Lời Chúa và các bài chú giải - suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 29 thường niên – Lễ Truyền giáo
- Thứ sáu - 17/10/2014 11:40
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chúa Nhật Lễ Khánh Nhật Truyền Giáo
Bài Ðọc I: Is 60, 1-6
Trích sách Tiên Tri Isaia.
1 Ðứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Ðức Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi. 2 Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi Ðức Chúa như bình minh chiếu toả, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi. 3 Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước. 4 Ðưa mắt nhìn tứ phía mà xem, tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi: con trai ngươi từ phương xa tới, con gái ngươi được ẵm bên hông. 5 Trước cảnh đó, mặt mày ngươi rạng rỡ, lòng ngươi rạo rực, vui như mở cờ, vì nguồn giàu sang sẽ đổ về từ biển cả, của cải muôn dân nước sẽ tràn đến với ngươi. 6 Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Ma-đi-an và Ê-pha: tất cả những người từ Sơ-va kéo đến, đều mang theo vàng với trầm hương, và loan truyền lời ca tụng Ðức Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 18, 2-5
Ðáp: Âm thanh họ truyền khắp địa cầu.
Xướng: 1) Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm. Ngày qua mách bảo cho ngày tới, đêm này kể lại với đêm kia. - Ðáp.
2) Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh, mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển. Chúa căng lều cho thái dương tại đó. - Ðáp.
Bài Ðọc II: 1Tm 2,1-8
Trích Thư Thánh Phaolô Tông Ðồ Gửi Tín Hữu Timôthê.
1 Vậy tiên vàn mọi sự, tôi truyền phải dâng lời khẩn xin, cầu nguyện, kỳ đảo, tạ ơn cho hết mọi người, 2 cho vua Chúa và hết các người quyền cao chức trọng, ngõ hầu ta được qua một đời yên hàn, ổn định, trong đạo đức vẹn toàn và nghiêm chỉnh. 3 Ðó là điều tốt lành, đẹp lòng Thiên Chúa, Cứu Chúa của ta. 4 Người muốn cho mọi người được cứu thoát và được nhìn biết sự thật. 5 Vì chỉ có một Thiên Chúa và cũng chỉ có một Ðấng trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại: 6 một người, là Ðức Yêsu, Ðấng đã thí mình làm giá chuộc thay cho mọi người; chứng đã tuyên ra vào chính thời chính buổi, 7 mà tôi đã được đặt làm lệnh sứ, làm tông đồ -- và tôi nói thật, chứ không nói dối -- làm tấn sĩ dân ngoại, trong đức tin, trong sự thật.
8 Vậy tôi muốn nam nhân cầu nguyện mọi nơi thì giăng lên những bàn tay lành thánh, không nóng giận, không cãi cọ.
Ðó là lời Chúa.
Hoặc đọc bài đọc sau đây:
Bài Ðọc II: Act 1, 3-8
Trích sách Công Vụ Tông Ðồ.
Sau khi Chúa Giêsu sống lại, 3 Người lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình: trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa. 4 Một hôm, đang khi dùng bữa với các Tông Ðồ, Ðức Giêsu truyền cho các ông không được rời khỏi Giêrusalem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, "điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, 5 đó là: ông Gioan thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần.
6 Bấy giờ những người đang tụ họp ở đó hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ítraen không?" 7 Người đáp: "Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, 8 nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari cho đến tận cùng trái đất".
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Mt 28, 19-20
Alleluia, alleluia! - Thầy bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 16,15-20
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mác-cô.
15 Và Ðức Giêsu nói với các môn đệ: "Hãy đi khắp cả thiên hạ rao giảng tin mừng cho mọi loài thụ tạo. 16 Ai tin cùng chịu thanh tẩy thì sẽ được cứu, còn ai không tin thì sẽ bị luận tội. 17 Những dấu lạ này sẽ tháp tùng kẻ tin: nhân danh Ta, chúng sẽ trừ quỉ, nói các thứ tiếng, 18 Chúng sẽ cầm rắn trong tay, và dẫu có uống nhằm thuốc độc, thuốc độc cũng chẳng hại được chúng; chúng sẽ đặt tay cho kẻ liệt lào và họ sẽ được an lành mạnh khỏe".
19 Vậy sau khi đã nói với họ rồi, Chúa Yêsu được nhắc về trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. 20 Còn họ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng họ hoạt động, và củng cố lời bởi phép lạ kèm theo.
Ðó là lời Chúa.
Hoặc đọc bài Phúc Âm sau đây:
Phúc Âm: Mt 28, 16-20
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
16 Mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Ðức Giêsu đã truyền cho các ông đến. 17 Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. 18 Ðức Giêsu đến gần, nói với các ông: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. 19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, 20 dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế".
Ðó là lời Chúa.
Truyền lửa yêu thương
Trong việc cầu cho công cuộc truyền giáo cũng vậy, chúng ta thường cầu với Chúa rằng: “Lạy Chúa, xin cho có đông người, ngoại trừ con, biết quảng đại lên đường đi khắp muôn phương loan báo Tin Mừng cứu độ.” Nhưng thử hỏi: nếu ai cũng cầu xin thế nầy, thì cánh đồng truyền giáo sẽ vắng bóng thợ gặt, tìm đâu ra người đi loan báo Tin Mừng.
Vậy thì lời cầu nguyện thiết thực nhất mà mỗi người chúng ta phải dâng lên Chúa là: “Lạy Chúa, tuy con bất xứng, nhưng xin hãy sai con đi làm thợ gặt cho Chúa ngay hôm nay.”
Dù muốn dù không, chúng ta cũng là ngôn sứ của Chúa ngay từ ngày lãnh bí tích thánh tẩy. Bí Tích Thánh Tẩy làm cho chúng ta trở thành chi thể Chúa Giêsu, cho thông dự vào vai trò ngôn sứ của Người, nên chúng ta phải đảm nhận trách nhiệm loan Tin Mừng cứu độ của Người.
Chính vì thế, trước khi về trời, Chúa Giêsu long trọng chuyển trao cho chúng ta, là môn đệ Người, tiếp tục thi hành sứ vụ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, … dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.” (Mt 28, 19-20)
Vậy thì sứ mạng loan Tin Mừng là một bổn phận phải làm chứ không phải là việc tuỳ thích. Thánh Phao-lô thú nhận: “Đối với tôi rao giảng Tin mừng không phải là lý do để tự hào, nhưng là một sự cần thiết buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng.” (1 Cr 9,16).
Vì đây là bổn phận của mọi chi thể Chúa Giêsu nên chỉ khi nào chúng ta tự tách lìa mình ra khỏi Hội Thánh là Thân Thể Chúa, thì chúng ta mới có thể cho phép mình ngừng loan báo Tin Mừng.
Truyền giáo là truyền lửa yêu thương
Trong đêm Vọng Phục Sinh, lòng nhà thờ hoàn toàn chìm trong bóng tối. Thế rồi, từ cuối nhà thờ, Nến Phục Sinh được thắp sáng lên và được long trọng rước lên cung thánh. Linh mục chủ sự lấy lửa từ Nến Phục Sinh thắp lên cho một vài cây nến nhỏ bé khác trên tay vài người. Những người nầy lại đem lửa phục sinh thắp lên cho người bên cạnh và cứ tiếp tục như thế, chẳng mấy chốc, cả ngàn cây nến nhỏ của các tín hữu tham dự đều được thắp lên.
Loan Tin Mừng cũng là thắp lên lửa yêu thương cho người quanh ta. Lửa đức tin, lửa yêu thương đã được Chúa Giêsu thắp lên trong ta, thì đến lượt mỗi chúng ta cũng hãy thắp lửa đức tin, lửa yêu thương ấy cho người bên cạnh và công việc truyền lửa nầy cần phải được tiếp nối không ngừng.
Chân phước Têrêxa Calcutta cũng cho rằng truyền giáo là chia sẻ tình thương. Mẹ không rao giảng Phúc Âm bằng lời nhưng bằng những tâm tình và cử chỉ yêu thương cụ thể. Mẹ cũng chẳng chủ trương yêu thương đại chúng cách chung chung, nhưng là yêu thương từng người đang đối diện.
Mẹ nói: “Đối với chúng tôi, điều quan trọng là từng người một. Để thương yêu một người thì phải đến gần người ấy… Tôi chủ trương một người đến với một người. Mỗi một người đều là hiện thân của Đức Kitô… Người đó phải là người duy nhất trên thế gian (mà ta cần yêu thương trọn vẹn) trong giây phút đó.”
Với tâm tình nầy, Mẹ Têrêxa đã thu phục nhân tâm nhiều người trên thế giới. Cũng bằng phương thức nầy, Giáo Hội công giáo Hàn Quốc đã làm gia tăng gấp đôi số tín hữu chỉ trong vòng mươi năm!
Theo gương Mẹ Têrêxa, mỗi một người công giáo nên kết thân với một người lương, coi người đó như anh em ruột thịt và đem hết lòng yêu thương người đó.
Mỗi gia đình công giáo nên kết thân với một gia đình lương dân, coi họ như thân quyến của mình, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi; khi có kỵ giỗ, cưới xin hay lễ lạc gì trong gia đình, hãy mời họ cùng thông hiệp. Nhờ đó hai bên thắt chặt mối giây thân ái và qua tình thân nầy, Tin Mừng của Chúa Kitô sẽ được lan toả như ánh nến đêm Vọng Phục Sinh.
Khánh nhật truyền giáo
Yêu Chúa mà lại ghét người thân cận thì thật là điều trớ trêu như câu chuyện sau đây:
Có một vị hoàng thái tử vào rừng săn bắn gặp một cô gái hái củi trong rừng. Không hiểu Trời xui đất khiến làm sao mà họ yêu nhau tha thiết ngay từ buổi gặp gỡ đầu tiên.
Hoàng tử quay về triều như kẻ mất hồn, ngày đêm tương tư cô gái nghèo mà anh đã đem lòng thương mến và rồi anh khẩn khoản xin vua cha cưới nàng cho bằng được.
Để tìm hiểu xem cô gái có thực sự yêu thương con trai mình bằng tình yêu chân thực hay không, vua cha dạy cho hoàng tử cải trang làm nông dân để thử lòng cô gái...
Thế là hoàng tử hoá thành người nông dân, đến cắm lều gần nhà cô gái, ngày ngày vác cuốc ra đồng làm lụng. Anh lân la đến làm quen với cô gái trong hình hài một nông dân.
Mặc dù cô gái vẫn thầm yêu và mong được kết hôn với hoàng tử, nhưng cô tạ không nhận ra hoàng tử nơi người nông dân nghèo khổ nầy. Cô đã đối xử với anh rất lạnh nhạt và cuối cùng đã xua đuổi anh.
Tiếc thay, cô đã đánh mất cơ hội vô cùng quý báu: mất vinh dự trở thành công nương, thành hoàng hậu tương lai.
Như vị hoàng tử kia hoá thân thành nông dân để thử lòng cô gái, Thiên Chúa cũng hoá thân thành người phàm để thử thách tình yêu của chúng ta. Ngài đã từ trời xuống thế, hoá thân làm người, cắm lều ở giữa loài người, trở nên người thân cận của mỗi người.
Thế nên, khi yêu thương người thân cận là chúng ta yêu thương Chúa, và khi chúng ta từ khước hay bạc đãi người thân cận là bạc đãi Chúa. Tình yêu thương người thân cận là thước đo tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa.
Mẹ Têrêxa là người giữ điều răn yêu thương nầy cách tuyệt hảo. Mẹ nhìn thấy Chúa trong những người phong cùi, trong những người bần cùng khốn khổ và mẹ tận tình yêu thương săn sóc những người ấy hết sức tận tình.
Mẹ dạy nữ tu của mẹ: "Con thấy linh mục nâng niu trân trọng Mình Thánh Chúa trong thánh lễ ra sao thì con hãy làm như thế đối với người cùng khổ."
Mẹ là người vừa yêu mến Thiên Chúa trên trời lại vừa yêu mến Chúa hịên diện trong những người khốn khổ. Mẹ không tách rời hai giới răn mến Chúa và yêu người, nhưng mẹ đã yêu Thiên Chúa trong con người.
Khi hỏi tại sao người công giáo chúng ta truyền đạo mà không thu hút được nhiều người về với Hội Thánh?
Chắc chắn là vì chúng ta chưa sống theo đạo yêu thương. Nếu chúng ta theo phương cách sống đạo của mẹ Têrêxa Calcutta, tha thiết yêu mến Thiên Chúa nơi con người, thì đạo chúng ta trở thành hấp dẫn, và bản thân chúng ta cũng có sức thu hút được nhiều người như mẹ Têrêxa đã minh chứng bằng đời sống của mẹ: Mẹ được người đời xem là bà thánh sống, được mọi người yêu mến, cả những người Hồi Giáo, Ấn giáo, Bà La Môn và các đạo khác đều vô cùng quý mến mẹ.
Nhân ngày Truyền Giáo, xin cho chúng ta biết áp dụng phương thế truyền giáo tuyệt hảo của mẹ Têrêxa là yêu mến Thiên Chúa trong con người, hy vọng nhờ đó, đạo Chúa trở thành một tôn giáo rất đẹp, rất hấp dẫn và nhiều người sẽ quay về với đạo yêu thương nầy.
Chứng nhân trong sự hiệp nhất yêu thương
Hôm nay ngày khánh nhật truyền giáo, thiết tưởng là dịp thuận lợi để chúng ta nhìn lại tinh thần chứng nhân tin mừng của giáo hội sơ khai. Một giáo hội non trẻ nhưng có sức mạnh biến đổi trần gian. Một giáo hội bị cấm đoán nhưng vẫn lan tỏa đến tận cùng thế giới. Một giáo hội nhỏ bé nhưng ai cũng có tinh thần truyền giáo, khiến thánh Phao-lô đã từng nói rằng: "Tôi trồng, Apolo tưới, Thiên Chúa mới cho mọc lên". Vậy đâu là điểm son để giáo hội có thể vượt qua mọi trở ngại để phát triển và canh tân bộ mặt trái đất? Thưa đó chính là tinh thần hiệp nhất yêu thương.
Theo sách tông đồ công vụ, thời giáo hội sơ khai, các tín hữu "sống hiệp nhất với nhau, và để mọi sự là của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu" (Tđcv 2, 44). Họ hợp nhất với nhau không chỉ về niềm tin mà còn hiệp nhất trong tình liên đới chia sẻ của cải vật chất cho nhau. Sự liên đới này tạo nên một cộng đoàn bác ái yêu thương, trong đó mỗi người đều được cộng đồng quan tâm, nâng đỡ và chia sẻ cho nhau tùy theo nhu cầu của từng người.
Chính đời sống yêu mến nhau nơi các tín hữu mà Giáo hội sơ khai đã được toàn dân thương mến. Sự thương mến đó đã đem nhiều người về với Chúa. Sự thương mến đó cũng là nơi bảo vệ các tín hữu khỏi những cuộc tàn sát của bạo chúa hung tàn. Vâng, nếu ngày xưa cộng đoàn Giáo hội sơ khai đã được "toàn dân thương mến" (Tđcv 2,47a), thì đời sống của xứ đạo chúng ta hôm nay, cũng phải là một cộng đoàn được những người chung quanh nhìn bằng ánh mắt trìu mến thân thương. Đó cũng là cách chúng ta ca tụng Chúa và giúp cho "càng ngày càng có nhiều người gia nhập Giáo hội" (Tđcv 2, 47b).
Thế nên, tinh thần truyền giáo mời gọi chúng ta hỗ trợ nhau không chỉ về tinh thần mà còn cả về vật chất, không chỉ là những người có đạo mà còn cả những người lương dân. Đồng thời sự chia sẻ này cũng nói lên sự xóa bỏ những tị hiềm, ghen ghét trong cộng đoàn để đón nhận nhau trong tinh thần bác ái huynh đệ. Lấy "dĩ hòa vi quý" để sống hài hòa, nâng đỡ đùm bọc lẫn nhau tạo nên một cộng đoàn chan hòa yêu thương, bác ái, chia sẻ, cảm thông. Đó cũng là dấu chỉ cho thấy chúng ta là môn đệ Chúa Giêsu, là chứng nhân của Tin mừng giữa lòng dân tộc Việt Nam.
Vì chưng, giới luật quan trọng nhất của kytô giáo chính là Mến Chúa - yêu người, thì người người ky-tô hữu chúng ta phải thể hiện điều đó qua từng lời nói, từng việc làm, luôn được cân nhắc cho vừa ý trời và phù hợp với luân thường đạo lý làm người. Vì vậy, một đời sống chứng nhân Tin mừng cũng phải thể hiện bằng một đời sống hòa hợp với cộng đồng, với tha nhân. Nhất là biết thể hiện sự tương thân tương ái nơi cộng đồng giáo xứ, sự hiệp nhất yêu thương trong tình huynh đệ với tha nhân, nhờ đó mà Tin mừng mới nở hoa trên từng môi trường sống của người tín hữu. Chúng ta không thể là một người kytô hữu tốt mà lại đối xử thật tồi tệ với anh chị em chung quanh. Lối sống này không chỉ là lỗi luật Chúa mà còn là cớ vấp phạm cho những người chưa biết Chúa. Nhà lãnh tụ Ganhi của An Độ đã từng nói: "Nếu những người kytô giáo sống đúng tinh thần giáo lý của họ. Tôi sẽ mời gọi cả dân tộc Ấn trở lại". Chúng ta không thể truyền giáo mà còn mang nặng tính bè phái, tỵ hiềm, chia rẽ. Lối sống này đã không thu góp về cho giáo hội những tín đồ mới mà còn đẩy biết bao người ra khỏi giáo hội bởi lối sống ích kỷ, độc đoán của chúng ta. Thực tế đã có rất nhiều những cộng đoàn, những xứ đạo đổ vỡ vì sự bè phái đã phá đổ tình hiệp nhất yêu thương. Đã có rất nhiều người bỏ đạo, chối đạo vì sự bất khoan dung của chúng ta đã đẩy họ ra khỏi Giáo hội, khỏi cộng đoàn. Và cũng có rất nhiều cái nhìn thiếu thiện cảm của anh em lương dân nhìn đến chúng ta, chỉ vì chúng ta sống thiếu công bình, thiếu lòng bác ái, thiếu lòng bao dung.
Thế nên mỗi người tín hữu phải biết sống tinh thần truyền giáo khởi đi từ lòng mến Chúa, yêu người nơi mỗi người chúng ta. Chúng ta mến Chúa nên chúng ta hăng say truyền giáo. Chúng ta yêu mến tha nhân nên chúng ta muốn chia sẻ niềm vui với tha nhân. Tình yêu mến mời gọi chúng ta đi đến với tha nhân bằng một tình yêu chân thành, không khoe khoang, không giả dối. Tình yêu mến mời gọi chúng ta dấn thân một cách quảng đại để đem tình yêu Chúa nối kết tình người, đưa con người đến cùng Thiên Chúa và giúp con người xích lại gần nhau.
Nguyện xin Chúa Giêsu là Đấng đã từ trời xuống để gieo tin mừng yêu thương vào cho nhân thế, nâng đỡ và giúp chúng ta sống ơn gọi truyền giáo bằng một tình yêu mến nồng nàn. Ước gì đời sống chúng ta cũng trở thành một lời chứng sống động cho tin mừng khi chúng ta dám sống triệt để theo những đòi hỏi của tin mừng là mến Chúa trên hết mọi sự và yêu mến tha nhân như chính mình. Amen.
Cách thức truyền giáo
Vậy đâu là cách thức truyền giáo hữu hiệu nhất cho người tông đồ của Chúa?
Thánh Gioan Tông đồ đã viết: "Ngôi lời đã hoá thành nhục thể và cư ngụ giữa chúng ta". Chúa Giêsu là Lời hằng sống gieo vào thế gian, nhưng Lời đã mang lấy xác phàm giống như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Ngôi Lời đã trở thành nguồn ơn cứu độ để những ai tiếp xúc với Ngài đều có thể nhận lãnh được sự sống dồi dào cả tinh thần lẫn thể xác. Ngôi Lời đã mặc lấy thân phận con người, để có thể gần gũi, cảm thông và chia sẻ với những khổ đau của con người. Cuộc sống của Ngài đã trở thành trở thành lẽ sống cho con người, "Sống để yêu thương", và Ngài đã đi trọn con đường tình yêu là "dám chết cho người mình yêu". Vì vậy, cách thức duy nhất mà Chúa trối lại cho chúng ta là "anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em". Lời Chúa và giáo huấn của Chúa phải trở thành cung cách sống của người tín hữu. Một đời sống bác ái yêu thương mới thực sự là phương thế hữu hiệu nhất để giới thiệu về Chúa cho tha nhân. Lời nói và việc làm phải đi đôi với nhau. Mang danh kytô hữu và sống đời kytô hữu phải nên một trong con người có đạo mới thực sự trở thành chứng nhân cho Chúa.
Vì vậy, Truyền giáo không thể chỉ đi lễ, đọc kinh cầu nguyện là xong bổn phận chứng nhân cho Chúa. Nếu như thế mới chỉ là hành vi trả lại công bằng cho Chúa, vì việc tạ ơn là hành vi đền đáp lại ân ban của Thiên Chúa dành cho con người. Truyền giáo không phải là việc tuân giữ các giới răn của Chúa. Nếu như thế mới là giữ đạo chứ chưa truyền đao. Truyền giáo không phải là nói thật hay, thuyết trình thật hùng hồn là có thể đem nhiều người về với Chúa. Nếu như thế mới chỉ là tiếp thị chứ chưa mang đạo vào đời như muối như men ướp mặn trần gian.
Trong thông điệp "khánh nhật truyền giáo 2006", Đức Thánh Cha Bênedictô 16 đã viết: "Sứ mạng truyền giáo, nếu không được định hướng bởi Lòng mến, nếu không phát sinh từ một hành động sâu xa của tình yêu thần thiêng, thì sứ mạng đó liền bị rút gọn về chỉ còn như là một hành vi nhân ái và xã hội không hơn không kém. Tình yêu mà Thiên Chúa có đối với mỗi người, kết thành trung tâm của kinh nghiệm sống và loan báo Phúc Âm".
Như vậy, Đức Thánh Cha đã tái khẳng định cách thức mà Chúa Giêsu muốn chúng ta đi đó là thực hành bác ái. Không có lòng mến thì không thể trở thành nhân chứng cho niềm tin của mình. Yêu Chúa luôn đi liền với yêu mến tha nhân. Và thánh Phaolô còn quả quyết "Lòng mến chính là sợi giây ràng buộc chúng ta nên một với Đức Kytô".
Hôm nay nhân ngày khánh nhật truyền giáo, chúng ta hãy rà xét lại lòng mến của chúng ta đã trở nên dấu chỉ của người kytô hữu hay chưa? Ngày xưa cộng đoàn tín hữu tiên khởi họ đã sống thật hiệp nhất với nhau, ngày ngày họ đến hội đường để nghe các tông đồ rao giảng. Họ chia sẻ đời sống hằng ngày với nhau, để không ai phải thiếu thốn. Họ được toàn dân thương mến và ngày càng có thêm nhiều người gia nhập Giáo Hội. Ước gì cộng đoàn xứ đạo chúng ta cũng được những người chung quanh nhìn bằng ánh mắt trìu mến, đầy thiện cảm và tôn trọng, và ngày càng có những người muốn sống đời kytô hữu như chúng ta. Amen.