1
17:45 +07 Chủ nhật, 28/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 177

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 174


Hôm nayHôm nay : 34425

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 377454

Tổng cộngTổng cộng : 27931738

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » THÁNG LINH HỒN

Linh Mục, Người là ai?

Thứ năm - 28/03/2013 16:21-Đã xem: 1543
Linh mục là con người theo chân Đức Kitô, và trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, vì vậy linh mục cũng phải là con người của niềm vui, vừa cảm nghiệm được niềm vui trong cuộc đời linh mục, vừa thi hành tác vụ linh mục để đem lại niềm vui cho kẻ khác.
Linh Mục, Người là ai?

Linh Mục, Người là ai?

Suy tư:
(I)
Tình huynh đệ linh mục trong bối cảnh văn hóa hiện nay tại Việt Nam một thoáng nhìn qua.

- Bối cảnh văn hóa hiện nay tại Việt Nam bao gồm: văn hóa truyền thống, văn hóa hậu hiện đại và tiến trình toàn cầu hóa. Cả ba nét văn hóa này hòa quyện vào nhau cùng tồn tại và phát triển làm nên nét đặc trưng của bối cảnh văn hóa Việt Nam.

- Ảnh hưởng của bối cảnh văn hóa đối với tình huynh đệ linh mục

a. Ảnh hưởng của văn hóa truyền thống dân tộc

- Tích cực: văn hóa truyền thống chịu ảnh hưởng triết lý âm dương, đề cao sự hòa điệu và lấy tình làm gốc, khiến cho các linh mục dễ thành người của hiệp thông, tạo được tương quan hòa thuận hòa hợp, mềm dẻo bao dung, không xét nét hơn thua, không tranh chấp đố kỵ, nhưng nhẫn nhục và nhường nhịn, đối xử với nhau có tình có nghĩa.

- Tiêu cực: văn hóa truyền thống cũng tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với mối tương quan huynh đệ giữa các linh mục. Sự hòa điệu và hòa hợp nhiều khi bị biến dạng khiến các linh mục trở thành những người thiếu lập trường, xu thời, tiêu cực, không dám phát huy sáng kiến, cả nể hay sợ mất lòng nên không dám nói thẳng nói thật với nhau, không dám phê bình góp ý để giúp nhau thăng tiến. Vì quá thiên về tình cảm, thiếu tư duy logic và khoa học, nên nhiều khi làm việc theo hứng, không có nguyên tắc và chương trình hợp lý, khiến cho người khác không thể cộng tác với mình ; ngoài ra còn có nguy cơ dẫn đến thành kiến, óc bảo thủ hẹp hòi, cản trở sự hiệp thông. Tính cộng đồng quá đáng có thể khiến cho các linh mục không tìm cách phát triển cá nhân, lãng quên hay phủ nhận nét độc đáo và sự chọn lựa cá nhân, từ đó dẫn đến thái độ ỷ lại, đố kỵ và thiếu tinh thần trách nhiệm. Sự gắn bó quá nhiều với làng xã nhiều khi tạo nên nơi các linh mục tinh thần cục bộ, óc địa phương hẹp hòi, dễ làm nảy sinh những sự chia rẽ giữa những người có gốc gác khác nhau.

b. Ảnh hưởng của văn hóa hậu hiện đại

Văn hóa hậu hiện đại đề cao cá nhân và sự tự do cá nhân, khiến mỗi linh mục biết tôn trọng các anh em linh mục khác như những hữu thể độc đáo và tự do, có đủ mọi quyền lợi mà mình phải tôn trọng. Mỗi linh mục không phải là một con số bị mất hút trong linh mục đoàn, nhưng là những cá vị tạo nên linh mục đoàn. Mỗi người được tự do và được nâng đỡ khuyến khích để phát triển bản thân giữa lòng cộng đoàn, như cây rừng cùng lớn lên bên nhau.

Tuy nhiên, văn hóa hậu hiện đại có những bước đi phá cách quá trớn, tạo nên những ảnh hưởng tiêu cực trên linh mục đoàn. Một trong những ảnh hưởng tiêu cực của văn hóa hậu hiện đại là tạo điều kiện thuận lợi cho chủ nghĩa cá nhân phát triển. Điều này rõ ràng đi ngược lại bối cảnh văn hóa của Việt Nam là nơi mà giá trị của cộng đoàn được đề cao. Ngày nay tại Việt Nam người ta đang chứng kiến một sự đánh mất từ từ cảm thức thuộc về cộng đoàn và tình trạng xuống cấp của những tương quan giữa người với người, khiến cho nhiều linh mục dễ rơi vào nếp sống ích kỷ, chỉ biết có mình và qui chiếu mọi sự về chính mình chứ không về một điểm chung, sống xa cách và ít quan tâm đến nhau.

c. Ảnh hưởng của tiến trình toàn cầu hóa

Nhờ tiến trình toàn cầu hóa Việt Nam có thể hưởng lợi từ những công nghệ tiên tiến trên thế giới để cải tiến nền kinh tế cách nhanh chóng hơn. Nền kinh tế đất nước phát triển thì đời sống vật chất của các linh mục cũng được bảo đảm hơn. Những sự giúp đỡ của cộng đoàn quốc tế đối với Việt Nam, sau những năm dài bị cô lập của thời đóng cưả, góp phần tạo nên hình ảnh về một gia đình nhân loại với ý thức ngày càng cao và sâu sắc về sự liên đới, về sự tương liên và tương thuộc. Các linh mục ngày càng trở nên gần gũi, biết chia sẻ trách nhiệm và tương trợ lẫn nhau.

Nhờ tiến trình toàn cầu hóa, các tư tưởng tiến bộ về tự do, công bình và bình đẳng, sự tôn trọng phẩm giá và quyền con người và những kiến thức khoa học được phổ biến rộng rãi, khiến cho người Việt Nam nói chung và các linh mục nói riêng học được nơi các nước tinh thần cộng tác và làm việc chung, tinh thần phê phán. Nhờ tiếp xúc với nhiều lý thuyết, cách suy nghĩ và cách sống khác nhau, các linh mục dễ có thái độ cởi mở và thông cảm nhau hơn.

Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực kể trên, hiện tượng toàn cầu hóa cũng tạo nên những hậu quả tiêu cực không thể chối cãi. Kỹ thuật cao tạo nên sự phát triển và nâng cao đời sống con người nhưng đồng thời biến con người thành những cái máy, khiến các linh mục nhiều lúc chỉ chú trọng đến kết quả và sự hữu hiệu, không đối xử với nhau bằng tình nghĩa, như trong văn hóa truyền thống của dân tộc. 


(II)
Phác họa lược đồ xây dựng tình huynh đệ linh mục

Tình huynh đệ là một dấu chỉ để mọi người có thể nhận ra chúng ta là những môn đệ đích thực của Đức Kitô, là khí cụ để xây dựng sự hiệp thông giữa lòng Hội Thánh và thế giới, là phương thế góp phần hữu hiệu vào việc rao giảng Tin Mừng… Tình huynh đệ là một cái gì triệt để và lâu dài: nó có giá trị cho những ngày buồn cũng như những ngày vui, giống như trong đời sống hôn nhân, tình huynh đệ linh mục cần pải được xây dựng mỗi ngày. Cần xây dựng tình huynh đệ linh mục dựa trên: 

(1) Từ những đoạn Thánh Kinh …:khi tạo dựng loài người từ “một nguyên lý độc nhất” (Cv 17,26; x. St 1-2), Thiên Chúa đã đặt vào lòng con người mơ ước trở thành anh em với nhau nơi Ađam. Nhưng mơ ước đó chỉ thực hiện được sau một cuộc hành trình dài. Bởi vì lịch sử con cháu Ađam đã bắt đầu bằng một tình huynh đệ đổ vỡ qua việc Cain sát hại em mình là Aben (x. St 4,9). Chúa Giêsu, người anh cả của nhân loại đã đến để xây dựng lại tình huynh đệ nhân loại bị đổ vỡ ấy bằng lời giáo huấn và bằng cái chết của Ngài. Cuộc xây dựng ấy đã khởi đi từ cộng đoàn các môn đệ chung quanh Ngài ngày xưa thế nào, thì ngày nay cũng tiếp tục khởi đi từ cộng đoàn các linh mục là những kẻ đáp lại lời mời gọi của Ngài như các môn đệ ngày xưa. 

- “Mỗi linh mục hợp nhất với các anh em linh mục khác bằng mối dây bác ái, cầu nguyện và cộng tác dưới mọi hình thức”.

- “Những linh mục lớn tuổi hãy thực sự đón nhận các linh mục trẻ như là những người em và hãy giúp đỡ họ trong những công tác cũng như những gánh nặng đầu tiên của thừa tác vụ; hơn nữa, các ngài nên cố gắng hiểu biết tâm trạng của họ, dù khác với tâm trạng mình, và theo dõi các công việc của họ với lòng nhân hậu. Cũng thế, các linh mục trẻ phải kính trọng tuổi tác và kinh nghiệm của các vị lớn tuổi cũng như phải bàn hỏi với các ngài về những vấn đề liên quan đến việc coi sóc các linh hồn và sẵn lòng cộng tác với các ngài”.

- “Trong tinh thần huynh đệ đó, các linh mục đừng quên lòng hiếu khách (Dt 3,1-2), phải lo làm việc thiện và san sẻ của cải (Dt 13,16), nhất là phải chú tâm đến những vị đau yếu, phiền muộn, lao lực, cô đơn, bị đày ải và ngay cả những vị bị bách hại (Mt 5,10).

- “Các ngài cũng hãy sẵn lòng và vui vẻ họp nhau để tĩnh dưỡng tâm hồn, vì nhớ lại những lời mà chính Chúa đã mời gọi các tông đồ mệt mỏi: “Các con hãy đến nơi thanh vắng và nghỉ ngơi một chút”(Mc 6,31)”.

- “Ngoài ra, để giúp nhau vun trồng đời sống thiêng liêng và trí thức, để có thể cộng tác với nhau đắc lực hơn trong thừa tác vụ, và để tránh những nguy hiểm có thể xảy ra do sự cô đơn, các linh mục phải cổ võ một đời sống chung, hoặc một lối sống cộng đoàn nào đó. Việc này có thể thực hiện theo nhiều hình thức khác nhau tùy những nhu cầu khác biệt thuộc cá nhân hay mục vụ: như ở chung nơi nào có thể hoặc ăn chung, hoặc ít là có những cuộc họp mặt thường xuyên và định kỳ”.

- “Cũng nên thành lập và nhiệt liệt khuyến khích các hiệp hội linh mục mà nội qui đã được giáo quyền hữu trách chuẩn nhận, những hiệp hội này cổ võ các linh mục nên thánh trong khi thi hành thừa tác vụ bằng cách tổ chức một đời sống thích nghi đã được thỏa thuận với nhau bằng sự tương trợ huynh đệ; như vậy những hiệp hội đó hướng về việc phục vụ toàn thể hàng linh mục”.

- “Sau hết, vì liên kết với nhau trong chức linh mục như thế, nên các ngài phải biết rằng mình đặc biệt có trách nhiệm đối với những vị đang gặp những hoàn cảnh khó khăn; các ngài phải kịp thời giúp đỡ, và nếu cần phải khuyên bảo một cách tế nhị. Đối với những vị khiếm khuyết về một vài vấn đề nào đó, các ngài phải luôn lấy tình bác ái huynh đệ và quảng đại mà đối xử, lại phải cầu nguyện rất nhiều với Chúa cho các vị đó, và phải luôn tỏ ra mình là anh em bạn hữu đích thực của họ”.

(III)
A. Điểm nhấn thực hành 1: sửa lỗi, tha thứ và nâng đỡ nhau trong tình huynh đệ linh mục.

1. Giúp nhau sửa lỗi

Con người là một hỗn hợp của ánh sáng và bóng tối, ưu điểm và khuyết điểm, vị tha và vị kỷ, trưởng thành và ấu trĩ. Là con người, ai cũng có những lúc sai lỗi, như câu ngạn ngữ La-tinh đã được tác giả H. Petitmangin dùng làm câu mẫu về ngữ pháp trong Grammaire latine: “Errare humanum est”. Là con người, ai cũng có những khuyết điểm, như người ta thường nói: “Nhân vô thập toàn”. Các linh mục không chỉ giúp nhau khi đau ốm, bệnh tật, khi gặp hoạn nạn đau buồn, mà còn phải giúp nhau sửa sai. Tính chất lành mạnh của linh mục đoàn không chỉ dựa trên sự thánh thiện của từng linh mục riêng rẽ, mà còn dựa trên mối tương quan giữa các linh mục có khả năng làm cho người anh em phạm lỗi chỗi dậy hay không. Đó là một việc khó khăn, tế nhị, đòi hỏi một tình huynh đệ chân thành và một đức khiêm nhường cao độ. Khiêm nhường không những nơi người được sửa sai mà còn nơi người sửa sai.

Nếu ta là người được sửa lỗi, ta hãy khiêm tốn đón nhận với sự cởi mở và lòng biết ơn. Thomas Kempis đã nói: “Ai nhận ra mình lầm lẫn, chứng tỏ rằng người ấy hôm nay khôn ngoan hơn hôm qua”. Sự cởi mở giúp ta nhận ra sai lầm của mình cách tự nhiên và dễ dàng, nếu có. Trong trường hợp không liên quan đến việc sửa lỗi, nhưng đến các góp ý của người khác về lời nói, cử chỉ, hành động hay thái độ của ta, thì ta có thể đón nhận chúng cách có phê phán. Ta có thể bỏ ý kiến của mình để theo ý kiến của người khác khi ta thấy rõ mình đã lầm. Nhưng cả khi ta nghĩ là phải bảo vệ ý kiến của mình, ta cũng nên cởi mở để đón nhận ý kiến của người khác. 

2. Tha thứ cho nhau

Tha thứ là bài học quan trọng mà Chúa Giêsu thường dạy cho nhóm môn đệ của Ngài cũng như cho mọi người. Có thể nói đó là một nét đặc trưng của giáo huấn Tin Mừng, phát xuất từ gương mẫu của Thiên Chúa Cha và của Chúa Giêsu, cũng như từ bản chất của Hội Thánh là một cộng đoàn yêu thương huynh đệ. Nếu sự tha thứ là một bổn phận của các kitô hữu đối với nhau, thì nó càng là bổn phận giữa hàng linh mục là những anh em với nhau trong chức thánh. Giữa các linh mục với nhau vốn có một tình huynh đệ rất trân trọng. Tuy nhiên không thể phủ nhận rằng trong thực tế nhiều lúc các linh mục vẫn không tránh khỏi những xích mích, nóng nảy gây xúc phạm đến nhau, nhất là trong tương quan giữa các cha xứ và các cha phó. Đã có trường hợp các giáo dân phải thốt lên: “Các cha với nhau mà còn vậy... huống chi là chúng tôi!” Quả thật, bài học tha thứ không phải lúc nào cũng dễ thực hành.

- Tha thứ là tìm kiếm một cái nhìn mới về các mối tương quan giữa anh em với nhau. 

- Tha thứ không phải chỉ là được giải thoát khỏi gánh nặng đau đớn của mình, nhưng cũng chính là giải thoát người khác khỏi gánh nặng của phán đoán nghiêm khắc mà ta có về họ, là khôi phục trong mắt ta phẩm giá của họ. Theo chuyên gia tâm lý Martin Saligman, người ta bị tổn thương nhiều do sự giải thích của chính mình về một biến cố khó chịu hơn là do chính biến cố đó. Do đó, để tha thứ, cần tìm hiểu để biết rõ sự việc, nhất là để hiểu kẻ xúc phạm mình. Hiểu kẻ xúc phạm chính là khám phá được giá trị và phẩm giá của họ, khám phá những nét tích cực của họ. 

- Cùng với sự tha thứ tội lỗi, cũng phải chấp nhận những khuyết điểm của con người như Chúa Giêsu. 

- Tha thứ không phải là một cử chỉ xóa sạch sự xúc phạm - điều này trong thực tế không thể làm được, vì sự xúc phạm mà ta tha thứ vẫn mãi mãi làm thành phần của lịch sử đời ta - nhưng là một cử chỉ tin tưởng ở tha nhân. Để có thể tha thứ, điều thiết yếu là phải tiếp tục tin tưởng vào phẩm giá của kẻ đã gây nên thương tổn. Ta phải khám phá ra nơi người ấy một hữu thể mỏng giòn và yếu đuối như ta, một con người có khả năng thay đổi và thăng tiến. Phải cố gắng trung thực nhìn thấy các ưu điểm của người ta không ưa. Chắc chắn họ cũng có những ưu điểm, kể cả những ưu điểm mà ta không có. 

3. Nâng đỡ nhau trong tình huynh đệ

Linh muc đoàn chúng ta được hình thành từ những con người có cá tính và những khả năng khác nhau. Nhưng đó là một cộng đoàn huynh đệ trong đó mọi người nhìn nhận và đối xử với nhau như anh em. Cuộc sống huynh đệ có nhiều thử thách nhưng cũng nâng đỡ tình bác ái, như cây trên rừng che chở nhau khỏi ngã lúc gió bão. Chúng ta có những điểm khác biệt, nhưng đồng thời cũng có những điểm giống nhau, đó là điều có lợi và cần thiết để thể hiện tình yêu huynh đệ, như Geraldy đã nói: “Cần giống nhau một chút để hiểu nhau, nhưng cần khác nhau một chút để yêu nhau”.

B. Điểm nhấn thực hành 2: Xây dựng tình huynh đệ linh mục bằng niềm vui và nụ cười 

Hằng năm, khi mùa đông chấm dứt, khi những mây đen đã tan hết thành mưa và rơi xuống đất, khi mặt trời bắt đầu nở nụ cười với vạn vật bằng những tia sáng tươi vui và ấm ám, thì mọi người cũng mỉm cười với nhau, trở nên gần gũi và thân tình với nhau hơn. Với niềm vui trong lòng, người ta trở nên cởi mở và dễ dàng nối kết với nhau, coi nhau như anh em một nhà, sẵn sàng xí xóa mọi bất hòa. Nụ cười nở rộ ở đâu thì ở đó sẽ có nhiều người tập họp lại. Trong cuộc sống bon chen vật lộn hằng ngày với canh cánh nỗi lo cơm áo gạo tiền, nụ cười ngày càng trở nên hiếm hoi như nụ hồng trong mùa nắng hạn. Người ta mong sao có được những giây phút thoải mái với những bạn bè thân thiết, để mặc cho những câu chuyện nhiều khi không đầu không đuôi, từ con cà con kê cho đến con dê con ngỗng, cứ thế mà nối tiếp nhau, hết người này đến người khác tham gia, bầu khí trở nên sôi động bằng những tiếng cười rộn ràng như pháo tết. Khi cuộc gặp gỡ đã trôi qua, người ta thấy đọng lại nơi mình một kỷ niệm khó quên, những nỗi nhớ không tên, nhưng có sức xây dựng tình nghĩa anh em. Tình huynh đệ giữa các linh mục trong cùng một giáo phận không chỉ được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa, không chỉ được hướng dẫn bằng giáo huấn của Hội Thánh, nhưng còn được xây dựng bằng niềm vui và những nụ cười.

Trong một xã hội nặng về kỹ thuật khiến con người ngày càng trở nên như những cái máy, người ta muốn tìm lại cho mình một khuôn mặt nhân bản hơn, nên đã định nghĩa con người là một con vật biết cười, vì cười là nét đặc trưng của con người khác với các sinh vật khác. Và nếu theo mạc khải Thánh Kinh con người là hình ảnh của Thiên Chúa, thì nụ cười cũng là một nét đặc biệt trong hình ảnh ấy, nụ cười cũng phát xuất từ Thiên Chúa. 

1. Nụ cười của Thiên Chúa

Trong tác phẩm Thiên Chúa và trần thế, ký giả Peter Seewald đã hỏi Đức Hồng Y Joseph Ratzinger như sau: “Chúa luôn tỏ ra nghiêm nghị, hay Ngài cũng có khi hài hước?” Đức Hồng Y trả lời: “Tôi tin rằng Ngài nhiều hài hước. Đôi khi Ngài đẩy nhẹ ta một cái và nhắc nhở: này con, đừng xem trọng mình! Hài hước thực ra là một thành phần trong bức tranh tươi vui của thụ tạo. Nếu để ý, ta thấy Chúa nhiều lúc trong cuộc sống cũng muốn ta đừng quan trọng hóa vấn đề, hãy hạ mình xuống, hãy nhìn khía cạnh tươi vui và đừng quên mặt hài hước của cuộc sống”. (J. RATZINGER, Thiên Chúa và trần thế, Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội 2011, tr. 15).

Thiên Chúa là nguồn vui của nhân loại, chính Ngài ban tặng niềm vui và nụ cười cho con người, như lời bà Xara đã nói: “Thiên Chúa đã làm cho tôi cười” (St 21,6). Đức Kitô, hình ảnh tuyệt vời của Thiên Chúa cũng là con người của niềm vui, vì Ngài đã đến trần gian để loan báo tin vui của ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại. Khi còn trong dạ mẹ, Đức Kitô đã đem lại niềm vui cho gia đình ông Giacaria và bà Elisabeth, đã khiến cho Gioan Tiền Hô nhảy mừng trong lòng mẹ. Ngày Ngài giáng sinh, các thiên thần đã loan báo tin vui cho các mục đồng thành Bêlem.

Kinh Thánh không chỗ nào nói Chúa Giêsu cười, nhưng qua những câu chuyện do Tin Mừng thuật lại chúng ta có thể suy đoán rằng Ngài cũng vui cười và có óc khôi hài. Nếu Ngài không nở nụ cười hồn nhiên hiền hậu trên môi thì chắc chắn các em thiếu nhi không dám đến với Ngài thường xuyên như thế. Ngài sẵn sàng đến chia sẻ niềm vui ngày cưới với một gia đình tại Cana và đã hào phóng làm phép lạ đầu tiên biến sáu chum nước lã thành rượu ngon hảo hạng để tiệc cưới được tràn đầy hân hoan. Qua những phép lạ chữa lành bệnh tật, Ngài đem lại niềm vui cho những người đau khổ bất hạnh. Bằng sự tha thứ, Ngài phục hồi niềm vui cho những lương tâm bị tội lỗi đè nặng.

Trong giáo huấn của Ngài chúng ta thường gặp thấy những chủ đề về niềm vui như tiệc cưới, niềm vui của người chăn chiên tìm lại được con chiên bị lạc, của người đàn bà tìm lại được đồng bạc bị mất, của người cha gặp lại đứa con hoang đàng, vv. Ngài cũng có nhiều câu nói dí dỏm như: “Mù dắt mù, cả hai sẽ lăn cù xuống hố”. Nhiều khi Ngài cũng khôi hài, chẳng hạn khi đến nhà con gái của ông Giairô, trưởng hội đường, thấy người ta thổi kèn đám ma trước xác chết của em, Ngài nói: “Em bé không chết đâu, nó ngủ đấy thôi”, khiến nhiều người cười Ngài. 

Khi thánh Phêrô hỏi Ngài rằng khi bị anh em xúc phạm thì phải tha thứ bao nhiêu lần, có phải đến bảy lần không, thì Ngài đã trả lời với lối chơi chữ thật sâu sắc mà cũng rất vui: “Thầy bảo anh: không phải tha thứ đến bảy lần, mà đến bảy mươi lần bảy”.Trong vụ án người phụ nữ bị các luật sĩ và biệt phái tố cáo phạm tội ngoại tình, Ngài bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội thì hãy ném đá chị ấy trước đi”. Và thế là mấy ông âm thầm rút lui, từ người già nhất đến người trẻ nhất. Thật là buồn cười. 

Trong bữa tiệc ly khi Ngài nói với các môn đệ rằng đã đến giờ họ phải chiến đấu, một cuộc chiến đấu thiêng liêng, với kiểu nói tượng trưng: “Ai chưa có gươm thì hãy bán áo đi mà mua” (Lc 22,36); các môn đệ không hiểu ý Ngài nên đã thưa: “Lạy Chúa, đã có hai thanh gươm đây” (c. 38). Ngài liền bảo: “Đủ rồi!” (c. 38). Theo cách giải thích của các nhà chú giải Thánh Kinh, hai chữ “đủ rồi” không có ý nói về hai thanh gươm, nhưng có ý nói về sự ngu dốt của các môn đệ: “Đủ rồi sự ngu dốt của các anh !” hoặc: “Thôi đủ rồi! Đừng chậm tiêu như vậy nữa!” Từ lâu nay Ngài vẫn dạy sự hiền lành, tha thứ, không chống cự lại với người khác, chứ có bao giờ Ngài dạy dùng bạo lực đâu. Thế mà đến giờ phút ấy các môn đệ vẫn không hiểu lời dạy của Ngài, thậm chí Phêrô còn mang gươm vào vườn Giêtsêmani và chém đứt tai tên đầy tớ thượng tế, khiến Ngài phải quở trách: “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm” (Mt 26,52).

2. Niềm vui đời linh mục

Linh mục là con người theo chân Đức Kitô, và trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, vì vậy linh mục cũng phải là con người của niềm vui, vừa cảm nghiệm được niềm vui trong cuộc đời linh mục, vừa thi hành tác vụ linh mục để đem lại niềm vui cho kẻ khác.

Trong những ngày vừa qua các mạng thông tin có giới thiệu một cuốn sách nhan đề là Why priests are happy ?, của Đức Ông Rossetti, do nhà xuất bản Ave Maria Press phát hành ngày 12-10-2011, trong đó tác giả cho thấy các linh mục nói chung thuộc nhóm người hạnh phúc nhất trong xã hội, mặc dù trong những thời gian gần đây có một số linh mục bị tố cáo về tội lạm dụng tình dục trẻ em, nhưng đó chỉ là con số nhỏ giữa một đa số linh mục đang sống hết mình với ơn gọi và cảm thấy thực sự hạnh phúc. Chỉ vì tư lợi cá nhân và mục tiêu riêng, một số người và một số báo chí đã thổi phồng chuyện các linh mục lạm dụng tình dục trẻ em, nhưng lại cố tình bỏ quên con số rất lớn các linh mục thánh thiện đạo đức kia.

Tác giả của quyển sách là một nhà tâm lý chuyên sâu nên những nhận định của ông có một giá trị đáng kể. Trả lời phỏng vấn của phóng viên Geneviere Pollock của hãng thông tấn Zenith, tác giả nói rằng đã có một số nghiên cứu ở Mỹ trong vài năm qua với các phát hiện chính xác như sau: khoảng 90% các linh mục nói rằng họ hạnh phúc. Trong nghiên cứu của tác giả tỉ lệ này lên đến 92,4%.

Các linh mục là những người hạnh phúc nhất bởi vì họ ý thức mình được Thiên Chúa yêu thương tuyển chọn và sai đi rao giảng Tin Mừng. Trong cuộc đời thường ai cũng cảm thấy sung sướng khi đem tin vui đến cho kẻ khác, phương chi đó là tin vui về ơn tha thứ và tình thương của Thiên Chúa. Các linh mục hạnh phúc vì họ thoát ly mọi ràng buộc của cuộc đời trần thế để hết tình theo đuổi lý tưởng. Cuộc đời thật có ý nghĩa và tràn đầy hạnh phúc khi có một lý tưởng để theo đuổi, phương chi đó là lý tưởng về việc xây dựng Nước Trời. Các linh mục cảm thấy hạnh phúc vì bên cạnh mình, chung quanh mình, đi trước và đi sau mình, có những anh em cùng chia sẻ lý tưởng ấy với mình và cùng đồng hành, nâng đỡ mình. Đó là niềm vui của tình huynh đệ linh mục. Bất kỳ ở đâu, khi gặp một linh mục, cho dù chưa hề quen biết, ta vẫn cảm thấy thật gần gũi và thân thương như thể đã quen nhau từ lâu: tay bắt mặt mừng, hỏi han đủ chuyện.

Huấn thị của Bộ Tu sĩ về đời sống huynh đệ trong cộng đoàn Congregavit nos in unum Christi amor, số 28, đã dạy: “Cuối cùng, chúng ta không được quên rằng sự bình an và hoan lạc trong đời sống chung là những dấu chỉ của Nước Thiên Chúa. Niềm vui sống cả giữa những khó khăn gặp phải trên hành trình thiêng liêng và nhân bản, và cả giữa những phiền muộn hằng ngày cũng đã là một phần của Nước Trời... Tình huynh đệ không có niềm vui là tình huynh đệ đang chết, sớm muộn các thành viên sẽ bị cám dỗ đi tìm ở nơi khác điều mà họ không thể tìm thấy trong cộng đoàn của mình. Một tình huynh đệ đầy niềm vui là ân huệ từ trên ban cho anh em, chị em, là những người biết cầu xin và biết chấp nhận nhau, phó thác cho đời sống huynh đệ, tin tưởng vào hành động của Chúa Thánh Thần. Do đó lời thánh vịnh đã được ứng nghiệm: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau... Nơi đây ân huệ Chúa ban, chính là sự sống chứa chan muôn đời” (Tv 132,1-3)...

Chứng từ niềm vui là sự lôi cuốn mãnh liệt vào đời sống tu trì, là nguồn phát sinh những ơn gọi mới và khích lệ bền đỗ”.

Nếu người ta nói: “Một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn”, thì người ta cũng có thể nói như vậy về các linh mục: “Một linh mục buồn là một linh mục đáng buồn”, vì không thu hút được ai. Cũng như một đóa hoa nở ra và quyến rũ người chiêm ngắm thế nào thì niềm vui nở trên khuôn mặt một linh mục cũng có sức lôi cuốn người ta đến với ngài để ngài dẫn đưa họ đến với Thiên Chúa như thế.

3. Xây dựng tình huynh đệ linh mục bằng niềm vui và nụ cười

Tình huynh đệ linh mục trở nên mặn nồng ấm áp không những nhờ những niềm vui thiêng liêng do đức ái mục vụ đem lại, mà còn nhờ những nụ cười. Cười là một đặc tính riêng biệt của con người, đến độ có người đề nghị đưa ra một định nghĩa mới về con người: “con người là một con vật biết cười”, như trên đây chúng ta đã nói. Nơi con người, nụ cười là dấu ấn của Thiên Chúa. Con người là loài duy nhất mà Thiên Chúa đã phú ban cho cái quyền lực của tiếng cười. Súc vật không biết cười. Và khi con người trở nên sói dữ đối với nhau thì họ không còn cười nữa (R. Choin). 

Ngoài ra, tiếng cười mang xã hội tính: ai bắt đầu mỉm cười sẽ tạo được hạnh phúc quanh mình và nụ cười sẽ trở lại với người ấy qua nụ cười của những người xung quanh. Vì thế Đức Hồng Y Suenens đã nói: “Mỉm cười, đó là nhìn người khác với đôi mắt Thiên Chúa, là một tia sáng phát xuất từ khuôn mặt Thiên Chúa và nói với người khách lạ rằng họ đã được nhận biết và chấp nhận làm anh em với ta”. Vì tiếng cười là của riêng con người và có sức tác động lên những người chung quanh, nên nó mang tính nhân bản và văn hóa, có sức cải hóa và xây dựng con người, đồng thời góp phần xây dựng và tô điểm đời sống chung. 

3.1. Tính nhân bản và văn hóa của óc khôi hài và những nụ cười

Không phải ai cũng biết khôi hài, nhưng dường như ai cũng thích khôi hài. Tờ báo nào cũng có mục vui cười và ngay cả có những tờ báo dành hoàn toàn cho những chuyện cười, chẳng hạn tờ Tuổi Trẻ Cười. Chương trình văn nghệ nào cũng có những mục hài, và đây thường là những mục ăn khách nhất. Hầu như gia đình Việt Nam nào, cả ở trong nước lẫn ở nước ngoài, cũng đều có những băng hay đĩa ca nhạc hài hay kịch hài. Khi có một băng hay đĩa hài nào mới ra, nhất là do những nghệ sĩ hài nổi tiếng diễn xuất, người ta đổ xô đi mua. Người ta xem đi xem lại nhiều lần các chương trình hài mà vẫn không thấy chán. Những câu nói hài ý nhị được người ta học thuộc lòng và trích dẫn thường xuyên trong những cuộc gặp gỡ thân hữu. Đó là một hiện tượng văn hóa có sức mạnh bùng nổ khắp nơi, vừa đem lại những giây phút thư giãn thoải mái như câu kết trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du: “Mua vui cũng được một vài trống canh”, giúp giải tỏa những căng thẳng trong cuộc sống bon chen vật lộn với miếng cơm manh áo hằng ngày, vừa trở thành khí cụ sắc bén giúp sửa chữa những cái sai cái xấu trong xã hội. Mahatma Gandhi viết: “Óc khôi hài là cây gậy giữ thăng bằng khi chúng ta đang bước đi trên sợi dây cuộc đời. Nếu chúng tôi không có óc khôi hài thì chắc chắn chúng tôi đã tự tử lâu rồi”. 

Trong những nền văn hóa cổ xưa, người giúp vui thường có địa vị ngang hàng với các tư tế. Cả tư tế và người giúp vui luôn luôn hiện diện để nhắc nhở dân chúng về các giá trị quan trọng của nền văn hóa. Tất cả các diễn viên hài đều có một điểm chung: họ có thể làm cho tâm hồn khán thính giả rung động. Cũng như các ngôn sứ, họ không chỉ lên án thế giới, nhưng một cách nào đó họ đem lại cho chúng ta một niềm hy vọng. Nụ cười khôi hài bao giờ cũng thân thiện và nhạy cảm, bao giờ cũng là dấu chỉ của văn hóa nhân loại.

Theo định nghĩa của Encyclopedia Britanica, tính khôi hài có thể được diễn tả như một cảm quan giúp chúng ta nhìn nhận cách khoan dung những cái nghịch thường, lập dị của cuộc đời, và rồi chúng ta dùng lời nói, văn chương hay những loại hình nghệ thuật khác để nói lên cảm quan đó. (x. “Humor” trong Encyclopedia Britanica, quyển 11, 1959, tr. 885-887.) Để có một định nghĩa ngắn gọn về óc khôi hài, ta có thể nói như sau: khôi hài chính là khả năng biết cười trong mọi hoàn cảnh.

Tại Tây Phương, từ thế kỷ XIX, óc khôi hài có thể được kể vào số các đức tính cột trụ của những người nói tiếng Anh. Khôi hài cho thấy một nét đẹp nhất của nếp sống Anh Mỹ. Những nền văn hóa này đã cho ra đời các vĩ nhân hài hước như Dickens chẳng hạn. Người Trung Hoa có những câu châm ngôn rất dễ thương về nụ cười: “Người không biết mỉm cười thì không nên mở cửa hàng”; “một nụ cười không đáng giá là bao nhưng làm nên tất cả”; “nụ cười chỉ trong khoảnh khắc, nhưng âm hưởng của nó trải dài cả một đời người”. Người Việt Nam chúng ta cũng thường nói: “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ!”

Dĩ nhiên có nhiều sắc thái hàm ẩn trong nụ cười. Có nụ cười bí hiểm nhằm che giấu linh hồn mình hơn là bộc lộ. Có nụ cười hoài nghi nhằm nói lên sự ngờ vực đối với tha nhân và tình trạng đề cao cảnh giác nội tâm của mình, hay sự bất cần của mình đối với tất cả những gì xung quanh. Có nụ cười khinh miệt diễn tả thái độ trịch thượng của mình đối với tha nhân. Có những nụ cười mỉa mai, nhạo báng do sự kém cỏi của tâm hồn. Nó không xây dựng được gì cả, chỉ phá hủy. 

Nhưng đó chỉ là nhữnh hình thức băng hoại của nụ cười. Đúng ra nụ cười chỉ có thể được sử dụng để mạc khải cái ngã thâm sâu của mình với tất cả sự thân tình. Trường hợp các em bé chứng tỏ điều ấy: bao lâu các em không cười, các bà mẹ có cảm tưởng như chỉ có một nửa con người của các em thôi. Các bà cưng chiều, âu yếm, và khi nụ cười xuất hiện trên đôi môi đứa bé, các bà cảm thấy sảng khoái tuyệt vời. Một tâm hồn bé thơ vừa tự bộc lộ. Nụ cười là một bông hoa mà Thiên Chúa đã sớm đặt trên môi miệng chúng ta ngay từ thời thơ ấu. Trước khi biết diễn tả bằng bất cứ cách nào, trẻ thơ đã biết nhoẻn miệng cười, và cái cười của nó làm cho mọi người được sung sướng. Trước khi con người làm bất cứ việc gì, họ đã biết nô đùa. Nụ cười được trao ban cho chúng ta để chúng ta nhờ nụ cười có thể dâng hiến cái ngã thâm sâu của chúng ta cho tha nhân và làm cho tha nhân cảm thấy sảng khoái với sự hòa hợp tâm hồn của chúng ta và của họ. 

Giá trị nhân bản và văn hóa của nụ cười thật là rõ ràng. Tiếng cười được mệnh danh là dòng nhạc của Thiên Chúa. Tiếng cười đó vang lên trong sân trường vào giờ giải lao, trong một vườn trẻ, trong một cuộc họp mặt của các bạn trẻ. Tiếng cười đã được Victor Hugo gọi là những hạt ngọc trên môi. Nhưng óc khôi hài đích thực không thể trở thành thái quá. Nó không bao giờ được mang tính khinh miệt, không bao giờ được biến thành châm chích hoặc mỉa mai, không bao giờ được mang tính vô luân hay tục tĩu. Bởi lẽ óc khôi hài chính là nụ cười của tình yêu trong sáng.

Sự khôi hài xuất hiện đúng lúc có thể giúp ngăn lại khuynh hướng muốn bi thảm hóa những chuyện lặt vặt, và trong trường hợp có những hoàn cảnh bi thảm thực sự, thì sự khôi hài giúp đưa tình trạng bi thảm đó trở về với những mức độ tương đối có thể chịu đựng được, đồng thời giúp ta nắm vững những năng lực tinh thần để có thể đương đầu. Chúng ta hãy biết cười, vì theo lời Đức Hồng y Suenens, nụ cười là sức mạnh đích thực, không chỉ hấp dẫn người khác mà còn trấn tĩnh chính bản thân. Vì thế Maguerite Baur đã khuyên: “Hãy cười vui vẻ vào những ngày đẹp trời, cười can đảm vào những ngày u ám. Đừng để mất đi tí nào những niềm vui nho nhỏ là những tia sáng của cuộc đời ta”.

Dĩ nhiên người ta có thể dùng sự châm biếm để chỉ trích sự xấu. Kinh thánh cũng có nhiều trường hợp điển hình như vậy, và các nền văn hóa còn chất chứa nhiều ví dụ loại đó. Đồng thời cũng hoàn toàn hữu lý khi chúng ta nỗ lực để có thể cười được trước những áp lực bất công. Đối với một người nào đó quá quen với một thói xấu hung ác, người ta cũng được phép dùng sự châm biếm trong một mức độ nào đó để giải tỏa ảnh hưởng của họ. Đức ái buộc ta phải bảo vệ những người vô tội và yếu ớt. Tuy nhiên, nhiều người có thể vì bị châm biếm mà trở thành khép kín, cô lập, đến độ trốn tránh tất cả mọi người. Vì vậy ngay cả trong trường hợp cần phải sử dụng sự khôi hài để sửa lỗi người khác, chúng ta vẫn phải giữ sự hòa nhã vui tươi biểu lộ một lòng yêu mến chân tình đối với họ. 

Lần nọ cha Vianney gặp một bà trong xứ đến chào ngài. Biết bà là người lắm mồm lắm mép, nói huyên thuyên suốt ngày, ngài liền hỏi:
- Trong suốt năm có tháng nào bà nói ít hơn mọi tháng không?

Bà ta bỡ ngỡ trả lời:
- Thưa cha, con thì quen thói rồi, tháng nào con cũng nói như nhau cả.
- Không, có một tháng bà nói ít hơn. Bà biết tháng nào không?

Bà ngẩn ngơ: 
- Tháng nào, thưa cha?
- Tháng hai, vì tháng đó chỉ có 28 ngày.

Tóm lại, một nụ cười không hao tốn gì, nhưng đem lại rất nhiều điều đáng giá. Nụ cười làm phong phú những người tiếp nhận mà không làm cho người biếu tặng nó bị nghèo nàn đi. Khi cười người ta chỉ mất một khoảng thời gian rất ngắn, nhưng đôi khi ký ức về nó kéo dài mãi mãi. Không ai quá giàu để không cần đến nụ cười và cũng không ai quá nghèo đến độ không cho nó được. Nụ cười tạo ra niềm hạnh phúc trong gia đình, và là dấu hiệu hữu hình của tình bạn. Nụ cười mang lại thư giãn cho người mệt mỏi, niềm vui cho người bị thất vọng, sưởi ấm tâm hồn buồn phiền và là một loại thuốc giải độc tự nhiên mỗi khi gặp rắc rối. Khi gặp một người nào đó quá mỏi mệt đến độ không thể mỉm cười với chúng ta thì chúng ta hãy tặng người ấy nụ cười của mình. 

3.2. Vai trò của óc khôi hài và của nụ cười trong đời linh mục

Óc khôi hài và nụ cười là những gì thuộc nhân bản, các linh mục chỉ có thể vun xới óc khôi hài khi vun xới tính nhân bản và việc sống chung huynh đệ. Như thế phải chăng óc khôi hài rất cần thiết trong cộng đoàn linh mục ? Thường người ta quan niệm tu hành là một cuộc đời khắc khổ. Đối với Phật giáo, kẻ tu hành đã xuống tóc, khoác áo nâu sồng, thì làm sao còn tìm vui thú? Truyền thống Kitô giáo cũng không khác gì truyền thống Phật giáo. Những nhà tu hành đầu tiên đã lánh đời, tìm vào sa mạc, sống đời nhiệm nhặt, như Simon cột. Hình ảnh ông thánh bà thánh phải có nét mặt nghiêm nghị, nếu không muốn nói là sầu bi. 

Thế nhưng, nụ cười là một trong những món quà tuyệt vời nhất Thiên Chúa gửi đến cho con người. Đời sống linh mục chẳng những không bóp chết mà còn phải phát huy tất cả những gì Thiên Chúa ban. Ngoài ra, nụ cười còn là dấu chỉ của ân sủng. Quả thế, Đức J. Ratzinger đã viết: “Ở đâu óc khôi hài không còn, thì ở đó chắc chắn cũng không còn tinh thần của Đức Kitô, vì niềm vui là dấu chỉ của ân sủng”. ( J. RATZINGER, được trích dẫn trong B. HÄRING, Tự do và trung thành trong Đức Kitô (Free and faithful in Christ), tập III, do Lm Dom. Nguyễn Đức Thông dịch, tr. 533.).

Hơn nữa, nếu linh mục là con người được coi là siêu thoát, thì linh mục đồng thời cũng phải là con người biết khôi hài, bởi vì sự khôi hài ăn rễ sâu trong sự siêu thoát của nhân cách đối với hoàn cảnh sống. Theo nghĩa ngày, mỗi vị thánh trong tiềm năng là một người có óc khôi hài, cả khi xem ra như ngài rất nghiêm nghị, ít nói, đối với những ai không đủ khả năng để hiểu sự khôi hài của ngài. 

Ai cũng ghê sợ bệnh phong cùi, nhưng khi cha Đamiêng, vị tông đồ nổi tiếng của các bệnh nhân phong tại đảo Molokai, thấy mình bị nhiễm bệnh ấy thì vui vẻ nói: “Tuyệt, từ nay thay vì bắt đầu bài giảng bằng câu: anh chị em thân mến, tôi sẽ nói là: thưa các bạn phong thân mến của tôi”. Các thánh dẫn ta tới sự thánh thiện trong tươi cười. Người ta kể lại rằng thánh Thomas More lúc lên máy chém đã nói với lý hình: “Xin hãy giúp tôi bước lên, còn lúc xuống thì tôi xuống một mình cũng được”.

Khi hoàng đế Napoléon của Pháp lên đến tột đỉnh tham vọng, ông tuyên bố sẽ phá đổ ngai tòa giáo hoàng và Hội Thánh. Nghe thế, Đức Hồng Y Consalvi góp ý: “Tâu hoàng đế, trong suốt 18 thế kỷ nay, hàng giám mục chúng tôi chưa phá nổi Hội Thánh vì những lỗi lầm của mình, thì làm sao một mình ngài có thể phá nổi trong vài năm”.

Sau thời cách mạng Pháp 1789, tinh thần bài giáo sĩ tại nước này đang lên cao. Một hôm có hai sĩ quan từ lâu đã mất đức tin đang đi trên đường thì nhìn thấy từ đàng xa cha thánh Gioan Maria Vianney với chiếc áo dòng đen đang đi ngược chiều về phía mình. Hai viên sĩ quan mới nói với nhau: “Nghe đồn rằng ông cha này đạo đức thánh thiện và bác ái, vậy chúng ta hãy thử xem ông ta thực sự có lòng thương người như người ta đồn đãi hay không!”. Vậy khi cha thánh đến gần, hai chàng sĩ quan giả bộ người lỡ đường và nói với ngài rằng:

- Thưa cha, chúng con là những binh sĩ về phép, dọc đường bị trộm móc túi hết cả tiền bạc và phải nhịn đói, vậy xin cha giúp chúng con một ít tiền để mua thức ăn cho đỡ đói.

Cha thánh lộ vẻ lúng túng, đoạn ngài bảo hai chàng chờ một chút, rồi ngài tiến đến một bụi rậm. Một ít phút sau ngài bước ra tiến lại gần hai chàng thanh niên với chiếc quần tây được xếp ngay ngắn trên tay và nói:

- Tiền bạc thì tôi không có, nhưng hai anh có thể cầm đỡ chiếc quần này của tôi đem bán, mặc dù nó cũ nhưng vẫn còn bán được đấy!

Lúc ấy hai chàng sĩ quan quá xúc động mới thú thực rằng họ chỉ có ý thử ngài thôi. Hai chàng cũng cho ngài biết họ đã bỏ đức tin từ lâu, nay nhìn thấy tấm gương sáng của ngài, họ muốn xin xưng tội và hứa sẽ giữ đạo đàng hoàng. Bấy giờ cha thánh ngước mắt lên trời và nói:

- Lạy Chúa, Ngài thật quá ư quảng đại! Con chỉ hy sinh có một chiếc quần cũ mà Chúa lại ban cho con những hai linh hồn!

Trong cộng đoàn linh mục cũng cần đến những người có óc khôi hài để tạo ra những nụ cười, khiến cho bầu khí sống chung đỡ căng thẳng vì những va chạm hằng ngày. Một chủng viện không có tiếng cười cũng giống như một khu rừng không có tiếng chim ca. Một cộng đoàn thiếu vắng người nghệ sĩ cũng giống như một khu vườn không có bông hoa. Không có cảnh nào vui và gây nhiều ấn tượng cộng đoàn hơn cảnh các linh mục trong những lúc gặp gỡ nhau nói cười rộn rã, câu chuyện nổ dòn như pháo Tết, những tiếng nổ không làm chết ai, nhưng đem lại niềm vui và những kỷ niệm êm đềm khó quên. Tiếng cười tự nhiên có sức hợp đoàn khiến mọi người muốn tham gia. Khi thấy có mấy chị em nữ tu đang nói cười vui quá, một chị ở đàng xa tiến lại và nói: “Các chị cười gì cho em cười với!”.

Thay vì những trò đùa châm biếm hướng về kẻ khác, một hình thức khôi hài có khả năng tạo thân thiện, đó là sự khôi hài hướng về chính mình. Những bài thơ tự trào của Nguyễn Khuyến hay Nguyễn Công Trứ thật là hay và có tác dụng vạch trần những cái xấu, cái dở, cái dỏm, bắt đầu từ chính mình. Khi chúng ta thành thực làm cho mình trở thành mục tiêu của sự khôi hài, về những cái điên rồ của mình, như cố làm ra vẻ quan trọng, cố trở nên một cái gì khác với chính mình, lúc đó chúng ta đạt được một sự quân bình. Ai có tinh thần khôi hài thì cười nhạo chính mình, ai có trí xảo thì cười nhạo người khác. Người ta thường kể những giai thoại vui tươi ý nhị như thế trong cuộc đời của cha thánh Gioan Maria Vianney.

Cha thánh Gioan Maria Vianney lúc còn là chủng sinh, học rất chậm. Ngày kia một giáo sư thần học thừa lệnh Đức Giám mục đến sát hạch ngài, để xem thử ngài có đủ khả năng làm linh mục không, nhưng ngài đã không trả lời được câu hỏi nào, khiến vị giáo sư phải nổi nóng và đập bàn quát:

- Vianney, anh dốt như con lừa! Với một con lừa như anh, Hội Thánh hy vọng làm nên trò trống gì?

Nhưng ngài khiêm tốn và bình tĩnh trả lời:

- Thưa thầy, ngày xưa ông Samson chỉ dùng một cái xương hàm con lừa mà đánh bại được ba ngàn quân Philitinh. Vậy với cả con lừa như con đây, Thiên Chúa không làm được việc gì sao?

Lần kia, cha thánh Vianney thấy ở trước sân nhà thờ có một quầy bán ảnh tượng và có cả hình của ngài nữa. Ngài liền dừng lại, cầm lấy tấm hình của ngài, đưa lên cao cho mọi người xung quanh xem và nói: “Thiên hạ dại dột thật, cái hình nhăn nheo như con khỉ khô này mà cũng phải mua mất một đồng quan!”. Các người đứng xung quanh được dịp cười lăn chiêng. Cha Vianney cũng cười, giao trả lại tấm ảnh rồi bước vào nhà thờ.

Niềm vui và nụ cười rất cần thiết cho cuộc đời linh mục và cho sứ vụ tông đồ: nó giúp cho tình huynh đệ ngày càng lớn lên như cây cối dưới ánh sáng mặt trời và giúp cho công việc mục vụ tông đồ dễ đạt kết quả. Guy de Larigaudie đã nói: “Một khuôn mặt vui vẻ, đó là một mặt trời rặng rỡ. Nó soi sáng và sưởi ấm hết mọi người nó gặp gỡ”. Niềm vui và nụ cười phát xuất từ một tâm hồn lạc quan, khiến cho bất cứ điều tồi tệ nào cũng có thể vượt qua hoặc chấp nhận dễ dàng. Ngoài ra, nơi người linh mục, niềm vui siêu nhiên phát xuất từ một tâm hồn trong sạch và từ tâm tình tri ân đối với Thiên Chúa, có sức giúp các linh mục trở nên giống Đức Maria trong cuộc đời dâng hiến: với tâm hồn trong trắng đơn sơ Mẹ thưa Fiat, với niềm vui tri ân Mẹ thưa Magnificat, và cuối cùng với tâm tình phó thác Mẹ Stabat vững vàng dưới chân thập giá.

Giờ chầu bế mạc, trước Chúa Giêsu Thánh Thể, từng linh mục lập lại lời nguyện tận hiến: “Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con; số mạng con chính ngài nắm giữ”. (TV 15,7).

Tuần tĩnh tâm giúp nhiều ơn ích thiêng liêng cho các linh mục. Kết quả sâu lắng của tĩnh tâm sẽ rao sao, chỉ có cá nhân linh mục và Chúa Thánh Thần biết, nhưng kết quả trước mắt ai cũng thấy được chính là việc bồi dưỡng tình huynh đệ linh mục.


+ Mátthêu Nguyễn Văn Khôi
Giám mục phó Gp. Quy Nhơn,

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn