1
14:52 +07 Thứ bảy, 27/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 209

Máy chủ tìm kiếm : 10

Khách viếng thăm : 199


Hôm nayHôm nay : 17792

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 321914

Tổng cộngTổng cộng : 27876198

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » VĂN HÓA - LẼ SỐNG

Văn hóa biết ơn

Thứ bảy - 07/03/2020 09:39-Đã xem: 1242
Biết ơn là tốt! Nhưng tốt hơn là hãy cống hiến cho xã hội những gì mình đã được hưởng thụ. Đó mới chính là sự công bằng, bình đẳng giữa người với người.
Suckhoedoisong.vn - Người Việt Nam có nhiều nét văn hóa được coi là truyền thống của dân tộc. Văn hóa biết ơn là một trong số đó.

Người Việt Nam có nhiều nét văn hóa được coi là truyền thống của dân tộc. Văn hóa biết ơn là một trong số đó.

Ngay từ bé, mỗi đứa trẻ thấm nhuần lời dạy: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”... Lòng biết ơn làm cho con người ta hướng thiện, sống với nhau có tình nghĩa và nhân ái hơn. Điều đó thực sự là tốt!

Vậy, điều đáng bàn ở chỗ nào? Đáng bàn là người Việt Nam đã đưa lòng biết ơn lên thành phương châm sống và hành xử. Chính vì vậy, đã dẫn đến những biến tướng của tư tưởng đạo lý tốt đẹp này.

Lòng biết ơn, trước hết, là lối tư duy thiên về cảm tính? Tư duy đặt cái tình lên hàng đầu trong ứng xử hàng ngày. Nó tạo ra một lệ bất thành văn: Anh làm cho tôi bất kỳ điều gì, tôi phải biết ơn anh và ngược lại. Cái sợi dây biết ơn vô hình ấy ràng buộc, chi phối mọi hành động, suy nghĩ của con người một cách rối rắm, bởi trong cuộc sống có biết bao mối quan hệ chằng chịt. Chính tư duy cảm tính của lòng biết ơn làm mất đi sự sáng suốt trong nhận định đúng sai. Bởi nghĩ rằng, cứ ai làm cho mình điều gì thì coi đó là tốt, bất kể có thể ảnh hưởng đến cái chung hay không.

Lòng biết ơn tạo ra tư tưởng coi trọng biếu xén, quà cáp, vì cho rằng như thế mới thể hiện được tình cảm ơn nghĩa. Người Việt Nam biến những ngày kỷ niệm, lễ, Tết thành dịp để trả ơn nhau. Cấp dưới đến nhà cấp trên, học sinh đến nhà giáo viên, người có việc nhờ vả đến nhà người cần nhờ vả... nườm nượp với những túi quà nặng trĩu trên tay và “phong bì” trong túi. Đây chính là mầm mống của văn hóa “phong bì - phong bao” và tệ nạn tham nhũng đang hoành hành xã hội Việt Nam hiện nay. Khổ cho người nào trong những ngày này nếu không có điều kiện “trả ơn” thì day dứt không yên. Rồi thậm chí có cả những trù úm, bất công vì không nhận được quà cáp như thông lệ.

Tệ hơn nữa, tư duy ơn nghĩa tạo ra thái độ ban ơn trong hành xử hàng ngày nơi công cộng. Việt Nam đang phải đối mặt với thái độ cửa quyền, hách dịch của cán bộ viên chức các cơ quan công quyền cũng chính bởi tư duy này mà ra. Không khó để bắt gặp những cái hất hàm thay cho lời chào hỏi, những kiểu hoạnh họe vô lý khi người dân đến liên hệ công việc. Bởi những viên chức này tự cho mình cái quyền được ban ơn. Họ quên là họ đang làm việc và đã được trả công. Điều này hoàn toàn xa lạ với các quốc gia văn minh khác.

 

Sống trong biết ơn khiến con người lúc nào cũng nơm nớp lo trả ơn. Lúc nào cũng sống với nỗi lo lắng mơ hồ rằng mình đang mắc nợ ai đó. Làm gì cũng phải nghĩ xem có vừa lòng, đẹp ý người đã ban ơn cho mình hay không. Lâu dần dẫn đến tâm lý sợ sệt, không tự tin vào bản thân. Rồi cả thái độ khúm núm trước người khác, mất đi tư thế tự chủ, đàng hoàng, đĩnh đạc. Sự phân đẳng cấp trong xã hội Việt Nam gắn liền với bằng cấp, địa vị. Bởi điều đó đồng nghĩa với cơ hội có thể ban ơn và đứng ở tư thế trên so với người khác.

Không chỉ thế, tư duy biết ơn dường như còn đi ngược lại tư duy kinh tế. Việc người ăn gạo nhớ công người trồng lúa là phi lí, bởi đây hoàn toàn là vấn đề mua bán, trao đổi hàng hóa. Nếu lập luận theo cách: ăn một bát cơm phải nhớ ơn người một nắng hai sương ngoài đồng, mặc một tấm áo phải nhớ ơn người trồng bông dệt vải... thì người sản xuất phải biết ơn người tiêu thụ mới đúng. Bởi nếu không có người mua, sản phẩm, hàng hóa làm ra để làm gì? Quy luật cung cầu chắc chắn phải nằm ngoài tư duy ơn nghĩa.

Lại còn cách suy nghĩ của hầu hết người Việt Nam khi lập gia đình là sinh con để đợi con báo hiếu, nương tựa lúc về già. Vậy, con cái phải biết ơn cha mẹ, hay cha mẹ phải biết ơn con cái? Những câu hỏi luẩn quẩn sinh ra bởi tư duy biết ơn nhỏ hẹp.

Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận hoàn toàn văn hóa biết ơn, trọng tình trọng nghĩa của dân tộc Việt Nam . Nhưng nếu trói buộc con người vào điều này thì vô hình trung có thể tạo ra cái vòng quẩn quanh của tư duy, ngăn cản những mối quan hệ minh bạch trong cuộc sống.

Biết ơn là tốt! Nhưng tốt hơn là hãy cống hiến cho xã hội những gì mình đã được hưởng thụ. Đó mới chính là sự công bằng, bình đẳng giữa người với người.

Một xã hội công bằng, bình đẳng tốt hơn rất nhiều một xã hội nặng trĩu ơn huệ!       

Hoàng Mai


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn