Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức: Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, đặt chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA VÀ NHỮNG GỢI Ý CHIA SẺ
Bài Ðọc I: Kn 18, 6-9
"Như Chúa đã làm hại đối thủ thế nào, Chúa cũng đã làm cho chúng tôi được vẻ vang như vậy".
Trích sách Khôn Ngoan.
Chính đêm ấy, cha ông chúng ta đã biết trước, để biết chắc mình đã tin tưởng vào lời thề nào mà được can đảm. Dân Chúa đã mong đợi sự giải thoát những người công chính và sự tiêu diệt kẻ thù. Vì như Chúa đã làm hại đối thủ thế nào, Chúa cũng kêu gọi để làm cho chúng tôi được vẻ vang như vậy.
Vì những con cái thánh thiện của các tổ phụ tốt lành đã lén lút tế lễ, và đồng tâm thiết lập luật thánh thiện, ấn định rằng những người công chính sẽ đồng hưởng vinh nhục, may rủi đều nhau; như vậy là họ đã xướng lên trước bài ca tụng của các tổ phụ.
Ðó là lời Chúa.
Bài Ðọc II: Dt 11, 1-2, 8-1
"Ông mong đợi thành trì có nền móng mà Thiên Chúa là kiến trúc sư và là Ðấng sáng lập".
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, đức tin là cốt yếu những thực tại người ta mong đợi, là bằng chứng điều bí ẩn. Vì nhờ đức tin mà các tiền nhân đã nhận được bằng chứng tốt.
Nhờ đức tin, Abraham đáp lại tiếng Chúa gọi, để ra đi đến xứ ông sẽ được lãnh làm gia nghiệp, và ông ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức tin, ông đến cư ngụ trong đất Chúa hứa, như trong đất khách quê người, sống trong lều trại, cũng như Isaac và Giacóp, những kẻ đồng thừa tự cùng một lời hứa. Vì chưng, ông mong đợi thành trì có nền móng mà Thiên Chúa là kiến trúc sư và là Ðấng sáng lập.
Nhờ đức tin mà ngay cả bà Sara son sẻ được sức mang thai, mặc dầu bà đã già, bởi vì bà tin rằng Ðấng đã hứa sẽ trung tín giữ lời. Vì thế, do tự một người, mặc dầu người đó như chết rồi, mà có một dòng dõi đông đúc vô số như sao trên trời và như cát bãi biển.
Chính trong đức tin mà tất cả những kẻ ấy đã chết trước khi nhận lãnh điều đã hứa, nhưng được nhìn thấy và đón chào từ đàng xa, đồng thời thú nhận rằng mình là lữ khách trên mặt đất. Những ai nói những lời như thế, chứng tỏ rằng mình đang đi tìm quê hương. Giá như họ còn nhớ đến quê hương dưới đất mà họ đã lìa bỏ, chắc họ có đủ thời giờ trở về. Nhưng hiện giờ họ ước mong một quê hương hoàn hảo hơn, tức là quê trời. Vì thế, Thiên Chúa không ngại để họ gọi mình là Thiên Chúa của họ, vì Người đã dọn sẵn cho họ một thành trì.
Nhờ đức tin, khi bị thử lòng, Abraham đã dâng Isaac. Ông hiến dâng con một mình, ông là người nhận lãnh lời hứa, là người đã được phán bảo lời này: "Chính nơi Isaac mà có một dòng dõi mang tên ngươi". Vì ông nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền làm cho kẻ chết sống lại, do đó, ông đã đón nhận con ông như một hình ảnh.
Ðó là lời Chúa.
Phúc Âm: Lc 12, 32-48
"Các con hãy sẵn sàng".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Hỡi đoàn bé nhỏ, các con đừng sợ, vì Cha các con đã vui lòng ban nước trời cho các con. Các con hãy bán những của các con có mà bố thí. Hãy sắm cho các con những túi không hư nát, và kho tàng không hao mòn trên trời, là nơi trộm cướp không lai vãng và mối mọt không làm hư nát. Vì kho tàng các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó.
"Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức: Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, đặt chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy. Các con hãy hiểu biết điều này là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch nhà mình. Cho nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến".
Phêrô thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy nói dụ ngôn đó chỉ về chúng con hay về mọi người?" Chúa phán: "Vậy con nghĩ ai là người quản lý trung tín khôn ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, để đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ? Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người đó trông coi tất cả gia sản mình. Nhưng nếu đầy tớ ấy nghĩ trong lòng rằng: "Chủ tôi về muộn", nên đánh đập tớ trai tớ gái, ăn uống say sưa: chủ người đầy tớ ấy sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, chủ sẽ loại trừ nó, và bắt nó chung số phận với những kẻ bất trung. Nhưng đầy tớ nào đã biết ý chủ mình mà không chuẩn bị sẵn sàng, và không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn đầy tớ nào không biết ý chủ mình mà làm những sự đáng trừng phạt, thì sẽ bị đòn ít hơn. Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn".
Ðó là lời Chúa.
HÃY CHO ĐI
Hãy bán của cải mình đi mà bố thí.
Có một bà kia, khi đi tham dự thánh lễ, đã gặp một cô bé đang ngồi van xin bố thí. Em bé nói:
- Xin bà thương cho cháu một đôi giày vì chân cháu lạnh cóng.
Bà ấy hứa cho cô bé một đôi vào chiều ngày lễ Chúa giáng sinh. Thế rồi bà ấy quên khuấy đi mất. Đúng hẹn, cô bé tìm hỏi và bà ấy chỉ biết mỉm cười xin lỗi rồi bước vào trong nhà thờ. Ngồi tham dự thánh lễ mà bà cảm thấy chẳng được an tâm chút nào. Thế là bà ấy đứng lên ra ngoài để gặp cô bé và rồi bà ấy đã nói với cô bé:
- Này nhé! chúng ta hãy trao đổi giày cho nhau. Em sẽ đi giày của tôi, còn tôi thì sẽ đi giày của em. Cô bé ngập ngừng trong giây lát rồi mới chấp nhận. Trên đường về nhà, đôi giày của cô bé làm cho đôi bàn chân của bà ấy vừa lạnh cóng vừa trầy xát vì đôi giày quá nhỏ. Thế nhưng, vừa về tới nhà thì một người đàn ông đang chờ bà. Ông này là thân nhân của một người bệnh mà bà từng chăm sóc; ông ta nói mấy lời cám ơn và trao cho bà một quà tặng và bảo:
- Đây là món quà tượng trưng nhân dịp lễ Giáng sinh để tỏ lòng biết ơn chị, đã vất vả chăm sóc cho mẹ tôi.
Món quà ấy là một đôi giày mới, rất hợp với đôi bàn chân của bà ấy. Xỏ thử đôi giàu mới này, bà ấy nhớ tới lời Chúa:
- Hãy cho thì sẽ được cho lại.
Từ mẩu chuyện trên, chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng chiều hôm nay và chúng ta nhận thấy lý luận của Thiên Chúa thì hoàn toàn ngược lại với lý luận của loài người, như lời Kinh Thánh đã xác quyết:
- Tư tưởng và đường nẻo của Ta không giống với tư tưởng và đường nẻo của các ngươi. Như trời cao hơn đất bao nhiêu, thì tư tưởng và đường nẻo của Ta cũng cao hơn tư tưởng vào đường nẻo của các ngươi bấy nhiêu.
Thực vậy, chúng ta thường ích kỷ, càng chiếm hữu, càng thâu lượm được bao nhiêu, hay bấy nhiêu. Nền kinh tế loài người được đặt trên căn bản của sự tích luỹ. Càng tích luỹ càng trở nên giàu có. Trong khi đó, nền kinh tế của Thiên Chúa lại đặt cơ sở trên sự cho đi, với một nguyên tắc hoàn toàn khác hẳn: Càng cho đi thì càng trở nên giàu có, càng chia sẻ thì càng dư dật, bởi vì điều chúng ta cho đi, điều chúng ta chia sẻ chính là cái chúng ta giữ được cho mình ở nơi Thiên Chúa.
Nói chung, chúng ta thường có khuynh hướng sống theo cá nhân chủ nghĩa, chỉ lo đáp ứng những nhu cầu của riêng mình. Chẳng hạn, chúng ta đến với Chúa chỉ để xin ơn này ơn nọ cho bản thân. Thế nhưng cách nhìn của Chúa thì hoàn toàn khác hẳn: Hãy chia sẻ, hãy bố thí tất cả những gì chúng ta có cho người khác.
Dĩ nhiên để thực hiện được điều này, đòi hỏi chúng ta phải có một tình yêu thương dạt dào. Tình yêu thương dạt dào ấy chúng ta phải tập luyện hằng ngày. Và đó chính là bổn phận, là ơn gọicủa mỗi người Kitô hữu chúng ta. Bởi vì chúng ta được mời gọi để sống mối dây liên hệ yêu thương với Thiên Chúa và với những người chung quanh.
NGƯỜI QUẢN LÝ TRUNG TÍN VÀ KHÔN NGOAN
Trong một thời gian ngắn các nước Á Châu đã phải chứng kiến sự ra đi của nhiều lãnh tụ. Trước hết là việc chạy trốn của ông Fujimori. Ông Fujimori đã làm tổng thống nước Peru đến nhiệm kỳ thứ 2. Nhưng vì tham nhũng, ông đã phải trốn chạy về Nhật. Tiếp đến là ông Estrada, tổng thống nước Philippin. Ông đã thắng cử với số phiếu áp đảo. Nhưng cuối cùng phải từ chức cũng vì tội tham nhũng. Gần đây là ông Wahid, tổng thống Inđônêsia. Ông đã sang Mỹ tị nạn cũng vì tham nhũng. Tất cả chỉ vì họ đã làm sai nhiệm vụ. Họ chỉ là quản lý chứ không làm chủ đất nước. Dân mới làm chủ. Nhưng họ đã không làm tốt nhiệm vụ quản lý. Nên họ đã bị sa thải.
Chúng ta cũng là người quản lý của Thiên Chúa. Thật vậy, sự sống, tài năng, trí thông minh, sức khoẻ sắc đẹp, tất cả đều là ơn Chúa ban. Nói tóm lại, tất cả những gì ta có, tất cả những gì ta là, đều là của Chúa. Chắc chẳng có ai dám tự hỏi: Tại sao tôi không cao hơn, không mập hơn? Tại sao tóc tôi không vàng hoe, mắt tôi không xanh biếc? Tại sao tôi không có tài hội họa, có giọng ca hay? Ta không thể hỏi như vậy, vì ta không có quyền gì trên đó. Tất cả đều là của Chúa. Chúng ta chỉ là quản lý. Chúa trao sự sống, tài năng, trí thông minh cho ta gìn giữ trong một thời gian. Nói theo ngông ngữ Trịnh Công Sơn tất cả những thứ đó chỉ “ở trọ” nơi ta.
Con chim ở trọ cành tre,
Con cá ở trọ trong khe nước nguồn…
Môi xinh ở trọ người xinh,
Duyên dáng ở trọ đôi chân Thuý Kiều…
Tôi nay ở trọ trần gian
Mai sau về chốn xa xăm với Người.
Một ngày kia Chúa sẽ đòi ta tính sổ. Lúc đó ta phải nộp cho Chúa cả vốn lẫn lãi.
Là người quản lý, ta phải có những đức tính nào? Thưa, Chúa muốn ta là người quản lý trung tín và khôn ngoan.
Là quản lý trung tín, ta phải biết sinh lợi những tài sản Chúa trao. Phải biết phát triển sao cho thân xác ngày càng khoẻ mạnh, trí thông minh ngày càng sáng suốt, những tài năng ngày càng đạt đến mức tinh vi hoàn hảo.
Là quản lý trung tín, ta phải biết chia sẻ. Chúa ban sức lực, tài năng không phải để ta ích kỷ vun quén cho bản thân, nhưng để ta dùng mà phục vụ. Người có của mắc nợ người nghèo. Người có tài mắc nợ xã hội. Nghệ sĩ mắc nợ khán giả. Giám đốc mắc nợ công nhân. Bác sĩ mắc nợ bệnh nhân. Linh mục mắc nợ giáo dân. Cha mẹ mắc nợ con cái.
Là quản lý trung tín, ta không được phải bội. Không được dùng những ơn Chúa ban để chống lại Chúa. Đừng dùng sức mạnh mà áp bức người khác. Đừng dùng tài năng phục vụ lợi nhuận riêng mình. Đừng dùng trí thông minh gieo rắc nọc độc tư tưởng. Đừng biến thân xác thành món hàng mua bán. Nhưng dùng tất cả để phục vụ Chúa. Dùng tất cả để làm cho Chúa được yêu mến, được vinh danh hơn.
Là quản lý không ngoan, ta phải biết nhìn xa. Sự sống, tài năng, sức lực, trí thông mình chỉ ở trọ nơi ta một thời gian. Phải làm cho chúng biến thành vĩnh cửu. Nhiều lần Chúa Giêsu đã dạy ta: “Hãy dùng tiền của chóng qua ở đời này mà mua lấy bạn hữu. Để sau này họ sẽ đón rước ngươi vào chốn đời đời”. Hôm nay Người dạy ta: “Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt, là kho tàng ở trên trời, nơi không có trộm cắp bén mảng, cũng không có mối mọt đục phá”. Lạ lùng hơn nữa, cách gây dựng kho tàng trên trời khác hẳn với cách gây dựng kho tàng trần gian. Để gây dựng kho tàng trần gian, ta phải hà tiện, ích kỷ, thu tích cho mình. Trái lại, để gây dựng kho tàng trên trời, ta phải biết cho đi. Càng cho đi lại càng giàu có. Càng phân phát lại càng dư thừa. Càng ban tặng lại càng phong phú.
Là quản lý khôn ngoan, ta phải tỉnh thức. Cuộc đời ở trọ mau qua. Chúa lại hay đến bất ngờ. Nên ta phải tỉnh thức đợi chờ. Đợi chờ không phải là thụ động ngồi đó khoanh tay. Đợi chờ là phải tích cực làm việc. Thắt lưng vào, thắp đèn lên để làm việc cho minh chính như giữa ban ngày. Để phục vụ không bao giờ ngừng. Dù Chúa có đến lúc nào, Chúa cũng thấy ta đang mặc quần áo công nhân phục vụ. Dù có bất ngờ như kẻ trộm, Chúa cũng thấy quản lý đang phục vụ anh em, phân phát lúa thóc cho họ.
Lạy Chúa, xin nhắc cho con luôn luôn nhớ rằng con là người quản lý của Chúa, để dù ở đâu, dù làm gì, con cũng luôn làm cho Chúa, luôn tỉnh thức sống dưới ánh mắt của Chúa. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Bạn có lần nào nghĩ rằng thân xác cùng với những gì bạn có thực sự không phải là của bạn không?
2- Trong quá khứ bạn đã là người quản lý trung tín và khôn ngoan của Chúa chưa?
3- Phải làm thế nào để trở thành người quản lý trung tín và khôn ngoan?
4- Làm sao để biến những gì ta đang có thành vĩnh cửu?
PHÚT SUY TƯ
“Dành riêng Em đấy, khi tình tự,”
Ta sẽ đi về, những cảnh xưa.”
(dẫn từ thơ Đinh Hùng)
Lc 12: 32-48
Cảnh xưa anh về, tình tự sao vẫn thế. Tình tự em đi, nay có thánh Hội cùng đi cùng đến, chốn thiên đường. Trình thuật thánh Luca nay cũng diễn tả thiên đường có cửa hẹp rất khó vào. Khó, thì có khó nhưng sao người vẫn cứ hỏi: thiên đường là chốn hạnh ngộ đầy chúc phúc, sao vẫn còn nhiều người khóc lóc/nghiến răng, nhiều đến thế?
Trải qua giòng đời lịch sử, người người nay cho thấy nhiều đáp trả khác biệt cho vấn nạn này. Thánh Augustinô, là đấng bậc hiển thánh uy tín là thế, lại vẫn bi quan cho rằng: người được cứu cũng rất hiếm. Theo thánh-nhân, hiếm là bởi nhân loại xưa nay là tập đoàn chúng-sinh bị án phạt đời đời; nên, thánh-nhân quyết biến cải mọi người để họ sống đạo cho tốt.
Thánh nhân lại quan niệm: nếu không có ơn Chúa, mọi người sẽ ngập trong lỗi tội. Truyền thống Đạo Chúa, lúc sau này còn gay gắt, những bảo rằng: nhiều người sẽ bị Chúa phạt đến muôn đời do phạm lỗi. Các đấng bậc giảng thuyết về nền thần học cổ điển, có thể chia làm hai loại: một, gồm các “ngôn-sứ-địa-ngục” chuyên đặt nặng việc Chúa nổi giận với dân con mọi người. Thứ đến, là những vị vẫn tin rằng Chúa sẽ thứ tha hết tất cả.
Các thần-học-gia loại đầu, luôn có khuynh hướng ngả về ảnh-hình sai lầm một Đức Chúa, lẫn con người. Nhóm người sau, nhận thức cũng chưa đủ về trách nhiệm của con người khi đáp-trả lại lời Chúa mời gọi sống yêu thương giùm giúp, chính đó mới là thiên đường. Trình thuật, nay diễn bày về thiên đường và ơn cứu rỗi như tiệc mặn, có đủ thức ăn phục vụ mọi thực khách, có sự hiện diện của Đức Chúa. Ơn cứu độ, là ảnh-hình về tiệc vui có Chúa, có con dân mọi người tốt/xấu đến dự.
Giáo huấn Hội thánh lâu nay tóm gọn ba điểm: điểm đầu, Chúa muốn kết-thân làm hoà, cứu độ hết muôn người. Chúa làm thế, ngang qua Hội thánh bấy lâu nay, nhưng ta không thể đoán biết đường lối cụ thể Chúa thực hiện. Trong khi đó, người người phải có trách nhiệm về cuộc sống hiện tại và tương lai của chính mình. Dù, thực tế cũng có người kình chống hoặc xa rời Chúa, nhưng nhiều vị vẫn tôn trọng trách nhiệm của người khác; vẫn muốn người khác ngồi cùng hang hoặc đồng vị với mình. Điểm cuối, không ai được phép xét đoán người khác. Chỉ mình Chúa mới thông hiểu được mọi người, nên chỉ mình Ngài mới có phán quyết về mỗi người và mọi người. Tuy nhiên, Chúa vẫn dành chỗ cho con người có hy vọng và Ngài vẫn tặng ban ơn lành để con người còn có dịp mà cải-hối.
Thiên đường cứu độ, là yến tiệc Chúa mời gọi mọi người đến tham dự. Cứu độ, là ân huệ được ban cho mọi người đến dự tiệc cùng Chúa, suốt mọi thời. Mọi người sẽ đến dự tiệc, dù gần/xa hoặc có là dân “tứ chiếng” tám hướng bốn phương, đều được mời. Chủ-nhà-là-Thiên-Chúa, có dùng lời lẽ hơi cứng ngắc với người dự, như: “Ta không biết các ngươi là ai, từ đâu đến!” cũng để ám chỉ người đó không là “người” thật, mà chỉ là thể-loại tưởng-tượng do tác giả trình-thuật muốn đưa ra một luận-cứ để ta suy về tình huống “tìm đến Chúa.” Tìm đến Chúa, phải chăng họ chỉ đến bằng mặt, chứ không bằng lòng. Nói cách khác, họ đến thật đấy, nhưng tâm can vẫn để đâu đó, vắng xa, cách biệt.
Thế nên, đôi lúc, ta cũng hãy tự kiểm để xem từ phần sâu lắng của tâm can, ta có thật lòng muốn gần Chúa hay không? Và, điều gì thúc giục ta tìm đến Chúa? Có khác biệt gì chăng giữa lòng muốn “tìm đến với Chúa” theo kiểu ngoài mặt và thật lòng?
Đáp trả các vấn-nạn trên, thánh-sử rày ghi rõ tâm trạng của những người lâu nay xa rời Chúa. Họ là những người hầu hết từng phạm lỗi bất công. Bất công, không ở cung cách đối xử với Chúa, mà với chòm xóm, với người nghèo hèn, thuộc giai cấp ở dưới thấp. Hoặc, họ có đến dự tiệc thật đấy, nhưng trong lòng chỉ muốn đến để vui chơi hoặc để thưởng thức các món ngon mà chẳng làm bất cứ thứ gì, từ: việc sắp bàn, phục vụ cho mọi người ăn no đủ. Làm như thế, chủ-nhà-là-Thiên-Chúa sẽ nói với người đến gõ cửa: “Thật tình, tôi chẳng biết quí vị là ai, đến từ nơi nào…” hoặc: “Quí vị không là khách được mời!”
Cũng nên suy về lập trường rất đúng từ trình thuật, rằng: mọi người đều sẽ có đủ thức ăn đến mãn đời, nếu biết sẻ san/phục vụ người khác; chí ít, là những kẻ có nhu cầu nhiều hơn ta. Nghĩ như thế, mới đúng là mình quyết đến với Chúa, rất thật tình. Có thể, người đến dự tiệc lại từ phương Đông hay phương trời nào đó tới, không ai biết. Nhưng, một khi đã đến, ắt là họ đến để phục vụ cho người khác ăn. Đến, với tâm-trạng như thế, tức: đã biết chào đón/hoan nghênh hết mọi người, không trừ ai. Thực tế đời người, đôi lúc ta lại nói quá nhiều về những việc từ thiện/bác ái ở đời, nhưng kỳ thực, ta chẳng lý gì đến tình bác ái/thương yêu rộng lớn hơn.
Trình thuật hôm nay, thánh Luca còn ám-chỉ điều mà ta coi đó như một hành trình. Hành trình dài từ Galilê đến Giêrusalem. Và, thánh-sử còn tạo dịp để Chúa ban huấn-từ về hành-trình dự tiệc, còn diễn tiến. Bằng vào hành trình dự tiệc, Chúa lại ban nhiều quà cáp đến với ta. Quà thiên đường ở gần Chúa, là để ta tiếp tục hành-trình đi vào cõi chết và Sống lại. Khi đó, “quà tặng” Chúa ban, sẽ lớn dần và gần gũi ta đến độ ta không còn gạn hỏi, nghi ngờ hoặc ngần ngại về tính lâu dài của nó nữa. Sự sống lại, đã mở cửa mộ phần để ta bật dậy, ngõ hầu sống trở lại thật kiên trì, vững chắc.
Từ ngàn xưa, thần-học Đạo Chúa nói khá nhiều về nét tiêu-cực của sự sống và cũng diễn giải khá nhiều về khía cạnh tích-cực của nó, bằng những hù doạ, rất bi quan. Vì thế nên, dân con trong Đạo mới hãi sợ một Đức Chúa có “cơn giận lành”, đầy phẫn nộ, cứ muốn đưa hối-nhân vào chốn lửa bỏng rất hoả ngục; và rồi, biến thiên đường thành chốn ngoại lệ rất khó đến. Ngày nay, có lẽ ta cũng nên quay về với đặc trưng tích-cực hiền-lành của Đức Chúa. Bởi, ví dù các nhà thần-học có nhấn mạnh nhiều đến khía-cạnh tiêu cực của cuộc sống Đạo, thì đó cũng chỉ là phương-pháp hung-biện ngõ hầu giúp người nghe biết mà cảnh giác để làm tốt cho mọi người; chí ít, là người nghèo khó, khốn đốn, tủi nhục.
Làm như thế, mới tạo được thiên đường phúc hạnh cho mọi người; và, mới vinh thăng được phẩm cách con người được. Đồng thời, sẽ còn khích-lệ mọi người về cuộc sống tương lai/mai ngày đúng như ơn gọi là vinh thăng chính mình. Vinh thăng phúc lợi cho con người mình. Vinh thăng chính mình để mình không giống như những người chỉ biết nhận chìm kẻ khác vào chốn tối tăm đầy khóc lóc và nghiến răng; mà, vui hưởng một mình chốn thiên cung phúc-hạnh, chẳng thực tế. Trái lại, phải biết đỡ nâng những kẻ đang khốn khổ vì cảnh bất công, chèn ép, bức bách.
Cuối cùng, như ý của tác giả trình-thuật hôm nay viết ở các chương/đoạn khác: Hãy đến với kẻ nghèo hèn mà làm chút gì đó cho họ. Có làm thế, mới có nghĩa: mở cửa lòng mình ra với Chúa, tựa hồ như Chúa từng mở đường cho ta làm, dù ngang qua con đường nhiều gai góc, khó thực hiện. Có như thế, mới là phấn đấu, khắc kỷ và đáng làm.
Trong cảm nghiệm điều lành thánh Chúa khuyến khích, cũng hãy ngâm lên lời thơ ý nhị, rằng:
“Dành riêng em đấy, khi tình tự
Ta sẽ đi về, những cảnh xưa.”
(Đinh Hùng– Tình Tự Dưới Hoa)
Cảnh xưa bây giờ, là như thế. Cũng như thể, chốn thiên đường phúc-hạnh có anh, có em, có tất cả mọi người chung vui trong cảnh sống rất Nước Trời. Ở đây. Bây giờ.
CHUYỆN PHIẾM ĐỌC TRONG TUẦN 19 TN
“Anh còn nợ em, công viên ghế đá,”
“Công viên ghế đá, Lá đổ chiều êm.
Và còn nợ em giòng xưa bến cũ
Giòng xưa bến cũ, con sông êm đềm.”
(Thơ: Thái Can – Nhạc: Anh Bằng – Anh còn nợ em)
(Rm 13: 8)
Hôm ấy, là buổi liên hoan “Hát Cho Nhau Nghe” ở Sydney, như thường lệ. Nhưng, có điều không giống lệ thường của buổi này, là hôm ấy có giọng hát trẻ của vị linh mục còn khá trẻ ở Sydney lại cứ hát đi hát lại mỗi câu nhắn: “Anh còn nợ em, anh còn nợ em”, tựa hồ như “đức ngài” như còn nợ rất nhiều thứ, mà Lời đấng thánh hiền ở Kinh Sách, vẫn cứ nhủ:
“Anh em đừng mắc nợ gì ai,
Trừ phi là yêu mến nhau.
Vì kẻ yêu người, tất đã làm trọn Lề Luật.”
(Rm 13: 8)
À thì ra, vị linh mục trẻ có hát như thế, cũng chỉ để nhắc bà con người nghe và người đọc hôm nay, mỗi điều này tựa như thế. Như thế, nghĩa là: mỗi lần nghe ca/nhạc sĩ xưng hô anh/em với nhau không hẳn là như người con trai nói với con gái, mà như thể người người nhắn nhủ nhau, trong đời. Tựa như người Do thái xưa cũng từng nợ nần nhau, rất nhiều thứ. Và nhiều sự, như: những thứ và những sự được người nghệ sĩ lại hát tiếp:
“Anh còn nợ em, chim về núi nhạn
Trời mờ mưa đêm, trời mờ mưa đêm
Anh còn nợ em nụ hôn vội vàng
nụ hôn vội vàng nắng chói qua song.”
(Thái Can/Anh Bằng – bđd)
Xem thế thì, nợ ở đây, là: nợ tình thân thương bao dung giữa người với người. Nợ trời, nợ đất trời chưa trả được, nên vẫn cứ coi đó là tội. Tội và nợ, như cuộc tình đã lỡ, được nói ở câu thơ/ý nhạc, như câu hát cuối của nhạc bản ở trên:
“Anh còn nợ em Con tim bối rối
Con tim bối rối Anh còn nợ em
Và còn nợ em Cuộc tình đã lỡ..
Cuộc tình đã lỡ Anh còn nợ em…”
(Thái Can/Anh Bằng – bđd)
Thành thử ra, “linh mục nhà” của mình và của người vẫn cứ la cà đây đó để hát và để nói những lời của thánh-nhân vẫn từng nói, vào khi trước. Hôm nay đây, thánh-nhân hiền từ trong đạo, lại cứ nhắc nhở những tình tiết trong Đạo, coi như nợ nần rất “đồng lần”, vẫn khó trả.
Về nợ và nần mà linh mục nọ vẫn nhắn nhủ, mà người nhà Đạo mình lại coi đó, là tội nợ, nên đã trích dẫn lời cầu ở kinh “Lạy Cha”, rất như sau:
“Xin tha nợ chúng con,
như chúng con cũng tha
kẻ có nợ chúng con. “
(Mt 6: 12; Lc 11: 4)
Diễn giải ý tưởng về tội và nợ, các nhà chú giải Kinh thánh thường vẫn bảo: ngay từ đầu, người Do thái quan niệm tội và nợ như nợ nần vật chất rất tiền bạc/của cải, cần được xoá bỏ. Bởi thế nên, qua rất nhiều bản văn thánh kinh, người Do thái thời xưa cũ vẫn nặng trĩu những ưu tư về sự việc cần được Chúa thứ tha, hết mọi nợ, cũng như tội.
Thế nhưng, nếu bảo rằng: ý chính của Kinh Lạy Cha là kính xin Chúa thứ tha mọi tội/nợ mà các vị tiên tổ từng mắc phải. Các cụ mắc tội, không chỉ là sai lầm khi nghĩ về Đức Chúa là Đấng cột buộc mọi thứ, đến độ phải xin thứ tha, rất nhiều lần. Mà kỳ thực, Đức Chúa là Đấng Thánh rất hiền lành thương yêu con người đến mức độ dạy mọi người chỉ nên gọi Ngài là “Cha”, mà thôi.
Đúng như cha giáo Thánh Kinh của bần đạo, từng có nhận định rất chính xác, như:
“Kinh “Lạy Cha!”, là cả một mặc khải về Thiên Chúa, và về mối liên hệ giữa Chúa Giêsu và Thiên Chúa, có một cái gì tuyệt đối, mà người khác không thể nói được.” (Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR, Kinh Lạy Cha, tài liệu Giảng Huấn Nội bộ tr.159)
Điều mà người khác không thể nói và gọi được là thế, có thánh-sử ghi rõ:
“Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là “ráp-bi”,
vì anh em chỉ có một Thầy;
còn tất cả anh em đều là anh em với nhau.
Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em,
vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời.
(Mt 23: 8-10)
Diễn và giải thật rõ nét về điều được thánh sử nói đến, cha giáo Nguyễn Thế Thuấn, lại đã nói như sau:
“Đọc đoạn trên, kẻ nhận tín thư của Ngài thì phải ra khỏi lề lói thường có và bạo dạn đủ để không làm như người ta, ngay bề ngoài. Bởi lẽ, lời dạy của Chúa Yêsu cực đoan, tuyệt đối như thế, mà nhiều khi Hội thánh của chúng ta bênh chữa bằng những lý lẽ thật phiền phức để thoát khỏi những lời lẽ này và để nương theo những điều vốn có! Có lẽ chúng ta phải dần dần làm một việc cực đoan như Chúa Yêsu dạy, như các giám mục ở Đức đã truyền lệnh thực sự cho tín hữu chỉ gọi họ bằng các ông, chứ đừng gọi bằng cha hay thày.
Trong Hội thánh, vì cơ cấu tổ chức bao giờ cũng có cái nguy nan là: những nghi thức được làm một cách vô ý thức thật sự, phản với Tin Mừng mà không ngờ! Ví dụ, chúng ta có thể gọi một cách dễ dàng: Đức Thánh Cha (sa sainteté bên tiếng Pháp, hoặc Holy Father, ở tiếng Anh). Trong khi Chúa Yêsu nói: “Sao ngươi nói Ta tốt lành? Không có ai tốt lành trừ phi có một mình Thiên Chúa (Ms 190: 10, 18). Ngài quở người gọi Ngài là Tốt Lành như thế. Chữ “thánh” chỉ có thể thuộc về Thiên Chúa, ai chiếm lấy là một sự phạm thượng. Chúa Yêsu còn cho chúng ta những lời tương tự như vậy trong Lc 12: 30-31. Phải làm thế nào để khi nói đến Cha, chúng ta không còn thái-độ như dân ngoại: “Các điều đó, dân ngoại nơi thế gian kiếm tìm. Nhưng, Cha các người biết rõ, các người cần đến các điều ấy. Song, hãy tìm kiếm Nước của Người, và các điều ấy sẽ được ban thêm cho các người.” (xem Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR, sđd tr. 161)
Về lại với lời hát do vị “cha” trẻ nọ ở Sydney, và/hoặc Đức “Thánh” Cha là đấng “thánh” vẫn chưa già, cũng từng gọi/từng nói và hát những lời tương tự như: “Anh” đây là linh mục, hoặc “Đức thánh Cha” đây vẫn còn nợ nhiều nơi Em (tức: dân con mọi người trong thánh hội), như lời lẽ của nhà thơ và người viết nhạc, từng ca cẩm:
“Anh còn nợ em, Con tim bối rối
Con tim bối rối, Anh còn nợ em
Và còn nợ em, Cuộc tình đã lỡ..
Cuộc tình đã lỡ, Anh còn nợ em…”
(Thái Can/Anh Bằng – bđd)
Nói của đáng tội, có ca cẩm hoặc hát lớn tiếng những lời tương tự, vẫn để bảo: mối nợ ta canh cánh bên lòng, không chỉ nợ mỗi “Công viên ghế đá”, “Con tim bối rối”, hoặc “Cuộc tình đã lỡ” đi chăng nữa, thì nợ đó cũng chỉ là món nợ “tình” của mọi người, ở Nước Trời, thôi.
Nói cũng tội, là nói như đấng bậc vị vọng này/khác, về “Lòng Chúa thương yêu” hết mọi người, chứ không chỉ những người cứ hát câu “Anh còn Nợ Em! Anh còn nợ em! Ghế đá không đèn”. Nói, là nói về cái tội của “bầy tôi” những là hay nói và thích trích dẫn khá nhiều đoạn kể, để qua ngày đoạn tháng cũng để cho vui mà thôi.
Trích dẫn hôm nay, còn một nhận định của đấng bậc nào đó viết trên mạng thật đậm nét về chân lý cuộc đời tuy gồm những khiếm khuyết, nợ nần, lần chần nhưng vẫn là chân lý rất triết học, như sau:
“Hôm nay viết về chân lý cuộc đời, với câu: “Có những người…”, tôi sẽ viết như sau:
- Thật ra, chẳng ai có được cuộc đời hoàn hảo hoặc không một khiếm khuyết, nào cả!
- Thật ra thì, mỗi người đều có khiếm khuyết, và còn nợ nhau khá nhiều.
- Có những vợ chồng vừa trí thức, vừa lương bổng cao, nhưng lại bị mắc bệnh nan y, như của nợ canh cánh bên lòng.
- Có người tài sắc vẹn toàn, giỏi dang, nhưng đường tình duyên lại trắc trở.
- Có những người thừa kế gia tài kếch sù, nhưng keo kiệt ích kỷ, đầu óc rỗng tuếch.
- Có những gia đình thế lực/giàu sang nhưng con cái bất hiếu, khiến tán gia bại sản và làm nhiều điều phi pháp.
- Sống trên cõi trần, ai cũng cần nợ nần/khiếm khuyết để bớt đi phần kiêu ngạo.
- Dù bạn có muốn hay không, là người, bạn vẫn bị bệnh tật lây bám, như định mệnh.
- Đừng bực bõ về khiếm khuyết/nợ nần trong đời. Vì, sở dĩ người đời mở rộng lòng mình ra là để đón nhận cả những nợ nần, lẫn khiếm khuyết.
- Bởi, con người vẫn biết rằng: nợ nần, lẫn khuyết điểm là như cái gai mình cõng trên lưng để biết mà khiêm tốn hợp tác với người khác.
- Cuộc đời mà thiếu thăng trầm, thì con người dễ tìm chốn an thân, khó mà biết cảm thông những người nghèo hèn, đầy công nợ. Sống ở đời, mà không trải nghiệm mọi thiếu thốn với nợ nần, làm sao có thể trưởng thành!
- Những người thứ gì cũng thừa mức, có đủ, sẽ không biết đến niềm vui của đợi chờ và hy vọng.
- Đừng quá khổ tâm, buồn sầu, bất mãn với những gì mình chưa có hoặc tuy là có nhưng do nợ chồng chất đến tận cổ, nên không bao giờ thấy là mình cũng …có.
- Hãy lấy làm vui, vì có những thiếu thốn, cũng như “nợ đồng lần” vì có thế mình mới có khát vọng mà vươn lên.
- Vốn ý thức rằng: là người ai cũng có khuyết điểm, nên sẽ không cần so đo với mọi người. Và như thế, mình sẽ biết quí trọng hơn nữa, những gì mình đã có và đang có.
- Thay vì ta cứ đứng núi này trông núi nọ, hãy kiểm lại những gì Ơn Trên đã tặng ban cho mình! Và khi đó, mình sẽ nhận ra rằng: những gì mình có, vẫn nhiều hơn những gì “mình không có”.
- Nếu nhìn lên, thấy chẳng bằng ai, nhưng nhìn xuống sẽ thấy chẳng có bao người bằng mình.
- Trời cho ta khiếm khuyết để biết nhờ và, giúp đỡ lẫn nhau.
- Niềm vui đời này, không chỉ là biết cho đi mà thôi, mà là biết đón nhận nhau nữa.
- Nếu coi nợ nần cùng khuyết điểm là thành phần cuộc đời, ta sẽ lạc quan yêu đời hơn.
-Đừng để niềm vui luột khỏi vòng tay. Đừng ngồi đó ủ rũ đêm ngày vì khiếm khuyết hoặc nợ nần rồi giải sầu bằng chén rượu say. Chúc tất cả mọi người tìm thấy được niềm vui và phúc hạnh, mỗi một ngày.” (trích lời khuyên của đấng bậc trên mạng)
Của đáng tội, -tội chứ không phải nợ-, là: mỗi lần nói đến “nợ đồng lần” các cụ nhà ta xưa nay vẫn rất sợ. Sợ, là bởi: ai rồi cũng đến phiên mình sẽ phải trả nợ và nếu có nợ cao chồng chất đến độ như núi/như đồi, thì chắc chắn trả đến đời con đời cháu cũng không hết.
Thế nhưng, có những món “nợ” tình thương trong đời người mà người người lại cứ tưởng là nợ đồng lần, trả không nổi, nhưng sự thật không thế. Nợ đồng lần, dù to như nợ “tình thương” với những người thương mình, vẫn là thứ nợ trả được nếu “con nợ” là mình vẫn còn nhớ, như truyện kể để khích lệ, như bên dưới:
“Anh dừng lại tiệm bán hoa để gửi hoa tặng mẹ qua đường bưu điện. Mẹ anh
sống cách chỗ anh khoảng 300km. Khi bước ra khỏi xe, anh thấy một bé gái
đang đứng khóc bên vỉa hè. Anh đến và hỏi nó sao lại khóc.
Cháu muốn mua một hoa hồng để tặng mẹ cháu – nó nức nở – nhưng cháu chỉ có
75 xu trong khi giá một hoa hồng đến 2 đôla.
Anh mỉm cười và nói với nó:
- Đến đây, chú sẽ mua cho cháu.
Anh liền mua hoa cho cô bé và đặt một bó hồng để gửi cho mẹ anh. Xong xuôi,
anh hỏi cô bé có cần đi nhờ xe về nhà không. Nó vui mừng nhìn anh và trả
lời:
- Dạ, chú cho cháu đi nhờ đến nhà mẹ cháu.
Rồi nó chỉ đường cho anh đến một nghĩa trang, nơi có một phần mộ vừa mới
đắp. Nó chỉ ngôi mộ và nói:
- Đây là nhà của mẹ cháu.
Nói xong, nó ân cần đặt nhánh hoa hồng lên mộ.
Tức thì, anh quay lại tiệm bán hoa, hủy bỏ dịch vụ gửi hoa vừa rồi và mua
một bó hồng thật đẹp. Suốt đêm đó, anh đã lái một mạch 300km về nhà mẹ anh
để trao tận tay bà bó hoa.” (truyện về ngày Vu Lan bên Tây rút từ mạng vi tính)
Thật ra thì, truyện kể ở trên chẳng dính dáng gì đến chuyện nợ nần rất “chồng chất”, hay “nợ đồng lần” gì ráo trọi. Nhưng, suy cho kỹ, bạn và tôi, ta sẽ thấy linh mục trẻ có hát hò nhiều lần ở đây đó, hết đám cưới của bạn bè/người thân hoặc vào những buổi “Hát Cho Nhau Nghe” ở Sydney, cũng chỉ để nói lên những điều và những sự khiến ta hát hoài và hát mãi có mỗi câu:
“Anh còn nợ em, Con tim bối rối
Con tim bối rối, Anh còn nợ em
Và còn nợ em, Cuộc tình đã lỡ..
Cuộc tình đã lỡ, Anh còn nợ em…”
(Thái Can/Anh Bằng – bđd)
Hát thế rồi, hỡi bạn trẻ linh mục của tôi hay bạn tôi không là linh mục trẻ, hãy nhớ rằng: mình còn nợ nhau“Con tim bối rối”, “Cuộc tình lỡ”, hay gì gì nữa, vẫn là tình yêu, của mọi người. Với mọi người. Chí ít là những người cần đến tình người, không chỉ từ linh mục trẻ hoặc Đức Cha rất thánh ở trần thế.
Trần Ngọc Mười Hai
Cũng còn nợ
Rất nhiều người
Một cuộc tình vẫn không lỡ.
Đó là tình người của người tình,
Rất trăm năm.
Sưu tầm