1
19:51 +07 Thứ bảy, 27/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 198

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 197


Hôm nayHôm nay : 29158

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 333280

Tổng cộngTổng cộng : 27887564

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » PHỤNG VỤ

Mười sai lầm không nên phạm khi giảng lễ

Thứ ba - 04/10/2016 10:49-Đã xem: 3180
Bí Tích Thánh Thể là Bí Tích cao trọng nhất, trong đó, chính Chúa Giêsu Kitô hiện diện, tự hiến và trở nên lương thực; nhờ đó, Giáo Hội tiếp tục được sống và tăng trưởng. Hy lễ Thánh Thể, tưởng niệm sự chết và sự sống lại của Chúa, tiếp diễn mãi mãi Hy Lễ Thánh Giá, là tuyệt đỉnh và nguồn suối của tất cả phụng tự và đời sống Kitô giáo.
Mười sai lầm không nên phạm khi giảng lễ

Mười sai lầm không nên phạm khi giảng lễ

Giảng lễ là một nghệ thuật khó, nó có nhiều “bất trắc”, vì thiếu chuẩn bị, nó có thể làm cho người nghe chán, vì thiếu chủ đề trọng tâm, nó có thể làm cho tín hữu không đào sâu được đức tin…

Trong tác phẩm của họ, “Và tôi, tôi nói cho bạn: hãy tưởng tượng! Nghệ thuật khó khăn của việc rao giảng” (E IO TI DICO: IMMAGINA! L’arte difficile della predicazione), các cha Dòng Tên Gaetano Piccolo, tổng thư ký ban tông đồ tri thức của Dòng và Nicolas Steeves, linh mục nhà thờ Thánh I-Nhã ở Paris, cả hai đều là giáo sư Đại học Gregoria, họ đưa ra một danh sách ít nhất là mười sai lầm đừng phạm để đứng làm cho giáo dân chán, và tệ hơn nữa là làm cho họ bỏ lễ.

Trong lời nói đầu, các tác giả nhắc lại, mục đích của việc rao giảng “không phải rao giảng cho mình, nhưng là để cứu những người nghe”. Một người đi giảng đều có điểm yếu điểm mạnh của mình, hoặc có một chủ đề mà họ thích trở lại một cách tự nhiên, trực tiếp hoặc gián tiếp trong tất cả bài giảng của mình. Đây không phải là việc trở nên siêu anh hùng rao giảng, nhưng đúng hơn là nhận diện các điểm yếu bị lặp đi lặp lại nhiều lần, có thể tạo nên vấn đề và tuyệt đối phải tránh.

  1. Thiếu chuẩn bị

Khác với sự đào tạo ở chủng viện, sai lầm xưa cổ đầu tiên là thiếu chuẩn bị bài giảng. Có cả ngàn lý do tốt, xấu để biện minh cho việc không chuẩn bị bài giảng: hội họp, diễn thuyết, có vấn đề cá nhân, quá nhiều việc. Nhưng các lý do này cho thấy sự hời hợt không tránh được, để rồi cuối cùng làm cho người nghe chán ngấy. 

  1. Thiếu chủ đề trọng tâm

Sự thiếu chuẩn bị này thường kéo theo việc bài giảng không có chủ đề trọng tâm, mà khổ thay, đây cũng là vấn đề lớn xảy ra ngay cho cả bài giảng đã được chuẩn bị. Một trong các vấn đề thường gặp nơi người đi giảng là trước khi giảng, họ không ngồi xuống tịnh tâm tự hỏi: “Trong vài chữ, đâu là chủ đề tôi sẽ nói với tín hữu vào chúa nhật sắp tới?”. Nếu người giảng không có một ý chính nào trong đầu, thì chắc chắn sau bài giảng, người nghe cũng không biết người giảng muốn nói gì.

  1. Bài giảng quá dài

Một sai lầm thường gặp trong các bài giảng thiếu chuẩn bị là quá dài, thậm chí có thể nói là “dài quá đáng”, các bài giảng được chuẩn bị ít dài hơn nhưng nhiều khi cũng dài. Trong thời gian tập sinh, các chủng sinh Dòng Tên được dạy: “Ngày chúa nhật không dài quá 10 phút, trong tuần không dài quá 5 phút”. Người ta còn nói: “Năm phút đầu tiên, chúng ta lay động tâm hồn, thời gian còn lại thì những người ngồi sau lúc lắc”. Người ta còn ví von: “Bài giảng phải như chiếc váy ngắn: đủ dài để che cái cần phải che, nhưng khá ngắn để tạo hấp dẫn”.

  1. Văn nghệ giải trí

Trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, Đức Phanxicô nhắc lại, bài giảng “không được như một màn văn nghệ giải trí; không đáp ứng theo kiểu các phương tiện truyền thông, nhưng phải mang lại sự sốt sắng và ý nghĩa của việc cử hành lễ” (EG 138). Dĩ nhiên phải tranh lời lẽ thô tục, xoàng xỉnh hay sở thích quá độ kiểu trình diễn giải trí. Rất hiếm khi các người rao giảng vừa giảng vừa dùng các vật dụng như (cờ, đèn..) mà không làm cho giáo dân xao nhãng trong sự gặp gỡ phải có của họ với Chúa. 

  1. Kéo sự chú ý về mình

Thật ra, bài giảng phải là “kinh nghiệm sâu đậm và hạnh phúc với Thần Khí, một cuộc gặp gỡ an ủi với Lời Chúa, nguồn liên tục làm mới lại và làm tăng trưởng” (EG 135). Bởi vì, đây đúng là “giây phút cao nhất của cuộc đối thoại giữa Chúa và dân của Ngài, trước khi rước Mình Thánh Chúa” (EG 137). Như thế, nếu người rao giảng kéo hết sự chú ý về phần mình thay vì đưa giáo dân đến cuộc đối thoại với Chúa, thì dù cho họ có nói những chuyện hấp dẫn nhất thế giới, bài giảng của họ sẽ không bao giờ là một bài giảng, bởi vì nó mất mục tiêu mà đáng lý phải có để trao truyền.

  1. Bài diễn văn răn bảo

Bài giảng phải mời gọi tín hữu đáp ứng một cách cụ thể khởi đi từ khía cạnh huyền nhiệm của đời sống thiêng liêng hay chiêm niệm công việc tạo dựng. Bài giảng thường, nếu không muốn nói là phải, dự trù một phần luân lý, theo đó kêu gọi tín hữu làm điều tốt, sau phần đầu là phần làm cho giáo dân hiểu cái đẹp, cái đúng. Nhưng bài giảng không thể kê từ đầu đến cuối một danh sách những chuyện phải làm hay không nên làm.

Bài giảng không phải là lúc để dạy đời. Một vài bài giảng răn bảo đi theo hướng cánh hữu (luân lý về giới tính, nhắc lại luật lệ…), một vài bài giảng đi theo hướng cánh tả (kinh tế, môi sinh, công chính xã hội…): vấn đề không phải là tự chính nội dung của nó nhưng là sự mất quân bình giữa chiêm niệm và hành động. Dù bài giảng là nhắm đến việc khơi dậy nơi tín hữu kitô các cách đối xử tốt nhất, nhưng nó không thể chỉ thuần là người răn bảo về mặt chính trị-xã hội.

  1. Duy linh

Bài giảng phải có gốc rễ cụ thể trong đời sống hàng ngày của tín hữu hay đời sống xã hội của họ, bài giảng không bay trên mây, khai thác các khía cạnh ngụy-thần nghiệm, mà thức chất nó không có tác động thật sự.. 

  1. Duy trí

Duy trí là lỗi lầm gần với duy linh, nhưng nặng về mặt văn hóa và rất phổ biến. Vì sự đào tạo chặt chẽ và trí tuệ ở chủng viện, các tài liệu, các bài trình bày, các luận án là những hình thức diễn tả duy nhất được yêu cầu, nên đôi khi họ nghĩ, các tài liệu này là phương tiện tốt để trao truyền với tín hữu trong bài giảng. Khi đó, bài giảng trở thành bài chú giải lịch sử và phê phán hoặc bài kể chuyện như một bài học thần học về tín lý hay nền tảng.

  1. Giáo lý

Một sai lầm gần với duy trí là biến bài giảng thành bài giáo lý. Khuynh hướng này rất tinh tế, do một truyền thống đầu tiên hết trong Giáo hội: dạy dỗ tín hữu về các huyền nhiệm kitô giáo qua các bài giảng. Đó là trường hợp các bài giảng có tính cách giáo lý hay giáo lý khai tâm ở các thế kỷ đầu tiên. Các bài giáo lý của Cyrille de Jérusalem hay của Ambroise được tái khám phá trong những năm 50 vào thời kỳ của các tổ phụ, ca ngợi sự kiên nhẫn dạy dỗ của họ.

Rất nhiều giáo phận bây giờ triển khai một chương trình giáo lý khai tâm cho các dự tòng người lớn. Vấn đề liên hệ đến bài giảng ở đây là bài giảng trong thánh lễ không phải là lúc dạy giáo lý.

  1. Giải thích dài dòng

Vì thiếu tưởng tượng hay thiếu chuẩn bị, một vài nhà rao giảng nghĩ, để giảng, chỉ cần lặp lại bài phụng vụ vừa đọc theo chữ của mình. Khổ thay, cách làm này lại gây nhàm chán, vì nó chỉ lặp lại bài đã đọc mà không nêu bật lên chủ đề trọng tâm.

Giải thích dài dòng là đánh giá thấp tác động của lời trên đời sống giáo dân. Chính vì Lời Chúa không phải lúc nào cũng rõ ràng, nên Lời Chúa không phải chỉ đơn giản lặp lại nhưng phải được giải thích. Tốt hơn nên để công việc giải thích dài dòng này cho các học sinh còn nhỏ…

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

 

Quyển IV:

Nhiệm Vụ Thánh Hóa Của Giáo Hội

Phần I: Các Bí Tích

Thiên 3:

Bí Tích Thánh Thể

 

Ðiều 897: Bí Tích Thánh Thể là Bí Tích cao trọng nhất, trong đó, chính Chúa Giêsu Kitô hiện diện, tự hiến và trở nên lương thực; nhờ đó, Giáo Hội tiếp tục được sống và tăng trưởng. Hy lễ Thánh Thể, tưởng niệm sự chết và sự sống lại của Chúa, tiếp diễn mãi mãi Hy Lễ Thánh Giá, là tuyệt đỉnh và nguồn suối của tất cả phụng tự và đời sống Kitô giáo. Nhờ Hy Lễ Thánh Thể, sự hiệp nhất của dân Chúa được biểu lộ và thể hiện, việc xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô được hoàn tất. Bởi đấy, các Bí Tích khác và mọi hoạt động tông đồ của Giáo Hội đều quy hướng về và liên kết chặt chẽ với Bí Tích Thánh Thể.

Ðiều 898: Các tín hữu phải hết sức tỏ lòng tôn kính Bí Tích Thánh Thể: tham dự tích cực vào việc cử hành Hy Lễ cực trọng này; siêng năng và sốt sắng nhận lãnh Bí Tích, lại hết lòng thờ phượng kính bái Thánh Thể. Trong khi giải thích đạo lý về Bí Tích Thánh Thể, các chủ chăn phải ân cần dạy cho các tín hữu về nghĩa vụ sùng kính này.

 

Chương I: Việc Cử Hành Thánh Thể

Ðiều 899: (1) Việc cử hành Thánh Thể là một tác động của chính Chúa Kitô và của Giáo Hội. Trong việc cử hành này, Chúa Giêsu Kitô, qua tác vụ của tư tế, hiện diện trót bản tính dưới hình thức bánh và rượu, dâng chính mình cho Ðức Chúa Cha, trao mình làm lương thực thiêng liêng cho các tín hữu kết hợp với lễ tế của Ngài.

(2) Trong cộng đoàn Thánh Thể, dưới sự chủ tọa của Giám Mục hay của một Linh Mục dưới quyền của Ngài, những kẻ làm hiện thân Chúa Kitô, dân Chúa được quy tụ làm một; tất cả các tín hữu hiện diện, dù là giáo sĩ hay giáo dân, đều góp phần tham dự tích cực, mỗi người theo cách thế riêng của mình, tùy theo sự khác biệt về chức thánh và phận sự phụng vụ.

(3) Việc cử hành Thánh Thể phải nhắm tới mục tiêu là làm sao để moị người tham dự đều lãnh nhận dồi dào những kết quả như Chúa Kitô mong muốn khi thiết lập Hy Lễ Thánh Thể.

 

Mục I: Thừa Tác Viên Bí Tích Thánh Thể

Ðiều 900: (1) Chỉ duy có tư tế đã được truyền chức hữu hiệu làm thừa tác viên hiện thân của Ðức Kitô, mới có khả năng cử hành Bí Tích Thánh Thể.

(2) Thánh Thể được cử hành hợp pháp do tư tế không bị cản trở giáo luật và giữ các quy định của những điều luật sau đây.

Ðiều 901: Tư tế được tự do chỉ lễ cho bất cứ người nào, còn sống hay đã qua đời.

Ðiều 902: Trừ khi ích lợi của tín hữu đòi hỏi hay khuyến khích cách khác, các tư tế có thể đồng tế Thánh Lễ. Tuy nhiên, mỗi người hoàn toàn tự do cử hành lễ Thánh Thể một mình, miễn là không cùng một lúc với lễ đồng tế trong cùng một nhà thờ hay nhà nguyện.

Ðiều 903: Một tư tế có thể được vị quản đốc nhà thờ nhận cho làm lễ tuy không phải là người quen biết, miễn là tư tế xuất trình chứng thư do Bản Quyền hay Bề Trên cấp chưa quá một năm, hoặc có thể nhận định cách khôn ngoan rằng không có gì ngăn trở tư tế ấy được dâng lễ.

Ðiều 904: Các tư tế nên luôn tâm niệm rằng công việc cứu chuộc hằng được tiếp tục thi hành trong mầu nhiệm Hy Lễ Thánh Thể; do đó, họ nên siêng năng dâng lễ. Hơn nữa, rất đáng mong ước các tư tế dâng lễ mỗi ngày, cả khi giáo dân không thể hiện diện, bởi lẽ Thánh Lễ là tác động của Ðức Kitô và của Giáo Hội; chính khi cử hành Thánh Lễ mà các tư tế chu toàn nhiệm vụ chính yếu của mình.

Ðiều 905: (1) Ngoại trừ những trường hợp giáo luật cho phép cử hành hay đồng tế Thánh Lễ nhiều lần trong một ngày, tư tế chỉ được quyền dâng lễ mỗi ngày một lần.

(2) Nếu thiếu tư tế, Bản Quyền sở tại có thể cho phép các tư tế, khi có lý do chính đáng, được làm hai lễ mỗi ngày; hơn nữa, khi nhu cầu mục vụ đòi hỏi, làm ba lễ các ngày Chủ Nhật và lễ buộc.

Ðiều 906: Nếu không có lý do chính đáng và hợp lý, tư tế không được cử hành lễ Thánh Thể nếu không có ít là một vài giáo dân tham dự.

Ðiều 907: Trong khi cử hành Thánh Lễ, Phó Tế và giáo dân không được phép đọc các lời nguyện, nhất là Kinh Nguyện Thánh Thể, hay làm những công việc chỉ dành riêng cho tư tế chủ lễ.

Ðiều 908: Cấm các tư tế Công Giáo đồng tế Thánh Lễ với các tư tế hay thừa tác viên của các giáo hội và các giáo đoàn không thông hiệp hoàn toàn với Giáo Hội Công Giáo.

Ðiều 909: Linh Mục không nên bỏ qua việc dọn mình xứng đáng trước khi dâng lễ, và cám ơn sau Thánh Lễ.

Ðiều 910: (1) Thừa tác viên thông thường cho rước lễ là Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế.

(2) Thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ là người lãnh tác vụ giúp lễ và tín hữu nào khác được chỉ định theo điều 230, triệt 3.

Ðiều 911: (1) Những người có bổn phận và quyền đem Mình Thánh như của ăn đàng đến cho người đau ốm là: Cha Sở, các cha phó xứ, các tuyên úy, các Bề Trên cộng đoàn của các dòng tu giáo sĩ hay tu đoàn tông đồ giáo sĩ đối với mọi người ở trong nhà.

(2) Trong trường hợp khẩn thiết, hoặc khi có phép, ít ra suy đoán, của Cha Sở, Cha tuyên úy hay Bề Trên tu viện, bất cứ Linh Mục hay thừa tác viên cho rước lễ nào cũng đều phải đem Mình Thánh như của ăn đàng cho bệnh nhân; nhưng sau đó, phải thông báo các người hữu trách nói trên.

 

Mục 2: Việc Tham Dự Thánh Thể

Ðiều 912: Bất cứ ai đã chịu phép Rửa Tội và không bị luật cấm, đều có thể và phải được nhận cho rước lễ.

Ðiều 913: (1) Ðể được rước lễ, các trẻ em phải có ý thức đầy đủ và được chuẩn bị chu đáo ngõ hầu các em nhận biết mầu nhiệm Chúa Kitô tùy theo khả năng của mình, và có thê� lãnh lấy Mình Chúa với lòng tin và sùng kính.

(2) Tuy nhiên, có thể cho trẻ em lâm cơn nguy tử rước lễ, nếu các em có thể phân biệt Mình Chúa Kitô khác với của ăn thông thường, và kính cẩn rước lễ.

Ðiều 914: Trước tiên là cha mẹ, rồi đến những người thay quyền cha mẹ và kể cả Cha Sở, có bổn phận lo cho các trẻ em đã đủ trí khôn dọn mình thích đáng để có thể, sau khi đã xưng tội, các em được bổ dưỡng nhờ của ăn thần linh này càng sớm càng tốt. Cha Sở cũng có bổn phận canh chừng không cho các trẻ em rước lễ khi chúng chưa đủ trí khôn hoặc chưa chuẩn bị đủ.

Ðiều 915: Không được nhận rước lễ: những người bị vạ tuyệt thông và cấm chế sau khi hình phạt đã tuyên kết hay tuyên bố; những người khác cố chấp trong một tội nặng công khai.

Ðiều 916: Ai ý thức mình phạm tội nặng và chưa xưng tội trước, thì không được làm lễ và không được rước lễ, trừ khi có lý do quan trọng và không có dịp tiện đi xưng tội. Trong trường hợp này, họ phải tâm niệm về bổn phận thống hối trọn vẹn, bao gồm lòng dốc quyết đi xưng tội sớm ngần nào có thể.

Ðiều 917: Ngoại trừ quy định ở điều 921, triệt 2, ai đã rước lễ rồi thì có thể rước lễ một lần nữa trong ngày đó, nhưng chỉ ở trong Thánh Lễ mà họ tham dự.

Ðiều 918: Hết sức khuyến khích các tín hữu rước lễ trong chính Thánh Lễ. Tuy nhiên, nếu có người xin với lý do chính đáng, thì có thể cho rước lễ ngoài Thánh Lễ, miễn là giữ các nghi thức phụng vụ.

Ðiều 919: (1) Ai muốn rước lễ phải kiêng ăn và uống, chỉ trừ nước lã và thuốc men, ít là một giờ trước khi rước lễ.

(2) Tư tế nào dâng lễ hai hay ba lần trong một ngày có thể ăn uống chút đỉnh trước lễ thứ hai hoặc lễ thứ ba, cho dù quãng cách thời gian không đủ một giờ.

(3) Những người cao niên, những người đau yếu và cả những người săn sóc họ, có thể rước lễ, cho dù đã ăn uống chút đỉnh trong vòng một tiếng đồng hồ trước đó.

Ðiều 920: (1) Mọi tín hữu, sau khi rước lễ vỡ lòng, buộc phải rước lễ ít nhất mỗi năm một lần.

(2) Mệnh lệnh ấy phải được chu toàn vào mùa Phục Sinh, trừ khi có lý do chính đáng, có thể chu toàn vào mùa khác trong năm.

Ðiều 921: (1) Các Kitô hữu lâm cơn nguy tử, dù vì bất cứ lý do nào, cần được bổ dưỡng bằng việc rước lễ như của ăn đàng.

(2) Cho dù ngày ấy họ đã rước lễ rồi, cũng rất nên cho họ rước lễ lần nữa nếu mạng sống của họ bị lâm nguy.

(3) Bao lâu cơn nguy tử kéo dài, nên cho họ rước lễ nhiều lần, vào những ngày khác nhau.

Ðiều 922: Không được khoan giãn việc đem của ăn đàng cho bệnh nhân. Các Chủ Chăn phải cẩn thận canh chừng để các bệnh nhân được bổ dưỡng khi còn tỉnh trí.

Ðiều 923: Các tín hữu có thể tham dự hy lễ Thánh Thể và rước lễ theo bất cứ lễ điển Công Giáo nào, miễn là giữ quy định của điều 844.

 

Mục 3: Nghi Lễ Và Nghi Thức Khi Cử Hành Thánh Thể

Ðiều 924: (1) Hy Lễ Thánh Thể phải được cử hành bằng bánh và rượu có pha chút nước.

(2) Bánh phải làm bằng bột mì tinh tuyền và còn mới để tránh nguy cơ hư mốc.

(3) Rượu phải là tự nhiên từ trái nho, và không bị hư chua.

Ðiều 925: Mình Thánh sẽ được trao chỉ dưới hình thức bánh, hay dưới cả hai hình thức, tùy theo quy luật phụng vụ; trong trường hợp cần thiết, cũng có thể chỉ dưới hình thức rượu.

Ðiều 926: Theo truyền thống lâu đời của Giáo Hội Latinh, khi cử hành Thánh Thể bất cứ ở đâu, tư tế phải dùng bánh không men.

Ðiều 927: Cho dù nhu cầu khẩn thiết tột độ, tuyệt đối cấm chỉ truyền phép một chất thể này mà không có chất thể kia, hoặc truyền phép cả hai chất thể ở ngoài Thánh Lễ.

Ðiều 928: Thánh Lễ được cử hành bằng tiếng Latinh hay bằng tiếng nào khác, miễn là các bản văn phụng vụ đã được phê chuẩn hợp lệ.

Ðiều 929: Tư Tế và Phó Tế khi cử hành Thánh Thể và khi giúp lễ phải mặc y phục thánh như chữ đỏ quy định.

Ðiều 930: (1) Tư Tế đau yếu và già cả, nếu không thể đứng được, có thể ngồi khi cử hành Thánh Lễ, nhưng luôn phải giữ các luật phụng vụ; tuy nhiên không được ngồi làm lễ trước mặt dân chúng nếu không có phép của Bản Quyền sở tại.

(2) Linh Mục mù lòa hay bị tật bệnh nào khác, vẫn có thể cử hành Thánh Thể hợp pháp, khi dùng bất cứ bản văn Thánh Lễ nào đã được phê chuẩn, với sự hiện diện, nếu cần, của một Tư Tế khác hay một Phó Tế hoặc một giáo dân đã được huấn luyện thích đáng để giúp.

 

Mục 4: Thời Gian Và Nơi Cử Hành Thánh Thể

Ðiều 931: Có thể cử hành Thánh Thể và trao Mình Thánh ngày nào và giờ nào cũng được; ngoại trừ những trường hợp luật phụng vụ không cho phép.

Ðiều 932: (1) Thánh Thể phải được cử hành ở nơi thánh, trừ khi, trong trường hợp riêng, nhu cầu đòi hỏi cách khác; dù vậy, trong trường hợp ấy, phải cử hành Thánh Thể ở một nơi xứng đáng.

(2) Hy Lễ Thánh Thể phải được cử hành trên một bàn thờ đã cung hiến hay đã làm phép; ở ngoài nơi thánh, có thể cử hành trên một bàn xứng đáng, nhưng phải luôn có khăn phủ bàn và khăn thánh.

Ðiều 933: Khi có lý do chính đáng và có phép minh thị của Bản Quyền sở tại, tư tế được phép cử hành Thánh Thể trong đền thờ của một Giáo Hội nào khác hay của một giáo đoàn không hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội Công Giáo; nhưng phải đề phòng mọi gương xấu.

 

Chương II: Việc Lưu Trữ Và Tôn Sùng Thánh Thể

Ðiều 934: (1) Thánh Thể:

1. phải được lưu trữ trong nhà thờ chính tòa hoặc nhà thờ tương tự, trong nhà thờ giáo xứ, trong nhà thờ hay nhà nguyện của một tu viện hoặc của tu đoàn tông đồ;

2. có thể được lưu trữ trong phòng nguyện của Giám Mục, và nếu có phép của Bản Quyền sở tại, trong các nhà thờ, nhà nguyện và phòng nguyện khác.

(2) Tại những nơi lưu trữ Thánh Thể, luôn luôn phải có người chăm nom và, trong mức độ có thể, một tư tế phải cử hành Thánh Lễ ít nhất mỗi tháng hai lần.

Ðiều 935: Không ai được phép giữ Thánh Thể trong mình, hoặc đem đi đường với mình; trừ khi nhu cầu mục vụ khẩn trương đòi hỏi, và phải giữ các chỉ thị của Giám Mục giáo phận.

Ðiều 936: Trong nhà của một Dòng Tu hay trong một nhà đạo đức nào khác, chỉ được lưu trữ Thánh Thể trong nhà thờ hay nhà nguyện chính gắn liền với nhà ấy; tuy nhiên, khi có lý do chính đáng, Bản Quyền có thể cho phép lưu trữ Thánh Thể cả ở trong nhà nguyện khác của cùng một nhà.

Ðiều 937: Nếu không có một lý do quan trọng ngăn trở, nhà thờ lưu trữ Thánh Thể phải mở cửa mỗi ngày ít ra một vài giờ, để giáo dân có thể cầu nguyện trước Mình Thánh.

Ðiều 938: (1) Thánh Thể thường chỉ được lưu trữ trong một nhà tạm của nhà thờ hay nhà nguyện.

(2) Nhà tạm lưu trữ Thánh Thể được đặt vào một vị trí cao trọng và dễ nhìn thấy trong nhà thờ hay nhà nguyện; lại phải được trang hoàng đẹp đẽ và thuận tiện cho việc cầu nguyện.

(3) Nhà tạm lưu trữ Thánh Thể thường xuyên phải bất di dịch, làm bằng chất liệu vững chắc, không nhìn qua được, và phải khóa cẩn thận để tránh tối đa nguy cơ xúc phạm.

(4) Vì lý do quan trọng, được phép lưu trữ Thánh Thể, nhất là ban đêm, trong một nơi khác xứng đáng và an toàn hơn.

(5) Người coi sóc nhà thờ hay nhà nguyện phải liệu giữ chìa khóa nhà tạm lưu trữ Thánh Thể thật chu đáo.

Ðiều 939: Phải giữ trong bình thánh đủ số Bánh Thánh cần thiết cho tín hữu; phải năng thay bánh mới, khi đã tiêu thụ hợp lệ hết bánh cũ.

Ðiều 940: Trước nhà tạm lưu trữ Thánh Thể, phải luôn luôn thắp một chiếc đèn đặc biệt, để ghi dấu và tôn kính sự hiện diện của Chúa Kitô.

Ðiều 941: (1) Trong các nhà thờ hay nhà nguyện được phép lưu trữ Thánh Thể, có thể đặt Bình Thánh hay Hào Quang ra ngoài để Chầu Mình Thánh; miễn là phải tuân giữ các quy luật phụng vụ.

(2) Ðang khi cử hành Thánh Lễ, không được phép đặt Mình Thánh ra chầu trong cùng một gian chính của nhà thờ hay nhà nguyện.

Ðiều 942: Trong các nhà thờ và nhà nguyện, khuyên nên tổ chức hàng năm một buổi chầu Mình Thánh trọng thể suốt một thời gian xứng hợp, cho dù không liên tục, ngõ hầu cộng đoàn địa phương suy niệm và thờ lạy mầu nhiệm Thánh Thể cách sâu xa hơn. Tuy nhiên, buổi chầu Mình Thánh như vậy chỉ nên tổ chức khi biết trước có đông giáo dân đến tham dự, và phải giữ trọn các quy luật đã ban hành.

Ðiều 943: Thừa tác viên đặt Mình Thánh ra chầu và ban phép lành Thánh Thể là tư tế hay phó tế. Trong những hoàn cảnh riêng, người đã lãnh tác vụ giúp lễ, thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ hay một người nào khác được Bản Quyền chỉ định cũng được phép đặt và cất Mình Thánh, nhưng không được ban phép lành; song phải tuân giữ các chỉ thị của Giám Mục giáo phận.

Ðiều 944: (1) Ở đâu Giám Mục giáo phận xét có thể được, nên tổ chức kiệu Mình Thánh qua các công lộ để tuyên chứng công khai lòng tôn kính Thánh Thể, đặc biệt trong ngày lễ kính trọng thể Mình và Máu Thánh Chúa Kitô.

(2) Giám Mục giáo phận có thẩm quyền ra những chỉ thị về việc kiệu Thánh Thể, hầu bảo đảm việc tham dự và tính cách trang nghiêm của cuộc rước.

 

Chương III: Bổng Lễ

Ðiều 945: (1) Theo tập tục đã được Giáo Hội công nhận, một tư tế cử hành hay đồng tế Thánh Lễ được phép nhận bổng lễ để áp dụng theo một ý chỉ rõ rệt.

(2) Hết sức khuyên nhủ các linh mục hãy dâng lễ theo ý chỉ của các tín hữu, nhất là những người nghèo, cả khi không có bổng lễ.

Ðiều 946: Khi dâng bổng lễ để Thánh Lễ được áp dụng theo ý chỉ của mình, các tín hữu đóng góp vào thiện ích của Giáo Hội; bằng việc dâng cúng ấy, họ góp phần nâng đỡ các thừa tác viên và các hoạt động của Giáo Hội.

Ðiều 947: Trong vấn đề bổng lễ, phải xa tránh hoàn toàn mọi hình thức buôn bán hay thương mại.

Ðiều 948: Phải áp dụng từng Thánh Lễ cho mỗi ý chỉ vì đó mà bổng lễ đã được dâng và nhận, cho dù bổng lễ đã nhận là bé nhỏ.

Ðiều 949: Ai có nghĩa vụ phải dâng lễ và áp dụng Thánh Lễ theo ý chỉ của người dâng bổng lễ vẫn còn trách nhiệm ấy cả khi bổng lễ bị mất không tại lỗi của mình.

Ðiều 950: Nếu người ta dâng một món tiền xin lễ mà không nói rõ số lễ phải làm, thì số ấy sẽ được chỉ định dựa theo giá bổng lễ hiện hành tại nơi người xin lễ cư trú, trừ khi có lý do phỏng đoán hợp lệ là họ có hảo ý khác.

Ðiều 951: (1) Khi tư tế dâng nhiều Thánh Lễ trong một ngày, có thể áp dụng mỗi Thánh Lễ theo một ý chỉ có bổng lễ dâng. Tuy nhiên, đừng kể ngày lễ Giáng Sinh, tư tế chỉ được hưởng một bổng lễ thôi, còn những bổng lễ khác phải nhường về các mục đích do Bản Quyền quy định, tuy rằng đương sự có thể nhận một phần thù lao vì danh nghĩa ngoại tại.

(2) Tư tế đồng tế Thánh Lễ thứ hai trong một ngày, không có quyền nhận bổng lễ nữa dưới bất cứ danh nghĩa nào.

Ðiều 952: (1) Công đồng tỉnh hay Hội Ðồng Giám Mục giáo tỉnh phải ra nghị định ấn định bổng lễ phải dâng để áp dụng Thánh Lễ trong toàn giáo tỉnh. Tư tế không được đòi bổng lễ cao hơn mức ấn định. Tuy nhiên, tư tế được phép nhận bổng lễ cao hơn khi người ta tự nguyện dâng cúng, cũng như cũng được phép nhận bổng lễ thấp hơn.

(2) Nơi nào không có nghị định đã nói, thì phải theo tập tục hiện hành trong địa phận.

(3) Các phần tử thuộc bất cứ dòng tu nào cũng phải giữ nghị định hay thói quen của địa phương nói ở triệt 1 và 2.

Ðiều 953: Không ai được phép nhận cho mình nhiều bổng lễ đến độ không thể chu tất trong vòng một năm.

Ðiều 954: Nếu tại những nhà thờ hay nhà nguyện người ta xin cử hành lễ quá số có thể cử hành ở đó, thì có thể cử hành ở nơi khác, trừ khi những người xin lễ minh thị bày tỏ ý định ngược lại.

Ðiều 955: (1) Ai muốn chuyển ý lễ cho những người khác, thì phải chuyển sớm ngần nào có thể cho các tư tế muốn lãnh nhận, miễn là biết chắc họ hoàn toàn đáng tín nhiệm. Lại phải chuyển y nguyên bổng lễ đã nhận, trừ khi biết chắc rằng số tiền trội hơn giá bổng lễ trong giáo phận là do thiện cảm cá nhân. Người chuyển ý lễ còn phải mang nghĩa vụ lo dâng lễ cho đến khi nào chắc chắn có người nhận nghĩa vụ dâng lễ và bổng lễ.

(2) Thời gian phải dâng lễ bắt đầu từ ngày tư tế nhận được ý lễ, trừ khi đã rõ cách nào khác.

(3) Ai chuyển ý lễ cho người khác, phải lập tức ghi vào sổ cả những ý lễ đã nhận lẫn những ý lễ đã chuyển cho người khác, cũng như phải ghi bổng lễ nữa.

(4) Mỗi linh mục phải ghi cẩn thận những ý lễ đã nhận sẽ làm và những ý lễ đã làm xong.

Ðiều 956: Tất cả và mỗi người quản trị các thiện ý hay có trách nhiệm nào đó về việc lo dâng lễ, dù là giáo sĩ hay giáo dân, đều buộc phải chuyển về Bản Quyền của mình những ý lễ không làm hết trong một năm, theo cách thế Bản Quyền đã ấn định.

Ðiều 957: Bổn phận và quyền lợi trông nom cho mọi ý lễ được chu toàn đối với các nhà thờ của giáo sĩ triều thì thuộc về thẩm quyền của Bản Quyền sở tại; còn đối với nhà thờ của dòng tu hay tu đoàn tông đồ thì thuộc các Bề Trên của họ.

Ðiều 958: (1) Cha Sở cũng như vị quản đốc nhà thờ hay cơ sở đạo đức khác, nơi quen nhận các bổng lễ, phải có cuốn sổ riêng, ghi chép cẩn thận số lễ phải làm, ý lễ, bổng lễ và nghĩa vụ đã chu toàn.

(2) Bản Quyền có bổn phận đích thân hay nhờ người khác, kiểm soát hằng năm các sổ sách đó.

 

(Nhóm Dịch Thuật Việt ngữ Bộ Giáo Luật)

Nói thêm về việc xin lễ và cầu nguyện cho các Linh Hồn
Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn
Trong hai bài trước đây, tôi đã có dịp trình bày về tội simonia, về ơn cứu độ, về việc cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện tội (purgatory) cũng như nói về cái gọi là “Hội Đời Đời” do một số người lập ra với mục đích cầu nguyện cho các linh hồn và “bảo hiểm” cho những người còn sống hoặc đã qua đời.
Vì có một số độc giả thắc mắc nên tôi xin được nói thêm về vấn đề này. Truớc hết, tôi phải nhấn mạnh một lần nữa về nguyên tắc căn bản sau đây:
Khi bàn cãi hoặc đề cập đến bất cứ vấn đề gì liên quan đến đức tin của người tín hữu Công giáo, nhất là liên quan đến Giáo Hội nói chung thì nhất thiết phải căn cứ vào những tiêu chuẩn căn bản như Thánh Kinh (Sacred Scripture), Thánh Truyền(Sacred Tradition), Giáo Lý (Doctrine), Tín Lý(Dogma), Giáo luật (Canon law), Văn kiện Công Đồng (Conciliar Documents), Tông Thư, Tông Huấn (Encyclical Letters) của các Đức Giáo Hoàng, chứ không thể dựa vào suy luận cá nhân hay căn cứ vào những tài liệu bên ngoài Giáo Hội để tham khảo được.
Từ nguyên tắc này, chúng ta hãy tìm hiểu xem Giáo Hội dạy về việc cầu nguyện cho người sống và người chết như thế nào:
A- Cầu nguyện cho người đã qua đời:
Sách 2 Ma-ca-bê kể lại việc “Ông Giuđa quyên được khoảng hai ngàn quan tiền và gửi về Giêrusalem để xin dâng hy tế tạ tội ; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quí này vì cho rằng ngươì chết sẽ sống lại…Đó là lý do khiến ông xin dâng hy tế đền tội cho những người đã chết để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (x. 2 Macabê 12:43-46)
Đây là nguồn gốc trong Kinh Thánh Cựu Ước về việc cầu nguyện cho người quá cố vì có niềm tin vào sự sống lại của kẻ chết.
Niềm tin này đã được củng cố vững vàng hơn với biến cố lich sử về cuộc tử nạn và phục sinh của chính Chúa Kitô Giêsu như Kinh Thánh Tân Ước đã tường thuật tỉ mỉ (x. Mt 27-28; Mc 15-15, Lc 23-24; Ga 19-20).
Từ đó, việc cầu nguyện cho kẻ chết đã trở thành truyền thống trong Giáo Hội cho đến nay vì niềm tin vào sự sống lại của kẻ chết và vì tín điều các Thánh Thông Công.
Sách Giáo Lý mới của Giáo Hội đã khuyến khích việc cầu nguyện cho kẻ chết dựa vào niềm tin nói trên và vào lời dạy của Thánh Gioan Kim Khẩu (John Chrysostom:344-407) sau đây:
“Chúng ta hãy cứu giúp và tuởng nhớ đến những ngươì đã qua đời. 
Nếu con cái Ông Job được thanh luyện nhờ sự hy sinh của Ông, 
thì tại sao chúng ta lại nghi ngờ rằng những việc hiến dâng của 
chúng ta sẽ đem lại an ủi cho các linh hồn ấy ? Vậy chúng ta đừng 
ngần ngại cứu giúp những người đã qua đời và cầu nguyện cho họ”
(x. John Chrysostom, Hom. In 1 Cor 41, 5:PG 61, 361; cf. Job, 5)
I-Luyện Tội (Purgatory) và hình phạt hữu hạn (temporal punishment)
Theo Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo thì tất cả những ai chết trong ơn phúc của Chúa đều được bảo đảm phần rỗi đời đời (eternal salvation). Nhưng nếu chưa được thanh sạch hoàn toàn sau khi chết thì phải được thanh luyện lần cuối cùng trong nơi gọi là Luyện tội (Purgatory) trước khi được vào hưởng niềm vui Thiên Đàng. (x. Sách Giáo Lý Công Giáo số 1030).
Đây là lý do vì sao Giáo Hội khuyến khích việc cầu nguyện cho các linh hồn nơi chốn thanh luyện cuối cùng này để giúp họ được mau vào vui hưởng Thánh Nhan Chúa.
Cũng theo giáo lý của Giáo Hội thì có hai loại tội cần phân biệt: tội trọng (mortal sin) và tội nhẹ (venialsin) xét theo hậu qủa của tội gây thương tổn nhiều hay ít đến mối thân tình giữa Chúa và hối nhân cũng như giữa hối nhân và Cộng đồng Giáo Hội.
Tội trọng phá tan đức ái và cắt đứt tức khắc mọi hiệp thông với Chúa. Vì thế, khi một người mắc tội trọng, nếu chết mà không kịp ăn năn và được tha thứ qua bí tích hoà giải thì sẽ bị án phạt đời đời trong nơi gọi là hoả ngục (hell). Ở nơi này, các linh hồn bị phạt sẽ đời đời lìa xa Thiên Chúa và Cộng đồng các Thánh (x. Sđd, số 1033).
Tội nhẹ không phá hủy hoàn toàn đức ái nhưng cũng gây thương tổn phần nào cho sự hiệp thông với Chúa và với Giáo Hội nên cũng cần được tẩy xóa qua bí tích hoà giải.
Tộị trọng và tội nhẹ đều có thể được tha thứ qua bí tích hoà giải –trừ tội phạm đến Đức Chúa Thánh Thần, tức là chối bỏ Thiên Chúa hoàn toàn (x. Mt 12,31).
Sau khi đã được hoà giải với Chúa và với Giáo Hội, hối nhân phải làm việc “đền tội” (penance) cho mọi tội trọng và nhẹ đã được tha qua bí tích hoà giải. Đây là hình phạt hữu hạn (temporal punishment) mà hối nhân phải thi hành để “sửa lại những xáo trộn mà tội đã gây nên” theo lời dạy của Công Đồng Trentô (x. CĐ Trentô DS 1712).
Việc “đền tội” này, nếu không được làm đầy đủ khi còn sống, thì phải được thanh luyện sau cùng trong Luyện Tội sau khi chết. Ở đây các linh hồn có thể trông cậy vào sự cứu giúp của Đức Mẹ, của các Thánh và của các tín hữu còn sống đang hiệp thông trong Giáo Hội lữ hành. Các linh hồn cũng có thể cầu bầu cho các tín hữu còn sống nhưng không thể tự giúp mình được vì thời giờ làm việc lành phúc đức đã hết.
Các Thánh trên Thiên Đàng có thể nguyện giúp cầu thay cho các linh hồn trong luyện tội và cho các tín hữu còn sống nhưng không cần ai trợ giúp nữa vì đã được hưởng trọn vẹn Nhan Thánh Chúa rồi.
Đây là tất cả ý nghĩa về Tín điều các Thánh thông công (communion of Saints) trong Giáo Hội Công Giáo.
II- Các tín hữu còn sống có thể giúp gì cho các linh hồn nơi Luyện tội?
Như đã giải thích ở trên, luyện tội là nơi thanh luyện cuối cùng cho những linh hồn đã chết đi trong ơn nghiã Chúa nhưng chưa đuợc thánh thiện đủ để được vào Thiên Đàng hưởng Nhan Thánh Chúa cùng các Thánh. Họ phải lưu lại nơi đây trong một thơì gian để được thanh luyện theo lượng từ bi và công bằng của Chúa đòi hỏi. Nhưng Luyện tội không phải là chốn các linh hồn phải xa Chúa đời đời như những linh hồn ở nơi gọi là hoả ngục. Vì thế không có vấn đề cầu nguyện đời đời cho các linh hồn nơi luyện tội
vì họ không đời đời ở đó. Các tín hữu còn sống trên trần gian có thể giúp đỡ các linh hồn nơi luyện tội bằng những việc lành phúc đức như ăn chay, cầu nguyện, làm việc bác ái và nhất là xin dâng Thánh Lễ cầu cho họ. Sự giúp đỡ thiêng liêng này rất hữu ích nhưng không phải là yếu tố quyết định phần cứu rỗi cho một linh hồn nào.
Yếu tố quyết định là chính tình thương của Chúa và công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô cộng với phần đóng góp của cá nhân khi còn sống trên trần thế này.
Khi còn sống, nếu một người đã tư ý chọn lựa xa cách Thiên Chúa, khước từ tình thương của Người để qui hướng đời mình hoàn toàn về những mục tiêu trần thế cho đến giờ chết thì chắc chắn Chúa không thể cứu được người đó vì họ đã tự ý chọn lựa từ chối Người trong suốt cuộc đời trên trần thế này rồi. Chúa không ngăn cản sự chọn lựa này vì Ngài tôn trọng ý chí tự do (free will) của con người. Trong trường hợp này mọi việc cứu giúp của chúng ta như cầu nguyện, xin Lễ v.v. sẽ là vô ích vì người ta đã chọn lựa khước từ Chúa và ơn cứu độ của Người khi còn sống rồi
Tuy nhiên đây chỉ là nguyên tắc thần học phải suy luận và tin mà thôi. Trong thực hành, chúng ta không thể biết được ai đã thực sự rơi vào trường hợp này để khỏi phải cầu nguyện cho họ nữa. Chúng ta cũng không được phép phán đoán ai sẽ lên Thiên Đàng, ai phải xuống hoả ngục dù biết họ sống ra sao trên trần gian này. Vì thế, chúng ta cứ vì bác ái mà cầu cho mọi người đã qua đời ngay cả cho những người đã tự tử hay công khai sống “bê bối” trước khi chết. Chỉ có Chúa mới biết chính xác được lòng người và phán đoán công minh về phần rỗi của mỗi cá nhân.
Bao lâu còn sống thì ta cứ cầu nguyện cho kẻ sống và kẻ chết, không giới hạn thời gian, nhưng không thể nói cầu “đời đời” được vì chính mình cũng không sống vĩnh viễn ở đời này thì làm sao mà cầu “đời đời”cho ai được?
B- Vấn đề xin “Lễ đời đời” và mua “Hậu” cho người còn sống hay đã qua đời
Tôi phải đặc biệt nói thêm về vấn đề này vì thực chất sai trái giáo lý trầm trọng của những việc làm này đã và đang còn diễn ra ở một số nơi trong và ngoài Việt Nam.
Như đã nói ở trên, việc cầu nguyện cho các người đã qua đời chỉ hữu ích cho các linh hồn thánh (holy souls) trong nơi luyện tội mà thôi, chứ tuyệt đối không ích gì cho những ai đã tự ý chọn lựa xa lìa Thiên Chúa và đang bị phạt ở nơi gọi là hoả ngục.
Lý do: chỉ có sự hiệp thông giữa các Thánh trên Trời, các linh hồn nơi luyện tội và các tín hữu còn sống trên trần gian mà thôi, chứ không có sự hiệp thông nào vơí các linh hồn nơi hoả ngục. Vì thế, không có giáo lý nào của Giáo Hội dạy hay khuyến khích việc cầu nguyện cho các linh hồn trong hoả ngục cả vì họ đã lìa xa Chúa đời đời rồi. (x. Sđd. Số 1033-1036)
Vậy xin Lễ đời đời để cầu cho ai ?
Rõ ràng đây là một ý niệm mơ hồ không có căn bản giáo lý, tín lý nào vì như đã giải thích ở trên: các linh hồn trong luyện tôi không cần sự giúp đỡ “đời đời”, các Thánh trên Thiên Đàng không cần ai trợ giúp nữa, còn những linh hồn trong hoả ngục thì không thể giúp được vì không còn sự hiệp thông nào với nơi này. Hơn thế nữa, làm sao người nhận tiền xin Lễ đời đời có thể thực hành được điều này khi mà chính người đó hay Tu Hội, Cộng Đoàn nào làm việc này cũng không tồn tại “đời đời” trên trần thế này thì làm sao có thể cầu nguyện hay dâng lễ đời đời cho ai để hưởng số tiền to bây giờ của những người xin vì không am hiểu giáo lý?
Việc “mua, bán hậu” lại càng vô lý và sai trái giáo lý hơn nữa.
Trước hết là không hề có giaó lý nào cho phép làm việc này. Sau nữa, chủ đích của việc làm này hoàn toàn sai trái về mặt thần học, về ơn cứu độ vì lý do sau đây:
Nói đến sống đời đời là nói đến hy vọng được hưởng ơn cứu độ của Chúa nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô. Mà muốn hưởng ơn này thì nhất thiết phải “hoán cải và tin vào Tin Mừng” như Chúa Giêsu đã đòi hỏi (x. Mc 1:15). Hoán cải hay sám hối để chừa bỏ tội lỗi và tin vào Tin Mừng có nghĩa là thực sự mến Chúa và yêu người. Đây chính là phần đóng góp cần thiết của mỗi cá nhân vào công cuộc cứu chuộc của Chúa Kitô để được hưởng ơn cứu độ của Người. Không ai có thể làm thay người khác trong việc quá hệ trọng này cũng như không thể dùng tiền bạc để đút lót cho ai lo hộ mình việc tối quan trọng này.
Như vậy, “mua hậu” để làm gì ? có phải là bỏ nhiều tiền ra bây giờ để mua “bảo hiểm đời sau” cho cả người sống và người chết của một vài nơi đã và đang rao bán dịch vụ mại thánh (simony) này để lừa dối những người không am hiểu giaó lý về ơn cứu độ không ?
Chúng ta phải xác tín rằng việc cứu rỗi không bao giờ có thể đổi chác hay mua được bằng tiền bạc hoặc của cải vật chất dù trị giá có thể cao đến đâu. Nếu sống mà không quyết tâm tìm Chúa và đi theo đường lối của Người thì có bỏ ra hàng trăm triệu đôla để mua hàng ngàn “cái hậu” cũng vô ích mà thôi vì tuyệt đối những thứ này không có chút giá trị cứu rỗi nào cho ai hết.
Tôi quả quyết như vậy và thách đố ai trưng ra được căn bản thần học, giáo lý, Kinh Thánh nào khuyến khích hay cho phép làm việc này trong Giáo Hội.
Là tín hữu, chúng ta chỉ được kêu gọi sống đức tin, đức cậy, và đức mến cách thích đáng nghiã là thực tâm tin, yêu Chúa và yêu mến tha nhân như Chúa đòi hỏi để được hưởng ơn cứu độ. Và đây mới thực sự là thứ “bảo hiểm” có giá trị nhất, hơn bất cứ loại “hậu hay bảo hiểm” nào khác mà một số người không am hiểu giáo lý đã và đang làm để trục lợi về tiền bạc và lừa dối người khác qua dịch vụ “buôn thần bán thánh” này trong cộng đồng Công giáo Việt Nam ở trong nước cũng như ở Mỹ này.
Tóm lại, không có “cái hậu” nào có giá trị cứu rỗi, bảo đảm đời sau hơn chính nỗ lực của cá nhân cộng tác với ơn Chúa ngay trong cuộc sống này cho đến ngày giờ sau hết để được hưởng ơn cứu độ như giáo lý Công Giáo dạy.
Vậy phải dứt khoát loại trừ những việc sai trái về cái gọi là “Lễ đời đời” và mua bán “hậu” đời sau nếu muốn thực hành đức tin cách chính đáng trong Giáo Hội.
Đó là tất cả những điều tôi cần nói thêm về vấn đề cầu nguyện cho các linh hồn, về điều kiện để được cứu rỗi và về những sai trái quanh vấn đề này.

 Tinmung.net



MỤC ĐÍCH - Ý NGHĨA1

Kinh nguyện Thánh Thể được xếp vào một trong số những lời nguyện cao trọng và thánh thiện nhất của Hội Thánh. Vì thế, Hội Thánh hết sức cẩn trọng trong từng từ ngữ và cấu trúc của kinh nguyện này. Trừ ra những trường hợp hết sức họa hiếm như quyết định thêm tên thánh Giuse vào, bản văn và công thức được Giáo hội soạn ra trong các Kinh nguyện Thánh Thể không nên có bất kỳ một sự thêm thắt tự tiện nào khác và không được bỏ sót nêu tên Đức Giáo Hoàng và Giám mục giáo phận.2

Việc xướng đích danh tên của Đức Giáo Hoàng (lãnh đạo Hội Thánh phổ quát), Đức Giám mục giáo phận (lãnh đạo Hội Thánh địa phương) và có thể là tên của cả Đức Giám mục phó hay phụ tá trong mọi Kinh nguyện Thánh Thể nhằm 3 mục đích : Thứ nhất, tôn trọng một truyền thống rất xa xưa trong Hội Thánh; Thứ hai, để các tín hữu đồng tâm nhất trí với các ngài và cầu nguyện cho các ngài;3Thứ ba, không những thế, những lời này còn ít nhiều diễn tả dạng thức trung thành của cộng đoàn tín hữu đối với các vị lãnh đạo của họ. Lời cầu được tiếp nối bằng việc cầu nguyện cách chung cho “tất cả các giám mục”4 và cho “toàn thể hàng giáo sĩ khắp nơi”5(không nhắc tên đích danh) nhằm biểu hiện mối dây hiệp nhất của cộng đoàn tín hữu với các ngài là những vị mục tử trong Hội Thánh.6

Khi đọc Kinh nguyện Thánh Thể, các tư tế không nhân danh bản thân mình, nhưng là đại diện Chúa Kitô và Giáo hội. Trọn vẹn Kinh nguyện Thánh Thể mang âm hưởng hiệp thông, do đó,  công thức này diễn tả một thực tại thần học sâu xa, trong đó tư tế và cộng đồng bày tỏ họ thuộc về Hội Thánh hoàn vũ qua sự hiệp thông theo phẩm trật với Đức Giáo Hoàng và Đức Giám mục giáo phận là những vị đã được tín thác cho nhiệm vụ dưỡng nuôi và củng cố sự hiệp nhất thâm sâu của Nhiệm thể Chúa Kitô.7 Đức Thánh Cha đại diện cho sự hiệp nhất này ở cấp độ hoàn vũ vì ngài là nguyên lý và nền tảng hữu hình, vĩnh cửu, là dấu chỉ và là người phục vụ sự hiệp thông giữa các giám mục cũng như giữa các tín hữu cả trên bình diện cơ cấu lẫn bình diện pháp lý và cai quản; còn Đức Giám mục giáo phận, ngài là nguyên lý và nền tảng hữu hình, là dấu hiệu và khí cụ cho sự hiệp nhất này ở cấp độ địa phương. Kinh nguyện Thánh Thể nhắc tới sự hiệp thông với Đức Giáo Hoàng, với Đức Giám mục giáo phận, với Giám mục đoàn, với toàn thể hàng giáo sĩ là cần thiết để thánh lễ cử hành mang tính Công giáo đích thực. Việc nêu đích danh tên của Đức Giáo Hoàng và Đức Giám mục giáo phận thực sự dựa trên khoa Giáo hội học về hiệp thông, tức là sau Đức Giáo Hoàng, sự hiệp thông Giáo hội được thiết lập qua Đức Giám mục giáo phận xét như ngài là Đại diện Đức Kitô (vicarius Christi), là chủ chăn của một phần Dân Chúa ở đó.8 Hơn nữa, sự hiệp thông với Giám mục giáo phận là điều kiện để mọi cử hành trong địa phận được hợp pháp.9

CÁCH THỨC NÊU TÊN ĐỨC GIÁM MỤC 10

1] Phải nêu tên

Cách chung, tư tế trước hết nêu danh hiệu của Đức Giáo Hoàng đương kim mà theo tập quán chỉ cần nêu tên ngài chứ không cần nêu con số. Tiếp đến, tư tế nêu danh tính của Đức Giám mục đang cai quản giáo phận (Bản quyền địa phương) hoặc Đức Giám mục giám quản giáo phận hoặc vị cùng đẳng cấp với Giám mục giáo phận theo luật. Nếu có thể, tư tế nêu thêm tên của Đức Giám mục phó hay phụ tá. Tại Rôma, chỉ nêu tên Đức Giáo Hoàng mà thôi vì ngài là Giám mục của giáo phận Rôma.

 

 

2] Không nêu tên

Cách chung, không nêu tên Đức Giám mục khi vị tư tế dâng lễ trên biển khơi hay những nơi không có Đức Giám mục cư trú. Cũng nên bỏ qua những tước hiệu danh dự như Hồng y. Trong thánh lễ đồng tế có nhiều vị giám mục tham gia cử hành, nguyên tắc là không nêu tên các Đức Giám mục ngoài giáo phận, dù một trong số các ngài làm chủ tế. Cũng không nêu tên Đức Giám mục về hưu (trừ khi ngài vẫn tiếp tục được chọn điều hành tạm thời giáo phận trong tư cách là giám quản giáo phận).11 Tốt nhất, nên cầu nguyện cho các ngài trong phần Lời nguyện Tín hữu.

Cụ thể hơn, Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma số 149 dạy rằng:

Vị tư tế tiếp tục Kinh nguyện Thánh Thể như chữ đỏ đã ghi trong mỗi kinh.

Nếu chủ tế là Đức Giám mục cử hành trong giáo phận của mình và chính ngài đọc thì sau những lời “cùng với Ðức Giáo hoàng T”, ngài thêm “và con là tôi tớ bất xứng của Chúa cùng toàn thể hàng giáo sĩ” - Kinh nguyện Thánh Thể II). Cũng áp dụng tương tự như vậy cho các Kinh nguyện Thánh Thể khác, chẳng hạn, đối với Kinh nguyện Thánh Thể III, Giám mục chủ tế đọc: “cùng với tôi tới Chúa là Đức Giáo hoàng Tvà con là tôi tớ bất xứng của Chúa, cùng toàn thể hàng giám mục, giáo sĩ khắp nơi, và tất cả dân riêng Chúa”.

 

 

lNếu Đức Giám mục cử hành ngoài giáo phận của mình, sau những lời: “cùng với Ðức Giáo hoàng T.”, ngài thêm: “và con là tôi tớ bất xứng của Chúa và người anh em con là T., Giám mục giáo phận T. này”.

lĐức Giám mục giáo phận, hoặc vị cùng đẳng cấp với giám mục giáo phận theo luật (có thể là một vị linh mục), phải được xướng tên với công thức: “cùng với tôi tớ Chúa là Ðức Giáo hoàng T. và Ðức Giám mục T. (hoặc: đại diện, giám chức, phủ doãn, đan viện phụ)12 chúng con”.13

Trong Kinh nguyện Thánh Thể, có thể xướng tên các Đức Giám mục phó và phụ tá,14nhưng không cần xướng tên các Đức Giám mục khác có thể hiện diện trong buổi cử hành.15[Những lời kính trọng dành cho các ngài ở chỗ này là không phù hợp bởi vì cử hành thánh lễ tại một Giáo hội địa phương được cắm rễ sâu xa nơi chức tư tế của giám mục giáo phận xét vì là ngài là tiêu điểm và nguyên lý của sự hiệp nhất; hơn nữa, những lời chuyển cầu trong Kinh nguyện Thánh Thể cũng bao gồm việc cầu nguyện cho tất cả các giám mục].16

lKhi phải xướng tên nhiều vị, nên đọc theo một công thức chung: “Ðức Giám mục T. giáo phận chúng con và các Đức Giám mục cộng tác với ngài”.17

Trong mỗi Kinh nguyện Thánh Thể, phải thích ứng những công thức trên sao cho hợp với cấu trúc văn phạm.

(còn nữa)

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, Dòng Thánh Thể (SSS)

(cgvdt.vn)

__________________________________________________________

1 Xc. Edward McNamara, “Mentioning Bishops in the Eucharistic Prayers” trong A Zenit Daily Dispatch, 17 Feb. 2009 - Notitiae 45 (2009) 308-320.

Xc. Hiến chế Phụng vụ Thánh, số 22; Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma, số 24; Huấn thị Bí tích Cứu độ (Redemptionis sacramentum), số 51, 56, 59.

Xc. Huấn thị Bí tích Cứu độ, số 56; Edward McNamara, “Mentioning Bishops in the Eucharistic Prayers”;Notitiae 45 (2009) 308-320.

4Kinh nguyện Thánh Thể I; III; IV; Giao Hòa II; Cầu cho những nhu cầu khác nhau I, II, III, IV

5Kinh nguyện Thánh Thể II; III; IV; Cầu cho những nhu cầu khác nhau II, III, IV; Thánh lễ với trẻ em II, III.

6 Xc. Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma, số 79g.

7 Xc. Barry Hudock, The Eucharistic Prayer – A User’s Guide ((Minnesota: A Pueblo, The Liturgical Press, 2010), 82.

8 Xc. Hiến chế Tín lý về Giáo Hội (Lumen Gentium = LG), số 22-23; Sắc lệnh về Nhiệm vụ Mục vụ của Giám mục (Christus Dominus), số 6; Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1369.

9 Xc. ĐGH Bênêđíctô XVI, Tông Huấn Sacramentum Caritatis, số 39.

10 Xc. Xc. Edward McNamara, “Inserts into Eucharistic Prayers” trong A Zenit Daily Dispatch (Rome – 19 May 2015).

11 Xc. Giáo Luật số 418#2: Trong trường hợp này, tư tế vẫn nêu tên ngài như công thức thông thường “cùng với Đức Giáo hoàng T., Đức Giám mục T. chúng con...” (Kinh nguyện Thánh Thể II).

12 Vị có quyền tài phán (jurisdiction) trên một lãnh thổ không gắn với bất cứ giáo phận nào.

13 Xc. Giáo Luật số 370-371; The Decree Cum de nomine, on the mention of the bishop’s name in the Eucharistic Prayer, October 9, 1972: Acta Apostolicae Sedis 64 [1972], 692-694 trong Documents on the Liturgy, 1963-1979, no. 1970). 

14 Có thể xướng tên nếu vị tư tế muốn (Notitiae 45 (2009) 308-320.

15 Dù ngài đang chủ sự buổi cử hành phụng vụ.

16 Xc. Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma, số 92; Edward Foley(ed),A Commentary on the General Instruction of the Roman Missal (Minnesota: A Pueblo, The Liturgical Press, 2007), 250-251.

17Nghĩa là không nêu từng tên riêng biệt vì có những giáo phận mà số Đức Giám mục phụ tá là 3,4,5 hay thậm chí lên tới 9 vị.  
 


TỘI, XƯNG TỘI VÀ RƯỚC LỄ CỦA TÍN HỮU LY DỊ TÁI HÔN
THEO TUYÊN BỐ CỦA TÒA THÁNH NĂM 2000
 
Hội Đồng Giáo Hoàng về Những Văn Bản Lập Pháp, ngày 24- 6 - 2000, đồng thuận cùng với Bộ Giáo Lý Đức Tin và Bộ Phụng tự Bí Tích ban hành một văn bản:
Tuyên Bố về việc cho lãnh nhận Thánh Thể của tín hữu ly dị tái hôn. [1]
Tuyên Bố này giải thích về tình trạng tội của người ly dị tái hôn liên quan đến việc lãnh nhận Thánh Thể, được Tông HuấnFamiliaris Consortio số 84 của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II nói đến.  Đây là một văn bản quan trọng ban hành năm 2000, 19 năm sau Tông Huấn Familiaris Consortio.
Bản Tuyên Bố này không được viết bằng ngôn ngữ Latin, bản Ý ngữ được coi là bản chính thống nhất, nên bài này được chuyển dịch từ Ý ngữ và có tham khảo thêm Anh ngữ. Nội dung bản Tuyên Bố gồm 5 số, với phần dẫn nhập.
 
Dẫn nhập
 
 
HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG VỀ VĂN BẢN LẬP PHÁP
 
TUYÊN BỐ
 
II. Về việc cho lãnh nhận Thánh Thể của tín hữu ly dị tái hôn
Bộ Giáo Luật quy định rằng:"Những người bị vạ tuyệt thông và những người bị cấm chế sau khi hình phạt đã được tuyên kết hay tuyên bố, cũng như những người ngoan cố sống trong tội trọng tỏ tường, không được nhận cho rước lễ" (đ. 915). Trong những năm cuối cùng này, có vài tác giả, dựa trên những lý lẽ khác nhau, cho rằng điều luật này không thể áp dụng cho những tín hữu ly dị tái hôn. Được biết rằng Tông Huấn Familiarris Consortio năm 1981 được nhắc lại, ở số 84, sự cấm đoán với những từ ngữ khó hiểu (inequivocabili), và rằng nó cũng được tái xác nhận lại nhiều lần trong cách thức rõ ràng, đặc biệt năm 1992 trong Sách GLCG số 1650, và năm 1994 trong Thư Annus internationalis Familiae của bộ Giáo Lý Đức Tin. Tuy vậy, những tác giả trên đưa ra những giải thích khác nhau về điều khoản nói trên tương ứng với việc loại trừ việc áp dụng điều luật này khỏi những tình trạng của những người ly dị tái hôn. Ví dụ, vì điều luật nói "tội trọng" (peccato grave ) ở đây cần phải có đủ tất cả những điều kiện, ngay cả chủ quan được đòi hỏi cho một tội chết (peccato mortale), mà thừa tác viên cho Rước lễ không thể xét định chung chung về nó từ bên ngoài (ab externo); ngoài ra, vì nói là cứ "ngoan cố" trong tội trọng đó, thì cần thấy có một thái độ thách thức của tín hữu sau khi đã được cảnh cáo hợp thức bởi Mục tử.
Trước sự  viện lẽ tương phản giữa kỷ luật của bộ luật 1983 và sự giáo huấn kiên định của Giáo Hội trong vấn đề này, Hội Đồng Giáo Hoàng cùng với Bộ Giáo Lý Đức Tin và bộ Phụng Tự Bí Tích tuyên bố như sau:
 
Bình giải: 
Dẫn nhập của Tuyên Bố cho thấy vấn đề mà Tòa Thánh phải đối diện là sự chú giải sai lầm của một số tác giả về điều luật 915, liên quan đến việc không cho lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể. Họ chủ trương rằng điều luật 915 này không áp dụng được cho người ly dị tái hôn, vì theo họ, những người tái hôn là không "ngoan cố sống trong tội trọng tỏ tường".
Điều 915 quy định:
Những người bị vạ tuyệt thông và những người bị cấm chế sau khi hình phạt đã được tuyên kết hay tuyên bố, cũng như những người ngoan cố sống trong tội trọng tỏ tường, không được cho lãnh nhận Thánh Thể (CIS 855 ; CIO 712).
Có thể thấy rằng các tác giả đó có quan điểm, tạm gọi là quá rộng mở, giải thích rằng sự "ngoan cố" không thể có hay ít khi có nơi người ly dị tái hôn. Đối với các tác giả, tội được định bởi ý thức chủ quan của tội nhân, còn hình thức phạm tội bên ngoài không nói lên đúng ý thức chủ quan bên trong. Họ có lý khi nói điều đó, vì phạm tội trọng hay không thì lệ thuộc vào hành vi chủ quan bên trong: suy biết tỏ tường, cố tình, không bị áp lực….
Họ còn cho rằng sự "ngoan cố" chỉ có được sau khi đã có cảnh cáo, răn đe mà tội nhân lại còn có thái độ thách thức. Theo họ, nếu không có sự cố tình chối bỏ và không có thái độ thách thức chống lại thì họ chưa được coi là đang "ngoan cố". Có lẽ họ đã dựa trên nguyên tắc giáo luật là phải cảnh cáo trước rồi mới phạt sau. Nếu không cảnh cáo trước thì tuyên bố phạt của Giáo quyền không hữu hiệu: "Không thể tuyên kết một vạ cách thành sự, nếu trước đó phạm nhân đã không được cảnh cáo ít là một lần để chấm dứt sự ngoan cố của mình, và nếu đã dành cho đương sự một thời gian thích hợp để hối cải." (đ. 1347§1)
Như vậy đối với họ: Hoặc vì không có tội trọng chủ quan trong lòng, hoặc vì không "ngoan cố sống trong tội trọng tỏ tường" như điều 915 quy định, nên người ly dị tái hôn phải được lãnh nhận Thánh Thể.
Có thể nói các tác giả này có quan điểm quá rộng mở cho việc Rước Lễ đối với tín hữu ly dị tái hôn. Trước một quan điểm như vậy, Tòa Thánh cần có một giải thích cho thỏa đáng, áp dụng luật cách hợp lý.
Dưới đây, chúng ta thử khảo sát cẩn thận các giải thích của bản Tuyên Bố chính thức được ban hành bởi các cơ quan của Tòa Thánh.
Bản Tuyên bố gồm 5 số, được chuyển dịch nguyên văn như sau:
 
Số (1)
 
 
1. Sự cấm trong điều luật nói trên, tự bản chất, xuất phát từ thiên luật và chuyển qua lãnh vực luật thiết định của Giáo Hội: những điều này không đưa đến sự thay đổi pháp lý làm trái ngược giáo thuyết của Giáo Hội. Bản văn Kinh Thánh mà truyền thống Giáo Hội luôn dựa vào là của Thánh Phaolô: "Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình."(1Cor 11, 27-29).
Bản văn này nói đến trước tiên là chính tín hữu và lương tâm luân lý của người ấy, và điều này được định thức trong Bộ Giáo Luật ở điều luật tiếp sau đó là 916. Nhưng sự bất xứng do ở trong tình trạng tội gây ra vấn đề pháp lý nghiêm trọng trong Giáo Hội: thật sự là từ ngữ "bất xứng" được nhắc tới trong điều khoản của bộ Giáo Luật Công Giáo Đông Phương song song với điều 915 của Bộ Luật Latin: "Những ai bất xứng công khai thì bị cấm không được nhận lãnh Thánh Thể" (đ. 712). Thực sự là, việc lãnh nhận Bí tích Thánh Thể của tín hữu ly dị tái hôn, sự vấp phạm (scandalo), được hiểu như là hành vi thúc đẩy người khác về điều xấu, ảnh hưởng đồng thời đến cả Bí Tích Thánh Thể cũng như đến sự bất khả phân ly của hôn nhân. Sự vấp ngã đó tồn tại ngay cả nếu hành vi đó, chẳng may mà không gây ra điều kinh ngạc: thực ra, nó chính là sự đối diện với việc làm méo mó lương tâm mà trở nên rất cần các mục tử hành động, với hết sức kiên nhẫn và kiên vững có thể, như là một sự bảo vệ cho sự thánh thiêng của Bí Tích và bảo vệ cho luân lý Kitô giáo, và cho sự đào tạo đúng đắn các tín hữu.
 
Bình giải:
Theo bản Tuyên bố thì nguyên tắc của điều 915 là được "rút ra từ thiên luật và chuyển qua lãnh vực của luật Giáo Hội" (deriva dalla legge divina e trascende l’ambito delle leggi ecclesiastiche positive). Nền tảng của sự thiết lập này là lời dạy của Thánh Phaolô trong thư 1Cor 11, 27-29: "bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa".
Nên phân biệt điều 915 không là thiên luật mà là Luật của Hội Thánh (nhân luật) nhưng có nguồn gốc từ Thiên luật. Điều 915, vì vậy, có thể được Hội Thánh cho thay đổi, hoặc chỉnh sửa cho hợp lý hơn.
Tuyên Bố công nhận rằng việc không được rước lễ, trước tiên tùy thuộc vào lương tri tín hữu, vì phạm tội trọng là hành vi của tội nhân mà có sự hiểu biết và cố tình. Vì vậy, ai ý thức rằng mình đang ở trong tội trọng thì cảm thấy không xứng đáng, tự mình không rước lễ trước khi lãnh bí Tích sám hối hay ăn năn tội cách trọn, như được định ở điều 916:
"Người nào ý thức mình đang mắc tội trọng thì không được cử hành Thánh Lễ và cũng không được rước Mình Thánh Chúa, nếu không nhận lãnh bí tích Sám Hối trước, trừ khi có một lý do nghiêm trọng và không có dịp để xưng tội, trong trường hợp này, người ấy phải nhớ rằng mình phải ăn năn tội cách trọn, trong đó bao gồm việc quyết tâm xưng tội sớm hết sức (CIS 807; CIS 856; CIO 711)".
Tuy nhiên, ngoài quy định của điều 916 đó, Giáo Luật còn quy định điều 915 như một kỷ luật áp dụng cho những tình trạng tội trọng kéo dài và hiển nhiên bên ngoài. Lý do là phạm nhân thường xuyên sống trong tình trạng tội trọng mà vẫn cứ được cho rước lễ thì gây ra những tại hại khách quan cho cộng đoàn dân Chúa. Trước tiên, tai hại đó là: Giáo dân có cảm thức Mình Thánh Chúa bị "xúc phạm", như điều 712 của bộ Giáo Luật Công Giáo Đông Phương nói: "Phải tránh xa việc lãnh nhận Thánh Thể những ai bất xứng công khai". Ở đây, điều muốn nhấn mạnh là sự "bất xứng công khai" còn sự cảm thấy bất xứng trong tâm tư con người thì là chuyện khác. Khi có sự bất xứng trong kín ẩn hay trong tâm tư, thì chính tội nhân tự mình ý thức và tự động không rước lễ như điều 916 đã nói.
Ngoài ra, sự lãnh nhận Thánh Thể gây "bất xứng công khai" nó còn gây những thiệt hại khách quan (danno oggettivo) khác cho cộng đoàn Giáo hội. Trong thực tế, sự chấp nhận cho lãnh nhận Thánh Thể cho người ly dị tái hôn sẽ gây ra cớ vấp phạm (scandal), được hiểu là như một hành vi khiến người khác hướng về điều xấu, và sự hiểu lầm về giáo lý về sự bất khả phân ly của hôn nhân. Nó còn gây những trở ngại cho việc đào tạo lương tâm tín hữu.
Những vấn đề gây tai hại cho cộng đoàn dân Chúa như trên, không chỉ quy trách nhiệm cá nhân trong tội lỗi của mình đối với Chúa mà còn là trách nhiệm của Giáo quyền. Tuyên Bố nhận thấy: "sự bất xứng do ở trong tình trạng tội gây ra vấn đề pháp lý nghiêm trọng trong Giáo Hội". Do đó Giáo quyền phải có những biện pháp ngăn ngừa.
Có thể tóm kết ba lý do của sự cấm nhận Thánh Thể đối với tội nhân "ngoan cố sống trong tội trọng tỏ tường" là: gây cảm thức "bất xứng công khai” đối với Thánh Thể trong cộng đoàn, gây cớ vấp ngã (scandal) làm hướng về điều xấu nơi người khác, gây hiểu lầm về giáo lý bất khả phân ly của hôn nhân.
 
Số (2): 
 
 
2. Bất cứ sự giải thích nào của điều 915 mà tự nó chống lại nội dung đích thực của điều này, như đã được tuyên bố một cách kiên định bởi Huấn Quyền và bởi kỷ luật Giáo Hội qua các thế kỷ, thì rõ ràng là sai lầm. Không được lẫn lộn những từ ngữ của luật (x. đ. 17) với việc sử dụng không đúng nghĩa của những từ này như những phương tiện để tương đối hóa những lời giáo huấn hay vô hiệu hóa nội dung đích thực của chúng.
Công thức "cũng như những người ngoan cố sống trong tội trọng tỏ tường" là rõ ràng và phải được hiểu trong một cách thức mà không làm lệch lạc ý nghĩa, khiến quy tắc luật không thể áp dụng được. Ba điều kiện cần thiết phải là:
a- "Tội trọng, được hiểu một cách khách quan, bởi vì thừa tác viên cho rước lễ không thể thẩm định được về sự quy tội chủ quan;
(il peccato grave, inteso oggettivamente, perché dell’imputabilità soggettiva il ministro della Comunione non potrebbe giudicare;)
b- "Ngoan cố, được hiểu như sự hiện hữu của một tình trạng khách quan của tội mà tồn tại trong thời gian và ý muốn của người tín hữu không muốn nó chấm dứt, không cần đòi hỏi có những yếu tố khác (thái độ thách thức, cảnh cáo trước…) để mà xác thực tình trạng trong sự nghiêm trọng nền tảng giáo hội";
(l’ostinata perseveranza, che significa l’esistenza di una situazione oggettiva di peccato che dura nel tempo e a cui la volontà del fedele non mette fine, non essendo necessari altri requisiti (atteggiamento di sfida, ammonizione previa, ecc.) perché si verifichi la situazione nella sua fondamentale gravità ecclesiale;)
c- Tính chất của tình trạng tội trọng thường xuyên được biểu lộ.
(il carattere manifesto della situazione di peccato grave abituale).
Tuy nhiên, không được xem những tín hữu ly dị tái hôn là ở trong tình trạng tội trọng thường xuyên, những người mà không thể, vì những lý do nghiêm trọng - như là giáo dục con cái - 'thực hiện sự buộc phải chia tay, đảm nhận nghĩa vụ sống hoàn toàn tiết dục, nghĩa là tránh những hành vi dàng riêng cho vợ chồng' (FC, 84), và những người mà dựa trên nền tảng của ý định như vậy (e che sulla base di tale proposito) đã lãnh nhận Bí Tích thống hối. Bởi vì sự kiện sống của những tín hữu đó không sống như vợ chồng (more uxorio) tự nó là kín đáo, trong khi tình trạng sống của những người ly dị tái hôn tự nó là biểu hiện, họ chỉ có thể đến lãnh nhận Thánh Thể remoto scandalo".
 
Bình giải: 
Số (2) này là phần quan trọng nhất, gồm hai phần. Phần đầu Tuyên Bố xác định ý nghĩa của mệnh đề: "ngoan cố sống trong tội trọng tỏ tường", trong đó có giải thích rõ ý nghĩa từng chữ, "tội" và chữ "ngoan cố". Phần thứ hai, như là hệ quả của phần đầu, thẩm định về tình trạng tội của người ly dị tái hôn và rồi ngay sau đó thẩm định sự rước lễ của họ.

a- Số (2a) xác định ý nghĩa "tội trọng" 
"Tội trọng, được hiểu một cách khách quan, bởi vì thừa tác viên cho rước lễ không  thể thẩm định được về sự quy tội chủ quan;"
Khách quan có nghĩa là quan điểm của khách thể, là sự phán đoán hay nhìn nhận về sự việc của khách thể.  "Tội trọng được hiểu một cách khách quan" có nghĩa là được nhìn nhận là "tội trọng" từ những khách thể, tức là những người khác. Nó không phải sự nhìn nhận của chính chủ thể phạm tội về tội của mình (chủ quan).
Chủ quan có nghĩa là quan điểm của chủ thể, là sự phán đoán hay nhìn nhận về sự việc. Sự việc, là đối tượng của chủ thể tức là hành vi của mình. Người này xét thấy hành vi của mình có tội hay không, tội nặng hay nhẹ.
Ví dụ 1: Anh A hay đi cướp của những nhà giàu có để lấy tiền cứu giúp người nghèo khổ. Hành vi "cướp của" của anh A này được hiểu là "tội trọng" một cách khách quan, hiểu từ phía của những người khác. Tuy nhiên, trong cái nhìn chủ quan của anh A thì hành vi "cướp của" đó có thể là không có tội, vì anh ta cho rằng mình đang làm một việc tốt, phá bỏ bất công, cứu giúp người nghèo.
Ví dụ 2: Một bác sĩ Công Giáo B mở phòng mạch chuyên phá phôi thai dưới 1 tháng tuổi. Ông B được coi là có "tội trọng" phá thai được hiểu một cách khách quan từ phía người khác. Tuy nhiên theo chủ quan của ông, ông thấy việc hủy bỏ một phôi thai nhi dưới 1 tháng là không có tội vì ông cho rằng phôi thai chỉ có linh hồn sau 1tháng tuổi. Và ông cũng nghĩ rằng mình làm việc này để cứu giúp các phụ nữ.
Ví dụ 3: Một nữ tu, bị tư tưởng tà dâm cám dỗ và cứ nghĩ rằng mình mắc "tội trọng" trong tư tưởng. Tội này là "tội trọng" được nhìn nhận cách chủ quan bởi chính chủ thể phạm tội là vị nữ tu đó. Tuy nhiên, nó chỉ là "tội nhẹ" hay "không có tội", dưới cái nhìn khách quan của những người khác. Nói cách khác, việc bị tư tưởng tà dâm cám dỗ đó là "tội nhẹ" hay "không có tội" được hiểu một cách khách quan.
Như vậy một hành vi phạm luật thì sự nhìn nhận hay phán đoán khách quan và chủ quan có thể giống nhau hay khác nhau. Cụ thể:
Như nhau: Khách quan thấy là tội trọng, chủ quan cũng thấy là tội trọng
Khác nhau: Khách quan thấy là tội trọng, chủ quan thấy là tội nhẹ hay không tội.  Khách quan thấy là tội nhẹ hay không tội, chủ quan lại thấy có tội trọng.
Sau khi xác định "tội trọng, được hiểu một cách khách quan". Tuyên bố nêu ngay lý do: "bởi vì thừa tác viên cho rước lễ không thể thẩm định được về sự quy tội chủ quan".
Nêu lý do đó có ý nghĩa gì?
Điều cần lưu ý trước tiên là điều 915 quy định một đòi buộc vừa cho thừa tác viên và vừa cho người được rước lễ, nhưng ràng buộc việc chủ động thực hiện việc "từ chối không cho rước Thánh Thể" chính là thừa tác viên. Tín hữu là người bị động trong việc rước lễ này. Luật viết: không được chấp nhận cho hiệp thông Thánh Thể (Ad sacram communionem ne admittantur, are not to be admitted to holy communion). Điều này thì khác với trường hợp ở điều 916. Điều 916 này ra mệnh lệnh cho chính tín hữu rước lễ là: không được lãnh nhận Mình Thánh Chúa (neve Corpori Domini communicet; is not to  receive the body of the Lord). Dễ thấy rằng điều 916 không ràng buộc gì đến thừa tác viên và "tội trọng" ở điều 916 này lại được hiểu cách chủ quan, vì chính phạm nhân ý thức mình có tội trọng.
Theo đúng ý nghĩa khách quan (cái nhìn từ khách thể) và chủ quan (cái nhìn từ chủ thể) thì trong mệnh đề "người ngoan cố sống trong tội trọng tỏ tường", nếu nói ngược lại: "tội trọng, được hiểu là chủ quan" thì quả là một điều phi lý. Nó phi lý trong chính khái niệm "chủ quan". Thừa tác viên là một người ngoài, không thể phán đoán tội nặng nhẹ với cái nhìn "chủ quan" của tội nhân; không thể biết được sự "hiểu biết" và sự "cố ý" của tội nhân. Thừa tác viên không thể đồng hóa mình với phạm nhân trong cái nhìn, trong phán đoán về hành vi phạm lỗi của phạm nhân. Nói cách khác, quả là phi lý nếu một "khách thể" (thừa tác viên) lại đóng vai trò phán đoán của một "chủ thể" (người rước lễ) về tội của tội chủ thể.
Chú ý là Tuyên Bố chỉ định cách hiểu "tội trọng" trong mệnh đề "sống trong tội trọng tỏ tường" của điều 915 mà thôi, chứ không nói đến tội trọng cách chung, hay định nghĩa về tội trọng.
Còn ở điều 916 "tội trọng" lại được hiểu một cách chủ quan: "Ai ý thức mình mắc tội trọng…". Nếu nói ngược lại: "tội trọng" trong điều 916 này là "được hiểu cách khách quan" thì cũng là điều nghịch lý. Lý do là: chính "chủ thể" ý thức về tội trọng "của mình", chứ không về tội của ai khác (khách thể).
Như vậy, không được lẫn lộn mà phải phân biệt cho rõ, như bản Tuyên Bố đã cảnh giác trước khi xác định ý nghĩa của từng từ ngữ của điều 915, rằng: "Không được lẫn lộn những từ ngữ của luật (x. đ. 17) với việc sử dụng không đúng nghĩa của những từ này".
 
b- Số (2b) xác định ý nghĩa "ngoan cố":
"Ngoan cố, được hiểu như sự hiện hữu của một tình trạng khách quan của tội mà tồn tại trong thời gian và ý muốn của người tín hữu không muốn nó chấm dứt, không cần đòi hỏi có những yếu tố khác (thái độ thách thức, cảnh cáo trước…) để mà xác thực tình trạng trong sự nghiêm trọng nền tảng giáo hội";
 Có cả hai yếu tố đòi buộc để hiểu là "ngoan cố":
- "tồn tại trong thời gian",
- "không muốn chấm dứt, mà không cần phải thêm là có sự cảnh cáo trước hoặc đòi phải có sự thách thức của tội nhân".
Như vậy, Tuyên Bố đã loại bỏ những yếu tố "cảnh cáo trước, có sự thách thức của tội nhân", điều mà những tác giả có chủ trương quá cởi mở đòi phải có để cấu thành sự "ngoan cố".
Định nghĩa cho thấy sự "không muốn chấm dứt" là một trong hai yếu tố tạo nên sự "ngoan cố". Rõ ràng là "muốn" hay "không muốn" là hành vi bên trong tâm trí. Tình trạng bên ngoài không phản ảnh đúng được điều có trong tâm trí. Hành vi được biểu lộ bên ngoài được giả thiết là chủ thể có ý làm như vậy, nhưng không luôn luôn đúng là như vậy.Ví dụ, sự ưng thuận kết hôn được diễn tả qua lời nói hành vi của đôi bạn kết ước hôn nhân được giả thiết là họ bằng lòng kết hôn với nhau. Tuy nhiên, trong thâm tâm của người kết hôn có thể thực sự là không muốn. Người này đã miễn cưỡng kết hôn như vậy bởi vì có thể có sự đe dọa nào đó, buộc phải kết hôn.
Theo định nghĩa về "ngoan cố" của Tuyên Bố thì người ly dị tái hôn khi đã hoán cải "muốn chấm dứt" tội thì không được coi là "ngoan cố", mặc dù không thể hiện được ra bên ngoài vì những lý do nghiêm trọng.
 
c- Số (2c) xác định yếu tố "biểu lộ thường xuyên"
Tuyên Bố xác định yếu tố thứ ba (2c): "Tính chất của tình trạng tội trọng thường xuyên được biểu lộ". 
"Tội trọng" trong mệnh đề: "ngoan cố sống trong tội trọng tỏ tường" lại có hai  tính chất  "thường xuyên" và "được biểu lộ". Sẽ không đủ yếu tố thứ ba này nếu:
- Tội trọng chỉ thường xuyên mà không biểu lộ, ví dụ như tội ngoại tình là tội trọng thường xuyên nhưng được thực hiện trong sự kín ẩn.
- Tội trọng chỉ biểu lộ mà không thường xuyên, ví dụ như bác sĩ phá thai khá rõ, được nhiều người biết, nhưng đôi khi ông ta mới làm.
Hai tính chất của "tội trọng" này, trong thực tế đã được xét tới và áp dụng vào việc  cho tín hữu ly dị tái hôn được rước lễ ở nơi xa, ít người biết, miễn là  họ đã ăn năn sám hối, lãnh nhận Bí Tích Thống Hối và tự đảm nhận sống tiết dục (FC 84).
Nơi ít người biết đến tội trọng của tín hữu thì cũng có nghĩa là tội trọng đã không được "biểu lộ" một cách tỏ tường ở nơi đó. Nơi đó có thể là ở một nhà thờ giáo xứ khác hoặc nhà thờ nơi mình đến cư ngụ (ít là trong thời gian đầu, khi còn ít người biết đến, cho đến khi nó bị công khai cho nhiều người biết). Điều chính yếu khiến thừa tác viên phải xét là việc cho một tín hữu có tội như thế có gây những tác hại khách quan như đã nói ở số (1) hay không.

d- Về tình trạng tội trọng của tín hữu ly dị tái hôn
 Tiếp sau ngay phần xác định ý nghĩa các từ ngữ trong mệnh đề của điều 915; "ngoan cố sống trong tội trọng tỏ tường", Tuyên Bốxác định về tình trạng tội của người ly dị tái hôn:
Tuy nhiên, không được xem những tín hữu ly dị tái hôn là ở trong tình trạng tội trọng thường xuyên, những người mà không thể, vì những lý do nghiêm trọng - như là giáo dục con cái - 'thực hiện sự bắt buộc phải chia tay, đảm nhận nghĩa vụ (assumono l'impegno) sống hoàn toàn tiết dục, nghĩa là tránh những hành vi dàng riêng cho vợ chồng' (FC, 84), và người mà dựa trên nền tảng của ý định như vậy đã lãnh nhận Bí Tích thống hối.
Câu văn cho thấy có hai yếu tố cần thiết đối với người mà được coi là không ở trong tình trạng tội trọng thường xuyên.
(a) Người mà ăn năn thống hối nhưng vì lý do nghiêm trọng, không thể thực hiện được sự buộc phải chia tay, đảm nhận nghĩa vụ (assumono l'impegno) sống hoàn toàn tiết dục tiết dục.
(b) và dựa trên căn bản của ý định trên (a) đã lãnh nhận Bí tích Thống Hối (hanno ricevuto, động từ ở quá khứ gần passato prossimo).  
Thử phân tích văn phạm để xem vai trò của việc xưng tội ở (b):
Tiếng Ý: "e che sulla base di tale proposito hanno ricevuto il sacramento della Penitenza". Động từ hanno ricevuto của mệnh đề phụ ở thì "quá khứ gần" passato prossimo;
Tiếng Anh: "and who on the basis of that intention have received the sacrament of Penance". Động từ have received của mệnh đề phụ ở thì "hoàn thành" present perfect.
Hai thì passato prossimo và present perfect cho thấy động từ xưng tội đã xảy ra sau khi đã có ý định thống hối và ý muốn chia tay, đảm nhận sự tiết dục. Nghĩa là, sau khi "đã xưng tội xong" thì tội nhân trở nên tình trạng không còn ở trong tội trọng thường xuyên.
Xét về ý nghĩa thì "không được xem những tín hữu ly dị tái hôn là ở trong tình trạng tội trọng thường xuyênlà mệnh đề chính và việc "đã lãnh nhận Bí Tích Thống Hối" chỉ là mệnh đề phụ diễn tả yếu tố cần thiết cho nội dung được xác định ở mệnh đề chính. Vì vậy, câu văn nhắm đến việc thẩm định tình trạng tội trọng thì cần những yếu tố nào, chứ không hề có ý nói đến việc lãnh nhận Bí Tích Thống hối cần có những yếu tố nào.
Có những người hiểu lầm, cho rằng đoạn văn trên có ý nghĩa là chỉ cho tín hữu ly dị tái hôn xưng tội với điều kiện là phải sống hoàn toàn tiết dục hoặc phải từ bỏ sự sống chung như vợ chồng. Hay nói cách khác, họ cho rằng người đang sống trong tình trạng ly dị tái hôn bị cấm Xưng Tội. Quả là điều đáng tiếc!
Vì vậy, khi hội đủ hai điều (a) và (b) trên tín hữu ly dị tái hôn không còn trong tình trạng tội trọng thường xuyên nữa. Nói cách khác, khi hội đủ hai điều (a) và (b) nói trên thì cho dù người ly dị tái hôn vẫn sống chung như vợ chồng họ vẫn không ở trong tình trạng tội trọng thường xuyên.
Khi thiếu một trong hai điều (a) và (b) trên thì vẫn chưa được kể là không ở trong tình trạng tội trọng. Nghĩa là, nếu ai chỉ có ăn năn thống hối mà không có lãnh nhận Bí Tích Xá Giải; hoặc chỉ có lãnh nhận Bí Tích Xá Giải mà không có lòng thống hối (a), thì vẫn kể người đó là còn trong tình trạng tội trọng.
Vấn đề được đặt ra là khi họ vẫn còn quan hệ tình dục thì họ có tội trọng nữa không?
Điều mấu chốt là họ có ngoan cố hay cố tình hay không khi phạm tội. Một tội được coi là trọng khi hội đủ ba điều kiện: "Phạm một lỗi nặng, với đầy đủ ý thức và cố tình" (SGLCG, 1857).
Nói cụ thể hơn là: tội dâm dục trong đời sống vợ chồng đó có thể không là tội trọng. Vì tội dâm dục cũng phải được xét theo nguyên tắc luân lý trên, nghĩa là, cần phải có ý thức đầy đủ và cố tình thì mới là tội trọng. Ví dụ một trường hợp: Người vợ bị buộc phải ăn nằm với chồng, nếu không cho chồng ăn nằm thì bà sẽ bị chồng đạp xuống khỏi gường hay người chồng sẽ ngoại tình và bỏ vợ, trong khi đó bà còn phải lo nuôi dưỡng giáo dục con cái. Trường hợp này người vợ ấy sẽ không có tội trọng.
Tất nhiên là có nhiều người đã cố tình phạm tội và vẫn còn ngoan cố. Có thể kể như trường hợp một người chồng vì yêu một phụ nữ khác rồi bỏ vợ con để kết hôn với người nữ đó. Nay ông ta có thể quay lại tái hợp với vợ con mà không chịu làm. Hoặc như hai vợ chồng vì không hợp tính tình hay xung khắc rồi chia tay nhau và kết hôn mới. Nay họ vẫn có thể tái hợp lại mà không có lý do nghiêm trọng ngăn cản thì họ vẫn được coi là ngoan cố.
Nhưng thực tế thì còn có những người không còn ngoan cố. Về tội tái hôn cũng nên phân biệt trường hợp cố tình bỏ vợ hay chồng để tái hôn và trường hợp vì lý do nào đó mà buộc phải tái hôn (bị bỏ rơi cách bất công mà không thể sống độc thân). Tội trạng của hai người này thì khác nhau. Thôi thì, cứ kể trong trường hợp xấu nhất, đó là đã cố tình phạm tội nặng mà bây giờ đã thống hối, hết ngoan cố, muốn chấm dứt tội trạng (sống chung, tà dâm) nhưng lại không được vì lý do nghiêm trọng, thì vẫn được Xưng tội để được tha thứ.
Các lý do nghiêm trọng có thể là: phải lo nuôi nấng giáo dục con cái, bị chồng hay vợ bỏ rơi cách bất công mà mình không thể sống độc thân và hiện nay vì tình nghĩa sâu đậm không thể bỏ được, tài sản vật chất gắn liền với đời sống gia đình nếu chia tay bị tổn hại nặng, tin rằng cuộc hôn nhân trước là vô hiệu do chưa trưởng thành, bị lầm lẫn, lừa gạt… mà bây giờ không có tòa án hay không có đủ chứng cứ để hôn nhân được Tòa án tuyên bố vô hiệu… 
"Lý do nghiêm trọng" ở đây lại là một vấn đề mà mỗi cá nhân khó mà phán đoán. Nó có thể được chủ thể phán đoán đúng đắn hay sai lầm. Bởi vậy cần có sự giúp đở biện phân của cha Giải Tội hay của mục tử khôn ngoan. Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Tông Thư Amorris Laetita luôn kêu gọi sự biện phân về tình trạng tội, nhấn mạnh đến lòng nhân từ tha thứ của Thiên Chúa và ngài cũng nhắc lại một số nguyên tắc cơ bản để giúp mục tử biện phân:
"Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo nhắc đến các nhân tố này một cách rõ ràng: 'việc quy tội và việc chịu trách nhiệm đối với một hành động có thể được giảm thiểu hay thậm chí triệt tiêu vì do không biết, vô ý, bị cưỡng ép, sợ hãi, thói quen, quyến luyến vô trật tự và các nhân tố tâm lý hay xã hội khác' (343). Trong một đoạn khác, Sách Giáo Lý một lần nữa nhắc đến 'sự thiếu chín chắn về cảm giới, sức mạnh của thói quen đã mắc phải, các tình trạng lo âu xao xuyến hay các nhân tố tâm lý hay xã hội khác làm giảm khinh hay thậm chí xóa hẳn tính quy trách luân lý”(AL, 302).
 
e- Về việc lãnh nhận Thánh Thể của người ly dị tái hôn
"Bởi vì sự kiện sống của những tín hữu đó không sống như vợ chồng (more uxorio) tự nó là kín đáo, trong khi tình trạng sống của những người ly dị tái hôn tự nó là biểu hiện, họ chỉ có thể được nhận đến lãnh nhận Thánh Thể remoto scandalo".
Ngoại trừ những người vẫn còn ngoan cố, tín hữu ly dị tái hôn nào khi đã hết ngoan cố, đã ăn năn thống hội và Xưng Tội thì người này được coi là không còn trong tình trạng tội trọng thường xuyên.
Tuy nhiên họ vẫn không được rước lễ, do những tại hại khách quan mà họ gây ra, theo như Tông Huấn Familiaris Consortio số 84 đã nêu:
"Hội Thánh không thể chấp nhận cho những người ly dị tái hôn được hiệp thông Thánh Thể. Họ đã tự làm cho mình trở nên mất đi khả năng dự phần vào đó vì tình trạng của họ và vì điều kiện sống của họ mâu thuẫn một cách khách quan với sự hiệp thông yêu thương giữa Đức Ki-tô và Hội Thánh, như nó vẫn được diễn tả và hiện tại hoá trong phép Thánh Thể. Ngoài ra còn có một lý do mục vụ đặc thù khác: nếu chấp nhận cho những người ấy được rước lễ, điều đó sẽ khiến các tín hữu đi tới chỗ sai lạc, hiểu lầm giáo lý của Hội Thánh về sự bất khả phân ly của hôn nhân".
Tuyên Bố giải thích rằng, việc có tiết dục đi chăng nữa thì cũng là chuyện kín đáo không ai biết. Bên ngoài vì họ vẫn sống như vợ chồng (more uxorio) khiến người ta vẫn nghĩ rằng họ vẫn có kết hợp tình dục vợ chồng, nghĩa là, vẫn trong tình trạng tội trọng. Vì vậy họ "chỉ có thể được nhận đến lãnh nhận Thánh Thể remoto scandalo", nghĩa là, chỉ có thể lãnh nhận Thánh Thể khi tránh được cớ vấp phạm.
Lý do không được cho nhận lãnh Thánh Thể mà bản Tuyên Bố nêu ra cũng tương tự như Tông Huấn Familiaris Consortio số 84:
"Hội Thánh không thể chấp nhận cho những người ly dị tái hôn được hiệp thông Thánh Thể. Họ đã tự làm cho mình trở nên mất đi khả năng dự phần vào đó vì tình trạng của họ và vì điều kiện sống của họ mâu thuẫn một cách khách quan với sự hiệp thông yêu thương giữa Đức Ki-tô và Hội Thánh, như nó vẫn được diễn tả và hiện tại hoá trong phép Thánh Thể. Ngoài ra còn có một lý do mục vụ đặc thù khác: nếu chấp nhận cho những người ấy được rước lễ, điều đó sẽ khiến các tín hữu đi tới chỗ sai lạc, hiểu lầm giáo lý của Hội Thánh về sự bất khả phân ly của hôn nhân".
Sau khi xem xét như trên, chúng ta thấy số 2 của bản Tuyên Bố được xem là câu trả lời xác đáng cho những tác giả đưa ra những giải thích khác nhau về "người sống trong tội trọng tỏ tường không được rước lễ (đ. 915). Giáo Hội vẫn công nhận và rất chú ý đến chiều kích bên trong, chủ quan của phạm nhân trong vấn đề quy trách nhiệm tội, như các tác giả đã chủ trương. Tòa Thánh xác nhận rõ là tín hữu ly dị tái hôn có thể "không ở trong tình trạng nội nặng thường xuyên", do bởi những sự hiểu biết và ý muốn chủ quan của tín hữu đó: ăn năn thống hối và lãnh nhận Bí Tích Thống Hối, nhưng vì lý do nghiêm trọng vẫn phải sống trong tình trạng mà cái nhìn khách quan coi là tội trọng. Và vì với cái nhìn khách quan của cộng đoàn coi là tội trọng, họ không được lãnh nhận Thánh Thể để tránh những tai hại khách quan cho Hội Thánh. Khi họ tránh được những tai hại này, họ có thể được Rước Lễ, tức là họ "đến lãnh nhận Thánh Thể remoto scandalo".

 
Số (3)
 
 
3. Dĩ nhiên, sự khôn ngoan mục vụ khuyên rằng nên tránh từ chối cho rước lễ cách công khai. Các mục tử phải cố gắng giải thích cho những tín hữu này ý nghĩa thật sự của nguyên tắc trong Giáo hội, trong cách thức mà họ có thể hiểu nó hoặc ít nhất là tôn trọng nó. Tuy nhiên, trong những tình trạng này, mà trong đó những phương pháp phòng ngừa không có hiệu quả hoặc không thể được, thừa tác viên cho Rước Lễ phải từ chối cho lãnh nhận đối với những ai bất xứng công khai. Thừa tác viên phải làm điều này với lòng bác ái rộng lớn, và tìm dịp thuận tiện giải thích những lý do khiến buộc phải từ chối. Tuy nhiên, họ phải thực hiện việc này với sự kiên định, ý thức rằng những dấu hiệu của sự kiên định đó mang lại điều tốt cho Giáo Hội và các linh hồn.
Sự biện phân các trường hợp sự loại trừ các tín hữu ra khỏi việc lãnh nhận Thánh Thể, trong các tình trạng đã nói, thì thuộc về vị linh mục có trách nhiệm với cộng đoàn. Những linh mục này sẽ chỉ dẫn cho các phó tế hoặc những thừa tác viên ngoại thường về cách thức đối xử trong những trường hợp cụ thể".
 
Bình giải:
Tuyên Bố khuyên không nên từ chối một cách công khai khi tín hữu chưa hiểu được tại sao họ lại không thể được lãnh nhận Thánh Thể, nhất là trong trường hợp họ vẫn tin rằng họ không có tội vì họ không cố tình hay không ngoan cố, hoặc họ tin tưởng rằng đã được Chúa thứ tha tội lỗi vì lòng nhân từ của Ngài. Thừa tác viên nên với thái độ cảm thông, bác ái cao độ mà khuyên nhủ. Cho họ biết Hội Thánh sở dĩ vẫn không cho họ được nhận lãnh Thánh Thể là vì những thiệt hại khách quan có thể gây ra cho cộng đoàn dân Chúa.
Thiết nghĩ nên khuyên để ý thức rằng họ cần có lòng thành thực sám hối, lãnh nhận Bí Tích Thống hối, canh tân đời sống. Sự  không đón nhận Thánh Thể của họ là một sự hy sinh vì ích lợi của Hội Thánh thì đẹp lòng Chúa hơn. Họ có thể chuyển lòng ao ước đón nhận Thánh Thể sang việc rước lễ thiêng liêng như Hội Thánh dạy (bộ GLĐT, 1994).
 
Số (4)
 

Trong tôn trọng bản chất của nguyên tắc đã nói (Cf. n. 1), không thẩm quyền nào của Giáo Hội có thể miễn chuẩn cho thừa tác viên bí tích Thánh Thể khỏi điều ràng buộc (l'obbligo) này trong bất cứ trường hợp nào cũng không được chỉ dẫn ngược lại với quy tắc đó.
 
Bình giải:
Cần phải lưu ý rằng một hạn chế quyền lợi thì phải được giải thích theo nghĩa hẹp, theo như nguyên tắc của Giáo Luật điều 18. Vậy, nhất thiết phải xác định đối tượng không được miễn chuẩn là ai và không được miễn chuẩn về điều gì, chứ không được hiểu rộng ra.
Tuyên Bố không cho phép giáo quyền miễn chuẩn cho "thừa tác viên bí tích Thánh Thể" chứ không phải là miễn chuẩn cho "tín hữu ly dị tái hôn".
Điều không được miễn chuẩn là: "khỏi điều ràng buộc này trong bất cứ trường hợp nào cũng không được chỉ dẫn ngược lại với quy tắc đó".
Tuyên Bố cần ngăn ngừa sự sai phạm nếu Giám Mục miễn chuẩn cho Thừa tác viên. Rõ ràng là tự bản tính của "điều ràng buộc" hay "chỉ dẫn ngược lại với quy tắc đó" là một điều nghịch với những xác định thần học và pháp lý được nói ở số (1) của Tuyên Bố(Như văn bản ghi : Cf. n. 1)". Đó là do sự "bất xứng công khai" của tình trạng tội trọng công khai của tội nhân và cớ vấp phạm (scandal), "ảnh hưởng đồng thời đến cả Bí Tích Thánh Thể cũng như đến sự bất khả phân ly của hôn nhân".
Sở dĩ Hội Thánh không cho phép Giáo quyền miễn chuẩn cho thừa tác viên như trên, là vì việc miễn chuẩn như vậy là trái nguyên tắc của chính sự miễn chuẩn. Đó là miễn chuẩn này thực sự gây tai hại cho cộng đoàn. Nó cũng có nghĩa là Giám Mục đã cho phép cấp dưới (là thừa tác viên) thực hiện một việc trái quy tắc đối với cộng đoàn, chứ không là ban miễn chuẩn cho cấp dưới vì lợi ích thiêng liêng cho chính cấp dưới đó.
Sự ngăn cấm việc miễn chuẩn như trên không có nghĩa là cấm các Giáo quyền miễn chuẩn cho tín hữu ly dị tái hôn. Hội Đồng Giáo Hoàng, nhất là một cơ quan về luật, vẫn phải tôn trọng quyền miễn chuẩn chính đáng và hợp nguyên tắc của Giám Mục, như luật quy định:
Mỗi khi xét thấy có lợi ích thiêng liêng cho các tín hữu, Giám Mục Giáo Phận có quyền miễn chuẩn cho họ khỏi phải giữ những luật có tính cách kỷ luật, dù là luật phổ quát hay là luật địa phương, do quyền bính tối cao của Giáo Hội đã ban hành cho lãnh thổ hay cho các người thuộc quyền mình, nhưng không được miễn chuẩn những luật hình sự hoặc tố tụng, cũng như những luật mà việc miễn chuẩn khác đặc biệt dành riêng cho Tông Toà hay cho một nhà chức trách (đ. 87#1).
  Cũng cần phân biệt thêm là việc miễn chuẩn của Giám Mục đối với từng tín hữu riêng biệt thì không giống với việc thừa tác viên cho Rước lễ. Thừa tác viên hành động theo nguyên tắc của một nhân viên thừa hành, mà việc không giữ luật của người này khiến gây hại cho cộng đoàn. Giám Mục lại hành động theo nguyên tắc của vị chủ chăn, có quyền được miễn chuẩn cho từng trường hợp riêng biệt, khi có lý do chính đáng và vì lợi ích thiêng liêng cho tín hữu.
Vì vậy Giám Mục có thể, miễn chuẩn cho người ly dị tái hôn được rước lễ, miễn là không gây ra sự "bất xứng", scandalo, hay hiểu lầm về giáo lý bất khả phân ly của hôn nhân, như đoạn số (1) đã nói đến.
Thiết nghĩ, Giám Mục có thể áp dụng miễn chuẩn, theo đúng luật, là chỉ miễn chuẩn cho từng cá nhân riêng biệt khi họ làm đơn xin, để họ có thể Rước lễ vài ba lần trong mỗi năm vào dịp lễ quan trọng.
Trong trường hợp miễn chuẩn nêu trên, cộng đoàn giáo dân được chỉ dẫn và hiểu đây là trường hợp đặt biệt được miễn chuẩn bởi Giám Mục, ban cho những người đã ăn ăn sám hối và được hưởng đặc ân trong một số dịp lễ trọng. Và như vậy sự miễn chuẩn này không gây sự tại hại khách quan cho cộng đoàn, như là: gây cảm thức "bất xứng" đối với Thánh Thể, gây cớ vấp phạm (scandal) hay sự hiểu lầm về giáo lý hôn nhân. Nhưng ngược lại cộng đoàn giáo dân có thể thấy được lòng nhân từ của Thiên Chúa qua Giáo Hội và cũng bớt đi sự kỳ thị đối với người tội lỗi. Nhất là khi họ hiểu rằng những tội nhân đó có thể sống trong ơn thánh hóa do đã ăn năn thống hối.
Các Giám Mục cũng có thể có những sáng kiến khác để giúp các tín hữu hiệp thông với Hội Thánh cách sinh động hơn. Một khi Giám Mục thực hiện được những sáng kiến đó thì quả là ngài đã đáp ứng lời kêu gọi của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II: "cố gắng không biết mỏi mệt để đem các phương tiện cứu rỗi của mình cho họ sử dụng" (FC, 84), hay như Đức Phanxicô:
Tôi hiểu những ai vẫn thích lối chăm sóc mục vụ khắt khe hơn, vốn không có chỗ cho mơ hồ. Nhưng tôi thành thực tin rằng Chúa Giêsu muốn có một Giáo Hội biết lưu ý tới điều tốt mà Chúa Thánh Thần vốn gieo vào giữa sự yếu đuối của con người, là một Bà Mẹ, dù lớn tiếng nói rõ giáo huấn khách quan của mình, “vẫn luôn làm bất cứ điều tốt nào có thể làm, cho dù trong khi làm thế, giầy dép của mình bị vấy bẩn bởi đất bùn hè phố”.
Và Giám mục đó cũng thực hiện được việc: "khuyến khích sự tham dự của những con cái này trong đời sống Giáo Hội, trong những hình thức thích hợp có thể được cho họ" ở số (5) dưới đây.
 
Số (5)
 
 
5. Giáo Hội tái xác định sự quan tâm lo lắng mẫu tử đối với những tín hữu trong tình trạng này hay tương tự khiến họ bị ngăn cản không được lãnh nhận bàn tiệc Thánh Thể. Những điều trình bày trong Tuyên Bố này thì không trái ngược với lòng ước muốn lớn lao là khuyến khích sự tham dự của những con cái này trong đời sống Giáo Hội, trong những hình thức thích hợp có thể được cho họ. Hơn nữa, để chỉ ra những điều kiện cần thiết cho sự hoán cải cần thiết, mà tất cả mọi người được Thiên Chúa mời gọi, trong một cách thế đặt biệt trong Năm Thánh Toàn Xá, cần phải lập lại sự bất khả cho nhận Thánh Thể là điều kiện việc mục vụ chân thật, sự quan tâm chính thống đối với điều tốt lành cho những tín hữu này và cho cả Giáo Hội.
Vatican, 24-6-2000.
Lễ Trọng Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả 
Julián Herranz 
Tổng Giám Mục hiệu tòa Vertata
Chủ Tịch
Bruno Bertagna
Tổng Giám Mục hiệu tòa Drivasto
Thư ký
 
Bình giải: 
Xin nhắc lại nơi đây những giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong Tông Huấn Amoris Laetitia, liên quan đến tình trạng tội của tín hữu ly dị tái hôn:
"Giáo Hội sở đắc cả một tổng hợp suy tư chắc chắn liên quan tới các nhân tố và hoàn cảnh giảm khinh. Do đó, không thể đơn giản nói rằng tất cả những người trong bất cứ hoàn cảnh “bất hợp lệ” nào đều đang sống trong tình trạng tội trọng hay không có ơn thánh hóa." (AL, 301)
"Vì các hình thức của điều kiện hóa và các nhân tố giảm khinh, rất có thể, dù ở trong một hoàn cảnh tội lỗi khách quan, một hoàn cảnh có thể không bị qui tội về phương diện chủ quan, một ai đó vẫn có thể sống trong ơn thánh Chúa, vẫn có thể yêu thương và lớn lên trong đời sống ơn thánh và đức ái, trong khi lãnh nhận sự giúp đỡ của Giáo Hội để tiến tới mục tiêu này.(AL, 305)
 
Hệ luận thực tiễn
Một số điều cho áp dụng thực tiễn:
- Dựa theo lời dạy của Thánh Phaolô trong 1Cor 11, 27-29 thì ai đang mắc tội trọng thì không được Rước lễ. Nếu rước lễ là "bất xứng" và bị án phạt bởi Thiên Chúa.  
- Người nào "ý thức", nghĩa là nhận biết mình đang mắc tội trọng thì tự mình không nhận lãnh Thánh Thể (đ. 916). Chỉ sau khi ăn năn thống hối và lãnh nhận Bí Tích Giải tội rồi thì mới được Rước lễ. (Điều này tín hữu đã được học biết từ khi học giáo lý chuẩn bị Rước lễ lần đầu.)
- Người nào "ngoan cố sống trong tội trọng tỏ tường thì không được cho lãnh nhận Thánh Thể " (đ. 915). Vì vậy, thừa tác viên cứ phải phán đoán theo tình trạng tội trọng thường xuyên và rõ ràng bên ngoài (khách quan) mà từ chối cho Rước lễ, bất kể trong lòng tội nhân là có tội hay không. Lý do là để tránh sự cảm thấy "bất xứng công khai" trong cộng đoàn, cớ vấp phạm (scandal) và sự hiểu lầm về giáo lý bất khả phân ly hôn nhân.
- Những tín hữu ly dị tái hôn, phải thực hiện sự chia tay để không còn sống trong tình trạng tội trọng tỏ tường bên ngoài nữa thì mới được lãnh nhận Thánh Thể.
- Tuy nhiên những tín hữu ly dị tái hôn đã ăn năn thống hối, muốn thực hiện sự chia tay nhưng vì lý do nghiêm trọng, như để giáo dục con cái, mà không thể chia tay thì cũng được lãnh nhận Bí Tích Giải tội để được thứ tha tội lỗi. Khi đó, họ được coi là không còn sống "trong tình trạng tội trọng thường xuyên" nữa. Điều này cũng có nghĩa là tín hữu ly dị tái hôn vẫn có thể lãnh nhận Bí Tích Giải Tội khi có lòng thống hối, để được thứ tha mọi tội lỗi. Tuy nhiên, vì hình thức bên ngoài là họ vẫn còn sống như tình trạng vợ chồng bất hợp pháp, nên họ vẫn không được lãnh nhận Thánh Thể.
- Về lý do nghiêm trọng nói trên, thì có thể xét theo lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô chỉ dạy: "Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo nhắc đến các nhân tố này một cách rõ ràng: 'việc quy tội và việc chịu trách nhiệm đối với một hành động có thể được giảm thiểu hay thậm chí triệt tiêu vì do không biết, vô ý, bị cưỡng ép, sợ hãi, thói quen, quyến luyến vô trật tự và các nhân tố tâm lý hay xã hội khác'. Trong một đoạn khác, Sách Giáo Lý một lần nữa nhắc đến 'sự thiếu chín chắn về cảm giới, sức mạnh của thói quen đã mắc phải, các tình trạng lo âu xao xuyến hay các nhân tố tâm lý hay xã hội khác làm giảm khinh hay thậm chí xóa hẳn tính quy trách luân lý”(AL, 302).
- Tín hữu ly dị tái hôn khi không còn tội trọng thì vẫn không được rước lễ. Họ chỉ có thể được Rước lễ tại nơi mà ít người biết tình trạng tái hôn của mình và phải tiết dục (FC, 84). Nơi ít ai biết có thể là một giáo xứ lân cận hay một nơi xa mà mình mới đến ở. Thừa tác viên Thánh Thể chỉ từ chối cho tín hữu này Rước lễ chỉ khi tình trạng tái hôn của họ đã được nhiều người trong nhà thờ biết.
- Giám Mục không được phép miễn chuẩn cho thừa tác viên khỏi nhiệm vụ từ chối này, nhưng ngài có thể miễn chuẩn cho từng tín hữu trong các hoàn cảnh riêng biệt.
- Khi tín hữu tin rằng mình đã được tha thứ thì cũng cần thấy  rằng mình cần hoán cải đổi mới luôn luôn, cần tham dự cử hành phụng vụ, cầu nguyện…, cần chu toàn nghĩa vụ vợ chồng, nghĩa vụ làm cha mẹ và làm việc lành bác ái, để tăng tiến đời sống ân sủng, như Đức Phanxicô nói: "vẫn có thể sống trong ơn thánh Chúa, vẫn có thể yêu thương và lớn lên trong đời sống ơn thánh và đức ái".
Tín hữu ly dị tái hôn cũng nên tích cực tham gia vào sinh hoạt cộng đoàn. Cộng đoàn cũng cần nâng đở cảm thông, không được kỳ thị và coi họ là tội nhân không thể tha thứ.
 
Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, 8-12-2016
Lm. JB. Lê Ngọc Dũng

 
 

[1] Xem L’Osservatore Romano, 7 luglio 2000, p. 1; Communicationes, 32 [2000], pp;  http://www.vatican.va/roman_curia/pontifical_councils/intrptxt/documents/rc_pc_intrptxt_doc_20000706_declaration_it.html.


 
--------------------------------------------------------------------------


ÍT ĐIỀU CẦN CHÚ Ý
TRONG MỤC VỤ HÔN PHỐI
 
A.  VIỆC ĐIỀU TRA TRƯỚC HÔN PHỐI.
B.  RIÊNG VỀ MẤY  NGĂN TRỞ HÔN PHỐI.
C.  HÌNH THỨC KẾT HÔN VÀ VIỆC CHỨNG HÔN.
D. VỀ ĐẶC ÂN THÁNH PHAOLÔ.
E. VIỆC GHI SỔ SÁCH
 
A/. VIỆC ĐIỀU TRA HÔN PHỐI
(DE INVESTIGATIONE PRAMATRIMONIALI)
I. LUẬT ĐIỀU TRA.
“Trước khi cử hành bí tích hôn phối, phải chắc chắn không có gì cản trở việc cử hành hữu hiệu và hợp pháp” (Can. 1066). Để được biết chắc như thế, một trong các phương thế giáo luật dạy, là điều tra kỹ lưỡng trước khi kết hôn.
Chiếu theo Can.1067 và Huấn thị Sacrosanctum ngày 29.06.1941 của thánh Bộ bí tích, chúng ta nên lưu ý mấy điểm sau :
1. Ai điều tra ?
> Cha xứ (cha sở) có quyền chứng hôn. Tức là cứ thường lệ cha xứ bên nữ, dù ngài có đồng ý cho đôi hôn phối thành hôn ở giáo xứ bên đàng trai hay ở một giáo xứ khác.
> Việc điều tra này buộc nhặt (sub gravi), dù cha xứ chắc (moraliter certus) không có gì ngăn trở cũng phải thi hành.
> Và phải đích thân làm lấy, trừ khi có lý do chính đáng mới được nhờ người khác (H.T.Sacrosanctum, số 4).
> Còn cha xứ đàng trai và cha khác có liên hệ, nếu được chính đương sự hoặc cha xứ của đương sự xin, phải sẵng sàng giúp việc điều tra đó (Ibid).
2. Điều tra lúc nào?
Phải điều tra vào thời gian thích hợp (tempore opportuno) trước khi kết hôn, nghĩa là trước hoặc trong thời gian rao hôn phối.
3. Điều tra về những gì?
Phải dò xét tất cả những gì có thể ngăn trở cho vụ hôn phối bất cứ cách nào.
a.Trước hết là về bí tích rửa tội và bí tích thêm sức, xem đương sự  đã lãnh nhận chưa, nơi lãnh nhận… (Sacrosantum, số 4).
> Nếu đương sự đã không được rửa tội tại xứ (hay sở) của cha, thì ngài phải đòi chứng chỉ rửa tội của cả hai bên, hoặc của bên Công giáo (đối với hôn phối được chuẩn ngăn trở dị giáo). Nếu là hôn phối xin chuẩn ngăn trở tạp giáo, thì đòi chứng chỉ rửa tội cả bên Kitô hữu không Công giáo.
> Theo huấn thị Sacrosanctum, chứng chỉ rửa tội phải mới được cấp chưa quá sáu tháng tính đến ngày định thành hôn. Huấn thị dạy như vậy, nhưng thiết tưởng khi không có lý gì mà nghi đương sự đã có đôi bạn, thì chứng chỉ cấp đã lâu cũng được. Chứng chỉ đó phải được trích lục từ  sổ rửa tội của giáo xứ (giáo sở), trong đó phải ghi đầy đủ những điều cần phải ghi chú theo Can 1122§1 (xem E 2 : Về việc ghi sổ sách - tr. 20).
> Trường hợp nguy tử, nếu không thể có bằng chứng gì hơn, thì đương sự thề mà quả quyết mình đã chịu phép rửa tội là đủ (Can. 1068). Ngoài trường hợp nguy tử, nếu không có chứng chỉ chính thức trích sao từ sổ rửa tội của giáo xứ, thì một nhân chứng thật chắc chắn cũng đủ, hay nếu đương sự chịu phép rửa tội khi đã khôn lớn thì chính người ấy thề quả quyết mình đã chịu phép rửa tội cũng được.
b. Tiếp đến là điều tra xem đôi hôn phối có liên hệ với những giáo xứ hay giáo sở nào để nếu cần, thì sẽ rao ở đó, hay sẽ phải thông báo một khi đã thành hôn: xem họ đã đến tuổi thành niên hay còn là vị thành niên; xem cả hai hay ít ra một bên là góa, thì lại phải điều tra về cái chết của người bạn cũ của họ để biết chắc không có ngăn trở dây hôn phối, và còn xét coi giữa hai người toan kết hôn có ngăn trở họ hàng, ngăn trở công hạnh hay ngăn trở tội ác… hay  không.
c. Cha xứ, cha sở phải hỏi vị hôn phu và vị hôn thê, hỏi riêng lẽ và một cách khôn ngoan, khéo léo, tế nhị, dè dặt… xem họ có mắc ngăn trở gì không, có tự do ưng thuận hay bị ép buộc (Can. 1057).
Theo huấn thị Sacrosanctum thì đây là lúc lấy KHẨU CUNG, nhưng vì có những câu hỏi sau khi học giáo lý hôn phối xong mới có thể trả lời, nên ta thường lấy khẩu cung sau khi đã dạy đủ giáo lý, miễn là trước khi cho kết hôn.
 
II. VỀ RAO HÔN PHỐI :
Rao hôn phối là một phương thức điều tra, giáo luật buộc phải thi hành (Can.1067), và thỉnh thoảng nên nhắc cho tín hữu nếu biết ngăn trở gì thì buộc phải báo cáo cho cha xứ hay Đấng Bản quyền (Can. 1069).
* Bình thường buộc phải rao đủ ba lần.
* Theo năng quyền thập niên số 30, cha xứ (sở) được chuẩn rao một lần, miễn là có lý do chính đáng và chắc chắn không có ngăn trở nào.
* Cha quản hạt được chuẩn rao hai lần (N.Q.T.N. số 33).
* Chỉ Đấng Bản quyền mới được chuẩn rao ba lần.
* Trái lại những vụ hôn phối được chuẩn ngăn trở khác tôn giáo thì không rao.
* Nếu đàn trai thuộc một giáo xứ hay một giáo sở khác, thì phải rao cả hai nơi. Nếu có một bên nào- sau 14 tuổi- đã ở nơi nào khác quá sáu tháng, thì phải xin ý kiến Đấng Bản quyền coi có cần rao nơi đó không. Nếu có lý để nghi ngờ có ngăn trở, thì cũng xin ý kiến như vậy.
III. CHUYỂN HỒ SƠ :
Các cha xứ (sở) đã được xin điều tra, xin rao hôn phối, phải cố gắng làm tốt và sớm. Sau khi làm xong, gởi cho cha xứ (sở) đàng gái đã xin rao gồm: văn thư điều tra, chứng chỉ rao, chứng chỉ rửa tội, thêm sức, hay có tài liệu gì khác trong văn hàm xứ sở của mình liên quan đến vụ hôn phối… Chúng ta thường liên lạc trực tiếp với nhau, dù là hai cha khác giáo phận. Nhưng theo huấn thị ngày 4.7.1921 của bộ bí tích và huấn thị Sacrosanctum đã dẫn (số 4a), thường thường phải hoặc nên qua trung gian tòa giám mục của hai giáo phận trực tiếp với nhau, và trước khi cha xứ (sở) chứng hôn, phải được phép (nihil obstat) của tòa giám mục giáo phận mình.
IV. KHẢO VÀ DẠY GIÁO LÝ :
Cha xứ phải khảo hạch đôi hôn phối, xem họ có biết đủ giáo lý công giáo không (cách riêng về bí tích hôn phối).
* Theo Ủy ban giải thích giáo luật của Tòa Thánh ngày 2 và 3.6.1918 và Cộng đồng Đông dương, số 262, nếu thấy đôi hôn phối dốt giáo lý, thì hãy chịu khó dạy kỹ cho họ ít là những điều căn bản của Giáo lý Công Giáo (Can. 1063). Do vậy, chúng ta nên uyển chuyển trong vấn đề này, nhất là đối với hoàn cảnh khó khăn ngày nay. Không nên bắt họ thuộc lòng quá nhiều. Chúng ta nên chịu khó dạy cho hiểu là đủ.
* Riêng đối với người tân tòng, nếu Hội Đồng Giám mục Việt Nam có qui định thời gian dự tòng ít là một năm, thì thiết tưởng nên hiểu đó là trường hợp bình thường. Những người xin theo đạo để cưới vợ, lấy chồng, mà lại trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, thì phải hiểu đó là trường hợp ngoại thường, nên xử trí một cách uyển chuyển, theo khả năng của họ. Dĩ nhiên phải dạy cho họ biết giáo lý tối thiểu, để họ có thể có một đức tin chân thực, sống đạo có căn bản, chứ không phải chỉ dạy qua loa, sơ sài… Nhưng nếu đòi hỏi quá kéo dài thời gian, có thể thiệt hại cho họ, làm họ  chán nản, ác cảm, có khi liều chung sống với nhau sinh gương xấu…
B/. VỀ CÁC NGĂN  TRỞ HÔN PHỐI
Giáo luật buộc cha xứ (sở) phải điều tra kỹ lưỡng xem đôi hôn phối có mắc ngăn trở mà giáo luật qui định từ 1073- 1094. Trong đó có một số ngăn trở có thể được chuẩn. Do đó, chúng ta cần hiểu rõ các ngăn trở, phân biệt các ngăn trở nào là do luật tự nhiên, do luật Thiên Chúa, hay do luật Giáo hội, ngăn trở nào là thượng đẳng, ngăn trở nào là hạ đẳng. Chúng ta nên xem kỹ lại bản giải thích các năng quyền thập niên từ  trang 68-78.
Sau đây xin lưu ý thêm về mấy ngăn trở:
Ngăn trở khác đạo:
* Ngăn trở khác đạo giữa một người đã rửa tội trong Giáo Hội Công giáo hoặc đã rửa tội trong một giáo phái Kitô giáo không Công giáo mà sau đã gia nhập Công giáo với một người Kitô hữu không Công giáo, được gọi là ngăn trở tạp giáo và là ngăn trở cấm hôn.
* Ngăn trở khác đạo giữa một người Công giáo và một người lương không hay chưa rửa tội, được gọi là ngăn trở dị giáo và là ngăn trở tiêu hôn (impedimentum dirimens), thượng đẳng.
Giáo Hội Công giáo khắt khe đối với những vụ hôn phối khác tôn giáo (Can.1124-1129). Nhưng hoàn cảnh ngày nay, hôn nhân hỗn hợp quá nhiều, chúng ta nên tìm cách gỡ rối để bên Công giáo được yên lương tâm, được hưởng các ân huệ của Hội Thánh, và con cái họ được chính thức hóa. Lý do gỡ rối (ut cesset publicus concubinatus) này là một lý do mạnh để ban ơn chuẩn.
Theo Tự sắc Matrimonia mixta, để được chuẩn ngăn trở khác đạo, cần những điều kiện sau đây :
1.  Bên Công giáo phải làm hai điều :
a. Một là tuyên bố mình sẵn sàng tránh những nguy hiểm làm mất đức tin của mình.
b. Hai là thành thật hứa (buộc ngặt) sẽ lo liệu hết sức để con cái đã hay sẽ sinh ra được rửa tội và giáo dục trong Giáo Hội Công giáo
2. Phải cho người bạn không Công giáo hiểu rõ những điều người bạn Công giáo phải cam kết, để người ấy ý thức người bạn Công giáo cam kết những gì, buộc làm những gì.
3. Phải dạy cho cả hai bên biết các mục đích và hai đặc tính của hôn nhân (giúp nhau hoàn thiện và sinh sản), mà không bên nào được loại bỏ một đặc tính nào. Ngoài ra, cần dạy giáo lý cho bên Công giáo thật kỹ càng, giúp người ấy sống đức tin vững vàng, ý thức nhiệm vụ của mình, làm gương tốt … để người ấy có thể cảm hóa người bạn không Công giáo (và gia đình), gây cảm tình đối với đạo Công giáo.
       
C/. VỀ HÌNH THỨC KẾT HÔN VÀ VIỆC CHỨNG HÔN
I. HÌNH THỨC KẾT HÔN CÓ THỂ PHÂN BIỆT :
       - Pháp lý.
       - Phụng vụ.
Chỉ hình thức pháp lý mới là căn bản, cần thiết để hôn nhân được thành sự.
II. HÌNH THỨC PHÁP LÝ LẠI CÓ THỂ PHÂN BIỆT:
       - Thông thường
       - Ngoại thường
       - Đặc biệt
1.Thông thường: kết hôn trước mặt linh mục quản xứ, hay Đấng Bản quyền, hay một linh mục do các ngài ủy quyền hợp pháp và hai nhân chứng (Can.1108-1109).
2.Ngoại thường: nếu không có linh mục quản xứ  hay Đấng Bản  quyền hoặc linh mục được ủy nhiệm như nói ở Canon 1108-1109, hoặc liên lạc với các ngài quá bất tiện thì :
        a. trong trường hợp nguy tử, kết hôn trước mặt hai nhân chứng mà thôi cũng thành.
        b. Ngoài trường hợp nguy tử, kết hôn như vậy cũng thành, miễn là suy đoán sau một tháng nữa hoàn cảnh cũng vẫn không thay đổi.
       Trong cả hai trường hợp, nếu sẵn có một linh mục hay phó tế nào khác có thể hiện diện được, thì phải mời các vị ấy chứng hôn cùng với hai nhân chứng. Nếu không có linh mục hay phó tế nào, chỉ kết hôn trước mặt hai nhân chứng mà thôi, hôn phối vẫn thành (Can.1116).
3. Đặc biệt: ngày 05.05.1972, Tòa thánh đã ban năng quyền đặc biệt cho các Đấng Bản quyền Việt Nam, để các ngài ban lại cho các linh mục trong hoàn cảnh đặc biệt như : được quyền chứng hôn thành sự với một nhân chứng hoặc không nhân chứng nào, không phân biệt ranh giới giáo phận, miễn là phải biết chắc chắn hai bên chưa kết bạn và không bị ngăn trở nào (số 3).
Chúng ta nên lưu ý :
        * Theo Canon 1108, thì chỉ Bản quyền và linh mục quản xứ là có thường quyền (potestas ordinaria) chứng hôn theo hình thức thông thường, và các ngài chỉ có thể ủy quyền riêng từng vụ hôn phối, riêng cho một linh mục nhất định. Không được ủy cách tổng quát, trừ đối với linh mục phó xứ cộng quản (Can.1111§2).
       Nhưng nhờ năng quyền thập niên số 19, đức Giám mục giáo phận “ ủy quyền tổng quát cho các linh mục quản sở, các phó xứ cộng quản và các phó tế (nếu được bổ nhiệm như phó xứ cộng quản) được chứng hôn ( hình thức thông thường) trong nơi mình thi hành quyền nhiệm”.
       *  Ở Việt Nam hiện nay, có khá nhiều nơi không có linh mục quản xứ, sở (như vùng kinh tế mới chẳng hạn), thiết tưởng giáo dân đã đủ điều kiện để kết hôn theo hình thức ngoại thường. Chúng ta cần hướng dẫn cho giáo dân  trước để họ biết, kẻo khi muốn thành hôn mà không có linh mục, lại sống với nhau cách bất hợp pháp, làm đau khổ lương tâm… Cũng không nên bắt họ phải hy sinh đến nỗi kéo nhau đến một cha xứ quá xa xôi.
        * Còn trường hợp nào là đặc biệt không thể chứng hôn theo hai hình thức nói trên mà phải chứng hôn theo hình thức đặc biệt, cần phải cân nhắc hoàn cảnh cụ thể từng nố cho thật kỹ lưỡng.
    
III. HÌNH THỨC PHỤNG VỤ:
có ba nghi lễ hôn phối:
       Trong thánh lễ (sách lễ mùa Vọng trang 340)
       Ngoài thánh lễ (sách lễ mùa Vọng trang 350)
       Giữa người Công giáo và người chưa rửa tội (sách lễ mùa Vọng trang 354)
IV. THEO HÌNH THỨC NÀO ?
        1. Bình thường, hôn phối của hai người Công giáo (dù là goá) phải được cử hành theo hình thức pháp lý thông thường, kèm theo hình thức phụng vụ trong thánh lễ, hoặc ngoài thánh lễ khi có lý do chính đáng.
        2. Hôn phối giữa một người Công giáo và một người không Công giáo (được chuẩn ngăn trở khác đạo) cũng phải cử hành theo hình thức pháp lý thông thường. Nhưng khi có lý do quan trọng thì Đấng Bản quyền được chuẩn,  miễn là giữ được tính công khai cho toà ngoài ( Matrimonia mixta số 8-9).
    Còn về hình thức phụng vụ :
       * Nếu bên kia là người Kitô giáo không Công giáo, thì cử hành theo nghi thức ngoài thánh lễ, nhưng khi Đấng Bản quyền đồng ý, được cử hành trong thánh lễ, và người không Công giáo không rước lễ.
       * Nếu người bên kia chưa rửa tội thì theo nghi thức riêng nói ở số III, 3 bên trên.
        3.  Khi cử hành hôn phối khác đạo ( đã được chuẩn ngăn trở ), nếu có lý do chính  đáng, có thể bỏ hình thức phụng vụ.
       Khi cử hành hôn phối theo hình thức pháp lý ngoại thường hay đặc biệt, nếu có thể, nên kèm theo nghi thức phụng vụ ( ít là đọc Lời Chúa), nhưng khi có lý do hợp lý, thì bỏ hết nghi thức phụng vụ.
        
     V. “PHÉP GIAO” LÀ GÌ ?
     Hình thức kết hôn mà người ta quen gọi là “phép giao”, không có nghĩa là chỉ cử hành hôn phối theo hình thức pháp lý, không kèm theo hình thức phụng vụ . Thực ra, phép giao là cử hành hôn phối với hình thức phụng vụ ngoài thánh lễ, một cách khiêm tốn, âm thầm, không long trọng, không rầm rộ … Đây thường là một biện pháp kỷ luật, theo thói quen từ lâu trong các giáo xứ Việt Nam. Chúng ta áp dụng cho những đôi hôn phối ít xứng đáng, đã làm gương xấu ( ví dụ: đã công khai sống chung với nhau, đã mang thai … trước khi kết hôn theo tôn giáo). Nói là: “theo thói quen các giáo xứ Việt Nam”, vì luật chung không có biện pháp kỷ luật đó.
       
     VI. KẾT HÔN Ở ĐÂU ?
     Bình thường, hôn phối phải cử hành trong nhà thờ và là nhà thờ xứ. Nhưng khi có lý do chính đáng, thì được cử hành tại tư gia. (C. 1115).
 
D/. ĐẶC ÂN  THÁNH PHAOLÔ
1. Hôn phối giữa hai người lương (nghĩa là không rửa tội) :
Hôn phối giữa hai người lương theo nghi lễ và nghi thức của họ, được coi là hợp pháp và hữu hiệu (matrimonium legitimum). Theo luật tự nhiên, nó cũng phải có tính bền vững. Tuy nhiên vì không phải là bí tích, nên sự bền vững đó không tuyệt đối. Theo 1Cr 7, 15 thì khi một trong hai người trở lại đạo Công giáo, nếu người kia không trở lại hay không chịu sống chung hòa thuận khỏi làm sĩ nhục Đấng Tạo Hóa, người trở lại đạo Công giáo có quyền kết hôn với một người Công giáo. Hôn phối trước bị bãi bỏ. Đó là đặc ân đức tin (privilegium Fidei) hay đặc ân thánh Phaolô (privilegium Paulium. Can. 1143- 1147).
2. Điều kiện:
 a. Hôn phối giữa hai người lương thành, nghĩa là có hôn phối thực sự.
 b. Một bên trở lại đạo Công giáo, bên kia cứ đi lương.
c. Bên đi lương không muốn sống chung với bên Công giáo: BỎ THỂ LÝ hay BỎ TINH  THẦN.
3. Giải thích ba điều kiện:
 a. Hôn phối thành giữa hai người lương : “Lương” đây là chưa rửa tội, dù là dự tòng. Nếu một bên rửa tội ngoài Công giáo, một bên lương thì không có đặc ân thánh Phaolô theo đúng nghĩa, nhưng trường hợp đặc biệt, có lợi cho đức tin (cho đạo) thì Tòa Thánh có thể tháo gỡ hôn phối đó để người trở lại đạo Công giáo được kết hôn (chữa tận căn- sanatio in radice) với một người Công giáo khác.
Hôn phối giữa hai người lương là thành :
        * Khi có cưới hỏi, có giá thú đàng hoàng.
        * Khi chính hai vợ chồng tự coi mình là vợ chồng thật, cả láng giềng, bà con cũng coi như thế, không thắc mắc.
        * Dù hồ nghi thì cũng phải cho là thành (In         dubio standum est provalore matrimonii. Can. 1060).
 b. Một bên trở lại Công giáo: Việc một bên trở lại đạo Công giáo, nghĩa là chịu phép rửa tội trong Giáo Hội Công giáo, tự nó không đoạn tiêu (tiêu hôn) hôn phối giữa hai người, nhưng chỉ ban quyền cho người trở lại Công giáo được hỏi (interpellare) người bạn cùng đi lương xem có còn muốn sống chung nữa không? Nếu người ấy trả lời phủ quyết, thì bên trở lại Công giáo được quyền đi kết hôn với người Công giáo, và chỉ khi kết hôn thật sự, hôn phối  cũ mới chấm dứt.
Để dùng đặc ân thánh Phaolô hữu hiệu (valide), một bên trở lại và rửa tội rồi, bên kia chưa rửa tội là đủ. Nhưng để  hợp pháp (licite), sự trở lại Công giáp đó phải chân thành, vì chỉ có chân thành, mới lãnh bí tích rửa tội cách hợp pháp.
 Do vậy, phải bảo người muốn trở lại Công giáo về điều đó trước khi ban phép rửa tội cho họ. Nếu không có ý ngay lành, không thật lòng muốn chung sống hoặc làm hòa lại với người bạn hợp pháp, hay là mưu mô để lấy cớ  bỏ người bạn hợp pháp… thì không có điều kiện để chịu phép rửa tội. Tuy nhiên, nếu thấy bất tiện khi bảo như thế, thì phải theo ý đương sự.
c. Bên lương bỏ đi:
- Bỏ thể ly : Thật sự đã không còn sống chung, hoặc hỏi mà từ chối hẳn việc sống chung (dissessus có thể là formalis hay materialis)
- Bỏ tinh thần: Muốn sống chung nhưng không sống hòa thuận,  làm sĩ nhục Đấng Tạo Hóa (pacifice sinecontumelia Creatoris): chế nhạo đạo thánh, nói hay làm những điều nguy hiểm cho đức tin hay đạo đức của bên Công giáo, hoặc hay cải cọ, mắn chưởi, đập đánh…
  Sau khi rửa tội, hoặc cả sau khi đã hỏi người bạn không Công giáo rồi về sống chung với nhau mà có những chuyện như thế, không phải lỗi do bên Công giáo, thì người này vẫn có quyền dùng Đặc Ân để đi lấy người Công giáo.
 4. Interpelatio (hỏi) :
 Để chứng minh “sự bỏ đi” của người bạn bên lương, thì phải HỎI (danh từ giáo luật là Interpellare) người ấy hai điều:
 a. Có muốn trở lại đạo Công giáo, chịu phép rửa tội như người bạn kia không?
 b. Có bằng lòng sống chung với người bạn đã theo đạo Công giáo cách hòa thuận, không sỉ nhục Đấng Tạo Hóa không? (Can. 1144).
 CÁC CHI TIẾT:
Thời gian hỏi :
Thường phải hỏi sau khi bên trở lại Công giáo đã được rửa tội, trước khi kết hôn với người Công giáo.
Trường hợp có lý do quan trọng, thì Đấng Bản quyền có thể cho phép hỏi trước khi rửa tội.
Hỏi ai ?
Phải hỏi chính người bạn còn đi lương, và hỏi nhân danh người bạn đã trở lại đạo Công giáo.
Trường hợp nào phải hỏi ?
Phải hỏi LUÔN, trừ khi Tòa Thánh đã tuyên bố thể khác. Dù thấy hỏi vô ích, cũng vẫn phải hỏi. Nhưng khi không thể hỏi được, có thể xin Đấng Bản quyền chuẩn cho khỏi hỏi. Thường Đấng Bản quyền chỉ được chuẩn hỏi sau khi người bạn trở lại Công giáo đã được rửa tội. Nhưng nếu có lý do quan trọng, ngài có thể chuẩn hỏi trước khi rửa tội. (Pastorale munus số 33).
 Trong cả hai trường hợp (chuẩn hỏi, chuẩn trước rửa tội), trước khi ban ơn chuẩn, phải làm thủ tục điều tra về lý do, ít là theo lối hành chánh (processu summario extrajudiciali). Nếu bỏ câu hỏi một của Can. 1144, chỉ hỏi câu hai (của khoảng luật này) và người ấy trả lời “KHÔNG” thì dùng Đặc Ân thành.
Hình thức hỏi: có ba hình thức
- Hỏi tư (riêng) privatim
- Theo lối tòa án (có trát gọt, có thẩm phán…)
- Lối ngoài tòa án, tức là lối hành chánh.
Hai hình thức sau là chính thức (authentica) làm do lệnh Đấng Bản quyền của người tân tòng.
Hỏi thế nào?
     a. Phải hỏi thẳng, đừng loanh quanh, úp mở, mà phải nói rõ là nếu… thì người tân tòng có quyền đi lấy vợ hay chồng là người Công giáo.
     b.  Phải hỏi do quyền của Đấng Bản quyền và nhân danh người tân tòng. Nếu đương sự yêu cầu, thì Đấng Bản quyền phải cho họ một thời gian để suy nghĩ, và bảo họ nếu quá thời gian đó mà không trả lời thì coi như trả lời phủ quyết (Can 1145).
     c. Đại diện Đấng Bản quyền có  thể là cha xứ hay một giáo sĩ, hoặc giáo dân đứng đắn, khôn ngoan. Nếu một người không chắc, nên có thêm một nhân chứng. Phải ủy quyền bằng văn thư. Và thường nếu giao cho một giáo sĩ chức nhỏ hay một giáo dân thì bắt họ thề làm việc cho đàng hoàng. Khi hỏi, phải làm biên bản hay báo cáo viết thành văn (hai bản).
     d.  Hỏi tư là khi người tân tòng tự ý hỏi nhân danh cá nhân mình, hoặc do Đấng Bản quyền cho phép. Dù người tân tòng tự ý hỏi lấy, nếu Đấng Bản quyền xét thấy có giá trị, ngài có thể cho là đủ, nhưng phải có bằng chứng để có giá trị ở tòa ngoài. Thí dụ: có hai nhân chứng. Trường hợp không hỏi được chính thức thì phải cho hỏi như vậy. Nhưng nếu có thể, chính linh mục hỏi lấy. Trong mỗi trường hợp, các câu hỏi và trả lời phải được viết vào giấy. Cũng có thể hỏi bằng thư, và có một thời hạn đủ rộng rãi để trả lời (Syn. Tunq. Tit III, C III, 1,5).
     Chú ý: Để tránh những rắc rối có thể xảy ra, cần bảo người bạn tân tòng, trước khi tái hôn với người Công giáo hãy liệu giải quyết vụ hôn phối trước cho dứt khoát đi đã. Thí dụ: ly dị ở tòa đời (nếu trước có giá thú), hoặc tuyên bố trước mặt gia đình người bạn cũ, hoặc hai bên làm giấy dứt khoát bỏ nhau, bên người tân tòng giữ một bản.
 
E/. VỀ VIỆC GHI SỔ SÁCH
    1. Cử hành phép hôn phối xong, linh mục quản xứ phải ghi vào sổ hôn phối (những điều đã in sẵn trong sổ- Can. 1121)
   2. Nếu là hôn phối có phép chuẩn, phải ghi chú điều đó bên lề và giữ văn bản tha ngăn trở, cùng với tờ khai khẩu cung (Can. 1121§3).
   3. Phải ghi chú hôn phối vào sổ rửa tội của người lãnh bí tích hôn phối, nếu họ đã được rửa tội trong giáo xứ (Can. 1122§1).
   4. Phải thông báo (notificatio) cho giáo xứ, nơi những người ấy đã chịu phép rửa tội để ghi vào sổ (Can. 1122§2).

Lm. VŨ XUÂN HẠNH (biên soạn lại)

BẤM 
MỤC LỤC
 ĐỂ XEM


 


 

Giảng lễ là một nghệ thuật khó, nó có nhiều “bất trắc”, vì thiếu chuẩn bị, nó có thể làm cho người nghe chán, vì thiếu chủ đề trọng tâm, nó có thể làm cho tín hữu không đào sâu được đức tin…

Trong tác phẩm của họ, “Và tôi, tôi nói cho bạn: hãy tưởng tượng! Nghệ thuật khó khăn của việc rao giảng” (E IO TI DICO: IMMAGINA! L’arte difficile della predicazione), các cha Dòng Tên Gaetano Piccolo, tổng thư ký ban tông đồ tri thức của Dòng và Nicolas Steeves, linh mục nhà thờ Thánh I-Nhã ở Paris, cả hai đều là giáo sư Đại học Gregoria, họ đưa ra một danh sách ít nhất là mười sai lầm đừng phạm để đứng làm cho giáo dân chán, và tệ hơn nữa là làm cho họ bỏ lễ.

Trong lời nói đầu, các tác giả nhắc lại, mục đích của việc rao giảng “không phải rao giảng cho mình, nhưng là để cứu những người nghe”. Một người đi giảng đều có điểm yếu điểm mạnh của mình, hoặc có một chủ đề mà họ thích trở lại một cách tự nhiên, trực tiếp hoặc gián tiếp trong tất cả bài giảng của mình. Đây không phải là việc trở nên siêu anh hùng rao giảng, nhưng đúng hơn là nhận diện các điểm yếu bị lặp đi lặp lại nhiều lần, có thể tạo nên vấn đề và tuyệt đối phải tránh.

1/ Thiếu chuẩn bị

Khác với sự đào tạo ở chủng viện, sai lầm xưa cổ đầu tiên là thiếu chuẩn bị bài giảng. Có cả ngàn lý do tốt, xấu để biện minh cho việc không chuẩn bị bài giảng: hội họp, diễn thuyết, có vấn đề cá nhân, quá nhiều việc. Nhưng các lý do này cho thấy sự hời hợt không tránh được, để rồi cuối cùng làm cho người nghe chán ngấy. 

2/ Thiếu chủ đề trọng tâm

Sự thiếu chuẩn bị này thường kéo theo việc bài giảng không có chủ đề trọng tâm, mà khổ thay, đây cũng là vấn đề lớn xảy ra ngay cho cả bài giảng đã được chuẩn bị. Một trong các vấn đề thường gặp nơi người đi giảng là trước khi giảng, họ không ngồi xuống tịnh tâm tự hỏi: “Trong vài chữ, đâu là chủ đề tôi sẽ nói với tín hữu vào chúa nhật sắp tới?”. Nếu người giảng không có một ý chính nào trong đầu, thì chắc chắn sau bài giảng, người nghe cũng không biết người giảng muốn nói gì.

3/ Bài giảng quá dài

Một sai lầm thường gặp trong các bài giảng thiếu chuẩn bị là quá dài, thậm chí có thể nói là “dài quá đáng”, các bài giảng được chuẩn bị ít dài hơn nhưng nhiều khi cũng dài. Trong thời gian tập sinh, các chủng sinh Dòng Tên được dạy: “Ngày chúa nhật không dài quá 10 phút, trong tuần không dài quá 5 phút”. Người ta còn nói: “Năm phút đầu tiên, chúng ta lay động tâm hồn, thời gian còn lại thì những người ngồi sau lúc lắc”. Người ta còn ví von: “Bài giảng phải như chiếc váy ngắn: đủ dài để che cái cần phải che, nhưng khá ngắn để tạo hấp dẫn”.

4/ Văn nghệ giải trí

Trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, Đức Phanxicô nhắc lại, bài giảng “không được như một màn văn nghệ giải trí; không đáp ứng theo kiểu các phương tiện truyền thông, nhưng phải mang lại sự sốt sắng và ý nghĩa của việc cử hành lễ” (EG 138). Dĩ nhiên phải tranh lời lẽ thô tục, xoàng xỉnh hay sở thích quá độ kiểu trình diễn giải trí. Rất hiếm khi các người rao giảng vừa giảng vừa dùng các vật dụng như (cờ, đèn..) mà không làm cho giáo dân xao nhãng trong sự gặp gỡ phải có của họ với Chúa. 

5/ Kéo sự chú ý về mình

Thật ra, bài giảng phải là “kinh nghiệm sâu đậm và hạnh phúc với Thần Khí, một cuộc gặp gỡ an ủi với Lời Chúa, nguồn liên tục làm mới lại và làm tăng trưởng” (EG 135). Bởi vì, đây đúng là “giây phút cao nhất của cuộc đối thoại giữa Chúa và dân của Ngài, trước khi rước Mình Thánh Chúa” (EG 137). Như thế, nếu người rao giảng kéo hết sự chú ý về phần mình thay vì đưa giáo dân đến cuộc đối thoại với Chúa, thì dù cho họ có nói những chuyện hấp dẫn nhất thế giới, bài giảng của họ sẽ không bao giờ là một bài giảng, bởi vì nó mất mục tiêu mà đáng lý phải có để trao truyền.

6/ Bài diễn văn răn bảo

Bài giảng phải mời gọi tín hữu đáp ứng một cách cụ thể khởi đi từ khía cạnh huyền nhiệm của đời sống thiêng liêng hay chiêm niệm công việc tạo dựng. Bài giảng thường, nếu không muốn nói là phải, dự trù một phần luân lý, theo đó kêu gọi tín hữu làm điều tốt, sau phần đầu là phần làm cho giáo dân hiểu cái đẹp, cái đúng. Nhưng bài giảng không thể kê từ đầu đến cuối một danh sách những chuyện phải làm hay không nên làm.

Bài giảng không phải là lúc để dạy đời. Một vài bài giảng răn bảo đi theo hướng cánh hữu (luân lý về giới tính, nhắc lại luật lệ…), một vài bài giảng đi theo hướng cánh tả (kinh tế, môi sinh, công chính xã hội…): vấn đề không phải là tự chính nội dung của nó nhưng là sự mất quân bình giữa chiêm niệm và hành động. Dù bài giảng là nhắm đến việc khơi dậy nơi tín hữu kitô các cách đối xử tốt nhất, nhưng nó không thể chỉ thuần là người răn bảo về mặt chính trị-xã hội.

7/ Duy linh

Bài giảng phải có gốc rễ cụ thể trong đời sống hàng ngày của tín hữu hay đời sống xã hội của họ, bài giảng không bay trên mây, khai thác các khía cạnh ngụy-thần nghiệm, mà thức chất nó không có tác động thật sự.. 

8/ Duy trí

Duy trí là lỗi lầm gần với duy linh, nhưng nặng về mặt văn hóa và rất phổ biến. Vì sự đào tạo chặt chẽ và trí tuệ ở chủng viện, các tài liệu, các bài trình bày, các luận án là những hình thức diễn tả duy nhất được yêu cầu, nên đôi khi họ nghĩ, các tài liệu này là phương tiện tốt để trao truyền với tín hữu trong bài giảng. Khi đó, bài giảng trở thành bài chú giải lịch sử và phê phán hoặc bài kể chuyện như một bài học thần học về tín lý hay nền tảng.

9/ Giáo lý

Một sai lầm gần với duy trí là biến bài giảng thành bài giáo lý. Khuynh hướng này rất tinh tế, do một truyền thống đầu tiên hết trong Giáo hội: dạy dỗ tín hữu về các huyền nhiệm kitô giáo qua các bài giảng. Đó là trường hợp các bài giảng có tính cách giáo lý hay giáo lý khai tâm ở các thế kỷ đầu tiên. Các bài giáo lý của Cyrille de Jérusalem hay của Ambroise được tái khám phá trong những năm 50 vào thời kỳ của các tổ phụ, ca ngợi sự kiên nhẫn dạy dỗ của họ.

Rất nhiều giáo phận bây giờ triển khai một chương trình giáo lý khai tâm cho các dự tòng người lớn. Vấn đề liên hệ đến bài giảng ở đây là bài giảng trong thánh lễ không phải là lúc dạy giáo lý.

10/ Giải thích dài dòng

Vì thiếu tưởng tượng hay thiếu chuẩn bị, một vài nhà rao giảng nghĩ, để giảng, chỉ cần lặp lại bài phụng vụ vừa đọc theo chữ của mình. Khổ thay, cách làm này lại gây nhàm chán, vì nó chỉ lặp lại bài đã đọc mà không nêu bật lên chủ đề trọng tâm.

Giải thích dài dòng là đánh giá thấp tác động của lời trên đời sống giáo dân. Chính vì Lời Chúa không phải lúc nào cũng rõ ràng, nên Lời Chúa không phải chỉ đơn giản lặp lại nhưng phải được giải thích. Tốt hơn nên để công việc giải thích dài dòng này cho các học sinh còn nhỏ…

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn