1
09:47 +07 Thứ hai, 29/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 301


Hôm nayHôm nay : 33340

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 423427

Tổng cộngTổng cộng : 27977711

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » BẢN TIN TỔNG HỢP

Lời Chúa và các bài suy niệm Chúa nhật lễ thánh Gia Thất

Thứ sáu - 27/12/2013 15:44-Đã xem: 2354
Anh em thân mến, như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương,
Lời Chúa và các bài suy niệm Chúa nhật lễ thánh Gia Thất

Lời Chúa và các bài suy niệm Chúa nhật lễ thánh Gia Thất

BÀI ĐỌC I: Hc 3, 3-7. 14-17a 

"Ai kính sợ Chúa, thì thảo kính cha mẹ".

Trích sách Huấn Ca. 
Thiên Chúa suy tôn người cha trong con cái; quyền lợi bà mẹ, Người củng cố trên đoàn con. Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi; ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng. Ai thảo kính cha mình, sẽ được vui mừng trong con cái, khi cầu xin, người ấy sẽ được nhậm lời. Ai thảo kính cha mình, sẽ được sống lâu dài. Ai vâng lời cha, sẽ làm vui lòng mẹ. Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người khi người còn sống. Nếu tinh thần người sa sút, thì hãy rộng lượng, ngươi là kẻ trai tráng, chớ đành khinh dể người. Vì của dâng cho cha, sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ, sẽ đền bù tội lỗi, và xây dựng đức công chính của ngươi. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 127, 1-2. 3. 4-5 
Đáp: Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người.

1) Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người! Công quả tay bạn làm ra bạn an hưởng, bạn được hạnh phúc và sẽ gặp may. 
2) Hiền thê bạn như cây nho đầy hoa trái, trong gia thất nội cung nhà bạn. Con cái bạn như những chồi non của khóm ô-liu ở chung quanh bàn ăn của bạn. Đó là phúc lộc dành để cho người biết tôn sợ Đức Thiên Chúa. 
3) Nguyện xin Thiên Chúa từ Sion chúc phúc cho bạn, để bạn nhìn thấy cảnh thịnh đạt của Giêrusalem hết mọi ngày trong đời sống của bạn, và để bạn nhìn thấy lũ cháu đoàn con!.

BÀI ĐỌC II: Cl 3, 12-21 
"Về đời sống gia đình trong Chúa".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê. 
Anh em thân mến, như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện. Nguyện cho bình an của Chúa Kitô làm chủ trong lòng anh em, sự bình an mà anh em đã được kêu gọi tới để làm nên một thân thể. Anh em hãy cảm tạ Thiên Chúa. Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em. Với tất cả sự khôn ngoan, anh em hãy học hỏi và nhủ bảo lẫn nhau. Hãy dùng những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca của Thần khí, cùng với lòng tri ân, để hát mừng Thiên Chúa trong lòng anh em. Và tất cả những gì anh em làm, trong lời nói cũng như trong hành động, tất cả mọi chuyện, anh em hãy làm vì danh Chúa Giêsu Kitô, nhờ Người mà tạ ơn Thiên Chúa Cha. Hỡi các bà vợ, hãy phục tùng chồng trong Chúa cho phải phép. Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình, đừng đay nghiến nó. Hỡi những người con, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là đẹp lòng Chúa. Hỡi những người cha, đừng nổi cơn phẫn nộ với con cái, kẻo chúng nên nhát đảm sợ sệt. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Cl 3, 15a. 16a 
Alleluia, alleluia! - Nguyện cho bình an của Chúa Kitô làm chủ trong lòng anh em. Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Mt 2, 13-15. 19-23 
"Hãy đem Con Trẻ và mẹ Người trốn sang Ai-cập".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. 
Khi các đạo sĩ đã đi rồi, thiên thần Chúa hiện ra với ông Giuse trong lúc ngủ và bảo ông: "Hãy thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và ở đó cho tới khi tôi báo lại ông, vì Hêrôđê sắp sửa tìm kiếm Hài Nhi để sát hại Người". Ông thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người lên đường trốn sang Ai-cập đang lúc ban đêm. Ông ở lại đó cho tới khi Hêrôđê băng hà, hầu làm cho trọn điều Chúa dùng miệng tiên tri mà phán rằng: "Ta gọi con Ta ra khỏi Ai-cập". Bấy giờ Hêrôđê thấy mình bị các đạo sĩ đánh lừa, nên nổi cơn thịnh nộ và sai quân đi giết tất cả con trẻ ở Bêlem và vùng phụ cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo thời gian vua đã cặn kẽ hỏi các đạo sĩ. Thế là ứng nghiệm lời tiên tri Giêrêmia đã nói: Tại Rama, người ta nghe những tiếng khóc than nức nở, đó là tiếng bà Rakhel than khóc con mình, bà không chịu cho người ta an ủi bà, vì các con bà không còn nữa. Khi Hêrôđê băng hà, thì đây thiên thần Chúa hiện ra cùng Giuse trong giấc mơ bên Ai-cập và bảo: "Hãy chỗi dậy, đem Con Trẻ và mẹ Người về đất Israel, vì những kẻ tìm hại mạng sống Người đã chết". Ông liền chỗi dậy, đem Con Trẻ và mẹ Người về đất Israel. Nhưng nghe rằng Arkhêlao làm vua xứ Giuđa thay cho Hêrôđê là cha mình, thì Giuse sợ không dám về đó. Được báo trong giấc mộng, ông lánh sang địa phận xứ Galilêa, và lập cư trong thành gọi là Nadarét, để ứng nghiệm lời đã phán qua các tiên tri rằng: "Người sẽ được gọi là Nadarêô". Đó là lời Chúa.  

Gia đình cộng đoàn yêu thương

Vào năm 1990, cậu bé siêu sao màn ảnh Macaulay Culkin nổi bật với bộ phim “Ở nhà một mình” (Home Alone). Bộ phim này với doanh thu hơn 500 triệu đô la. Bố mẹ cậu Macaulay Culkin từng đi làm kiếm sống. Ông Culkin là ông từ tại một nhà thờ ở NewYork; bà Patrica Bentrup là một nhân viên trực điện thoại. Với số tiền lớn do cậu con mang về, hai ông bà liền bỏ việc, ở nhà làm chủ những món tiền mà tài năng của cậu nhỏ còn hứa hẹn nhiều.

Nhưng kể từ khi hai ông bà ở nhà, mái ấm gia đình trở thành bất ổn. Bố mẹ Macaulay Culkin thường xuyên gây gổ với nhau tới mức bà Patrica tố cáo chồng “rượu chè be bét, xúc phạm tình dục quá đáng và bội tín”. Bắt đầu đóng phim từ tuổi lên tám, năm nay Macaulay Culkin đã 15 tuổi. Buồn nản và cô độc trong gia đình, cậu thường tìm giải khuây trong những bữa tiệc vô độ và ở những hộp đêm. Hậu quả là sự nghiệp của ngôi sao đang lên này đã khựng lại. Ba bộ phim gần đây do cậu thủ vai chính hoàn toàn không đạt được thành công như những bộ phim ban đầu.

Anh chị em thân mến,
Gia đình là một tổ ấm khi vợ chồng biết quảng đại hy sinh cho nhau và cho con cái, mặc dù đời sống kinh tế có khi còn chật vật khó khăn. Nhưng một khi gia đình để cho tiền của chi phối, tổ ấm sẽ bị xáo trộn đưa đến ích kỷ, đổ vỡ và chia ly, điển hình là tổ ấm của gia đình của cậu Macaulay Culkin. Cho hay rằng, tiền của không làm nên hạnh phúc gia đình. Chính tình yêu quảng đại mới tạo nên hạnh phúc cho gia đình.

Trong một thời gian dài, ở Âu Mỹ, người ta đã lãng quên những giá trị gia đình. Người ta nói nhiều đến tự do cá nhân, đề cao việc nhập thể và cuộc giải phóng con người. Dựa vào tự do cá nhân, những luật lệ và quy định tự do của mình, Âu Mỹ đang tách ly tình dục khỏi tình yêu, tình yêu khỏi hôn nhân, hôn nhân khỏi việc sinh con, và việc sinh con khỏi trách nhiệm đối với Chúa. Hậu quả là ở Mỹ hiện nay con số những đứa con sinh ngoài hôn nhân lên tới 30%. Ở Anh cũng có đến 30% trẻ con sinh ngoài gia đình, hơn nữa, 20% trẻ em chỉ sống với cha hoặc mẹ và 40% cuộc hôn nhân kết thúc bằng ly dị. Và tình trạng trẻ em trong các gia đình đổ vỡ này thường có xu hướng chán đời, dễ bệnh hoạn, học kém, dễ bị lôi cuốn vào tội ác hơn, rồi cuối cùng chính chúng sẽ lập lại chu trình gia đình đổ vỡ mà chúng từng là nạn nhân. Thật không một xã hội nào có thể tồn tại nếu nó dành cho trẻ em quá ít sự an toàn, sự chăm sóc và tình yêu. Bức tranh ảm đạm này hiện đang lởn vởn đe doạ phần còn lại của thế giới đang phát triển, trong đó có đất nước chúng ta.

Thử hỏi bối cảnh không mấy tốt đẹp của gia đình ở nhiều nơi trên thế giới hiện nay. Lễ Kính Thánh Gia nói gì với các thành viên của gia đình về những giá trị mà Tin Mừng luôn đề cao?

Chúa Giêsu đã sinh ra trong một gia đình, mà lại là một gia đình nghèo ngài cũng có cha mẹ như bao trẻ em khác. Cha mẹ Ngài cũng là những người lao động phải sống bằng mồ hôi nước mắt như hầu hết các gia đình khác. Là Thiên Chúa, Ngài đã đến với loài người như một con trẻ bé bỏng, cần đến sự đùm bọc, che chở của những người thân. Cũng như bao trẻ em khác, Ngài cũng bị những biến cố lớn nhỏ của gia đình và xã hội chi phối, đưa đẩy, ảnh hưởng.

Rồi những năm thơ ấu, những thời kỳ niên thiếu và thanh niên, Chúa Giêsu đã sống bên cạnh Đức Maria, Mẹ Ngài, và Thánh Giuse, cha nuôi Ngài. Ngài cũng đã phải tập đi, tập nói, tập đọc, tập viết. Ngài cũng đã phải học Thánh Kinh, Lề Luật. Ngài cũng đã phải tập lao động với những dụng cụ như cưa, bào, đục… trên những khúc cây, tấm ván. Ba mươi năm tại Nazarét là một chuỗi ngày bình dị như hàng trăm gia đình cùng thôn cùng làng, như hàng triệu cuộc sống của con người qua các thời đại.

Trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay, bài sách Huấn Ca nhấn mạnh đến lòng hiếu thảo của người con đối cha mẹ trong gia đình, khiến chúng ta dễ dàng hình dung ra cách sống của Con Thiên Chúa làm người dưới mái ấm gia đình Nazarét. Bài Tin Mừng nhắc đến vai trò đặc biệt của Thánh Giuse trong sứ mạng bảo vệ, che chở, dưỡng nuôi Chúa Cứu Thế, và Thánh Giuse đã chu toàn vai trò đó một cách khiêm tốn nhưng anh dũng, không quản ngại hy sinh gian khó. Ở đây, vai trò của Đức Maria xem ra rất khiêm tốn, đúng với cung cách khiêm nhu của người “Nữ tỳ của Chúa”. Còn bài đọc 2 là lời nhắn nhủ của Thánh Phaolô về mối quan hệ giữa những người được Chúa yêu thương, tuyển chọn sống thành gia đình của Thiên Chúa: đó là lòng từ bi, nhân hậu, là khiêm cung, ôn hòa, là nhẫn nại chịu đựng, chấp nhận nhau và tha thứ cho nhau. Gia đình của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse là một gia đình đã sống trọn vẹn hơn ai hết tinh thần ấy, vì các ngài đều là những “tôi tớ của Thiên Chúa” trong ý nghĩa là mỗi vị và cộng đoàn ba vị, đều lãnh nhận từ Thiên Chúa một sứ mạng đặc biệt. Gia đình Nazarét là gương mẫu, là lời mời gọi đến với mỗi người chúng ta trong các gia đình Công giáo ngày nay.

Thưa anh chị em, gia đình là cái nôi đầu tiên đón tiếp con người và cung cấp cho con người những điều kiện cần thiết của cuộc sống và hạnh phúc. Trong gia đình, một trẻ thơ khám phá dần dần mối tương quan với thế giới chung quanh, nhận lãnh sự giáo dục đầy trìu mến của cha mẹ và những người thân thương. Đối với Kitô hữu, gia đình còn là một cộng đoàn yêu thương phản ánh cộng đoàn của Thiên Chúa, theo gương mẫu Thánh Gia Nazarét. Sứ mạng thật cao cả, nên trách nhiệm thật lớn lao của các bậc làm cha làm mẹ. Chức năng nhiệm vụ vừa cao cả vừa nặng nề ấy gia đình chỉ có thể hoàn thành nếu biết sống theo tinh thần và tâm tình của Thiên Chúa: Đó là yêu thương và tha thứ. Đó là quy luật trọng yếu trong mối quan hệ giữa vợ chồng, giữa con cái và cha mẹ. Vì trong đời sống gia đình, con người có đầy đủ những dữ kiện để biến cuộc sống gia đình thành thiên đàng hoặc hỏa ngục trần gian.

Cuộc sống gia đình tạo cho chúng ta những cơ hội quý báu để thực hiện tinh thần yêu thương quên mình, mưu tìm hạnh phúc cho người khác. Cuộc sống gia đình luôn đòi chúng ta phải dẹp bỏ ý riêng mình, quan điểm riêng của mình, để tôn trọng và giúp đỡ người thân của mình phát triển về mọi mặt. Do tình hình khác nhau, giáo dục và truyền thống khác nhau, tuổi tác khác nhau, sở thích khác nhau, nên chuyện xung đột là đương nhiên không thể tránh được giữa vợ chồng, giữa cha mẹ con cái. Muốn vượt qua những xung đột, những căng thẳng ấy, mỗi người –dù vợ hay chồng, dù là con cái hay cha mẹ– đều phải thấm nhuần tinh thần phục vụ của Chúa Kitô: “Tôi đến để phục vụ, chứ không để được phục vụ”. “Ai muốn làm đầu, thì hãy làm tôi tớ phục vụ mọi người” (Lc 22,26).

Anh chị em thân mến, Con Thiên Chúa làm người đã sống trong một gia đình để nói lên sự cao trọng của cộng đoàn gia đình. Nhưng thực tế chúng ta còn chứng kiến cảnh những gia đình tan vỡ và cảnh những gia đình không hội đủ điều kiện về kinh tế, tài chánh, văn hóa để những người trong đó sống cho ra người, để con cái được giáo dục nên người hữu ích cho xã hội. Là môn đệ Chúa Kitô, chúng ta có trách nhiệm nặng nề trong việc xây dựng gia đình của chúng ta và giúp các gia đình khác có đủ điều kiện vật chất, tinh thần để sống phù hợp với chức năng của con người, xứng với phẩm giá con người là con cái của Thiên Chúa, là anh em trong đại gia đình của Cha trên trời.

 

Suy niệm của Radio Veritas Asia
GIA ĐÌNH CẦU NGUYỆN CHUNG VỚI NHAU
THÌ SỐNG HIỆP NHẤT VỚI NHAU

 
Chúa Giêsu Kitô Con Thiên Chúa đã giáng sinh trong một gia đình cụ thể, có cha có mẹ là thánh Giuse và Mẹ Maria. Vì thế, trong bầu khí vui tươi của lễ Giáng Sinh, chúng ta có thể cùng nhau chia sẻ về đời sống gia đình. Mầu nhiệm Giáng Sinh sẽ giúp chúng ta hiểu sâu xa hơn về thực tại gia đình. Mầu nhiệm Giáng Sinh làm cho gia đình Thánh Gia trở thành mẫu gương cho các gia đình trên thế giới. Các bài đọc lễ Thánh Gia đều hướng về một chủ đề chung là mô tả hoàn cảnh sống của một gia đình có Chúa hiện diện và liên kết mọi thành phần lại với nhau.

Trước hết, bài đọc I sách Huấn Ca, nhắc lại bổn phận thảo hiếu của con cái đối với cha mẹ, vì Thiên Chúa suy tôn người cha trong con cái và củng cố quyền lợi của người mẹ trên người con. Vai trò và trách nhiệm của cha mẹ trên con cái là do ý muốn của Thiên Chúa và dựa trên ý muốn của Ngài. Bài đọc II trích từ Côlôsê ghi lại các lời khuyên của thánh Phaolô cho các thành phần trong gia đình: “Hãy đối xử với nhau theo qui luật của đức bác ái”, vì tình yêu tự nhiên giữa các thành phần trong gia đình không đủ. Tình yêu tự nhiên đó được triển nở thành tình thương bác ái, một tình thương đã được tình yêu của Thiên Chúa thanh luyện cũng cố, và tình thương bác ái đó được thể hiện trong những hành động cụ thể chứ không dừng lại ở lời nói suông qua môi miệng. Những lời khuyên này có thể được ta xem như là một hiến chương xây dựng hạnh phúc gia đình. Nếu chúng ta thực hiện được những điều này thì quả thật gia đình chúng ta sẽ được hạnh phúc biết bao.

Tâm tình bác ái của gia đình là sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn của mỗi thành phần trong gia đình, đó là sự liên kết mọi thành phần trong gia đình lại với nhau như là cầu chúc của thánh Phaolô trong thơ gửi tín hữu Côlôsê: “Nguyện cho bình an của Chúa làm chủ trong lòng anh em. Nguyện cho Lời Chúa cư ngụ dồi dào trong lòng anh em”. Để thực hiện điều này, chúng ta hãy đặc biệt lưu ý đến hai việc đạo đức sau đây:

1) Việc đọc kinh chung với nhau trong gia đình.
2) Việc gia đình đọc Lời Chúa chung với nhau.

Gia đình cầu nguyện chung với nhau thì sống hiệp nhất với nhau. Gia đình Thánh gia Nagiarét được diễm phúc hơn mọi gia đình khác, vì có chính Chúa Giêsu hiện diện giữa các ngài. Nhưng nếu xét cho cùng thì cũng không phải là chuyện dễ dàng hơn, vì Chúa hiện diện trong gia đình Thánh gia với một hình thức hạ mình sâu thẳm nhất, qua hình thức của một con trẻ yếu đuối như bao trẻ thơ khác để cho mẹ Maria và thánh Giuse chăm sóc. Cần phải có đức tin sâu xa và vững mạnh lắm thì Đức Maria và thánh Giuse mới có thể chu toàn trọn vẹn vai trò của mình.

Việc cụ thể thứ hai là việc đọc Lời Chúa trong gia đình. Chúng ta hãy lấy mẫu gương gia đình Thánh Gia Nagiarét như một khởi đầu cho một sinh hoạt mới trong gia đình, và kể từ nay về sau, mỗi gia đình hãy chăm chỉ thực hiện việc đọc Lời Chúa trong gia đình: “Nguyện cho Lời Chúa cư ngụ dồi dào trong anh em”. Mỗi gia đình Kitô cần có một quyển Kinh Thánh để có thể đọc Lời Chúa hằng ngày chung với nhau, và nếu không hằng ngày được thì ít ra là mỗi tuần một lần. Phải giữ mức độ thường xuyên đều đặn, không nên để tùy hứng.

Sau cùng một khía cạnh khác được nói lên trong bài Tin mừng hôm nay, đó là thử thách mà gia đình Nagiarét gặp phải, đó cũng là thử thách mà mọi gia đình kitô chúng ta ngày nay cũng có thể gặp phải. Sự hiện diện của Chúa không mang lại đặc quyền đặc lợi cho gia đình, mà ngược lại có thể làm cho Đức Maria và thánh Giuse bị phiền phức nữa là khác, vì cảnh sống nghèo nàn bị lãng quên vẫn như cũ, nhưng Đức Maria và thánh Giuse đã vượt qua được thử thách với đức tin vững vàng, khiêm tốn chấp nhận dù không hiểu việc Chúa làm. Đó là mẫu gương cho tất cả mọi gia đình Kitô giáo hôm nay.

 Xin Chúa gìn giữ chúng ta trong niềm tin và phát triển đức tin của mỗi người chúng ta, ban cho gia đình chúng ta được ơn hiệp nhất với nhau, sống yêu thương nhau, nâng đỡ nhau để chu toàn ơn gọi của mình.

 

 Cầu nguyện cho các bậc gia trưởng

Chúng ta đang sống trong bầu khí của mùa Giáng Sinh, mừng mầu nhiệm Nhập Thể - Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Với mầu nhiệm này, con người không chỉ dừng lại ở trí khôn để hiểu biết Thượng Đế, nhưng còn dùng tất cả các khả năng của giác quan để nhận biết Ngài. Thiên Chúa vô hình đã trở nên hữu hình. Thiên Chúa không chỉ hiện lên trong trí khôn mà nay đã và đang hiện diện trước mắt chúng ta. Lời Kinh Thánh trong Cựu Ước: "Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta" nay được hiểu cụ thể rõ ràng ngay chính thân phận và hình dáng của con người.

Với lễ Thánh Gia, mầu nhiệm thứ hai lại được sáng tỏ hơn bao giờ hết, đó là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Nếu con người là hình ảnh Thiên Chúa thì gia đình phải là hình ảnh rõ nhất về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Bởi thế, con người là một mầu nhiệm và gia đình cũng là một mầu nhiệm.

Trong kinh Tin Kính, chúng ta đọc: "Tôi tin kính một Thiên Chúa, là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình". Khuôn mặt và cương vị của Thiên Chúa Cha hiện lên một cách tỏ tường qua việc sáng tạo, làm chủ và hướng dẫn muôn loài. Còn bài Tin Mừng hôm nay kể về gia đình thánh gia, đó là gia đình của Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse. Trong gia đình ấy, Chúa Giêsu luôn là đỉnh cao viên mãn của sự thánh thiện và Mẹ Maria là Đấng rất thánh, dầu thế cũng không sao che khuất vai trò và cương vị đặc biệt của Thánh Giuse. Thánh Giuse luôn là chủ, là đầu và là người lãnh đạo. Mỗi khi nhắc đến thiên thần, bao giờ thánh Matthêu cũng ngầm ý nói tới Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa hướng dẫn Thánh Giuse chứ không phải một ai khác trong gia đình. Chỉ một đoạn Phúc Âm ngắn thôi mà thánh Matthêu ba lần nhắc tới việc thiên thần hiện ra với Thánh Giuse và chỉ dạy cho ngài cách bảo vệ gia đình. Chi tiết này như một lời nhắc bảo: người cha, người bố trong gia đình luôn là hình ảnh tuyệt vời về Thiên Chúa Cha. Chúa Cha liên lạc mật thiết với các bậc gia trưởng. Có một mối dây thông truyền liên tục giữa Cha vô hình trên trời với những người cha đang sống nơi trần thế. Và trần gian này sẽ trở thành thiên đàng khi tất cả các gia đình đều do những người cha tốt lành như thế coi sóc và hướng dẫn.

Mừng lễ Thánh gia là dịp cầu nguyện cho tất cả các gia đình, đặc biệt cầu nguyện cho các bậc gia trưởng. Xin cho sợi dây liên kết hiệp thông giữa Cha trên trời luôn gắn chặt với các người cha đang sống trên trái đất này. Xin cho trái đất này thực sự trở thành thiên đàng nhờ sự hướng dẫn khôn ngoan, thánh thiện của các bậc gia trưởng đạo đức.
 
Sưu tầm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn