1
07:30 +07 Thứ bảy, 27/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 66

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 63


Hôm nayHôm nay : 7281

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 311403

Tổng cộngTổng cộng : 27865687

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » AVE MARIA

100 câu hỏi về phụng vụ

Chủ nhật - 24/11/2019 20:21-Đã xem: 1174
Bổng lễ (tiền xin lễ) để làm gì ? Tìm hiểu Thánh Lễ Tất cả mọi thánh lễ được cử hành đều dành cho toàn thế giới, như Chúa Giêsu đã phán : "Mình Thầy bị phó nộp vì các con. Máu Thầy đổ ra để mọi người được tha tội" (Lc 22, 19-20 và Mt 26, 26-28). Vì thế trong thánh lễ, Giáo Hội cầu nguyện cho hết mọi người : hàng giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân cũng như cho những người đã qua đời. Tuy nhiên, vị chủ tế vẫn có thể kết hợp các ý nguyện chung này với một ý cầu nguyện riêng của tín hữu. Thánh lễ vô giá. Nhưng ngay từ thời Giáo Hội sơ khai, các tín hữu đã muốn chứng tỏ rằng việc tham dự thánh lễ bao gồm toàn vẹn bản thân, cũng như chính Chúa Kitô đã trao hiến trọn vẹn thân Người. Vì thế họ đã đem đến dâng hoặc bằng hiện vật (bánh, rượu, đèn nến...), khởi đầu cho việc kiệu rước lễ vật trong thánh lễ, hoặc bằng tiền để trang trải những chi phí phụng tự, giúp cho linh mục có điều kiện sinh sống, trang trải các hoạt động của Giáo Hội. Đó là ý nghĩa lễ vật của họ khi họ ủy thác cho vị linh mục một ý chỉ nào đó. Từ đó phát sinh "tiền xin lễ" khá phổ biến kể từ thế kỷ thứ XII. Các tòa giám mục tùy ý ấn định giá bổng lễ nhưng phải hợp với khả năng của mọi người. Vì lo rằng việc xin lễ có thể phát sinh những hình thức thương mại, nên nhiều người chủ trương dẹp bỏ thói quen này. Nhưng các hoạt động của Giáo Hội cũng như của hàng giáo sĩ đều dựa vào những đóng góp tự nguyện của giáo dân, trong đó có việc dâng bổng lễ. Vì thế trong thực tế, thật khó mà xem thường phần đóng góp quí báu này của giáo dân.
LỄ MẸ THIÊN CHÚA 1/1/2020

  1. Nữ Vương Hoà Bình

Có thể nói, mùa Giáng Sinh cũng là mùa kính Đức Mẹ. Đặc biệt ngày đầu năm Dương lịch hôm nay, phụng vụ muốn tôn kính Đức Maria với tước hiệu là Mẹ Thiên Chúa. Và từ năm 1968 Đức Giáo Hoàng Phaolô VI lại dành ngày 1 tháng Giêng nầy để cầu nguyện cho hoà bình thế giới.

Đất nước chúng ta đã thoát khỏi những năm chiến tranh. Nhưng chúng ta vẫn còn có nhiệm vụ phải suy nghĩ về hoà bình. Bởi vì hoà bình không phải chỉ là chấm dứt chiến tranh. Hoà bình còn là xây dựng bình đẳng, ấm no, thịnh vượng, hạnh phúc nữa. Phần tích cực có thể nói gồm nhiều mặt hơn phần tiêu cực. Vả lại, hết chiến tranh cũng chưa phải là đã hết những hậu quả của chiến tranh là những thương tích, những đổ vỡ về vật chất và tinh thần. Chúng ta phải cải tạo cái cũ, xây dựng cái mới. Hoà bình hạnh phúc phải là hơi thở của mọi người trên thế giới. Vậy chúng ta đóng góp được gì?

Hãy suy nghĩ về hoà bình như Đức Maria hằng suy đi nghĩ lại trong lòng. Ngài suy nghĩ về danh “Giêsu”, có nghĩa là cứu thế. Danh đó phải được kêu cầu trên con cái loài người, để phúc lộc được đổ xuống trên các dân và phước lộc phong phú cụ thể là chính Thánh Thần mà Thiên Chúa muốn đổ xuống lòng mọi người, để khi chúng ta gọi Chúa là Cha thì chúng ta Thấy mình là anh em với nhau, để sống hòa thuận yêu thương nhau, sống vì hạnh phúc của anh em mình.

Yêu hòa bình thì phải xây dựng công bằng, bác ái, phải kiến tạo bình đẳng, ấm no, thịnh vượng, hạnh phúc. hòa bình đòi hỏi phải phấn đấu, phải đấu tranh, để tiêu diệt cái xấu và phát triển cái tốt. Rất nhiều công tác cụ thể đang ở tầm tay mỗi người chúng ta. Hết thảy chúng ta hãy tích cực, để không chỉ nói hoà bình, nhưng muốn xây dựng hoà bình. Trong ngày cấu nguyện cho Hoà Bình Thế Giới hôm nay và cũng là ngày lễ kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, chúng ta xin Đức Maria là Nữ Vương Hoà Bình ban cho bản thân chúng ta, cho gia đình chúng ta, cũng như cho cộng đoàn giáo xứ, nền hoà bình của Chúa Kitô – Hoà bình mà Đấng Cứu Thế, Con của Mẹ Maria đã đem xuống trần gian cho loài người trong đêm Giáng Sinh, để chúng ta biết sống hoà thuận yêu thương nhau, đoàn kết xây dựng hoà bình trên quê hương đất nước và trên toàn thế giới.

 

  1. Mẹ Thiên Chúa

Tước hiệu Đức Maria Mẹ Thiên Chúa là một tước hiệu đã có từ lâu đời trong Giáo Hội. Đây là một tước hiệu xứng hợp ơn mọi tước hiệu khi nói về Đức Trinh Nữ Maria.

Vào thế kỷ V, Nestôriô đã nổi lên chống đối tước hiệu Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria. Theo Nestôriô, chỉ nên gọi Maria là Mẹ của Đức Giêsu Kitô, chứ không được gọi là Mẹ Thiên Chúa. Một cuộc xung đột lớn đã xảy ra trong Giáo Hội xoay quanh việc Ngôi Hai nhập thể. Thế nên, vào năm 431, Hội Thánh đã triệu tập Công đồng Ephêsô dưới sự chủ toạ của thánh Cyrillô, các nghị phụ trong công đồng này đã tuyên bố cất chức Nestôriô và đánh đổ lạc thuyết của ông ta. Công đồng Ephêsô đã định tín Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa vì thực sự Mẹ đã sinh ra Con-Thiên-Chúa-làm-người.

Bắt đầu từ công đồng Ephêsô tước hiệu Maria Mẹ Thiên Chúa đã trở thành tước hiệu chính thức của Đức Trinh Nữ Maria. Đây là tước hiệu trổi vượt trên mọi tước hiệu mà Giáo Hội đã ca tụng và tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria. Thánh công đồng Vaticanô II trong Hiến chế Tín lý về Hội Thánh đã viết: “Từ những thời xa xưa, Đức Trinh Nữ đã được tôn kính dưới tước hiệu là Mẹ Thiên Chúa, và các tín hữu đã khẩn cầu cùng ẩn náu dưới sự che chở của Người trong mọi cơn gian nan khốn khố”. Đức Giáo Hoàng Piô XI đã viết khi lập thánh lễ kính trọng thể Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa ngày 11.10 nhân dịp kỷ niệm 1500 năm công đồng Ephêsô vào năm 1931: “Tín điều Mẹ Thiên Chúa là một mối nước mầu nhiệm vô tận, đã tuôn ra mọi đặc ân cho Đức Mẹ và nâng Người lên một địa vị cao sang tuyệt vời bên Thiên Chúa”.

Hôm nay, Giáo Hội dành ngày đầu năm dương lịch để cầu nguyện cho thế giới hoà bình trùng vào ngày kính trọng thể Đức Maria Mẹ Thiên Chúa như lời Đức Thánh Cha Phaolô VI đã viết trong tông huấn Marialis Cultus, khi người dời thánh lễ kính trọng thể Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa vào ngày 01.01 mỗi năm như sau: “Vì sự trùng hợp tốt đẹp giữa ngày 01 tháng Giêng với ngày thứ tám sau lễ Giáng Sinh mà chúng tôi đã đặt ngày đó là ngày thế giới hoà bình, mà thế giới mỗi ngày càng hưởng ứng thêm, và thành quả của hoà bình đã phát sinh trong lòng nhiều người”.

Lạy Vua Hoà Bình mới sinh, nhờ sự can thiệp của Nữ Vương Hoà Bình, xin ban cho nhân loại và mỗi người chúng con sự hoà bình đích thực và ơn an bình trong mỗi tâm hồn.

 

  1. Thánh Ý Thiên Chúa.

Giáo Hội Công giáo có một lòng sùng kính Mẹ Maria một cách đặc biệt. Mẹ đã được ca ngợi trong phụng vụ với nhiều tước hiệu khác nhau. Một trong những tước hiệu tuyệt vời nhất, đó là tước hiệu Mẹ Thiên Chúa. Tước hiệu này phát sinh từ niềm tin của Giáo Hội nơi Chúa Giêsu, người con sinh ra từ cung lòng Mẹ, là Con Thiên Chúa làm người. Ngài là người nhưng đồng thời cũng là Thiên Chúa.

Đoạn Tin mừng sáng hôm nay ghi lại quang cảnh các mục đồng đã được chứng kiến tại Bêlem trong đêm Chúa Giáng sinh. Một quang cảnh xem ra thật bình thường: Một hài nhi vấn tã đặt nằm trong máng cỏ bên cạnh Mẹ Maria và thánh Giuse. Nhưng đoạn Tin mừng cũng gợi lên một cái gì khác thường khiến cho Mẹ Maria đã phải ghi nhớ và suy niệm trong lòng.

Quả thật, Tin mừng đã nhiều lần nói đến mối quan hệ giữa Mẹ Maria và Chúa Giêsu, đồng thời nhấn mạnh cho thấy mối quan hệ ấy không phải chỉ là mối quan hệ theo huyết thống. Đức Maria là Mẹ của Chúa Giêsu không phải chỉ vì Mẹ đã sinh ra Chúa Giêsu tại hang đá Bêlem, đã bú mớm và nuôi dưỡng Ngài tại Nagiarét, mà hơn thế nữa vì Mẹ chính là người đã lắng nghe và thực hiện lời Chúa.

Trước những việc lạ lùng Chúa đã làm và nhất là trước giáo huấn của Ngài, một người phụ nữ đã ca tụng người mẹ đã cưu mang Ngài và đã cho Ngài bú. Nhưng Chúa Giêsu đã mời người phụ nữ ấy đi xa hơn điều bà đang nghĩ.

Đối với Chúa Giêsu, sợi dây thắt chặt Ngài với Đức Maria, đó chính là lòng tin, lòng mến được thể hiện một cách cụ thể qua việc lắng nghe và thực hiện lời Chúa.

Một lần khác, có người nhắc nhở với Chúa Giêsu là có Mẹ và anh em Ngài tới kiếm Ngài. Chúa Giêsu đã lợi dụng dịp này để cho người ta thấy mối quan hệ Ngài chờ đợi nơi mọi người đó chính là lòng tin, sự đồng tâm nhất trí với hành động và lời giảng dạy của Ngài. Đối với Chúa Giêsu không có sự biệt đãi theo huyết thống, theo nhãn hiệu, theo tước vị hay theo một tiêu chuẩn nào người ta có thể lãnh nhận một cách máy móc.

Đã hơn một lần người Do Thái được gọi vào cương vị là con cái Abraham, nhưng Ngài đã thẳng thắn trả lời với họ: Cương vị ấy không hơn gì một hòn đá. Người ta cũng đã nại vào tước vị là dân riêng của Chúa, của giao ước, nhưng Chúa Giêsu cũng đã cho thấy việc nại vào tước vị ấy quả là uổng công. Chẳng phải vì Ngài muốn đi ngược lại với những gì Cha Ngài đã giao ước, mà vì Ngài muốn đi vào cái cốt lõi của giao ước: Thực hiện thánh ý của Thiên Chúa.

Mối quan hệ chính yếu Chúa Giêsu muốn thiết lập, đó chính là mối quan hệ của việc thực thi lời Chúa, bất luận người đó là ai, dù là người Samaria mà dân Do Thái vốn coi rẻ, cho là hạng lai căng, lạc đạo, nhưng đã biết chăm sóc cho kẻ bị cướp đánh trọng thương, vứt bỏ bên lề đường, hay đã cho kẻ đói có cái ăn, kẻ khát có cái uống, kẻ trần truồng có cái mặc. Những việc làm nằm trong ý của Chúa thì người đó đã ở trong quan hệ cứu chuộc với Chúa.

Mừng lễ Mẹ Thiên Chúa, chúng ta cũng nhìn lại mối quan hệ của chúng ta đối với Đức Kitô. Bí tích Rửa tội và tất cả những bí tích chúng ta lãnh nhận một cách máy móc không đủ để đặt chúng ta vào trong quan hệ với Đức Kitô. Mang danh hiệu là người Kitô hữu, có tên trong sổ rửa tội mà thôi chưa đủ, bởi vì chúng ta chỉ thực sự gắn bó với Ngài khi lắng nghe và thực thi ý Chúa, bởi vì như lời Chúa đã khẳng định: Chỉ kẻ nào làm theo thánh ý Thiên Chúa, thì mới là mẹ, là anh chị em với Ngài mà thôi.

 

  1. Mẹ Thiên Chúa – Gm. Arthur Tonne

Ngày 20 tháng giêng 1961 John Kennedy làm Tổng Thống thứ 35 của Hoa Kỳ. Một người Công Giáo đầu tiên giữ chức vụ chóp bu. Trong ngày nhậm chức, có mặt tất cả dòng họ Kennedy, cùng bà mẹ đứng một chỗ danh dự. Vào lúc John Kennedy thề nhậm chức và trở thành Tổng Thống thì Rose Kennedy trở thành Mẹ của Tổng Thống. Khi bà sinh John vào năm 1917, Bà đã cho đất nước Hoa kỳ một con người mà sau này làm Tổng Thống. Bà không sinh ra một con người Tổng Thống. Nhưng thật sự và đúng là mẹ của một Tổng Thống.

Một cách tương tự, nhưng không y hệt như thế, chúng ta xưng tụng Đức Nữ đồng trinh là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ đã sinh ra Chúa Giêsu Kitô đấng vừa là Thiên Chúa vừa là Người. Đức Maria không sinh ra Chúa là Chúa. Đức Maria cũng không phải là Chúa hay Bà Chúa. Mẹ là một con người có hạn, được vinh dự dâng hiến bản tính nhân loại cho Ngôi Con trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Qua Mẹ, Đức Giêsu là một người thật và cũng là Thiên Chúa thật. Đó là chân lý chúng ta mừng lễ hôm nay. Ngày đầu năm dương lịch. Tại sao chúng ta công khai tung hô Maria là Mẹ Thiên Chúa ngay sát lễ giáng sinh? Lý do rất tự nhiên khi chúng ta thăm một em bé mới sinh, dễ nhiệm chúng ta muốn biết sức khoẻ của em, Em nặng mấy ký và em giống ai. Thế rồi bao giờ chúng ta cũng muốn biết về sức khoẻ của người Mẹ. Cả tuần nay chúng ta ngắm nhìn Chúa Hài Đồng trong Máng cỏ. Hôm nay chúng ta có lý do hướng về Mẹ của Ngài.

Một lý do khác nữa: trong ngày đầu năm, chúng ta cầu chúc cho nhau năm mới vui tươi, hạnh phúc. Nghĩa là chúng ta hy vọng và cầu xin cho bạn bè, những người thân yêu được một năm thánh thiện để họ biết Chúa Kitô nhiều hơn, yêu mến người nồng nàn hơn và phụng sự người trung thành hơn như Đức Mẹ đã làm. Để được như vậy không có gì giúp ta, hơn sự thúc đẩy và trợ giúp của Người Mẹ ấy, Chúa Giêsu và tôn kính mẹ, Người cũng muốn chúng ta yêu và Tôn kính Mẹ của Người.

Chúng ta có thể gợi một so sánh nữa; John Kennedy đã tham dự Thánh lễ vào buổi sáng ông nhậm chức. Ông làm thế để cám ơn Mẹ ông. Bà đã dự Thánh lễ mỗi ngày từ khi bà kết hôn. Mẹ Tổng Thống Kennedy đã chứng kiến cái chết rùng rợn của con bà, cũng thế Mẹ Thiên Chúa cũng chứng kiến cảnh tượng đóng đinh ghê sợ của Con Mẹ. Cái chết của Chúa Kitô được tái diễn trên bàn thờ này mọi ngày. Chúng ta hãy làm cho Thánh lễ thêm quan trọng hơn trong ngày đầu năm này và bạn sẽ Thánh và hạnh phúc trọn một năm. Hãy xin Thiên Chúa, nhờ Thánh lễ này cho bạn và những người thân yêu của bạn sự phù giúp bạn cần, để làm cho năm nay hạnh phúc.

Bạn đặc biệt để ý tới lời kinh nguyện Thánh Thể II “xin cho chúng con xứng đáng hưởng sự sống đời đời cùng với Đức Trinh nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa” sau Thánh lễ bạn hãy tìm tới máng cỏ và nhớ tới Mẹ Thiên Chúa. Mẹ sẽ thực hiện lời chúc mừng và cầu xin của tôi cho tất cả các bạn.

Năm mới hạnh phúc cho mọi người. Amen.

 

  1. Tại sao lại ‘Mẹ Thiên Chúa’?

Đặt ra cho mình câu hỏi này, tôi không có ý đi vào cuộc tranh luận thần học hay tín lý đâu, đơn giản là vì tôi luôn bị ám ảnh bởi câu khảng định của Đức Giêsu khi có người lên tiếng ca ngợi địa vị dành cho con người nào được diễm phúc làm người mẹ sinh hạ và dưỡng nuôi Ngài: “Đúng ra phải nói rằng: phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11:27-28). Và tôi vẫn thường tự hỏi: tại sao lắng nghe và tuân giữ Lời lại quan trọng hơn cả làm Mẹ Thiên Chúa? Hơn nữa có liên quan gì giữa hai điều này xem ra chẳng liên quan gì với nhau?

Lời Chúa trong bài Tin Mừng mời gọi tôi trở lại chiêm ngắm cảnh hang Bê-lem, một cảnh tượng quá đơn sơ nhưng có điều gì đó cần phải được khám phá. Trong suốt những ngày này, Maria đã chẳng chỉ suy đi nghĩ lại trong lòng các điều đó là gì? “Đến nơi, các mục đồng gặp bà Maria, ông Giu-se, cùng với Hài nhi đặt nằm trong máng cỏ”. Tôi nhận ra cái diễm phúc lớn hơn hết của con người được cái đặc ân cưu mang trong lòng dạ chín tháng, sinh hạ, rồi ôm ẵm trên tay, cho bú mớm và nuôi dưỡng Hài Nhị nhỏ bé này chính là được trở thành nhân vật gần gũi, được chạm tới, được chiêm ngắm trực diện hơn ai hết một Thiên Chúa làm người để cứu độ, một Thiên Chúa đang tỏ hiện lòng từ bi thương xót của Ngài cách quá cụ thể và độc đáo. Không trách gì mà Maria đã “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”.

Phải chăng khi nói ‘nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa’, Đức Giêsu đã muốn ám chỉ điều này? Lời Thiên Chúa chắc hẳn không phải chỉ là một vài giáo điều luân lý hay một học thuyết cao siêu nào đó (như giới luật mến Chúa yêu người chẳng hạn), mà phải là điều mà, qua sự hiện diện trần thế trong hình hài một trẻ sơ sinh cũng như qua cái chết thập giá, Ngài đã và đang không ngừng nói lên: Thiên Chúa yêu thương con người! Rõ ràng là Maria đang ‘nghe’ điều này qua các diễn biến tuần tự xảy ra tại Bê-lem, và nghe cách chăm chú với tất cả cõi lòng của một phụ nữ làm mẹ, nghe với tất cả tâm trí của một nữ tì khiêm hạ, để khi có dịp sẽ cất lên thành bài ca: “Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa , Đấng cứu độ tôi… Người đoái thương nhìn tới phận nữ tỳ hèn mọn…” (Lc 1:46-48)

Và Maria cũng đang ‘tuân giữ’, qua việc đón nhận cách trọn vẹn và tham gia cách tích cực, việc Thiên Chúa tỏ hiện lòng thương xót cứu độ của Ngài. Đón nhận nào sâu xa và trọn vẹn cho bằng với trọn cả tâm trì và cõi lòng: tâm trí Maria đã nhảy mừng và lòng dạ Maria đã cưu mang; và có tham gia nào thực tế cho bằng người mẹ đã cưu mang để đem tình thương cứu độ đó trao ban lại cho toàn thể nhân loại? Maria đã làm được điều đó và làm cách xuất sắc hơn hết thảy mọi người trong tư thế một người mẹ. Đức Giêsu có lẽ đã ám chỉ điều này khi Người lên tiếng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?… Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi” (Mc 3:31-35). Được làm Mẹ Thiên Chúa sướng và hạnh phúc thật, nhưng với Giêsu và Maria, đó không phải là một địa vị, một đặc ân, nhưng là một tư thế trước Tin Mừng cứu độ. Và hình như Đức Giêsu cũng muốn mỗi người chúng ta tham gia vào cái ‘vinh dự’ đó thì phải, đơn giản là vì mỗi Kitô hữu đều phải có một tư thế của riêng của mình trước Tin Mừng cứu độ: mỗi người đều phải biết ‘nghe và tuân giữ’ Lời Cứu Độ của lòng thương xót theo cách thức của mình.

Tôi biết dòng Salêdiêng Don Bosco có tham vọng muốn các hội viên của mình phải trở thành ‘dấu chỉ và người mang tình thương của Chúa đến cho các thanh thiếu niên’. Rõ ràng Tu Hội muốn họ trở thành ‘mẹ’ của các trẻ bị bỏ rơi, đồng thời cũng trở thành mẹ của Thiên Chúa nữa (theo định nghĩa ‘mẹ’ của Đức Giêsu). Có lẽ vì vậy mà nhà dòng muốn họ cùng Mẹ Phù Hộ đồng hành trên con đường ơn gọi chăng; không phải chỉ vì những trợ giúp đỡ nâng bên ngoài, nhưng nhất là trong nội dung của chính ơn gọi họ: cứu vớt các thanh thiếu niên. Và nếu tôi không lầm thì theo nội dung đó, Đức Giêsu còn muốn mọi Kitô hữu chúng ta, trong đó chắc chắn có cả tôi và bạn nữa, cùng trở thành ‘mẹ’ của Người. Phải chăng đó là ‘ý đồ’ của Người, khi trên thập giá Người đã trao phó nhân loại, qua đại diện là Gio-an, cho Maria và muốn chúng ta nhận người làm mẹ mình không? “Thưa bà, đây là con của bà… Đây là mẹ của anh!” (Ga 19:26-27)

Lạy Mẹ Maria – Mẹ Thiên Chúa, xin hãy giúp con biết như Mẹ ‘nghe và tuân giữ’ Lời Cứu Độ đầy từ tâm. Xin cho con khi mừng kính Mẹ dưới danh hiệu cao đẹp này, cũng được tham gia vào nghĩa vụ trở thành ‘mẹ của Đức Kitô’ cho những ai chưa được biết tới tình yêu thương của Chúa. Và cũng xin cho con trung thành với ơn gọi Kitô hữu và Sa-lê-diêng của con trong tất cả chiều kích sâu sắc nhất của nó. Amen.

 

  1. Mẹ Thiên Chúa.

Có một cô gái, sau khi tham dự một khóa tĩnh tâm, đã kể lại về đời mình như sau: Ngay từ hồi còn bé, tôi đã lâm vào một tình trạng lo âu sợ hãi. Cố gắng lớn lao nhất của tôi hiện nay là vượt thắng nỗi lo âu sợ hãi ấy. Tất cả đều do người mẹ.

Phải, ngay từ những thánh năm ấu thơ, không hiểu vì lý do gì, bà luôn đối xử với tôi một cách nghiệt ngã. Hết đánh đập lại đe loi, khiến tôi bị mặc cảm. Và nỗi lo âu sợ hãi cùng với thời gian cứ tăng lên mãi. Cho đến hôm rồi, sau khi nghe một bài giảng, tôi tình cờ bước vào nhà thờ. Ở đó có bức tượng Mẹ Maria, và đó là lần đầu tiên tôi nhìn ngắm bức tượng Mẹ thật kỹ.

Thoạt tiên, tôi bực bội, giận dữ muốn bỏ ngay ra ngoài, nhưng rồi một cái gì đó đã lôi kéo tôi đến quỳ dưới chân Mẹ. Úp mặt vào lòng bàn tay và tôi đã khóc. Sau đó, tôi cảm thấy tâm hồn mình nhẹ nhõm và mong ước được làm một đứa trẻ, một người con bé bỏng, đầy tin tưởng và phó thác. Đồng thời tôi cũng cảm nhận được tình yêu mà Mẹ Maria đã dành cho tôi, khiến tôi muốn thực sự tha thứ cho người mẹ ruột của tôi những gì đã xảy ra trong dĩ vãng.

Từ câu chuyện trên chúng ta đi vào tâm tình của ngày lễ kính Mẹ Thiên Chúa và chúng ta sẽ suy nghĩ về hai điểm.

Điểm thứ nhất: Đức Maria không phải chỉ là Mẹ Thiên Chúa mà ngài còn là mẹ thật của mỗi người chúng ta nữa. Từ trời cao, Mẹ luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng ta trong mọi cảnh huống cuộc đời.

Điểm thứ hai: Đức Maria cũng chính là khuôn mẫu để chúng ta noi theo, nhất là về thái độ tín thác vào Chúa.

Thực vậy, khi sứ thần báo tin Mẹ sẽ sinh con bởi quyền phép Chúa Thánh Thần, mặc dù biết rằng việc này có thể làm cho thánh Giuse buồn phiền và lo nghĩ, nhưng Mẹ vẫn vững tin và phó thác vào Chúa. Rồi khi nghe các mục đồng kể lại lời các thiên thần. Mặc dù không hiểu lắm, nhưng Mẹ vẫn tín thác vào Chúa. Khi nghe ông già Simeon nói tiên tri: Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu trái tim Bà. Lần này Mẹ Maria cũng chẳng hiểu rõ ý nghĩa lời tiên tri, nhưng Mẹ vẫn phó thác vào Chúa. Rồi khi tìm thấy Chúa và nghe Chúa trả lời: Mẹ không biết con phải lo việc Cha con sao? Một lần nữa Mẹ Maria chẳng hiểu gì cả nhưng Mẹ vẫn tin tưởng nơi Chúa.

Và ngày nay, Mẹ luôn sẵn sàng giúp chúng ta sống tin tưởng và phó thác vào tình thương của Chúa. Chẳng hạn là những bậc cha mẹ, chúng ta đã cặn kẽ dạy bảo, ra sức làm gương sáng mà con cái vẫn khô khan nguội lạnh ngang bướng Và như vậy, chỉ còn một phương cách là tiếp tục cầu nguyện và phó thác. Chính Mẹ Maria sẽ giúp chúng ta làm điều này.

Là một thanh niên, chúng ta lo lắng về tương lai, không hiểu những dự tính của mình là gì và sẽ đi về đâu? Chúng ta đã bàn bạc, đã cầu nguyện mà sao vẫn còn mù mịt. Vậy thì hãy tiếp tục cầu nguyện và phó thác, chính Mẹ Maria sẽ giúp chúng ta trong việc này.

Là một người đang chao đảo về đức tin với bao nhiêu những thắc mắc, những khó hiểu. Mặc dù đã cầu nguyện nhưng chúng ta vẫn hoài nghi liệu có Chúa hay không? Vậy thì hãy cầu nguyện và phó thác Mẹ Maria sẽ giúp chúng ta thực hiện điều này.

Lạy Đức Maria, là Mẹ Thiên Chúa và Mẹ chúng con, xin hãy giúp con trong mọi cảnh huống của cuộc đời.

HỎI VÀ SỐNG
PHỤNG VỤ THÁNH THỂ
dành cho các lễ sinh (giúp lễ)


CHƯƠNG MỘT

PHỤC VỤ TRONG HỘI THÁNH

I. HỘI THÁNH LÀ MỘT CỘNG ĐOÀN.
1.      Hội Thánh là gì ?
Hội Thánh là cộng đoàn Dân Chúa mà Đức Giêsu đã qui tụ và dẫn dắt dưới sự soi sáng và thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, để tiến về Quê Trời.
2.      Giáo phận là gì ?
Giáo Phận là một phần Dân Chúa được giao phó cho một Giám mục săn sóc, cùng với sự cộng tác của Linh mục đoàn, để nhờ Phúc Âm và Thánh Thể, cộng đoàn ấy lập thành Giáo Hội địa phương.
3.      Giáo phận còn được gọi là gì ?
Giáo phận còn được gọi là “Giáo Hội địa phương”.
4.      Giáo xứ là gì ?
Giáo xứ là một cộng đoàn tín hữu được thiết lập cách bền vững ở trong Giáo Hội địa phương, mà việc săn sóc mục vụ được ủy thác cho cha quản xứ làm chủ chăn riêng, dưới quyền của Giám mục Giáo phận (GL 515).
II. CỘNG ĐOÀN KITÔ HỮU LÀ CỘNG ĐOÀN DÂN THÁNH ĐƯỢC QUY TỤ CÓ PHẨM TRẬT.
5.      Cộng đoàn Kitô hữu là gì ?
Cộng đoàn Kitô hữu là một cộng đoàn dân thánh, được quy tụ có phẩm trật dưới quyền Đức Giám Mục (QCTQ/SLR 91).
6.      Nhìn vào đâu để nói lên cộng đoàn Kitô hữu là một cộng đoàn có phẩm trật ?
Nhìn vào buổi cử hành thánh lễ để thấy cộng đoàn Kitô hữu là một cộng đoàn có phẩm trật : trong buổi cử hành thánh lễ, thừa tác viên cũng như tín hữu giáo dân, không ai là khán giả câm lặng nhưng mỗi người đều tham gia tích cực vào buổi cử hành và thực hiện phận vụ của mình theo qui tắc phụng vụ.
7.      Chủ tế là ai ?
Chủ tế là người trong Hội Thánh có chức thánh để dâng hy lễ nhân danh Đức Kitô, để chủ tọa cộng đoàn tín hữu được quy tụ (QCTQ/SLR 93) ; ngài thay mặt Đức Kitô là Đầu mà hành động (LM 2).
8.      Phó tế là ai ?
Phó tế là người có chức thánh để phục vụ : thầy công bố Tin Mừng, đôi khi diễn giảng Lời Chúa, xướng các ý nguyện trong lời nguyện cho mọi người, giúp chủ tế khi chuẩn bị bàn thờ và khi cử hành hy tế, cho các tín hữu rước lễ, nhất là dưới hình rượu (QCTQ/SLR 94).
9.      Người giúp lễ là ai ?
Là người phục vụ bàn thờ, giúp chủ tế và thầy phó tế (QCTQ/SLR 98). Khi sốt sắng tham dự và thi hành phận sự mình, thì người giúp lễ góp phần tạo nên bầu khí tôn nghiêm, giúp cho cộng đoàn cầu nguyện để tôn vinh Thiên Chúa.
10. Người đọc sách làm gì ?
Người đọc sách có sứ mạng cao cả là công bố Lời Chúa : Bài đọc I, Thánh vịnh đáp ca, Bài đọc II.
11. Người dẫn lễ là ai ?
Là người giải thích và hướng dẫn, giúp giáo dân tham dự thánh lễ cách ý thức hơn. Vì vậy, lời hướng dẫn này phải được sửa soạn trước, vắn tắt và rõ ràng (QCTQ/SLR 105 b).
12. Ca viên và ca đoàn giữ vai trò nào trong phụng vụ ?
Ca viên và ca đoàn giữ vai trò quan trọng để việc cử hành phụng vụ được tốt đẹp. Bằng lời ca tiếng hát, họ tạo nên tâm tình sốt sắng và nâng đỡ cộng đoàn đang cầu nguyện.
13. Cộng đoàn tham dự phụng vụ là những ai ?
Là các tín hữu hợp thành dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, hoàng tộc chuyên lo tế tự, để tạ ơn Thiên Chúa (QCTQ/SLR 95).
14. Vai trò của các nhạc công là gì ?
Họ đóng vai trò quan trọng, vì âm nhạc là nền để cộng đoàn phụng vụ tựa vào đó mà ca hát tôn vinh Chúa.
15. Người giữ phòng thánh là ai ?
Là người sắp đặt cẩn thận các đồ dùng cần thiết trong việc cử hành phụng vụ (x. QCTQ/SLR 105), và cũng gìn giữ phòng thánh được an toàn, trật tự .
III. LỜI NÓI VÀ DÁNG ĐIỆU CỦA CỘNG ĐOÀN KITÔ HỮU
16. Lời tung hô là những lời nào ?
Các lời tung hô trong thánh lễ gồm có :
–      Amen : tiếng Do thái có nghĩa là tán đồng, “Vâng, đúng thế…”.
–      Alleluia : tiếng Do thái có nghĩa là “Chúc tụng Chúa”. Đây là lời tung hô bày tỏ niềm vui mừng và chiến thắng.
–      Hosanna : tiếng Do thái tạm dịch là “Hoan hô”.
–      Tạ ơn Chúa ; Lạy Chúa, vinh danh Chúa ; Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa : đây là những lời chúc tụng tạ ơn Chúa.
Những lời này có thể dưỡng nuôi tâm tình cầu nguyện trong tâm trí ta suốt ngày.
17. Những lời đối đáp là những lời gì ?
Là những câu tín hữu đáp lại lời chào và lời cầu nguyện của vị chủ tế trong suốt buổi cử hành phụng vụ. Các lời đối đáp diễn tả những ước nguyện và tâm tình của cộng đoàn và mỗi tín hữu.
18. Vinh tụng ca là gì ?
Vinh tụng ca là công thức để chúc tụng và tôn vinh Thiên Chúa về những kỳ công của Người. Có nhiều câu chúc tụng như :
–      “Nhờ Đức Giêsu Kitô…” là câu kết thúc lời nguyện, hướng lòng chúng ta về Ba Ngôi Thiên Chúa.
–      “Vinh Danh Thiên Chúa trên các tầng trời…” là thánh thi lễ Giáng Sinh mà chúng ta đọc đầu lễ (trừ Mùa Vọng, Mùa Chay)
–      “Chính nhờ Đức Kitô, cùng với Đức Kitô và trong Đức Kitô…” là Vinh Tụng Ca long trọng nhất kết thúc Kinh Tạ Ơn, dành riêng cho vị tư tế.
19. Lời cầu là những lời gì ?
Lời cầu là những công thức cầu nguyện ngắn gọn. Việc lặp đi lặp lại giúp ý cầu nguyện đi sâu vào nội tâm, ví dụ như lời : “Xin Chúa nhậm lời chúng con”.
20. Lời Tuyên Xưng Đức Tin là gì ?
Lời Tuyên Xưng Đức Tin là bản tóm tắt đức tin và những chân lý trong đạo Công Giáo.
–      Kinh Tin Kính của Công đồng Ni-xê Công-tan-ti-nốp : chúng ta đọc trong thánh lễ.
–      Kinh Tin Kính các tông đồ : thường đọc trong các buổi đọc kinh và học trong các giờ giáo lý.
–      Công Thức Tuyên Xưng Đức Tin khi chịu phép Rửa, được cộng đoàn lặp lại trong Đêm Vọng Phục Sinh.
21. Sự thinh lặng trong phụng vụ có ý nghĩa như thế nào ?
Thinh lặng trong phụng vụ giúp mỗi người đi sâu vào nội tâm, để suy niệm và cầu nguyện, cách riêng trong những lúc : sám hối đầu lễ, sau các bài đọc và bài giảng, sau rước lễ (x. QCTQ/SLR 45).
IV. CỬ CHỈ CỘNG ĐOÀN KITÔ HỮU
22. Dấu Thánh Giá có nghĩa gì ?
Dấu Thánh Giá là việc tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi, được các tín hữu ghi dấu trước khi cử hành bất cứ việc đạo đức nào.
23. Tư thế đứng mang ý nghĩa gì ?
Là tư thế trang trọng của con người tự do, không phải là nô lệ, là tư thế của người được sống lại, và kính trọng khi lắng nghe Tin Mừng.
24. Tư thế ngồi mang ý nghĩa gì ?
Ngồi là tư thế của kẻ hồi tâm để lắng nghe và thư thái yên hàn đón nhận Lời Chúa trong các bài đọc, để cho Lời Chúa thấm nhập vào trong tâm hồn.
25. Tư thế quỳ mang ý nghĩa gì ?
Là thái độ khiêm tốn nhận mình có tội trước Thiên Chúa vô cùng cao cả.
Bái quỳ là cách diễn tả tâm tình thờ phượng trước thánh nhan Chúa.
26. Tư thế bước đi mang ý nghĩa gì ?
Bước đi chậm rãi khoan thai là dấu chỉ chúng ta đang tiến đến cùng Chúa, là diễn tả niềm vui và ước ao được đến với Chúa, như lúc đầu lễ, dâng lễ, rước lễ, v.v…
CHƯƠNG HAI

TRẺ EM PHỤC VỤ BÀN THỜ

27. Chú giúp lễ (lễ sinh, thiếu nhi cung thánh) là ai ?
Là những người được trao phó sứ mạng phục vụ Bàn Thờ để giúp cộng đoàn sốt sắng tham dự phụng vụ.
28. Việc phục vụ Bàn Thờ phát xuất từ đâu ?
Mỗi tín hữu đều có bổn phận phục vụ cộng đoàn. Vì vậy việc phục vụ của chú giúp lễ phát xuất từ ơn gọi của bí tích rửa tội.
29. Khi nào em được gọi là chú giúp lễ ?
Sau khi em được học hỏi và huấn luyện để phục vụ cung thánh, thì em được gọi là chú giúp lễ.
30. Việc phục vụ tại cung thánh có ý nghĩa như thế nào ?
Việc phục vụ tại cung thánh là dấu chỉ em được thay mặt cộng đoàn để phục vụ các cử hành phụng vụ.
31. Việc phục vụ bàn thờ có đem lại ích lợi gì cho em không ?
Khi phục vụ bàn thờ em được gần gũi với Chúa và các cử hành thánh, giúp em tăng trưởng đức tin và lòng yêu mến Chúa.
32. Phái nữ có được giúp lễ không ?
Có thể được tuỳ theo nhu cầu, tùy theo sự xét đoán của Giám mục (RS 47), nhưng truyền thống của Giáo Hội vẫn ưu tiên trao sứ mạng này cho phái nam vì phận vụ của người giúp lễ có mối liên hệ chặt chẽ với thừa tác vụ thánh của linh mục.
33. Việc giúp lễ có giúp ích gì cho ơn gọi linh mục không ?
Giúp lễ là dịp tốt cho lễ sinh được ở gần Chúa hơn, được các linh mục dạy dỗ nhiều hơn, như cậu bé Samuen ngày xưa ở trong Đền thờ với Thầy Hêli (x. 1 Sm 3,3-19).
34. Chú giúp lễ phải học những gì ?
Em phải học hỏi giáo lý đầy đủ, phải sống đức tin mạnh mẽ, phải tập kỹ lưỡng các nghi thức phụng vụ, đồng thời tập sống chung với các bạn lễ sinh khác.
35. Tại sao phải họp giúp lễ ?
Việc họp giúp lễ để các lễ sinh có chung một tinh thần phục vụ, tăng trưởng lòng đạo đức và giúp các em trau dồi về phụng vụ.
36. Áo trắng dài của lễ sinh nói lên điều gì ?
Thường các lễ sinh mặc áo trắng dài để nhắc em nhớ đến chiếc áo ngày chịu phép rửa tội và em phải giữ tâm hồn sạch tội để xứng đáng phục vụ bàn thờ.
37. Tinh thần phục vụ của lễ sinh phải thế nào ?
Tinh thần phục vụ của lễ sinh phải hướng tới lợi ích thiêng liêng của cộng đoàn và chính mình bằng đời sống đạo đức, khiêm tốn và sẵn sàng.
38. Tại sao em phải cần tập giúp lễ ?
Việc tập giúp lễ giúp em nắm vững phần công việc của mình, loại bỏ những căng thẳng và lo lắng trong buổi lễ, làm cho tâm trí em được thanh thản mà cầu nguyện và giúp cộng đoàn phụng vụ thêm sốt sắng.
39. Lễ sinh phải đi đứng thế nào ?
Em bước đi trong tư thế nghiêm trang, ngang hàng với người bên cạnh và bước thẳng theo người đi trước, không quay ngang quay ngửa.
40. Lễ sinh phải ngồi thế nào ?
Lễ sinh luôn chờ vị chủ tế ngồi trước rồi hãy ngồi. Cần ngồi thẳng lưng, hai tay đặt trên hai đầu gối.
41. Tư thế đôi tay của lễ sinh thế nào ?
Tư thế đôi tay thông thường là :
–      Chắp tay khi đứng và quỳ.
–      Khi làm công việc với một tay, thì tay kia để trước ngực.
–      Khi ngồi hai tay để trên đầu gối.
42. Cúi mình khi nào và cúi đầu khi nào ?
–      Cúi mình (cúi sâu, gập cả phần thân) khi tỏ lòng cung kính trước bàn thờ hay Thánh Thể…, ví dụ : lúc đầu lễ, lúc cuối lễ, khi đọc kinh Tin Kính chỗ “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần… làm người”, khi dâng Mình và Máu Thánh Chúa, v.v…
–      Cúi đầu khi kêu tên Chúa Giêsu-Kitô, tên Đức Maria và vị thánh được kính trong thánh lễ hôm đó, khi đi ngang qua trước vị chủ tế, v.v…
43. Chưởng nghi là ai ?
Là người có khả năng chuyên môn, để lo liệu cho các động tác phụng vụ được xếp đặt cách thích đáng và được các thừa tác viên chức thánh và các tín hữu giáo dân thực hiện cách trang nghiêm, trật tự và đạo đức (QCTQ/SLR 106).
44. Người cầm Thánh Giá và đèn hầu là ai ?
Người cầm Thánh Giá đi đầu đoàn rước tiến vào nhà thờ cũng như lúc ra về ; còn hầu đèn là hai người cầm đèn đi bên cạnh khi đi rước đầu lễ và cuối lễ, lúc công bố Tin Mừng và, nếu cần thì làm một vài công việc khác trong buổi cử hành.
45. Người cầm hương có nhiệm vụ gì ?
Người cầm hương phải lo cho bình hương có than cháy để khi bỏ hương, khói hương nghi ngút nói lên kinh nguyện tỏa bay lên trước tôn nhan Chúa.
46. Có mấy lần bỏ hương trong lễ trọng ?
Thường trong thánh lễ trong có 4 lần bỏ hương :
a) đầu lễ (khi đi kiệu vào nhà thờ, xông hương Thánh Giá và bàn thờ) ;
b) công bố Tin Mừng ;
c) xông hương lễ vật, chủ tế và cộng đoàn ;
d) lúc dâng Mình và Máu Thánh Chúa.
CHƯƠNG BA

THÁNH LỄ VÀ DIỄN TIẾN

47. Tại sao gọi Thánh Lễ là trọng tâm đời sống Kitô hữu ?
Vì Thánh Lễ là trung tâm, “nguồn mạch và chóp đỉnh đời sống Kitô hữu”. Trong thánh lễ, chúng ta tiếp nhận Lời Chúa, đón nhận Bánh Thánh ban sự sống là chính Đức Kitô và là nơi hiệp nhất cộng đoàn Dân Chúa.
48. Thánh Lễ Chúa Nhật nhắc chúng ta điều gì ?
Thánh Lễ Chúa Nhật nhắc chúng ta nhớ lại “ngày thứ nhất trong tuần”, ngày Chúa Phục Sinh, ngày dành riêng để thờ phượng Chúa và làm các việc bác ái.
49. Ta phải sống tâm tình ngày Chúa Nhật thế nào ?
Ta phải mang tâm tình đạo đức và vui tươi vì được kết hợp mật thiết với Đức Kitô và anh chị em mình hơn mọi ngày khác.
50. Lễ sinh làm gì trước khi giúp lễ ?
Trước khi giúp lễ, em đọc lời nguyện này : “Lạy Chúa Giêsu, con cám ơn Chúa đã muốn dùng con để phục vụ bàn thánh. Xin Chúa mở tai con để lắng nghe Lời Chúa, mở miệng con để ca tụng danh thánh Chúa. Xin giúp con mãi mãi là tôi tớ trung thành phục vụ Chúa ở nơi đây cũng như ở khắp mọi nơi mà con hiện diện. Amen”.
51. Lễ sinh làm gì ở phòng thánh ?
Tại phòng thánh em cùng các bạn giúp nhau mặc áo, giữ thinh lặng để chuẩn bị tâm hồn và thể xác tham dự thánh lễ. Tuyệt đối không nô đùa, không lớn tiếng ở phòng thánh.
52. Lễ sinh có phải giúp chủ tế ở phòng thánh không ?
Có, lễ sinh phải giúp chủ tế mặc phẩm phục : áo trắng dài, dây thắt lưng, kéo cổ áo lễ và sửa lại ngay ngắn, v.v…
I.   NGHI THỨC ĐẦU LỄ :
53. Thánh Lễ gồm mấy phần ?
Thánh Lễ gồm hai phần chính là : phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể. Ngoài ra còn hai phần phụ là : Nghi thức đầu lễ và nghi thức kết thúc.
54. Nghi thức đầu lễ gồm những gì ?
Nghi thức đầu lễ gồm cuộc rước đầu lễ với bài “Ca nhập lễ”, dấu Thánh Giá, lời chào khai mạc, nghi thức sám hối, kinh “Vinh danh”, lời kêu mời cầu nguyện và lời nguyện nhập lễ.
55. Vì sao chủ tế và giúp lễ phải bái chào bàn thờ ?
Vì bàn thờ đã được thánh hiến là dấu chỉ chính Đức Kitô, là nơi cử hành lễ hiến tế, vì thế sau khi bái chào thì chủ tế còn hôn kính bàn thờ nữa.
56. Lời chào đầu lễ của chủ tế : “Chúa ở cùng anh chị em” có ý nghĩa gì ?
Lời chào này báo cho cộng đoàn ý thức có Chúa đang hiện diện giữa họ và qui tụ họ lại để tôn vinh Thiên Chúa.
57. Trong thánh lễ, Chúa Giêsu hiện diện cách nào ?
Chúa Giêsu hiện diện trong Lời Chúa, trong cộng đoàn cầu nguyện và thực hành bác ái, trong con người thừa tác viên thánh, và nhất là trong hình bánh rượu đã được truyền phép.
58. Nghi thức sám hối đầu lễ có thay bí tích Hòa Giải không ?
Thưa không, vì nghi thức sám hối đầu thánh lễ là biểu lộ tâm tình sám hối vì thấy mình bất xứng nên xin Chúa thứ tha lỗi lầm để được xứng đáng cử hành mầu nhiệm cao cả. Vì thế, đây chưa phải là bí tích Hòa Giải, vì chưa có lời Xá giải bí tích cho từng hối nhân.
59. Kinh Vinh Danh có giá trị như thế nào ?
Đây là thánh thi mượn lời các thiên thần ca ngợi Thiên Chúa trong đêm Giáng Sinh. Kinh này giúp chúng ta chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa, bày tỏ niềm vui, nên không đọc trong mùa sám hối (Mùa Vọng, Mùa Chay và các lễ an táng, cầu hồn).
60. Vì sao chủ tế lại kêu mời “Chúng ta dâng lời cầu nguyện” ?
Để nhắc mỗi người hãy hiệp thông với lời nguyện của ngài. Riêng trong lời nguyện nhập lễ, chủ tế mời gọi mỗi người thầm thĩ trong lòng dâng ý nguyện riêng mà ngài sẽ tổng kết trong lời nguyện được gọi là “lời tổng nguyện”.
II. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
61. Phần phụng vụ Lời Chúa bắt đầu và kết thúc khi nào ?
Phụng vụ Lời Chúa bắt đầu từ bài đọc Kinh Thánh thứ nhất, sau lời nguyện nhập lễ của chủ tế, và kết thúc khi đọc xong lời nguyện chung, tức là trước khi dâng lễ vật.
62. Bài đọc I thường được trích từ đâu ?
Bài đọc I thường được trích từ Kinh Thánh Cựu Ước để loan báo hành động của Thiên Chúa là Đấng từ khi tạo thành thế giới, đã chuẩn bị cho dân Ngài đón tiếp Chúa Giêsu. Ngày Chúa Nhật, Bài đọc I giúp ta hiểu bài Tin Mừng rõ hơn.
63. Bài đọc II thường được trích từ nguồn nào ?
Bài đọc II thường được trích từ một trong các thư tông đồ. Bài đọc này liên kết chúng ta với các Kitô hữu đầu tiên, bởi vì các Tông Đồ đã rao giảng cho các cộng đoàn tiên khởi hoặc là đã viết thư cho họ.
64. Ý nghĩa của Thánh Vịnh đáp ca là gì ?
Thánh vịnh đáp ca là lời đáp trả của con người sau khi nghe Chúa nói qua các bài đọc Kinh Thánh. Do đó, Thánh vịnh đáp ca phải là bản văn Kinh Thánh có liên quan trực tiếp với bài đọc vừa được nghe.
65. Ai là người được phép công bố Tin Mừng trong Thánh lễ ?
Khi cử hành Thánh lễ, chỉ có những người có chức thánh mới được phép công bố Tin Mừng.
66. Bài Tin Mừng có chỗ đứng như thế nào trong Thánh lễ ?
Đó là trọng tâm của phần phụng vụ Lời Chúa : Chính Chúa Kitô Phục Sinh đang nói với chúng ta. Vì thế việc công bố Tin Mừng phải thật long trọng và mọi người đứng, quay mặt về phía người đọc để tỏ lòng kính trọng và chăm chú lắng nghe.
67. Ai được phép giảng lễ và dựa vào đâu để diễn giảng ?
Chỉ người có chức thánh mới được giảng trong Thánh lễ. Ngài dựa vào những gì Lời Chúa vừa nói với cộng đoàn để giúp chúng ta đón nhận giáo huấn, như xưa Chúa Giêsu đã làm cho các môn đệ làng Emmau.
68. Ý nghĩa của lời tuyên xưng đức tin là gì ?
Lời tuyên xưng đức tin trong Kinh Tin Kính là lời cộng đoàn đáp lại Lời Chúa. Người Kitô hữu tuyên xưng lớn tiếng Đấng họ tin, qua việc đón nhận và đáp lại Lời Ngài mà họ vừa được nghe trong các bài Kinh Thánh và bài diễn giảng.
69. Lời tuyên xưng đức tin của cộng đoàn hiện diện có liên hệ đến những ai ?
Lời tuyên xưng đđức tin của cộng đoàn có liên hệ đến cả Hội Thánh, bao gồm những người hiện diện, những người vắng mặt và cả những người đã qua đời. Vì đây là đức tin của cả Hội Thánh, là dấu để nhận biết người thuộc về Hội Thánh.
70. Khi đọc Kinh Tin Kính, vì sao mọi người lại cúi mình khi tới câu : “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người” ?
Chúng ta cúi mình để tỏ lòng tôn kính mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể để cứu chuộc loài người. Đặc biệt mọi người còn quì trong ngày lễ Truyền Tin và Giáng Sinh.
71. Vị trí của “Lời nguyện chung” trong Thánh lễ là gì ?
Lời nguyện chung” (“lời nguyện cho mọi người”, “lời nguyện tín hữu”) kết thúc phần Phụng vụ Lời Chúa. Đây là lúc cộng đoàn dâng lên Chúa lời cầu nguyện cho hết mọi người, bởi lẽ Chúa Giêsu đã ban sự sống và kêu gọi hết mọi người nhận biết Thiên Chúa.
III. PHỤNG VỤ THÁNH THỂ
72. Phụng vụ Thánh Thể bắt đầu và kết thúc khi nào ?
Phụng vụ Thánh Thể bắt đầu từ phần chuẩn bị lễ vật, tức là sau lời nguyện chung, cho đến hết Lời nguyện hiệp lễ.
73. Lễ sinh làm gì trong phần chuẩn bị lễ vật ?
Em đem khăn thánh, khăn lau chén, dĩa và chén thánh, bình đựng bánh thánh và sách lễ đặt trên bàn thờ. Sau đó em đem rượu và nước cho chủ tế.
74. Vì sao người dự lễ cũng được dâng bánh rượu ?
Các tín hữu tiến dâng bánh và rượu dùng vào việc tế lễ là để biểu lộ sự tham dự tích cực. Đây cũng là lúc mỗi người được mời gọi dâng lễ vật của mình lên : tiền hy sinh dâng cúng cùng với tất cả bản thân và đời sống của mình.
75. Việc pha một chút nước vào rượu có ý nghĩa gì ?
Việc pha nước vào rượu diễn tả chúng ta muốn được thông phần bản tính Thiên Chúa như Chúa Giêsu đã chia sẻ thân phận con người của chúng ta.
76. Việc chủ tế rửa tay sau phần dâng lễ vật có ý nghĩa gì ?
Linh mục rửa tay sau phần dâng lễ vật là dấu chỉ muốn xin ơn thanh tẩy bản thân trước khi dâng tiến hy tế Đức Kitô.
77. Sau nghi thức rửa tay, Thánh lễ tiếp diễn như thế nào ?
Sau nghi thức rửa tay, chủ tế đọc lời nguyện tiến lễ để kết thúc phần chuẩn bị lễ vật, rồi bước sang phần quan trọng của Thánh lễ là Kinh Tạ Ơn.
78. Kinh Tạ Ơn (Kinh Nguyện Thánh Thể) là gì ?
Đây là lời kinh dành cho vị chủ tế, bắt đầu sau lời nguyện tiến lễ bằng “Kinh Tiền Tụng” cho đến hết vinh tụng ca “Amen” trước Kinh Lạy Cha. Trong Kinh Tạ Ơn, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta biến cuộc đời mình thành một lời “cám ơn” Thiên Chúa.
79. Kinh Tạ Ơn có giá trị như thế nào ?
Đây là phần cao trọng nhất của Thánh lễ, vì phần này hiện tại hóa cho đến muôn đời lễ tế của Giêsu trên Thập Giá, để cứu chuộc mọi người.
80. Chúng ta tham dự vào Kinh Tạ ơn với tâm tình nào ?
Khi đọc Kinh Tạ Ơn, mọi người kính cẩn và thinh lặng lắng nghe để kết hợp với hy tế của Đức Kitô, và trong cõi lòng thầm kín, chúng ta hiến dâng lên Chúa cuộc đời, niềm vui, nỗi khổ của mình. Mọi người còn tham dự tích cực bằng lời tung hô vào những lúc được trù liệu trong lời kinh.
81. Kinh Tạ Ơn gồm những phần chính nào ?
Kinh Tạ Ơn gồm : hành vi tạ ơn, khẩn cầu Chúa Thánh Thần, truyền phép, các lời chuyển cầu và vinh tụng ca kết thúc.
82. Hành vi tạ ơn mang ý nghĩa nào ?
Hành vi tạ ơn là linh mục nhân danh toàn thể cộng đoàn đã được “thánh hóa” bằng bí tích Rửa tội, mà tôn vinh Thiên Chúa và dâng lên Ngài lời tạ ơn, cảm tạ về mọi công trình Ngài đã thực hiện qua Chúa Giêsu, đặc biệt là trong cuộc tử nạn và phục sinh.
83. Trong phần khẩn cầu Chúa Thánh Thần, linh mục làm những gì ?
Trong phần này, linh mục làm theo cử chỉ xa xưa trong Kinh Thánh. Ngài đặt tay trên bánh và rượu mà nài xin Chúa Thánh Thần đến biến đổi bánh và rượu này.
84. Trong phần truyền phép chủ tế đọc những lời nào ?
Trong phần truyền phép, linh mục lặp lại những lời mà Chúa Giêsu đã đọc trên bánh và rượu, vào chiều Thứ Năm Tuần Thánh, trong Bữa Tiệc Ly (1Cr 11,23-26).
85. Hiệu quả lời truyền phép là gì ?
Khi vị chủ tế đọc lời truyền phép nhân danh Chúa Kitô thì quyền năng Chúa Thánh Thần hiến thánh bánh và rượu trở thành Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu Kitô.
86. Vì sao lại có rung chuông khi truyền phép ?
Người giúp lễ rung chuông để nhắc nhở giáo dân nhớ khi truyền phép là giây phút cực thánh, cực trọng của Thánh lễ.
87. Lời chuyển cầu trong Kinh Tạ Ơn đề cập đến những thành phần nào trong Hội Thánh ?
Phần chuyển cầu nhớ đến mọi thành phần của Hội Thánh :
-      Hội Thánh khải hoàn gồm Đức Maria và các Thánh.
-      Hội Thánh lữ hành gồm : Đức Giáo Hoàng, các giám mục, linh mục, phó tế và toàn thể cộng đoàn tín hữu.
-      Hội Thánh đau khổ là những người đã chết và đang được thanh luyện.
88. Kinh Tạ Ơn kết thúc như thế nào ?
Kinh Tạ Ơn kết thúc bằng một Vinh Tụng Ca long trọng. Chỉ một mình chủ tế đọc lời tung hô này để chúc vinh và tạ ơn Thiên Chúa về mọi điều Thiên Chúa đã thực hiện để cứu chuộc nhân loại trong Đức Giêsu Kitô. Cộng đoàn hân hoan biểu lộ sự hiệp ý khi thưa “Amen”.
IV. NGHI THỨC HIỆP LỄ
89. Nghi thức “Hiệp lễ” gồm những gì ?
Nghi thức Hiệp lễ gồm : kinh Lạy Cha, kinh xin bình an, cử chỉ chúc bình an, hiệp lễ và lời nguyện hiệp lễ.
90. Kinh Lạy Cha đọc trong Thánh lễ có mục đích gì ?
Đây chính là lời kinh Chúa dạy. Kinh Lạy Cha được đọc trong Thánh lễ giúp chúng ta dọn lòng hiệp lễ. Chúng ta hiệp nhất nên một với Chúa Giêsu và hiệp nhất với mọi người là anh em của chúng ta.
91. Kinh “Xin bình an” nhắc chúng ta điều gì ?
Linh mục đọc kinh này nhắc chúng ta nhớ rằng bình an là ơn của Chúa, là ơn mà chúng ta phải luôn luôn xin Ngài bằng tâm tình tin tưởng cậy trông.
92. Cử chỉ chúc bình an diễn tả điều gì ?
Cử chỉ chúc bình an là dấu chỉ qua đó Hội Thánh cầu xin ơn bình an và hiệp nhất cho chính mình, cho toàn thể nhân loại. Khi chúc bình an, các tín hữu tỏ bày cho nhau sự hiệp thông trong Hội Thánh và lòng yêu thương nhau, trước khi thông hiệp bí tích Thánh Thể (QCTQ/SLR 82).
93. Việc chủ tế bẻ bánh có ý nghĩa gì ?
-      Đây là cử chỉ Chúa Kitô đã thực hiện trong bữa Tiệc Ly, là dấu chỉ sự sống được ban cho hết mọi người.
-      Đây cũng là dấu chỉ diễn tả sự hiệp nhất của mọi Kitô hữu khi họ cùng chia sẻ một Tấm Bánh là Đức Giêsu.
94. Việc chủ tế bỏ một chút Mình Thánh vào Máu Thánh có ý nghĩa gì ?
Đây là dấu chỉ sự sống của Chúa Kitô là một, gồm cả Mình và Máu Ngài.
95. Việc hiệp lễ diễn tiến như thế nào ?
Khi hiệp lễ, những ai đã chuẩn bị xứng đáng tiến lên rước Chúa Kitô (đón nhận trong tay hay trên lưỡi), với niềm tin và lòng thành kính.
96. Lời thưa “Amen” trước khi rước lễ có ý nghĩa gì ?
Lời “Amen” lúc đó có nghĩa là : “Vâng, con tin thật đây là Mình Thánh Chúa !”, để đáp lại lời thừa tác viên cho rước lễ giới thiệu : “Mình Thánh Chúa Kitô !”
97. Lời nguyện hiệp lễ mang ý nghĩa nào ?
Lời nguyện hiệp lễ nói lên lòng biết ơn vì Chúa đã đến ngự trong tâm hồn chúng ta để nuôi dưỡng đời sống đức tin của chúng ta và cầu xin cho mầu nhiệm đã cử hành được sinh hoa kết quả.
V. NGHI THỨC KẾT THÚC
98. Nghi thức “kết thúc” gồm những gì ?
Nghi thức kết thúc gồm phép lành và lời giải tán.
99. Phép lành cuối lễ mang ý nghĩa nào ?
Ban phép lành cuối lễ có nghĩa là xin Thiên Chúa Ba Ngôi chúc phúc và gìn giữ tất cả mọi người.
100.         Lời giải tán : “Chúc anh chị em ra về bình an !” mời gọi chúng ta làm gì ?
Lời giải tán “để ai nấy vừa trở về với công việc tốt lành của mình, vừa ngợi khen và chúc tụng Chúa” (QCTQ/SLR 90).



10 điều bạn cần biết về Mùa Vọng

 
Hầu hết trong chúng ta có một sự hiểu biết trực quan về Mùa Vọng dựa trên kinh nghiệm, nhưng những văn kiện chính thức của Giáo Hội thực sự nói gì về Mùa Vọng?
 
Dưới đây là một số câu hỏi cơ bản và những hồi đáp (chính thức!) về Mùa Vọng.

Một số trong đó thật bất ngờ!

1. Mục đích của mùa Vọng là gì?

Mùa Vọng là một mùa trong niên lịch phụng vụ của Giáo Hội – chính xác hơn, thuộc niên lịch của Giáo Hội Latinh, là Giáo Hội lớn nhất hiệp thông với Đức Giáo Hoàng.
 
Những Giáo Hội Công giáo khác – cũng như nhiều Giáo hội không phải Công giáo — có tổ chức Mùa Vọng nhưng theo cách thức riêng của họ.
 
Theo những quy luật chung của năm phụng vụ và niên lịch, Mùa Vọng có một đặc tính với hai khía cạnh:

·                  Là một mùa để chuẩn bị cho Giáng Sinh khi chúng ta tưởng niệm việc Đức Kitô đến lần thứ nhất.

·                  Như là một Mùa mà việc nhớ lại ấy hướng tâm trí của chúng ta tới sự chờ đợi cho lần trở lại của Đức Kitô trong ngày sau hết.

Do đó, Mùa Vọng là một thời kỳ sốt sắng và mong đợi trong hân hoan. (quy luật 39)
 
Chúng ta thường nghĩ về Mùa Vọng chỉ như là một mùa chuẩn bị cho Giáng sinh hay tưởng nhớ việc Đức Kitô đến lần thứ nhất, nhưng như những quy luật tổng quát chỉ ra, thật quan trọng để nhắc nhớ rằng Mùa Vọng còn là dịp để chúng ta hướng tới sự trở lại của Đức Kitô. Cho nên, có thể nói Mùa Vọng đưa tâm trí chúng ta hướng về hai lần đến thế gian của Đức Kitô.

2.  Những màu phụng vụ nào được sử dụng trong mùa Vọng?

Những ngày đặc biệt và những nghi thức cử hành nào đó có thể có những màu riêng (thí dụ, màu đỏ dành cho lễ kính các thánh tử đạo, màu đen hay trắng vào dịp lễ an táng), nhưng màu thông thường của Mùa Vọng là tím. Hướng dẫn Tổng quát trong sách lễ Roma đưa ra: Màu tím hay đỏ tía được sử dụng trong Mùa Vọng và Mùa Chay. Các màu này cũng có thể được mặc trong những nghi thức và Thánh lễ an táng (346).
 
Ở nhiều nơi, có một ngoại lệ đáng chú ý cho Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng, được biết tới như là “Chúa Nhật vui” (Gaudete) : Màu hồng có thể được sử dụng trong ngày Chúa Nhật vui và Chúa Nhật thứ ba Mùa Chay (Laetare). (GIRM 346f).

3. Phải chăng Mùa Vọng là mùa thống hối?

Chúng ta thường nghĩ về Mùa Vọng như là mùa thống hối bởi vì màu tím trong phụng vụ, giống như màu của mùa Chay – màu dành cho mùa sám hối.
 
Tuy nhiên, sự thực là Mùa Vọng không phải là mùa thống hối. Thật ngạc nhiên!
 
Theo điều khoảng của Giáo Luật: số 1250: những ngày và những lần sám hối trong Giáo Hội hoàn vũ là mọi thứ sáu trong cả năm và cả mùa Chay.
 
Mặc dầu các đấng bản quyền địa phương có thể thiết lập thêm những ngày sám hối, song, trên đây đã là một danh sách đầy đủ của những ngày và những lần thống hối trong Giáo Hội Latinh cũng như toàn thể Giáo Hội, và Mùa Vọng không phải là một trong số đó.

4. Mùa Vọng bắt đầu và kết thúc khi nào?

Theo những quy luật tổng quát: Mùa Vọng bắt đầu với giờ Kinh Chiều I của Chúa Nhật ngày hoặc gần ngày 30/11 nhất; Mùa Vọng sẽ kết thúc vào trước giờ Kinh Chiều I của lễ Giáng Sinh (số 40).
 
Chúa Nhật đúng vào hay gần với ngày 30.11 nhất có thể trong khoảng 27.11 – 3.12, tùy theo năm.
 
Trong trường hợp một Chúa Nhật, giờ Kinh Chiều I được xem như vào Kinh Chiều I trước đó (thứ 7). Theo hướng dẫn tổng quát của các giờ kinh phụng vụ: Được cử hành ngay trước Thánh lễ, giờ Kinh Chiều được gộp vào cùng một cách thức như Kinh Sáng. Giờ Kinh Chiều I của những lễ trọng, các Chúa Nhật hay lễ kính Chúa rơi vào ngày Chúa Nhật có thể không được cử hành cho tới sau Thánh lễ của ngày hôm trước hay thứ bảy.
 
Điều này có nghĩa rằng, Mùa Vọng bắt đầu vào buổi chiều của thứ 7 giữa 26/11 – 2/12; kết thúc vào chiều ngày 24.12, lúc cử hành Kinh Chiều I lễ Giáng Sinh (25/12).

5. Vai trò của các Chúa Nhật trong Mùa Vọng?

Có 4 Chúa Nhật trong Mùa Vọng. Các quy luật tổng quát tuyên bố: Các Chúa Nhật của mùa này được gọi là Chúa Nhật thứ nhất, thứ Hai, thứ Ba và thứ Tư của Mùa Vọng (số 41)
 
Chúng ta đã đề cập trước đó về Chúa Nhật thứ ba có tên đặc biệt là Gaudete – từ Latinh có nghĩa là “niềm vui” là từ đầu tiên trong ca nhập lễ của Thánh lễ trong ngày này.
 
Giáo Hội gán cho các Chúa Nhật này có tầm quan trọng đặc biệt, những ngày ưu tiên hơn tất cả những cử hành phụng vụ khác. Vì thế, các quy luật tổng quát tuyên bố: bởi vì tầm quan trọng đặc biệt của ngày này, cử hành Chúa Nhật chỉ dành cho lễ trọng hay lễ kính Chúa. Các Chúa nhật của Mùa Vọng, Mùa Chay và Phục Sinh được ưu tiên trên tất cả các lễ trọng và lễ kính Chúa. Các dịp lễ trên nếu rơi vào những Chúa Nhật này sẽ được cử hành trong các ngày thứ 7 trước đó (số 5).

6. Những gì diễn ra với các ngày trong tuần?

Các bài giảng dành cho các ngày trong tuần của Mùa Vọng được khuyến khích đặc biệt. Quy luật tổng quát cũng chỉ ra vai trò đặc biệt các ngày trong tuần của tuần lễ trước Giáng sinh: các ngày trong tuần từ 17-24/12 hướng tới việc phục vụ chuẩn bị trực tiếp hơn dành cho sinh nhật của Đức Kitô. (số 41).
 
Vai trò đặc biệt ấy được minh chứng trong các bài đọc Kinh Thánh được sử dụng trong phụng vụ trong những ngày này.

7. Các nhà thờ được trang hoàng như thế nào trong suốt Mùa Vọng?

Trong suốt Mùa Vọng, việc trang trí hoa cho bàn thờ nên được lưu tâm bởi một sự vừa phải phù hợp với đặc tính của thời kỳ này trong năm, không diễn tả trước niềm vui Chúa Giáng sinh. (x GIRM 313).

8. Âm nhạc được sử dụng như thế nào trong suốt Mùa Vọng?

Trong suốt Mùa Vọng, việc sử dụng đàn organ và những nhạc cụ khác nên được lưu tâm bởi một sự vừa phải phù hợp với đặc tính của thời kỳ này trong năm, không diễn tả trước niềm vui Chúa Giáng sinh. . (x GIRM 313).

9. Kinh Vinh danh có được đọc hay hát trong suốt Mùa Vọng Không?

Kinh Vinh danh không được đọc hay hát trong dịp này.

10. Những việc đạo đức riêng nào chúng ta nên thực hiện để trở nên thiết thân với Thiên Chúa hơn trong suốt Mùa Vọng?

Có nhiều việc đạo đức khác nhau mà Giáo Hội đã chấp nhận cho sử dụng trong suốt Mùa Vọng. Phổ biến hơn cả là Vòng hoa mùa Vọng.
 
Tác giả: Jimmy Akin
 Joseph Trần Ngọc Huynh,

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn