Đám cưới và giấy tờ
- Chủ nhật - 09/11/2014 09:52
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
* Người công giáo phải suy nghĩ và hành xử thế nào trong trường hợp này?
Phải nói đây là một vấn đền luân lý quan trọng. Chúa Giêsu dạy các môn đệ rằng : “Hãy trả cho Cêsar những gì thuộc về Cêsar” (Mt. 22:21). Theo tông đồ Phaolô :"Mọi công dân phải tuân phục công quyền vì đó là do Thiên Chúa thiết định" (Rm 13:1). Đó cũng là lập trường của giáo hội từ thời sơ khai ((Dt. 13:17; 1 Phêrô 2:13-14; Titô 3:1). Và cũng là điều Giáo hội Công giáo dạy. Sách Giáo lý Công giáo xác định rằng người tín hữu Kitô sống trong xã hội cần phải tôn trọng công quyền và tuân hành những luật pháp công chính (GLCG. # 1990, 1916). Tất cả những điều này để nói rằng, là con Chúa, chúng ta không được phép làm chuyện phản lại luật pháp chính đáng được quy định bởi chính quyền. Nếu luật pháp về hôn phối hay di dân của mỗi quốc gia nhằm lợi ích chung của con người hay sự trật tự trong tổ chức xã hội thì được coi là chính đáng. Người Kitô hữu phải tuân hành.
Theo ý kiến của nhà luân lý lớn là Thánh Tôma Aquinô, luật pháp công chính là nhằm xây dựng và bảo vệ công ích (common goods) như hòa bình, công lý xã hội. Khi mang tính cách công chính như thế, công quyền và luật pháp xã hội (human law) phản ảnh ý định của Thiên Chúa và các lề luật vĩnh hằng của Ngài (divine law). Do đó, nó có thể là phương tiện gián tiếp cho việc cứu rỗi con người. (Tổng-luận Thần-học I-II, đề 96, điều 4-6).
Tôma Aquinô cũng dạy rằng sự tôn trọng công quyền và tuân hành pháp luật công chính là một nhân đức xã hội. Nhân đức này liên hệ chặt chẽ với Đức Công Bằng và Đức Bác Ái xã hội. Nhân đức này cũng gián tiếp liên quan đến lòng kính sợ Chúa là Đấng cắt đặt trật tự trong cộng đồng loài người (TLTH, II-II, đề 104, điều 2,3,6).
Đặc biệt, Tôma Aquinô cũng xác định rằng sự bất tuân luật pháp công chính là tội, và đó là tội trọng (TLTH, II-II, đề 105, điều 1). Vì hành động ấy nguy hại cho công lý và bác ái xã hội, và phản nghịch ý định tốt đẹp của Thiên Chúa. Lập trường này phản ảnh quan điểm của thánh Phaolô rằng:"Ai chống đối luật pháp công quyền là phản nghịch chương trình Thiên Chúa thiết định. Kẻ ấy sẽ phải chuốc lấy án phạt cho mình!" (Rm 13:2). Sự bất tuân này có thể ẩn dưới một dạng cụ thể là lừa gạt công quyền và gian lận với luật pháp qua việc ngụy-thệ (Perjure – Thề gian). Và như thế ngụy-thệ cũng là tội, và là tội trọng (TLTH II-II, đề 98, điều 1-2).
Việc làm hôn thú giả bao hàm thái độ bất tuân, phản lại luật lệ công chính. Để thực hiện toan tính này, đương nhiên phải có sự lừa gạt luật pháp, ngay cả ngụy thệ đối với công quyền. Vậy xét theo lương tâm công giáo, làm hôn thú giả để di trú là một việc sai trái, có tội. Xét theo luân lý xã hội, người tín hữu không nên cộng tác vào việc ấy dưới bất cứ hình thức nào. Họ càng không được phép chủ động trong việc ấy vì bất cứ lý do gì, cho dù để kiếm tiền hay chỉ đơn thuần vì tình nghĩa gia đình, bạn bè.
Ngoài ra, ‘hôn nhân di trú’ còn liên quan đến một vấn đề luân lý cá nhân nữa. Hôn nhân là một thực tại được Thiên Chúa thiết lập với mục đích thánh thiện. Không thể dùng cơ chế hôn nhân như một phương tiện để thực hiện mục đích khác, nhất là lợi ích cá nhân. Xét theo nghĩa này, việc kết hôn ‘để được di trú’ cũng không khác gì kết hôn ‘vì bằng cấp’, ‘vì tiền của’, v.v.:tất cả đều nhằm quyền lợi cá nhân mà tầm thường hóa ý nghĩa thiêng liêng của hôn nhân.
Trong quá trình mục vụ, chúng tôi biết có những người trước đây đã làm ‘hôn nhân di trú’, sau này ‘hôn nhân thật’ và đời sống gia đình của họ gặp rất nhiều vấn đề. Việc kết hôn và ly dị của ‘hôn nhân di trú’ trước dù sao cũng gây nên những hậu quả tâm lý (và pháp lý) có thể làm khó khăn cho hạnh phúc trong đời hôn nhân và gia đình thật sau này.
Lm. Đa Minh Trần Quốc Bảo, DCCT