1
03:46 +07 Thứ tư, 29/05/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 199

Máy chủ tìm kiếm : 7

Khách viếng thăm : 192


Hôm nayHôm nay : 8084

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 924786

Tổng cộngTổng cộng : 29044034

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » SUY NIỆM CHÚA NHẬT

Suy niệm và chú giải Lời Chúa Chúa nhật 15 Thường niên (B)

Thứ năm - 12/07/2012 10:35-Đã xem: 1603
Tính cơ động là đặc tính thiết yếu của người tông đồ. Sẵn sàng đến và cũng sẵn sàng đi. Các môn đệ loan báo về Nước Thiên Chúa đang đến. Đó là một tin vui, nhưng đòi con người hoán cải. Hoán cải là điều chẳng ai ưa. Người tông đồ cần can đảm nói điều phải nói. Không làm nhẹ đi những đòi buộc của Tin Mừng, không bóp méo Tin Mừng để tìm thành công cá nhân, cũng không mỵ dân để vuốt ve dư luận. Người tông đồ phải chấp nhận được tiếp đón một cách nồng hậu hay lạnh nhạt. Họ chỉ là những người phục vụ cho Tin Mừng.
Suy niệm và chú giải Lời Chúa Chúa nhật 15 Thường niên (B)

Suy niệm và chú giải Lời Chúa Chúa nhật 15 Thường niên (B)

 

 

1. TÔNG ĐỒ

Có một câu chuyện tưởng tượng kể lại:

Sau khi hoàn tất sứ mạng trần gian, Chúa Giêsu trở về trời và được thiên thần Gabriel ra tiếp đón. Gặp Chúa, thiên thần lên tiếng hỏi ngay: Lạy Chúa, xin Chúa cho biết công trình của Chúa sẽ được tiếp tục như thế nào ở dưới thế? Chúa Giêsu đáp: Ta đã chọn 12 tông đồ và Ta đã trao phó cho họ sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho đến tận cùng bờ cõi trái đất. Nghe Chúa trả lời như thế, thiên thần Gabriel hình như chưa hoàn toàn thoả mãn nên hỏi tiếp: Nếu chẳng may họ thất bại thì Chúa có dự tính chương trình nào khác nữa không? Chúa Giêsu mỉm cười: Ta không dự tính một chương trình nào khác, Ta tin tưởng ơ họ.

Đúng thế, Chúa Giêsu hoàn toàn tin tưởng vào các tông đồ, mặc dầu xét về nhiều phương diện, khi Ngài về trời, Ngài đã để lại một nhóm tông đồ ít ỏi xem ra không đủ khả năng để chu toàn sứ mạng đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Hơn thế nữa, ngay cả sau khi Chúa đã sống lại, đức tin của các ông vẫn còn chập chững và chao đảo. Chẳng hạn lần kia Chúa Giêsu gặp gỡ họ trên bờ biển Tibêria, sau khi nghe theo lời Chúa truyền, các ông đã được một mẻ lưới đầy cá. Lên bờ, thấy sẵn có than hồng, với cá đang nướng và bánh. Các ông được Chúa ân cần mời: Hãy ăn đi các con. Tuy nhiên các ông vẫn còn nghi ngờ, chưa nhận ra ngay là Chúa. Và sách Tông Đồ Công Vụ còn cho chúng ta thấy thái độ sợ sệt và khép kín của các ông sau khi Chúa đã về trời. Thế nhưng, chính nơi các ngư phủ quê mùa này mà Chúa Giêsu đã trao phó trọn vẹn sứ mạng hoàn tất chương trình Chúa muốn thực hiện. Đó là chương trình biến trần gian trở thành Nước Trời. Cũng trong sách Tông Đồ Công Vụ, chúng ta còn thấy được một hình ảnh khác hẳn khi các ông nhận lãnh Chúa Thánh Thần.

Thực vậy, các ông đã can đảm ra khỏi những gian phòng đóng kín, nơi các ông đã từng sợ hãi và trốn tránh, để lên đường rao giảng Tin Mừng Đức Kitô ở khắp mọi nơi, bất chấp mọi cấm đoán, mọi đòn vọt, mọi giam cầm, sẵn sàng chấp nhận cái chết để nêu cao niềm tin. Tất cả các tông đồ, ngoại trừ một mình Gioan, đều đã lấy máu đào để minh chứng lời mình rao giảng.

Nước Trời từ một hạt cải nhỏ bé, đã trở thành một cây to cho chim trời tới đậu. Đã hai mươi thế kỷ trôi qua, có biết bao nhiêu người, thuộc đủ mọi thành phần, mọi sắc dân, đáp ứng lời mời gọi của Chúa Giêsu, Đấng là đường là sự thật và là sự sống.

Và bây giờ đến lượt chúng ta. Đúng thế, có lẽ lúc này Ngài đang nhìn mỗi người chúng ta và đưa ra một câu hỏi để chúng ta có được một thái độ dứt khoát. Câu hỏi ấy như thế này: Còn con, con có muốn trở nên tông đồ, cộng tác với Ta bằng lời nói cũng như bằng chính việc làm và cuộc sống của mình, để đem Tin Mừng đến cho những người chung quanh hay không? Thế nhưng, trước câu hỏi ấy, chúng ta đã trả lời như thế nào và chúng ta sẽ làm gì để đáp trả tiếng Chúa.
 


 

2. TÔNG ĐỒ

Một trong những ưu tư lớn trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu, đó là tìm những người cộng tác với mình trong công cuộc truyền bá Phúc âm, bởi vì Ngài luôn ý thức rằng: Lúa chín thì nhiều, mà thợ gặt thì ít. Chính vì thế Ngài đã kêu gọi và chọn lựa các môn đệ. Ngài đã để cho các ông sống bên cạnh mình và trực tiếp huấn luyện các ông, bằng cách để cho các ông được nghe những lời Ngài giảng, xem những việc Ngài làm. Và cắt nghĩa cho các ông những điều các ông chưa hiểu.

Rồi hôm nay, Ngài đã sai các ông đi để thực tập truyền giáo. Và trước khi các ông lên đường, Ngài đã căn dặn: Đừng mang theo bao bị, đừng mang theo cơm bánh, đừng mang theo tiền bạc và đừng mặc hai áo, nghĩa là Ngài bảo các ông phải ra đi trong một hoàn cảnh bấp bênh nhất, để tập trung vào việc rao giảng Tin Mừng, cũng như luôn phó thác vào tình thương và quyền năng của Thiên Chúa.

Lầm lỗi nặng nề nhất của người tông đồ hăng say và nhiệt thành, đó là họ quá cậy dựa vào tài năng riêng của mình mà quên mất tác động và sự trợ giúp của Chúa, bởi vì không có Chúa, chúng ta không thể làm được gì. Hay như lời thánh Phaolô xác quyết: Phaolô trồng, Apollo tưới, nhưng chính Thiên Chúa mới là Đấng đem lại kết quả.

Đối với chúng ta cũng vậy, một khi đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội và Bí tích Thêm sức, chúng ta cũng được Chúa kêu mời cộng tác với Ngài trong công cuộc truyền bá đức tin, để rồi chúng ta cũng sẽ là những môn đệ của Ngài. Và cách thức để chúng ta thể hiện ơn gọi và sứ mạng của mình một cách hiệu quả nhất vẫn là đời sống gương mẫu của chúng ta.

Vì thế, sau khi công bố tám mối phúc thật, Chúa Giêsu đã truyền dạy: Các con là ánh sáng thế gian. Ánh sáng ấy phải chiếu dãi trước mặt thiên hạ, để mọi người nhìn thấy những công việc của các con mà ngợi khen Cha các con là Đấng ở trên trời.

Tục ngữ Việt Nam cũng bảo: Lời nói như gió lung lay, việc làm như tay lôi kéo. Chính đời sống gương mẫu của chúng ta mới là một bài giảng hùng hồn có sức lôi cuốn và hấp dẫn mọi người đến cùng Chúa.

Tuy nhiên, nói tới việc tông đồ, nhiều người trong chúng ta vẫn cảm thấy xa lạ bởi vì họ cho rằng đó là bổn phận của giới tu hành, chứ không phải là bổn phận của họ, những người giáo dân sống giữa lòng đời. Đây là một quan niệm sai lạc, bởi vì đã là con cái Giáo Hội, chúng ta đều có bổn phận làm cho Giáo Hội được phát triển, được rộng mở, tùy theo hoàn cảnh và đấng bậc của mình.

Mẹ Têrêxa Calcutta kể lại một mẩu chuyện cảm động như sau: Ngày kia có một thiếu phụ cùng tám đứa con đến gõ cửa xin gạo. Mẹ đích thân trao cho bà ta một bao. Bà nhận gạo rồi chia làm hai phần, Mẹ ngạc nhiên hỏi tại sao thì bà trả lời: Tôi dành một phần cho gia đình Hồi giáo bên cạnh vì đã mấy ngày qua, họ không có gì để ăn.

Người nghèo khổ nhất cũng có thể thực thi tinh thần chia sẻ huynh đệ, nghĩa là họ vẫn có thể làm việc tông đồ, làm sáng danh Chúa bằng chính đời sống của họ.
 


3. HÀNH TRANG NGƯỜI MÔN ĐỆ

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Ai đi xa cũng phải chuẩn bị hành trang. Chuyến đi càng xa thì hành trang càng nhiều. Chuyến đi càng quan trọng thì hành trang càng phải chọn lựa, tính toán. Hôm nay Đức Giêsu sai các môn đệ đi một chuyến quan trọng: tiếp nối sứ mạng của Người đem Tin Mừng đến khắp các làng mạc xa xôi. Để chuẩn bị cho chuyến đi quan trọng này, Đức Giêsu đã giúp các môn đệ sắp xếp hành trang. Sau khi đã loại bỏ những loại hành trang cồng kềnh không cần thiết, có hại cho nhiệm vụ, Đức Giêsu đã trao cho các môn đệ những hành trang thực sự cần thiết và hữu ích cho sứ vụ Tông đồ.

Hành trang của người môn đệ là sự gắn bó mật thiết với Đức Giêsu. Các môn đệ chỉ được sai đi sau khi đã có một thời gian sống bên cạnh Người. Thời gian sống bên Đức Giêsu cần thiết để các môn đệ hiểu biết, cảm thông và nhất là yêu mến, gắn bó mật thiết với Người. Đây chính là hành trang quan trọng nhất. Người được sai đi phải gắn bó mật thiết với Đấng đã sai mình. Sự gắn bó mật thiết là nguồn mạch, bảo đảm tính trung thực, là chìa khoá thành công của sứ vụ. Đức Giêsu đã nêu gương về điểm này khi luôn gắn bó mật thiết với Đức Chúa Cha, Đấng đã sai Người. Sự gắn bó ấy giúp Người hoàn toàn kết hiệp với Đức Chúa Cha, trở nên một lòng một ý với Đức Chúa Cha, luôn cầu nguyện, luôn từ bỏ ý riêng để làm theo ý Chúa Cha. Chính vì thế, sứ vụ của Người đã thành công tốt đẹp.

Hành trang của người môn đệ là tâm hồn đơn sơ phó thác. Khi chỉ thị cho các môn đệ: “không được mang gì khi đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo”, Đức Giêsu muốn các ông sống trong cảnh nghèo khó để hoàn toàn tin tưởng phó thác vào Chúa. Tiền của, tiện nghi vật chất dễ tạo ra một thứ an tâm giả tạo, dẫn con người đến chỗ tự mãn, tự kiêu, tự phụ cho rằng mọi thành công là nhờ tài sức riêng mình. Vì thế, dễ tha hoá, làm theo ý mình hơn là làm theo ý Chúa, sắp đặt chương trình cho Chúa hơn là tìm thực hiện chương trình của Chúa. Nghèo khó sẽ giúp người môn đệ ý thức sự nghèo nàn thiếu thốn, sự yếu ớt của mình, ý thức đó sẽ giúp người môn đệ biết khiêm nhường, tin tưởng phó thác cho Chúa. Tôi chỉ là hư vô, là cát bụi. Mọi thành công đều của Chúa, nhờ Chúa. Những thành công do tài sức con người sẽ mau tàn. Chỉ có công trình của Chúa mới bền vững. Vì thế đơn sơ phó thác là một hành trang rất cần thiết cho người môn đệ. Không mang theo gì của loài người, chỉ mang theo niềm tin yêu phó thác vào Thiên Chúa, đó chính là mang theo tất cả.

Hành trang của người môn đệ là tình liên đới. Đức Giêsu không sai các môn đệ đi riêng lẻ, nhưng sai từng hai người một. Người biết khả năng con người yếu kém, cần có tập thể nâng đỡ mới hoàn thành sứ mạng. Lời chứng của một cá nhân chưa đủ sức thuyết phục. Cần có sự đồng tâm nhất trí của một tập thể lời chứng mới thực sự đáng tin. Hơn nữa, Đức Giêsu không sai các môn đệ đi làm việc với giấy tờ hay đất đai, nhưng sai các ngài đến với con người. Các ngài phải sống giữa mọi người, nhờ mọi người giúp đỡ, chia sẻ cuộc sống với họ. Phải liên đới với con người. Tình liên đới không những cần thiết để giúp các ngài làm việc tông đồ một cách hữu hiệu. Chính qua tình liên đới mà Tin Mừng dễ dàng được đón nhận.

Hành trang của người môn đệ là trái tim biết cảm thương. Đức Giêsu sai các môn đệ đến với những người đau yếu bệnh tật, hoang đàng tội lỗi, bị quỷ ma hành hạ. Tức là đến với những người kém may mắn ở đời. Những người nghèo hèn yếu đuối. Những người bị xã hội bỏ quên. Để đến với những người anh em bé nhỏ, người môn đệ phải có trái tim biết cảm thương. Các ngài phải mang trái tim của Thiên Chúa luôn chạnh lòng thương khi nhìn thấy đám đông bơ vơ tất tưởi, túng thiếu, đói khát. Phải sẵn sàng băng rừng vượt suối đi tìm một con chiên lạc. Phải mở rộng vòng tay đón nhận đứa con hoang đàng trở về. Phải sẵn sàng tha thứ cho kẻ tội lỗi thật lòng hối cải ăn năn.

Mỗi người chúng ta đều là môn đệ của Chúa. Khi chúng ta lãnh nhận phép Rửa tội và Thêm sức, Chúa sai chúng ta đi rao giảng Tin Mừng của Người. Tôi thấy anh chị em ở Giáo xứ Cửa Nam rất tích cực trong việc tông đồ. Nhưng có lẽ anh chị em vẫn băn khoăn, không biết làm sao để việc tông đồ có kết quả tốt đẹp. Hôm nay, Đức Giêsu cho ta biết, muốn việc tông đồ có kết quả, ta phải gắn bó mật thiết với Chúa, phó thác mọi sự cho Chúa, đồng thời phải có tình liên đới và nhất là phải biết cảm thương anh chị em đồng loại. Một tay nắm lấy tay Chúa, một tay nắm lấy tay anh em. Một tình yêu anh chị em trong tình yêu mến Chúa. Liên kết mọi người trong tình yêu mến. Với tình yêu mến, chắc chắn việc tông đồ của ta sẽ đi đúng đường hướng của Chúa. Với tình yêu mến, chắc chắn việc tông đồ sẽ có kết quả tốt đẹp.

Kiểm điểm đời sống

1- Chúa sai bạn đi làm tông đồ cho Chúa, bạn có cảm thấy điều đó không?

2- Mỗi khi đi làm việc tông đồ, bạn thường chuẩn bị những loại hành trang nào, những hành trang của bạn quan tâm có giống những hành trang Chúa chuẩn bị cho các môn đệ không?

3- Theo bạn, đâu là phương thế hữu hiệu nhất làm cho những người chung quanh nhận biết Chúa?

4- Đâu là những hành trang cần thiết của người môn đệ của Chúa?
 


4. NHỮNG LỜI CĂN DẶN CHO VIỆC THI HÀNH SỨ VỤ

(Camille Gagnon)

Hôm nay, xin anh chị em cho phép tôi giảng một bài hơi nhẹ nhàng một chút, một bài giảng cho kỳ nghỉ hè. Tôi muốn nói về gia đình Tremblay tuần rồi đã đi cắm trại lần đầu tiên ra sao.

Điều khiến tôi nói về gia đình này, là Tin Mừng bảo rằng “Lần đầu tiên” Chúa Giêsu sai các môn đệ, từng hai người một, đi rao giảng, và để giúp họ, Ngài dặn dò họ ngay trước lúc lên đường. Tôi không biết các môn đệ có hiểu rõ và nghe theo những lời dặn dò này không, nhưng tôi biết rằng gia đình Tremblay đã không hiểu và không tuân theo, và họ là làm hỏng kinh nghiệm cắm trại của mình. Và khi nói về kinh nghiệm cắm trại của gia đình Tremblay, tôi sẽ nói một chút về các bạn và tôi.

“Đừng mang theo hành lý cồng kềnh”

Lời căn dặn đầu tiên của Chúa Giêsu thật rõ ràng: “Đừng mang theo hành lý cồng kềnh”. Vì ông Tremblay không biết điều gì sẽ xảy ra nên ông đã chuẩn bị mọi sự: Hai túi ngủ cho mỗi người, những cây cọc để cắm lều, những chiếc ấm lớn nhỏ, thùng dụng cụ, v.v… Đối với ông Tremblay thà chen chúc nhau trong lều còn hơn là thiếu bất cứ món gì. Cuối cùng ông hầu như đã dọn hết đồ đạc trong nhà đi và đã phải bận rộn chuẩn bị đồ đạc cả tuần.

Một người quen cắm trại, sẽ khôn ngoan hơn. Ít nhất họ biết phải tránh mang theo những hành lý vô ích. Họ đã hiểu ý nghĩa thật của lời Chúa Giêsu căn dặn. Khi nhìn ông Tremblay họ thấy được yếu điểm của ông. Trước một công việc đòi hỏi phải dẹp đi mọi nhu cầu không cần thiết ông lại sợ phải bỏ đi những thói quen và những bảo đảm cho cuộc sống của mình. Thật ra ông Tremblay nghi ngờ rằng việc cắm trại sẽ không lấp đầy được cả một tuần lễ nghỉ ngơi, và ông nghĩ sẽ buồn chán khi thiếu tiện nghi. Thế là, bị kẹt trong đống đồ đạc lỉnh kỉnh của mình, ông không còn thảnh thơi để có được những ngày nghỉ ngơi thực sự nữa.

“Đừng đi lăng xăng khắp nơi!”

Lời căn dặn thứ hai là đừng đi lăng xăng khắp nơi. Nhưng cả ở điểm này nữa, bà Tremblay đã không thành công. Tuy nhiên, bà đã có ý tốt. Đối với bà, trong tuần cắm trại đó sẽ có dịp gặp gỡ nhiều người và bà cũng nghe nói rằng khi đi cắm trại người ta rất tử tế và dễ làm quen. Vậy nên bà không ngồi đấy mà chờ đợi: Bà vội vã đi bước trước, mỗi ngày bà đi thăm hết mọi người, những chẳng tiếp xúc với ai lâu. Cuối tuần, bà đã “quen biết” nhiều người, nhưng lại có ít bạn bè. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã nói: “Khi các con được đón tiếp vào nhà nào thì ở lại đó cho đến lúc ra đi!”. Điều này có vẻ ngộ nghĩnh. Hiển nhiên là phải ở nơi nào đó trước khi ra đi. Nhưng, suy nghĩ một chút, ta thấy rằng ta có thể ở nơi nào đó mà không hiện diện, không bao giờ ở với ai cả. Điều này cũng có nghĩa là chỉ có một cách để tạo nên những mối liên hệ thực sự với kẻ khác: Đó là dừng lại, đừng bỏ đi ngay khi vừa gặp sự khó chịu nào đó và đừng sợ làm quen. Chúa Giêsu bảo: Với thái độ ấy làm sao các con có thể loan báo Thầy. Nói về Thầy thế nào nếu không tạo được những cuộc gặp gỡ thực sự? Nếu các con chỉ chạy vội hết nơi này đến nơi khác?

Cuối cùng đừng luyến tiếc gì cả

Bọn trẻ nhà Tremblay trở về rất thất vọng. Chúng cứ tưởng sẽ gặp được nhiều bạn trẻ cùng lứa tuổi với chúng; dụng cụ thể thao cũ rích; huấn luyện viên về bơi lội bị ốm hai ngày, hai ngày đẹp trời nhất, v.v… Chúng đã mong một cái gì mới mẻ, nhưng bây giờ chúng chán cắm trại lắm rồi. Từ nay chúng đã biết cắm trại chẳng thích thú gì cả. Từ lúc về nhà chúng cứ luyến tiếc mãi những ngày đi chơi thất bại.

Điều Chúa Giêsu căn dặn cuối cùng là: “Nghe đây! Nếu các con đã thất bại ở nơi nào đó, thì hãy bỏ đi và để lại tất cả đàng sau mình, nhất là đừng luyến tiếc gì cả. Vì chúng sẽ chỉ ngăn cản các con bắt đầu lại công việc cách tốt hơn mà thôi”.

Tóm lại sứ vụ của các môn đệ, cuộc đời của chúng ta, và cuộc cắm trại của gia đình Tremblay lại chẳng cần những lời căn dặn này sao: “Hãy siêu thoát đối với bản thân; hãy dừng lại để thiết lập những mối liên hệ thực sự; và hãy quên đi những luyến tiếc để bắt đầu lại cách tốt hơn”.
 


5. DỰ ĐỊNH CỦA CHA DÀNH CHO CHÚNG TA

(Trích trong ‘Mở Ra Những Kho Tàng” – Charles E. Miller)

Trước khi một tòa nhà được xây dựng, kỹ sư phải hoàn thành bản vẽ. Trước khi một đội bóng đá chuyên nghiệp đến một sân nào thì người huấn luyện viên đó phải có một chiến thuật. Vậy trước khi chúng ta làm một việc gì, phải ý thức về cuộc sống của chúng ta, chúng ta cần phải có một bản thiết kế; cần phải biết chiến thuật của chúng ta là gì.

Chúa Giêsu đã giới thiệu dự định đó trong lúc Ngài ở đây trên mặt đất này, Ngài đã gởi mười hai tông đồ đi trước Ngài trong công cuộc rao  giảng, và Ngài tiếp tục rao giảng ngày hôm nay xuyên qua Giáo Hội, tuy nhiên sự thật là dự định của Thiên Chúa không phải là một chân lý lầm lạc hoặc là một ý tưởng xa vời. Dự định của Thiên Chúa là một con người, con người đó là người Con của Ngài, Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu thì giống như là một bản thiết kế đã được mang lấy xác. Chúa Giêsu là chương trình dự định cho đới sống của chúng ta.

Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Êphêsô giải thích dự định mà Thiên Chúa Cha đã hài lòng nơi Đức Kitô, Đấng đã mang hết tất cả mọi sự trên trời dưới đất vào trong quyền thủ lãnh của Đức Kitô. Đức Kitô là Đầu và chúng ta là chi thể của thân mình Ngài. Thân thể mầu nhiệm của Ngài là Giáo Hội, thân thể phải đươc trở nên giống như Đầu.

Bởi vì chúng ta là một với Đức Kitô ở trong Giáo Hội, chúng thông dự vào mối quan hệ của Người với Cha. Vì Người là người Con đời đời của Cha, trong ba ngôi, như thế chúng ta cũng trở thành con cái của Thiên Chúa trong Giáo Hội. Thiên Chúa cũng là một gia đình gồm Cha và Con được hợp nhất trong một Thánh Thần. Giáo Hội là một gia đình thiêng liêng ở trên mặt đất này. Chúng ta được sinh ra trong gia đình này qua phép rửa và phép thêm sức và được củng cố như là con cái của Thiên Chúa qua việc xức dầu của Thánh Thần.

Thánh Phaolô đã viết: “Chúng ta đã được đóng ấn bằng Thánh Thần. Sự diễn tả này ám chỉ lối thực hành của một vị vua hoặc của những người khác, họ đã ấn chiếc nhẫn của mình trên sáp nóng và sau đó đóng dấu ấn vào một bức thư hoặc một văn kiện quan trọng để làm bằng chứng xác thực. Khi người ta nhận thấy con dấu của vua, người đó biết rằng tài liệu này là xác thực. Chúa Thánh Thần cũng xuyên qua bí tích Thêm sức đã in dấu trên linh hồn chúng ta để xác định chúng ta thật sự là con cái của Thiên Chúa. Chúng ta thật sự là như thế”

Mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa trong Giáo Hội kêu gọi chúng ta đáp trả bằng hai cách. Cách đầu tiên là phụng vụ. Thánh Phaolô đã nhấn mạnh rằng chúng ta phải ngợi khen đặc ân của Thiên Chúa đã ban cho chúng ta qua người Con Yêu Dấu của Ngài: “Chúng ta đươc tiền định để ngợi khen vinh quang Ngài”. Chúng ta làm viên mãn sự đáp trả này chính yếu là trong phụng vụ thánh, lời cầu nguyện của chúng ta được vươn cùng Giáo Hội. Cái đáp trả thứ hai là “cố gắng trở nên thánh thiện và không tì tích trước ánh nhìn của Thiên Chúa, được tràn đầy tình yêu”. Lối đáp trả thứ hai được chỉ định như là cách chúng ta sẽ sống. Nó có nghĩa là chúng ta phải trở nên giống Đức Kitô, không chỉ trong hữu thể của mình nhưng còn trong tư tưởng, lời nói, việc làm của chúng ta nữa.

Bởi vì Đức Kitô là bản vẽ, là kế hoạch cho đời sống chúng ta, nên phụng vụ không mệt mỏi để giới thiệu Phúc âm cho chúng ta trong mỗi Thánh Lễ. Trong suốt ba năm và Chúa nhật, chúng ta được nghe Lời của Chúa trong bốn Phúc âm. Tất cả các sách Phúc âm đều giúp chúng ta chứng kiến hành động của Chúa Giêsu. Chúng ta thấy bản vẽ của chúng ta, Con Thiên Chúa đã sống như một con người thế nào. Chúng ta cũng được giới thiệu lý tưởng để sống đúng. Trong việc lãnh nhận Thân Mình và Máu của Chúa trong bí tích Thánh Thể, chúng ta được làm cho mạnh sưc1 để có thể theo được kế hoạch của Thiên Chúa dành cho chúng ta: “ Hãy ngợi khen Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã ban cho chúng ta trong Đức Kitô mọi phước lành thiêng liêng trên trời”.
 


6. GIÁO HUẤN BẰNG CÁC VIỆC LÀM THỰC TẬP

(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’ – Achille Degeest).

Trước hết là một vài điểm chi tiết để hiểu đoạn văn dễ dàng hơn:

Nhóm 12 là 12 tông đồ. Đức Giêsu sai họ đi từng hai người một, để họ có thể nâng đỡ nhau. Cũng có thể là để làm chứng vì luật Do thái về việc làm chứng đòi hỏi có hai người.

Chiếc gậy là vật trợ giúp thông thường cho những người đi đường. Chúa cấm mang bị. Có lẽ Ngài ám chỉ đến cái bị của các kẻ hành khất làm giàu nhờ của xin được ở các nơi thờ phượng ít nhiều có khuynh hướng ngẫu tượng. Người ta biết rằng trong lịch sử Giáo hội đã có xuất hiện các dòng hành khất. Để tránh những lạm dụng, Giáo hội luôn đề phòng sao cho việc hành khất khỏi lìa xa đối tượng của nó: việc sinh sống, giúp đỡ kẻ nghèo và các việc truyền giáo. Những lúc nẩy sinh các lạm dụng là những giai đoạn xuống dốc: các dòng tu và hàng giáo sĩ không thực hành đức nghèo khó của người môn đệ. Ngược lại người ta biết đến sự phiêu lưu phan sinh (dòng hành khất đầu tiên do thánh Phanxicô Assisi sáng lập), đã đem lại cho Giáo hội sự canh tân Phúc âm.

Đi đường với hai áo là dấu chỉ của người giàu gi chuyển bằng ngựa.

Đức Giêsu sai các môn đệ và nói họ cậy trông vào sự tiếp đãi của dân chúng. Sự tiếp đãi đó thuộc phong tục của thời đại và mặc lấy tính cách một bổn phẩn của thành phố và làng mạc với tư cách tập thể cũng như cá nhân.

Phủi bụi chân ám chỉ một tập tục. Người Do thái từ một nước ngoại giáo trở về hay từ một nơi chốn dơ bẩn mà đến, phải phủi bụi chân để khỏi pha trộn đất bị bẩn và đất thánh thiện của xứ Giavê.

Hai câu hỏi được đặt ra:

1) Tại sao Đức Giêsu sai nhóm 12 đi rao giảng? Thưa vì lý do sư phạm. Đức Giêsu muốn giáo dục các mônd đệ. Và sự giáo dục bao hàm một phần thực tập. Các môn đệ đã nghe Đức Giêsu rao giảng. Nhưng người ta chỉ học tốt điều người ta kinh nghiệm, điều người ta thực hành. Sai họ đi rao giảng, Đức Giêsu muốn cho các môn đệ có được hai kinh nghiệm: Kinh nghiệm sống sự sám hối mà họ rao giảng và kinh nghiệm cảm thấy sự bất túc của con người và vì thế cần phải cầu xin Chúa trong khi chu toàn sứ vụ tông đồ của mình.

Đức Giêsu cũng muốn huấn luyện nhóm 12 về điểm bất vụ lợi tuyệt đối, thật cần thiết cho việc tông đồ đích thật. Cho nên Ngài đòi hỏi phải từ bỏ tất cả những gì không cần thiết cho đời sống. Nhất là Ngài muốn cho họ được cái kinh nghiệm này là: sự từ bỏ chắc chắn sẽ lôi kéo sự quan phòng của Chúa Cha. Con người tự hạn chế về của cải vật chất vì tình yêu đối với TC và để sẵn sàng phục vụ ơn cứu rỗi sẽ không thiếu điều cần thiết.

2) Đức Giêsu gọi 12 tông đồ và sai từng hai người đi, Người ban cho các ông có quyền... Ngay từ lúc đầu trong đời sống CHUNG với Đức Giêsu, các tông đồ kinh nghiệm rằng Thầy họ sai họ đi. Sứ vụ tông đồ tương lai của họ có được tính cách xác thực cũng là nhờ một nguồn gốc: được Đức GIêsu sai đi rao giảng. Ngày ngay chúng ta nói: Giáo hội là Tông truyền. Điều này có hai nghĩa: trước nhất là xuyên qua các Giám mục, Giáo Hội lên đến các Tông đồ, kế tiếp là các Tông đồ được chính Chúa Kitô sai đi và ban quyền hành. Chúng ta có thể rút ra một hệ luận. Nếu ai muốn đến và nhân danh Phúc âm mà nói với chúng ta, chúng ta hãy xem họ có ở trong hàng ngũ tông truyền không, nghĩa là họ có được sự ủy quyền của các người kế vị các Tông đồ, các Giám mục cùng với Đức Thánh Cha ở đàng đầu không. Đây thật là một điều kiện tối cần thiết để bảo đảm rằng qua lời nói và việc làm của họ, họ có được ơn huệ của Đức Kitô không.
 


7. LOAN BÁO TIN MỪNG

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam ghi lại tên tuổi hai vị giáo sĩ truyền giáo nổi tiếng: Đức Cha Lambert de la Motte và Đức Cha Francois Pallu. Vào thế kỷ 17, Toà Thánh đã đặt hai giám mục này làm Giám Quản Tông Toà đầu tiên ở Việt Nam: Đức Cha Lambert de la Motte phụ trách Đàng Trong (từ sông Gianh trở vào Nam) kiêm Camquchia, Lào, Thái Lan. Đức Cha Francois Pallu phụ trách Đàng Ngoài (từ sông Gianh trở ra Bắc) kiêm Trung Quốc.

Đức Cha Francois Pallu là người pháp, từ bỏ gia đình và quê hương vào ngày 3.1.1662, ngài dùng tàu buồm vượt qua Địa Trung Hải rồi men theo đường bộ một thời gian lâu dài, qua hết các nước Trung Đông, Vịnh Ba Tư, Ấn Độ mới đến Thái Lan. Năm 1670, trên đường đến miền Bắc Việt Nam, lúc đi ngang qua Huế, thuyền của ngài bị một cơn bão đánh giạt vào Philippin. Ngài bị người Tây Ban Nha bắt bỏ tù rồi đem giải về Tây Ban Nha.Với sự can thiệp của Toà Thánh, Tây Ban Nha trả tự do cho Đức Cha. Tuy phải trải qua nhiều gian khổ, nhưng tim ngài vẫn luôn sáng chói một niềm hy vọng. Ngài nói: “Tôi phải đem Tin Mừng đến tận Trung Quốc”. Vừa được trả tự do, ngài tìm mọi cách đến Bắc Kinh, và cuối cùng thân xác ngài được chôn vùi tại đây theo như ngài mơ ước. một câu nói của ngài đáng cho chúng ta ghi nhớ: “Tôi tự cho mình hạnh phúc nếu có thể đem xương cốt mình bắc một nhịp cầu tới Bắc Việt và tới Trung Quốc!”.

Thưa anh chị em, cuộc đời truyền giáo của Đức Cha Francois Pallu tại đất nước ta cũng như biết bao nhà truyền giáo khác trên thế giới gắn liền với đời tông đồ và cái chết tử đạo của mười hai Tông Đồ. Chính Chúa Giêsu tuyển chọn Nhóm Mười Hai để nhóm này ở lại bên Ngài và để được huấn luyện. Mục tiêu của huấn luyện là để các ông trở nên những người được Chúa Giêsu sai đi rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Ngay từ khi còn ở trần gian, Chúa Giêsu đã thấy mình đứng trước một cánh đồng mênh mông, có biết bao nhiêu người cần được nghe Tin Mừng cứu độ. Ngài thấy mình cần những cộng tác viên nhiệt thành cho công cuộc truyền bá Tin Mừng. Chúa Giêsu đã trao tất cả những gì mình có cho Nhóm Mười Hai: quyền rao giảng, chữa bệnh, trừ quỷ. Hoạt động của các ông là một sự nối dài và mở rộng sứ vụ của mình Chúa Giêsu.

Chia tay Thầy Giêsu, Nhóm Mười Hai lên đường. Đâu là hành trang của người tông đồ? Chúa Giêsu trả lời: “Không được mang gì khi đi đường”. Không bánh trái, không bao bì, không tiền bạc, không mặc hai áo. Như thế, các ông lên đường với tất cả sự nhẹ nhàng. Càng nhẹ nhàng thì càng dễ thi hành sứ mạng và càng được tự do hơn. Tuy nhiên sự nhẹ nhàng này thật là một thách đố. Khi người tông đồ phải lên đường với hai bàn tay trắng, không có lộ phí, không có lương thực dự trữ, lúc đó họ phải hoàn toàn lệ thuộc vào lòng nhân hậu của Thiên Chúa và lòng tốt của tha nhân. Ra đi tay trắng như thế là chấp nhận mọi bất trắc có thể xẩy ra dọc đường, nhưng cũng là đặt mình thường xuyên dưới sự quan phòng của Chúa. Chính Chúa lo mọi sự cho tôi, để tôi chuyên tâm lo việc của Chúa. Sự an toàn của tôi không dựa vào những phương tiện trần thế, nhưng vào chính Thiên Chúa.

Chúa Giêsu cũng dạy cho các ông biết thái độ phải có khi đến với dân chúng. Nếu được đón tiếp thì hãy ở lại, không tìm một nhà khác tiện nghi hơn. Người tông đồ cần có đời sống nghèo, đón nhận những gì được trao cho mình với lòng biết ơn. Nếu không được đón tiếp thì cũng không nên nản lòng. Cử chỉ giũ chân ra đi cho thấy người tông đồ chẳng hề muốn lấy đi điều gì ở nơi đã từ chối đón tiếp mình.

Anh chị em thân mến, hôm nay, Chúa Giêsu Phục Sinh cũng sai chúng ta đến với thế giới. Thế giới không phải là chuyện xa xôi. Thế giới là nơi chúng ta đang sống, đang làm việc. Thế giới là gia đình, bạn bè, là trường học, cơ quan, xí nghiệp. Thế giới là nơi giải trí, nơi du lịch, bãi biển. Thế giới là sách báo, phim ảnh, video, quảng cáo. Thế giới là mọi ngành khoa học, nghệ thuật, văn chương. Chúng ta ở trong thế giới và Chúa muốn sai chúng ta đi vào thế giới của mình trong tư cách là người Kitô hữu. Kitô hữu là người có khả năng biến đổi thế giới mình đang sống để nó biến thành thế giới của Thiên Chúa. Các Tông Đồ đã rao giảng, đã mời gọi con người hoán cải để đón nhận Nước Thiên Chúa gần bên. Chúng ta cả những gì phá huỷ phẩm giá con người, loại trừ sự sống của Thiên Chúa, đều phải bị loại trừ. Kitô hữu là người phải hoán cải trước khi mời gọi người khác hoán cải, phải tỉnh thức trước khi đánh thức người khác, phải thuộc về Chúa trước khi trừ quỷ.

Thế giới hôm nay cũng là một thế giới bị thương tích, cần được chữa lành. Bệnh tật của thân xác và bệnh tật của tinh thần vẫn hoành hành trên thế giới. Con người đau khổ vì mất lòng tin, lo âu, tuyệt vọng. Con người nô lệ cho chính những sản phẩm của mình. Tiến bộ khoa học kỹ thuật lại đặt ra những vấn đề mới mà tự sức con người không giải quyết được. Kitô hữu là người tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu, băng bó vết thương của thế giới bằng sự hiện diện đầy yêu thương.

Chúng ta không rõ nếu hôm nay Chúa Phục Sinh chỉ thị cho chúng ta, thì Ngài sẽ nói gì trước khi ngài sai chúng ta ra đi. Chắc Ngài sẽ nói khác với đoạn Tin Mừng hôm nay, những ý chính vẫn không thay đổi. Ngài dạy chúng ta tin cậy và quyền năng của Thánh Linh hơn là vào khả năng và phương tiện tự nhiên của mình. Ngài nhắc nhở chúng ta tín thác và Cha trên trời và Chuyển cầu cầu nguyện, vì chẳng ai có thể rao giảng Tin Mừng nếu không có tình bạn thân thết với Chúa.

Mỗi Thánh Lễ Chúa Giêsu tập họp chúng ta lại thành một cộng đoàn môn đệ của Ngài, để rồi sai chúng ta ra đi loan truyền Tin Mừng Phục Sinh của Ngài cho mọi người ở mọi nơi. Tin Mừng này chỉ có thể được công bố bằng cuộc sống làm chứng của mỗi người chúng ta và của Giáo Hội, một cuộc sống trung thành với Chúa Giêsu nghèo khó và chịu đóng đinh thập giá. Đó là bằng chứng đáng tin của tình thương cứu độ mọi người.
 


8. GỠ BỎ HÀNH TRANG

(GM Arthur Tone)

Ulysses Grant là tổng tư lệnh liên quân trong trận nội chiến, và sau này là Tổng thống Hoa Kỳ trong hai nhiệm kỳ. Ông K.B.Washburn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, làm chứng về lối sống đơn giản của ông Grant như sau:

“Khi ông Grant rời tổng hành dinh, mở một chiến dịch quyết định, ông không đem theo hành trang như thói quen các binh sĩ. Tất cả lệ thuộc vào phản ứng mau lẹ, điều quan trọng là ông không bị cản trở bởi hành trang. Ông không đem theo tùy viên, không ngựa hay tôi tớ, không đem theo áo khoác và ngay cả một chiếc sơ mi. Trọn hành trang của ông trong 6 ngày –tôi có mặt lúc đó- là chiếc bàn chải đánh răng. Ông ăn uống như một người lính trơn, ngủ giữa màn trời chiếu đất”.

Tướng Grant đi tay không. Đức Giêsu và các Tông đồ cũng vậy. Chúng ta vừa đọc, Đức Giêsu đã sai phái những người lãnh đạo của Ngài ra sao. Người nói với họ: “Không đem theo đồ ăn, không giỏ xách, không tiền và không áo ngoài nữa”.

Chúng ta phải làm gì? Bạn và tôi được gọi làm tông đồ để loan truyền sứ điệp của Đức Kitô bằng lời nói và việc làm. Chúng ta có thể làm việc khá hơn nếu chúng ta không bị đè nặng với những đồ đạc không cần thiết. Nó có thể làm mất thời giờ, mất sự chú ý và mất cả tiền bạc nữa. Một số đồ dùng có thể cho chúng ta tiện nghi, dễ chịu giúp chúng ta làm việc nhanh và hiệu nghiệm hơn. Tuy nhiên có nhiều cái không cần thiết làm mất thời giờ, giảm thiểu cố gắng của tinh thần và lý trí.

Phải chăng tôi đề nghị chúng ta bắt chước Mahatma Gandi, hoặc thánh Phanxicô Essisiô và sống như người hành khất nghèo hèn nhất sao? Không phải thế, nhưng tinh thần của Đức Kitô là chúng ta được tự do khỏi những sự dư thừa không cần thiết, một đống dư thừa đè nặng chúng ta cả thể xác lẫn tinh thần.

Tôi đề nghị chúng ta đừng bắt chước cô nữ sinh trung học có 26 chiếc áo lót mà hầu hết cô không bao giờ mặc tới hay như một bà Đại sứ bên Anh có hàng ngàn đôi giầy hoặc như một ai đã gây ra nỗi 65 % đồ ăn đặt tại khách sạn phải bỏ đi.

Dĩ nhiên, làm việc không có dụng cụ sẽ bị hạn chế. Bác thợ mộc cần cưa, ông bác sĩ cần một phòng làm việc mắc tiền. Bà nội trợ cần dụng cụ trong bếp, ông luật sư cần 1 giá sách luật. Nhưng tất cả chúng ta, kẻ nhiều người ít, có thể tìm ra cái không cần, những cái làm cho chúng ta mất tự do suy nghĩ, nói năng và hành động.

Mới đây, có vài người lối xóm phải chuyển đến một thành phố khác, họ tốn công gấp 5 lần để thu góp, phân loại, đóng kiện và chuyên chở những cái không quan trọng –mà có người gọi là đồ “ve chai lông vịt”- sánh với những cái chính yếu. Chúng ta thường thấy như thế.

Chúng ta đang trên hành trình về quê trời. Bớt hành trang chúng ta càng có thể tập trung vào điểm chính yếu, càng có thời giờ cho vấn đề thiêng liêng. Đi tay không như Chúa Giêsu và như những người theo Chúa lúc ban đầu.

Xin Chúa chúc lành bạn.
 


9. CHÚA SAI CÁC TÔNG ĐỒ ĐI TỪNG HAI NGƯỜI MỘT

(Noel Quesson)

Gandhi là vị cứu tinh của Ấn Độ, ông rất cảm phục Đức Kitô. Ông đọc Tin Mừng hằng ngày và lấy “bài giảng trên núi” của Chúa làm phương châm hành động. Một hôm, muốn tìm hiểu cụ thể hơn về Giáo Hội, ông đi tới một nhà thờ Công Giáo. Vừa tới cửa nhà thờ, một người chực việc tiến lại bảo ông: “Nếu những người Công Giáo sống đúng theo Tin Mừng Đức Kitô thì dân tộc của tôi bớt khổ”. Ông Gandhi mới có ý nghĩ đó. Nhiều người chúng ta cũng lấy làm tiếc vì không được chính Chúa Giêsu đích thân điều hành sinh hoạt Giáo Hội. Và thấy rằng trong các cộng đoàn nhỏ, có nhiều người ở cấp điều hành đã làm người ta hiểu sai về Tin Mừng ở Đức Kitô. Nhưng biết làm sao được? Khi Chúa Giêsu nhập thể làm người, Chúa phải chịu chi phối do không gian và thời gian. Muốn thiết lập một Giáo Hội trường tồn trong lịch sử, Chúa phải trao Giáo Hội Chúa vào tay con người trần thế. Ngay từ khi bắt đầu cuộc sống công khai, Chúa đã huấn luyện các môn đệ để các ông tiếp tục sứ mệnh của Chúa. Cũng vậy, hôm nay đây, Chúa trao sứ mệnh tiếp tục công việc Chúa làm nơi trần gian cho mỗi người chúng ta. Mọi Thánh Lễ chúng ta tham dự, đều kết thúc bằng lệnh truyền sai đi: Thánh lễ đã xong, chúc anh chị em ra đi bình an.

Theo lệnh Chúa, các Tông đồ ra đi, làm những việc Chúa đã làm: xức dầu cho bệnh nhân, chữa họ lành, rao giảng Tin Mừng, thúc giục người ta cải thiện đời sống. Nhân danh Chúa, các ông làm được nhiều việc lạ, đã trừ quỉ.

Chúa sai các ông đi từng hai người, như vậy, Chúa đã thiết lập những cộng đoàn nhỏ. Các ông là những chứng nhân, và chứng nhân càng nhiều thì càng có giá trị. Một cộng đoàn, bao giờ cũng có lợi hơn là một người đơn độc. Trong cộng đoàn người ta nhắc nhở nhau, nâng đỡ nhau sống trung thành với luật Chúa, nhất là việc làm chứng tình thương của Chúa ngay trong cộng đoàn. Chúa đòi hỏi các Tông đồ phải nhất thiết trở nên mẫu mực về tình bác ái huynh đệ. Và làm sao thực thi bác ái được, nếu mỗi người chỉ sống một mình. Dân chúng thời các tông đồ đã nhận ra dấu chứng này nơi cộng đoàn tín hữu đầu tiên: “Coi kìa, họ yêu thương nhau biết bao!”. Và đó cũng là định hướng của chính Đức Kitô: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là thấy các con yêu thương nhau”. Cuộc sống yêu thương trong cộng đoàn vừa là dấu hiệu của người môn đệ Chúa, vừa là lời rao giảng sống động, hùng hồn nhất về Tin Mừng của Chúa.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết dùng cuộc sống yêu thương để làm chứng cho Tin Mừng ngay trong cộng đoàn và trong môi trường sống của chúng con.
 


10. NGÀI GỌI VÀ SAI ĐI

(Trích trong ‘Manna’)

Suy niệm

Đức Giêsu là người làm nên Nhóm Mười Hai.

Sau một thời gian ở với Ngài (x. Mc 3,14), họ đã được Ngài sai đi rao giảng.

Người được sai đi phải là người có đời sống gần gũi thiết thân với Chúa.

Đức Giêsu sai họ lên đường. Ngài trao cho các ông những quyền năng Ngài có: quyền rao giảng, quyền chữa bệnh, quyền trừ quỷ. Đó là hành trang lên đường của các ông. Mọi hành trang khác chỉ là phụ thuộc: một chiếc áo đang mặc, một cây gậy và đôi dép khi đi đường.

Đức Giêsu cấm các ông không được mang theo lương thực, bao bị, tiền bạc... Không lương thực đi đường nên có thể bị đói. Không bao bị nên không thể để dành. Không tiền bạc nên không thể mua sắm. Ngài muốn các ông hoàn toàn nương tựa vào lòng tốt của Thiên Chúa và của con người.

Ra đi mà không có một chút bảo đảm. Các môn đệ đã đi từ nơi nọ đến nơi kia, lê gót qua các làng mạc và thành phố. Họ không đóng đô ở một nơi, dù gặp thành công, vì họ nhớ lời của Thầy: "Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa" (x. Mc 1,38)

Tính cơ động là đặc tính thiết yếu của người tông đồ. Sẵn sàng đến và cũng sẵn sàng đi.

Các môn đệ loan báo về Nước Thiên Chúa đang đến. Đó là một tin vui, nhưng đòi con người hoán cải.

Hoán cải là điều chẳng ai ưa. Người tông đồ cần can đảm nói điều phải nói. Không làm nhẹ đi những đòi buộc của Tin Mừng, không bóp méo Tin Mừng để tìm thành công cá nhân, cũng không mỵ dân để vuốt ve dư luận. Người tông đồ phải chấp nhận được tiếp đón một cách nồng hậu hay lạnh nhạt.

Họ chỉ là những người phục vụ cho Tin Mừng.

Chúng ta cần cảm nghiệm niềm vui của các môn đệ. Những người đánh cá nay trở thành nhà rao giảng. Những người ít học, bình dân, nay trừ quỷ và chữa bệnh. Họ đem đến cho con người niềm vui, sự giải phóng toàn vẹn cả hồn lẫn xác.

Hôm nay Đức Giêsu vẫn sai ta đến trong thế giới. Đi từng hai người hay từng nhóm để nâng đỡ nhau. Chúng ta có thể mang theo nhiều đồ trang bị hơn xưa, nhưng không vì thế mà bỏ rơi cậy dựa vào Chúa. Thế giới hôm nay vẫn có nhiều bệnh tật: bệnh tuyệt vọng chán chường, bệnh hoài nghi khép kín... Ước gì chúng ta chữa lành những nỗi đau hôm nay.

Gợi ý chia sẻ

Lên đường là ra đi, nhưng cũng là ở lại môi trường mình đang sống. Bạn thấy làm chứng cho Chúa tại nơi bạn học hành, làm việc, có khó không? Đâu là những cản trở?

Thế giới hôm nay là thế giới bị nô lệ dưới nhiều hình thức. Bạn thấy được những hình thức nào? (nô lệ cho vật chất, tiện nghi, chức vị, xác thịt...)

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

Xin sai chúng con lên đường; nhẹ nhàng và thanh thoát, không chút cậy dựa vào khả năng bản thân hay vào những phương tiện trần thế.

Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm: rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ, chữa lành những người ốm đau.

Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng với niềm vui của người tìm được viên ngọc quý, biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân.

Xin ban cho chúng con khả năng đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa.

Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ của bao người đau khổ thể xác tinh thần.

Lạy Chúa Giêsu, thế giới thật bao la mà vòng tay chúng con quá nhỏ. Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau mà tin tưởng lên đường, nhẹ nhàng và thanh thoát.
 


11. LÊN ĐƯỜNG THI HÀNH SỨ VỤ VỚI CHÚA GIÊSU

(Lm. Ignatio Trần Ngà)

Mười hai môn đệ lên đường theo lệnh Chúa Giê-su mà chẳng mang theo gì cả: không lương thực, không tiền bạc, không mang thêm chiếc áo thứ hai, không bao bị, ngoại trừ hai vật dụng tối cần là cây gậy và đôi dép (Mc 6, 8-9). Ngoài ra, các môn đệ lại là những người ít học, khả năng khiêm tốn...

Vậy mà các ngài đã đạt được những thành quả tuyệt vời: Xua trừ nhiều ma quỷ, chữa lành nhiều bệnh nhân, kêu gọi người ta ăn năn sám hối! (Mc 6,13).

Nhờ đâu các ngài đạt được những thành quả phi thường nầy?

Tất cả là do quyền năng Thiên Chúa.

Khi sai các môn đệ lên đường không chút hành trang, Chúa Giê-su muốn tỏ cho thấy sự thành công trong hoạt động tông đồ không do tài lực của con người nhưng là do quyền năng Thiên Chúa. Chính Chúa Giê-su hoạt động qua các vị như đôi bàn tay của Người.

Chúng ta là chi thể của Chúa Giê-su

Từ ngày lãnh bí tích rửa tội, chúng ta được tháp nhập vào Thân Mình Chúa Giê-su như cành liền cây, như bàn tay nối liền cơ thể và từ đó, chúng ta được thông dự vào sứ mạng ngôn sứ, tư tế và vương đế của Chúa Giê-su.

Từ đó, Chúa Giê-su muốn rao giảng qua chúng ta là môi miệng của Người; Chúa Giê-su muốn chăm sóc bệnh nhân và người đau khổ qua chúng ta là đôi tay của Người; Chúa Giê-su muốn tỏ lòng thương xót nhân loại qua chúng ta là trái tim của Người.

Thế nên, chúng ta phải cùng hoạt động với Chúa Giê-su và để Người sử dụng chúng ta như chi thể của Người mà tiếp nối sứ mạng loan Tin Mừng và đem ơn cứu độ cho thế giới.

Chúng ta không thể viện cớ mình nghèo nàn, ít học, yếu đuối để từ khước sứ mạng Chúa giao, vì mười hai môn đệ đầu tiên được Chúa sai đi cũng không có nhiều khả năng, nhiều điều kiện hơn chúng ta hôm nay. Các vị lên đường theo lệnh Chúa Giê-su dù không mang lương thực, không tiền bạc, không bao bị, không cả chiếc áo thứ hai mà vẫn đạt được thành quả tốt đẹp khác thường. Chúng ta cũng có thể đạt được hiệu quả như thế nếu chúng ta hiến mình cho Chúa Giê-su sử dụng.

Đừng trở nên bàn tay tê bại

Nhân loại hôm nay đông đảo gấp hàng triệu lần so với thời các môn đệ đầu tiên nên nhu cầu loan báo Tin Mừng lúc nầy càng cấp bách và khẩn thiết hơn bao giờ hết. Hôm nay Chúa Giê-su vẫn liên lỉ kêu mời mỗi người chúng ta tham gia sứ vụ loan Tin Mừng như các môn đệ xưa.

Là chi thể của Chúa Giê-su, chúng ta không thể từ chối tham gia vào công việc cứu độ của Người.

Một chi thể không cùng các chi thể khác tham gia vào các hoạt động của thân mình là một chi thể tê bại hoặc là một chi thể thừa (như ngón thứ sáu -ngón tay thừa- trên một bàn tay).

Một chi thể tê bại (hoặc thừa) chẳng những không mang lợi ích gì cho thân mình mà còn trở nên chướng ngại cho hoạt động của toàn thân.

Chắc chắn không ai trong chúng ta muốn làm một chi thể tê bại trong Thân Mình Chúa.

Vậy thì hãy sẵn sàng hiến thân làm khí cụ cho Chúa Ki-tô.

Khi chúng ta hiến đời mình để Chúa Giê-su sử dụng như bàn tay của Người, chắc chắn nhiều điều kỳ diệu sẽ được Người thực hiện qua con người mỏng giòn yếu đuối của chúng ta.
 


12. CHÂN DUNG CỦA SỨ GIẢ TIN MỪNG

(Lm Jos. Tạ Duy Tuyền)

Một cuộc đời đẹp là một cuộc đời dấn thân vì lợi ích cho tha nhân. Một tâm hồn thanh cao là tâm hồn luôn thanh thoát khỏi những bon chen vật chất, những vinh hoa phù phiếm mau qua. Đó chính là mẫu người mà xã hội hôm qua cũng như hôm nay đang cần, rất cần họ để điểm tô cho xã hội thêm phong phú nhờ những cống hiến vô vị lợi và đầy lòng quảng đại của họ.

Đó cũng chính là chân dung của các sứ giả Tin mừng. Họ đã để lại cho nhân thế những bước chân thật thanh thoát, nhẹ nhàng nhưng đầy tình người. Họ là những người được tuyển chọn để cứu nhân độ thế. Họ dấn thân vào đời để giải cứu thế gian khỏi ba thù hiểm độc. Thế gian có quá nhiều mưu mô và xảo quyệt. Ma qủy có quá nhiều phương cách để cám dỗ. Họ cần phải ra đi với đôi chân nhẹ nhàng và lòng thanh thoát. Họ không được mang bao bị, không mang bạc tiền của nhân thế. Họ là những người chấp nhận cuộc sống nổi trôi "ba chìm bảy nổi chín lênh đênh". Sứ mệnh của họ là đẩy lùi sự dữ và thi thố tình thuơng. Họ không thể bận tâm đến của cải thế gian. Họ không để lòng mình bị ràng buộc bởi nhu cầu vật chất và tiện nghi. Nếu họ quá quan tâm đến mình sẽ quên đồng loại. Nếu họ quá chú trọng đến vật chất sẽ dẫn đến lo hưởng thụ và tích góp cho bản thân. Thiện chí sẽ mất. Hướng đi sẽ chệch đường lạc lối. Lý tưởng ban đầu sẽ bị đảo ngược. Thay vì cứu đời sẽ chỉ còn lại sự lợi dụng địa vị chức quyền để vun quén cho bản thân.

Người ta kể rằng: có một đệ tử muốn từ bỏ mọi sự của thế gian để sống tu trì. Anh quyết định vào rừng vắng sống ẩn tu. Hành trang duy nhất anh mang là chiếc áo ăn mày để khất thực sống qua ngày. Ngày kia, anh đau đớn vô cùng khi thấy chiếc áo phơi ở bờ sông đã bị chuột cắn nát tả tơi. Không còn cách nào khác, anh phải vào trong làng xin một chiếc áo khác. Chiếc áo thứ hai này cũng bị cùng chung số phận, nát tả tơi vì chuột cắn. Anh nghĩ rằng chỉ có nuôi mèo mới giữ được chiếc áo. Anh quyết định nuôi mèo. Thế nhưng, khi có mèo anh lại phải lo kiếm thêm phần ăn cho con mèo được nuôi để đuổi chuột.

Ngày ngày vác bị đi khất thực, anh cảm thấy mình như một gánh nặng đối với dân làng. Nghĩ thế, anh cố gắng chắt chiu để kiếm tiền nuôi một con bò để thêm phần thu nhập. Nhưng có bò lại phải kiếm cỏ cho bò ăn. Chăn nuôi gia súc khiến anh không thể có thời giờ cầu nguyện, tối mặt vì công việc, anh lại phải thuê người cắt cỏ nuôi bò. Càng ngày bò càng sinh sản, người cắt cỏ cũng phải gia tăng. Thời gian trôi qua, mảnh đất hoang sơ đã biến thành một trang trại rộng lớn. Gia súc và người làm ngày càng thêm đông. Con người đã một thời muốn từ bỏ mọi sự để trở thành một tu sĩ, nay nghiễm nhiên trở thành một ông chủ trang trại.

Có tiền của và tài sản to lớn, anh lại muốn có người chia sẻ công việc của mình. Anh cưới vợ và sinh con. Anh trở thành một người chồng, người cha trong một gia đình hạnh phúc. Thế là lý tưởng ban đầu đã hết. Anh đã đánh mất lý tưởng chỉ vì mải lo gìn giữ một cái áo rách. Chuyện có vẻ hoang đường nhưng lại là thật. Ma qủy thường cám dỗ từng bước. Ma qủy thường gợi lên những điều rất hấp dẫn để dẵn dắt con người đi theo chương trình của nó. Adam - Evà đã nhìn thấy trái táo thơm ngon mà quên đi thân phận phải vâng lời Thiên Chúa. Khi tỉnh lại chỉ còn thất vọng và hổ thẹn lương tâm. Người tu sĩ đã lạc bước khi quá bận tâm đến nhu cầu vật chất, đến đồng tiền bát gạo, khiến tâm hồn anh không còn thời giờ để vun đắp, định hướng cho hướng đi của mình. Cái thất bại của anh thật tẻ nhạt, chỉ vì mải lo gìn giữ một chiếc áo rách.

Thực vậy, vì tiền bạc, mà người ta có thể đánh mất lý tưởng cuộc đời.Vì tiền mà cái tính bổn thiện của con người ban đầu đã không còn. Vì tiền mà người ta có thể chối bỏ niềm tin. Đó là nguy cơ mà bất cứ ai cũng có thể rơi vào.

Đó là bài học cho tất cả chúng ta. Đồng tiền thật cần thiết cho cuộc sống nhưng không phải là cứu cánh cho cuộc đời. Đừng quá lệ thuộc vào của cải vật chất. Nó chính là con dao hai lưỡi có thể làm hại cuộc đời chúng ta, nếu không khôn ngoan, sáng suốt để nhận định đúng giá trị của nó. Chúng ta cần can đảm để trong khi mưu tìm của cải vật chất, chúng ta cần có đủ nghị lực khước từ mọi hành vi bất chính, mọi thoả hiệp với lừa đảo, gian trá của thế gian. Chúng ta không thể vì tiền mà đánh mất tính người. Vì tiền mà đánh mất tình người. Vì tiền mà lòng mang dạ sói để hại người, hại đời, để làm tôi cho ma quỷ sai khiến ra đi gieo vãi sự dữ cho trần gian.

Con người luôn hướng về sự thiện. Con người luôn mong muốn cống hiến cuộc đời mình cho tha nhân. Đó chính là mục đích mà Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa. Thế nhưng ma quỷ luôn vẽ lối chúng ta đi sai đường Chúa. Ước gì lời Chúa hôm nay thức tỉnh chúng ta, hãy lo tìm kiếm những điều đẹp ý Chúa hơn là thế gian. Hãy để tâm làm việc phụng sự Chúa hơn là làm tôi cho tiền bạc và tiện nghi. Đừng để lòng mình lệ thuộc vào vật chất mà quên đi gía trị tinh thần. Xin Chúa giúp chúng ta biết sống theo lời Chúa để được phúc lành mai sau. Vì "Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì nước trời là của họ". Amen.
 


 

13. RAO GIẢNG

Các con hãy đi rao giảng

Đó là một mệnh lệnh đòi chúng ta phải ra đi.

Ra đi như các tông đồ, từ bỏ nghề nghiệp, từ bỏ quê hương, từ bỏ những người thân yêu và ra đi như thế có nghĩa là hy sinh.

Ra đi như các tu sĩ, từ bỏ gia đình, từ bỏ bè bạn. Và ra đi như thế cũng có nghĩa là hy sinh.

Hễ đã muốn hiến thân theo đuổi một sự nghiệp trong đạo, thì phải bằng cách này hay cách khác, chấp nhận từ bỏ và hy sinh.

Nhưng từ bỏ những cái bên ngoài mà thôi thì vẫn chưa phải là ra đi đích thực. Ra đi đích thực chính là từ bỏ bản thân, từ bỏ những tập quán và những ý riêng tư để tin vào giá trị vô song của nước trời, một vương quốc mà chúng ta phải hy sinh tất cả để xây dựng. Chấp nhận ra đi, chúng ta sẽ rao giảng, sẽ nhắc lại lời Ngài đã nói:

- Nước trời đã gần.

Đó là tất cả những gì chúng ta phải rao truyền cho các tâm hồn.

Nhìn vào cuộc sống, chúng ta thấy còn quá nhiều người chưa nhận biết nước Chúa. Ngày nay cũng chẳng hơn gì ngày xưa, vì nhân loại luôn đợi chờ một cái gì khác nữa.

Vào thời Chúa Giêsu, người ta mong đợi Thiên Chúa sẽ can thiệp, sẽ làm một phép lạ để đánh đuổi binh đội Rôma, biến nước Israel thành một địa đàng mới, đầy đủ mọi vinh quang. Ngày nay người ta cũng mơ ước như thế. Nhưng khốn nỗi là họ không mong đợi ở Thiên Chúa mà lại mong đỡi ở tài năng con người như khoa học, kỹ thuật. Họ tin tưởng ở quyền lực và tổ chức con người để rồi loại trừ Thiên Chúa. Dĩ nhiên không phải là tất cả, vì còn có những người biết suy nghĩ cách sâu xa hơn, để rồi nghiêng mình suy tôn Thiên Chúa…

Nhưng xét cho cùng, vẫn còn biết bao nhiêu sự phủ nhận về nhiều phương diện, hoặc công khai ngoài xã hội, hoặc âm thầm trong đời sống riêng tư.

Sở dĩ như vậy, vì Chúa Giêsu đã rao giảng một nước trời hoàn toàn khác biệt với mộng ước của người Do Thái, một vương quốc thiêng liêng được thiết lập trong tâm hồn người đón nhận.

Chúng ta cũng phải rao giảng như thế, mặc dù có trái với mộng ước của thời đại. Chúng ta phải chèo ngược dòng nước đang cuốn trôi nhân loại.

Như các tông đồ, chúng ta hãy nhắc lại lời Chúa:

- Nước trời đã gần, và đang ở trong tâm hồn những người thiện chí.

Mọi Kitô hữu đều có bổn phận rao giảng lời Chúa, nhưng rao giảng bằng cách nào?

Trước hết, rao giảng bằng lời cầu nguyện.

Đây là cách rao giảng tốt nhất mà mọi người đều có thể áp dụng. Thánh nữ Têrêxa với 24 tuổi đời trong bốn bức tường tu viện, đã được Giáo hội đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo, phải chăng là nhờ lời cầu nguyện của thánh nữ mà biết bao tâm hồn được ơn ăn năn sám hối.

Tiếp đến là rao giảng bằng gương sáng, bằng chính đời sống đạo đức và thánh thiện, bác ái và yêu thương.

Các tu sĩ Phanxicô đầu tiên đã áp dụng phương cách này. Họ rao giảng bằng cách sống Phúc âm, thực hiện sự khó nghèo giữa một thế giới đang chạy theo giàu sang, kể cả những người con của Chúa. Họ sống khó nghèo nhưng trên khuôn mặt luôn phản chiếu niềm vui của thiên đàng, và đó là một bài giảng hùng hồn nhất. Bài giảng sẽ vô ích nếu người giảng không sống lời mình giảng, Trái lại, khi đã sống một cách gương mẫu thì bài giảng hoàn tất. Một khi đã sống thánh thiện và làm gương cho người khác, chúng ta có thể rao giảng bằng lời nói, đó là cách thức thứ ba.

Nói càng ít càng tốt, nhưng phải nói những lời xuất phát từ một tâm hồn thánh thiện, những lời được Chúa soi sáng, vì như lời thánh Phaolô: Muốn tin thì phải được nghe biết, muốn nghe biết thì phải có người nói tới. Chúng ta cũng đừng quên rằng đời sống càng thánh thiện thì lời giảng càng hiệu lực.

Sau cùng, rao giảng bằng cách làm tròn bổn phận.

Thực vậy, địa vị nào cũng có thể là một bài giảng sống động, bổn phận nào cũng có thể là một lời kinh, nếu chúng ta biết thánh hóa, hoàn cảnh nào cũng có thể giúp chúng ta nên chứng tá cho Chúa ngay giữa lòng cuộc đời của mình.
 


 

14. CHÚA KITÔ

Chúa Giêsu mở rộng hoạt động của Người bằng cách sai các môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng. “Nhóm Mười Hai” là một nhóm nhỏ các môn đệ, còn được gọi là các tông đồ. Chúa Giêsu đã tuyển chọn để sai đi rao giảng. Họ loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu và thúc giục người ta hoán cải cuộc sống, để có thể đón nhận Nước Thiên Chúa đang đến qua con người của Chúa Giêsu.

Qua trình thuật của Tin Mừng, chúng ta thoáng thấy những qui luật truyền giáo của Hội Thánh tiên khởi. Hoạt động truyền giáo của Giáo hội được trình bày như là tiếp nối sứ vụ mà Chúa Giêsu đã ủy thác cho các tông đồ. Các nhà thừa sai rao giảng bằng lời nói và các hoạt động bác ái. Như vậy, Tin Mừng được chứng minh là công trình của Thiên Chúa nhằm cứu độ những người có lòng tin.

Các giáo phụ luôn luôn nhắc nhở các tín hữu như sau: “Chúa Kitô tiếp tục hoạt động trong các bí tích. Khi vị linh mục làm phép Thánh Tẩy, đó là chính Chúa Kitô thanh tẩy chúng ta. Khi Đức Giám mục ban phép Thêm sức, đó là chính Chúa Kitô tăng sức mạnh cho chúng ta. Khi linh mục ban phép Giải tội, đó là chính Chúa Kitô tha tội cho chúng ta. Các thừa tác viên là những người tiếp nối công trình của Chúa Kitô. Công việc của các ngài là chính hoạt động cứu độ của Chúa Kitô”.

Những thành viên của phong trào Cursillo đã vẽ một bức tranh Chúa Kitô không có tay chân. Mỗi một thành viên của phong trào Cursillo được yêu cầu trở thành tay chân của Chúa Kitô, tiếp tục công trình cứu độ của Chúa Kitô trong hiện tại. Nếu bức tranh đó mô tả nhiệm vụ của các thành viên trong phong trào Cursillo, thì điều đó càng đúng hơn cho các thừa tác viên trong Giáo hội. Họ tiếp tục công việc “rao giảng lòng thống hối, từ bỏ tội lỗi, xức dầu cho các bệnh nhân và chữa lành cho nhiều người”.

Trở thành một thừa tác viên của Chúa Kitô là một ơn gọi cao quý, nhưng cũng là một ân huệ. Không ai được tự cho mình có ơn gọi đó. Người ta phải cầu nguyện, suy nghĩ và chuẩn bị chu đáo cho ơn gọi đó. Nhiều người được gọi nhưng ít kẻ được chọn. Người ta phải sống gắn bó chặt chẽ với Chúa Kitô, theo sát Chúa Kitô và sống cho Người. Bất cứ một do dự, một nghi ngờ nào về sự trung tín của Thiên Chúa cũng là một sự phản bội. Nếu có một sự bất trung nào thì người ta sẽ thấy đó là do lỗi của chính mình, bởi vì Chúa Giêsu không bao giờ bỏ rơi những ai chân thành tìm kiếm và bước theo Người.

Lạy Chúa, xin Chúa cho các bậc làm cha mẹ biết quảng đại dâng hiến con mình trong cuộc sống tận hiến cho việc phụng sự Chúa. Xin Chúa ban cho chúng con những linh mục thánh thiện như lòng Chúa mong ước.
 


 

15. RAO GIẢNG

Tất cả những người đi tu, nhất là để làm linh mục, thường được kêu gọi hai lần: lần thứ nhất, Chúa kêu gọi âm thầm trong lòng mỗi người bằng những ước muốn, yêu thích và qua những biến cố do Chúa quan phòng xếp đặt để hướng dẫn đương sự tới nơi tu trì hay tới bàn thờ. Lần thứ hai, Chúa kêu gọi qua sự tuyển chọn và kêu gọi của bề trên hay Đức Giám mục.

Chúa Giêsu cũng đã hành động như thế trong việc kêu gọi các tông đồ, các môn đệ đầu tiên của Ngài. Chúa kêu gọi họ ngay khi bắt đầu sứ vụ công khai truyền giảng Tin Mừng. Ngài đã kêu gọi từng người một trong nhiều hoàn cảnh khác nhau: người thì đang vá lưới, kẻ gặp ở giữa đường, người khác đang ngồi thu thuế… Rồi Ngài qui tụ họ lại cho ở luôn bên cạnh Ngài, huấn luyện, dạy dỗ, cho chứng kiến những phép lạ, các công việc Ngài làm, nghe Ngài giảng dạy dân chúng, thấy gương sáng của Ngài. Giờ đây, muốn sai họ đi truyền giảng Tin Mừng, Ngài lại chính thức gọi họ một lần nữa như bài Tin Mừng kể lại. Sở dĩ Chúa làm như vậy là để cho họ thấy rằng: việc trở thành tông đồ, và linh mục hay cả tu sĩ ngày nay, không phải là sáng kiến của cá nhân họ, nhưng là ơn thiên triệu Chúa ban, là một thứ đoàn sủng.

Trước khi sai các tông đồ đi truyền giảng, Chúa Giêsu đã căn dặn họ nhiều điều. Những điều này được coi là khuôn mẫu, là bộ luật chỉ đạo cho các chiến sĩ truyền giáo. Chúng ta thấy Chúa không bảo họ phải giảng gì và giảng như thế nào, nhưng phải ăn mặc thế nào, mang những gì, sinh sống đối xử làm sao với những người mà họ tiếp xúc, đồng thời dùng quyền năng Chúa ban mà trừ quỷ và chữa bệnh.

Có thể nói: Chúa không dạy các ông phải rao giảng bằng những bài giảng thuyết tràng giang đại hải hay bằng những lý luận đanh thép, khôn ngoan, thông thái nhằm thuyết phục mọi người, nhưng Chúa bảo các ông phải giảng bằng chứng tích, tức là bằng chính đời sống của họ. Còn những điều các ông phải nói, phải giảng, tóm lại vỏn vẹn có hai hay ba điều: chúc bình an – báo tin Nước Trời đã đến hay đã gần – và thúc giục người ta ăn năn hối cải. Nghĩa là Chúa muốn các môn đệ của Chúa nói ít và làm nhiều, dĩ nhiên Chúa không cấm họ kể lại cho mọi người tất cả những giáo huấn mà họ đã được nghe.

Đối với chúng ta hôm nay, Chúa cũng kêu gọi và sai chúng ta đi truyền giảng Nước Thiên Chúa. Bởi vì mỗi người chúng ta khi đã lãnh bí tích Rửa tội và Thêm sức, chúng ta đều được kêu gọi và sai đi rao giảng: Có người bằng lời nói, nhưng tất cả đều bằng việc làm, tức là bằng đời sống, bằng hành động gương mẫu tốt lành. Nghĩa là tất cả chúng ta đều phải là chứng nhân của Chúa và của Nước Trời, không ai được chuẩn chước, cho dù là một bệnh nhân bất toại nằm trên giường cũng thế.

Rao giảng bằng lời nói của các chiến sĩ Phúc âm, của các vị thừa sai, của các linh mục… cũng rất cần thiết, nhưng với điều kiện là phải đi đôi với bằng chứng đời sống của chính các ngài, nếu không lời nói của các ngài chỉ là tiếng thanh la não bạt rộn ràng. Ngược lại, việc rao giảng bằng đời sống, tự nó có năng lực thuyết phục người ta chấp nhận chân lý mà không cần lời nói, tuy rằng lời giảng vẫn có thể bổ túc một cách hữu hiệu. Chúng ta vẫn nói hay nghe người khác nói: “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”, lời nói mới chỉ làm lung lay lòng người, nhưng đời sống sẽ lôi kéo người ấy về hẳn phía mình.

Mỗi Kitô hữu, mỗi người Công giáo là một chứng nhân cho Chúa, cho đạo. Nếu chúng ta thiếu đời sống tốt lành, thiếu đời sống gương mẫu là chúng ta đã bỏ mất ơn thiên triệu làm chứng nhân và không thi hành đầy đủ sứ mệnh tông đồ của mình. Như vậy, cách rao giảng, cách làm chứng cho Chúa, cho đạo tốt nhất, hữu hiệu nhất là đời sống tốt đẹp của chúng ta. Nghĩa là làm bất cứ việc gì, ở đâu, với ai, chúng ta hãy để ý đối xử với họ thế nào để gây được thiện cảm cho đạo, dù đó chỉ là những cử chỉ nhỏ nhặt hay những câu nói buông trôi giữa trời, bởi vì chính những cử chỉ không tên tuổi, những câu nói giữa trời, những thái độ dường như vô tình ấy cũng rất có ảnh hưởng và có khi còn ảnh hưởng sâu xa nữa.

Phương ngôn Ả Rập có câu: “Nếu anh không làm được ngôi sao trên trời, anh hãy làm cái đèn trong nhà anh”. Nếu đa số chúng ta không có điều kiện để đi đây đó làm tông đồ, thì tất cả chúng ta đều có thể làm tông đồ bằng gương sáng. Làm gương sáng là một nhiệm vụ chính Chúa Giêsu đã truyền dạy: “Các con là cái đèn sáng, sự sáng của các con phải tỏa chiếu trước người ta, để người ta thấy công việc của các con mà ngợi khen Cha trên trời”. Chúng ta làm tông đồ bằng cách gây ảnh hưởng tốt và gây ảnh hưởng bằng ngôn ngữ, cử chỉ, thái độ… Vậy nếu một lời nói, một cử chỉ, một thái độ có thể ảnh hưởng đến người khác, thì phương chi một hành động, một công việc và nhất là một nếp sống. Làm gương sáng bằng hành động của chúng ta có sức lôi cuốn hơn những lời nói hoặc những bài giảng hay.

Gương sáng cụ thể nhất là những việc làm thể hiện tình yêu thương của chúng ta. Có một người đàn bà kia đã khuyên đứa con cưng của bà như sau: “Con ơi, ngày con mới sinh, đôi mắt con vừa nhìn thấy ánh sáng, mọi người đều mỉm cười với con, mà con lại khóc. Con hãy sống thế nào để một ngày kia, đến giờ sau hết, mọi người đều tràn lệ mà con lại mỉm cười”. Sống thế nào để được như thế? Chỉ có một cách duy nhất là gieo vào tâm hồn những người chung quanh một tình thương mến, để đến giờ cuối đó họ phải khóc vì thương tiếc, và chúng ta mỉm cười vì đã thực thi được tình người, muốn như vậy cần phải biết yêu thương và thể hiện tình yêu thương.

Xin Chúa cho chúng ta luôn ý thức nhiệm vụ tông đồ và cố gắng thực hiện bằng cách làm gương sáng và thể hiện tình yêu thương để danh Chúa được rạng sáng và nước Chúa được mở rộng.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn