1
16:24 +07 Chủ nhật, 28/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 155


Hôm nayHôm nay : 31760

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 374789

Tổng cộngTổng cộng : 27929073

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » CẦU NGUYỆN & MAN NA

Diễn văn Khai giảng năm học mới 2016-2017 của Đức cha Phêrô - Giám đốc ĐCV Vinh Thanh

Thứ hai - 12/09/2016 22:18-Đã xem: 1748
Năm học của chúng ta diễn ra trong bối cảnh gia đình nhân loại có những biến động lớn về nhiều mặt. Chúng ta biết rằng mọi người trong Gia đình nhân loại hôm nay có nhiều cơ hội xích lại gần nhau để chung lòng, chung sức xây dựng nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống. Tuy nhiên, gia đình nhân loại cũng đang đối diện với vô vàn khó khăn, bất ổn vì nguy cơ khủng bố, bất khoan dung tôn giáo, chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa lãnh đạm, cũng như các hình thức chủ nghĩa khác làm băng hoại tự do, nhân quyền và nhân phẩm con người
Diễn văn Khai giảng năm học mới 2016-2017 của Đức cha Phêrô - Giám đốc ĐCV Vinh Thanh

Diễn văn Khai giảng năm học mới 2016-2017 của Đức cha Phêrô - Giám đốc ĐCV Vinh Thanh

Diễn Văn Khai Giảng Năm Học 2016-2017
 
Đại Chủng Viện Vinh Thanh, 6-9-2016
 
Trọng kính Đức Cha,
Kính thưa Quí Cha, đặc biệt, anh em Chủng Sinh,
Hôm nay, chúng ta qui tụ nơi đây để Khai Mạc Năm Học Mới, một mốc thời gian đáng để mọi người chúng ta quan tâm. Giờ đây, cùng nhau chúng ta nhận diện cách cụ thể hơn tiến trình ơn gọi của người Ki-tô hữu, đặc biệt, ơn gọi của những người sống đời độc thân dâng hiến vì Nước Trời trong ánh sáng của nội dung đức tin Ki-tô giáo. 

Là Ki-tô hữu, chúng ta được mời gọi trở nên tông đồ của Đức Giê-su Ki-tô giữa lòng thế giới. Tuy nhiên, chúng ta ta biết rằng để trở nên tông đồ của Đức Giê-su Ki-tô, trước hết, chúng ta phải trở nên môn đệ của Người. Bao lâu chúng ta chưa thực sự là môn đệ của Đức Giê-su Ki-tô, thì bấy lâu chúng ta chưa thực sự là tông đồ của Người. Hơn nữa, chúng ta cũng cần ý thức rằng không phải khi chúng ta trở nên tông đồ của Đức Giê-su Ki-tô, thì chúng ta không còn là môn đệ của Người nữa. Trái lại, chúng ta cần luôn là môn đệ của Người để có thể luôn là tông đồ của Người, nghĩa là chúng ta cần sự nâng đỡ, chỉ dạy và hướng dẫn của Người trong mọi biến cố của cuộc sống chúng ta.

Là những người được tuyển chọn và mời gọi trở nên môn đệ và tông đồ của Đức Giê-su Ki-tô cách đặc biệt hơn với ơn gọi độc thân dâng hiến, trong thời gian ở Đại Chủng Viện, chúng ta được đào tạo theo 4 chiều kích nhân bản, tri thức, tu đức, mục vụ. Đây cũng chính là 4 chiều kích mà các tông đồ Đức Giê-su Ki-tô xưa kia được đào tạo và thi hành trong ơn gọi của các ngài. Chúng ta có thể tóm lược sự định dạng căn tính, đời sống và sứ mệnh của các tông đồ Đức Giê-su Ki-tô vào 4 điểm chính, đó là, (1) các ngài đã ở lại với Chúa, (2) các ngài đã lắng nghe lời Chúa, (3) các ngài đã hiệp thông với Chúa và (4) các ngài đã loan báo Tin Mừng Nước Chúa. Tôi muốn so sánh 4 chiều kích đào tạo tại Đại Chủng Viện với 4 điểm này.

Nói đến nhân bản là nói đến việc ở lại với Chúa để ngày càng giống Chúa hơn. Mỗi người chúng ta luôn được mời gọi để trả lời cho câu hỏi ‘tôi ở lại với ai?’ Trong bối cảnh Đại Chủng Viện, câu trả lời đơn giản nhất là ’chúng ta ở lại với những người đào tạo chúng ta, với những anh em đang trong tiến trình đào tạo’. Tuy nhiên, đây không phải là câu trả lời đáng để mỗi người chúng ta quan tâm nhất, bởi vì, chúng ta có thể ở lại với những người đó, được học hỏi từ những người đó, nhưng có thể chúng ta không ở lại với Chúa. Chính việc ở lại với Chúa mới là quan trọng, bởi vì ở lại với Chúa dệt nên nhân cách của mỗi người chúng ta. Lời cầu nguyện cuối cùng của Đức Giê-su Ki-tô trước khi bước vào cuộc khổ nạn là lời cầu nguyện cho các môn đệ của Người được ở lại trong Người như Người hằng ở lại trong Chúa Cha (Ga 17,20-26). Bao lâu chúng ta chưa ở lại với Chúa và trong Chúa cách đúng nghĩa nhất, bấy lâu việc đào tạo nhân bản của chúng ta vẫn còn khiểm khuyết, bất cập.

Nói đến tri thức là nói đến việc lắng nghe Lời Chúa. Trong thế giới toàn cầu hóa với công nghệ thông tin truyền thông hiện đại hôm nay, chúng ta tiếp nhận và lắng nghe nhiều điều. Dung lượng tri thức của mỗi người chúng ta có khi quá tải vì những thông tin đa chiều thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Câu hỏi đặt ra cho mỗi người chúng ta là ‘chúng ta có ưu tiên dành chỗ cần thiết cho Lời Chúa trong tâm hồn mình không?’; ‘chúng ta có lắng nghe và suy niệm Lời Chúa cách đúng đắn không?’. Thông thường, chúng ta học hỏi và xem Lời Chúa là đối tượng của tri thức chúng ta như bao ‘lời khác’ trong môi trường thế giới thụ tạo. Có khi nào chúng ta đặt câu hỏi rằng ‘phải chăng Lời Chúa là chủ thể của cuộc sống chúng ta?’; ‘phải chăng chúng ta để Lời Chúa thấm nhập tâm hồn chúng ta hơn là chúng ta cố sức diễn dịch Lời Chúa theo thiển kiến của mình?’.

Nói đến tu đức là nói đến việc hiệp thông với Chúa. Câu hỏi đặt ra cho mỗi người chúng ta là ‘chúng ta đang hiệp thông với ai?’ Chủ thể quán xuyến lòng trí và tâm hồn chúng ta là Chúa hay là ai khác, hay là hiện tượng, biến cố nào đó. Chúng ta biết rằng khi chúng ta hiệp thông với Chúa cách đúng nghĩa nhất, cũng là khi chúng ta có được sự hòa hợp trong các chiều kích của cuộc sống mình, đồng thời, có được sự hòa hợp với những người chung quanh, cũng như toàn thể thế giới thụ tạo. Đây chính là kinh nghiệm của các thánh, đặc biệt, các nhà thần bí trong lịch sử Giáo Hội.

Nói đến mục vụ là nói đến việc loan báo Tin Mừng Nước Chúa, nghĩa là thi hành các hoạt động của mình trong ánh sáng Đức Giê-su Ki-tô và Tin Mừng của Người. Các câu hỏi đặt ra cho mỗi người chúng ta là ‘chúng ta có ý thức đủ trong việc khơi lên trong lòng mình về sự cần thiết phải loan báo Đức Giê-su Ki-tô và Tin Mừng của Người cho những người chung quanh bằng chính đời sống của mình chưa?’; ‘chúng ta đã có ‎ý thức đủ rằng môi trường mục vụ của chúng ta rộng lớn hơn môi trường nhỏ hẹp, chẳng hạn, các giáo xứ, giáo họ chưa?’; ‘chúng ta có ý thức đủ rằng những người chúng ta mục vụ bao gồm cả những người không cùng niềm tin chưa?’. Mục vụ đúng nghĩa luôn khởi đi từ tâm hồn cởi mở, tâm hồn ra đi, tâm hồn đến với mọi người như Đức Giê-su Ki-tô và các môn đệ của Người đã thực hiện cách đây hơn 2000 năm.

Sau khi sống lại, Đức Giê-su Ki-tô nói với các môn đệ của Người rằng cần phải ‘đến với người khác’ trước khi gọi họ ‘đến với mình’. Là những môn đệ của Đức Giê-su Ki-tô, để có thể đến với người khác, trước hết, chúng ta cần ra đi khỏi chính mình, ra đi theo mẫu gương Đức Giê-su Ki-tô. Thánh Phao-lô diễn tả cách thức ra đi của Đức Giê-su Ki-tô rằng Người đã ‘trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế...[và] vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự’ (Pl 2,7-8). Lịch sử Giáo Hội cho chúng ta nhận thức rằng bao lâu chúng ta chưa ra khỏi chính mình, chưa từ bỏ chính mình cách đúng nghĩa nhất, bấy lâu hoa trái của sứ mệnh chúng ta còn nghèo nàn và chúng ta khó có thể được gọi là môn đệ và tông đồ thực thụ của Đức Giê-su Ki-tô giữa dòng đời.

Tóm lại, 4 chiều kích đào tạo tại Đại Chủng Viện nhân bản, tri thức, tu đức, mục vụ, được cụ thể hóa bằng tiến trình ở lại với Chúa, lắng nghe Lời Chúa, hiệp thông với Chúa  loan báo Tin Mừng Nước Chúa. Tiền trình này gắn bó cách mật thiết với mỗi người chúng ta trong mọi hoàn cảnh của đời sống mình.

Trọng kính Đức Cha,
Kính thưa Quí Cha và anh em Chủng Sinh,
Năm học của chúng ta diễn ra trong bối cảnh gia đình nhân loại có những biến động lớn về nhiều mặt. Chúng ta biết rằng mọi người trong Gia đình nhân loại hôm nay có nhiều cơ hội xích lại gần nhau để chung lòng, chung sức xây dựng nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống. Tuy nhiên, gia đình nhân loại cũng đang đối diện với vô vàn khó khăn, bất ổn vì nguy cơ khủng bố, bất khoan dung tôn giáo, chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa lãnh đạm, cũng như các hình thức chủ nghĩa khác làm băng hoại tự do, nhân quyền và nhân phẩm con người.

Là những người con của Đất Mẹ Việt Nam và là những Ki-tô hữu của Giáo Hội Công Giáo, chúng ta luôn quan tâm đến những thăng trầm của đất nước mình. Trong bối cảnh hiện tại, chúng ta quan tâm đặc biệt đến biến cố ô nhiễm môi trường nặng nề nhất trong lịch sử Việt Nam, xảy ra ở miền Trung cách đây hơn 4 tháng và tiếp tục là nỗi lo âu cho nhiều người hôm nay cũng như các thế hệ mai sau. Một số người trong chúng ta đã trực tiếp chứng kiến sự cố này và đã thực thi những nghĩa cử cụ thể để chia sẻ, hiệp thông và xoa dịu vết thương của những nạn nhân do sự cố môi trường gây nên. Các phương tiện truyền thông ‘lề phải’, ‘lề trái’ đều nói về sự cố này với những ‘âm điệu và cung bậc’ khác nhau. Tâm trạng của nhiều người trong chúng ta bồi hồi, lo lắng, ưu tư về những thông tin đa chiều này, đặc biệt, những thông tin đánh lạc hướng dư luận về thực tế của sự cố, cũng như những hậu quả nặng nề mà nó gây nên.

Là những người sống ơn gọi độc thân dâng hiến hoặc đang thành tâm tiến bước theo ơn gọi này để phục vụ Giáo Hội và dân tộc, chúng ta cần nhìn nhận và xem xét sự cố môi trường miền Trung trong viễn cảnh rộng lớn hơn, liên quan đến căn tính, đời sống và sứ mệnh của chúng ta. Quả thật, khi nói tới môi trường, chúng ta thường nghĩ tới những gì bên ngoài, những gì chung quanh chúng ta, những gì hỗ trợ cho đời sống và hoạt động của con người. Tuy nhiên, chúng ta cần xem xét từ ‘môi trường’ theo nghĩa rộng hơn. Tôi xin tóm gọn 5 hình thức môi trường: (1) môi trường tự nhiên, (2) môi trường xã hội, (3) môi trường tâm hồn, (4) môi trường Nguyên Tổ, (5) môi trường Thiên Chúa. Là những Ki-tô hữu, chúng ta ai cũng nhận thức được sự liên đới giữa 5 hình thức môi trường này, cũng như sự liên đới của mỗi người chúng ta với 5 hình thức môi trường này.

Trong nhãn quan Ki-tô giáo, chúng ta có thể nói rằng sự ô nhiễm môi trường tự nhiên là hậu quả của sự ô nhiềm môi trường xã hội. Sự ô nhiễm môi trường xã hội là hậu quả của sự ô nhiễm môi trường tâm hồn. Sự ô nhiễm môi trường tâm hồn là hậu quả của sự ô nhiễm môi trường Nguyên Tổ. Tư tưởng Nho Giáo (Khổng Tử) cho chúng ta biết rằng ‘nhân chi sơ tính bản thiện’. Tuy nhiên, mặc khải Ki-tô giáo lại cho chúng ta nhận thức về bản tính con người theo một cách khác, đó là con người được Thiên Chúa dựng nên tốt lành, thế nhưng, Nguyên Tổ đã phạm tội và tội lỗi lan truyền tới hết thảy mọi người (St 1,26-27; Rm 5,12-21).

Trong Cựu Ước, với tâm tình sám hối, thánh vương Đa-vít thưa với Chúa rằng “Ngài thấy cho: lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” (Tv 51,7). Trong Tân Ước, thánh Phao-lô nói rằng “vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội” (Rm 5,12). Đặc biệt, thánh nhân đề cập đến hậu quả của Tội Nguyện Tổ theo một nhãn quan rộng lớn hơn rằng“cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng” (Rm 8,22-23). Như thế, khi hiện diện trên trần gian này, con người chúng ta không còn ‘tính bản thiện nữa’. Tội Nguyên Tổ và hậu quả của Tội Nguyên Tổ đã làm cho tất cả các hình thức môi trường trong thế giới thụ tạo bị ô nhiễm.

Mặc khải Ki-tô giáo cho chúng ta biết rằng các hình thức môi trường mà chúng ta vừa nói trên không thể ‘tự làm sạch’, nhưng cần hiệp thông, liên đới với Môi Trường Thiên Chúa để có thể được làm sạch nhờ Môi Trường này. Hơn nữa, mặc khải Ki-tô giáo cũng cho chúng ta biết rằng các hình thức môi trường trong thế giới thụ tạo chỉ có thể được làm sạch cách tuyệt đối trong thời cánh chung, khi Thiên Chúa đổi mới mọi sự trong trời mới, đất mới, Giê-ru-sa-lem mới, tức là, khi Thiên Chúa qui tụ muôn vật muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô (Kh 21,1-2; Ep 1,10).

Thiên Chúa là Đấng sáng tạo, duy trì sự tồn tại và phát triển của muôn vật muôn loài. Trong tương quan với thế giới thụ tạo, chúng ta vừa được Thiên Chúa ủy thác là chủ thể của thế giới này, vừa được Người ủy thác quản lý thế giới này. Chúng ta không thể yêu Thiên Chúa, Đấng sáng tạo chúng ta, mà không yêu những gì Người đã dựng nên cho chúng ta. Chúng ta vừa được mời gọi cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo, vừa được mời gọi cộng tác với Người trong việc biến đổi bản thân mình cũng như biến đổi thế giới thụ tạo sao cho các hình thức môi trường trong thế giới thụ tạo ngày càng sạch đẹp hơn, để tất cả mọi người trong gia đình nhân loại sống xứng đáng hơn với phẩm giá là con cái của Thiên Chúa, là bạn của Đức Giê-su Ki-tô và là em của Người (Ga 1,12; Ga 15,15; Cl 1,15.18).

Cùng nhau, chúng ta cầu xin Chúa ban ân sủng, bình an và sức khỏe dồi cho mỗi người chúng ta, và xin Thánh Thần của Người luôn hướng dẫn để mỗi người chúng ta ngày càng xứng đáng hơn là men, là muối, là ánh sáng trong môi trường sống của mình.
Xin cảm ơn Đức Cha, Quí Cha cùng Quí Thầy.

 
+ Pet. Nguyễn Văn Viên
Giám Đốc Đại Chủng Viện
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn