Đức Hồng y Turkson kêu gọi thế giới đừng mừng vui vì cái chết của Gaddafi

.

.

VATICAN (SD 21-10-2011) - Đức Hồng y Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, tuyên bố rằng "thế giới không bao giờ có thể vui mừng cử hành cái chết của một người, dù đó là một kẻ gian ác".
Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng "Tmnews" hôm 20-10-2011, ĐHY Turkson nói rằng tại Lybia cũng như phần còn lại ở Bắc Phi đang có mùa xuân Arập, tự do cho vài lãnh tụ mà thôi thì vẫn chưa đủ, còn cần có tự do cho tất cả mọi người, bảo đảm cho cá các nhóm tín hữu Kitô thiểu số nữa.

"Giáo Hội luôn luôn muốn làm việc để hoán cải con người. Gaddafi đã có thể lưu vong ở nơi khác, - như tổng thống Menghitsu của Etiopia đã chạy sang Zimbabwe, - và đón nhận cơ hội để suy tư và xin lỗi vì những gì đã làm, nhưng ông đã muốn chiến đấu cho đến cùng. Tôi rất lấy làm tiếc vì mạng sống ông bị chấm dứt như thế. Mỗi sự mất mát sinh mạng con người đều là điều đau buồn. Thế giới không bao giờ được cử hành cái chết của một người, dù là kẻ tội phạm".

Đức Hồng y cũng nói rằng: "Điểm quan trọng bây giờ là xem điều gì sẽ xảy ra trong tương lai. Tất cả những gì xảy ra không phải chỉ là một chuyện nội bộ của Lybia, vì từ nay cộng đồng quốc tế đã can dự vào Lybia. Mục tiêu cần đạt tới phải là sự hòa giải. Vì như đã xảy ra ở Irak đối với Saddam Hussein, tại Lybia ngày nay cũng có những người khóc thương cái chết của Gaddafi. Một sự hòa giải là cần thiết để Lybia tiến bước như một quốc gia duy nhất".

Trong bối cảnh đó, ĐHY Turkson bày tỏ lo âu của Giáo Hội đối với các tín hữu Kitô thiểu số tại Lybia cũng như tại Bắc Phi nói chung. Đức Hồng y đặt câu hỏi: "Điều gì sẽ xảy ra bây giờ? Cần phải nói rằng ở Irak dưới thời Saddam Hussein, các tín hữu ở trong tình trạng tốt đẹp hơn là thời kỳ kế tiếp, và tại Ai Cập, dưới thời Mubarak, họ cũng có phần khá hơn so với bây giờ. Về điều gọi là "mùa xuân Arập", người ta chưa rõ ai đứng đằng sau những phong trào đó. Dần dần người ta phải làm sáng tỏ tình hình và cần hiểu đâu là những yếu tố đã điều khiển các biến cố ấy."

Và Đức Hồng y kết luận: "Chúng tôi hy vọng sự tái khám phá tự do trong những tháng qua không phải chỉ là tự do của một vài lãnh tụ, nhưng là tự do cho tất cả mọi người, kể cả tự do tôn giáo cho mọi thành phần dân chúng. Chúng tôi hy vọng tất cả những gì đang xảy ra tại Bắc Phi đưa tới sự nảy sinh một nền dân chủ, không phải chỉ là dân chủ của đa số, nhưng là nền dân chủ có sự tham gia, mang lại cho mọi người tự do và an bình".


G. Trần Đức Anh OP

(Nguồn: R.Vatican)