Đang truy cập : 137
•Máy chủ tìm kiếm : 46
•Khách viếng thăm : 91
Hôm nay : 3430
Tháng hiện tại : 370715
Tổng cộng : 36324941
Hành trình tình thương tới Phúc Địa sau lũ
Đầu thu tỉnh Thanh Hóa đã phải gánh chịu thử thách từ thiên nhiên với những trận mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ dồn về gây ngập lụt. Đặc biệt, tuyến đê ngăn chắn giữa sông Cầu Chày và xã Quảng Phú – Thọ Xuân bị vỡ, khiến hàng ngàn ngôi nhà, hàng trăm ha ruộng đồng bị dòng nước nhấn chìm. Trong đó đa phần là người Công giáo ở giáo xứ Phúc Địa – giáo hạt Sông Chu. Cho đến hôm nay, ngày 13.09.2012, nước đã rút đi phần nào nhưng những hậu quả mà nó để lại nặng nề vô cùng. Không biết đến bao giờ người dân nơi đây mới có thể ổn định cuộc sống, khắc phục thiên tai và vượt lên trên nghịch cảnh...
Phúc Địa trong những ngày đầu lâm nạn
Giáo xứ Phúc Địa ...
Giáo xứ Phúc Địa thuộc xã Quảng Phú huyện Thọ Xuân, từng được biết đến với cây cao su, cây cà phê nổi tiếng. Khi đặt chân lên mảnh đất này, người ta có cảm giác đang ở một buôn làng nào đó của Tây Nguyên xa xôi. Tuy là một giáo xứ vùng cao phía Tây của giáo phận Thanh Hóa, nhưng Phúc Địa lại là một vùng trũng, giữa một bên là núi, một bên là sông. Tình trạng ứ đọng và khó thoát nước làm đau đầu những con người chân lấm tay bùn tại miền đất đỏ này. Chính vì vậy, nơi đây luôn bị đe dọa mỗi khi mưa về.
... và những gì còn lại sau mưa lũ
Nhưng có lẽ, lâu rồi bà con giáo dân giáo xứ Phúc Địa mới chịu thử thách lớn như vậy. Mưa lớn liên tục làm cho lượng nước từ triền núi đổ dồn ngày một lớn. Con đê mỏng manh không đủ sức che chắn cho giáo xứ trên 7000 nhân danh này. Và rồi đêm mùng 06.09.2012, con đê bị nước phá vỡ, dòng nước vô tình ào vào và nhấn chìm những cố gắng của con người lam lũ chốn thôn quê. Các xã Xuân Châu, Quảng Phú (Thọ Xuân) bị chia cắt, hàng nghìn ngôi nhà chìm trong nước lũ. Theo thống kê sơ bộ cho đến ngày 10.09.2012, hiện còn 600 hộ dân xã Quảng Phú bị ngập nước, cả huyện Thọ Xuân còn 1.350 hộ với trên 600 nhân khẩu đang bị dòng nước lũ cô lập và nhấn chìm tài sản, hoa màu. Nhiều tuyến giao thông trở nên bế tắc trong dòng nước lũ.
Đê vỡ, dòng nước vô tình ào vào và nhấn chìm những cố gắng của con người lam lũ chốn thôn quê
Đó là con số sau mấy ngày lũ đổ bộ vào xã Quảng Phú, nơi giáo dân giáo xứ Phúc Địa cư trú. Con số đã có sự thuyên giảm nhưng vẫn đáng lo ngại. Tuy nhiên đó chưa phải là tất cả...
Ngày 13.09.2012, tôi được cùng đoàn cứu trợ của giáo phận lên với giáo xứ Phúc Địa với ước mong giúp bà con giáo dân nơi đây phần nào bớt đi gánh nặng của thiên tai. Dẫn đầu đoàn là Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến, nguyên Giám mục giáo phận Mẹ Phát Diệm, hiện là phó chủ tịch Ủy ban Bác ái – Caritas Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, chịu trách nhiệm các giáo tỉnh phía Bắc. Nghe tin chẳng lành ở Thanh Hóa, mặc đường xá xa xôi và phần nào trắc trở, cha đã đến để tỏ tình hiệp thông với đoàn chiên xứ Thanh. Dẫn đường cho Đức cha Giuse Yến là Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh – vị chủ chăn đáng kính của giáo phận Thanh Hóa. Đoàn còn vui mừng đón đại diện Caritas giáo phận Vinh, Caritas giáo phận Phát Diệm và Hội Samaritanô giáo phận Thanh Hóa cùng hiện diện trong chuyến đi.
Nhà cửa chìm ngập trong nước, của cải bị cuốn trôi theo lũ
Đến với Phúc Địa trong một ngày nắng ráo, qua những con đường trải nhựa rực lên màu xanh sức sống của lá lúa sau cơn mưa, màu vàng của bông lúa no sữa chuẩn bị vào mùa. Chạm Phúc Địa lại là một khung cảnh khác. Màu xanh của cây cối dường như bớt thắm, lá vàng nhuốm bùn. Ở nơi màu lá khác ấy chính là những gì còn lại sau trận lũ vừa qua.
Càng vào sâu hơn, màu xanh ấy càng kém dần. Khung cảnh trơ lại là những cánh đồng mía, dứa với màu vàng úa, tiêu điều xơ xác ngâm mình trong nước. Mùi hôi của nước ngâm lâu ngày cộng với xác cây, xác động vật bốc lên nồng nặc. Nét buồn in hằn lên những ngôi nhà rêu phong, bé nhỏ, những bức tường liêu xiêu, đổ vỡ, cây cột điện đứt đoạn nằm giữa con đường...
Chỉ trong mấy ngày thôi mà một vụ mùa đã không còn, tài sản cũng chẳng kịp đi theo con người. Sáu tháng nữa vụ mùa sau mới thu hoạch, người dân nơi đây biết sống thế nào cho qua ngày đoạn tháng? Quà cứu trợ chỉ có thể giải quyết vấn đề của cái đói trước mắt. Còn tương lai của những đứa trẻ đang dở tuổi cắp sách tới trường, của một đám cưới hãy còn chờ ngày bước vào thánh đường?
Cái nghèo như bày ra trước mắt và càng đè nặng hơn lên những đôi vai gầy. Những ngày tiếp theo cũng giống như làn nước hãy còn ứ đọng nơi này, đen mờ vô định.
Công tác cứu trợ của giáo phận Thanh Hóa
Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh giới thiệu thành phần phái đoàn
Ngay khi nghe tin từ cha xứ Phúc Địa – Phaolô Mai Văn Hoàng, giáo phận đã giang đôi tay tình thương ôm lấy những con trong cơn hoạn nạn. Đức cha giáo phận cùng với Ủy ban Bác ái – Caritas lên đường cứu trợ khẩn cấp giáo xứ vào ngày 07.09.2012. Đồng thời Đức cha cũng như Caritas giáo phận cũng lên tiếng kêu gọi các giáo xứ, các tổ chức từ thiện trong và ngoài nước, những ai có tấm lòng hảo tâm chung chia nỗi đau mất mát với giáo dân Phúc Địa. Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ, các giáo xứ tổ chức các đoàn thiện nguyện lên với vùng lũ. Theo thông tin từ cha xứ Phúc Địa, cho đến ngày hôm nay (13.09) đã có 16 giáo xứ gửi đoàn cùng quà lên đây. Các nhu yếu phẩm cần thiết như nước sạch, thực phẩm, quần áo, thuốc... được chuyển tới, giúp bà con giáo dân vượt qua được khó khăn ban đầu.
Quý Đức cha và quý cha...
Tuy nhiên đó mới chỉ là tạm thời, vấn đề lâu dài là khắc phục sau khi lũ lụt qua đi mới thực sự là bài toán nan giải.
Đoàn cứu trợ hôm nay với đông đủ mọi thành phần: Caritas Hội Đồng Giám Mục, Đức Giám mục, Hội Samaritanô, Caritas Vinh, giáo dân Chính Tòa, Việt kiều... cho thấy sự quan tâm của Giáo hội với giáo phận Thanh Hóa. Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến xúc động khi thấy gương mặt của bà con. Cha cảm nhận được sự lo lắng của Đức cha Thanh Hóa và bà con giáo dân nơi đây khi chứng kiến những gì còn sót lại sau lũ. Những món quà tuy rằng nhỏ bé, không đủ để bà con có thể vượt qua hoàn toàn thử thách. Nhưng đó là chân tình của Giáo hội, của cộng đoàn với ước mong mọi người có nghị lực để vươn lên trong nghịch cảnh.
... gặp gỡ và chia sẻ những mất mát với bà con giáo dân
Cha đại diện Caritas giáo phận Vinh nhấn mạnh tình huynh đệ của hai giáo phận: Thanh Hóa – Vinh. Giáo phận Vinh đã nhận được rất nhiều chân tình từ giáo phận Thanh Hóa. Qua chuyến đi thăm lần này, giáo phận Vinh tỏ lòng hiệp thông với giáo phận Thanh Hóa và cầu Chúa ban ơn để Thanh Hóa sớm vượt qua gian khó.
Cha Phaolô Mai văn Hoàng đã vắn tắt tình hình của Phúc Địa những ngày vừa qua. Hơn 7 giáo họ (trong tổng số 10 giáo họ) vẫn còn đang ngập trong nước và bị chia cắt với bên ngoài. Công tác vệ sinh sau lụt chính là vấn đề hàng đầu trong những ngày tiếp theo. Cha thay mặt bà con giáo dân cảm tạ tấm lòng của quí Đức cha, quí cha, quí ân nhân và xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho Phúc Địa.
Những món quà nhỏ sẻ chia tình thương
Hôm nay Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh nói rất ít. Ngài luôn nhìn về những khuôn mặt thẫn thờ, khắc khoải, những đôi mắt mà dòng lệ chỉ chực để trào ra của đoàn chiên yêu quí. Tâm trạng của vị Hiền phụ có lẽ cũng cùng một nỗi niềm như thế. Phải làm sao để đàn chiên của mình có một cuộc sống tốt hơn, vượt qua được cơn nguy khó này? Cha dường như thấy trước những cảnh đời, những éo le và một tương lai mù mịt trước mắt.
Hi vọng rằng sẽ có nhiều hơn những tấm lòng hảo tâm, những trái tim nhân ái hướng về Phúc Địa hơn nữa, để cùng san sẻ nỗi lo với vị Chủ chăn của giáo phận Thanh Hóa.
Nhiều nơi vẫn còn bị lũ chia cắt, hoa màu chết úng trong nước
Đoàn ra về với những cái nhìn tiếc nuối, những câu hỏi mà lời giải hãy còn xa xôi. Hội Samaritanô và cha đồng hành Tôma Lê Xuân Khấn ở lại, khám bệnh, phát thuốc và xử lý những nguy cơ tiềm ẩn từ môi trường sau lũ.
Một lần nữa, xin được cảm ơn tới tất cả những ai đã nhớ tới, đã cầu nguyện, đã giúp đỡ giáo xứ Phúc Địa trong lúc khốn cùng. Và cầu mong rằng bác ái sẽ không dừng lại tại đó. Phúc Địa cũng cần một chỗ tựa để mà đứng lên, để mà làm lại, để em thơ được hồn nhiên với nụ cười trong sáng, để con đường đến trường luôn luôn đông vui...
Ban Truyền thông
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn