1
15:16 +07 Thứ hai, 29/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 302

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 301


Hôm nayHôm nay : 54154

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 444241

Tổng cộngTổng cộng : 27998525

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » TẬP SAN & NGUYỆT SAN

Năm đức tin với thánh Tôma Bài 34-35

Thứ năm - 13/06/2013 16:47-Đã xem: 1306
Triết gia Aristote đã giải thích lý do của điều răn này khi nói rằng “đối với ân huệ lớn lao mà chúng ta nhận được bởi cha mẹ, chúng ta không thể nào đáp lại cân xứng; vì vậy, một người cha bị xúc phạm có thể đuổi đứa con ra khỏi nhà, tuy nhiên không thể nào được làm ngược lại.
Năm đức tin với thánh Tôma Bài 34-35

Năm đức tin với thánh Tôma Bài 34-35

Bài 34: ĐIỀU RĂN THỨ BỐN "HÃY TÔN KÍNH CHA MẸ”

 
ĐỂ NGƯƠI ĐƯỢC HƯỞNG ĐỜI SỐNG LÂU DÀI TRÊN ĐẤT
MÀ GIAVÊ CỦA NGƯƠI ĐÃ BAN"
(Xh 20,12)
--------------------------------------------------

 
Sau 3 điều răn liên quan đến luật truyền mến Chúa, chúng ta bước sang 7 điều răn liên quan đến luật truyền yêu tha nhân, mở đầu là điều răn liên quan đến việc thảo kính cha mẹ. Có thể chia bài huấn giáo thành 3 phần.
 
1. Trước hết, tác giả giải thích lý do của nghĩa vụ thảo kính cha mẹ. Cha mẹ đã ban cho ta ba điều thiện hảo, đó là: a) sự sống; b) sự nuôi dưỡng; c) giáo dục.
 
2. Kế đến, tác giả mô tả những hành vi mà con cái phải làm để đền đáp công ơn đó. Tương ứng với 3 điều đã nhận lãnh, con cái phải: a) tôn kính; b) cấp dưỡng; c) vâng lời.
 
3. Sau cùng, tác giả chú giải những phần thưởng Chúa hứa cho kẻ tôn kính cha mẹ.
 
Trong phần kết luận, tác giả nới rộng ý niệm “cha” sang những bậc lãnh đạo, các ân nhân mà ta cũng có bổn phận tôn kính.
 
Nên biết là trong sách Tổng luận Thần học, Thánh Tôma bàn đến nhân đức thảo hiếu (pietas) liền sau nhân đức thờ phượng (II-II, q.101).
 
***
 
Sự trọn lành hệ tại yêu mến Thiên Chúa và tha nhân. Liên quan đến lòng mến Chúa là ba điều răn được ghi trong tấm bảng thứ nhất; liên quan đến lòng mến tha nhân là bảy điều răn được khắc trong tấm bảng thứ hai. Thế nhưng chúng ta không nên yêu bằng lời nói nhưng là bằng việc làm và trong sự thật, như Thánh Gioan đã nói (1 Ga 3,18). Để yêu như vậy, ta phải làm 2 điều: tránh điều xấu và làm điều tốt. Vì vậy, trong các điều răn có vài điều dẫn tới điều tốt và những điều khác ngăn cấm điều xấu.
 
Nên biết rằng việc tránh làm điều xấu thì nằm trong tay chúng ta; nhưng chúng ta không thể làm điều tốt cho bất kỳ ai. Vì thế, Thánh Augustinô nói rằng tuy chúng ta buộc phải yêu thương hết mọi người nhưng chúng ta không buộc phải làm điều tốt cho tất cả mọi người. Trong số những người này, chúng ta phải làm điều tốt cho những người thân cận, bởi vì như Thánh Phaolô nói (1 Tm 5,8), nếu ai không chăm sóc người thân, và nhất là những người sống trong cùng một nhà, thì kẻ ấy là một người không có đức tin. Thế nhưng, trong số những người thân thì cha mẹ là những kẻ gần gũi hơn hết, vì vậy Thánh Ambrôsiô nói: “Tiên vàn chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa rồi đến cha mẹ chúng ta.” Đó chính là điều răn thứ bốn: “Hãy tôn kính cha mẹ.”
 
Triết gia Aristote đã giải thích lý do của điều răn này khi nói rằng “đối với ân huệ lớn lao mà chúng ta nhận được bởi cha mẹ, chúng ta không thể nào đáp lại cân xứng; vì vậy, một người cha bị xúc phạm có thể đuổi đứa con ra khỏi nhà, tuy nhiên không thể nào được làm ngược lại.
 
I. Cha mẹ ban cho con cái 3 điều thiện hảo
 
Cha mẹ ban cho con cái 3 điều thiện hảo.
 
1. Thứ nhất là sự hiện hữu. “Hãy tôn kính cha của ngươi và đừng quên những rên siết của mẹ người. Hãy nhớ rằng nếu không có các ngài thì người chẳng được sinh ra.” (Hc 7,29).
 
2. Thứ hai, cha mẹ ban cho con cái lương thực và những điều khác cần để sinh sống. Thật vậy, đứa con ra đời trần truồng, như Gióp (1,21), và cha mẹ đã nuôi dưỡng nó.
 
3. Thứ ba, cha mẹ ban cho con cái sự giáo dục. Thánh Phaolô đã nói với người Dothái (12,9): “Chúng ta có những người cha theo xác thịt để giáo dục chúng ta.” Sách Huấn ca viết: “Ngươi có con cái ư? Hãy dạy dỗ chúng.” (7,25). Cha mẹ cần phải sớm giáo dục con cái 2 điều, như sách Châm ngôn (22,6) đã viết, “người trẻ khi đã vào con đường nào thì không bao giờ bỏ nữa, ngay cả khi đã già nua”, và sách Ai ca (3,27) cũng nói rằng “con người mà mang cái ách của thời còn trẻ là điều tốt”. Hai điều mà cha mẹ phải giáo dục con cái giống như ông Tobit (4,6) là: lòng kính sợ Thiên Chúa và xa tránh tội lỗi. Điều này hàm ngụ rằng những cha mẹ nào thích thú vì tội ác của con cái mình thì sẽ bị trừng phạt, như sách Khôn ngoan (4,6) đã nói, “những đứa con nào sinh ra bởi những hành vi tội lỗi của cha mẹ thì sẽ trở thành những người chứng tố cáo họ”. Vì thế, Thiên Chúa trừng phạt tội lỗi cha mẹ trên con cái (x. Xh 20,5).
 
II. Con cái phải tôn kính cha mẹ
 
1. Con cái đã nhận bởi cha mẹ sự hiện hữu, sự dưỡng nuôi và giáo dục. Bởi vì chúng ta đã mang ơn cha mẹ về sự sống, cho nên sau Thiên Chúa là Đấng đã ban linh hồn cho ta, chúng ta phải tôn kính các ngài hơn các thầy dạy là những kẻ chỉ cho chúng ta một vài điều thiện hảo: “Ai kính sợ Chúa thì hãy tôn kính cha mẹ, và hãy phụng sự các ngài như là chủ nhân; các ngài đã sinh ra ta, thì ta hãy báo đền bằng việc làm và lời nói và với sự kiên nhẫn chịu đựng. Hãy tôn kính cha mẹ, ngõ hầu ngươi được Thiên Chúa chúc lành.” (Hc 3,8-10).
 
Khi tôn kính cha mẹ thì bạn tôn trọng chính mình, như đã có lời chép, “danh giá của một người ở chỗ mang danh dự về cho thân sinh của mình; và một người cha bị hất hủi thì làm nhục cho đứa con” (Hc 3,13).
 
2. Cũng như cha mẹ đã nuôi dưỡng ta khi còn thơ, thì chúng ta phải nuôi dưỡng các ngài khi  lớn tuổi. “Con ơi, hãy nâng đỡ  tuổi già của cha con và đừng làm cho người buồn phiền khi còn sống. Nếu tinh thần của người có yếu nhược thì con hãy khoan dung, và đừng cậy sức mạnh của mình mà coi  thường người. Ai bỏ rơi cha mình thì sẽ bị mang tiếng xấu, ai làm cực lòng mẹ mình  thì sẽ bị Chúa chúc dữ.” (Hc 3,14-15.18).
 
Để cảnh cáo những kẻ bỏ rơi cha mẹ mình lúc già yếu, ông Cassiođôrô đã viết như thế này: Các chim cò, khi thấy cha mẹ đã già yếu không thể dùng cánh để bay và đi kiếm ăn, thì chúng lấy lông để sưởi ấm những kẻ đã ban cho mình sự sống, dùng lương thực để bổ dưỡng thân xác yếu liệt của cha mẹ; ra như báo đáp đền ơn, khi đã khôn lớn thì chúng trao lại cho cha mẹ cái mà mình đã nhận khi còn thơ bé.
 
3. Bởi vì cha mẹ đã giáo dục ta, cho nên chúng ta phải vâng lời các ngài. Thánh Phaolô đã khuyên “hãy vâng lời cha mẹ trong hết mọi sự” (Cl 3,20), ngoại trừ những gì trái nghịch với luật Chúa. Nếu gặp trường hợp như vậy, thì như Thánh Hierônymô đã viết cho Heliođorô, cách thức duy nhất để bày tỏ lòng thảo hiếu đó là tỏ ra cứng rắn. Chúng ta hãy nhớ lại lời của Chúa: “Nếu ai không ghét cha mẹ thì không đáng với Ta.” (Lc 14,26). Thiên Chúa thật là cha của chúng ta còn hơn cả cha mẹ nữa, như ông Môsê đã viết: “Ngài chẳng phải là cha của ngươi, Đấng đã chiếm hữu, đã làm ra, đã dựng nên ngươi đấy ư?” (Đnl 32,6).
 
III. Những phần thưởng kèm theo điều răn
 
Trong tất cả các điều răn, chỉ có điều răn thứ bốn là có kèm thêm một phần thưởng: Hãy tôn kính cha mẹ, ngõ hầu ngươi được hưởng tuổi thọ trên mặt đất. Như vậy, tuy ta tuân hành một nghĩa vụ tự nhiên, nhưng Chúa vẫn hứa sẽ ban phần thưởng cho ta. Nói đúng ra, có tới 5 phần thưởng rất đáng mong ước được hứa cho  những ai tôn kính cha mẹ.
 
1. Thứ nhất là ân sủng ở đời này và vinh quang ở đời sau. Sách Huấn ca (3,9-10) đã dạy: “Hãy tôn kính cha của ngươi, ngõ hầu Thiên Chúa chúc lành cho ngươi, và phúc lành của Chúa ở lại cho đến cùng.” Trái lại, ai khinh dể cha mẹ thì sẽ bị chúc dữ, như đọc thấy trong sách Đệ nhị luật (27,16).
 
Chúa Giêsu đã dạy: “Ai không trung thành trong việc nhỏ thì cũng không trung thành trong những việc lớn.” (Lc 16,10). Thế nhưng sự sống tự nhiên đâu có là gì nếu so sánh với đời sống ân sủng. Nếu bạn không nhìn nhận ân huệ của đời sống tự nhiên mà bạn đã nhận được bởi cha mẹ, thì bạn tỏ ra bất xứng với đời sống ân sủng là điều cao hơn, và đời sống vinh quang lại cao hơn nữa.
 
2. Phần thưởng thứ hai dành cho kẻ tôn kính cha mẹ là sự sống, như đã nói trong điều răn: “Hãy tôn kính cha mẹ, ngõ hầu ngươi được hưởng tuổi thọ trên mặt đất.” Sách Huấn ca (3,7) cũng viết: “Ai tôn kính thân sinh thì sẽ được hưởng sự trường thọ.” Nên lưu ý là cuộc đời được coi là thọ khi được tràn đầy; cuộc đời không được đo bằng thời gian nhưng bằng những công việc làm, theo như Triết gia Aristote đã nói. Vì thế, cuộc sống được coi là  tràn đầy khi đầy đức hạnh. Vì thế, người đức hạnh và thánh thiện thì sống trường thọ cho dầu họ mất sớm xét theo đời sống thể xác: “Người công chính đạt đến sự trọn lành trong một thời gian ngắn, và tỏ cho thấy một sự nghiệp dài lâu, bởi vì linh hồn của họ đẹp lòng Thiên Chúa.” (Kn 4,13-14).
 
Một kẻ đã thâu lợi to nếu trong một ngày họ thu được số tiền mà người khác mất một năm mới có được. Nên biết điều này: một cuộc sống lâu dài đôi khi trở thành nguyên nhân cho cái chết cả về phần xác lẫn về phần hồn, giống như ông Giuđa.
 
Do đó, một trong những phần thưởng dành cho kẻ tôn kính cha mẹ là sự sống thể xác. Ngược lại, kẻ khinh dể cha mẹ thì sẽ lãnh cái chết. Thật vậy, chúng ta đã nhận lãnh sự sống cũng tựa như các binh sĩ được nhà vua giao cho việc trông coi thái ấp; vì thế, nếu các binh sĩ phản bội thì bị tước đoạt thái ấp thì những con cái nhục mạ cha mẹ cũng phải bị tước đoạt sự sống. Sách Châm ngôn (30,17) có nói: “Mắt của kẻ sỉ nhục cha mình và khinh thường tuổi tác của mẹ mình thì đáng bị quạ móc và con cái diều hâu ăn.” Quạ và diều hâu được hiểu về các nhà chức trách nhà nước; mà giả như thân xác chúng không bị hành hạ đi nữa, thì chúng đâu tránh nổi cái chết về linh hồn.
 
Vì thế, người cha đừng nên trao quá nhiều quyền cho con cái, như sách Huấn ca đã nhắn nhủ: “Bao lâu còn sống trên đời, ngươi đừng trao cho con cái, vợ, anh em hay bạn hữu được quyền hành ở trên ngươi. Bao lâu còn sống trên đời, ngươi đừng giao tài sản của mình cho người khác, kẻo rồi lại phải hối hận. Bao lâu còn sống và còn hơi thở, đừng để ai làm ngươi thay đổi ý kiến về điểm này.”
 
3. Phần thưởng thứ ba là được con cái hiếu thảo và ngoan ngoãn. Thật vậy, chuyện tự nhiên là cha mẹ thu tích tài sản cho con cái, nhưng không hẳn là con cái thu tích tài sản cho cha mẹ. Tuy vậy, sách Huấn ca đã viết: “Ai tôn kính cha mình thì sẽ gặp thấy niềm vui nơi con cái của mình.” Chúa cũng nói: “Ngươi dùng đấu nào mà đong cho người khác thì sẽ được đong lại bằng chính đấu ấy.” (Mt 7,2).
 
4. Phần thưởng thứ tư là danh thơm tiếng tốt: “Người con được tiếng nhờ danh dự của cha mình.” (Hc 3,13). Và “kẻ bỏ rơi cha mình thì sẽ mang tiếng xấu đến chừng nào” (Hc 3,18).
 
5. Phần thưởng thứ năm là được giàu sang: “Lời chúc phúc của người cha sẽ làm cho căn nhà của con cái được vững chắc, và lời chúc dữ của người mẹ sẽ tàn phá căn nhà đến tận nền.” (Hc 3,11).
 
Tóm lại, “người hãy tôn kính cha mẹ”. Tuy nhiên, nên ghi nhận rằng không phải chỉ có kẻ đã sinh ra ta về phần xác mới gọi là “cha” mà thôi. Có những người khác cũng được gọi là cha vì nhiều lý do, và ta cũng phải tôn kính họ.
 
(1) Các Thánh Tông đồ và các Thánh cũng được gọi là cha, vì đạo lý và gương mẫu đức tin. Thánh Phaolô đã viết: “Dù anh em có ngàn vạn giám thị trong Đức Kitô, nhưng anh em không có nhiều cha đâu, bởi vì chính tôi đã sinh ra anh em trong Đức Kitô nhờ Tin Mừng .” (1 Cr 4,15). Ta đọc trong sách Huấn ca (44,1) rằng: “Chúng ta hãy ca ngợi những vị nổi danh đương thời là các cha ông chúng ta; nhưng hãy ca ngợi không bằng miệng lưỡi nhưng bằng cách bắt chước các ngài.” Chúng ta bắt chước các ngài nếu nếp sống chúng ta không có gì trái nghịch với điều mà chúng ta ca ngợi. “Hãy nhớ đến các vị lãnh đạo của anh em, và hãy nhìn xem cuộc đời của các ngài kết thúc như thế nào mà bắt chước đức tin của các ngài.” (Dt 13,7).
 
(2) Các giám mục cũng được gọi là cha, và ta phải tôn kính các ngài vì là những tác viên của Thiên Chúa, như Chúa Giêsu đã dạy: “Ai nghe các con là nghe Ta, ai khinh các con là khinh Ta.” (Lc 10,16). Vì thế, ta phải tôn kính các ngài bằng cách vâng phục các ngài: “Hãy vâng phục các vị lãnh đạo và suy phục quyền bính của họ” (Dt 13,17); và góp phần vào việc chu cấp cho họ: “Hãy kính Thiên Chúa bằng tài sản của ngươi, và hãy cho người nghèo những quả đầu mùa của ngươi.” (Cn 3,9).
 
(3) Các vua chúa cũng được gọi là cha, như các đầy tớ đã thưa với ông Naaman tướng của vua Syria: “Thưa cha, giả như ngôn sứ truyền phải điều gì khó khăn thì ắt là cha phải làm.” (2 V 5,13). Các vua chúa được gọi là cha vì họ có nhiệm vụ chăm sóc đời sống của toàn dân. Chúng ta tôn kính họ bằng sự tùng phục, như Thánh Phaolô đã viết, “mỗi người hãy tùng phục quyền bính” (Rm 13,1). Chúng ta tùng phục họ không chỉ vì sợ sệt nhưng còn vì yêu mến, và không chỉ vì lý trí đòi hỏi mà còn vì lương tâm truyền khiến. Lý do là tại vì, theo Thánh Tông đồ, mọi quyền bính đều bắt nguồn từ Thiên Chúa, vì thế, “anh em nợ ai cái gì, thì hãy trả cho người ta cái đó: nộp sưu cho người đòi sưu, trả thuế cho người đòi thuế, sợ người phải sợ, kính người phải kính” (Rm 13,7). Sách Châm ngôn (24,21) cũng viết: “Con ơi hãy kính sợ Thiên Chúa và nhà vua.”
 
(4) Các ân nhân cũng được gọi là cha, như đọc thấy trong sách Huấn ca (4,10): “Hãy tỏ ra nhân hậu với các kẻ mồ côi như một người cha.” Bởi vì đặc tính của người cha là chăm sóc con cái mình, vì thế, chúng ta đã được cha của mình chăm sóc thì cũng hãy chăm sóc người khác. “Đừng bao giờ quên ơn huệ của kẻ đã đứng ra bảo lãnh cho con.” (Hc 29,20). Thật vậy, nói về kẻ vô ơn, Sách Khôn ngoan (16,29) viết: “Niềm hy vọng của kẻ vô ơn (khi gặp hoạn nạn) sẽ tan tành như băng giá mùa đông.”
 
(5) Người cao niên cũng được gọi là cha, như sách Đệ nhị luật (32,7) đã viết: “Hãy hỏi cha ngươi và người sẽ dạy cho biết; hãy hỏi các bậc lão thành và họ sẽ bảo cho hay.” Hoặc như sách Lêvi (19,32): “Hãy đứng lên trước mặt những kẻ bạc đầu, và hãy kính trọng người cao niên.” “Đừng coi mình bằng vai với kẻ lớn tuổi, và khi người già đang nói thì đừng ngắt lời” (Hc 32,13); và “hãy thinh lặng lắng nghe, và thái độ kính cẩn này sẽ gây được thiện cảm” (câu 9).
 
Tất cả những người trên đây (tông đồ, thánh nhân, giám mục, nhà cầm quyền, ân nhân, người cao niên) đều đáng kính trọng, bởi vì tất cả đều giống cách nào đó với cha trên trời. Và Chúa nói: “Ai khinh các ngươi là khinh ta.” (Lc 10,16).
 

Bài 35: ĐIỀU RĂN THỨ NĂM - CHỚ SÁT SINH (Xh 20,13)

 
Chúng ta đã quen đọc điều răn thứ năm là “Chớ giết người”.  Nếu dịch sát nguyên bản thì phải nói là “Cấm giết”, và dĩ nhiên là hiểu về việc giết người. Nhưng có người đã dựa vào nguyên bản để cấm luôn cả việc giết thú vật. Vì thế, để hiểu rõ vấn đề hơn, chúng tôi cố gắng theo sát nguyên bản là “chớ sát sinh”.
 
Bài giáo lý của Thánh Tôma gồm 3 phần.
 
1/ Thứ nhất, tác giả xác định ý nghĩa của điều răn thứ năm: a) không cấm giết thú vật; b) được phép giết người khi hành động nhân danh Thiên Chúa (chẳng hạn khi thi hành pháp luật); c) không được tự sát.
 
2/ Thứ hai, tác giả kể ra những cách thức phạm tội sát nhân: a) do chính tay mình; b) bằng lời nói; c) đồng loã trong việc giết người; d) tán thành việc giết người; e) giết linh hồn; f) giết cả linh hồn và thể xác.
 
3/ Tiến thêm một bước nữa, Chúa Giêsu coi việc giận ghét cũng như giết người (Mt 5,21-22). Vì thế tác giả giải thích: a) làm thế nào tránh giận (tuy không phải lúc nào giận cũng có tội); b) đừng giận lâu; c) đừng để cơn giận lẻn vào tim (sinh ra giận ghét); d) đừng để bộc lộ ra lời; e) đừng để nó dẫn tới hành động.
 
***
          
Luật Chúa dạy chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa và người thân cận. Mệnh lệnh đó truyền chúng ta không những phải làm điều tốt mà còn phải tránh điều xấu. Điều xấu nhất mà ta gây ra cho người thân cận là tước mất sự sống của họ, vì vậy mà có điều cấm: “Ngươi chớ sát sinh.”
 
I. Ý nghĩa của điều luật
 
Điều răn này đã bị giải thích sai lệch bằng 3 cách.
 
1/ Có người nói rằng không được phép giết súc vật. Nhưng ý kiến này sai, vì con người không phạm tội lỗi gì khi giết những con vật hạ cấp, bởi lẽ chúng đã được đặt dưới sự phục tùng con người. Trật tự thiên nhiên muốn rằng thảo mộc được dùng làm lương thực cho động vật, một vài động vật trở thành lương thực cho các động vật khác, và tất cả đều trở thành lương thực cho con người, như ta đọc trong sách Sáng thế: “Mọi loài di động và có sự sống sẽ là lương thực cho các ngươi; Ta ban cho các ngươi tất cả những thứ đó, cũng như đã ban cỏ xanh tươi.” (St 9,3). Triết gia Aristote cho rằng săn bắn cũng giống như chiến tranh chính đáng.[1] Còn Thánh Phaolô cũng viết cho các tín hữu: “Tất cả những gì bán ngoài chợ, anh em cứ việc ăn, không cần phải đặt vấn đề lương tâm.” (1 Cr 10,25). Vì thế, ý nghĩa của điều răn này là: “Ngươi không được giết người.”
 
2/ Một số người cho rằng điều răn này tuyệt đối cấm giết người. Vì thế, họ cho rằng những thẩm phán tuyên án tử hình theo luật pháp đều là những kẻ sát nhân. Nhưng Thánh Augustinô nói rằng qua điều răn này Thiên Chúa không rút lại quyền sinh sát, bởi vì chúng ta đọc thấy trong Kinh Thánh: “Ta cầm quyền sinh tử.” (Đnl 32,39). Vì thế, nếu ai buộc phải sát sinh do một lệnh truyền của Thiên Chúa, thì họ được phép làm xét vì lúc ấy là chính Thiên Chúa làm. Thật vậy, mọi luật pháp (công minh) đều là lệnh truyền của Chúa: “Chính nhờ Ta mà vua chúa biết cầm quyền trị nước, các thủ lãnh có những phán quyết công bình.” (Cn 8,15). Thánh Tông đồ viết: “Nếu anh em làm điều ác thì hãy sợ, vì quan toà mang gươm không phải là không có lý do; thật vậy họ là người thừa hành của  Thiên Chúa.” (Rm 13,4). Còn ông Môsê cũng đã ra lệnh: “Các kẻ phù thuỷ, ngươi không được để cho sống.” (Xh 22, 17). Vì vậy, điều gì hợp pháp đối với Thiên Chúa thì cũng hợp pháp đối với những kẻ thừa hành sự uỷ quyền của Ngài. Hẳn nhiên là Thiên Chúa không phạm tội khi Ngài phạt án tử cho kẻ phạm pháp, bởi vì Ngài là Đấng làm luật, như Thánh Phaolô đã nói: “Lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta, là cái chết.” (Rm 6,23). Vì vậy, kẻ thừa hành của Thiên Chúa cũng không phạm tội.[2]
 
3/ Có những người hiểu rằng điều răn này cấm giết người khác, nhưng lại cho phép giết chính mình. Vì vậy, có những mẫu gương như ông Samson (Tl 16,30), Caton[3] đã tự sát, và một số trinh nữ đã lao mình vào đống lửa, như Thánh Augustinô kể lại trong Đô thành của Thiên Chúa (quyển I, 27). Tuy vậy, liền đó thánh nhân giải thích: “Ai tự giết mình thì tất nhiên cũng là giết người khác.” (Sđd., 13). Do đó, không được phép giết một người khác nếu không do quyền bính của Thiên Chúa, cũng không được phép giết hại chính mình nếu không do quyền bính của Thiên Chúa hoặc do sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, như trường hợp ông Samson. Vì thế, “ngươi chớ giết người”.
 
II. Những cách thức giết người
 
Nên biết rằng người ta có thể giết người bằng nhiều cách thức:
 
1/ Trước hết, có thể giết tự tay mình: “Tay của ngươi đầy những máu.” (Is 1,15). Giết một người thì không những trái nghịch với tình yêu, vì tình yêu đã dạy bảo chúng ta hãy yêu người thân cận như chính mình: “Không một kẻ sát nhân nào mà lại có sự sống đời đời nơi chính mình được.” (1 Ga 3,15), mà còn trái nghịch với tự nhiên nữa, vì “sinh vật nào cũng ưa thích đồng loại của mình” (Hc 13,19). Vì thế, mà có lời chép: “Ai đánh chết người, thì phải bị giết chết.” (Xh 21,12). Kẻ giết người thì còn độc ác hơn cả con sói, bởi vì Aristote cho biết là nếu đưa cho con sói thịt sói thì nó không ăn (De animalibus, IV).
 
2/ Người ta cũng có thể  giết người bằng miệng lưỡi, khi mà ta xúi giục ai đó đi giết người, hoặc bằng cách khiêu khích, vu cáo, mạ lỵ: “Nanh vuốt chúng là đầu tên mũi giáo, lưỡi thì sắc bén tựa gươm đao.” (Tv 66,6).
 
3/ Thứ ba, giết người bằng cách trợ giúp kẻ khác giết người,như có lời chép: “Này con, con đừng đi một đường với kẻ sát nhân... Chúng nhanh chân chạy theo điều dữ, lại vội vàng đổ máu người ta.” (Cn 1,15-16).
 
4/ Thứ tư, giết người vì chấp thuận việc sát nhân: “Hễ ai làm những điều như vậy thì đáng chết. Thế mà không những họ cứ phạm những tội đó, lại còn tán thành những kẻ làm như vậy.” (Rm 1,32). Bạn tán đồng việc giết người khi bạn có thể ngăn cản được mà bạn không ra tay, như đã viết: “Hãy lôi kẻ bị điệu đi chết ra khỏi nguy cơ.” (Cn 24,11). Bạn cũng tán đồng việc giết người khi bạn có những phương tiện giúp đỡ nhưng bạn đã không làm do lơ đễnh hoặc hà tiện. Vì thế, Thánh Ambrôsiô nói: “Khi thấy ai hấp hối vì đói ăn thì bạn hãy cho họ ăn; nếu không thì bạn là kẻ giết chết người đó.”
 
5/ Giết linh hồn
 
Chúng ta đã xét những trường hợp giết người về thân xác, nhưng có người lại giết chết linh hồn bằng cách tước mất sự sống ân sủng, cụ thể là khi xúi giục ai phạm tội trọng, giống như ma quỷ, “ngay từ đầu, nó đã là tên sát nhân” (Ga 8,44), bởi vì đã lôi kéo con người vào đường tội lỗi.
 
6/ Giết chết cả linh hồn và thân xác
 
Sau cùng, có những người giết chết cả thể xác lẫn tâm hồn. Điều này có thể xảy ra bằng 2 cách: a) hoặc bằng cách giết các bà mẹ mang thai, vì bà mẹ mang trong bụng cả linh hồn và thân xác của đứa con; b) thứ hai là phạm tội tự sát.
 
III. Tội nóng giận
 
“Chớ sát sinh.” Trong Tin Mừng theo Thánh Matthêu (chương 5), Chúa Kitô dạy rằng sự công chính của chúng ta phải lớn hơn sự công chính trong Luật cũ. Vì thế, Người muốn cho những Kitô hữu hãy tuân giữ các điều răn một cách hoàn hảo hơn người Do Thái. Lý do là bởi vì ai càng nỗ lực nhiều thì sẽ được phần thưởng lớn hơn: “Ai gieo ít thì gặt ít.” (2 Cr 9,6). Luật cũ hứa ban những phần thưởng thuộc trần thế này: “Nếu các ngươi chịu nghe lời Ta, các ngươi sẽ được hưởng dùng hoa mầu trong xứ.” (Is 1,19), còn Luật mới thì hứa ban những điều thiện trên trời vĩnh cửu. Vì thế, sự công chính do việc tuân giữ các điều răn cũng cần phải hoàn hảo hơn, một khi trông mong phần thưởng lớn lao hơn.
 
Trong số những lệnh truyền của Tin Mừng, Chúa có đề cập đến tội sát nhân như thế này: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người... Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà.” (Mt 5,21-22). Hình phạt này tương đương với tội trạng của luật cũ viết: “Nếu có ai cố tình hại người thân cận tới mức dùng mưu mà giết nó, thì ngươi sẽ lôi kẻ ấy ra khỏi bàn thờ của Ta mà giết chết.” (Xh 21,14).
 
Có 5 phương thế tránh tội nóng giận.
 
A. Điều trước tiên là chúng ta đừng để cho mình dễ nổi giận: “Mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói, và khoan giận.” (Gc 1,19). Tại sao vậy?
 
1/ Lý do thứ nhất là bởi vì nóng giận là một tội sẽ bị Chúa trừng phạt. Nhưng phải chăng hết mọi thứ giận dữ đều trái nghịch với nhân đức? Có 2 ý kiến. Trường phái Khắc kỷ (Stoics) cho rằng người quân tử không để cho xúc động lên lỏi vào trong mình; đối với họ, nhân đức hệ tại chỗ giữ tinh thần được yên tĩnh. Trái lại, trường phái Aristote chủ trương ngược lại: cơn giận có thể lẻn vào người quân tử, nhưng ông làm chủ được nó. Ý kiến thứ hai đúng hơn.
 
Trước hết, thế giá của Kinh Thánh chứng minh điều ấy, bởi vì Tin Mừng cho thấy cơn giận cũng có nơi Đức Kitô[4], Đấng là nguồn mạch và đầy tràn khôn ngoan. Thứ đến, lý trí cũng chứng thực điều ấy. Thật vậy, giả như tất cả các cảm xúc đều trái nghịch với nhân đức, thì nhiều tiềm lực của linh hồn sẽ trở nên vô dụng và thậm chí còn nguy hại nữa, bởi vì các tiềm lực ấy sẽ không có hoạt động tương xứng; như vậy, tiềm lực tấn công và ước mơ sẽ trở thành vô ích.
 
Vì thế, cần nói như thế này: có khi cơn giận là một nhân đức, có khi nó không phải là nhân đức. Thật vậy, ta có thể hiểu sự giận dữ theo 3 nghĩa:
 
a) Thứ nhất, cơn giận chỉ là một phán đoán của lý trí chứ không kèm theo một cảm xúc nào. Trường hợp này không phải là giận dữ theo đúng nghĩa mà chỉ là một phán đoán mà thôi. Vì thế, người ta bảo rằng Thiên Chúa nổi cơn giận khi ngài trừng phạt những kẻ độc ác: “Vì tôi đắc tội với Đức Chúa, tôi sẽ phải gánh chịu cơn giận của Người.” (Mk 7,9).
 
b) Kế đến, cơn giận ám chỉ một cảm xúc thuộc giác quan, và có thể xảy ra 2 trường hợp. Đôi khi lý trí ra lệnh cho nó hành động và kiềm chế nó trong những giới hạn chừng mực. Điều này xảy ra khi một người nổi giận vì họ phải giận, và trong mức độ cần thiết, do một lý do chính đáng. Cơn giận này là một hành động nhân đức và được gọi là “lòng nhiệt thành”. Vì thế, ông Aristote nói rằng: đức hiền lành không có nghĩa là không hề nổi giận. Giận dữ như vậy thì không phải là tội.
 
c) Có loại giận dữ thứ ba thoát khỏi sự phán đoán của lý trí, và nó luôn luôn là tội, hoặc tội nặng hay tội nhẹ, tuỳ theo động lực đưa đến sự giận dữ.
 
Thật vậy, cần biết rằng có hai thứ tội trọng: có thứ tội trọng do bản chất, có thứ tội trọng do hoàn cảnh. Giết người là một tội trọng tự bản chất bởi vì nó trái nghịch với điều răn của Chúa. Vì thế, sự ưng thuận giết người cũng là một tội trọng tự bản chất, bởi vì nếu một hành động là tội trọng thì sự ưng thuận hành động cũng là tội trọng. Tuy nhiên, đôi khi hành động tự bản chất là tội trọng, nhưng động lực không phải là tội trọng bởi vì nó xảy đến ngoài sự ưng thuận của lý trí. Do đó, nếu nổi lên một xung động thúc giục phạm tội tà dâm nhưng mà chúng ta không ưng thuận thì không có tội trọng. Đối với sự giận dữ cũng vậy. Sự giận dữ là một cảm xúc nổi lên để sửa trị một điều bất công. Nếu cảm xúc này quá mạnh đến nỗi lôi kéo cả lý trí thì có tội trọng. Nhưng nếu lý trí không chịu ưng thuận thì chỉ là tội nhẹ. Tuy nhiên, nếu cơn giận không phải là một tội trọng tự bản chất thì cho dù lý trí có ưng thuận đi nữa, nó vẫn không phải là một tội trọng. Do đó, câu nói “Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà” phải hiểu về cơn giận dẫn đến sự báo thù gây hại nặng nề cho tha nhân và là một tội trọng, bởi vì đã có sự ưng thuận của lý trí.
 
2/ Lý do thứ hai không nên dễ dàng nổi giận là vì mọi người đều yêu mến sự tự do và ghét sự nô lệ. Thế nhưng người nóng giận thì không làm chủ được chính mình, như sách Châm ngôn nói, “ai có thể chịu đựng sự hung bạo của kẻ nóng giận” (Cn 27,4). Và có lời khác nói: “Đá nặng, cát cũng nặng, đứa ngu nổi giận còn nặng nề hơn.” (Cn 27,3).
 
B. Thứ hai, đừng nên giận lâu
 
Chúng ta hãy cẩn thận đừng giận lâu: “Hãy run sợ, và đừng phạm tội nữa.” (Tv 4,5). Ở chỗ khác trong Kinh Thánh lại nói: “Đừng phạm tội: chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn.” (Ep 4,26). Lý do đã được Chúa giải thích trong Tin Mừng: “Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.” (Mt 5,25-26).
 
C. Thứ ba, đừng để cơn giận thâm nhập vào con tim
 
Chúng ta hãy đề phòng đừng để cho cơn giận gia tăng, trước tiên bằng cách xâm nhập vào con tim, khi nó đưa đến giận ghét. Ở đây, có sự khác biệt giận và ghét: giận thì xảy ra trong giây lát, còn ghét thì kéo dài, vì thế mà nó thành một tội trọng: “Phàm ai ghét anh em mình, ấy là kẻ sát nhân.” (1 Ga 3,15). Lý do là bởi vì nó huỷ hoại tình yêu, đưa đến việc sát hại chính mình và người anh em. Trong bản tu luật, Thánh Augustinô viết: “Giữa anh em đừng có cãi cọ nhau, hoặc nếu có tranh cãi điều gì thì hãy sớm kết thúc, vì sợ rằng cơn giận sẽ gia tăng dẫn đến lòng thù hận, cọng  rơm sẽ trở thành cái xà, và linh hồn trở thành kẻ sát nhân.” Kinh Thánh lại nói: “Kẻ nóng tính gây ra cãi vã.” (Cn 15,18). Ông Giacob cũng nói về hai đứa con Simêon và Lêvi: “Đáng nguyền rủa thay cơn giận dữ của chúng, vì nó vũ phu, đáng nguyền rủa thay cơn lôi đình của chúng, vì nó tàn bạo.” (St 49,7).
 
D. Đừng để cơn giận bùng nổ ra lời nói
 
Thứ tư, chúng ta hãy tránh đừng để cơn giận bùng nổ ra lời nói: “Kẻ ngu si biểu lộ chính mình khi giận dữ.” (Cn 12,16). Sự biểu lộ diễn ra qua hoặc là bằng những lời nhục mạ hoặc là những lời ngạo mạn. Về những lời sỉ nhục, Chúa đã cảnh cáo: “Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt.” (Mt 5,22). Và Thiên Chúa ám chỉ đến lòng kiêu ngạo của người giận dữ qua những lời: “Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội đồng.” (Sđd.). Hơn thế nữa, trong Cựu ước còn nói: “Câu đáp dịu dàng khiến cơn giận tiêu tan, lời nói khiêu khích làm nổi cơn thịnh nộ.” (Cn 15,1).
 
E. Đừng để cơn giận dẫn đến hành động
 
Cuối cùng, chúng ta phải ý tứ đừng để  cơn giận dữ bộc lộ ra hành động. Thật vậy, trong tất cả lối ứng xử, chúng ta phải tuân giữ hai điều, đó là: thi hành sự công bình và lòng thương xót; thế nhưng cơn giận dữ ngăn cản cả hai điều đó: “Vì khi nóng giận, con người không thực thi đường lối công chính của Thiên Chúa.” (Gc 1,20). Như thế, dù muốn thực thi sự công bình thì cũng không thể làm nổi. Có lần một triết gia nào đó đã nói với người xúc phạm mình: “Nếu tôi không nổi giận thì tôi sẽ trừng phạt anh.” Còn trong Kinh Thánh thì nói, “đứa nóng giận thì độc ác, kẻ thịnh nộ thì bạo tàn” (Cn 27,4) và “trong cơn giận, Simêon và Lêvi  đã giết người” (St 49,6).
 
Vì thế, Đức Kitô đã dạy chúng ta không những là đừng phạm tội giết người mà còn đừng giận dữ. Một bác sĩ giỏi thì không chỉ chữa cơn bệnh có thể nhìn thấy mà còn cắt bỏ được gốc rễ của bệnh đó, để cho nó khỏi tái phát. Cũng vậy, Chúa muốn chúng ta tránh xa cội nguồn của tội lỗi; và vì vậy, cần phải tránh xa cơn giận dữ vì nó chính là nguồn gốc của tội giết người.

 
Sưu tầm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn