THỨ SÁU 19/10/2012 Tuần XXIII Mùa Thường Niên Năm B


 
 
CHƯƠNG TRÌNH THÁNG 10 – THÁNG MÂN CÔI
HOA HỒNG MẦU NHIỆM
 
NỘI DUNG
PHẦN I: CẦU NGUYỆN – LẦN HẠT MÂN CÔI
1. NGHE TIN MỪNG VỚI MẸ:
2. SUY NIỆM TIN MỪNG VỚI MẸ
3. NHỜ MẸ ĐẾN VỚI CHÚA
4. XIN MẸ CHUYỂN CẦU
5. LẦN HẠT
PHẦN II: TÌM HIỂU VỀ KINH MÂN CÔI
1. TÌM HIỂU
2. TRUYỆN TÍCH
 
PHẦN I: CẦU NGUYỆN – LẦN HẠT MÂN CÔI
1. NGHE TIN MỪNG VỚI MẸ: Lc 12, 1-7
Khi ấy, có nhiều đám đông dân chúng đứng chung quanh, đến nỗi chen đạp lẫn nhau, nên Chúa Giêsu bắt đầu dạy các môn đệ trước tiên rằng: "Các con hãy ý tứ giữ mình khỏi men biệt phái, nghĩa là sự giả hình. Không có gì che đậy mà không bị tiết lộ ra, và không có gì giấu kín mà chẳng biết được. Vì vậy, những điều các con nói trong nơi tối tăm, sẽ được nói ra nơi sáng sủa, và điều các con nói rỉ tai trong buồng kín, sẽ được rao giảng trên mái nhà.
"Thầy bảo các con là những bạn hữu của Thầy rằng: Các con đừng sợ chi những kẻ giết được thân xác, rồi sau đó không thể làm gì hơn được nữa. Thầy sẽ chỉ cho các con biết phải sợ ai: Hãy sợ Đấng, sau khi đã giết chết, còn có quyền ném vào địa ngục. Phải, Thầy bảo các con hãy sợ Đấng ấy.
"Chớ thì năm con chim sẻ không bán được hai đồng tiền sao? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. Hơn nữa, mọi sợi tóc trên đầu các con cũng đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn trọng hơn nhiều con chim sẻ".  
 
2. SUY NIỆM TIN MỪNG VỚI MẸ
Anh em đừng sợ, anh em còn quí giá hơn muôn vàn chim sẻ
 “Đừng sợ” là lời được nhắc đến nhiều chỗ trong Kinh Thánh. Trong cuộc sống chúng ta có nhiều nỗi lo sợ: sợ bệnh tật, rủi ro, sợ đau khổ, chết chóc. Cái “sợ” luôn đe doạ chúng ta. Chúng ta sợ, bởi vì chúng ta chưa xác tín vào tình yêu của Chúa. Nếu chúng ta xác tín rằng tất cả mọi sự xảy ra cho chúng ta đều đã được lọc qua bàn tay của Cha nhân từ của chúng ta, thì ta cứ an tâm. Hãy nghiền ngẫm để tìm ra giá trị của điều xem ra “bất hạnh” lại chính là điều “may mắn” chăng? Từ đó để ta đừng sợ bất cứ điều gì, ngoài sợ tội mà thôi.
 
3. NHỜ MẸ ĐẾN VỚI CHÚA
Xin cho con có kinh nghiệm về tình yêu của Chúa hơn, để con xác tín và giữ được sự bình an mỗi khi phải đối diện với bất cứ khó khăn nào trong cuộc sống.
 
4. XIN MẸ CHUYỂN CẦU
Lạy Mẹ, Mẹ đã can đảm đi hết chặng đàng Thập Giá cùng với Con Mẹ, bởi vì Mẹ luôn xác tín vào tình yêu của Thiên Chúa ngay giữa nghịch cảnh. Xin Mẹ dạy con sống theo gương Mẹ.
 
5. LẦN HẠT
(quý vị có thể lần 5 chục theo ngày trong tuần hoặc 1 chục như dưới đây)
Đức Chúa Giêsu chịu đội mão gai. Ta hãy xin cho được chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng.
 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).
 
 
PHẦN II: TÌM HIỂU VỀ KINH MÂN CÔI
1. TÌM HIỂU

Chuyên Chú LẦn HẠt

Thánh Louis Marie Grignion de Montfort
Để cầu nguyện nên, bày tỏ những lời van xin bằng kinh nguyện tuyệt hảo nhất trong các kinh nguyện là Kinh Mân Côi thì chưa đủ, chúng ta còn phải thật chú tâm để Chúa có thể nghe được tiếng lòng của chúng ta hơn là tiếng nói phát ra từ cửa miệng của chúng ta. Phạm lỗi khi chủ ý chia lòng chia trí trong lúc cầu nguyện thì tỏ ra thật là thiếu kính trọng và nghiêm trang, sẽ làm cho Kinh Mân Côi trở nên vô hiệu hóa và làm cho chúng ta thêm tội. 
Chúng ta có thể nào muốn Chúa lắng nghe chúng ta nếu chính chúng ta lại chẳng chú ý gì đến điều chúng ta đang đọc? Sao chúng ta có thể nào làm đẹp lòng Chúa, trong khi ở trước sự hiện diện uy nghi cao cả của Ngài, chúng ta lại lang thang với những chia lòng chia trí như những đứa nhỏ đang chạy theo những con bươm bướm vậy? Người nào làm theo những điều như vậy phải trả lẽ cho những ơn phúc của Thiên Chúa Toàn Năng, những ơn phúc biến thành những sự chúc dữ cho việc cầu nguyện bất kính của họ. “Khốn cho kẻ nào làm việc Chúa cách gian ngoa” (Gr 28,10). 
Dĩ nhiên, quí bạn không thể nào đọc Kinh Mân Côi mà không có những chia lòng chia trí cách vô tình. Khó lòng đọc dù chỉ một Kinh Kính Mừng mà quí bạn không bị trí tưởng tượng khuấy động (vì trí tưởng tượng của chúng ta, than ôi, có bao giờ cùng). Tuy nhiên, điều mà quí bạn có thể làm là giữ không cố ý chia trí khi đọc Kinh Mân Côi, với tất cả ý tứ để giảm thiểu những lo ra vô tình cũng như để chế ngự trí tưởng tượng của mình. Cứ thế, quí bạn đặt mình trước nhan Chúa, và hãy tưởng tượng là Thiên Chúa Toàn Năng và Mẹ Thánh của Người đang nhìn quí bạn, thiên thần bản mệnh của quí bạn đang đứng bên phải quí bạn, nhận lấy các Kinh Kính Mừng được đọc một cách đàng hoàng, để làm triều thiên đội lên đầu cho Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Nhưng, hãy nhớ rằng, ở bên trái của quí bạn, ma qủi cũng đang rình rập để chộp lấy từng Kinh Kính Mừng lệch sang bên của hắn mà viết vào sổ tử vong của hắn. Cứ nắm chắc rằng hắn sẽ vồ ngay lấy mỗi một Kinh Kính Mừng mà quí bạn không đọc một cách chuyên chú, sốt sắng và trang nghiêm.
Nhất là, cũng đừng quên rằng khi dâng mỗi chục kinh tôn kính một mầu nhiệm bằng việc lần hạt là quí bạn đang cố gắng hình thành trong tâm trí của quí bạn hình ảnh Chúa Giêsu và Mẹ Maria liên quan đến mầu nhiệm ấy. 
Đời sống của chân phước Hermann thuộc các cha dòng Premonstatensian, (phụ chú của người dịch bản Việt Ngữ: dòng này cũng gọi là dòng thánh Nobêtô được thánh nhân lập năm 1120 ở Prémontré nước Pháp) nói với chúng ta rằng vào một lần kia, khi ngài đọc Kinh Mân Côi theo thường lệ một cách chuyên chú và sốt sắng suy gẫm về những mầu nhiệm, thì Đức Mẹ cũng rực rỡ hiện ra với ngài hết sức uy linh và đẹp đẽ. Thế nhưng, đến khi lòng sốt sắng nguội dần, ngài đã đọc kinh một cách vội vàng, chẳng để hết tâm ý gì nữa. Thế là, một lần kia, Đức Mẹ lại hiện ra với ngài - lần này thì vẻ đẹp của Người thua xa với bộ mặt thảm não. Chân phước Hermann kinh ngạc về sự thay đổi của Người, bấy giờ Đức Mẹ mới cắt nghĩa cho ngài nghe: 
“Với con Mẹ là như thế đó, Hermann à, bởi vì, trong tâm hồn của con, con đã đối xử với Mẹ như vậy mà, như một con đàn bà đáng khinh và chẳng có giá tí nào. Tại sao con lại không còn tôn nghiêm và chuyên chú chào kính Mẹ khi suy niệm về các mầu nhiệm của Mẹ và các đặc ân của Mẹ?”
(Bí Mật Kinh Mân Côi - Bông Hồng 42).
 
2. TRUYỆN TÍCH
ĐỌC KINH LẠY NỮ VƯƠNG
Ðây là gốc tích kinh Lạy Nữ Vương. Vào khoảng năm 1100, bên Ðức, có một gia đình sang trọng đạo đức, sinh được một con trai đặt tên là Herman. Herman lọt lòng với một hình thù xấu xa lại tàn tật. Ðứa bé thấp lùn, mồm méo, lớn lên lưng còng, ăn nói thì ngập ngọng, lại thọt một chân. Tâm trí thì u mê tối tăm, dáng bộ ngờ nghệch không biết gì.
Cha mẹ thấy con mình tàn tật dốt nát làm vậy thì thương hại, lại xấu hổ không cho con ra khỏi nhà.
Herman lên 12 tuổi, cha mẹ rước một thầy dòng về nhà để dạy con mình. Suốt hai năm trời, Herman chỉ học được mấy lẽ cần trong đạo như : Một Thiên Chúa ba ngôi, dựng nên trời đất, tổ tông phạm tội, Ngôi Hai xuống thế làm người trong lòng TrinhNữ Maria, chịu chết trên thánh giá để chuộc tội thiên hạ. . .
Herman lên 16 tuổi mới đủ trí khôn nhận thấy mình tàn tật và kém chúng bạn. Herman sinh buồn bã, đêm ngày những than thân tủi phận.
Thầy dòng thấy học sinh của mình buồn bã đêm ngày, thì khuyên bảo cậu chạy đến cùng Ðức Mẹ và vững vàng trông cậy Người cứu giúp. Herman vâng lời thầy, cầu xin Ðức Mẹ ba năm trời, mà chẳng được kết quả gì. Mặc dầu vậy Herman không ngã lòng, cứ tiếp tục cầu nguyện.
Một ngày kia, Herman cảm thấy mình sầu khổ hơn mọi khi, liền đến trước bàn thờ Ðức Mẹ kêu van rằng : “Lạy Mẹ là NữVương trời đất, là Mẹ nhân ái, là sức sống, là nguồn vui, là hy vọng của con, con là con cháu khốn nạn của Evà, ở chốn khách đầy đau khổ, kêu van xin Mẹ ghé mặt thương xót. Ðến giờ sau hết xin cho con được về trời xem thấy Chúa Giêsu Con Mẹ, lạy Mẹ nhân ái”.
Sau mấy lời kêu van thống thiết, Herman thấy Ðức Mẹ hiện ra sáng láng tốt đẹp và bảo: “Herman, con yêu của Mẹ, Mẹ đã nghe lời con cầu xin. Mẹ cho con chọn một trong hai điều này: một là khỏi các bệnh tật phần xác, hai là được trở nên thông thái, con muốn điều nào tùy ý”.
Herman bấy lâu khổ cực vì bệnh tật cũng như đau lòng vì trí khôn thấp kém. Cậu nghĩ ngợi một lúc, rồi quả quyết trả lời : “Con xin Mẹ trí thông minh”. Ðiều Herman xin đẹp lòng Ðức Mẹ. Người cho Herman được trí thông minh lại cho khỏi các tật bệnh phần xác nữa.
Từ đó Herman chăm chỉ học hành, nổi tiếng thông minh vượt hẳn chúng bạn. Sau Herman trở nên một nhà tu hành thông thái chép nhiều sách có giá trị. Ðể tạ ơn Ðức Mẹ, thầy Herman đặt lại kinh Nữ Vương cho mọi người đọc.
Kinh Lạy Nữ vương là những lời cầu nguyện vắn tắt, khiêm nhường đơn thật, và là những lời kêu van thảm thiết của một tâm hồn đau khổ, trong lúc cô đơn, chỉ còn biết nương tựa cậy trông vào Ðức Mẹ. Cũng là một kinh giáo dân quen đọc và đọc nhiều lần trong một ngày.
Trong các tu viện, lúc ngày tàn, người ta thấy các thầy dòng hội nhau trong nhà thờ hát kinh ấy với giọng điệu chân thành yêu mến sốt sáng.
Xưa thánh Vixentê bị bọn cướp bể bắt sống bán đi làm tôi. Trong những năm bị lưu đầy khổ sở, ông thánh đọc kinh Nữ Vương để tự yên ủi mình và được sức mạnh vui chịu mọi đau khổ. Nhiều người ngoại giáo nghe người đọc kinh ấy sốt sắng thảm thiết, thì cảm động và xin theo đạo.
Vậy ta hãy quí trọng và năng đọc kinh Lạy Nữ Vương. Nhất là lúc gặp đau khổ, ta hãy ngửa mặt kêu xin Mẹ thương xót ta ở chốn lưu đày này, và đến giờ sau hết xin Mẹ đem ta về trời, xem thấy Chúa Giêsu, Con Mẹ đời đời.
Thánh Tích
Trong lịch sử dòng thánh Augustinô, kể tích một thầy dòng đạo đức đã có tuổi, mắc bệnh nặng sắp chết. Nằm trên giường bệnh, thầy nghĩ đến giờ phải đứng trước tòa Chúa phán xét thì lo buồn khiếp sợ. Anh em trong dòng an ủi và khuyên thầy hãy vững vàng tin ở lòng nhân từ vô cùng Thiên Chúa nhưng thầy cũng chẳng bớt sợ hãi lo buồn.
Có lần thầy quá khiếp sợ đến nỗi phát khóc một hồi lâu. Bỗng chốc Ðức Mẹ hiện ra lấy lời dịu dàng phán bảo rằng: “Ớ con, con đừng sợ! Lúc còn khỏe, ngày nào con cũng đọc kinh Lạy Nữ vương, ước mong được xem thấy Chúa Giêsu Con Mẹ, Mẹ nghe lời con sau khi chết, Mẹ sẽ đưa con về trời xem thấy Chúa Giêsu muôn đời”.
Bệnh nhân bấy giờ mới yên lòng và vững vàng cậy trông cho đến khi nhắm mắt bằng yên trong tay Ðức Mẹ.
****
Kinh Lạy Nữ Vương
Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành, làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy, thân lạy Mẹ.
Chúng con con cháu Evà, ở chốn khách đầy, kêu đến cùng Bà; chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khẩn Bà thương.
Hỡi ơi! Bà là Chúa bầu chúng con, xin nghé mặt thương xem chúng con, đến sau khỏi đầy, xin cho chúng con được thấy Ðức Chúa Giêsu Con lòng Bà gồm phúc lạ.
Ôi khoan thay! Nhân thay! Dịu thay! Thánh Maria trọn đời đồng trinh. Amen.
(Theo sách Tháng Đức Bà, NXB. Hiện Tại, 1969) 
 
Ghi chú trích dẫn:
1/ Tin Mừng: Bản dịch Lời Chúa của Uỷ Ban Phụng Vụ, HĐGMVN.
2/ Suy niệm Tin Mừng và cầu nguyện: Nữ Đan Viện Đa Minh.
3/ Thánh Louis Marie Grignion de Montfort, Bí Mật Kinh Mân Côi (Le Secret admirable du très saint Rosaire); bản dịch tiếng Việt của Đa Minh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL.
 
KINH MÂN CÔI DÒNG ĐA MINH VIỆT NAM
Đặc trách
Tu sĩ FX. Trần Kim Ngọc, OP.
Email:
kinhmancoi.net@gmail.com
ĐT: 0988560042 (+84. 988560042)
Website:
http://kinhmancoi.net