng, gấp gáp y như sự ra đi rất đỗi vội vàng của bố.

Người ra đi thì đã ra đi, nhưng người ở lại vẫn chưa khỏi bàng hoàng. Đúng, con chưa chuẩn bị tâm lý và con không lường trước được cảnh tượng này. Con quyết định rời khỏi Nhà Dòng, tạm gác việc học hành để về quê với các em. Ở quê nhà, con nếm cảm nỗi vất vả và sự bất lực của bản thân. Tuy nhiên, cái vất vả bên ngoài ấy không đáng sợ bằng cái cảm giác cô đơn, trống vắng mịt mùng vô tận trong cõi lòng. Cuộc sống đã thay đổi rồi, đã thay đổi thật rồi!!! Con không thể quay lại giảng đường đại học, lại càng không thể trở lại với Nhà Dòng. Con phải kiếm việc làm, phải nuôi em, phải cho các em được học hành như nguyện vọng của bố. Đúng, phải đứng lên! Thôi thúc này chiếm trọn trí lòng con, cuối cùng con quyết định đưa tất cả các em theo con vào Sài Gòn, dự định sẽ thuê một căn phòng, tìm một công việc gì đó hoặc đẩy một cái xe bánh mì để chị em dắt díu nuôi nhau. Nhưng đặt chân đến thành phố, con chưa thể đi đâu khác ngoài Nhà Dòng. Về đến Nhà Dòng con mới nhận ra trong suốt thời gian qua con đã không đơn độc trong nỗi đau mất mát và gánh nặng gia đình. Các Dì và các chị em vẫn chờ đợi, cầu nguyện và sẵn sàng chia sẻ gánh nặng gia đình cùng với con. Dì Giáo rất vất vả với con, Dì theo con từng bước, khuyên bảo, nhắc nhở con rằng: “Nếu con tin, Chúa sẽ lo cho con”. Dì còn nói: “Con lo không bằng Chúa lo”. Nhưng “Chúa sẽ lo cho con cái gì đây?”, “Chúa đòi con phải buông tất cả ư?”, “Làm sao con có thể?”.  “Tin! Không đâu, làm sao con có thể tin được”… Con sợ lắm, con lại khóc như kẻ cùng đường, nhưng rồi… con nhắm mắt lại và liều đưa tay cho Chúa dắt. Cuối cùng Chúa đã để con ở lại Nhà Dòng vừa tu, vừa học, vừa nuôi em. Đã có nhiều lúc con cảm thấy mệt mỏi rã rời vì trách nhiệm vừa làm cha, vừa làm mẹ, vừa là sinh viên, vừa là một Thỉnh Sinh. Và cũng đã nhiều lần con loay hoay với vấn đề tu hay không tu. Thật ra không tu thì hợp lý hơn, con đã nghĩ như thế và lẽ thường là như thế. Nhưng không, “Đường lối của Thiên Chúa không phải là đường lối của con người” (Is 55,8), “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, chính Người sẽ ra tay” (Tv37,5). Thiên Chúa đã chứng minh cho con điều ấy và Ngài còn cho con thấy rằng Thiên Chúa là Cha của con và là người Cha tuyệt vời nhất, chỉ cần con trút bỏ mọi lo âu cho Ngài, Ngài sẽ biến tất cả những cái không có thể trở thành những cái có thể. Cái có thể đấy là con vẫn có thể ở trong nhà Chúa, và dù không trực tiếp làm gì cho các em, nhưng các em con vẫn sống tốt, sống ngoan và trở thành những người thành đạt. Con tri ân tình Chúa, xác tín thâm thúy về một Thiên Chúa tình yêu và sự hiện diện của Ngài trong cuộc đời con. Con cũng yêu biết bao biến cố Chúa gửi đến cho con. Chính nhờ nó mà con nhận biết Chúa và nhận biết con. Chúa thì tốt lành vô cùng, quyền năng vô cùng, yêu thương vô cùng; con thì yếu hèn, tội lỗi nhưng lại được hưởng tình yêu vô bờ bến của Chúa. Bên cạnh đó, biến cố này còn đánh dấu sự trưởng thành trong hành trình ơn gọi của con. Trước đây con theo Chúa cách thụ động, nghĩa là theo mà không ý thức, không yêu mến, không quý trọng; nhưng nay con đã theo Chúa cách chủ động, nghĩa là con chọn Chúa với tất cả tâm hồn và ý thức trưởng thành của con. Trước đây, Chúa ở đâu đó xa xa, thì nay Chúa ở luôn mãi trong trí lòng con và con chỉ còn muốn một ước muốn duy nhất là được thuộc về Chúa trong mảnh đất dịu ngọt của mẹ Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp.

3. Cắm rễ

Rễ là thành phần thiết yếu của cây. Nhưng rễ có thể phát triển được hay không là nhờ bởi đất. Nhìn những cây tre thân thẳng đứng, kiên gan, bền bỉ, vững chãi người ta hiểu ngay bởi vì tre có rễ chùm, rễ lại bám chặt lấy đất, nhờ đất mà sinh trưởng. Trong kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa, Mẹ Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp là mảnh đất Chúa gieo trồng cây tre đời con. Với các đặc tính khiêm tốn, hiền hòa, dịu dàng của đất, Mẹ Hội Dòng đón nhận và nuôi dưỡng để con thành hình mang hình ảnh người nữ tu Đa Minh Hiệp với những nét đẹp của đời sống cầu nguyện, đời sống cộng đoàn, học hành, đời sống kỷ luật và sứ vụ tông đồ. Thật vậy, con ghi nhớ những năm tháng sống trong mái ấm Tập viện. Ở nơi an bình và tĩnh lặng ấy một lần nữa con lại gặp được Thiên Chúa của tình yêu. Thiên Chúa yêu con qua trái tim hiền mẫu của Dì Gíám Tập, và tình thương chan hòa của các chị em cùng lớp dành cho con. Ngài còn tỏ cho con những nét đẹp của ơn gọi Đa Minh và không ngừng lôi cuốn con. Nhờ đó ngày 6/8/2008 con can đảm tuyên khấn. Những năm tiếp theo dưới mái ấm Học viện Thánh Tôma, con được mời gọi khám phá Thiên Chúa qua thế giới thần học. Bây giờ Thiên Chúa không chỉ là một người Cha trong cảm nghiệm đơn sơ của con, mà Thiên Chúa còn là Đấng tuyệt thánh, Đấng cao cả khôn dò khôn thấu, Người vừa gần vừa xa, vừa rõ ràng, vừa ẩn khuất. Muốn hiểu để yêu mến Thiên Chúa buộc con không ngừng khám phá và khát khao. Cuối cùng là trải nghiệm về sứ vụ và đời sống cộng đoàn nơi vùng đất đỏ, trong cộng đoàn Tu xá Thánh Phaolô Trở Lại. Dù chỉ vắn vỏn có một năm thực tập sứ vụ nhưng đã cho con trải nghiệm kinh nghiệm mục vụ giáo xứ và đời sống cộng đoàn. Con quý trọng biết bao tấm gương khiêm nhường, dấn thân, hy sinh và trái tim đầy tình mẫu tử nơi chị Bề trên cộng đoàn. Con cũng khâm phục biết bao sự chịu thương chịu khó của từng chị trong cộng đoàn. Để cộng tác với các chị, con chẳng làm được gì ngoài vai trò một cô bảo mẫu, phụ trách ca đoàn và dạy giáo lý Tân Tòng. Dù vụng về thiếu xót trong công tác được trao nhưng các chị vẫn không ngừng nâng đỡ, hướng dẫn con. Vì vậy đã ghi dấu trong tâm hồn con những kỷ niệm khó phai.

 “Ơn gọi là một mầu nhiệm”. Thật vậy, nhìn lại hành trình 20 năm trong đời tu của mình, con cảm nhận có nhiều điều kỳ diệu, lạ lùng. Vâng, Thiên Chúa kỳ diệu trong tình yêu, Ngài cũng kỳ diệu trong đường lối huấn luyện. Kỳ diệu và hoàn hảo đến độ nếu không là thế thì không thể khác được. Vì vậy, lời cuối cùng con muốn giãi bầy không gì khác hơn là tấm lòng tri ân.

Con xin tri ân tình yêu hải hà của Thiên Chúa bao phủ đời con. Tình yêu ấy là niềm tin, là động lực thúc bách con tiến tới việc ký kết giao ước ngay trong lúc mà còn cảm nhận về sự mỏng manh, yếu đuối trước đòi hỏi trung thành của Ba Lời Khấn.

Thứ đến, Con xin gửi tâm tình tri ân đặc biệt sâu sắc đến Quí Dì Bề Trên Tổng Quyền, Quý Dì Giáo, Quý Dì , Quý Chị, Quý Em…Đó là những người mẹ, người chị đã đón nhận con, dạy dỗ và giáo dưỡng con nên người nữ tu Đa Minh Tam Hiệp.

Bên cạnh đó, con kính lời tri ân quý vị ân nhân, thân nhân đã nâng đỡ con qua lời cầu nguyện, qua sự trợ giúp để con có thể tiến bước trong ơn gọi.

Cuối cùng con đặc biệt tri ân bố mẹ của con, người đã sinh thành ra con, giáo dục con trong đức tin và sẵn sàng hy sinh tất cả để dâng con cho Chúa. Đến hôm nay, con bố mẹ không còn bên con, cùng con chung chia ngọt bùi cay đắng của cuộc sống; nhưng con tin tình yêu của bố mẹ, sự trợ lực của bố mẹ vẫn luôn bên con, nhờ đó con mới có thể vượt qua muôn vàn sóng gió của cuộc đời.

THAY LỜI KẾT

Thay lời kết, con xin kể lại câu chuyện ngụ ngôn. Chuyện kể rằng ngày xưa có một Ông chủ vườn hoa cảnh. Ông yêu hoa như yêu con của mình, ngày ngày ông chăm bẵm vườn cây. Giữa vườn hoa muôn màu muôn sắc, xem ra Ông chủ lại để ý cách đặc biệt đến một bụi tre ẩn khuất trong góc vườn. Một ngày nọ khi cây tre đã trưởng thành, cật tre đã dẻo dai, ông ra vườn, đến bên bụi tre và thỏ thẻ: “Tre ơi, ta cần con”. Tre hớn hở thưa: “Dạ, con đây. Ông chủ cần gì xin cứ nói”. “Tốt lắm, Ta cần con cho chương trình của Ta, nhưng để có thể sử dụng được con, ta cần phải chặt con xuống.” Nghe Ông chủ nói như vậy, tre hoảng hồn, kinh sợ. Ông chủ tiếp: “Nhưng trước khi chặt con xuống, buộc lòng Ta phải róc bớt cành lá của con đi”. Tre rơm rớm nước mắt. “Thế thì đau đớn lắm Ông chủ ơi”. Giọng Ông chủ run run, dường như Ông cũng cảm được nỗi đau đớn của nó, Ông cố nén cảm xúc của mình rồi lại tiếp tục nói: “Tre ơi, để dùng được con, Ta còn phải chẻ đôi con ra, khoét hết tim óc rồi ngâm con xuống bùn, phơi con ngoài nắng để con không bị mọt và có sức chịu đựng dẻo dai… Rất tiếc, Ta không thể làm khác được”… 

Thật vậy, cuộc đời của tre là thế. Người ta trồng tre đâu phải chỉ để ngắm, cũng không phải chỉ để lấy bóng mát. Nhưng bản chất của tre là dâng hiến. Tre dâng hiến trọn vẹn từ măng tre, đến bẹ tre, từ thân và cả cành, lá, gốc tre cho con người và cho cuộc sống. Nhận ra hình ảnh đời mình thấp thoáng giống hình ảnh một cây tre; con cũng nhận thấy lời Thiên Chúa mời con cộng tác vào chương trình của Ngài. Con thưa cùng Chúa: “Lạy Thiên Chúa, Ngài muốn gì nơi con?”. Rồi Ngài trả lời với con: “ta cần con trở thành một cái máng nước.” “Vâng, con sẽ là một cái máng nước, xin Chúa cứ làm noi con những gì Chúa muốn”. 

Sr. Bernadetta

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn