1
06:05 +07 Thứ năm, 25/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 47

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 45


Hôm nayHôm nay : 6311

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 268997

Tổng cộngTổng cộng : 27823281

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » VĂN HOÁ & NGHỆ THUẬT

Ý nghĩa tục Lì Xì ngày Tết

Thứ ba - 28/01/2014 09:01-Đã xem: 1420
Lì xì nhằm cầu chúc người nhận gặp may mắn, phát đạt. Thường người Tàu bỏ tiền vào bao giấy màu đỏ. Người Việt Nam ta cũng làm tương tự, phổ biến ở miền Nam ngày Tết. Ở miền Trung thì ông bà cha mẹ, người tôn trưởng cho con cháu tiền mới vào dịp Tết gọi là "tiền mừng tuổi". Không chỉ người lớn mừng tuổi con cháu, mà hồi xưa, con cháu phải mừng tuổi ông bà trước.
Ý nghĩa tục Lì Xì ngày Tết

Ý nghĩa tục Lì Xì ngày Tết

Quanh chuyện "lì xì" ngày Tết bằng tiền và bằng... chữ! Nghe hai tiếng "lì xì" người ta liền tưởng tới bao giấy màu đỏ, nho nhỏ bằng phần tư trang giấy học trò, bên trong có xếp mấy tờ tiền mới. Vậy hai tiếng "lì xì" ở đâu ra? Nguồn gốc của nó thế nào? Chúng tôi lân la "tầm nguyên" qua các nhà nghiên cứu, hỏi trực tiếp bằng miệng có, giở sách vở các vị có, thấy giải thích hai chữ "lì xì" tựu trung là "tiền mừng tuổi".
 
Cuốn từ điển thời nay do Viện Ngôn ngữ học, Trung tâm Từ điển học chẳng hạn, mục từ lì xì giải thích: "Lì xì là mừng tuổi (bằng tiền). Tiền lì xì cho các cháu ngày mùng một Tết". "Lì xì" bằng tiền không chỉ giới hạn trong mùng một Tết, mà "liền tù tì" suốt ba ngày đầu năm, thậm chí kéo dài tận những ngày "mùng" cuối cùng của Tết như mùng 9, mùng 10. Theo một số vị mà chúng tôi hỏi chuyện, như cụ Nguyễn Quảng Tuân, Huỳnh Ngọc Trảng, Phạm Đan Quế, thì tục mừng tuổi vẫn cứ nên giữ. Nhà nghiên cứu Thông Hội bảo: "Đó là một phần đậm đà của phong vị Tết Việt Nam, đặc biệt đối với trẻ con, khiến trẻ nhớ tới Tết như một thời điểm mở đầu năm mới, đẹp như cổ tích". Với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, tác giả Dư âm, cứ nên lì xì "miễn là đừng lì xì tiền đô cho trẻ, không đúng chỗ, mà tập hư cho chúng ăn xài". Vũ sư Hoài Nhơn (Trần Trinh Nhơn), con trai lớn của công tử Bạc Liêu (Trần Trinh Huy), thì kể rằng: "Ba tôi mất ngày 21 tháng chạp năm Quý Sửu 1973 ở Sài Gòn. Đầu năm đó, ăn cái Tết cuối cùng, ông còn lì xì tôi mặc dầu tôi đã 27 tuổi. Tôi vẫn không quên cái phong bì màu đỏ ấm áp, biểu lộ tình cảm của một người cha lúc nào cũng nhìn xuống con mình như thời còn nhỏ tại Bạc Liêu". Nhà nghiên cứu Cao Sơn giải thích: - Lì xì tiếng chữ là lợi thị, đọc theo âm Quảng Đông, Triều Châu thành "Lê - i - xị", chỉ số tiền được cho, tặng trong các dịp đầu năm, khai trương và cả trong lễ thành hôn nữa, chứ không bó hẹp trong dịp Tết Nguyên đán.
 
Lì xì nhằm cầu chúc người nhận gặp may mắn, phát đạt. Thường người Tàu bỏ tiền vào bao giấy màu đỏ. Người Việt Nam ta cũng làm tương tự, phổ biến ở miền Nam ngày Tết. Ở miền Trung thì ông bà cha mẹ, người tôn trưởng cho con cháu tiền mới vào dịp Tết gọi là "tiền mừng tuổi". Không chỉ người lớn mừng tuổi con cháu, mà hồi xưa, con cháu phải mừng tuổi ông bà trước. Qua giao thừa, tới sáng sớm mùng một, con cháu bảo nhau tới nhà thờ để chúc Tết và lạy mừng ông bà, cha mẹ. Không chỉ lạy suông, cũng không thể muốn lạy mấy lạy thì lạy, mà theo nhà văn Toan Ánh, chỉ lạy... hai lạy rưỡi. Lạy xong con cháu phải biết "thơm thảo" với đấng sinh thành bằng cách cung kính dâng lên những thứ bánh trái tươi ngon và một phong giấy hồng: Bên trong phong giấy thẳng thớm này có đặt một món tiền, để lên khay tươm tất và hoan hỷ, xin các cụ nhận cho, đó là "tiền mở hàng". Tiền này không nhằm để cất cho nặng hầu bao, mà ngụ ý cầu chúc các cụ quanh năm sung mãn, may mắn. Tục mừng tuổi nay còn đó. Ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì, cậu mợ lì xì lớp cháu, con. Bằng hữu thân quyến tới nhà ai chúc Tết lì xì trẻ con của nhà đó. Hoặc chủ nhà đón khách tới chúc Tết lì xì trẻ em đi theo khách. Ý nghĩa chính không nằm ở "tiền" mà ở "tình", tức ở lòng mong ước cầu chúc các cháu hay ăn chóng lớn, vui chơi, học hành tấn tới, còn phong bì nặng nhẹ nhiều ít (tiền) không phải là điều đáng để tâm lắm. Thậm chí không có một cắc bạc mà chỉ có... chữ. Chữ viết rõ to, đậm nét để "làm quà" mừng tuổi như chuyện dưới đây.
 
Xưa, có một nhà nọ, nghèo quá, sinh ba đứa con trai. Tết đến người cha không có tiền để lì xì. Chiều ba mươi, ông nghĩ ra một cách, lấy giấy đỏ làm 3 cái phong bì, bề ngoài trông thẳng thớm tươi tắn đỏ thắm như các phong lì xì khác. Nhưng bên trong không bỏ tiền, mà thay bằng 3 miếng giấy được ông viết 3 chữ nắn nót: Phước - Lộc - Thọ. Qua sáng mùng một, người cha gọi 3 đứa con trai đến trước bàn thờ, xoa đầu chúng, tươi cười mừng tuổi chúng bằng 3 cái phong bì nhẹ hẫng, sau khi đã giải thích Phước là gì, Lộc là gì, Thọ là gì... Qua Tết, bước vào năm mới, chẳng ngờ nhà ông phát tài, tiền vô như triều cường. Thoắt cái, lại tới ba mươi tháng chạp. Ý chừng nhớ lại Tết xưa nghèo thiếu, đạm bạc, ông định bụng sẽ tái diễn cách "lì xì" bằng chữ để ba đứa "Phước Lộc Thọ" đừng bao giờ quên rằng, chúng đã được ăn no mặc ấm từ một quá khứ đói rách gần đây. Ai đời, khi nhận phong bì xong, ba đứa con bóc ra, mỗi đứa đều thấy vỏn vẹn chữ Phước, còn hai chữ Lộc Thọ biến đâu mất. Người cha cũng ngạc nhiên không kém. Bốn cha con đang phân vân, bỗng một người từ đâu đến bảo: "Ta là phúc thần của đất này. Chữ Phước đó do ta ban cho. Chỉ cần có nó cũng gồm đủ cả ba: phước, lộc, thọ, vì có phước mới hưởng được lộc, mới thọ lâu. Vì thế chẳng cần phải cầu lộc, cầu thọ, chỉ một chữ phước để mừng tuổi đầu năm là đủ". Nói rồi, biến mất. Nhìn lại phong lì xì, cả bốn cha con sửng sốt một lần nữa vì chữ phước cũng biến mất luôn, trên mặt giấy trống trơn, trắng toát.
 
Bấy giờ vị thần thứ hai hiện ra kể cho bốn cha con nghe một chuyện mừng tuổi xa xưa. Đó là câu chuyện nổi tiếng khắp châu Á, loan truyền qua Tây Tạng và dãy Hy Mã Lạp Sơn, đến cả lưu vực sông Hoàng Hà, Dương Tử của Trung Quốc, du nhập vào Việt Nam từ lâu đời, về một người cầu phước được phước, trở nên giàu có nhưng hết sức keo kiệt. Ông ta quên những điều tốt đẹp, những ban phát ngọt ngào, rộng lượng mà mình đã làm ở tiền kiếp, vì vậy một mực thâu góp vàng ngọc về riêng mình, trong kiếp này, bỏ vào chiếc hũ, đem chôn ở một vị trí bí mật trong nhà không cho ai hay. Ngay cả con trai của ông cũng không được biết nơi cất giấu. Về già, ông ngã bệnh. Khi chết, linh hồn ông bị hũ vàng ám ảnh, đã quay lại nhà cũ, tìm cách chui vào xác chết cứng lạnh của mình, nhưng bất lực. Thấy vậy, một con chó gần nhà có linh tính đã nhường thể xác hèn mọn của mình cho kẻ giàu có kia trú vào, rồi bay lên không trung thoáng đãng. Còn ông nhà giàu thay thế làm chủ thể xác của con vật bốn chân, thỏa mãn được "sống" lại, dầu với tấm thân thuộc hàng súc sinh như chó. Con chó đó lạ thay suốt ngày không đi đâu cả, cứ nằm lì trước hiên. Mà chỉ nằm ở một nơi nhất định sát cửa ra vào. Hễ người con (bây giờ đã là chủ nhà) đuổi đi, một lát không lâu nó lại quay về chỗ cũ, cứ như rời chỗ ấy là nó rời sự sống của nó vậy. Các phước quả mà nó hưởng là hũ vàng ngọc, giờ đây trở thành điều vô phước cột chặt nó vào tham si. Ngày nọ, một đại sư ngang qua, nói với đứa con: "Này anh kia, anh có biết con chó đó là ai không?". "Dạ thưa không". "Ta nói cho biết, nó chính là cha của ngươi. Vì sao nó nằm lì suốt ngày đêm ở khoảnh đất sát cửa đó? Ấy là vì nó luyến tiếc của cải chôn dưới đất. Hãy đào lên". Người con lấy làm lạ, cho đào thử chỗ con chó thường nằm, thì quả nhiên thấy hũ vàng bên dưới. Bị rúng động vì việc này, người con tỉnh ngộ, từ chối sở hữu số vàng, rời nhà theo vị đại sư lên núi, về sau trở thành một trong những vị tổ đầu tiên của lịch sử Thiền tông. Vị này tỉnh ngộ rằng: nếu làm phước, được phước mà thiếu huệ tức trí huệ sẽ trở nên nguy hiểm ngu si như con chó kia vậy. Được phước, thiếu huệ, thì như nằm trên đống vàng, đống ngọc mà vẫn khổ đau, thiếu thốn, phiền bực. Kể xong, vị thần bảo: "Đó là lý do vì sao ta phải xóa trắng chữ phước trong bao lì xì mừng tuổi của các ngươi. Nó chỉ có ý nghĩa tốt đẹp nếu sinh đôi cùng huệ, bằng không chỉ là động lực cho những cuộc thăng trầm bất tận. Giờ đây ngươi hãy nhìn xem".
 
Bốn cha con thấy trên bao lì xì hiện lên hai chữ Phước Huệ. Hai chữ này để mừng tuổi cho mọi tâm hồn đã đi qua mùa đông để mở đầu một năm mới thăng hoa.
 
Người gửi Võ Thị Điềm Đạm
 

CHUYỆN LÌ XÌ
Từ tuổi trung niên trở lên, không ai lại không biết câu đối rất phổ biến:
Đêm Ba mươi, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa
Sáng mồng Một, giơ tay bồng ông Phú vào nhà
Vì "bần hàn" mà bị gọi là "thằng", và vì "phú quý" nên được gọi là "ông". Cùng là đại từ chỉ ngôi thứ hai, nhưng lại mang ý nghĩa cách biệt một trời một vực! Cái "phú quý" thường được hiểu theo nghĩa "tiền bạc" và "vật chất", hiếm có người nghĩ tới cái "phú quý" theo nghĩa tinh thần.
Ngày Tết, ngày Xuân, hai tiếng "lì xì" rất thường được nhắc tới, và người ta nghĩ ngay tới bao giấy nhỏ màu đỏ, bên trong có một hoặc vài tờ tiền mới. Những năm gần đây, người ta "kiểu cách" hơn còn chuộng tờ 2 USD để lì xì cho "ra vẻ".
Theo nhà nghiên cứu Cao Sơn, "lì xì" có tiếng chữ là lợi thị, đọc theo âm Quảng Đông, Triều Châu thành "lê-i-xị", chỉ số tiền được cho (tặng, biếu) trong các dịp đầu năm, khai trương và cả trong lễ thành hôn nữa – chứ không chỉ bó hẹp trong dịp Tết Nguyên đán. Ở Việt Nam, "lì xì" được hiểu một cách đơn giản là "tiền mừng tuổi". Tiền này không nhằm để cất cho nặng hầu bao, mà ngụ ý cầu chúc người nhận quanh năm sung mãn, may mắn, phát đạt. Như vậy, ý nghĩa chính của "tiền lì xì" không nằm ở "tiền" mà ở "tình", tức là ở lòng mong ước cầu chúc con cháu hay ăn chóng lớn, vui chơi, học hành tấn tới, còn phong bì "nặng" hay "nhẹ" (nhiều hay ít tiền) không phải là điều đáng lưu tâm. Đó là một nét văn hóa. Nhưng ngày nay, văn hóa lì xì đang bị lạm dụng thái quá, bị "biến tướng". Do đó, người lì xì cảm thấy phải... "nghĩ ngợi"!
Nếu định nghĩa cho vui thì lì xì là vì người kia "lì" quá nên đành phải "xì" tiền ra thôi! Lì xì cũng có thể là "lì xì ngược" và "lì xì xuôi".
Chuyện đời vốn dĩ nhiêu khê, phú quý sinh lễ nghĩa. Lễ nghĩa một chút cũng tốt, nhưng hễ điều gì "thái quá" thì cũng hóa "bất cập", gây phiền toái cho nhau. Người ta thường nói: "Mạnh vì gạo, bạo vì tiền". Có tiền thì người ta nói ngang, nói dọc gì chũng không bị bắt bẻ. Người không có tiền không dám ăn, không dám nói – dù có thể "trình độ" người nghèo hơn hẳn người giàu. Quả thật, "miệng nhà quan có gang, có thép". Còn miệng nhà nghèo? Chắc là "miệng nhà nghèo bép xép, lôi thôi"!
Chuyện đời là thế đã đành. Chuyện "nhà đạo" cũng không khá hơn. Nói là một chuyện, làm là chuyện khác!
Ở GP Xuân Lộc thấy có linh mục nọ "chịu khó" đi chúc tuổi mỗi dịp Tết Nguyên Đán, nhưng đi là cốt để nhận những phong bì – càng "nặng" càng... tốt. Suốt khoảng 10 năm, linh mục này đi "chúc tết" như vậy. Linh mục là chủ chăn, bổn phận là quan tâm chăm sóc đoàn chiên, đi chúc tết các gia đình là nhiệm vụ, tạo sự gần gũi và hiểu nhau hơn, vậy mà sao lại "đòi" phải có phong bì? Có những người đã từng phải đóng cửa, tránh né để không phải tiếp người đến chúc tết nhà mình. Chuyện "lạ" thật và... buồn thật!
Cũng tại GP Xuân Lộc, một linh mục khác nói rằng mọi năm đi chúc tết các gia đình thì không nhận lì xì, nhưng năm nay (Nhâm Thìn, 2012) thì "xin được nhận". Linh mục này nói thêm: "Chúng tôi không nhận cho bản thân, chỉ nhận cho giáo xứ, lý do là giáo xứ còn thiếu tài chính khi phải tổ chức thứ này hoặc thứ nọ". Nói như vậy có điều gì đó vẫn "tiêu cực". Giáo xứ này thuộc vùng quê, còn nhiều người nghèo, chắc chắn những người nghèo phải "nghĩ ngợi" lắm lắm. Phải chi linh mục này nói thêm rằng "quý vị đừng ngại, ít nhiều gì cũng được, không có cũng không sao, cái chính là chúng ta chúc tết nhau", như vậy thì những người "thiếu điều kiện" sẽ đỡ tủi thân hơn. Và chắc rằng như vậy sẽ đẹp lòng Chúa, là điều Chúa muốn, vì "Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ" (Mt 14:14), và lần khác, Đức Giêsu gọi các môn đệ lại mà nói: "Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn" (Mt 15:32). Rõ ràng là Chúa luôn cảm thấy chạnh lòng thương những người nghèo. Thiết tưởng Phúc âm tường trình quá rõ ràng, không cần nói gì thêm!
Đi chúc tết trong 2 ngày (mùng 2 và 3, hoặc mùng 3 và 4), mà số gia đình khoảng gần 2.000 hộ thì thời gian "ngồi đối thoại với nhau" quá ít, thể hiện "nghi thức" cũng hết thời gian rồi!
Tại TGP Saigon, một linh mục mới về nhận xứ mới gần năm nay, linh mục này không đi chúc tết đúng ngày Xuân mà đi trước Tết cả tháng trời, linh mục này đến thăm hỏi và tạo sự thân thiện giữa chủ chăn và đoàn chiên, mỗi tuần đi một khu, nhờ vậy mà thời gian "ngồi đối thoại với nhau" nhiều hơn.
Cũng tại TGP Saigon, một linh mục chưa qua ngũ tuần xây dựng một nhà thờ thuộc loại "nổi bật" với một ý xanh rờn: "Chưa thấy Rôma thì cứ tới đây". Xây nhà thờ xong thì nợ vài tỷ đồng. Rồi thuê "ca sĩ" về làm show với giá vé 200.000 đồng để "cứu vãn". Hàng tuần, có những ngày giáo dân phải "nghĩ ngợi" nhiều vì "xin tiền" tới 3 lần: Mỗi giáo dân tới dự lễ đều nhận 1 thư ngỏ, giữa lễ thì có xóc giỏ, sau lễ lại có những người cầm giỏ đứng ở các cửa và cổng để chờ "lòng hảo tâm". Hết ý! Giáo dân "than phiền" nhiều nhưng... vô ích. Được biết, Tết Nhâm Thìn này, các gia đình cũng "bị" linh mục chính xứ đi chúc tết, và vấn đề chính vẫn là "chuyện lì xì"!
Ngày xưa người ta nói: "Đi chùa tốn gạo, đi đạo tốn công". Điều đó cho thấy một "thực tế", vì các thiện nam và tín nữ đi chùa thường có những "thói quen" như làm công quả, bố thí, phát tâm cúng dường Tam Bảo và cúng dường Trai Tăng,... nghĩa là "tốn công và tốn của". Nhưng "đi đạo", ý nói theo đạo Công giáo, chỉ tốn công sức (dự lễ, xưng tội, đọc kinh, cầu nguyện...). Tuy nhiên, ngày nay không còn "thuần túy" như vậy vì nhiều lý do "thực tế"! Ngày xưa, khi Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình (TGP Saigon) còn sống, ngài đã có thư chung nói về việc "xây dựng nhà thờ".
Người viết không có ý "bới bèo ra bọ" hoặc "vạch lá tìm sâu", cũng không có ý tiêu cực mà có ý tích cực xây dựng. Theo lẽ thường thì niềm vui người ta không nhớ lâu, thậm chí là dễ quên, nhưng nỗi buồn thì luôn làm người ta nhớ rất lâu. Thật vậy, khi cơ thể bạn bình thường, không hề thấy gì "khó chịu", nhưng khi bạn bị một vết thương, dù nhỏ như đạp gai, bạn rất dễ nhận thấy "cái đau".
Theo thánh Phaolô, chúng ta đều là những người "từ cõi chết trở về", chẳng ai hơn ai: "Anh em đừng dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều bất chính, phục vụ cho tội lỗi nữa. Trái lại, anh em là những người sống đã từ cõi chết trở về, anh em hãy hiến toàn thân cho Thiên Chúa, và dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều công chính, phục vụ Thiên Chúa" (Rm 6:13).
Lạy Chúa, năm cũ đang kết thúc, năm mới đang khởi đầu. Nguyện xin Chúa kết thúc những điều xấu nơi chúng con, đồng thời hiệp nhất chúng con nên một (x. Ga 17:21-23; Rm 6:5; 1 Cr 6:7; 1 Cr 12:13). Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Chúa Xuân của chúng con. Amen.

 
TRẦM THIÊN THU
 
 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn