1
21:27 +07 Thứ hai, 29/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 428


Hôm nayHôm nay : 81340

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 471427

Tổng cộngTổng cộng : 28025711

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » CHUYỆN ĐỜI THƯỜNG

Ăn chay và kiêng thịt theo Giáo luật Giáo Hội công giáo hiện hành

Thứ ba - 04/03/2014 14:43-Đã xem: 1905
Nhân ngày Lễ tro, chúng tôi xin gởi đến qúy vị một số sưu tầm về luật ăn chay và kiêng thịt, để chúng ta thêm kiến thức về giáo luật.Tuy nhiên điều quan trọng hơn vẫn là tinh thần chay tịnh.Tìm kẽ hở của luật để hưởng thụ là không đúng với tinh thần Phúc âm.
Ăn chay và kiêng thịt theo Giáo luật Giáo Hội công giáo hiện hành

Ăn chay và kiêng thịt theo Giáo luật Giáo Hội công giáo hiện hành

KIÊNG THỊT VÀ ĂN CHAY


1. Người Kitô hữu phải kiêng thịt vào những ngày nào?

Theo nguyên tắc chung, người Kitô hữu phải kiêng thịt, hay kiêng một thức ăn nào khác theo quy định của Hội Đồng Giám Mục, vào các ngày thứ sáu trong năm (Điều 1251). Tuy nhiên luật này không còn buộc, khi ngày thứ sáu cũng trùng với ngày lễ trọng [1]. Ngoài ra Giáo Hội còn buộc kiêng thịt (và ăn chay) trong ngày thứ tư Lễ Tro và thứ sáu Tuần Thánh.

2. Trong ngày kiêng thịt, phải kiêng những gì?
Chúng ta không được ăn thịt, nhưng được ăn trứng, được dùng các thức ăn làm với sữa hay các loại nước chấm làm bằng mỡ động vật. Thịt bị cấm là thịt các loài hữu nhũ và thảo cầm. Không được xem là thịt bị cấm sử dụng: như các loại cá và các thức ăn biển, những loài có máu lạnh (ếch, trai, sò, rùa), những loài vừa sống trên bờ vừa ở dưới nước (lưỡng cư) và những loài bò sát…

3. Ai phải giữ luật kiêng thịt?
Luật kiêng thịt buộc các tín hữu từ 14 tuổi trọn [2] cho đến mãn đời (Điều 1252). Tuy nhiên, những ai vì lý do sức khoẻ (bệnh tật), hay vì khả năng lao động  (thí dụ làm trong hầm mỏ) cần phải ăn thịt, hoặc những ai không được chủ cho ăn một thức ăn nào khác (đầy tớ, con cái, vợ) thì không buộc giữ luật này.

4. Có thể thay thế việc kiêng thịt bằng một hình thức khác không?
Hội Đồng Giám mục có thể ấn định rõ ràng hơn luật kiêng thịt [3] và ăn chay, cũng như có thể thay thế toàn phần hay một phần việc kiêng thịt và ăn chay bằng những hình thức sám hối khác, nhất là bằng những việc bác ái và việc đạo đức (Điều 1253). Hội Đồng Giám mục Việt Nam, khoá họp tháng 4-1991 đã ấn định: các ngày thứ Sáu, có thể thay việc kiêng thịt bằng một việc đạo đức hay một việc từ thiện bác ái, như: đọc hay nghe một đoạn Lời Chúa, làm một việc hãm mình đền tội, bố thí cho người nghèo, làm việc công ích, v.v… Như thế, để giữ luật hãm mình ngày thứ sáu, tín hữu Việt nam có thể kiêng thịt như luật chung Hội Thánh quy định, hay làm một việc đạo đức, từ thiện bác ái, như Hội Đồng Giám mục Việt Nam đã cho phép [4].

5. Ăn chay là gì?

Chúng ta cần phân biệt 4 cách ăn chay:
- Chay tự nhiên (ieiunium naturale): là kiêng hẳn mọi của ăn, của uống.
- Chay luân lý (ieiunium morale): là hãm bớt của ăn uống, vui thú…
- Chay Thánh Thể (ieiunium eucharisticum): giữ lòng trống không để rước lễ [5].
- Chay Giáo Hội (ieiunium ecclesiasticum): đây là điều mà chúng ta muốn đề cập đến.
Việc giữ chay Giáo Hội hệ tại ở chỗ ăn một bữa [6], còn hai bữa còn lại được phép ăn một chút, miễn là lưu ý đến lượng và phẩm của thức ăn mà tập tục địa phương mỗi nơi cho phép. Giữa hai bữa ăn, cấm dùng thức ăn đặc, nhưng thức ăn lỏng (trà, nước trái cây, sữa…) có thể được dùng bất cứ lúc nào [7].


6. Những ai phải ăn chay?
Theo Điều 1252 của Bộ Giáo Luật hiện hành, luật ăn chay buộc tất cả mọi người Kitô hữu, từ tuổi thành niên (nghĩa là trọn 18 tuổi [8]) cho đến khi bắt đầu được 60 tuổi (nghĩa là cho đến hết 59 tuổi). Những người bắt đầu 60 tuổi được miễn khỏi ăn chay, nhưng vẫn phải giữ luật kiêng thịt.

7. Phải ăn chay và kiêng thịt vào những ngày nào?
Phải kiêng thịt và ăn chay trong ngày thứ Tư Lễ Tro và ngày thứ Sáu kính cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta (Điều 1251).

8. Ai có quyền miễn chuẩn việc ăn chay kiêng thịt ?
1/ Đức Giám Mục giáo phận: Đức Giám Mục giáo phận có thể miễn chuẩn khỏi nghĩa vụ phải ăn chay kiêng thịt trong toàn giáo phận của mình cho những người có cư sở, bán cư sở cũng như người vãng lai. Ngoài ra, Đức Giám mục cũng có thể miễn chuẩn cho những người thuộc quyền mình kể cả khi họ đang vắng mặt khỏi lãnh thổ giáo phận.

2/ Linh mục chính xứ: Theo Điều 1245, linh mục chính xứ cũng có năng quyền chuẩn chước như trên với những điều kiện sau đây:
- Khi có lý do chính đáng (x. Điều 90 [9]);
- Dựa theo những quy định của Giám Mục giáo phận,
- Trong từng trường hợp, nghĩa là linh mục chính xứ chỉ có thể chuẩn miễn cho từng lần chứ không thể miễn chuẩn dài hạn.

Linh mục chính xứ có thể miễn chuẩn hoặc thay thế việc ăn chay kiêng thịt bằng một việc đạo đức khác, đối với từng cá nhân hoặc gia đình những người thuộc quyền mình, cho dù họ không ở trong địa hạt, đối với những lữ khách hiện đang ở trong địa hạt giáo xứ (nếu không có gì minh nhiên ấn định ngược lại), cho cả chính mình nếu có lý do chính đáng (x. Điều 91 [10]), cho cả cộng đoàn giáo xứ nếu nhu cầu đòi hỏi [11]. Vì đây là quyền thông thường do luật ban cho, cho nên linh mục chính xứ có thể uỷ quyền [12].

3/ Bề Trên của một hội dòng hay của một tu đoàn tông đồ thuộc luật giáo hoàng: Bề Trên của một hội dòng hay của một tu đoàn tông đồ thuộc luật giáo hoàng cũng có quyền miễn chuẩn đối với những người thuộc quyền mình [13] và những người khác đêm ngày cư ngự trong nhà mình (Điều 1245). Để xin miễn chuẩn, có thể đích thân đến xin, hoặc sử dụng thư từ, điện thoại, điện tín, hoặc qua trung gian người thứ ba.


Lm. LG. Huỳnh Phước Lâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn