Đang truy cập : 101
•Máy chủ tìm kiếm : 38
•Khách viếng thăm : 63
Hôm nay : 3357
Tháng hiện tại : 370642
Tổng cộng : 36324868
Di sản của Chân phước Gioan Phaolô II trong ĐTC Phanxicô
Sự Đau Khổ, Lòng Thương Xót và Sứ Vụ:
Di sản của Chân Phước Gioan Phaolô II trong Đức Thánh Cha Phanxicô
Hai vị Giáo Hoàng và hai nhà Toán học Thần học
Tôi không có ý nói rằng Đức Thánh Cha Bênêđictô ở bên ngoài chủ đề có tính liên tục này. Chắc chắn ngài là một phần của sự liên tục, nhưng hôm nay tôi đang tập trung vào Đức Gioan Phaolô và Đức Phanxicô.
Cả Chân Phước Gioan Phaolô II và Đức Thánh Cha Phanxicô thường nói về phẩm giá của con người. Thông điệp đầu tiên của Đức Gioan Phaolô II “Đấng Cứu Chuộc Con Người”, bao gồm trọng tâm tư tưởng của ngài và toàn bộ hướng đi của ngài với tư cách là Đức Giáo Hoàng. Các sáng kiến mục vụ của Năm Thánh Cứu Chuộc, Năm Thánh của thiên niên kỷ mới, các cuộc gặp gỡ với giới trẻ và rất nhiều chuyến tông du, thăm viếng, tất cả đều xoay quanh sự hiểu biết của con người trong sự vĩ đại của nó và trong mầu nhiệm của tội lỗi và sự sa ngã. Cốt lõi bài viết của Đức Gioan Phaolô II là sự thật sâu sắc về thực tế hoàn cảnh khó khăn của con người và nhu cầu căn bản của con người đối với một Đấng Cứu Chuộc.
Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, điều này được nhìn thấy trong sự tiếp cận liên tục của ngài về sự sa ngã của con người: loại trừ khỏi xã hội; sự lãng quên; những người di dân bị chết đuối vì đắm tàu ở đảo Lampedusa, Ý vào đầu tháng 10 vừa qua. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhìn thấy sự may mắn, thịnh vượng của phương Tây, những ưu tiên dành cho của cải vượt trên cả việc quan tâm chăm sóc kẻ khốn cùng như một dấu hiệu và hậu quả của sự thiếu đức tin, mà không can thiệp vào việc chuẩn bị cơ sở vững chắc cho một xã hội, trong đó con người thực sự quan tâm đến nhau.
“Sự hợp nhất của họ có thể hiểu được là chỉ dựa trên tiện ích, trên toan tính về những lợi ích hoặc sợ hãi trái ngược nhau, nhưng không dựa trên sự tốt lành của việc cùng nhau chung sống, cũng không dựa trên niềm vui mà sự hiện diện đơn thuần của tha nhân có thể mang lại. Đức tin làm cho chúng ta hiểu cấu trúc của các mối liên hệ con người, vì nó biết rằng nền tảng cuối cùng và số phận dứt khoát là ở nơi Thiên Chúa, trong tình yêu của Ngài, và do đó làm sáng tỏ nghệ thuật xây dựng, trở thành một phục vụ cho công ích. Phải, đức tin thực sự là sự tốt lành cho tất cả mọi người, nó là một lợi ích chung” (Thông điệp Ánh sáng Đức Tin, số 51).
Sự nhận thức sâu sắc về đỉnh điểm cao nhất mà con người có thể cùng nhau mở rộng tương phản với vực thẳm mà từ đó con người đã sa ngã. Cả hai Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Phanxicô có cùng một quan niệm về Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Lòng thương xót là câu trả lời của Thiên Chúa đối với sự sa ngã, và lòng thương xót có một tên gọi: Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa Nhập Thể.
Thông điệp lớn thứ hai của Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là một thông điệp mở rộng về hình ảnh Thiên Chúa là Cha “giàu lòng thương xót”. Trong ngày ngài được phong thánh, Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa, chúng ta nhớ lại sự thúc đẩy của ngài đối với ngày lễ này, (đáp ứng lời yêu cầu của Thánh Faustina, người đã được ngài phong thánh) và sự ra đi của ngài vào đêm trước của Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa năm 2005. Thiên Chúa, Đấng “giàu lòng thương xót” được nói đến trong lời cầu nguyện mở đầu của Thánh Lễ trong ngày lễ tưởng nhớ Chân Phước Gioan Phaolô (22/10).
Lời giảng dạy và mẫu gương của Đức Thánh Cha Phanxicô dựa trên mệnh lệnh khẩn thiết noi gương Đức Kitô với lòng thương xót dành cho tha nhân. Và điều này lần lượt dựa trên một khái niệm về Thiên Chúa là người Cha nhân hậu. Tất cả các khái niệm khác về Thiên Chúa: Đấng sáng tạo; Đấng ban lề luật; Vị thẩm phán, phải được hiểu trong ánh sáng của tình yêu nhân hậu. Nội dung cơ bản của đức tin là một niềm tin vào một Thiên Chúa tình yêu. Cấu trúc này được diễn tả trong toàn bộ chương đầu tiên của thông điệp Ánh Sáng Đức Tin (Lumen Fidei). Đức Thánh Cha Phanxicô hiếm khi nói chuyện mà không đề cập đến tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa.
Đối với cả hai Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Phanxicô, mệnh lệnh truyền giáo được phát sinh ra từ một sự hiểu biết sâu sắc về tình yêu Thiên Chúa và nhu cầu của con người. Đức Giêsu là Thiên Chúa, là Đấng cứu độ, Đấng là sự Nhập Thể của tình yêu Thiên Chúa, đã xuống thế để cứu chúng ta thoát khỏi tội lỗi và khôi phục lại sự cao quí cho chúng ta. Tội lỗi và sự sa ngã không phải là kết thúc câu chuyện của chúng ta, cuộc sống của con người không phải là một bi kịch, điều tuyệt vời và bất ngờ nhất đã xảy ra: Chính Thiên Chúa đã trả món nợ vô hạn của chúng ta để sự công chính của Thiên Chúa ở trong sự đau khổ của con người.
Sứ vụ của chúng ta như một Giáo Hội là loan báo Tin Mừng, cử hành Tin Mừng trong phụng vụ, Tin Mừng được nuôi dưỡng bằng sự tươi mát không bao giờ phai trong các bí tích, và sống Tin Mừng trong niềm vui và mời gọi những người khác, để họ được lôi cuốn vào chiều sâu của chân lý cốt yếu ơn cứu độ của chúng ta. Bất cứ khi nào điều đó xảy ra, ở những nơi mà Lời Đức Kitô được rao giảng, Thân Thể của Người được thánh hiến, ân sủng của Người được chia sẻ, tình yêu của Người mở rộng cho toàn thể Giáo Hội, cho dù nó được thực hiện trong một tòa nhà hoặc qua bàn tay của một tình nguyện viên trong một số lĩnh vực truyền giáo bị lãng quên. Chúng ta chỉ là những Kitô hữu thực sự khi chúng ta thể hiện sứ mệnh của Đức Kitô và chia sẻ lòng nhân hậu của Thiên Chúa với tất cả những ai chúng ta gặp gỡ, những người đang khao khát ân sủng của Thiên Chúa.
Sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viết Thông điệp Centesimus Annus, dành cho các Giám Mục, có cả một chương trong thông điệp nói về con người như “con đường của Giáo Hội”. Sự thôi thúc truyền giáo vượt xa hơn các bài giảng. Lời Chúa phải trở nên sống động trong cả hệ thống chính trị cũng như kinh tế. Vào tháng 10 năm 1978, Đức Hồng Y Karol Wojtyla đã bắt đầu triều đại giáo hoàng qua câu nói với tất cả mọi người: “Đừng sợ”. Hãy mở rộng cửa cho Đức Kitô, không chỉ cánh cửa của tâm hồn chúng ta mà còn là cánh cửa của các hệ thống chính trị và kinh tế. Đối với Chân Phước Gioan Phaolô II, sống một cuộc sống mà nhờ đó tất cả chúng ta có thể giúp đỡ những người chúng ta gặp gỡ được tốt hơn trong một nhân đức và một nguyên tắc đạo đức xã hội: tình đoàn kết.
Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô cũng vậy, điều này là cốt lõi sứ mệnh của Giáo Hội. Bất kỳ sự cải cách, bất kỳ tên gọi nào của một vị giám mục, bất kỳ hành động nào của vị Đại diện Đức Kitô, đều được đánh giá bởi một tiêu chí cuối cùng: Quyết định này có giúp Giáo Hội sống sứ mạng của Đức Kitô tốt hơn khộng? Những người lãnh nhận sứ vụ mang Đức Kitô cho người khác cần phải quay trở lại đời sống cầu nguyện và thường xuyên lãnh nhận các bí tích để múc nước từ Suối Nguồn Sự Sống. Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, Kitô giáo là một cuộc gặp gỡ sâu xa với Chúa, là Đấng dẫn chúng ta đến gặp gỡ tha nhân và hướng dẫn họ cảm nghiệm niềm vui xuất phát từ một mình Đức Kitô .
Dù khác biệt trong phong cách và cá tính, nhưng tâm hồn của hai triều đại giáo hoàng này rất giống nhau. Trong nhiều cách, đó là hiện thân của Công Đồng Vatican II, Công Đồng này đã được Chân Phước Gioan XXIII triệu tập.
Đức Thánh Cha Phanxicô học toán học thần học của mình từ Chân phước Gioan Phaolô II: Sự đau khổ + Lòng thương xót = Sứ vụ.
Sr. Ngô Liên chuyển ngữ từ bài viết của Tiến sĩ Edward Mulholland
Nguồn: zenit.org
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn