1
10:16 +07 Thứ bảy, 08/06/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 176


Hôm nayHôm nay : 26432

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 502494

Tổng cộngTổng cộng : 29678744

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » SUY NIỆM CHÚA NHẬT

Lời Chúa và các bài suy niệm Chúa nhật tuần 28 Thường niên A

Thứ sáu - 10/10/2014 11:04-Đã xem: 1311
Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới". Các đầy tớ liền đi ra đường, gặp ai bất luận tốt xấu, đều quy tụ lại và phòng cưới chật ních khách dự tiệc. {Đoạn vua đi vào quan sát những người dự tiệc, và thấy ở đó một người không mặc y phục lễ cưới. Vua liền nói với người ấy rằng: "Này bạn, sao bạn vào đây mà lại không mặc y phục lễ cưới?" Người ấy lặng thinh. Bấy giờ vua truyền cho các đầy tớ rằng: "Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng! Vì những kẻ được gọi thì nhiều, còn những kẻ được chọn thì ít
Lời Chúa và các bài suy niệm Chúa nhật tuần 28 Thường niên A

Lời Chúa và các bài suy niệm Chúa nhật tuần 28 Thường niên A

LỜI CHÚA TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN A
BÀI ĐỌC I: Is 25, 6-10a

"Chúa mời đến dự tiệc của Người và lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt".

Trích sách Tiên tri Isaia. 
Ngày ấy, Chúa các đạo binh sẽ thết tất cả các dân trên núi này một bữa tiệc đầy thịt rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon. Trên núi này, Người sẽ cất khăn tang bao trùm muôn dân và tấm khăn liệm trải trên mọi nước. Người tiêu diệt sự chết đến muôn đời. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt, và cất bỏ khỏi toàn mặt đất sự tủi hổ của dân Người, vì Người đã phán. Ngày đó, người ta sẽ nói: Này đây Chúa chúng ta. Đây là Chúa, nơi Người, chúng ta đã tin tưởng, chúng ta hãy hân hoan và vui mừng vì ơn Người cứu độ, vì Chúa sẽ đặt tay của Người trên núi này. Đó là lời Chúa.


ĐÁP CA: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6
Đáp: Trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài.

Xướng: 1) Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. 
2) Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. - (Lạy Chúa,) dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Người, đó là điều an ủi lòng con.
3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương; đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa.
4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo con hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, con sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài.


BÀI ĐỌC II: Pl 4, 12-14. 19-20
"Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philípphê.
Anh em thân mến, tôi biết chịu thiếu thốn và biết hưởng sung túc. Trong mọi trường hợp và hết mọi cách, tôi đã học cho biết no, biết đói, biết dư dật và thiếu thốn. Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi. Nhưng anh em đã hành động chí lý khi san sẻ nỗi quẫn bách của tôi. Xin Thiên Chúa cung cấp dư dật những nhu cầu của anh em, theo sự phú túc vinh sang của Người trong Đức Giêsu Kitô. Vinh danh Thiên Chúa là Cha chúng ta muôn đời. Amen! Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: x. Cv 16, 14b
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy mở lòng chúng con, để chúng con lắng nghe lời Con của Chúa. - Alleluia.


PHÚC ÂM: Mt 22, 1-10 {hoặc 1-14}
"Các ngươi gặp bất cứ ai, thì hãy mời vào dự tiệc cưới".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. 
Khi ấy, Chúa Giêsu lại phán cùng các đầu mục tư tế và kỳ lão trong dân những dụ ngôn này rằng: "Nước trời giống như vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử. Vua sai đầy tớ đi gọi những người đã được mời dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến. Vua lại sai các đầy tớ khác mà rằng: "Hãy nói cùng những người đã được mời rằng: Này ta đã dọn tiệc sẵn rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi, mọi sự đã sẵn sàng: xin mời các ông đến dự tiệc cưới". Những người ấy đã không đếm xỉa gì và bỏ đi: người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán; những người khác thì bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi. Khi vua nghe biết, liền nổi cơn thịnh nộ, sai binh lính đi tru diệt bọn sát nhân đó, và thiêu huỷ thành phố của chúng. Bấy giờ vua nói với các đầy tớ rằng: "Tiệc cưới đã dọn sẵn sàng, nhưng những kẻ đã được mời không đáng dự. Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới". Các đầy tớ liền đi ra đường, gặp ai bất luận tốt xấu, đều quy tụ lại và phòng cưới chật ních khách dự tiệc. {Đoạn vua đi vào quan sát những người dự tiệc, và thấy ở đó một người không mặc y phục lễ cưới. Vua liền nói với người ấy rằng: "Này bạn, sao bạn vào đây mà lại không mặc y phục lễ cưới?" Người ấy lặng thinh. Bấy giờ vua truyền cho các đầy tớ rằng: "Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng! Vì những kẻ được gọi thì nhiều, còn những kẻ được chọn thì ít".}  Đó là lời Chúa.

 

Chú giải và gợi ý suy niệm Chúa nhật 28 thường niên A: 
DỤ NGÔN TIỆC CƯỚI HOÀNG GIA

 

1. Ngữ cảnh

Cả ba dụ ngôn nối tiếp nhau – Hai người con (21,28-32), Những người thợ vườn nho(21,33-46) và Tiệc cưới hoàng gia (22,1-14) – đều được gửi đến cho các thượng tế và các kỳ mục của Dân (x. 21,23) và đều mang mộtsứ điệp rất giống nhau. Bằng các dụ ngôn này, với mộtlời khuyến cáo lặp đi lặp lại, nghiêm túc, mạnh mẽ, Đức Giêsu muốn làm cho họ mở mắt ra để hiểu tương quan của họ với Thiên Chúa. Các thượng tế và các kỳ mục không được chạy theo ảo tưởng nào, nhưng phải thấy rõ tương quan đó trước khi quá muộn và phải điều chỉnh bản thân cho kịp thời.

Thật ra các dụ ngôn và các lời khuyến cáo không phải chỉ được dành cho giới lãnh đạo Do Thái giáo, nhưng cũng được gửi đến cho thính giả mọi thời. Thiên Chúa không ép buộc; Ngài ngỏ với chúng ta và chờ đợi chúng ta tự do quyết định. Các người con được mời đi làm việc trong vườn nho của cha; những người thợ vườn nho được nhắc nhở giao nộp hoa lợi thuộc về ông chủ; những khách được mời được kêu gọi đến dự tiệc cưới. Không mộtai bị bó buộc phải xử sự theo cách nào cả. Thiên Chúa kiên nhẫn và đại lượng ước muốn rằng lời mời của Ngài được đón nhận.

2. Bố cục

Bản văn có thể chia thành bốn phần:

1) Mở (22,1);

2) Dụ ngôn Tiệc cưới thất bại (22,2-7);

3) Dụ ngôn Tiệc cưới thành công (22,8-13):

a) Mời mọi người (cc. 8-10),

b) Vấn đề áo cưới (cc. 11-13);

4) Kết luận: Lời bình của Đức Giêsu (22,14).

3. Vài điểm chú giải

- mở tiệc cưới cho con mình (1): Hình ảnh bữa tiệc thiên sai có lẽ được mượn từ Cựu Ước (Is25,6; 55,1-3). Nó diễn tả tính nhưng-không của ơn cứu độ được Thiên Chúa ban tặng cho Dân Ngài.

- nhưng họ không chịu đến (3): Dịch sát là “không muốn đến”. Mt dùng động từ “muốn” (thelô), là mộtđộng từ ngài ưa chuộng (x. 11,14; 16,24; 18,30; 19,17; 23,27b) để diễn tả mộtquyết định rõ ràng.

- Vậy các ngươi đi ra (9): Công thức mệnh lệnh poreuesthe (các ngươi hãy đi) oun (vậy) khiến chúng ta hướng tới công thức phân từ poreuthentes oun có giá trị như mộtmệnh lệnh ởMt 28,19, khi Đức Giêsu sai phái các môn đệ đi đến với Dân ngoại (“muôn dân”).

các ngả đường (9): Từ diexodos thuộc Bản LXX có nghĩa là điểm bắt đầu hay là điểm đến, phần xa nhất của một miền đất. Vậy dịch diexodoi tôn [h]odôn là “các ngả đường” dường như không chính xác. Đây là điểm mà từ đó con đường ([h]odos) bắt đầu hay kết thúc. Như thế các đầy tớ đi ra khỏi thành và tỏa ra khắp nơi cho đến tận biên cương của vương quốc.

- bất luận xấu tốt (10): Những người “xấu” này có thể là những người tội lỗi, một khi đã được kêu gọi nhưng-không, sẽ sửa mình khi đã vào trong Vương Quốc hoặc trong Hội Thánh; mà cũng có thể là những người xấu theo nghĩa tuyệt đối, sẽ bị loại trừ ngày nào đó khỏi Vương Quốc (hoặc khỏi Hội Thánh). Các câu 11-14 hiểu theo nghĩa thứ hai này.

- quan sát (11): Động từ theaomai có nghĩa là “nhìn xem; chiêm ngưỡng; quan sát”. Bên Đông phương, các nhân vật quan trọng không ngồi ăn chung với các khách mời, nhưng chỉ xuất hiện vào mộtlúc nào đó để chào cách quan khách. Phân đoạn gồm cc. 11-13 hẳn là một bản văn áp dụng cho đời sống Hội Thánh (trong khi cc. 1-10 áp dụng cho lịch sử dân Do Thái), nay được đưa vào đây để sửa chữa mộtlối giải thích quá tự do cc. 1-10. Quả thật, việc đi vào Hội Thánh là chuyện nhưng-không, nhưng cũng không được quên rằng đấy là Hội Thánh của Đức Vua! Đã nhận ơn, thì phải sống theo chiều hướng của ơn đã nhận.

- không có y phục lễ cưới (12): Vào thời Thượng Cổ, không có tập tục các khách mời phải mặc một bộ y phục riêng cho tiệc cưới; chỉ cần một bộ y phục sạch sẽ, trang trọng, là được. Do đó, công thức “y phục lễ cưới” khiến độc giả phải nghĩ đến nghĩa ẩn dụ. Cụm từ “y phục lễ cưới” (endyma gamou) này hẳn cũng là thực tại được dụ ngôn Những người thợ vườn nho nói đến, đó là các hoa trái của Vương Quốc, phải có trước khi ra trước tòa phán xét. Đây là “sự công chính” thường được TM Mt nói đến (ch. 5–7: 5,20; 6,33…). Xem thêm: Is 61,10; Ep4,24; Gl 3,27; Kh 19,6-8; 7,9-17.

- kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít (14): Ngôn ngữ Híp-ri không có những hình thái đặc biệt cho các tính từ ở dạng so sánh (comparative: better; more) hay tối thượng cấp (superlative: best; most); do đó, người ta dùng cách kiểu nói quanh (paraphrases). Phải dựa vào ngữ cảnh thì mới xác định được nghĩa so sánh nằm ở dưới. Xem Mc 9,42; Mt 22,36; 26,24; Lc10,42; 18,14…

4. Ý nghĩa của bản văn

* Mở (1)

Dụ ngôn này được ngỏ với những thính giả đã được nói đến (“họ” = “các thượng tế và người Pharisêu”, x. 21,45), những người phải gánh lấy tất cả trách nhiệm và tội lỗi, khi từ khước Đức Kitô.

Chính dụ ngôn gồm các câu 2-13. Câu 14 là một lời bình của người kể, tức Đức Giêsu. Sau lời giới thiệu ở c. 2, dụ ngôn được triển khai thành hai phân đoạn, cc. 3-7 và cc. 8-13. Mỗi phân đoạn bắt đầu bằng việc nhà vua sai các đầy tớ đi mời khách đến dự tiệc cưới. Lần mời thứ nhất thất bại; lần mời thứ hai thành công. Tuy nhiên, mỗi lần đều kết thúc bằng một tai họa. Trong trường hợp thứ nhất, tai họa đổ xuống trên những người được mời; trong trường hợp thứ hai, tai hoạ chỉ đổ xuống trên một người khách.

Ta thấy dụ ngôn này và dụ ngôn trước có những điểm giống nhau. Một bên, đó là ông chủ nhà có một vườn nho, ở đây là mộtvị vua. Ông chủ nhà sai đầy tớ hai lần đến vườn nho để nhận hoa lợi; đức vua sai các đầy tớ hai lần đi mời khách tới dự tiệc. Trong cả hai trường hợp, các tôi tớ đều thất bại vì những người họ đến gặp tỏ ra xấu xa. Trong cả hai trường hợp, có liên quan đến một“người con [trai]”. Những điểm song song đó cho hiểu rằng hai câu chuyện nhắm đến mộtsố nhân vật như nhau. Ông chủ vườn nho và đức vua chỉ là một, đó là Cha trên trời; người con trai chắc chắn là Đấng đã tự gọi mình là “Người Con” (11,27). Các tôi tớ chính là các ngôn sứ. Còn những người được mời chính là Dân bất trung của Thiên Chúa.

Trong dụ ngôn Tiệc cưới, nhân vật duy nhất hành động tích cực là nhà vua. Chỉ một mình ông nói, chứ không có đối thoại. Ngoại trừ cc. 5-6 và c. 10, truyện hệ tại các hành vi hoặc các lệnh truyền của nhà vua.

* Dụ ngôn Tiệc cưới thất bại (2-7)

Tuy nhiên, hai dụ ngôn cũng có những điểm khác nhau. Trong dụ ngôn Những người thợ vườn nho, vấn đề là một đòi hỏi về công bình; ở đây là mộtlời mời, mộtvinh dự diễn tả cho mộtai đó. Một bên là ông chủ đòi hỏi điều thuộc về ông, bên kia là vị vua quảng đại, muốn mời tối đa người ta đến thông phần vào niềm vui của ngày cưới hoàng tử. Trong trường hợp sau này, thái độ thiếu quan tâm càng đáng trách hơn, vì ở đây không còn chuyện vi phạm mộtquyền, nhưng là mộtxúc phạm nặng nề đến danh dự. Đã thế, thái độ thiếu quan tâm còn trầm trọng đến mức trở thành sự căm thù chẳng hiểu vì sao. Ngay ở đây cũng có thể đặt lại câu hỏi của dụ ngôn trước: “Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia?” (21,40). Câu trả lời không còn phải là mộtđe dọa, nhưng là mộthành động trừng phạt. Như thế, từ dụ ngôn kia sang dụ ngôn này, có mộtsự tiệm tiến.

Những “người đã được mời” (keklêmenous) là những người được báo tin về tiệc cưới đúng thời điểm. Đây là các bạn hữu, những người đang sống trong những tương quan thân tình với nhà vua. Việc nhà vua sai đầy tớ đến và mời thúc bách (c. 4) cho thấy cử chỉ tối hậu của lòng tốt của nhà vua, nhưng đã không được đáp lại. Thế mà nhà vua chỉ nhận được mộtsự từ khước dứt khoát (“không muốn đến”, c. 3). Các động lực thâm sâu là họ có những mối quan tâm thực tiễn, những của cải vật chất (chủ đề của Mt: x. 8,18-22; 19,21). Dưới ánh sáng của dụ ngôn trước, qua việc nhà vua sai các đầy tớ lần đầu (c. 3), độc giả có thể nghĩ đến các ngôn sứ trong Cựu Ước; qua lần sai phái thứ hai (cc. 4-6), họ có thể nghĩ đến các tông đồ và các nhà thừa sai (x. 21,34.36). Các độc giả cũng đã biết Israel thường xử tệ và giết các ngôn sứ (x. 23,34-35). Còn những khách được mời, thoạt tiên độc giả sẽ nghĩ đến các thượng tế và người Pharisêu, vì các dụ ngôn được nói cho họ. Tuy nhiên, không nhất thiết chỉ nghĩ tới giới lạnh đạo Do Thái, bởi vì các sứ giả của Đức Giêsu được cử đến với toàn thể Israel (x. 10,5-6.23).

Câu 6 có vẻ đột ngột: đi từ “kẻ thì … , người thì …” (hos men … hos de), ta không chờ đợi “còn những kẻ khác” (hoi de loipoi), nhất là một tội ác (giết các đầy tớ). Nhưng các độc giả đã quen với truyền thống Do Thái, thì hiểu rằng dụ ngôn đang nói về các thừa sai của họ, các vị này đã bị bách hại tại Israel (10,16-23) cũng như nói về các ngôn sứ Cựu Ước cũng đã bị bắt bớ trước rồi (5,12; 21,35-36). Nhưng c. 7 thì thật lạ, kể cả với các độc giả đã quen với truyền thống Do Thái. Không còn cỗ bàn, bò tơ, thú béo nữa. Nhà vua lên đường hành quân, chắc chắn đâu có thể làm một sớm một chiều. Dù sao, từ tư cách những người đầu tiên được ưu đãi, người Do Thái trở thành những đối thủ đầu tiên chống lại ơn cứu độ, và mục tiêu đầu tiên cơn giận Thiên Chúa nhắm tới. Họ bị đánh giá là “không xứng đáng” (c. 8) không phải vì họ có những thiếu sót hay sự ngu dốt nào tự nhiên, nhưng do họ từ khước.

Đức vua đã huy động quân lính đi “tru diệt bọn sát nhân và thiêu hủy thành phố của chúng” (c. 7). Các khách được mời nay được gọi đơn giản là “bọn sát nhân”. Tại sao sự việc lại trở nên gia trọng đến mức ấy? Dường như các khách được mời sống ngay trong thành phố nơi tổ chức lễ cưới. Các kẻ sát nhân chỉ là mộtvài người trong số khách được mời thôi. Chẳng lẽ mọi người khách mời khác đều đáng xử như những kẻ sát nhân? Đàng này, cả thành bị thiêu hủy, hẳn là với tất cả những người vô tội. Nếu muốn tiếp nối câu chuyện cho hợp lý, thì phải nói đến việc mời những người khác. Tất cả các thắc mắc này khiến ta phải nhìn nhận rằng cc. 6-7 là mộtcâu lạc lõng. Rất có thể tác giả đang nghĩ đến cuộc tàn phá Giêrusalem đã xảy ra vào năm 70. Chỉ điều này mới giải thích được vì sao tác giả gán mộttầm quan trọng đặc biệt cho chuyến hành quân trừng phạt và cuộc thiêu hủy thành phố. Và những kẻ sát nhân không phải chỉ là mộtvài người tạo cớ cho tác giả viết dụ ngôn, nhưng là tất cả các thợ làm vườn nho đã giết người con sau khi bàn bạc với nhau (21,38-39). Như thế ở đây tác giả Mt không chỉ làm chứng trung thành về các lời của Đức Giêsu đã được truyền đạt cho ngài, nhưng còn cung cấp cho chúng ta cách thức giải thích các lời này cho các thành viên của các cộng đoàn tiên khởi của Hội Thánh. Hai phương diện này được kết nối chặt chẽ với nhau. Chỉ lời được Hội Thánh phát xuất từ các tông đồ hiểu và giải thích đúng đắn mói có thể được coi như là Lời Chúa, được Chúa Thánh Thần linh hứng và buộc chúng ta tin nhận.

* Dụ ngôn Tiệc cưới thành công (8-13)

Phân đoạn này gồm hai truyện khác nhau được kết nối lỏng lẻo (cc. 8-10 và 11-13). Câu truyện có thể kết thúc ở c. 10. Chính cụm từ “xấu và tốt” ở c. 10 khiến độc giả nghĩ rằng câu truyện có thể còn tiếp.

Bây giờ các đầy tớ có nhiệm vụ ngỏ lời mời với những người khác, mà không chọn lựa. Họ có nhiệm vụ đưa tất cả những ai họ gặp trên đường khắp cùng bờ cõi vương quốc (diexodoi tôn [h]odôn) vào phòng tiệc. Tác giả Mt không nói là “người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt” như Lc 14,21, vì hiểu chữ “tất cả” (“mời hết vào”) theo nghĩa khác: kẻ xấu người tốt đều được mời. Lần mời này thành công. Chẳng mấy chốc phòng tiệc đã đầy mộtkhối người đa tạp. Sự đa tạp này không do khác nhau về y phục, về địa vị xã hội hay về những yếu tố bên ngoài. Đây là mộtsự khác biệt bên trong, chủ yếu, giữa “người xấu và người tốt” (c. 10). Chúng ta chỉ hiểu được tình trạng này nếu khởi đi từ thực tế tác giả đang nghĩ tới. Lời mời đã được ngỏ với dân Israel, nhưng họ đã không muốn đón nhận; thế là lời mời được gửi đến mộtdân mới, Dân ngoại. Đây không còn phải là mộtdân gồm những người trong sạch và các thánh, mà là mộtxã hội đa tạp gồm những người xấu và những người tốt. Ta gặp thấy có cả hai hạng người này trong Hội Thánh, như cỏ lùng giữa lúa tốt (13,28; x. dụ ngôn Chiếc lưới: 13,47-50). Dù sao, phòng tiệc cũng đã đầy vì mọi người được tự do đi vào. Thế nhưng đến đây, bài dụ ngôn vẫn chưa kết thúc “có hậu”. Bởi vì sẽ có mộtcuộc biện phân quyết định: lời mời không khẳng định là người ta sẽ thực sự được tham dự vào lễ cưới. Trước tiên phải có mộtcuộc phán xét: phải tách cỏ lùng khỏi lúa tốt. Đây chính là mục tiêu của phân đoạn thứ hai (cc. 11-13).

Đến đây khung cảnh vẫn là bữc tiệc, nhưng sự chú ý lại xoáy vào chiếc áo cưới. Ông chủ dường như không còn phải là vị vua trước đây nữa. Ông không đến để chiêu đãi một bữa tiệc linh đình nữa, mà đến để “quan sát” (theasasthai; x. 2 V 9,18) các khách dự tiệc. Ông đã thấy có một người không có “y phục lễ cưới” (endyma gamou). Nhà vua gọi anh ta là “này bạn” (hetairos), nhưng thái độ rất cứng rắn, không khoan nhượng. Dĩ nhiên người ta tự hỏi là làm thế nào người kia có thể có một cái áo cưới (và tất cả những người khác thì lại có sẵn áo cưới!) khi mà anh ta bị mời đột ngột giữa đường. Như thế là bất công trắng trợn! Chính điểm gây “sốc” này cho hiểu rằng đây không phải là vấn đề mộtcái áo theo nghĩa cụ thể. Chúng ta đã được chuẩn bị cho cách giải thích này bởi vì dụ ngôn đã ghi trước đó là trong phòng có kẻ xấu người tốt. Rõ ràng người không có áo cưới thuộc về hạng kẻ xấu. Cũng chính điểm này mới giúp hiểu cách đối xử người ấy sẽ phải chịu: không phải là đuổi ra ngoài, nhưng “quăng ra chỗ tối tăm” (x. 8,12; 25,30), nơi sẽ phải “khóc lóc nghiến răng” (x. 8,12; 13,42.50; 24,51; 25,30), tức là người ấy bị tiêu vong. Sự “câm miệng” của người khách này chứng tỏ lời trách của ông chủ là đúng. Người này, cũng như những người đầu tiên, đã không hề quan tâm đến vinh dự đã nhận; họ đã đến tiệc cưới với đầu óc tầm thường, thô thiển, không trân trọng, không biết ơn.

Bữa tiệc là hình ảnh Nước thiên sai; chiếc áo tượng trưng cho các tư thế căn bản để được vào và ở lại đó. Trong Bài Giảng trên núi, Đức Giêsu đã yêu cầu các môn đệ phải có một“sự công chính dồi dào hơn” (x. 5,20); đây chính là tinh thần mới người ta phải có để sống các tương quan với Thiên Chúa.

Nhận được lời mời không đương nhiên là được cứu độ vĩnh viễn. Con số những người được kêu gọi thì nhiều, điều này có nghĩa là nhiều người được để cho đi vào, không phân biệt, không điều kiện. Họ không cần phải giữ luật Môsê, họ không cần phải chịu cắt bì. Nhưng khả năng đi vào không có nghĩa là mộtbảo đảm; đi vào trong sự hiệp thông Hội Thánh không có nghĩa là được đi vào trong Nước Thiên Chúa và lúc tận thế. Phải phân biệt giữa niềm cậy trông đầy tín thác và phó thác với sự tự phụ, tự hào không cơ sở là mình có ơn cứu độ.

* Kết luận (14)

Câu kết luận này là một lời bình của Đức Giêsu. Câu này, “Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít”, thường được giải thích theo hai cách. Cách thứ nhất cho rằng “những người được chọn” đây là những người được nhận mộtơn đặc biệt khiến họ có thể sống gần kề hơn với những sự thuộc về Thiên Chúa và có thể cậy dựa nhiều hơn vào lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa đối với họ. Dĩ nhiên con số này ít, còn đa số chỉ nhận được mộtơn thông thường. Cách thứ hai, phổ biến hơn, giới hạn khẳng định của Đức Giêsu vào trường hợp những người Do Thái thời Người mà thôi: tất cả đều được gọi vào Nước Trời theo nghĩa là tin vào Người, nhưng tuyệt đại đa số đã từ khước đi vào Nước ấy khi loại trừ Đấng Mêsia.

Cả hai cách giải thích này đều có phần giá trị, nhưng không khớp với dụ ngôn. Cách thứ nhất giả thiết rằng người khách bất xứng đã bị quăng ra ngoài bởi vì đã lén đi vào mộtnhóm nhỏ gồm những người được ưu tuyển; nhưng bản văn nói rõ là người ấy bị loại bởi vì thiếu điều tối thiểu cần thiết cho sự đoan trang của bữa tiệc. Cách thứ hai cũng không thỏa đáng. Bởi vì người khách bị loại đã đi vào với nhóm thứ hai, nên người này là mộtngười ngoại chứ không phải là mộtngười Do Thái; thế nhưng lại chính vào lúc loại trừ người ấy mà Đức Giêsu mới công bố lời nói về nhóm nhỏ những người được chọn. Đàng khác, hiểu sát bản văn, chúng ta thấy câu này không phù hợp với các sự hiện: trên con số lớn các khách dự tiệc, chỉ có người bất xứng này bị loại trừ; làm sao có thể nói đến mộtsố “ít” (nhỏ) những người được chọn?

Do đó, giải pháp đơn giản nhất nằm ở bình diện ngữ học (philologie): đây là hai công thức so sánh theo ngôn ngữ Sê-mít ở thể ngầm, mà ta có thể dịch ra như sau: “Những kẻ được gọi thì nhiều [hơn], nhưng những người được chọn thì ít hơn”. Hiểu như thế, chúng ta thấy phù hợp với ngữ cảnh: con số người được gọi thì rất đông, nhưng rồi có những người từ khước và có người bị loại trừ. Quả thật, nhiều người được gọi, nhưng những người được chọn thì ít hơn. Do đó, điều hết sức quan trọng là để ý mà thực hiện những điều kiện cần thiết để cho việc chúng ta được kêu gọi đưa chúng ta đến chỗ được chọn vĩnh viễn (x. Lc 13.22-24 trong chiều hướng này).

+ Kết luận

Tầm nhìn của bản văn có thay đổi: Từ chỗ minh họa lời rao giảng của Đức Giêsu, dụ ngôn đã trở thành mộtminh họa đời sống của Hội Thánh. Đã là những người được thừa hưởng những lời hứa của Thiên Chúa, người Do Thái cũng là những người đầu tiên được đón nhận Tin Mừng, từ phía Đức Giêsu cũng như từ phía các tông đồ. Vậy mà họ vẫn không tin: thái độ cứng tin này quả là một mầu nhiệm, nhưng cũng không làm hỏng được các kế hoạch của Chúa quan phòng. Vào lúc tác giả Tin Mừng viết, thì Hội Thánh đã quy tụ lại nơi bàn tiệc thứ hai rồi. Các tín hữu thuộc về Hội Thánh cũng như các khách dự tiệc phải luôn luôn trong y phục chỉnh tề vì bất cứ khi nào vị thẩm phán cũng có thể xuất hiện và loại họ khỏi phòng tiệc vĩnh viễn. Cũng như dân Do Thái đã bị loại bởi vì họ đã tỏ ra bất xứng khi từ chối lời mời, người Kitô hữu cũng có thể bị loại trừ mặc dù đã đón nhận lời mời.

Tuy nhiên, chính chúng ta phải thấy mình được Thiên Chúa kêu gọi và chờ đợi chúng ta tự do quyết định. Thiên Chúa vẫn cứ nhắc lại các lời kêu gọi và tiếp tục gửi đến các sứ giả của Ngài.

5. Gợi ý suy niệm

1. Hoàn cảnh hiện tại có đặc điểm là Thiên Chúa kêu gọi qua trung gian các tôi tớ, sự tự do của con người và sự đại lượng của Thiên Chúa. Từ hoàn cảnh này, ta không được rút ra những hậu quả sai lạc. Ta không được cho rằng tiếng gọi của Thiên Chúa là mộtđề nghị không quan trọng, rằng chúng ta có thể tùy nghi đón nhận hoặc từ khước, rằng chúng ta có mộttự do không giới hạn có thể không những chọn lựa mà còn xác định được các hậu quả của sự chọn lựa, rằng sự tự do của Thiên Chúa là dấu cho thấy Ngài yếu đuối và dửng dưng. Bây giờ Thiên Chúa là Đấng kêu gọi và mời mọc; con người là những người hành động, đáp trả với khả năng quyết định tự do. Nhưng đến cuối, Thiên Chúa sẽ là Đấng hành động và xác định vĩnh viễn. Ai từ chối làm việc trong vườn nho sẽ bị loại khỏi Nước Trời (x. 21,31). Ai không giao nộp các hoa lợi của vườn nho và xử tệ với các tôi tớ của ông chủ sẽ bị mất vườn nho và phải chịu mộtkết thúc thảm thương (21,41). Ai không đón nhận lời mời đến dự tiệc, sẽ bị loại trừ (22,8).

2. Chúng ta có thể chọn lựa tự do, nhưng chúng ta không còn tự do nữa đối với các hậu quả của sự chọn lựa của chúng ta, bởi vì chúng ta không thể tự do xác định chúng, nhưng chúng thuộc về cách do Thiên Chúa xác định. Chúng ta có thể nói không với tiếng gọi của Thiên Chúa, nhưng chúng ta không thể đạt được sự thể hiện tốt đẹp cuộc sống chúng ta với tiếng không này. Cần phải ý thức như thế để không xử sự cách phi lý, khi không đón nhận tiếng gọi của Thiên Chúa.

3. Bữa tiệc không chứa những yếu tố khiến có thể nghĩ đến tiệc Thánh Thể, nhưng chính hình ảnh vẫn có thể gợi ra những bữa tiệc agapê và các cuộc cử hành phượng tự thường xuyên trong Hội Thánh. “Các đầy tớ” (douloi) của dụ ngôn thứ nhất ở đây được gọi là “những người phục dịch” (diakonoi); từ ngữ diakonoi khiến ta nghĩ đến các thừa tác viên trong các cử hành phụng vụ. Áo cưới nêu bật tình trạng thánh thiện và ân sủng mà người ta phải có để được đến gần bàn tiệc của Chúa.

4. Trong các dụ ngôn Cỏ lùng và Lưới cá (13,37-43.49-50), Đức Giêsu cũng đã nói rõ rằng Hội Thánh cũng là một phần của tập thể pha trộn là thế giới, “thửa ruộng” của Con Người. Như thế, các thành viên của Hội Thánh phải để ý đừng thuộc về “những kẻ xấu” đứng đó mà không có y phục lễ cưới. Chỉ có một người trong dụ ngôn bị cật vấn có nghĩa là từng người phải trả lẽ, chứ không thể cây dựa vào người khác.

 

5. Vào ngày chúng ta được rửa tội, chúng ta đã được mặc mộtáo trắng, và vị chủ lễ đã chúc chúng ta giữ cho nó được tinh tuyền cho đến ngày Phán xét. Nếu chúng ta đã làm hoen ố bộ áo rửa tội này, chúng ta vẫn có thể đến trình diện trước tòa của lòng từ bi thương xót, đo là bí tích hòa giải. Tại đây Đức Giêsu lại giặt sạch bộ áo cưới của chúng ta và lại mời chúng ta vào tham dự bữa tiệc vương giả của Người, trong niềm vui của tình thân mật đã tìm lại được. Như thế, cũng đừng bao giờ tự hào rằng mình đã “tới nơi”, cũng đừng phê phán ai. Không phải vì ta đang “ở trong” mà ta đã được bảo đảm, và có quyền xét đoán những người “ở ngoài”, những người chưa biết mà đi vào, hoặc thậm chí những người đã từ khước. Cho dù có ở trong Hội Thánh hay Nước Thiên Chúa, chúng ta vẫn chỉ là “khách được mời”, do ân huệ nhưng-không.
 

CHÚA NHẬT XXVIII QUANH NĂM, NĂM A

Sách Ngôn Sứ Isaia 25.6-10;
Thư Thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Philipphê 4,12-14.19-20
 và Phúc Âm Thánh Matthêô 22.1-14
 
I. Giáo Huấn P.Â.:   
 
Nước Trời được ví như một bữa tiệc hoàng gia:Phòng tiệc rộng và đẹp.
Thức ăn ngon miệng và dư thừa. Chủ tiệc tận tình mời khách.
Nhiều khách mời có tên trong danh sách từ chối thẳng thừng vì nhiều lý do cá nhân. Họ là những người không biết giá trị tuyệt đỉnh của nước trời và lời mời của Chúa.
Sự từ chối của những khách mời mở rộng lời mời đến tất cả mọi người. Nước Trời hay bàn tiệc thiên quốc được dành cho tất cả mọi người, bất kể sang hèn.
 
II. Vấn nạn P.Â.    
Liên quan giữa dụ ngôn vườn nho trong những Chúa Nhật trước và dụ ngôn tiệc cưới hoàng gia trong Chúa Nhật XXVIII quanh năm hôm nay.
 
Dụ ngôn hay ngụ ngôn là những câu chuyện giả tưởng được xử dụng với ngụ ý hay dụng ý nhằm truyền đạt một giáo huấn hay một bài học dạy đời.  Đây là hình thức văn chương thông dụng ngày xưa. Trong kho tàng văn học thế giời, chúng ta thấy có ngụ ngôn Lã phụng Tiên (Lafontaine) vào thế kỷ thứ 17. Kho tàng văn chương Việt Nam cũng có nhiều dụ ngôn hay ngụ ngôn như chuyện Lưu Bình Dương Lễ để dạy về tình bạn hay chuyện Cô Tấm Cô Cám để dạy về luân lý sống hiền lành.
 
Chúa Giêsu hay dùng dụ ngôn để giảng dạy. Người ta đếm được khoảng 30 dụ ngôn trong các Phúc Âm. Phúc Âm Chúa Nhật XXVIII quanh năm hôm nay cho chúng ta dụ ngôn tiệc cưới hoàng  gia. Đây là những chương Phúc Âm Matthêô nối tiếp nhau với những dụ ngôn có ý nghĩa liên đới: Chúa Nhật 25 Quanh Năm, Phúc Âm Matthêô 20,1-16, dụ ngôn chủ vườn nho từ sáng sớm ra đi mướn thợ làm vườn nho mình. Có người được mướn từ sáng sớm và phải làm việc lâu   giờ và chịu nắng nôi vất vả. Có người chỉ được mướn vào cuối ngày, chỉ làm việc có một giờ. Sau cùng tất cả đều được lãnh phần tiển công như nhau. Nước thiên đàng hay phần rỗi linh hồn của mỗi người là phần thưởng sau cùng của đời sống. Dù giữ đạo từ nhỏ hay lúc tuổi già… Tất cả đều có nước thiên đàng như nhau.
 
Biệt Phái và Luật Sĩ luôn tự hào vì chuyện mình được nên công chính vì lề luật hay vì con cháu Abram. Họ quên rằng Thiên Chúa là chủ vườn nho. Thiên Chúa ban phần thưởng cho con cái mình giống nhau. Những ai đã giữ đạo lâu đời, xin hãy cám ơn chúa, vì mình đã có hướng đi ngay từ còn bé. Những ai giữ đạo lâu đời, hãy thương đến những anh chị em khác, không ai mướn hay không nhận được hướng dẫn cần thiết để nhận biết Chúa. Họ trông ngóng cả ngày, cuộc đời vô định.
 
Dụ ngôn hai người con trong Matthêô 21.28-32 nhằm ám chỉ Biệt Phái và lãnh đạo Do Thái. Họ tự nhận mình là những đứa con chí hiếu luôn làm những gì Chúa dạy. Kỳ thực, họ không đi làm vườn nho cho chúa hay đúng hơn: họ giả bộ làm vườn nho mà thôi. Dụ ngôn những tá điền bất trung, được tường thuật trong Matthêô 21,33-46 nhằm nói đến những Luật Sĩ và Biệt Phái trong Do Thái Giáo. Họ là dân Chúa chọn. Họ được sống trong vườn nho Chúa. Họ được chăm sóc chu đáo mọi mặt. Nhưng họ đã phản bội tình thương Chúa. Họ không sinh hoa kết trái trong đời sống mình mà còn phá hoại vườn nho và giết chết những sứ giả của Chúa.
 
Hôm nay đây, Chúa Nhật XXVIII quanh năm, Phúc Âm Thánh Matthêô với dụ ngôn tiệc cưới hoàng gia. Những khách được mời có trong danh sách đều viện dẫn lý do để không đến dự tiệc. Sau cùng, mọi người đều được mời, được gom vào cho đầy phòng tiệc. Rõ ràng, Dân Do Thái, Dân Thiên Chúa đã từ chối lời mời nhập tiệc. Nói khác đi, họ có những lề luật, những lối sống riêng mà họ nghĩ là tốt hơn tiệc cưới hoàng gia. Sau cùng tất cả mọi dân nước trên  thế giời đã làm đầy phòng tiệc nước trời.
 
Những trưng dẫn trên, thoạt đầu chúng ta thấy đây là khuyến cáo hay chỉ trích của Chúa dành cho giới lãnh đạo Do Thái. Điều nầy không sai, tuy nhiên các dụ ngôn và các lời khuyến cáo cũng được gửi đến cho thính giả mọi thời và cho chúng ta. Thật vậy, nhiều người công giáo  giữ đạo lâu đời, nghĩ mình có công hơn những người khác hay lấy cái lý lịch công giáo gốc của mình để phê phán hay chỉ trích người khác. Nhiều người công giáo giữ đạo lâu năm, bề ngoài như những đứa con ngoan của Chúa. Kỳ thực, họ không đi làm vườn nho nước chúa mà chỉ làm những gì có lợi cho riêng mình. Có nhiều người công giáo giữ đạo lâu năm, được sống trong Giáo Hội và được chăm sóc chu đáo, nhưng đã không mang lợi cho Chúa. Họ quên bổn phận làm con cái Chúa và phải làm cho nhiều ngưởi nhận biết Chúa.
 

Dụ Ngôn Tiệc Cưới Hoàng Gia

Dụ ngôn tiệc cưới hoàng gia được tường thuật trong Phúc Âm Thánh Matthêô và Thánh Luca.
 
Đọc giả của Phúc Âm Matthêô là những người chính gốc Do Thái. Họ thấm nhuần Kinh Thánh Cựu Ước. Họ là dân chúa, được Chúa chọn và trao phó sản nghiệp nước trời. Tuy nhiên họ đã là những đứa con xem chừng ngoan ngoãn nghe lời Chúa, nhưng lại không thực hành Lời Chúa. Chúng ta sẽ thấy cùng một dụ ngôn tiệc cưới hoàng gia nầy, nhưng Phúc Âm Matthêô dài hơn và nhiều tình tiết hơn, đặc biệt phần cho tống vào nơi khóc lóc nghiến răng khách dự tiệc mà không mặc áo cưới.
 
Đọc giả của Phúc Âm Luca là dân ngoại mới tòng giáo, tức những người không là “đạo gốc”. Họ là dân ngoại được cảm hóa và gia nhập Kitô giáo. Nên Phúc Âm Thánh Luca trong dụ ngôn nầy không có phần cuối tức phần không mặc áo cưới và bị tống vào nơi khóc lóc và nghiền răng. Rất dễ hiểu: Dân ngoại đi tìm lòng thương xót Chúa. Chúa đã mời gọi họ vào cho đầy phòng tiệc. Điều đó là đủ để diễn tả dụ ngôn nước trời như tiệc cưới hoàng gia, không cần thêm chi tiếc về nghi thức phải mặc áo cưới và trừng phạt.
 
Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. Vậy các ngươi đi ra các ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới.
 
Thực tế trong dụ ngôn, những khách đã được mời coi thường tiệc cưới, có người viện dẫn lý do từ chối, có người hung bạo đánh giết người đi mời. Như vậy việc khinh thường lời mời của nhà vua đã làm cho những khách nầy trở nên không xứng đáng, tức họ tự loại mình ra khỏi danh sách khách danh dự được mời. Nước trời như tiệc cưới hoàng gia, đã dành chỗ cho dân Chúa chọn. Tuy nhiên, người ta đã từ chối. Sự từ chối làm cho khách mời trở nên không xứng đáng. Nước Trời luôn có chỗ cho mọi người. Ơn cứu độ có tính cách phổ quát, tức dành cho muôn  người. Ai cũng xứng đáng cả nếu chấp nhận lời mời gọi. Mình chỉ không xứng đáng hay không có chỗ khi chính mình từ chối lời mời hay khinh thường ơn cứu độ.
 
Đạo Chúa là đạo công giáo, đạo dành cho hết mọi người. Ai cũng được kêu mời vào đạo. Nên đạo công giáo không khước từ con người, chỉ có con người mới khước từ đạo mà thôi. Nên khi tôi không được cứu độ, phần trách nhiệm về phía tôi, chứ không về phía Chúa hay giáo hội. Vì “các ngươi đi ra các ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới”
 
III.      Thực hành P.Â.:
Khách mời và người đi mời khách
Nếu chúng ta là những người đạo Công Giáo. Chúng ta đã được mời dự tiệc cưới hoàng gia. Chúng ta đã được mời bằng việc sinh ra trong gia đình có Cha Mẹ Công Giáo. Chúng ta được mời bằng cách lớn lên trong một hoàn cảnh thuận lợi cho đức tin, như trong xóm đạo công giáo. Chúng ta được mời bằng việc được giáo dục trong nền giáo dục công giáo…Những sinh hoạt công giáo thuần túy nầy nhiều khi làm chúng ta quên rằng mình là khách mời. Nhiều khi làm cho chúng ta có cảm tưởng mình là chủ bữa tiệc hay đạo Công Giáo là đạo của riêng mình. Yếu tố “toàn tòng” nầy làm cho mình khinh thường hay lấy làm lạ khi nhìn thấy người khách không có đạo. Có nhiều khi những ông bà “làm chủ đạo” nầy nặng lời với những anh chị em lương dân là “quân vô đạo!”  Không! Chúa là người khoản đãi tiệc cưới hoàng gia. Chúng ta chỉ là khách được mời, chứ không là chủ tiệc. Đừng chiếm lấy vai trò làm chủ nước trời. Tốt hơn chúng ta hãy biến mình thành người đi mời khách vào cho đầy bàn tiệc nước trời.
 
Thường vào cuối tuần, ở trước các nhà hàng và bên vệ đường có nhiều người qua lại, có những người đứng mời khách. Họ thường ăn mặc bắt mắt người qua lại thí dụ có chiếc mũi to, hay chiếc nón to và cao. Có khi họ đeo một tấm bảng trước ngực để làm mọi người chú ý. Họ thường có thái độ lịch sự và tạo cảm tình với mọi người. Có nhiều khi người ta chưa đói hay chưa muốn ăn, nhưng thấy người mời khách dễ thương, người ta lại vào nhà hàng. Có nhiều khi cha mẹ không quan tâm, nhưng các con lại thích kiểu mời mọc nầy, nên lại muốn cha mẹ ghé vào nhà hàng ăn.
 
Hãy làm một khách mời dễ gây cảm tình và chú ý cho người ở các ngã đường. Đạo Công Giáo phần nhiều bị thất bại trong cách mời khách vào đạo. Thường người công giáo bảo: Đó là việc của Chúa, nếu Chúa chưa gọi thì mình không làm gì được. Cũng có những người trình bày một gương mặt hay một thái độ kẻ cả không gây được cảm tình với người khác. Tệ nhất là có những người đã vào đạo, nhưng vì lối hống hách của cha cố hay chủ cả của những kẻ cho mình là đạo gốc nầy mà họ xa rời phòng tiệc nước trời.
 
Mình đã được mời vào bàn tiệc nườc trời. Xin hãy là một người mời khách thật “ăn khách” bằng lời lẽ nhẹ nhàng, thoải mái và chân thành, bằng những việc làm bác ái vô vụ lợi, bằng những thái độ khiêm nhường gần gũi và nhất là bằng đời sống đạo đức chân thật.
 

Dụ ngôn tiệc cưới – R. Veritas

Được một ông vua đích thân mời đến dự tiệc cưới của hoàng tử, nhưng các thần dân không những khước từ lời mời mà còn nhục mạ giết các sứ giả, đây quả là tột cùng của sự khiếm nhã. Qua dụ ngôn, chúng ta thấy rõ Chúa Giêsu nhắm vào dân Do Thái. Câu truyện gợi lên một sự đau thương của cả một dân tộc mà Thiên Chúa đã chọn họ làm dân riêng để thực hiện công cuộc cứu rỗi, nhưng họ đã khước từ ơn cứu rỗi ấy. Nhưng có lẽ trọng tâm của bài Tin Mừng được Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay không hẳn là mời dự tiệc cưới cho bằng chiếc áo cưới.

Hai câu truyện xem ra bất thường, được Vua mời đến dự tiệc cưới, thần dân lại khước từ. Đây quả là một hành động nhục mạ đối với nhà Vua. Nhưng thách thức không kém là khi vào phòng cưới mà không chịu mặc y phục lễ cưới do nhà Vua qui định, thái độ này khiêu khích đến nhà Vua phải truyền lệnh cho gia nhân trói tay chân người đó lại và ném ra ngoài.

Hình ảnh người thực khách vào dự tiệc cưới mà không chịu mặc y phục lễ cưới của nhà Vua qui định, gợi lại cho chúng ta lời khẳng định của Chúa Giêsu: "Không phải những ai nói "Lạy Chúa, Lạy Chúa" mà được vào Nước Trời đâu, mà chỉ có những ai thực thi ý Chúa muốn, mới được vào mà thôi" (Mt 7,21).

Anh chị em thân mến,

Mang danh hiệu Kitô nhưng sống hoàn toàn ngược lại với Tin Mừng, đây vốn là điều thường xảy ra trong cuộc sống của mỗi người chúng ta cũng như trong lịch sử của Giáo Hội. Trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II kêu gọi con cái Giáo Hội sám hối và thanh luyện ký ức lịch sử. Trong suốt 2,000 năm lịch sử của Giáo Hội, con cái Giáo Hội không biết bao nhiêu lần hành động hoàn toàn ngược lại với Tin Mừng. Những cuộc thập tự viễn chinh để sát hại người Hồi Giáo, các tòa điều tra thời Trung Cổ để kết án, ngay cả thiêu sống những người lạc giáo, các cuộc chém giết giữa các tín hữu Công Giáo và Tin Lành.

Đó là những vết nhơ trong lịch sử của Giáo Hội, nhưng gần đây là chủ nghĩa bài trừ Do Thái thời đệ nhị thế chiến, trong cuộc sát tế 6 triệu người Do Thái, dĩ nhiên do Đức Quốc Xã chủ xướng, nhưng nó lại diễn ra ngay trong lục địa tự xưng là Kitô giáo. Không ai tự mình có thể trở thành độc tài và đồ tể. Hitler chắc chắn không có đủ ba đầu sáu tay mà hiện diện khắp cả Âu Châu để truy lùng và sát hại người Do Thái. Đức Quốc Xã không chỉ là một mình Hitler tích cực hay tiêu cực, do xác tín hay do hèn nhát, do ác ý hay vì dửng dưng, biết bao người tín hữu trên khắp lục địa Âu Châu đã nhúng tay vào tội ác của Đức Quốc Xã, tự xưng là người tín hữu Kitô nhưng hành động hoàn toàn ngược lại với Tin Mừng.

Đây là cách cư xử mà Chúa Giêsu muốn ám chỉ qua người thực khách không chịu mặc y phục lễ cưới do nhà Vua qui định, một cách cư xử thiếu nhất quáng như thế vẫn xảy ra trong Giáo Hội ngày nay. Tại những nước vẫn tự xưng là Kitô giáo, đa số là những người tín hữu hữu danh vô thực, phép Rửa Tội chỉ còn là một nghi thức xã hội, ai sinh ra cũng phải đem đến nhà thờ để được rửa tội, nhưng suốt một đời nhiều người chỉ đến nhà thờ để được rửa tội, để được cưới hỏi và cuối cùng để gọi là được chết trong Giáo Hội.

Biết bao nhiêu đảng phái tự xưng là Kitô giáo nhưng đường hướng hoàn toàn ngược lại với Tin Mừng. Không ngược lại với Tin Mừng là gì khi những người mang danh hiệu Kitô lại cổ võ cho ly dị, phá thai, sinh hoạt đồng tính luyến ái v.v... Còn những nước trong đó Kitô giáo là thiểu số thì người ta thường tự hào về việc giữ đạo của các tín hữu Kitô, nhà thờ lúc nào cũng chật ních người, các cuộc biểu dương và rước sách lúc nào cũng đông người tham dự. Thế nhưng, chúng ta nghĩ gì về các tệ nạn xã hội đầy dẫy trong các giáo xứ, những người ngoài Công Giáo thấy gì về các tín hữu đến nhà thờ mỗi ngày Chúa Nhật, tối sớm đọc kinh làu làu, tích cực trong các buổi rước sách, nhưng sống ích kỷ, lường gạt, mánh mung như mọi người. Một cách sống như thế quả thực làm ố danh sự đạo. Không thể mang danh hiệu Kitô mà hoàn toàn xa lạ với Tin Mừng Kitô, không thể là người Công Giáo mà chủ trương sống ngược lại với giáo huấn của Giáo Hội, bỉ ổi hơn cả là khi người ta dùng danh hiệu Công Giáo để phục vụ cho một chế độ chủ trương bách hại Giáo Hội.

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở cho chúng ta về những lời cam kết khi chịu Phép Rửa Tội, một trong những ý tưởng đầy ý nghĩa của Bí Tích này là chiếc áo trắng mà Giáo Hội phủ lên người chúng ta. Chiếc áo trắng ấy là căn cước Kitô của chúng ta, chúng ta không chỉ mang nó mỗi năm một lần, mỗi tuần một lần hay thậm chí chờ cho đến khi ta nhắm mắt lìa đời. Chiếc áo trắng ấy là từng hơi thở của chúng ta, chiếc áo trắng ấy là Tin Mừng Chúa Kitô mà chúng ta phải sống từng giây phút trong cuộc sống. Có sống như thế chúng ta mới thật sự cảm nhận được niềm vui khi tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể mà Chúa dọn ra cho chúng ta mỗi ngày, nhất là ngày Chúa Nhật. Có sống như thế những người xung quanh mới nhìn vào chúng ta mà ngợi khen Cha chúng ta ở trên trời. Amen. [Muc Lục]

 

 Mặc lấy Chúa Kitô 

Trong một trăm người đang sống trên lục địa Á châu, chỉ có hai người gia nhập Hội Thánh Chúa. Hạnh phúc cho ai được liệt vào số ít những người may mắn nầy. Trong số một trăm người đang sống trên giải đất Việt Nam, chỉ có bảy người có diễm phúc tham dự tiệc cưới vua trời, tức được gia nhập vào Hội Thánh Chúa. Chúng ta cũng được may mắn thuộc về thiểu số nầy. Đây quả là một hồng phúc lớn lao cho chúng ta.

Để xứng hợp với tư cách của vị khách được Thiên Chúa ưu ái mời vào dự tiệc Nước Trời, Thiên Chúa đòi buộc chúng ta phải vứt bỏ tấm áo dơ bẩn đang mặc để khoác vào mình y phục xứng đáng.

Khi mặc đồ tang chế mà đi dự tiệc cưới, người ta nghĩ là bạn bị khùng nặng và xua đuổi bạn tức khắc. Khi bước vào bệ kiến Đức Vua mà trang phục lôi thôi lếch thếch, nói năng hồ đồ lỗ mãng thì không khỏi bị kết tội khi quân. Khi bước vào đời quân ngũ mà ăn mặc rách rưới như kẻ bần cùng, thiếu tác phong quân nhân, thì bạn sẽ bị tống cổ ra ngay vì làm ô danh quân đội.

Hội Thánh của Chúa luôn mở rộng cửa để tiếp nhận tất cả mọi người từ khắp tứ phương thiên hạ bất kể sang hèn tốt xấu. Nhưng một khi đã gia nhập đại gia đình nầy, các thành viên phải cởi bỏ tấm áo xấu xa để khoác lên người trang phục xứng đáng, nghĩa là phải có những phẩm chất phù hợp với Tin Mừng.

Một con sâu tuy nhỏ nhưng cũng đủ để làm rầu nồi canh. Vài ba giọt mực tuy không nhiều nhưng cũng đủ để làm hư tấm vải trắng. Chỉ một ít tín hữu sống trái nghịch với Tin Mừng và giáo huấn Hội Thánh, cũng đủ để làm cho khuôn mặt của Giáo Hội trở nên khó thương trước mặt người khác.

Vì thế nên một khi đã gia nhập Hội Thánh mà cách ăn thói ở không phù hợp thì đương sự sẽ bị Thiên Chúa lên án nặng nề. Đoạn Tin Mừng sau đây nhắc nhở chúng ta điều đó.

"Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, mới hỏi người ấy: Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?" Người ấy câm miệng không nói được gì. Nhà vua liền bảo những người phục dịch: "Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng."

Là người được Thiên Chúa mời gọi gia nhập vương quốc Thiên Chúa, chúng ta phải xem lại cách ăn thói ở của chúng ta sao cho thích đáng.

Xưa kia, Augustinô ban đầu theo đuổi phù du ảo ảnh của thế gian, nhưng đến năm 33 tuổi, lần đầu tiên con người lầm lạc nầy tiếp cận với kinh thánh và đoạn văn đầu tiên đập vào mắt Anh là lời dạy của thánh Phaolô trong thư Rô-ma như sau: "Như giữa ban ngày, anh em hãy sống đoan trang tiết độ, không ăn uống say sưa, không chơi bời dâm đảng, không kình địch ghen tương; nhưng hãy mặc lấy Đức Giêsu Kitô và đừng lo tìm thoả mãn những đam mê xác thịt." (Rm 13, 13-14).

Nhờ ơn Thánh Linh tác động, Augustinô bừng tỉnh trước Lời Chúa. Anh cảm thấy những câu Lời Chúa nầy như nói riêng với chính mình. Thế là từ đây, Augustinô từ bỏ quãng đời tội lỗi, từ bỏ những đam mê xác thịt, rũ bỏ bộ áo bẩn thỉu hôi hám để mặc áo mới, mặc lấy Đức Giêsu Kitô. Anh được lãnh bí tích rửa tội vào năm 33 tuổi, hiến mình cho Chúa và ba năm sau, trở thành một linh mục thánh thiện, về sau được cất nhắc lên chức giám mục và trở thành vị thánh chói ngời đồng thời cũng là thầy dạy trong Giáo Hội với tước hiệu tiến sĩ Hội Thánh.

Trong ngày lãnh bí tích rửa tội, ngày chúng ta chính thức gia nhập Hội Thánh, linh mục chủ sự thay mặt Hội Thánh trao cho chúng ta tấm áo trắng với lời kêu gọi: "Con đã trở nên tạo vật mới và đã mặc lấy Chúa Kitô. Vậy con hãy nhận chiếc áo trắng nầy, hãy mang lấy và giữ nó tinh tuyền cho đến khi ra trước toà Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, để con được sống muôn đời".

Xin cùng khẩn cầu Thiên Chúa giúp chúng ta đừng luyến tiếc áo cũ đã hoen ố vì vô vàn thói xấu tật hư. Hãy dứt khoát cởi bỏ nó để quyết tâm mặc lấy áo mới, mặc lấy Đức Kitô, mang những tâm tình cao đẹp như Chúa Giêsu, cư xử ôn hoà nhân ái như Chúa Giêsu, biết thứ tha, yêu thương và phục vụ như Chúa Giêsu; Nhờ đó, chúng ta sẽ được cùng với Chúa dự tiệc vui muôn đời. [Muc Lục]

 

 

 Nếu cuộc sống thiếu tình yêu?

Ở đời có yêu nhau người ta mới dám hy sinh dành thời giờ cho nhau, mới hy sinh làm vui lòng nhau. Có yêu nhau người ta mới chẳng quản ngại ngăn sông cách núi để "Tam tứ núi cũng trèo - Thất bát sông cũng lội, thập cửu đèo cũng qua". Ngược lại nếu không có tình yêu thì cuộc đời sẽ không có hy sinh và càng không cần làm vui lòng nhau. Phải chăng đó cũng là lối cư xử thiếu tình yêu của con người đối với Thiên Chúa mà bài tin mừng hôm nay Chúa Giê-su đề cập đến? Phải chăng lời Chúa hôm nay là bức tranh tương phản giữa tình yêu quảng đại của Thiên Chúa và thái độ vô ơn, bất kính của con người?

Thiên Chúa là chủ tiệc. Thiên Chúa thiết đãi một bữa tiệc chứa chan hạnh phúc cho con người. Nhưng tiếc thay, con người đã từ chối lòng tốt của Thiên Chúa. Ngay từ đầu trong vườn địa đàng, Adam đã từ chối chung bàn với Thiên Chúa. Ông muốn loại trừ Thiên Chúa. Ông muốn bước đi theo lối đi của ông. Một lối đi theo ý mình. Một lối đi không có Thiên Chúa. Hậu quả là đau khổ và sự chết đã đi vào kiếp người. Cũng từ đây tình yêu của Thiên Chúa theo đuổi con người suốt dọc dài lịch sử ơn cứu độ. Thiên Chúa vẫn tiếp tục kiên nhẫn mời gọi, dẫn dắt con người trở về trong sự hiệp nhất với Ngài. Các tiên tri và Chúa Giê-su đều dùng hình ảnh bữa tiệc để nói về niềm vui của sự xum vầy bên Chúa và bên nhau trong hoan lạc hạnh phúc.

 

Thế nhưng, cho thì nhiều mà đáp trả chẳng bao nhiêu. Con người qua mọi thời đại vẫn tìm nhiều cách để khước từ lời mời gọi đầy yêu thương của Chúa. Nhiều người vẫn đang tìm cho mình một lối đi không có Thiên Chúa. Họ muốn tự hành xử theo ý mình và bắt người khác theo ý mình. Một thế giới không có Thiên Chúa chỉ dẫn đến chiến tranh hận thù, nghị kỵ và kết án lẫn nhau. Một thế giới không có Thiên Chúa sẽ dẫn đến một nhân loại gồm toàn những người quá đề cao cái tôi đến nỗi chẳng ai chịu nghe ai. Đó là kinh nghiệm đắng cay nhưng đáng tiếc, chẳng mấy ai chịu sửa sai!

Có nhiều người hôm nay nhân danh đạo tại tâm để từ chối việc đến nhà thờ, ngay cả thánh lễ Chúa nhật họ vẫn dửng dưng xem thường. Họ cho rằng đạo tại tâm là không cần biểu lộ ra bên ngoài nhưng họ quên rằng cái tâm đó phải thể hiện ra bên ngoài bằng thái độ giữ đạo chân thành, không giả dối, không khoe trương. Đây là điều mà Chúa Giê-su đã từng nói: "nghe và thực hành Lời Chúa" mới là điều quan trọng. Và chính Chúa thêm rằng: "Ai xưng mình là môn đệ của Thầy trước mặt người đời, thì Thầy mới xưng nó trước mặt Cha Thầy".

Có nhiều người viện lý do ghét người này người nọ để từ chối việc đến nhà thờ. Họ cho rằng "tin đạo nhưng không tin người có đạo". Điều đó có thể đúng, nhưng không thể "vơ đũa cả nắm" càng không thể "đánh lận con đen", Đạo và người có đạo như nhau. Đạo là đường. Người có đạo đang đi trên con đường đó. Đường ta ta đi. Tại sao vì một vài người mà mình lại bỏ đạo? Tại sao ta không tiếp tục đi để nâng đỡ anh em đang vấp té trên đường? Tại sao ta không trở thành bạn đồng hành để giúp anh em sai lỗi biết sống và thực hành đạo? Xem ra đó chỉ là nguỵ biện cho thái độ từ chối thông hiệp với Thiên Chúa của chính mình!

Bên cạnh những người bỏ đạo còn có những người lấp lửng nửa vời. Họ nại vào lý do "có thực mới vực được đạo". Họ không đi lễ vì phải lo kế sinh nhau. Lo đồng tiền bát gạo trước, rồi khi rãnh mới tranh thủ đi lễ. Họ là những người thờ thần tài trên cả Thiên Chúa. Họ say mê tìm kiếm của cải trần gian mau qua, mà lãng quên giá trị vĩnh cửu là Nước Trời. Họ là những người sống theo chủ nghĩa thực dụng. Cái gì có lợi trước mắt là làm ngay. Họ quên rằng: mọi sự thế gian này sẽ qua đi, và những gì họ đã một đời bán mạng để tìm kiếm cũng thuộc về người khác. Công việc tìm kiếm danh vọng của họ chỉ là "dã tràng xe cát biển đông".

Hình ảnh vị khách đã không mặc áo "xứng kỳ đức" có thể là chính chúng ta. Những người mang danh ky-tô hữu nhưng không có nếp sống phù hợp với tư cách của người môn đệ Chúa. Chúng ta vẫn khoác trên mình biết bao thói hư tật xấu, biết bao những đam mê lầm lạc. Chúng ta chưa dám mặc lấy Đức Ky-tô. Chúng ta không dám sống như lời thánh Phaolo đã từng nói: "Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là Đức Ky-tô sống trong tôi". Vì thế, cuộc đời chúng ta vẫn đầy những lầm lạc, gian dối và tội lỗi.

Phải chăng, bài dụ ngôn này là lời nhắc nhở chúng ta hãy chỉnh đốn lại lối sống cho phù hợp với tình yêu của Thiên Chúa? Hãy nhìn lại tương quan của mình với Thiên Chúa cho đúng, để có cách sống cho phù hợp. Chúng ta là thụ tạo hãy biết lệ thuộc vào Đấng tạo hoá. Chúng ta là tôi tớ hãy sống theo ý của chủ. Chúng ta là môn đệ của Chúa hãy từ bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới. Con người của ân sủng không bị lệ thuộc vào những đam mê thấp hèn làm mờ lương tri. Chúng ta là con Chúa hãy sống thông hiệp với Chúa và với nhau để xây dựng một thế giới hiệp nhất, yêu thương, thắm đượm tình Chúa tình người.

Ước gì chúng ta luôn biết chọn Chúa làm gia nghiệp thay cho những phù vân ở đời mau qua. Ước gì chúng ta luôn trân trọng tình Chúa để dám dành thời giờ cho Chúa hơn là lao mình vào những danh vọng trần gian. Xin Chúa giúp chúng ta gìn giữ nét đẹp của phẩm giá con người bằng chiếc áo ân sủng của Chúa luôn gìn giữ chúng ta trong sạch và tinh tuyền. Amen.
 

Sưu tầm

 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn