1
13:15 +07 Thứ bảy, 27/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 205

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 202


Hôm nayHôm nay : 13497

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 317619

Tổng cộngTổng cộng : 27871903

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » AVE MARIA » HỘI MÂN CÔI

Gắp lửa bỏ tay người, cù bất cù bơ và chắp bút hay chấp bút...

Chủ nhật - 23/04/2023 10:15-Đã xem: 223
Nói về việc bị vu oan giá hoạ, thành ngữ Việt Nam có câu “Gắp lửa bỏ tay người” (dị bản Gắp lửa bỏ bàn tay; Bỏ lửa tay người; Gắp than bỏ tay người…).
Gắp lửa bỏ tay người

Gắp lửa bỏ tay người

Cũng ám chỉ chuyện vu oan giá hoạ, thành ngữ Hán có câu gần nghĩa “Di thi giá hoạ” 移屍嫁禍 (Đem xác chết để vu vạ cho người). Khác với “Gắp lửa bỏ tay người”, “Di thi giá hoạ” còn được xem như một mưu kế hãm hại đối phương. Võ Mị Nương (tức Võ Tắc Thiên) từng áp dụng mưu kế độc ác này khi tự tay bóp chết đứa con đẻ của mình để vu oan cho Hoàng hậu.

Đồng nghĩa với “Gắp lửa bỏ tay người” còn có “Ngậm máu phun người” (gốc Hán “Hàm huyết phún nhân” - 含血喷人), chỉ việc đặt điều, vu khống, gieo tai vạ cho người khác một cách đê tiện, độc ác, bất chấp đạo lý. Cái độc ác hơn nữa là chính kẻ ngậm máu kia đã giết người, nhưng lại vấy máu lên người khác để vu oan giá hoạ, phủi sạch tội lỗi.

 Vu oan, giá hoạ cho người khác là tội trời không dung đất không tha. Và dân gian cho rằng, chưa cần đợi đến lúc trắng đen rõ ràng, thì bản thân kẻ vu vạ kia đã tức khắc tự nhuốm sự bẩn thỉu độc ác rồi. Bởi vậy câu “Hàm huyết phún nhân” 含血喷人 còn có một dị bản: “Hàm huyết phún nhân, tiên ô kỳ khẩu” 含血喷人, 先污其口, có nghĩa: kẻ ngậm máu phun người thì trước tiên chính mồm kẻ ấy đã bị ô uế, vấy máu vậy!

Trở lại với câu thành ngữ Việt “Gắp lửa bỏ bàn tay”, sách “Thành ngữ bằng tranh” (Biên soạn: Nguyễn Thị Hường Lý, tranh: Nguyễn Quang Toàn-NXB Kim Đồng-2020) giải thích nghĩa đen như sau:

“Các bà đồng cốt có tiết mục gắp cục than hồng bỏ lên bàn tay mình rồi tung tẩy hát múa nhập hồn. Nhưng lại có những bà đồng giả, bà đồng non gắp lửa không dám bỏ bàn tay mình mà lại bỏ bàn tay người khác. Thế mới có câu thành ngữ: Gắp lửa bỏ bàn tay. Ý nói: Vu khống, bịa đặt một cách độc ác để hãm hại người khác”.

Dễ dàng nhận thấy cách giảng nghĩa đen của Nguyễn Thị Hường Lý theo lối suy diễn, một kiểu gắp lửa bỏ tay … bà đồng!

Vì sao?

Xét lời giảng, nếu “bà đồng giả, bà đồng non gắp lửa không dám bỏ bàn tay mình mà lại bỏ bàn tay người khác”, thì làm sao các bà đánh lừa được mọi người về khả năng chế ngự lửa nóng của mình? Không lẽ trên đời này có chuyện đưa kiếm nhờ người khác múa mà vẫn chứng tỏ được tài nghệ của mình?

Thực ra nghĩa đen của câu thành ngữ được hiểu đơn giản hơn nhiều.

Lẽ thường trên đời này người ta có thể cầm nắm muôn vàn thứ vật dụng hay đồ ăn thức uống trong tay, nhưng không ai cầm và có thể cầm nắm được lửa than cháy bỏng, và cũng không ai trực tiếp cầm nắm lửa than trong tay làm gì. Ấy vậy mà có kẻ đang tâm “gắp lửa”, “gắp than” bỏ vào tay người, biến không thành có, bất chấp luân thường đạo lý!

Dân gian không dùng từ “cầm lửa” hay “cầm than”, mà là “gắp lửa”, “gắp than”. Có nghĩa chính kẻ vu oan kia cũng không thể tay không mà chịu được than nóng lửa bỏng trong tay, mà phải dùng que để “gắp” mới có thể làm được cái việc tày trời là không dưng bỏ than, bỏ lửa vào tay người khác.

Câu hỏi đặt ra là tại sao lại là “gắp than”, “gắp lửa”, chứ không phải một thứ bẩn thỉu hay gai góc nào khác? Là vì than nóng, lửa bỏng như vậy mà bỗng dưng “gắp” bỏ vào tay người khác, làm như người ta vốn đang cầm nắm nó trong tay thì còn gì ngang ngược, đang tâm, độc ác cho bằng! Và còn gì phẫn uất hơn khi bỗng dưng phải chịu nỗi oan khiên đau đớn đến cháy da cháy thịt này?

Ngẫm ra mới thấy sự thâm thuý, tài tình của dân gian khi đặt nên thành ngữ “gắp lửa bỏ tay người”!

Sưu tầm.



CÙ BẤT CÙ BƠ NGHĨA LÀ GÌ ?
- Bà Hồ Xuân Hương có câu thơ: “Bác mẹ sinh ta phận ốc nhồi/ Đêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi”. Lăn lóc là từ đôi cùng có nghĩa, nhằm chỉ sự vật nào đó lăn đi lăn lại, nhảy lên, trườn tới qua nhiều vị trí…
Vậy cắc cớ hỏi thêm, cơn cớ tại làm sao “cù” lại chen ngang, “chia uyên rẽ thúy” giữa lăn lóc để trở thành “cù lăn cù lóc”? Sở dĩ như thế là vì chính cù mới phản ánh rõ nét nhất của hành động lăn và lóc, bởi trước hết ít ra vật ấy phải tròn. Nói cách khác, cù là do từ Hán – Việt “cầu” mà ra, nhằm chỉ vật hình tròn.

Trong vốn từ của người miền Nam có hòn cù/ trái cù. Nó được sử dụng trong trò chơi như đánh cù, cù khăng, thể hiện qua cách nói “lăn như trái cù”. Trái cù ấy, theo “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895): “Trái tròn để mà đánh trổng”. Cách giải thích này khó hiểu bởi từ trổng/ đánh trổng. Thì đây, tự vị này cho biết: “Đánh trổng: Cuộc chơi trái cù, hai người cầm lấy hai đoạn cây đánh trái cù qua lại mà giành đàng đất; người sức mạnh hoặc biết thế đánh trái cù đi xa thì lấn đàng đất nhiều”.

Vậy, khi từ “bù” chen ngang vào để trở thành “bù lăn bù lóc” thì “bù” có nghĩa là gì? Thật ngạc nhiên một cách thú vị, bù trong ngữ cảnh này cũng chính là cù/ cù lăn cù lóc. Mà, cũng độc đáo không kém như khi nói cầu bơ cầu bất/ cầu bất cầu bơ thì cũng chính là cù bơ cù bất/ cù bất cù bơ. Chẳng hạn, nhà thơ Tố Hữu viết:

“Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ…”.

Nói như nhân vật của nhà văn Vũ Trọng Phụng tự kể: “Tôi sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu. Khi hãy còn ở cái tuổi mà những đứa trẻ khác được bố mẹ chiều chuộng, nâng niu, ẵm bế, riêng tôi là một đứa bé một mình phải chịu nhiều nỗi gian nan” – có thể đó là hoàn cảnh lang thang vất vưởng, không chốn nương thân, bị bỏ bê, không ai ngó ngàng tới…

Tất nhiên, cù còn có nhiều nghĩa khác.

“Oánh ông Tơ cái trót
Ổng nhảy thót ngọn bần
Biểu ông xe mối chỉ, ổng cù lần không se”.

Vậy, cù/ cù lần ở đây có phải như ta hiểu theo cách giải thích của “Từ điển tiếng Việt thông dụng” (Vietlex): “Ngù ngờ, chậm chạp (hàm ý chê hoặc hài hước): Người đâu mà cù lần thế không biết”? Không đâu. Cù lần trong ngữ cảnh này chính là cách nói tắt của cù lần cù cứa – chỉ hành động chần chừ, lần khân, dây dưa, lần lữa. Tùy ngữ cảnh cũng có thể hiểu như cù lơ cù trợt, cù nhầy/ cù nhằng/ cù nhây/ cù nhựa…

Không chỉ có thế, còn có thể kể thêm từ khác nữa, nay chỉ có thể tìm thấy trong “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895): “Cù xây: Hay làm lầy; bộ dai hoi. Nợ đòi mặt nợ, nó cù xây”. Trường hợp này, với tính cách cù nhằng, với bộ mặt trơ ra đó, người miền Nam xưa gọi là “cù chì cù mài”.

Nguồn: Báo Người Lao Động


CHẮP BÚT HAY CHẤP BÚT
“Chấp bút” 執筆 là một từ Việt gốc Hán, trong đó “chấp” 執 có nghĩa là cầm, nắm. Ví dụ: chấp chính 執政 (nắm giữ chính quyền); chấp chưởng 執掌 (nắm giữ và quản lý); chấp sự 執事 (người nắm giữ một phần việc trong cách cuộc tế lễ).

“Ai chắp bút cho bài phát biểu gây chú ý của Tổng thống Trump tại APEC?” (báo Dân Trí – 2017); “Người chắp bút dự thảo Hiến pháp đầu tiên.” (báo Pháp Luật Việt Nam – 2018); “…Nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Trần Trọng Trung, người từng có thời gian tham gia chắp bút cho Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp…” (dienbien.gov.vn)...
“Người chấp bút hồi ký Thương Tín…” (Dân Việt – 2016); “Cộng đồng mạng xôn xao vì người chấp bút vắng mặt trong buổi ra mắt sách của Hà Chương.” (báo Viettimes - 2020); “Không phải tác giả nào cũng xem chấp bút cho tự truyện là nghề.” (báo Phunuonline - 2018).

Một số tiêu đề và nội dung trích dẫn trên đây cho chúng ta thấy “chắp bút” và “chấp bút” được dùng như nhau. Vậy đây là hai từ đồng nghĩa hay một từ với hai cách viết chính tả đều được chấp nhận?

Thực ra chỉ có từ “chấp bút” chứ không có “chắp bút”.

“Chấp bút” 執筆 là một từ Việt gốc Hán, trong đó “chấp” 執 có nghĩa là cầm, nắm. Ví dụ: chấp chính 執政 (nắm giữ chính quyền); chấp chưởng 執掌 (nắm giữ và quản lý); chấp sự 執事 (người nắm giữ một phần việc trong cách cuộc tế lễ).

Tra cứu hàng chục cuốn từ điển tiếng Việt, không có cuốn nào ghi nhận “chắp bút”. Với “chấp bút”, một số cuốn biên soạn và xuất bản ở miền Bắc (chủ yếu sau 1975) có thu thập và giải nghĩa. Tuy nhiên cách giải nghĩa còn phiến diện:

- “Từ điển tiếng Việt” (Viện Ngôn ngữ học) giảng: “chấp bút: Viết thành văn theo ý kiến đã thống nhất của tập thể tác giả. Giao cho một người chấp bút”.

-“Từ điển tiếng Việt” (Trung tâm từ điển học Vietlex – Hoàng Phê chủ biên) giảng: “chấp bút: khởi thảo văn bản theo ý kiến đã thống nhất của một tập thể. cuốn sách do một giáo sư nổi tiếng chấp bút ~ “Canh tư chấp bút thề nguyền, Khứ lai minh bạch cho tuyền thuỷ chung.” (Cdao).

-“Từ điển tiếng Việt” (Văn Tân chủ biên): “chấp bút: Viết thành văn bản sau khi đã thu lượm ý kiến nhiều người”.

Sở dĩ chúng tôi nói cách giảng của các nhà biên soạn từ điển tiếng Việt phiến diện, bởi nghĩa “khởi thảo văn bản theo ý kiến đã thống nhất của một tập thể” chỉ áp dụng trong các ngữ cảnh như: chấp bút cho dự thảo Hiến pháp; chấp bút cho Văn kiện đại hội…

Trong khi ở các ngữ cảnh khác như “Người chấp bút hồi ký Thương Tín…”, “Không phải tác giả nào cũng xem chấp bút cho tự truyện là nghề.”…thì “chấp bút” ở đây có nghĩa là ghi chép lại lời kể của nhân vật trong hồi ký. Sự ghi chép này phụ thuộc vào cá nhân người kể chuyện, chứ không liên quan gì đến “ý kiến đã thống nhất của tập thể tác giả” nào khác.

Ngay như trong câu ca dao “Canh tư chấp bút thề nguyền, Khứ lai minh bạch cho tuyền thuỷ chung” mà Vietlex trích dẫn thì chấp bút ở đây lại có nghĩa viết, sáng tác (thư, thơ, văn…) chứ không phải là tổng hợp ý kiến của một tập thể hay ghi chép lại lời kể của một cá nhân.

Trong tiếng Việt, “chấp” và “chắp” với nghĩa áp lại, nối lại với nhau là hai hai cách cách viết có khi được dùng như nhau, như: chấp tay/chắp tay; chấp vá/chắp vá; chấp nối/chắp nối. Tuy nhiên, chấp 執 với tư cách là yếu tố Hán Việt, nghĩa là cầm, nắm giữ, thì chỉ có duy nhất cách viết đúng là chấp.

Sở dĩ có sự nhầm lẫn “chấp bút” thành “chắp bút” vì trong tiếng Việt, “chấp” với nghĩa cầm, nắm giữ, không độc lập trong hành chức. Từ chỗ không hiểu nghĩa của “chấp”, người ta suy diễn “chắp bút” tức là chỉ công việc sửa chữa, thêm bớt, chắp nối để tạo thành một văn bản hoàn chỉnh. Cách phán đoán này tương tự như với trường hợp “sáp” 插 trong “sáp nhập” 插入 (nhập vào với nhau làm một). Vì không hiểu nghĩa của “sáp” 插 (nhập vào) nên người ta viết thành “sát nhập”.

Như vậy, cách viết đúng là “chấp bút”, chứ không phải “chắp bút”.

 “Chấp bút” 執筆 có nghĩa gốc là “cầm bút”. Nghĩa rộng là:

1.   Ghi chép hoặc viết văn, sáng tác.

2.   Khởi thảo văn bản hoặc viết thành văn bản theo sự thống nhất nội dung của tập thể.

3. Thuật ngữ thư pháp, chỉ cách cầm bút khi viết chữ bằng bút lông.[*]

Trong 3 nghĩa trên thì nghĩa 1 và nghĩa 2 khá thông dụng trong tiếng Việt. Nghĩa 3 chỉ giới hạn trong bộ môn thư pháp với những người học, viết chữ Hán bằng bút lông.

Sưu tầm.

Chú thích:
[*]-Trích Hán ngữ đại từ điển và Hán điển. Thực tế cho thấy nghĩa của "chấp bút" trong tiếng Hán đều tương đồng với tiếng Việt
 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn