.
Sion từng nói: Đức Chúa đã bỏ tôi, Chúa Thượng tôi đã quên tôi rồi!” Có người phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình Hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên con mình đi chăng nữa, thì Ta, Ta sẽ chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49,15)
“Tích cực kiến tạo hòa bình, kiên quyết đấu tranh cho công lý, không nuôi hận thù”
Bài giảng của Đức giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp tại giáo xứ Mỹ Lộc, giáo phận Vinh
(2-12-2011)
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Không hẹn mà hò, qua bài đọc hôm nay Thiên Chúa như đang thầm thĩ với giáo dân ở giáo xứ Mỹ Lộc này. Thật vậy, bài đọc thứ nhất, trích sách tiên tri Isaia, vừa là một lời hứa hẹn, vừa là một niềm an ủi đối với những con người đang hoang mang, âu sầu và thất vọng. Đức Chúa phán thế này:
“Sion từng nói: Đức Chúa đã bỏ tôi,
Chúa Thượng tôi đã quên tôi rồi!”
Có người phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình
Hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau?
Cho dù nó có quên con mình đi chăng nữa,
thì Ta, Ta sẽ chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49,15)
Mọi người đều biết rằng trên cuộc đời này không có tình yêu nào cao cả hơn tình mẫu tử. Trong trái tim của người mẹ, mỗi đứa con có chỗ riêng và không đứa con nào mà không phải là đứa con thân yêu nhất. Nhiều khi những đứa con bệnh tật, ốm yếu, bất hạnh… lại là những đứa con được mẹ săn sóc và yêu thương hơn. Ngay cả lúc những đứa con đã lớn hay đã vỗ cánh rời xa tổ ấm… thì người mẹ vẫn canh cánh bên lòng khôn nguôi. Một thi sĩ Việt Nam diễn tả sâu sắc:
“Con dù lớn vẫn là con mẹ
Đi suốt đời, lòng mẹ vẫn theo con”.
Tiên tri Isaia không những ví Thiên Chúa với tình mẫu tử hải hà, yêu thương vời vợi, mà còn xác quyết rằng Ngài luôn yêu thương, săn sóc và chăm lo cho chúng ta hơn tất cả mọi người mẹ trần gian. Và tiên tri còn nhấn mạnh hơn nữa: “Có người mẹ nào mà không yêu đứa con thơ mình sinh ra. Giả thử có người mẹ nào quên đứa con mình, thì Ta, Ta không quên con bao giờ”. Chính trong niềm tin đó, chúng ta ca ngợi và tôn thờ Chúa. Chính Người là niềm an ủi và chỗ nương tựa vững chắc cho chúng ta. Chúa yêu thương chúng ta, và đối với Ngài, mỗi chúng ta có một vị trí bất khả thay thế trong trái tim của Ngài.
Kính thưa cộng đoàn, trong mấy ngày vừa qua đã có chuyện đau buồn xẩy ra tại một vùng đất vốn yên ổn, an hòa này. Tôi mới về giáo phận Vinh, nhưng nghe nói vùng đất này, từ lâu đời rồi, lương giáo vẫn luôn thuận hòa với nhau. Ít khi xẩy ra những xích mích mang tính chất tôn giáo.
Rất tiếc, cách đây hơn một tuần lễ, sóng gió đã nổi lên và một số anh chị em của chúng ta trở thành nạn nhân của bạo lực. Chúng tôi lúc đó đang ở trong tuần tĩnh tâm, nhưng liền khi nghe tin, tôi đã gọi cho lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh. Và ở đây cũng phải công nhận lãnh đạo Tỉnh đã hành động và phản ứng kịp thời. Chúng tôi chân thành cảm ơn lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, đặc biệt là ông Nhật cũng như ông Kỳ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh. Tuy nhiên, chúng tôi cũng hơi buồn là lãnh đạo xã Bình Lộc và huyện Lộc Hà vẫn chưa nghiêm chỉnh chấp hành những gì mà trong cuộc họp với cha quản nhiệm và HĐMV giáo xứ Mỹ Lộc đã đi đến quyết định là phải phát thanh lại những gì đã nói để đính chính những nguồn tin không chính thức gây nên sự xung đột, gây nên sự hiểu lầm giữa lương dân và giáo dân. Hậu quả là, chỉ vì mấy mét vuông đất mà để dân chúng phải xung đột, đổ máu như vậy. Đó là điều mà chúng ta không thể chấp nhận. Chúng tôi cực lực phản đối và tiếp tục phản ảnh lên Tỉnh về những quyết định chưa được thực hành một cách nghiêm chỉnh.
Nhưng đối với chúng ta, những người Công giáo, những người con Chúa, thì một mặt chúng ta đòi hỏi công lý, đòi được đối xử một cách hợp tình hợp lý, và cũng yêu cầu những người có trách nhiệm trong vụ này phải có một lời xin lỗi nào đó hay phải đính chính những thông tin sai lạc. Tuy nhiên, mặt khác, giáo huấn xã hội của Công giáo, cũng như tình yêu của Đức Giêsu đòi hỏi chúng ta phải biết mở rộng tấm lòng. Chúng ta phải là những con người của Tin Mừng và phải tích cực kiến tạo hòa bình. Dĩ nhiên, chúng ta phải kiên quyết đấu tranh cho công lý và sự thật, nhưng đồng thời cũng không giữ hận thù trong trái tim để mau chóng thiết lập lại cuộc sống hài hòa xưa kia. Chúng ta sẽ làm tất cả những gì có thể để công lý được thực hiện, nhưng đồng thời vẫn đi xa hơn công lý, vì đạo Chúa dạy chúng ta là bên trên công lý, bên trên lẽ phải vẫn còn tình thương, vẫn còn sự tha thứ. Đức Giêsu cũng đòi hỏi chúng ta mở rộng trái tim như Ngài đã mở rộng trái tim. Cái đó mới là đặc điểm của Kitô giáo, mới là căn tính của đạo Chúa. Đức Giêsu trên Thánh giá, như chúng ta đã đọc đi đọc lại trong mùa chay, giữa lúc đang chịu những cực hình do bọn người thù ghét gây nên, vẫn nói lên lời tha thứ và yêu thương. Ra như Ngài còn bào chữa cho những người đã gây nên khổ đau cho bản thân Ngài: “Lạy Cha, xin hãy tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”. Đức Giêsu biết rõ họ cố chấp, nhưng Ngài vẫn quảng đại bào chữa cho họ.
Chúng ta luôn được mời gọi để tha thứ, để tái lập hòa bình, để cho con em của chúng ta đi học không gặp khó khăn. Chúng ta vẫn cương quyết đấu tranh và phản kháng, nếu vì một lý do nào đó con em của chúng ta tại nhà trường hay trên đường đi học gặp khó khăn hay bị kỳ thị. Tuy nhiên, chúng ta làm tất cả với tấm lòng của một người đi tìm công lý, nhưng đồng thời cũng là những người biết yêu thương, biết tha thứ, biết lấy Bài Giảng Trên Núi của Chúa làm kim chỉ nam cho cuộc sống.
Tôi biết rằng giáo dân Mỹ Lộc của chúng ta từ bao đời nay vẫn sống đạo tốt, vẫn để những dấu chỉ yêu thương, dấu chỉ bình an hòa thuận đối với chòm xóm. Vừa rồi đây chúng ta bị đẩy vào cơn xoáy của bạo lực mà chúng ta chỉ là nạn nhân. Chính vì thế chúng ta cũng yêu cầu để làm sáng tỏ điều đó. Nhưng cho dù chúng ta là nạn nhân đi chăng nữa, vì là người Công giáo, chúng ta không được nuôi hận thù và cũng không lấy hận thù hay lấy đấu tranh giai cấp làm lẽ sống, làm kim chỉ nam cho cuộc đời. Trái lại, yêu thương và tha thứ vẫn là điều răn, vẫn là kim chỉ nam cho cuộc đời chúng ta. Điều đó rất khó, điều đó nói thì dễ nhưng thực hành thì rất cam go. Nhưng chính Đức Giêsu đã chịu chết và đã mở con đường yêu thương cho chúng ta đi. Hy vọng rằng, sự kiên cường của chúng ta, sự cương quyết để giữ vững công lý nhưng đồng thời vẫn sẵn sàng yêu thương, vẫn sẵn sàng hòa giải khi điều kiện cho phép và khi Đạo Chúa đòi hỏi, sẽ giúp chúng ta làm chứng cho Chúa tốt hơn và hiệu quả hơn trong môi trường mà chúng ta đang sống.
Trong thánh lễ này, chúng ta đặc biệt cầu nguyện cho tất cả những nạn nhân oan uổng, những nạn nhân vô tội của cuộc xô xát vô lý vừa rồi. Chúng ta cũng cầu nguyện để lương giáo được hòa thuận với nhau, để hiểu và cảm thông nhau hơn. Chúng ta cũng cầu nguyện cho những thông tin sai lạc, những ý đồ gây xung đột vô lý này… một ngày kia sẽ được làm sáng tỏ, càng sớm càng tốt.
Xin Chúa là người Cha nhân lành, người Cha vẫn luôn nghĩ đến chúng ta như những người mẹ vẫn luôn nhớ đến đứa con thơ của mình, luôn phù trợ chúng ta. Xin Ngài chúc phúc cho chúng ta, nhất là xin Ngài ban sức khỏe cho những người bị nạn trong cuộc xô xát vừa rồi. Xin cho những vết thương thể lý và những vết thương lòng mau được chữa lành để chúng ta trở lại cuộc sống bình thường của một người dân ở đây, tại xã Bình Lộc này.
Chân thành cảm ơn những anh chị em đến từ các giáo xứ Trung Nghĩa, An Nhiên… Sự hiện diện của anh chị em hôm nay nói lên tình liên đới giữa các giáo xứ với nhau, đồng thời nói lên tình bằng hữu thân thiết của chúng ta. Chính trong cơn hoạn nạn, thử thách là lúc chúng ta cần đến bàn tay và sự liên đới của anh chị em đồng đạo, cũng như những bà con lối xóm, những người hiểu sự việc và luôn luôn sống trong sự thật, với lương tâm ngay thẳng, bất luận thuộc tôn giáo hay vùng đất nào. Amen.
Mỹ Lộc chiều ngày 02/12/2011
Gm Phaolô Nguyễn Thái Hợp
------------------------------------------------------------------