1
00:01 +07 Thứ bảy, 20/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 61

Máy chủ tìm kiếm : 7

Khách viếng thăm : 54


Hôm nayHôm nay : 32

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 203568

Tổng cộngTổng cộng : 27757852

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » VĂN HOÁ & NGHỆ THUẬT

Hỏi đáp về thánh nhạc

Thứ hai - 25/05/2015 15:46-Đã xem: 1704
Thánh ca Taizé là những bài hát ở Taizé hoặc do các tu sỉ tai đây sáng tác hoặc thu thập ở các nơi mang về làm thành một ca mục đa dạng, phong phú. Hát, cầu nguyện theo nhóm là thích hợp nhất. Như vậy là hát trong nhà thờ và ngoài khung cảnh Phụng vụ. Mục đích của những bài hát nầy là giúp người ta cầu nguyện tập thể.
Hỏi đáp về thánh nhạc

Hỏi đáp về thánh nhạc

1. Thánh nhạc là gì ?

Huấn thị về Âm nhạc trong phụng vụ, số 4a định nghĩa: Thánh nhạc là loại âm nhạc được sáng tác để dùng trong các cử hành phụng vụ, gồm tính thánh thiện và hình thức tốt đẹp.
Trước hết ta phải hiểu từ âm nhạc vừa chỉ nhạc có lời, vừa chỉ nhạc không lời.
Thứ đến, từ định nghĩa trên đây, ta thử nêu lên vài điểm chính yếu:
- Lời các bài thánh ca phải rút từ bản văn phụng vụ, trong đó, phần lớn trích từ Thánh Kinh.
- Ta phải chọn bài hát để hát đúng chỗ và hợp với từng nghi thức phụng vụ. Ví dụ: Không thể chọn bài hát kính Đức Mẹ để hát lúc dâng lễ.
- Các bài thánh ca phải hội đủ yếu tố thánh thiện và hình thức hoàn mỹ (nghệ thuật cả về lời lẫn nhạc).


2. 
Có được phép hát Solo trong nhà thờ không ?
Huấn thị về Âm nhạc trong phụng vụ, số 21 viết: Nơi nào thiếu phương tiện để thành lập một ca đoàn khiêm tốn, thì liệu phải có ít nhất 1 hoặc 2 ca viên được huấn luyện vừa đủ, ca viên đó phải có thể xướng lên một vài bài đơn giản cho các tín hữu tham gia, đồng thời cũng phải biết điều khiển và yểm trợ cho các tín hữu đó nữa.
Ngoài ra, trong thánh lễ, ta được hát Solo khi bài hát có tính cách đối đáp: Một người hát câu xướng và cộng đoàn hát câu đáp. Ví dụ: Hát đáp ca (Xem Qui chế tổng quát sách lễ Rô-ma số 36).
Đôi khi, để thay đổi bầu khí trong cử hành phụng vụ, ta có thể hát Solo, nhưng chỉ nên hát câu phiên khúc mà thôi, còn câu điệp khúc thì ca đoàn hoặc giáo dân hát (Lưu ý: Không nên hát Solo nhiều quá, vì dễ làm mất đi tính cách cầu nguyện chung).


3. 
Có nên hát tiếng Việt và Latinh trong cùng một thánh lễ không?
Huấn thị về Âm nhạc trong phụng vụ (1967) số 46 viết: Các vị chủ chăn phải liệu sao cho bên cạnh tiếng bản quốc, tín hữu biết hát hoặc đọc chung với nhau bằng tiếng Latinh, những bài trong phần thường lễ dành riêng cho họ.
Như vậy, ta được phép hát tiếng Việt và Latinh trong cùng một thánh lễ.
Hơn nữa, ngày nay, nhiều người nước ngoài đến Việt nam, nếu họ được nghe tiếng Latinh thì họ cảm thấy có cái gì đó gần với họ, và thấy rõ tính cách hiệp nhất của Giáo Hội.


4. 
Có nên vũ (múa) trong thánh lễ không ?
Câu này thuộc phạm vi phụng vụ nhiều hơn. Chúng ta biết rằng, trong sách lễ Rô-ma không có chỗ nào nói đến vũ. Tuy nhiên, có nhiều quốc gia đã xin Tòa Thánh, và đã được phép vũ trong thánh lễ phù hợp với truyền thống dân tộc.
Tại Việt nam, theo chỗ chúng tôi biết thì HĐGM chưa xin, nhưng không rõ bởi đâu, tại Việt nam có nơi đã đưa hình thức vũ vào thánh lễ. Do đó, có một số Giám mục đã nghĩ tới việc xin phép. Ước mong rằng Ban Phụng tự của HĐGM nên quan tâm nghiên cứu để giải quyết vấn đề này.
Trong khi chờ đợi, thiết nghĩ rằng, các bài vũ phải trang nghiêm, không chiếm nhiều thời giờ và tránh rườm rà, để khỏi lấn át các phần khác trong thánh lễ.


5. 
Trong phụng vụ, ta nên dùng loại nhạc khí nào ?
a) Đối với Giáo Hội thì đàn organ (đàn ống) là nhạc cụ được ưa chuộng nhất. Nên phân biệt organ (đại quản cầm, đàn ống) với electrical organ (organ điện tử hay đàn điện tử) (xem thông cáo số 1-94 về thánh nhạc - Thông cáo của Ban Thánh Nhạc thuộc HĐGMVN). Ngày nay, đàn organ các nhà thờ thường dùng là organ điện tử.
Thông điệp Kỷ luật về thánh nhạc số 56, viết: Trong những nhạc cụ được sử dụng ở nhà thờ, rất xứng đáng đứng đầu là đại quản cầm (đàn ống) là vì nhạc cụ này thích hợp cho các bài hát và các nghi lễ thánh.
b) Ngày nay, Giáo Hội cũng cho phép đưa mọi nhạc khí vào nhà thờ, miễn sao trình tấu cách thích hợp và nghiêm túc.
Thông điệp Kỷ luật về thánh nhạc số 57, viết: Ngoài đại quản cầm ra (đàn ống) các nhạc cụ khác cũng có thể giúp thánh nhạc cách hữu hiệu đạt tới cứu cánh rất cao siêu, một khi nhạc cụ ấy không nhiễm mầu sắc phàm tục và không gào thét ồn ào, vì các điều này nghịch với bản tính của việc thờ phượng và phẩm cách của nơi thánh.
Tại Việt nam, ngày nay, trong các nhà thờ, người ta hay sử dụng đàn organ điện tử, vì thế ta nên dùng loại có foot-volume (điều chỉnh âm lượng bằng chân); những nút điệu chỉ nhằm dùng cho sinh hoạt đời, do đó không nên dùng trong phụng vụ; phải chọn lựa âm thanh thích hợp với thánh ca - Ví dụ: organ, violin. (Trích Thông cáo số 1 như trên)


6. 
Lễ cưới tổ chức trong ngày Chúa nhật, bài hát phải chọn thế nào ?
Ngoại trừ những Chúa nhật, mà luật không cho phép cử hành lễ hôn phối, như trong Mùa Vọng, Mùa Chay và Mùa Phục sinh, còn đối với những Chúa nhật khác thì ta phân ra hai trường hợp :
a) Nếu lễ cưới tổ chức trong ngày Chúa nhật, có giáo dân tham dự, và ý chỉ thánh lễ là của ngày Chúa nhật, thì bài hát phải hợp với các bài đọc phụng vụ ngày Chúa nhật.
b) Trường hợp thánh lễ do gia đình đôi tân hôn xin làm riêng (ngoài các thánh lễ qui định của ngày Chúa nhật) thì có thể chọn bài hát và bài đọc theo thánh lễ hôn phối.
Trong Lịch công giáo 1995, mục B, trang 8, có viết: Các Chúa nhật Mùa Giáng sinh và Thường niên: cử hành thánh lễ Chúa nhật, nhưng trong các bài sách thánh, có thể đọc một bài về hôn phối; nếu cử hành hôn phối trong thánh lễ không có cộng đồng giáo xứ tham dự, thì có thể cử hành toàn bộ thánh lễ hôn phối (CE 603 và OCM mới 1990, các số 34, 54 và 56).

Trở Về Mục Lục



7. Những bài hát có ghi các điệu như Rumba, Slow... có được phép dùng trong thánh lễ không ?
Theo nguyên tắc, với những bài hát có ghi các điệu như Rumba, Slow... ta không được dùng trong thánh lễ.
Trong Thông cáo số 1-94 về thánh nhạc - Thông cáo của Ban Thánh Nhạc thuộc HĐGMVN, có viết: Khi sử dụng các nhạc khí như organ điện tử, guitar, đàn trống, đàn kèn, dàn nhạc hoà tấu... không được dùng các điệu Jazz và các điệu phát xuất từ đó để đệm cho người hát khi cử hành phụng vụ, vì các điệu này hầu hết đều có tính cách kích động, huyên náo... có thể thích hợp với các sinh hoạt khác, nhưng bất xứng với nơi thánh.
... Tiết tấu phải thích hợp với thánh nhạc nói chung và với từng loại hoạt động phụng vụ nói riêng. Ngay khi bày tỏ niềm vui thì phụng vụ cũng đã phần nào nghi thức hóa niềm vui đó. Nó không còn là niềm vui bộc phát trong đời thường nhưng bình dị hơn. Những bài hát bình ca và choral cho ta một mẫu mực về điểm này. Cũng vì thế mà Giáo Hội cấm sử dụng các điệu nhạc Jazz trong phụng vụ (Trích Thông cáo số 2-94 về việc chuẩn nhận các bài ca - Thông cáo của Ban Thánh Nhạc thuộc HĐGMVN)
Tuy nhiên, bài hát nào mà lại không có tiết điệu. Dù ta có ghi hay không ghi tiết điệu ở đầu bài thì bài hát tự nó đã có tiết điệu. Với tâm hồn đạo đức, ta mới có thể diễn tả bài hát cách đạo đức và mới hy vọng nâng hồn người hướng về Chúa.


8. 
Nên dùng chữ Alleluia hay Halleluia ?
Halleluia là chữ Do thái. Còn Alleluia là từ đã Latinh hoá. Bản văn phụng vụ lấy từ bản Vulgata (viết bằng tiếng Latinh), do đó
- Trước hết ta dùng y nguyên theo bản Vulgata nghĩa là dùng chữ Alleluia
- Thứ đến, các nước như Ý, Anh, Mỹ, Pháp đều dùng chữ Alleluia.
- Trong Lasousse, chỉ có ghi Alleluia.
- Trong Tự điển Anh-Việt của trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia viện ngôn ngữ học ghi từ Alleluia, còn Halleluia thì để trong ngoặc.
Tuy nhiên, ta dùng Alleluia không phải vì các lý do nêu trên, nhưng lý do chính là vì HĐGM quyết định và đã được Tòa Thánh phê chuẩn.
Lưu ý về cách đọc : Ta đọc là Al-lê-lu-gia (gia theo giọng miền Nam)
Lưu ý khi sáng tác : Ta đừng chỉ viết là Al-lê mà thôi (vì Al-lê-lu mới có nghĩa là Hãy ngợi khen chứ Al-lê thì không có nghĩa chi cả)

9. Có nên đưa đàn tranh, đàn nguyệt, tì bà... vào nhà thờ không ? Và đưa vào như thế nào ?
Ở một vài miền, nhất là ở các xứ truyền giáo, có những dân tộc sẵn có truyền thống âm nhạc riêng, nó đóng vai trò quan trọng trong đời sống tôn giáo và xã hội của họ, tại những nơi này, phải quí trọng âm nhạc ấy đúng mức và dành cho nó một địa vị thích hợp
Do đó, rất nên dùng các nhạc cụ dân tộc trong nhà thờ, nhưng luôn dùng với tinh thần đứng đắn và nghiêm trang.


10. 
Có thể hát bài kính Đức Mẹ lúc nhập lễ không ?
Huấn thị về Thánh nhạc và Phụng vụ ngày 13.9.1958, phần kết luận số 5 viết:Thận trọng chọn các bài hát trong lễ cho phù hợp với ngày lễ và các phần đoạn trong lễ. Muốn thế, cần phải dành nhiều thời giờ để soạn
Mỗi ngày lễ đều có phần ca nhập lễ; do đó, bài hát nhập lễ phải hợp với lời của ca nhập lễ trong sách lễ Rô-ma theo ngày.
Chọn các bài hát trong các sách đã được giáo quyền chuẩn nhận để thay thế, như: bài cùng thánh vịnh với ca nhập lễ in trong sách lễ; bài phù hợp với mùa phụng vụ; bài hợp với ngày lễ... (Trích Thông cáo số 3.94 về thánh nhạc - Thông cáo của Ban Thánh Nhạc thuộc HĐGMVN)
Như vậy trong ngày lễ Đức Mẹ, ta có thể chọn bài nhập lễ kính Đức Mẹ, ví dụ: hát bài Một điềm lạ vào lúc nhập lễ ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời thì rất thích hợp.


11. 
Có nên hát Alleluia rồi tiếp đó chỉ đọc câu xướng trước Phúc âm không ?
Trong lúc chưa đặt nhạc cho những câu xướng đó, ta có thể làm như trên, nhất là vì tiếng Việt Nam là một thứ tiếng luôn có cung điệu, cho nên giọng đọc có thể tạm thay thế cho cung hát.

12. Nhạc ghi âm có được dùng trong thánh lễ không ?
Huấn thị về Thánh nhạc và Phụng vụ, chương III, mục D viết: Việc sử dụng các máy tự động, như đại quản cầm tự động, máy ghi âm, máy thu thanh, máy quay đĩa hát và các loại tương tự, không được phép dùng trong phụng vụ và các việc đạo đức, dù diễn ra ở ngoài hay ở trong nhà thờ, kể cả khi truyền lại những lễ nghi hay những bản đàn hát, hoặc những ca sĩ hát hay yểm trợ cho ca đoàn.
Và Huấn thị về Thánh nhạc và Phụng vụ, chương III, mục 4c đã trả lời rất rõ cho vấn nạn nêu trên: Cuối cùng, chỉ được dùng những nhạc khí mà nhạc sĩ tự mình diễn tấu, chứ không được dùng các nhạc khí điện tử tự động.


13. 
Những mùa và những lúc nào không được chơi nhạc khí ?
Theo Huấn thị về Thánh nhạc, chương III, 4e : Trừ khi chầu phép lành, còn trong các lễ nghi Phụng vụ, cấm không được đánh đàn trong những trường hợp sau đây :
a) Trong Mùa Vọng từ kinh chiều 1 Chúa nhật I Mùa Vọng đến lễ Vọng Giáng Sinh.
b) Trong Mùa Chay từ thứ tư lễ tro đến kinh Vinh danh đêm lễ Vọng Phục Sinh.
c) Khi cử hành lễ cho người đã qua đời.
Nhưng được phép đánh đàn và các nhạc khí khác :
a) Trong các ngày lễ trọng, lễ kính, lễ bổn mạng chính của một nước, một miền , một nơi, ngày lễ kỷ niệm cung hiến thánh đường, ngày lễ đấng sáng lập dòng tu hay một lễ đặc biệt nào ngoại lệ.
b) Trong Chúa nhật 3 Mùa Vọng, Chúa nhật 4 Mùa Chay, lễ chiều thứ 5 Tuần thánh.
c) Đệm hát trong lễ và kinh chiều


14. 
Có được dạo nhạc trong thánh lễ không ?
- Huấn thị về Thánh nhạc trong phụng vụ, số 61 viết : Các nhạc khí có thể rất hữu ích trong các buổi cử hành lễ nghi phụng vụ hoặc đệm theo tiếng hát hoặc chơi riêng một mình.
Và số 64 : Có thể độc tấu nhạc trước khi Linh mục tới bàn thờ, lúc dâng lễ vật, trong khi rước lễ và lúc cuối lễ nhưng không được độc tấu các nhạc khí đó trong Mùa Vọng và Mùa Chay, trong tuần Tam nhật Vượt Qua và trong giờ kinh lễ Cầu hồn (số 65).

Trở Về Mục Lục


15. Mùa Vọng và Mùa Chay, có thể tập đàn trong nhà thờ được không ?
Được, nhưng không tập lúc có người đang cầu nguyện.

16. Trong Thánh lễ, hát bài ca ý lực sống lúc nào là thích hợp nhất ?
Tốt nhất là ta nên hát vào lúc rước lễ hoặc lúc cuối lễ.

17. Làm thế nào để cổ võ việc hát cộng đoàn mà vẫn giữ được vai trò của ca đoàn?
Xin tạm đề nghị hai cách :
a) Cộng đoàn hát ĐK đơn giản, không có bè, còn ca đoàn hát PK có nhiều bè.
b) Lúc rước lễ, ta hát xen kẻ : cộng đoàn một bài và ca đoàn một bài. Cứ hát như thế cho đến hết rước lễ.

18. Những bài hát chưa được chuẩn nhận để hát trong phụng vụ có được phép hát không ?
Trước đây, vì hoàn cảnh nên các bài hát dù chưa được chuẩn nhận vẫn có thể tạm dùng vào lúc đó.
Nhưng nay thì phải xin chuẩn nhận mới được phép hát.
a) Đối với các cung dành cho chủ tế và tá viên, cần sự chuẩn nhận của HĐGM (Thông Cáo 3/94, I, 1b)
b) Đối với Các bài hát khác như ca nhập lễ, ca dâng lễ, ca hiệp lễ, đáp ca, kể cả Bộ Lễ (kinh Thương xót, kinh Vinh danh, kinh Tin kính, Kinh Thánh thánh thánh, kinh Lạy Chiên Thiên Chúa) chỉ cần được ĐGM giáo phận chuẩn nhận.

19. Cha sở có nên ủy lạo ca trưởng bằng hiện kim không ?
Huấn thị về Thánh nhạc, chương III, 5d viết : Rất ước mong và khuyến khích các nhạc công, ca trưởng, ca viên, nhạc sĩ và mọi người phục vụ nhà thờ thi hành những dịch vụ này vì lòng mến Chúa, không đòi thù lao trong tinh thần đạo đức sốt sắng. Nếu họ không thể làm không công được thì đức công bình và đức bác ái đòi các vị bề trên phải trả thù lao cân xứng cho họ, dựa vào các thói tục địa phương đã được phê chuẩn và luật đời ấn định.

20. Công Đồng Triđentinô cấm dùng trong nhà thờ những nhạc điệu uỷ mị, đi săn. Làm thế nào để nhận ra các loại nhạc ấy?
a) Nhạc uỷ mị: Với loại nhạc này, người ta hay dùng các nốt cách nhau nửa cung nghe lã lướt và trần tục. Ví dụ:
1
Giáo Hội cũng cấm dùng những quãng quá xa, ví dụ như quãng 6 (xem bài Love Story). Giáo Hội khuyến khích dùng những quãng liền bậc vì dồi dào hợp âm và thánh thiện. Trong Tự sắc Tra le sollicitudini ngày 22.11.1903, Đức Piô X nói ở số 3: Bài hát viết cho thánh đường càng giống bình ca trong cách chuyển hành thì càng thánh thiện.

b) Nhạc đi săn, xuất trận:
Do loại kèn chỉ thổi được 3 nốt nên người ta chỉ trải các nốt trong một hợp âm thành ra nghe nghèo nàn. Ví dụ:

1

21. Có được phép đánh trống Jazz trong nhà thờ không ?
Nếu đánh trống Jazz mà giúp người khác cầu nguyện được thì có thể đánh trống.
Nhưng trong thực tế và nhất là đối với tâm tình của người Việt Nam thì dàn trống Jazz thường gây kích động và làm cho người khác khó cầu nguyện.
Ngoài ra, cấm hát theo các điệu Jazz trong đàn organ điện tử vì các điệu đàn đều đều một cách máy móc không hợp với cách diễn tả của người hát để cầu nguyện.

22. Xin cha cho biết lịch sử việc kiểm duyệt các bài hát trong Giáo Hội ?
- Qua sắc lệnh Piae sollicitudines năm 1657 cho giáo phận Rôma, Đức Alexandrô VII qui định đào thải những bất xứng và xúc phạm ra khỏi thánh nhạc : Thánh nhạc phải được châu phê. Các ca đoàn phải tuyên thệ giữ sắc lệnh này.
- Giáo luật khoản 830 buộc các GM phải bổ nhiệm các chức vụ kiểm duyệt
Từ thế kỷ 20, các văn kiện, khởi đầu là tự sắc Tra le sollicitudini của Đức Piô X mới nói rõ sự cần thiết phải thành lập bộ phận kiểm duyệt thánh nhạc.
Theo Thông Cáo số 3/94, I thì:
a) với các cung dành cho chủ tế và tá viên thì HĐGM phê chuẩn.
b) với các bài khác như NL, DL, HL, ĐC, bộ lễ... thì GM giáo phận phê chuẩn.

Trở Về Mục Lục

23. Tại sao bài Lo gì của Đức Dũng, không được dùng trong phụng vụ ?
Trong bài này, tác giả dùng nhiều liên ba nốt đen. 
Gặp liên ba kiểu này, ta phải hát thật đều 3 nốt đen trong 2 phách. Đó là điều rất khó thực hiện.
Trong thực tế, ta thường hát liên ba nốt đen thành kiểu: 1
Vì ta không hát đúng theo ý tác giả nên ta có cảm giác có cái gì đó giả tạo. Vì vẻ giả tạo đó nên ta mới đặt thành vấn đề. hát cho Chúa nghe thì phải thật; thật trong lòng và cách diễn tả bài hát cũng phải đúng, phải thật.

24. Ngắm 15 sự thương khó trong Mùa Chay : Khi rước một vị nào lên ngắm thì đội trống đánh đủ loại điệu như Habanera, Marche... Như vậy có được không ?
- Huấn thị về Thánh nhạc trong phụng vụ số 62 viết : Những nhạc khí nào, mà theo ý kiến chung và cách sử dụng thông thường chỉ hợp với nhạc đời thì phải loại trừ ra khỏi mọi lễ nghi phụng vụ và các việc đạo đức thánh thiện.
- Trong lịch công giáo 1996, trang 46, mục lời bảo về Mùa Chay viết : Trong Mùa Chay, không được chưng bông trên bàn thờ và chỉ được dùng nhạc cụ để đệm hát mà thôi, trừ Chúa Nhật thứ 4 và các ngày lễ trọng cùng lễ kính.
- Còn đánh trống trong khi rước xác là việc thường làm ngoài nhà thờ, thì có thể theo thói quen của xã hội.

25. Bài hát của Mùa Chay mà hát trong lễ cầu hồn và an táng có thích hợp không ?
Trong lời nói đầu sách lễ nghi An táng và thánh lễ Cầu hồn, trang 7, số 1 viết : Trong lễ an táng con cái mình, Hội Thánh cử hành mầu nhiệm phục sinh với lòng tin tưởng, để những kẻ đã nhờ bí tích rửa tội, trở thành một thân thể với Chúa Kitô đã chết và sống lại, sẽ cùng với Ngài vượt qua sự chết mà đến sự sống, để linh hồn họ được thanh luyện và được rước về trời cùng với các thánh và các người Chúa chọn, trong khi thân xác họ hy vọng mong chờ hạnh phúc và sự sống lại.
Qua những lời trên đây và qua các bài đọc, các Thánh vịnh có ghi trong sách lễ nghi An táng và thánh lễ Cầu hồn, ta có thể tóm tắt những đề tài chính trong lễ nghi Cầu hồn như sau :
a) Hãy sẵn sàng vì Chúa đến bất ngờ :
- Mt 25, 1-13 : Hãy sẵn sàng như 5 cô khôn ngoan.
- Lc 12, 35-40 : hãy sẵn sàng vì Chúa đến bất ngờ.
b) Linh hồn luôn hướng về Chúa :
- Tv 24 : Hồn tôi vươn tới Chúa
- Tv 41 và 62 : Hồn tôi khao khát Chúa.
- Tv 129 : Linh hồn tôi mong đợi Chúa.
c) Chúa sẽ cho ta sống lại :
- Lc 7, 11-17 : Chúa cho người thanh niên sống lại
- Ga 11, 32-45 : Chúa cho Lazarô sống lại.
d) Đau khổ dẫn tới vinh quang :
- Mt 5, 1-12 : Bát phúc
- Lc 24, 13-16. 28-35 : Chúa Giêsu qua đau khổ tới vinh quang.
đ) Ta sẽ được ân thưởng trên thiên đàng :
- Lc 23, 33-39 : Hôm nay, ngươi sẽ được ở trên thiên đàng với Ta.
- Ga 6, 37-40 : Ai tin Ta sẽ được sống đời đời.
- Ga 6, 51-59 : Ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời.
- Ga 14, 1-6 : Trong nhà Cha Ta, có nhiều chỗ ở.
- Mt 25, 31-46 : Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc.

Trong Mùa Chay, các bài hát thường đề cập đến tâm tình sám hối, xin Chúa thứ tha tội lỗi, còn trong lễ Cầu hồn, Giáo Hội nói đến tinh thần sẵn sàng tỉnh thức để đạt tới niềm hy vọng sống lại. Do đó, hát bài Mùa Chay trong thánh lễ cầu hồn thì không thích hợp.


26. 
Mục đích của Thánh Nhạc là gì ?
Mục đích của Thánh Nhạc trước hết là để làm vinh danh Chúa, sau là để thánh hoá các tín hữu.
Muốn phân biệt nhạc đạo và nhạc đời, có lẽ cách thể hiện bài hát là điều quan trọng nhất. Chính tâm hồn đạo đức, chính lòng đạo chi phối cách thể hiện bài hát. Nói tóm lại, nếu muốn hát cho tốt các bài Thánh ca thì trước hết phải có tâm hồn đạo đức. Cùng một bài hát, có người đàn hát nghe rất nhà thờ, rất đạo đức. Trái lại, có người diễn tấu cùng bài hát đó mà nghe rất đời, rất thế gian. Người có lòng đạo đức thì cách diễn đạt sẽ đạo đức; người thiếu căn bản đạo đức sẽ diễn tấu thiếu chất đạo đức, thiếu nét Thánh ca. Đạo là gốc. Với tâm hồn đạo đức, điều ta hát hoặc đàn dễ nâng tâm hồn tín hữu lên cùng Chúa và nhờ đó, ơn Chúa giúp họ sống tốt trong cuộc sống hằng ngày.


27. 
Đâu là hai cuộc cách mạng về Thánh nhạc của công đồng Vatican II ?
- Một là cho Thánh nhạc đóng vai trò thừa tác. Nhạc không còn là thứ trang trí nhưng là thành phần của Phụng vụ. Ta có thể ví Thánh nhạc như một bè trong bài hát 4 bè, nghĩa là phải hát đủû 4 bè chứ không được phép giản lược một bè nào, vì hát như thế thì nghe rời rạc, không đầy.
- Hai là Công đồng Vatican II cổ võ việc hát cộng đồng, việc giáo dân góp tiếng hát trong các cử hành Phụng vụ.


28. 
Đâu là ý nghĩa của Thánh Nhạc trong Phụng vụ ? (Tóm ý một tác giả ngoại quốc)
a) Thánh nhạc diễn tả chiều kích loan báo Tin Mừng. Lời hát có nhiệm vụ huấn luyện đức tin nên lời phải đúng Thần học. Do đó, phải kiểm duyệt kẽo lời sai Thần Học. Những sáng tác của các ca trưởng không bảo đảm Tín Lý. Ví dụ những lời như sau đây của một tác giả xưa là không đúng Thần Học: Con dâng mình đền thay tội lỗi muôn dân. Con không thể đền thay tội lỗi của muôn dân, chỉ có Chúa Giêsu mà thôi.
b) Thánh nhạc diễn tả chiều kích tán tụng, ca ngợi: Phụng vụ là chóp đỉnh của hoạt động trong Giáo Hội. Cộng đoàn họp nhau để ca tụng Chúa. Do đó, đọc hoặc ngâm đã tốt, nhưng hát lại càng tốt hơn, long trọng hơn. Ví dụ hát Kinh Thánh Thánh, Kinh Tin Kính, Kinh lạy Cha...
c) Thánh nhạc làm nổi bật ý nghĩa ngày lễ:
- Khi nghe hát bài Trời cao thì ta biết là mình đang sống trong Mùa Vọng.
- Khi nghe hát bài Lạy Chúa đoái thương nghe tiếng con nguyện cầu thì ta hiểu ngay là ta đang sống trong Mùa Chay.
- Khi nghe hát bài Chúa nay Ngài đã phục sinh thì biết là ta đang sống trong mùa Phục sinh.


29. 
Đâu là ý nghĩa của phần Dâng lễ ?
- Ý chính của việc dâng lễ là dâng bánh rượu sẽ trở nên Mình Máu Chúa để nuôi dưỡng linh hồn con người. Nếu ta hát: Đây bánh thánh thì không đúng. Đáng lý ta chỉ hát Đây bánh miến mới đúng. Hoặc nếu ta hát: Con xin dâng lên chính là Chiên Thiên Chúa thì cũng không đúng vì khi dâng lễ, ta chỉ dâng bánh rượu, không dâng Chiên Thiên Chúa.
- Ý phụ là dâng hy sinh, buồn vui cuộc đờ, ưu tư vát vã...
 

Trở Về Mục Lục


30. Ta hiểu thế nào về câu Thần khí Chúa đã sai tôi đi ?
Chúng ta nên hiểu là Chúa Cha xức bằng dầu Thánh Thần và sai đi, chứ không phải Chúa Thánh xức dầu rồi sai đi như ta thường hiểu. Ví dụ bài Thần Khí Chúa đã sai tôi đi. Có lẽ ta nên hát là: Nầy chính Chúa đã sai tôi đi. Hơn nữa, chữ THẦN KHÍ rất khó nghe vì trong kinh cũ, ta vẫn đọc là Xin cho khỏi Thần khí mất mùa giặc giã. Chữ Thần Khí thường hiểu theo nghĩa tiêu cực, không thể dùng để chỉ Đức Chúa Thánh Thần.

31. 
Ta hiểu thế nào về các từ Cha, Chúa ẩn mình...trong các bài hát Chầu Thánh Thể ?
- Những kiểu nói Chúa ngự, Chúa ẩn mình trong hình bánh...Người ta bàn cãi thật nhiều nhưng chưa có lối giải thích nào thoả đáng. Chúng ta nên hiểu là những kiểu nói trên đây muốn nói đến sự hiện diện của Chúa. Do đó, ta có thể chấp nhận được.
- Điều cần là không nên dùng chữ CHA hiểu như là Chúa Giêsu. Ví dụ: Hồi tưởng xưa kia, Cha đã hy sinh nằm thánh giaù. Nói như thế là không đúng. Ta nên sửa thế nầy: Hồi tưởng xưa kia, Chúa đã hy sinh nằm thánh giáù.


32. 
Khi sáng tác các bài Đáp ca, ta phải theo sát bản văn hay có thể thích ứng bản văn ?
Cho tới lúc nầy thì các nhạc sĩ sáng tác theo hai khuynh hướng: Một là theo sát từng chữ, hai là thích ứng bản văn nghĩa là vẫn giữ ý chính, thứ tự các câu như trong sách các Bài đọc nhưng đổi một số chữ để dễ đặt lời vì tiếng Việt Nam, khi dệt nhạc, rất khó theo sát bản văn.
Trong thư Toà Thánh trả lời cho Đức Cha Phaolô Nguyễn văn Hoà ngày 8 tháng 2 năm 1994 thì các Bản văn buộc theo sát mặt chữ là Lời nguyện, Kinh Nguyện Thánh Thể, đối đáp giữa chủ tế và giáo dân, kinh Vinh danh, Thánh Thánh, Lạy Chiên Thiên Chúa, kinh Tin Kính, Kinh Lạy Cha.
Vậy thì với các bản văn khác, ta có quyền thích ứng. Tôi đã hỏi một số cha giáo Phụng vụ và các ngài cũng hiểu như thế. Do đó, ta có thể sáng tác theo một trong hai cách trên đây. Tuy nhiên, nếu trong tương lai, có gì sáng tỏ và chắc chắn hơn thì chúng ta lại tìm hiểu thêm.
 

33. Đâu là 3 yếu tố của thánh nhạc ?
- Một là yếu tố thánh thiện (nghĩa là bài hát phải thánh thiện, người hát, cách hát cũng phải thánh thiện, không pha điều trần tục)
- Hai là yếu tố nghệ thuật (nhạc lời vừa đúng, vừa hay, vừa có kỹ thuật)
- Ba là yếu tố phổ quát (được khắp nơi chấp nhận)


34. 
Thánh nhạc gồm những loại nào ?
a) Bình ca (loại nhạc khoan thai, trầm lắng, bằng bằng không cao quá cũng không thấp quá nhưng lại dễ tạo bầu khla cầu nguyện và đã có từ rất lâu trong Giáo Hội)
b) Đa âm hợp xướng (Ví dụ nhạc nhiều bè của Palestrina, Perosi, Praglia ...). Loại nầy đã có từ thế kỷ 9, nhưng nở rộ vào thế kỷ 15 và 16.
c) Thánh ca hiện đại (Thường là thánh ca đa âm, hợp xướng...)
d) Nhạc soạn cho đại quản cầm (đàn ống)
e) Ca khúc bình dân tôn giáo


35. 
Thánh lễ có những cấp bậc nào ?
Sở dĩ có cấp bậc là vì thánh lễ có hát nhiều hoặc ít. Huấn thị về Aâm nhạc trong Phụng vụ (1967) số 29 ghi như sau :
Có 3 cấp bậc :
a) Bậc một gồm có :
- Lời chào của linh mục và lời đáp của giáo dân.
- Lời nguyện
- Các câu tung hô Tinh Mừng
- Lời nguyện tiến lễ
- Kinh Tiền tụng với các câu đối đáp, kinh Thánh Thánh Thánh
- Lời tụng ca kết thúc kinh Tạ ơn
- Kinh Lạy Cha và lời cầu nguỵện tiếp theo
- Lời chúc bình an
- Lời nguyện Hiệp lễ
- Những công thức Kết lễ
b) Bậc hai gồm có :
- Thương xót, Vinh danh, Lạy Chiên Thiên Chúa
- Kinh Tin kính
- Lời nguyện giáo dân
c) Bậc ba gồm có :
- Bài hát Nhập lễ và rước lễ
- Bài hát sau bài đọc hoặc thánh thư
- Alleluia trước khi đọc Tin Mừng
- Bài hát Dâng lễ
- Các bài đọc sách thánh, trừ khi thấy nên đọc hơn hát
 


36. Bản văn cố định (không được phép sửa đổi hay thích nghi) là những bản văn nào ?
Đó là :  Kinh Thương xót, kinh Vinh danh, kinh Tin kính, kinh Thánh Thánh Thánh, kinh Tiền tụng, kinh Lạy Chiên Thiên Chúa, kinh Lạy Cha, kinh nguyện Thánh Thể, các câu tung hô xướng đáp.

37. 
Bản văn thích nghi là những bản văn nào ?
Đó là : Ca nhập lễ, ca Hiệp lễ lấy trong sách Graduale Romanum hay sách Graduale simplex, sách lễ Rôma.

38. 
Được phép hát trong nhà thờ và được phép hát trong Phụng vụ có khác nhau không ?
Hoàn toàn khác :
- Được phép hát trong Phụng vụ là được hát trong Thánh lễ, trong các cử hành bí tích...
- Được hát trong nhà thờ là được hát khi chầu phép lành, khi viếng Mình Thánh Chúa, khi suy tôn Lời Chúa ngoài Thánh lễ.


39. 
Sau câu Chúc anh chị em đi bình an, bài hát tiếp đó có còn nằm trong cử hành Phụng vụ nữa không ?
Sau câu chúc đó, Thánh lễ coi như đã kết thúc. Vậy, ta có thể hát những bài được phép hát trong nhà thờ.
 


40. Có nên vũ chúc mừng, tạ ơn trước lời chúc cuối lễ như xưa nay nhiều nơi thường làm không ?
- Nếu chúng ta vũ lúc đó thì đang còn nằm trong cử hành Thánh lễ nên không đúng với tinh thần Phụng vụ.
- Chúng ta có thể đề nghị một phương thức khác : Ví dụ chủ tế ban phép lành với lời chúc cuối lễ. Sau đó, chúng ta đọc lời cám ơn, tặng hoa, vũ chúc mừng...


41. 
Đối ca là gì ?
Đó là một ca khúc ngắn, hoàn chỉnh cả nhạc lẫn lời. Tuy nhiên, để đáp ứng với hoàn cảnh, ví dụ đoàn rước lâu giờ, thì người ta thêm vào các câu thánh vịnh để hát với đối ca. Đối ca bao giờ cũng hát lúc khởi đầu và kết thúc, còn các thánh vịnh sẽ xen vào giữa.

42. 
Khi sáng tác Alleluia, nhạc sĩ chia câu xướng thành những câu ngắn rồi cho hát Alleluia xen vào thì có được không ?
Sách Qui chế tổng quát số 37 chỉ viết : Sau bài đọc 2 là Alleluia.
Chưa có bản văn chính thức nào cấm thêm các câu ngắn vào Alleluia; cũng vậy, chưa có bản văn chính thức nào chỉ rõ phải hát mấy lần Alleluia.
Do đó, có lẽ nhạc sĩ vẫn có quyền làm như thế và đó cũng là cách làm cho bầu khí thêm phấn khởi mà vẫn thánh thiện. Tuy nhiên, đó chỉ là cách suy diễn. Muốn được hát thì phải chờ sự chuẩn nhận của Giáo quyền.


43. 
Bài ca tôn giáo là gì ?
- Bài ca tôn giáo thường là những bài hát phổ thơ công giáo (ví dụ phổ thơ Hàn mặc Tử, Xuân ly Băng...). Thi sĩ không có ý sáng tác thơ để dùng trong Phụng vụ nên nhạc sĩ cũng không thể sáng tác nhạc để hát trong Phụng vụ.
- Những bài ca tôn giáo nổi tiếng sau đây chỉ nên trình diễn ngoài nhà thờ : Trường ca Ave Maria, thơ Hàn mặc Tử, nhạc Hải Linh; Say Noel, thơ Xuân ly Băng, nhạc Lm. Kim Long...


44. 
Nihil obstat, Imprimatur là gì ?
- Nihil obstat có nghĩa là không có gì ngăn trở : Ví dụ không sai Thần học, nội dung rõ ràng và đúng ... Công việc nầy thường được giao cho người chuyên môn xét duyệt.
- Imprimatur có nghĩa là được phép in : Đây là quyền của Giám mục giáo phận.
Một bài hát được chấp thuận như trên thì được hát trong giáo phận, đồng thời được hát ở mọi nơi.


45. Đâu là những cách hiểu khác nhau về Thánh nhạc qua thời gian ?
- Thời Đức Piô 10, thánh nhạc chỉ được coi là đầy tớ hèn mọn.
- Trong DIVINI CULTUS, Đức Piô 11 cho thánh nhạc là tôi tớ sang trọng.
- Đức Piô 12, trong thông điệp MEDIATOR, đã coi thánh nhạc như thành phần cần thiết của Phụng vụ. Mãi đến lúc nầy, Thánh nhạc mới đóng vai trò quan trọng hơn trong cử hành Phụng vụ.
- Với công đồng Vatican II (1967) Thánh nhạc đóng vai trò thừa tác, là thành phần của Phụng vụ. Đây là cái nhìn mới và rất có giá trị. Đây là kết tinh cua kinh nghiệm bao thời và do suy tư của bao người.


46. 
Công đồng Vatican II cho rằng Thánh nhạc đóng vai trò thừa tác trong Phụng vụ. Vậy vai trò thừa tác của Thánh nhạc nghĩa là gì ?
- Thánh nhạc là thành phần thiết yếu hoặc trọn vẹn của Phụng vụ nhưng phụ thuộc vào từng diễn tiến của Phụng vụ. Do đó,
¨ Thánh nhạc phải làm tròn phận vụ thừa tác của mình bằng cách làm cho người ta dễ nghe, dễ chấp nhận ý nghĩa lời ca để rồi đem ra thực hành trong cuộc sống.
¨ Thánh nhạc phải làm tròn phận vụ thừa tác của mình bằng cách giúp cho mọi người đồng tâm nhất để tham dự các nghi thức Phụng vụ cách sống động hơn.
¨ Thánh nhạc phải làm tròn phận vụ thừa tác của mình bằng cách làm cho các cử hành Phụng vụ long trọng hơn và chính sự long trọng đó giúp cho người ta dễ hướng về Chúa hơn.
- Hiến chế về Phụng vụ thánh số 112 c viết :Thánh nhạc càng liên kết chặt chẽ với hoạt động Phụng vụ bao nhiêu thì càng thánh hơn bấy nhiêu. Người ta ví vai trò của Thánh nhạc trong Phụng vụ như một bè trong bài hát 4 bè. Với bài hát 4 bè thì ta phải hát cả 4 bè, không được bỏ một bè nào, vì nếu ta bỏ một bè thì hòa âm không còn đầy đủ nữa. Trong Phụng vụ, Thánh nhạc góp phần giúp mọi người ca tụng Chúa và giúp nhau nâng hồn lên tới Chúa như một bè trong bài hát 4 bè, phụ thuộc nhưng cần thiết.


47. 
Ta hiểu thế nào về tầm quan trọng của việc ca hát trong Phụng vụ ?
- Hát là cách biểu lộ niềm vui. Sách Công vụ tông đồ 2, 46 viết : Ngày ngày, họ đồng tâm nhất trí chuyên cần tới đền thờ, lòng hân hoan, dạ đơn thành trong lời ca khen Thiên Chúa.
- Hát nâng cao hiệu năng lời cầu nguyện. Lời thánh Augustinô đã trở thành câu ngạn ngữ : Hát hay là cầu nguyện 2 lần.
- Hát để tôn vinh Thiên Chúa. Trong Cl 3, 16 b, thánh Phaolô viết : Hãy dùng Thánh vịnh, lời ca, lời vãn mà ngợi khen Thiên Chúa hết lòng anh em.
 


48. Chúng ta biết gì về loại nhạc Choral ?
- Loại nầy rất phổ thông ở Đức, thời cải cách (Tk 16) là căn bản của Phụng vụ Tin Lành.
- Choral lấy hứng từ nhiều nguồn: từ bài hát đời của Đức, từ bình ca của Công giáo và từ nhiều nguồn khác nữa.
- Choral đạt cao điểm với Bach và đi vào quên lãng vào giữa thế kỷ 18, dù Franck và Honegger đã hết sức cố gắng khôi phục nhưng vẫn không thành công.
- Choral thường là bài hát 4 bè.


49. 
Đâu là nhiệm vụ của ca đoàn ?
- QCTQ viết về ca đoàn : Giữa các tín hữu, ca đoàn có phần việc của họ trong Phụng vụ. Họ phải lo chu toàn các phần việc của họ, tùy theo các loại bài hát khác nhau. Họ lại phải giúp cho giáo dân tham dự cách linh động vào việc ca hát .
- Về nhiệm vụ của ca đoàn, Lm Duchesneau có cách ví von như sau :
¨ Ca đoàn hát trước cộng đoàn để giúp cộng đoàn hát đúng.
¨ Ca đoàn hát với cộng đoàn nghĩa là ca đoàn đôi khi hát thêm bè phụ để bài hát thêm khởi sắc.
¨ Ca đoàn hát giữa cộng đoàn nghĩa là đối đáp với cộng đoàn.
¨ Ca đoàn hát không cộng đoàn nghĩa là ca đoàn hát riêng, ví dụ như hát hợp ca.
 


50. Đâu là tư cách và đạo đức của ca viên ? (Bài nói chuyện của Lm. Trần hữu Thành, ĐCV Sao Biển, Nha Trang)
- Ca viên phải có nhân bản tức là biết cách ứng xử đúng tư cách con người.
- Ca viên phải nêu cao phẩm giá của người Kitô hữu là ánh sáng thế gian, là men trong bột và muối ướp trần gian.
- Ca viên phải nêu cao tinh thần phục vụ khi hát Thánh ca.
- Ca viên phải biết sống tinh thần cộng đoàn, tinh thần liên đới trong việc tập hát và hát Thánh ca.
- Ca viên phải có lòng mến Chúa, yêu thích sự cầu nguyện.
- Khi hát Thánh ca, ca viên cần tinh thần cầu nguyện: Hát vì Chúa và cho Chúa.
- Ca viên cần thông hiểu Hát là cầu nguyện và coi việc hát tập hoặc hát Thánh ca cũng là dịp cầu nguyện.


51. 
Ca viên cần được huấn luyện thêm những gì khác để công việc ca hát đạt hiệu quả hơn ?
- Ca viên hát Thánh ca cần được huấn luyện về Phụng vụ như Hiến chế về Phụng vụ thánh, số 115 viết : Các nhạc sĩ, ca sĩ, nhất là các thiếu nhi phải được huấn luyện cho có căn bản Phụng vụ .
- Ca viên phải thông thạo về Giáo lý căn bản và về Thánh Kinh.
- Ca viên cần hiểu biết về kỹ thuật hát Thánh ca.


52. 
Ca đoàn ngồi ở vị trí nào trong nhà thờ là tốt nhất ?
Sau đây là đề nghị của Michel Veuthey trong báo Signes Musiques số 48, trang 18 :
- Ca đoàn ở tầng đàn thì không tốt vì ca đoàn tách biệt giáo dân và ca viên khó tham dự các cử hành Phụng vụ.
- Ca đoàn ở sau bàn thờ thì bất tiện vì chủ tế và người đọc sách quay lưng về ca đoàn. Hơn nữa, ca trưởng hoặc đứng xa ca đoàn hoặc đứng xa cộng đoàn nên khó điều khiển cả hai cùng một lúc.
- Ca đoàn ở hàng ghế đầu thì cũng chưa ổn vì ca đoàn quay lưng về cộng đoàn (tuy vị trí nầy thuận tiện cho ca trưởng khi phải điều khiển cả hai). Một điều chưa ổn nữa là khi ca đoàn đứng thì cộng đoàn lại ngồi, ví dụ lúc rước lễ.
- Ca đoàn ở bên cánh nữ nhà thờ (thẳng góc và gần bàn thờ) là vị trí tốt nhất :
¨ vì ca đoàn gần cộng đoàn nên dễ nâng đỡ lẫn nhau
¨ vì ca trưởng có thể điều khiển cả hai vì chỉ cần xoay người một chút là điều khiển được rồi.


53. 
Tại sao trong mùa Chay không được hát Alleluia ?
- Philippe Robert trong báo Signes Musiques viết : Không hát Alleluia trong mùa Chay là để phấn khởi mà thưởng thức lại trong mùa Phục sinh .
- Thánh Augustinô nói : Chúng ta không hát Alleluia trước lễ Phục sinh vì thời kỳ Chúa chịu nạn diễn tả thời đau buồn của cuộc sống đời nầy, còn ngày Chúa phục sinh diễn tả niềm hạnh phúc mà một ngày kia, chúng ta sẽ được chung hưởng .


54. 
Tại sao ta đứng khi hát Alleluia ?
- Philippe Robert trong báo Signes Musiques viết : Khi hát Alleluia thì mọi người đứng vì đó là tư thế của Đấng đã sống lại .
- Người Do Thái đứng khi cầu nguyện (Lc18, 9-14).
- Đứng là thái độ trang nghiêm, tôn kính


55. 
Đâu là ý nghĩa và cung điệu kinh Tưởng niệm (Đây là mầu nhiệm đức tin)?
- HĐGM Pháp viết : Kinh tưởng niệm kết thành chóp đỉnh việc tuyên xưng đức tin vì mỗi người nhận mình được cứu độ nhờ Đức Kitô .
- Kinh Tưởng niệm nhắc đến ba khía cạnh của mầu nhiệm cứu độ : Sự chết, sự sống lại và sự kiện Đức Kitô lại đến.
- Theo HĐGM Pháp thì LM hát lời mời gọi, nhưng không cùng hát kinh Tưởng niệm với giáo dân vì chính Ngài, với tư cách là chủ tế, dâng kinh Tưởng niệm lên Đức Chúa Cha
- Cung điệu kinh Tưởng niệm phải trang nghiêm, thành kính, tránh những gì làm cộng đoàn lo ra.
 



56. Đâu là ý nghĩa và cung điệu của Vinh tụng ca (Chính nhờ Người..) ?
- QCTQ số 55 h viết :Vinh tụng ca kết thúc kinh Tạ ơn : Đây là lời chúc tụng Thiên Chúa được giáo dân tán đồng và kết thúc bằng lời tung hô .
- Cùng với Đức Kitô và Chúa Thánh Thần, chúng ta tôn vinh Chúa Cha.
- Ta nên hát tiếng AMEN nhiều lần hơn, hoành tráng hơn. Do đó, yêu cầu các nhạc sĩ sáng tác tiếng Amen dài hơn, long trọng hơn.


57.
 Kinh Lạy Chiên Thiên Chúa luôn đi kèm với nghi thức bẻ bánh nên ta phải hát như thế nào ?
- Kinh nầy thuộc hình thức kinh cầu nên đọc hoặc hát bao nhiêu lần cũng được.
- Lạy Chiên Thiên Chúa là bài hát nghi thức vì đi kèm với nghi thức bẻ bánh của các Linh Mục.
- QCTQ số 56 d viết : Kinh nầy có thể được lặp đi lặp lại bao lâu còn cần để kèm theo việc bẻ bánh. Lần cuối cùng kết thúc bằng câu Xin ban bình an cho chúng con .
- Theo tinh thần của HĐGM Pháp thì khi đang chúc bình an, ta không nên hát kinh Lạy Chiên Thiên Chúa. Chỉ sau khi đã chúc ban bình an và bắt đầu bẻ bánh thì mới hát.
- Trong lễ đồng tế có đông Linh Mục, ta nên hát nhiều lần cho đến khi các Linh Mục đã nhận Mình Thánh mới hát câu kết.


58. 
Đâu là ý nghĩa của ca Hiệp lễ và phải chọn bài hát Hiệp lễ theo tiêu chuẩn nào?
QCTQ số 56, 1b viết :Bài ca nầy có mục đích diễn tả sự đồng tâm hiệp nhất thiêng liêng giữa những người rước lễ khi họ đồng thanh ca hát, đồng thời biểu lộ niềm vui trong tâm hồn và làm cho việc tiến lên rước Mình Thánh Chúa có tính cách huynh đệ hơn .

 


59. Đâu là lợi ích của việc ca hát ? (Theo Nguyễn Duy)
a. Nhờ ca hát, niềm tin của chúng ta được kiên cường (x. St 50, 21).
b. Nhờ ca hát, Thiên Chúa đến hiện diện ngập tràn trong cuộc đời chúng ta (x. Tv 21,4; Tv 22,4).
c. Nhờ ca hát, Thiên Chúa làm cho ta được mạnh mẽ vượt qua mọi nghịch cảnh. (x 2 Sb 20,21-23).
d. Nhờ ca hát, chúng ta được lớn lên trong ơn thánh của Chúa, (x. Rm 8,28; và: "Toute est grace") minh chứng niềm vui tâm hồn (Gc 5,13).
e. Nhờ ca hát, chúng ta cảm nghiệm được Chúa Giêsu là lẽ sống của mình. Vì Đức Ki tô Lời Ca Muôn Thuở là "nguồn sống của chúng ta" (Cl 3,4); khi ca hát Lời Chúa, chúng ta xác quyết: "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là Đức kitô sống trong tôi".
f. Nhờ ca hát phụng vụ, chúng ta chứng minh Thiên Chúa hiện diện và hành động trong một xã hội tục hóa. Những lời ca phát xuất từ Thánh Kinh và kinh nguyện phụng vụ sẽ giúp chúng ta vượt lên trên và thắng được các giá trị trần thế, làm cho người khác nhìn ra được tình yêu thương và sự khôn ngoan của Thiên Chúa đang tác động trên cuộc sống và các hoạt động của họ: "Tất cả mọi sự đều thuộc về Ngài, bởi Ngài và cho Ngài. Vinh quang thuộc về Ngài đến muôn đời. Amen." (Rm 11,33-36).
g. Ca hát để tôn vinh Thiên Chúa và mưu ích cho các linh hồn.

60. Giáo Hội nói gì về việc giáo dân tích cực tham dự cử hành Phụng vụ?(Theo Nguyễn Duy)
Các văn kiện Giáo Hội đã dùng nhiều cách nói để mô tả sự tham dự tích cực, tức linh động của giáo dân.
" Đức Piô X: "Ta hết sức ước mong ... các tín hữu tụ họp tham dự tích cực vào những mầu nhiệm thánh, vào kinh nguyện chung và trọng thể của Giáo Hội".
" Đức Piô XI chỉ dậy: "Để giáo dân tham dự vào việc phụng thờ Thiên Chúa cách linh động hơn, Ta truyền lấy lại điệu hát bình ca .... Phải làm sao để tín hữu tham dự các nghi lễ thánh không phải như những người ngoài cuộc, những khán giả câm nín, nhưng họ phải được đối đáp với các linh mục hay ca đoàn theo như luật định"
" Đức Piô XII năm 1947 trong Thông Điệp "Mediator Dei về Phụng vụ thánh" đã nói rõ đến "tham dự tích cực" của tín hữu.
" Thánh bộ nghi lễ ngày 3.9.1958 đã giải thích minh bạch của từ ngữ này, đề cập chi tiết hơn về sự tham dự của cộng đoàn.
" Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế Phụng vụ nhiều lần nói đến những cách tham dự phụng vụ của tín hữu. Chúng ta ta có thể kể: tham dự tích cực tức linh động (số 11, 14, 19, 27, 30, 41, 48, 50, 79, 113, 114, 121, 124), tham dự ý thức (số 14, 28, 79) tham dự trọn vẹn (số 11), tham dự thành kính (số 48, 50), tham dự có kết quả (số 11), tham dự dễ dàng (số 79).

61. Quan niệm về Thánh nhạc của ĐGH Gioan-Phaolô 2 như thế nào?
Tài liệu của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô ghi ngày 22/11/2003 là ngày lễ thánh Cêcilia bổn mạng của âm nhạc.

Tất cả nhạc phụng vụ "phải mang tính chất thánh thiện vì ý nghĩa tán tụng ngợi ca của nó". Đức Thánh Cha đã viết như trên sau khi nhấn mạnh rằng "Không phải mọi hình thức của âm nhạc đều phù hợp với các cử hành phụng vụ".

Trong khi thừa nhận rằng âm nhạc có thể diễn tả các truyền thống văn hóa khác nhau, Đức Thánh Cha lưu ý rằng tất cả nhạc thánh đều phải "tôn trọng những chuẩn mực chuyên biệt" và nhấn mạnh rằng âm nhạc cần phải tránh "bất cứ sự nhân nhượng nào cho sự vui nhộn và nông cạn". Ngài cảnh cáo rằng phụng vụ của Giáo Hội Công Giáo "không bao giờ có thể trở thành một chỗ để thí nghiệm".

Đức Thánh Cha khẳng định rằng Giáo Hội của Công Đồng Chung Vatican II theo đó bình ca Gregorian "phải luôn ở vị trí đầu tiên trong cử hành phụng vụ".

Đức Thánh Cha cũng thúc giục Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích "chú ý hơn" đến vấn đề Thánh Nhạc. Ngài cũng lặp lại yêu cầu này với các Hội Đồng Giám Mục trên toàn thế giới hãy "chú ý hơn" đến việc sử dụng âm nhạc ở các quốc gia.

62. Trong Thánh nhạc, lời hay nhạc quan trọng hơn ?
" Trong Phụng Vụ thì "bản văn" chi phối "dòng nhạc", tức là "nhạc chỉ là phương tiện của lời ca". Và khi hát, thì ca đoàn phải hát cho "rõ" lời ca (bản văn).
" Có một thời kỳ, Giáo Hội đã định cấm hát nhạc đa âm (nhiều bè) trong phụng vụ, vì nhiều bài hát nhiều bè qúa (có bộ lễ 53 bè) nghe không rõ lời ca. (Theo Lm. Kim Long)

63. Bạn nghĩ gì về lời của những bài thánh ca đề cập đến công ơn cha mẹ?
¨ Lời đề cập quá nhiều đến công ơn cha mẹ : công sinh thành dưỡng dục, làm lụng vất vã, thức hôm thức khuya... Nội dung giống y các bài hát đời về công ơn cha mẹ. Nếu nội dung chỉ dừng ở đó thì không thể gọi là thánh ca, không thể hát trong nhà thờ.
¨ Vì là bài hát trong nhà thờ nên ta phải thêm cho nội dung có sắc thái đạo như ví dụ như :
- Tạ ơn Chúa đã ban cho có cha mẹ tốt lành, đạo đức
- Cầu nguyện cho cha mẹ, xin Chúa gìn giữ và ban phúc lành cho cha mẹ
- Cha mẹ thay quyền Chúa mà sinh dưỡng giáo dục
- Cha mẹ thông truyền đức tin, lòng đạo đức
- Cha mẹ dẫn con đến với Chúa và Đức Mẹ...



64. Cộng đồng Taizé và Thánh ca Taizé ? (Trả lời của Lm. Đỗ xuân Quế)
- Taizé là một làng ở bên Pháp gần tỉnh Mâcon, giữa Paris và Lyon. Tại làng nầy, có một tu viên nổi tiếng của anh em Tin Lành. Người sáng lập tu viên nầy là Mục sư Roger Schutz, người Thụy Sĩ. Tu viện được thành lập năm 1940. Chủ trương của tu viện là hòa giải và đại kết.
- Thánh ca Taizé là những bài hát ở Taizé hoặc do các tu sỉ tai đây sáng tác hoặc thu thập ở các nơi mang về làm thành một ca mục đa dạng, phong phú. Hát, cầu nguyện theo nhóm là thích hợp nhất. Như vậy là hát trong nhà thờ và ngoài khung cảnh Phụng vụ. Mục đích của những bài hát nầy là giúp người ta cầu nguyện tập thể.

65. Có được dùng các máy tự động trong nhà thờ không ?
Huấn thị về Thánh nhạc, chương III, 4D viết : nhưng được phép dùng những máy này ngay trong nhà thờ, ngoài các lễ nghi phụng vụ hay các việc đạo đức, để nghe ĐGH, ĐGM giáo phận hay các nhà giảng thuyết nói hoặc để dạy giáo lý hay tập hát, hoặc để giữ cung nhịp hát cho giáo dân khi họ đi kiệu ở ngoài nhà thờ.



GHI CHÚ: Đa số các câu trả lời trên đây đã được Đức Cha Phaolô Nguyễn văn Hoà góp ý. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn rất mong những góp ý sửa sai và những câu hỏi mới.


Lm. Mi Trầm
 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

.

1

LM PAUL NGUYỄN ĐỨC VĨNH

Vị Thánh trong ngày

Sách các phép

Mười điều răn

Thành viên

Kích chuột để

1

Suy niệm Lời Chúa 5P

Nhóm Mân Côi

1
 

Tin Thể Thao

    Giờ kinh phụng vụ

    Lịch Phụng Vụ