1
23:03 +07 Thứ ba, 14/05/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 104

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 101


Hôm nayHôm nay : 34430

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 486664

Tổng cộngTổng cộng : 28605912

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » SUY NIỆM CHÚA NHẬT

Suy niệm Lời Chúa và các bài đọc trong thánh lễ Tuần I Mùa chay

Thứ sáu - 15/02/2013 16:03-Đã xem: 1715
Một khi đã thấm nhuần Tin Mừng của Chúa, chúng ta hãy tuyên xưng lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh, và đem hết nghị lục rao truyền Chúa Kitô và Lời Ngài cho mọi người khác. Và cách tuyên xưng lòng tin hữu hiệu nhất, trước hết và bây giờ cũng là gương sống cụ thể của chúng ta.
Suy niệm Lời Chúa và các bài đọc trong thánh lễ Tuần I Mùa chay

Suy niệm Lời Chúa và các bài đọc trong thánh lễ Tuần I Mùa chay

CHÚA NHẬT I MÙA CHAY

(Đnl 26,4-10; Rm 10,8-13; Lc 4,1-13)

Chủ đề: NIỀM TIN VÀO THIÊN CHÚA

“Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi 
và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Lc 4,8)

I. CÁC BÀI ĐỌC

Các bài đọc hôm nay đề cập tới niềm tin vào Thiên Chúa. Niềm tin này được dân Do Thái cảm nghiệm cách sâu sắc trong lịch sử qua những can thiệp cụ thể của Người. Sự can thiệp quan trọng nhất của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại đó là ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã phán hứa tự ngàn xưa. Lời hứa ấy được thực hiện trong Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Ai tin vào Ngài sẽ được ơn cứu độ. Mùa Chay là mùa chúng ta bước đi trong sa mạc để thanh luyện đức tin vào Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô và để đức tin của chúng ta được đơm hoa kết trái trong đời sống.

1. Bài đọc I (Đnl 26,4-10)

Đoạn sách của bài đọc I kêu gọi Dân Do Thái biểu lộ lòng biết ơn Thiên Chúa qua việc dâng lên Người các sản phẩm đầu mùa; bởi vì chính Người là Đấng giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai Cập và cũng Người đã ban cho họ Đất Hứa, “đất tràn trề sữa và mật”. Ở đất Ai Cập, người Do Thái bị ngược đãi và Thiên Chúa đã lắng nghe tiếng kêu van của họ: “Người Ai Cập đã ngược đãi, hành hạ chúng tôi và đặt ách nô lệ lên vai chúng tôi. Bấy giờ chúng tôi đã kêu lên cùng Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông chúng tôi; Người đã nghe tiếng chúng tôi”. Biến cố thoát khỏi ách nô lệ là dấu chỉ tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho dân Do Thái. Họ cảm nhận tình yêu thương này và cảm nhận những hồng ân mà bây giờ họ đang được hưởng trong Đất Hứa. Họ đáp trả lại những hồng ân đó bằng những của lễ đầu mùa như là lòng tri ân Thiên Chúa.

2. Bài đọc II (Rm 10,8-13)

Đức tin đem lại ơn cứu độ cho tất cả mọi người: “Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ”. Đây là điều mà Phaolô muốn nhắn gởi cho các tín hữu và mọi người dù họ là Hy Lạp, Do Thái hay một dân tộc nào khác: “Tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa sẽ được cứu thoát”. Nhìn nhận quyền năng của Thiên Chúa và sống niềm tin của mình bằng cả con người thì chúng ta đạt đến ơn cứu độ mà Thiên Chúa hứa ban. Để cứu độ con người Thiên Chúa đã ban Con của Người đến gánh lấy tội của con người bằng hiến tế trên thập giá và để đạt tới ơn cứu độ, con người cần phải đón nhận và tin vào Đức Giêsu Kitô.

3. Tin Mừng (Lc 4,1-13)

Trước khi bắt đầu sứ vụ rao giảng , Đức Giêsu được Thánh Thần dẫn vào trong hoang địa 40 ngày và chịu ma quỷ cám dỗ. Con số 40 nhắc nhớ tới biến cố dân Do Thái bước đi trong sa mạc 40 năm để tiến về Đất Hứa. Trong hành trình này họ chịu nhiều thử thách để niềm tin được vững mạnh. Sau 40 ngày ăn chay, Đức Giêsu thấy đói và ma quỷ đã lợi dụng cơ hội này để cám dỗ Ngài. Ma quỷ đã dùng chính tước hiệu “Con Thiên Chúa” để cám dỗ Ngài: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hóa bánh đi”. Ma quỷ muốn Đức Giêsu dùng chính quyền năng như là “Con Thiên Chúa” để làm những phép lạ cho phần ích của chính cá nhân Ngài. Nhưng Ngài đến trần gian là để thi hành thánh ý Thiên Chúa Cha và vì kế hoạch cứu độ con người: “Nhưng đừng theo ý con, mà là ý của Cha được thành sự” (Lc 22,42). Cám dỗ thứ hai đó là ma quỷ chỉ cho Đức Giêsu thấy vinh hoa thế gian và nói: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tùy ý. Vậy ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông”. Trong lời cám dỗ này, chúng ta thấy một sự lừa lọc của ma quỷ tự khi cho rằng nó có quyền trên vũ trụ này; nhưng thực sự chỉ có một mình Thiên Chúa mới có quyền này và Đức Giêsu đến thế gian để thống trị vũ trụ bằng tình yêu và sự thật. Đức Giêsu đã khẳng định chân lý: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”. Trong cám dỗ thứ ba ma quỷ dùng một đoạn thánh vịnh 91,11-12: “bởi chưng Người truyền cho thiên sứ giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng cho bạn khỏi vấp chân vào đá”, để xúi giục Đức Giêsu gieo mình trên nóc Đền Thờ xuống. Đây là cám dỗ mưu mô của ma quỷ dùng với mục đích để ép buộc Thiên Chúa thực hiện vì sự phô trương cá nhân. Nhưng Đức Giêsu trả lời: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”. Với các câu trả lời của Đức Giêsu cho thấy rằng Ngài quả thật tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa và sự hiệp nhất với Thiên Chúa.

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. “Bấy giờ chúng tôi đã kêu lên cùng Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông chúng tôi; Người đã nghe tiếng chúng tôi”. Dân Do Thái đã cảm nghiệm được sự can thiệp yêu thương của Thiên Chúa trong đời sống của họ và họ đáp trả bằng việc dâng của lễ đầu mùa lên Người như tỏ lòng biết ơn. Trong cuộc sống tôi nhận được được nhiều hồng ân của Thiên Chúa. Vậy, tôi đáp trả lòng quảng đại của Thiên Chúa chưa? và đâu là những hành động cụ thể mà tôi thể hiện lòng tri ân Thiên Chúa trong cuộc sống?

2. “Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ”. Tôi có thực sự sống những gì mà tôi tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu Kitô? Tôi có thực sự chạy đến tín thác vào Ngài khi vui khi buồn, khi gặp nguy khó? Tôi có cảm nghiệm Đức Giêsu như là chỗ nương tựa cho cuộc sống?

3. “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”. Tôi có đặt Thiên Chúa ở vị trí quan trọng và tối thượng trong cuộc sống của tôi? Hay tôi còn có nhiều vị thần khác đang chi phối cuộc sống của tôi? Tôi có thi hành thánh ý Thiên Chúa hay tôi cũng muốn Thiên Chúa thực hiện những mục tiêu trần thế của tôi?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Mùa Chay là thời gian Giáo Hội mời gọi chúng ta tích cực sám hối, canh tân đời sống và gia tăng việc lành để chuẩn bị cử hành lễ Vượt Qua. Với niềm tin tưởng cậy trông vào sự trợ giúp của Thiên Chúa, chúng ta cùng khiêm tốn dâng lời cầu nguyện:

1. Chúa Giêsu được Thánh Thần dẫn vào hoang địa và ở đó suốt bốn mươi ngày. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các thành phần của Hội Thánh cũng được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, tích cực sống Mùa Chay Thánh này qua việc cầu nguyện, hãm mình và thực thi bác ái.

2. “Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà cầm quyền, cho hết mọi dân tộc, và những ai đang khao khát tìm kiếm chân lý, được gặp gỡ Chúa và tin nhận Người là cùng đích của cuộc đời.

3. “Người ta sống không chỉ bởi cơm bánh, mà còn bởi lời Thiên Chúa nữa.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi kitô hữu biết yêu mến, lắng nghe và thực hành Lời Chúa trong mọi hoàn cảnh sống; cùng trung thành rao giảng Tin Mừng cứu độ cho mọi người.

4. “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đòan chúng ta, được thêm lòng tin cậy kính mến Chúa, luôn khiêm tốn chân thành và biết phó thác vào tình thương và sự quan phòng của Chúa.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin nhận lời chúng con tha thiết cầu nguyện; và xin ban Thánh Thần hướng dẫn giúp chúng con tích cực sống theo gương Chúa Giêsu, để mùa Chay thánh này đem lại cho chúng con nhiều ơn ích thiêng liêng. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Tinh thần sa mạc.

Trước khi bắt đầu cuộc sống công khai, Chúa Giêsu đã vào trong sa mạc, và suốt 40 đêm ngày, Ngài đã ăn chay, cầu nguyện và chịu cám dỗ.
Và như chúng ta đã biết, sa mạc là một vùng đất bao la, hoang vắng, không cây cối, không nhà cửa, không người và cũng không vật. Chỗ nào cũng chỉ là bãi cát mênh mông. Chúa Giêsu đã cầu nguyện và ăn chay trong sa mạc như thế. Hết sức thanh vắng, hết sức khó nghèo. Với thái độ từ bỏ tối đa, với niềm tin cậy và phó thác tuyệt đối. Tinh thần sa mạc như thế là điều chúng ta cần phải thực hiện trong cuộc sống của chúng ta, để nhờ đó chúng ta xứng đáng lãnh nhận ơn sủng củac.
Hình như chúng ta cũng có được đôi chút kinh nghiệm về chuyện này. Chẳng hạn có những lúc chúng ta như bị đẩy vào một sa mạc tinh thần như khi chúng ta bị cô đơn. Có những lúc chúng ta tự tạo ra một sa mạc tinh thần như khi chúng ta sống nội tâm. Thời gian trong sa mạc tinh thần là những tháng ngày thuận tiện để suy nghĩ, cầu nguyện và trút bỏ cái tôi cũ kỹ. Mặc dù nhờ cầu nguyện và chay tịnh trong tinh thần sa mạc, chúng ta có thể tập được nhiều thói quen tốt, có thể uốn nắn sửa đổi lại nhiều khuyết điểm hay là có thể nghĩ tới Chúa nhiều hơn, thế nhưng chúng ta vẫn phải tỉnh thức. Bởi vì chính lúc ấy ma quỷ sẽ quan tâm đến chúng ta nhiều hơn.
Cơn cám dỗ dành cho chúng ta, tuy vẫn giống như các cám dỗ của Chúa Giêsu, nhưng sẽ được hiện đại hoá. Kẻ cám dỗ chúng ta không phải là quỷ dữ, mà rất có thể là chính lòng nhiệt thành của chúng ta. Nội dung của cám dỗ không phải là những gì phàm tục sống sượng, nhưng lại là những đề nghị có vẻ đạo đức. Mục đích đưa ra không thấy ghi trong 7 mối tội đầu, nhưng lại nằm trong cả một chương trình đạo đức lớn.
Chẳng hạn thay vì bị cám dỗ biến đá thành bánh, thì chúng ta sẽ được khuyến khích ham muốn một thứ quyền lực kinh tế nào đó, với hy vọng để mở rộng Nước Chúa. Thay vì bị cám dỗ quỳ lạy ma quỷ để nắm trọn quyền cai trị thế giới, thì chúng ta sẽ được khuyến khích thoả hiệp với một thế lực xã hội nào đó để có được một thứ quyền lực chính trị với hy vọng sẽ dễ bảo vệt và phát triển quyền lợi Giáo Hội. Thay vì bị cám dỗ nhảy từ đỉnh cao đền thờ xuống, mà không hề hấn gì nhờ quyền phép thiêng liêng, thì chúng ta sẽ được khuyến khích hăng say phô trương quyền lực thiêng liêng, với hy vọng xây dựng uy tín cho đạo của mình. Tất cả chỉ nhằm làm sáng danh Thiên Chúa của tôi và Giáo Hội của tôi.
Trong những trường hợp như vậy, nếu chúng ta không cầu nguyện và ăn chay trong tinh thần sa mạc như Chúa Giêsu đã làm, thì chúng ta sẽ không dễ dàng nhận ra đâu là những chước cám dỗ và đâu là những phương thế phải dùng để đối phó với những cám dỗ ấy.

Ra đi.

Cuộc đời là một chuyến đi không ngừng. Sinh ra là giã từ cái êm ấm của lòng mẹ để đi vào một thế giới xa lạ. Lớn lên là từ bỏ tuổi thơ để đi vào một cuộc đời đầy bấp bênh và thử thách. Khi về già, con người cảm thấy mình đứng vên bờ của vĩnh cửu, lại một lần ra đi dứt khoát.
Lịch sử ơn cứu độ, qua đó Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta cũng được trình bày như một cuộc ra đi. Khởi đầu là cuộc ra đi của tổ phụ Abraham. Ông đã bỏ lại đàng sau tất cả để đi về phía trước với không biết bao nhiêu gian nan vất vả. Nhưng tiêu biểu hơn cả chính là cuộc ra đi của dân Do Thái. Bốn mươi năm trong sa mạc đã trở thành biểu tượng của không biết bao nhiêu thử thách mà bất cứ chuyến đi nào cũng đều gặp phải. Trong ký ức của dân Do Thái, bốn mươi năm sa mạc ấy không ngừng được ôn lại để ý thức hơn về những thanh luyện mà con người cần phải trải qua để sống tốt đẹp hơn.
Kinh nghiệm ấy Chúa Giêsu cũng muốn trai qua trong cuộc lữ hành trần thế của Ngài với 40 đêm ngày trong sa mạc. Rời bỏ khung cảnh êm đềm của làng Nagiarét, Chúa Giêsu bắt đầu cuộc hành trình dẫn tới cái chết và nhớ đó thực hiện công cuộc cứu chuộc nhân loại.
Trong cuộc hành trình đầy chông gai và thử thách này, Ngài cũng đã gặp phải thử thách và cám dỗ. Nếu dân Do Thái ngày xưa đã gục ngã một cách thảm hại, thì hôm nay Chúa Giêsu đã chiến thắng một cách vinh quang. Tất cả ba cơn cám dỗ đều quy về một điểm chung đó là quyền lực và danh vọng.
Đối lại với con đường ma quỷ đề ra, Chúa Giêsu đã chọn lấy con đường khiêm hạ của thập giá. Đối lại với con đường của quyền bính và danh vọng, Chúa Giêsu đã chọn con đường của vâng phục, và vâng phục cho đến chết. Sự chiến thắng của Chúa Giêsu là sự chiến thắng của lòng tin tưởng và phó thác, của sự khiêm nhường và vâng phục.
Với chúng ta cũng vậy, đời sống đức tin của chúng ta được định nghĩa như là một cuộc lữ hành. Cũng chào đời, lớn lên và ra đi không ngừng.
Thiết lập mùa chay, Giáo Hội muốn chúng ta sống lại kinh nghiệm sa mạc của Chúa Giêsu, bởi vì cuộc lữ hành trần gian của chúng ta không thể không đi qua sa mạc cát nóng. Thử thách và gian nan là chuyện không thể thiếu vắng.
Cùng với Chúa Giêsu, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy vượt qua sa mạc cuộc đời với những thử thách ấy một cách can đảm và dứt khoát. Dứt khoát với nếp sống cũ với những sai lỗi và khuyết điểm, với những ích kỷ và nhỏ nhoi, với những thất vọng và buông xuôi.
Đồng thời hãy tin tưởng và phó thác nơi Thiên Chúa. Chúng ta không bước đi và chiến đấu một cách đơn độc lẻ loi, bởi vì có Chúa Giêsu cùng bước đi và cùng chiến đấu với chúng ta. Hơn thế nữa, Ngài chính là sức mạnh của chúng ta. Cùng bước đi với Chúa, chúng ta không còn phải lo lắng và sợ hãi chi nữa.

Cám dỗ - ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Cám dỗ là chuyện xưa như trái đất. Từ khi có con người, đã có cám dỗ. Hẳn ta không thể quên chuyện hai ông bà nguyên tổ sa chước cám dỗ của ma quỷ. Dân Do Thái, khi bị nô lệ dưới ách người Ai cập thì muốn được tự do. Nhưng khi lang thang 40 năm trong sa mạc, phải chịu đói khát, lại bị cám dỗ quay trở lại Ai cập để được no ấm. Nhưng có thể nói, 3 cơn cám dỗ mà Đức Giêsu phải đương đầu hôm nay gồm tóm tất cả mọi thứ cám dỗ mà ta thường gặp.
+ Cơn cám dỗ thứ nhất: thoả mãn tức khắc mọi nhu cầu.
Sau khi Đức Giêsu ăn chay 40 đêm ngày. Ma quỷ đề nghị Người biến đá thành bánh mà ăn. Thật là một đề nghị hợp lý. Đói thì phải ăn. Muốn ăn thì phải có bánh. Nhưng có bánh bằng cách nào mới là vấn đề. Không phải cứ có nhu cầu là phải thoả mãn ngay. Và nhất là không được dùng những cách không hợp đạo lý để thoả mãn những nhu cầu của mình. Cơm bánh tượng trưng cho những nhu cầu thiết yếu của con người. Nhu cầu của con người thì có nhiều và có khuynh hướng ngày càng gia tăng. Vì thế cơn cám dỗ thoả mãn nhu cầu ngày càng lớn.
+ Cơn cám dỗ thứ hai: muốn có quyền lực thống trị.
Ma quỷ biết Đức Giêsu muốn cứu độ loài người, nên đề nghị tặng Người tất cả các nước trên trần gian. Có lẽ nhiều người nghĩ rằng đề nghị của ma quỷ là hợp lý. Cứ có quyền thống trị trên hết mọi dân nước rồi nói gì người ta chẳng nghe. Chúa sẽ không phải mất công chịu đau khổ chịu chết. Chỉ cần quỳ xuống thờ lạy ma quỷ, vua quan dân chúng các nước sẽ răm rắp tuân theo. Thật là tiện lợi. Quyền lực là một cơn cám dỗ muôn đời của nhân loại. Từ ngàn xưa, vua chúa các nước đã không ngừng gây chiến để tranh giành quyền lực. Ngày nay, trong các cuộc chiến mới, người ta không còn giết nhau bằng gươm đao, súng đạn, nhưng bằng quyền lực kinh tế, khoa học, kỹ thuật. Tuy êm đềm nhưng cuộc chiến vô cùng khốc liệt. Cơn cám dỗ về quyền lực thống trị không những không suy giảm mà còn mãnh liệt hơn.
+ Cơn cám dỗ thứ ba: tìm những điều kỳ lạ.
Muốn những chuyện thần kỳ. Muốn làm được những việc kinh thiên động địa. Muốn có những thành công lẫy lừng. Cơn cám dỗ này thúc đẩy người ta đổ xô đi tìm phép lạ. Cơn cám dỗ xây tháp Ba ben từ ngàn xưa vẫn còn tiếp diễn.
Xuyên qua những cơn cám dỗ ấy ta thấy ma quỷ thật vô cùng tinh khôn và hiểm độc.
Với cơn cám dỗ thứ nhất, ma quỷ muốn xô đẩy con người làm nô lệ cho dục vọng. Xúi giục con người chỉ tìm thoả mãn những bản năng thấp hèn. Giới hạn con người vào sự sống xác thịt. Đức Giêsu đã vạch trần âm mưu của ma quỷ khi Người cho biết con người không chỉ có đời sống thể lý mà còn có đời sống tâm linh. Người nâng cao phẩm giá con người khi quyết tâm chống lại cơn cám dỗ thoả mãn những nhu cầu thân xác để chăm lo cho sự sống tâm linh.
Với cơn cám dỗ thứ hai, ma quỷ muốn biến con người thành nô lệ cho tham vọng, nô lệ cho ma quỷ. Vì ham hố chức quyền, vì mưu cầu danh vọng mà đánh mất tự do của mình, cam tâm làm nô lệ cho ma quỷ. Vì tham vọng mà đánh mất chính mình. Đức Giêsu vạch trần âm mưu đen tối của ma quỷ khi cương quyết chối từ danh vọng quyền thế. Người còn chỉ cho ta con đường duy nhất phải theo đó là thờ phượng Thiên Chúa. Chỉ có thờ phượng Thiên Chúa mới đem đến cho con người tự do đích thực, tự do trong tâm hồn, không bị nô lệ một tham vọng nào.
Với cơn cám dỗ thứ ba, ma quỷ đẩy con người vào nô lệ cho cuồng vọng. Điên cuồng đến chống lại Thiên Chúa. Dùng Thiên Chúa để phục vụ cho những ước vọng ngông cuồng của mình. Không đến với Chúa trong tâm tình của người con thảo đối với Cha hiền. Đức Giêsu đã vạch trần âm mưu của ma quỷ. Người chỉ cho ta con đường của người con hiếu thảo. Người con hiếu thảo tin cậy phó thác và luôn làm theo ý Cha, chứ không bao giờ dám thách thức Cha. Người con hiếu thảo vâng lệnh Cha sai bảo chứ không bao giờ dám sai bảo Cha.
Cám dỗ của ma quỷ hiểm độc vì nó tiến từng bước: Từ hạ thấp phẩm giá con người khi khiến con người làm nô lệ cho dục vọng đến cướp mất tự do của con người khi xúi giục con người nô lệ cho ma quỷ. Và sau cùng đi đến chỗ tận cùng là chối bỏ Thiên Chúa, không coi Thiên Chúa là cha. Cám dỗ càng hiểm độc vì ma quỷ đã khéo léo học những âm mưu thâm hiểm trong lớp vỏ nhung lụa, êm ái, hợp lý và đầy quyến rũ của những nhu cầu, quyền lực và uy tín.
Ngày nay, những cơn cám dỗ của ma quỷ vẫn như những chiếc bẫy giăng ra để trói buộc con người trong vòng nô lệ. Cám dỗ càng ngày càng tinh vi và càng ngọt ngào hơn nên càng hiểm độc hơn. Muốn chống trả được những cơn cám dỗ, ta phải bắt chước Đức Giêsu dùng những vũ khí sắc bén, đó là ăn chay cầu nguyện, thấm nhuần Lời Chúa và luôn sống tâm tình của người con thảo đối với Chúa.
Lạy Chúa, xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Bạn đã gặp nhiều cơn cám dỗ, bạn đã chống trả những cơn cám dỗ như thế nào?
2. Có những việc lúc đầu bạn thấy là tốt. Mãi sau này bạn mới biết là xấu. Bạn có nghĩ đó là âm mưu của ma quỷ không?
3. Bạn có ý thức rằng ma quỷ vẫn đang hoạt động mạnh mẽ trong thế giới ngày nay không?
4. Mùa Chay này, bạn sẽ làm gì để phòng chống âm mưu ma quỷ?
 

Chiến đấu với ma quỷ – R. Veritas

Có một câu chuyện vui dân gian kể rằng: Có một người nọ bị quỷ hiện lên chận đường. Quỷ bắt anh ta phải làm một trong ba điều sau đây: một là uống rượu thật say – hai là đốt nhà của mình – ba là giết chết vợ mình.
Quá hoảng sợ, người đàn ông đành chọn uống rượu thật say vì anh ta cho đó là việc làm đỡ nguy hại nhất. Nào ngờ, khi say rượu, anh ta mất hết lý trí, nổi lửa đốt nhà mình. Bà vợ ra can ngăn, anh ta điên tiết giết luôn vợ mình. Rốt cuộc là anh ta đã làm cả ba việc mà tên quỷ đã đề ra.
Ma quỷ có rất nhiều mưu mô xảo kế, khi cám dỗ người nào, chúng vận dụng hết mọi thủ đoạn để hạ gục người đó. Vì thế, khi cám dỗ Chúa Giêsu, ma quỷ đã dùng chính Lời Thiên Chúa để dụ dỗ Người, nhưng Chúa Giêsu không rơi vào bẫy của ma quỷ. Trái lại, Ngài cũng đã dùng Lời của Thiên Chúa để cho ma quỷ phải bẽ mặt và bỏ đi.
Quả thật, satan là tên xảo trá. Hắn dùng ngay lời Chúa Cha vừa tuyên bố về Chúa Giêsu ở sông Giođan để cám dỗ Người. Hắn khích Người dùng quyền năng của Con Thiên Chúa để thỏa mãn những nhu cầu riêng tư, nhất là khi việc này xem ra không phương hại đến ai. Nhưng Chúa Giêsu không rơi vào bẫy của satan một cách dễ dàng như chúng tưởng. Tuy Người đang đói, nhưng cơn đói không là lý do thúc đẩy Người đi tìm thỏa mãn bằng mọi cách. Người trưng dẫn câu chuyện Thiên Chúa cho dân Israel ăn manna trong sa mạc, để cho tên quỷ biết rằng Thiên Chúa là Đấng nuôi sống con cái Ngài. Điều quan trọng không chỉ là cơm áo mà thôi. Chúa Giêsu trích dẫn lời sách Đệ Nhị Luật để đáp lại lời satan: "Người ta sống không phải chỉ nhờ cơm bánh". Thất bại trong cám dỗ đầu tiên, satan lại bày ra mưu kế khác. Chúa Giêsu không chịu thua vì cái bụng thì hắn đánh vào cái đầu.
Tin Mừng theo thánh Luca kể tiếp như sau: "Quỷ đem Chúa Giêsu lên cao và chỉ Người thấy tất cả các nước thiên hạ, rồi nó nói với Người: "Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh quang, lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi và tôi muốn trao cho ai tùy ý. Vậy, nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông". Satan thật ghê gớm, hắn biết Chúa Giêsu đã quyết định giữ trọn đời mình để thiết lập nước trời mới nơi trần thế, hầu đem lại hạnh phúc đời này và đời sau cho con người. Một lý tưởng thật tuyệt vời. Nhưng để thực hiện thì gian lao vất vả lắm, lại không biết có thành công hay không. Satan dụ dỗ Chúa Giêsu quy phục quyền bính của hắn. Đổi lại, hắn sẽ cho Người chinh phục cả thế gian một cách dễ dàng. Satan đã lầm to, Chúa Giêsu thật sự quyết tâm sống chết cho nước Thiên Chúa, nhưng nước này phải được thiết lập bằng việc thi hành thánh ý Thiên Chúa Cha chứ không bằng việc tuân phục một quyền lực nào khác. Để đáp lại satan, Chúa Giêsu nhắc lại rằng: "Thiên Chúa mới là Đấng nắm chủ quyền trên các dân tộc", và Chúa Giêsu trích lời trong sách Đệ Nhị Luật để đáp lại: "Ngươi phải bái lạy Thiên Chúa là Chúa ngươi và phải thờ lạy một mình Người mà thôi". Lần cuối cùng, satan quay lại tấn công trái tim Chúa Giêsu: "Nếu Thiên Chúa đã gọi ông là con thì hãy thử xem Người có thật lòng yêu thương che chở ông không hay Người sẽ bỏ mặc ông trong cảnh gian truân".
Thánh Luca kể tiếp:
Quỷ đem Chúa Giêsu đến Giêrusalem và đặt Người lên nóc đền thờ rồi nói với Người: "Nếu ông là Con Thiên Chúa thì đến đây mà gieo mình xuống đi, vì đã có lời chép rằng: "Thiên Chúa sẽ truyền cho các thiên sứ lo cho bạn để luôn luôn gìn giữ bạn". Lại còn chép rằng: "Thiên sứ sẽ ra tay nâng đỡ cho bạn khỏi vấp chân vào đá". Đợt cám dỗ thứ ba này satan không chỉ trưng dẫn lời thánh vịnh 91 một lần, mà đến những hai lần để thuyết phục Chúa Giêsu nghe theo hắn. Song lập trường của Chúa Giêsu nào có xoay chuyển. Người tiếp tục dùng sách Đệ Nhị Luật thuật lại lời Thiên Chúa cảnh cáo sẽ tiêu diệt kẻ nào dám thách thức Ngài để đáp lại lời satan: "Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi".
Chúng ta vừa cùng có mặt bên Chúa Giêsu khi Người đối đầu với ba cơn cám dỗ của ma quỷ. Chúng ta đã thấy phần nào thủ đoạn tinh vi xảo quyệt của satan và cũng đã thấy lập trường kiên định của Chúa Giêsu khi Người chống lại hắn.
Tấm gương mà Chúa Giêsu vừa nêu sẽ giúp chúng ta có được thái độ vững vàng khi phải chiến đấu với mưu chước ma quỷ. Là những người sống lăn lộn giữa lòng đời, chúng ta thường xuyên phải đối phó với những cám dỗ của ma quỷ. Chúng thường tập trung vào ba lãnh vực: quyền lợi vật chất, tham vọng thống trị và nhu cầu tình cảm. Mưu mô xảo kế của satan thì thiên hình vạn trạng. Xã hội văn minh phát triển thì các cơn cám dỗ của satan phát triển theo. Chúng mặc đủ mọi hình thức, khi thì dịu dàng mời mọc, khi thì đe dọa hung hãn. Chúng thường tạo cho chúng ta cảm giác hợp lý, được phép khi đưa ra những lập luận có vẻ vô hại. Nhất là trong thời đại hôm nay, khi lợi thú cá nhân được đề cao quá mức và nhu cầu hưởng thụ của con người được kích thích đến mức tối đa. Cái bụng, cái đầu và con tim của chúng ta luôn luôn phải đối mặt với những lời rỉ tai hay những cuộc biểu dương ồ ạt của sự dữ.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa biết rõ con chỉ là những thụ tạo mỏng dòn, lại phải sống lăn lộn giữa bao cạm bẫy của satan. Ma quỷ thì tinh ranh xảo quyệt, còn con thì thường lơ là mất cảnh giác, xin Chúa luôn ở kề bên con mỗi khi con gặp cơn cám dỗ. Xin Chúa nhắc con nhớ rằng chỉ có thánh ý Chúa Cha mới là tiêu chuẩn tuyệt đối trong đời người Kitô

Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn