1
19:29 +07 Thứ bảy, 27/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 173

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 172


Hôm nayHôm nay : 28257

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 332379

Tổng cộngTổng cộng : 27886663

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » CẨM NANG TUẦN THÁNH

Mẫu giờ chầu thứ Năm Tuần Thánh & hưởng Ơn toàn xá

Thứ ba - 12/04/2022 08:59-Đã xem: 1495
Lạy Chúa, xin cho con bước đi với Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài, Thập giá trên đường đời con đi. Lạy Chúa, xin cho con đóng đinh với Ngài, xin cho con cùng chết với Ngài, để được sống với Ngài vinh quang..
Mẫu giờ chầu Tuần Thánh

Mẫu giờ chầu Tuần Thánh

 
MẪU CÁC GIỜ CHẦU CANH THỨC
TỐI THỨ NĂM TUẦN THÁNH

__________________________________________
 
“Trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: Đây là Mình Thầy, hiến dâng vì anh em; anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”…Người cầm lấy chén rượu và nói: “Chén này là Giao Ước Mới, lập bằng Máu Thầy; mỗi khi uống, anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (1Cr 11, 24-25)

Mẫu I
 
 I. KHAI MẠC
Người dẫn đọc :

Lạy Chúa Giêsu, trước Thánh Thể Chúa, giờ đây, chúng con hồi tưởng lại trong bữa tiệc Vượt Qua năm xưa, vì xót thương nhân loại cho đến tận cùng, Chúa đã ban Mình và Máu cho các môn đệ, để ở với họ “mãi mãi, cho đến tận thế” (Mt 8,20). Chúa đã giữ lời hứa ấy, và giờ phút này, chúng con thấy Chúa đang ở đây với chúng con. Chúng con chiêm ngắm Chúa, trước sự hiện diện của Chúa. Chúng con thờ lạy Chúa. Chúng con yêu mến Chúa. Xin Chúa ban thêm đức tin và kiện toàn lòng tin cho chúng con, để chúng con luôn luôn xác tín rằng : Tấm Bánh vừa được truyền phép đặt trước mặt chúng con nói về quyền năng vô cùng của tình yêu được bộc lộ trên Thánh Giá vinh hiển. Bánh Thánh nói cho chúng con về sự hạ mình khó tin của Đấng đã biến mình, chấp nhận mất tất cả hầu chiếm được chúng con cho Chúa Cha. Mỗi khi tham dự bàn tiệc Mình và Máu Chúa là chúng con đón nhận chính Chúa.

Lạy Thiên Chúa Tình Yêu, Đấng Giàu Lòng Thương Xót, chậm bất bình và rất mực khoan dung (x.Tv 103,8), xin lấy tình xót thương mà ôm tất cả nhân loại chúng con giờ đây đang thờ lạy Chúa, trong tình yêu vô biên của Chúa. Tình yêu vĩnh cửu mà Chúa Cha dành cho Chúa, cũng như chính Chúa dành cho Chúa Cha, tình yêu của Chúa Cha và Chúa đối với Chúa Thánh Thần, và tình yêu của Chúa Thánh Thần đối với Chúa Cha và Chúa.
Lạy Mẹ Maria, Trinh Nữ Rất Thánh, Mẹ của Lòng Thương Xót, Đấng đầu thai Vô Nhiễm, từ hơn hai ngàn năm nay, đã chấp nhận, hiến dâng mọi sự, hiến dâng thân xác Mẹ hầu rước lấy thân xác Đấng Sáng Tạo, xin giúp chúng con chiêm ngưỡng, xin giúp chúng con thờ lạy và yêu mến, Đấng đã yêu thương chúng con dường ấy, hầu chúng con được sống đời đời với Người.

* Hát bài : Đây Phép Nhiệm Mầu Thờ lạy Chúa, thờ lạy Chúa

II. LỜI CHÚA VÀ SUY NIỆM
* Công bố lời Chúa - (Người dẫn mời mọi người ngồi)

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô (1Cr 11, 23-26)  
Anh em thân mến, phần tôi, tôi đã lãnh nhận nơi Chúa điều mà tôi đã truyền lại cho anh em, là Chúa Giêsu trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: “Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén, và phán: “Chén này là Tân ước trong Máu Ta; mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Vì mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến".
Ðó là lời Chúa.

* Cầu nguyện 
(Người dẫn mời mọi người ngồi rồi đọc với tâm tình cầu nguyện)
Lạy Chúa Giêsu, thật chúng con không thể hiểu nổi, Chúa đã yêu thương nhân loại chúng con biết là chừng nào. Chúa đã yêu chúng con bằng một tình yêu trao ban, hy sinh và tận hiến. Khi lập Phép Thánh Thể, Chúa hiến chính thân mình làm lượng thực nuôi dưỡng chúng con, ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế. Không những thế, Chúa còn cho chúng con tham dự vào sự sống của chính Chúa khi rước Mình và Máu Thánh Chúa, để được sống đời đời.

Khi nói với các Tông Đồ hiện diện : “Các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy” (Lc 22, 19 ;1 Cr 11, 24). Như thế là sau khi lập Bí tích Thánh Thể, Chúa cũng lập luôn Bí tích Truyền Chức Thánh.  Với lời trên, cho thấy Chúa tiếp tục yêu thương và tín nhiệm con người. Mặc dù phàm nhân bất xứng, Chúa vẫn ủy thác cho sứ mạng thay mặt Chúa hiện tại hóa Hy tế Thập giá trên bàn thờ mỗi ngày, tất cả chỉ vì tình yêu và thương xót.
Chúng con xin hết lòng cảm tạ Chúa.
Chúng con xin muôn vàn tán tạ hồng ân Chúa.
Chúng con xin hợp cùng thần thánh trên trời và mọi người dưới thế quì thờ lạy Chúa.

* Hát bài : Thờ lạy Chúa, thờ lạy Chúa
---Thinh lặng mấy phút suy ngắm-----

*Công bố lời Chúa - (Người dẫn mời mọi người đứng)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 13, 1-15).
Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng. Sau bữa ăn tối, ma quỷ gieo vào lòng Giuđa Iscariô, con Simon, ý định nộp Người. Người biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay mình, và vì Người bởi Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về cùng Thiên Chúa. Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy Người đến chỗ Simon Phêrô, ông này thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư?” Chúa Giêsu đáp: “Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu”. Phêrô thưa lại: “Không đời nào Thầy sẽ rửa chân cho con”. Chúa Giêsu bảo: “Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy”. Phêrô liền thưa: “Vậy xin Thầy hãy rửa không những chân con, mà cả tay và đầu nữa”. Chúa Giêsu nói: “Kẻ mới tắm rồi chỉ cần rửa chân, vì cả mình đã sạch. Tuy các con đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu”. Vì Người biết ai sẽ nộp Người nên mới nói: “Không phải tất cả các con đều sạch đâu”.
Sau khi đã rửa chân cho các ông, Người mặc áo lại, và khi đã trở về chỗ cũ, Người nói: “Các con có hiểu biết việc Thầy vừa làm cho các con chăng? Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật Thầy như vậy. Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con”.
Ðó là lời Chúa.

* Cầu nguyện 
(Người dẫn mời mọi người ngồi đọc với tâm tình cầu nguyện)

Lạy Chúa Giêsu, chiều nay chúng con vừa cử hành Bí tích Thánh Thể do Chúa thiết lập vào sau bữa tối cuối cùng với các Tông Đồ trong nhà Tiệc Ly, trước đêm hấp hối trong vườn Cây Dầu, để muôn đời tưởng nhớ tới sự Hiện Diện Thực Sự của Chúa giữa chúng con.

Giờ đây, chúng con đến bên Chúa trong Giờ chầu đặc biệt của tối Thứ Năm Tuần Thánh, (không mở cửa nhà Tạm, không trưng bày Thánh Thể như các giờ chầu Mình Thánh Chúa thông thường, nhưng rất đơn sơ và bình dị, để nói lên sự hiện diện của Chúa liên kết với mầu nhiệm Thánh Giá đã khai mào…), để được cảm nghiệm lòng Chúa xót thương, “yêu thương cho đến cùng” như Thánh Gioan đã thuật lại trong Bữa Tiệc Ly (Ga 13,1). Chúng con cũng muốn được ở bên Chúa như ba người môn đệ thân tín đã được Chúa kêu mời đi vào vườn Cây Dầu, cùng Chúa canh thức để đón nhận thánh ý Chúa Cha (Mt 26,36) mà vâng phục cho nỗi bằng lòng chịu chết (Pl 2,8 ; x. Dt 5,8).

Lạy Chúa, dù con người chúng con vốn yếu đuối, nhưng cũng xin Chúa ban thêm sức mạnh, để chúng con được cùng Chúa sống những giờ phút cuối cuộc đời dương thế của Chúa, biết cùng Chúa sống mầu nhiệm vượt qua trong những ngày cực thánh này…

Thánh Gioan gợi lên trong chúng con nhớ lại : “Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1-2). Thật kinh ngạc, kinh ngạc đến lạ thường về tình yêu của Chúa dành cho các môn đệ. Cũng như các môn đệ, Chúa đã yêu thương chúng con đến nỗi không có ngòi bút nào trên trần gian này có thể diễn tả hoặc viết ra hết được tình yêu thương ấy, trong những ngày cuối cùng của “kiếp người” lầm than và cay đắng. Vì yêu, Chúa Giêsu đã lập Bí tích Thánh Thể, lấy chính Thịt Máu Mình làm của ăn của uống nuôi dưỡng chúng con. Để tiếp tục yêu thương và tha thứ cho con người lầm lạc tội lỗi chúng con. Và cũng chính hôm nay, Chúa còn truyền dạy chúng ta phải yêu thương nhau như Chúa đã yêu.

Lạy Chúa, tưởng niệm việc Chúa thiết lập Giao Ước mới trong Mình và Máu Thánh Chúa. Việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể chức Tư Tế và trao giới răn mới như trăn trối cuối cùng của Chúa trước khi từ giã trần gian. Chúa đã yêu mến các kẻ thuộc về mình còn ở trong thế gian. Chúa đã yêu thương họ đến cùng. Tình yêu được diễn tả bằng việc rửa chân môn đệ.

Tình yêu phải như vết dầu loang lan tỏa tới khắp cả mọi người. Tình yêu càng rộng, cuộc chiến thắng của Chúa càng mau tới giai đoạn hoàn tất.
Khi rửa chân cho các môn đệ xong, một lần nữa, Chúa mời gọi chúng con: “Thầy đã làm gương cho các con, để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con” (Ga 13,15). Bằng cách này, Chúa thiết lập một sự liên kết thân mật giữa Bí tích Thánh Thể, bí tích của quà tặng hy sinh và huấn lệnh yêu thương.

Ai tham dự bàn tiệc của Chúa thì người đó không thể tách rời khỏi bổn phận yêu thương anh chị. Mỗi lần chúng con tham dự bàn tiệc Thánh Thể, chúng con cũng thưa “Amen” trước Mình và Máu Thánh Chúa, như thế chúng con cam kết thực hiện điều Chúa đã làm, là “rửa chân” cho anh chị em, trở nên một hình ảnh thực sự và tỏ tường của Ðấng “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ” (Phil 2,7).

Tình yêu là di sản cao quý nhất mà Chúa để lại cho những ai được Chúa kêu gọi bước theo. Chính tình yêu của Chúa, được chia sẻ bởi các môn đệ, là điều được ban tặng cho tất cả nhân loại trong buổi chiều nay.

Thánh Thể là một ban tặng cao cả, nhưng cũng là một trách nhiệm lớn lao cho những ai tiếp nhận. Ðứng trước Phêrô, người đã từ chối không chịu để được rửa chân, Chúa đã nhấn mạnh đến nhu cầu phải nên thanh sạch để có thể dự phần vào bàn tiệc Thánh Thể.

Nghi thức rửa chân nói lên sự khiêm tốn của mình đối với người khác, nhìn nhận rằng mình là người có tội, nếu có điều gì là do tôi chứ không phải do anh em, tha nhân thật sự là anh em của tôi. Bác ái không phải là chối từ việc người khác không có lỗi, nếu lỗi là có lỗi với Chúa. “Rửa chân cho nhau” chứ không phải rửa chân cho người trên hay cho người dưới, tất cả đều là tha thứ, yêu thương và giúp đỡ nhau.

Lạy Chúa Giêsu, hiện thân của Lòng Thương Xót, trong ngôi vị Thiên Chúa, nhưng Chúa đã trở nên thấp hèn để cảm thông, chia sẻ với chúng con. Còn chúng con cùng trong thân phận làm người như nhau, đáng lẽ chúng con phải biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Nhưng chúng con thường để cho ganh ghét, hận thù thắng thế. Ðiều răn mới Chúa truyền cho chúng con: hãy yêu thương. Xin cho chúng con mau mắn thi hành điều Chúa truyền trong gia đình, trong xóm đạo, nơi công sở... của chúng con. Ước gì Nước Tình Yêu Chúa mau hiển trị. Amen.

* Hát bài : Thầy là Cây Nho

* Cầu nguyện xướng đáp (Người dẫn mời mọi người quì)

Người xướng: Lạy Chúa, giữa một nền văn hóa bị tục hóa, ích kỷ và hưởng thụ; một nền văn hóa đưa con người đến văn minh của sự chết, một nền văn hóa thiếu vắng tình yêu thương, hiến thân và lòng quảng đại. Xin Chúa cho chúng con biết thực hành Lời Chúa dạy, ngõ hầu chúng con biểu lộ và làm chứng về một Thiên Chúa tình yêu, giàu lòng thương xót nhân loại.

Mọi người đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con
Lạy Chúa xin tha thứ cho chúng con vì chúng con chưa nỗ lực hết sức mình để làm chứng về sự hiện diện của Chúa trong thế giới. Những việc bác ái của chúng con đôi khi còn để cho người ta thấy chứ không phải làm sáng Danh Chúa.

Mọi người đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con

Mọi người cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ của Thầy là các con yêu thương nhau. Xin Chúa giúp chúng con biết bỏ đi những gì gây xáo trộn, mất đoàn kết, làm rạn nứt tình tương thân tương ái cộng đoàn. Để chúng con bày tỏ lòng yêu mến Chúa, bằng việc yêu thương giúp đỡ mọi người, nhờ đó, họ sẽ nhận biết chúng con là môn đệ Chúa.

Mọi người đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con

Người xướng: Lạy Chúa, chúng con hết lòng thành kính cám ơn Chúa về tất cả những gì Chúa đã làm cho chúng con trong Bữa Tiệc Ly. Được Mình Máu Thánh Chúa dưỡng nuôi quả là niềm hạnh phúc tuyệt vời. Xin thương xót chúng con. Xin thay đổi trái tim nguội lạnh của chúng con. Xin khơi dậy trong chúng con tâm tình yêu thương, hy vọng và dâng hiến. Xin giúp chúng con kiên tâm suy niệm tình thương Chúa, để tâm hồn chúng con dào dạt ân tình Chúa. Lạy Chúa, ơn thánh Chúa làm được tất cả.

Mọi người đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con
 
St.
_______________
 
Mẫu II
CHẦU THÁNH THỂ TỐI THỨ NĂM TUẦN THÁNH
(SAU THÁNH LỄ TIỆC LY)
 
 (Khi đã kiệu Mình Thánh sang bàn thờ phụ, Mọi người ổn định, thinh lặng và ngồi. Người dẫn ý bắt đầu giờ chầu bằng lời dẫn ý)

KHAI MẠC:
Kính thưa cộng đoàn,
Còn gì hạnh phúc và sung sướng cho bằng ngay trong giờ phút linh thiêng, mầu nhiệm này, chúng ta được ở bên Chúa trước sự hiện diện của Bí tích Tình Yêu mà Chúa Giêsu đã thiết lập khi xưa trong bữa Tiệc Ly, để ở lại với con cái loài người cách trọn vẹn cả nhân tính và Thiên tính của Ngài... Tình yêu đó còn được biểu lộ qua việc thiết lập Bí tích Truyền Chức và Giới Luật yêu thương.

Giờ đây, chúng ta sẽ cùng nhau xin ơn Chúa trợ giúp, soi sáng, để mỗi người hiểu và cảm nghiệm sâu xa hơn về Lòng Xót Thương phát xuất từ cung lòng của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu, để qua đó, mỗi người sẽ không ngừng tôn thờ, tin tưởng, phó thác và loan truyền lòng thương xót của Thiên Chúa cho anh chị em chung quanh.


 
PHẦN I - CHỦ ĐỀ:
 
“BÍ TÍCH THÁNH THỂ 
LÀ BẢO CHỨNG LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA”

(Người hướng dẫn mời gọi cộng đoàn đứng lắng nghe Lời Chúa)
 
1. LỜI CHÚA:
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô
Anh em thân mến, phần tôi, tôi đã lãnh nhận nơi Chúa điều mà tôi đã truyền lại cho anh em, là Chúa Giêsu trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: "Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta". Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén và phán: "Chén này là Tân Ước trong Máu Ta; mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta". Vì mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến.
Ðó là lời Chúa.

2. SUY NIỆM: 
(Người hướng dẫn mời cộng đoàn ngồi)

Kính thưa cộng đoàn,
Bằng rầy năm xưa, trong bữa tối sau hết, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể, Thiên chức linh mục, ban Giới Luật yêu thương và khởi đầu cuộc khổ nạn nhằm cứu chuộc nhân loại.

Thế nên: Tâm tình đầu tiên chúng ta cần có trong giờ phút này, đó là: tâm tình tôn thờ Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, vì đây là mầu nhiệm cả thể, vĩ đại, mà Thiên Chúa trao tặng cho con người cách sung mãn và nhưng không do lòng thương xót của Người. Nhờ Bí tích cực trọng này, Chúa Giêsu tiếp tục ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế, để an ủi, nâng đỡ, ban sức mạnh và trở thành lương thực cho chúng ta trên hành trình tiến về quê Trời.

Vì vậy, cùng với muôn loài trên trời dưới đất, chúng ta sấp mình thờ lạy Chúa.

(Cộng đoàn cúi mình sâu thờ lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, sau đó thinh thặng giây lát).
Tâm tình thứ hai chính là tâm tình tạ ơn Chúa. Nhờ Bí tích cao trọng này, chúng ta nhận ra Chúa Giêsu vừa là Con Thiên Chúa, vừa là Thiên Chúa làm người và là Đấng Cứu Chuộc.

Vì thế, trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu yêu thương chúng ta bằng tình yêu của chính Thiên Chúa qua trái tim loài người nơi bản tính nhân loại của Ngài. Vì thế, Ngài không chỉ yêu cách phổ quát hết mọi người, mà mỗi người chúng ta đều có chỗ trong trái tim của Ngài, nơi trung tâm phát xuất tình yêu.

Nhờ Bí tích này, Chúa Giêsu tiếp tục đồng hành với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế, như xưa Thiên Chúa đã đồng hành và hướng dẫn dân Dothái suốt 40 năm trường trong sa mạc.

Giờ đây, trong thinh lặng thẳm sâu, mỗi người chúng ta hãy hướng về Chúa Giêsu đang hiện diện nơi nhà tạm và thầm thĩ nói với Ngài rằng: “Lạy Chúa Giêsu, con tôn thờ Chúa; con yêu mến Chúa; con cảm tạ Chúa”. rồi sau đó, trong thinh lặng nội tâm sâu xa, ta hãy nhắm mắt lại, để cảm nghiệm Chúa đang nhìn ta bằng ánh mắt trìu mến, Ngài yêu thương ta bằng trái tim của người mẹ; bằng sự bao bọc của người cha, bằng tình nghĩa của người bạn...

(Thinh lặng cầu nguyện riêng)

3. LỜI NGUYỆN CHUNG: 
(Người hướng dẫn mời cộng đoàn quỳ)
Chủ sự: (Có thể là linh mục hay thày phó tế hoặc một người khác... xướng các ý nguyện)

Xướng 1:
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, trước hồng ân lớn lao mà Chúa dành cho chúng con nơi Bí tích cực Thánh này, chúng con xin tôn thờ, cảm tạ và yêu mến Chúa. Xin Chúa ban cho mỗi người chúng con biết thành tâm, siêng năng chạy đến với Chúa nơi Bí tích cực trọng này, ngõ hầu kín múc nguồn mạch ân sủng của Lòng Thương Xót Chúa, để nuôi sống linh hồn chúng con.

Xướng: Chúng con cầu xin Chúa.
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con.

Xướng 2:
Lạy Chúa Giêsu, nơi Bí tích Thánh Thể, Chúa muốn mạc khải về tình yêu bao la của Chúa dành cho chúng con. Xin Chúa ban cho chúng con cũng biết noi gương Chúa, để bẻ cuộc đời của mình ra như Tấm Bánh Thánh, qua những hy sinh sẻ chia hằng ngày, để như một nghĩa cử tình yêu dành cho những ai đang cần đến sự nâng đỡ của chúng con.

Xướng: Chúng con cầu xin Chúa.
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con.

Xướng 3:
Lạy Chúa Giêsu, nhờ Bí tích Thánh Thể, mà chúng con được can đảm, vững bước chiến đấu với ba thù và trung thành với Chúa trong hành trình tiến về quê Trời. Xin Chúa  luôn ở bên chúng con, để chúng con sẵn sàng đứng dậy sau những lần vấp ngã. Và, xin Chúa cho chúng con cũng biết nâng đỡ những anh chị em đang buồn chán, yếu đuối và thất vọng trên đường đời.

Xướng: Chúng con cầu xin Chúa.
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con.

4. HÁT MỘT BÀI VỀ BÍ TÍCH THÁNH TH (Cộng đoàn đứng).

5. ĐỌC KINH
“THỜ LẠY CHÚA GIÊSU NGỰ TRONG PHÉP MÌNH THÁNH” (Cộng đoàn quỳ).

Lạy Chúa Giêsu ẩn mình trong phép Bí tích mến yêu, chúng con thờ  lạy Chúa. Chúa ngự đây để an ủi chúng con đang sống ở thế gian này.
Chúng con xin dâng mình chúng con cho Chúa, chúng con muốn thuộc trọn về Chúa và nên thánh thiện như ý Chúa muốn.

Chúng con cám ơn Chúa, vì hằng ngày chúng con được chầu Mình Thánh Chúa, và được rước Chúa vào linh hồn chúng con. Xin Chúa tha thứ hết mọi tội lỗi chúng con đã phạm đến phép Mình Thánh.

Chúng con xin hứa, sẽ cổ động cho nhiều người tôn sùng Chúa ngự trong phép Mình Thánh, và siêng năng rước lễ.

Lạy Chúa Giêsu đang ngự trong phép Mình Thánh, chúng con thờ lạy Chúa, chúng con giang mình cho Chúa, xin Chúa chúc phúc cho chúng con và gia đình chúng con. Amen.
_______________________

 
Chầu Thánh Thể Thứ Năm Tuần Thánh
(dành cho Giới trẻ)
 

Mở đầu: Hát   ĐÂY LÒNG CHÚA ÁI TUẤT
 
Đây lòng chúa ái tuất không bến bờ, thương loài nhân thế đang vướng tội nhơ. Đem trót máu thịt nuôi dưỡng xác hồn. Ngày đêm ban xuống cho muôn ngàn ơn.

ĐK:  Con xin kính tin sấp mình thờ lạy Chúa, và dâng tiến lên niềm yêu mến trung thành. Từ nay con quyết sống tình yêu Chúa, ở nơi thế gian và trên chốn Thiên Đình.

NHD: Kính lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
     
Sau một ngày làm việc – học tập căng thẳng và mệt mỏi. Giờ phút này đây, trong khi có nhiều bạn trẻ đang ngồi trước màn hình điện thoại- máy tính, để thưởng thức những kênh truyền hình, phim ảnh, hoặc lang thang trên các trang mạng xã hội đang thịnh hành… Nhiều bạn trẻ khác lại đang tụ tập bạn bè ở nơi quán xá có tiếng nhạc rộn ràng náo nhiệt… Và cũng có nhiều bạn đang xum họp bên gia đình với ông bà cha mẹ- anh chị em, cùng kể cho nhau nghe những câu chuyện vui buồn của một ngày đã qua… Phần chúng con, chúng con cũng đang ở nhà, nhưng đó chính là nhà của Chúa.

Trong giờ phút thiêng liêng của buổi chiều Thứ Năm Tuần Thánh, bỏ qua những cuộc vui ồn ào bên ngoài, chúng con tụ họp về ngôi thánh đường thân yêu này, để chiêm ngắm Thánh Thể Chúa, đang khiêm nhường ẩn thân nơi nhà tạm đơn sơ nhỏ bé.

Giờ này năm xưa, Chúa đang ở trong vườn Cây Dầu, đang trải qua nỗi cô đơn, sợ hãi, đau khổ tột cùng… chúng con biết Chúa đang chiến đấu giữa sự sống và cái chết, giữa ý muốn của Thiên Chúa và sự yếu đuối của thân phận làm con người. Trong giờ phút bi thương ấy, Chúa cũng hết sức cần đến bạn hữu. Nhưng tiếc thay! Lúc Chúa cần đến tình bạn nhất, thì các tông đồ lại vô tâm nhất, các ông vẫn vùi mình trong giấc ngủ, mặc dù Chúa hết lời nài nỉ: “Anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao?”. Không được cảm thông bởi những người mình yêu thương nhất, nên lại càng thêm cô đơn, sợ hãi và lo âu, theo lời thánh Luca miêu tả: “Mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc 22,44).

Hôm nay đây, giờ phút này, cùng nhau tưởng niệm lại buổi tối bi thương nhất trong kiếp làm người của Chúa, chúng con- những người trẻ của thế kỷ 21- những con người đầy bất toàn tội lỗi, nguyện xin được ở lại đồng hành, chia sẻ và cảm thông với Chúa trong giờ Chầu Thánh Thể thiêng liêng này. 
      
(Mọi người cùng đọc chậm rãi kinh Lạy Cha)

NHD: “Con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến
Phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?” (Tv 8,5)

Vì cứu độ chúng con mà Chúa đã hạ mình xuống thế làm người, dùng tình thương mà dạy bảo, cứu giúp những kiếp người lầm than đói khát, Chúa không chê người nghèo khó, cũng không xa lánh kẻ có tội, ánh mắt Chúa lúc nào cũng nhân từ hiền dịu, sẵn sàng tha thứ… Chúa hiểu và cảm thông với tha nhân, nhưng chính tha nhân lại ruồng bỏ Chúa… Một mình Chúa gánh lấy mọi tội lỗi của nhân loại, chịu xét xử bất công, bị bao khổ hình tra tấn, roi nhọn bạo tàn giày xéo thân thể, và cuối chặng đường dương thế là cái chết đau đớn, tủi nhục trên thập giá như một tội đồ, dù Chúa chẳng có tội tình chi. Tình yêu Chúa dành cho chúng con thật lớn quá! Lớn đến nỗi chúng con không thể nào hiểu thấu được…

Trước tình yêu bao la mà Chúa đã dành cho nhân loại, chúng con biết nói gì hơn…

Hát: TÌNH CHÚA CAO VỜI

ĐK. Tình yêu Chúa cao vời biết bao, nào con biết đáp đền thế nào, để cho cân xứng Chúa ơi, để cho cân xứng Chúa ơi.
1/ Ôi tình yêu thương Chúa cao vời, tình yêu thương Chúa muôn đời, Người yêu con từ ngàn xưa. Từ khi chưa có đồi non, từ khi chưa có trời cao, chưa có vầng trăng với ngàn sao. Gọi con giữa muôn muôn người, tìm con giữa nơi bùn nhơ.

2/ Ôi vì thương con Chúa quên mình, vì yêu nên hiến thân mình gọi con nên bạn tình Cha. Dù bao sóng gió hiểm nguy, dìu con trên bước đường đi, ơn Chúa ngày đêm ủ ấp con. Vì con Chúa quên thân mình, đời con dám mơ gì hơn.
 
NHD: Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, trong giờ phút thiêng liêng này, xin cho mỗi người chúng con biết mở lòng mình ra để lắng nghe tiếng Chúa, để cảm nhận được những gì Chúa muốn nói với chúng con. (Mời cộng đoàn đứng)

1/ Tin Mừng: Mt 26,30-35
Hát thánh vịnh xong, Đức Giê-su và các môn đệ ra núi Ô-liu. Bấy giờ Đức Giê-su nói với các ông: “Đêm nay tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy. Vì có lời đã chép: Ta sẽ đánh người chăn chiên, và đàn chiên sẽ tan tác. Nhưng sau khi trỗi dậy, Thầy sẽ đến Ga-li-lê trước anh em”. Ông Phê-rô liền thưa: “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã”. Đức Giê-su bảo ông: “Thầy bảo thật anh: nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần”. Ông Phê-rô lại nói: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy”. Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy.
Đó là Lời Chúa.

2/ Suy niệm: (Mời cộng đoàn ngồi)
 
Trong vườn cây Dầu Chúa Giêsu đã báo trước sự vấp ngã của các môn đệ vì Người. Nhưng Phêrô vẫn vênh vang tự phụ: “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã”. Ông còn khẳng định chắc nịch rằng: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy.”
Ba năm tình nghĩa thầy trò, ngày ngày cùng nhau đi khắp xứ Do Thái rao giàng Tin Mừng, và tận mắt chứng kiến Chúa làm nhiều phép lạ. Vậy mà chính đêm hôm ấy, cái đêm mà quân lính cầm gươm giáo gậy gộc đến bắt Chúa đi, các tông đồ đều bỏ chạy…

Phêrô với tâm trí hoảng sợ, lòng dạ rối bời, đã len lỏi trong đám đông từ xa xa để dò la tin tức về Chúa, khi bị đám đầy tớ phát hiện, Ông đã “thề độc mà quả quyết rằng: Tôi thề là không biết người ấy.” (Mt 26, 74). “Ngay lúc ông còn đang nói, thì gà liền gáy. Chúa Giêsu quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo: “Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần.” Và ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.” 

Phải chi đám binh lính cầm gươm giáo uy hiếp tra hỏi, ông khiếp sợ mà chối bỏ Chúa thì còn hiểu được. Vậy mà chỉ vài câu nói bâng quơ của mấy đứa tớ gái đã làm ông hoảng loạn, chối từ mọi mối liên hệ với người Thầy đáng kính. Cũng may là lúc đó Chúa Giêsu quay lại nhìn ông, và ông bắt được cái nhìn của Chúa. Ánh mắt Chúa thật buồn, chất chứa nỗi bi thương khi bị người môn đệ thân tín chối bỏ mình. Ánh mắt của Thầy khiến Phêrô tan nát cõi lòng, nhưng giúp ông hiểu rõ con người thật của ông, một con người hèn yếu hơn ông tưởng. Ánh mắt ấy đã làm ông bật khóc và “khóc thảm thiết”, Ông đã khóc như một đứa trẻ hối lỗi vì đã không nghe lời cha mẹ… khóc với cả nỗi ân hận và tình yêu mến Thầy Giêsu. Chính nhờ những giọt nước mắt ấy đã gột rửa tâm hồn Phêrô, tẩy xóa luôn những lời lẽ cay độc khi ông chối từ Chúa.

Còn với Giuđa Ítcariốt, cho đến phút cuối, Giuđa cũng đã nhận ra tấm lòng của Thầy mình (x. Mt 27,3-10). Ông hối hận, quăng tiền trả lại cho các thượng tế và kỳ mục, xưng thú tội công khai: “Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan.” (Mt 27,4). Nhưng điều đáng tiếc là cách hành xử của ông đã làm uổng phí những cố gắng của Chúa Giêsu. Ông đã để lỡ cơ hội, vì không thể nghĩ rằng mình còn đường để quay lại, vì không dám tin rằng mình được tha thứ, nên đã tự sát.

Trước đây, Phêrô càng coi thường lời cảnh giác của Chúa, thì giờ đây ông càng ăn năn đau đớn, một sự đau đớn không đi đến tuyệt vọng, như đã xảy ra với Giuđa, nhưng đưa ông trở về với Chúa. Chính cái nhìn trước kia của Chúa đã quyết định ơn gọi và sứ mạng của Phêrô khi gặp Ngài lần đầu tiên, thì giờ đây cũng cái nhìn đó vẫn tiếp tục đón nhận và nâng ông dậy sau cuộc chiến bại.

Cùng là môn đệ thân tín của Chúa, thế mà cả hai đều phản bội: một kẻ bán Thầy cho quân dữ, kẻ khác lại chối bỏ Thầy mình. Cuối cùng cả hai đều ân hận và đau đớn nhận ra tấm chân tình của Thầy Giêsu đáng kính, nhưng mỗi người lại chọn một con đường khác nhau để quyết định cho số phận đời mình. Còn những người trẻ chúng con trong xã hội hôm nay thì sao? (thinh lặng…)

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, lời nói và việc làm của Phêrô trong Bài Thương Khó cũng chính là hình ảnh của mỗi người chúng con hôm nay: nông nổi, yếu hèn, nhát đảm và đầy tội lỗi…

Sự nông nổi của chúng con thể hiện qua những lần hơn thua, đố kỵ với bạn bè đồng nghiệp, thích thể hiện bản thân, thích được người đời ca tụng ngợi khen, thay vì làm sáng danh Chúa hơn là làm sáng danh mình. Nông nổi trong những lần chúng con tụ tập bạn bè chơi bời nhậu nhẹt say sưa, quên cả trời đất, quên cả sự lo lắng quan tâm của ông bà cha mẹ và những người thân trong gia đình…

Chúng con yếu hèn khi chiều theo những ước muốn xấu, thích nuông chiều thân xác, sợ cái khó- tránh cái khổ, chỉ thích hưởng thụ và sống chuỗi ngày xa hoa đua đòi vật chất. Chúng con hèn yếu khi chỉ biết câm lặng và hùa theo cái xấu, không dám lên tiếng trước những bất công trong cuộc sống đời thường, và ngoảnh mặt làm ngơ, lướt qua nỗi khốn khổ của tha nhân một cách lạnh lùng vô cảm…

Có nhiều lần khi đi cùng bạn bè đồng nghiệp, chúng con đã khước từ Chúa, đã quên mất hoặc cố tình chối bỏ tuyên xưng đức tin của mình qua việc làm dấu thánh giá trước bữa ăn, hay trước những biến cố quan trọng trong đời. Chúng con hèn nhát không dám tuyên xưng mình là người Công giáo, không dám sống chứng nhân cho Chúa giữa lòng đời, sợ chúng bạn chế giễu, cười chê khi thấy chúng con quá hiền lành thánh thiện…

Lạy Chúa, là con người thì ai ai cũng đều có tội trước mặt Chúa. Dường như xã hội càng hiện đại thì tội của con người càng gia tăng- đặc biệt là những người trẻ như chúng con rất dễ dàng vấp ngã. Nhớ ngày xưa dân Israel đêm ngày ngước nhìn lên trời cao để trông mong mưa Đấng Cứu Tinh, thì thế giới ngày nay lại là một “thế giới cúi đầu”, cúi đầu để chìm đắm trong smartphone mà quên mất mọi sự xung quanh mình. Khi mà những chiếc điện thoại thông minh trở nên người bạn đồng hành thân tín, thì tâm trí chúng con chỉ ngập tràn thế giới ảo, và ngày càng xa cách với tha nhân- nhất là đối với ông bà cha mẹ… Tội lỗi nhấn chìm chúng con trong lối sống ích kỷ, kiêu căng, không màng đến những khó khăn đau khổ của anh em xung quanh mình.

Giữa guồng quay vội vã của xã hội hôm nay, đã cuốn trôi đi mất bản chất thật của mỗi con người. Chúng con đang sống chuỗi ngày giả dối, chỉ biết tìm kiếm những cuộc vui vô nghĩa, tâm hồn thì trống rỗng, mất phương hướng vì không có tình yêu Chúa để lấp đầy. Xin Chúa thứ tha muôn vàn tội lỗi, mà chúng con vì vô tình hay cố ý đã lỗi phạm đến Thánh Thể Chúa và tha nhân. Xin mở mắt tâm hồn chúng con, để chúng con có thể bắt gặp ánh mắt nhân từ- đau thương của Chúa sau mỗi lần chúng con vấp ngã, để như thánh Phêrô, chúng con quay đầu sám hối, sửa lại đời mình đúng với danh nghĩa là một người Kitô hữu đạo đức ngay lành.

Hát: QUỲ BÊN CUNG THÁNH  
(mời cộng đoàn quỳ)

Quỳ bên cung thánh đoàn con thiết tha kêu cầu Chúa. Lời kinh thấm lệ, nguyện xin Chúa thứ tha tội nhơ. Vượt qua năm tháng, tình yêu Chúa kiên trung bền vững. Ngàn muôn thế hệ cùng chung tiếng hát ca tôn thờ.

1/ Lệ sầu rưng rưng ngước nhìn lên Cha tiếng lòng thao thức. Chúa ơi, dủ thương đừng minh xét bao tội tình.

2/ Một chiều xưa kia khắp đồi Can-vê máu hồng chan chứa. Thế nhân tội nhơ được ân xá trong tình Cha.

3/ Lời nguyện:  (Mời cộng đoàn đứng)
 
NHD: Dù cho con người có vô tâm, hờ hững, thậm chí ruồng bỏ Chúa, nhưng Người vẫn một lòng yêu thương tha thứ và còn lập nên Bí tích Thánh Thể cao quý để làm của ăn thiêng liêng nuôi sống linh hồn mỗi người chúng ta. Trong tâm tình sám hối, chúng ta hãy cảm tạ tình yêu vô biên của Chúa và sốt sắng dâng lời cầu xin:

(Sau mỗi ý nguyện, cộng đoàn đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con.)

1/ Lạy Chúa, xưa thánh Gioan Vianney đã nói: “Không có gì cao trọng hơn Thánh Lễ”. Xin Mình Máu Chúa Kitô nuôi dưỡng tâm hồn các Linh mục- đặc biệt là các Linh mục trẻ, giúp các ngài luôn trung thành với những giờ soạn bài giảng, và cử hành các Bí tích cách sốt sắng, để nhờ đó mỗi người giáo dân có thể cảm nhận được lòng thương xót Chúa đang hiện diện trong các ngài.

2/ Lạy Chúa, Mình Máu của Chúa là dấu chỉ của tình yêu thương tha thứ. Xin cho Ông Bà Cha Mẹ và những người thân nơi gia đình chúng con, luôn có lòng khát khao được nhận lãnh Mình Thánh Chúa, để được Ngài ban ơn tiếp sức, can đảm đón nhận mọi khó khăn đau khổ, và tìm thấy sự bình an trong tâm hồn.

3/ Lạy Chúa Giêsu đang ngự trong tấm bánh đơn sơ nhỏ bé, xã hội ngày càng tất bật bon chen thì càng nhiều tín hữu xem nhẹ thánh lễ, hoặc đi lễ cách qua loa hời hợt. Xin cho các bạn giới trẻ luôn biết tham dự trọn vẹn thánh lễ, nhất là ý thức lắng nghe Lời Chúa, và rước lễ cách xứng đáng, để được kết hiệp nên một với Ngài.

4/ Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, tình yêu của Chúa cao vời quá làm chúng con không thể nào hiểu thấu. Xin cho mỗi người chúng con biết siêng năng đến lãnh nhận và thờ lạy Chúa đang ngự trong hình bánh, để được Ngài tha thứ mọi lỗi lầm, và thôi thúc chúng con sống dễ thương, dễ mến, sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ nhau như Chúa đã dạy.
 
NHD: Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa đã lấy Máu của mình tẩy sạch mọi vết nhơ tội lỗi nhân loại. Xin cho mỗi người chúng con biết giữ tâm hồn luôn trong sáng ngay lành, và khát khao được kết hợp mật thiết với Chúa qua phép Thánh Thể, để đời sống của mỗi người chúng con ngày càng trở nên tốt lành thánh thiện hơn. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

5/ Cầu nguyện cho người trẻ: (Cộng đoàn đọc chung)
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con một tâm hồn theo hình ảnh Tấm Bánh Thánh. Một tâm hồn trong trắng, cố tránh xa những ô uế nhỏ mọn, để luôn xứng đáng với Chúa. Một tâm hồn khiêm hạ, tìm chiếm chỗ nhỏ bé, nhưng luôn luôn muốn bày tỏ một tình yêu lớn lao. Một tâm hồn đơn sơ, không biết đến những phức tạp của ích kỷ, và tìm hiến dâng mà không đòi lại. Một tâm hồn lặng lẽ, hạnh phúc khi thấy sự quảng đại của mình không được người khác biết đến. Một tâm hồn nghèo khó, chỉ làm giàu cho mình nhờ chiếm được chính Chúa. Một tâm hồn luôn hướng về tha nhân, quan tâm đến những nhu cầu và ước muốn của họ. Một tâm hồn luôn kết hiệp với Chúa, và múc lấy nguồn sống từ nơi Chúa. Amen

6/ Kết: Hát: THẮP SÁNG LÊN
ĐK. Thắp sáng lên trong con tình yêu Chúa. Thắp sáng lên trong con tình tuyệt vời.

+ Để con hân hoan đem tình yêu đi về muôn lối. Tựa như mưa tuôn mưa hồng ân Chúa trên trần đời.

+ Trần gian hôm nay ôi bao nhiêu mây mờ giăng lối. Tựa như cơn mê tâm hồn con qúa xa tình Người.
 
 
 
PHẦN II - CHỦ ĐỀ:
“BÍ TÍCH LINH MỤC, NỐI DÀI LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA”.

1. SUY NIỆM: (Cộng đoàn ngồi)
Kính thưa cộng đoàn,
Song song với việc lập Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu cũng thiết lập Bí tích Truyền Chức cùng một trật, qua đó, các linh mục được chia sẻ chức vị Tư Tế thừa tác của Chúa, để các ngài “làm việc này mà nhớ đến Chúa”.

Như vậy, nhờ thừa tác vụ linh mục thánh, hy tế của Chúa Giêsu mãi mãi được tiếp diễn cho đến tận thế và lòng thương xót của Thiên Chúa được trải dài trong trần gian.

Mặt khác, nhờ Bí tích này, các linh mục được trở thành trung gian, đại diện cho Chúa và cho nhân loại trong mầu nhiệm cứu chuộc. Nhất là, các ngài trở thành sứ ngôn của Lòng Thương Xót Chúa, để hướng dẫn, dạy dỗ dân đi theo và đi trong đường lối của lòng Chúa xót thương. Đồng thời, nhờ Thiên Chức linh mục, các ngài được trao ban trách vụ quản lý và phân phát các mầu nhiệm thánh như một người quản lý trung thành. Như vậy, trong ân sủng, các ngài đã sinh ra và nuôi dưỡng chúng ta bằng ơn Chúa và Lời Hằng Sống.

Đây là quà tặng cao quý mà Thiên Chúa trao ban cho nhân loại. Thế nhưng, nhìn ra thế giới hôm nay, chúng ta thấy đời sống cao quý của các linh mục đang là tiêu điểm để ma quỷ, cũng như những thành phần không muốn sống chân lý Tin Mừng, đang ngày đêm rình rập, tìm cách tấn công các ngài!

Những cám dỗ đó có thể đến từ chính nội căn của các linh mục khi có những tiếc nuối, cô đơn, nhàm chán trong ơn gọi; hay cũng có thể do yếu đuối của bản thân, cám dỗ của tiền bạc, quyền lực, tình cảm hay những đam mê khác..., khiến các ngài không còn nhạy bén với Lời Chúa, sứ vụ cũng như giảm khinh Thiên Chức cao quý nơi mình và các yếu tố khác của ơn gọi linh mục đòi hỏi...

Tuy nhiên, với Thánh Thể Chúa và đại dương lòng thương xót vô biên của Ngài, Thiên Chúa vẫn luôn luôn mong muốn được thể hiện sự trìu mến đặc biệt với các linh mục, để chính bản thân các ngài cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa trong cuộc đời của chính mình và sẵn sàng “làm việc này mà nhớ đến Chúa”; đồng thời sẵn lòng ra đi loan truyền lòng nhân hậu của Thiên Chúa cho con người và thế giới hôm nay.
(Thinh lặng cầu nguyện riêng)

2. LỜI NGUYỆN CHUNG: 
(Người hướng dẫn mời cộng đoàn quỳ)
Chủ sự:
Xướng 1:
Lạy Chúa Giêsu, xưa Chúa đã phán với Tông đồ trưởng Phêrô: “Simon, Simon ơi, kìa Satan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo” (Lc 22,31); và cảnh tỉnh các môn đệ: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa cơn thử thách”. Đây cũng chính là lời nhắc nhở và căn dặn cấp thiết đến độ không thể trì hoãn dành cho các linh mục của Ngài.

Xin Chúa gìn giữ, bảo vệ các linh mục của Chúa trong Ơn Thánh, để các ngài vượt thắng những thử thách do sự yếu đuối, ngã lòng và thất vọng gây nên. Xin cho các ngài trở thành linh mục như lòng Chúa khao khát và con người ước mong.

Xướng: Chúng con cầu xin Chúa.
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con.

Xướng 2:
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xưa Chúa đã nói: “Con Người đến là để phục vụ và hiến mạng vì bạn hữu”. Xin cho tinh thần của Chúa thấm vào trái tim của các mục tử, nhờ đó, các linh mục trở thành hiện thân hữu hình và rõ nét của Chúa Giêsu, vị Mục Tử Nhân Lành, để các ngài không chỉ “ngửi được mùi chiên”, nhưng còn “mang cả mùi chiên nơi mình”, để rồi “chạnh lòng thương” đến những người tội lỗi, nghèo khổ, ốm đau, thấp cổ bé họng và những người bị xã hội loại ra bên lề... Xin Chúa cho các ngài luôn cảm thấy chí thú khi sống những lựa chọn như vậy, vì chỉ khi đó, các ngài mới thực sự là linh mục của Chúa, là niềm hy vọng của Giáo Hội và hấp dẫn được con người trong thời đại hôm nay.

Xướng: Chúng con cầu xin Chúa.
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con.

Xướng 3:
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Lời Chúa nói khi xưa: “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần”. Xin Chúa ban cho các linh mục ngày nay, sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Xin cho các ngài biết khước từ những “mục đích rẻ tiền” là những thứ không phù hợp với Thiên Chức linh mục cũng như những giá trị của Tin Mừng. Xin Chúa ban cho các ngài được chìm sâu trong Lời Hằng Sống mỗi ngày qua việc suy niệm Lời Chúa, luôn kết hợp mật thiết với Chúa qua Thánh Thể, vì: nơi Lời Chúa và Thánh Thể của Ngài là những thứ vũ khí thiết yếu để chống lại xào huyệt mà ba thù đang bủa vây các ngài.

Xướng: Chúng con cầu xin Chúa.
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con.

Xướng 4:
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xưa Chúa đã nói: “Nếu ai muốn theo ta, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Lời mời gọi ấy, hôm nay, giờ này, Chúa muốn dành cho tất cả chúng con trong ơn gọi riêng của mỗi người. Tuy nhiên, nó trở nên rõ nét hơn nơi các bạn trẻ...

Xin Chúa ban cho chúng con biết cộng góp lời cầu nguyện, hy sinh và những gì có thể, để cổ võ ơn thiên triệu nơi các bạn trẻ. Xin cho con cháu của chúng con cũng như những người trẻ, biết trở nên khí cụ của lòng thương xót, sự khao khát cứu các linh hồn, nhất là muốn được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa trong ơn gọi thánh hiến, sẵn sàng ra đi hiến dâng cuộc đời mình cho Chúa, để trở thành sứ giả của Lòng Thương Xót Chúa trên cánh đồng bao la mênh mông của thế giới hôm nay.

Xướng: Chúng con cầu xin Chúa.
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con.

3. HÁT MỘT BÀI PHÙ HỢP CẦU NGUYỆN CHO CÁC LINH MỤC 
(Cộng đoàn đứng).

4. ĐỌC KINH: “CẦU CHO CÁC LINH MỤC” 
SAU ĐÂY HAY MỘT KINH KHÁC PHÙ HỢP (Cộng đoàn quỳ).
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu,
xin nhìn đến Đức Kitô Con Chúa
là vị Linh mục Thượng phẩm đời đời
và vì yêu quý Người,
mà thương xót giữ gìn các linh mục của Chúa.
Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót,
xin nhớ đến các linh mục
bởi các ngài cũng chỉ là tạo vật yếu đuối thấp hèn.
Xin Chúa hằng khơi dậy nơi tâm hồn các ngài
hồng ân đã lãnh nhận trong ngày chịu chức thánh.
Xin gìn giữ các ngài thật gần Chúa
để kẻ thù không lấn át được
và cũng để các ngài biết bảo vệ toàn vẹn
sự trong sáng của ơn gọi cao cả trong chức linh mục.
Lạy Chúa Giêsu,
chúng con khẩn cầu cho các linh mục
là những vị trung tín và nhiệt tâm,
cũng như những vị bất tín và nguội lạnh;
những vị đang làm việc nơi đây
vì Danh Chúa và lợi ích các linh hồn,
cũng như những vị đang miệt mài
trong vùng đất truyền giáo xa xôi;
những vị đang bị tấn công bởi cám dỗ
nỗi buồn chán cô đơn và đau đớn ê chề,
những vị trẻ tuổi và già cả,
những vị đau yếu và đang hấp hối;
cách riêng chúng con nhớ đến
những vị đã góp phần đào tạo chúng con
và những vị đã cử hành các bí tích cho chúng con hưởng nhờ;
xin cho các ngài được tràn đầy sức mạnh Chúa Thánh Thần
nhờ đó ơn Chúa được trao ban
cho con người trong thế giới hôm nay.
Lạy Chúa Giêsu dịu hiền khiêm nhường,
xin gìn giữ các linh mục gần Thánh Tâm Chúa
và xin chúc phúc dồi dào cho các ngài
bây giờ và mãi mãi. Amen. [Theo ĐHY Mudelin, TGM Chicago (1872-1939)]
 
___________________________

 
PHẦN III - CHỦ ĐỀ: 
“LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA
 PHẢI ĐƯỢC LOAN TRUYỀN BẰNG ĐỜI SỐNG”

1. SUY NIỆM: (Cộng đoàn ngồi)

Kính thưa Cộng đoàn,
Sau khi lập Bí tích Thánh Thể, Thiên Chức linh mục, rửa chân cho các môn đệ và ban Giới Luật yêu thương, Chúa Giêsu đã rời phòng tiệc ly và bắt đầu bước vào hành trình thương khó.

Quả thật, Chúa Giêsu đã yêu thế gian và ngài yêu thương họ đến cùng, nên Ngài đã rửa chân cho các môn đệ, rồi sau đó ra đi để hiến mình làm của lễ đền tội thay cho nhân loại.    

Sự hiến mình này là đỉnh cao của lòng thương xót mà Thiên Chúa muốn được biểu lộ cách trọn vẹn và sâu xa nơi cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.

Qua việc tự hiến làm của lễ cứu chuộc nhân loại, Chúa Giêsu đã thực sự nêu gương cho chúng ta về đức khiêm nhường, tự hủy và từ bỏ chính mình để vâng phục trọn vẹn thánh ý Thiên Chúa Cha, và để yêu nhân loại đến cùng.

Nhờ đó, chúng ta được Máu Thánh từ cạnh nương long Chúa tẩy rửa tội lỗi và làm cho chúng ta trở nên xứng đáng được dự phần vào ơn cứu chuộc do cái chết của Chúa mang lại.

 (Thinh lặng cầu nguyện riêng)

2. LỜI NGUYỆN CHUNG: (Người hướng dẫn mời cộng đoàn quỳ)
Chủ sự:
Xướng 1:
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xưa trong Vườn Cây Dầu, Chúa đã cầu nguyện tha thiết với Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này, nhưng xin đừng theo ý con, một xin vâng ý Cha”.

Giờ đây, xin cho chúng con biết khám phá thánh ý Chúa trên cuộc đời của mình, luôn trung thành lấy ý Chúa làm lẽ sống trong mọi chiều kích của chúng con.

Xướng: Chúng con cầu xin Chúa.
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con.

Xướng 2:
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xưa Chúa đã phán: “Nếu hạt lúa mì gieo xuống đất mà không chết đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình. Nhưng nếu nó chết đi, nó mới sinh nhiều bông hạt”.

Xin Chúa ban cho mỗi người chúng con, biết từ bỏ ý riêng, sẵn sàng hãm mình và hy sinh, để chúng con được trở nên giống Chúa trong sự tự hủy, khó nghèo và vâng phục.

Xướng: Chúng con cầu xin Chúa.
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con.

Xướng 3:
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Lời Chúa đã di chúc lại cho chúng con: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương chúng con”, một tình yêu cao quý khi sãn sàng “hiến mạng sống vì người mình yêu”; vì thế: “Chính vì điều này, mà mọi người nhận biết chúng con là môn đệ Thầy, đó là chúng con yêu thương nhau”.

Xin Chúa ban cho chúng con luôn hãnh diện vì được làm con Chúa và trở thành anh chị em của nhau trong đại gia đình Giáo Hội. Xin Chúa cũng ban cho chúng con luôn biết yêu thương nhau bằng một tình yêu chân thành. Biết hy sinh và xây dựng hạnh phúc cho nhau. Xin cho Giáo xứ chúng con được hiệp nhất. Gia đình được hòa thuận. Cha Mẹ biết quan tâm chăm sóc con cái. Con cái biết thảo hiếu với bậc sinh thành. Và, mọi người biết liên đới, bác ái và cảm thông với nhau, ngõ hầu mỗi người đều là hiện thân của lòng thương xót Chúa.
Chúng con cầu xin, Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

3. HÁT MỘT BÀI VỀ TÌNH YÊU THIÊN CHÚA (Cộng đoàn đứng).

4. ĐỌC KINH: “NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT” (Cộng đoàn quỳ).
Lạy Chúa Giêsu Kitô,
Chúa đã dạy chúng con phải thương xót như Cha trên trời,
và cho chúng con biết: ai thấy Chúa là thấy Chúa Cha.
Xin tỏ cho chúng con thấy nhan thánh Chúa và chúng con sẽ được cứu thoát.
Ánh mắt yêu thương của Chúa đã cứu Giakêu và Matthêu khỏi vòng nô lệ tiền bạc;
đã giúp người đàn bà ngoại tình và Mađalêna không còn kiếm tìm hạnh phúc nơi thụ tạo;
đã khiến Phêrô khóc lóc vì trót phản bội Chúa,
và đã hứa Thiên Đàng cho người trộm cướp có lòng ăn năn.
Xin cho chúng con biết lắng nghe,
như chính Chúa đang gửi đến mỗi người chúng con,
những lời Chúa đã nói với người phụ nữ Samaria: “Nếu chị biết nhận ra ơn Chúa!”
Chúa là gương mặt hữu hình của Chúa Cha vô hình,
gương mặt của Thiên Chúa đang đem lòng xót thương và tha thứ
mà biểu lộ uy quyền trên mọi sự:
xin cho Hội Thánh được nên gương mặt hữu hình của Chúa nơi trần gian,
gương mặt của Chúa sống lại hiển vinh.
Chúa đã muốn các thừa tác viên của Chúa cũng phải khoác lên người sự yếu đuối
để biết đồng cảm với những người đang sống trong u mê và lầm lạc:
xin cho mọi người đến với các thừa tác viên
đều thấy mình được Thiên Chúa tìm kiếm, yêu thương và tha thứ.
Xin Chúa gửi Thánh Thần đến và xức dầu thánh hiến mỗi người chúng con,
để Năm Thánh Lòng Thương Xót này trở thành năm được Chúa ban ân sủng,
để Hội Thánh Chúa được thêm lòng nhiệt thành mang Tin Mừng đến với người nghèo,
loan báo tự do cho những người bị giam cầm và áp bức,
và cho người mù lại được nhìn thấy.
Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót,
chúng con nguyện xin Chúa
là Đấng hằng sống và hiển trị cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần,
đến muôn thuở muôn đời.
Amen.

5. CỘNG ĐOÀN HÁT MỘT BÀI VỀ CHỦ ĐỀ:
“NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT” 
(Tiếp theo là các giờ chầu của các giới nếu có...! Bằng không, sẽ thinh lặng và cầu nguyện riêng, rồi ra về trong trật tự... hoặc theo truyền thống riêng của từng nơi).


Sưu tầm
______________________________


* TUYỆT VỜI QUÁ
QUÝ VỊ LÍCH VÀO TRANG DƯỚI ĐÂY SẼ GIÚP BAN...

I. BÀI THƯƠNG KHÓ CHÚA NHẬT LỄ LÁ

PASSIO & EXSULTET. 1. PASSIO (Gm. Phaolô Nguyễn Văn Hòa) ....... 40. 2. PASSIO(ĐCV Thánh Giuse Saigon) ............. 52. 3. EXSULTET (ĐCV Thánh Giuse ...
76 trang


 
_______________________________________________

 
ƠN TOÀN XÁ TUẦN THÁNH
 

Tất cả chúng ta có nhiều cơ hội để nhận được ơn toàn xá (plenary indulgence) trong Tuần Thánh cho bản thân chúng ta hay nhường lại cho những người thân trong luyện ngục.

Những ơn toàn xá này được liệt kê trong “Enchiridion Indulgentiarum, Fourth Edition 1999” – Sổ Bộ Ân Xá, Ấn bản thứ Tư 1999. Tài liệu này đã được Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ dịch sang Anh Ngữ và in thành sách với tựa đề “Manual Of Indulgences: Norms and Grants” (Cẩm Nang Ân Xá: Quy tắc và Ân ban), được xuất bản lần đầu tiên vào vào tháng Sáu năm 2006 và được tái bản nhiều lần. Lần cuối là lần thứ 5 vào năm 2017. 


Ngày Thứ Năm Tuần Thánh: 

Một ơn toàn xá được ban cho các tín hữu sốt sắng hát kinh Tantum Ergo (Đây Nhiệm Tích Vô Cùng Cao Quý) sau Thánh Lễ Tiệc Ly ngày Thứ Năm Tuần Thánh lúc cất Mình Thánh Chúa trọng thể. 

Ơn toàn xá cũng được ban cho các tín hữu chầu Mình Thánh Chúa tối thiểu 30 phút. Mỗi ngày chúng ta chỉ nhận được một ơn toàn xá. Nhưng có thể nhường ơn toàn xá này cho các linh hồn. Do đó, sau khi kết thúc Thánh Lễ Tiệc Ly ngày Thứ Năm Tuần Thánh, ta nên nán lại chầu Mình Thánh Chúa ít là 30 phút.


Kinh Tantum Ergo - Đây Nhiệm Tích Vô Cùng Cao Quý:

Tantum ergo sacramentum. Venerem ur cernui. Et antiquum documentum. Novo cedat ritui. Praestet fides supplementum. Sensuu m defectui. Genitori genitoque. Laus et jubilatio. Salus honor virtus quoque. Sit et benedictio. Proced enti ab utroque compar sit laudatio. Amen

Tantum ergo Sacramentum, Veneremur cernui: Et antiquum documentum, Novo cedat ritui: Praestet fides supplementum Sensuum defectui. Genitori, Genitoque, Laus et jubilatio, Salus, honor, virtus quoque, Sit et benedictio: Procedenti ab utroque, Compar sit laudatio. Amen.

Down in adoration falling, Lo! the sacred Host we hail, Lo! o'er ancient forms departing, Newer rites of grace prevail; Faith for all defects supplying, Where the feeble senses fail. To the everlasting Father, And the Son Who reigns on high, With the Holy Ghost proceeding Forth from Each eternally, Be salvation, honor, blessing, Might and endless majesty. Amen.
Tôn vinh Thánh danh Giêsu chí thánh, ẩn thân trong tấm hình rất nhỏ mọn. Này là của ăn lương thực thiên thần, đây chính thật Ngôi Lời ẩn náu mình để ban lương thực nuôi dưỡng nhân loại. Ôi kính lạy Thánh Thể Tình Yêu. Giêsu Chúa ôi, con tôn kính Chúa. Chúa yêu con trao Mình Máu Bánh Rượu. Vì thương chúng con nên đành hạ mình, đem hiến dâng nuôi hồn chúng tử hèn. Tình yêu thương nào ai đã báo đền. Ôi kính lạy Chúa Cả trời cao. Amen


Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh:

Một ơn toàn xá được ban cho các tín hữu sốt sắng tham dự việc suy tôn Thánh Giá trong nghi thức tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Ơn toàn xá cũng được ban cho các tín hữu tự mình viếng đủ 14 chặng Đàng Thánh Giá, suy niệm và đọc thành tiếng các lời nguyện ngắm có sẵn. 

Ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh:

Lễ Vọng Phục Sinh mang đến một cơ hội khác để được ơn toàn xá. 
Một ơn toàn xá được ban cho các tín hữu trong Đêm Vọng Phục Sinh (hoặc vào ngày kỷ niệm Phép Rửa Tội của riêng họ), lặp lại lời thề Rửa Tội trong bất kỳ công thức hợp pháp nào đã được phê duyệt. 


Chúa Nhật Phục sinh

Đức Thánh Cha sẽ đọc thông điệp Phục sinh Urbi et Orbi gửi dân thành Rôma và toàn thế giới. Sau đó, ngài ban phép lành kèm theo ơn toàn xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô cũng như những anh chị em tín hữu trên thế giới, theo dõi qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông mới trong đó có mạng lưới điện toán toàn cầu. 

Đầu Tuần Thánh
Vào ngày Thứ Hai, Thứ Ba và Thứ Tư của Tuần Thánh, chúng ta nên cố gắng tham dự các Thánh lễ và rước lễ. Đó là một trong những điều kiện cơ bản để nhận được ơn toàn xá. 

Để được ơn toàn xá, chúng ta phải hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.


 Đặng Tự Do

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: đường đời

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn