Lời Chúa và các bài suy niệm Chúa nhật 19 Thường niên C
- Thứ sáu - 09/08/2013 10:23
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bài Ðọc I: Kn 18, 6-9
"Như Chúa đã làm hại đối thủ thế nào, Chúa cũng đã làm cho chúng tôi được vẻ vang như vậy".
Trích sách Khôn Ngoan.
Chính đêm ấy, cha ông chúng ta đã biết trước, để biết chắc mình đã tin tưởng vào lời thề nào mà được can đảm. Dân Chúa đã mong đợi sự giải thoát những người công chính và sự tiêu diệt kẻ thù. Vì như Chúa đã làm hại đối thủ thế nào, Chúa cũng kêu gọi để làm cho chúng tôi được vẻ vang như vậy.
Vì những con cái thánh thiện của các tổ phụ tốt lành đã lén lút tế lễ, và đồng tâm thiết lập luật thánh thiện, ấn định rằng những người công chính sẽ đồng hưởng vinh nhục, may rủi đều nhau; như vậy là họ đã xướng lên trước bài ca tụng của các tổ phụ.
Ðó là lời Chúa.
Bài Ðọc II: Dt 11, 1-2, 8-1
"Ông mong đợi thành trì có nền móng mà Thiên Chúa là kiến trúc sư và là Ðấng sáng lập".
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, đức tin là cốt yếu những thực tại người ta mong đợi, là bằng chứng điều bí ẩn. Vì nhờ đức tin mà các tiền nhân đã nhận được bằng chứng tốt.
Nhờ đức tin, Abraham đáp lại tiếng Chúa gọi, để ra đi đến xứ ông sẽ được lãnh làm gia nghiệp, và ông ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức tin, ông đến cư ngụ trong đất Chúa hứa, như trong đất khách quê người, sống trong lều trại, cũng như Isaac và Giacóp, những kẻ đồng thừa tự cùng một lời hứa. Vì chưng, ông mong đợi thành trì có nền móng mà Thiên Chúa là kiến trúc sư và là Ðấng sáng lập.
Nhờ đức tin mà ngay cả bà Sara son sẻ được sức mang thai, mặc dầu bà đã già, bởi vì bà tin rằng Ðấng đã hứa sẽ trung tín giữ lời. Vì thế, do tự một người, mặc dầu người đó như chết rồi, mà có một dòng dõi đông đúc vô số như sao trên trời và như cát bãi biển.
Chính trong đức tin mà tất cả những kẻ ấy đã chết trước khi nhận lãnh điều đã hứa, nhưng được nhìn thấy và đón chào từ đàng xa, đồng thời thú nhận rằng mình là lữ khách trên mặt đất. Những ai nói những lời như thế, chứng tỏ rằng mình đang đi tìm quê hương. Giá như họ còn nhớ đến quê hương dưới đất mà họ đã lìa bỏ, chắc họ có đủ thời giờ trở về. Nhưng hiện giờ họ ước mong một quê hương hoàn hảo hơn, tức là quê trời. Vì thế, Thiên Chúa không ngại để họ gọi mình là Thiên Chúa của họ, vì Người đã dọn sẵn cho họ một thành trì.
Nhờ đức tin, khi bị thử lòng, Abraham đã dâng Isaac. Ông hiến dâng con một mình, ông là người nhận lãnh lời hứa, là người đã được phán bảo lời này: "Chính nơi Isaac mà có một dòng dõi mang tên ngươi". Vì ông nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền làm cho kẻ chết sống lại, do đó, ông đã đón nhận con ông như một hình ảnh.
Ðó là lời Chúa.
Phúc Âm: Lc 12, 32-48
"Các con hãy sẵn sàng".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Hỡi đoàn bé nhỏ, các con đừng sợ, vì Cha các con đã vui lòng ban nước trời cho các con. Các con hãy bán những của các con có mà bố thí. Hãy sắm cho các con những túi không hư nát, và kho tàng không hao mòn trên trời, là nơi trộm cướp không lai vãng và mối mọt không làm hư nát. Vì kho tàng các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó.
"Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức: Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, đặt chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy. Các con hãy hiểu biết điều này là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch nhà mình. Cho nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến".
Phêrô thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy nói dụ ngôn đó chỉ về chúng con hay về mọi người?" Chúa phán: "Vậy con nghĩ ai là người quản lý trung tín khôn ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, để đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ? Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người đó trông coi tất cả gia sản mình. Nhưng nếu đầy tớ ấy nghĩ trong lòng rằng: "Chủ tôi về muộn", nên đánh đập tớ trai tớ gái, ăn uống say sưa: chủ người đầy tớ ấy sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, chủ sẽ loại trừ nó, và bắt nó chung số phận với những kẻ bất trung. Nhưng đầy tớ nào đã biết ý chủ mình mà không chuẩn bị sẵn sàng, và không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn đầy tớ nào không biết ý chủ mình mà làm những sự đáng trừng phạt, thì sẽ bị đòn ít hơn. Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn".
Ðó là lời Chúa.
HÃY CHO ĐI
Hãy bán của cải mình đi mà bố thí.
- Xin bà thương cho cháu một đôi giày vì chân cháu lạnh cóng.
Bà ấy hứa cho cô bé một đôi vào chiều ngày lễ Chúa giáng sinh. Thế rồi bà ấy quên khuấy đi mất. Đúng hẹn, cô bé tìm hỏi và bà ấy chỉ biết mỉm cười xin lỗi rồi bước vào trong nhà thờ. Ngồi tham dự thánh lễ mà bà cảm thấy chẳng được an tâm chút nào. Thế là bà ấy đứng lên ra ngoài để gặp cô bé và rồi bà ấy đã nói với cô bé:
- Này nhé! chúng ta hãy trao đổi giày cho nhau. Em sẽ đi giày của tôi, còn tôi thì sẽ đi giày của em. Cô bé ngập ngừng trong giây lát rồi mới chấp nhận. Trên đường về nhà, đôi giày của cô bé làm cho đôi bàn chân của bà ấy vừa lạnh cóng vừa trầy xát vì đôi giày quá nhỏ. Thế nhưng, vừa về tới nhà thì một người đàn ông đang chờ bà. Ông này là thân nhân của một người bệnh mà bà từng chăm sóc; ông ta nói mấy lời cám ơn và trao cho bà một quà tặng và bảo:
- Đây là món quà tượng trưng nhân dịp lễ Giáng sinh để tỏ lòng biết ơn chị, đã vất vả chăm sóc cho mẹ tôi.
Món quà ấy là một đôi giày mới, rất hợp với đôi bàn chân của bà ấy. Xỏ thử đôi giàu mới này, bà ấy nhớ tới lời Chúa:
- Hãy cho thì sẽ được cho lại.
Từ mẩu chuyện trên, chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng chiều hôm nay và chúng ta nhận thấy lý luận của Thiên Chúa thì hoàn toàn ngược lại với lý luận của loài người, như lời Kinh Thánh đã xác quyết:
- Tư tưởng và đường nẻo của Ta không giống với tư tưởng và đường nẻo của các ngươi. Như trời cao hơn đất bao nhiêu, thì tư tưởng và đường nẻo của Ta cũng cao hơn tư tưởng vào đường nẻo của các ngươi bấy nhiêu.
Thực vậy, chúng ta thường ích kỷ, càng chiếm hữu, càng thâu lượm được bao nhiêu, hay bấy nhiêu. Nền kinh tế loài người được đặt trên căn bản của sự tích luỹ. Càng tích luỹ càng trở nên giàu có. Trong khi đó, nền kinh tế của Thiên Chúa lại đặt cơ sở trên sự cho đi, với một nguyên tắc hoàn toàn khác hẳn: Càng cho đi thì càng trở nên giàu có, càng chia sẻ thì càng dư dật, bởi vì điều chúng ta cho đi, điều chúng ta chia sẻ chính là cái chúng ta giữ được cho mình ở nơi Thiên Chúa.
Nói chung, chúng ta thường có khuynh hướng sống theo cá nhân chủ nghĩa, chỉ lo đáp ứng những nhu cầu của riêng mình. Chẳng hạn, chúng ta đến với Chúa chỉ để xin ơn này ơn nọ cho bản thân. Thế nhưng cách nhìn của Chúa thì hoàn toàn khác hẳn: Hãy chia sẻ, hãy bố thí tất cả những gì chúng ta có cho người khác.
Dĩ nhiên để thực hiện được điều này, đòi hỏi chúng ta phải có một tình yêu thương dạt dào. Tình yêu thương dạt dào ấy chúng ta phải tập luyện hằng ngày. Và đó chính là bổn phận, là ơn gọicủa mỗi người Kitô hữu chúng ta. Bởi vì chúng ta được mời gọi để sống mối dây liên hệ yêu thương với Thiên Chúa và với những người chung quanh.
NGƯỜI QUẢN LÝ TRUNG TÍN VÀ KHÔN NGOAN
Trong một thời gian ngắn các nước Á Châu đã phải chứng kiến sự ra đi của nhiều lãnh tụ. Trước hết là việc chạy trốn của ông Fujimori. Ông Fujimori đã làm tổng thống nước Peru đến nhiệm kỳ thứ 2. Nhưng vì tham nhũng, ông đã phải trốn chạy về Nhật. Tiếp đến là ông Estrada, tổng thống nước Philippin. Ông đã thắng cử với số phiếu áp đảo. Nhưng cuối cùng phải từ chức cũng vì tội tham nhũng. Gần đây là ông Wahid, tổng thống Inđônêsia. Ông đã sang Mỹ tị nạn cũng vì tham nhũng. Tất cả chỉ vì họ đã làm sai nhiệm vụ. Họ chỉ là quản lý chứ không làm chủ đất nước. Dân mới làm chủ. Nhưng họ đã không làm tốt nhiệm vụ quản lý. Nên họ đã bị sa thải.
Chúng ta cũng là người quản lý của Thiên Chúa. Thật vậy, sự sống, tài năng, trí thông minh, sức khoẻ sắc đẹp, tất cả đều là ơn Chúa ban. Nói tóm lại, tất cả những gì ta có, tất cả những gì ta là, đều là của Chúa. Chắc chẳng có ai dám tự hỏi: Tại sao tôi không cao hơn, không mập hơn? Tại sao tóc tôi không vàng hoe, mắt tôi không xanh biếc? Tại sao tôi không có tài hội họa, có giọng ca hay? Ta không thể hỏi như vậy, vì ta không có quyền gì trên đó. Tất cả đều là của Chúa. Chúng ta chỉ là quản lý. Chúa trao sự sống, tài năng, trí thông minh cho ta gìn giữ trong một thời gian. Nói theo ngông ngữ Trịnh Công Sơn tất cả những thứ đó chỉ “ở trọ” nơi ta.
Con cá ở trọ trong khe nước nguồn…
Môi xinh ở trọ người xinh,
Duyên dáng ở trọ đôi chân Thuý Kiều…
Tôi nay ở trọ trần gian
Mai sau về chốn xa xăm với Người.
Một ngày kia Chúa sẽ đòi ta tính sổ. Lúc đó ta phải nộp cho Chúa cả vốn lẫn lãi.
Là người quản lý, ta phải có những đức tính nào? Thưa, Chúa muốn ta là người quản lý trung tín và khôn ngoan.
Là quản lý trung tín, ta phải biết sinh lợi những tài sản Chúa trao. Phải biết phát triển sao cho thân xác ngày càng khoẻ mạnh, trí thông minh ngày càng sáng suốt, những tài năng ngày càng đạt đến mức tinh vi hoàn hảo.
Là quản lý trung tín, ta phải biết chia sẻ. Chúa ban sức lực, tài năng không phải để ta ích kỷ vun quén cho bản thân, nhưng để ta dùng mà phục vụ. Người có của mắc nợ người nghèo. Người có tài mắc nợ xã hội. Nghệ sĩ mắc nợ khán giả. Giám đốc mắc nợ công nhân. Bác sĩ mắc nợ bệnh nhân. Linh mục mắc nợ giáo dân. Cha mẹ mắc nợ con cái.
Là quản lý trung tín, ta không được phải bội. Không được dùng những ơn Chúa ban để chống lại Chúa. Đừng dùng sức mạnh mà áp bức người khác. Đừng dùng tài năng phục vụ lợi nhuận riêng mình. Đừng dùng trí thông minh gieo rắc nọc độc tư tưởng. Đừng biến thân xác thành món hàng mua bán. Nhưng dùng tất cả để phục vụ Chúa. Dùng tất cả để làm cho Chúa được yêu mến, được vinh danh hơn.
Là quản lý không ngoan, ta phải biết nhìn xa. Sự sống, tài năng, sức lực, trí thông mình chỉ ở trọ nơi ta một thời gian. Phải làm cho chúng biến thành vĩnh cửu. Nhiều lần Chúa Giêsu đã dạy ta: “Hãy dùng tiền của chóng qua ở đời này mà mua lấy bạn hữu. Để sau này họ sẽ đón rước ngươi vào chốn đời đời”. Hôm nay Người dạy ta: “Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt, là kho tàng ở trên trời, nơi không có trộm cắp bén mảng, cũng không có mối mọt đục phá”. Lạ lùng hơn nữa, cách gây dựng kho tàng trên trời khác hẳn với cách gây dựng kho tàng trần gian. Để gây dựng kho tàng trần gian, ta phải hà tiện, ích kỷ, thu tích cho mình. Trái lại, để gây dựng kho tàng trên trời, ta phải biết cho đi. Càng cho đi lại càng giàu có. Càng phân phát lại càng dư thừa. Càng ban tặng lại càng phong phú.
Là quản lý khôn ngoan, ta phải tỉnh thức. Cuộc đời ở trọ mau qua. Chúa lại hay đến bất ngờ. Nên ta phải tỉnh thức đợi chờ. Đợi chờ không phải là thụ động ngồi đó khoanh tay. Đợi chờ là phải tích cực làm việc. Thắt lưng vào, thắp đèn lên để làm việc cho minh chính như giữa ban ngày. Để phục vụ không bao giờ ngừng. Dù Chúa có đến lúc nào, Chúa cũng thấy ta đang mặc quần áo công nhân phục vụ. Dù có bất ngờ như kẻ trộm, Chúa cũng thấy quản lý đang phục vụ anh em, phân phát lúa thóc cho họ.
Lạy Chúa, xin nhắc cho con luôn luôn nhớ rằng con là người quản lý của Chúa, để dù ở đâu, dù làm gì, con cũng luôn làm cho Chúa, luôn tỉnh thức sống dưới ánh mắt của Chúa. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Bạn có lần nào nghĩ rằng thân xác cùng với những gì bạn có thực sự không phải là của bạn không?
2- Trong quá khứ bạn đã là người quản lý trung tín và khôn ngoan của Chúa chưa?
3- Phải làm thế nào để trở thành người quản lý trung tín và khôn ngoan?
4- Làm sao để biến những gì ta đang có thành vĩnh cửu?
PHÚT SUY TƯ
“Dành riêng Em đấy, khi tình tự,”
Ta sẽ đi về, những cảnh xưa.”
(dẫn từ thơ Đinh Hùng)
Lc 12: 32-48
Cảnh xưa anh về, tình tự sao vẫn thế. Tình tự em đi, nay có thánh Hội cùng đi cùng đến, chốn thiên đường. Trình thuật thánh Luca nay cũng diễn tả thiên đường có cửa hẹp rất khó vào. Khó, thì có khó nhưng sao người vẫn cứ hỏi: thiên đường là chốn hạnh ngộ đầy chúc phúc, sao vẫn còn nhiều người khóc lóc/nghiến răng, nhiều đến thế?
Trải qua giòng đời lịch sử, người người nay cho thấy nhiều đáp trả khác biệt cho vấn nạn này. Thánh Augustinô, là đấng bậc hiển thánh uy tín là thế, lại vẫn bi quan cho rằng: người được cứu cũng rất hiếm. Theo thánh-nhân, hiếm là bởi nhân loại xưa nay là tập đoàn chúng-sinh bị án phạt đời đời; nên, thánh-nhân quyết biến cải mọi người để họ sống đạo cho tốt.
Thánh nhân lại quan niệm: nếu không có ơn Chúa, mọi người sẽ ngập trong lỗi tội. Truyền thống Đạo Chúa, lúc sau này còn gay gắt, những bảo rằng: nhiều người sẽ bị Chúa phạt đến muôn đời do phạm lỗi. Các đấng bậc giảng thuyết về nền thần học cổ điển, có thể chia làm hai loại: một, gồm các “ngôn-sứ-địa-ngục” chuyên đặt nặng việc Chúa nổi giận với dân con mọi người. Thứ đến, là những vị vẫn tin rằng Chúa sẽ thứ tha hết tất cả.
Các thần-học-gia loại đầu, luôn có khuynh hướng ngả về ảnh-hình sai lầm một Đức Chúa, lẫn con người. Nhóm người sau, nhận thức cũng chưa đủ về trách nhiệm của con người khi đáp-trả lại lời Chúa mời gọi sống yêu thương giùm giúp, chính đó mới là thiên đường. Trình thuật, nay diễn bày về thiên đường và ơn cứu rỗi như tiệc mặn, có đủ thức ăn phục vụ mọi thực khách, có sự hiện diện của Đức Chúa. Ơn cứu độ, là ảnh-hình về tiệc vui có Chúa, có con dân mọi người tốt/xấu đến dự.
Giáo huấn Hội thánh lâu nay tóm gọn ba điểm: điểm đầu, Chúa muốn kết-thân làm hoà, cứu độ hết muôn người. Chúa làm thế, ngang qua Hội thánh bấy lâu nay, nhưng ta không thể đoán biết đường lối cụ thể Chúa thực hiện. Trong khi đó, người người phải có trách nhiệm về cuộc sống hiện tại và tương lai của chính mình. Dù, thực tế cũng có người kình chống hoặc xa rời Chúa, nhưng nhiều vị vẫn tôn trọng trách nhiệm của người khác; vẫn muốn người khác ngồi cùng hang hoặc đồng vị với mình. Điểm cuối, không ai được phép xét đoán người khác. Chỉ mình Chúa mới thông hiểu được mọi người, nên chỉ mình Ngài mới có phán quyết về mỗi người và mọi người. Tuy nhiên, Chúa vẫn dành chỗ cho con người có hy vọng và Ngài vẫn tặng ban ơn lành để con người còn có dịp mà cải-hối.
Thiên đường cứu độ, là yến tiệc Chúa mời gọi mọi người đến tham dự. Cứu độ, là ân huệ được ban cho mọi người đến dự tiệc cùng Chúa, suốt mọi thời. Mọi người sẽ đến dự tiệc, dù gần/xa hoặc có là dân “tứ chiếng” tám hướng bốn phương, đều được mời. Chủ-nhà-là-Thiên-Chúa, có dùng lời lẽ hơi cứng ngắc với người dự, như: “Ta không biết các ngươi là ai, từ đâu đến!” cũng để ám chỉ người đó không là “người” thật, mà chỉ là thể-loại tưởng-tượng do tác giả trình-thuật muốn đưa ra một luận-cứ để ta suy về tình huống “tìm đến Chúa.” Tìm đến Chúa, phải chăng họ chỉ đến bằng mặt, chứ không bằng lòng. Nói cách khác, họ đến thật đấy, nhưng tâm can vẫn để đâu đó, vắng xa, cách biệt.
Thế nên, đôi lúc, ta cũng hãy tự kiểm để xem từ phần sâu lắng của tâm can, ta có thật lòng muốn gần Chúa hay không? Và, điều gì thúc giục ta tìm đến Chúa? Có khác biệt gì chăng giữa lòng muốn “tìm đến với Chúa” theo kiểu ngoài mặt và thật lòng?
Đáp trả các vấn-nạn trên, thánh-sử rày ghi rõ tâm trạng của những người lâu nay xa rời Chúa. Họ là những người hầu hết từng phạm lỗi bất công. Bất công, không ở cung cách đối xử với Chúa, mà với chòm xóm, với người nghèo hèn, thuộc giai cấp ở dưới thấp. Hoặc, họ có đến dự tiệc thật đấy, nhưng trong lòng chỉ muốn đến để vui chơi hoặc để thưởng thức các món ngon mà chẳng làm bất cứ thứ gì, từ: việc sắp bàn, phục vụ cho mọi người ăn no đủ. Làm như thế, chủ-nhà-là-Thiên-Chúa sẽ nói với người đến gõ cửa: “Thật tình, tôi chẳng biết quí vị là ai, đến từ nơi nào…” hoặc: “Quí vị không là khách được mời!”
Cũng nên suy về lập trường rất đúng từ trình thuật, rằng: mọi người đều sẽ có đủ thức ăn đến mãn đời, nếu biết sẻ san/phục vụ người khác; chí ít, là những kẻ có nhu cầu nhiều hơn ta. Nghĩ như thế, mới đúng là mình quyết đến với Chúa, rất thật tình. Có thể, người đến dự tiệc lại từ phương Đông hay phương trời nào đó tới, không ai biết. Nhưng, một khi đã đến, ắt là họ đến để phục vụ cho người khác ăn. Đến, với tâm-trạng như thế, tức: đã biết chào đón/hoan nghênh hết mọi người, không trừ ai. Thực tế đời người, đôi lúc ta lại nói quá nhiều về những việc từ thiện/bác ái ở đời, nhưng kỳ thực, ta chẳng lý gì đến tình bác ái/thương yêu rộng lớn hơn.
Trình thuật hôm nay, thánh Luca còn ám-chỉ điều mà ta coi đó như một hành trình. Hành trình dài từ Galilê đến Giêrusalem. Và, thánh-sử còn tạo dịp để Chúa ban huấn-từ về hành-trình dự tiệc, còn diễn tiến. Bằng vào hành trình dự tiệc, Chúa lại ban nhiều quà cáp đến với ta. Quà thiên đường ở gần Chúa, là để ta tiếp tục hành-trình đi vào cõi chết và Sống lại. Khi đó, “quà tặng” Chúa ban, sẽ lớn dần và gần gũi ta đến độ ta không còn gạn hỏi, nghi ngờ hoặc ngần ngại về tính lâu dài của nó nữa. Sự sống lại, đã mở cửa mộ phần để ta bật dậy, ngõ hầu sống trở lại thật kiên trì, vững chắc.
Từ ngàn xưa, thần-học Đạo Chúa nói khá nhiều về nét tiêu-cực của sự sống và cũng diễn giải khá nhiều về khía cạnh tích-cực của nó, bằng những hù doạ, rất bi quan. Vì thế nên, dân con trong Đạo mới hãi sợ một Đức Chúa có “cơn giận lành”, đầy phẫn nộ, cứ muốn đưa hối-nhân vào chốn lửa bỏng rất hoả ngục; và rồi, biến thiên đường thành chốn ngoại lệ rất khó đến. Ngày nay, có lẽ ta cũng nên quay về với đặc trưng tích-cực hiền-lành của Đức Chúa. Bởi, ví dù các nhà thần-học có nhấn mạnh nhiều đến khía-cạnh tiêu cực của cuộc sống Đạo, thì đó cũng chỉ là phương-pháp hung-biện ngõ hầu giúp người nghe biết mà cảnh giác để làm tốt cho mọi người; chí ít, là người nghèo khó, khốn đốn, tủi nhục.
Làm như thế, mới tạo được thiên đường phúc hạnh cho mọi người; và, mới vinh thăng được phẩm cách con người được. Đồng thời, sẽ còn khích-lệ mọi người về cuộc sống tương lai/mai ngày đúng như ơn gọi là vinh thăng chính mình. Vinh thăng phúc lợi cho con người mình. Vinh thăng chính mình để mình không giống như những người chỉ biết nhận chìm kẻ khác vào chốn tối tăm đầy khóc lóc và nghiến răng; mà, vui hưởng một mình chốn thiên cung phúc-hạnh, chẳng thực tế. Trái lại, phải biết đỡ nâng những kẻ đang khốn khổ vì cảnh bất công, chèn ép, bức bách.
Cuối cùng, như ý của tác giả trình-thuật hôm nay viết ở các chương/đoạn khác: Hãy đến với kẻ nghèo hèn mà làm chút gì đó cho họ. Có làm thế, mới có nghĩa: mở cửa lòng mình ra với Chúa, tựa hồ như Chúa từng mở đường cho ta làm, dù ngang qua con đường nhiều gai góc, khó thực hiện. Có như thế, mới là phấn đấu, khắc kỷ và đáng làm.
Trong cảm nghiệm điều lành thánh Chúa khuyến khích, cũng hãy ngâm lên lời thơ ý nhị, rằng:
“Dành riêng em đấy, khi tình tự
Ta sẽ đi về, những cảnh xưa.”
(Đinh Hùng– Tình Tự Dưới Hoa)
Cảnh xưa bây giờ, là như thế. Cũng như thể, chốn thiên đường phúc-hạnh có anh, có em, có tất cả mọi người chung vui trong cảnh sống rất Nước Trời. Ở đây. Bây giờ.