1
19:41 +07 Thứ hai, 29/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 382


Hôm nayHôm nay : 72846

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 462933

Tổng cộngTổng cộng : 28017217

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » SUY NIỆM CHÚA NHẬT

Chúa nhật Lễ Minh Máu Thánh Chúa: Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa

Thứ năm - 19/06/2014 16:25-Đã xem: 1939
Sự sống nhân thế hệ tại ăn và uống, uống ăn, ăn uống cứ quẩn quanh và sinh ra rất nhiều phiền toái. Ăn thế nào cho ngon, cho sang, cho bổ, cho khỏe. Đó là công việc của nhân thế, thế nhân thường sử dụng lời nói “làm ăn”. Làm lụng vất vả để có cái ăn, điều ấy thật tốt lành, “cũng như lao động là vinh quang”, dùng sức lao động tạo ra cái ăn là vinh quang.
Chúa nhật Lễ Minh Máu Thánh Chúa: Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa

Chúa nhật Lễ Minh Máu Thánh Chúa: Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa

Suy niệm lễ Mình và Máu Thánh Đức Ki-tô
 
Vào ngày lễ Mình và Máu Thánh Đức Kitô, Phụng Vụ Lời Chúa cử hành bánh từ trời được ban tặng làm lương thực cho nhân lọai.
Đnl 8: 2-3, 14b-16
Sách Đệ Nhị Luật nhắc lại ân ban bánh Man-na kỳ diệu từ trời xuống mà Gia-vê Thiên Chúa ban cho dân Do thái để nâng đỡ họ trong suốt cuộc hành trình qua sa mạc.
1Cr 10: 16-17
Trong thư thứ nhất của thánh Phao-lô gởi Giáo Đoàn Cô-rin-tô, thánh nhân gợi lên Bí Tích Thánh Thể, Bí tích hiệp nhất mọi Kitô hữu bằng cách cho họ dự phần vào chỉ một bánh là Thân Thể Đức Giê-su.
Ga 6: 51-58
Tin Mừng Gioan được trích từ diễn từ của Đức Giê-su về bánh hằng sống mà Ngài đã công bố sau phép lạ bánh hóa nhiều. Đức Giê-su công bố rằng chính Ngài là “bánh hằng sống,” bánh ban sự sống đời đời.

BÀI ĐỌC I (Đnl 8: 2-3, 14b-16).
Đệ Nhị Luật là sách cuối cùng của bộ Ngũ Thư, bộ sách năm cuốn hình thành nên Tô-ra, được dịch là “Sách Luật”. Tuy nhiên, thuật ngữ Tô-ra theo tiếng Do thái không có nghĩa pháp lý, nhưng là giáo huấn giúp soi sáng, hướng dẫn cách ăn nếp ở. 

Nhan đề sách “Đệ Nhị Luật,” có nghĩa “Luật thứ hai” hay “Luật lần thứ hai” (tiếng Hy lạp: Deuteros: lần thứ hai, và nomos: luật). Quả thật, tác phẩm là “ôn cổ tri tân” những lời dạy của Mô-sê, được biên soạn vào thế kỷ thứ 8 hay thứ 7 BC, khi dân Ít-ra-en, đã an cư lạc nghiệp qua nhiều thế kỷ ở Ca-na-an, có khuynh hướng quên Giao Ước và những huấn lệnh tôn giáo và luân lý.

Sách Đệ Nhị Luật chủ yếu bao gồm ba diễn từ, được gán cho ông Mô-sê, nhân vật được xem như đang ngỏ lời với dân Do thái trước khi vào Đất Hứa, để cảnh giác họ coi chừng những nguy hiểm đang rình rập họ khi sống ở môi trường ngoại giáo và để khẩn khoản nài van họ một mực trung thành với những giới răn của Thiên Chúa. 

Cái khung hư cấu nầy cho phép trình bày Giáo L‎ý đích thật về Giao Ước. Bản văn hôm nay, được trích từ chương 8 gồm hai phần: 2-3 và 14b-16, nhấn mạnh những bài học Lịch Sử, đặc biệt những ngày tháng lang thang trong sa mạc. Cả hai bản văn trích dẫn đều hoàn tất trên những lời nhắc nhở: “hãy nhớ lại” và “đừng quên” bánh Man-na như một thiên ân.

1. Thử thách trong hoang sa mạc là khoa sư phạm của Thiên Chúa:
“Anh em hãy nhớ lại tất cả con đường mà Đức Chúa, Chúa của anh em, đã dẫn anh em đi trong sa mạc suốt bốn mươi năm qua”.

Đoạn trích thứ nhất (8: 2-3) mời gọi “nhớ lại” những thử thách trong sa mạc, vì thời gian thử thách là cách thức Thiên Chúa giáo dục dân Ngài khỏi mọi ảnh hưởng xa lạ. Chính khi sống trong khung cảnh nghèo khó, kham khổ và gian nan vất vả mà con cái Ít-ra-en cảm thấy mình hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa. Bánh Man-na đã là một ân ban đặc biệt, lương thực do Lời sáng tạo của Thiên Chúa, để cho con người hiểu rằng “người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi điều từ miệng Chúa phán ra”. Có một sự đồng hóa và hầu như đồng nhất giữa bánh Man-na và Lời Thiên Chúa, vì Lời Chúa cũng là lương thực ban sự sống cho con người. Đó cũng là câu trả lời của Đức Giê-su cho tên Thử Thách (Mt 4: 4).

2. Biết bao ân phúc Thiên Chúa ban.
Đoạn trích thứ hai (8: 14b-16a) kêu gọi “đừng quên” những ân phúc Thiên Chúa ban cho dân Ngài trong sa mạc khi phải đối mặt với biết bao nguy hiểm. Lời ghi nhận cuối cùng của đoạn trích thứ hai nầy cũng gợi nhớ ơn Quan Phòng lạ lùng, đó là bánh Man-na.

3. Bánh Man-na:
Man-na là cái gì? Người ta không biết chính xác. Sách Xuất Hành nói với chúng ta, mỗi buổi sáng, dân Do thái lượm trên mặt đất “một thứ gì nho nhỏ mịn màng như sương muối” (Xh 16: 14), “như hạt ngò và trông nó như nhựa hương” (Ds 11: 7). Dân cứ việc chia nhau đi lượm, cho vào cối xay hoặc vào cối giã mà nghiền tán ra, rồi bỏ vào nồi nấu bánh, và mùi vị của nó như mùi vị bánh chiên dầu (Ds 11: 8).

Phần trích thứ nhất nhấn mạnh nguồn gốc từ trời của Man-na, trong khi phần trích thứ hai nhấn mạnh giá trị dấu chỉ mà Man-na đại diện, dấu chỉ của sự can thiệp đặc biệt từ Thiên Chúa, nhờ đó dân Ngài được sống. 

Man-na có thể từ nhựa cây rỉ ra và đông cứng lại, của những bụi cây sa mạc, thuộc gia đình liễu bách. Khi bị côn trùng chích, chúng để rơi xuống những hạt nhỏ có vị mật ong. Đây là lương thực bất ngờ, mới lạ của dân Do thái cho đến lúc đó, ân ban hằng ngày cho đến cuối cuộc hành trình băng qua sa mạc. Man-na được truyền thống tôn giáo lý tưởng hóa. Thánh vịnh 78 gợi lên man-na là “ bánh của những kẻ mạnh” mà bản Bảy Mươi dịch“bánh của các thiên thần.” Văn chương kinh sư loan báo rằng bánh Man-na sẽ là thức ăn của thời thiên sai. Đức Giê-su trình bày bánh man-na như tiên trưng chưa hoàn hảo của bánh ban sự sống thật, sự sống bất diệt, bánh Thánh Thể.

BÀI ĐỌC II (1Cr 10: 16-17)
Ngồi chung một bàn ăn, chia sẻ cùng một tấm bánh, tạo nên “tình liên đới” giữa những cácthực khách. Nghi thức Thánh Thể là một nghi thức “đồng hội đồng thuyền,” nghĩa là “đồng sinh đồng tử”, sống chết có nhau. Đây không là bất cứ bánh nào mà người ta chia sẻ với nhau; cũng không là bất cứ rượu nào mà người ta trao tay cho nhau. Bánh mà người ta ăn, chính là Thân Thể Đức Kitô, rượu mà người ta uống chính là Máu Đức Kitô, nghĩa là mối liên hệ được thiết lập vừa vật chất vừa mầu nhiệm, giữa các tín hữu. Thánh Thể là bí tích của sự hiệp thông tuyệt vời. Đồng bàn với Đức Kitô, Chúa chúng ta, mọi người đều dự phần vào cùng một thực tại siêu nhiên: nên một với Đức Kitô và bất cả phân chia. Đức Kitô làm cho cộng đoàn Kitô hữu trở nên một thực thể duy nhất.

Đây là đạo l‎ý căn bản của thánh Phao-lô. Trong cùng bức thư nầy gởi cho Giáo Đoàn Cô-rin-tô, thánh nhân khai triển chủ đề “liên đới” của mọi chi thể thành một thân thể với đầu, thủ lãnh, vừa nguyên l‎‎ý của sự sống vừa là nguyên lý của sự hiệp nhất: “Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận” (1Cr 12: 27).

Thánh Phao-lô lại càng có l‎ý do nhấn mạnh hơn nữa vì các tín hữu Cô-rin-tô chia rẽ nhau. Thánh nhân muốn họ hiểu rằng họ hình thành với nhau không chỉ một sự duy nhất sâu xa, nhưng họ còn nối kết với các cộng đoàn hình thành nên Giáo Hội.

TIN MỪNG (Ga 6: 51-58)
Sau khi hóa bánh ra nhiều, ngày hôm sau Đức Giê-su quay trở lại Ca-phác-na-um. Ở đó Ngài gặp lại đám đông mà Ngài đã cho họ ăn no nê và họ đã đến tìm kiếm Ngài. Trên bờ hồ Đức Giê-su ngỏ lời với họ, tiếp đó, Tin Mừng Gioan nói với chúng ta, Ngài hoàn tất diễn từ của Ngài trong hội đường Ca-phác-na-um (Ga 6: 59).

Bài diễn từ về “bánh hằng sống” (6: 26-58) được chia làm hai phần. Phần thứ nhất được gọi là “diễn từ minh triết” (6: 26-51b) trong đó Đức Giê-su tự giới thiệu Ngài là “Lời từ trời xuống ban sự sống đời đời”. Phần thứ hai được gọi là “diễn từ Thánh Thể” (6: 51c-58) trong đó Ngài giới thiệu Mình và Máu Ngài là “của ăn thức uống đích thật ban sự sống đời đời”.Toàn bộ câu 51 vừa nối kết và nối tiếp hai phần của một diễn từ: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh nầy, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”.  

Đoạn trích dẫn hôm nay là phần thứ hai của diễn từ “bánh hằng sống”. Trong phần thứ nhất, Đức Giê-su đòi hỏi phải tin vào Ngài như điều kiện tiên quyết. Mặc Khải mà Ngài sắp ban lạ lùng đến nỗi nó đòi hỏi, trước hết, “phải tin vào Đấng Chúa Cha đã sai đến” và “tín thác vào Lời Ngài”. Tiếp đó, Đức Giê-su không úp mở đi vào trọng điểm lời công bố của Ngài.

1. Bánh hằng sống từ trời xuống:
“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống”. Trong suốt những lời tuyên bố gây ngạc nhiên của Ngài, Đức Giê-su không ngừng gợi lên nguồn gốc thiên giới của Ngài và tử hệ thần linh của Ngài. Chính vì Ngài đến từ Chúa Cha, vì Ngài nên một với Chúa Cha, mà Ngài có thể tự mình ban phát sự sống, sự sống thần linh: “Bánh tôi sẽ cho, chính là thịt tôi ban, để thế gian được sống”.

Những lời nầy rất gần với những lời mà Đức Giê-su sẽ công bố khi thiết lập Bí Tích Thánh Thể: “Anh em hãy cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy” (Mt 26: 26; Mc 14: 22; Lc 22: 14; 1Cr 11: 24). Chúng ta lưu ‎ý rằng thánh Gioan không dùng từ “thân thể” (sôma) như các sách Tin Mừng Nhất Lãm, nhưng từ “thịt” (sarx), bởi vì từ “sôma” rất dễ hiểu lầm, quả thật, ‎ý nghĩa đầu tiên của từ “sôma” là xác chết, thây ma (cf. Lc 17: 37). Thánh Gioan nối liền Bí Tích Thánh Thể với Mầu Nhiệm Nhập Thể (Ga 1: 14). Ngôi lời nhập thể trở nên bánh ban sự sống. Mầu nhiệm Nhập Thể là căn nguyên ơn cứu độ.

2. Khó mà tin được:
“Người Do thái liền tranh luận sôi nổi với nhau”. Đám đông tách ra thành một nhóm Do thái ngờ vực. Danh xưng Do thái chung chung mang nét nghĩa tiêu cực trong Tin Mừng thứ tư. Danh xưng nầy được dùng để chỉ những người Do thái cứng tin (thuật ngữ “Ít-ra-en” được dành riêng cho những người gắn bó mật thiết với Đức Giê-su).

Quả thật, làm thế nào tin được rằng “ông nầy có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được”. Đức Giê-su càng cảm thấy thái độ ngập ngừng của họ, Ngài càng nhấn mạnh hơn nữa. Càng trở nên thách thức hơn nữa khi không chỉ gợi lên thịt của Ngài, Ngài còn gợi lên máu của Ngài: “Quả thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, thì các ông không có sự sống nơi mình…”

Đây không còn chỉ là điều không thể tin được, nhưng còn là một lời công bố chướng tai gai mắt. Người Ít-ra-en không bao giờ được dùng máu bởi vì máu là trung tâm sự sống, nó được dành riêng cho Thiên Chúa. Vì thế, trong mỗi hy tế, máu phải được dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa. 

Theo cách nầy, Đức Giê-su loan báo tính cách hy tế của Thánh Thể, và mối liên hệ bất khả phân hiệp nhất ân ban thịt và máu của Ngài với cuộc Tử Nạn của Ngài. 

3. Thịt “Con Người”:
Nhưng ở bên kia cuộc Tử Nạn của Ngài, Đức Giê-su gợi lên sự siêu tôn của Ngài khi quy chiếu đến “Con Người”. “Thịt Con Người” thuộc trật tự khác với trật tự trần thế: Đức Giê-su sẽ ban cho con người làm lương thực đó là thân thể vinh hiển của Ngài. Sau diễn từ, Ngài cũng sẽ quy chiếu một cách như vậy đến các môn đệ đang xầm xì về vấn đề nầy: “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao?” (Ga 6: 62).

Như vậy, khi diễn tả lời loan báo ân ban Thánh Thể một cách hiện thực, khá mạnh bạo, Đức Giê-su thử làm cho hiểu rằng ân ban nầy sẽ được trình bày một cách mầu nhiệm, hoàn toàn đặc biệt (được ẩn dấu dưới những từ ngữ: “bánh hằng sống từ trời xuống”).

4. Lời hứa ban sự sống:
Còn về thành quả của Bí Tích Thánh Thể, điểm nhấn được đặt trên sự sống: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy được sống lại…Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh nầy, sẽ được sống muôn đời”. Sự sống siêu nhiên và ‎ý nghĩa cánh chung của nghi thức Thánh Thể rõ ràng được khẳng định. 

5. Hiệp thông mật thiết và nội tại:
“Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy”. Những từ ngữ gợi lên sự hiệp thông mật thiết khôn sánh. Động từ “ở lại” là một động từ thân thiết đối với thánh Gioan, qua đó thánh k‎ý diễn tả tính thường hằng của cuộc sống siêu nhiên luân chuyển trong mỗi Kitô hữu và, một cách nào đó, tính nội tại của Vương Quốc.

6. Lễ Vượt Qua sắp đến.
Thánh k‎ý đã xác định ngay từ đầu, phép lạ bánh hóa nhiều và diễn từ bánh hằng sống được định vị vào thời gian sắp đến lễ Vượt Qua (Ga 6: 4). Đó là l‎ý do tại sao có nhiều người ở Ca-phác-na-um. Người ta quy tụ với nhau khắp miền để theo từng nhóm đến Giê-ru-sa-lem. Như vậy, chính trong bối cảnh lễ Vượt Qua mà Đức Giê-su cho đám đông mặc khải gây xôn xao của Ngài. Trong Tin Mừng thứ tư, lễ Vượt Qua sắp đến nầy là lễ Vượt Qua áp chót của Đức Giê-su. Năm tới Ngài sẽ thực hiện lời hứa của Ngài, Ngài sẽ thiết lập lễ Vượt Qua của Ngài, lễ Vượt Qua đích thật.


Tấm bánh Tình Yêu

Mỗi khi chiêm ngắm Thánh Thể Chúa, tôi không ngừng ngỡ ngàng trước tình yêu của Người. Tình yêu ấy vô cùng cao cả nhưng lại rất đỗi đơn sơ. Đơn sơ như hình ảnh tấm bánh.
Tấm bánh, tình yêu gần gũi.
Sao Chúa không hoá thân làm viên kim cương quý giá mà lại làm một tấm bánh? Tấm bánh bình thường, quen thuộc quá. Từ khi kinh tế phát triển, bánh càng ngày càng xuống giá, bớt được quý trọng.
Tuy bình thường, nhưng bánh vẫn là lương thực cần thiết cho con người. Cũng như khí trời, như nước, bánh đi vào sinh hoạt hằng ngày của con người. Bình thường lắm nhưng không có không được.
Chúa trở thành tấm bánh để gần gũi với loài người, để đi vào sinh hoạt đời thường của con người. Con người có thể đến với Chúa dễ dàng, không e ngại, sợ sệt. Chỉ là một tấm bánh vừa tầm tay mọi người. Chỉ là một tấm bánh sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của con người. Thật khiêm nhường mà đầy ý nhị.
Thật đơn sơ nhưng cũng thật sâu xa vì tấm bánh nói lên tình yêu tự hiến.
Tấm bánh, tình yêu tự hiến.
Bánh sẽ chẳng còn ý nghĩa nếu chỉ để trưng bày cho người ta chiêm ngắm. Bánh chỉ có ý nghĩa khi được sử dụng. Được sử dụng là bị bẻ ra, bị nghiền nát, bị tan biến, bị tiêu hoá. Vì thế, trở thành tấm bánh là chấp nhận chịu đau đớn, chịu huỷ hoại. Đây không phải là một chấp nhận bất đắc dĩ, vì tấm bánh bao giờ cũng mời mọc tiêu thụ.
Khi xưng mình là bánh bởi trời, Chúa Giêsu bày tỏ một tình yêu tha thiết, sẵn sàng chịu nghiền nát, tan biến, chịu chết cho nhân loại. Chúa chịu chết cho ta được sống. Chúa chịu huỷ hoại cho ta được lành lặn các thương tích. Chúa bé nhỏ đi cho ta được lớn mạnh.
Tấm bánh bị tiêu hoá để thực hiện một tình yêu hiệp thông.
Tấm bánh, tình yêu hiệp thông.
Chúa Giêsu tha thiết với sự hiệp thông. Người không ngừng mời gọi con người đến sống thân mật với Người. Người tự nhận mình là cây nho và mời gọi mọi người hãy trở thành cành nho gắn kết với cây nho.
Hôm nay, Người còn chủ động trở thành tấm bánh để hoà vào từng giòng máu, từng thớ thịt của con người trong một kết hiệp sâu xa. Người tự tiêu huỷ mình để trở thành thịt máu của con người. Không còn sự kết hợp nào sâu xa khăng khít hơn nữa.
Tấm bánh gợi lên một bàn tiệc tại đó anh em quây quần trong tình thương, chia sẻ lương thực và chia sẻ tâm tình. Không còn gì đẹp hơn. Chính Chúa Kitô tự hiến mình để quy tụ chúng ta. Chính Chúa Kitô bị bẻ ra để cho tình huynh đệ nhân loại được mặn mà thắm thiết.
Với những gợi ý như thế, Chúa hướng dẫn tôi trong tình yêu mến, trong cử hành và trong cách sống Bí tích Thánh Thể.
Yêu mến Bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là trở nên hiền lành khiêm nhường, sống gần gũi với những người nhỏ bé nghèo hèn?
Cử hành Bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là chấp nhận hao mòn, quên mình, thiệt thòi vì Chúa và vì anh em?
Sống Bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là xây dựng tình đoàn kết, tình huynh đệ với những người sống quanh ta, trong mọi môi trường cuộc sống?
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, con cảm tạ tình yêu vô biên của Chúa. Con chúc tụng ngợi khen Chúa muôn đời. Amen.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Khi dâng lễ, tấm bánh có gợi lên cho bạn điều gì về tình yêu của Đức Giêsu không?
2) Khi bạn rước lễ, bạn có cảm nghiệm được tình yêu của Chúa không?
3) Phép Thánh Thể thôi thúc bạn làm gì?

 

Hiến lễ cuộc đời

Theo giáo lý của Hội thánh "Bản chất của Bí tích Thánh Thể không chỉ là bữa ăn chung, mà còn và trước tiên là hiện tại hóa hy lễ thập giá. Thiếu giá trị hy tế, Mầu Nhiệm Thánh Thể không có ý nghĩa và chỉ có giá trị như là một buổi gặp gỡ giao hảo và huynh đệ" (BT cứu độ).
Vì thế, hôm nay chúng ta cùng nhau khơi gợi lại ý nghĩa và những giá trị thiêng liêng của thánh lễ để qua đó chúng ta sẽ tham dự thánh lễ một cách tích cực và sốt sắng hơn. Vậy, thánh lễ là gì?
Thánh lễ là diễn lại cuộc hy tế của Chúa Giêsu ngày xưa trên thập giá, là bàn tiệc Nước Trời mà chúng ta được mời gọi tham dự; là thông phần khổ nạn và phục sinh của Chúa Kitô, vì thế, khi chúng ta tham dự thánh lễ, là chúng ta đóng vai trò của:
- Đức Trinh Nữ Maria: Mẹ dâng lên Thiên Chúa Cha lời xin vâng trọn vẹn qua sự hiệp thông với Con yêu qúy để cứu độ trần gian. Chính Mẹ đã kết hợp đau khổ từ trái tim của mình với đau khổ máu đổ tuôn rơi của Con để mang lại mùa xuân cứu rỗi cho trần gian.
Cũng vậy, khi chúng ta đi dâng thánh lễ, là chúng ta đem những lao công vất vả trong ngày của mình, những khổ đau trong tâm hồn, đem những tâm tình vui tươi, lạc quan của mình, hợp với của lễ trên bàn thờ là Đức Kitô dâng lên Thiên Chúa Cha, để nhờ Đức Kitô, xin Ngài ban ơn cho chúng ta, tha tội cho chúng ta và xin ơn cứu độ cho toàn thể thế giới. Một sự hy sinh vất vả của một đời lao nhọc để đem lại nguồn sống và hạnh phúc cho mái ấm gia đình, là một lễ vật tuy không đổ máu nhưng cô quặng trong những giọt mồ hôi, những giọt nước mắt chảy ngược vào tim. Đó là một hiến tế mà bổn phận đòi hỏi chúng ta phải chu tòan. Đó là lễ vật mà hằng ngày chúng ta có thể thưa lên với Chúa: "Xin Chúa nhận lễ vật bởi tay cha để tôn vinh danh Chúa và sinh ơn ích cho toàn thể Hội thánh Người.
- Chúng ta cũng đóng vai trò của thánh Gioan Tông đồ, đã gan dạ đứng kề bên thập giá như một chứng nhân cho cái chết hiến tế của Thầy Chí Thánh Giêsu. Gioan không chạy trốn như bao môn đệ khác. Gioan không bàng quang như bao người khách qua đường, nhưng ông đứng dưới chân thập giá như muốn nói lên tấm lòng sẵn lòng cùng Thầy trải qua cuộc thương khó đau thương.
Cuộc sống của chúng ta luôn có thánh giá, thánh giá trong bổn phận, trong trách nhiệm, trong những lao nhọc của công ăn việc làm, trong những ưu tư lo lắng cho con cái, cho hạnh phúc gia đình. Đó là thánh giá mà Chúa đang cần chúng ta ôm lấy vào cuộc đời mình. Không trốn tránh thập giá, nghĩa là không lẩn trốn đau khổ, lẩn trốn trách nhiệm. Cuộc đời này ai cũng muốn an nhàn nhưng để được hưởng những tháng ngày an nhàn thì cần phải có những ngày tháng lao động cực khổ. Có gieo - có gặt. Có trồng mới có ngày hưởng nếm những thành quả của mình.
- Cuối cùng, khi tham dự thánh lễ là chúng ta thông hiệp vào Mình và Máu Thánh Chúa Kitô. Chúng ta được kết hợp nên một trong Chúa Kitô. Chúa Kitô là Đầu Hội Thánh đã dâng chính mình làm tế lễ, còn chúng ta là những chi thể trong nhiệm thể của Người, chúng ta cùng ăn một bánh, cùng uống một chén thánh là chính Mình Máu Thánh Chúa Kitô, chúng ta có cùng chịu hiến tế chính mình như Đức Kitô là Đầu của Hội thánh hay không? Liệu rằng, chúng ta có thể đứng nhìn Chúa chịu sát tế, còn mình không chịu làm gì cả, hay chỉ đứng đó như những khách bàng quang, đứng bên vệ đường nhìn xem máu Chiên Con vô tội đang đổ ra vì loài người, mà lòng mình không cảm thấy một chút hổ thẹn hay ái ngại lương tâm? Chúa Kitô vẫn đang đổ máu vì tội lỗi loài người. Giáo hội vẫn đang hiệp thông với đau khổ của Con Chiên Thiên Chúa, còn chúng ta sẽ đóng góp phần vụ gì trong việc đền tội cho thế giới và cứu độ trần gian?
Chúng ta biết rằng, trên bàn thờ tế lễ Giáo hội buộc phải có tượng Chúa chịu nạn, chính là để nhắc nhở chúng ta phải hy sinh, phải dâng hiến mình như Chúa Giêsu đã hiến dâng. Phải đóng góp phần chúng ta như Mẹ Maria đã đóng góp chính nỗi đau khổ xé nát lòng mình, hiệp thông với đau khổ của Chúa Giêsu để dâng lên Chúa Cha. Phải đóng góp phần chúng ta như Gioan đứng sát cây thập giá để nói lên tình yêu thuỷ chung sắt son với Thầy, cho dù phải cùng Thầy trải qua những cam go của đỉnh đồi Calve.
Thiết tưởng để thánh lễ thực sự mưu ích cho phần rỗi chúng ta và cho toàn thể nhân loại. Mỗi người chúng ta cũng phải biết gom góp hy sinh mỗi ngày như những hạt lúa bị nghiền nát, như trái nho ép thành chén rượu mới có của lễ để dâng trên bàn thờ. Đó chẳng phải là mồ hôi nước mắt trong lao công con người làm nên hay sao? Đó chẳng phải là những hy sinh, những chén đắng trong cuộc đời mà mỗi người chúng ta đang chấp nhận vì lòng yêu mến Chúa hay sao?
Lạy Chúa, xin nhận lấy hạt lúa chấp nhận phân huỷ, mục nát là cuộc đời chúng con. Dưới cối xay của bổn phận trong bậc sống của mình, của những thập giá đắng cay trong những thất bại, bị bỏ rơi, bị hiểu lầm,... Xin cho con được nghiền nát cho Chúa, cho dẫu tâm hồn và thân xác của con có tan nát nhưng xin cho ngọn lửa tình yêu mến làm con trở nên một tấm bánh tinh tuyền hiến dâng cho Thiên Chúa. Amen.
 
Sưu tầm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn