1
02:22 +07 Thứ tư, 29/05/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 207

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 206


Hôm nayHôm nay : 4669

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 921371

Tổng cộngTổng cộng : 29040619

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » TIẾNG VIỆT

Vụ án ông Đoàn Văn Vươn: Vì ai nên tội?

Thứ tư - 03/04/2013 17:29-Đã xem: 1293
Hôm nay, 02/4/2013, Tòa án Nhân dân Thành phố Hải Phòng mở phiên tòa xét xử ông Đoàn Văn Vươn và năm thành viên khác trong gia đình tội ‘giết người’ và ‘chống người thi hành công vụ’.
Vụ án ông Đoàn Văn Vươn: Vì ai nên tội?

Vụ án ông Đoàn Văn Vươn: Vì ai nên tội?

Có thể nói từ trước tới giờ tại Việt Nam hiếm có phiên tòa nào gây nhiều sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước như phiên tòa hôm nay. Cũng chưa bao giờ bị cáo trong một vụ án hình sự lại nhận được nhiều sự ủng hộ của nhiều người, thuộc nhiều thành phần khác nhau trong xã hội, như anh em ông Vươn.
Tại sao công luận quan tâm đến phiên xử? Và tại sao ông Vươn và người thân nhận được nhiều sự đồng cảm, bênh vực như vậy từ công luận?

‘Chính quyền vi phạm pháp luật’
Vụ cưỡng chế ngày 05/01/12 tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng – một vụ cưỡng chế đất đai mà sau đó Giám đốc công an Hải Phòng Đại tá Đỗ Hữu Ca tự hào coi đó là ‘một trận đánh đẹp’ – đã làm nhiều người, trong đó có quan chức, bày tỏ bất bình.
 
Chẳng hạn, Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước đã không ít lần lên tiếng sau khi vụ cưỡng chế.Trả lời phỏng vấn báo Người Lao Động hôm 16/01/12, ông đã nêu cụ thể bốn cái sai của chính quyền địa phương. Đó là ‘để sự việc kéo dài quá nhiều năm mà không xử lý đến nơi đến chốn và thấu tình đạt lý’, thay vì động viên, tạo điều kiện cho ‘người làm được, làm tốt’ lại cố thu hồi đất của họ, việc thu hồi là ‘trái pháp luật’ và ‘cố tình vi phạm luật pháp, dồn người dân vào chân tường, làm họ uất ức đến mức phải chống lại’.

Trong cuộc họp về vụ cưỡng chế này ngày 10/02/2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định rằng: ‘Do quyết định thu hồi đất không đúng với quy định của pháp luật đất đai nên quyết định cưỡng chế thu hồi đất cũng không đúng pháp luật. Mặt khác việc tổ chức cưỡng chế thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng cũng có nhiều thiếu sót, sai phạm’.

Trả lời phỏng vấn Vnexpress hôm 13/01/12, Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ đã khẳng định việc thu hồi đất với gia đình ông Đoàn Văn Vươn không chỉ trái pháp luật mà còn trái đạo lý vì cố tình tước bỏ quyền lợi của người dân.

Và mới đây, ngày 29/03/13, Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên Giám mục Giáo phận Hải Phòng và Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng đã có một Văn thư gửi Tòa án Nhân dân Thành phố Hải Phòng nêu rõ hành vi sai trái có hệ thống và thái độ, hành động bạo quyền của chính quyền.

Có thể nói dư luận quan tâm đến vụ án cũng như dành sự ủng hộ cho gia đình ông Vươn là vì ngay từ đầu chính quyền đã vi phạm pháp luật. Cách hành xử bất công, bạo quyền, bạo lực cũng là một điểm nữa làm nhiều người đứng về phía anh em ông Vươn. Bạo hành trong giới công quyền hay dùng bạo lực để giải quyết các tranh chấp dân sự cũng là một điểm làm người dân nhức nhối trong thời gian qua.

Văn thư của Tòa Giám mục Hải Phòng và Ủy ban Công lý và Hòa bình còn đề cập đến ‘luật đất đai bất cập’. Chuyện người dân mất đất đi khiếu kiện, các vụ cưỡng chế đất đai hay quyền sở hữu đất đai nói chung đang là những đề tài nóng bỏng, bức xúc được dư luận quan tâm nhiều.

‘Một dòng họ phải tù đày’

Chính những lý do trên đã đẩy gia đình ông Vươn – những người nông dân cần cù, chất phác – vào cảnh của mất, nhà tan và phải đối diện với vòng lao lý.

Trả lời các câu hỏi của bạn đọc báo Giáo dục Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu IV, băn khoăn tự hỏi điều gì đã khiến ông Vươn – một cựu chiến binh và là người nông dân chân chất đã hi sinh cả tài sản và sức lực của mình để tạo ra một tài sản Quốc gia từ một vùng bãi – phẫn uất, không chịu nổi sự bất công đến nỗi phải có phản ứng như vậy.

Văn thư của Đức cha Thiên và Đức cha Hợp cũng nêu rõ rằng ‘một dòng họ bị tù đày vì chống lại những hành vi bất chính, một dòng họ bị khởi tố, truy tố và xét xử vì chính sách pháp luật đất đai bất cập, nhất là hành động sai trái có hệ thống của chính quyền địa phương’.

Nếu không có bốn cái sai của chính quyền như cựu Chủ tịch nước nêu chắc chắn gia đình ông Vươn không phải rơi vào cảnh ngộ trớ trêu, bất công, thê thảm như vậy. Nếu có chính sách và luật đất đai thích hợp hay nếu có một chính quyền thực sự vì dân, cho dân, của dân, biết thượng tôn pháp luật, những người nông dân cần cù, yếu thế như ông Vương không bao giờ rơi vào vòng lao lý.

Đó cũng là lý do tại sao cách hành xử của chính quyền bị dư luận lên án, trong khi đó hành động tự vệ của gia đình ông Vươn lại được nhiều người đồng cảm, chia sẻ và ủng hộ.

‘Công lý cho Đoàn Văn Vươn’
Đây cũng là nguyên nhân tại sao công luận đứng về phía gia đình ông Vươn, đòi trả lại tài sản, tự do và công lý cho ông và gia đình của ông.

Trong thời gian qua, nhiều luật sư, luật gia hay những ai am hiểu pháp luật cũng lên tiếng khẳng định rằng khi không có quyết định đúng luật thì không thể có hành vi chống người thi hành công vụ. Và việc gia đình ông Vươn kháng cự những thủ đoạn, hành vi phi pháp, dùng bạo quyền để tước đoạt tài sản của mình không thể được coi là phạm tội giết người.

Văn thư đó của Giám mục Hải Phòng – nơi ông Vươn và gia đình là những giáo dân – và Giám mục Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình nhấn mạnh việc cưỡng chế của chính quyền huyện Tiên Lãng là hành vi phạm luật nên tự bản chất nó không còn là ‘thi hành công vụ’.

Hơn nữa, cũng theo Văn thư này phản ứng của gia đình ông Vươn ‘là một hành động bảo vệ chính đáng để bảo vệ tính mạng và lợi ích hợp pháp của mình’. Vì vậy, ‘họ phải được trả tự do và được bồi thường thiệt hại thỏa đáng’.

Tại buổi thắp nến cầu nguyện cho ba anh em ông Vươn được tổ chức ở Giáo xứ Thái Hà, Hà Nội hôm Chúa nhật 31/04/13, trước sự tham gia của rất nhiều người tham dự, trong đó có các nhân sỹ trí thức, đã xuất hiện những băng rôn như ‘Đoàn Văn Vươn không phạm tội giết người’ và ‘Công lý sự thật cho Đoàn Văn Vươn’.

Một điểm nữa làm công luận quan tâm nhiều đến vụ án và phiên tòa xét xử gia đình họ Đoàn hôm nay là chúng diễn ra vào thời điểm có tranh luận sôi nổi liên quan đến Bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 – trong đó Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng những ai muốn phủ nhận quyền lãnh đạo của đảng Cộng sản đối với đất nước, xã hội và đòi tam quyền phân lập là suy thoái đạo đức.

Nếu vậy, phiên tòa xét xử ông Vươn và năm thành viên khác trong gia đình không chỉ là một phiên tòa do Tòa án Nhân dân Thành phố Hải Phòng điều khiển. Hơn nữa, trong thời gian qua nhiều quan chức cao cấp Việt Nam, trong đó có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cũng đã lên tiếng hay can thiệp vào vụ án này.

Do đó, phán quyết cuối cùng Tòa án Hải phòng cũng là một phán quyết của giới lãnh đạo Việt Nam đối với ông Vươn và gia đình.

'Tốt hơn hay bằng thực dân?'

Và trong những ngày qua nhiều người cũng liên tưởng, so sánh vụ án Đoàn Văn Vươn với vụ án ở Nọc Nạn, Bạc Liêu xảy ra năm 1928, dưới thời Pháp thuộc, trong đó các bị cáo là nông dân đã phản kháng lại sự cường hào ác bá của giới thực dân, địa chủ và giết chết năm người của chính quyền thực dân và phong kiến ở Nam Kỳ. Nhưng điều đáng nói là các bị cáo ấy đã được tha bổng trong phiên tòa đó.

Và vì vậy, người dân Việt Nam hôm nay cũng hy vọng rằng tòa án Việt Nam và nhà nước Việt Nam – một nhà nước được nói là đại diên cho giai cấp công nông, một nhà nước vì dân, cho dân và của dân – sẽ bảo vệ quyền của nông dân tốt hơn hoặc ít ra bằng tòa án thực dân Pháp cách đây 85 năm.

Hơn nữa, phán quyết của Tòa án Hải Phòng cũng là dấu chỉ cho thấy chính quyền Việt Nam có thực sự muốn xây dựng một nhà nước pháp quyền, tôn trọng công lý, bảo vệ người dân hay không và giải quyết tận những nguyên nhân dẫn đến những vụ án như vụ Tiên Lãng này.

Trả lời các câu hỏi của bạn đọc báo Giáo dục Việt Nam, Tướng Thước cho rằng vụ việc Tiên Lãng không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ lợi ích hợp pháp cho ông Vươn. ‘Vụ việc này nếu giải quyết một cách triệt để tận gốc là một bài học đắt giá để giải quyết những mâu thuẫn về đất đai trên cả nước mà nguồn gốc mà chính quyền nơi đó vì lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm gây ra’.

Đó cũng là một lý do quan trọng nữa làm dư luận theo dõi và chờ đợi kết quả của phiên tòa có một không hai này.



Đoàn Xuân Lộc
Nguồn tin: GPVO
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn