1
23:50 +07 Thứ tư, 15/05/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 71

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 70


Hôm nayHôm nay : 30651

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 518750

Tổng cộngTổng cộng : 28637998

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » SUY NIỆM CHÚA NHẬT

Lời Chúa và các bài chú giải - suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXIII thường niên – năm A

Thứ sáu - 05/09/2014 21:26-Đã xem: 1166
Lạy Mẹ Maria, Đấng vô nhiễm tinh tuyền, xin giúp chúng con nhận biết tội lỗi vấp phạm, mà ăn năn sám hối, cũng như khiêm tốn lắng nghe người khác nhắc nhở, hướng dẫn, sửa sai, để luôn được sống mãi trong Lòng Thương Xót vô hạn của Chúa. Amen.
Lời Chúa và các bài chú giải - suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXIII thường niên – năm A

Lời Chúa và các bài chú giải - suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXIII thường niên – năm A

CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN - NĂM A
 
BÀI ĐỌC I: Ez 33, 7-9
"Nếu ngươi không chịu nói cho kẻ gian ác, thì Ta đòi máu nó bởi tay ngươi". 

Bài  trích sách Tiên tri Êgiêkiel.
Đây Chúa phán: "Hỡi con người, Ta đã làm cho ngươi trở nên người lính canh nhà Israel: vậy khi nghe lời miệng Ta nói, ngươi hãy loan báo cho chúng thay Ta. Khi Ta phán cùng kẻ gian ác rằng: "Hỡi kẻ gian ác, mi sẽ phải chết"; nếu ngươi không chịu nói để kẻ gian ác bỏ đường lối mình, thì chính kẻ gian ác sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng Ta đòi máu nó bởi tay ngươi. Còn khi ngươi loan báo cho kẻ gian ác bỏ đường lối nó, nếu nó không chịu bỏ đường lối nó, thì nó sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng ngươi cứu được mạng sống ngươi".
Đó là Lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9
Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: "Các ngươi đừng cứng lòng".
1. Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Đá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người! 
2. Hãy tiến liên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Đấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người. 
3. Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: Đừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta.

BÀI ĐỌC II: Rm 13, 8-10
"Yêu thương là chu toàn cả lề luật".

Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh chị em thân mến, anh chị em chớ mắc nợ ai ngoài việc phải yêu mến nhau. Vì ai yêu người, thì đã giữ trọn lề luật. Đó là: "Chớ ngoại tình; chớ giết người; chớ trộm cắp; chớ làm chứng gian; chớ mê tham", và nếu có điều luật nào khác, thì cũng tóm lại trong lời này là: "Ngươi hãy yêu mến kẻ khác như chính mình". Lòng yêu thương không làm hại kẻ khác. Vậy yêu thương là chu toàn cả lề luật.
Đó là Lời Chúa.

ALLELUIA: Jn 15, 15b 
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết". - Alleluia.

PHÚC ÂM: Mt 18, 15-20
"Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em". 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời ngươi, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, ngươi hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế. "Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất, thì trên trời cũng tháo gỡ. "Thầy lại bảo các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy".
Đó là Lời Chúa. 

 

 
Chú giải

Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật nầy, hòa hợp với nhau, nêu bật một chủ đề chung: yêu thương đồng loại.
Ed 33: 7-9
Tư tế Ê-dê-ki-en thi hành sứ vụ ngôn sứ của mình bên cạnh những người đồng hương bị lưu đày như ông ở Ba-by-lon (đầu thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên); ông cảm thấy mình chịu trách nhiệm về cách ăn nếp ở của anh em của mình.
Tv 95 (94): 1-2, 6-7, 8-9
Tác giả thánh vịnh mời gọi cộng đồng Dân Chúa hãy tôn thờ Đức Chúa là Chúa Trời cao cả và là Vị Mục Tử nhân lành (cc. 1-7a) với trọn tấm lòng yêu mến Ngài (cc. 7b-11).  
Rm 13: 8-10
Thánh Phao-lô khuyên bảo các tín hữu Rô-ma thực hành tình tương thân tương ái. Bổn phận duy nhất, món nợ duy nhất mà chúng ta phải có đối với anh chị em của mình là Đức Ái.
Mt 18: 15-20
Trong Tin Mừng, thánh Mát-thêu trích dẫn những lời của Đức Giê-su mời gọi các Kitô hữu đừng để cho một người anh em nào của mình phải lạc mất mà không tìm cách sửa lỗi cho người ấy, nhiều lần nhiều cách khác nhau với thái độ tế nhị cần thiết.
BÀI ĐỌC I (Ed 33: 7-9)
Ngôn sứ Ê-dê-ki-en sống vào cuối thế kỷ thứ bảy và đầu thế kỷ thứ sáu sau Công Nguyên. Vào lúc đó, hoàn cảnh đất nước thật bi thảm. Vương quốc Giu-đa bị họa diệt vong bởi đế quốc Ba-by-lon. Vua Na-bu-cô-đô-nô-so bao vây thành đô Giê-ru-sa-lem lần thứ nhất, vào năm 598-597, tiếp đó một phần dân cư bị lưu đày, nhất là thành phần ưu tú. Ngôn sứ Ê-dê-ki-en thuộc vào số những người lưu đày đầu tiên nầy. Ông thi hành sứ vụ ngôn sứ của mình chủ yếu bên cạnh những người lưu đày cho đến khi ông qua đời, vào năm 571 trước Công Nguyên.
Ê-dê-ki-en trước khi ngôn sứ, đã là tư tế, vì thế, ông mang lấy ở nơi mình vừa tinh thần ngôn sứ vừa tinh thần tư tế. Bản văn mà chúng ta đọc vào Chúa Nhật nầy làm chứng điều nầy. Trách nhiệm ngôn sứ và trách nhiệm tư tế hợp nhất bất khả phân ly ở nơi ông. Khung cảnh là làng Tel-Avi bên bờ sông Cơ-va không xa kinh thành Ba-by-lon, ở đó vị ngôn sứ cùng với một số người đồng hương bị lưu đày. “Tel-Avi” nghĩa là“đồi lúa mì”.
Từ những biến cố, ngôn sứ Ê-dê-ki-en biết rút ra bài học. Các ngôn sứ đã kêu gọi vua, các bậc vị vọng và toàn thể dân chúng hoán cải, nhưng lời của các ngài không được lắng nghe, vì thế sự trừng phạt bất ngờ xảy đến. Nét độc đáo của sứ điệp mà ngôn sứ Ê-dê-ki-en gởi đến nhấn mạnh “trách nhiệm của mỗi cá nhân”. Đó là ‎ý nghĩa lời kêu gọi của Đức Chúa mà chúng ta đọc trong đoạn văn nầy.
1. “Hỡi con Người”:
“Hỡi con người” (dịch sát từ: “con của con người”), chữ “con người” là đặc ngữ Sê-mít, có nghĩa đơn giản là “một con người”, “một cá nhân”, như trong câu: “Hỡi con người, Ta đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Ít-ra-en”, ở đây, danh xưng “con người” quy chiếu đến vị ngôn sứ. Đặc ngữ nầy thường xuất hiện trong các sấm ngôn của Ê-dê-ki-en với một nét nghĩa tiêu cực: “Ngươi chỉ là một phàm nhân”. Mỗi lần Thiên Chúa giao phó cho ông sứ điệp của Ngài, Ngài đặt ông vào vị thế của ông để ông khỏi phải tự cao tự đại về những thị kiến hay xuất thần mà Thiên Chúa gởi đến cho ông. Vị ngôn sứ phải xoá mình thành một loại vô danh tiểu tốt.
2. “Người canh gác cho nhà Ít-ra-en”:
Những hình ảnh: “người canh gác”, “người canh thức”, “truyền lệnh sứ”, được dùng để nói về sứ vụ ngôn sứ thì rất quen thuộc trong Cựu Ước. Ở đây, vị ngôn sứ được Thiên Chúa công bố đích danh là“người canh gác cho nhà Ít-ra-en” chứ không là người canh gác ở trên vọng đài tường thành nào đó. Ông sẽ là người canh gác ở giữa một đám dân, như bao nhiêu những phàm nhân khác, thậm chí như một người lưu đày trong số họ, không hơn không kém.
Xa hơn một chút, chính Ê-dê-ki-en gợi lên hình thức đơn giản của sứ vụ mình: “Phần ngươi hỡi con người, con cái dân ngươi bàn tán về ngươi dọc theo các bức tường và trước các cửa nhà. Chúng bảo nhau, người nọ nói với người kia: ‘Nào chúng ta đến nghe xem Đức Chúa phán thế nào!’. Chúng đến với ngươi đông như trẩy hội. Dân Ta ngồi trước mặt ngươi; chúng nghe các lời ngươi nói…” (Ed 33: 30-32). Trong những cuộc chuyện trò thân mật nầy, trong bầu khí thân quen của những cuộc giao tiếp gần gũi giữa người với người này, vị ngôn sứ có thể gởi đến cho từng người những lời cảnh báo đậm đà tình nghĩa huynh đệ.
3. Trách nhiệm cá nhân:
Đối với dân Thiên Chúa, “sống” tức là đón nhận những phúc lành của Thiên Chúa và “chết” chính là đánh mất ân huệ của Thiên Chúa, bởi vì Ngài là nguồn mạch của mọi thiện hảo đối với dân Ít-ra-en. Đây là kiểu nói quen thuộc của Cựu Ước để trình bày những huấn lệnh của Thiên Chúa trong viễn cảnh của một sự chọn lựa giữa sự sống và sự chết, hạnh phúc và bất hạnh, lời chúc phúc và lời nguyền rủa.
“Nếu Ta bảo đứa gian ác: ‘Tên gian ác kia, nhất định mi phải chết’, mà ngươi không nói để cảnh cáo nó phải từ bỏ con đường gian ác, thì chính nó, đứa gian ác ấy, sẽ chết vì tội của nó, nhưng còn máu của nó, Ta sẽ đòi ngươi”. Ngôn sứ Ê-dê-ki-en nhấn mạnh trách nhiệm của người biết huấn lệnh của Thiên Chúa và luật luân lý của Ngài, người ấy phải giúp anh em mình được hiểu biết ngọn nguồn. Vả lại, ông là vị ngôn sứ đầu tiên và vĩ đại nhấn mạnh sự thưởng phạt cá nhân: “Ai phạm tội, kẻ ấy phải chết; con không mang lấy tội của cha; cha cũng không mang lấy tội của con” (Ed 18: 20). Tuy nhiên, số phận của mỗi người không bất di bất dịch như đinh đóng cột: người công chính có thể trở thành tội nhân; kẻ tội lỗi cũng có thể hoán cải để trở thành một vị thánh. Sứ vụ của vị ngôn sứ được định vị ở nơi hành động nầy mà chính Đức Giê-su sẽ khuyên bảo các môn đệ của mình.
THÁNH VỊNH 95 (94)
Về hình thức, thánh vịnh này là một “thánh vịnh hỗn hợp” bao gồm một thánh thi (cc. 1-7a) và một sấm ngôn (cc. 7b-11). Về nội dung, thánh vịnh này thường được xếp vào loại các thánh vịnh ca ngợi vương quyền của Đức Chúa, cũng có thể liệt vào số các thánh vịnh phụng vụ ngôn sứ. Về bối cảnh, thánh vịnh có lẽ được dùng trong cuộc rước kiệu tiến về Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Đoàn rước kiệu khởi hành chẳng hạn từ Ghi-khôn nằm trong thung lũng Kít-rôn (x. 1V 1: 33), rồi tiến lên núi Xi-on (Tv 95: 1-5). Trước Nơi Cực Thánh diễn ra nghi lễ thờ lạy Thiên Chúa và cầu nguyện (Tv 95: 6-7a), rồi đoàn người rước kiệu nghe đọc và diễn giải Sách Thánh. Nghi lễ kết thúc với lời tuyên sấm của một viên chức phụng tự hay một phát ngôn viên của Lời Chúa trong Đền Thờ (Tv 95: 7b-11). Thánh vịnh này được cấu trúc như sau:
A.Mời gọi tôn thờ Đức Chúa là Chúa Trời cao cả và là Vị Mục Tử nhân lành (cc. 1-7a)
B.Mời gọi trọn một lòng trung thành với Đức Chúa (cc. 7b-11)
1-7a. Những đề tài về Đức Chúa như Đấng Cứu Độ và Đấng Sáng Tạo được đan quyện vào nhau: a.Đấng Cứu Độ (c. 1), b.Đấng Sáng Tạo (cc. 4-5), b’.Đấng Sáng Tạo (c. 6), a’.Đấng Cứu Độ (c. 7a). 1. “Tung hô Người là Núi Đá độ trì ta”: “Núi Đá” ở đây và ở câu 8 ám chỉ tảng đá mà ông Mô-sê đã đập vào theo lệnh Chúa để từ đó nước chảy ra cho dân uống (x. Xh 17: 16; Ds 20: 11). 3. “Bởi Đức Chúa là Chúa Trời cao cả (“El”)”: El là vị thần đứng đầu các thần linh của dân Ca-na-an và là tên của vị thần tối cao. “Đại Vương trổi vượt chư thần”: “Đại Vương” là tước hiệu mà các hoàng đế Cận Đông xưa xưng tụng mình (Tv 47: 3; 48: 3). 7a. “Bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ, còn ta là dân Người lãnh đạo, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt”: X. Tv 79: 13; 100: 3. 7b-11. Thánh vịnh bất ngờ chuyển giọng sang lời cảnh báo về sự bất trung với Đức Chúa ở đây (x. Tv 81, trong đó cũng xảy ra một chuyển giọng như thế). 8. “Tại Mơ-ri-va…ở Ma-xa”: Theo Tv 81: 8, chính Thiên Chúa thử lòng dân tại Mơ-ri-va (x. Xh 17: 1-7). Hai địa danh này có nghĩa “gây chuyện” và “thử thách” hay “thách thức”. 11. “Chúng sẽ không được vào chốn an nghỉ của Ta”: Đặc biệt theo truyền thống đệ nhị luật, đất hứa là đất Thiên Chúa ban cho dân Ngài được nghỉ ngơi sau một cuộc hành trình dài lâu và đầy cam go (Đnl 12: 10; 25: 19; Gs 22: 4), vì thế đất này được Thiên Chúa quy chiếu là“chốn yên nghỉ của Ta”.
BÀI ĐỌC II (Rm 13: 8-10)
Chúng ta tiếp tục đọc phần luân l‎ý của thư gởi tín hữu Rô-ma. Thánh Phao-lô vừa mới nêu lên những bổn phận công dân mà người tín hữu phải phục tùng: vâng lời chính quyền dân sự, nộp thuế. Dù tất cả những nghĩa vụ nầy phải chu toàn, chúng ta vẫn phải là những kẻ mắc nợ đối với anh em đồng loại: món nợ tương thân tương ái không bao giờ trả hết được. “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì yêu mến người, thì chu toàn lề luật”. Thập Giới mời gọi phải tôn trọng nhân phẩm của tha nhân và của cải của họ, nhưng không đề cập cách minh nhiên bổn phận yêu thương đồng loại. Bổn phận yêu thương đồng loại được sách Lê-vi 19: 18 công bố và thánh Phao-lô cũng trích dẫn: “Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình”.
Theo Cựu Ước, anh em đồng loại trước hết những người cùng chung một chủng tộc, một quốc gia, như chữ “đồng bào” của người Việt Nam. Đức Giê-su đã mở rộng tầm mức của huấn lệnh yêu thương đến tất cả mọi thành viên của cộng đồng nhân loại, không có bất kỳ ngoại trừ nào, thậm chí phải yêu thương kẻ thù nữa. Thánh Phao-lô nêu lên không chỉ luật Mô-sê, nhưng cũng luật mới của Đức Ái Kitô giáo nữa. Ở đây, thánh nhân không đề cập đến huấn lệnh thứ nhất, huấn lệnh yêu mến Thiên Chúa, vì lời khuyên bảo của thánh nhân nhắm đến đức ái huynh đệ, vì thế huấn lệnh yêu thương đồng loại bất khả phân ly với huấn lệnh yêu mến Thiên Chúa: từ yêu mến Thiên Chúa mà yêu thương đồng loại được khơi nguồn. Nếu yêu thương đồng loại là vô giới hạn, vì mẫu gương của tình yêu Thiên Chúa đối với con người thì vô cùng. Ở đây, vị sứ đồ nhấn mạnh tình tương thân tương ái, đó là “chu toàn lề luật”.
TIN MỪNG (Mt 18: 15-20)
Trong chương 18 nầy, thánh Mát-thêu tập hợp lại những huấn lệnh của Đức Giê-su được ngỏ lời với nhóm Mười Hai, hoa trái đầu mùa của Giáo Hội Ngài. Diễn từ nầy cũng được gọi “diễn từ về Giáo Hội”.
1.Sửa lỗi anh em:
Việc sửa lỗi anh em mà Đức Giê-su mời gọi các môn đệ Ngài thực hành cho nhau được nhắm đến trong luật Mô-sê, được ghi trong sách Lê-vi: “Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó” (Lv 19: 17). Câu trích dẫn nầy đi gần sau huấn lệnh: “Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lv 19: 18). Như vậy, việc sửa lỗi cho anh em thuộc về luật đức ái.
Theo truyền thống Do thái giáo, người ta không được truy tố kẻ phạm tội mà không cảnh báo trước trong chốn riêng tư. Vào thời Đức Giê-su, các kinh sư phàn nàn là người ta không thực hiện tập tục tốt đẹp nầy. Đức Giê-su phục hồi tập tục nầy trong tinh thần yêu thương. Ngài đề nghị ba giai đoạn trong việc sửa lỗi huynh đệ:
- Sửa lỗi anh em trong chỗ riêng tư kín đáo, không ai hay biết.
- Nếu lần đầu tiên không có kết quả, tiếp tục lần thứ hai với sự hiện diện của một hay hai người khôn ngoan để kẻ sai lạc thấu tình đạt lý. Biện pháp nầy tránh cho tội nhân khỏi bị sỉ nhục ở nơi cộng đoàn.
- Nếu lần nầy cũng thất bại nữa, lúc đó mới thưa với cộng đoàn. Nếu người anh em nầy không chịu nghe cộng đoàn, chỉ lúc đó người nầy mới có thể bị loại trừ hay bị kể như một người dân ngoại hay một người thu thuế, nghĩa là một người mà người ta tránh mọi giao tiếp.
Đức Giê-su dự phòng các môn đệ của Ngài – sau họ, các cộng đoàn Kitô hữu – tránh tất cả mọi hình thức loại trừ một thành viên quá tàn nhẫn. Nhưng Ngài còn muốn hơn nữa rằng chúng ta noi gương vị mục tử nhân lành ra đi tìm kiếm con chiên lạc. Chắc chắn không phải là ngẫu nhiên khi những lời khuyên sửa lỗi anh em nầy được xếp đặt ngay liền ngay dụ ngôn “con chiên lạc” (Mt 18: 12-14). Giáo Hội phải bày tỏ sự ân cần như thế đối với người sai phạm.
2.Viễn cảnh Giáo Hội:
Đức Giê-su định vị bổn phận sửa lỗi anh em và những biện pháp kỷ luật mà cộng đoàn Kitô hữu áp dụng trong khung cảnh thiết lập Giáo Hội của Ngài. Chính như vậy mà Ngài mở rộng quyền năng cho Tông Đồ Đoàn, mà trước đây Ngài đã trao phó cho thánh Phê-rô: “Tất cả những gì dưới đất anh em cầm buộc, trên trời cũng cầm buộc như vậy; tất cả những gì dưới đất anh em tháo cởi, trên trời cũng tháo cởi” (Mt 16: 19). Và Ngài sẽ lập lại quyền năng nầy cho họ sau khi Ngài phục sinh (Ga 20: 23).
Đức Giê-su thêm vào ở đây một lời hứa khác: Ngài sẽ luôn luôn hiện diện ở giữa các tín hữu của Ngài khi họ họp nhau lại mà cầu nguyện, dù chỉ hai hay ba người đi nữa. Cha Ngài, Đấng ngự trên trời sẽ lắng nghe và đáp trả lời cầu xin của họ, bởi vì Đấng cầu bầu cho họ không ai khác ngoài “Đức Giê-su đích thân ở giữa họ”. Xem ra Đức Giê-su ám chỉ đến truyền thống kinh sư, theo đó khi hai hay ba người Ít-ra-en họp nhau lại để học hỏi Lề Luật, Thiên Chúa ở với họ. Nhưng ở đây Đức Giê-su đặt mối liên hệ của các Kitô hữu với Chúa Cha nhờ và trong lời cầu nguyện. Sự hiện diện của Thiên Chúa được đảm bảo qua sự hiện diện của Ngôi Lời làm người, gần gũi với con người hơn bao giờ hết.

 
---------------------------------------

Con người ai cũng có lầm lỗi. Vậy mà thái độ ứng xử trước lầm lỗi của người khác lại không giản đơn. Đối với lỗi lầm của người khác, ta thường có hai thái độ, hoặc quá khắc nghiệt loại trừ, hoặc quá thờ ơ lãnh đạm. Cả hai thái độ đó đều thiếu xây dựng. Quá khắc nghiệt loại trừ sẽ khiến ta can thiệp thô bạo vào đời tư, sẽ gây ra bất mãn, đổ vỡ. Quá thờ ơ lãnh đạm sẽ buông thả mặc cho sự xấu tràn lan, sẽ làm cho xã hội suy thoái

 

Sửa lỗi anh em

        Con người ai cũng có lầm lỗi. Vậy mà thái độ ứng xử trước lầm lỗi của người khác lại không giản đơn. Đối với lỗi lầm của người khác, ta thường có hai thái độ, hoặc quá khắc nghiệt loại trừ, hoặc quá thờ ơ lãnh đạm. Cả hai thái độ đó đều thiếu xây dựng. Quá khắc nghiệt loại trừ sẽ khiến ta can thiệp thô bạo vào đời tư, sẽ gây ra bất mãn, đổ vỡ. Quá thờ ơ lãnh đạm sẽ buông thả mặc cho sự xấu tràn lan, sẽ làm cho xã hội suy thoái.

        Giáo Hội là một cộng đoàn những con người. Lầm lỗi là không thể tránh khỏi. Vì thế muốn cộng đoàn phát triển, việc sửa lỗi là cần thiết, nhất là đối với những lầm lỗi công khai ảnh hưởng đến đời sống cộng đoàn.

        Tuy nhiên sửa lỗi là việc khó. Không khéo thì lợi bất cập hại. Lời Chúa hôm nay đưa ra những hướng dẫn cần thiết giúp việc sửa lỗi có kết quả.

        Muốn sửa lỗi phải quan tâm. Chúa nói: Khi anh em ngươi sai lỗi. Vâng, người sai lỗi đó không phải ai xa lạ. Đó là anh em tôi, là người nhà của tôi, là một thành phần của đời tôi. Nếu lầm lỗi giống như một cơn bệnh, làm sao tôi không lo lắng chạy chữa cho người thân, nhất là cho chính bản thân khi bị mắc bệnh? Nếu lầm lỗi giống như mất mát người thân, làm sao tôi không đau xót lên đường đi tìm ngay tức khắc?

        Muốn sửa lỗi cần can đảm. Càng ngày người ta càng muốn tránh đụng chạm, mích lòng. Dại gì nói những chuyện không vui để mua thù chuốc oán vào thân. Vì thế, để sửa lỗi, cần phải can đảm. Can đảm đến với người lầm lỗi. Can đảm nói sự thật về lỗi lầm của họ. Can đảm chấp nhận những rủi ro do việc sửa lỗi đưa đến như sự giận ghét, sự công kích, chấp nhận bị phê bình ngược lại.

        Muốn sửa lỗi phải trân trọng. Trân trọng vì người lầm lỗi đó là người anh em tôi, là đáng quí trọng đối với tôi. Trân trọng vì người anh em tuy có lầm lỗi, vẫn có khả năng sửa đổi. Sửa lỗi là tin vào thiện chí, vào mầm mống tốt đẹp Chúa gieo vào lương tâm mỗi người. Sự khinh miệt, lên mặt kẻ cả sẽ chỉ chuốc lấy thất bại.

        Muốn sửa lỗi phải rất tế nhị. Tâm hồn người lầm lỗi rất mong manh. Vừa đầy tự ái vừa đầy mặc cảm. Một lời nói không khéo sẽ dẫn đến đổ vỡ. Một thái độ vô tình sẽ càng khơi thêm hố ngăn cách. Vì thế Chúa dạy tôi phải rất tế nhị khi sửa lỗi. Thoạt tiên chỉ gặp riêng một mình. Gặp riêng là một thái độ tế nhị. Sự tế nhị tạo nên cảm giác an toàn, kính trọng và yêu thương. Sự tế nhị tạo ra một bầu khí tín nhiệm thuận lợi cho việc cởi mở tâm tình, khai thông bế tắc. Sự tế nhị sẽ trở thành chiếc cầu đưa người lầm lỗi trở về cộng đoàn.

        Sau cùng, muốn sửa lỗi phải kiên trì. Việc sửa lỗi không giản đơn. Không phải làm một lần là thành công ngay. Vì thế phải rất kiên trì và có nhiều phương án. Kiên trì để vẫn tiếp tục dù đã một lần thất bại. Có nhiều phương án để cương quyết đi đến thành công. Hôm nay Chúa đưa ra cho ta ba phương án để chinh phục người anh em: Gặp riêng, gặp có người làm chứng và sau cùng mới đưa ra cộng đoàn.

        Như thế, việc sửa lỗi hoàn toàn là một việc làm được thúc đẩy do tình yêu. Chính bầu khí tin yêu đó sẽ khiến cộng đoàn phát triển. Ai cũng mong được sống trong một cộng đoàn yêu thương như thế. Vì khi lầm lỡ ta biết mình không bị loại trừ nhưng sẽ được quan tâm giúp đỡ, một sự giúp đỡ chân thành, tế nhị và đầy yêu thương.

        Lạy Chúa, xin ban cho con tâm hồn bác ái đầy tế nhị của Chúa.

          GỢI Ý CHIA SẺ

        1/ Sửa lỗi anh em, góp ý phê bình, dễ hay khó?

        2/ Khi biết anh em lầm lỗi, bạn làm gì? Vạch mặt chỉ tên hay giả điếc làm ngơ?

        3/ Trong gia đình, trong xứ đạo bạn, đã có sự góp ý tốt đẹp chưa?

 

Một Hội Thánh thứ tha

Hội Thánh mà Đức Giêsu thành lập trên nền đá tảng Phêrô, ngoài việc tuyên xưng niềm tin vào Giêsu ‘là đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống’, còn phải sống quên mình trong tinh thần tự hiến như Thầy Giêsu, Đấng ‘phải chịu nhiều đau khổ… rồi bị giết chết’. Chính vì lẽ đó mà trong Hội Thánh ấy, hành vi sửa lỗi ‘các người anh em trót phạm tội’, và thái độ khoan dung đối với tội nhân phải rất khác với các đoàn thể hoặc tổ chức nhân loại khác. Đoạn Lời Chúa được đọc hôm nay tiếp liền ngay sau câu chuyện về tìm kiếm chiên lạc (Mt 18:12-14), mà theo tác giả Mátthêu, không chỉ là dụ ngôn nói về lòng nhân hậu của Thiên Chúa như trong Luca 15, mà còn về cộng đoàn Hội Thánh (đặc biệt hơn, các vị phụ trách) phải đặc biệt quan tâm đến những người bé mọn, nhất là những ai đang gặp thử thách thất bại mọi mặt. Cũng như Cha trên trời, cộng đoàn Hội Thánh này không chấp nhận để cho bất cứ ai trong các kẻ bé mọn ấy, dù chỉ một mà thôi, phải hư mất.

                Trong mạch tư tưởng này, việc sửa lỗi ‘người anh em của anh trót phạm tội’, với tất cả trình tự của nó, làm lộ rõ ý nghĩa cũng như nội dung của vấn đề. Qua trình tự rất hợp lý ấy, điểm nhấn không phải là thái độ của Hội Thánh chuyển từ bao dung tới nghiêm khắc trừng trị, mà là sự cố chấp của chính phạm nhân khước từ lòng thương xót tha thứ ngày càng chai lì, không chỉ đối với Thiên Chúa của lòng xót thương mà cả đối với Hội Thánh là tập thể hữu hình của Ngài. Mátthêu lập lại ở đây câu phát ngôn Đức Giê-su đã nói khi thành lập Hội Thánh (Mt 16:19): “Dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy”. Thương xót và tha thứ là quyền mà Chúa Cha đã trao cho Đức Giêsu, để rồi Người lại trao cho Hội Thánh. Nếu quyền tha thứ đó là vô tận nơi Thiên Chúa thì nó cũng phải là vô tận cả nơi Hội Thánh của Ngài. Ngược lại, nếu kẻ nào cố chấp khước từ quyền tha thứ và thương xót của Hội Thánh, ‘nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe’, thì kẻ đó cũng đồng thời chối bỏ ‘quyền thương xót’ này nơi chính Chúa Cha, Đấng đã trao nó cho Đức Kitô Giêsu.

        Khảng định điều này, Đức Giêsu cho thấy sự liên kết bền chặt giữa Cha Ngài, Đấng giầu lòng thương xót, và Hội Thánh của Người. Sự liên kết bền chặt được thể hiện qua cầu nguyện là hành vi then chốt mà Hội Thánh không ngừng thực hiện. Hội Thánh cầu nguyện không chỉ để thờ lạy, tôn vinh Thiên Chúa như dân Israel từng làm trong đền thánh Giêsusalem thời Cựu Ước, mà chính yếu là để cầu xin, đúng hơn là để lãnh nhận được điều quan trọng và quí giá nhất nơi ‘Cha Thầy, Đấng ngự trên trời’, đó là lòng thương xót thứ tha. Theo Đức Giêsu, thì trong số các ân huệ Hội Thánh nhận được, trọng đại nhất chính là được tham dự vào lòng nhân từ của Cha. “Anh em hãy xót thương như Cha anh em trên trời là đấng thương xót” (Lc 6:36), Đấng “không muốn một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất”. Nếu hiểu được vai trò chính yếu của Hội Thánh là thể hiện lòng thương xót thứ tha như thế của Chúa Cha, thì ta mới hiểu hết được sức mạnh của lời cầu nguyện mà Hội Thánh hằng dâng lên Cha để cầu xin cho các tội nhân. “Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, đấng ngự trên trời, sẽ ban cho”.

        Mỗi khi đọc câu “Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ”, tôi liên tưởng ngay tới lời cầu nguyện của Đức Giêsu được Gioan ghi lại trong chương 15: “Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng…” (Ga 15:12). Tôi tự hỏi: khi một cộng đoàn thật sự họp lại cầu nguyện nhân danh Đức Kitô Giêsu, và một khi đã có Người hiện diện giữa họ, thì điều gì chắc chắn sẽ phải xảy ra? Thưa, cộng đoàn đó sẽ cầu nguyện để ‘các người anh em đã trót phạm tội’ sẽ được canh giữ, để không ai trong số họ phải hư mất… với niềm xác tín thâm sâu rằng điều cầu xin đó chắc chắn sẽ được Cha của Đức Kitô Giêsu ban cho. Điều này được bảo đảm kể cả trong những trường hợp bất khả kháng, khi Hội Thánh buộc phải công khai hóa sự cố chấp của một phần tử lỗi phạm, phải ‘kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế’; vì chính những lúc đó việc Hội Thánh cần làm nhất vẫn sẽ là kết hiệp với Đức Giêsu cầu nguyện… để ‘không một ai phải hư mất’.

        Mong rằng Hội Thánh đích thực của Đức Kitô Giêsu, mong rằng mọi cộng đoàn mà Người qui tụ nhân danh Chúa Cha, nhất là các cộng đoàn tu sĩ, sẽ luôn luôn là như thế: cộng đoàn cầu nguyện để tha thứ và cứu vớt!

        Lạy Chúa Cha nhân từ, con cầu nguyện cho Hội Thánh, và cho chính con là một phần tử trong lòng Hội Thánh, được luôn biết kết hiệp với Chúa Giêsu Con Cha trong lời cầu nguyện hàng ngày cho các tội nhân. Có lẽ chính con đã từng là đối tượng của lời cầu nguyện này, và vì thế giờ đây con càng phải khiêm tốn hiệp thỉnh. Xin cho con được cùng Hội Thánh không ngừng dâng lên Cha lời khẩn nguyện tha thiết cho kẻ có tội, đặc biệt trong các trường hợp tuyệt vọng nhất. Trong Hội Thánh, khi ‘hai ba người họp lại nhân danh Thầy’, chúng con xin tin chắc sẽ được Cha ban ơn tha thứ cho các tội nhân, nhân danh và cùng với Đức Kitô Con Cha. A-men

       

Sửa lỗi cho nhau

Con người luôn có lầm lỗi. Ai nên khôn mà không dại một lần. Và chắc chắn là không chỉ một lần mà rất nhiều lần trong cuộc đời. Phạm lỗi cũng không dừng lại ở lứa tuổi nào mà ở bất cứ lứa tuổi nào cũng có thể phạm lỗi. Có điều là chẳng mấy ai trong chúng ta dám nhận mình có lỗi. Chẳng mấy ai dám thú nhận về những lầm lỗi của bản thân.

        Đó là điều mà chúng ta cần phải được người khác sửa lỗi. Nếu không được người khác sửa sai thì mình sẽ không bao giờ đứng lên làm lại cuộc đời. Một đứa bé để có thể nói đúng, nói không sai chính tả cần được cha mẹ sửa giọng nhiều lần mới có thể nói không bị ngọng. Về nhân bản con người cũng phải được người khác dạy bảo, sửa lỗi thì mới hoàn thiện chính mình.

        Như vậy, sửa lỗi là bổn phận của cha mẹ, của thầy cô, của bạn bè và nhận được sự chỉ dạy là của từng người chúng ta. Nếu chúng ta không sửa lỗi cho anh em là chúng ta đang có lỗi với chính mình vì chúng ta chưa sống tròn bổn phận của mình với tha nhân. Đôi khi còn bị người mà mình đã không dậy dỗ oán trách lại chúng ta.

                Có một đứa trẻ từ nhỏ đã thích ăn trộm. Một hôm, nó đi học về, trong cặp có thêm một chiếc bảng học sinh. Mẹ nó hỏi:

- Sao con lại có tới hai chiếc bảng?

Đứa con đáp:

- Một cái là của bạn cùng lớp với con. Con đã lén lấy cho vào cặp đấy.

Bà mẹ vui mừng nói:

 - Con của mẹ thật thông minh. Hai cái bảng chắc chắn là tốt hơn một cái rồi.

Ít lâu sau, đứa con lại mang về một cái áo da, trị giá 50 quan tiền. Đứa con đưa chiếc áo da cho mẹ, mẹ nó khen:

        - Con trai của mẹ thật là giỏi, biết hiếu thảo với mẹ. Ra mẹ thơm một cái nào.
        Đứa con trai ngày một lớn lên, càng ngày càng lấy trộm những thứ có giá trị hơn. Hôm nay ăn trộm bò, ngày mai ăn trộm ngựa, ngày hôm sau trộm vàng bạc châu báu. Bà mẹ luôn luôn khen ngợi con, trong nhà thiếu thứ gì, liền bảo với con trai để nó đi trộm về.

Có một lần, đứa con ăn trộm đồ bị người ta bắt quả tang, giải lên quan phủ. Vì hắn trộm quá nhiều thứ nên bị phạt tội chết. Tên trộm bị trói hai tay ra sau lưng, giải ra pháp trường. Mẹ hắn đi theo sau, khóc lóc thảm thiết. Tại pháp trường, tên trộm xin quan cho hắn được nói với mẹ vài lời. Khi bà mẹ bước tới gần, hắn liền cắn mạnh vào tai mẹ. Mẹ hắn đau quá kêu toáng lên, lớn tiếng mắng con:

- Mày thật là đồ bất hiếu, tự mình phạm tội chết còn chưa đủ hay sao mà còn muốn làm mẹ thành tật à?

        Đứa con giận dữ nói với mẹ hắn:

        Lần đầu tiên tôi ăn trộm cái bảng về, nếu bà đánh tôi một trận và dạy bảo tôi thì tôi không đến nỗi như ngày hôm nay và đã không bị xử tội chết.

        Hóa ra không dạy dỗ người khác có khi dẫn đến “gậy ông đập lưng ông”. Dạy người khác sửa sai là giúp mình được sống bình an hạnh phúc. Không dạy người khác sửa sai là mình đang “nuôi ong trong tay áo”, hậu quả sẽ là mình bị ong chích đầu tiên. Thế nên, khi làm điều sai trái, dù là cái sai rất nhỏ, thì cũng phải kịp thời sửa chữa. Nếu không, cứ để nó lớn dần lên thành cái sai nghiêm trọng thì có thể khiến mình phải hối hận cả đời.

         Hôm nay Chúa nhắc chúng ta phải sửa lỗi cho nhau. Sửa lỗi không phải chỉ trích. Chỉ trích là công kích nhau, là rêu rao lỗi lầm của nhau. Chỉ trích thường thiếu bác ái, thiếu tinh thần xây dựng cho nhau. Sửa lỗi đòi tế nhị, kín đáo, thông cảm với yếu đuối lỗi lầm của nhau. Sửa lỗi là một bổn phận, là bác ái mà chúng ta phải thực thi cho tha nhân. Sửa lỗi trái ngược với bỏ mặc, và thiếu trách nhiệm với tha nhân. Trong tinh thần bác ái và yêu thương chúng ta phải có bổn phận sửa lỗi cho nhau. Cha mẹ sửa lỗi cho con cái. Vợ chồng sửa lỗi cho nhau. Thầy cô sửa lỗi cho học trò. Bạn bè sửa lỗi cho nhau. Tất cả phải có bổn phận giúp nhau thăng tiến. Không bỏ mặc nhau nhưng luôn dìu nhau tiến bước.

                Sửa lỗi cho nhau không chỉ với tội lớn mà ngay cả tội nhỏ cũng cần được nhắc nhở, được giúp cải thiện. Bởi vì “nhỏ ăn trộm dây cột bò, lớn sẽ ăn trộm cả con bò”. Vì phạm tội sẽ thành thói quen. Phạm tội một lần thì sợ hãi, nhưng nhiều lần thì lương tâm đã chai lì, đánh mất sự sợ hãi lo âu.

        Chúa Giêsu dạy ta cách sửa lỗi tiệm tiến với tình yêu thật tế nhị. Sửa lỗi cách kín đáo bằng lời chân tình góp ý thẳng ngay với nhau. Nếu thất bại cần thêm lời của nhân chứng để người được sửa lỗi càng nhận biết lỗi lầm của mình hơn. Nếu vẫn thất bại thì cần đến cộng đoàn để nhờ sức mạnh của cộng đoàn giúp kẻ có lỗi ăn năn sửa đổi.

        Xin Chúa giúp chúng ta biết can đảm sửa lại những lỗi lầm. Biết bỏ đi tính tự ái, cố chấp để lắng nghe lời góp ý chân thành của tha nhân. Xin đừng vì cố chấp mà trở thành kẻ ngang bướng làm hại đến cộng đoàn. Amen

 

Giúp nhau sửa chữa lỗi lầm

Sửa lỗi cho người khác là một việc rất khó làm. Đôi khi với tinh thần xây dựng, ta chỉ cho người khác biết lầm lỗi của họ; thế rồi, thay vì được người khác biết ơn, bản thân ta lại bị họ oán hờn: Họ sẽ giận hờn ta, chửi mắng ta, xa lánh ta, ghét bỏ ta… Quả là “làm ơn mắc oán.”

        Những lần sau, vì sợ hậu quả như thế xảy ra, ta tự nhủ lòng: “Thôi, ai lầm lỗi thì mặc người ta, hồn ai người đó giữ”; đôi khi ta cũng có chọn lựa như Cain khi trả lời với Chúa: “Tôi đâu phải là người canh giữ em tôi!”

        Thế là vô tình, ta trở thành người dửng dưng, vô cảm, ngoảnh mặt làm ngơ trước những sai phạm của người khác.

        Đây là cách hành xử tai hại, vì làm như thế sẽ tạo đà cho lầm lỗi và tội ác gia tăng. Thái độ nầy cũng đi ngược lại với lòng yêu thương bác ái và bổn phận xây dựng trần thế của người Kitô hữu.

          Sửa lỗi cho người khác là một bổn phận không được thoái thác

        Con người có mắt nhìn ra mà không có mắt nhìn vào nên việc nhận ra lầm lỗi của mình là điều rất khó. Có người ví von rằng mỗi người đều mang một gùi đầy tội sau lưng và một gùi công đức trước ngực. Vì thế, người ta chỉ thấy công đức mà không thấy được lầm lỗi của mình. 

                Ông Dale Carnegie, một học giả trứ danh người Mỹ, tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, quả quyết rằng: “Tôi đã bỏ ra gần 70 năm trong đời để khám phá ra chân lý nầy là dù người ta có lỗi nặng đến đâu, thì trong 100 lần phạm lỗi thì có tới 99 lần người ta tự cho mình là vô tội.”

        Chính vì thế, giúp cho người lầm lỗi nhận biết được tội lỗi của bản thân để giúp họ sửa mình là một việc làm rất cần thiết.

        Đối với các tín hữu của Chúa, thì đây không chỉ là việc cần làm mà còn là một bổn phận bắt buộc, không được thoái thác.

        Lời Chúa trong sách ngôn sứ Ê-dê-kiên đòi buộc cách quyết liệt như sau: “Nếu ngươi không cảnh cáo kẻ gian ác, giúp nó từ bỏ con đường gian ác, thì chính nó phải chết vì sự gian ác của nó, nhưng còn máu nó, Ta sẽ đòi ngươi” (Edêkien 33, 7-9). Và qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu truyền dạy: “Nếu anh em của ngươi trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, …” không phải một lần mà nhiều lần, cách nầy không được thì phải vận dụng cách khác, cố sao giúp người anh em sửa được lỗi mới thôi. (Mát-thêu 18,15)

          Cần sửa lỗi cách tế nhị và đầy lòng yêu thương

        Hy vọng việc sửa lỗi sẽ không trở thành việc “làm ơn mắc oán” hay phát sinh nguy cơ “lời thật mất lòng”, nếu việc nầy được thực hiện với sự tế nhị và tấm lòng yêu thương.

                Hôm nọ, khi thấy một thanh niên ngồi ngoài hành lang hút thuốc trong khi Thánh Lễ đang được cử hành bên trong nhà thờ, cha Phó tiến lại gần bên anh, thay vì quở trách, ngài mỉm cười, vỗ vai thân mật chàng thanh niên đó như một người bạn rất thân quen và đề nghị: “Nếu bạn hy sinh không hút thuốc giờ nầy thì bạn sẽ có một lễ tế cao đẹp dâng lên Thiên Chúa, chắc chắn Chúa sẽ rất hài lòng về bạn và sẽ ban cho bạn nhiều ơn phúc!”

        Thế là chàng trai mỉm cười, giụi tắt điếu thuốc đang hút dở, rồi vui vẻ bước vào bên trong thánh đường.

lạy Chúa Giê-su,

        Vì muốn sửa chữa lỗi lầm cho nhân loại, Chúa phải trả giá rất cao: Chúa đã từ bỏ ngai trời, hạ mình xuống thế, trở nên người phàm sống giữa các tội nhân, hoà mình với họ, yêu thương họ và chấp nhận hiến thân chịu chết thay cho họ.

        Hôm nay, Chúa chưa đòi chúng con phải chết thay cho người lầm lỗi, mà chỉ mời gọi chúng con  phải dùng việc làm, lời nói, cách cư xử… để giúp người khác khỏi đắm chìm trong tội mà thôi, vậy mà chúng con chưa có đủ yêu thương và thiện chí để thực hiện sứ mạng cao đẹp nầy, trái lại còn viện đủ cách để thoái thác.

        Xin ban cho chúng con thêm nghị lực và lòng yêu thương để chúng con mạnh dạn đến với bao người lầm lỗi hầu giúp họ cải thiện cuộc đời.

 

Khi anh em sửa lỗi nhau

Chập tối, tôi trèo tường, lẻn ra Ciné Nha Trang coi Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang. Mãi đến 23: 30 tôi mới trở về chủng viện. Tới góc đường Võ Tánh - Duy Tân (Trần Phú bây giờ), phía bên trong là dãy nhà tắm lộ thiên, tôi nhẹ nhàng trèo vào. Núp cạnh phòng học lớp 12, (nay đã dỡ bỏ, xây mới) phóng tầm nhìn vào trong sân Tòa Giám Mục, hoàn toàn trống vắng! Tất cả im lặng như tờ, chắc mọi người đều đã yên giấc. Dẫu vậy, tôi vẫn cẩn thận đi nhón móng cò, lom khom bước qua khoảng sân rộng. Bỗng ai đó hắng giọng, rồi sang sảng cất giọng: “Ai đấy?” Tôi giật nảy mình. Thì ra Ông Nội, vận một bộ đồ thung đen, đang tập thể dục, kề bên khóm cây cảnh tối hù, ngay bên ngoài căn phòng của ngài còn sáng đèn. “Dạ thưa, con tên là…” Như thế Ông Nội đã nhìn thấy tôi ngay khi tôi leo tường trở về, vì ngài đứng trong bóng tối, nhìn ra phía ngoài sáng trưng ánh đèn. Nhưng nét mặt ngài vẫn bình thản, trìu mến, như chẳng có điều gì bất thường. Tôi lại càng lo sợ hơn nữa. Sáng mai Ông Nội sẽ trao áo chùng thâm cho 21 Anh Em chúng tôi. “Con đi đâu về khuya vậy?” “Dạ, con đi…đi dạo ngoài bãi biển!” “Giờ này khuya khoắt, mà con còn đi dao nữa sao? Vậy có ghé ăn chè Võ Tánh không? Con cứ kể rõ cha nghe. Đừng có ngại!” Tôi không thể nói dối được nữa, vì Ông Nội còn biết chúng tôi hay tranh thủ ăn chè, mỗi khi có dịp ra bên ngoài. Chắc ngài biết hết trơn rồi, nên đành phải thú thật. “Dạ, con đi xem phim.” “Con cứ kể rõ cha nghe. Đừng có ngại!” “Dạ, con đi xem phim.” “Phim gì hở con?” “Dạ. Phim Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang.” “Hay không? Con kể cho cha nghe xem.” “Bộ phim kể về…” Thu hết can đảm, tôi tóm tắt thuật chuyện phim. Ông Nội có vẻ vui vui, khuyến khích tôi kể tiếp. Vừa dứt chuyện, Nội hỏi tôi có nhớ đến việc ngày mai chăng? Tôi lý nhí đáp, cúi đầu ăn năn sám hối lỗi lầm. Một lát sau, Ông Nội liền ban việc đền tội: Một kinh Lạy Cha, ba kinh Kính Mừng và kinh Sáng Danh, rồi còn dịu dàng dặn dò: “Con đã tỏ ra biết hối lỗi, vậy hãy về ngủ và nhớ đừng tái phạm nữa. Ngày mai cha vẫn cho phép con lên lãnh nhận áo dòng.” “Con xin cám ơn cha.” Tôi thoát nạn nhẹ cả người, vội chạy lên lầu về phòng ngủ, tuy vẫn còn thình thịch con tim...Sáng hôm sau, trong nhà nguyện Tòa Gíam Mục Nha Trang, người ta vẫn thấy đầy đủ 21 Anh Em lớp Đi Gieo IV, hân hoan xếp hàng, lên nhận lãnh áo soutane từ chính bàn tay Đức Cha FX Nguyễn Văn Thuận trao ban. Tôi thầm tạ ơn Chúa và nhớ mãi tấm lòng bao dung thánh thiện của Ông Nội.  (Một vụ cá độ, Kể chuyện Nội, LâmBich.net)

        Trích thuật Tin Mừng Thánh Matthêu hôm nay, Đức Giêsu giảng dạy làm thế nào để sửa lỗi anh em. Với ba bước ứng xử với người lỗi lầm, Người muốn chiêu hồi con chiên lạc quay trở về với đàn.

        Mỗi khi phạm tội là tự tách mình ra khỏi cộng đoàn, ra khỏi tình yêu thương, hồng ân của Thiên Chúa. Vậy các thành viên cộng đoàn đều có bổn phận và trách nhiệm quan trọng giúp người vấp phạm sám hối, tin cậy vào Lòng Thương Xót Chúa. Bởi vì “Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất." (Mt 18, 14) Kẻ bé mọn ám chỉ những người bình dân, nghèo nàn, yếu đuối, bị bỏ rơi, bị xua đuổi, hư hỏng, tội lỗi, những con chiên lạc loài, đi hoang đáng thương.

        “Nếu người anh  em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi.” (Mt 18, 15) Như thế giúp tha nhận sửa lỗi là mệnh lệnh, một đòi hỏi cấp bách của Đức Giêsu dành cho những ai chấp nhận đi theo Người. Không thể vô cảm, bình chân như vại, mặc kệ anh em. Tuy vậy, để thực hành việc tế nhị, khó khăn và thách đố này, cần đến tình huynh đệ, lòng khoan dung và tâm tình cầu nguyện, mà Đức Giêsu vạch ra cho người thiện tâm.

         Tình huynh đệ

        "Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái. Vì ai yêu người thì đã chu toàn lề luật."(Rm 13, 8) Thánh Phaolô còn khuyên nhủ mọi người sống bác ái huynh đệ, thực tình giúp đỡ nhau, không vờ vịt, đóng kịch với nhau, cũng như không vênh váo rẻ rúng, khinh miệt, chế giễu, mà trái lại, chân thành hỗ tương nhau mọi lúc. “Lòng bác ái không được giả hình, giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành, thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình, nhiệt thành không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa.”(Rm 12, 9-11) Với thái độ yêu thương, khiêm nhường, kính trọng, Kitô hữu mới có thể chân tình ngỏ lời khuyên nhủ, giác ngộ hữu hiệu kẻ lỗi phạm.

        “Nếu Ta bảo đứa gian ác: “Tên gian ác kia, nhất định mi phải chết”, mà ngươi không nói để cảnh cáo nó phải từ bỏ con đường gian ác, thì chính nó, đứa gian ác ấy, sẽ chết vì tội của nó, nhưng còn máu của nó, Ta sẽ đòi ngươi”. (Ed 33, 8-9) Việc sửa lỗi cho nhau không chỉ là trách nhiệm huynh đệ liên đới, mà còn nghĩa vụ của Kitô hữu đối với chính Thiên Chúa. "Tất cả những gì anh em làm cho những kẻ bé mọn nhất của Ta là anh em làm cho chính Ta." (Mt 25, 40)

         Lòng khoan dung

         Thiên Chúa đầy lòng khoan dung, nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi con người để cải hóa, Ngài lần hồi sửa trị họ, nhắc nhở và cho biết đã phạm lỗi ở chỗ nào, để họ tin tưởng vào Ngài mà được cứu rỗi. “Chúa xót thương hết mọi người, vì Chúa làm được hết mọi sự. Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải.” (Kn 11, 23)

        Kitô hữu cũng noi theo lòng khoan dung của Thiên Chúa, mà cư xử với tha nhân, bởi chưng ai mà không phạm tội. Đức Giêsu đã từng công khai thách đố mọi người: "Ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi" (Ga 8, 7) Sau này Thánh Gioan cũng xác quyết vô cùng mạnh mẽ về thân phận yếu đuối của con người: ”Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta.” (1Ga 1, 8)

        Như thế, với sự soi sáng khôn ngoan của Đức Chúa Thánh Thần, người Kitô hữu cần chân thành khiêm tốn, khoan dung, hiền hòa, dịu dàng, thông cảm, khuyên nhủ, sửa dạy tha nhân. “Thưa anh em, nếu có ai vướng mắc tội nào, thì anh em, những người được Thần Khí thúc đẩy, hãy lấy tinh thần hiền hoà mà sửa dạy người ấy; phải tự đề phòng kẻo chính mình cũng bị cám dỗ. Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô.” (Gl 6, 1-2)

         Tâm tình cầu nguyện

         "Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.” (Mt 18, 19-20)

        Khi hai người đối thoại, thuyết phục nhau, gặp nhau vì Thánh Danh Chúa, thì đương nhiên có Chúa hiện diện. Hãy nhớ cầu xin Người giúp đỡ cảm hóa người vấp phạm biết phục thiện. Chắc chắn Chúa không nỡ từ chối nguyện vọng chánh đáng này.

        “Người hy sinh biết rộng lượng trước khuyết điểm người khác và nghiêm khắc trước khuyết điểm của mình.” (Đường Hy Vọng, số 169)

        Lạy Chúa Giêsu, xin ban chúng con ơn can đảm nhắc nhở nhau, cũng như biết nghe lời khuyên răn, chỉ dẫn khi lỗi lầm, để chúng con luôn thương yêu, khắng khít, đoàn kết trong đàn chiên Chúa.

        Lạy Mẹ Maria, Đấng vô nhiễm tinh tuyền, xin giúp chúng con nhận biết tội lỗi vấp phạm, mà ăn năn sám hối, cũng như khiêm tốn lắng nghe người khác nhắc nhở, hướng dẫn, sửa sai, để luôn được sống mãi trong Lòng Thương Xót vô hạn của Chúa. Amen.

Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn