1
07:54 +07 Thứ ba, 30/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 252


Hôm nayHôm nay : 31200

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 515572

Tổng cộngTổng cộng : 28069856

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » CẦU NGUYỆN & MAN NA

Linh mục, người của Thánh Thể, người của mọi người

Thứ hai - 16/01/2012 21:27-Đã xem: 1795
Linh mục cũng chất chứa một sự sống mới, một sự sống phong nhiêu không bao giờ cạn kiệt. Có nghĩa là người của Thánh Thể không có tương quan với sự chết. Sống và chết là hai phạm trù đối nghịch nhau cho dầu nền tảng phát sinh ra nó xem ra giống nhau
Linh mục, người của Thánh Thể, người của mọi người

Linh mục, người của Thánh Thể, người của mọi người

Qua ba Bí tích Khai tâm Kitô giáo, chúng ta được gọi là con Thiên Chúa, được sát nhập vào Nhiệm Thể Chúa Kitô và được nuôi dưỡng bằng của ăn hằng sống. Và chúng ta được gọi là Kitô hữu, tức người sở hữu Chúa Kitô ở trong mình. Và khi nói đến Chúa Kitô là nói đến Mầu nhiệm cứu độ, và đỉnh cao của Mầu Nhiệm đó là cái chết trên Thập giá và sự Phục sinh của Người. Thánh Thể là hiện thựccủa đỉnh cao Mầu nhiệm cứu chuộc này, do đó, người Kitô hữu còn được gọi là người của Thánh Thể. Chúa Kitô và Thánh Thể là một. Vì là người của Thánh Thể, nên người Kitô hữu phải biểu thị đặc tính Thánh Thể trong đời sống của mình, nếu không, Kitô hữu chỉ còn là một danh xưng trống rỗng, và có khi trở thành một chiêu bài nhằm mưu tính cho một mưu đồ chính trị, như nhiều chịnh trị gia ở Mỹ đã từng làm. Để kiếm sự ủng hộ của cử tri Công giáo, họ luôn vỗ ngực tự hào: tôi là người Công giáo. Thế nhưng trên thực tế, đời sống của họ chẳng Công giáo tí nào. Hay ngược lại, vì Kitô hữu chỉ là danh xưng, nên cũng có nhiều người sẵn sàng chối bỏ danh xưng này vì những lợi lộc trần thế. Bởi vậy, chỉ là người Kitô hữu đích thật, khi người đó thực sự là người của Thánh Thể. Điều này biểu tỏ cách rõ nét nơi người Linh mục. Qua Bí tích Truyền chức, người Linh mục được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, và hành động nhân danh Người. Trong Thánh lễ, khi đọc lời Truyền phép: “Này là Mình Ta, này là Máu Ta”, người Linh mục biểu tỏ hình ảnh Thánh Thể cách sống động và cụ thể hữu hình. Vì vậy hơn ai hết, người Linh mục được gọi là người của Thánh Thể.

 

1- Như người của Thánh Thể, Linh mục là “tác nhân dự phần” vào việc nẩy sinh sự sống

Như người của Thánh Thể, Linh mục cũng chất chứa một sự sống mới, một sự sống phong nhiêu không bao giờ cạn kiệt. Có nghĩa là người của Thánh Thể không có tương quan với sự chết. Sống và chết là hai phạm trù đối nghịch nhau cho dầu nền tảng phát sinh ra nó xem ra giống nhau. Nguồn gốc phát sinh ra sự sống và cái chết là “yêu”, nhưng khác nhau ở đối tượng của hành vi “yêu”. Sự sống nẩy sinh từ một tình yêu hướng tha, còn cái chết xuất hiện do bởi tình yêu qui ngã.

Tình yêu sự sống khởi nguồn từ tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Đức tin của chúng ta xác tín rằng, Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống, Ngài đã tạo dựng mọi loài, và đặc biệt, Ngài đã tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài, (St 1, 27), có nghĩa là Thiên Chúa trao ban cho con người sự sống có từ nơi Ngài. Sự sống đó tuôn trào từ nguồn mạch của một tình yêu khôn tả và duy nhất. Nhà thần học kinh viện Richard đã trình bày về tình yêu đó như sau: Thiên Chúa là “bonum diffusivum sui” (nguồn thiện hảo tuôn trào), qua đó Đấng tự trao ban chính mình và tuôn trào sự tối thiện hảo của mình trong một trật tự hướng đến đối tượng được trao ban, có nghĩa là mỗi một ngôi vị tự trao ban chính mình cách trọn hảo, mỗi một ngôi vị chia sẻ tất cả những gì mình “có” và mình “là” cho người đón nhận sự trao ban. Sự chia sẻ này đòi hỏi người tự trao ban chính mình trao ban tất cả và không giữ lại cho mình một điều gì. Sự trao ban chính mình chỉ gọi là trọn hảo khi người yêu chia sẻ tất cả cho người được yêu, có nghĩa là trao ban cả bản tính của mình[1]. Chính hành vi trao ban của tình yêu này kiến tạo nên phẩm tính của Thiên Chúa: Đấng hằng sống.

Con người được dự phần vào sự sống vì nhận được tình yêu của Thiên Chúa. Sách Sáng thế đã trình bày rất l‎ý thú và sống động hình ảnh về việc Thiên Chúa tạo dựng con người: “Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2, 7). Sinh khí của Thiên Chúa được hiểu là Ngôi Ba, còn được gọi là Tình yêu của Thiên Chúa. Như vậy, sự sống của con người khởi sự từ khi nhận được Thánh Thần tình yêu.

Sự sống chấm dứt khi con người tự tách ra khỏi tình yêu Thiên Chúa, để qui hướng về một tình yêu khác, tình yêu qui ngã: “Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng qu‎ý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn” (St 3, 6). Con ngườitự qui hướng về mình, tự tìm những thỏa mãn cho chính mình, và như vậy con người đã làm cho sự sống có nơi mình trở nên cạn kiệt, do đó sự chết xuất hiện.

Thánh Thể là cội nguồn sự sống, bởi Thánh Thể là hiện thực của một tình yêu hướng tha không giới hạn, một tình yêu trao ban khôn cùng. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nhận định: Điều mới mẻ trong Tân Ước chính là hình ảnh của Đức Kitô, “Đấng ban cho tư tưởng thịt và máu, một hiện thực chưa từng có”[2], đó là cách diễn tả tình yêu của Ngài dành cho con người đạt đến tột đỉnh, một tình yêu hiến trao mang tính triệt để nhất. Thánh Thể làm cho hành động tận hiến này tồn tại mãi qua mọi thời đại[3].Với tình yêu tận hiến này Thánh Thể trở thành nguồn mạch nẩy sinh sự sống. Chính Chúa Giêsu cũng đã khẳng định: “Ai ăn Thịt Tôi và uống Máu Tôi, người ấy sẽ được sống đời đời” (Ga 6, 54). Bởi Thịt và Máu là hy lễ hiến tế xuất phải bởi tình yêu lớn lao khôn tả. Tình yêu này đã trở thành nguồn mạch mang lại sự sống vĩnh hằng. Thánh Gioan đã diễn tả điều này qua tường thuật về cái chết của Chúa Giêsu với tình tiết: một tên lính lấy đòng đâm thủng cạnh sườn Người, tức thì Máu và Nước chảy ra (Ga 19, 30-37). Máu và Nước từ cạnh sườn Chúa là dấu chỉ của sự sống mới, sự sống của Thần khí, vì thế không bao giờ bị cạn kiệt.

Được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, và hành động nhân danh Chúa Kitô, Linh mục thực sự được gọi là ngừơi Thánh Thể, do đó, tự bản chất nhiệm vụ thánh chức Linh mục cũng làm nẩy sinh sự sống. Dĩ nhiên, người Linh mục trong thân phận con người mỏng dòn, bị chi phối bởi tội, cũng chịu chung số phận hay chết của con người. Vì thế, sự sống không nảy sinh từ con người Linh mục, nhưng sự sống được tuôn trào từ nhiệm vụ của thánh chức mà người Linh mục nhận lãnh qua Bí tích Truyền chức thánh.

Sự sống tuôn trào từ nhiệm vụ của Thánh chức Linh mục do chính Linh mục thi hành nhiệm vụ này “in persona Christi”, tức là “trong sự đồng nhất đặc biệt, mang tính bí tích, với vị Thượng Tế của Giao Ước Vĩnh Cửu”[4]. Bởi “không ai có thể nói ‘này là Mình Thầy’ và ‘này là Máu Thầy’, nếu không phải là nhân Danh và trong cương vị của Đức Kitô”[5].

Do đó, nếu sự sống thần linh mà người Linh mục mang lại chỉ chú trọng ở hiệu năng Bí tích do bởi ex opere operato, thì quả thật việc thi hành thánh chức mang nặng đặc tính máy móc. Dĩ nhiên, ân huệ đến từ Thiên Chúa, và chỉ duy có Thiên Chúa mới là chủ của mọi ân huệ, nhưng người Linh mục được trao ban vinh dự hành động nhân danh Chúa Kitô (in persona Christi), nên tự bản thân Linh mục cũng dự phần vào chính sự sống. Quả thật, việc cử hành Thánh Thể không được hiểu đó chỉ là một phương thế để đạt đến ân huệ, nhưng việc cử hành phải là hành vi dự phần vào thực tại siêu nhiên. Do đó, khi cử hành Thánh Thể, người Linh mục thực sự hòa nhịp vào biến cố đang cử hành, và như vậy người Linh mục trao ban ân huệ sự sống không đơn thuần như là một khí cụ, nhưng như là một “tác nhân dự phần” vào sự sống. Công đồng Vat. II đã khẳng định: “Như thừa tác viên của những việc thánh, nhất là trong Hiến Tế Thánh Lễ, các Linh mục đặc biệt là hiện thân của Chúa Kitô, Đấng đã tự hiến chính mình làm lễ vật thánh hóa nhân loại; và như thế, các ngài được mời gọi bắt chước điều các ngài đang thi hành, vì khi cử hành mầu nhiệm Chúa chịu chết, các ngài phải khắc chế chi thể mình khỏi tật xấu và dục vọng. Công việc cứu chuộc chúng ta được liên tục thực hiện trong Hy Tế Thánh Thể, trong đó các Linh mục chu toàn chức vụ trọng yếu nhất của mình. [...] Như vậy, trong khi liên kết hành động của Chúa Kitô Linh mục, hằng ngày các Linh mục tự hiến toàn thân cho Chúa, và trong khi được Mình Chúa Kitô nuôi dưỡng, tự thâm tâm mình, các ngài tham dự vào tình yêu của Đấng đã tự hiến làm lương thực nuôi các tín hữu. Trong khi thi hành các Bí Tích, các ngài cũng hiệp nhất với ý muốn và tình yêu của Chúa Kitô; và các ngài thể hiện sự hiệp nhất đó một cách đặc biệt”  (PO số 13).

Là hiện thân của Chúa Kitô, Công đồng nhắc nhở đến việc “khắc chế chi thể khỏi tật xấu và dục vọng”, vì tật xấu và dục vọng là nguyên nhân đưa đến sự chết. Bởi đó, “như là tác nhân dự phần” vào sự sống, người Linh mục phải hoàn toàn loại bỏ những mầm mống mang đến sự chết. Việc loại trừ đó chỉ có thể thực hiện được khi người Linh mục thực sự thắt chặt mối dây yêu thương với Đấng mà mình là hiện thân. Bởi như đã nói, chỉ có tình yêu mới mang lại sự sống, vì thế, để có sự sống của Chúa thực sự tuôn trào, người Linh mục phải thực sự thể hiện một tình yêu nồng cháy với Đấng mà mình là hiện thân, một tình yêu của vị hôn thê dành cho Đức Lang Quân. Đó chính là một tình yêu trao ban mà không có một điều kiện nào đi kèm. Tình yêu đó được khuôn đúc từ một tình yêu tự trao ban cho nhau trong chính đời sống nội tại của Thiên Chúa Ba Ngôi, tình yêu tự hiến của Chúa Kitô dành cho Giáo Hội. Chỉ có tình yêu hiến trao như thế, người Linh mục mới có thể trở thành hiện thân của Chúa Kitô, và chiếm hữu được sự sống thần linh của Người, để từ đó, nơi chính bản thân Linh mục người ta có thể tìm thấy sự sống. Đó là cách thế làm cho người Linh mục được là “tác nhân dự phần” vào việc làm nẩy sinh sự sống nơi chính bản thân người Linh mục.

Tình yêu tự hiến cho Đấng mà mình là hiện thân là linh đạo của đời sống Linh mục. Đó chính là phương cách làm cho đời Linh mục thực sự trở thành Thánh Thể, để nhờ đó trở thành  “tác nhân dự phần”  vào việc làm nẩy sinh sự sống. Khi đọc “này là Mình Thầy”, và “này là Máu Thầy” Linh mục không là lập lại một cách máy móc, khô cứng những lời của Chúa tại buổi Tiệc ly, nhưng còn phải hiểu đây là một hành động chịu đóng đinh, chịu đâm thủng của người Linh mục, là hành động của một tình yêu tự hiến cho người mình yêu. Với hành động đó, người Linh mục thân thưa: “Lạy Chúa Giêsu trong Thánh lễ con đang cử hành đây, Chúa không còn cô đơn. Trên Thập giá chỉ có một mình Chúa. Nhưng trong Thánh lễ này con ở với Chúa. Trên Thập giá Chúa tự hiến cho Chúa Cha. Trong Thánh lễ, Chúa vẫn còn tự hiến đó, nhưng có thêm con tự hiến với Chúa”[6]. Điều đó chỉ có thể xảy ra khi người Linh mục gắn bó mật thiết với Chúa Kitô qua một đời sống thánh thiện, để có thể nói như thánh Tông Đồ rằng: “Dù tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà thực ra Chúa Kitô sống trong tôi” (Gal 2, 20).

Như là “tác nhân dự phần” vào việc làm nẩy sinh sự sống, Giáo Hội thiết tha khuyên nhủ các Linh mục dâng lễ mỗi ngày. Đức Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh mối tương quan đặc biệt giữa bí tích Thánh Thể và chức Linh mục thừa tác: “Nếu Thánh thể là trung tâm và chóp đỉnh của đời sống Giáo Hội, nó cũng như thế đối với tác vụ Linh mục... Thánh thể là ‘lẽ sống chính yếu và trung tâm của bí tích Truyền chức được khai sinh thực sự ngay từ lúc thiết lập Bí tích Thánh Thể và cùng với Thánh Thể’ (Tông thư Dominicae Cenae, 24-2-1980, số 2)”[7]. Trong mối tương quan này, Đức Bênêđictô XVI đã nhìn thấy Thánh Thể là nền tảng linh đạo Linh mục, hay nói cách khác: linh đạo Linh mục tự bản chất là Thánh Thể[8]. Vì thế, ngài nhắn nhủ các Linh mục phải làm cho cuộc sống của mình rập theo khuôn mẫu Thánh Thể, để từ đó “người Linh mục bước vào trong sự hiệp thông sâu thẳm hơn với Chúa và sẽ giúp người Linh mục sẵn sàng để mình bị chiếm hữu bởi tình yêu của Thiên Chúa, và trở nên chứng nhân của Ngài trong mọi hoàn cảnh, ngay cả trong lúc khó khăn hay u tối”[9]. Bởi đó, một lần nữa, Đức Bênêđictô XVI nhắc nhở các Linh mục điều mà Công đồng Vat. II đã nói trong sắc lệnh “chức vụ và đời sống Linh mục” (PO số 13), đó là: “các Linh mục hãy cử hành Thánh lễ mỗi ngày, dù khi không có tín hữu tham dự”[10].

 

2- Như người của Thánh Thể, Linh mục trao ban sự sống

Mục đích của Bí tích Thánh Thể chính là trao ban sự sống: “Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì được sống muôn đời” (Ga 6, 54). Vì vậy, Thánh Thể là quà tặng sự sống cao quí mà Thiên Chúa dành để cho con người. Đây là quà tặng phát xuất từ một tình yêu hiến dâng: Này là Mình Ta, hãy cầm lấy mà ăn; này là Máu Ta, hãy cầm lấy mà uống” (Mt 26, 26. 27).

Việc ăn Thịt và uống Máu Chúa, dẫn đưa người thông hiệp Thánh Thể bước vào một sự sống viên toàn. Điều này có nghĩa: sự sống không còn mang tính cá nhân, một sự sống cụ thể riêng tư cho người lãnh nhận, nhưng đây là sự sống của toàn thể thân mình Chúa Kitô, chính trong sự sống đó người nhận lãnh được kết hợp với Chúa cũng như với mọi người cùng hiệp lễ: “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (lCr 10, 17). “Việc kết hợp với Đức Kitô cũng đồng thời là một sự kết hợp với những kẻ khác, với những người mà Chúa tự hiến cho. Tôi không thể dành riêng Đức Kitô cho một mình tôi, tôi chỉ có thể thuộc về Người trong cộng đoàn cùng với những ai đã thuộc về Người hay sẽ thuộc về Người. Sự hiệp lễ kéo tôi ra khỏi bản thân để đến với Người và đồng thời đi vào sự hợp nhất với tất cả mọi người Kitô hữu. Chúng ta trở thành ‘một thân thể’, một sự hiện hữu tan biến vào trong nhau. Tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân đã thực sự kết hợp lại với nhau”[11]. Như vậy, sự sống mới nhận được từ Thánh Thể làm cho người nhận lãnh hòa tan vào trong tình yêu, nguồn mạch của sự sống. Thật vậy, chính Thánh Thể dệt nên đời sống tỏa ngát yêu thương.

Người Linh mục khi trao ban Mình và Máu Chúa Kitô, không là trao ban thân mình Chúa Kitô lịch sử, nhưng là trao ban Chúa Kitô nhập thể, chết và sống lại. Tức là trao ban một hiện thực tình yêu của Thiên Chúa, động lực làm nảy sinh sự sống. Cái hiện thực tình yêu của Thiên Chúa đó, giờ đây được người Linh mục thể hiện như là hiện thân, nhờ đó sự sống được tiếp tục tuôn tràn. Vì vậy, như là “tác nhân dự phần” vào việc làm nẩy sinh sự sống, khi trao ban Thánh Thể, người Linh mục trao ban nguồn mạch tình yêu mà trong đó có sự dự phần của mình.

Thật vậy, khi dâng Hy tế Thánh Thể, người Linh mục không đơn thuần là dâng Hy tế Thập Giá của Chúa Giêsu, nhưng còn là hiến dâng chính thân mình, bởi người hiện thân của Chúa Giêsu không thể tách rời khỏi Người. Đức Hồng y Fulton Sheen đã có lý khi đưa ra nhận định: “Khi truyền phép chúng ta treo Chúa lên Thập giá, lẽ nào chúng ta chỉ dự như là khán giả trước một thảm kịch, mà lý ra chúng ta được chỉ định đóng vai chính ?”[12]. Do đó, lời biến thể hóa bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa Giêsu cũng là lời biến thể hóa cuộc đời Linh mục trở thành dấu chỉ của việc trao ban sự sống Thánh Thể. Là dấu chỉ, người Linh mục không làm nhiệm vụ chuyển trao cách thụ động, nhưng trong sự chuyển trao này có máu thịt của người Linh mục, máu thịt được đúc kết bởi một tình yêu hiến dâng cho Giáo Hội, Hôn thê của Chúa. Bởi, khi dâng Hy tế Thánh Thể, người Linh mục không cử hành nhân danh chính mình, nhưng nhân danh Chúa Kitô mà người Linh mục là hiện thân. Cho nên Hy Tế này cũng là Hy tế của người Linh mục dành cho Giáo Hội. Đức Bênêđictô XVI cũng đã nói: “Việc đứng trước tôn nhan Thiên Chúa bây giờ, nhờ thông phần vào hy lễ của Đức Giêsu, thông phần vào Mình Máu Người, trở thành sự kết hợp” kỳ diệu giữa Chúa Kitô và người Linh mục, cũng giữa người Linh mục với Giáo Hội.[13]

Hy Tế Thánh Thể cũng là Hy Tế của đời Linh mục, một Hy Tế được hiến dâng cho Hiền Thê Chúa Kitô xuất phát từ một tình yêu trao ban trọn vẹn. Thật vậy, như là hiện thân của Chúa Kitô, người Linh mục đính kết với Giáo Hội trong một tình yêu chung thủy sắt son. Chính trong tình yêu này, người Linh mục kiến tạo một sự hợp nhất không phân chia giữa con người Linh mục và Giáo Hội, để có thể thốt lên: “Này là Mình Thầy”.“Mình Thầy” đó không chỉ là Mình của Chúa Kitô trong chiều kích cá nhân, nhưng đó còn là Mình của Chúa Kitô trong phạm trù thông hiệp mà Thánh Phaolô đã trình bày: “Vì tất cả chúng ta được tẩy rửa trong một Chúa Thánh Thần để nên một thân thể” (1 Cor 12, 13). Thân thể đó có Chúa Giêsu là Đầu (x. LG, số 7). Thánh Augustinô đã nhìn thấy Mình Chúa Kitô trong sự hiệp thông này, ngài nói:  “Nếu anh chị em muốn hiểu ‘Mình Đức Kitô’, vậy hãy nghe những điều mà Thánh Tông đồ đã nói với các tín hữu: ‘anh chị em là Mình của Đức Kitô…’, Nếu anh chị em là Mình của Đức Kitô…, thì Mầu nhiệm của anh chị em - Mầu nhiệm đặt trên bàn thờ-, được anh chị em đón nhận, đó chính là Mầu nhiệm của anh chị em. Đối với điều anh chị em là, anh chị em thưa: ‘Amen’… Khi anh chị em nghe: ‘Mình thánh Chúa Kitô’ và anh chị em đáp lại: ‘Amen’. Là chi thể của Thân thể Đức Kitô, khi  đáp trả ‘Amen’, anh chị em khẳng định đúng như vậy”[14]. Là hiện thân của Chúa Kitô Người Linh mục sống và dấn thân cho sự thông hiệp này, bằng chính cuộc đời hiến dâng trọn vẹn cho Giáo Hội.

Vì sự hiến dâng này, người Linh mục được mời gọi nỗ lực theo đuổi sự hoàn thiện mà Tin Mừng đã mời gọi: “Các con hãy nên hoàn thiện như Cha các con là Đấng Hoàn Thiện” (Mt 5, 8). Thật vậy, như là hiện thân của Chúa Kitô, “mỗi Linh mục cũng nhận được những ơn riêng để trong khi phục vụ dân được trao phó cho ngài và phục vụ toàn thể Dân Chúa, ngài có thể dễ dàng theo đuổi sự hoàn thiện của đời sống của Đấng mà mình là hiện thân, và để sự yếu đuối của xác thịt loài người được lành mạnh nhờ sự thánh thiện của Đấng vì chúng ta đã trở nên Linh mục Thượng Phẩm ‘thánh thiện, trong sạch, vô tội, tách biệt khỏi kẻ có tội’ (Dt 7, 26)”  (PO, số 12). Vì thế, để có thể mang lại một sự sống động cho Thân Mình của Chúa Kitô, người Linh mục được đòi hỏi phải “dùng mọi phương tiện thích hợp mà Giáo Hội ban cho để luôn luôn nỗ lực tiến cao hơn trên đường thánh thiện nhờ đó các ngài trở nên những khí cụ ngày càng thích hợp hơn cho việc phục vụ toàn thể Dân Chúa.” (PO số 12).

Sự thánh thiện của người Linh mục như là chất xúc tác giúp sự sống thực sự đươc nẩy sinh cách dồi dào nơi người tín hữu. Vì vậy, sự thánh thiện không chỉ là những hành vi gói gọn trong đời sống tu đức, như là đồ trang sức mang đặc tính riêng tư cá nhân của người Linh mục, nhưng sự thánh thiện đó phải còn là “linh dược thiên liêng cho Dân Chúa”[15], được hình thành từ kiến thức của người Linh mục. Kiến thức đó là kiến thức thánh thiện “vì nó phát xuất từ nguồn mạch thánh và quy hướng về cùng đích thánh” (PO, số 19). Vì vậy, “kiến thức đó trước hết rút ra từ việc suy gẫm Sách Thánh, nhưng nó cũng được nuôi dưỡng hữu hiệu bằng việc nghiên cứu những tài liệu của các Giáo phụ, các Thánh Tiến Sĩ và các tài liệu khác của Thánh Truyền. Ngoài ra, để trả lời thỏa đáng những vấn đề do con người thời nay nêu lên, các Linh mục phải hiểu biết cho thấu đáo tài liệu của Huấn quyền Giáo Hội, nhất là của các Công Đồng và của các Đức Giáo Hoàng, cũng như phải tham khảo những tác giả thần học thời danh nhất và đã được thừa nhận”.(PO, số 19).

Do đó, việc trao ban sự sống của người Linh mục được thể hiện cách sống động trong một tình yêu hiến thân trọn vẹn, được biểu lộ qua những hành vi của người mục tử nhân lành dấn thân cho đàn chiên. Người Linh mục được chọn gọi vì sự sống của đàn chiên Chúa. Như người mục tử tốt lành, người Linh mục không quá quan tâm lo lắng cho chính bản thân mình, nhưng ưu tiên hàng đầu là sự sống của đàn chiên. Vì vậy, người Linh mục không bao giờ nghĩ đến kéo xén lông, nghĩ đến dao mổ thịt chiên, nhưng chỉ nghĩ làm sao cho đàn chiên được sống và được sống dồi dào. Cho nên, người Linh mục không ngần ngại dấn thân cho đàn chiên, không sao lãng trong việc ban phát các bí tích và rao giảng Lời Chúa. Bí tích Thánh Thể được cử hành với trọn vẹn cuộc sống của người mục tử hiến thân cho đàn chiên, chứ không làm một cách máy móc, vô hồn.

Như là mục tử nhân lành, người Linh mục không bao giờ chán nản, bỏ cuộc trong việc thi thành nhiệm vụ phục vụ của mình, và cũng không bao giờ tự thỏa mãn với những công việc mình đã thực hiện. Sự hiến thân cho đàn chiên luôn mời gọi người Linh mục khám phá liên tục, không ngơi nghỉ những phương thế hữu hiệu cho sự sống của đàn chiên. Lời yêu thương cứu độ được tỏ bày phù hợp với tâm thức của thời đại luôn là đối tượng của việc khám phá này. Đây không là chuyện đơn giản, nhưng là công việc đòi nhiều hy sinh, nhiều khi đổ cả máu đào. Thật vậy, việc khám phá ra tâm thức của thời đại hôm nay để chuyển tải tình yêu cứu độ đòi hỏi người Linh mục phải như Đức Kitô: sẵn sàng mất mạng sống mình vì đàn chiên. Tình yêu này được biểu tỏ rõ nét trong Bí tích Thánh Thể. Là người của Thánh Thể, người Linh mục tiếp tục biểu tỏ tình yêu Thánh Thể trong thế giới, để nhân loại tiếp tục nhận được sự sống dồi dào phong nhiêu. (Còn tiếp)

 

Lm. Antôn Hà Văn Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn