Chân Phước Gioan XXIII và Gioan Phaolô II: Lòng nhân hậu và đời sống cầu nguyện

Vào ngày 27 tháng 4 năm nay (2014), hai vị Giáo Hoàng vĩ đại sẽ được ghi vào Sổ bộ các Thánh: Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Hai vị Giáo hoàng rất được yêu mến và nổi tiếng vẫn còn lưu lại nơi trái tim các tín hữu; và với những tài năng lỗi lạc, hai vị đã mở ra những hướng đi mới cho Giáo Hội và tạo ra một ảnh hưởng mạnh mẽ trong lịch sử thế giới. Dù khác nhau về nguồn gốc và huấn luyện, nhưng cả hai đều vĩ đại vì có một tâm hồn cao thượng, một nhân cách phong phú, một đời sống thiêng liêng và trí thức trổi vượt.
Chân Phước Gioan XXIII và Gioan Phaolô II: Lòng nhân hậu và đời sống cầu nguyện
Vậy, đâu là bí mật của những tình cảm lớn lao mà ĐTC Gioan XXIII đã để lại nơi những người nam và người nữ nơi mọi dân tộc, mọi điều kiện xã hội dù khác nhau về tôn giáo và chính trị?

Vị ĐTC thuộc vùng Sotto di Monte này đã lôi cuốn người lớn cũng như trẻ nhỏ với một lòng tốt trào tràn, được diễn tả ngay cả nơi những cử chỉ yêu thương đầy tự nhiên và cảm động, như trong buổi chiều khai mạc Thượng hội đồng, ngài đã nói với dân chúng tại quảng trường thánh Phê-rô hãy chăm sóc con cái mình, và khi quay về nhà, hãy nhớ nói với các em rằng đây chính là sự chăm sóc của Đức Thánh Cha. Con người khao khát lòng tốt, tình yêu và hơi ấm của tình người, và nếu như ai đó đã sống những giá trị này với sự nồng nhiệt nhất, thì đó chính là Đức Thánh Cha Gioan XXIII.

Lòng nhân hậu mà nhờ đó ĐTC Gioan XXIII đã chinh phục thế giới xuất phát từ tính cách của ngài, sự vui tươi, thanh thản và lạc quan, nhưng cũng đừng quên rằng những tính cách ấy là kết quả của một sự dấn thân và củng cố liên lỉ các nhân đức cá nhân vốn được rút ra từ ngôi trường của Tin Mừng. Nói cách khác, cách sống và hiện hữu của ngài là hoa trái của một đời sống cầu nguyện sâu sắc, một sự cố gắng hãm mình để hoàn thiện chính mình, vốn đã được đón nhận từ những năm đầu đời tại gia đình và sau đó trưởng thành và lớn lên. Khi làm sứ thần tòa thánh tại Bulgari, Gioan XXIII đã viết cho cha mẹ của ngài như sau: “Mới đó mà đã mười năm kể từ khi con rời xa gia đình, con đã đọc rất nhiều sách và học được nhiều điều mà cha mẹ không thể dạy con. Nhưng những điều nhỏ bé mà con đã học được từ cha mẹ vẫn là những điều quý giá và quan trọng nhất, và đó chính là nguồn mạch phát sinh và trao ban nhiều giá trị khác.”

Lòng tốt đã mang lại cho ĐTC Gioan XXIII những thành công lớn lao, bởi vì đồng hành với sự tốt lành ấy chính là sự khôn ngoan và khả năng phán đoán tốt. Lòng nhân hậu của ngài được soi sáng bởi trí thông minh nên ngài luôn biết nhìn xa. Khi được bầu làm giáo hoàng, Roncalli đã đưa ra những sáng kiến thay đổi thế giới, nổi bật nhất là quyết định triệu tập công đồng. Ngài luôn nỗ lực để có một mối tương quan tình bạn thân mật với những người lìa xa Giáo hội và đức tin Ki-tô giáo. Trong đời sống của mình, chắc chắn ngài là một con người xây dựng nhịp cầu chứ không phải người xây lên những bức tường. Thực tế, công đồng Vaticano II là một nhịp cầu vĩ đại mà ngài đã bắt vào thế giới hiện đại. Hai thông điệp đáng nhớ của ngài cũng vậy, Mater et magistra và Pacem in terris, là hai nhịp cầu đặc biệt hướng đến tất cả những ai có thiện chí trong các lĩnh vực kinh tế, lao động, công bình xã hội và hòa bình. Với một tấm lòng nhân ái – từ khi làm Sứ Thần Tòa Thánh, rồi đến Tổng giám mục Venezia và Đức Thánh Cha, khi nào ngài cũng thành công trong việc giải quyết các vấn đề, bởi vì lòng nhân ái của ngài đã mở ra những cánh cửa đối thoại và điều này giúp tìm ra các giải pháp đúng đắn. Ngài luôn đoan chắc rằng, dù con người có khuynh chiều về sự dữ, thì nơi con người vẫn luôn tồn tại dấu vết của sự thiện và một yếu tố của con người. Ngài nói rằng, mỗi người nam và người nữ luôn có một điều gì đó tốt lành, kể cả những người xem ra là xấu xa nhất. Vì lẽ đó, ngài không chỉ tin tưởng vào Thiên Chúa mà còn đặt niềm tin nơi con người.

Khi Giáo hội tuyên bố phong thánh cho ĐTC Gioan XXIII, những lời ca tụng tuôn trào một cách bộc phát từ trái tim nhiều người: Danh dự và vinh quang cho vị Giáo hoàng đã mở công đồng. Phúc cho vị Giáo hoàng đã trao ban cho thế giới hình ảnh của sự thiện và đã chỉ ra cho mọi người con đường duy nhất dẫn đến một tương lai tốt đẹp hơn là con đường của chân lý, công bình, liên đới và tình yêu. Phúc cho vị Giáo hoàng đã dạy cho thế giới biết rằng điều con người cần nhất là tình yêu và lòng nhân ái.

 

Thế giới tôn kính ĐTC Gioan Phaolô II vì những điều ngài đã làm trong triều đại Giáo hoàng kéo dài 26 năm rưỡi của mình, và quả thực đây là điều nổi bật nhất. Tuy nhiên, không ai nghi ngờ rằng, chiều kích trổi vượt nhất nơi ngài chính là việc cầu nguyện. Đời sống trường thọ của ngài là một sự kết hợp tuyệt diệu giữa việc cầu nguyện và hoạt động, nhưng nơi tâm hồn ngài, nơi viễn tượng cá nhân của ngài, điều trổi vượt vẫn là việc cầu nguyện. Từ thuở thiếu thời, Karol Wojtyla đã yêu mến và dành ưu tiên cho việc cầu nguyện; đời sống cầu nguyện là một phần thiết yếu trong cuộc sống của ngài. Chúng ta có thể nói rằng, đời sống cầu nguyện là nguồn mạch của sự năng động và của những hoạt động tông đồ không mệt mỏi của ngài. Và dĩ nhiên, cầu nguyện cũng chính là nguồn mạch của đời sống chứng tá hữu hiệu của ngài.

Những ai làm việc bên cạnh ngài thường được đánh động bởi nhiều điều. Trên hết, ngài là một con người quyết đoán. Ngài cũng là một con người có suy tư sâu sắc, có khả năng nói chuyện với đám đông, dễ dàng sử dụng nhiều ngôn ngữ, sẵn sàng thích ứng với hoàn cảnh. Tuy nhiên, với tôi, điều gây ấn tượng sâu sắc nhất chính là đời sống cầu nguyện liên lỉ của ngài, diễn tả sự kết hợp sâu sắc và sống động với Thiên Chúa. Khi ngài đắm chìm trong cầu nguyện, người ta nhìn thấy nơi ngài một sự rung động thắm đượm lấy ngài như thể không có công việc và bổn phận khẩn thiết nào khiến ngài phải dấn thân vào. Thái độ của ngài trong cầu nguyện là một sự hồi tâm sâu xa đồng thời rất nhẹ nhàng và thanh thản: điều này làm chứng về một sự kết hợp sâu xa với Thiên Chúa được cắm rễ sâu nơi tâm trí ngài, là sự diễn tả của một đời sống cầu nguyện đầy xác tín, được cảm nhận và được nhìn thấy.

Khi nhìn thấy ngài cầu nguyện một mình, ta liền nhận ra ngài đang kết hợp với Thiên Chúa, và với ngài, đó chính là hơi thở của linh hồn và là nguồn mạch của sự dâng hiến. Người ta thật sự bị đánh động khi ngài dễ dàng và nhanh chóng chuyển hóa những mối tương quan nhân loại với con người vào cuộc đối thoại thân mật sâu xa với Thiên Chúa. Ngài có khả năng tập trung cao độ. Khi cầu nguyện, những gì xảy ra xung quanh thường không thể tác động đến ngài và như thể không liên quan gì đến ngài. Trong ngày sống, bước chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác được ghi dấu bởi một lời nguyện vắn tắt. Khi ngài viết, với những dòng chữ viết tay nhỏ xíu, các bài nói chuyện, bài giảng, các giáo huấn bằng tiếng Balan của ngài thường được mở đầu với một lời khẩn nguyện hay lời cầu nguyện ngắn bằng tiếng Latinh bên lề phải của trang giấy và rồi lặp lại ở trang tiếp theo. Ví dụ, Totus tuus ego sum (con thuộc trọn về Mẹ)  và ở trang tiếp theo sẽ là et omnia mea tua sunt (và mọi sự của con là của Mẹ) và trong các trang tiếp theo cũng vậy. Ngài cũng chuẩn bị các cuộc gặp gỡ trong ngày và trong tuần bằng lời cầu nguyện. Đôi khi ngài minh nhiên nói ra điều đó. Ví dụ, trong cuộc gặp với Gorbaciov vào năm 1989, Đức Giáo Hoàng bắt đầu cuộc gặp bằng cách thổ lộ với người đối thoại với mình rằng ngài đã chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ này bằng cách cầu nguyện cho ông cũng như cho cuộc gặp gỡ.

1

Với ngài, tất cả những chọn lựa quan trọng đều chín muồi trong cầu nguyện. Trước mỗi quyết định quan trọng, Đức Gioan Phaolô II thường cầu nguyện rất lâu, thường là hơn một ngày, và đôi lúc có thể kéo dài hơn một tuần. Quyết định càng quan trọng, thời gian cầu nguyện càng kéo dài. Khi những người đối thoại với ngài hỏi ngài hoặc đề nghị một điều gì, ngài thường đáp lại rằng, ngài muốn họ suy nghĩ cho kỹ trước khi đưa ra quyết định. Thực vậy, ngài cần thời gian để lắng nghe ý kiến, nhưng trên hết ngài cần thời gian để cầu nguyện và xin ánh sáng từ trên cao trước khi quyết định. Tôi nhớ nhiều hơn một lần trong những năm cuối khi tôi làm việc tại Tòa Thánh, lúc đó, tôi nghĩ rằng, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ủng hộ một chọn lựa dứt khoát. Tôi hỏi ngài xem liệu có thể tiến hành đưa tin về quyết định đó. Ngài đáp lại rằng: “Chúng ta phải chờ xem đã, tôi muốn cầu nguyện thêm về chọn lựa này trước khi quyết định dứt khoát.” Khi đang tìm hiểu một vấn đề nào đó và chưa tìm thấy giải pháp, ĐTC thường kết thúc bằng cách nói rằng: “Chúng ta phải cầu nguyện xin Thiên Chúa giúp chúng ta.” Đức Gioan Phaolô II phó thác vào Thiên Chúa trong cầu nguyện để tìm thấy con đường bước theo.

Hai tuần sau khi được bầu làm Đấng kế vị thánh Phêrô, ĐTC đã đi đến đền thánh Mentorella, cách Rôma 60 km, và ngài đã nói về cầu nguyện và xác nhận rằng, giữa các điều khác, cầu nguyện là nhiệm vụ đầu tiên của Giáo hoàng đối với Giáo hội và đối với thế giới. Ngài nói rằng: “Cầu nguyện (…) là bổn phận hàng đầu và dường như là lời công bố đầu tiên của ĐTC, là điều kiện đầu tiên để ngài phục vụ giáo hội và thế giới”. Ngài thêm rằng: “cầu nguyện là điều kiện của sự tự do thiêng liêng và đặt con người vào trong mối liên hệ với Thiên Chúa hằng sống và do đó, mang lại ý nghĩa cho tất cả cuộc sống, trong mọi khoảnh khắc, mọi hoàn cảnh (bài giảng tại đền thánh Mentorella, “Quan sát viên Roma”, 30-31 tháng 10 năm 1978, trang 2).

Đối với ngài, một cách nào đó, cầu nguyện là một điều gì đó tự phát, nhưng đồng thời, cầu nguyện gắn liền với việc thực hành các việc đạo đức truyền thống, trong đó, có việc Chầu Thánh Thể vào mỗi thứ năm, đi đường Thánh Giá vào mỗi thứ sáu và việc lần chuỗi hàng ngày. Thánh lễ, chặng đường thánh giá và Đức Maria là ba trung tâm điểm của đời sống thiêng liêng của ngài. Với ngài, Thánh lễ là một thực tại cao trọng và thánh thiêng nhất: là trái tim của mỗi ngày sống. Trong một cuộc gặp gỡ với các linh mục vào năm 1995, ngài nói: “Thánh lễ quả thực là trung tâm của cuộc sống và của mỗi ngày sống.” Khi ở tại nhà và khi thời gian cho phép, tôi thường thấy ngài yêu thích việc cầu nguyện bằng cách nằm phủ phục trên nền nhà như trong ngày phong chức linh mục hay giám mục. Với vị trí này, ngài muốn diễn tả một sự tôn sùng sâu sắc và khiêm hạ trước sự vĩ đại vô biên của Thiên Chúa.

Về chặng đường Thánh Giá mà ĐTC Gioan Phaolô II thực hành mỗi thứ 6, Hồng y Innocenti đã thuật lại cho tôi câu chuyện sau. Khi còn là Sứ Thần Tòa Thánh tại Tây Ban Nha trong chuyến công du của Đức Thánh Cha tại nước này. Vào thứ sáu hôm đó, ĐTC đã có một ngày làm việc vất vả và mãi đến 21h00 mới ăn tối. Chương trình ngày hôm sau dự kiến sẽ ăn sáng lúc 6h30 và rồi khởi hành đi Siviglia lúc 7h00. Vị Sứ Thần Tòa Thánh thức dậy khá sớm một phần vì bận tâm về cuộc viếng thăm mục vụ của ĐTC, một phần vì ngài đã nhường lại chiếu giường và phòng của ngài cho ĐTC và ngài ngủ trên một chiếc giường nhỏ được kê trên gác xép. Khoảng 5h30, Vị Hồng y đi xuống lầu một và tin chắc rằng ĐTC sẽ xuống sau. Khi nhìn vào nhà thờ nhỏ, vị sứ thần thấy điện bật sáng. Ngài nghĩ rằng hôm qua ngài đã quên tắt điện. Ngài đi đến và mở cửa nhà thờ nhỏ và ngạc nhiên khi thấy ĐTC đang quỳ gối trên mặt đất, trước một trong các chặng đường Thánh giá. Dù hôm ấy ngài sẽ rất bận rộn với công việc mục vụ tại Siviglia và Granada, nhưng ĐTC đã ở trong nhà thờ từ 5h30 để đi đàng thánh giá.

Tôi cũng có dịp đồng hành với ĐTC ở Đất thánh vào năm 2000. Vào thứ 6 tuần đó, trong chuyến bay từ Giêrusalem đến hồ Tibêria, với một cuốn sách nhỏ, ĐTC đã đi đường Thánh giá trên trực thăng. Vào năm 2000, dù sức khỏe đã sa sút, nhưng ngài vẫn luôn thực hành việc đạo đức này.

Khi hỏi về việc cầu nguyện, cầu nguyện là việc chúc tụng, tạ ơn hay xin ơn tha thứ, tôi thấy rất thú vị với câu trả lời mà ĐTC đã dành cho Andre Frossard trong một vài cuộc gặp gỡ giữa hai người tại Castel Galdonfo vào năm 1982. Tôi xin chuyển ngữ đoạn văn từ tuyển tập được Frossard xuất bản vào tháng 11 năm 1982 với tựa đềN’ayez pas peur! “Đã có những thời điểm trong cuộc sống, tôi thấy mình muốn giới hạn việc cầu xin (nghĩa là cầu nguyện cho người một người nào đó hay cho một hoàn cảnh nào đó) để dành nhiều thời gian cho việc tôn kính, ngợi khen và tạ ơn vốn được xem là trổi vượt hơn. Thời gian trôi qua, khi trưởng thành hơn, tôi thấy Chúa quan Phòng khi chỉ cho tôi, mỗi ngày một mạnh mẽ hơn, nhu cầu bước vào việc nguyện xin, dâng lên Chúa những lời nguyện xin ngày càng rộng lớn hơn”. Với lời cầu nguyện, Gioan Phaolô II đã ôm trọn thế giới và đã nhiều lần ngài nói về “địa lý của cầu nguyện”, ngài tin rằng, trong khi cầu nguyện, ngài đang làm một chuyến công du vòng quanh thế giới, dừng lại nơi những quốc gia bị áp bức và nỗi đau của những người bị áp bức và nghèo túng nhất. Lời cầu nguyện chuyển cầu của ngài dành cho con người và cho mọi hoàn cảnh luôn có hơi thở hoàn vũ. Không nghi ngờ gì nữa, Đức Gioan Phaolô II chính là một nhà huyền nhiệm. Một nhà huyền nhiệm luôn lưu tâm đến con người và hoàn cảnh. Một nhà huyền nhiệm ảnh hưởng đến tiến trình lịch sử. Một Đức Thánh Cha được thế giới yêu mến vì sự năng động khôn cùng, vì biết bao nhiêu cử chỉ, bao nhiêu sáng kiến, bao nhiêu chuyến công du vĩ đại và ngài là một vị giáo hoàng khiến chúng ta kinh ngạc vì những hành động để thế giới chúng ta mở cánh cửa và trái tim ra cho Đức Kitô, Đấng Cứu Độ nhân loại. Động cơ thúc đẩy tất cả hoạt động của ĐTC Gioan Phaolô II là khao khát giúp mọi người nam và người nữ trong thời đại chúng ta gần gũi với Thiên Chúa và để cho Thiên Chúa đi vào thế giới chúng ta với tất cả các dân tộc.

 

(Phản tỉnh của Hồng Y Giovanni Battista Re, nguyên Tổng trưởng Thánh bộ Giám Mục được đăng trên báo L’Osservatore Romano, 28 tháng 3 năm 2014.)



Chuyển ngữ: Nguyễn Minh Triệu, S.J

(Nguồn: Dòng Tên Việt Nam)