1
21:36 +07 Thứ hai, 29/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 397


Hôm nayHôm nay : 82193

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 472280

Tổng cộngTổng cộng : 28026564

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » TẬP SAN & NGUYỆT SAN

Tìm hiểu Hiến chế Tín lý về Giáo Hội - Lumen Gentium

Thứ bảy - 16/02/2013 21:35-Đã xem: 5530
Lumen Gentium là tài liệu quan trọng nhất giúp chúng ta nắm hiểu Công đồng Vatican II. Các nghị phụ đã chú tâm đặc biệt đến văn kiện này, bởi vì Giáo hội là tâm điểm cho toàn thể giáo thuyết của Vatican II. Thực tế, các ngài đã dành cho văn kiện này thời gian nghị bàn lâu hơn bất cứ tài liệu nào của Công đồng. Có thể thấy rằng tất cả các văn kiện khác, một cách trực tiếp hay gián tiếp, đều đề cập đến đời sống Giáo hội. Vatican II là một Công đồng của Giáo hội, cho Giáo hội và về Giáo hội. Tìm hiểu Hiến chế về Giáo hội sẽ giúp chúng ta sống thực tại Giáo hội trong đời sống đức tin, từ đó chúng ta mới có thể hiệp thông với Giáo hội như Chúa muốn và như Công đồng mời gọi.
Tìm hiểu Hiến chế Tín lý về Giáo Hội - Lumen Gentium

Tìm hiểu Hiến chế Tín lý về Giáo Hội - Lumen Gentium

A. TỔNG QUÁT VỀ HIẾN CHẾ LUMEN GENTIUM

 

Trong khuôn khổ giới hạn của những nhóm nhỏ tại các Giáo xứ tìm hiểu và học hỏi các văn kiện của Công đồng Vatican II trong Năm Đức Tin, ở đây chúng ta chỉ ghi nhận một số nét rất sơ khởi để việc đọc các bản văn này được rõ nét hơn. Những tài liệu này vốn hết sức phong phú về nội dung, và sâu xa về ý nghĩa mà chúng ta không có đủ khả năng để trình bày một cách thỏa đáng.

 

1. Hai vấn đề mấu chốt và cấp bách mà Vatican II nỗ lực tìm cách giải quyết, đó là canh tân phụng vụ và xác định vai trò và vị trí của Giáo hội trong thế giới hiện đại. Nhiệm vụ trước đã giải quyết xong với Hiến chếSacrosanctum Concilium. Còn nhiệm vụ thứ hai đòi hỏi các Nghị phụ phải chú tâm nhìn lại tất cả cơ cấu hiện tại của Giáo hội để canh tân những gì đã quá cũ kĩ, và loại bỏ những gì lỗi thời, vốn không còn phù hợp trong hoàn cảnh mới. Một nền Giáo hội học của Vatican II đã khai sinh qua một nghị trình làm việc rất khó khăn và suy tư lâu dài, đó là Hiến chế tín lí về Giáo hộiLumen Gentium. Văn kiện này trình bày một khoa Giáo hội học bao quát nhiều khía cạnh. Đặt sang một bên những định nghĩa có tính cách quy ước và pháp lí về Giáo hội, vẫn từng được nhìn nhận qua bao thế kỉ, các Nghị phụ của Công đồng Vatican II đã dùng những hình ảnh Kinh Thánh rất sống động và cụ thể để nói về mầu nhiệm Giáo hội. Qua những hình ảnh này, Lumen Gentium cho thấy, tuy Giáo hội là một cộng đoàn hữu hình, có một cơ cấu phẩm trật và tổ chức như một xã hội, nhưng lại vượt ra khỏi những định nghĩa thông thường. Và không chỉ lần đầu tiên trong lịch sử, Giáo hội xác định vai trò của người giáo dân, nhưng còn giải thích về cơ cấu phẩm trật của Giáo hội theo một phương thức mới mà con người thời nay có thể hiểu được và chấp nhận được, đồng thời lại trung thành với sứ mệnh nguyên thủy mà Giáo hội nhận lãnh từ Chúa Kitô. Trở về cội nguồn của cộng đồng tín hữu thời sơ khai, vốn nhìn nhận Giám mục là vị tư tế tối cao, đấng nhận lãnh Bí tích Truyền Chức Thánh cách viên mãn, các nghị phụ đã nỗ lực bàn thảo về cộng đoàn Giám mục trong cơ cấu phẩm trật của Giáo hội. Lumen Gentium đã duyệt lại không chỉ tương quan giữa các Giám mục, mà còn xác định tương quan giữa Giám mục và linh mục, và đặc biệt, tương quan giữa các Giám mục với Đức Giáo hoàng, thủ lãnh của Giáo hội, đồng thời là Giám mục Rôma. Và việc thực thi quyền bính trong Giáo hội đặt trong viễn tượng cánh chung là giúp mọi thành phần dân Chúa thực hiện sứ mệnh phổ quát: xây dựng Nước Chúa trong trần gian và giúp mọi người nên thánh. Trong Hiến chế này, đường hướng “trở về nguồn” mà Đức Gioan đã đề ra như hướng đi chung cho Công đồng in một dấu ấn thật sâu đậm. Văn kiện sử dụng rộng rãi các nguồn Kinh Thánh và Giáo phụ để phù hợp với đường hướng này, nhưng đồng thời không tạo sự trùng lặp với lập trường giáo hội học của Công đồng Trentô và Vatican I.

 

2. Khi tìm hiểu kĩ, người ta nhận thấy Lumen Gentium trình bày một khoa giáo hội học đi sát với truyền thống Giáo hội. Cần phải xác định điều này để chúng ta không bị lạc hướng mà đi vào những lập trường quá độc đoán của việc giải thích hậu Công đồng. Một số người cho rằng Công đồng Vatican II đã tạo ra một sự “gián đoạn” trong đời sống Giáo hội, nghĩa là đã canh tân triệt để, khiến gây ra những xáo trộn và bất đồng vẫn còn kéo dài cho đến ngày nay. Một số khác lại cho rằng Công đồng vẫn chưa về nguồn đủ khiến Giáo hội hôm nay vẫn còn quá nặng về cơ chế và lễ nghi, nghĩa là không canh tân gì cả! Đứng trước những ý kiến trái ngược này, chúng ta cần trở về với chính bản văn Công đồng, và tìm hiểu thật kĩ các nội dung liên hệ với nhau đồng thời tin rằng Chúa Thánh Thần hằng soi dẫn các nghị phụ trong công trình này, để Giáo hội luôn được hướng dẫn trong chân lí qua các vị chủ chăn. Trong thực tế, văn kiện này đã phải đi qua ba lược đồ với nghị trình hết sức khó khăn và căng thẳng, bởi vì có nhiều lập trường khác nhau về Giáo hội được thể hiện. Tuy nhiên, trong phiên họp sau cùng, văn kiện này đã được thông qua với một đa số tuyệt đối, 2151 phiếu thuận trên 5 phiếu chống. Như vậy xét theo tự nhiên, chúng ta nghĩ rằng khó có thể còn có khiếm khuyết nào về giáo lí trong Lumen Gentium. Cũng căn cứ vào điều này, người ta có thể thấy rằng, giả sử nếu có một sự thay đổi triệt để nào, mà nó dẫn đến một sự mất cân bằng về một khía cạnh nào đó trong Giáo hội, thì đã không thể có một sự đồng thuận chung lớn như thế, khi mà rất nhiều nghị phụ vẫn còn thuộc về một lập trường riêng nào đó rất gắn bó. Qua những gì vừa trình bày, chúng ta nên lưu ý khi đọc tài liệu này, đó là, dù nội dung văn kiện thuộc về tín lí nhưng lại rất ít tín điều mới được xác định ở đây. Cũng như hầu hết các văn kiện khác, Công đồng không đưa ra giáo thuyết nào mới, mà chủ yếu chỉ trình bày giáo huấn hiện hữu theo một phương thức mới, để mời gọi cộng đoàn tín hữu sống đức tin và dấn thân hơn vào trong thế giới hiện tại. Một vài thí dụ minh họa rất vắn tắt: để tránh nói về một đường hướng muốn trình bày vai trò của hàng giáo sĩ với những chức năng riêng biệt trong Giáo hội (xuất hiện trong Lược đồ I), Công đồng đã nói tới chức tư tế cộng đồng (LG 10), và thay vì nói tới những đặc quyền, Công đồng chỉ nói đến trách nhiệm chung: “mỗi người mỗi cách, vươn tới sự thánh thiện trọn hảo” (LG 11). Hoặc: Trong khi bàn về vai trò của Đức Maria trong Giáo hội thì chúng ta thấy đây là lần đầu tiên một Công đồng chung chính thức nhìn nhận vai trò và tước hiệu “Đấng Trung Gian” của Đức Maria (LG 62), vốn đã được nói đến từ rất lâu trong đời sống Giáo hội. Tuy nhiên, đây là một chủ đề hết sức khó khăn trong lập trường của các nghị phụ và nhạy cảm trong tiến trình đại kết. Để tránh đi tất cả những tranh cãi quyết liệt hiện có, Công đồng đã khéo léo đặt tước hiệu này cạnh những tước hiệu khác của Đức Mẹ, và chỉ giải thích hết sức vắn tắt rằng, tước hiệu này không hề làm suy giảm vai trò trung gian duy nhất của Chúa Kitô. Thật nhẹ nhàng và kín đáo!

Cần thật nhiều tinh tế để có thể đọc được những chủ ý của bản văn Công đồng!

 

3. Nếu Lumen Gentium là tài liệu căn bản giúp chúng ta nắm hiểu Công đồng Vatican II thì chắc chắn nó cũng là chìa khóa giúp chúng ta hiểu những văn kiện khác có liên quan đến Giáo hội: Trước hết là Hiến chế Mục vụ, Giáo hội trong Thế giới ngày nay, Gaudium et Spes, rồi đến Sắc lệnh về các Giáo hội Công giáo Đông phương,Orientalium Ecclesiarum, và Sắc lệnh về Hiệp nhất, Unitatis Redintegratio, hai tài liệu này với Hiến chế Lumen Gentium được công bố cùng một ngày, 21 tháng 11, năm 1964, cũng là ngày kết thúc khóa họp thứ ba. Một tài liệu khác cũng liên quan chặt chẽ với Lumen Gentium, đó là Tuyên ngôn về các Tôn giáo ngoài Kitô giáo, Nostra Aetate, được công bố ngày 28, tháng 10, năm 1965. Điều này cho chúng ta thấy chỉ khi nào Giáo hội đã hiểu về chính mình, đã xác lập được vị thế của mình trong cộng đồng nhân loại thế nào, thì Giáo hội mới có thể đưa ra những lập trường và tạo lập những tương quan khác nhau với thế giới hiện đại.  Lumen Gentium thể hiện một sự tổng hợp rất phong phú về một giáo hội học bao gồm những nguồn về Kinh Thánh, Giáo phụ, giáo hội học thời trung cổ và của Công đồng Trentô, kết hợp với những dòng suy tư chính thống của những trào lưu thần học về Giáo hội thời cận tiền Công đồng. Do đó, nắm hiểu Lumen Gentium thật là quan trọng để có thể hiểu những văn kiện khác. Chúng ta cần đọc trọn vẹn văn kiện này chứ đừng chỉ chọn đọc một chương nào đó và bỏ qua các phần khác. Thí dụ, chúng ta khó có thể hiểu những điều Công đồng trình bày về “Cơ cấu phẩm trật của Giáo hội” nếu trước đó chúng ta không tiếp nhận giáo huấn về “Dân Thiên Chúa”. Cũng vậy, chúng ta sẽ hiểu rõ sứ vụ của Giáo hội trong thế giới ngày nay, Gaudium et Spes, khi chúng ta đã hiểu được đúng bản chất của Giáo hội, Lumen Gentium.

 

B. NỘI DUNG HIẾN CHẾ LUMEN GENTIUM

 

Lumen Gentium đặt Giáo hội vào đúng vị trí của nó. Chính Chúa Kitô là ánh sáng muôn dân. Giáo hội chỉ phản chiếu ánh sáng này- như mặt trăng nhận ánh sáng của mặt trời. Tám chương của văn kiện đi từng đôi với nhau theo chủ đề: Chương một và Chương hai nói về Mầu nhiệm Giáo hội: nguồn gốc thần linh và dữ kiện lịch sử; Chương ba và Chương bốn trình bày những vai trò khác nhau trong Giáo hội; Chương năm và Chương sáu, về sự thánh thiện và đời sống tu trì; Chương bảy và Chương tám: Các thánh và Đức Maria.

 

CHƯƠNG MỘT: MẦU NHIỆM GIÁO HỘI (LG, 1-8)

Giáo hội xuất phát từ Chúa Ba Ngôi (LG, 1-4): Chúa Cha (LG, 2), Chúa Con (LG, 3), Chúa Thánh Thần (LG, 4).

Những hình ảnh về Giáo hội (LG, 5-7). Giáo hội là mầu nhiệm nên không thể định nghĩa, mà chỉ có thể dùng những hình ảnh, những biểu tượng để diễn tả. Những hình ảnh được sử dụng: Chuồng chiên, Mảnh vườn, Thửa đất, Tòa nhà, Đền thờ của Thiên Chúa, Hiền thê của Chúa Kitô, Thân mình của Chúa Kitô.

Giáo hội vừa là một cộng đoàn hữu hình và một cộng đoàn thiêng liêng (LG, 8).

 

CHƯƠNG HAI: DÂN THIÊN CHÚA (LG, 9-17)

Dân Israel mới (LG, 9)

Dân Thiên Chúa và công trình cứu chuộc của Chúa Kitô (LG, 10-13)

Những cấp độ hiệp thông giáo hội (LG, 14-17). Văn kiện nói tới: Tín hữu Công giáo, các dự tòng, những Kitô hữu khác, dân Do Thái, người Hồi giáo, những tín đồ của các tôn giáo khác, cả những người chưa biết Chúa.

 

CHƯƠNG BA: CƠ CẤU PHẨM TRẬT CỦA GIÁO HỘI (LG, 18-29)

Bản tính của Chức Giám mục (LG, 18-24). Vấn đề gay go nhất của Hiến chế Giáo hội là cộng đoàn tính của Giám mục được trình bày trong phần này.

Tác vụ của các Giám mục và công trình cứu chuộc của Chúa Kitô (LG, 25-27)

Các linh mục (LG, 28)

Các phó tế (LG, 29)

 

CHƯƠNG BỐN: GIÁO DÂN (LG, 30-38)

Chương này ít bị thay đổi nhất từ Lược đồ đầu tiên tới Lược đồ sau cùng. Văn kiện không đưa ra một định nghĩa về bản tính của người giáo dân nhưng chỉ trình bày những cách thức khác nhau mà người Giáo dân phục vụ trong Giáo hội.

 

CHƯƠNG NĂM: LỜI KÊU GỌI NÊN THÁNH (LG, 39-42)

Chương năm và Chương sáu lúc đầu chỉ là một chương duy nhất trình bày “Những tình trạng của sự hoàn thiện theo Phúc Âm”, nghĩa là nói tới đời sống tu trì với những lời khấn riêng. Trong Lược đồ II, nội dung này được hoàn toàn thay đổi, hướng tới việc kêu gọi nên thánh trong toàn thể Giáo hội. Tuy nhiên, nhiều Giám mục và bề trên dòng tu muốn dành một chương riêng để nói về bậc sống này, nên cuối cùng, Chương năm nói về sự thánh thiện phổ quát, còn Chương sáu về sự thánh thiện trong đời sống thánh hiến. Cũng nên lưu ý là Công đồng mời gọi việc nên thánh theo ơn gọi riêng: Các Giám mục, các linh mục, các thừa tác viên khác nhau, các đôi vợ chồng, cha mẹ Kitô hữu, những quả phụ, những người độc thân, những người lao động, những người nghèo khổ. Sống đức ái là lời đáp trả cho ơn gọi này.

 

CHƯƠNG SÁU: TU SĨ (LG, 43-47)

Công đồng nhìn nhận ngay từ thời đầu Giáo hội, những lời khuyên Phúc Âm (khó nghèo, vâng lời, khiết tịnh) đã có một vị trí đặc biệt trong nỗ lực sống thánh thiện của các Kitô hữu. Bậc tu trì trong những hình thức và cộng đoàn khác nhau thể hiện lí tưởng này một cách chuyên biệt và công khai, sẽ lôi cuốn cách hữu hiệu tất cả mọi chi thể của Giáo hội đến việc can đảm chu toàn các phận vụ của ơn gọi Kitô hữu (44).

 

CHƯƠNG BẢY: GIÁO HỘI LỮ HÀNH (LG, 48-51)

Chương này lúc đầu dành để nói về các thánh, theo lời yêu cầu của Đức Phaolô VI muốn tôn vinh Đức Gioan XXIII, đấng muốn Công đồng nói về các thánh. Tuy nhiên, khi chủ đề được đem ra thảo luận trong phiên họp thứ ba, nhiều nghị phụ than rằng nội dung này mang nặng tính cá nhân nên đã được tu chỉnh và nhấn mạnh đến chiều kích cách chung của Giáo hội. Chúng ta không chỉ là một tập hợp những người lữ hành đơn lẻ, mà là một đoàn dân đang trên hành trình tiến về quê hương thiên quốc. Đoàn dân ấy, tức là Giáo hội chỉ thành toàn trong vinh quang trên trời khi được tái tạo toàn vẹn trong Chúa Kitô.

 

CHƯƠNG TÁM: ĐỨC TRINH NỮ MARIA (LG, 52-69)

Khi được nêu vấn đề: nên trình bày vai trò của Đức Maria trong một chương riêng biệt hay đặt trong tài liệu về Giáo hội thì đã có hai chiều hướng rất khít khao. Nhóm quy về Chúa Kitô thì nhấn mạnh đến vai trò của Đức Maria trong việc kết hợp với Chúa Kitô trong công trình cứu chuộc, nên muốn dành một tài liệu riêng cho Đức Maria. Còn nhóm quy về Giáo hội thì coi Đức Maria thuộc về cộng đoàn tín hữu, ngài là người môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu và là khuôn mẫu của Giáo hội, nên muốn đưa vào văn kiện về Giáo hội. Cuộc bỏ phiếu diễn ra ngày 29, tháng mười, 1963 có kết quả 1114 trên 1074 muốn đưa vào Hiến chế Giáo hội. Và chúng ta có văn bản hiện tại.

 

PHẦN CHÚ THÍCH SƠ KHỞI

Phần này do gợi ý của Đức Phaolô VI, vốn quan tâm đến nhóm thiểu số bỏ phiếu chưa thật sự chấp nhận lập trường của đa số về vấn đề “Cộng đoàn tính”, nên đưa vào để giải thích thêm nhằm tạo sự hài hòa trong những vấn đề tranh luận gay go.

 

C. LUMEN GENTIUM TRONG ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI

 

1.      Những Mô hình Giáo hội

Ngay sau Công đồng, một nhà thần học dòng Tên người Mỹ tên là Avery Robert Dulles (1918-2008), (Được thăng Hồng y năm 2001) đã viết một cuốn sách, tựa đề là “Những Mô hình Giáo hội”, gây được nhiều chú ý trong giới công giáo. Trong cuốn sách này ngài lập luận rằng nhiều bất đồng xảy ra trong Giáo hội chủ yếu xuất phát từ những quan điểm khác nhau về Giáo hội. Người ta thường có những lập trường rất khác nhau về chọn lựa: Giáo hội là gì, Giáo hội phải như thế nào. Dulles trình bày năm mô hình: Giáo hội cơ chế, Giáo hội mầu nhiệm thông hiệp, Giáo hội sứ vụ, Giáo hội bí tích, Giáo hội phục vụ. Về sau ngài thêm mô hình thứ sáu: Giáo hội cộng đoàn môn đệ, và coi đó là kiểu mẫu cao nhất.

Mô hình Giáo hội từ thời Cải Cách đến Vatican II nổi bật như là một cơ chế. Lumen Gentium đã loại bỏ mô hình này. Thay vì đưa ra một định nghĩa bất di bất dịch về Giáo hội và chọn một mô hình xác định, Lumen Gentium đã trình bày Giáo hội là mầu nhiệm qua những hình ảnh khác nhau trong Kinh Thánh. Mỗi hình ảnh này rọi sáng một khía cạnh của mầu nhiệm Giáo hội.

Nếu Thánh Phêrô đã nói: “Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng” (1 Pr 2,5) thì chính cách sống của chúng ta đối với cộng đoàn anh chị em tín hữu xây nên mô hình Giáo hội địa phương chúng ta.

 

2. Dân Thiên Chúa và Giáo hội hiệp thông

 

Không phải mọi người đều đồng ý về việc LG đưa ra những hình ảnh tiếp cận nhau để trình bày về Giáo hội. Họ muốn tìm trong Công đồng một nguyên lí thống nhất, hoặc một tư tưởng chủ đạo đứng sau tất cả những đề nghị đó. Một số nhà chú giải nghĩ ngay đến hình ảnh “Dân Thiên Chúa” và coi đó như là chủ đề chính của Vatican II và là kiểu mẫu cho một khoa giáo hội học mới. Hình ảnh này làm nổi bật ý nghĩa năng động, tăng triển về Giáo hội như là một đoàn dân lữ hành. Nó cũng xác định sự bình đẳng của mọi thành phần trong Giáo hội, đồng thời chống lại cái khuynh hướng tiềm ẩn muốn xây dựng theo mô hình cơ chế. Nhưng từ những năm 1980 đến nay, nhiều nhà thần học và các vị chủ chăn lại chú tâm đến chủ đề Giáo hội hiệp thông. Trong Thượng Hội Đồng Giám mục ngoại lệ năm 1985, dịp kỉ niệm 20 năm Công đồng Vatican II bế mạc, các nghị phụ đã dành nhiều thời giờ suy tư về mầu nhiệm hiệp thông trong Giáo hội và các ngài tuyên bố rằng: “Giáo hội hiệp thông chính là chủ đề nền tảng của các tài liệu Công đồng”. Mô hình hiệp thông làm nổi bật khía cạnh thiêng liêng và tương quan trong đời sống Giáo hội: Hiệp thông chiều ngang giữa các tín hữu và hiệp thông chiều dọc với Thiên Chúa. Các ngài cho rằng Lời Chúa và Thánh Thể chính là những phương thế để thực thi sự hiệp thông hai chiều kích này.

 

3. Tính cộng đoàn phổ quát

 

Trong hoàn cảnh lịch sử là phải bảo vệ đức tin của các tín hữu trước sự tấn công quyết liệt của phong trào Cải Cách, Công đồng Vatican I (1869-1870) đã nhấn mạnh về ơn vô ngộ và địa vị tối cao của Đức Giáo hoàng, mà do đó, đã làm lu mờ vai trò của các Giám mục. Vatican II đã trở về nguồn để khôi phục đặc tính hiệp đoàn của chức Giám mục, các nghị phụ đã lấy lại hình ảnh các tông đồ hiệp thông với nhau và với vị tông đồ trưởng là Phêrô để diễn tả sự hiệp thông trong cộng đoàn Giám mục, với nhau và với Đức Giáo hoàng. Tất cả các giám mục, cùng với Đức Giáo hoàng tiêu biểu cho Giáo hội hiệp nhất trong sự bình an và yêu thương (LG 23). Nhưng theo nghĩa hẹp hơn thì điều này còn được hiểu về việc chia sẻ trách nhiệm và quyền bính giữa các giám mục với Đức Giáo hoàng, để các vị chủ chăn thi hành sứ vụ phổ quát là loan báo Tin mừng cho toàn thể thế giới (LG 23).

Đặc tính “cộng đoàn” này đã được áp dụng và thực hiện một cách cụ thể và linh động trong mọi cấp bậc của Giáo hội. Trong Giáo hội toàn cầu thì có giáo triều và Thượng Hội đồng Giám mục chia sẻ trách nhiệm với Đức Giáo hoàng. Trong mỗi giáo phận thì có Hội đồng linh mục và Hội đồng mục vụ. Trong Giáo xứ thì có Hội đồng Giáo xứ và đại diện các đoàn thể. Những tổ chức này làm cho đời sống Giáo hội trở nên sinh động và đa dạng hóa các hình thức phục vụ. Theo tinh thần đó, Tông huấn Giáo hội tại châu Á (Ecclesia in Asia) đã dành trọn chương V để trình bày về điều mà các Nghị phụ tha thiết mong muốn, đó là xây dựng một "Giáo Hội tham gia" (participatory Church) trong bối cảnh Á châu. Về giáo xứ, các ngài nói: “Trong mỗi Giáo phận, Giáo xứ  vẫn là nơi bình thường để người tín hữu tập hợp và lớn lên trong đức tin, sống mầu nhiệm hiệp thông Giáo Hội và dự phần trong sứ mạng của Giáo Hội…. Sự tham gia của người giáo dân trong việc lên kế hoạch mục vụ phải là một nét bình thường của tất cả các Giáo xứ” (AS 25-27).

 

4. Cảm thức Đức tin của dân Chúa

 

Bước theo Công đồng Vatican I, Lumen Gentium tái xác định giáo lí về tối thượng quyền và ơn vô ngộ của Đức Giáo hoàng (LG 18, 25), đồng thời văn kiện cũng nói đến ơn vô ngộ của giám mục đoàn khi thông hiệp với Đức Giáo hoàng để truyền dạy chân lí đức tin cho đoàn chiên Chúa.

Nhưng điều mới mẻ, đó là Công đồng trình bày ơn vô ngộ của dân Thiên Chúa: “Toàn thể tín hữu được Đấng Thánh xức dầu (Ga 2,20 và 27) nên không thể sai lầm trong đức tin, họ biểu lộ thuộc tính này qua cảm thức siêu nhiên về đức tin của toàn thể dân Chúa” (LG 12, xem thêm LG 35 và DV 8). Hiến chế coi việc tuyên xưng đức tin liên quan đến chức tư tế cộng đồng, và ơn vô ngộ của đức tin nơi toàn thể dân Chúa chính là do Chúa Thánh Thần linh hứng. Đức tin này không chỉ thể hiện qua hành vi tuân phục các lời giáo huấn của Giáo hội và các biểu thức đức tin trong kho tàng đức tin, nhưng nó còn phản ánh một ý thức sâu thẳm do Chúa Thánh Thần ghi tạc nơi cộng đồng dân Chúa. Ý thức ấy giúp tín hữu phân định chân lí, vững tin chấp nhận chân lí mà không sợ sai lầm.

Được tham dự vào sứ mệnh tiên tri của Chúa Kitô, người tín hữu không nên có thái độ thụ động đón nhận chân lí đức tin một cách vô hồn, máy móc, nhưng cần phải thể hiện đức tin một cách mạnh mẽ, để từ đó họ xây dựng sự sống thiêng liêng trong cộng đồng dân Chúa, làm trổ sinh những hoa trái thánh thiện như Chúa muốn, và lưu truyền đức tin cho thế hệ con cháu.

 

5. Sự thánh thiện của Giáo hội

 

Vẫn theo truyền thống, Lumen Gentium trình bày Giáo hội là thánh thiện, điều mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin kính. Giáo hội thánh thiện vì được Thiên Chúa chí thánh sáng lập, Được Chúa Kitô thánh hiến, và được tham dự vào sự thánh thiện của Người. Do đó, mọi người trong Giáo hội bất kể địa vị nào, đều được kêu gọi nên thánh theo mẫu gương của chính Chúa Giêsu, Người vừa là Đấng khởi xướng, vừa là Đấng hoàn tất ơn gọi thánh thiện. Đối tượng của sự thánh thiện là đời sống Kitô giáo viên mãn và đức ái trọn hảo (LG 40). Dù chúng ta tuyên xưng Giáo hội là thánh thiện thì cộng đoàn Giáo hội vẫn bao gồm những con người tội lỗi trong cuộc lữ hành trần thế. Khi kêu gọi mọi người nên thánh, Công đồng cũng cho chúng ta thấy mỗi con cái của Giáo hội cần phải luôn thống hối, và hằng ngày phải luôn cầu nguyện: “Xin Cha tha nợ cho chúng con” (Mt 6,12). Quả thật, Giáo hội chỉ thành toàn trong vinh quang trên trời khi Chúa Kitô ngự đến để tái tạo mọi sự nơi Người (LG 48).

Điều này nhắc nhở mỗi người chúng ta: (a) Luôn sống khiêm tốn nhìn nhận giới hạn của bản thân và của cộng đoàn mình để luôn thanh tẩy mỗi ngày. (b) Đừng cảm thấy bị chao đảo hay vấp ngã trước các gương xấu xảy ra đây đó trong Giáo hội. (c) Cũng đừng nại vào sự yếu đuối này để biện minh và ở lì trong  những tật xấu cố hữu của mình.

 

***

Công đồng Vatican II đã trình bày một cái nhìn toàn diện về Giáo hội, và cũng chính qua văn kiện này các Nghị phụ nêu cho chúng ta mẫu gương sống động về sự hiệp thông và đối thoại. Thật vậy, để đạt được sự đồng thuận chung trong nội dung trình bày một Giáo hội bao gồm nhiều chiều kích rất khác biệt nhau: vừa thiêng liêng lại vừa hữu hình, vừa hiệp nhất nhưng lại rất đa dạng, vừa hiện diện trong hiện tại nhưng hướng về thời cánh chung, vừa thánh thiện nhưng cũng vương đầy tội lỗi…không phải là điều dễ dàng. Các chuyên viên Công đồng cho biết rằng Hiến chế Lumen Gentium đã chiếm trọn một phần năm thời gian của tất cả bốn khóa họp! Quả thật, các ngài đã sống tinh thần hiệp thông và đối thoại một cách hết sức sáng tỏ. Và đó chính là lời mời gọi thuyết phục nhất các ngài gửi đến chúng ta để sống tinh thần Giáo hội.

Lm. Giuse Ngô Quang Trung

Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn