Toà Thánh công bố các quy tắc để xác minh các cuộc hiện ra của Đức Mẹ

VATICAN-Để giúp các giám mục xác định tính khả tín của các sự kiện được cho là Đức Mẹ hiện ra, Toà Thánh Vatican đã dịch và công bố các quy tắc thủ tục từ năm 1978 mà trước đây chỉ có bằng tiếng Latinh.
Toà Thánh công bố các quy tắc để xác minh các cuộc hiện ra của Đức Mẹ
Bản “Các quy tắc về cách tiến hành phân định các sự kiện được cho là hiện ra hoặc mặc khải” đã được Đức Giáo hoàng Phaolô VI phê chuẩn năm 1978 và gửi cho các giám mục trên thế giới, nhưng chưa bao giờ được công bố chính thức hoặc dịch sang các ngôn ngữ hiện đại.

Tuy nhiên, theo Đức Hồng y William J. Levada, Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, trong vòng 3 thập kỷ qua, trên thế giới đã xuất hiện nhiều bản dịch không có phép.

Trong bản giải thích đề tháng 12-2011, Đức Hồng y Levada viết: Bộ Giáo lý Đức tin “tin rằng bây giờ là lúc công bố các ‘Quy tắc’ này, bằng cách cung cấp các bản dịch bằng các ngôn ngữ chính” để “giúp các vị mục tử của Giáo hội Công giáo trong nhiệm vụ khó khăn là phân định các sự kiện được cho là hiện ra, mặc khải, sứ điệp, hoặc nói chung, các hiện tượng ngoại thường được cho là có nguồn gốc siêu nhiên”.

Bản giải thích của Đức Hồng y và bản Quy tắc mới dịch vừa được công bố trên trang web của Bộ [www.doctrinafidei.va].

Đức Hồng y Levada viết rằng ngài hy vọng các quy tắc này “sẽ hữu ích cho các nhà thần học và các chuyên gia trong lĩnh vực sống kinh nghiệm tế nhị này của Giáo Hội, vốn đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng hơn bao giờ hết”.

Hơn 1.500 thị kiến về Mẹ Maria đã được báo cáo trên khắp thế giới, nhưng trong thế kỷ vừa qua chỉ có chín trường hợp được Giáo Hội phê chuẩn là đáng tin.

Việc phân định tính xác thực của một cuộc hiện ra thuộc thẩm quyền đức giám mục địa phương, và Bộ Giáo lý Đức tin đã thiết lập các quy tắc để hướng dẫn tiến trình này.

Việc phê chuẩn là không hề nhanh chóng, có khi phải mất hàng trăm năm. Phải điều tra các thị nhân và các chứng nhân, phải xem xét các hoa trái của các cuộc hiện ra, chẳng hạn như việc hoán cải, các phép lạ và việc chữa lành.

Theo các quy tắc này, đức giám mục địa phương cần thành lập một uỷ ban các chuyên gia, gồm các nhà thần học, giáo luật, các nhà tâm lý học và các bác sĩ, để giúp ngài xác định các sự kiện, tính lành mạnh về phương diện tâm lý, đạo đức và thiêng liêng và tính nghiêm túc của thị nhân, và phải xem sứ điệp cũng như chứng từ có đi ngược với thần học và tín lý không.

Đức giám mục có thể đi đến một trong 3 kết luận: cuộc hiện ra là có thật và đáng tin; hoặc không có thật, nhưng có thể được khiếu nại; hoặc lúc này, ngài không biết và cần được giúp đỡ thêm.

Trong trường hợp sau cùng, việc điều tra được đưa ra Hội đồng Giám mục quốc gia. Nếu hội đồng giám mục không thể đi đến một kết luận, vấn đề sẽ được trình lên đức giáo hoàng, và ngài sẽ giao cho Bộ Giáo lý Đức tin vào cuộc để đưa ra lời khuyên hoặc chỉ định người khác điều tra.

Các cuộc được cho là hiện ra tại Medjugorje ở Bosnia-Herzegovina là một ví dụ về tình huống mà các giám mục quốc gia yêu cầu Bộ Giáo lý Đức tin can thiệp.

Trong trường hợp này, năm 2010, Bộ đã thành lập một ủy ban quốc tế để điều tra các lời khẳng định của 6 người trẻ nói rằng Đức Maria đã hiện ra với họ mỗi ngày từ năm 1981.

Các cuộc hiện ra được cho là vẫn tiếp tục và mỗi tháng có hàng ngàn người đến thị trấn nhỏ này để gặp những người được coi là thị nhân và cầu nguyện.

Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã tái khẳng định rằng Giáo Hội không bao giờ buộc các tín hữu tin vào những cuộc hiện ra, kể cả những cuộc hiện ra đã được Giáo Hội công nhận.

Trong bản giải thích, Đức Hồng y Levada trích dẫn lời Đức Giáo hoàng nói rằng “tiêu chí để đánh giá tính chân thật của một mặc khải tư là mặc khải ấy quy hướng về chính Chúa Kitô”, ở chỗ nó không đẩy con người rời xa Chúa Giêsu, nhưng thúc giục họ hiệp thông sâu xa với Chúa Kitô và Tin Mừng.

Đức Hồng y cũng trích dẫn các tác phẩm của Thánh Gioan Thánh Giá. Thánh nhân nhấn mạnh rằng Thiên Chúa đã nói tất cả những gì Người phải nói trong Chúa Giêsu Kitô là Con Một của Người và cũng là Ngôi Lời.

Thánh nhân viết: “Bất kỳ ai chất vấn Thiên Chúa hoặc đòi hỏi thị kiến hay mặc khải đều mắc tội không chỉ là điên rồ mà còn xúc phạm đến Người, bởi không chăm chú nhìn ngắm Chúa Kitô mà chỉ mong muốn điều mới lạ khác”.

Trong Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Giám mục Verbum Domini năm 2010, Đức Thánh Cha đã nói: Việc Giáo hội phê chuẩn một mặc khải tư, tự bản chất, chỉ là cách Giáo Hội nói rằng sứ điệp ấy không trái với đức tin hay luân lý, được phép phổ biến sứ điệp ấy, “và các tín hữu được phép nghe theo sứ điệp ấy một cách khôn ngoan”.


(CNS, 24-05-2012)


Minh Đức