Đang truy cập : 457
•Máy chủ tìm kiếm : 4
•Khách viếng thăm : 453
Hôm nay : 14333
Tháng hiện tại : 14333
Tổng cộng : 35968559
Lời Chúa và các bài chú giải - suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 19 thường niên – năm A
"Xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi dân chúng đã ăn no, lập tức Chúa Giêsu giục môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện một mình. Đến chiều, Người vẫn ở đó một mình. Còn thuyền thì đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió. Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hồn mà nói rằng: "Ma kìa!", và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng. Lập tức, Chúa Giêsu nói với các ông rằng: "Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!" Phêrô thưa lại rằng: "Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy". Chúa phán: "Hãy đến!" Phêrô xuống khỏi thuyền, bước đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu. Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng: "Lạy Thầy, xin cứu con!" Lập tức, Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông mà nói: "Người hèn tin, tại sao mà nghi ngờ?" Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: "Thật, Thầy là Con Thiên Chúa". Đó là lời Chúa.
Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật nầy
giới thiệu cho chúng ta Thiên Chúa là nguồn bình an.
1V 19: 9, 11-13
Trong sách Các Vua quyển thứ nhất, Thiên Chúa tỏ mình ra với ngôn sứ Ê-li-a trên núi Khô-rếp. Ngài không đến với ông trong cảnh sấm chớp kinh thiên động địa, cũng không trong cảnh trời đất rung chuyển đến hồn xiêu phách lạc, nhưng trong “làn gió mát hiu hiu thổi”, tức là “trong tiếng động của cõi thinh lặng tinh tế”. Ngài đến với ông trong bầu khí chứa chan ân tình.
Rm 9: 1-5
Bài đọc thứ hai, trích từ thư của thánh Phao-lô gởi cho các tín hữu Rô-ma, là lời tâm sự đầy xao xuyến của thánh nhân trước sự cứng lòng tin của đồng bào Do thái của mình, tuy họ đã được đổ tràn biết bao thánh ân.
Mt 14: 22-33
Tin Mừng tường thuật việc Đức Giê-su đi trên mặt nước để đến cứu giúp các môn đệ đang lâm nạn. Ngay khi Ngài gặp lại các môn đệ trên thuyền, bảo tố trở nên dịu êm. Sự hiện diện của Ngài đem lại sự bình yên cho thiên nhiên và cõi lòng của con người.
BÀI ĐỌC I (1V 19: 9, 11-13)
Sách Các Vua quyển thứ nhất và quyển thứ hai dành một chỗ ưu tiên cho các ngôn sứ, đặc biệt cho ba ngôn sứ: Ê-li-a, Ê-li-sa và I-sai-a.
Ngôn sứ Ê-li-a là một nhân vật thật lạ lùng, kỳ bí và có quyền năng hô phong hoán vũ, nhưng trên hết, một con người của đức tin. Ông thi hành sứ vụ ngôn sứ của mình ở vương quốc phương Bắc, vào triều đại của vua A-kháp (874-853 BC). Sứ mạng của ông gặp nhiều gian truân. Vua A-kháp là một vị quân vương vô đạo. Vợ vua, hoàng hậu I-de-ven, ngoại đạo, công chúa của vua Xi-đon, ông này vừa là vua đồng thời cũng là tư tế của thần Ba-an. Vua A-kháp sùng bái việc cúng tế ngẫu tượng. Vì thế, vua không chịu được những lời khiển trách của ngôn sứ Ê-li-a. Trong khi đó, hoàng hậu I-de-ven quyết tâm truy sát vị ngôn sứ này.
1. Hành trình tâm linh của ngôn sứ Ê-li-a.
Trước cuộc bách hại của vương triều, ngôn sứ Ê-li-a rời bỏ vương quốc phương Bắc, trốn chạy vào vương quốc phương Nam cho đến tận biên giới sa mạc xa xôi. Ở đó, ông quyết định thực hiện một cuộc hành hương về cội nguồn của đức tin, đến núi thánh Khô-rếp (cũng còn gọi núi Xi-nai theo truyền thống vương quốc miền Bắc), nơi Chúa đã hiện ra cho ông Mô-sê. Chán nản vì những công sức của mình đã thành mây khói, vị ngôn sứ cố gắng tôi luyện niềm tin của mình ở chính nơi Thiên Chúa đã tỏ mình ra.
Bốn thế kỷ cách biệt giữa ngôn sứ Ê-li-a và ông Mô-sê. Dường như núi Khô-rếp đã trở thành địa danh hành hương vào thời ngôn sứ Ê-li-a. Vị ngôn sứ nằm nghỉ trong một chiếc hang xưa kia ông Mô-sê đã trú ngụ, nơi mà truyền thống đã xem như thánh địa.
2. Tấm lòng trìu mến của Thiên Chúa.
Hai hoàn cảnh thần hiện không như nhau. Xưa kia, dân Do thái cắm lều ở dưới chân núi Xi-nai. Vào lúc đó, Thiên Chúa đã ngỏ lời với dân trong tiếng sấm chớp rền vang đến kinh thiên động địa, trời đất rung chuyển đến hồn xiêu phách lạc, ngỏ hầu toàn dân nhận biết sự hiện diện đầy quyền uy của Ngài mà lắng nghe ông Mô-sê, người trung gian của Ngài.
Trái lại, ngôn sứ Ê-li-a đã đơn thương độc mã chống lại với các thế lực thờ ngẫu tượng, không gặp thấy nơi nương tựa nào ngoài một mình Thiên Chúa. Vì thế, Thiên Chúa tỏ mình ra cho vị ngôn sứ không trong cơn bão tố, cũng không trong trận động đất, cũng không trong lửa, nhưng trong “làn gió mát hiu hiu thổi”, dịch sát từ: “trong tiếng động của cõi thinh lặng tinh tế”. Chính để an ủi ông, Thiên Chúa đến với ông trong bầu khí chan chứa ân tình.
Đây không phải là cách thức khác Thiên Chúa bày tỏ sự thánh thiêng của Ngài sao? Thiên Chúa là Đấng cao vời khôn sánh, nhưng cũng là Đấng rất mực thân tình và gần gũi. Vì thế, Ngài không tất yếu nói với chúng ta trong những biến cố ngoạn mục, nhưng thường nhất là trong cõi thinh lặng của tâm hồn. Vì thế, chỉ những ai biết chăm chú lắng nghe Ngài trong tâm tình yêu mến chân thật, thì mới nhận ra sự hiện diện của Ngài: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3: 20).
Trong trường hợp của ngôn sứ Ê-li-a, Thiên Chúa muốn ông hiểu rằng Ngài đang lắng nghe lời ông cầu nguyện. Chính trong bầu khí ân tình trìu mến mà Ngài muốn chuyện trò với ông. Ngoài ra, không ngoại trừ rằng tác giả muốn cho dân Do thái bất tín và thờ ngẫu tượng một bài học. Thần Ba-an của dân Ca-na-an là thần bão tố; còn Đức Chúa, Thiên Chúa chân thật, thì hoàn toàn khác.
Phụng Vụ hôm nay chủ ý đối chiếu bản văn này với Tin Mừng để giới thiệu Đức Giê-su là Đấng dẹp yên bão tố. Sự hiện diện của Ngài đem lại bình an cho thiên nhiên và cõi lòng con người. Chính Ngài là nguồn mạch bình an.
BÀI ĐỌC II (Rm 9: 1-5)
Bài đọc thứ hai là phần mở đầu chương 9 thư thánh Phao-lô gởi cho các tín hữu Rô-ma. Trong phần mở đầu này, thánh Phao-lô thổ lộ những tâm tư sâu kín khi thú nhận nỗi phiền muộn bao la của ngài trước sự cứng lòng tin của đồng bào mình.
1. Nỗi ưu phiền bao la.
Nỗi phiền muộn của thánh nhân lớn lao đến mức ngài sợ người ta không tin. Vì thế, thánh nhân viện dẫn Đức Ki-tô ra làm chứng: “Có Đức Kitô chứng giám”, đoạn Chúa Thánh Thần:“Lương tâm tôi, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, cũng làm chứng cho tôi”. Khi viện dẫn hai nhân chứng này, thánh nhân cho thấy ngài vẫn trung thành với truyền thống Do thái, theo đó một sự kiện được cho là thật nếu có hai nhân chứng.
Thánh nhân vừa mới trình bày hết mực nồng nàn vận mệnh vinh quang được chuẩn bị cho người Ki-tô hữu (chương 8). Quả thật là nỗi đau đến xé lòng nếu như đồng bào của mình đã không dự phần vào vinh quang nầy. Thánh nhân chấp nhận chịu nguyền rủa để cứu anh em đồng bào của mình theo huyết thống, dù phải hy sinh bản thân mình, thì ngài cũng cam lòng. Tiếng kêu tận đáy lòng, tiếng kêu quá đổi bi thương cùng cực, có lẽ được gợi hứng từ tiếng kêu của ông Mô-sê trước sự bất trung của dân Do thái cúi mình thờ lạy con bê vàng: “Lạy Đức Chúa, xin hãy tha thứ tội lỗi của họ! Nếu không, xin hãy xóa tôi ra khỏi Sách sự sống mà Ngài đã viết” (Xh 32: 32).
2. Một dân phản loạn.
Thánh nhân nhắc lại tất cả những ân ban mà Thiên Chúa đã ban cho dân Ngài: “Họ đã được Thiên Chúa nhận làm con, được Người cho thấy vinh quang, ban tặng giao ước, lề luật, nền phụng tự và những lời hứa” và sau hết, đặc ân cao vời nhất, đó là “Đức Ki-tô, xét theo huyết thống, cũng cùng một nòi giống với họ”. Thánh nhân còn nói thêm: “Người là Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi sự. Chúc tụng Người đến muôn đời”. Đây là một trong những điển hình hiếm hoi, ở đó thánh Phao-lô gọi Đức Kitô là Thiên Chúa. Chúng ta còn gặp một điển hình duy nhất khác ở Tt 2: 13: “Sở dĩ như vậy, là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Giê-su Ki-tô là Thiên Chúa vĩ đại và là đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang”.
TIN MỪNG (Mt 14: 22-33)
Chuyện tích Đức Giê-su đạp trên mặt biển phong ba bão táp mà đến với các môn đệ đang lâm nguy trong một con thuyền giữa biển khơi được định vị vào ban đêm sau phép lạ bánh hóa nhiều. Vào buổi chiều hôm trước, Đức Giê-su đã hối thúc các môn đệ xuống thuyền đi sang bờ hồ bên kia trước, còn Ngài ở lại giải tán đám đông dân chúng và lên núi cầu nguyện một mình thâu đêm.
Thánh Mát-thêu không đưa ra cho chúng ta bất kỳ lời giải thích nào về việc Đức Giê-su hành xử như vậy. Chúng ta biết được nhờ Tin Mừng thứ tư: “Đức Giê-su biết người ta sắp tôn Ngài làm vua, một lần nữa, một mình rút lui lên núi” (Ga 6: 15). Đức Giê-su cẩn trọng tách riêng các môn đệ của mình ra khỏi đám đông, vì sợ rằng các ông bị đám đông lôi cuốn mà nẩy sinh trong lòng ước muốn tái lập vương triều Ít-ra-en.
1. Tách riêng một mình để cầu nguyện.
Bất cứ khi nào các thánh ký kể ra việc Đức Giê-su cầu nguyện, họ đều nhấn mạnh bầu khí thanh vắng và đơn độc của Ngài: “Đức Giê-su cầu nguyện riêng một mình, trên núi cao, ở một nơi vắng vẽ”. Ngài cầu nguyện vào những thời điểm trang trọng (phép rửa, Biến Hình), trước khi đưa ra những quyết định quan trọng (thử thách trong hoang địa, ở vườn Cây Dầu). Việc Đức Giê-su cầu nguyện sau phép lạ bánh hóa nhiều chính xác đóng vai trò bản lề của câu chuyện. Đám đông tán dương Ngài như một nhà thần thông biến hóa; họ ước mơ một Đấng Thiên Sai quyền năng trần thế; họ để ngoài tai sứ điệp của Ngài. Thất vọng, Đức Giê-su sắp hướng sứ vụ của Ngài theo một hướng đi khác: để hết tâm trí vào việc ưu tiên đào tạo các môn đệ của Ngài. Trước khi đưa ra quyết định nầy, Đức Giê-su cầu nguyện thâu đêm. “Vào khoảng canh tư, Đức Giê-su đi trên mặt biển mà đến với họ”. Ngày xưa, đêm được chia thành bốn canh: canh một từ sáu giờ chiều đến chín giờ đêm, canh hai từ chín giờ đêm đến mười hai giờ khuya, canh ba từ mười hai giờ khuya đến ba giờ sáng, canh tư từ ba giờ sáng đến sáu giờ sáng.
2. “Thầy đây, đừng sợ”:
Các môn đệ đang ra sức chèo chống con thuyền trong cơn bảo tố giữa biển khơi trong đêm vắng. Vì thế, các ông hốt hoảng khi thấy một bóng người trong đêm tối đang đạp trên sóng biển dữ dội mà tiến đến con thuyền của mình. Trước tiếng kêu hoảng hốt của các môn đệ, Đức Giê-su đáp trả: “Thầy đây, đừng sợ”. “Thầy đây” theo nguyên bản Hy lạp “Ego Eimi” (tiếng La-tin: “Ego sum”) nghĩa là: “Ta là”. Với thành ngữ nầy, Đức Giê-su khẳng định thần tính của Ngài. “Ta là” quy chiếu đến việc Thiên Chúa mặc khải Danh Ngài cho ông Mô-sê (Xh 3: 13-15). Không phải Kinh Thánh đã không nói: “Trên đại dương là đường Ngài” (Tv 77) sao?
“Lạy Chúa, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”. Chúng ta tự hỏi phải chăng khi thánh Phê-rô gọi Thầy “Lạy Chúa”, lời kêu cầu chỉ dành riêng cho Đức Chúa, thánh nhân thật sự hiểu lời trấn an này của Thầy là mặc khải thần tính của Ngài? Được Chúa nhận lời, ông hăm hở và liều lĩnh lao mình xuống nước. Ba lần trong Tin Mừng của mình, thánh Mát-thêu nêu bật bản tính của Phê-rô, ông hành động theo cảm tính chứ không suy nghĩ chính chắn, không cân nhắc kỷ lưỡng, như trong câu chuyện nầy, hay vào lúc tuyên xưng đức tin ở Xê-da-rê, hoặc vào lúc Biến Hình.
Tuy nhiên, thánh Phê-rô không hoàn toàn vững tin, thấy sóng to gió lớn, ông hoảng hốt la lên: “Lạy Chúa, xin cứu con”. Đây là lần đầu tiên, một trong các tông đồ đã kêu cầu Đức Giê-su là “Đấng Cứu Độ”. Điều kỳ diệu của thánh Phê-rô chính là cứ mỗi lần hành động theo tính khí nông nỗi của mình, ông vấp ngã; nhưng mỗi lần vấp ngã, ông lại chỗi dậy. Những lần vấp ngã càng giúp ông hiểu Thầy mình hơn và càng gần Thầy hơn.
Ngay lập tức, thánh Phê-rô và các bạn phủ phục trước Đấng, không chỉ chế ngự biển dậy sóng, nhưng còn dẹp yên bão tố, nghĩa là, những thế lực hung dữ, cuồng dại. Các ông đồng thanh tuyên xưng: “Quả thật, Thầy là Con Thiên Chúa”.
3. Con thuyền Giáo Hội giữa trần thế:
Chuyện tích này ẩn chứa một hậu cảnh Giáo Hội. Sự kiện Chúa Giê-su dùng quyền năng của Ngài, không những cứu các môn đệ khỏi bị vùi dập trong bảo tố, mà còn cứu cả thánh Phê-rô khỏi chìm xuống biển, chuẩn bị cho chúng ta đón nhận lời tuyên xưng của thánh Phê-rô: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” (16: 16) và lời công bố của Chúa Giê-su: “Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (16: 18-19). Ngoài ra, thánh Mát-thêu mô tả con thuyền bị sóng dữ vùi dập bằng động từ Hy-lạp “tra tấn”, “hành hạ”, chứ không như thánh Mác-cô “Các ông vất vả chèo chóng” (Mc 6: 48). Có lẽ khi thuật lại câu chuyện này, thánh Mát-thêu nhằm gởi sứ điệp đầy hy vọng đến cho Giáo Hội trong cơn bách hại. Quả thật, câu chuyện một con thuyền mong manh nổi trôi trên mặt biển cuồng nộ trong cơn bão tố vào đêm tối mù mịt và việc Đức Giê-su can thiệp để con thuyền được đến bến bình yên là hình ảnh gợi lên trong người đọc biết bao ý tứ về Giáo Hội tại thế. Tét-tu-liên, và sau nầy thánh Âu-tinh, sẽ khai triển chủ đề con thuyền Giáo Hội, dù bị vùi dập trong phong ba bão tố, nhưng Đức Giê-su không bỏ mặc Giáo Hội của Ngài.
------------------------------
Sau phép lạ hoá bánh ra nhiều như Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước tường thuật, Chúa Giêsu giục các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia Biển Hồ. Còn Ngài thì ở lại giải tán dân chúng, rồi sau đó lên núi cầu nguyện một mình. Giữa đêm, con thuyền các môn đệ gặp sóng to bão lớn, các ông vô cùng sợ hãi.
Chính lúc đó Chúa Giêsu đi trên mặt nước mà đến với các ông. Ban đầu các ông tưởng là ma nên càng sợ hơn nữa. Nhưng khi đã nhận biết đó là Thầy mình thì các ông bình an trở lại và tuyên xưng “Thật Thầy là Con Thiên Chúa” (Mt 14,33).
Câu chuyện là như thế nhưng chúng ta có rút ra được một bài học nào không? Tôi tưởng có một vài bài học rất cụ thể, rất cần cho chúng ta nhất là trong cuộc sống hôm nay.
Hai hình ảnh về một lòng tin đã được thánh Matthêu nối kết với nhau, như một đối trọng, nói lên sự hiện diện của “Thiên Chúa ở cùng” luôn là điều cần thiết cho các môn đệ năm xưa, cũng như cho mỗi người chúng ta hôm nay. Lòng tin của chúng ta vào Thiên Chúa có những lúc phẳng lặng như một mặt hồ phản chiếu, trong suốt soi rõ những vẻ đẹp thiên nhiên. Nhưng nhiều khi chỉ một làn gió nhẹ thôi cũng làm làm gợn sóng, xao động, bao nhiêu vẻ đẹp đều tan biến.
Nhìn lại những thăng trầm của cuộc đời, mỗi khi chúng ta được sống trong bầu khí an vui, được hài lòng với mọi sở nguyện, chúng ta dễ dàng xác tín và cảm nhận mạnh mẽ sự quan phòng của Chúa. Thế nhưng khi gặp phải những khó khăn thử thách, những điều bất hạnh, những nghịch cảnh xảy tới – như các môn đệ xưa giữa cơn sóng gió, chúng ta cũng dễ dàng hoang mang lo sợ và không nhận ra Chúa. Quả thật, lòng tin của chúng ta đã nhiều lúc thật yếu ớt và mong manh!
Một người vô thần rất mê leo núi. Ngày kia anh ta trượt chân té ngã lăn từ đỉnh núi xuống. Nhưng may thay anh bám được vào một cành cây nằm chơ vơ giữa đỉnh cao và vực thẳm. Giữa lúc chỉ còn biết chờ chết, một ý nghĩ chợt đến với anh:
- Tại sao không gọi Chúa đến cứu giúp.
Nghĩ là làm. Anh lấy hết sức lực la lên thật lớn:
- Lạy Chúa!
Tuy nhiên bốn bề chỉ có thinh lặng và anh chỉ nghe được tiếng dội của lời kêu van. Một lần nữa, người vô thần lại kêu xin tha thiết hơn:
- Lạy Chúa, nếu quả thật có Chúa thì xin hãy cứu con. Con hứa sẽ tin Chúa và dạy cho những người khác cũng tin Chúa nữa.
Sau một hồi thinh lặng, bỗng người vô thần nghe một tiếng vang dậy cả vực thẳm và núi cao:
- Gặp hoạn nạn thì ai cũng cầu xin như thế!
- Không! Lạy Chúa, nghìn lần không. Con không giống như những người khác. Chúa không thấy sao, con đã bắt đầu tin từ khi nghe tiếng Chúa phán. Nào bây giờ xin Chúa hãy cứu con đi, và con sẽ cao rao Danh Chúa cho đến tận cùng trái đất!
Tiếng ấy trả lời:
- Được lắm! Ta sẽ cứu ngươi. Vậy nếu ngươi tin thì hãy buông tay ra!
Người vô thần thất vọng thốt lên:
- Buông tay ra ư, bộ Chúa tưởng tôi điên sao!
(Trích “Món quà giáng sinh”)
Mẹ Têrêxa Calcutta nói: “Đức tin là tình yêu trong hành động chứ không phải trong cảm giác. Sự vâng phục mau mắn, đơn thành, tối mặt, vui vẻ đối với Thiên Chúa là bằng chứng của Đức Tin.”
Có lẽ chúng ta cũng phải xin Chúa một điều như các tông đồ thuở xưa: “Lạy Thầy xin thêm lòng tin cho chúng con.” (Lc 17,5)
Đức tin không bảo đảm cho người tin khỏi gặp sóng gió nhưng thêm sức cho người ấy có thể bước đi trên mặt nước giữa sóng gió tơi bời. Hiểu như thế thì không phải chỉ một mình Phêrô, mà còn rất nhiều người có thể đi trên mặt nước mà không sợ hãi.
Có một bà nổi tiếng đạo đức, nhân hậu và luôn bình tâm trước mọi thử thách. Một bà khác ở cách xa ít dặm, nghe nói thì tìm đến, hi vọng học được bí quyết để sống bình an và hạnh phúc.
Bà hỏi:
- Thưa bà, có phải bà có một đức tin lớn lao?
- Ồ không, tôi không phải là người có đức tin lớn lao, mà chỉ là người có đức tin bé nhỏ đặt vào một Thiên Chúa lớn lao.
Trong cuốn ký sự ghi lại những cuộc du hành của Marcô Pôlô, nhà hàng hải lừng danh của Italia vào thế kỷ XVI, có thuật lại cuộc gặp gỡ của ông với một số nhà truyền giáo tại Biển Đen. Các nhà truyền giáo cho biết họ đang trực chỉ đến vùng Tarta. Nhìn chiếc thuyền quá đơn sơ của các tu sĩ, Marcô Pôlô mới buột miệng đưa ra câu nhận xét:
- Có lẽ các ngài chưa lường hết được những hiểm nguy trên biển cả. Với một cuộc hành trình cam go như thế này mà các Ngài lại không mang theo gì hết. Xin các ngài cho biết đã chuẩn bị những gì?
Các nhà truyền giáo mỉm cười đáp:
- Chúng tôi được trang bị bằng đức tin, đức cậy, đức mến, và Chúa chính là Đấng dẫn đường, chỉ lối cho chúng tôi. Chúng tôi nghĩ như thế cũng đầy đủ cho chúng tôi rồi!
Cách viết của tác giả bài đọc I hàm chứa một bài học sâu sắc về sự hiện diện của Chúa. Khi ngôn sứ Elia đứng trong một hốc núi Horép, ông thấy một luồng gió mạnh xé núi dời non, nhưng Chúa không ở trong đó. Ông lại thấy một cơn bão rất mạnh làm cho đất rung động, nhưng Chúa không ở trong bão. Ông còn thấy lửa, nhưng Chúa cũng không ở trong lửa. Cuối cùng ông thấy một làn gió hiu hiu: ông được soi sáng cho biết có Chúa ở trong đó, ông liền cung kính lấy khăn che mặt lại để bước ra khỏi hang diện kiến Thiên Chúa.
Vâng! Thiên Chúa không thích hiện diện trong những thứ ồn ào, uy phong, vĩ đại. Ngài thường hiện diện cách êm ả, âm thầm và nhẹ nhàng trong cái rất bình thường của đời sống.
Chúng ta không nhận ra được sự hiện diện của Chúa bởi vì chúng ta cứ mãi tìm Ngài trong những sự phi thường.
Nhà hiền triết Uddalaka thường dùng những dụ ngôn để dạy cho con ông biết nhận ra Thiên Chúa ngay trong cuộc sống thường ngày. Đây là một trong những dụ ngôn đó:
Ngày nọ, ông nói với con ông:
- Hãy bỏ nắm muối này vào nước và sáng ngày mai hãy trở lại gặp cha.
Người con làm đúng theo lời cha anh dạy. Hôm sau, cha anh bảo:
- Con hãy lấy cho ta nắm muối con bỏ vào trong nước hôm qua.
- Thưa cha, người con nói, con không thể làm được vì muối đã tan trong nước hết rồi!
- Vậy con hãy nếm dĩa nước bắt đầu từ mép bên phải xem -Uddalaka nói- Con thấy mùi vị gì?
- Muối.
- Bây giờ, con hãy nếm phía mép kia của cái dĩa. Con thấy mùi vị gì?
- Muối.
- Con hãy ném cái dĩa đi. Người cha nói.
Người con làm y như thế và nhận thấy rằng sau khi nước bốc hơi, muối lại xuất hiện. Lúc đó Uddalaka bèn nói:
- Con ạ, con không thể nào nhận ra Thiên Chúa ở đây, nhưng thật ra Người luôn có đó.
Lạy Chúa! Xin giúp con luôn nhận ra sự hiện diện của Chúa trong những biến cố của đời con. Xin ban ơn giúp sức cho con để con vượt thắng mọi thử thách trên đường đời. Quyền năng và tình thương của Chúa luôn làm cho con vững dạ an tâm (Tv 23,4). Amen.
------------------------------------
Chẳng hiểu làm sao mà ngày hôm nay con người sống trong một thế giới thiếu vắng lòng tin để rồi từ thiếu vắng lòng tin nó đã gây ra cho con người biết bao nhiêu là xáo trộn, biết bao nhiêu à bất an. Ngày hôm nay người ta phải đối diện với quá nhiều sự giả trá, sự gian tà để rồi không còn tin vào nhau như xưa nữa.
LẠY THÀY, XIN THÊM LÒNG TIN CHO CHÚNG CON
Liệu người ta có sống được không khi không có lòng tin? Câu trả lời dường như quá dễ dàng, người ta chết vì thiếu cơm thiếu gạo, thiếu chất dinh dưỡng hay thuốc men chứ có ai chết vì thiếu lòng tin!
Nhưng cứ thử hình dung, một đứa trẻ nếu không có lòng tin vào tình thương, vào trách nhiệm của cha mẹ mình thì dù có ăn ngon mặc đẹp, được hưởng thụ mọi tiện nghi, thậm chí được học hành thì đứa trẻ ấy cũng chẳng bao giờ được sung sướng. Nếu sống như vậy nó chỉ là một đứa trẻ vất vưởng mồ côi, có lẽ trong số những trẻ bỏ nhà đi bụi đời nhiều em đã mang theo cõi lòng tan hoang như thế. Bình thường, ra khỏi cái thế giới của gia đình, một thiếu niên có thêm lòng tin mới, tin vào thầy cô bạn bè, nhà trường. Chúng đau khổ khi bị bạn bè chơi xấu, và đâu đó nhà trường đã biến thành thị trường, người dạy không vì chúng mà vì túi tiền của cha mẹ chúng nên chúng đã hỗn láo, hư hỏng hoặc lớn lên ra trường đi làm, chúng tìm mọi cách để tận thu lại với đời.
Vợ chồng mà không tin nhau thì dù nhà cao cửa rộng, chăn êm nệm ấm thì cũng chỉ là một sự "liên hiệp", và những cuộc hành lạc hợp pháp. Không niềm tin thì không thể có tình yêu, còn hạnh phúc càng là chuyện hoang tưởng.
Một cuộc sống thiếu lòng tin thì đó không phải là cuộc sống…
Chẳng hiểu làm sao mà ngày hôm nay con người sống trong một thế giới thiếu vắng lòng tin để rồi từ thiếu vắng lòng tin nó đã gây ra cho con người biết bao nhiêu là xáo trộn, biết bao nhiêu à bất an. Ngày hôm nay người ta phải đối diện với quá nhiều sự giả trá, sự gian tà để rồi không còn tin vào nhau như xưa nữa.
Nhan nhản, sách báo, tivi, các chương trình truyền thông đại chúng cho chúng ta thấy một cuộc đời thật ê chề, thật chán chường. Tất cả chỉ là những lời hứa hão huyền, những lời hứa cuội. Mới đây thôi, tuần qua, một sự kiện đáng nhớ của người dân Sài Gòn : cơn mưa chiều ngày 1 tháng 8 đã biến Sài Gòn thành một dòng sông. Do đâu ? Do người ta hứa hẹn, người ta thiếu trách nhiệm để ma lo cho dân. Ngân sách rót ra cho chuyện sửa chữa cầu cống, ngập lụt đổ ra bạc tỷ, tiền ấy gom góp từ mồ hôi nước mắt của dân, vậy mà sau những trận mưa thì người dân hoàn toàn chịu trận. Chịu riết rồi chẳng còn ai tin vào lời hứa là sẽ lo cho dân, sẽ phục vụ dân nữa. Một lần, hai lần, ba lần người ta còn cố gắng chờ đợi để mà tin nhưng nhiều lần quá chẳng ai còn can đảm để mà tin.
Ngoài đường là như vậy, còn trong nhà thì sao ? Trong nhà hình như cũng nhuốm một cái màu đen tối của sự mất niềm tin vào nhau. Ai cũng sợ sống sự thật, đối diện với sự thật để rồi người ta không còn đến với nhau thật lòng nữa. Chắc có lẽ từ cái lối sống “làm láo báo cáo hay” nó nhen nhúm vào trong con người ta khi nào mà người ta không hay để rồi ai cũng báo cáo, cũng “nổ” cũng tô son trát phấn về mình. Vì sao ? Vì sợ người đối diện biết cái bộ mặt thật của mình nên người ta phải làm như vậy. Và khi làm như vậy đến một lúc nào đó cũng xuất đầu lộ diện thì thử hỏi còn ai dám tin vào nhau nữa ?
Cay đắng, bi đát ở chỗ là con người, ai ai cũng thấy và cần sống với những người có niềm tin vào nhau nhưng rồi người ta cư xử với nhau làm sao đấy. Cứ thật thật giả giả lẫn lộn để rồi đi tìm một lòng tin nguyên vẹn hơi bị hiếm.
Đứng trước vấn nạn của lòng tin, chúng ta có lòng tin như thế nào với người xung quanh và người xung quanh chúng ta có tin chúng ta hay không ? Cách riêng, người kitô hữu, người có Chúa thì sống lòng tin như thế nào ?
Bài tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy rõ về lòng tin. Phêrô, là người đã từng theo Thầy mình đi rao giảng nhưng đụng chuyện Phêrô cũng chưa tin vào Chúa, vẫn ngờ vực Chúa. Qua thái độ ngờ vực của Phêrô, Chúa Giêsu đã thẳng thắn trách móc ông. Chúng ta nhìn lại đời mình, chúng ta theo Chúa nhiều năm lắm, có người hai chục, có người ba chục, có người bốn chục … được Chúa yêu thương nhiều, được Chúa ủ ấp nhiều nhưng hình như chúng ta vẫn mang trong mình thái độ ngờ vực như Phêrô thì phải. Thế nhưng chuyện hay nơi Phêrô là sau bao nhiêu lần ngã lên vấp xuống nhưng cuối cùng Phêrô đã tin và sống chết với Thầy. Còn chúng ta, chúng ta sẽ sống sao với Thầy của chúng ta ?
Ngày hôm nay, cơ hội để chúng ta đặt lại niềm tin của chúng ta vào Chúa. Chúng ta đã theo Chúa nhiều năm nhưng hiện giờ lòng tin của chúng ta vào Chúa như thế nào ? Chúng ta tin vào người đời hay tin vào Thiên Chúa.
Chúa vẫn nhắc nhở chúng ta trong các thánh vịnh :
Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời
Thì hơn tin cậy ở người trần gian
Tin vào thần thế vua quan
chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời (Tv 117, 8.9)
Cuộc đời mỗi người chúng ta vẫn bị giằng co, vẫn đứng giữa cái ngã ba đường là dựa vào Chúa hay dựa vào thần thế vua quan, tin vào Chúa hay tin vào của cải vật chất ? Đây không phải là chuyện đơn giản mà là chuyện chúng ta phải đối diện mỗi ngày trong cuộc sống thường nhật.
Nhìn lại cuộc đời mỗi người chúng ta, nhìn lại tất cả các biến cố lớn bé từ khi cất tiếng khóc chào đời đến ngày hôm nay chúng ta thử hỏi xem ai đã quan phòng cho cuộc đời chúng ta ? Ai yêu thương chúng ta ? Ai là thành luỹ đời chúng ta ? Ai là cùng đích đời chúng ta ? Vậy mà chúng ta đã không dựa vào tình yêu, vào đấng quan phòng, vào thành luỹ, vào Chúa của đời chúng ta mà chúng ta cứ quanh quẩn mãi trong cái thế giới vật chất, trong cái thế giới mau qua chóng tàn này.
Tuần trước, khi đang giúp cho một đôi hôn phối do một cha trong Dòng nhờ bỗng dưng cô bé nói với tôi rằng : “Mẹ bạn trai con đi coi thầy rồi, phải là trong tháng 10 này phải cưới vì tuổi của con và tuổi của anh ấy chỉ cưới trong tháng 10. Nếu không thì chúng con phải đợi đến 3, 4 năm nữa mới cưới được !”.
Tôi nghe xong tôi ngạc nhiên vì tôi biết rằng hai bên đều là đạo gốc, được học hành giáo lý nghiêm túc ở một giáo xứ lớn hẳn hoi mà nói với tôi như thế ! Hoá ra là mẹ của chú rễ dù là người có đạo nhưng hình như chẳng còn tin vào Chúa mà tin vào ông thầy bói. Tôi bèn nói với hai bạn trẻ rằng tôi cảm ơn mẹ của chú rễ. Và, nếu được xin kính mời bà mẹ của chú rễ đến đây, dẫn tôi đến với ông thầy bói nào đó đã coi cho hai bạn. Tôi nói rằng :
Thứ nhất : tại sao ông thầy bói coi cho hai bạn được mà sao không coi tương lai cho ông như thế nào ? Tại sao ông phải đi lượm bạc cắc từ những người nhẹ dạ và thiếu lòng tin vào Chúa ? Nếu giỏi, sao ông không coi chiều nay xổ số ra số mấy để ông mua nguyên tập vé số để có nhà lầu xe hơi mà phải đi coi bói thế này ?
Thứ hai : nếu được nhờ ông coi xem tương lai tôi có làm giám mục hay không ? Nếu tôi làm giám mục tôi mời ông về ở trong “Toà” với tôi ? Làm gì mà ông coi được ? Ngay cái bản thân của ông ông không biết ông sống ngày nào, chết ngày nào sao mà coi được cho ai ?
Và còn nữa về chuyện thiếu lòng tin vào nhau, thiếu lòng tin vào Chúa nên đến với bói toán. Nhất là các cô các chị. Đôi khi chồng mình mệt mỏi hay có vấn đề gì không chịu hỏi, chạy tới hỏi ông thầy bói và khi mở bài lên con đầm bích. Ông phán ngay cho một câu là chồng chị có một người nước da ngăm ngăm theo đuổi ! Thế là về nhà mặt nặng mày nề với ông chồng mà không chịu hỏi thực hư !
Thời buổi ngày hôm nay người ta thường nói đùa với nhau là “lên cung trăng” rồi mà người ta còn tin vào bói toán. Thật ra số người tin vào bói toán ngày nay còn nhiều chứ không phải là ít, cách riêng là nữ giới. Vì nhẹ dạ, vì thiếu lòng tin và nhất là thiếu lòng tin vào Thiên Chúa nên họ dựa vào bói toán là điều dễ hiểu. Lẽ ra trong những cơn gian nan thử thách của cuộc đời họ tìm đến Chúa, họ cậy vào Chúa nhưng không, họ đã tìm đến những con người tầm thường của thế gian.
Và như đã nói ở trên, cuối đời Phêrô hối hận về tất cả những gì mình làm buồn phiền Thầy mình nên Ngài đã làm lại tất cả những gì có thể được để minh chứng cho tình yêu của Ngài đối với Thầy Chí Thánh. Và với lời nguyện xin quen thuộc của Ngài khi Chúa Giêsu hiện ra sau khi Phục Sinh với mẻ cá lạ, mỗi người chúng ta trong từng phút từng giây của cuộc đời cũng biết thưa như Phêrô : “Lạy Ngài ơi thương đến ! Xin củng cố giúp con ! Này lòng tin con đây còn mỏng dòn non yếu ! “Lạy Ngài ơi thương đến ! Xin củng cố giúp con ! Này lòng tin con đây hầu đã vỡ tan rồi” (bài Con tin thưa Thầy – linh mục Thành Tâm)
Khi và chỉ khi ta đặt niềm tin của ta vào Chúa như Phêrô thì cuộc đời ta mới bình an giữa muôn sóng sóng gió của cuộc đời này được.
Nguyện xin Chúa là nguồn mạch của sự sống, nguồn mạch tình yêu, nguồn mạch của lòng tin đến và ở lại trên cuộc đời của mỗi người chúng ta để chúng ta luôn trao phó cuộc đời của chúng ta vào trong bàn tay của Chúa trong bất cứ hoàn cảnh nào, môi trường nào mà chúng ta đang sống.
CHÚA NHẬT 19 A
Trong cuộc xuất hành của dân Do thái từ Ai Cập về Đất Hứa, có một phép lạ lớn lao trên biển. Đó là phép lạ vượt qua Biển đỏ. Khi dân Do Thái rời bỏ Ai Cập đến Biển Đỏ thì quân Ai Cập đuổi theo sát phía sau lưng. Được lệnh Thiên Chúa, ông Môsê giơ tay trên biển làm cuồng phong nổi lên, nước biển liền rẽ ra làm hai để lộ đất khô ráo, dân Do thái đi vào lòng biển khô cạn, quân Ai cập đuổi theo. Đến sáng, khi người Do thái cuối cùng đi sang bờ bên kia. Thiên Chúa ra lệnh cho Môsê giơ tay trên biển, nước trở lại như cũ. Quân Ai Cập bị nhấn chìm trong biển, chết không còn một ai sống sót. Ngày đó, Thiên Chúa đã cứu dân Do thái thoát khỏi dân Ai Cập. Đó là một phép lạ lớn lao Thiên Chúa đã làm trên biển.
Phúc Âm hôm nay kể một phép lạ Chúa Giêsu làm trên biển. Đó là biển hồ Galilê. Trong dịp hành hương Đất Thánh vào Mùa Chay vừa rồi, tôi có đi thuyền ngắm trời mây sông nước trên Biển hồ Galilê.
Biển Hồ Galialê
Biển hồ Galilê có hình bầu dục dài 21km rộng 12km, còn được gọi là hồ “Giênêzarét” (Lc5,1). Thánh kinh cựu ước gọi là biển “Kinnerét” (Ds 34,11; Gs 12,13) hay còn gọi là “biển Tibêria” (Ga 6,1). Tibêria hiện nay là một thành phố sầm uất ở Galilê, nằm trên bờ tây nam biển hồ. Nằm về hướng bắc Giêrusalem 100Km, biển hồ Galilê là nơi mà dòng sông Jordan đổ vào trước khi chảy qua biển Chết. Thung lũng và sông Jordan mang một sắc thái địa lý rất đặc biệt, duy nhất trên thế giới vì thấp hơn mực nước biển:208 mét tại biển hồ Galilê và 300 mét tại biển Chết. Thực vật ở đây thuộc dạng nhiệt đới, chung quanh biển hồ núi non bao phủ, lẫn vào con sông Jordan, thời tiết bất thường ở miền đất từ miền nam đến biển Chết, đó là những yếu tố hình thành những vùng gió giật và giông bão xảy ra bất ngờ trên biển hồ (Mt 8,23-27; 14,22-23).
Giữa biển Hồ
Đối với Tân ước, biển hồ Galilê được nói đến nhiều vì là một trong những trung tâm hoạt động của Chúa Giêsu. Rất nhiều biến cố đã xảy ra tại đây: Bão tố ngừng lại (Mt 8,24-26), Mẻ lưới kỳ diệu (Lc 5,4-14), Đức Giêsu rảo trên thuyền (Mc 4,1), đi trên biển (Ga 6,16-21). Những thành ven bờ hồ như Khôrazin, Bếtsaiba, Caphanaum, Magđala là những nơi Chúa Giêsu thường lui tới, qua nhiều thế kỷ, biển hồ Galilê được gọi dưới nhiều tên: Hồ Kinnêzét, hồ Giênêsarét, và biển hồ Tibêria.
Bên bờ biển hồ Galilê
Biển hồ và những vùng lân cận, có rất nhiều di tích liên hệ đến cuộc đời của Chúa và các môn đệ Ngài. Galilê là vùng có núi đồi khô cằn, nhưng các thung lũng phì nhiêu trải dài từ biển Địa trung Hải cho đến biển hồ Galilê. Chính trong các thung lũng này đã hình thành nhiều đồn điền trái cây nổi tiếng đem lại nguồn lợi xuất khẩu. Vào năm 1960, biển hồ là điểm xuất phát cho ngày quốc gia tưới tiêu, chính quyền Israel cho đào một con kênh lớn dẫn nước từ tận biển hồ đến sa mạc Negew. Công trình thuỷ lợi mang lại nguồn lợi kinh tế to lớn cho một nước mà địa dư, khí hậu đa phần được xem là không mấy thuận lợi. Nhiều nước trên thế giới đã gởi người tới học tập.
Nhìn qua Caphanaum
Trở lại bài Phúc âm, Thánh Matthêu kể chuyện: trên Biển hồ Galilê, khi có trận cuồng phong từ thung lũng Baka thổi vào thì tất cả các ngư phủ vốn quá quen đi thuyền ngang dọc trên biển hồ cũng phải sợ hãi. Các ngài là những ngư phủ trên biển hồ Galilêa này, và có thể nói là đã quen thuộc với những cơn sóng to gió lớn. Vậy mà đêm hôm đó họ đã trải qua một phen hải hùng, sóng to nổi lên, gió lớn thổi ngược, phải chống chèo rất vất vả các ông mới giữ vững được con thuyền.
Và rồi đã xảy ra một sự kiện bất ngờ. Chúa Giêsu đi trên mặt nước đến với các môn đệ. Vốn đã khiếp đảm vì biển động sóng gió, các môn đệ nay hoảng sợ la lên vì họ tưởng là gặp ma. Thế nhưng khi nghe tiếng nói quen thuộc trấn an : “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ”, các ông mới nhận ra Chúa, lập tức Phêrô xin phép đi trên mặt nước đến gặp Chúa. Chúa bằng lòng. Phêrô bước ra khỏi thuyền đến với Chúa, nhưng đức tin của ông còn yếu kém, ông hồ nghi và lo sợ nên bị chìm dần xuống và kêu xin Chúa cứu giúp. Chúa đưa tay cầm lấy tay ông và trách nhẹ : “Người đâu mà kém tin vậy, sao lại hoài nghi ?”. Khi Chúa và Phêrô đã lên thuyền, sóng gió liền yên lặng và mọi người tuyên xưng : “Quả thật Thầy là Con Thiên Chúa”.
Tuần vừa rồi, tôi đi thăm các gia đình giáo dân trong giáo xứ. Tôi đi với hai ông trong hội đồng mục vụ. Đến cổng một gia đình, có con chó to sủa lớn xông ra như muốn vồ lấy. Chúng tôi hoảng sợ đứng im. Bé Hoa 6 tuổi từ trong nhà chạy ra, bé nạt con chó: lu lu, đi vô mau. Con chó to hung dữ bỗng ve vẫy đuôi, trở lại hiền lành chạy vào nhà. Con chó to vậy mà nghe lời cô gái nhỏ vì bé Hoa là chủ của nó. Còn tôi và mấy ông tuy to con nhưng không phải chủ nó nên nó chẳng sợ mà còn định nhảy vào cắn. Hôm đó tôi miên man nghĩ về câu chuyện Phúc âm Chúa nhật này. Các môn đệ sợ hãi trước sóng to gió lớn bão tố sấm sét. Chúa Giêsu ra lệnh: hãy im đi, tức thì sóng yên biển lặng. Chúa Giêsu có quyền trên mọi sức mạnh thiên nhiên vì Người là Thiên Chúa sáng tạo, là chủ muôn loài.
Cả hai phép lạ: vượt qua Biển đỏ, Chúa Giêsu đi trên biển có một điểm giống nhau, đó là quyền năng Thiên Chúa trên mọi sức mạnh thiên nhiên. Tin vào Thiên Chúa toàn năng, Đấng tạo dựng vũ trụ và muôn loài là chúng ta sống bình an trước mọi giông bão cuộc đời.
Lời Chúa gởi đến hai sứ điệp, yêu mến và tín thác nơi Chúa Giêsu.
1. Sự hiện diện của Chúa Giêsu, nguồn bình an :
Sau khi Chúa Giêsu lên thuyền, gió bỗng yên lặng. Sự hiện diện của Người đủ sức mang lại yên tĩnh và chế ngự phong ba bão táp. Biển theo nghĩa Kinh thánh tượng trưng cho quyền lực của sự ác. Đi trên biển chứng tỏ quyền năng và sự chiến thắng của Chúa Giêsu trên sự dữ, nguồn gốc của bất an, chia rẽ, đau khổ. Nơi đâu có Chúa Giêsu, ở đó có bình an. Cuộc đời người Kitô hữu không thể tránh khỏi những phong ba giông bảo của cuộc sống. Cần phải đến với Chúa Giêsu. Nếu biết đặt Người ở trung tâm đời mình thì sẽ tìm kiếm được an bình nội tâm, cho dù có gặp biết bao gian truân thử thách.
Chúa Giêsu hiện diện ngay trong cuộc sống của Kitô hữu nếu mọi người biết đến với Người qua việc nghe, thực thi lời Người, đón nhận Mình Máu Thánh Người và siêng năng cầu nguyện với Người.
2. Tín thác cuộc đời trong tay Chúa Giêsu :
Các môn đệ vì sợ hãi sóng gió bủa vây nên không nhận ra Chúa Giêsu, ngộ nhận Người là ma. Chúa Giêsu trấn an họ: “Thầy đây, đừng sợ”. Hơn cả một lời trấn an, đây còn là một mạc khải : sự hiện diện của Chúa sẽ xua đi mọi nỗi sợ hãi; hãy tín thác cuộc đời trong tay Người. Khi Người xuất hiện thì gió yên biển lặng ; khi Người có mặt thì có sự bình an. Chính vì thế mà các môn đệ đã thờ lạy Người : Thầy quả thật là Con Thiên Chúa. Lời tuyên xưng này đồng thời cũng là lời biểu lộ một sự tín thác nơi Người. Tất cả mọi người trên thuyền cùng tuyên xưng một đức tin, cùng chung một lòng trông cậy.
Trong cuộc sống của mỗi người, niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô cần được thanh luyện và minh chứng qua thử thách gian nan. Nếu biết yêu mến và tín thác vào Chúa, thì càng khó khăn vất vả, thì càng vươn lên mạnh mẽ trong đức tin, luôn có được bình an nội tâm.
NHÌN CHÚA THÀNH MA
Nhìn Chúa thành ma! Đây không phải là chuyện bá láp hoặc tưởng tượng, nhưng là chuyện có thật và đã được thuật lại trong Thánh Kinh. Qua trích đoạn Tin Mừng của Mátthêu và Luca, ít nhất hai lần các môn đệ của Chúa đã nhìn Ngài mà tưởng là ma.
Trong Mátthêu hôm nay (x. Mt 14:21-33), các môn đệ đã tưởng Chúa là ma khi Ngài đến với các ông trên mặt biển. Và trong Luca, các ông cũng đã hoảng hốt tưởng Ngài là ma đang khi đang tụ họp nghe hai môn đệ vừa từ Emmau trở lại tường thuật câu chuyện Chúa hiện ra và bẻ bánh với hai ông (x. Lc 24:37). Vậy đâu là lý do khiến các môn đệ nhìn thầy mình mà tưởng là ma?
Đọc kỹ trích đoạn Tin Mừng của Mátthêu và Luca, ta thấy rằng sở dĩ các môn đệ nhìn Chúa thành ma vì:
- Các ông đang phải lao đao, vất vả và chống chọi với sóng gió biển khơi.
- Và vì các ông đã để mình lạc mất niềm tin.
Đó cũng là những gì mà Kitô hữu chúng ta hôm nay đang gặp phải, và cũng như các môn đệ, khiến chúng ta nhìn Chúa thành ma. Thật vậy, trong biển đời đầy sóng gió và thử thách, nhiều lần và bằng nhiều cách khác nhau chúng ta đã để cho lòng mình bị xôn xao, lo lắng và sợ hãi đến độ không nhận ra Chúa, mặc dầu Ngài đang ở bên ta giữa những biến cố cuộc đời.
Thế Chúa ở đâu giữa những đau thương như vậy. Mất vợ, mất chồng, mất con, mất nhà, mất việc. Chúa ở đâu giữa những tai bay, vạ gió; giữa những ốm đau, bệnh tật; giữa những bất công chồng chất mà người ta đổ lên đầu con, là nước mắt mà con hằng ngày đổ ra vì phải gánh chịu những nghiệt ngã, đau thương như thế. Trước mắt con, và đối với con những thứ đó là gì nếu không phải là ma quỉ, là những điều khốn nạn nhất mà con sợ hãi và muốn trốn tránh. Như vậy thì sao lại bảo đó là Chúa.
Rồi cũng như các tông đồ và môn đệ đang họp nhau, vừa vui, vừa sợ nghe Clêopha và bạn mình mới từ Emmau trở về cho hay họ đã gặp Chúa, nghe Chúa nói, và thấy Chúa bẻ bánh. Nhưng rồi Ngài đang đứng giữa các ông mà các ông lại sợ hãi tưởng là ma. Bởi vì, các ông đã đánh mất niềm tin. Chúa đã chết rồi. Người ta đã đóng đinh Ngài và Ngài đã được chôn trong mồ rồi. Tất cả niềm tin, tất cả hy vọng giờ đây sụp đổ thì việc Chúa thình lình ở giữa các ông không phải là ma thì còn là gì nữa.
Thử thách cuộc đời và đánh mất niềm tin, đó là hai lý do khiến cho các tông đồ và môn đệ nhìn Chúa thành ma. Và đó cũng là những lý do khiến chính chúng ta nhìn Chúa và cũng tưởng là ma. Nhưng nếu Chúa mà nhìn thành ma, thì ngược lại, ma có thể nào nhìn giống Chúa không?!
Có! Nhìn ma thành Chúa đang được phản ảnh qua lối suy nghĩ, lối nhìn, và lối sống của con người thời đại. Suy nghĩ, sống và hành động theo triết lý “tương đối”, một triết lý mà Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đang bỏ bao công sức để giải thích và để giúp cho con người thoát khỏi vòng ảnh hưởng của nó. Bởi vì, với lối cảm nhận và tầm nhìn này, sự lành, sự thiện, nhân đức cũng đồng nghĩa với sự dữ, xấu xa và tội lỗi. Hoặc ngược lại, sự dữ, xấu xa và tội lỗi cũng nhìn giống như sự lành, sự thiện, và nhân đức.
Chúng ta thử nhìn vào thế giới hôm nay: Ly thân, ly dị, đồng tính, hôn nhân đồng tính, phá thai đang trở thành đồng nghĩa với hạnh phúc hôn nhân, hạnh phúc ái tình, và hạnh phúc của tự do chọn lựa. Cũng thế gian dâm, trộm cướp, giết người, khủng bố, chiến tranh, bạo loạn cũng đồng nghĩa với thành công, quyền lực, và chiến thắng. Đó là lối suy nghĩ, lối nhìn, và lối sống “cứu cánh biện minh cho hành động” của nhân loại ngày nay. Và bởi vì thế, mà thiện và ác, chính và tà, đạo đức và vô đạo đang nở rộ trên cánh đồng nhân loại, và trên biển trần đầy sóng gió. Những điều này đang làm cho cặp mắt tâm linh của nhiều người trở nên bệnh hoạn, mù lòa và không thể phân biệt Chúa và ma.
Vậy để sửa lại tầm nhìn, và để cặp mắt tâm linh chúng ta nhìn và phân biệt được đâu là Chúa và đâu là ma thì tôi phải làm gì?
- Trong mọi khốn khó cuộc đời. Trong mọi lo toan cuộc sống, như Phêrô lúc sắp chìm xuống lòng biển, tôi cũng phải giơ tay ra, nhìn lên Chúa và kêu lớn: “Lạy Thầy xin cứu con” (Mt 14:30). Chỉ trong cách sống ấy, tôi mới nhận ra Chúa mặc dù Ngài có đi trên biển mà đến với tôi. Tức là mặc dù Ngài có đến với tôi dưới bất cứ hình thức nào, thì tôi cũng nhận ra Ngài. Ngược lại, nếu nhìn vào mình, và nếu nhìn xuống dưới chân mình, tức là tìm mình và dùng khả năng của chính mình để bước đi trên biển đời, lúc ấy dù Chúa có đứng ngay trước mắt, tôi cũng không nhìn ra Ngài.
- Trong mọi thử thách cuộc đời. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, tôi cũng không được để mất niềm tin. Chúa đã nói với các môn đệ khi các ông hốt hoảng tưởng Ngài là ma như sau: “Tại sao các con nghĩ như vậy? Hãy nhìn xem tay chân Thầy. Chính Thầy đây. Hãy sờ xem, ma làm gì có xương thịt” (Lc 24:39).
“Ma làm gì có xương thịt”. Chúa Giêsu đã cho tôi một ý niệm rõ ràng để vững tin vào Ngài. Nói ma quỉ không có xương thịt, hay nói rằng những gì ma quỉ làm nên không đem lại cho tôi sự bằng an tâm hồn, và không đem lại cho tôi sự sống đời đời. Ngoài ra, Ngài còn thách đố tôi là hãy chạm vào Ngài để thử nghiệm tức là hãy đem Lời Ngài và hãy để chính Ngài đi vào cuộc đời của tôi để nghiệm xem Ngài là ai và Ngài như thế nào.
Nhìn Chúa thành ma, hay nhìn ma thành Chúa. Đó là một cuộc chiến nội tâm không ngừng nghỉ trong sinh hoạt nội tâm của mỗi Kitô hữu chúng ta, đặc biệt, giữa thế giới hôm nay khi mà tầm nhìn và sự lựa chọn của chúng ta càng ngày càng trở nên khó khăn hơn giữa thiện và ác, giữa lành và dữ, giữa thiên đàng và hỏa ngục, và giữa Chúa và Satan.
- Ma! “Lạy Thầy xin cứu con” (Mt 14:30).
- “Tại sao các con nghĩ như vậy? Hãy nhìn xem tay chân Thầy. Chính Thầy đây. Hãy sờ xem, ma làm gì có xương thịt” (Lc 24:39).
KÊU TRỚI !
Những tháng ngày nầy, nếu có cái gì chung nhất cho mọi người, mọi giới, mọi ngành nghề, ở đất nước nghèo đói nầy, thì đó là tiếng “kêu trời”: Điện cúp, doanh nghiệp kêu trời; hết rét đậm rét hại lại đến nắng cháy khô hạn, nông dân kêu trời; nông dân kêu trời vì giá phân bón chẳng những cao ngất ngưỡng khiến giá thành vượt cả giá bán, mà còn vì phân bị làm giả; tiểu thương kêu trời vì tăng thu từ giá mặt bằng cho tới thuế và vô vàn khoản thu khác cả hợp lý lẫn bất hợp lý; học phí tăng khiến phụ huynh kêu trời. Hết dịch bệnh lại giá thực phẩm tăng cao và lỗ lã vì bị hết tư thương đến doanh nghiệp tư doanh, quốc doanh ép giá, người chăn nuôi gia súc, gia cầm, thả cá chỉ còn biết kêu trời. Các bà nội trợ kêu trời, vì giá lương thực thực phẩm thay đổi từng ngày. Doanh nhân bất động sản kêu trời vì nhà cửa đóng băng ế ẩm. Nhà nghèo khóc than đất, nhà giàu cũng khóc kêu trời. Bạo lực và những trò dâm ô sa đoạ, băng đảng hoành hành đầy dẫy mặt báo hằng ngày hơn ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới, khiến những ai còn tâm huyết với tiến đồ đất nước, buộc phải kêu trời, bất lực kêu trời. Kêu trời hình như là hành vi hợp lý nhất trong sự bất lực, để mong nhen nhúm một tia hy vọng, dù là nhỏ. Kêu trời trở thành phản ứng dây chuyền. Nơi đâu, giờ nào cũng râm ran tiếng kêu trời. Nghệ sĩ hài Bảo Quốc đã phải dựng và diễn vở hài kịch “Cấm kêu trời”. Và tiếng thở dài khó ai đoán đuợc là thất vọng hoặc cam chịu: “kêu trời không thấu!”
Chỉ có những người đang quên mình vì người khác, đang chịu nhiều khổ đau dày vò, đang chịu tứ bế thiếu thốn và khinh thị, là không kêu trời. Lý do duy nhất, là vì họ chẳng còn thời giờ để mà kêu. Tâm sức và tình thương để dành cho những kẻ bất hạnh mà họ hết lòng yêu thương, khiến họ quên cả bản thân: một người chồng ở Thanh Hoá hơn 30 năm qua vẫn một lòng một dạ với ngươi vợ bị thấp khớp biến dạng co quắp một chỗ. Anh phải lo từ chuyện vệ sinh đánh răng cho tới bón từng thìa cơm muỗng cháo. Hai câu nói “ngô nghê” nhất của anh: “Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu mần răng bà ấy lại chọn mình, vì có rất nhiều người hơn mình kia mà!” và khi người vợ thấy chồng quá khổ sở vì mình, đã khuyên anh tìm người khác làm lại: ”Anh có làm chi sai mô, mà phải làm lại?” (Báo Lao Động 03.2004).
Một người vợ ở Quảng-Nam, tuổi đời mới 32, mà đã hơn mười năm chịu mọi vất vả, đắng cay, quyết tâm chăm sóc người chồng bị xuất huyết não liên tiếp nhiều lần, mà chính các bác sĩ chuyên môn cũng lắc đâu hết hy vọng. Người vợ trẻ nầy cũng có hai câu thật “ngô nghê”: “Dù chỉ còn một chút hy vọng mong manh, em cũng cố bám lấy. Trông lên mình chẳng bằng ai, trông xuống lại thấy có kẻ không bằng mình. Dù là ảnh có nằm đây, thì em vẫn có chồng, nhất là con em vẫn đang có cha!...Trong hoạn nạn mới biết vẫn còn nhiều người tốt. Vợ chồng em không oán hận gì cuộc đời, mà chỉ thấy mình chịu ơn của mọi người quá nhiều”, và :”Em không đủ sức làm được điều gì to tát, nhưng chắc chắn em sẽ tiếp tục làm tròn cái điều mà em đã làm hơn mười năm qua, là không bỏ rơi chồng con trong hoạn nạn, để tìm cho mình hạnh phúc khác!” (biên tập lại VietnamNet 17.06.2003).
30 tuổi, người thanh niên Nguyễn Ngọc Sơn phát hiện bị suy thận độ 4, nhưng khát vọng sống và khát vọng cống hiến luôn mãnh liệt. Cứ hai ngày anh phải tự đi gần một trăm cây số tới bệnh viện để lọc máu cho mình. Anh bảo rằng anh nợ cuộc đời này quá nhiều, và dù ngày mai phải ra đi thì hôm nay anh vẫn phải cống hiến. Anh chỉ thương mẹ sẽ cô đơn khi anh ra đi: “Mẹ ơi! Không phải khi sắp lìa xa mẹ con mới nói rằng con rất yêu mẹ, mẹ ơi! Không phải giờ đây khi nhìn tấm thân gầy của mẹ run lên bần bật con mới hiểu đời mẹ khổ đau đã nhiều vì con, mẹ ơi! Con yêu mẹ lắm, mẹ có biết không? … Xin đừng khóc nữa mẹ ơi! Ngày mai con sẽ về nơi ông bà…. Con đi, mẹ nhé, đừng chờ!”... Không bao giờ đọc thấy trong tập ký “Xin đừng khóc nữa, mẹ ơi” một tiếng “kêu trời”.
Lạy Chúa Giêsu, không có ai trong những người nầy hoặc trong câu chuyện những bà mẹ trẻ có con trai, con gái bị chứng bệnh “xương thủy tinh” quái ác, chỉ cần đụng nhẹ là gãy, tận cùng vực thẳm khổ đau, âu lo, mà kêu trời, mà oán than số phận. Chỉ có hy sinh vô bờ bến vì con cái! Điều con ghi nhận là tất cả họ đều không có Đạo, kể cả người mẹ trẻ của em Hội thỉnh thoảng thắp nến cầu xin với Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Chúa. Con muốn tìm một câu trả lời, không phải từ các linh mục hoặc tu sĩ, không phải từ các Kitô-hữu, mà ở những lời tâm sự chân thành của một ai đó. Và rất mau, rất dễ tìm, con đọc thấy một Blogger đặt câu hỏi và tự trả lời: Trên đời không có ông Trời?
Một ngày bầu trời xám xỉn, tôi nhìn thấy một người bị cụt chân ngồi xe lăn đi bán vé số. Đã gần giờ xổ số mà xấp vé còn khá nhiều. Khuôn mặt con người khốn khổ nhàu đi trong chán nản khi anh ta lăn bánh xe đến trước một nhà thờ nơi các tín đồ đang tấp nập gởi xe đi vào trong dự lễ Thánh. Hầu như chẳng ai đoái hoài gì đến anh ta. Quần áo đẹp và son phấn lộng lẫy, người ta đang bận bịu chuẩn bị vào ca tụng ’ông Trời’ của mình, chuẩn bị dâng tài vật, nghe Cha nói về tình yêu thương rằng “phải yêu anh em như chính mình con vậy”, rồi người ta sẽ sốt sắng cầu nguyện cho bản thân và gia đình để rồi cuối cùng hân hoan ra về sau khi được Cha ban phước lành. Khi đến và đi nhanh như thế, chắc người ta không biết rằng có lẽ ông Trời cũng cảm thấy ngán ngẩm vì phải ngồi yên trong những công trình kiến trúc nhân tạo, nơi mà công việc chính của “ông” đơn giản chỉ là để con người đến nhìn ngắm và cầu xin n + 1 thứ mà chính bản thân họ không cảm thấy tự tin. Một khi bàng quan và “quen mắt” trước những nỗi khổ sở nhan nhản quanh mình, người ta đã vô tình “giam” ông Trời trong sách vở và những công trình nhân tạo. Chẳng có ông Trời nào tồn tại như vậy nổi! Tuy nhiên, chẳng phải là không có ông Trời, và tiêu đề của tôi chỉ là một phần chưa hoàn chỉnh của đại ý… Đầy đủ thì nó phải thế này: Trên đời không có ông Trời nếu người ta không biết yêu thương nhau! (www.60S.com.vn)
Khác với “kêu trời”, con người không thể không kêu cầu. Hai cách thế và cũng là hai gương “kêu cầu” cho mọi Kitô-hữu: sẵn sàng vâng phục Ý Chúa và tin nhận quyền năng của Chúa. Chúa Giêsu trong Vườn Cây Dầu, trong cơn hãi hùng đến độ mồ hôi trộn lẫn máu, đã cầu xin Chúa Cha cứu Người khỏi uống chén đắng, nhưng xin hoàn toàn vâng theo bất cứ điều gì mà Chúa Cha đã định. Và lời kêu cầu của Thánh Phêrô trong bài Tin Mừng hôm nay, khi biết giới hạn của mình, và nhận biết quyền năng của Chúa Kitô. Sự vâng phục và lòng cậy tin làm nên vẻ đẹp và giá trị của mọi lời kêu cầu. Không có hai yếu tố - thái độ nầy, thì lời “kêu cầu” lại trở thành tiếng “kêu trời”!
Sưu tầm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn