1
00:25 +07 Chủ nhật, 28/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 167

Máy chủ tìm kiếm : 4

Khách viếng thăm : 163


Hôm nayHôm nay : 828

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 343857

Tổng cộngTổng cộng : 27898141

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » GIÁO HỘI HOÀN VŨ

Đức Hồng y John Tong Hon nói về triển vọng quan hệ Tòa Thánh và Trung Quốc

Thứ sáu - 23/03/2012 08:17-Đã xem: 2500
Đức Hồng y John Tong Hon của Hồng Kông, vị hồng y thứ bảy người Trung Quốc và là hồng y duy nhất sinh ra ở Hồng Kông, nói về quan hệ Trung Quốc -Tòa Thánh và tin rằng hai bên có thể đạt được một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi thông qua đối thoại. Ngài đã dành cho phóng viên Gerard O'Connell một cuộc phỏng vấn dài tại Rôma nhân dịp ngài lãnh chức hồng y. Dưới đây là bản tóm lược từ cuộc phỏng vấn đó.
Đức Hồng y John Tong Hon nói về triển vọng quan hệ Tòa Thánh và Trung Quốc

Đức Hồng y John Tong Hon nói về triển vọng quan hệ Tòa Thánh và Trung Quốc

Đức Hồng y nghĩ Tòa Thánh nên tiếp xúc với Trung Quốc ngày nay như thế nào?

Tôi chỉ là một người thấp cổ bé họng! Bất luận thế nào tôi cũng hy vọng hai bên cần kiên nhẫn và cởi mở với nhau, lắng nghe nhau để hai bên có thể đối thoại sâu sắc hơn và mang lại kết quả hơn. Đó là những gì chúng ta cần. Dĩ nhiên, quyết định như thế nào là tùy vào các bề trên, và Thiên Chúa đưa ra quyết định cuối cùng.

Tòa Thánh và Trung Quốc đã nhiều năm cố gắng đạt thỏa thuận về bổ nhiệm giám mục. Một lý do không thể đạt thỏa thuận này là Bắc Kinh có thể tấn phong ứng viên làm giám mục bất kỳ khi nào họ thích cho dù Tòa Thánh nhận thấy người đó hoàn toàn không thích hợp và đã giải thích mọi việc với họ. Tòa Thánh bất lực không thể ngăn cản lễ phong chức. Ngài xử lý thế bế tắc này như thế nào?

Về phía chúng ta, tôi nghĩ giáo dục và đào tạo vẫn rất quan trọng. Thường huấn liên tục cho chủng sinh và linh mục tại Trung Quốc cũng rất quan trọng. Một mặt có sự thúc đẩy từ phía chính quyền muốn đưa một người không thể chấp nhận như thế lên làm giám mục, nhưng mặt khác nếu các linh mục và người Công giáo ở Trung Quốc được huấn luyện tốt và được đào tạo tốt thì họ có sức mạnh để chống lại sự cám dỗ. Dù một người được nhà nước thúc giục ra ứng cử giám mục đi nữa thì bản thân người đó đóng vai trò rất quan trọng.

Nhưng khi ứng viên được chọn là một người nhu nhược không thể chống lại áp lực hay cám dỗ từ phía chính phủ Trung Quốc, thì Tòa Thánh làm gì, có rút phép thông công người đó không?

Tôi nghĩ Tòa Thánh bị dồn vào thế đó hồi năm ngoái, nhưng điều quan trọng là phải đào tạo để ngăn ngừa, và chúng ta phải nhấn mạnh đến điều này. Tôi từng làm công tác đào tạo tại chủng viện trong một thời gian dài, và chúng tôi luôn nhấn mạnh rằng khi một người được phong chức linh mục, thì người ấy không chỉ được phong chức để phục vụ Giáo hội một mình mà còn được đón nhận vào linh mục đoàn. Khi Công đồng Vatican II nói về giám mục, Công đồng nói giám mục được gia nhập vào giám mục đoàn vì Chúa Giêsu không chọn một tông đồ, nhưng thiết lập 12 tông đồ, có nghĩa là một đội. Chức linh mục được thiết lập để trợ giúp các giám mục, khi Giáo hội phát triển rộng hơn và cá nhân giám mục, vốn là người kế vị các tông đồ, không thể chăm sóc toàn giáo phận được, cần có linh mục trợ giúp nhưng vẫn duy trì cùng tinh thần tập thể như thế. Vì thế đào tạo linh mục có tầm quan trọng cực kỳ, nhưng linh mục cần được đào tạo không chỉ là những cá nhân mà còn có cả tinh thần tập thể.

Vì thế đó là một trong những vai trò cầu nối mà Giáo hội ở Hồng Kông có thể đảm nhận; trợ giúp việc đào tạo linh mục, tu sĩ và giáo dân ở đại lục?

Đúng thế và cũng dành cho giáo dân nữa. Khi tôi dạy thần học, tôi cũng nhấn mạnh ý nghĩa của việc trở thành người Công giáo. Chúng tôi rửa tội cho hơn 6.000 người mỗi năm ở Hồng Kông, và chúng tôi nói với họ rằng họ không chỉ học giáo lý và mất một năm rưỡi mới được lãnh nhận Bí tích Rửa tội, mà còn tham gia cộng đoàn hay một đoàn thể nhỏ để phát triển tinh thần hiệp thông.

Chúng ta cần học hỏi từ các cộng đoàn Giáo hội sơ khai. Nếu chúng ta đọc kỹ sách Tông đồ Công vụ 2,42-47, chúng ta có thể thấy có ba yếu tố trong các cộng đoàn Giáo hội sơ khai. Ba yếu tố này có thể được diễn tả bằng ba từ tiếng Hy Lạp: thứ nhất là didache có nghĩa là giáo huấn của các Tông đồ; thứ hai là koinonia có nghĩa là cộng đoàn và thứ ba là diakonia có nghĩa là phục vụ, để phục vụ tha nhân bằng đức tin, nhất là phục vụ người nghèo và những người cần giúp đỡ. Nếu chúng ta chỉ nhấn mạnh đến yếu tố thứ nhất và thứ ba trong ba yếu tố này mà không có yếu tố thứ hai là cộng đoàn thì chúng ta đang thiếu một thứ gì đó. Đây là tầm nhìn cơ bản không chỉ đối với người Công giáo mà còn đối với linh mục và giám mục.

Vì thế ngài tin là đào tạo tốt có thể phá vỡ thế bế tắc này và tránh được các vụ phong chức bất hợp thức?

Đúng thế. Nhưng nếu ứng viên là một người nhu nhược và được Tòa Thánh đánh giá là không thích hợp làm giám mục, nhưng nhà nước chọn người này làm ứng viên, thì những người khác trong cộng đoàn Công giáo địa phương nên giúp đỡ, cầu nguyện cho người này tránh né hay từ chối lãnh chức giám mục. Trong nhiều trường hợp, không chỉ nhà nước mà còn bản thân cá nhân ứng viên đó chịu trách nhiệm. Nhiều linh mục ở Trung Quốc bị ảnh hưởng những giá trị thế tục và địa vị đặc biệt trong xã hội mà họ có được khi làm giám mục.

Đó là điều mà Đức Thánh cha Bênêđictô gọi là “tư tưởng địa vị” và “chủ nghĩa cơ hội”.

Vâng. Đáng tiếc là có quá nhiều linh mục ở Trung Quốc hiện nay đầy tham vọng; họ muốn làm giám mục.

Dường như ngài đang đổ lỗi cho các ứng viên giám mục hơn là cho chính quyền thúc giục hay gần như là ép buộc họ vậy. Ngài muốn nói trong khi chính quyền có thể đã tạo ra bối cảnh và tình huống đó, thì chính cá nhân linh mục cảm thấy hấp dẫn, mong muốn những kiểu lợi ích có được khi làm giám mục?

Vâng, tôi muốn nhấn mạnh đến điều đó. Tôi muốn nói rằng chúng ta không nên đổ lỗi cho một mình chính phủ Trung Quốc.

Là hồng y và là cố vấn cho Đức Thánh Cha, ngài muốn nhắn gửi gì cho các nhà chức trách Trung Quốc về điểm này?

Thứ nhất, tôi muốn cố gắng nói cho các quan chức chính phủ Trung Quốc biết rằng đối thoại là rất quan trọng. Thứ hai, thông qua đối thoại chúng ta luôn có thể đạt được các tình huống “đôi bên cùng có lợi”. Có nghĩa là không hy sinh nguyên tắc của chúng ta và nguyên tắc của họ, chúng ta vẫn có thể tìm ra giải pháp. Điều thứ ba là tôi xin chính phủ tin rằng Giáo hội Công giáo chúng ta luôn kêu gọi mọi người Công giáo yêu nước, yêu tổ quốc của mình. Vì thế, tôi sẽ kêu gọi chính phủ cũng tin tưởng các tín hữu Công giáo để nếu thực sự được hưởng tự do đầy đủ, họ có thể đóng góp nhiều hơn cho đất nước của họ, và Trung Quốc và chính phủ sẽ có được danh thơm tiếng tốt hơn trên trường quốc tế. Đó sẽ là tình huống “đôi bên cùng có lợi” thực sự cho chính phủ Trung Quốc, cho đất nước này, và còn cho các tín hữu Công giáo ở Trung Quốc.

Chúng ta phải đối thoại, không có lối thoát nào khác, đây là con đường mà chúng ta phải đi?

Đúng vậy, không còn cách nào khác, chúng ta phải đối thoại. Tôi nghĩ hiện nay Trung Quốc, kể cả chính phủ này, đang đóng một vai trò rất quan trọng trên đấu trường quốc tế, vì thế họ phải đánh giá cao nhiều giá trị quốc tế, và chúng ta cũng xem xét một số lập trường của họ. Tôi nghĩ về lâu dài Trung Quốc sẽ thay đổi theo những hướng rất quan trọng.

Trong lúc này, dĩ nhiên người Trung Quốc luôn quan tâm đến thể diện, và điều này luôn có những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực. Giữ thể diện, từ mặt tích cực có nghĩa là Trung Quốc luôn muốn có danh tiếng tốt; từ quan điểm tiêu cực, điều này đồng nghĩa với chính phủ Trung Quốc quá cứng nhắc về một số quan điểm mà họ nghĩ là họ đúng, mà không xem xét kỹ quan điểm của các bên khác. Vì thế anh luôn có hai khía cạnh để giải thích sự giữ thể diện này.

Mặt khác, nhà chức trách Trung Quốc vẫn còn bắt bỏ tù các giám mục, và trước khi đi tham dự lễ khai mạc Olympics Bắc Kinh, ngài đã rất can đảm viết một bài báo đăng trên tờ L’Osservatore Romano nhấn mạnh sự việc này, và gần đây ngài một lần nữa làm điều đó.

Trong thư mừng Giáng sinh năm 2010, tôi viết chúng ta phải trở thành “những ngôi sao sáng” trên thế giới hôm nay và tôi nói với người dân, giáo dân của tôi ở bên trong và ngoài Hồng Kông rằng chúng ta cũng tìm thấy nhiều ‘ngôi sao sáng’ ở Trung Quốc, không chỉ những người trong tù – các giám mục, linh mục và giáo dân mà còn có ‘các ngôi sao sáng’ trong xã hội như Liu Xiaobo, người được Giải Nobel Hòa bình năm 2010, và tôi nói tôi hy vọng ông ấy sẽ được trả tự do càng sớm càng tốt và hưởng được tự do đầy đủ. Và còn các giám mục tỏ ý không muốn bị thúc ép tham gia Đại hội Đại biểu Công giáo toàn quốc lần thứ 8, qua đó Hội Yêu nước và tổ chức được gọi là Hội đồng Giám mục còn tổ chức bầu cử, được tổ chức hồi tháng 12-2010 tại Bắc Kinh, tôi nói họ cũng là ‘những ngôi sao sáng’ ở những mức độ khác nhau. Tôi dùng thư chúc mừng Giáng sinh để phát đi thông điệp như thế.

Cộng đoàn Công giáo bí mật ở Trung Quốc – hay gọi là Giáo hội bí mật – dường như hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Các thành viên luôn chịu nhiều áp lực, họ đang bị lôi kéo, ép buộc, giam cầm và đôi khi còn bị ép buộc gia nhập Giáo hội ‘công khai’ được nhà nước công nhận. Ngài nghĩ gì về họ?

Tôi nghĩ chúng ta phải khâm phục các cộng đoàn bí mật và tinh thần của họ. So với trước đây, họ đã cởi mở ở một mức độ nào đó; họ ngày càng hiểu hơn trước đây. Trước đây, họ công kích các cộng đoàn công khai, giờ đây một số người không còn làm thế nữa. Qua các bài viết và thư họ gửi đi, một số người cho thấy thái độ của họ đã ôn hòa. Tôi nghe nói sau khi đọc tông thư của Đức Thánh Cha gửi năm 2007, một số thành viên trong các cộng đoàn bí mật – đang sống tách biệt – còn thể hiện sự cởi mở đối với cộng đoàn Giáo hội công khai. Họ mang hoa đến đặt lên bàn thờ trong nhà nguyện của Giáo hội công khai. Đây là hành động tượng trưng thể hiện tình bằng hữu và giúp giảm bớt căng thẳng.


Gerard O'Connell thực hiện từ Rôma
Vatican City - 15.3.2012

(Nguồn: ucanews.com)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: hồng

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn