1
10:08 +07 Thứ hai, 29/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 328

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 327


Hôm nayHôm nay : 34685

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 424772

Tổng cộngTổng cộng : 27979056

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » GIÁO LUẬT & THẦN HỌC

Tông đồ giáo dân: phương diện giáo luật và mục vụ

Thứ tư - 08/01/2014 21:25-Đã xem: 1504
Giáo luật điều 225§1 nói rõ người giáo dân có thể tham gia hoạt động tông đồ với tư cách cá nhân hay tập thể. Tuy nhiên hoạt động tông đồ có tổ chức chặt chẽ sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn. Cách thế hoạt động tập thể thông qua một tổ chức, hội đoàn cần được phát động và khích lệ nhiều hơn
Tông đồ giáo dân: phương diện giáo luật và mục vụ

Tông đồ giáo dân: phương diện giáo luật và mục vụ

TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN
PHƯƠNG DIỆN GIÁO LUẬT VÀ MỤC VỤ

 
DẪN NHẬP

Sắc lệnh Tông đồ giáo dân Apostolicam Actuositatem của công đồng Vaticanô II đã xác định vai trò quan trọng của tông đồ giáo dân trong Hội Thánh, đưa ra những hình thức tông đồ thích hợp với hoàn cảnh, đồng thời nhấn mạnh đến nhu cầu và cách thức đào tạo giáo dân thích hợp cho các hoạt động tồng đồ. Kể từ công đồng Vaticanô II, vai trò của người giáo dân trong Giáo Hội ngày càng được đề cao nhiều hơn.

Sự tham gia và cộng tác của người giáo dân vào hoạt động tông đồ trong Giáo Hội có một nền tảng thần học-pháp lý nhất định. Bộ giáo luật đã dành riêng nhiều khoản luật liên quan đến người giáo dân. Trong nhiều điều bàn về bổn phận và quyền lợi của người tín hữu nói chung và người giáo dân nói riêng
[1], liên quan đến tông đồ giáo dân, giáo luật điều 225§1 nói rõ «Vì các giáo dân cũng như mọi Kitô hữu đều được Thiên Chúa uỷ nhiệm sứ vụ tông đồ qua phép rửa tội và phép thêm sức, cho nên họ có những nghĩa vụ chung và với tính cách cá nhân hay tập hợp thành những hiệp hội, họ có quyền làm cho sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa được mọi người khắp thế giới nhận biết và đón nhận; nghĩa vụ này càng thúc bách hơn trong những hoàn cảnh mà chỉ nhờ họ, người ta mới có thể nghe Phúc Âm và nhận biết Đức Kitô». Khoản luật nầy gần như lập lại những điều đã nói tại các điều 208, 210 và 211[2].

Đối với giáo phận chúng ta, từ trước đến nay vẫn thường chú trọng đến hoạt động tông đồ giáo dân, đặt biệt qua các tổ chức công giáo tiến hành, các hội đoàn. Những năm gần đây giáo phận trên đường Tân Phúc Âm hóa và trong lộ trình chuẩn bị mừng kỷ niệm 400 năm lần đầu tiên Tin Mừng đến Nước Mặn, các Đấng Bản quyền lại càng quan tâm hơn đến hoạt động tông đồ giáo dân, cụ thể là việc tổ chức và sinh hoạt các hội đoàn.

Trong bài nầy, chúng ta không đào sâu về nền tảng thần học của tông đồ giáo dân, nhưng sẽ xét phương diện pháp lý và mục vụ theo vài khía cạnh: tông đồ giáo dân vừa là nghĩa vụ vừa là quyền của người giáo dân với những ý nghĩa sâu sắc; hoạt động tông đồ giáo dân bằng phương cách tập thể: hội đoàn, quá khứ và hiện tại đều cho thấy các hội đoàn có vị trí đặc biệt trong đời sống Giáo Hội, cũng như vai trò quan trọng của những người hữu trách, đặc biệt là hàng giáo phẩm, cha sở đối với hội đoàn. Trong hoàn cảnh hiện nay, chúng ta xét xem cần phải làm gì để việc tông đồ giáo dân cách riêng là sinh hoạt hội đoàn trong giáo xứ được thêm sinh động và hiệu quả hơn.

I. QUYỀN và NGHĨA VỤ TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN 

Hệ thống pháp lý của mỗi xã hội đều xác định những bổn phận và quyền lợi của các phần tử của mình. Đó là điều cần thiết trong đời sống chung. Đời sống Giáo Hội cũng có nét tương tự. Thật vậy, Giáo Hội do Đức Kitô được thiết lập và tổ chức trên trần gian này như một xã hội nhằm đem ơn cứu rỗi cho con người
[3]. Giáo Hội là một pháp nhân[4], có thẩm quyền tài phán và cai quản theo hệ thống pháp lý của mình[5]. Nhờ bí tích rửa tội, một người được sáp nhập vào Giáo Hội Chúa Kitô và trở thành một thể nhân trong Giáo Hội, với những nghĩa vụ và quyền lợi riêng[6]. Để hiểu sâu xa hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của người giáo dân trong hoạt động tông đồ, chúng ta sẽ tìm hiểu về ý nghĩa của nó trong đời sống Giáo Hội.

1. Quyền - quyền lợi

Hạn từ “quyền”, “quyền lợi” xuất phát từ gốc tiếng hy lạp và latin: Ius
[7]. Theo nguyên ngữ latin, từ ius, có 3 ý nghĩa căn bản: điều công bằng- công lý, luật pháp và quyền-quyền lợi[8]. Ba nghĩa nói trên của ius liên hệ chặt chẽ nhau. Quyền, quyền lợi của một chủ thể không những đòi hỏi một sự tôn trọng đúng đắn mà còn phải được pháp luật thừa nhận đồng thời phải phân phối các bổn phận và quyền lợi sao cho công bằng[9].

Trong Giáo Hội, như chúng ta biết, «nhờ bí tích rửa tội, con người được sáp nhập vào Giáo Hội Chúa Kitô và trở thành một thể nhân trong Giáo Hội, với những nghĩa vụ và quyền lợi riêng của người Kitô hữu, tuỳ theo hoàn cảnh của họ, trong mức độ họ hiệp thông với Giáo Hội, và miễn là họ không bị ngăn trở bởi một hình phạt đã được tuyên bố cách hợp pháp»
[10]. «Những người kitô hữu tạo thành dân Chúa, và vì lý do này họ được tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Đức Kitô theo cách thế riêng của mình, mỗi người tuỳ theo hoàn cảnh riêng của mình được kêu gọi thi hành sứ mạng Thiên Chúa đã uỷ thác cho Giáo Hội chu toàn trên trần gian»[11].

Quyền lợi trong Giáo Hội có một ý nghĩa đặc biệt. Thật vậy, quyền lợi ở đây không thể nhìn dưới nhãn quan đối kháng hay phân cực như trong tương quan giữa các cá nhân với nhà cầm quyền dân sự xét vì nhà cầm quyền có thể nhiều khi không đếm xỉa đến quyền lợi của cá nhân mà chỉ coi trọng công ích nên tìm cách đặt ra những hạn chế đối với các quyền lợi cá nhân
[12].

Các quyền của người tín hữu không chỉ để bảo vệ hay làm thỏa mãn lợi ích cá nhân nhưng còn để phục vụ lợi ích chung, chẳng hạn như quyền loan báo Tin Mừng, quyền tham gia công giáo tiến hành, quyền tổ chức các hiệp hội, quyền hoạt động tông đồ... Dù có những quyền mang tính cách cá nhân đi nữa thì chúng ta cũng dễ dàng nhận ra mối liên hệ của nó với sứ vụ ad intra và ad extra của Giáo Hội
[13]. Trong Giáo Hội, quyền bính là để phục vụ[14] theo gương Đức Kitô, Đấng «đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc muôn người» (Mc 10,45).

Trong Giáo Hội, «thứ nhất, những quyền lợi của những người đã được rửa tội biểu hiện sự bình đẳng trong phẩm giá và trong hành động nhờ bí tích rửa tội. Mọi tín hữu đều được mời gọi nên thánh và phục vụ sứ mệnh cứu rỗi của Giáo Hội. Thứ hai, những quyền lợi trong Giáo Hội là để nâng cao phẩm giá của người tín hữu và luôn luôn nhằm đến sự thăng tiến ngày càng cao hơn. Những quyền lợi nầy không phải được ban cấp do một quyền bính ngoại tại nào đó nhưng hơn hết xuất phát từ chính tư cách “persona” của họ trong Giáo Hội. Thứ ba, những quyền lợi nầy xác định ý nghĩa tự do Kitô giáo và có hiệu quả như một phương thế chính đáng được phép»
[15].

Khái niệm về quyền, quyền lợi có ý nghĩa đặc biệt dưới ánh sáng mục đích siêu nhiên của Giáo Hội. Thật vậy, «chính công cuộc cứu độ đòi hỏi tín hữu phải lưu tâm phân biệt đâu là quyền lợi và nghĩa vụ của họ với tư cách một phần tử của Giáo Hội, đâu là quyền lợi và nghĩa vụ với tư cách một phần tử trong xã hội loài người. Họ phải cố gắng hòa hợp cả hai loại nghĩa vụ và bổn phận đó với nhau, và hãy nhớ rằng trong mọi lãnh vực trần thế, lương tâm Kitô giáo phải luôn hướng dẫn họ, vì không một hoạt động nào của con người, dù thuộc phạm vi trần thế, có thể vượt khỏi quyền thống trị của Thiên Chúa. Vì thế, trong thời đại chúng ta, hơn bao giờ hết, người tín hữu cũng phải làm sáng tỏ sự phân biệt và hòa hợp các nghĩa vụ và bổn phận này trong phương thức hành động của họ, để sứ mệnh của Giáo Hội có thể đáp ứng những hoàn cảnh đặc biệt của thế giới ngày nay cách trọn vẹn hơn»
[16].

2. Bổn phận - nghĩa vụ

Giữa quyền lợi và bổn phận có mối tương quan chặt chẽ. Mối tương quan nầy logic, nền tảng và không thể tách rời. Mỗi một quyền lợi đều ám chỉ một bổn phận hay nghĩa vụ tương ứng kèm theo và ngược lại. Điều nầy cũng được bộ giáo luật nhấn mạnh trong quyển II, đề mục I và II, trong đó cả hai hạn từ nghĩa vụ và bổn phận được dùng trong tương quan với quyền lợi
[17]. Hạn từ nghĩa vụ và bổn phận có thể được coi gần như đồng nghĩa với nhau, tuy nhiên giữa chúng có sự khác biệt về ý nghĩa, tùy thuộc văn mạch sử dụng khác nhau[18].

a. Bổn phận

Bổn phận có thể hiểu đó là mối ràng buộc giữa con người với nhau, nhờ đó một người có thể yêu cầu người khác điều gì đó như một sự bắt buộc luân lý phải chu toàn vì quyền lợi người khác, trong đó vừa không được cản trở người khác thực hiện quyền của mình vừa phải chu toàn việc người khác yêu cầu
[19].

Từ “bổn phận” được dịch từ tiếng latin officium có nguồn gốc từ tiếng efficiere, có nghĩa là một hoạt động, hành động phải thực hiện vì người khác. Nói chung, hạn từ bổn phận diễn tả một trách nhiệm, một sự cần thiết luân lý phải làm hay không được làm điều gì đó. Như vậy, từ bổn phận để chỉ về một hành vi hay một sự từ khước điều gì đó do luật quy định
[20]. Trong tiếng việt, bổn phận có nghĩa là việc phải lo liệu, phải làm theo đạo lý thông thường[21], tức là sự ràng buộc có tính luân lý hơn là pháp lý.

Nên biết hạn từ officium được dùng trong bộ giáo luật đến 272 lần
[22] và có những nghĩa khác nhau tùy theo văn mạch. Officium có nghĩa thứ nhất là “bổn phận”. Nhiều khoản luật sử dụng hạn từ theo nghĩa nầy dưới dạng như “officium et ius” o “ius et officium”, “officio teneri”.... Ý nghĩa thứ hai và chính yếu của officium nói đến tại điều 145§1, tức là về giáo vụ và ý nghĩa thứ ba của nó là văn phòng, cơ quan quản trị công[23].

b. Nghĩa vụ

Từ “nghĩa vụ”, trong tiếng latin là obligatio, có nghĩa là một sự bắt buộc (ligare) thực hiện một nhiệm vụ nào đó do lời hứa
[24]. Theo các nhà triết học và luân lý, danh từ nghĩa vụ có ý nghĩa rất rộng: đó là những gì chúng ta có thể làm hay không được làm (không lệ thuộc vào ý thích của mình) trong phạm vi nào đó, hay việc phải làm (dù không bị cưỡng bức); đó cũng là những gì mà chúng ta phải làm, hay không được làm vì nó bất hợp pháp hay do xấu hổ; hoặc đó là việc phải làm do sự bắt buộc có tính luân lý hoặc pháp lý[25]. Trong tiếng việt, nghĩa vụ cũng có nghĩa tương tự: nghĩa vụ là việc mà pháp luật hay đạo đức bắt buộc phải làm đối với xã hội, đối với người khác [26].

Ý nghĩa thực sự của hạn từ “nghĩa vụ” ở chỗ nó không chỉ là một trách nhiệm pháp lý đối với người nào đó mà nó còn diễn tả một sự tự do thực sự để thực hiện nhiệm vụ đó. Bởi vậy, nghĩa vụ còn được hiểu là sự tự do chu toàn một việc bắt buộc đối với một người nào đó do luật luân lý hay luật thiết định ấn định. Trong việc thực hiện nầy, cần có sự tôn trọng quyền lợi, tự do của người khác và cả công ích nữa
[27]. Vậy có sự hỗ tương giữa nghĩa vụ và bổn phận và hạn từ nghĩa vụ có ý nghĩa rộng hơn là bổn phận.

Trong bộ giáo luật, từ obligatio được dùng 171 lần
[28] và được hiểu là nghĩa vụ hay bổn phận tùy văn mạch, chẳng hạn như obligationum et iurium, oiuribus obligationibus[29]obligatio teneri[30] ed obligatio adstringi[31]. Cụ thể như trong điều 226§1 sử dụng từ officium (officio tenentur) để chỉ một bổn phận có tính luân lý của người giáo dân sống trong bậc hôn nhân gia đình, thì cũng trong khoản luật đó ở §2, từ obligatio lại được sử dụng để chỉ một nghĩa vụ pháp lý nghiêm nhặt (gravissima obligatione tenentur) của các bậc cha mẹ[32].

3. Nguyên tắc nền tảng của nghĩa vụ và quyền lợi

Như đã nói, việc tông đồ giáo dân vừa là nghĩa vụ vừa là quyền của người giáo dân. Quyền và nghĩa vụ nầy không phải được hiểu như trong xã hội trần thế, nhưng được đặt trên những nguyên tắc nền tảng trong đời sống Giáo Hội.

Nhờ lãnh nhận bí tích rửa tội hữu hiệu mà một người được sáp nhập vào Giáo Hội và từ đó phát sinh nghĩa vụ và quyền lợi của người kitô hữu. Nói cách khác, nghĩa vụ và quyền lợi đó có một nguồn phát sinh đặt biệt và một khung cảnh để thực thi. Nghĩa vụ và quyền lợi nầy được dựa trên năm nguyên tắc: hiệp thông, truyền giáo, công ích, salus animarum và đồng trách nhiệm
[33]. Chúng ta sẽ lần lượt đề cập đến 5 nguyên tắc nầy.

a. Hiệp thông (communio)

Theo giáo luật điều 96, nhờ bí tích rửa tội mà các kitô hữu sáp nhập vào Giáo Hội của Đức Kitô và trở thành một persona trong Giáo Hội với những nghĩa vụ và quyền lợi nhất định. Do đó những ai đã nhận bí tích rửa tội hữu hiệu thì giữa họ có môt sự hiệp thông sâu xa. Tất cả mọi Kitô hữu đều thực sự bình đẳng với nhau về phẩm giá và về hành động, nhờ đó họ cùng cộng tác vào việc xây dựng Thân Mình Đức Kitô, tuỳ theo ơn gọi, điều kiện giáo luật; theo hoàn cảnh và nhiệm vụ riêng của mình
[34]. «Nhờ bí tích rửa tội, tư cách pháp lý của mỗi người tín hữu không bị thay đổi và xóa bỏ. Tuy nhiên khả năng hành động pháp lý tức là tự do thực thi nhiệm vụ với tư cách một thể nhân thì cần phải có sự hiệp thông Giáo Hội»[35]. Đối với người giáo dân, công đồng Vaticanô II dạy rằng «giáo dân được hiểu là tất cả những Kitô hữu không thuộc hàng giáo sĩ và bậc tu trì được Giáo Hội công nhận; nghĩa là những Kitô hữu đã được tháp nhập vào Thân Thể Chúa Kitô nhờ phép Thánh Tẩy, đã trở nên Dân Thiên Chúa, và tham dự vào chức vụ tư tế, tiên tri và vương giả của Chúa Kitô theo cách thức của họ; họ là những người đang thực hiện sứ mệnh của toàn dân Kitô giáo trong Giáo Hội và trên trần gian theo phận vụ riêng của mình»[36]. Như vậy, người giáo dân nhờ hiệp thông nói trên mà có đồng trách nhiệm, cùng với hàng giáo sĩ và tu sĩ, trong sứ vụ của Giáo Hội. Sự hiệp thông được coi như một khung cảnh (context, framework) nền tảng để người tín hữu thực thi quyền và nghĩa vụ của mình trong Giáo Hội[37].

b. Truyền giáo (missio)

«Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo»
[38] và mọi Kitô hữu đều có quyền và bổn phận tham dự vào sứ vụ nầy của Giáo Hội[39]. Giáo Hội đã lãnh nhận từ Đức Kitô, Đấng sáng lập của mình, sứ vụ loan báo tin mừng và thiết lập vương quốc của người cho mọi dân nước. Do đó mọi thành phần của Giáo Hội có đồng trách nhiệm trong sứ vụ nầy và bình đẳng trong phẩm giá và trong hành động[40]. Cả bộ giáo luật latin CIC (Codex Iuris Canonici) và bộ giáo luật của các Giáo Hội Đông Phương CCEO (Codex Canonum Ecclesiarum Orientalium) đã lấy lại đạo lý trên của công đồng và khẳng định đây là nền tảng cho quyền và bổn phận của người tín hữu đối với công cuộc Phúc âm hóa[41].

Trong tông huấn Người Kitô hữu giáo dânChristifideles laici, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã lưu ý sự liên hệ gần gũi giữa sự hiệp thông và sứ vụ truyền giáo. Thật vậy, «sự hiệp thông và việc truyền giáo gắn liền với nhau, xâm nhập và quấn quít nhau và đã trở nên như nguồn mạch, và là hoa trái của việc truyền giáo. Hiệp thông là truyền giáo, và truyền giáo có mục đích thể hiện sự hiệp thông»
[42]. Chúng ta có thể nói rằng, trong Giáo Hội, sự hiệp thông không phải chỉ là để hiệp thông nhưng là vì sứ vụ truyền giáo. Mọi nghĩa vụ và quyền lợi của người kitô hữu được phát sinh từ hai chiều kích nầy của Giáo Hội[43].

Đối với giáo dân, «vì họ tham dự thực sự vào nhiệm vụ tư tế, tiên tri và vương đế của Chúa Kitô, nên họ chu toàn phần việc của mình trong sứ mệnh của toàn dân Thiên Chúa trong Giáo Hội và ở giữa trần gian»
[44]. Cụ thể, những người trong bậc sống hôn nhân và gia đình có sứ mạng tông đồ đặc biệt. Trong gia đình kitô hữu, mọi thành viên phải thực thi Phúc âm hóa và cũng được Phúc âm hóa nhờ đời sống yêu thương và trung thành với Thiên Chúa[45]. Đối với các bậc làm cha mẹ, «qua bí tích hôn phối, sứ mạng giáo dục được nâng lên thành phẩm giá và ơn gọi của một “thừa tác vụ” đích thực trong Giáo Hội để phục vụ việc xây dựng các chi thể của Giáo Hội. Thừa tác vụ giáo dục của các cha mẹ Kitô hữu thật lớn lao và thật đẹp»[46].

c. Công ích

Nguyên tắc thứ ba là về công ích. Giáo luật điều 223 lưu ý rằng «khi hành sử các quyền của mình, với tính cách cá nhân hay tập hợp thành những hiệp hội, các Kitô hữu phải xét đến lợi ích chung của Giáo Hội cũng như quyền lợi của người khác, và những bổn phận của họ đối với tha nhân». Công ích, quyền lợi của người khác và những bổn phận đối với tha nhân tạo nên những giới hạn khi thực thi quyền của cá nhân trong cộng đoàn Giáo Hội.

Công ích về căn bản đó là một nguyên tắc tổng hợp của sự hợp nhất, bình đẳng, đồng trách nhiệm và thông dự
[47]. Đối với công ích của Giáo Hội, chúng ta có thể nói một cách đơn giản rằng nó hệ tại trong việc tuân giữ những nghĩa vụ và quyền lợi của người tín hữu trong môi trường Giáo Hội địa phương của họ[48].

d. Salus animarum

Nguyên tắc thứ tư đó là những nghĩa vụ và quyền lợi trong Giáo Hội phải nhằm tới salus animarum. Đối với Giáo Hội đó là một nguyên tắc tối thượng
[49]. Trong Giáo Hội quyền lợi và nghĩa vụ là những phương tiện để đạt tới mục đích nầy.

Ở đây chúng ta cũng thấy mối liên hệ giữa công ích của Giáo Hội với quyền lợi cá nhân, tức là phần rỗi các linh hồn.

e. Đồng trách nhiệm

Nguyên tắc thứ năm là đồng trách nhiệm. Các khoản luật 209, 210 và 211 diễn tả những việc đồng trách nhiệm căn bản đối với người tín hữu. Đó là duy trì sự hiệp thông với Giáo Hội, cố gắng sống thánh thiện và cổ vũ cho Giáo Hội được phát triển và được thánh hoá không ngừng; mọi Kitô hữu có bổn phận và có quyền hoạt động cá nhân hay tập thể theo hội đoàn để Tin mừng càng ngày càng được truyền đạt tới toàn thể nhân loại trong mọi thời và mọi nơi.

Nguyên tắc đồng trách nhiệm có một tầm quan trọng đặc biệt vì «nguyên tắc nầy được coi như là một tảng đá góc trong hệ thống giáo luật»
[50].

Nói tóm lại, trong Giáo Hội, nghĩa vụ-bổn phận, quyền-quyền lợi obligatio, officium et ius là những phương tiện và định hướng cho việc đạt đến mục đích siêu nhiên của Giáo Hội. Hệ thống pháp lý của Giáo Hội đều nhằm đến mục đích tối hậu: salus animarum. Tất cả các tín hữu với tư cách là một thể nhân (perssona) của Giáo Hội nhờ bí tích rửa tội nên được thông dự vào ba sứ mạng của Đức Kitô (ngôn sứ, tư tế và vương đế) với những nghĩa vụ và quyền lợi xác định. Hoạt động tông đồ, một nghĩa vụ và quyền của người giáo dân phải được nhìn trong viễn tượng nầy.

II. HÌNH THỨC TÔNG ĐỒ TẬP THỂ: HỘI ĐOÀN 

1. Sự cần thiết của tông đồ tập thể

Giáo luật điều 225§1 nói rõ người giáo dân có thể tham gia hoạt động tông đồ với tư cách cá nhân hay tập thể. Tuy nhiên hoạt động tông đồ có tổ chức chặt chẽ sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn. Cách thế hoạt động tập thể thông qua một tổ chức, hội đoàn cần được phát động và khích lệ nhiều hơn
[1

Ngày nay người ta hay chú trọng đến cá nhân, đề cao tự do cá nhân và cá nhân chủ nghĩa, chú ý sự dấn thân, những sáng kiến cá nhân hơn là của cộng đoàn. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, hoạt động tông đồ tập thể vẫn có giá trị lớn lao nếu không muốn nói là hàng đầu vì những yếu tố xã hội và quốc tế của nó.

Mặt khác, hoạt động tông đồ tập thể thường sử dụng những phương tiện kỹ thuật truyền thông hiện đại vừa mau lẹ vừa có sức tác động rất lớn tới cá nhân, xã hội và thế giới. Sau nữa, khi liên kết với nhau trong việc tông đồ, đức tin và đời sống của người Kitô hữu được tăng triển và nâng đỡ rất nhiều trước những thách đố của thời đại hay trước những kẻ cấu kết với nhau làm điều xấu. Những lời sau đây của công đồng vẫn còn nguyên tính thời sự: «Trong những hoàn cảnh hiện tại, nơi nào có giáo dân hoạt động thì hoạt động tông đồ nhất thiết phải được củng cố dưới hình thức tập thể và có tổ chức. Vì chỉ có việc liên kết chặt chẽ các nỗ lực mới mong đạt được đầy đủ mọi mục tiêu của hoạt động tông đồ ngày nay và bảo vệ hữu hiệu những kết quả của việc tông đồ đó. Do đó điều quan trọng đặc biệt là làm sao cho hoạt động tông đồ tác động vào não trạng quần chúng và những hoàn cảnh xã hội của những người mà hoạt động tông đồ nhằm tới. Nếu không, họ thường sẽ không đủ sức chống lại áp lực của dư luận quần chúng hay của các định chế»
[2].

Hoạt động tông đồ tập thể có tổ chức thường được thực hiện qua các hội đoàn. «Những hội đoàn được thành lập nhằm hoạt động tông đồ tập thể, nâng đỡ và huấn luyện các hội viên làm tông đồ, phối hợp và hướng dẫn hoạt động tông đồ của họ, để có thể hy vọng nơi họ những kết quả phong phú hơn là nếu từng người hoạt động riêng rẽ»
[3].

2. Hội đoàn – Hiệp hội

«Có nhiều hội đoàn tông đồ khác nhau […] Trong số những hội đoàn đó, cần phải đặc biệt chú trọng đến những hội đoàn cổ võ và đề cao sự phối hợp chặt chẽ giữa đời sống thực tế của hội viên với đức tin của họ. Các hội đoàn tự nó không phải là cứu cánh, nhưng phải nhằm giúp Giáo Hội chu toàn sứ mệnh đối với trần gian. Các hội đoàn chỉ có giá trị tông đồ nhờ ở chỗ phù hợp với các mục tiêu của Giáo Hội, ở từng hội viên hay cả hội đoàn có tinh thần Phúc Âm và làm chứng cho Chúa Kitô»
[4].

Một hình thức hoạt động tập thể mà sắc lệnh Tông đồ giáo dân đã đặc biệt lưu ý đó là hội đoàn Công giáo Tiến hành, tức là sự cộng tác của giáo dân vào việc tông đồ của hàng giáo phẩm
[5]. Chúng ta sẽ nói thêm về các hội đoàn nầy ở phần sau.

Giáo luật đã lấy lại những ý tưởng chính yếu của công đồng Vaticanô II về hoạt động tông đồ tập thể có tổ chức. Giáo luật sử dụng hạn từ hiệp hội (consociatio) để chỉ sự tham gia trong các hoạt động của Giáo Hội của các Kitô hữu có tính cách tập thể, nói chung là hoạt động tông đồ. Giáo luật dành khá nhiều khoản luật đề cập đến các hiệp hội kitô hữu
[6].

Hiệp hội không phải là các Hội Dòng thánh hiến hay tu đoàn tông đồ, nhưng là một tổ chức trong đó, các Kitô hữu, hoặc giáo sĩ hoặc giáo dân, hoặc cả giáo sĩ lẫn giáo dân cùng chung sức hoạt động nhằm theo những mục đích phát triển một đời sống hoàn thiện hơn, hoặc cổ vũ việc phụng tự công hay học thuyết kitô giáo, hoặc thực hiện các việc tông đồ khác, như truyền bá Phúc Âm, thi hành các việc đạo đức hoặc bác ái, và đem tinh thần kitô giáo vào lãnh vực trần thế; đặc biệt các hiệp hội có mục đích làm cho lãnh vực trần thế được thấm nhuần tinh thần Kitô giáo, và nhờ đó phát triển sự liên kết khắng khít hơn giữa đức tin và đời sống
[7].

Giáo dân có quyền thành lập, tham gia và điều hành những hiệp hội của mình theo những mục đích nói trên
[8]. Tuy nhiên hoạt động của hiệp hội phải ở dưới ở dưới sự giám sát và chăm nom của giáo quyền[9].

Trong hoạt động phải liệu sao để hiệp hội giáo dân «cộng tác với các hiệp hội kitô hũu khác, ở đâu thấy hữu ích, hầu sẵn lòng giúp đỡ các công cuộc kitô giáo khác, nhất là các công cuộc hiện có trong cùng địa hạt»
[10].

Đặc biệt, phải «lo cho các hội viên được đào tạo đúng mức để làm việc tông đồ riêng của giáo dân»
[11].

Việc điều hành, sinh hoạt, các thẩm quyền, quản trị tài sản, tính cách pháp nhân… của hiệp hội phải theo luật chung của Giáo Hội và quy chế riêng của mỗi hiệp hội
[12].
Trong lịch sử và theo thực tế hiện nay, danh từ “hội đoàn” có thể được hiểu theo nghĩa hẹp tức là để chỉ những hiệp hội nói trên, nhưng cũng có thể hiểu theo nghĩa rộng, tức là để chỉ một nhóm các tín hữu được qui tụ lại có tổ chức và sinh hoạt theo một nội qui nhất định nhưng chưa đạt tới tư cách pháp nhân như một hiệp hội theo giáo luật hiện hành qui định
[13]. Trong bài nầy, tùy văn mạch, chúng ta sử dụng từ hội đoàn với cả hai nghĩa vừa nói.

3. Giáo xứ và hội đoàn

a. Giáo xứ: môi trường tông đồ tập thể kiểu mẫu

Như chúng ta biết, «giáo xứ là một cộng đoàn Kitô hữu nhất định được thiết lập cách bền vững trong Giáo Hội địa phương, mà trách nhiệm mục vụ được uỷ thác cho cha sở như là chủ chăn riêng của giáo xứ ấy, dưới quyền Giám Mục giáo phận»
[14].

Trong những môi trường tông đồ giáo dân khác nhau, công đồng đã nhấn mạnh rằng: «Giáo xứ là một hình thức tông đồ cộng đồng kiểu mẫu, vì đó là nơi quy tụ đủ mọi hạng người thành một cộng đoàn và đưa họ vào tinh thần đại đồng của Giáo Hội. Giáo dân nên tập thói quen cộng tác chặt chẽ với các linh mục của mình để hoạt động trong giáo xứ. Họ cũng nên có thói quen trình bày với cộng đoàn giáo hội những vấn đề riêng của mình hay của cả thế giới hoặc những vấn đề liên quan tới phần rỗi mọi người, để cùng nhau góp ý kiến nghiên cứu và giải quyết. Họ cũng phải tuỳ sức mà cố gắng đóng góp vào mọi công cuộc tông đồ và truyền giáo của gia đình giáo hội địa phương mình»
[15].

Trong bối cảnh xã hội đầy biến động hôm nay, có nhiều người bị mất phẩm giá hay bị lạc phương hướng, nhưng trong tâm hồn họ vẫn khát vọng được sống với tha nhân trong tình huynh đệ và tình người. «Ước vọng này, giáo xứ có thể làm thỏa mãn cho họ, nếu các tín hữu giáo dân hăng hái tham gia để họ đạo trung thành ơn gọi và sứ mệnh nguyên thủy của mình, đó là trở thành "nơi " hiệp thông của những kẻ có lòng tin và đồng thời trở nên "dấu chỉ" và là "phương thể" của ơn gọi mọi người sống hiệp thông. Tóm lại, giáo xứ là căn nhà mở rộng đón tiêp mọi người và phục vụ mọi người, hay như Đức Gioan XXIII thường nói là "giếng làng" để mọi người đến giải khát»
[16]. Như vậy giáo xứ là môi trường rất thích hợp và thuận lợi cho việc tông đồ giáo dân.
 
b. Cha sở và việc tổ chức hội đoàn trong giáo xứ

Trong việc điều hành giáo xứ, một mình cha sở không thể nào chu toàn mọi bổn phận của mình một cách chu đáo được nếu không có sự cộng tác của nhiều thành phần dân Chúa, đặc biệt là giáo dân. Liên quan đến hội đoàn, giáo luật điều 529§2 buộc «Cha sở phải nhận biết và cổ vũ phần đóng góp riêng của giáo dân trong sứ mạng của Giáo Hội, bằng cách cổ động các hội đoàn của họ nhằm các mục tiêu tôn giáo... Phải làm sao để các tín hữu biết quan tâm đến sự hiệp thông trong giáo xứ, để họ cảm thấy mình vừa là thành phần của giáo phận, vừa là thành phần của Giáo Hội phổ quát, và để họ biết tham gia và nâng đỡ những công cuộc nhằm mục đích cổ vũ sự hiệp thông đó».

Như vậy là cha sở phải ra sức cổ võ và bảo vệ những sáng kiến hợp pháp của giáo dân và có sự điều hành thích đáng
[17], không bỏ mặc, “đánh trống bỏ dùi”, nhưng cũng không nên can thiệp để quyết định trong tất cả mọi sự, dù nhỏ nhặt. Hay nói khác hơn, cha sở không điều hành các hội đoàn theo kiểu của kẻ cả, cha chú và thường đưa ra quyết định độc đoán, duy ý chí. Còn về phía giáo dân, cũng không thể tùy tiện làm việc theo ý riêng, dù là ý của tập thể mà bỏ qua hướng dẫn của cha sở. Với tinh thần tôn trọng nghĩa vụ và quyền cũng như trong sự phối hợp và tương trợ, giáo quyền và giáo dân cùng hoạt động như những anh em trong Đức Kitô, trong một gia đình của Thiên Chúa. Công đồng nhắc nhở rằng «Các Giám mục, các cha xứ, các linh mục dòng triều phải nhớ rằng quyền và bổn phận làm tông đồ là việc chung cho tất cả mọi tín hữu, không phân biệt giáo sĩ hay giáo dân, và trong việc xây dựng Giáo Hội, giáo dân cũng có phần riêng của họ. Vì thế các ngài phải cùng với giáo dân làm việc trong Giáo Hội và cho Giáo Hội với tình huynh đệ, cũng như phải đặc biệt để tâm lo cho giáo dân trong khi họ làm việc tông đồ»[18].
Như đã nói, việc tham gia hoạt động tông đồ của giáo dân không chỉ là một nghĩa vụ mà còn là một quyền của họ nữa cho nên cần phải được mọi người tôn trọng và nhìn nhận. Tuy nhiên giáo luật không nói cụ thể giáo dân sẽ làm những gì để thực hiện quyền nầy. Đúng hơn vì đó là trách nhiệm những người có thẩm quyền vừa nhìn nhận, tôn trọng quyền nầy, đồng thời phải cổ võ kể cả việc tổ chức các hội đoàn để giáo dân tham gia.

Nói về vai trò của cha sở đối với hội đoàn, nhận xét sau đây của một nhà nghiên cứu ngoại giáo thật chính xác: «nói chung các hội đoàn đều tổ chức chặt chẽ; có hội đoàn là chi nhánh quốc tế; có hội đoàn mang tính chất liên địa phận. Song, nói chung chỗ dựa và địa bàn hoạt động căn bản của hội đoàn là xứ, họ đạo. Linh mục xứ là người tập hợp, duy trì, cổ xúy cho hội đoàn. Vai trò, uy tín, trình độ của linh mục có ảnh hưởng rất lớn đến hội đoàn»
[19]. Bởi vậy, có thể nói hội đoàn trong giáo xứ có tồn tại và thăng tiến hay không tùy thuộc rất lớn vào cha sở của giáo xứ.

III. HỘI ĐOÀN XƯA VÀ NAY TRONG GIÁO PHẬN

1. Nhìn về quá khứ

Hình thức tổ chức hội đoàn ở Việt Nam có từ lâu và dưới nhiều hình thức khác nhau theo dòng lịch sử. Có những hội đoàn chỉ để phục vụ nghi lễ như Hội Hát, Hội Kèn, Hội Con hoa, Hội Trống hay Hội Trắc, … Rồi có những Hội với những mục đích tông đồ như Hội Cầu nguyện còn gọi là Hội Tông đồ cầu nguyện hay Cầu nguyện truyền giáo, Hội Bà Thánh Anna, Hội Bà Thánh Têrêsa, Hội Ông Thánh Giuse, Đoàn Thanh Niên Công giáo... Trong giai đoạn đầu thế kỷ XX đến 1954 có thể nói nở rộ các Hội đoàn công giáo, mà đặc biệt là các hội đoàn Công giáo Tiến hành tại miền nam Việt Nam từ 1957 đến 1975
[20].

Đối với giáo phận chúng ta, trước đây trong mỗi Bản thông tin địa phận Qui Nhơn, đều có mục tường trình hoạt động truyền giáo và các hội đoàn Công giáo Tiến hành
[21]. Theo đó, lúc khởi đầu trong giáo phận (1958) chỉ có 3 hội đoàn Công giáo Tiến hành là Hiệp Hội Thánh Mẫu, Legio Mariae và bác ái Vinh Sơn được thành lập tại nhiều giáo xứ[22]. Về sau có nhiều hội đoàn khác được thành lập nữa như: Hùng Tâm Dũng Chí, Thanh Sinh Công, Thiếu Nhi Thánh Thể, Hiệp Hội Giáo Chức Công Giáo, Hội Cựu Chủng Sinh-Tu Sĩ[23]. Nhưng về sau do thời cuộc mà sinh hoạt của các hội đoàn giảm sút và chỉ sinh hoạt mạnh ở địa bàn thành phố như Quảng Ngãi, Qui Nhơn và Tuy Hòa.

Như chúng ta biết, các hội đoàn Công giáo Tiến hành ở Việt Nam rất nhiều, mà phần lớn là ở miền nam trước năm 1975
[24], tuy nhiên tại giáo phận chúng ta vào năm 1971 thì chỉ có một số hội đoàn sau đây đã được chính thức thành lập và có linh mục tuyên úy cấp giáo phận đặc trách: Legio Mariae (cha Giuse Phan Văn Hoa); Pax Romana (Cha Phêrô Huỳnh Kim lăng); Thanh Sinh Công (cha Giuse Phạm An Ninh) Hiệp Hội Thánh Mẫu (cha Antôn Hoàng Tiến Nam), Bác ái vinh Sơn (cha Giuse Phan Văn Hoa). Một số hội đoàn khác được phép thành lập ở một số giáo xứ nhưng không có tuyên úy địa phận, chẳng hạn Hùng Tâm Dũng Chí, liên Minh Thánh Tâm, Thiếu Nhi Thánh Thể[25]. Theo một số Bản Thông tin địa phận Qui Nhơntrước 1975 ghi lại thì sinh hoạt các hội đoàn trong giáo phận rất sinh động và hăng say. Giáo dân tích cực tham gia hội đoàn và «không gì cảm động bằng thấy nhiều giáo hữu từng các họ nhánh xa từng hai ba chục cây số, nghe thành lập công giáo tiến hành đã cố về để tham dự»[26].

Đại hội Hội đồng Mục vụ giáo phận từ ngày 31.8 đến 1.9.1971 đã ra nghị quyết là «địa sở nào cũng phải tổ chức ít nhất là một hội đoàn CGTH, lựa chọn trong những hội đoàn đã được chính thức thừa nhận trong địa phận»
[27]. Tuy nhiên chúng ta thấy, kể từ năm 1972 thì chiến cuộc lan rộng và khốc liệt hơn, giáo dân chúng ta di cư vào miền nam, nhiều giáo xứ còn ít giáo dân ở lại nên sinh hoạt các hội đoàn không còn như trước nữa hoặc chỉ tập trung tại những thành phố mà thôi[28].

Kể từ sau năm 1975, do hoàn cảnh chính trị - xã hội lúc bấy giờ mà đa số các hội đoàn công giáo không còn hoạt động. Đến năm 1980 thì ở miền nam một số hội đoàn bắt đầu hoạt động trở lại nhưng sinh hoạt theo giới là chính: giới gia trưởng, giới hiền mẫu, các bà mẹ công giáo, thiếu nhi, thanh thiếu niên. Có thể nói trước hoàn cảnh khó khăn thì đó là một sự nổ lực linh hoạt trong việc tổ chức sinh hoạt hội đoàn của các địa phận công giáo ở miền nam
[29]. Những tổ chức và sinh hoạt các hội đoàn trong giáo phận chúng ta cũng theo tình hình chung đó.

2. Vài nét hiện tại

Những năm gần đây Giáo Hội tại Việt Nam ngày càng có nhiều hội đoàn sinh hoạt trở lại và cũng có những hội đoàn mới xuất hiện. Theo niên giám HĐGM Việt Nam, có một số hội đoàn sau đây đã được ghi nhận
[30]:

1) Thiếu Nhi Thánh Thể
2) Hùng Tâm Dũng Chí
3) Thanh Sinh Công
4) Hướng Đạo Công Giáo
5) Giới Trẻ Con Đức Mẹ
6) Hiệp Hội Thánh Mẫu (Hiệp Sống)
7) Legio Mariae (Đạo Binh Đức Mẹ)
8) Các Bà Mẹ Công giáo
9) Liên Minh Thánh Tâm
10) Huynh Đoàn Đa Minh (Dòng Ba Đa Minh)
11) Phan Sinh Tại Thế (Dòng Ba Phan Sinh)
12) Dòng Ba Cát Minh
13) Hiệp hội Giáo Dân Bác Ái
14) Caritas Việt Nam
15) Khôi Bình Việt Nam
16) Gia Đình Cùng Theo Chúa
17) Gia Đình Chúa

Trong hoàn cảnh ngày nay, có thể nói rằng nhiều cấp chính quyền đã hiểu rõ hơn hoạt động tôn giáo của các hội đoàn nên đã cho phép một số tiếp tục sinh hoạt. Nhờ đó nhiều hội đoàn tại các giáo xứ được tái lập hay thành lập mới. Có thể nói «thập kỷ 90 của thế kỷ XX là thập kỷ “bùng nổ” hội đoàn»
[31] tại Việt Nam.

Tuy nhiên nhiều người đã nhận ra rằng trong khi mức sống vật chất tăng cao, thì đạo đức tinh thần của nhiều người đang có nguy cơ bị sút giảm do tinh thần hưởng thụ, do tiến trình toàn cầu hoá về kinh tế và về cả văn hoá… Tình trạng sa sút này biểu lộ qua các tệ nạn xã hội như nghiện ngập, trộm cắp, mãi dâm, tội phạm hình sự, các án ly hôn, số người phá thai mỗi năm một tăng cao… Bởi vậy sự góp phần của các đoàn thể công giáo quả thật là một nhu cầu cần thiết để giúp cho xã hội ổn định và phát huy những nội lực quý giá của từng người
[32].

Giáo phận chúng ta cũng không nằm ngoài hoàn cảnh chung đó. Nhiều cha sở đã lo lắng trước hiện tượng ngày càng có người nhiều người bỏ lễ ngày Chúa Nhật cách dễ dàng, thánh lễ hàng ngày hầu hết chỉ có số ít người già tham dự, trẻ em bỏ học giáo lý, sinh hoạt giới trẻ thanh niên thiếu nữ của giáo xứ không còn sức hút. Nhiều cha sở muốn thành lập những hội đoàn để tạo sức sống cho giáo xứ nhưng rất e ngại, lập ra thì dễ nhưng duy trì trong hoàn cảnh hôm nay lại không dễ. Hơn nữa một số cha sở muốn thành lập một số hội đoàn (ví dụ Hùng Tâm Dũng Chí, Khôi Bình) cách bài bản nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu và sẽ phải làm gì. Nhiều khó khăn chồng chất vừa do hoàn cảnh xã hội tạo ra, vừa do không có nhân sự phù hợp, không đủ cơ sở và phương tiện vật chất để duy trì.

So với nhiều giáo phận khác và so con số các hội đoàn nêu trên thì sự hiện diện của các hội đoàn trong giáo phận chúng ta chưa nhiều. Ngoài Legio Mariae được thành lập, tổ chức xuyên suốt và rộng rãi, thì việc thành lập các hội đoàn khác ở giáo xứ còn ít, rời rạc và mức độ sinh hoạt cìn hạn chế tùy thuộc vào hoàn cảnh từng giáo xứ. Như đã nói trên, hiện nay hầu hết các giáo xứ trong giáo phận hiện đều có những tổ chức sinh hoạt theo giới là chính, chẳng hạn như giới gia trưởng, hiền mẫu, các bà mẹ công giáo, thanh niên-thiếu nữ, thiếu nhi, học sinh-sinh viên, ca đoàn, nhạc đoàn, giáo lý viên, Caritas, Hội Trợ Táng … Bên cạnh đó cũng có các hội đoàn hay tổ chức khác như Gia Đình Cùng Theo Chúa (CTC), Thiếu Nhi Thánh Thể, … nhưng không đáng kể.

Gần đây Đấng Bản Quyền giáo phận ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc làm sao cho nhiều người giáo dân tham gia vào công việc chung của giáo xứ, giáo phận. Làm sao để có thể qui tụ người giáo dân sinh hoạt trong các hội đoàn; làm sao giúp họ ý thức về tư cách là Kitô hữu của mình với những nghĩa vụ và quyền nhất định, nhờ ơn Chúa và sự cố gắng của bản thân, họ sẽ sống để trở thành men, thành muối, góp phần vào sự phát triển của Giáo Hội và xã hội.

Trong đường hướng đó, năm 2011 Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn đã ban hành thử nghiệm bản Quy chế Hội đồng Giáo xứ giáo phận Qui Nhơn (ngày 29.6.2011) do Ban giáo dân biên soạn và đệ trình. Rồi mới đây Đức Cha giáo phận Matthêô cũng ra quyết định thành lập và ban hành Quy chế của Hội đồng Linh mục và của Hội đồng Mục vụ Giáo phận Qui Nhơn vào ngày 18.2.2013. Trong Năm Đức Tin 2013, Đức Cha Matthêô đã liên tiếp có các lá thư mục vụ cho từng giới, cho di dân… với những lời huấn dụ và hướng dẫn rất thiết thực
[33]. Có thể nói đó là những bước khởi đầu và cơ sở pháp lý để canh tân đời sống giáo phận, thúc đẩy việc tông đồ giáo dân, cách riêng về hội đoàn. Cũng vì lý do đó, theo định hướng của Đức Cha giáo phận, chúng ta mới có cuộc thường huấn linh mục năm nay với chủ đề: Tông đồ giáo dân- Hội đoàn.

(còn tiếp)
 
 
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Huỳnh Văn Sỹ
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn