1
13:27 +07 Thứ bảy, 27/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 214


Hôm nayHôm nay : 13987

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 318109

Tổng cộngTổng cộng : 27872393

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » TẬP SAN & NGUYỆT SAN

Bán nguyệt san giáo sỹ Việt nam

Thứ ba - 05/01/2016 09:24-Đã xem: 2945
Ý cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng tháng 1- 2016 Ý chung: Cầu cho việc đối thoại chân thành giữa những người thuộc các tôn giáo khác nhau, mang lại các kết quả hoà bình và công lý. Ý truyền giáo: Cầu cho các Kitô hữu, có thể vượt qua những chia rẽ, nhờ các phương thế đối thoại, tình bác ái huynh đệ và ân ban của Chúa Thánh Thần.
Bán nguyệt san giáo sỹ Việt nam

Bán nguyệt san giáo sỹ Việt nam

Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II 
Bản dịch của Ủy Ban Gíao Lý Đức Tin, HĐGMVN

 
LTS: BBT CGVN và Đặc San GSVN hân hạnh giới thiệu trọn bộ 16 Văn Kiện Công Đồng Vatican 2, bản dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, HĐGMVN, ấn bản mới nhất, giá bán lẻ tại các Nhà Sách Công Giáo 120.000VN.
 
Suốt hơn 10 năm qua trên Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam chúng con đã trung thành phổ biến bản dịch của Giáo Hoàng Học Viện PIO X Đà Lạt; Nay với trọn tấm lòng biết ơn các dịch giả qua các thời kỳ, chúng con xin tiếp tục công việc tối cần thiết này nhưng với một bản dịch hoàn chỉnh hơn - Bản dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, HĐGMVN. Rất mong được mọi người đón nhận, hỗ trợ việc phổ biến tài liệu quí này như KIM CHỈ NAM đích thực, đầy đủ và hoàn hảo cho mọi thành phần Dân Chúa. Chúng ta đang sống trong thời điểm kỷ niệm 50 năm Thánh Công Đồng Chung Vatican 2; Dân Chúa Việt Nam khi dành thời gian đọc lại các Hiến Chế, Sắc Lệnh, Tuyên Ngôn sẽ luôn nhận ra điều mới mẻ và hữu ích cho từng cá nhân cũng như cộng đoàn.
 
Chúng con xin chân thành cám ơn Quí Đức Cha, Quí Cha Ủy Ban GLĐT đã sẵn lòng cho phép chúng con giới thiệu bản văn quí giá này qua internet. Quí Cha và Quí Vị có thể yêu cầu nhận trọn bộ hay từng Văn Kiện cụ thể trên một file word qua email, hoặc cũng có thể tải về máy tại địa chỉ:
http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=subject&is=31
 
Xin chân thành cám ơn
 
BBT CGVN & Đặc San GSVN
 
 
HIẾN CHẾ VỀ PHỤNG VỤ THÁNH
SACROSANCTUM CONCILIUM

Ngày 4 tháng 12 năm 1963
 
 
CHƯƠNG III
CÁC BÍ TÍCH KHÁC VÀ CÁC Á BÍ TÍCH
 
59. Các bí tích có mục đích thánh hóa con người, xây dựng thân thể Chúa Kitô, và sau cùng là thờ phượng Thiên Chúa; vì là những dấu chỉ, các bí tích còn có mục đích giáo huấn. Các bí tích không những giả thiết phải có đức tin, mà còn nuôi dưỡng, củng cố và diễn tả đức tin bằng các lời đọc và nghi thức, vì thế, được gọi là các bí tích của đức tin. Thật vậy, các bí tích ban ân sủng, còn việc cử hành các bí tích sẽ giúp các tín hữu sẵn sàng đón nhận ân sủng đó cách hữu hiệu để thờ phượng Chúa đúng cách và để thực thi đức ái.
Do đó, điều rất quan trọng là làm sao cho các tín hữu dễ dàng hiểu được những dấu chỉ của các bí tích, và siêng năng lãnh nhận các bí tích đã được lập ra để nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu.
60. Ngoài ra, Mẹ thánh Giáo Hội còn thiết lập những á bí tích. Đó là những dấu chỉ thánh thiêng, phần nào phỏng theo những bí tích, qua đó những năng lực, nhất là những năng lực thiêng liêng được biểu thị và thông ban nhờ sự chuyển cầu của Giáo Hội. Các á bí tích giúp con người sẵn sàng lãnh nhận hiệu năng chính yếu của các bí tích và thánh hóa những hoàn cảnh khác biệt trong cuộc sống.
61. Vì thế, nơi các tín hữu đã được chuẩn bị chu đáo, Phụng vụ các bí tích và á bí tích sẽ thánh hóa hầu hết những biến cố trong đời sống nhờ nguồn ân sủng siêu nhiên xuất phát từ mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Kitô chịu khổ nạn, chịu chết và sống lại, Đấng chính là nguồn phát sinh năng lực cho tất cả các bí tích và á bí tích; và kể như mọi việc sử dụng chính đáng các chất thể hữu hình đều có thể đưa tới mục đích thánh hóa con người và ca khen Thiên Chúa.
62. Tuy nhiên, theo dòng thời gian, một số yếu tố đã được đưa vào các nghi thức khiến cho con người thời nay không còn nhận ra rõ ràng bản chất và mục đích của các bí tích và á bí tích, vì thế, cần phải thích nghi những yếu tố đó cho hợp với nhu cầu của thời đại, từ đó trong việc duyệt xét lại các nghi thức, thánh Công Đồng quyết định các điều sau đây.
63. Vì việc dùng tiếng bản địa trong khi cử hành bí tích và á bí tích, có thể rất ích lợi cho giáo dân, nên có thể sử dụng rộng rãi ngôn ngữ địa phương theo những qui tắc sau đây:
a) Tiếng bản địa có thể được sử dụng trong khi cử hành các bí tích và á bí tích theo qui tắc đã nêu lên trong số 36.
b) Dựa theo ấn bản mới của quyển Nghi Lễ Rôma, các sách Nghi thức riêng thích nghi với nhu cầu từng miền, cả về phương diện ngôn ngữ, phải được soạn thảo càng sớm càng tốt bởi thẩm quyền Giáo Hội địa phương, như đã nói trong số 22 §2 của Hiến chế này, và sau khi đã được Tòa Thánh chuẩn y, các sách này sẽ được xử dụng trong những miền liên quan. Trong việc soạn thảo các sách Nghi thức, hay những tập sách đặc biệt về các nghi thức, không được bỏ qua những huấn thị ghi ở đầu từng nghi thức trong sách Nghi Lễ Rôma, dù là huấn thị về mục vụ, về phần chữ đỏ, hay những huấn thị có giá trị xã hội đặc biệt.
64. Phải phục hồi chương trình giáo lý dự tòng cho người trưởng thành, tiến hành qua nhiều giai đoạn tách biệt, và việc thực hiện phải tùy theo phán quyết của Đấng Bản Quyền địa phương; nhờ đó, thời gian dự tòng dành cho việc huấn giáo tương xứng có thể được thánh hóa bởi những nghi lễ thánh, được cử hành vào những thời điểm nối tiếp nhau.
65. Trong các xứ truyền giáo, ngoài những yếu tố đã có trong truyền thống Kitô giáo, cũng được phép công nhận những yếu tố của việc khai tâm đang được thực hiện nơi mỗi dân tộc, miễn là các yếu tố đó có thể thích ứng với nghi lễ Kitô giáo, theo qui tắc đã nêu trong các số 37-40 của Hiến chế này.
66. Phải duyệt lại cả hai nghi thức Rửa tội cho người trưởng thành, một nghi thức đơn giản và một nghi thức trọng thể dựa trên chương trình mới của giáo lý dự tòng; và sẽ đưa vào Sách lễ Rôma một lễ đặc biệt trong dịp “ban bí tích Thánh tẩy”.
67. Phải duyệt lại nghi thức Rửa tội cho trẻ em, và thích nghi với trường hợp các trẻ sơ sinh; nghi thức phải làm nổi bật hơn nữa vai trò và bổn phận của cha mẹ cũng như những người đỡ đầu.
68. Khi có đông người chịu bí tích Thánh tẩy, trong nghi lễ nên có những thích ứng tùy theo phán quyết của Đấng Bản Quyền địa phương. Cũng phải soạn thảo một “nghi thức vắn tắt”, để các giáo lý viên, đặc biệt trong các xứ truyền giáo, và cách chung các tín hữu, có thể sử dụng trong trường hợp nguy tử khi không có linh mục hay phó tế.
69. Thay vì nghi thức vẫn được gọi là “nghi thức bù các phép cho các trẻ nhỏ đã Rửa tội”, phải soạn thảo một nghi thức mới, trong đó nói lên rõ ràng và thích hợp hơn về việc em bé được rửa tội theo nghi thức vắn tắt cũng đã được nhận vào Giáo Hội rồi.
Cũng thế, đối với những người trước kia đã được rửa tội thành sự, nay trở về với Giáo Hội Công Giáo, phải soạn thảo một nghi thức mới trong đó nêu lên ý nghĩa việc họ được chấp nhận, được hiệp thông với Giáo Hội.
70. Ngoài mùa Phục sinh, có thể làm phép nước Rửa tội ngay trong nghi thức Thánh tẩy, theo một công thức vắn tắt đã được chuẩn nhận.
71. Cũng phải duyệt lại nghi thức Thêm sức để làm sáng tỏ hơn mối tương quan mật thiết của bí tích này với toàn thể nghi lễ gia nhập Kitô giáo. Vì thế, nên lập lại lời hứa Rửa tội ngay trước khi nhận lãnh bí tích Thêm sức.
Nếu thuận tiện, có thể cử hành bí tích Thêm sức trong thánh lễ. Còn khi cử hành ngoài thánh lễ, phải soạn thảo một công thức để mở đầu nghi lễ.
72. Nghi lễ và công thức bí tích Giải tội phải được duyệt lại để diễn tả rõ ràng hơn bản tính và hiệu quả của bí tích này.
73. “Bí tích Xức dầu sau cùng” hay đúng hơn phải gọi là “bí tích Xức dầu bệnh nhân” không phải là bí tích dành riêng cho những người hấp hối. Dĩ nhiên, thời gian thuận tiện để lãnh nhận bí tích này chắc chắn là lúc tín hữu bắt đầu nguy tử vì bệnh tật hay già yếu.
74. Ngoài hai nghi thức tách biệt nhau là Xức dầu bệnh nhân và trao Của Ăn Đàng, phải soạn thảo một bản nghi lễ liên tục, theo đó bệnh nhân sẽ được xức dầu sau khi xưng tội và trước khi nhận Của Ăn Đàng.
75. Số lần xức dầu sẽ tùy nghi thực hiện, và các lời nguyện đọc trong nghi thức xức dầu bệnh nhân phải được duyệt lại sao cho thích ứng với từng trường hợp của bệnh nhân khi nhận lãnh bí tích này.
76. Các Nghi lễ Phong chức phải được duyệt lại cả về nghi thức lẫn bản văn. Những lời huấn dụ của Đức Giám mục ở đầu mỗi nghi lễ phong chức hay tấn phong có thể dùng tiếng bản địa.
Trong Nghi lễ Tấn phong Giám mục, tất cả các Giám mục hiện diện đều có thể đặt tay.
77. Nghi lễ cử hành Hôn phối, hiện có trong sách Nghi lễ Rôma, phải được duyệt lại và làm cho phong phú hơn, để ân sủng của bí tích này được biểu hiện rõ ràng hơn và nhấn mạnh nhiều hơn về bổn phận của hai vợ chồng.
“Nếu ở miền nào có những tập tục và nghi lễ xứng đáng khác trong khi cử hành bí tích Hôn phối, thì thánh Công Đồng tha thiết mong ước họ cứ giữ nguyên những tập tục và nghi lễ đó”
[1].
Ngoài ra, thẩm quyền Giáo Hội địa phương, như đã nói trong số 22 §2 của Hiến chế này, có quyền soạn thảo, theo qui tắc trong số 63, một nghi lễ riêng, thích hợp với tập quán của các địa phương và các dân tộc, nhưng phải duy trì việc linh mục chủ sự phải hỏi và nhận lời ưng thuận của hai người kết ước.
78. Theo thường lệ, Hôn phối phải cử hành trong thánh lễ, sau bài Phúc Âm và bài giảng và trước “lời nguyện giáo dân”. Lời nguyện cho người vợ phải được tu chỉnh hợp thời để nhấn mạnh đến việc cả hai vợ chồng cùng có bổn phận phải trung tín với nhau, lời nguyện này có thể đọc bằng tiếng bản địa.
Nhưng nếu bí tích Hôn phối cử hành ngoài thánh lễ, thì phải đọc bài Thánh Thư và Tin Mừng của Lễ Hôn phối trước khi bắt đầu nghi lễ và luôn luôn phải chúc lành cho đôi tân hôn.
79. Phải duyệt lại các á bí tích, chú ý tới các qui tắc căn bản này, là làm sao cho các tín hữu dễ dàng tham dự cách ý thức và tích cực, và cũng phải lưu tâm tới những nhu cầu của thời đại hiện nay. Trong khi duyệt lại các nghi thức theo qui tắc trong số 63, cũng có thể thêm các á bí tích mới tùy theo nhu cầu đòi hỏi.
Sẽ có rất ít các nghi thức làm phép dành riêng, và khi đó chỉ ưu tiên cho các Giám mục và các Đấng Bản Quyền.
Phải dự liệu để những giáo dân nào có đủ các đức tính thích hợp, có thể cử hành một vài á bí tích, ít là trong những hoàn cảnh đặc biệt và tùy theo sự xét định của Đấng Bản Quyền.
80. Phải duyệt lại Nghi lễ Thánh hiến các Trinh nữ, đã có trong Sách Nghi lễ Giám mục Rôma.
Ngoài ra, phải soạn thảo một nghi lễ khấn dòng và tuyên lại lời khấn sao cho có tính cách duy nhất hơn, đơn giản hơn và trang trọng hơn. Những ai tuyên khấn hay lập lại lời khấn trong thánh lễ, phải dùng nghi thức này, trừ khi có đặc quyền riêng.
Nên cử hành nghi thức khấn dòng trong thánh lễ.
81. Nghi lễ an táng phải diễn tả rõ ràng hơn tính cách vượt qua của cái chết Kitô giáo, và phải đáp ứng hơn nữa những hoàn cảnh và truyền thống của từng miền, ngay cả về màu sắc Phụng vụ.
82. Phải duyệt lại nghi lễ an táng trẻ em và lập một thánh lễ riêng.
 

VỀ MỤC LỤC
 
Thánh lễ Đêm Giáng Sinh
Is 9,1-6; Tt 2,11-14; Lc 2,1-14
Thiên sứ bảo các mục đồng: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”. Thật lạ lùng. Thiên Chúa giáng trần cứu nhân độ thế không tỏ mình qua một dấu chỉ ngoạn mục, cao cả, lẫy lừng. Nhưng tỏ mình qua một dấu chỉ nhỏ bé, yếu ớt, tầm thường. Đó là dấu chỉ của Lòng Thương Xót.
Vì Lòng Thương Xót Thiên Chúa mặc lấy thân phận con người. Thiên Chúa yêu thương đã tạo dựng con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Nhưng quá yếu đuối, tội lỗi, con người không giữ được hình ảnh cao đẹp ấy. Vẫn trung tín với dự định ban đầu, Thiên Chúa đành phải mặc lấy thân phận con người. Con người không thể mang hình ảnh Thiên Chúa thì Thiên Chúa đã mang lấy hình ảnh con người. Đó là kết quả của Lòng Thương Xót
Lòng Thương Xót nói lên tình yêu vượt quá sức tưởng tượng của con người. Con người bỏ Chúa đi xa lạc. Dù xa lạc đến đâu con người vẫn ở trong trái tim của Chúa. Nên Chúa đi đến tận chân trời góc biển để tìm kiếm. Logo của Năm Thánh Lòng Thương Xót là một minh hoạ tuyệt vời. Chúa đã trở nên giống hệt con người. Mặt Chúa và mặt người giống hệt nhau. Hướng về nhau. Đến nỗi có chung một con mắt. Để từ nay Thiên Chúa nhìn con người bằng chính mắt của con người. Để cảm thông với con người. Để yêu thương con người. Để hoán cải con người. Để từ nay con người nhìn vũ trụ bằng đôi mắt của Thiên Chúa. Để hiểu được Lòng Thương Xót vô biên của Thiên Chúa. Để sống trong vũ trụ theo chương trình ban đầu của Thiên Chúa. Đó chính là chương trình đem lại hạnh phúc cho con người và cho thế giới.
Lòng Thương Xót là sự tha thứ vô cùng. Vì con người bỏ Chúa mà đi. Đã lầm đường lạc lối. Đã rơi vào ngõ cụt. Đã bị thương tích. Đã không tìm được lối về. Chúa vẫn yêu thương. Băng rừng vượt suối để đi tìm con người. Tìm được rồi. Vác lên vai mang về. Hãy chiêm ngắm logo Năm Thánh. Chúa đã vất vả lắm. Chân thấp chân cao. Tay vẫn còn mang thương tích vì bị con người đóng đinh. Nhưng Chúa không quan tâm đến thương tích của mình. Quên đau đớn của mình. Để vác con người trên vai. Tìm được con người rồi Chúa không lên án lỗi lầm. Nhưng mở tiệc ăn mừng. Đó là tình yêu thương vô biên. Yêu thương đến tha thứ những phản bội. Yêu thương đến quên mình. Dám chết vì người mình yêu. Lòng Thương Xót của Chúa thật vô biên. Không ai hiểu thấu. Không lý luận nào có thể cắt nghĩa.
Lòng Thương Xót lại nói lên sức mạnh vô biên của Thiên Chúa. Sức mạnh trần gian bộc lộ trong sự giận dữ. Đó là sức mạnh không tự kềm chế. Sức mạnh của Thiên Chúa biểu lộ trong sự yêu thương. Đó là sức mạnh vô biên, thắng được sự giận dữ. Làm chủ được sức mạnh của mình. Sức mạnh trần gian thích trừng phạt. Sức mạnh của Thiên Chúa yêu tha thứ. Sức mạnh của trần gian dùng để ức hiếp. Sức mạnh của Thiên Chúa dùng để phục vụ. Sức mạnh của trần gian kiêu căng. Sức mạnh của Thiên Chúa khiêm nhường. Sức mạnh của trần gian tàn nhẫn. Sức mạnh của Thiên Chúa thương xót. Sức mạnh của trần gian tìm bành trướng. Sức mạnh của Thiên Chúa tự trở nên bé nhỏ. Như một em bé sơ sinh. Chính trong sự bé nhỏ, yếu ớt, khiêm nhường, phục vụ và tha thứ, Chúa biểu lộ sức mạnh vô biên. Đó là sức mạnh của Lòng Thương Xót
Hài nhi sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ khai mở một triều đại mới. Triều đại của Lòng Thương Xót. Hài nhi Giê-su sinh làm em nhỏ sơ sinh để sống đời phó thác. Phó thác cho Lòng Thương Xót. Phó thác trong bàn tay của Chúa Cha. Phó thác cho cả nhân loại. Đó là món quà trọng đại Thiên Chúa tặng ban cho con người. Để con người sử dụng theo ý mình. Và trẻ thơ Giê-su cần đến Lòng Thương Xót để tồn tại, để hiện diện, để yêu thương. Vì thế trẻ thơ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ kêu gọi Lòng Thương Xót của thế giới, của con người.
Hài nhi sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ khai mạc một thế giới mới. Thế giới sống chung hoà bình. Trẻ thơ không có sức mạnh. Không có khí giới. Chỉ có tâm hồn trong trắng. Ánh mắt ngây thơ. Vòng tay giang rộng. Nằm giữa anh em mục đồng nghèo khổ. Giữa bầy súc vật hiền lành. Trên cỏ khô dân dã. Tất cả là một cảnh hoà bình. Con người sống hài hoà với Thiên Chúa. Với nhau. Với thiên nhiên vạn vật. Đó chính là Lòng Thương XótThương xót chính Thiên Chúa đang chịu đau khổ vì tội lỗi nhân loại. Thương xót anh em đồng loại. Để tránh cảnh máu đổ đầu rơi. Thương xót thiên nhiên vạn vật. Đừng gây nên những vết thương cho thân thể vũ trụ. Phá hoại thiên nhiên là giết chính mình. Là tàn phá ngôi nhà khiến chính mình không còn nơi trú ngụ.  
Hài nhi sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ khai mạc một nhân loại mới. Như hài nhi Giê-su mới sinh. Nhân loại mới không sinh ra trong tội lỗi để tàn sát lẫn nhau. Nhưng sinh ra trong ân sủng của Chúa để yêu thương nhau. Không sinh ra theo xác thịt để sống theo thú tính. Nhưng sinh ra trong Thần Khí để làm chủ dục vọng. Không sống theo ý riêng với tính ích kỷ chỉ biết cá nhân. Nhưng sống theo ý Chúa biết mở lòng ra với tha nhân. Không chỉ sống cho mình. Nhưng quên mình để sống cho mọi người. Vì Chúa Giê-su nằm trên máng cỏ đã trở thành lương thực nuôi đoàn chiên. 
Một triều đại mới như thế sẽ kiến tạo một nền “hoà bình vô tận” như I-sa-i-a loan báo từ ngàn xưa. Và mọi người trở thành nhân loại mới như thư Ti-tô hướng dẫn để “được thanh luyện, khiến ta trở thành Dân Riêng của Người, một dân riêng hăng say làm việc thiện”.
Mừng lễ Chúa Giáng Sinh, ta hãy nhận ra Lòng Thương Xót của Thiên Chúa trong “Hài nhi sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”. Để hân hoan đón nhận món quà cao quí Thiên Chúa tặng ban. Để tâm hồn ta được biến đổi theo Lòng Thương Xót. Đó là ánh sáng soi đêm tối. Là hi vọng cho những bế tắc. Là phương thuốc chữa lành vết thương. Là nhịp cầu xây dựng tình người. Là phương án cho thế giới mới. Thế giới chan hoà sức sống và tình yêu.
Lạy Chúa, chúng con xin tạ ơn Chúa, vì Lòng Thương Xót của Chúa tồn tại đến muôn ngàn đời. Amen.
+ TGM.Giuse Ngô Quang Kiệt
Đan viện Châu Sơn
Thánh lễ Đêm Giáng Sinh, 24-12-2015 
---------
Thánh Vịnh 136 từng khẳng định: “Muôn Ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”. Đấng “Muôn Ngàn đời vẫn trọn tình thương” nay đã giáng thế. Năm nay, năm Thánh Lòng Chúa xót thương. Bên cạnh đó, chúng ta vui mừng cử hành năm Thánh kỷ niệm 50 năm thành lập giáo phận Phú Cường. Đó là lý do chúng ta càng hỷ hoan, vì càng được sống trong tình yêu đậm đặc của Thiên Chúa.
Mừng lễ Giáng Sinh của năm Thánh lòng Chúa thương xót, và năm Thánh Kim khánh giáo phận, chúng ta càng được dịp chiêm ngưỡng hình ảnh cụ thể của lòng Thiên Chúa xót thương nơi Chúa Hài Nhi. Người chính là hình ảnh của Thiên Chúa Giàu lòng thương xót đã trở nên người phàm. Vì thế, càng đúng với tên gọi của đêm nay. Đó là Đêm mà từ nay, Đấng “Emmanuel”, trở thành Đấng là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
1. Đã từng có một đêm như thế, một đêm mà mãi mãi Đấng Emmanuel không bao giờ rời xa chúng ta. Đó chính là đêm đã đưa Con Thên Chúa đến trần gian. Người sống như con người, ở giữa con người, chia sẻ kiếp người của chúng ta.
2. Khởi đi từ đêm nguồn của mọi đêm ấy, chúng ta lại được Lòng Chúa xót thương quy tụ để hợp cùng nhau dâng thánh lễ, cất cao lời ca – điệu múa – tiếng nhạc ca tụng Thiên Chúa, và hết lòng yêu thương nhau.
3. Đêm nay, đêm Tình Trời ngự giữa lòng người. Đó là đêm Thiên Chúa vinh danh, loài người an bình.
4. Đêm Thiên Chúa Giàu lòng thương xót hạ cố chính mình để nối kết muôn lòng người. Vì thế, chúng ta hãnh diện, từ nay được làm con Thiên Chúa.
5. Đêm nay, Thiên Chúa Giàu lòng thương xót đã đi bước trước để ban phát lòng thương xót và dạy từng người chúng ta cũng hãy xót thương nhau, sớt chia, giúp đỡ, quan tâm đến nhau.
6. Được nhận lãnh Lòng thương xót của Chúa, vì thế, đêm nay chúng ta ý thức mình có nhiệm vụ chia sẻ cho mọi người bất hạnh, để mọi nơi có bình an, mọi lòng người được nếm trải hạnh phúc.
7. Đêm nay, đêm đầy màu sắc, đêm đầy thanh âm. Vì thế, đêm nay chính là đêm hồng phúc. Bởi Thiên Chúa giàu lòng xót thương đã xóa khoảng cách, để chính Người, cũng trở thành một người như chúng ta là người.
Giữa dòng lịch sử nhân loại, đã có một đêm như thế! Một đêm như  bao đêm, nhưng lại là đêm linh thiêng trọng đại, đêm mang dấu ấn huyền diệu ngàn  đời có một không hai.
Đó chính là đêm mà nhân loại không ngần ngại gọi là “Đêm Thánh Vô cùng”, đêm của “Trời Đất giao duyên”, đêm của “Tình Yêu giao ước”. Bởi lẽ đó chính là đêm từ nơi cung lòng Thiên Chúa Cha, Ngôi Hai Thiên Chúa lên đường đi vào lịch sử nhân loại, Người lên đường để thi hành sứ mệnh cứu độ của Chúa Cha dành cho mọi người chúng ta.
Bởi đêm thánh vô cùng này diễn ra trong năm Thánh Lòng Chúa thương xót và năm Thánh mừng Kim khánh giáo phận Phú Cường, Vì thế, đêm của lễ Giáng Sinh vốn đã là đêm của ánh sáng, càng thêm tràn ngập Ánh Sáng.
Ánh sáng của đêm nay không chỉ là ánh sáng của đèn, sao, nến, nhưng là Ánh Sáng Thần Linh của Tình yêu thương xót xuất phát từ lòng xót thương vô bờ bến của Thiên Chúa đổ ngập tràn tâm hồn mỗi tín hữu.
Ánh Sáng xuất phát từ tình yêu thương xót của Thiên Chúa xé tan màn đêm u tối của lòng ta còn đang bị thế gian, sự dữ, cám dỗ và những yếu đuối của bản thân gây ra.
Ánh Sáng xuất phát từ lòng thương xót của Thiên Chúa đem niềm vui cho tâm hồn những ai mang nặng sầu thương.
Ánh Sáng xuất phát từ lòng thương xót của Thiên Chúa ủi an và sớt chia tất cả những ốm đau, bệnh tật, cô đơn, giá rét, tủi nhục, bị hàm oan, bị ruồng bỏ, bị hiểu lầm.
Ánh Sáng xuất phát từ lòng thương xót của Thiên Chúa đi vào trần thế chữa lành tất cả, đỡ nâng tất cả, chan hòa tất cả.
Ánh Sáng xuất phát từ lòng thương xót của Thiên Chúa nâng chúng ta lên, đến nỗi cùng với Chúa Kitô, Thiên Chúa thật là Cha của từng người chúng ta.
Vây cho nên, cử hành đêm thánh này, anh chị em hãy chạy đến cùng Chúa, hãy thiết tha xin Chúa Hài Nhi luôn ở cùng chúng ta, như chính tên gọi mà suốt dòng lịch sử, Người đã trao tặng chúng ta: Emmanuel.
Hãy chúc tụng Thiên Chúa. Hãy đón lấy tình yêu thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa.
Hãy ngả vào vòng tay của lòng xót thương, Thiên Chúa từ nhân dành cho từng người, không thiếu một ai.
Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG

 
 
Suy Niệm Lễ Kính Thánh Gia
(Lc 2, 41-52)
 
Hôm nay chúng ta cùng nhau cử hành lễ kính Thánh Gia Thất, trong bối cảnh Năm Thánh Lòng Thương Xót, và Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình vừa kết thúc với đề tài “Ơn gọi và sứ mệnh của gia đình trong Giáo Hội và trong thế giới”. Mừng Chúa Cứu Thế giáng sinh cũng là mừng Gia Đình Thánh, nơi Người sinh sống.
 
Gia đình là tác phẩm tuyệt đẹp của Thiên Chúa
Quả thật, Gia đình là điều đẹp đẽ nhất mà Thiên Chúa đã dựng nên. Người dựng nên loài người có nam có nữ, và ban cho họ mọi sự. Người ban cho họ quyền toàn thế giới! Họ chan hòa trong tình yêu của Người. Mọi tình yêu Thiên Chúa, mọi vẻ đẹp Thiên Chúa, mọi sự thật Thiên Chúa có trong Chúa, Chúa đều ban hết cho gia đình. Ađam và Evà sống tình thân nghĩa thiết với Thiên Chúa và với nhau, rất hạnh phúc, không phải đau khổ và không phải chết.
 
Gia đình tan vỡ do Tội Nguyên Tổ
Nhưng rồi con người tự tách ra khỏi Đấng đã dựng nên họ. Thế là đánh mất tất cả, tình nghĩa vợ chồng phân tán, hết anh em (huynh đệ tương tàn), hết hòa bình, hết tình yêu, cái đẹp và sự thật. Hậu quả là từ đó cho đến nay gia đình luôn ở trong tình trang bị đe dọa do tội lỗi, phá thai, coi thường người già, bất hiếu, sống chung, ly dị.
 
Thiên Chúa cứu vớt trong tình thương
Tuy nhiên, Thiên Chúa không bỏ rơi gia đình. Vì gia đình được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa trong tình yêu. Nếu Thiên Chúa không yêu thương chúng ta thì Ngài không tạo dựng nên chúng ta. Ngài không dựa vào những gì chúng ta làm, hay thành quả chúng ta có được, Ngài chỉ nhờ vào công nghiệp của Con Ngài là Đức Giêsu giáng thế. Ngài yêu thương chúng ta vô bờ bến. Không ai yêu chúng ta bằng Thiên Chúa. Ngài yêu chúng ta hơn cả chúng ta yêu chúng ta. Muốn cứu vớt gia đình nhân loại, Thiên Chúa đã chọn một gia đình để đến cứu vớt! Đẹp biết bao khi nhìn vào hang đá chúng ta thấy Chúa Cứu Thế đến trần gian, đã chọn sinh ra trong một gia đình nhân loại, mà chính Người đã thiết lập.
 
Noi gương Thánh Gia sống Năm Thánh Lòng thương Xót
Các bài đọc hôm nay từ Cựu Ước đến Tân Ước thật là đẹp, đẹp về cách hành văn, đẹp về nội dung, nhất là đẹp tuyệt vời về cách đối nhân xử thế trong gia đình. Nếu bài đọc I trích sách Đức Huấn Ca dạy con cái phải thảo cha kính mẹ, kèm theo phần phúc là sống lầu dài (x. Hc 3, 3-7. 14-17a). Thì bài đọc II, Thánh Phaolô khuyên: “Hỡi các bà vợ, hãy phục tùng chồng trong Chúa cho phải phép. Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình, đừng đay nghiến nó. Hỡi những người cha, đừng nổi cơn phẫn nộ với con cái, kẻo chúng nên nhát đảm sợ sệt” (Cl 3, 21). Bài Tin Mừng nêu bật vai trò quan trọng của Thánh Giuse, mẫu gương cho bậc làm cha, làm chủ, làm chồng trong các gia đình.
Gia đình ngày hôm nay rất cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa và sự thương cảm lẫn nhau trong cách sống trong gia đình nói riêng và gia đình nhân loại cả thể nói chung. Chúng ta thấy ai bị thương một cơ phận nào đó, không phải chỉ một cơ phận mà thôi, nhưng là cả con người bị. Không ai là không bị đau thương về thể lý, tinh thần, tình cảm…dẫn đến hậu quả cũng khác nhau. Tất cả đều chịu ảnh hưởng, và những vết thương đó càng đau khổ khi người thân của chúng ta đau khổ, nhất là những người trong gia đình. Bởi vậy, rất cần sự cảm thông. Nhiều nơi không quan tâm đến tương quan giữa người với người nữa. Nhưng gia đình vẫn là nơi có thể mang lại an ủi, và có thể hàn gắn vết thương.
Có nhiều loại vết thương rất lớn và sâu do thiếu thốn nhu cần cần thiết, thiếu tiền bạc, thiếu giáo dục. Những chính sách không ủng hộ gia đình, kỳ thị tôn giáo, văn hoá, hành hạ trẻ em, bạo động trong gia đình, chiến tranh, xung khắc giữa các chủng tộc, biến đổi khí hậu. Tất cả đều hằn sâu những thương tích.
Đó là những lý do khiến Đức Giêsu Kitô phải thân hành xuống thế để rao giảng, để chữa lành những vết thương, kèm theo nhưng dấu lạ. Người đi vào trong các làng mạc và chữa lành mọi bệnh tật (x. Mt 10, 7-8).
Người không chỉ cứu chúng ta khỏi sự yếu đuối, nhưng Ngài muốn trở nên như chúng ta để cảm nghiệm được những đau khổ, sự thất lạc, vô gia cư, sỉ nhục khi ở trên thánh giá, chết và an táng trong một ngôi mộ không phải của mình. Người mang lấy vào thân những đau khổ của chúng ta, ngoại trừ tội lỗi, Ngài sống lại vẫn còn vết thương.
Gia đình nào trong chúng ta cũng cần được Chúa thương xót, thì chúng ta phải xót thương nhau trong gia đình. Chúa Giêsu Kitô, người mang thương tích và cầu nguyện với Chúa Cha. Khi sống lại, chan tay và hình hài của Ngài vẫn còn những vết sẹo, những dấu ấn.
Nguyện xin Thiên Chúa ban cho tất cả chúng ta trở thành những ngôn sứ loan báo Niềm Vui Phúc Âm về gia đình, về tình yêu gia đình, trở thành những ngôn sứ như môn đệ của Chúa, và xin Chúa ban cho chúng ta ơn được xứng đáng với con tim thanh khiết, không cảm thấy bị vấp phạm vì Tin Mừng.

 
 Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
 
 
Lễ Hiển Linh
Is 60, 1-6; Ep 3, 2-3a. 5-6; Mt 2, 1-12
Epiphany: manifestation or striking appearance có nghĩa là Lễ Hiển Linh.
Tiếng Hy-lạp cổ dùng chữ Theophaneia (Theophany meaning ‘vision of God’).
Lễ này được cử hành vào ngày 6 tháng Giêng theo truyền thống xa xưa. Vào Lễ này, các tín hữu Tây Phương tưởng nhớ ba nhà Đạo Sĩ thăm viếng Chúa Hài Nhi Giêsu và sự hiển linh của Con Chúa cho các Dân Ngoại.
Từ năm 1970, Giáo Hội Công Giáo Rôma, nghi thức Latinh đã cử hành Lễ Hiển Linh vào ngày 6 tháng 1 và là Lễ buộc. Các quốc gia khác có thể cử hành vào Chúa Nhật, sau ngày 1 tháng 1.
Lễ Hiển Linh còn được gọi là Lễ Ba Vua. Trong khi các tín hữu Đông Phương tưởng nhớ việc Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan, được xem là sự hiển linh của Con Chúa cho toàn thế giới.
Lễ Hiển Linh là lễ Thiên Chúa tỏ mình ra cho mọi người. Thiên Chúa không chỉ tỏ mình ra cho riêng Dân của Ngài mà còn cho muôn dân. Bởi đó, mọi người trong chúng ta phải cộng tác với Thiên Chúa để làm bừng sáng lên ánh sáng đã xuất hiện từ Phương Đông. Chúng ta phải là ánh sao dẫn đường cho mọi người đến với Chúa. Tiên tri Isaia trong bài đọc thứ nhất hôm nay đã mở ra cả một viễn tuợng lớn lao: đó là ngày và thời vinh quang của Thiên Chúa chiếu trên Dân Chúa và biến Dân Chúa thành điểm thu phục muôn dân. Mọi người từ mọi phương hướng sẽ cùng quy về một mối trong tiếng ngợi ca Thiên Chúa.
Lời ngôn sứ Isaia đã vang vọng từ 700 năm trước Công Nguyên về sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế: Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi (Is 60, 1).
Ánh sáng sẽ bừng lên trong đêm tối và con dân sẽ đón nhận vinh quang Thiên Chúa. Đấng Cứu Thế là ánh sáng đến trong thế gian để xua trừ bóng tối của tội lỗi và gian tà. Mọi dân sẽ hướng về nguồn ánh sáng để dõi tìm ơn cứu độ: Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước (Is 60, 3).
Theo truyền thuyết, những nhà chiêm tinh, nhà khôn ngoan, còn gọi là các đạo sĩ hay ba vua, đã chiêm ngắm bầu trời và nhận ra vì sao lạ. Họ đã dõi theo ánh sáng của vì sao lạ để tìm đến bái thờ Đấng đã được sai đến.
Ngôn sứ Isaia đã tiên báo về việc các bậc quân vương tiến về để thờ lạy Chúa Hài Nhi. Các nhà Đạo Sĩ Phương Đông cùng đến dâng Chúa của lễ là vàng, nhũ hương và mộc dược. Isaia đã có thị kiến về đoàn người từ các phương xa tìm đến bái thờ: Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Mađian và Êpha: tất cả những người từ Sơva kéo đến, đều mang theo vàng với trầm hương và loan truyền lời ca tụng Đức Chúa (Is 60, 6).
Các nhà Đạo Sĩ đã miệt mài kiếm tìm qua dấu chỉ mà không quản ngại gian khó. Các ngài đã được Thiên Chúa đáp trả như lòng mong ước.
Chúa Giêsu đã dạy : Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho (Mt 7, 8). Hồng ân Chúa bao la tuyệt vời, đoàn người dân ngoại đã được chứng kiến tận mắt ơn Cứu Độ đã tỏa sáng: Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến (Mt 2, 11).
Vàng được mệnh danh là vua của mọi kim loại. Vàng thường được coi là của lễ xứng hợp nhất để dâng tiến vua. Chúa Giêsu sinh ra để làm vua. Vị vua này không cai trị bằng vũ lực nhưng bằng tình yêu. Ngài cai quản lòng người không từ ngai vàng mà từ thập tự giá.
Sự có mặt của Ngài đã biến đổi thế giới loài người, mang lại hạnh phúc cho nhân loại. Bệnh tật được chữa lành (Mt 8, 16-17), tang tóc được hân hoan (Lc 7, 11-17), tội lỗi được tha thứ (Mt 2,5), ngay cả sự chết đối với Ngài chỉ là giấc ngủ bình an (Mc 5, 39). Vì vua này xuất hiện luôn ban cho con người một niềm vui, một niềm hy vọng "Phúc cho anh em, là những người nghèo, vì triều đại Thiên Chúa là của anh em. Phúc cho anh em là những người đói khát vì anh em sẽ được no nê. Phúc cho anh em là những người đang khóc vì anh em sẽ được vui cười" (Lc 6, 20-21).
Nhũ hương dâng cho Hài nhi là thứ hương liệu có mùi thơm dịu mà thầy tư tế thường dùng trong các nghi thức thờ phượng. Thầy tư tế chính là trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Vị tư tế cũng chính là người mở đường dẫn lối để con người đến được với Thiên Chúa.
Ánh sao soi đường đến nơi thì đã tắt, bởi lẽ Chúa Giêsu chính là ánh sáng thật để soi rọi con người tìm ra chân lý. Chân lý con người tìm kiếm là tình yêu và gia nghiệp của Ngài. Chính chúa Giêsu sẽ dẫn đưa con người về với Chúa Cha.Thư gửi Ephêsô, thánh Phaolô đã khẳng định: "Trong Đức Giêsu Kitô và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại cũng được thừa kế gia nghiệp với người do thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa ban" (Eph 3,6).
Mộc dược là lễ vật dành cho người chết, là hương liệu để xông xác người. Chúa Giêsu đến thế gian để sống cho con người và cuối cùng chết cho con người. Cái chết của Ngài biểu lộ sự trung thành đối với loài người mà Ngài đã yêu thương đến tận cùng (Ep 13, 1). Chúa Giêsu không nghĩ tới mình, vì lẽ đó Ngài có thể đón tiếp mọi người và lắng nghe mọi người đến với Ngài. Cuộc sống Chúa Giêsu là một cuộc tự hiến cho con người để cứu độ con người.
Qua Kinh Thánh và lịch sử của ơn cứu độ, ta biết có nhiều tâm hồn khao khát đi tìm kiếm và mong chờ Chúa. Khi thời gian chuẩn bị đã mãn, dấu chỉ đã tỏ hiện, lòng con người thôi thúc khát mong và mùa hồng ân đã cận kề, các Đạo Sĩ tìm hỏi: "Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người."(Mt 2, 2).
Thiên Chúa tỏ mình ra. Chúng ta biết được qua trang Tin Mừng, Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho muôn dân. Thánh Gioan viết: “Thiên Chúa nào có ai thấy Ngài bao giờ, và làm sao thấy Ngài được? Nhưng người Con duy nhất của Ngài đã làm người, và cho ta thấy được Thiên Chúa mang bản tính con người, làm người như chúng ta và ở giữa chúng ta”. Từ khi Ngôi Lời nhập thể, ai tin nhận Đức Kitô là tin nhận Thiên Chúa, ai từ khước Đức Kitô là từ khước Thiên Chúa.
Việc đi theo ngôi sao lạ để đến bái thờ và dâng Chúa những của lễ thật sự chẳng phải là việc giản đơn và cũng không phải ai cũng làm được như 3 nhà đạo sĩ.
Muốn như vậy, trước hết việc lên đường đòi phải ra khỏi nhà, giã từ những tiện nghi dễ chịu, từ bỏ những sinh hoạt quen thuộc, chấp nhận những thiếu thốn, những nguy hiểm, những bất tiện đường đi. Thiện chí của các Ngài rất cao, nên khi ngôi sao biến mất, các Ngài vẫn không nản lòng bỏ cuộc, nhưng tìm mọi cách vượt qua khó khăn, tìm mọi cách để đến gặp được Chúa. Chúa đã chúc lành cho thiện chí của các Ngài, nên đã cho các Ngài được gặp Chúa.
Khi người Kitô hữu chỉ đóng khung đời sống đạo của mình trong nhà thờ, giữa những nghi lễ, mà không nhận ra những nhu cầu, những đòi hỏi của xã hội chung quanh; khi một cộng đoàn Kitô hữu quá bám víu vào những thứ gọi là quyền lợi tôn giáo của mình mà làm ngơ trước những đau khổ, bất hạnh của kẻ khác thì chính họ đang làm dập tắt những ánh sáng dẫn đường tới Chúa Kitô.
Đời sống chúng ta là một cuộc đi tìm Chúa. Trong cuộc đi tìm, ta phải có thiện chí như Ba Vua, biết dấn thân lên đường, biết phấn đấu chấp nhận hy sinh gian khổ, biết kiên trì không nản lòng bỏ cuộc khi gặp thử thách.
Ba Vua không thể đến với Chúa nếu không có ngôi sao dẫn đường.
Hôm nay, Chúa muốn mỗi người chúng ta là một ngôi sao lạ. Chúa mời gọi ta loan báo tình thương của Chúa, đưa dẫn những tâm hồn thiện chí đến với Chúa. Và như vậy, ta hãy là ngôi sao sáng trong đời sống công bình. Hãy chiếu sáng đức thương yêu của Chúa. Hãy toả ánh sáng ấm áp tình người. Qua những luồng sáng tự nhiên phát ra từ ta ấy, chắc chắn mọi người sẽ nhận biết và tìm về với Thiên chúa là ánh sáng chân thật.

 
  Huệ Minh
 
(LỄ BA VUA HAY LỄ HIỂN LINH)
(Is 60:1-6;  Ep 3:2-3a,5-6; Mt 2:1-12)
________________________________________________
Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD

 
LỄ BA VUA HAY LỄ HIỂN LINH
Danh từ Epiphany có nghĩa là “biểu lộ”, “làm cho mọi người biết đến” hoặc “tiết lộ, bày tỏ”. Vì ý nghĩa đó mà ban dịch thuật gọi là Lễ Hiển Linh, nghĩa là Thiên Chúa thể hiện cho mọi người biết. Hồi xưa lúc còn nhỏ tôi thường nghe nói Lễ Ba Vua thì chỉ đơn giản hiểu là lễ kính ba ông vua ở phương Đông đến thờ lạy Chúa Hài Đồng ở hang đá Bethlehem.
Lễ Hiển Linh bắt đầu ở Giáo Hội phương Đông. Tại Jerusalem, nơi gần Bethlehem thì lễ này lại có ý nghĩa đặc biệt ám chỉ lễ Chúa Sinh Ra. Ngày nay nơi các giáo hội chính thống/Orthodox, lễ này nhấn mạnh đến việc Chúa Giêsu Kito biểu lộ cho muôn dân biết Người là đấng Thiên Sai và là Ngôi Hai Thiên Chúa lúc Chúa chịu phép thánh tẫy ở sông Jordan bởi thánh Gioan Tiền Hô. Cũng vì vậy mà có danh từ Theophany, từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “Thiên Chúa chiếu sáng”. Đây là một trong những lễ trọng của năm phụng vụ.

 
Ý NGHĨA LỄ HIỂN LINH
Tây Phương đã lấy ngày lễ của phương Đông và giữ lại tất cả những đặc tính chính của nó mặc dù thời gian phôi pha qua đi đã lâu nhưng vẫn không quên những mấu chốt quan trọng như ba vua đến viếng chúa Hài Đồng và tặng lễ vật, chứng tỏ Chúa Giêsu đã “biểu lộ” cho thế giới biết Người là Thiên Chúa và là Vua. Lễ này được mừng có mục đích nói lên sứ mệnh của Giáo Hội là hoành dương cho thế giới biết Chúa Giêsu là đấng Cứu Chuộc muôn dân. Quang cảnh dân Do Thái sau này chối bỏ chúa Giêsu mà dân ngoại lại chấp nhận Người đã đảo ngược lại tình thế như trong câu chuyện Tin Mừng thánh Mathiêu kể.
 
CHI TIẾT CÂU CHUYỆN
Vua Herod trị vì từ năm 37 đến năm 4BC. Ba vị đi tìm hài nhi Giêsu lúc đó gọi là Ba Vua hay ba nhà thông thái, thuộc hàng đạo sĩ / tư tế ở xứ Ba Tư. Danh xưng đó ám chỉ những người có tầm hiều biết hơn người. Thánh sử Mathiêu gọi họ là những nhà thiên văn học. Ngôi sao lạ hiện ra trên trời như trong câu chuyện thánh sử kể, là điềm lạ mà dân chúng thời đó tin rằng có đấng cầm quyền cao trọng, hoặc đấng vua sinh ra. Thánh Mathiêu cũng nhắc lại câu chuyện trong Cựu Ước mà tiên tri Balaam đã nói tới “một ngôi sao sẽ mọc lên từ Jacob” (Ds 24:17). Ngôi sao này không phải là hiện tượng thiên văn mà ám chỉ một vị vua.
Cử chỉ thờ kính của ba vua tương đương với sự chúc phúc của Simeon, có nghĩa là hài nhi Giêsu sẽ là “Ánh sáng dẫn đường cho dân ngoại” (Lc 2:32), một trong những dấu chỉ đầu tiên là Chúa Giêsu đã đến với muôn dân, ở mọi quốc gia, mọi sắc tộc. Việc Thiên Chúa làm cho thế giới thì không giới hạn, riêng biệt cho bất cứ ai hoặc bất cứ nơi nào.
Tại quê hương của các ngài, nơi miền đất ngoại xa xôi, ba vị đang sống trong khung cảnh ấm cúng huy hoàng, đấy đủ tiện nghi, nhưng các ngài cảm thấy bồn chồn, đứng ngồi không yên như thiếu thốn và mất mát cái gì. Các ngài đã bất chấp khó khăn hiểm nguy, liều mình đi tìm  kiếm cho ra sự thật như đã chiêm nghiệm thấy.
Không giống như những mục đồng, ba vua đã làm một cuộc hành trình dài, phải đối dầu với biết bao hiểm nguy gian khổ mới đạt được mục đích. Các mục đồng cũng gặp những nghịch cảnh, nhưng được chuẩn bị để nhận biết chúa Hài Đồng nhờ thiên thần loan báo.
Khi đã vượt qua mọi sợ hãi, các mục đồng chỉ việc đi bộ qua cánh đồng là tới Bethlehem và gặp được hài nhi Giêsu, không phải lặn lội đường xá xa xôi. Quả là một cuộc hành hương tình cảm, đầy thơ mộng mà chúng ta thường thấy nơi máng cỏ chúng ta làm mỗi năm.
Đối với ba nhà thông thái từ phương Đông là những người ngoại quốc  đúng nghĩa, đã được hướng dẫn không phải chỉ do sự khôn ngoan và hiểu biết của mình về ngôi sao lạ, mà còn được soi sáng bởi Kinh Thánh của người Do Thái, bây giờ gọi là Cựu Ước.
Ý nghĩa này rất quan trọng. Chúa Kitô kêu gọi tất cà mọi dân tộc trên khắp thế giới, dân ngoại cũng như dân Do Thái, hãy bước theo Người. Chúng ta có thể nói rằng Jerusalem và Cựu Ước là điểm khởi đầu cuộc hành hương của dân ngoại đi tìm đức tin nơi Chúa Giêsu. Dân chúng trong thị trấn này, ngay cả chính vua Herod, đã là dụng cụ dẫn đường cho ba vua đến gặp Chúa Kito !
 
CÂU CHUYỆN BI THƯƠNG CỦA MỘT NGƯỜI LỚN
Tin Mừng Thánh Mathiêu cho chúng ta thấy ngay từ lúc khởi đầu câu chuyện, chúa Giêsu hài đồng là vua dân Israel đã được một số người hân hoan chào mừng, nhưng đồng thời lại có một số người khác lo sợ. Bởi vì  khi biết tin có vua Do Thái sinh ra, Herod đã cho triệu tập tất cả thân hào nhân sĩ trong dân lại để tham khảo ý kiến, tìm hiểu xem hài nhi sinh ra ở đâu (Mt 2:3-4). Thánh Mathiêu đã gọi “tất cả các thầy cả thượng thẩm và các luật sĩ trong dân lúc đó” là những cố vấn của ông vua thâm hiểm Herod.
Có thể là họ đã hành động nhiều hơn là trả lời những câu hỏi của vua thắc mắc về thần học. Thánh Mathiêu chắc chắn đã có ám chỉ điều gì đó. Lúc đầu, họ tỏ ra bối rối vì lời ba nhà thông thái nói về biến cố đấng thiên sai sinh ra. Dù biết Herod bắt đầu nghi ngại về ngai vàng của mình, ba vua cũng nhận ra là ông vua này xem ra cũng chẳng tử tế gì với con trẻ là “Vua dân Do Thái” vừa mới sinh ra.
Tiết lộ cho Herod nơi đấng thiên sai sinh ra, các cố vấn đã tỏ ra là những cộng sự viên rất tích cực trong ý đồ gây tội ác. Chính họ, không phải là Herod, đã đưa ý kiến giết “Vua dân Do Thái”. Chính “các thầy cả thượng thẩm và các bô lão trong dân” là những người đã âm mưu bắt và giết Chúa Giêsu (Mt 26:3-5,47; 27:1-2,12,20); Các luật sĩ thì nêu ra luật để có lý do bắt giết Chúa (26:57; 27:41). “Hắn là tên rất nguy hiểm cho ngôi vị của hoàng đế Herod  và cho chúng tôi”, một đế quốc tôn giáo của nhiều người..
Hành động tiêu cực của Herod và các thầy cả thượng thẩm và luật sĩ đã biến câu chuyện Hài Nhi thành một pho sách Tin Mừng thực sự như chúng ta thấy. Nếu chăm chú, để ý đọc, chúng ta sẽ thấy câu chuyện chúa hài đồng Giêsu không còn là câu chuyện thần tiên về trẻ nít mà quả là câu chuyện bi thương của một người lớn. Quan sát khung cảnh ngày Lễ Giáng Sinh, chúng ta đã thấy một dấu hiệu chết chóc, như ít ngày sau khi Chúa sinh ra thánh Giuse đã phải vội vàng mang chúa Giêsu và mẹ Maria trốn sang Ai Cập để tránh cái chết do vua Herod âm mưu, và lúc cuối đời về cái chết hy sinh khó có thể tránh của “vua mới sinh ra này” do chính các kỳ mục, thượng thẩm, luật sĩ và dân Do Thái giết treo trên thập giá.
Theo thánh Mathiêu, chúng ta thấy ngay từ lúc khởi đầu câu chuyện, đức Giêsu đã được chào đón nồng nhiệt bởi một số người nhưng cũng làm một số người phải lo sợ. Đối với những người  lúc nào cũng để ý đến những dấu chỉ thời gian và không gian, thì sự xuất hiện của chúa Giêsu là bước đầu của  cuộc hành trình đầy mạo hiểm đi tìm đức tin và sự sống.

 
TÌM  KIẾM CHÚA KITO NGÀY NAY: SỰ VUI MỪNG
Một con trẻ vừa sinh ra thì cũng là lúc quyền lực của tử thần xuất hiện. Vua Herod đã làm bộ cộng tác với ba nhà thông thái nhưng trong lòng đầy ác ý phản bội, muốn kết thúc cuộc hành trình đi tìm sự sống vĩnh cửu của họ. Trọng tâm của câu chuyện đầy vẻ trái nghịch này là Hài Nhi, biểu tượng của Vui Mừng. Nhưng Herod lại sợ hãi nỗi “vui mừng của muôn dân”.
Xã hội hiện nay với nền văn hóa sự chết đang càng ngày càng sợ sự sống con người, mà đáng lẽ phải là nỗi vui mừng của mọi người.  Chúng tôi phải tái cam kết giữ và bảo tồn sự sống, khuyến khích, chúc phúc nó và cám ơn Chúa vì đã cho chúng tôi quà tặng quí giá này.
Một số chúng ta chỉ cố gắng đi tìm Hài Nhi Giêsu sau một cuộc hành trình dài gian khổ giống như ba vị vua trong Tin Mừng thánh Mathiêu. Những khôn ngoan của người đời và vẻ hào nhoáng bề ngoài của giáo hội cũng nên dẹp bỏ đi. Chúng ta cần phải chấp nhận hy sinh để tìm cho ra ý nghĩa thâm sâu nhất và bằng an thực là Chúa Kitô. Đa số những vị khôn ngoan đã làm những cuộc hành trình đặc biệt gian khổ để tìm kiếm cho ra một ý nghĩa vĩnh cửu nào đó.
Người dân bình thưòng đi tìm Chúa bằng cách vượt qua cánh đồng như những kẻ chăn chiên làm. Họ mang theo cái nghèo nàn, lòng khiêm tốn và sự cởi mở đơn sơ của họ. Nhưng sự thông thái, khôn ngoan, quyền lực, uy tín và kiêu căng thường đưa tới tuyệt vọng. Những kẻ dựa vào thế quyền và đi theo thế quyền để được yên thân, thoải mái, được trọng vọng vì nghĩ rằng họ khôn ngoan, thông minh, có khi lại nói ‘họ có Chúa Thánh Thần soi sáng’, nhưng có biết đâu họ đã tự dối lòng mình, nghe theo lời đường mật, lừa phỉnh của Herod đã giết Chúa. Những người như vậy, họ tin tưởng mình có thể có ngay lập tức sự thật cuối cùng và có thể làm sáng tỏ về bất cứ điều gì thì lại thường đi vào con đường cùng trống vắng hoặc sẽ bị lạc trong sa mạc cô quạnh, ích kỷ, thiếu thốn đủ thứ và tuyệt vọng.
Cuối cùng, ba vua đã đi theo con đường riêng của họ, vì họ đã từ chối không để cho dối trá mê hoặc. Họ sửng sốt vui mừng vì ngôi sao trên trời mà họ đã tin tưởng lại xuất hiện. Đây không phải chỉ là tả cảnh lúc Chúa sinh ra mà là thời đại của chúng ta. Khi chúng ta tìm ra được sự vui mừng thực sự ở giữa bóng tối ghê rợn bao quanh, giữa thất vọng, dửng dưng và vô nghĩa thì chỉ còn cách duy nhất là “quì gối và thờ lạy”.
Nếu chúng ta khôn ngoan đủ, chúng ta hãy hành sử như ba vua khôn ngoan. Khi chúng ta nghe thấy tiếng nói của tử thần, của sợ hãi và của dối trá, chúng ta hãy bình tâm, lấy can đảm đi theo con đường của mình là Vui Mừng. Ngôi sao trên trời và cuộc hành trình sẽ dẫn đưa chúng ta tiến bước, bằng con đường mới, con đường thật của Chúa để tới gặp Hài Nhi Ánh Sáng và Hoàng Tử Hòa Bình, là đấng hoàn thành niềm hy vọng sâu xa nhất của loài người và ước vọng ánh sáng, công lý, hòa bình và tình thương yêu..

 
ĐÔI LỜI KẾT:  TIẾP TỤC CUỘC HÀNH TRÌNH
Để kết luận bài suy niệm, chúng tôi xin mượn lời của một đại văn hào  Công Giáo, người Pháp Georges Bernanos (1888-1948) đã nói rất bay bướm về ngày đại lễ này ở thời đại chúng ta:
Từ khởi đầu, Giáo Hội của Ta đã là Giáo Hội ngày nay, và nó sẽ như vậy cho đến tận thế, là một gương xấu cho những kẻ mạnh mẽ, một thất vọng cho những kẻ yếu đuối, là thử thách và an ủi cho những ai có đời sống nội tâm dồi dào, biết tìm kiếm nơi mình không gì khác ngoài chính Ta.
“ Đúng vậy (….) bất cứ ai muốn tìm Ta ở đâu thì sẽ thấy Ta ở đó; nhưng họ sẽ phải tìm, và Ta sẽ ẩn tránh kỹ hơn là người ta tưởng, hơn cả một vài linh mục của ta đã chỉ dạy cho bạn biết. Cũng còn khó khăn mới khám phá ra Ta hơn là Ta đã ở trong hang bò lừa nhỏ bé ở Bethlehem đối với những ai sẽ không đến với Ta một cách khiêm tốn theo bước chân của các mục đồng và của ba nhà thông thái.
“ Thực sự là những lầu đài đã được xây vì Vinh Dự Ta với những bao lơn và hàng cột bao quanh vô số kể, được chiếu sáng huy hoàng chói lọi suốt ngày đêm, có lính canh gác đứng nghiêm chào. Nhưng nếu bạn muốn tìm Ta ở đó thì việc khôn khéo là phải làm như họ đã làm trên con đường xưa phủ đầy tuyết ở Judea, và chỉ hỏi điều mà bạn cần: Một vì sao và một trái tim tinh tuyền.”
 
Fleming Island, Florida
Dec. 31, 2015
NTC
 
NẾU LINH MỤC KHÔNG CÓ LÒNG THƯƠNG XÓT
 
Chúng ta đều là tội nhân. Ai trong chúng ta cũng cần đến lòng Chúa thương xót thứ tha. Chúa Giêsu đến trần gian để kêu gọi người tội lỗi, chứ không phải gọi người công chính. Truyện kể: Có một bà thánh thiện, chiều tối đi dạo quanh làng xóm một vòng, trước khi lên giường đi ngủ. Bầu trời quang đãng, các ngôi sao chập chờn và ánh trăng lưỡi liềm tuyệt đẹp. Bà cảm động sâu thẳm khi nhìn ngắm bầu trời. Bà ngưỡng mộ sự vĩ đại và huyền diệu của Tạo Hóa và các loài thụ tạo của Ngài. Với thân phận con người yếu đuối, bà qùy gối và cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa tốt lành và tuyệt mỹ vô song, xin đừng bao giờ để con phạm lỗi với Chúa, dù là một hành vi nhỏ nhất. Và bà đã nghe một giọng nói dịu dàng trong tâm: Hỡi con, nếu Cha chấp nhận nguyện vọng đó đối với mọi người, làm sao Cha có thể bày tỏ lòng thương xót và sự tha thứ vô bờ của Cha, điều này là một trong những cách thế rõ ràng nhất Cha để mọi người biết và cảm nghiệm tình yêu của Cha?

Trái tim yêu thương của Chúa là nguồn suối ân sủng không bao giờ khô cạn. Thiên Chúa luôn yêu thương Dân mà Chúa đã chọn, cho dù đã bao lần Dân bỏ Chúa chạy theo thờ lạy bụt thần dân ngoại. Chúa phạt họ đó, rồi Chúa lại thứ tha. Tác giả Thánh Vịnh đã phải thốt lên: Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng? Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ để chúng con biết kính sợ Ngài (Tv 130, 3-4). Con người yếu đuối vì thân xác nặng nề, ước muốn thấp hèn và có khuynh hướng trở về với bản năng thú tính. Ưa thích những cảm giác mới lạ, những tư tưởng phàm tục và đòi hỏi thỏa mãn những khát vọng lạc thú. Con đường dốc rất dễ xuôi theo. Càng nhẹ bước, chúng ta càng lạc xa. Mọi sự trong cuộc sống đều theo kiểu trước lạ, sau quen. Quen riết rồi nghiền. Sống giữa một xã hội tục hóa, tiêu thụ, hưởng thụ và mọi thứ tạm bợ chóng qua. Sứ réo gọi chạy đua với cuộc sống làm cho chúng ta quay cuồng trôi chảy theo dòng. Cảm giác về tội lỗi không còn bén nhậy. Lương tâm không còn bị áy náy về sự sai trái và lỗi tội. Đây là điều chúng ta cần để tâm suy xét.

Tại sao chúng ta phải xin tha lỗi mình và tha thứ cho tha nhân? Chúng ta nhớ rằng sống là sống chung với người khác, nên chúng ta cần giúp nhau để nên hoàn thiện. Thánh Phaolô trong thơ gởi cho tín hữu Colossê đã khuyên dạy: Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau (Col 3, 13). Sự tha thứ rất cần thiết để mọi người sống chung được hài hòa và hợp nhất. Nhân gian thường nói: Quá tam ba bận. Ba lần lỗi là tối đa rồi đó, đừng lỗi phạm nữa, nếu phạm thì khó mà tha. Đối với Chúa Giêsu giầu lòng thương xót thì sự tha thứ không có giới hạn: Bấy giờ, ông Phêrô đến gần Đức Giêsu mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? " Đức Giêsu đáp: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy."(Mt 18, 21-22).

Như thế, trong bất cứ hoàn cảnh lỗi phạm nào, chúng ta vẫn có thể nhận được ơn tha thứ. Con người có thể không tha cho nhau, nhưng Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ mọi tội lỗi. Năm Thánh Lòng Thương Xót là cơ hội rất quý báu, mời gọi chúng ta chạy đến với lòng nhân hậu của Chúa để nhận lãnh ơn tha thứ. Chúa có uy quyền tẩy xóa mọi lỗi lầm và đổi mới chữa lành con người cả hồn lẫn xác. Khi chữa bệnh cho người bị bại liệt, Chúa Giêsu đã phán: Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội. Bấy giờ Đức Giêsu bảo người bại liệt: "Đứng dậy, vác giường đi về nhà! (Mt 9, 6). Hoặc Chúa Giêsu nói với người phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi.”( Lc 7, 48). Quyền năng của Thiên Chúa vô biên, nhưng Ngài vẫn tôn trọng quyền tự do của con người. Chúa ban ân sủng một cách nhưng không, nhưng Chúa cần sự cộng tác của chúng ta. Mọi người cần ăn năn sám hối để được tha thứ. Chúa mời gọi chúng ta thực hành việc bác ái này để xây dựng tình người. Chúa phán: Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em (Mt 6, 15).

Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta về sự tha thứ. Chúa nài xin Chúa Cha tha cho chính những kẻ đã gây khổ đau, phản bội, chống đối và hành xử Chúa. Trên cây thánh giá, trước khi tắt thở, Chúa Giêsu đã thân thưa với Chúa Cha: "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm." (Lk 23, 34). Chúa Giêsu bênh đỡ những người đã làm hại Chúa. Chúa đã tha thứ cho họ và nại lý do rằng họ không biết việc họ làm. Phần chúng ta, có nhiều lần vô tình hoặc vô ý gây nên lỗi lầm phạm đến anh chị em. Cũng có rất nhiều lần chúng ta hiểu lầm và gây ra biết bao phiền não cho người khác. Chúng ta cũng có thể gây thương đau cho người thân yêu vì sự nghi ngờ, nhẹ dạ và cả nghe. Đôi khi chúng ta cũng đã cố ý phạm tội chia rẽ, gây đổ vỡ, thù óan, phản bội và xúc phạm đến tha nhân. Những tội lỗi này làm cho lòng của chúng ta ra trĩu nặng, u buồn, ai oán và sầu đau. Chúng ta có thể chạy đến với Lòng Thương Xót của Chúa để xưng thú, giãi bầy và xin ơn tha thứ: Lạy Chúa, tội con thật nặng nề, vì danh Ngài, xin lượng thứ cho con (Tv 25,11).

Đôi khi chúng ta có thể tha thứ cho anh chị em, nhưng lại khó quên. Tha rồi đó, nhưng mỗi lần nghĩ đến hay nhớ lại, lòng chúng ta lại quặn đau và xôi sục. Chúng ta nhớ rằng qua Bí tích Hòa Giải, khi chân thành sám hối và xưng thú tội đã phạm, chúng ta lãnh nhận hồng ân tha thứ và được tẩy sạch các tội lỗi. Chúa tha và Chúa quên luôn. Trong cuộc sống va chạm hằng ngày, vì sự nhỏ nhen, ích kỷ và kiêu căng, chúng ta rất thường xúc phạm đến anh chị em. Chúng ta luôn có thể làm hòa và tha thứ cho nhau: Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em (Mc 11, 25). Đây là liều thuốc rất hiệu nghiệm giúp chúng ta tìm được sự bình an đích thực trong tâm hồn.

Chúa Giêsu đã trao quyền tháo cởi và cầm buộc cho Giáo Hội qua các thánh Tông đồ và những người kế vị: Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."(Ga 20, 23). Giáo Hội đã ủy quyền tha tội cho các linh mục là những thừa tác viên sống động để có thể giúp mọi người giao hòa cùng Thiên Chúa và tha nhân. Biết rằng các linh mục cũng là con người và là tội nhân. Các linh mục cũng yếu đuối phạm lỗi lầm như mọi người. Giáo Hội tin tưởng trao ban năng quyền cho các linh mục để tiếp tục phân phát ân sủng của Chúa qua các Bí tích. Các linh mục cũng cần ơn tha thứ và được tha thứ qua Bí tích Hòa Giải. Vì cũng là tội nhân, nên các linh mục cảm thông được những lầm lỗi, thiếu xót, yếu đuối và những cám dỗ thường xuyên trong đời sống. Nơi tòa cáo giải, các linh mục chia sẻ đồng phận với tội nhân và cùng sám hối cho chính tội lỗi của mình.

Chúa Giêsu hiến dâng hy tế trên thánh giá để đền thay tội lỗi cho nhân loại. Chúa phán: "Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội (Mt 26, 27). Máu châu báu của Chúa Giêsu đã đổ ra để chuộc tội cho chúng ta. Năm Thánh Lòng Thương Xót là thời gian đặc biệt, chúng ta hãy tìm đến lòng từ bi nhân hậu của Chúa để xin ơn tha thứ. Xin Chúa tha thứ cho chúng con như chúng con cũng tha cho kẻ đã xúc phạm đến chúng con. Xin nguồn ân sủng của Chúa tràn đổ vào tâm hồn để chúng con tìm được sự bình an đích thực.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York
 
 
Năm 2016, chủ đề mục vụ của Giáo hội Việt Nam là “Tân phúc âm hóa đời sống xã hội”. Để có một cái nhìn cụ thể về việc này, xin giới thiệu mục từ “Kitô giáo tại Hàn Quốc” của từ điển bách khoa toàn thư mở Wikipedia, bản Anh ngữ, do Phan Vĩnh Tâm lược dịch. (Xin xem toàn bài bằng tiếng Anh và các chú thích tại https://en.wikipedia.org/wiki/Christianity_in_Korea )
Kitô giáo hiện diện tại Hàn Quốc xoay quanh hai chi nhánh lớn nhất là Tin lành và Công giáo, Tin lành chiếm 8,6 triệu [1] [2] và Công giáo 5,3 triệu [3]. Công giáo La Mã du nhập cuối thời triều đại Joseon. Vào năm 1603, Yi Gwang-jeong, nhà ngoại giao Hàn Quốc, từ Bắc Kinh trở về mang nhiều sách thần học của Matteo Ricci, một nhà truyền giáo dòng Tên đến Trung Quốc. [4] Ông phổ biến các thông tin trong sách và gieo những hạt giống đầu tiên của Kitô giáo trên đất Hàn. Năm 1758 vua Yeongjo của Joseon chính thức cấm đạo Công giáo, nhưng rồi một lần nữa, năm 1785, lại  được Yi Seung-hun cổ xúy.
Các Kitô hữu Hàn Quốc là đối tượng để đàn áp và gian khổ. [5] Nhiều người đã chịu tử đạo, đặc biệt là trong cuộc bách hại năm 1801 và sau đó. Giới quý tộc Joseon xem tôn giáo mới như một ảnh hưởng đưa tới lật đổ cho nên đã sớm bắt bớ những người theo đạo này, mà đỉnh cao là cuộc bách hại năm 1866, trong đó 8.000 người Công giáo trên khắp đất nước đã bị thiệt mạng, kể cả chín nhà truyền giáo Pháp. Việc Hàn Quốc mở cửa với thế giới bên ngoài trong những năm tiếp theo đem lại sự khoan dung tôn giáo cho những người Công giáo còn lại và đưa đạo Tin lành vào. Các nhà thờ Tin lành đầu tiên ở Hàn Quốc được Suh Sang-ryun thành lập và nhà truyền giáo Tin Lành đầu tiên vào Hàn Quốc là Horace Newton Allen, năm 1884. Horace Allen là một nhà truyền giáo hệ phái Presbyterian và là nhà ngoại giao Bắc Mỹ. Ông ở Hàn Quốc cho đến năm 1890, được nhiều người hỗ trợ. [6]
Vào năm 1945 cả hai hệ phái (Công giáo và Tin Lành) chiếm khoảng 2% dân số. Sau đó họ tăng trưởng rất nhanh: năm 1991, 18,4% dân số (8,0 triệu) là Tin Lành, và 6,7% (2,5 triệu) là Công giáo [7] Giáo Hội Công Giáo đã gia tăng thêm 70% trong vòng mười năm qua. [8] Anh Giáo ở Hàn Quốc cũng đã tăng trưởng đáng kể trong những thập kỷ gần đây...
Các Kitô hữu đã có ảnh hưởng quyết định trên nền giáo dục với 293 trường học và 40 trường đại học do họ điều hành, kể cả 3 trong số 5 tổ chức học thuật thế giá nhất. [9] Tin lành được coi là tôn giáo của tầng lớp trung lưu, thanh niên, trí thức và dân thành thị, và là nội lực giúp Hàn Quốc theo đuổi việc hiện đại hóa và chạy đua với Hoa Kỳ. [10] [11] Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sự phát triển của đạo Tin lành đã chậm lại, có lẽ do những vụ bê bối liên quan đến lãnh đạo giáo hội và vì xung đột giữa các giáo phái do quá hăng say trong việc truyền giáo. [12]
Tính đến năm 2014, khoảng 30% dân số Hàn Quốc khai rõ mình là Kitô hữu. [13]
Ý NGHĨA VĂN HÓA
Nhà nghiên cứu Grayson cho rằng đạo Tin lành đã là một lực lượng năng động trong cuộc sống của Hàn Quốc, và đã có một tác động tích cực đối với các tôn giáo khác. Nó đã tạo nên một cuộc chạy đua năng động khiến người Công giáo và Phật giáo phải cạnh tranh, cũng như tạo cảm hứng cho rất nhiều hệ phái nhỏ hơn. Các hệ phái này đã tiếp nhận nhiều phương thức mà những người Tin Lành đã đi tiên phong.
Trước chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), hai phần ba Tin Lành Hàn Quốc sống ở miền Bắc, nhưng sau đó hầu hết chạy trốn vào Nam. Người ta không biết chính xác có bao nhiêu Kitô hữu hiện còn ở Bắc Triều Tiên. Được biết, vào cuối những năm 1960 đã có khoảng một triệu người Tin Lành ở Hàn Quốc, nhưng trong quá trình giai đoạn bùng nổ kết thúc vào năm 1980, số người Tin Lành tăng nhanh hơn so với bất kỳ quốc gia nào khác. Năm 2005 điều tra dân số của Hàn Quốc cho thấy 29,2 phần trăm dân số là Ki tô hữu, tăng từ 26,3 phần trăm của mười năm trước đó. [14] Các Hội thánh Presbyterian là những hệ phái Tin Lành lớn nhất tại Hàn Quốc, với gần 20.000 nhà thờ liên kết thành hai hệ phái Presbyterian lớn nhất trong đất nước. [15]
Hàn Quốc hiện đang cung cấp số lượng nhà truyền giáo Kitô lớn thứ hai trên thế giới, qua mặt cả Hoa Kỳ. [16] GMS, lực lượng truyền giáo chính của Giáo hội Presbyterian Hàn Quốc, là tổ chức truyền giáo lớn nhất Hàn Quốc. [17] [18] Các nhà truyền giáo Hàn Quốc đặc biệt nổi bật ở các quốc gia vùng “Cửa số 10/40” (Bắc vĩ tuyến 10/ Đông kinh tuyến 40) vốn ít thiện cảm với người phương Tây. Trong năm 2000, đã có 10.646 nhà truyền giáo Tin Lành Hàn Quốc ở 156 quốc gia, cùng với một số các nhà truyền giáo Công giáo tương ứng. Một bài báo năm 2004 cho biết "Theo các tổ chức truyền giáo ở Hàn Quốc và phương Tây, Hàn Quốc đã cử hơn 12.000 người truyền giáo đến hơn 160 quốc gia so với khoảng 46.000 nhà truyền giáo người Mỹ và 6.000 nhà truyền giáo người Anh". [19] Theo một bài báo năm 2007 "Hàn Quốc có 16.000 nhà truyền giáo đang làm việc ở nước ngoài, chỉ đứng sau Mỹ". [20] Năm 1980, Hàn Quốc gửi đi chỉ mới 93 nhà truyền giáo nhưng vào năm 2009 đã lên đến khoảng 20.000 người. [16] [21] [22] [23]
Seoul có 11 trong số 12 Cộng đồng Kitô giáo (Tin lành) lớn nhất trên thế giới.  Một số Kitô hữu Hàn Quốc, trong đó có David Yonggi Cho, mục sư cấp cao của Giáo Hội Yoido Full Gospel, đã nổi danh trên toàn thế giới. Aaron Tân, giám đốc của công ty kiến ​​trúc Hồng Kông mang tên “Nghiên cứu Thiết kế kiến ​​trúc”, mô tả rằng về đêm Seoul rực sáng "tràn ngập những thập giá Kitô giáo ". [24]
...
GIÁO DÂN ĐỨNG HÀNG ĐẦU
... Kitô giáo tại Hàn Quốc đã bắt đầu như một phong trào giáo dân bản địa chứ không do một nhà truyền giáo nước ngoài đưa tới. Nhà nguyện Công giáo đầu tiên tại Seoul được Yi Seung-hun, một nhà ngoại giao đã lãnh bí tích rửa tội tại Bắc Kinh, thành lập năm 1784. [29] Năm 1786, ông Yi xúc tiến thành lập một hệ thống giáo phẩm giáo dân [30], nhưng năm 1789 Vatican phán quyết rằng việc bổ nhiệm tư tế giáo dân như thế không hợp Giáo luật. Kitô giáo đã khởi đầu rộng khắp tại Hàn Quốc do nỗ lực của thường dân, cho nên nó lây lan trong dân chúng nhanh hơn là nếu nó bắt nguồn từ người ngoài mà không được sự hỗ trợ của dân chúng từ đầu.
MẪU TỰ HÀN, XÓA MÙ CHỮ VÀ GIÁO DỤC
Hangul là hệ thống chữ quốc ngữ của người Hàn, với một bảng chữ cái để ký âm tiếng Hàn, được phát minh khoảng năm 1.446 do các học giả của triều đình Sejong Đại đế, [31] [32]. Do ảnh hưởng áp đảo của học thuật cổ điển Trung Quốc (chiếm một vị trí tương tự như tiếng Latin ở châu Âu ) suốt nhiều thế kỷ thứ chữ quốc ngữ này rất ít được dùng đến. Giáo Hội Công Giáo là tổ chức Hàn Quốc đầu tiên chính thức lấy chữ quốc ngữ của Hàn làm công cụ ưu tiên. Đức Giám mục Siméon-François Berneux buộc phải dạy cho tất cả trẻ em Công giáo biết đọc nó. [31] [33] Sách vở Kitô giáo in để dùng tại Hàn Quốc, kể cả những sách vở được dùng trong các trường do các giáo sĩ Kitô giáo thành lập, chủ yếu đều dùng Hàn ngữ với bảng chữ cái dễ học của quốc ngữ Hàn. Các nhân tố ấy kết hợp với nhau khiến tỷ lệ số người biết chữ tăng nhanh, và khiến giáo lý Kitô giáo lan rộng vượt khỏi tầng lớp trí thức vốn chuyên dùng chữ Hán. Đầu thập niên 1780, các phần của sách Tin Mừng đã được xuất bản bằng quốc ngữ Hàn; sách giáo lý "Jugyo Yoji" (Giáo huấn căn bản của Chúa) được xuất bản vào những năm 1790 và một quyển thánh ca Công Giáo đã được in vào khoảng năm 1800.
John Ross, một nhà truyền giáo Presbyterian người Scotland có trụ sở tại Thẩm Dương, đã hoàn thành việc dịch Kinh Thánh sang sang tiếng Hàn vào năm 1887 [34] và các vị lãnh đạo Tin lành đã phát hành một khối lượng lớn bản dịch này. Họ cũng đã thành lập những cơ sở giáo dục hiện đại đầu tiên tại Hàn Quốc. [35] Trường Paichai của hệ phái Methodist dành cho nam sinh được thành lập năm 1885, rồi trường Ewha Methodist dành cho nữ sinh (sau này trở thành Đại học nữ giới Ewha) vào năm 1886. Những trường ấy, và những trường tương tự được thành lập tiếp sau đó, đã giúp đạo Tin Lành lan rộng trong tầng lớp dân thường, và người Tin lành đã qua mặt người Công giáo, trở thành nhóm Kitô giáo lớn nhất tại Hàn Quốc. Trước kia phụ nữ không được đến trường nhưng giờ đây số phụ nữ biết chữ đã tăng vọt. [36]
KITÔ GIÁO DƯỚI THỜI HÀN QUỐC BỊ NHẬT BẢN CHIẾM ĐÓNG, 1910-1945
Nhật đã xâm chiếm Hàn quốc năm 1910. Với chế độ cảnh sát trị, họ đã tìm cách giảm thiểu ảnh hưởng của các nhà truyền giáo, đưa tới một hệ quả đáng buồn trong những năm 1911-1919. Những tuyên bố lý tưởng của Tổng thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson đã góp phần làm cho tinh thần quốc gia của người Hàn tăng mạnh trong những năm 1920, nhưng rồi họ vỡ mộng khi phong trào bị thất bại không đạt được một cải cách có ý nghĩa. Năm 1924, người Tin Lành thành lập Hội đồng Kitô  giáo Toàn quốc Hàn để điều phối hoạt động bằng cách chia thành các khu vực được phân công cụ thể cho các hệ phái Tin Lành khác nhau. Tin Lành Hàn Quốc cũng thành lập những nhóm truyền giáo cho người Hàn hải ngoại, cách riêng là ở Trung Quốc.
Kitô giáo tăng trưởng đều đặn, vào giữa những năm 1930, dân số Công giáo đạt tới 147.000, và Tin Lành 168.000. Những căn cứ lớn cho cả hai nhóm đều ở phía Bắc. Vào năm 1937, Giáo Hội Presbyterian của Hàn Quốc đã khá độc lập với sự hỗ trợ tài chính từ Hoa Kỳ; năm 1934 Giáo Hội Methodist đã trở thành tự trị và chọn một giám mục Hàn Quốc. Các nhà truyền giáo tích cực nhất bên phía Công giáo là các tu sĩ dòng Maryknoll, đã mở trường y khoa Maryknoll tại Pusan ​​năm 1964; nay là Đại học Công giáo Pusan. [37]
TINH THẦN DÂN TỘC CỦA NGƯỜI HÀN
Một trong những yếu tố quan trọng nhất dẫn đến sự chấp nhận Kitô giáo rộng rãi tại Hàn Quốc là nhiều Kitô hữu đã kiên quyết đứng về phía chính nghĩa của Hàn Quốc suốt thời kỳ Nhật chiếm đóng (1910-1945). Trong thời gian này, Nhật Bản đã tiến hành một chiến dịch áp đặt văn hóa Nhật lên người Hàn cách có hệ thống, đặc biệt là đòi người Hàn phải tôn thờ Nhật hoàng. Thậm chí năm 1938, việc dùng tiếng Hàn đã bị cấm. [38] Tuy nhiên, tính chất đặc biệt Triều tiên của Giáo hội Hàn quốc đã nổi rõ và được lớn mạnh thêm trong những năm ấy do biết  bao Kitô hữu đã tỏ rõ sự trung thành với quốc gia. Trong khi hiến pháp sau này của Nam Hàn đảm bảo cả tự do tôn giáo lẫn sự tách biệt giữa Giáo hội và Nhà nước, chính phủ Hàn Quốc đã ủng hộ Kitô giáo, coi đây như là một giáo lý có sức ngăn ngừa ảnh hưởng ý thức hệ của quốc gia anh em láng giềng.
Ngày 01 tháng 3 năm 1919, một hội đồng gồm 33 nhà lãnh đạo tôn giáo và các chuyên gia được gọi là " Phong trào 01 Tháng Ba" thông qua một Tuyên ngôn độc lập. Mặc dù phong trào do các lãnh tụ của Thiên Đạo giáo (một tôn giáo dựa trên học thuyết Khổng Tử) đứng ra tổ chức, 15 trong số 33 người ký tên là người Tin Lành, [39] và nhiều người trong số họ đã bị bắt giam. Cũng trong năm 1919, còn xuất hiện phong trào hô hào độc lập do người Công giáo chủ xướng, mang tên "Ulmindan" [40], và một chính phủ lưu vong do một chính khách hệ phái Methodist là Syngman Rhee cầm đầu cũng đã ra đời và tồn tại được một thời. [41]
Kitô giáo còn gắn liền với phong trào yêu nước hơn nữa khi một số Kitô hữu từ chối không dự các nghi thức tôn thờ Nhật hoàng mà luật pháp năm 1930 đòi buộc. [38] [42] Mặc dù việc từ chối ấy là do niềm tin tôn giáo thúc đẩy hơn là do xác tín chính trị, nó đã khiến nhiều Kitô hữu bị bắt giam, và trong con mắt của nhiều người Hàn Quốc, điều ấy vẫn đồng nghĩa với tinh thần dân tộc chống lại sự chiếm đóng của Nhật. [43]
THẦN HỌC VỀ DÂN CHÚNG
Các khái niệm Kitô giáo về giá trị cá nhân đã được đề cao trong cuộc đấu tranh lâu dài cho nhân quyền và dân chủ ở Hàn Quốc. Trong những năm gần đây, cuộc đấu tranh này còn mang hình thức Thần học về Dân chúng.  Thần học về Dân chúng tại Hàn là một dạng thần học giải phóng, dựa trên khái niệm "hình ảnh Thiên Chúa" trong Sáng thế ký 1: 26-27, kết hợp với tâm thức “Hàn” trong truyền thống Hàn Quốc, thuật ngữ này không có từ tương  đương chính xác bằng tiếng Anh, và có nghĩa là một cảm giác đau đớn vô vọng không sao an ủi. Thần học về Dân chúng mô tả tầng lớp dân thường trong lịch sử Hàn Quốc như những người chủ chân chính của vận mệnh của mình. Hai trong số các nhà lãnh đạo chính trị nổi tiếng nhất của đất nước đã hưởng ứng Thần học về Dân chúng, là Kim Young-sam, tín hữu Presbyterian, và Kim Dae-jung, người Công giáo,. [44] Cả hai đã đấu tranh chống lại chính phủ quân sự chuyên chế ở Hàn Quốc suốt nhiều thập kỷ và đã thường xuyên bị bỏ tù nhưng rồi sau khi được phóng thích vào năm 1988, cả hai đã lần lượt trở thành Tổng thống của nước Cộng hòa dân chủ này.
Thần học về Dân chúng đã nổi bật vào những năm cuối của chế độ Park Chung-hee (1961-1979) với sự ra đời của một số phong trào xã hội Kitô giáo, như Phong trào Nông dân Công Giáo và Phong trào công nghiệp đô thị Tin Lành, vận động tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Chính phủ quân sự coi những phong trào này như một mối đe dọa cho sự ổn định xã hội, cho nên đã cầm tù nhiều lãnh tụ của họ; trong thực tế, những cuộc đấu tranh này trùng với một thời kỳ bất ổn dẫn đến đỉnh điểm là vụ ám sát Tổng thống Park Chung-hee vào ngày 26 tháng 10 năm 1979. [45]
BIẾN ĐỔI XÃ HỘI
Nhiều Kitô hữu Hàn Quốc tin rằng giá trị Kitô giáo đã tác động tích cực đến các mối quan hệ khác nhau trong xã hội. Xã hội truyền thống của Hàn Quốc đã được tổ chức tôn ti trật tự theo nguyên tắc Khổng giáo dưới quyền một vị vua được xem như con Trời. Phụ nữ không có quyền lợi xã hội, [46] con cái hoàn toàn lệ thuộc vào cha mẹ, [47], cá nhân không có quyền nào khác ngoài những gì được quy định trong hệ thống xã hội. Cấu trúc ấy đã bị các giáo huấn Kitô giáo thách thức. Theo giáo huấn Kitô giáo, mọi người đều được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và vì thế ai cũng bình đẳng và có phẩm giá cốt yếu như nhau. [48] Theo Kim Han-sik, khái niệm ấy cũng hỗ trợ cho quan niệm quyền sở hữu tài sản là của cá nhân chứ không phải của gia đình (hay người đứng đầu gia đình).
Các Kitô hữu coi hoàng đế cũng chỉ là người và cũng ở dưới quyền của Thiên Chúa như các thần dân của ông, [49]. Các giá trị Kitô giáo ủng hộ cho việc giải phóng phụ nữ và trẻ em về mặt xã hội. [46] [47] Giáo hội cho phép các quả phụ được tái hôn (theo lời dạy của tông đồ Phaolô, ngược với truyền thống của các xã hội Đông Á vốn không cho phép),  cấm chế độ hầu thiếp và chế độ đa thê, và cấm ngược đãi vợ, cấm bỏ vợ. Bậc cha mẹ Kitô giáo được dạy phải coi con cái là quà tặng của Thiên Chúa, và phải chu toàn việc giáo dục con cái. [50] Cấm tảo hôn và cấm bỏ bê con gái (trong văn hóa Á đông, con gái thường ít được cha mẹ mong ước hơn so với con trai).
TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
Sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Hàn Quốc trong những năm 1960 và 1970 thường được cho là do chủ trương của Park Chung-hee nhắm công nghiệp hóa hướng đến xuất khẩu, nhờ các giá trị văn hóa bản địa và tinh thần làm việc nghiêm túc, nhờ liên minh vững chắc với Hoa Kỳ, và nhờ nguồn vốn đầu tư của nước ngoài. Nhiều Kitô hữu Hàn Quốc vẫn xem tôn giáo của họ đóng một vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của đất nước trong hơn ba thập kỷ qua, họ tin rằng sự thành công và thịnh vượng kinh tế là dấu hiệu sự chúc lành của Thiên Chúa. [51]
Năm 2003 hai kinh tế gia Robert J. Barro và Rachel McCleary đưa ra một Một nghiên cứu cho thấy những xã hội càng có niềm tin cao vào trời và có mức độ đi nhà thờ nhiều càng có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh. [52] Luận điểm của Barro và McCleary có ảnh hưởng lớn trong giới học thức sau đó, và theo một số nhà quan sát, nó hỗ trợ cho sự tin tưởng rằng Kitô giáo đã đóng một vai trò quan trọng trong sự thành công kinh tế của Hàn Quốc. [53] [54] Tuy nhiên nghiên cứu ấy đã bị các học giả như Durlauf, Kortellos và Tân chỉ trích (2006). [55] Từ năm 2000 có một xu hướng xây dựng những giáo đường vĩ mô khiến một số nhà thờ phải nợ tài chính. [56]
PHÚC ÂM HÓA
"Trong những năm 1960, Giáo hội đã đến với những người bị đàn áp, như gái mại dâm và lớp người lao động công nghiệp mới. Khi nền kinh tế Hàn Quốc phát triển, việc tìm lối thoát cho giới công nhân lao động nổi bật lên như một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của công tác truyền giáo . Giáo Hội thành lập ngành tuyên úy cho công nhân trong các nhà máy. Ngoài ra, nghĩa vụ quân sự là chuyện bắt buộc đối với nam giới ở Hàn Quốc, sự hiện diện của các tuyên úy quân đội cũng trở thành quan trọng không kém. Nhiều quân nhân cải sang Kitô giáo trong thời gian thi hành nghĩa vụ quân sự." [57 ]
NIỀM TIN VỀ SÁNG TẠO
Ở Hàn Quốc, nhiều nhóm Kitô giáo đã tham gia vận động nghiên cứu về sáng tạo, đặc biệt là Hiệp hội Hàn Quốc nghiên cứu về sáng tạo (KACR) đòi phải hiểu sự sáng tạo theo sách Sáng Thế, và Hiệp hội Duyệt lại sách Giáo khoa (STR), một ủy ban thay thế cho chương trình Duyệt lại vấn đề Tiến hóa trong sách Giáo khoa (CREIT). [64] Đó là một nhánh độc lập của KACR, và đã tự tách khỏi học thuyết của KACR. [65] Đầu năm 2008, tại Seoul Land, một công viên giải trí hàng đầu, KACR đã tổ chức một triển lãm "khoa học về sáng tạo", có hơn 116.000 lượt khách ghé thăm trong ba tháng, và đến năm 2012, họ thương lượng với công viên để tổ chức một cuộc triển lãm khác kéo dài suốt năm. [65]
Năm 2012, do áp lực từ STR, Bộ Giáo dục đã công bố duyệt lại nhiều sách giáo khoa trung học để loại bỏ một số ví dụ về tiến hóa, chẳng hạn như của ngựa và khủng long. [64] [65] [66] Người ta đã giới hạn vào việc loại bỏ hoặc sửa đổi một số ví dụ [67] hoặc do không còn được chấp nhận hoặc hiện đang tranh cãi; [64] sự thay đổi này không kéo theo việc loại bỏ sự tiến hóa hoặc đưa sự sáng tạo vào sách giáo khoa [67] Tuy nhiên, STR có kế hoạch tiếp tục đệ trình kiến nghị để loại bỏ quá trình tiến hóa của con người và sự thích ứng của mỏ chim, với mục tiêu cuối cùng là giảm thiểu vai trò của quá trình tiến hóa Darwin trong việc giảng dạy. [65]
XUNG ĐỘT TÔN GIÁO
Sự đối kháng giữa những người Tin Lành từ chương (tin rằng Kinh thánh đúng từng chữ) với Phật giáo là một vấn đề lớn cho việc hợp tác tôn giáo ở Hàn Quốc, đặc biệt là trong những năm 1990 đến cuối những năm 2000. [60] [71]
Ngược lại, người Công giáo Hàn Quốc với Phật giáo và các tôn giáo khác vẫn giữ được quan hệ hợp tác chủ yếu, một phần nhờ nhiều phong tục và triết lý Phật giáo và Nho giáo được hội nhập vào Công giáo Hàn Quốc, nổi bật nhất là việc tôn kính tổ tiên. [72]
 
HẠT NẮNG
 
Lm. Micae Phaolo Trần Minh Huy, pss.
 
 

SỐNG DƯỚI SỰ CHE CHỞ CỦA MẸ MARIA

Mẹ Maria được kêu cầu là Mẹ của chúng ta, vì xưa khi trên thập giá, Chúa Giêsu đã trao phó Mẹ mình cho Gioan và ký thác Gioan cho Mẹ[2]. “Chúng ta cũng hãy đón nhận Mẹ Maria vào trong nhà nội tâm của chúng ta.[3] Được sự che chở và hướng dẫn từ mẫu của Mẹ Maria nâng đỡ và tăng sức mạnh, chúng ta có thể luôn bước đi trên con đường thánh thiện. Chúng ta cần tăng cường lòng sùng kính Đức Mẹ. Sự hiện diện từ mẫu của Mẹ Maria luôn là sự nâng đỡ cho chúng ta. Mẹ đã luôn theo sát Chúa Giêsu Con Mẹ, bây giờ Mẹ vẫn tiếp tục đồng hành cùng chúng ta. Thánh Maximilianô Maria Kolbê, người yêu mến nồng nàn Đức Mẹ Vô Nhiễm viết: “Khi chúng ta hiến mình cho Mẹ, thì trong tay Mẹ, chúng ta sẽ trở thành khí cụ Thiên Chúa dùng để thi thố lòng thương xót của Người, như chính Mẹ là khí cụ trong tay Thiên Chúa. Vì thế chúng ta hãy để Mẹ hướng dẫn, hãy đưa tay cho Mẹ dắt dìu, hãy sống yên hàn dưới sự dẫn dắt của Mẹ, chính Mẹ sẽ chăm sóc và tiên liệu mọi sự cho chúng ta, sẽ mau mắn cứu giúp, đáp ứng những nhu cầu hồn xác, và đẩy lui những khó khăn phiền toái cho chúng ta”[4].
 
ĐTC Biển Đức XVI thôi thúc: “Hãy vào trường Đức Maria để học biết yêu thương và bước theo Đức Kitô trên hết mọi sự.” Thật vậy, trong trường của Mẹ Maria, chúng ta học biết đặt Chúa Kitô vào chỗ nhất và trung tâm trong cuộc đời linh mục chúng ta, học để hướng tư tưởng cùng hành động của chúng ta theo Ngài: “Người bảo gì hãy làm theo.” Đúng vậy, nơi trường của Mẹ, chúng ta học biết thinh lặng, biết lắng nghe và phục vụ, là những điểm mấu chốt của đời sống người môn đệ. Mẹ Maria sẽ giúp chúng ta tiến sâu vào mối tương quan nhân vị đích thực hơn với Chúa Giêsu, để chúng ta yêu mến Ngài và làm cho Ngài được yêu mến. ĐTC Phanxicô dạy: “Khi tìm kiếm Đức Kitô, Hội Thánh luôn luôn gõ cửa nhà của Mẹ và hỏi: “Xin Mẹ chỉ Chúa Giêsu cho chúng con.” Chính từ Mẹ mà chúng ta học cách làm những môn đệ đích thực. Đó là lý do tại sao Hội Thánh khi ra đi truyền giáo luôn luôn đi theo bước chân của Mẹ Maria
[5].
 
Qua việc chiêm ngắm và lắng nghe Mẹ Maria, chúng ta sẽ hiểu hơn sức mạnh nâng đỡ an ủi hầu tìm lại được nguồn sức mạnh để bước theo Chúa Kitô và phục vụ Ngài trong anh chị em. Chính với tinh thần ấy, ĐTC Biển Đức nói: “Khi chiêm ngắm Mẹ Maria, chúng ta phải tự hỏi xem chúng ta có muốn mở ra cho Chúa hay không, có muốn dâng hiến cuộc sống chúng ta cho Ngài để trở thành một nơi ở cho Ngài hay không; hay là chúng ta sợ sự hiện diện của Chúa giới hạn tự do của chúng ta, phải chăng chúng ta muốn dành riêng cho mình một phần đời sống để nó chỉ thuộc về chúng ta mà thôi? Nhưng chính Thiên Chúa là Đấng giải thoát tự do của chúng ta khỏi sự co cụm vào mình, khỏi sự khát khao quyền lực, chiếm hữu, thống trị, và làm cho nó có khả năng cởi mở với chiều kích làm cho nó được sung mãn trọn nghĩa là hiến thân, yêu thương, phục vụ và chia sẻ.
[6]
 
Có một việc thật đơn giản nhưng rất quan trọng của lòng sùng kính Mẹ Maria là lần Chuỗi Mân Côi, một bản Phúc Âm tóm tắt.
[7] Chúng ta nên giữ sống động thói quen lần chuỗi Mân Côi của các cha già, nhất là khi mắt mờ không còn đọc Kinh Nhật Tụng được nữa, các ngài chỉ biết lần chuỗi, lần đến mòn chuỗi, và hãy khuyến khích nhau lần chuỗi, một mình trong nhiều hoàn cảnh, hoặc chung với người khác, theo nhóm hay hội đoàn, giáo xứ, đặc biệt là lần chuỗi trong gia đình, vì chuỗi Mân Côi sẽ đốt nóng và làm mạnh thêm mối giây ràng buộc giữa các thành viên. Lời cầu nguyện này sẽ giúp chúng ta được mạnh mẽ trong đức tin, bền vững trong đức ái, niềm vui và kiên trì trong niềm hy vọng.
 
Liên quan đến đời sống dâng hiến khiết tịnh, chúng ta hãy mau mắn chạy đến cùng Mẹ Maria mỗi khi gặp khó khăn, nguy hiểm. Là trinh nữ và là mẹ, Mẹ Maria hiểu rất rõ con tim linh mục chúng ta cần gì, và Mẹ biết làm thế nào để giữ cho chúng ta được trung thành với lời cam kết của mình giữa lòng đời hôm nay sao cho “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.” Chúng ta sẽ tìm được ẩn náu an toàn nơi Mẹ Maria, người Mẹ trên trời của chúng ta. Chúng ta kêu xin Mẹ bảo vệ và biến đổi chúng ta và những người nữ thân thiết với chúng ta trong đời sống và sứ vụ linh mục của chúng ta. Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, Chúa Thánh Thần sẽ gìn giữ sự độc thân trong trắng của chúng ta. Chúng ta hãy tin tưởng dâng mình cho Mẹ, chạy đến tìm trú ẩn nơi sự che chở dịu dàng từ mẫu của Mẹ. Chính Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tận hiến cho Mẹ và chia sẻ: “Suốt cuộc đời tôi, tôi đã cảm nghiệm rõ sự hiện diện đầy yêu thương của Mẹ Chúa chúng ta. Mẹ Maria đồng hành với tôi mọi ngày để giúp tôi chu toàn sứ vụ…” Xin Mẹ Maria giúp chúng ta biết bắt chước Mẹ: Fiat, luôn chấp nhận ý muốn và kế hoạch của Chúa; Magnificat, luôn ca ngợi và cảm tạ mọi ơn lành lớn nhỏ Chúa đã ban cho, và Stabat, luôn sống nhẫn nại và bền đỗ đứng vững trong những thách đố và khó khăn của cuộc sống hằng ngày cho đến hơi thở cuối cùng.
 
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ nâng đỡ con và những người đau khổ trên đường đời, mà thường con không thể chữa lành chỉ với những lời lẽ của con người. Xin Mẹ ban thêm sức cho những người đau khổ phần xác mà lắm lần con không thể làm gì hơn để cứu giúp họ. Xin Mẹ giúp con biết an ủi những người đau khổ trong tâm hồn, thường là những nỗi đau khổ thầm kín đè nặng bước chân của biết bao nhiêu người, đàn ông cũng như đàn bà, thanh niên cũng như thiếu niên, dâng hiến cũng như giữa đời, ở bình minh cuộc sống hay xế bóng tuổi đời. Lắm khi họ không dám bộc lộ những đau khổ của mình ra, tuy nhiên vẫn như chờ đợi ở người môn đệ của Chúa một lời nói hay một cử chỉ mang dấu hiệu hoạt động an ủi của Chúa Thánh Thần. Amen.
 
Còn tiếp nhiều kỳ
 
 
Tác giả: Brian Berry
Chuyển ngữ do Linh mục Trần Mạnh Hùng, STD 

 
Một trong những nét đặc trưng minh nhiên của mối suy tư hiện nay về các vấn đề đạo đức của các thần học gia Công giáo Roma là tính đa nguyên của nó. Các nhà thần học luân lý ngày nay viết về hàng loạt vấn đề luân lý cụ thể như đồng tính luyến ái, tự tử có sự trợ giúp của y sĩ, và hành động khẳng định. Họ còn chuyên hóa nhiều môn phụ trong phạm vi thần học luân lý, bao gồm luân lý tính dục, đạo đức sinh học, đạo đức xã hội, và đạo đức môi trường. Nhưng quan trọng hơn cả, họ thăm dò suy tư của họ từ phạm vi nhiều hệ thống đạo đức hay trường phái tư tưởng đạo đức khác nhau để có những viễn ảnh khác nhau về vấn đề đạo đức là gì và cách tiến triển của nó. Toàn bộ điều này dẫn tới không chỉ một lượng dữ liệu áp đảo, mà cả tạp âm lộn xộn của các lập trường đạo đức đa dạng trong phạm vi một cộng đồng niềm tin. Một số còn ám chỉ rằng nó đã bỏ moan thần học luân lý trong tình trạng “xáo trộn.”
 
Bài này cố đem lại trật tự cho tình trạng có vẻ lộn xộn tồn tại trong thần học luân lý Công giáo Roma hiện nay. Tôi thừa nhận rằng những phát triển trong môn học này từ Công đồng Vatican II có thể được tập hợp dưới ba cách tiếp cận suy tư đạo đức chính mà tôi tạm gọi là nghĩa vụ học (deontology), chủ nghĩa xét lại (revisionism), và đạo đức đức hạnh hay cũng có thể hiểu là luân lý về các nhân đức (virtue ethics). Mỗi cách tiếp cận này có những quan điểm riêng về vấn đề điều gì phải là nội dung chủ đề của đạo đức học và phương pháp tranh cãi của nó. Trong những trình bày sau đây, tôi sẽ phác họa những đặc điểm chính định hình lập trường mà họ đưa vào vấn đề phá thai, một vấn đề đạo đức phức tạp đang là vấn đề quan tâm đặc biệt đối với cộng đồng Công giáo Roma.
 
1) NGHĨA VỤ HỌC
Một trong những phương pháp chính về thần học luân lý Công giáo Roma từ Vatican II là “nghĩa vụ học.” Phương pháp này nhấn mạnh vào các hành vi của con người. Nó tìm cách đánh giá hành vi của con người bằng cách hỏi, “Bổn phận của tôi là gì?” và đòi hỏi luật, quy tắc, nguyên lý, và nguyên tắc đạo đức cần được ứng dụng vào các hoàn cảnh đặc biệt. Theo đạo đức học về nghĩa vụ, một hành vi là đạo đức nếu tự thân hành động ấy là đúng và được thực hiện bằng động cơ hay ý định đúng. Những hậu quả của hành vi không liên quan với việc đánh giá tình trạng đạo đức của nó.
Người đại diện chính yếu của phương pháp nghĩa vụ học về đạo đức Công giáo Roma là Germain Grisez. Việc lấy nguyên tắc hình thức “làm lành và lánh dữ” là điểm xuất phát của ông, Grisez lập luận rằng sự hiểu biết về điều thiện là “hiển nhiên” đối với con người. Qua điều này, ông muốn nói rằng con người, trên nền tảng của kinh nghiệm về khát vọng những điều mà tự nhiên ai cũng cảm thấy thích, có thể biết rằng những điều thiện nhất định của con người là “cơ bản” hoặc đáng ao ước. Grisez nhận ra tám điều thiện cơ bản của con người: sự sống, vui chơi, kinh nghiệm thẩm mỹ, tri thức tự biện, sự toàn vẹn, tính hợp lý thực tiễn, tình bạn, và tôn giáo. Không điều nào trong những điều này quan trọng hơn bất kỳ điều nào khác, và lý tưởng của việc thực hiện đầy đủ có nghĩa là vui hưởng cả tám điều thiện cơ bản này.
Những hành vi cá nhân phải được đánh giá thế nào theo viễn ảnh của nghĩa vụ học? Grisez lập luận rằng một hành động của con người là đạo đức chỉ khi nào mà một cách nào đó nó nhắm vào một hay vài điều thiện cơ bản của con người. Không phải mọi lúc chúng ta đều có thể nhắm vào hết tám điều thiện cơ bản được, nhưng chúng ta phải hành động theo cách để mãi mở vào những điều thiện cơ bản ấy dù chúng ta không chủ động theo đuổi bằng một hành động nhất định nào đó. Một hành vi nhắm vào một điều thiện cơ bản, trong khi một hành vi khác có thể là bất kỳ, thì ở một chừng mực nào đó là trái đạo đức khi nó đổi chiều từ một điều thiện cơ bản mà không có lý do thích đáng.
Đối với Grisez, điểm cuối cùng này đặc biệt quan trọng. Ông diễn giải nó với ý là một số loại hành động chẳng bao giờ là được phép về mặt đạo đức. Nói cách khác, những hành vi nào đó của con người là “xấu xét về thực chất,” nghĩa là, lúc nào và ở đâu cũng là sai, bất kể là hoàn cảnh nào. Đặc biệt, ông xác quyết rằng bất kỳ loại hành động nào kéo theo sự chống lại một điều thiện cơ bản của con người, tỉ như, nhúng tay vào chuyện giết người, chủ tâm tránh thai, hoặc chủ ý nói dối, thì không thể biện minh được về mặt đạo đức.
Những gợi ý về sự diễn giải này khi đánh giá tính đạo đức của việc phá thai là gì?
 
Grisez khẳng định rằng nhúng tay vào việc phá thai thì luôn là sai vì nó dính dáng việc chống lại điều thiện cơ bản là sự sống của con người. Tuy nhiên, dưới những hoàn cảnh nào đó, việc phá thai có thể được biện minh về mặt đạo đức. Việc phá thai là gián tiếp nếu có ý định tốt, tỉ như, để cứu sự sống của người mẹ, dù là phải giết bào thai. Những trường hợp cổ điển của việc phá thai gián tiếp là những trường hợp được thực hiện khi mang thai lạc vị hay tử cung bị ung thư, với điều kiện được thực hiện trước quý hai cuối. Những trường hợp này được coi là phá thai gián tiếp vì ý định không là để giết sự sống vô tội của bào thai, nhưng để cắt bỏ điều kiện bệnh vì nếu không thì cả hai mẹ con đều chết.
Dù đây là phương pháp mang tính tiêu biểu hơn ở các thần học gia Tin lành, trong thế kỷ XX, nó có ảnh hưởng đáng kể lên đạo đức học Công giáo Roma, nhất là trước Công đồng Vatican II. Nói riêng, phương pháp nghĩa vụ học của Grisez còn định hình giàng huấn đạo đức của Giáo hoàng John Paul II, đặc biệt thông điệp gần đây của ngài, Veritatis Splendor.
 
2) CHỦ NGHĨA XÉT LẠI
Phương pháp chính thứ hai về đạo đức Công giáo Roma từ Công đồng là “chủ nghĩa xét lại” hay “thuyết tỷ hiệu” (proportionalism).( Cũng như nghĩa vụ học, phương pháp này rất nhấn mạnh các hành động của con người. Tuy nhiên, nó tìm cách đánh giá hành vi của con người không theo nghĩa vụ học nhưng theo mục đích bằng cách hỏi “Mục đích của tôi là gì?” Quan điểm coi mục đích tối hậu hay mục đích của sự sống con người là hợp với Thiên chúa, sau đó nó cố xác định những hành động nào là có lợi nhất để đạt được những giá trị hay các điều thiện sẽ dẫn tới mục đích tối hậu này.
 
Chủ nghĩa xét lại, trong khi hoạt động trong phạm vi khuôn khổ trên, có nhận ra rõ hơn hàng loạt điều tốt và xấu có thể do hành động nhất định hơn các phương pháp mục đích truyền thống thiên về sự thừa nhận. Cũng như phương pháp nghĩa vụ, nó coi tự thân hành vi chẳng khác gì ý định, nhưng nó còn tính tới những hoàn cảnh khả thể của hành động nơi các mối tương quan của con người có dính líu vào. Sau đó nó đặt vấn đề, “Chiều hướng hành động thay thế nào không được dự kiến là sai và đưa đến số điều tốt lớn hơn so với điều xấu?”
 
Nhân vật chính đại diện cho phương pháp xét lại về đạo đức Công giáo Roma là Richard McCormick. McCormick chấp nhận nhiều phân tích của Grisez về các điều thiện cơ bản của con người, và nhất trí rằng một hành động nhắm vào một điều thiện cơ bản, trong khi một hành vi khác có thể là bất kỳ mà không có lý do thích đáng, thì trái đạo đức. Tuy nhiên, chỗ ông khác với Grisez là trong những xác quyết của ông , ông cho rằng không có những hành vi “xấu xét về thực chất,” và rằng sự đổi chiều trực tiếp chống lại điều thiện cơ bản của con người không luôn là sai về mặt đạo đức. McCormick khẳng định rằng sự chống lại trực tiếp điều thiện cơ bản của con người chỉ là sự xấu “tiền-luân lý”–hơn là luân lý–nếu có lý do thích đáng để hành động. Sự xấu “tiền-luân lý” ở đây ám chỉ sự phiền phức, những giới hạn, và sự thiệt hại là phần không thể tránh được trong tất cả nỗ lực của con người muốn làm tốt, vì con người liên quan đến lịch sử, xã hội và sống trong thế giới tội lỗi.
 
Khi nào là có lý do chính đáng để hành động để được coi là sự xấu tiền-luân lý?
McCormick giải thích rằng một “lý do thích đáng” tồn tại khi (a) có giá trị chí ít ngang bằng giá trị bị hy sinh; (b) không có cách ít gây hại để bảo vệ giá trị hiện tại; và (c) cách thế bảo vệ nó đưới các hoàn cảnh không thực sự làm xói mòn nó. Phải thừa nhận là việc xác định có những điều kiện tồn tại như thế là một việc khó khăn. Nó có nghĩa là phải cân nhắc những hậu quả khả thể của hành động, nhưng cũng đặt ra vấn đề là nó có là tốt nếu mọi người trong cùng hoàn cảnh đã làm như vậy, đặt vấn đề về xu hướng văn hóa, lưu tâm đến lẽ thường của kinh nghiệm trước đây được tiêu biểu trong các quy tắc đạo đức, tham khảo rộng rãi để tránh thành kiến cá nhân, và xem xét cả sức mạnh của niềm tin tôn giáo ảnh hưởng lên sự phán đoán của người ấy. Một sự phán đoán đúng cho rằng có lý do thích đáng có nghĩa là điều tốt được dự kiến bởi hành động nhất định có nhiều giá trị hơn những hậu quả của điều xấu, và việc thực hiện hành vi ấy phải là được phép về mặt đạo đức.
 
Những gợi ý về sự diễn giải này khi đánh giá tính đạo đức của việc phá thai là gì?
Trong bài diễn văn của ông gần mười năm trước với chủ đề, “Sự phá thai, Lý lẽ Dung hòa,” McCormick lập luận rằng, trong khi có một giả định đạo đức chống lại sự phá thai vì nó dính líu đến việc giết chết sự sống của con người, phá thai để cứu sự sống của người mẹ là chấp nhận được về mặt đạo đức. Qua điều này, ông muốn nói rằng không chỉ sự phá thai gián tiếp là được phép, như các trường hợp mang thai lạc vị hay tử cung bị ung thư, nhưng sự phá thai trực tiếp đôi khi cũng biện minh được về mặt đạo đức. Trong những bài viết khác của ông, ông từng thừa nhận rằng lý do chính đáng để phá thai có thể tồn tại trong trường hợp người mẹ có thể gặp nguy nếu có thai vì chị ta đau tim nặng, hay trong trường hợp bào thai không có não.

 
3) ĐẠO ĐỨC ĐỨC HẠNH/ LUÂN LÝ NHÂN ĐỨC
Phương pháp chính thứ ba về đạo đức Công giáo Roma từ Công đồng là “đạo đức đức hạnh.” Không như nghĩa vụ học và chủ nghĩa xét lại, phương pháp này không tập trung vào hành động của con người, nhưng vào việc là một loại người nào đó. Thật vậy, đạo đức đức hạnh phê phán nghĩa vụ học và chủ nghĩa xét lại vì tập trung vào hành động mà lờ đi tầm quan trọng của đặc tính đạo đức. Nó lập luận rằng đạo đức rất giống với việc chúng ta là ai và chúng ta làm gì. Chúng ta là ai mở vào việc chúng ta làm gì và không làm gì, và điều chúng ta làm và không làm định hình loại người mà chúng ta trở nên.
 
Cùng lúc đó, đạo đức đức hạnh tương tự với chủ nghĩa xét lại vì khi nó tìm cách đánh giá đặc tính đạo đức xét về mục đích thì nó hỏi, “Mục đích của tôi là gì?” Quan điểm coi mục đích tối hậu hay mục đích của sự sống con người là hợp với Thiên chúa, nó cố xác định những đức hạnh nào cần được nuôi dưỡng, cả đối với ác nhân và cộng đồng, để đạt mục đích tối hậu này. “Những đức hạnh” ám chỉ những thói quen hay những loại tập tục làm tốt và sống tốt trái với “những thói tật” hay những thói quen làm xấu và sống tồi. Theo truyền thống, các đức hạnh là “hướng thần,” giống như đức tin, đức cậy, và đức có nghĩa, cũng như “đạo đức,” giống như sự khôn ngoan, công bằng, chừng mực, và ngoan cường.
 
Người đại diện chính của phương pháp “đạo đức đức hạnh hay luân lý nhân đức” trong Công giáo Roma hiện nay là James Keenan. Keenan lập luận rằng sự tập trung của đạo đức không nên ở hành vi, nhưng ở việc chúng ta là ai, chúng ta phải trở thành ai, và cách chúng ta sẽ đạt được. Những nhiệm vụ đặc biệt của đạo đức đức hạnh là giúp chúng ta hiểu chính mình là người như thế nào, để đặt ra những mục tiêu cho loại người mà chúng ta phải trở thành, và để đề ra những bước ý nghĩa nào mà chúng ta phải theo để đạt những mục đích này. Nói cách khác, đối với Keenan, đức hạnh thống tin cho chúng ta cả về việc chúng ta là ai và ch1ung ta phải làm gì. Và cũng như chủ nghĩa xét lại, Keenan xem các mối tương quan của con người là bối cảnh mà ở đó đời sống đạo đức được thực hành và được đánh giá.
 
Những gợi ý về sự diễn giải này khi đánh giá tính đạo đức của việc phá thai là gì?
 
Còn hơn việc xem xét vấn đề là liệu phá thai có hợp đạo lý không, Keenan phê phán các mặt văn hóa Mỹ đã đưa chúng ta tới chỗ có một chính sách phá thai tự do nhất trong thế giới phát triển. Còn hơn việc đưa quyền của phụ nữ đọ với quyền của bào thai, và để phụ nữ tự quyết. Keenan biện minh rằng chúng ta tái khám phá sự quan tâm đó6i với điều thiện chung, tự lý giải lý do vì sao quá nhiều trường hợp mang thai ngoài ý muốn trong xã hội của chúng ta, và hỏi cách chúng ta là mình như thế nào và làm sao chúng ta có thể trở nên tốt hơn. Lúc này, xem ra chúng ta bất lực giống như xã hội trong việc làm cho chúng ta thành loại người mà chúng ta sẽ hoặc có khi muốn trở nên trong các mối tương quan của chúng ta với sau này.
 
Trong bài này, tôi đã phác họa ba cách tiếp cận chính về đạo đức là điển hình cho tư duy của các nhà thần học luân lý của Công giáo Roma. Các hệ thống đạo đức của nghĩa vụ học, của chủ nghĩa xét lại là được quan tâm nhất trong việc đánh giá những hành động đạo đức của con người. Các nhà theo nghĩa vụ học lập luận rằng chỉ những chống đối gián tiếp lên sự thiện cơ bản của con người mới có thể biện minh được, còn những người theo chủ nghĩa xét lại khẳng định rằng có khi cả những chống đối trực tiếp cũng có thể được phép nếu có lý do thích đáng. Thế nhưng, đạo đức đức hạnh quan tâm hơn đặc điểm đạo đức của con người, mời gọi chúng ta tập trung vào những thói quen tốt mà chúng ta cần nuôi dưỡng nếu quả là chúng ta muốn sống một đời đạo hạnh.
 
Theo thiển ý của tôi thì dường như tương lai thần học luân lý Công giáo Roma nằm ở sự đối thoại giữa ba cách tiếp cận hiện nay này, mỗi cách có nền tảng tư duy riêng theo thánh Thomas. Nghĩa vụ học và chủ nghĩa xét lại có sự hướng dẫn đạo đức nào đó để trình ra những gì liên quan với song đề đạo đức của “cuộc sống-hào hiệp” trước vấn đề phá thai. Trong khi đó đạo đức đức hạnh trình ra sự lưu tâm cần thiết cho vấn đề bình thường như trước việc làm thế nào cải thiện các mối quan hệ của một người, thực hiện công việc của mình tốt hơn, chăm sóc hơn đến sức khỏe, và ý thức hơn làng giềng, tất cả là nhằm giúp con người trở thành những người tốt hơn bao nhiêu có thể.


Brian Berry là trợ giảng về những Nghiên cứu Tôn giáo ở đại học Notre Dame of Maryland. Ông nhận bằng Tiến sĩ Triết ở đại học Boston năm 1995.
 
Chuyển ngữ do Linh mục Trần Mạnh Hùng, STD
L.J. Bioethics Centre
39 Jugan Street,
Glendalough, WA 6016
Email:
phtran-ljgbc@iinet.net.au
 
TIÊU
 
Hỏi
Dạo này tôi và các con ăn đồ ăn thấy hơi lạ lạ, hỏi ra thì biết mới đây bà xã tôi đọc trên báo thấy khuyên đừng cho tiêu vào ướp trước khi chiên xào, kho nấu vì dễ bị... ung thư.
 
Khi biết chuyện tôi mới bảo bà ấy là ông bố tôi, sống đến 94 tuổi là người ghiền tiêu một cây. Ông ấy ăn tiêu đủ kiểu đủ dạng, món kho, món chiên thì khỏi nói, cứ gọi là ngập những tiêu. Khách đến ai cũng kêu trời vì cay xé họng. Do vậy mà phải nấu riêng cho ổng, nồi khác cho khách. Không chỉ tiêu khô, ông còn một hũ sành tiêu xanh ngâm chua, ăn từ năm này qua tháng khác mà sức khoẻ ông không ai bì, kể cả thanh niên trai tráng. Các con tôi, một đứa học dược cũng phản đối, nói mẹ cứ ăn tiêu như bình thường.
 
Mấy ông nghiên cứu nhiều khi tìm không ra cứ bảo thế này thế nọ, lâu lâu phải “khai” một sáng kiến rồi ít sau lại phủ nhận. Cứ theo mấy ổng thì chỉ có hết thở mới hết bệnh. Mới đây, người ta khám phá ra người cổ đại còn bị ung thư, lúc đó đào đâu ra hoá chất hay tiêu xay mà bệnh. Có mấy hột tiêu mà bữa ăn nào nhà tôi cũng mất nửa tiếng tranh luận.
 
Xin bác sĩ ra tay cứu giúp. Chân thành cảm ơn. Chúc bác sĩ luôn dồi dào sức khoẻ, tráng kiện để phục vụ cộng đồng.
- Hồ Đắc Trạch (Rowlett, TX)
 
Đáp
Thưa ông,
Tôi rất cảm ơn ông vì trong thư ông gửi, có nhiều điều mà tôi muốn thưa với độc giả mà chưa có cơ hội. Phần cuối lá thư ông viết rằng có nhiều ông nghiên cứu lâu lâu lại phóng ra một kết quả nghiên cứu nói điều này tốt điều kia xấu để rồi vài ngày sau lại có nghiên cứu nói ngược lại. Thành ra dân chúng chẳng biết đâu mà mò, tin ai bây giờ. Cho nên trước các tin tức đó ta cần thận trọng tìm hiểu thêm cho ra lẽ, trước khi muốn mang ra áp dụng cho mình.
 
Về hạt tiêu thì đây là một gia vị thực phẩm được ưa chuộng từ thuở xa xưa. Vì là gia vị, cho nên hạt tiêu chỉ được dùng ở mức độ vừa phải, để tăng hương vị cho món ăn, khiến cho món ăn thơm ngon hơn. Một nồi cá kho tộ, một đĩa tiết canh vịt, khoanh giò thủ mà không có chút tiêu thì chắc chắn là sẽ mất ngon khi ăn. Ấy là chưa kể trong tiêu còn có nhiều khoáng chất mà cơ thể cần như calcium, kali, sodium, sắt.
 
Ăn cay nhiều hay ít là tùy theo khẩu vị của từng người. Ăn quá nhiều thì chất cay cũng kích thích dạ dày, gây ra khó chịu, chứ gây ra ung thư thì tôi chưa được biết. Ngoài ra, tiêu cũng được dùng trong đông y vì tác dụng tiêu hóa thức ăn, giảm đau nhức xương khớp, trị nôn mửa tiêu chảy, hạ nhiệt...
 
Trường hợp cụ nhà thọ lâu thì  chúng tôi nghĩ là do cụ được hưởng các gen di truyền tốt từ ông cha, cũng như nhờ cụ giữ gìn sức khỏe, ăn uống điều độ và tâm thân an lạc. Chứ chắc không phải là do ăn nhiều tiêu đâu. Có khi ông cũng được hưởng gen sống lâu đó.
Xin chúc mừng ông.
 
 

Nước tiểu
 
Hỏi
Tôi tên là Trần Phong Nam, 28 tuổi, đã lập gia đình được 3 năm, có 1 con trai được gần 2 tuổi.
 
Tôi xin kể tình trạng sức khoẻ của tôi, rất mong được bác sĩ giải đáp:
 
- Gần đây, thỉnh thoảng đi tiểu tôi thấy phần đầu nước tiểu ra có màu trắng đục tôi rất lo, trước đây tôi cho là thận của tôi cũng không được tốt, tôi có chú ý giữ gìn, không nhịn tiểu, uống nhiều nước, nhưng nước tiểu của tôi bình thường cũng vẫn có màu vàng, hơi đục 1 chút.
 
- Sức khoẻ sinh hoạt tình dục nói chung là bình thường, không có gì phải phàn nàn cả, bác sĩ ạ, cũng không có chuyện sinh hoạt bừa bãi bên ngoài.
 
- Tình hình sức khoẻ nói chung cũng không được tốt lắm, hay mệt mỏi, nhất là mỏi lưng và dọc phần ngoài hai bên chân, mùa đông, chân tay rất lạnh, tôi phải giữ đi tất suốt mùa đông. Tôi ăn, ngủ bình thường, tương đối tốt, sinh hoạt điều độ.
 
- Rất mong được bác sĩ giải đáp, và cho đơn thuốc, (được đơn thuốc đông y thì tốt ạ).
- Xin chân thành cám ơn bác sĩ.
 
Đáp
Thân gửi em Trần Phong Nam,
Tôi xin góp ý với em:
 
1- Nước tiểu do thận bài tiết chứa rất nhiều chất phế thải của cơ thể như urea, creatinine, uric acid và nhiều loại muối khoáng khác. Bình thường thì nước tiểu trong nhưng một vài thực phẩm hóa chất có thể làm vẩn đục một chút. Của em mầu vàng hơi đục mà em không có dấu hiệu đau buốt khi tiểu thì tôi nghĩ không sao đâu. Nếu muốn chắc chắn, đề nghị em đi thử nước tiểu để coi có nhiễm trùng hoặc nhiều muối khoáng như calcium, uric acid... Trong khi chờ đợi, tiếp tục uống nhiều nước lạnh.
 
2-Hay mệt mỏi nhất là mỏi lưng: Em làm việc văn phòng có nhiều không? Ngồi có ngay ngắn không? Đôi khi stress cũng làm mình mệt mỏi đấy. Đề nghị em dinh dưỡng đầy đủ, uống thêm multivitamin mỗi ngày, tập thể thao đều đặn để có sức khỏe tốt.
 
3-Mùa đông chân tay lạnh mà không bị cóng bầm thì cũng không sao; chân tay mặt mũi là nơi tiếp xúc nhiều với lạnh nên cần được che chở, như em đã làm.
 
 

Vitamin
 
Hỏi
Năm nay tôi 62 tuổi, sức khỏe có thể nói là khá tốt và tôi hy vọng tiếp tục sống khỏe như vậy hoài hoài. Liệu tôi có cần uống thêm vitamin để sống lâu hơn không?
Cảm ơn bác sĩ.
- Vinh Nguyễn
 
Đáp
Rất mừng được ông cho biết là có sức khỏe tốt, mặc dù bây giờ đang ở tuổi gần già. Nói là gần già vì theo các nhà chuyên môn, đây mới chỉ là chớm già mà thôi vì ngày nay chuyện “bách niên giai lão” cũng là chuyện dễ dàng xảy ra.
 
Việc dùng thêm sinh tố là một đề tài được nhiều nhà chuyên môn y học cũng như dân chúng quan tâm tới, vì có nhiều ý kiến khác nhau về việc dùng thêm này.
 
Trước hết xin nhớ lại vai trò của vitamin.
 
Vitamin là những chất hữu cơ cần thiết cho các chức năng, sự tăng trưởng và phát triển của tế bào. Mặc dù cần thiết nhưng nhu cầu chỉ là với một số lượng rất nhỏ. Vitamin không cung cấp năng lượng cũng không là thành phần cấu tạo của cơ thể như chất đạm, chất béo. Hầu hết vitamin có tự nhiên trong thực phẩm, phần còn lại rất ít là do cơ thể sản xuất.
 
Nếu ta áp dụng một chế độ dinh dưỡng gồm nhiều loại thực phẩm khác nhau thì cũng có đủ số vitamin cần thiết mà không phải dùng thêm các vitamin được chế biến. Chỉ dùng thêm trong một số trường hợp như phụ nữ có thai, người ăn chay và một số người cao tuổi mà sự ăn uống không đầy đủ.
 
Vitamin cần thiết nhưng nếu dùng quá nhiều lại có hại, nhất là các vitamin tan trong dầu mỡ như vit A, D, E và K. Chúng sẽ tích tụ trong cơ thể và gây ra tác dụng có hại. Chẳng hạn vit A giúp nhìn sự vật rõ ràng, nhưng khi dùng quá nhiều lại làm cho thị lực mờ, da khô, ăn mất ngon thậm chí cả suy gan…
 
Trở lại câu hỏi của ông là muốn dùng thêm vitamin để sống lâu hơn thì tôi có ý kiến như sau. Hiện nay ông đang khỏe mạnh chắc là nhờ dinh dưỡng đầy đủ và đời sống năng động với vận động cơ thể đều đặn, tinh thần thư giãn thoải mái, ngủ nghỉ tốt thì chắc là cũng thỏa mãn rồi. Nếu muốn ông có thể dùng thêm một loại multivitamin nào đó. Bất cứ loại nào, rẻ tiền cũng được chứ không cần loại quá đắt tiền. Quá đắt là do họ trình bày đẹp mắt, tốn tiền quảng cáo chứ chất liệu chính cũng giống nhau. Chúng tôi xin nhắc lại  là các vitamin chế biến bán trên thị trường không có những giá trị giống như vitamin thiên nhiên trong thực phẩm. Uống một viên vitamin C không tốt bằng ăn một quả cam, một ly nước chanh.
 
Chúc ông tiếp tục sống vui mạnh với gia đình và xã hội.
 
 
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

www.bsnguyenyduc.com

Tuyển tập Videos Sống Vui Sống Khoẻ
Vài hàng giới thiệu :
Xin trân trọng giới thiệu tuyển tập Videos "Sống Vui Sống Khoẻ" của BS Nguyễn Ý Đức. Tuyển tập này là những bài nói chuyện hữu ích về y tế, dinh dưỡng và sức khoẻ của BS Nguyễn Ý Đức trên các đài truyền hình được đưa lên Internet. Cùng với bộ sách "Câu Chuyện Thầy Lang" và những ấn phẩm đã được xuất bản, những bài viết trên Internet, tuyển tập Videos "Sống Vui Sống Khoẻ" này sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích, đóng góp vào việc cải thiện vấn đề sức khỏe cho cộng đồng người Việt Nam khắp nơi.
 
- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ
giaosivietnam@gmail.com
 
- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:
 
Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)
 
- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại
 

www.conggiaovietnam.net
 
Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị
 
Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.
 
TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam
Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA
 

[1] CĐ TRENTÔ, khóa XXIV, 11.11.1563, Sắc lệnh De Reformatione, ch. 1: Concilium Tridentinum, xb. Soc. Goerresianae, IX. Actorum phần VI, Friburgi Brisgoviae 1924, tr. 969; x. Rituale romanum, tiết VIII, ch. II, số 6.
[2] Ga 19, 26-27.
[3] John Paul II, Thư gửi các linh mục Thứ Năm Tuần Thánh 1988, số 6.
[4] Trích Bài đọc 2 Kinh Sách lễ thánh Maximilianô Maria Kolbê ngày 14/8.
[5] ĐTC Phanxicô đã nói như vậy trong Thánh Lễ ngày 24/7/2013 tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm tức là Đền thờ Quốc Gia Aparecida – Ba Tây, dịp đến chủ tọa Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 28.
[6] ĐTC Biển Đức XVI nói trong cuộc hành hương Đền thánh Đức Mẹ Lorettô ngày 4/10/2012,nguồn: vietvatican.net.
[7] x. Paul VI, Marialis Cultus: The Angelus and the Rosarry.
Sưu tầm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn