THỨ TƯ 31/10/2012 Tuần XXX Mùa Thường Niên Năm B


CHƯƠNG TRÌNH THÁNG 10 – THÁNG MÂN CÔI
HOA HỒNG MẦU NHIỆM
 
NỘI DUNG
PHẦN I: CẦU NGUYỆN – LẦN HẠT MÂN CÔI
1. NGHE TIN MỪNG VỚI MẸ:
2. SUY NIỆM TIN MỪNG VỚI MẸ
3. NHỜ MẸ ĐẾN VỚI CHÚA
4. XIN MẸ CHUYỂN CẦU
5. LẦN HẠT
PHẦN II: TÌM HIỂU VỀ KINH MÂN CÔI
1. TÌM HIỂU
2. TRUYỆN TÍCH
 
PHẦN I: CẦU NGUYỆN – LẦN HẠT MÂN CÔI
1. NGHE TIN MỪNG VỚI MẸ: Lc 13,22-30
Khi ấy, Chúa Giêsu rảo qua các đô thị và làng mạc, vừa giảng dạy vừa đi về Giêrusalem. Có kẻ hỏi Người rằng: "Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?" Nhưng Người phán cùng họ rằng: "Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi biết: nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được. Khi chủ nhà đã vào đóng cửa lại, thì lúc đó các ngươi đứng ngoài mới gõ cửa mà rằng: 'Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi'. Chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: 'Ta không biết các ngươi từ đâu tới'. Bấy giờ các ngươi mới nói rằng: 'Chúng tôi đã ăn uống trước mặt Ngài và Ngài đã giảng dạy giữa các công trường của chúng tôi'. Nhưng chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: 'Ta không biết các ngươi từ đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt ta'.
Khi các ngươi sẽ thấy Abraham, Isaac, Giacóp và tất cả các tiên tri ở trong nước Thiên Chúa, còn các ngươi bị loại ra ngoài, nơi đó các ngươi sẽ khóc lóc nghiến răng. Và người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa. Phải, có những người sau hết sẽ trở nên trước hết, và những người trước hết sẽ nên sau hết".  
 
2. SUY NIỆM TIN MỪNG VỚI MẸ
Ta không biết các anh từ đâu tới” (Lc 13,27).
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa cảnh giác chúng ta: lòng thương xót của Thiên Chúa vô biên nhưng đức công minh của Ngài lại có thời hạn, khi “chủ đứng lên và khoá cửa lại” thì không thể vào được nữa. Mỗi ngày là thời gian quí hoá Chúa ban để chúng ta sống và bày tỏ lòng trung thành đối với Thiên Chúa. Nếu chúng ta dùng thời gian để sống buông thả thì sẽ đến lúc thời gian thuận tiện đó bị cất đi. Chúng ta nên ý thức: không bao giờ chúng ta sẽ tìm lại được thời gian đã trôi qua. Vì thế hãy dùng thời gian Chúa ban để sống một cách có ý nghĩa.
 
3. NHỜ MẸ ĐẾN VỚI CHÚA
Con tạ ơn Chúa từng ngày sống của con. Chúa ban cho con hiện diện trên trần gian này là để con thờ phượng Chúa và mai sau được hưởng hạnh phúc bên Chúa. Con quyết sống điều Chúa dạy với tất cả tâm tình người con thảo. Xin Chúa đừng từ chối con khi con ra trình diện với Chúa ngày cuối đời con.
 
4. XIN MẸ CHUYỂN CẦU
Xin Mẹ dạy con sống trung tín với Chúa trong từng việc nhỏ mọn của cuộc sống hằng ngày, để con không bị Chúa chối bỏ vào ngày sau hết.
5. LẦN HẠT
(quý vị có thể lần 5 chục theo ngày trong tuần hoặc 1 chục như dưới đây)
Đức Bà tìm được Đức Chúa Giêsu trong đền thánh. Ta hãy xin cho được giữ nghĩa cùng Chúa luôn.
 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).
 
 
PHẦN II: TÌM HIỂU VỀ KINH MÂN CÔI
1. TÌM HIỂU
TÔNG THƯ CHRISTI MATRI CỦA ĐGH PHAOLÔ VI
về việc cầu nguyện cho nền hoà bình trong suốt tháng 10
15/09/1966
Kính gửi anh em đáng kính, các vị thượng phụ giáo chủ, các vị thượng phụ, tổng giám mục, giám mục và các vị thường quyền sở tại trong bình an và hiệp thông với Toà Thánh.
Kính chúc anh em sức khoẻ và phép lành Toà Thánh.
1. Có một thói quen cao đẹp của người tín hữu trong suốt Tháng 10 là tháng dành để kết những tràng Chuỗi Mân Côi thành những vòng hoa thiêng liêng dâng lên Mẹ Chúa Kitô. Tiếp theo những bước chân của các vị tiền nhiệm, Tôi nồng nhiệt hưởng ứng điều này, và Tôi mời gọi tất cả con cái Giáo Hội dành những việc sùng kính đặc biệt cho Đức Thánh Nữ trong năm này. Vì mối hiểm nguy tai hoạ ngày càng trầm trọng và rộng lớn đang đè lên gia đình nhân loại ngày càng đang gia tăng, đặc biệt tại những miền của Đông Á là nơi đang có chiến tranh khốc liệt và chảy máu dữ dội. Vì thế Tôi cảm thấy thật khẩn trương, một lần nữa Tôi phải làm điều mà Tôi có thể làm để gìn giữ nền hoà bình. Tôi cũng rất lo âu về những gì mà Tôi biết là đang xảy ra ở những miền khác, như cuộc chạy đua vũ khí nguyên tử, chủ nghĩa dân tộc điên rồ, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, tình trạng hỗ loạn vì nổi dậy, những sự phân biệt áp đặt trên người công dân, những mảnh đất tàn ác, việc sát hại người vô tội. Tất cả những điều này có thể cung cấp chất liệu cho tai hoạ tồi tệ nhất.
Một nhiệm vụ đặc biệt từ Thiên Chúa
2. Giống như những vị tiền nhiệm gần đây, Tôi cũng đã nhận được một nhiệm vụ đặc biệt từ Thiên Chúa trong thánh ý quan phòng của Ngài là phải luôn luôn làm việc một cách kiên nhẫn để đảm bảo và củng cố nền hoà bình. Nhiệm vụ này, như quý vị thấy rõ, xuất phát từ sự kiện là Tôi đã được trao phó quyền chăn dắt toàn Giáo Hội, xét như là một “dấu chỉ được giương cao lên cho các dân tộc” (1), việc lãnh đạo này không phục vụ cho những mục đích chính trị, nhưng trên hết phải mang lại cho nhân loại chân lý và ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, Đấng sáng lập Giáo Hội.
3. Vì vậy, ngay từ lúc khởi đầu sứ vụ của vị kế nhiệm thánh Phêrô, Tôi đã luôn nỗ lực cổ vũ nền hoà bình trên toàn thế giới qua việc cầu nguyện, khẩn xin và những bài giáo huấn. Như quý vị nhớ rõ, năm ngoái, Tôi đã bay tới Bắc Mỹ để nói về phúc lành hoà bình đáng ước mong nhất tại Hội nghị Khoáng đại của Liên Hợp Quốc, trước một cử toạ rất vị vọng đại diện cho hầu hết mọi quốc gia (2). Tôi lên án việc hạ thấp phẩm giá của những người khác, và lên án chống lại việc để cho một số người tấn công người khác. Đáng lẽ ra tất cả mọi người phải dấn thân nỗ lực nhiều hơn và nhiệt tình hơn trong việc kiến tạo hoà bình. Ngay sau đó, do mối bận tâm tông đồ thúc đẩy, Tôi không ngừng thôi thúc những người này, mà vấn đề quan trọng này phụ thuộc vào họ, phòng ngừa cho nhân loại khỏi rơi vào thảm hoạ kinh khủng có thể xảy ra.
Một bổn phận rất nặng nề
4. Ngay bây giờ, Tôi lại tiếp tục đưa ra lời kêu gọi “bằng một tiếng kêu la và nước mắt” (3), tha thiết khẩn xin những người đang lãnh đạo các quốc gia phải làm mọi việc mà họ có thể để thấy được rằng tai hoạ đang lan tràn không đâu xa nhưng phải hoàn toàn được dập tắt. Tôi không nghi ngờ là mọi người đều muốn những gì là đúng và đáng quý –dù thuộc nguồn gốc, màu da, tôn giáo và tầng lớp xã hội nào đi nữa thì đều cảm thấy một điều như Tôi cảm thấy.
5. Vì vậy, hãy để những người có trách nhiệm mang những điều kiện cần thiết nhằm buông vũ khí trước khi gây áp lực để  những sự việc được đẩy đi xa. Những người mà trong tay đang còn nắm giữ sự an bình của loài người phải nhận thức được rằng ngày nay và thời nay họ đang có một bổn phận rất nặng nề trong lương tâm. Ý thức về quốc gia của mình, về thế giới, về Thiên Chúa và về lịch sử, hãy tự xét lấy lương tâm. Hãy nhận thức ra rằng trong tương lai, tên tuổi của họ sẽ được chúc phúc nếu họ trung thành và khôn ngoan tuân theo giáo huấn này.
Những cuộc thương thảo cần phải bắt đầu
6. Nhân danh Chúa, Tôi kêu xin họ hãy dừng lại. Con người phải cùng đến và phải ngồi vào bàn để bàn thảo chân thành với nhau. Những điều đang xảy ra lúc này, thậm chí vào một đôi lúc không thuận tiện, bởi vì sau này chúng chắc chắn phải trả một giá đắt cho cuộc tàn sát vô cùng tai hại và rộng lớn mà bây giờ chúng ta không thể tưởng tượng ra được. Nhưng nền hoà bình này phải được đặt trên công lý và tự do vì loài người, và phải chân nhận những quyền của các cá nhân và các cộng đồng. Ngoài ra, nền hoà bình này sẽ mỏng manh và không bền vững.
7. Khi Tôi nói ra những điều này với cả tâm hồn lo lắng và ưu tư, thì đối với Tôi đó là cái quyền duy nhất để thực thi xét như mối quan tâm mục tử tối cao của Tôi thôi thúc, và xin hơn trợ giúp từ trời. “Trên trái đất này, không có gì đáng lắng nghe, không có gì đáng ướng muốn và cuối cùng không có gì tốt hơn để tìm kiếm” cho bằng sự Hoà bình” (4). Hoà bình phải được tìm kiếm từ nơi Chúa, Hoàng Tử Hoà Bình (5). Nhưng vì Giáo Hội, trong những thời điểm bấp bênh và lo âu, thường chạy đến với Mẹ Maria, Đấng luôn sẵn sàng bầu cử nhất, Tôi có lý do chính đáng để hướng sự chú ý của mình, của anh chị em, của các anh em đáng kính và của tất cả mọi người tín hữu Kitô lên Mẹ. Vì như thánh Irênê nói, Đức Mẹ “trở thành căn nguyên cứu độ cho tất cả loài người” (6).
Đức Maria, Nữ Vương Hoà Bình
8. Không có gì thích hợp và có giá trị cho chúng ta hơn là có những lời cầu nguyện của tất cả gia đình Kitô giáo dâng lên Mẹ Thiên Chúa, là Đấng được kêu cầu như là Nữ Vương Hoà Bình, kêu xin Mẹ đổ xuống thật nhiều phúc lành từ lòng từ mẫu của Mẹ giữa lúc đầy gian khổ và thử thách này. Tôi mong muốn những lời cầu nguyện kiên trì và sốt sắng được dâng lên Đức Mẹ là Đấng mà Tôi đã tuyên bố là Mẹ Thiên Chúa, tổ mẫu tinh thần của hoà bình, trong suốt thời gian cử hành Công đồng Vatican II, bằng cách đó chiếm được sự vỗ tay tán thưởng của các Nghị phụ và thế giới Công giáo, và khẳng định một điểm tín lý truyền thống. Bởi vì theo như thánh Augustino dạy, thì Mẹ Đấng Cứu Thế “chắc chắn là mẹ của những chi thể Ngài” (7), và thánh Anselmo, khi đề cập đến câu khác, thì đồng ý với thánh Augustino với những lời sau đây: “Có điều gì thích hợp hơn đối với anh chị em cho bằng làm mẹ của những người mà Đức Kitô trở thành cha và anh em của họ?”(8). Đức Mẹ, được người tiền nhiệm của Tôi là Đức Lêo XIII, gọi là “mẹ Giáo Hội đúng nghĩa nhất”(9). Kể từ đây, Tôi có lý do chính đáng để đặt niềm phó thác của Tôi nơi Mẹ giữa lúc mất ổn định khủng khiếp này.
Giá trị của Kinh Mân Côi
9. Nếu sự dữ gia tăng, thì việc sùng kính của Dân Chúa cũng phải tăng lên. Và vì thế, thưa anh em đáng kính, Tôi tha thiết muốn anh em hướng dẫn bằng cách khuyến khích và thôi thúc Dân Chúa cầu nguyện sốt sắng với Mẹ Maria rất mực từ bi của chúng ta bằng việc lần hạt Mân Côi trong suốt Tháng 10, như Tôi đã từng giải thích. Lời cầu nguyện này rất thích hợp cho việc sùng kính của Dân Chúa, làm vui lòng Mẹ Thiên Chúa nhất và mang lại hiệu quả nhất trong việc gặt hái những phúc lành từ trời cao. Công đồng Vatican II khuyên dạy tất cả con cái trong Giáo Hội dùng Kinh Mân Côi, không chỉ trong việc bày tỏ ngôn từ nhưng bằng hình thức không thể sai lầm theo câu này: “Hãy để Dân Chúa say mê với những việc thực hành đạo đức hướng tới Đức Trinh Nữ và được Giáo quyền chấp nhận trải qua nhiều thế kỷ"(9).
10. Như lịch sử Giáo Hội chứng minh cho thấy rõ, cách cầu nguyện mang lại rất kết quả này không chỉ có hiệu quả trong việc tránh được sự dữ và ngăn ngừa tai ương, mà còn có sức cứu giúp rất mạnh mẽ trong việc củng cố đời sống Kitô. “Nó nuôi dưỡng đức tin Công giáo là thứ đức tin sẵn sàng đảm nhận đời sống mới khởi đi từ lời dẫn giải hợp thời đúng lúc về các mầu nhiệm thánh, và nó hướng tâm hồn tới những chân lý mà Thiên Chúa dạy chúng ta.” (11).
11. Và vì thế trong suốt Tháng 10, tháng dành kính Đức Mẹ Mân Côi, những lời cầu nguyện và khẩn xin phải được nhân lên, để qua sự chuyển cầu của Mẹ, bình minh của nền hoà bình đích thực sẽ chiếu sáng trên con người. Điều này cũng bao gồm cả nền hoà bình về khía cạnh tôn giáo, nhưng đáng tiếc là không ai được phép tuyên xưng niềm tin tôn giáo của mình một cách tự do trong thời đại này. Đặc biệt, Tôi muốn ngày 4/10, như Tôi đã đề cập trước đây trong năm trước Tôi tới Liên Hợp Quốc vì lợi ích hoà bình, được cử hành trong toàn thế giới Công giáo năm này như là Ngày Cầu Nguyện Cho Hoà Bình. Thật là thích hợp với anh em, thưa anh em đáng kính, trong ánh sáng của việc sùng kính rất đáng khen ngợi của anh em và dựa vào tầm quan trọng rõ ràng của vấn đề này, anh em hãy cho tổ chức những nghi lễ thánh thiêng trong đó, linh mục, tu sĩ và tín hữu giáo dân -đặc biệt là các em thiếu nhi trai gái với những bó hoa của sự đơn sơ thánh thiện, người bệnh và những người khác đang chịu đau khổ- tất cả cùng cầu xin Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Giáo Hội thương cứu giúp.
12. Vào ngày đó, chính Tôi sẽ tới Đền thờ thánh Phêrô, tới mộ của vị đứng đầu các Tông đồ, để dâng những lời cầu xin đặc biệt lên Đức Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa, Đấng bảo trợ các tín hữu và trung gian bầu cử cho hoà bình. Theo cách này, thiên đàng sẽ rung chuyển, và theo một nghĩa nào đó, vì một giọng nói của Giáo Hội vang lên từ tất cả mọi lục địa trên toàn địa cầu. Bởi vì như thánh Augustino nói “Giữa biết bao ngôn ngữ khác nhau của con người, đức tin của con tim chỉ nói một thứ tiếng thôi”(12).
Một lời thỉnh cầu với Mẹ Maria
13. Lạy Đức Trinh Nữ, xin Mẹ nhìn xuống tất cả đoàn con cái Mẹ với lòng khoan dung nhân từ hiền mẫu. Hãy đoái thương nhìn đến những lo âu của các vị giám mục đang lo sợ đoàn chiên của các ngài sẽ tàn tạ bởi sóng gió kinh tởm của sự dữ. Xin hãy nhìn đến nỗi đau đớn của rất nhiều người, những người làm cha và những người làm mẹ trong gia đình là những người đang lo âu về tương lai của gia đình mình và vây bủa bởi những gian nan thử thách và biết bao nỗi bận tâm. Xin Mẹ làm dịu những tâm hồn đang gây chiến và soi sáng cho họ có những “tư tưởng hoà bình”. Qua lời bầu cử của Mẹ, xin Chúa là Đấng báo thù cho những sự tàn ác, dủ lòng thương. Xin Ngài ban lại cho các dân tộc sự yên vui mà họ đang tìm kiếm và xin đưa các dân tộc trở lại thời kỳ thịnh vượng bền vững.
14. Với lòng tin tưởng rằng Mẹ Thiên Chúa đáng tán dương sẽ dịu dàng lắng nghe lời cầu nguyện đơn hèn của Tôi, Tôi tha thiết ban phép lành Toà Thánh cho quý vị, thưa anh em đáng kính, và cho các linh mục và những ai thuộc quyền chăm sóc mục vụ của anh em.
Ban hành tại Đền thánh Phêrô – Rôma, ngày 15/09/1966, năm thứ tư triều đại giáo hoàng của Tôi.
ĐGH Phaolô VI
 
LATIN TEXT: Acta Apostolicae sedis, (1966), 745-49.
ENGLISH TRANSLATION: The Pope speaks, 11 (Summer, 1966), 221-25.
REFERENCES
(1) Cf. Is 11. 12.
(2) [Cf. TPS XI, 47 - 57].
(3) Heb 5.7
(4) St. Augustine, The City of God, 19. 11: PL 41. 637.
(5) Is 9. 6.
(6) Adversus Haereses 3. 22: PG 7. 959.
(7) De Sanct. Virg. 6: PL 40. 399.
(8) Or. 47: PL m158. 945
(9) Encyc. Letter Adjutricem populi chritiani, Sept. 5, 1895: Acta Leon. 15, 1896, p.302
(10) Dogmatic Constitution on the Church, no. 67 [cf. TPS X, 399].
(11) Pius XI, Encyc. Letter Ingravcentibus malis, Sept. 29, 1937: AAS 29 (1937), 378.
(12) Enarr. In Ps. 54. 11: PL 36. 636.
(Bản dịch tiếng Việt do FX. Trần Kim Ngọc, OP. thực hiện; nguồn: http://www.vatican.va).
 
2. TRUYỆN TÍCH
THÁNH ĐA MINH VÀ KINH MÂN CÔI
Đây là lúc phải đề cập đến vấn đề quan trọng có ảnh hưởng sâu rộng đến sự mạng tông đồ của cha Đa Minh tại miền Nam nước Pháp trong thời kỳ này và đến tiền đồ của Giáo Hội trong các thế kỷ về sau. Chúng tôi muốn nói đến Kinh Mân Côi và ảnh hưởng sâu rộng của knh này trong Giáo Hội.
 
“Khi đi qua cửa một thánh đường, cha Đa Minh dừng chân than thở với Đức Mẹ bằng một giọng như có vẻ trách móc: ‘Lạy Mẹ, bấy lâu nay con vất vả giảng dạy khuyên răn người ta trở lại chính giáo, thế mà giờ đây, Mẹ xem con đã thu lượm được những kết quả nào?’ Lúc ấy Đức Mẹ hiện ra và phán với cha Đa Minh: “Hỡi con, con chỉ biết tranh luận, hình như con muốn áp dụng biện chứng của con đề làm cho bọn họ trở lại chính giáo. Nhưng thực ra, làm như thế chưa đủ. Để thu phục nhân tâm, con hãy nhẫn nhục giải thích cho người ta hiểu dần những mầu nhiệm cao siêu, cốt yếu trong đạo thánh, rồi khuyến khích thính giả cầu nguyện với con. Chân lý tôn giáo giống như ánh sáng mặt trời, chỉ cần xuất hiện và giãi ánh sáng là tức khắc lmaf cho muôn vật được vui tươi, đầy sinh lực. Con hãy trình bày, giải thích chân lý Công giáo để soi sáng tâm trí nhân loại, đồng thời hãy thêm lời cầu nguyện để thu phục nhân tâm.’ Trong lời mạc khải này, Đức Mẹ chỉ dạy bảo cha Đa Minh cần phải cầu nguyện; nhưng phải cầu nguyện bằng cách nào? Đó là điều cha Đa Minh thắc mắc hơn hết.
Một ngày kia, thánh nhân vào trong một khu rừng thanh vắng thuộc tỉnh Toulouse, ở đó người tha thiết xin Mẹ Maria tỏ cho người biết cách cầu nguyện hữu hiệu để thu phục nhân loại trở lại với Thiên Chúa. Đức Mẹ lại hiện ra, có ba nữ hoàng hầu cận, mỗi vị lại có 50 trinh nữ đẹp tuyệt vời theo sau. Ba vị nữ hoàng tiến đến trước mặt Đức Mẹ, giới thiệu cha Đa Minh với Người. Bấy giờ Đức Mẹ phán với cha Đa Minh: ‘Hỡi con, con đã biết, một lần nữa, Mẹ đã xin được ơn cải tử hoàn sinh cho thế giới, và con chính là người Mẹ đã giới thiệu với Con Mẹ như lợi khí để thi hành việc cứu rỗi nhân loại lúc này. con cũng đã biết đến phương pháp Con Mẹ đã áp dụng trong việc cứu thế giới: Người đã thành thai trong lòng Mje, đã lấy đau khổ và máu mình để trả món nợ do tội loài người gây ra; đã lên mở cửa thiên đàng cho nhân loại được vào. Tất cả mầu nhiệm của ơn cứu chuộc đã được khởi sự bằng lời, do Thiên Chúa Ba Ngôi sai sứ thần Gabriel đến chào mừng Mẹ. vì vậy con hãy chịu khó dạy dỗ dân chúng biết cách cầu nguyện và suy gẫm những mầu nhiệm chứa đựng trong ơn cứu chuộc để họ đồng ý với sứ thần chào mựng Mẹ’. Nói đến đây, Đa Minh chỉ vào nữ hoàng thứ nhất để giải thích cho cha Đa Minh hiểu biết ý nghĩa sự hiện diện của nữ hoàng và 50 trinh nữ hầu cận: ‘Con coi, đây là nữ hoàng thứ nhất theo hầu Mẹ và 50 trinh nữ đi tháp tùng đứng thành hàng ngũ, toàn thể đều mặc áo trắng tinh, để chỉ những biến cố vui mừng đã xảy ra trong đời Mẹ và Con yêu dấu của Mẹ. Để tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa vì những mầu nhiệm đó, từ nay, con vừa đọc 50 kinh kính mừng, vừa suy gẫm những mầu nhiệm đã đem lại cho thế giới những tin vui mừng độc nhất ấy. Trước mỗi chục kinh kính mừng, con hãy đọc thêm kinh Lạy Cha, vì kinh đó dạy cho con biết tất cả những điều cần cho ơn cứu độ và phương pháp phải áp dụng để cầu xin ơn đó”. Đức Mẹ lại chỉ vào nữ hoàn và 50 trinh nữ mặc áo đro mà nói: “Con hãy giục lòng cảm kích khi dâng lên trước toà Mẹ 50 kinh kính mừng có ý kính nhớ những mầu nhiệm đau thương Con Mẹ và chính Mẹ đã phải chịu khi xưa trong hồi thương khó.” Sau cùng, Người quay lại nhìn nữ hoàng và 50 trinh nữ mặc áo vàng tượng trưng những mầu nhiệm mùa mừng và phán với cha Đa Minh: “Nếu con và giáo dân cầu nguyện theo phương pháp đó, thì những lời cầu nguyện sẽ kết thành triều thiên dâng kính Mẹ và Mẹ sẽ tình nguyện đứng ra làm môi giới xin Con Mẹ tiêu huỷ những nguỵ thuyết đang đầu độc thế giới này; Mẹ sẽ chiếu rọi ánh sáng đức tin để soi dẫn con đường vinh quang cho đến khi tới nước thiên đàng. Con hãy truyền bá sâu rộng Kinh Mân Côi, kinh đó sẽ đem lại ơn cứu độ cho các linh hồn. Chính Mẹ sẽ đứng ra bảo đảm lời con nói bằng nhiều phép lạ cả thể.”
Sau khi được lời Đức Mẹ yên ủi khuyến khích, cha Đa Minh cảm thấy sức mạnh vô song. Người bỏ nơi đó tiến vào thánh đường Toulouse truyền bá chân lý Phúc âm dưới hình thức Kinh Mân Côi. Khi cha Đa Minh vừa đặt chân vào thánh đường, các chuông trên tháp liền vang dội từng hồi, kêu gọi dân chúng đến để nghe sự lạ mới xảy ra. Cha Đa Minh trịnh trọng bước lên toà giảng, khai mạc tuần đại phúc bằng những lời lẽ hùng hồn sốt sắng chưa từng có. Người không ngần ngại trách móc cử toạ vì những nguỵ thuyết đang được tung ra khắp hang cùng ngõ hẻm, đồng thời kêu gọi họ trở lại chính giáo. đang khi đó trời đổ mưa, sấm chớp ầm ầm, mây đen bao phủ trên không trung, làm cho ai nấy kinh hồn khiếp vía. Lợi dụng cơ hội thuận tiện, cha Đa Minh nhắc nhỏ cử toạ nhớ đến hình phạt Thiên Chúa sắp sửa đè nặng trên đầu dân chúng, nếu họ không lo cải thiện đời sống và trở lại chính giáo. theo lời Đức Mẹ đã căn dặn trước, người đề nghị phải áp dụng Kinh Mân Côi để khôi phục các linh hồn cho Thiên Chúa. Thái độ ghẻ lạnh, cừu địch của cử toạn lúc này đã đổi hẳn khi chứng kiến những việc lạ lùng đang xảy ra trước mắt. Sau đó mặt trời hiện ra trên không trung tung ra thứ ánh sáng lạ làm vui lòng mọi người. Đời sống nhân dân bắt đầu được cải thiện, và từ đó, cha Đa Minh dần dần thu lượm được nhiều kết quả thiêng liêng cho đến thắng lợi cuối cùng tại mặt trận Muret, kết quả của chiến cụ binh nhu, nhất là của lời cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi.
Ảnh hưởng sâu rộng của Kinh Mân Côi trong Giáo Hội
Chúng tôi không sợ sai lầm khi quả quyết rằng: không có cách tôn sùng nào được các Đức giáo hoàng nhiệt liệt khen ngợi, khuyến khích bằng Kinh Mân Côi. 53 vị Giáo hoàng hình như thi đua tán dương, đề cao sự quan trọng, cần thiết và ích lợi của Kinh Mân Côi. Chính Đức giáo hoàng Gioan XXIII mấy tháng sau khi lên ngôi cũng đã viết thông điệp riêng khuyến khích giáo dân và các gia đình Công giáo tôn sùng Mẹ Maria bằng Kinh Mân Côi. Thế giới phải công nhận rằng: trong việc đề cao Kinh Mân Côi, Đức Lêo XIII đã chiếm giải quán quân, vì vậy thế giới đã tặng cho người tước hiệu vẻ vang: “Giáo Hoàng Mân Côi”.
Từ đền Vatican, vị Giáo hoàng này nhận thấy những nguỵ thuyết được truyền bá khắp nơi gây nên nhiều thiệt hại cho các linh hồn. Vì vậy người lên tiếng trong nhiều thông điệp đề cao uy quyền Đức Maria và khuyến khích giáo dân đặt hết tin tưởng vào Mẹ. Nhưng để Đức Mẹ vui lòng ra tay cứu vớt nhân loại đang lâm nguy, Đức giáo hoàng khuyến khích giáo dân áp dụng Kinh Mân Côi để cầu nguyện và dâng cả tháng 10 cho Đức Mẹ. Nhờ đó, việc tôn sùng Kinh Mân Côi được phổ biến khắp nơi; nhất là từ năm 1917, khi xảy ra biến cố Fatima, người ta càng thi đua dùng Kinh Mân Côi để cầu xin hoà bình cho mình, cho gia đình và cho thế giới, để thực hiện lòng mong ước thiết tha nhất của Mẹ Maria là thấy thế giới trở lại với Con yêu dấu của Người.
(Linh mục Giuse Nguyễn Tri Ân, Thánh Phụ Đa Minh, Đấng sáng lập Dòng Thuyết Giáo, Chân Lý, 2005, tr. 105-112).
 
Ghi chú trích dẫn:
1/ Tin Mừng: Bản dịch Lời Chúa của Uỷ Ban Phụng Vụ, HĐGMVN.
2/ Suy niệm Tin Mừng và cầu nguyện: Nữ Đan Viện Đa Minh.
 
 
KINH MÂN CÔI DÒNG ĐA MINH VIỆT NAM
Đặc trách
Tu sĩ FX. Trần Kim Ngọc, OP.
Email:
kinhmancoi.net@gmail.com
ĐT: 0988560042 (+84. 988560042)
Website:
http://kinhmancoi.net