1
04:13 +07 Thứ sáu, 17/05/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 94

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 93


Hôm nayHôm nay : 4350

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 553154

Tổng cộngTổng cộng : 28672402

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » SUY NIỆM CHÚA NHẬT

Lời Chúa và các bài suy niêm lễ Chúa Ki-tô Vua

Thứ sáu - 21/11/2014 10:36-Đã xem: 1603
Lời Chúa và các bài suy niêm lễ Chúa Ki-tô Vua

Lời Chúa và các bài suy niêm lễ Chúa Ki-tô Vua

Anh em thân mến, Đức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những kẻ yên giấc. Vậy sự chết bởi một người, thì sự kẻ chết sống lại cũng bởi một người. Cũng như mọi người đều phải chết nơi Ađam thế nào, thì mọi người cũng sẽ được tác sinh trong Đức Kitô như vậy. Nhưng ai nấy đều theo thứ tự của mình, hoa quả đầu mùa là Đức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Đức Kitô, những kẻ đã tin Người xuống thế: rồi đến tận cùng khi Người đã trao vương quốc lại cho Thiên Chúa Cha, và đã tiêu diệt mọi đầu mục, quyền năng và thế lực. Nhưng Người còn phải cai trị cho đến khi Người đặt mọi quân thù dưới chân Người. Kẻ thù cuối cùng sẽ bị tiêu diệt là sự chết. Khi mọi sự đã suy phục Người, bấy giờ chính Con cũng sẽ suy phục Đấng đã bắt mọi sự suy phục mình, để Thiên Chúa nên mọi sự trong mọi sự.
PHÚC ÂM LỄ CHÚA KI-TÔ VUA
Mt 25, 31-46

"Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người, và sẽ phân chia họ ra".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Khi Con Người đến trong vinh quang, có hết thảy mọi thiên thần hầu cận, Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người. Muôn dân sẽ được tập họp lại trước mặt Người, và Người sẽ phân chia họ ra, như mục tử tách chiên ra khỏi dê. Chiên thì Người cho đứng bên phải, còn dê ở bên trái.

"Bấy giờ Vua sẽ phán với những người bên hữu rằng: 'Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ. Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta'.  "Khi ấy người lành đáp lại rằng: 'Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ chúng con thấy Chúa là lữ khách mà tiếp rước, mình trần mà cho mặc; có khi nào chúng con thấy Chúa yếu đau hay bị tù đày mà chúng con đến viếng Chúa đâu?' Vua đáp lại: 'Quả thật, Ta bảo các ngươi: những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta'.

"Rồi Người cũng sẽ nói với những kẻ bên trái rằng: 'Hỡi phường bị chúc dữ, hãy lui khỏi mặt Ta mà vào lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỷ và kẻ theo chúng. Vì xưa Ta đói, các ngươi không cho ăn; Ta khát, các ngươi không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi chẳng tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi không cho đồ mặc; Ta đau yếu và ở tù, các ngươi đâu có viếng thăm Ta!'  "Bấy giờ họ cũng đáp lại rằng: 'Lạy Chúa có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói khát, khách lạ hay mình trần, yếu đau hay ở tù, mà chúng con chẳng giúp đỡ Chúa đâu?' Khi ấy Người đáp lại: "Ta bảo thật cho các ngươi biết: những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta'. Những kẻ ấy sẽ phải tống vào chốn cực hình muôn thuở, còn các người lành thì được vào cõi sống ngàn thu". Đó là lời Chúa.

 

ĐỐI DIỆN VỚI BẢN ÁN CHUNG THẨM

Mọi Kitô hữu đều nghe biết Đoạn Tin Mừng Matthêu 25:31-46 này về cảnh Phán Xét chung.  Đây là cách rất thông thường để thưởng những người có công hay phạt những kẻ có tội.  Đoạn Tin Mừng coi những người có công là chiên và những kẻ có tội là dê.  Chiên đứng bên phải và dê ở bên trái Đức Vua, tức Con Người là Chúa Giêsu Kitô, vừa là Vua đầy lòng nhân ái và cũng là vị Thẩm Phán chí công.  Cách thức để thưởng và luận phạt thì dựa trên tiêu chuẩn Bác ái của Đạo mà Vua Giêsu đã đặt như giới răn mới trong Đạo của Người.

Thật lạ lùng và ngạc nhiên cho cả những người được thưởng và những kẻ bị phạt, vì họ chưa hề thấy Người khi còn sống ở trần gian, nhưng lại được Người qui hướng các hành động bác ái họ đã thực hiện hay không cho anh chị em đồng loại về chính Người.  Hãy nghe lại những lời vị Thẩm phán nói với những người lành bên phải: 'Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ. Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta'.  Khi ấy người lành đáp lại rằng: 'Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ chúng con thấy Chúa là lữ khách mà tiếp rước, mình trần mà cho mặc; có khi nào chúng con thấy Chúa yếu đau hay bị tù đày mà chúng con đến viếng Chúa đâu?' Vua đáp lại: 'Quả thật, Ta bảo các ngươi: những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta'.

Và nghe lại những lời đanh thép vị Thẩm Phán nói với những kẻ bên trái:  'Hỡi phường bị chúc dữ, hãy lui khỏi mặt Ta mà vào lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỷ và kẻ theo chúng. Vì xưa Ta đói, các ngươi không cho ăn; Ta khát, các ngươi không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi chẳng tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi không cho đồ mặc; Ta đau yếu và ở tù, các ngươi đâu có viếng thăm Ta!'  Bấy giờ họ cũng đáp lại rằng: 'Lạy Chúa có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói khát, khách lạ hay mình trần, yếu đau hay ở tù, mà chúng con chẳng giúp đỡ Chúa đâu?' Khi ấy Người đáp lại: "Ta bảo thật cho các ngươi biết: những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta'.

Những lời Vua Giêsu phán sẽ trực tiếp gợi lại lương tâm mọi Kitô hữu trước cảnh phán xét chung cách mà họ đã cư xử với anh chị em đồng loại khi còn sống. Những anh chị em ưu tiên đại diện cho Vua Giêsu sẽ là những kẻ đói, khát, khách lạ, mình trần, đau yếu, tù tội.   Nói chung họ là những người không may mắn trước cái nhìn của con người. Các nhu cầu của họ gồm trong lãnh vực cả thể xác lẫn tinh thần, tâm lý, cũng như những hoàn cảnh éo le cuộc đời... Trong cuộc sống họ thường bị xã hội kết án và bị bỏ rơi quên lãng!  Xem ra họ là những kẻ được đồng hóa với cuộc sống của Vua Giêsu khi Người còn tại thế, vì Người đã từng bị những người đương thời đối xử như vậy, cũng như chính Người đã tìm đến cứu giúp những kẻ ít may mắn ấy.

Như thế, điều trước hết giúp các Kitô hữu là ý thức hơn trong việc thực hành Đạo hơn tất cả các hành vi thuộc nghi thức của Đạo.  Vua Giêsu muốn các con chiên của Người hãy ra khỏi mình và đến với những kẻ không may mắn trong danh sách thưởng và phạt của Bản Án chung thẩm.  Ý thức sống Đạo ấy sẽ đánh thức lương tâm Kitô hữu và giúp họ quay về thực tại đời sống con người hôm nay. Dù ở bất cứ hoàn cảnh Xã hội nào, cũng có đầy dẫy những người bị đói, khát, khách lạ, mình trần, đau yếu và tù tội.  Họ rất cần được sự giúp đỡ của mọi Kitô hữu như chính Vua Giêsu đã đến trần gian và lao mình vào hoàn cảnh sống của họ, cứu giúp họ và đưa họ ra khỏi vũng lầy của cuộc sống con người.

Thứ đến, việc thực hành Đạo như vậy sẽ không cần nại vào lý do giữ Đạo hoặc hoàn cảnh của bất cứ ai đang cần được cứu giúp.  Vua Giêsu không phân biệt họ là Công Giáo, Tin Lành, Chính Thống, Phật Giáo, Hồi Giáo hoặc có đạo hay không, nhưng chỉ một lý do duy nhất vì họ là người đã được Thiên Chúa dựng nên và cứu chuộc; và họ đang cần được nâng đỡ, ủi an và cứu giúp.  Họ có thể là những người gần nhất trong gia đình, hoặc xa hơn ngoài xã hội, vv ..  Các Kitô hữu chẳng cần tìm đâu xa để thấy được họ.  Điều quan trọng nhất là hãy nhìn họ như những người đang đại diện Vua Giêsu hôm nay.  Và điều này sẽ nâng đỡ cách sống đạo và điều chỉnh lương tâm nên ngay chính, tràn đầy lòng yêu thương của mọi Kitô hữu, vì nó sẽ xóa đi biên giới xa cách giữa người với người, giữa các tầng lớp con người trong xã hội, và ngay cả biên giới của các ý thức hệ, bao gồm cả ý thức hệ các tôn giáo khác nhau.  Từ đó người Kitô sẽ dễ nhận dạng hình ảnh Chúa Kitô Vua trong anh chị em mình.

Mang thân phận Kitô hữu, tôi sẽ rất được ủi an vì lời Vua Giêsu phán trong Tin Mừng hôm nay, bởi một ngày nào đó, tôi cũng sẽ được Người đặt tôi vào bên hữu của Người khi tôi chỉ cần cúi xuống một chút thôi với anh chị em đồng loại đang cần tôi giúp đỡ.  Và tôi chắc chắn sẽ không còn lo sợ ngày Phán Xét chung cả nhân loại hay riêng của chính mình.  Vì ngày đó sẽ chẳng khác nhau mấy khi hôm nay tôi đang nhận ra Vua Giêsu trong cuộc sống Đạo và thực hành lời của Người.  Ngày đó chỉ khác khi hôm nay tôi quyết liệt từ chối Người mà thôi!

Lạy Vua Giêsu của lòng con, xin ban ơn thánh Chúa trong đời sống hiện tại cho con, để con luôn có lòng thương cảm với anh chị đồng loại, nhất là với những người đang cần con giúp đỡ cách này hay cách khác. Ước chi trong mọi hoàn cảnh sống, con luôn thuộc trọn vẹn về Chúa. Amen

Lm. Raphael Xuân Nguyên

 

VUA GIÊSU KITÔ

Có những lý do rất tỏ tường ghi khắc trong Thánh Kinh để chúng ta vẫn mãi mãi tôn vinh Đức Kitô làm Vua mình, hôm nay và trên Nước hằng sống.  Những lý do ấy xem ra hết sức tự nhiên trong trật tự gia đình nhân loại nói chúng, cũng như trong trật tự các triều vua chúa nói riêng. 

Trong gia đình, người đầu, tức đại diện cho gia đình, gia tộc, thường là người được sinh ra đầu, gọi là trưởng nam, trưởng gia tộc, trưởng tộc, vv... Trong triều vua chúa, người đầu làm vua kế nghiệp phải là thái tử thứ nhất, được vua cha cho nối ngôi.  Đức Kitô Vua có cả hai yếu tố đó trong chức phẩm làm Vua của Ngài, cả trong bản tính Thiên Chúa lẫn bản tính nhân loại.  Tuy nhiên, khác với các triều vua nhân loại qua mau, triều đại Vua của Ngài sẽ vĩnh viễn muôn đời, vì Ngài là vua duy nhất tự chết đi và sống lại, để cho con dân Ngài mọi đời và mọi thời được sống muôn đời.  Ngài trở nên Vua tình yêu ngự trị trong mọi con tim nhân loại.

Phải, chính Đức Kitô đã được mạc khải là Ngôi Lời có từ trước muôn đời, và Ngôi Lời ấy là Con Thiên Chúa, và Ngôi Lời ấy cũng chính là Thiên Chúa. (Jn. 1:1-4)  Hai lần chính Đức Kitô tỏ ra bản tính Thiên Chúa của Ngài: Các tông đồ Phêrô, Giacôbê, và Gioan được chứng kiến trên núi Taborê (Mt. 17:1-8) và lúc Gioan Tiền hô làm phép rửa cho Ngài trên giòng sông Giođan. (Mt 3:13-17)  Cả hai lần Thiên Chúa Cha đều phán: Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.  Đức Kitô là Con duy nhất yêu dấu của Thiên Chúa. Ngài làm Vua trên các thần thánh thiên quốc.  Thánh Phaolô gọi Ngài là trưởng tử các loài thọ sinh (Rm 8:30), được Thiên Chúa tôn vinh trên mọi danh hiệu (Pl 2:8-9).  Ngài chính là vua của kẻ sống lẫn kẻ chết.

Riêng là Vua kẻ sống, Đức Kitô đã một lần sinh ra trên thế giới này trong bản tính nhân loại của Ngài.  Tiên tri Isaia gọi Ngài là Vua thái bình.  Các thiên thần ca hát Ngài là vua bình an cho nhân gian.  Trong gia đình, Ngài là con một duy nhất nói lên địa vị trưởng tử các loài thọ sinh.  Địa vị này được chính Ngài chứng minh bằng cuộc khổ nạn của mình:  Khi nào Ta bị treo lên, Ta sẽ kéo mọi sự lên cùng Cha Ta.  Vì người đương thời không hiểu được ý nghĩa Vua yêu thương qua công cuộc cứu rỗi này, nên Ngài đã từ chối địa vị Vua khi họ muốn tôn Ngài làm vua theo ý họ.  Còn Pontius Pilate, kẻ kết án tử cho Ngài, lại khù khờ trước ý nghĩa Vua mà Ngài xác định.  Và Đức Kitô đã tuyên bố: Phải, tôi là Vua, nhưng nước tôi không thuộc về thế gian này. 

Nước của Đức Kitô là Nước Trời, quyền cai trị của Ngài là tình yêu và công lý muôn đời, dân của Ngài là toàn thể nhân loại được cứu rỗi trong máu của Ngài. Ta hãy thờ lạy và vang lừng tung hô Vua tình yêu Giêsu Kitô của lòng mình, và hãy trung thành theo Ngài lên Nước hằng sống bằng con đường tình yêu trong cây thập giá đời mình.
 

Có một chú rể trước khi tập sự cho hôn lễ, đã bí mật gặp vị mục sư và đưa ra lời đề nghị.

- Tôi sẽ đổi 100 đô la lấy việc bỏ các từ ‘yêu thương, tôn trọng, vâng lời và chung thủy với cô ấy mãi mãi’ trong lời thề kết hôn.

Vị mục sư đồng ý và nhận lấy 100 đô la với vẻ hài lòng.

Hôm sau, vào buổi lễ chính thức, vị mục sư nhìn thẳng vào mắt chàng trai, mỉm cười nhẹ nhàng và chậm rãi nói:

- Chàng trai, bạn có hứa sẽ luôn sẵn sàng phủ phục mình trước mặt cô gái đứng trước mặt đây, vâng theo mỗi mệnh lệnh của cô ấy, mang đồ ăn sáng đến bên giường cô ấy vào mỗi buổi sáng trong suốt cuộc đời của bạn. Đồng thời thề trước mặt Chúa sẽ không bao giờ thèm nhìn bất kỳ người phụ nữ nào khác cho đến khi cả hai không còn trên cõi đời này nữa không?

Chú rể nuốt nước bọt và nhìn xung quanh, đáp lại bằng một giọng rất nhỏ nhẹ:

- Vâng.

Sau nghi thức, chàng trai ngay lập tức bám chặt lấy vị mục sư và rít lên:

- Tôi nghĩ chúng ta đã có một thỏa thuận?

Lúc này, vị mục sư mới đặt lại vào tay chú rể tờ tiền cũ và thì thầm:

- Cô ấy đã đưa cho tôi 200 USD cơ!

Chưa bao giờ chúng ta thấy quyền lực của đồng tiền lên ngôi như ngày hôm nay. Có tiền thì có chức. Có chức thì có tất cả. Có tiền có thể sai khiến. Sai khiến người khác làm cả những chuyện bất chính hay phi đạo đức. Có tiền có thể bẻ cong công lý. Đồng tiền có thể giúp người có tội trở thành không!

Có lẽ vì đồng tiền có một sức mạnh như thế nên người người đi kiếm tiền. Kiếm tiền bằng mọi cách. Kiếm tiền bằng mọi thủ đoạn miễn sao có tiền! Thực tế, ai đã vào đời, bôn ba xuôi ngược trên chợ đời, tranh đua với người đời mà không một lần cảm nghiệm cái mãnh lực của đồng tiền? Đồng tiền nối liền với khúc ruột của con người, nó cũng chính là cái nguyên do đưa đến buồn vui sướng khổ của nhân loại? Cũng chính đồng tiền đã đưa đẩy con người tới thành công hay thất bại, được thiên hạ nể vì, nhân nhượng hay khinh khi coi thường! Vì thế tiền bạc đã biến thành một thứ quyền lực vô song, có ảnh hưởng trong cuộc sống con người. Thế sự thăng trầm, con người thay lòng đổi dạ, xã hội đảo điên, luân thường đạo lý bị xáo trộn, tất cả cũng vì ảnh hưởng của đồng tiền.

Đồng tiền thực sự có một sức mạnh và quyền lực nhất định trong cuộc sống. Nó mang đến hạnh phúc cho con người nếu con người tạo ra nó từ sự chính nghĩa, nhưng nó cũng có thể làm sa ngã hoặc huỷ hoại một nhân cách khi ai đó tôn sùng nó hơn tất cả mọi điều khác trong cuộc đời. Cái giá phải trả cho sự mù quáng trước “Quyền lực của đồng tiền” là đánh mất bản thân, tình thân, tình yêu – những điều mà đồng tiền không bao giờ có thể “mua” lại được.

Hôm nay lễ Chúa Ky-tô, Giáo hội nhắc nhở chúng ta còn có một giá trị quý hơn tiền, hơn danh lợi thú là có được Đức Ky-tô ngự trị. Đồng tiền sẽ không mua được Nước Trời. Đức Ky-tô thì hứa ban cho chúng ta sự sống đời đời. Đồng tiền không mang lại bình an cho con người, nhưng Đức Ky-tô là niềm hoan lạc nếu chúng ta để cho Ngài chỗ nhất trong cuộc đời. Đồng tiền khiến chúng ta sống ích kỷ, hưởng thụ. Đức Ky-tô biến chúng ta thành những con người có ích cho tha nhân với thái độ phục vụ quảng đại và vô vị lợi.

Đồng tiền là nguyên nhân gây nên những chia rẽ, tranh chấp, hận thù. Đức Ky-tô là nguyên lý cho sự hiệp nhất bình an. Chiếm được đồng tiền thì con người bo bo giữ lấy trong ích kỷ, xa lánh mọi người. Chiếm được Đức Ky-tô thì con người sẽ chia sẻ đến cho muôn người. Thế nê, có Đức Ky-tô trong cuộc đời là có bình an, có hạnh phúc, có niềm vui. Vắng Đức ky-tô sẽ chỉ còn những tranh chấp, xa lánh và đố kỵ lẫn nhau.

Ước gì chúng ta luôn tìm kiếm Đức Ky-tô và dành cho Ngài vị trí số 1 trong cuộc đời. Ước gì loài người chúng ta hãy hãnh diện là loài làm chủ đồng tiền chứ không phải là nô lệ của đồng tiền. Có chăng là biết quy phục một mình Đức Ky-tô mà thôi.

 

Xin Chúa giúp chúng ta biết tôn thờ Chúa trên hết mọi sự. Xin cho chúng ta luôn can đảm chọn lựa giá trị vĩnh cửu hơn là những hào nhoáng của danh lợi thú mau qua. Amen
 

Vương quyền và phục vụ

 

Ngày 11-2-2013, cả thế giới ngạc nhiên trước thông báo chính thức của Tòa Thánh: Đức Giáo Hoàng Bênêđitô 16 sẽ  từ nhiệm và việc từ nhiệm này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 28-2-2013. Mặc dù việc một Giáo Hoàng từ chức là điều đã được tiên liệu trong Giáo Luật (Khoản 332), những người Công giáo khắp năm châu vẫn bàng hoàng trước thông tin này. Một số báo chí chớp lấy cơ hội để tưởng tượng ra một tình trạng bê bối nội bộ… Tuy vậy, những người thiện chí, trong đó có khá nhiều nguyên thủ quốc gia, đánh giá đây là một quyết định anh hùng. Quả thật, quyết định từ nhiệm của Đức Bênêđitô 16 là một quyết định bất ngờ và có tính tiên tri trong bối cảnh số quốc gia trên thế giới đang xảy ra những vụ biểu tình đòi quyền dân chủ, thậm chỉ có những cuộc đảo chính nhằm lật đổ những chế độ độc tài. Người dân tại một số quốc gia cũng lấy Đức Giáo Hoàng để so sánh với nhiều nhà lãnh đạo chính trị tham quyền cố vị, kìm hãm sự phát triển của đất nước mà không đủ can đảm từ chức.

Với việc can đảm từ nhiệm khi thấy sức khỏe không bảo đảm cho một sứ mạng quan trọng, Đức Thánh Cha Bênêđitô cũng muốn khẳng định với thế giới rằng: trong Giáo Hội, quyền lực không phải để thống trị mà để phục vụ. Quả vậy, không riêng gì đối với vị thủ lãnh kế vị thánh Phêrô, mà đối với tất cả những chức vị khác trong Giáo Hội đều nhằm phục vụ Dân Chúa. Tính hiệu quả của công việc và ích lợi của Dân Chúa luôn được đặt ở vị trí ưu tiên. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, sự từ nhiệm này đã khẳng định được giá trị của nó. Người kế nhiệm Đức Bênêđitô 16 là Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đem lại một luồng sinh khí mới cho Giáo Hội. Ngài luôn chủ trương canh tân Giáo Hội, làm cho Giáo Hội thực sự là Giáo Hội phục vụ con người. Một Giáo Hội hiện hữu không phải để thống trị hay duy trì quyền lực, mà vì con người, như Chúa Giêsu đã vì nhân loại mà thực thi sứ mạng cứu độ.

Ngày Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo Hội tôn vinh Đức Giêsu là Vua vũ trụ. Danh xưng “Vua” có thể khiến nhiều người thời nay ngộ nhận. Bởi lẽ đa số những vị vua của xã hội phong kiến gợi lại những hình ảnh không đẹp về đời sống luân lý cũng như trong trách nhiệm của một người “phụ mẫu chi dân”. Phụng vụ Lời Chúa giúp chúng ta hiểu rõ hơn danh xưng “Vua” dành cho Chúa Giêsu. Ngài được ngôn sứ Edêkien giới thiệu như một mục tử ân cần chăm sóc từng con chiên trong đàn chiên của mình. Không một con chiên nào bị quên lãng hay bỏ rơi, dù là những con chiên bệnh tật còm cõi. Người mục tử còn cất công lặn lội đi tìm những con chiên bị lạc. Người mục tử chân chính lấy hạnh phúc của chiên là hạnh phúc của mình. Ông vui niềm vui của đoàn chiên, ưu tư trăn trở khi thấy lợi ích của đàn chiên bị đe dọa.

Ý niệm về một vị mục tử này được Đức Giêsu nhắc lại trong giáo huấn của Người. Người còn khẳng định: “Tôi là mục tử nhân lành. Tôi biết các chiên của tôi và các chiên của tôi biết tôi” (Ga 10,14). Không chỉ là một mục tử coi sóc, dẫn dắt đoàn chiên, Chúa Giêsu còn đồng hóa mình với những người nghèo khổ bé mọn trong cuộc sống. Thánh sử Mátthêu đã ghi lại bài giáo huấn của Chúa về ngày phán xét cuối cùng. Lúc bấy giờ, chính Chúa Giêsu sẽ là vị Vua và là Thẩm phán tối cao để xét xử nhân loại. Mọi dân mọi nước sẽ được quy tụ về để tham dự cuộc xét xử này. Vị Vua của ngày phán xét sẽ dựa vào thái độ của mỗi người đối với người nghèo mà quyết định tương lai hậu vận của họ. Tác giả Tin Mừng nói đến sự ngạc nhiên của những người có mặt trong phiên tòa, cả những người tốt cũng như người xấu, khi họ thấy Chúa tự đồng hóa mình với những người đói khát, trần trụi, tù đày, đau yếu, cơ nhỡ… Thì ra ai giúp người nghèo là giúp Chúa. Ai bỏ rơi người nghèo là bỏ rơi Chúa. Trong ngày phán xét chung, không thấy vị Vua đề cập tới những chức tước, địa vị đạo đời của chúng ta hoặc những công lao lẫy lừng chúng ta đã làm khi sinh thời, nhưng Người nhấn mạnh đến  cách chúng ta đối xử với anh chị em mình.

Từ khái niệm Vua được tuyên xưng trong phụng vụ hôm nay, chúng ta được mời gọi suy tư về những trách nhiệm khác nhau trong Giáo Hội cũng như xã hội. Một người mang chức vị quan trọng đạo đời không phải để hưởng thụ cá nhân, mà là để phục vụ người khác. Chúa Giêsu đã hiến mạng sống mình để tôn vinh Thiên Chúa và vì hạnh phúc của con người. Như Đức Giêsu đến đến để phục vụ con người, Giáo Hội không được quên sứ mạng quan trọng mà Chúa đã trao phó là phục vụ và đem cho con người mọi thời đại ánh sáng Tin Mừng. Lễ Chúa Giêsu Vua vũ trụ cũng nhắc nhớ chúng ta, mỗi người cũng được mời gọi tham gia vào công cuộc xây dựng Giáo Hội, vì nhờ bí tích Thanh Tẩy, chúng ta được Chúa ban ba sứ mạng quan trọng: làm ngôn sứ, làm tư tế và làm “vua” để cộng tác phần mình làm cho cộng đoàn Giáo Hội địa phương lớn mạnh.

Người tín hữu sống trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian. Họ là công dân của một vương quốc vĩnh cửu. Vương quốc ấy đang hiện diện trên thế gian như “vương quốc của Tình yêu, vương quốc của Sự thật”. Vương quốc ấy sẽ tỏ hiện hoàn toàn khi mọi sự được đặt dưới chân Chúa Giêsu là Vua muôn loài (Bài đọc II). Đó là lý tưởng và đích điểm cuộc sống của chúng ta. Đó cũng là Thiên Đàng, là hạnh phúc vĩnh cửu Chúa hứa ban cho những ai yêu mến Ngài.

Sưu tầm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn