1
18:27 +07 Thứ bảy, 27/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 200

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 199


Hôm nayHôm nay : 25891

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 330013

Tổng cộngTổng cộng : 27884297

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » HÔN NHÂN & GIA ĐÌNH » NHÓM CHIA SẺ LỜI CHÚA

Những động cơ của Giu-đa Iscariốt

Chủ nhật - 18/06/2023 14:37-Đã xem: 151
Khi bước đầu theo Đức Giêsu, Giuđa cũng đầy nhiệt tình, hăng say như các Tông đồ khác; thế rồi, không biết từ bao giờ, ông bắt đầu trượt dốc và sau hết đã đón nhận một kết cục bi thảm… Mỗi lần đọc lại trình thuật cuộc thương khó, tốt hơn hết, ta đừng oán trách Giuđa nữa, biết đâu chính ta, chính tôi cũng đang trong tình trạng trượt dốc như thế.
Những động cơ của Giu-đa Iscariốt

Những động cơ của Giu-đa Iscariốt

Giuđa Iscariốt xưa nay là một trong những nhân vật gây chú ý bậc nhất trong Tân ước. Là người phản bội Đức Giêsu, ông là kẻ điều tiếng không ai sánh bằng – quả đúng như vậy.

Kinh thánh rõ ràng gọi ông là kẻ phản bội, nhưng động cơ của ông vẫn còn là một chủ đề cần suy xét. Làm sao mà ai đó có thể, cách ý thức và chủ tâm, thực hiện một hành vi tồi tệ như thế nhằm chống lại Con Chiên vô tội của Thiên Chúa, Đấng Cứu độ thế gian? Một số giải thích có vẻ đã được thiết lập để giảm nhẹ cho tội lỗi của Giuđa bằng cách miêu tả ông như một người không quá độc ác mà là yếu đuối, bối rối hay đơn giản là cố gắng để nên hữu ích.

Trước tiên, chúng ta hãy xem xét các lý thuyết chính, tất cả đều được rút ra từ Kinh thánh.

Những lý thuyết về động cơ
Đầu tiên là lý thuyết cho rằng Giuđa đã phản bội Đức Giêsu vì ông tham tiền hám của. Cả bốn Tin mừng đều chỉ ra đây ít nhất là một động cơ góp phần vào.

Duy nhất Tin mừng Mátthêô đề cập đến 30 đồng bạc, là cái giá mà Giuđa nhận được cho việc phản bội (x. Mt 26,15). Cũng chỉ mỗi Tin mừng này mới có đoạn trình thuật cho biết sau đó Giuđa hối hận vì hành động của mình ra sao, ông ném số bạc lại cho các thượng tế và đi thắt cổ (Mt 27,3-5).
Máccô và Luca cũng nói về việc Giuđa bán Đức Kitô cho các thượng tế (x. Mc 14,10-11; Lc 22,1-6). Nhưng Luca đưa ra một nét mới: Đầu tiên Satan “đã nhập vào Giuđa” (Lc 22,3) rồi sau đó ông đi gặp các thượng tế và ký lục để vạch mưu bắt giữ Đức Giêsu.

Tin mừng Gioan gay gắt nhất trong việc luận bàn về Giuđa. Đây là Tin mừng duy nhất chỉ đích danh Giuđa chính là người cảm thấy tức giận về sự lãng phí khi một phụ nữ đổ dầu thơm lên chân Đức Giêsu, ông ước tính rằng có thể bán số dầu ấy với giá của một năm tiền công và đem chia cho người nghèo (x. Ga 12,1-8).

Gioan cũng quy cho Giuđa động cơ dẫn tới sự phản đối của ông: “Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung” (Ga 12,6). Giống với Luca, Gioan cũng đề cập đến vai trò của Satan trong việc Giuđa phản bội Đức Giêsu (Ga 13,27).

Như thế, sự tham lam tiền của và tác động của ma quỷ là những lý do rõ ràng nhất dẫn đến tội lỗi của Giuđa trong các trình thuật Kinh thánh. Ông rành rẽ giá trị từng đồng bạc, và là một kẻ có thể bị mua chuộc. Chính khuynh hướng tham tiền hám của đã biến ông trở thành một mục tiêu tương đối dễ dàng cho Satan. Có lẽ đối với Giuđa, số tiền thưởng của các thượng tế biểu trưng cho “một đề nghị không thể chối từ”.

Những nhân tố khác
Các Tin mừng cũng ám chỉ đến những nhân tố góp phần khác.

Chẳng hạn, trong Tin mừng Mátthêô, Giuđa luôn gọi Đức Giêsu là “Rabbi”, chứ không bao giờ gọi là “Chúa”. Một số học giả nhận thấy đây là một dấu chỉ về sự sai lạc của Giuđa trong việc hiểu căn tính và vai trò cứu độ của Đức Giêsu.

Danh xưng “Giuđa Iscariốt” xuất hiện ở hơn một Tin mừng. “Iscariốt” có thể là một sự kết hợp trong tiếng Hípri – ish Kerioth – nghĩa là “người xuất thân từ Kerioth”, một thành thuộc miền nam Giuđêa. Nếu vậy, có thể phỏng đoán rằng trong nhóm Mười hai chỉ có riêng Giuđa không xuất thân từ Galilê và có lẽ ông cảm thấy mình như kẻ lạc lõng, một sự cô lập mà ta có thể tin rằng nó đã làm gia tăng cám dỗ phạm tội phản bội.

“Iscariốt” cũng giống một cách sát sao với hạn từ Hy Lạp có nghĩa là “người mang dao găm”. Điều này gợi ý rằng Giuđa là một thành viên của “Những người mang dao găm” [Dagger-Bearers], nhánh cực đoan nhất của nhóm Nhiệt thành [Zealots].

Nhóm Nhiệt thành tin Đấng Mêsia đến trong tư cách một lãnh đạo quân sự để giải phóng người Do Thái khỏi những kẻ áp bức họ là người Rôma. Trong nhóm này, Những người mang dao găm có ý định giải phóng dân tộc Do Thái thông qua điều mà ngày nay chúng ta xem là những hành vi khủng bố. Lý thuyết này cho rằng Giuđa bị Đức Giêsu làm vỡ mộng và ông tin rằng việc Đức Giêsu bị bắt giữ có thể thúc đẩy Ngài bắt đầu cuộc cách mạng.

Bài học cho tất cả
Lý thuyết nào chính xác? Hiển nhiên là một số nhân tố vừa nêu, và có lẽ cả những nhân tố khác nữa cũng vậy, đều đóng một vai trò nhất định. Trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần vào ngày 18/10/2006, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nói về Giuđa và đề cập đến một số giả thuyết chủ đạo. Nhưng sau cùng, ngài cho rằng những động cơ của Giuđa vẫn còn là một mầu nhiệm.

Đức Thánh cha lưu ý một thực tế căn bản đó là Giuđa “đã đầu hàng trước cám dỗ đến từ tên quỷ dữ”. Tiếp đó ngài chỉ ra bài học dành cho tất cả các tín hữu bằng cách lưu ý rằng dù gần gũi với Đức Giêsu, Giuđa vẫn không miễn nhiễm với tội.

Đức Giáo hoàng Bênêđictô nói: “Thật sai lầm khi nghĩ rằng đặc ân tuyệt vời được sống cùng với Đức Giêsu là đủ để làm cho một con người nên thánh”.

“Đức Giêsu không cưỡng ép ý chí của chúng ta khi Ngài mời gọi chúng ta bước theo Ngài tiến lên trên con đường của các mối phúc. Con đường duy nhất giúp tránh các cạm bẫy đang bủa vây chúng ta là phó dâng toàn thể con người mình cho Đức Giêsu, là bước vào trong sự hiệp thông trọn vẹn với Ngài, ngõ hầu chúng ta suy nghĩ và hành động như Ngài đã từng, trong sự vâng phục trọn vẹn đối với Chúa Cha.


Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ từ simplycatholic.com



BÀI THAM KHẢO

Tất cả những gì ta biết về Giuđa Itcariốt đều xoay quanh hai chữ “phản bội”. Không điều gì tệ hại cho bằng việc phản bội. Kẻ phản bội là kẻ sống giả dối. Kẻ phản bội là kẻ lạnh lùng, thờ ơ. Kẻ phản bội là kẻ ích kỷ. Kẻ phản bội là kẻ thù của mọi niềm thương yêu. Và ta còn có thể dùng mọi điều xấu xa nhất để gọi tên một kẻ phản bội. Đó là nhãn quan chung của ta mỗi khi đọc lại các trình thuật về cuộc thương khó của Đức Giêsu. Tôi vẫn luôn tự hỏi Giuđa lúc đó đã suy nghĩ gì, đã cảm thấy gì. Người ta rất khó để có thể đoán biết được, bởi dữ kiện Kinh Thánh không đủ để ta lần mò vào các chuyển biến nội tâm của Giuđa. Tác giả Jean-Francois Bouthors trong tác phẩm “Đêm tối của Giuđa”[1] đã thử hóa mình vào vị trí của Giuđa để tìm hiểu tâm trạng của Giuđa vào đêm hôm đó. Tác giả Bouthors đã cố gắng lý giải làm sao mà một môn đệ, một Tông đồ đã được tuyển chọn kỹ càng lại có thể trở thành một tên xấu xa như thế. Cuối cùng thì ông đã tìm thấy một ánh nến trong đêm tối nội tâm của Giuđa.

Nhưng rồi tôi cũng mơ hồ một chuyện, các Tông đồ khi biết được người anh em của mình đã phản thầy, phản bạn thì phản ứng thế nào? Không một Tin Mừng nào nhắc đến, dù cho đã hơn một lần, Đức Giêsu báo trước ai sẽ nộp Người, dù cho trong bữa Tiệc Ly, Người đã chấm bánh đưa cho Giuđa. Tôi càng chú ý nhiều hơn đến phản ứng của hai Tông đồ Mátthêu và Gioan, vì sau này khi viết Tin Mừng, viết lại cuộc đời của Thầy, chắc hẳn hai vị đã phải nghiệm ra được điều gì đó… Điều đó là điều gì vậy? Tôi thử bắt chước nhà văn Bourthors, tiếp tục lần mò trong đêm tối của Giuđa.

Lời bào chữa của thánh Mátthêu
 
Tôi muốn bắt đầu với lời thuật này của thánh Mátthêu: “Bấy giờ, Giu-đa, kẻ đã nộp Người, thấy Người bị kết án thì hối hận. Hắn đem ba mươi đồng bạc trả lại cho các thượng tế và kỳ mục […] Giu-đa ném số bạc vào Đền Thờ và ra đi thắt cổ” (Mt 27,3-5). Chính Giuđa lúc đó đã nhận biết Đức Giêsu vô tội, tức Thầy mình không phạm phải các điều mà các thượng tế và kỳ mục mang dẫn ra để luận tội Đức Giêsu. Điều này giả định rằng, khi quyết định nộp Người, Giuđa có cùng quan điểm với giới lãnh đạo Do Thái về việc Đức Giêsu phạm thượng, chống lại Thiên Chúa và chống lại lề luật. Thánh Mátthêu nói, khi thấy Người bị kết án thì ông hối hận và nhận ra Đức Giêsu vô tội. Nhưng một người đã khăng khăng rằng kẻ này phạm thượng, đáng tội chết, đã quyết định chung tay trừng trị kẻ ấy, lại dễ lòng thay đổi quan điểm chỉ vì một bản án đúng như mong muốn được tuyên lên hay sao? Làm sao lại có sự vô lý như thế được? Còn nữa, chính Giuđa đã chủ động đến gặp giới lãnh đạo Do Thái giáo. Ông chủ động như thế để rồi dễ lòng hối hận vậy sao? Giuđa phạm trọng tội đấy nhưng ông đã ăn năn hối cải. Ta hãy thử nghe lời bào chữa này và nghĩ xem, liệu Giuđa có được tha không. Nếu “giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc 15,10) thì Giuđa có được tha vì ông đã “hối hận” không? Hắn nhận ra tội lỗi tày trời mà mình đã gây ra cho Thầy, tức là hắn còn yêu quý Thầy rất nhiều. Nếu Đức Giêsu nói với người phụ nữ tội lỗi: “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều” (Lc 7,47) thì Giuđa có vì vẫn còn yêu mến Thầy mà được tha không? Lời thuật Giuđa “hối hận” và hành động cố gắng thay đổi tình hình có được xem là lời bào chữa thánh Mátthêu dành cho người anh em của mình không? Giả như ông đã được tha, thì ta phải nghĩ thế nào về hành vi thắt cổ tự tử của ông? Mátthêu có ý gì khi thuật lại điều đó? Liệu Mátthêu có muốn bào chữa cho Giuđa không? Về tất cả những điều này, không một ai có thể khẳng định được gì!

Lời bào chữa của thánh Gioan
 
Thế còn thánh Gioan? Thánh Mátthêu chưa từng xem Giuđa như là tay sai của ma quỷ. Ông chỉ đơn giản gọi Giuđa là kẻ phản bội hay kẻ nộp Thầy, đúng theo việc Giuđa đã làm. Nhưng còn Gioan lại mạnh miệng hơn, khi nói rằng, Đức Giêsu đã ám chỉ Giuđa là Xatan (x. Ga 6,70-71). Trong bữa Tiệc Ly, khi Giuđa vừa ăn xong miếng bánh Đức Giêsu đưa cho thì “Xatan liền nhập vào y” (Ga 13,27). Trước đó, ở Ga 13,2, tác giả còn nói: “Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giê-su”. Điều khiến tôi ngạc nhiên là cứ hễ khi nào gọi tên Giuđa là tác giả Tin Mừng thứ tư lại nhắc đến các từ “ma quỷ”, “Satan” hay “đêm tối” – biểu tượng của ma quỷ (x. Ga 13,29-31). Riêng lần nhắc tên trong sự kiện Giuđa dẫn đoàn binh đến bắt Đức Giêsu, thì Gioan không có một liên hệ nào đến ma quỷ, nhưng thánh nhân lại diễn tả: “Giu-đa, kẻ nộp Người, cũng đứng chung với họ”. Lúc đó, tại vườn cây dầu, Giuđa không còn ở bên Thầy, không còn thuộc vào Nhóm Mười Hai nữa, ông chọn “đứng chung” với những kẻ đến bắt Thầy và sẽ đóng đinh Thầy. Gioan đang kết án người anh em của mình sao? Người môn đệ Chúa yêu, người Tông đồ duy nhất gọi tên Thiên Chúa là tình yêu lại phán xét và kết án người anh em của mình sao? Có vẻ như lối mô tả của thánh Gioan ám chỉ rằng Giuđa đang bị quỷ ám, khi lần lượt gọi ra các hành động “gieo” và “nhập”, sau cùng là “đứng chung” về phe “quân dữ”. Ban đầu là ma quỷ từng bước mò mẫm vào ý định của Giuđa, ý định xấu ấy vẫn chưa chuyển hóa hoàn toàn thành hành động. Khi đã nhập vào người Giuđa rồi, ma quỷ bắt đầu khiến ông rời bàn ăn, đi ra ngoài lúc trời đã tối, đến gặp giới lãnh đạo Do Thái, dẫn toán lính đến bắt Đức Giêsu và đứng chung với họ. Tôi tự hỏi, khi ma quỷ đã chiếm giữ con người Giuđa, thì liệu Giuđa có còn đủ tự do và ý thức trong mỗi hành động của mình không? Chính thánh Gioan đã ít nhất ba lần thuật lại việc dân Do Thái tố Đức Giêsu bị quỷ ám (x. Ga 7,20 ; 8,48 ; 10,20). Dân chúng cho rằng, có vẻ như Đức Giêsu đang nói, đang làm điều mà Người chẳng hay chẳng biết, ra như Người bị mất trí vậy. Liệu thánh Gioan có mượn kiểu nói ấy để bào chữa cho Giuđa của đêm tối hôm đó không? Rất có thể Giuđa lúc đó chẳng ý thức đủ việc mình đang làm chăng? Nhưng rồi Giuđa có “hợp tác” với ma quỷ không? Và nếu có thì việc ấy diễn ra như thế nào? Về tất cả những điều này, không một ai có thể khẳng định được gì!

Lời bào chữa của Thiên Chúa
Nhưng liệu toàn bộ lối suy luận của tôi ở trên có hợp lý không?

Trong lời cầu nguyện cuối cùng trước khi bị bắt, Đức Giêsu thưa cùng Chúa Cha: “Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh” (Ga 17,12). Đứa Giêsu gọi Giuđa là đứa con hư hỏng, là người phải hư mất. Cách nào đó, Người đã loại bỏ Giuđa ra khỏi cộng đoàn những kẻ mà Người xin Chúa Cha gìn giữ. Đức Giêsu không còn thương yêu Giuđa nữa sao? Trước đó, trong giai đoạn đầu của sứ vụ công khai, Người đã tuyên bố là Người sẽ không để mất một ai trong số những người Chúa Cha đã ban cho, và sẽ cho tất cả được sống lại. Đó chính là ý muốn của Chúa Cha (x. Ga 6,39). Từ ban đầu, Chúa Cha có ban Giuđa cho Đức Giêsu không? Giuđa rõ ràng thuộc vào số những kẻ được ban cho Đức Giêsu, vì theo các trình thuật Nhất Lãm, trước khi tuyển chọn Nhóm Mười Hai, Người đã thức suốt đêm cầu nguyện với Chúa Cha. Thế thì theo ý muốn của Chúa Cha, Giuđa không bị hư mất đời đời, mà sẽ sống luôn mãi. Đức Giêsu không để một ai phải hư mất đời đời, và có thể “một ai” đó hiện tại vẫn bị vướng vào tình trạng hư mất tạm thời. Giuđa có lẽ đang trong tình trạng này. Vào đêm hôm đó, ông bị hư mất nhưng chỉ lúc đó mà thôi. Nơi ông vẫn còn một cơ hội để được kể vào số những người sẽ hưởng sự sống viên mãi. Dù đã hư hỏng, nhưng ông vẫn được Đức Giêsu gọi là “đứa con”. Giuđa vẫn là con của Chúa Cha, và Chúa Cha vẫn là cha của Giuđa. Điều này trọng hơn mọi sự, lớn lao hơn cả tội lỗi của ông. Chỉ là giờ đây, người con ấy đang đi hoang, và vì “tình yêu phủ lấp muôn vàn tội lỗi”, nên Giuđa vẫn còn lối để trở về. Thiên Chúa đã lên tiếng bào chữa cho đứa con tội lỗi này như thế. Lời bào chữa này chứng thực điều sau này thánh Gioan nói trong thư của ngài: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta” (1Ga 4,10).

Ở trên, khi lý giải về lối bào chữa của thánh Mátthêu, tôi đã cố gắng chỉ ra, đâu đó trong cõi lòng của Giuđa vẫn âm ỷ tình yêu ông dành cho Thầy của mình. Ông vẫn còn tin Thầy. Nhưng như vậy thì vẫn chưa đủ. Thánh vịnh gia đã ca rằng: “Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng? Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ, để chúng con biết kính sợ Ngài” (Tv 130,3-4). Quả thế, “tình yêu phủ lấp muôn vàn tội lỗi” (1Pr 4,8) và không phải ta nhưng chính Thiên Chúa đã yêu trước, và tình yêu ấy đã chạm đến đáy vực đầy hỗn độn trong đêm tối của Giuđa. Giuđa đã cảm nhận được tình yêu và sự tha thứ của Thầy. Phêrô chối Thầy ba lần, và khi gà gáy, Đức Giêsu quay lại nhìn ông, lập tức, ông hối hận, chạy ra ngoài khóc lóc thảm thiết. Đức Giêsu có nhìn Giuđa như đã nhìn Phêrô không? Lần cuối cùng Đức Giêsu nhìn Giuđa là tại vườn cây dầu, trước khi Người bị bắt đi. Với kẻ chối bỏ mình, Đức Giêsu chỉ nhìn. Còn với kẻ đã tra tay bắt trói mình, Đức Giêsu phải làm gì hơn thế nữa! Mọi Tông đồ, Người đều rửa chân cho; nhưng chỉ riêng Giuđa mới được Người hôn từ biệt! Jean-Francois Bouthors nói: “Ở đây, không hẳn Giuđa đến đặt môi miệng của mình trên khuôn mặt Đức Kitô, bằng là Con Người đến trao ôm hôn mọi người, cho đến tận những người khốn khổ nhất, người đê hèn nhất, những người bị quên lãng”. Điều này ra như Đức Giêsu để Giuđa ôm hôn mình để chính Người có thể ôm hôn ông. Thiết nghĩ, không phải Mátthêu hay Gioan, nhưng chính Thiên Chúa, với nụ hôn ấy, đã bào chữa mọi điều cho Giuđa.
***

Tôi đang giả định rằng thánh Mátthêu và Gioan, hai vị đang cố bào chữa phần nào đó cho lầm lỗi của Giuđa, người anh em của mình. Tôi cũng đang vịn vào tình yêu của Thiên Chúa để nuôi dưỡng một hy vọng rằng Giuđa có thể được tha và được cứu. Nhưng chẳng ai có thể cả quyết bất cứ điều gì cả. Giáo hội giờ đây không còn có cái nhìn khắc nghiệt về Giuđa. Giáo hội không còn khẳng định Giuđa đã thuộc về ma quỷ. Nhưng Giáo hội cũng không thể khẳng định Giuđa được cứu. Giáo hội chỉ có thể hy vọng vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Đúng là vậy! Nếu “tình yêu phủ lấp muôn vàn tội lỗi” thì ta có quyền hy vọng như thế, cả thánh Mátthêu và thánh Gioan cũng vậy. Giả như hai vị này đã từng hơn một lần ra công bào chữa cho người anh em kia, thì không phải vì các vị thấy người anh em này đã trở về và đã được tha, nhưng vì các vị hy vọng vào lòng nhân từ của Thầy. Niềm hy vọng là một trong những điều kiện để một người nhận ra mình được người khác yêu thương, và được chính Thiên Chúa yêu. Có lẽ như Giuđa đã mất đi niềm hy vọng này, và đi đến quyết định tự tử! Người phụ nữ tội lỗi đã hy vọng vào Đức Giêsu và quyền năng chữa lành của Người. Phêrô sau khi chối thầy, đã ân hận nhưng vẫn còn hy vọng nên đã có cơ hội gặp được Đấng phục sinh. Khi bước đầu theo Đức Giêsu, Giuđa cũng đầy nhiệt tình, hăng say như các Tông đồ khác; thế rồi, không biết từ bao giờ, ông bắt đầu trượt dốc và sau hết đã đón nhận một kết cục bi thảm.

Mỗi lần đọc lại trình thuật cuộc thương khó, tốt hơn hết, ta đừng oán trách Giuđa nữa, biết đâu chính ta, chính tôi cũng đang trong tình trạng trượt dốc như thế. Tôi không trượt dốc sao? Tôi chẳng như Giuđa, kẻ lúc nào cũng nghĩ đến tiền sao? Gượm đã! Bourthors tra vấn, bình thường thì chẳng sao nhưng ngày mai, vào giờ phút phải chọn lựa, ta sẽ làm gì. Cả Giuđa và chính tôi đều là những kẻ đào tẩu, đào tẩu và trốn chạy khỏi tình yêu thương của Thiên Chúa. “Giu-đa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối” (Ga 13,30). Đến khi nào tôi mới thực sự “đi ra”, mới thực sự đào tẩu khỏi căn phòng Tiệc Ly, căn phòng đầy tràn những lời và những việc yêu thương? Trời xung quanh tôi đã bắt đầu tối chưa? Bây giờ, và khi đó, chẳng có người anh em nào có thể bào chữa điều gì cho tôi. Chỉ mình tôi, với niềm hy vọng vào tình yêu Thiên Chúa, mới có thể bào chữa cho mình. Niềm hy vọng ấy thực sự là một lời bào chữa hữu hiệu nhất. Khi bào chữa như thế, tôi còn được chính Thiên Chúa hậu thuẫn, vì “tình yêu phủ lấp muôn vàn tội lỗi”!


[1] Bản dịch tiếng Việt của Nt. Quỳnh Giao, FMM (NXB Tôn giáo, 2018)



 
 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn