Ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới tại Assisi
- Thứ tư - 21/09/2016 17:00
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
SUY NIỆM LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI (Lc 1,26-38 )
SỨC MẠNH CỦA KINH MÂN CÔI
Tháng Mười dẫn chúng ta về với Mẹ Mân Côi, một tay bồng Chúa Giêsu hài Ðồng, còn tay kia thì trao tràng chuỗi Mân Côi cho thánh Ðaminh. Hình ảnh ý nghĩa này chứng tỏ rằng kinh Mân Côi là một phương thế được Ðức Mẹ ban cho nhân loại qua thánh Đaminh, để nhờ chiêm ngắm và suy niệm về cuộc đời của Chúa, mà yêu mến Chúa và theo Chúa mỗi ngày một trung thành hơn.
- Kinh Kính Mừng
“Kính mừng Maria đầy ơn phúc”
Là câu đầu tiên trong Kinh Kính Mừng chúng ta vẫn thường đọc. Nguồn gốc của lời Kinh này phát xuất từ miệng sứ thần Gabriel chào kính Đức Maria lúc truyền tin : “Kính mừng Maria đầy ơn phúc (Lc 1,28), và lời xác nhận của bà Êlisabet : ” Em thật có phúc hơn mọi người nữ, vì Đấng em cưu mang thật diễm phúc“.
Những lời của sứ thần Gabriel và của bà Êlisabet trên đây đã được Giáo hội dùng để chúc tụng ngợi khen Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta. Đồng thời, Giáo hội thêm vào lời cầu khẩn xin Mẹ thương nâng đỡ phù trì “Thánh Maria ĐứcMẹ Chúa Trời… và trong giờ lâm tử“.
Phụng vụ mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi hôm nay, dựa trên trang Tin Mừng (Lc 1,26-38) dìu ta về với “Đức Maria đầy ơn phúc“. Mẹ có phúc trước hết là vì Mẹ đã đón nhận hồng phúc khi thưa “xin vâng”. Phúc tiếp theo của Mẹ là có Thiên Chúa ở cùng, Mẹ cưu mang, sinh hạ, nuôi dưỡng và làm Mẹ Đấng gồm phúc lạ. Phúc của Mẹ thật cao với khôn sánh, nên Giáo hội không ngớt lời lặp đi lặp lại danh xưng “đầy ơn phúc” này để tôn vinh Mẹ. Nếu yêu và được yêu là những điều hạnh phúc nhất trong đời, thì Đức Maria rất hạnh phúc khi được Thiên Chúa yêu thương tuyển chọn và chính Mẹ cũng đầu tư vốn liếng cuộc đời, biết dành trọn vẹn tình yêu thương của mình cho Thiên Chúa.
Mẹ được đầy ơn phúc, Mẹ cũng muốn cho con cái mình hạnh phúc, vì mẹ nào mẹ chẳng thương con. Nên khi con cái lầm đường lạc lối, sa lầy trong tội, Mẹ đã mở rộng vòng tay, dẫn lối chỉ đường cho con người đạt tới hạnh phúc với lời nhắn nhủ : “Hãy ăn năn đền tội, hãy năng lần hạt Mân Côi“. Làm theo lời dặn dò của Mẹ, Hội Thánh đã thoát nhiều cơn giông tố hiểm nguy xác hồn, phá tan được bao bè rối, mang lại bình an trong tâm hồn. Chúng ta hãy đón nhận lời yêu cầu hiền mẫu của Mẹ siêng năng lần chuỗi Mân Côi.
Đời con một chuỗi Mân Côi.
Hạt thương hạt sáng hạt vui hạt mừng.
Ngày đêm nguyện gẫm không ngừng.
Như cây nến cháy nhỏ từng lời kinh.
- Ơn phúc bởi đọc Kinh Kính Mừng
Sống trong thời văn minh điện toán toàn cầu hóa, biến con người thành những kẻ chạy đua với với thời cuộc. Kẻ làm, người học, có kẻ vừa học vừa làm, làm trong đi học… khiến người ta làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm cả ngày nghỉ. Thì hỡi ông bà anh chị em, dù bận đến đâu cũng đừng bỏ lễ Chúa nhật và lễ Trọng buộc. Dù mệt đến đâu cũng đừng bỏ đọc Kinh Kính Mừng. Vì “Mẹ Maria chúc phúc cho những ai đọc Kinh Kính Mừng” (St Bênađô).
Nhiều bạn trẻ cho rằng : Thời buổi khoa học, ai còn tụng niệm như mấy ông già bà cả nữa. Không, câu chuyện có thật của một nam sinh Pháp và Bác học Louis Pasteur, Giám Đốc Viện nghiên cứu vi trùng học quốc tế, Giáo sư chuyên khoa Đại Học hoá học và sinh vật học là bằng chứng. Người đời thường có quan niệm: hễ càng văn minh, người ta càng xa Chúa. Nhưng ngược lại Louis Pasteur Bác học trứ danh lại càng tin theo Chúa. Và sợi dây gắn kết niềm tin ấy, động lực để nghiên cứu khoa học lại là Kinh Kính Mừng. Ông lần hạt khi đi trên Métro trước mặt những nam sinh nữ tú mà chúng không hay biết ông là người thầy của mình.
Thế giới ngày hôm nay tục hóa, con người sống như thể không có Thiên Chúa, chân phước Alanô mách bảo chúng ta: “Bất cứ ai trung thành đọc Kinh Mân Côi và suy ngắm những Mầu Nhiệm sẽ được ân thưởng. Mẹ sẽ xin cho họ được tha mọi hình phạt và mọi tội lỗi trong giờ họ chết”.
Nếu bị ma quỉ cám dỗ, sự xấu, người xấu lôi kéo, hãy đọc Kinh Kính Mừng, vì: “Kinh Kính Mừng làm cho Quỉ Dữ trốn chạy, Hỏa Ngục run sợ” (Lời thánh Anphongsô). Nếu con cái hư đốn, chồng không trung thủy, vợ bất trung thành, hãy đọc Kinh Kính Mừng: “Nhờ Kinh Kính Mừng, biết bao tội nhân bỏ đường tội lỗi, bao linh hồn đã tiến cao trên đường trọn lành. Biết bao người được ơn chết lành và hưởng phúc Thiên đàng“.
- Lời kinh cầu cho hòa bình
Chúng ta đang sống trong một tình hình quốc tế đầy những căng thẳng, khủng bố dưới mọi hình thức ngày càng man dợ, trộm cắp, giết người cách tinh vi, hủy hoại môi sinh, gây đau khổ cho đồng loại. Trước những thế lực mạnh hơn trên trái đất này định đoạt số phận của nhân loại, chúng ta cảm thấy bị giới hạn và bất lực, phải nại đến sức mạnh từ trời cao. Chúng ta chạy đến với Thiên Chúa, để khẩn xin ơn bình an cho thế giới. Việc làm trong tháng này là hãy lần hát Mân Côi, như Giáo hội vẫn thường làm trong các cơn túng cực. Vì chỉ có lời cầu nguyện mới vượt qua được các biên giới các quốc gia và các ngăn cách của thù ghét cũng như không hiểu nhau, mới đem lại bình an cho nhân loại.
Nữ Vương truyền phép Rất Thánh Mân Côi, cầu cho chúng con.
Nữ Vương bình an, cầu cho chúng con. Amen.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Assisi ngày 20.9.2016 để cùng hơn 500 vị đại diện các tôn giáo cầu nguyện cho hòa bình thế giới, đồng thời chống lại những lạm dụng tôn giáo để khủng bố và thi hành bạo lực.
Ngày cầu nguyện lần này có chủ đề là “Khao khát hòa bình. Các Tôn giáo và Văn hóa đối thoại”, được Cộng đồng thánh Egidio ở Roma, giáo phận Assisi và đại gia đình dòng Phanxicô tổ chức.
Sau khi đáp trực thăng từ Roma đến Assisi lúc 11.30, Đức Phanxicô đã dành hơn 1 tiếng đồng hồ bắt tay chào từng vị lãnh đạo tôn giáo và các tham dự viên khác, bắt đầu từ Đức Thượng Phụ Bartolomaios I, Giáo chủ Chính Thống Constantinople, một đại diện Hồi giáo, Đức Tổng Giám mục Giáo chủ Liên hiệp Anh giáo, Đức Thượng phụ Efrem II, Giáo chủ Chính Thống Siria ở Antiokia, Hòa thượng Thủ lãnh Phật giáo Thiên Thai (Tendai) ở Nhật Bản, các đại diện Hồi giáo, chính quyền thành Assis, ...
Lúc 4 giờ là giờ cầu nguyện cho hòa bình được cử hành tại nhiều nơi ở Assisi, theo các nghi thức riêng của các tôn giáo. Riêng các tín hữu Kitô đã cầu nguyện tại Vương cung thánh đường dưới của Đền thánh Phanxicô.
Trong bài suy niệm tại buổi cầu nguyện này, Đức Thánh Cha nói đến sự khao khát của Thiên Chúa đối với tình yêu của con người và đòi chúng ta đáp lại, thể hiện qua lòng bác ái đối với con người, nhất là những người đau khổ. Ngài nói:
“Đấng là Tình Yêu không được yêu mến”: trong một số trình thuật, chính thực tại này làm cho Thánh Phanxicô Assisi sao xuyến. Vì yêu thương Chúa chịu đau khổ, thánh nhân không xấu hổ khi khóc và than vãn lớn tiếng (Xc Fonti Franscane, n.1413). Chúng ta cần quan tâm đến thực tại này khi chiêm ngắm Thiên Chúa chịu đóng đanh, khao khát tình yêu. Mẹ Têrêsa Calcutta muốn rằng trong các nhà nguyện thuộc các cộng đoàn của Mẹ, cạnh tượng Chúa chịu đóng đanh, có ghi chữ “Ta khát”. Giải cơn khát tình thương của Chúa Giêsu trên thánh giá qua việc phục vụ những người nghèo nhất trong những người nghèo, đó là câu trả lời của Mẹ. Thực vậy, Chúa được giải khát nhờ tình yêu cảm thương của chúng ta, Ngài được an ủi, khi chúng ta cúi mình nhân danh Chúa trên những lầm than của người khác. Trong cuộc phán xét, Chúa sẽ gọi là “những người được chúc phúc những ai đã cho người khát được uống, đã trao tặng tình yêu cụ thể cho người đang cần: “Tất cả những gì các con làm cho một trong những anh em bé mọn nhất của Thầy đây, là các con làm cho Thầy” (Mt 25,40).
Đức Thánh Cha nhận xét rằng:
“Những lời của Chúa Giêsu gọi hỏi chúng ta, đòi chúng ta đón nhận trong lòng và trả lời bằng cuộc sống của chúng ta. Trong câu “Ta khát” của Chúa, chúng ta có thể nghe thấy tiếng kêu của những người đau khổ, tiếng kêu âm thầm của những trẻ em vô tội mà người ta từ chối không cho sinh ra, lời khẩn xin thống thiết của những người nghèo và những người đang cần hòa bình hơn cả. Các nạn nhân chiến tranh đang kêu cầu hòa bình, chiến tranh làm ô nhiễm các dân tộc vì oán thù và làm ô nhiễm trái đất vì những võ khí: Các anh chị em của chúng ta đang khẩn xin hòa bình, những người đang sống dưới đe dọa của những cuộc dội bom và pháo kích, hoặc bị buộc lòng phải rời bỏ gia cư, di cư tới một nơi bất định, bị tước đoạt mọi sư. Tẩt cả những người ấy là anh chị em của Đấng Chịu Đóng Đanh, những người bé nhỏ của Nước Chúa, những chi thể bị thương và bị đốt cháy trong thân mình Chúa. Họ đang khát. Nhưng nhiều khi người ta chỉ cho họ dấm chua của sự từ khước, giống như Chúa Giêsu. Ai lắng nghe họ? Ai quan tâm trả lời cho họ? Quá nhiều khi họ gặp phải sự im lặng nặng nề của sự dửng dưng lãm đạm, ích kỷ của những người khó chịu, sự lạnh lùng của người dập tắt tiếng kêu cứu của họ một cách dễ dàng bằng cách chuyển qua kênh truyền hình khác.
Đứng trước Chúa Kitô chịu đóng đanh, “là Sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1 Cr 1,24), các tín hữu Kitô chúng ta được kêu gọi chiêm ngắm mầu nhiệm Tình Yêu không được yêu mến và đổ tràn lòng thương xót trên thế giới. Trên Thánh Giá, cây sự sống, hút lấy sự ô nhiễm dửng dưng và trả lại cho thế giới dưỡng khí của tình yêu. Từ cạnh sườn Chúa Kitô trên Thánh giá, có nước chảy ra, biểu tượng của Thánh Thần ban sự sống (Xc Ga 19,34); ước gì từ chúng ta, các tín hữu của Chúa, cũng chảy ra lòng cảm thương đối với tất cả những người đang khát ngày nay.”
Tuyên ngôn hòa bình của các vị lãnh đạo tôn giáo tại Assisi
Các vị lãnh đạo tôn giáo thế giới bày tỏ quyết tâm dấn thân xây dựng hòa bình, đồng thời lên án mọi hình thức lạm dụng tôn giáo để biện minh cho khủng bố, bạo lực và chiến tranh.
Lập trường trên đây được các vị bày tỏ trong tuyên ngôn chung vào cuối ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới tại Assisi 20-9-2016 trước sự hiện diện của 500 vị lãnh đạo các tôn giáo và hàng chục ngàn tín hữu tại quảng trường trước Vương cung thánh đường thánh Phanxicô ở Assisi.
Tại buổi bế mạc này, một số vị lãnh đạo tôn giáo trong đó có Đức Thượng Phụ Bartolomaios I, Giáo chủ chính thống Constantinople, Hòa thượng Giáo chủ Tông phái Phật giáo Thiên Thai, Nhật Bản, một số vị khác, sau cùng là Đức Thánh Cha.
Buổi lễ được tiếp tục với phần đọc một lời kêu gọi Hòa Bình, được trao cho các em bé thuộc nhiều nước khác nhau.
Lời kêu gọi hòa bình
“Là những người nam nữ thuộc các tôn giáo khác nhau, chúng tôi họp nhau như những người lữ hành tại thành của thánh Phanxicô. Tại đây cách đây 30 năm, vào năm 1986, theo lời mời của ĐGH Gioan Phaolô 2, các vị đại diện tôn giáo toàn thế giới, lần đâu tiên tham dự một cách trọng thể, để khẳng định mối liên hệ không thể tách rời giữa đại thiện ích hòa bình và thái độ tôn giáo chân chính. Từ biến cố lịch sử ấy, đã khởi sự một cuộc lữ hành dài, qua nhiều thành phố trên thế giới, đưa nhiều tín hữu can dự vào cuộc đối thoại và cầu nguyện cho hòa bình; đã liên kết nhưng không tạo nên sự lẫn lộn, mang lại những tình bạn liên tôn vững chắc và góp phần dập tắt không ít các cuộc xung đột. Đây là tinh thần đang linh hoạt chúng tôi: thực hiện cuộc gặp gỡ trong đối thoại, chống lại mọi hình thức bạo lực và lạm dụng tôn giáo để biện minh cho chiến tranh và khủng bố. Tuy nhiên, trong những năm qua, vẫn còn bao nhiêu dân tộc đang bị thương tổn đau thương vì chiến tranh. Người ta vẫn luôn không hiểu rằng chiến tranh làm cho thế giới xấu hơn, để lại gia sản đau thương và oán thù. Tất cả bị mất mát với chiến tranh, kể cả những kẻ thắng trận.
“Chúng tôi đã dâng lời khẩn nguyện lên Thiên Chúa, xin Ngài ban hồng ân hòa bình cho thế giới. Chúng tôi nhìn nhận sự cần thiết phải liên lỷ cầu nguyện cho hòa bình, vì lời cầu nguyện bảo vệ và soi sáng thế giới. Hòa bình là danh xưng của Thiên Chúa. Ai khẩn cầu danh Thiên Chúa để biện minh cho khủng bố, bạo lực và chiến tranh, thì không đi theo con đường của Chúa: chiến tranh nhân danh tôn giáo trở thành chiến tranh tôn giáo. Với xác tín mạnh mẽ, chúng tôi tái khẳng định rằng bạo lực và khủng bố trái ngược với tinh thần tôn giáo chân chính.
“Chúng tôi đã lắng nghe tiếng kêu của người nghèo, các trẻ em, các thế hệ trẻ, các phụ nữ và bao nhiêu anh chị em đang đau khổ vì chiến tranh; cùng với họ chúng tôi mạnh mẽ nói rằng: Không chấp nhận chiến tranh! Ước gì tiếng kêu đau thương của bao nhiêu người vô tội được lắng nghe. Chúng tôi khẩn thiết xin các vị lãnh đạo các dân nước hãy giải trừ những động lực chiến tranh: sự ham hố quyền bính và tiền bạc, lòng tham lam của những kẻ buôn bán võ khí, những lợi lộc phe phái, những trả thù vì quá khứ. Xin gia tăng sự dấn thân cụ thể để lại trừ những nguyên nhân tiềm ẩn của các cuộc xung đọt: những tình trạng nghèo đói, bất công, và chênh lệch, sự bóc lột và coi rẻ sự sống con người.
“Sau cùng, hãy mở ra một thời đại mới, trong đó thế giới hoàn cầu hóa trở thành gia đình các dân tộc. xin thực thi trách nhiệm kiến tạo hào bình chân thực, quan tâm đến những nhu cầu đích thực của con người và của các dân tộc, vượt thắng những xung đột bằng sự cộng tác, chiến thắng những oán thù và vượt lên trên những hàng rào bằng cuộc gặp gỡ và đói thoại. Không gì bị mất mát khi thực sự thi hành đối thoại. Không gì là không có thể nếu chúng ta ngỏ lời với Thiên Chúa trong kinh nguyện. Tất cả đều có thể là những người xây dựng hòa bình; từ Assisi chúng tôi quyết tâm canh tâm dấn thân trở thành những người xây dựng hòa bình với sự phù giúp của Thiên Chúa, cùng với tất cả những người nam nữ thiện chí.
Sau khi tuyên ngôn hòa bình được công bố, mọi người đã thinh lặng mặc niệm các nạn nhân chiến tranh, trước khi các vị đại diện tôn giáo ký vào Lời Kêu Gọi hòa bình, và thắp sáng hai cây đèn nhiều ngành.
Ngày cầu nguyện được kết thúc với cử chỉ trao ban bình an giữa các tham dự viên.
(Nguồn Đài Vatican)