1
18:52 +07 Thứ bảy, 20/04/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 63


Hôm nayHôm nay : 12288

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 215824

Tổng cộngTổng cộng : 27770108

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » VĂN HOÁ & NGHỆ THUẬT

Giải viết văn đường trường – Bản tin 11

Thứ tư - 21/05/2014 16:57-Đã xem: 1260
Xin mời quý độc giả cùng theo dõi, đánh giá và tham gia bình chọn qua hai câu hỏi: 1. Theo bạn, truyện nào xứng đáng đạt giải nhất? 2. Có bao nhiêu người cùng ý kiến như bạn? Ba độc giả đáp đúng nhất sẽ được tặng quà lưu niệm đồng thời được hỗ trợ tiền xe về dự họp mặt trao giải và hành hương “dấu chân Hàn Mạc Tử”.
Giải viết văn đường trường – Bản tin 11

Giải viết văn đường trường – Bản tin 11

GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2014

BẢN TIN 11

Thưa quý độc giả và quý tác giả,

Chúng tôi xin giới thiệu 8 truyện dự thi mới của Giải Viết Văn Đường Trường 2014.

Xin mời quý độc giả cùng theo dõi, đánh giá và tham gia bình chọn qua hai câu hỏi: 1. Theo bạn, truyện nào xứng đáng đạt giải nhất? 2. Có bao nhiêu người cùng ý kiến như bạn? Ba độc giả đáp đúng nhất sẽ được tặng quà lưu niệm đồng thời được hỗ trợ tiền xe về dự họp mặt trao giải và hành hương “dấu chân Hàn Mạc Tử”.

Quý độc giả có thể gửi phiếu bình chọn ngay sau từng đợt bài được giới thiệu. Khi đọc các truyện ở các đợt tiếp theo, nếu thay đổi ý kiến, có thể gửi phiếu bình chọn mới. Chúng tôi sẽ tính theo phiếu gởi sau cùng của mỗi người. Xin gửi cùng lúc về 2 điện chỉ email: tinmunggiesu@gmail.comvà gopnhattho@yahoo.com.

Nếu quý độc giả phát hiện bài dự thi nào sao chép, copy ý tưởng, hoặc chỉ là phóng tác từ một tác phẩm khác đã công bố, xin vui lòng cho Ban Tổ chức được biết.

Xin chân thành cám ơn các trang truyền thông Công giáo đã và đang hỗ trợ truyền bá chương trình này, cám ơn quý tác giả đã gửi bài tham gia và cám ơn quý độc giả đang quan tâm theo dõi cuộc thi. Nguyện xin Thiên Chúa giàu lòng thương xót chúc lành cho tất cả chúng ta.

Qui Nhơn, ngày 21-5-2014
Thay lời Ban Tổ chức
Linh mục TRĂNG THẬP TỰ

BÀI DỰ THI
1. Vết khắc sâu trong tim! (Mã số: 14-081)
2. Tình yêu với Chúa (Mã số: 14-082)
3. Một chuyến viếng thăm (Mã số: 14-083)
4. Anh Hai, Ba và điều ước (Mã số: 14-084)
5. Bố tôi là “ông từ” (Mã số: 14-085)
6. Thiên Chúa quan phòng (Mã số: 14-088)
7. Như là định mệnh (Mã số: 14-089)
8. Bầu trời rộng mở (Mã số: 14-090)

 

vietvan

VẾT KHẮC SÂU TRONG TIM!
(Mã số: 14-081)

- Mày phá bỏ cái thai đó ngay. Không thôi tao chết cho mày vừa lòng.

- Trời ơi! Mày bôi tro trát trấu vào mặt tao, mày làm hoen ố thanh danh dòng họ.

Tiếng ông Tư ngày càng to, ông không thể chấp nhận, gia đình danh giá như nhà ông mà lại có đứa con gái chửa hoang.

Trong làng này, ai gặp ông Tư cũng xuýt xoa thèm thuồng vì ông khéo nuôi dạy con. Mà con cái ông ngoan thiệt. Đứa lớn, đi tu vừa được lãnh nhận tác vụ Thầy Sáu. Na thì Đại Học năm cuối sắp ra trường. Bé út đang theo đuổi ơn gọi.

Ông Tư, bà Tư có vất vả cả đời cũng đáng lắm!

Nụ cười mấy hôm trước còn rạng ngời trên môi ông bà, khi con lãnh nhận sứ vụ mới. Người ta gọi ông bà bằng hai từ nghe nó hay làm sao: “Ông bà cố”. Niềm hạnh phúc ấy còn rơn rang trong lòng ông. Ông bà thấy yêu Chúa hơn vì Chúa đã thương đến gia đình ông bà, Chúa thương các con ông, nghèo khổ, thiếu thốn, nhưng chúng ngoan ngoãn. Các con là niềm kiêu hảnh của đời ông. Hàng ngày ông liên lỉ tạ ơn Chúa.

Đùng cái, tin con Na có chửa như sét đánh ngang tai ông. Như ai đang cào cấu, đập bầm dập trái tim ông. Nó đau, đau không thể chịu nỗi, làm ông không tự chủ được rên rỉ rồi hét toang lên, cơn đau hoành hành ông không còn nhận đâu ra là đúng là sai. Ông chỉ biết con Na bây giờ là nỗi sỉ nhục lớn của đời ông. Nó là tai họa, nó sắp phá hỏng cái tiếng thơm mà ông vun vén cả đời.

Na khóc, khóc nhiều lắm, bây giờ cô không biết mà cũng không dám nhìn mặt ba mẹ. Na chỉ xin ba mẹ tha thứ. Na đã ba lần đi đến bệnh viện, đứng trước phòng khám, rồi Na nghe như đứa nhỏ trong lòng Na van xin:

- Mẹ ơi đừng giết con.

- Mẹ ơi hãy để con sống.

Lần nào cũng thế, nên Na mới về nhà thú thật với mẹ. Xin Mẹ nói với ba để ba tha thứ cho Na.

Ba hét lên. Ba đòi giết Na. Ba kêu Na giết con. Ba đau khổ. Điều đó Na thấu hiểu, vì Na là con ba. Na cũng dằn vặt vì sinh linh bé nhỏ trong Na. Cũng đau đớn, như ba. Nhưng cái cách bộc lộ nỗi đau thì ba bùng phát mạnh lên, vì trong ba đang chờ đón niềm hạnh phúc Anh Hai sẽ bước lên bàn thánh, sẽ nhận lãnh thừa tác vụ linh mục. Gia đình sẽ được gắn kết hơn trong tình yêu Thiên Chúa. Tin ba đang chờ đợi là tin lành là hồng ân. Còn Na, khốn kiếp thật. Na mang về tin ác, tin dữ, sự dữ. Na là con người của ma quỉ, Na đang phá vỡ những tốt đẹp của một gia đình hạnh phúc.

Má không nói lời nào, nhưng Na biết má buồn lắm. Ba làm dữ quá má không biết phải tính sao. Chỉ ôm Na vào lòng nước mắt má rớt mặn trên môi Na.

Na lặng lẽ để lại lá thư tuyệt mệnh, rồi gieo mình xuống dòng sông. Na không muốn ba má đau khổ. Na cũng không muốn giết con, đứa bé vô tội. Đã ba lần Na định giết rồi còn gì? Nhưng Na không làm được. Thà Na chết chung với con…

….

Ông Tư!

Con chào Ông Cố Tư.

Ông Tư giật nảy mình mới nhận ra ông chủ tịch Hội đồng giáo xứ.

Đã lâu lắm rồi, kể từ ngày con ông làm linh mục, ông Tư dường như thay đổi, ông không còn nói cười nhiều như xưa nữa. Lắm lúc ông trầm ngâm trước thánh giá, rồi có những khi đang trưa ông hé nhẹ cửa nhà thờ lặng lẽ ngồi bên nhà tạm.

Bao nhiêu năm rồi ông không còn biết nữa?

Bà bỏ ông đi sau tai nạn.

Con Ông làm linh mục, làm nữ tu, ông không còn vất vả để chạy vạy lo lắng cho chúng nữa. Ông chỉ việc kinh kệ, hội đoàn, vui vẻ tuổi già, chẳng còn gì để ông bận tâm.

Thế mà trong đôi mắt ông vẫn đục màu đau khổ?

Ngày mai, con Ông lại được nhận bài sai đi làm Cha Sở ở xứ mới ở tuốt miệt Năm Căn. Ông chủ tịch đến rước ông để mai đi sớm. Những niềm vui, giờ nguội lạnh trong trái tim ông, có một vết thẹo mà lâu lâu nó tê tái trong lòng ngực. Vết khắc sâu trong tim, làm ông đau, ông không thể quên được, bao nhiêu lần gục đầu trước thánh giá xưng thú lỗi lầm, nhưng tâm trí, linh hồn ông vẫn bất an.

Chị ba đi dọn nhà thờ mai đón Ông Cố Sớ mới.

-À mai mày có rảnh đi rửa chén tiếp chị ba, chị ba phụ thêm cho hai mẹ con mấy lon gạo.

- Dạ!

Tiệc lớn, khách khứa tấp nập, nó lom khom, lọ mọ với khu bếp, chén bát. Cứ chưa ngơi tay đợt này thì tiếp đợt khác, người mệt lả. Chưa rảnh được tay để nhòm mặt ông cha mới. Mồ hôi nhể nhải, nhưng nghĩ tới chiều nay khi xong việc hủ gạo vơi lại được đầy, lòng mênh mang.

Khệ nệ cái rổ chén vừa mới rửa xong, nhóm dậy, định bước đi.

- Na, Na. . N……a.

- Giọng khàn khan, đục màu quen thuộc, làm Na giật bắn người.

Rỗ chén trong tay Na thỏng xuống, vuột khỏi tay. Mắt Na long lên vẻ thất kinh ngạc nhiên!

Ngoảnh mặt nhanh chân muốn chạy thoát cho xa. Nhưng cái giọng ồ ề, có sức mạnh kéo ngược Na lại. Rồi Na ôm chầm lấy ông Tư. – Ba…Ba…

Tiếng nấc nghẹn ngào.

- Me ơi ông ngoại đó mẹ!

Con dẫn ông ngoại đi gặp mẹ đó.

Na tròn mắt nhìn bé Bi.

Rồi nhìn Ba.

Bác Hai, là ông bụt, cho tập cho đồ mới mà con kể với mẹ đó.

Bác Hai còn là Ông Cố mới hôm nay mừng đó mẹ.

… Lờ mờ trong đầu Na hình ảnh ngày xưa.

Tim Ông Tư nhói lên, cái nhói đau dễ chịu làm sao??

 

TÌNH YÊU VỚI CHÚA
(Mã số: 14-082)

“ Bố mẹ yêu quý,

Con đi tu đây ạ. Bố mẹ nhớ giữ sức khỏe nhé, con yêu bố mẹ nhiều. Nguyện xin tình yêu Chúa Giê su chúc lành cho gia đình mình.

Con gái của bố mẹ

con bé Tâm. ”

Ông Nam đưa tờ giấy cho bà, tay vịn chặt vào thành ghế, im lặng. Còn bà thì cứ khóc mãi không thôi và luôn miệng gọi: “Con ơi, đừng đi nữa, con về với mẹ đi con ơi… “

- Bà có im không nào! Con hư tại mẹ, còn khóc lóc gì nữa, tôi đã bảo bà phải trông nó mà. . . ông Nam ngắt lên.

Chiều tàn, mặt trời đi qua tháp nhà thờ kéo theo một vệt dài giâm mát tạo thành một khoảng không gian đẹp dưới sân nhà ông Nam, hương thơm của hoa lan bay khắp nơi. Ông Nam ra hiên hút thuốc, khói thuốc bay khắp gian nhà, những tàn thuốc đỏ còn rơi xuống đất, vẫn đang nhen nhóm đốm lửa. Ông Nam cau lông mày này, đầy vẻ tức giận và buồn bực. Bà dựa lưng vào cửa nhà, nước mắt bà chảy xuống ướt đẫm vùng ngực, bà nhìn ra cửa chờ con trở về. Bé Nga run sợ dúi mình vào lòng mẹ, nhìn mẹ khóc Nga cũng khóc theo hu. . . u. . u…Bà lại đưa tay vuốt lên mái tóc Nga, nín đi nín đi con. . .

Ông Nam quát to:

- Có nín đi không còn khóc gì nữa! Bà dạy con cái kiểu đó đấy à? Tôi đã nói rồi mà bà không có nghe, suốt ngày kinh với sách chẳng được cái tích sự gì.

Bà khóc:

- Nào tôi đâu có muốn như vậy, sao ông cứ trách hết vào tôi? Con là do mình tôi dạy à?

Ông Nam yên lặng như đang suy tính một chuyện gì sâu xa lắm, đôi mắt ông lặng xuống, tay ông buông xuống như người không còn sức lực. Ông Nam uống rượu và nói luôn miệng: “Giê su ơi, ông mang con gái về cho tôi đi, ông đừng tranh con của tôi nữa. . . con ơi, về với bố mẹ đi con. . . . ”

Khói thuốc lá bay hòa vào mùi rượu xông lên nồng nặc, ông Nam đang mơ, say hay tỉnh ông cũng không biết nữa? Chuyện xưa chạy lại như một cuốn phim dài về đời người. Ông Nam nhớ cái ngày ông bắt Tâm đi nhà thờ, còn phần ông không bao giờ tin vào Chúa.

“ – Hôm nay, mày đi nhà thờ, tao trông nhà cho.

Con không đi đâu ạ, con ở nhà xem phim thích hơn nhiều.

Phải đi, tao không nói nhiều đâu đấy.

Con không đi, Tâm hét lên.

Có đi không tao đánh bây giờ? Phải đi…

Tâm cúi mặt xuống…”

Những hình ảnh đó lúc hiện ra lúc rõ nét, khi thì lại mờ mờ trong tâm trí ông Nam. Chính ông lại không ngờ, con bé chăm đi nhà thờ đến vậy. Ông Nam nhớ con, nhớ ngày Tâm học đại học, ông đã rất lo sợ nó đi tu và đã căn dặn nhiều lần.

“ – Đi học phải chăm chỉ, không được nhà thờ nhà thánh.

- Nhưng nhà thờ là điểm tựa của con, Thánh Lễ là hơi thở của con và Chúa Giê su là sự sống của con. Con không thể bỏ được, con xin lỗi bố.

- Nhà này không có cái kiểu đó đâu, con với cái, vớ vẩn, đường xuôi không đi, cứ thích đi ngược…”

Chỉ cần nhớ đến vậy nước mắt ông Nam rơi trên má. Ông Nam buồn và tự trách lòng, giá như ngày đó mình không bắt nó đi nhà thờ, thì bây giờ nó không thế, giá như… giá như… Ông Nam vơ lấy chai rượu đưa lên miệng nhưng ông không còn cảm thấy cay trên sống mũi nữa. Ông Nam luôn miệng: “ Ông Giê su ơi, ông mang con gái về cho tôi đi…”

Trong men rượu ấy, ông Nam vẫn nhớ về lời của mấy bà hàng xóm nói chiều nay khi ông đi ngang qua: ” Nhà ông đấy có con gái hư, cho chết cái tội không đi nhà thờ”, có người còn nói: ” Chúa phạt đó, tưởng con đấy ngoan, ai dè nó cũng đi theo trai. . . “, ” Đi xem được bao lâu, không khéo vác cái bụng về thì xấu mặt xóm đạo”. . . Ông Nam thấy lòng mình đau quá, tim co thắt lại từng đợt, người ta đã nghĩ về con bé Tâm vậy sao?

Ông Nam không một lời giải thích, cũng không thể chịu đựng được những tai tiếng đó. Ông Nam quyết định đi tìm con. Trên đường đi ông hỏi thăm các dòng tu. Ông Nam mang theo tiền khi tiêu hết ông kiếm việc làm thêm, từ việc rửa bát, gánh nước, . . . mỗi một công việc ông làm một thời gian, khi kiếm đủ số tiền cần thiết ông lại ra đi. Ông Nam ngủ ở gầm cầu, chợ. . . Khi ở xa ông Nam chẳng quen ai, nhưng ông Nam luôn nói chuyện với Chúa Giê su mà ông đã ghét. Ông Nam đã được nghe kể và gặp các linh mục tình nguyện đến vùng sâu vùng xa sống cùng người nghèo để phục vụ và rao giảng Tin Mừng, có những linh mục sống nghèo khổ trong các đan viện để cầu nguyện. Còn có những dòng tu nữ luôn chăm sóc yêu thương người bị bệnh, trẻ khuyết tật… Ông Nam được gặp những người giáo dân sống theo Chúa, luôn chia sẻ quan tâm giúp đỡ người khác, ông bà già dành tiền để giúp đỡ người nghèo, thiếu nhi tham gia chiến dịch “ bát cơm mùa Chay”…Ông Nam suy nghĩ, và không hiểu sao họ có thể hy sinh đến như vậy? Chúa là ai mà khiến họ sống vì nhau đến thế? Những câu hỏi đó luôn ở trong lòng ông.

Ông Nam vẫn đi tìm con, ở thành phố hay nông thôn, nơi nào ông Nam cũng đi đến. Một ngày, ông Nam dừng lại ở vỉa hè. Bỗng có một thằng bé lao qua trước mặt ông, người phụ nữ ở đâu chạy theo và nói vọng lên: “ Dừng lại, dừng lại con…” Nhưng thằng bé đã ngã xuống đất, người phụ nữ đó đến bên nâng nó dậy và phủi đi cát bẩn bám vào quần áo thật nhẹ nhàng và cẩn thận. Ông Nam quan sát những gì đã diễn ra. Khi người phụ nữ đó đi qua, ông Nam thấy dáng người và giọng nói đó rất quen, cổ họng nghẹn lên, mãi ông mới nói ra lời: “ T…â…m, Tâm đó phải không con?”

Người phụ nữ đó quay lại nhìn một lúc lâu, nước mắt chảy hai bên gò má, ngậm ngừng rồi thốt lên: “ Bố, bố ơi… bố …”.

Ông Nam nhìn con không nói năng gì, ông Nam vội kéo Tâm đi. Thằng bé hét to lên: “ Không, con không cho dì Tâm đi đâu. Ông đừng bắt dì tâm rời xa con. ” Ông Nam vẫn kéo tay và lôi Tâm đi thật nhanh. Thằng bé đuổi theo được hai bước chân nó vấp ngã xuống đất, nó đưa tay sờ vào khoảng không vô định, nhưng nó không thể tự đứng lên được. Tâm vội chạy đến bên thằng bé và dỗ dành: “ Dì không đi đâu con, dì sẽ ở đây với con”. Lúc này, ông Nam mới kịp nhận ra thằng bé không nhìn thấy gì. Ông buông lỏng tay xuống, quay mặt đi.

Tâm mời bố và dắt thằng bé vào nhà dòng. Ông Nam được biết Tâm cùng mọi người đã làm nhiều việc tốt. Khi hiểu và nhìn thấy những mảnh đời của đứa trẻ không cha mẹ, trẻ khuyết tật, những đứa trẻ được sinh ra làm người, nhưng lại không được coi là người … mà ông Nam thấy yêu và nhớ Tâm bao nhiêu thì ông cũng lại lo lắng và thương những đứa trẻ đó bấy nhiêu.

Những ngày ở lại nhà dòng, cũng chính là lúc ông Nam cảm nghiệm về niềm tin của con người dành cho Chúa, hiểu hơn những việc của nhà dòng và Tâm đang làm. Thật ý nghĩa và hạnh phúc khi con người biết cho đi những gì đáng quý của mình, để Tình Chúa và tình người hòa vào làm một. Khi về nhà ônng Nam có nói với Tâm: ” Con là niềm tự hào của cả nhà, hãy đến cùng Chúa đi, và đừng lo lắng gì cho bố mẹ nữa nhé. Con cứ sống hạnh phúc, còn phần bố mẹ đã phó thác cuộc đời còn lại ở bên Chúa”.

 

MỘT CHUYẾN VIẾNG THĂM
(Mã số: 14-083)

Chú Hùng tới thăm Ông cụ đến nay đã gần tròn năm rồi. Một năm, khoảng thời gian không phải dài nhưng đủ để làm nên những tình thân. Mà quả vậy, chú quý ông cụ lắm. Ông cụ cũng vậy nữa, lúc nào cũng nhắc nhớ chú!

Hôm nay trời lụt mới xong, ở Đại Chủng Viện các Cha cho các chú ra ngoài. Mấy anh em chú chia nhau đi thăm mọi người. Chú Hùng liền chạy tới nhà cụ. Vừa đạp chiếc xe chú vừa lo: “không biết Ông cụ ở nhà thế nào sau bão nhỉ?!”. “Nghe nói cụ bị đau từ trước”. Lòng chú nôn nao…

Cuối cùng chú cũng đến nơi.

Nhà cụ- Một ngôi nhà tranh mọc trên một mẩu đất toàn cỏ. Chú lặng nhìn một lúc rồi đi vào. Như mọi lần, cụ lại cười niềm nở chào chú.

……………………………

Nhà ông cụ dột, tôn lủng lỗ. Ông cụ treo lủng lẳng những chai nhỏ để hứng nước. Có lần chú nghịch nói cụ mua phong lan về trồng trong mấy chậu đó cho đẹp, cụ chỉ cười bảo“Nhà tui vậy là nhất rồi”. Nhà cụ vách nứa. Giờ người ta tệ lắm cũng đã lên vách xi măng, cụ vẫn vách nứa, lại còn nhiều chỗ nứa vá nữa chứ. Vậy mà cụ cứ vẫn vui tươi“để vầy gió vào cho mát chú”. “Hôm bữa trời bão, chắc gió “chạy” vào nhà trú hết”. Chú định nói đùa ông cụ vậy lúc đi vào nhưng khuôn mặt cụ mệt mỏi nằm trên tấm phên đã kéo chú về lại thực tại. “Bác chưa lành hả bác? Người bác nóng quá”!

……………………….

Ông cụ già, già lắm rồi! Chắc chắn đã ngoài chín mươi, cô độc một mình trong một ngôi nhà nền đất mà không biết từ bao giờ đã trở nên đen bóng. Ông cụ không có nghề. Đúng hơn, cụ làm nghề bới rác để kiếm sống. Lúc chú và các anh em mới được cử đến thăm thì nhà cụ rất nặng mùi. Cụ chất đống trên các ngóc ngách, trong mấy góc tường và đầy trên nền nhà không biết bao nhiêu là bao bị, lon, hộp, chai nhựa và đủ thứ đồ lỉnh kỉnh khác. Cụ nói bán chúng cụ mới có đồng ra đồng vô. Đồ nghề của cụ là một cái móc dạng như cái móc câu. Cụ bới rác nên cái móc là vật duy nhất trong nhà sáng loáng. Cùng với mấy cái bao gạo cũ loại to, nó luôn được để sẵn bên cạnh bàn để chủ nó mỗi khi xong xuôi mọi sự là mang đi. Còn nhớ lúc mới đến chơi nhà lần đầu, Ông cụ tâm sự: “Cả khu này đều sống bằng nghề này, có ai dọn dẹp mà sạch sẽ”. Nghe vậy mấy anh em chú hùa nhau dọn dẹp cho ông, rồi từ ông các chú đến với các gia đình xung quanh. Mọi người trong cái xóm nhỏ mình chào đón các chú kể từ ngày đó. Không biết từ bao giờ, việc thấy mọi người vui khiến các chú rất hạnh phúc, nhất là chú Hùng. Không khi nào thấy chú không cười mỗi lần đến đấy!

Hôm nay chú lại đến thăm cụ. “Chú cứ đứng mãi rứa…sao không ngồi xuống?”, cụ thều thào, miệng vẫn cố cười nhoẽn. Chú đến ngồi bên giường cụ. Tay cụ run run nắm lấy tay chú, giọng đứt quãng: “Mấy hôm ni tui mệt quá, chú tự lấy nước mà uống nghe!”. Chú nói “Dạ” rồi nhìn quanh nhà. Nước ứ trên mấy cái chai lâu nay, giờ đã tràn ra, giọt lõm bõm trên nền nhà bấy nhầy. Mấy tấm nứa bị mưa gió quất toe để lộ những vạt trống ướt đẫm. Ông cụ thì vẫn nằm đó, co ro trong một miếng chăn tối màu đã sờn nhiều. Chắc chắn cụ bị đau vậy từ đợt bão vào đến giờ!

Chú tức thì chạy vội về chủng viện. Chú lên giường chú. Chú vơ vội cái chăn bao bọc lại cẩn thận rồi chạy ù ra quầy thuốc. Chú muốn đưa cụ tới bệnh viện nhưng cụ nhất quyết không chịu đi. “Tới giờ tui rồi. Tui sẵn sàng rồi”. Ông cụ nói vậy khiến chú sợ. Chú thay vội chiếc chiếu sưa của cụ. Chú lấy chăn bông của chú đắp lên cho cụ. Chú cố đánh thức để cụ đừng ngủ: “Trời ni lạnh, bác chỉ được ngủ buổi tối thôi nghe!”. Ông cụ lại cố nhoẽn miệng cười. . . Nhưng lần này, mấy nếp nhăn trên miệng không chịu để bị kéo giãn ra nữa. Chú thấy cụ cười mà như mếu. Chú cũng tức cười. Và chú cũng cười mà như mếu theo: “Con…con quét nhà cho bác nhé!”. Nói rồi chú quét nền, quét thật sạch. Chú đổ nước trong mấy chai ra, đổ hết rồi lau khô treo lên. Rồi Chú cũng đưa mấy cái bao ra trước hiên nhà.

Chú ngồi huyên thuyên với ông cụ một hồi lâu. Đúng hơn, chú huyên thuyên một mình. Ông cụ lim dim nghe rồi bỗng thều thào: “Chú này, chắc tui. . . tui không sống được bao lâu nữa…tui trối chú…chú đưa mấy bao đó cho nhà ông Tám nghe!”. Nghe đến đó chú bật khóc. Nhà ông Tám cũng tàn tạ không thua chi nhà cụ. Duy có một điều là nhà ông ấy có hai người: ông đỡ cô độc. Còn cụ, cụ ở đây một mình!

…………………………

Chú cắt dòng suy tư, không nghĩ nữa mà chuyển qua xoa bóp. Chú nắn nắn tay Ông cụ. Chú xoa vai cụ. Chú không muốn điều chú sợ xảy ra. “Bác ơi, khoan đi đã, khoan đã!”, chú nói thầm một mình vậy. Rồi chú lại tiếp tục huyên thuyên không biết bao nhiêu chuyện. Ông cụ nằm, tiếng thở càng lúc càng nhọc. Chú hãi hơn nên trấn an bản thân:

- Bác, bác đừng lo, con không để điều đó xảy ra đâu. Bác uống thuốc rồi tí nữa sẽ khỏe thôi. Chắc chắn vây! Chắc chắn vậy!

Đối lại cụ chỉ lắc đầu cười nhoẽn: “Chú này, cảm ơn chú…tui…tới giờ của tui rồi”.

Nghe vậy, nước mắt chú trào ra. Ông cụ đưa tay ra hiệu chú lấy cái gì đó từ túi áo cụ: Một tượng Đức Mẹ đã mất một mặt đồng, chỉ còn một mặt là nhìn được. “Quà sinh nhật của tui tặng chú” Ông cụ gắng gượng lần nữa “Sinh nhật chú cùng ngày với vị ấy…” Chú nấc thành tiếng…Đã có lần Chú nói với cụ chú sinh ngày 8 tháng 9, ngày sinh nhật của Mẹ. Chú nói thế là để cụ tò mò. Mà đúng là lúc ấy cụ tò mò thiệt. Ông cụ đã hỏi: “Mẹ cậu há?” Chú đáp chắc chắn: “Dạ, Mẹ không những là Mẹ của con mà còn là Mẹ của mọi người…Mẹ Maria đó bác!”. Còn nhớ lúc đó cụ chỉ “à” một tiếng rồi không hỏi han gì nữa. Sau này mới biết là vùng ấy người Cách mạng nhiều. Họ đặt điều bôi xấu đạo. Vì đó mà những người dân đơn sơ như cụ từ lâu đã mất thiện cảm với Đạo Chú. Từ đó Chú tìm cách để nói chuyện được với cụ về bất cứ chủ đề gì mà cụ hứng thú. Lắm lúc đó là chuyện mấy bà trong xóm lội nước bẩn giặt ni- lông để bán lại cho người ta, bị nước ăn chân khiến tiền thuốc nhiều hơn cả tiền bán được, lắm lúc đó là chuyện mấy đứa nhỏ đi lượm mấy tấm nứa người ta vứt ở đống rác vô tình phát hiện ra xác chết hay cả chuyện mấy người trộm vặt bị bắt, bị đánh đến nỗi thập tử nhất sinh…

“Tui cất tượng ấy mấy tháng rồi…chú gắng sống…để…để còn thương…mấy người như tui”. Nói rồi cụ ho một tràng dài. Cơn ho do lấy hết sức để nói, tưởng chừng rách phổi. “Bác ráng uống hết chỗ thuốc này đi bác!”. Vừa nói chú vừa thấy một cảm giác khủng khiếp trào lên trong lòng. Tay chú nắm chặt tay cụ.

“Tui sợ…tui sợ…”. Cụ nhìn chú mếu máo. Tay chú càng nắm chặt tay cụ hơn. . . “Đừng sợ …có Chúa phù hộ bác…Bác đừng sợ!” Chú hỏi ý cụ có muốn vào Đạo không. Cụ bảo cụ hối hận vì giờ sắp chết mới xin vào. Chú bảo không sao rồi tiến hành phép rửa tội cho cụ. Đoạn cụ run lên bần bật rồi bắt đầu mê sảng…

Trong khoảnh khắc chứng kiến sự sống sắp tàn trong cụ, chú nghiệm được con người mới yếu đuối dường nào! Nhìn cụ ngáp, ngáp mấy cái khó khăn, chú cảm nhận được cái sự chuẩn bị bước ra khỏi “cái bình bằng đất” của hồn người!

Vừa kêu Chúa cho cụ chú vừa thấy tiếc nuối vì quãng thời gian trước đây: Mặc dầu có cố gắng nhưng chú đã không gắng hết sức có thể; Chú có vâng lời nhưng không vâng lời hoàn toàn như chú có thể; Chú có thăm hỏi yêu thương người ta nhưng đã không tế nhị như chú có thể…nếu không. . . nếu không thì…

Không! Nói thế thì niềm tin của mình không đặt vào Chúa mà là vào chính bản thân sao!? Nghĩ vậy chú cúi mặt xuống, miệng lẩm bẩm: “Xin thương xót linh hồn Giuse và xin thương xót con!”.

Ông cụ ngáp cá thêm lần nữa. Bụng cụ trương lên từ nãy, giờ đã cứng đơ. Chú vừa kêu Chúa vừa nhìn cụ vì sẽ không còn cơ hội để nhìn lần nữa. Chân cụ lạnh. Tay cụ cũng lạnh! Rồi, giây phút ấy cuối cùng cũng tới. Cụ đã ra đi về với Chúa! Bấy giờ thì chú khóc thành tiếng, không che giấu nữa. Những ý nguyện cầu đã lặng vào trong.

………………………………….

Các anh em được tin chạy tới. Mấy người bà con trong xóm cũng sang thăm. Ai cũng chua xót cho số phận của cụ già đáng thương. Chú Hùng nép mình đằng sau tấm nứa…Chú nín hẳn…vì tin ông cụ về trời rồi. Chú nguyện thầm: Lạy Chúa, xin cho con biết nghĩ đến cái chết để con yêu thích việc sống có ý nghĩa! Amen.

 

ANH HAI, BA VÀ ĐIỀU ƯỚC
(Mã số: 14-084)

- Lát nữa, con đóng cửa rồi đem chìa khóa vào cho Cha!

Đó là câu nói quen thuộc của Cha xứ mỗi khi bắt gặp nó một mình trong nhà thờ. Lâu dần cũng thành thông lệ, cứ mỗi khi lễ xong hoặc khi có chuyện không vui, nó lại tìm đến nhà thờ, chỉ một mình nó thôi, để nó tâm sự với Chúa Giêsu. Với nó, Chúa Giêsu là một người thân trong gia đình và nó luôn thân thiết gọi Ngài là Anh Hai. Nó quỳ xuống hàng ghế đầu tiên, đôi mắt nặng trĩu ngước nhìn lên cây Thập Tự:

- Anh Hai, em chịu đựng như vậy có đúng không? Giờ em phải làm gì?- Tiếng lòng nó mất hút trong khoảng không gian nhà thờ. Nó nhắm mắt lại nhưng những hình ảnh không muốn nhớ cứ đeo bám nó…

—————————–

- Mầy nói đi, tao không thương mầy chỗ nào? Tao cho em mầy cái gì, tao cũng cho mầy cái đó. Vậy mà mầy dám nói mầy tủi thân à, MẦY- TỦI- THÂN- CÁI- GÌ? –Ba dằn từng tiếng một giữa hai kẽ răng.

Hai hàng nước mắt chảy dài trên gò má nó, nó đã quá quen vói những câu nói tương tự rồi, vậy tại sao nó còn khóc? Nó khóc bởi vì nó chẳng biết phải nói gì. Người ta bảo tình cảm không phải là một món đồ nên không thể đong đếm rồi chia đều được, nhưng ba không nghĩ vậy, ba chia đều lắm, từ cái áo, cái quần đến cái bánh, viên kẹo. Thế nhưng, cái nó cần là sự quan tâm kìa, dường như ba chưa bao giờ hiểu điều đó. Càng ngày nó càng trở nên im lặng, lạnh lùng và ít nói hơn. Có lẽ vì vậy bạn bè chẳng ai muốn chơi thân với nó. Nó luôn cảm thấy cô độc, những lúc đó nó thường hay đến nhà thờ hoặc tìm một nơi vắng vẻ để nói chuyện với Chúa. Nó cứ lang thang trên những con đường vắng ngắt, nghe những bài hát không lời thật buồn và nói chuyện một mình. Không đúng, nó đâu có nói chuyện một mình, nó nói chuyện với Chúa mà.

Hôm nay, nó lại không muốn về, nó ở lại trường. Ting… ting… ting… Tiếng chuông điện thoại reo. Nó rút điện thoại ra.

- A lô! Con nghe nè!

- Trưa nay con có về không?

- Không. Hồi sáng con nói rồi mà!

- Con ăn uống gì chưa?

- Con đang ăn nè.

- Vậy ăn xong thì con chuẩn bị bài vở đi, chiều còn học nữa, đừng có đi chơi đó.

- Con biết rồi.

Cuộc gọi đó không phải của nó mà là của thằng bạn nó. Nó xấu hổ, đút vội chiếc điện thoại vào túi, còn thằng bạn nó thì cười hì hì:

- Ba tao đó, bữa nào tao không về là gọi ngay. Phiền lắm!

Tự dưng sống mũi nó cay cay, nó cũng muốn có ai làm phiền nó như vậy, mà tại sao chẳng có ai. Nhiều lúc thấy ba má tụi bạn lên trường đón chúng, nó chỉ biết quay mặt đi để tránh cảm giác tủi thân. Nó kéo vội chiếc mũ lưỡi trai cụp xuống, che quá nửa khuôn mặt lạnh lùng tưởng chừng như vô cảm, để cố tỏ ra mình mạnh mẽ, nó là con trai mà. Rồi nó tự an ủi mình rằng nó lớn rồi, chắc ba má muốn nó tự lập hơn thôi. Vậy mà nó cứ cảm thấy thiếu thiếu điều gì đó, vô hình nhưng rất đáng giá. Nó miên man trong dòng suy nghĩ, những điều nó cố quên lại hiện lên mồn một ngay trước mắt nó:

- Em mầy mà sao mầy cứ gọi là “mầy- tao” hả? Mầy không gọi nó một tiếng “em” được à?

Nó lặng im, mím chặt môi, nuốt từng giọt nước miếng đắng nghét vào lòng, trái tim nó hẫng đi một nhịp, nó tự hỏi chính mình: “Thế con là gì với ba mà ba cứ gọi con là mầy- tao?”. “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, môi trường tạo nên con người, nó chỉ làm theo những gì nó thấy thôi nhưng nếu ba muốn, con sẽ thay đổi, nó tự hứa như vậy. Rồi nó cũng làm được, những tiếng “anh- em” ngượng nghịu đầy cứng nhắc được nó gọi với tất cả niềm hi vọng, hi vọng một ngày nào đó ba sẽ gọi nó là “Ba- con”. Vậy mà…Trong tâm trí nó lại văng vẳng lên giọng của ba:

- Mầy coi con người ta đi, con người ta mới chỉ bằng tuổi mầy mà đã nghỉ học đi làm Sài Gòn, một năm đem về mấy chục triệu. Còn mầy, mầy làm được gì cho tao? Vậy mà suốt ngày còn đau ốm!

Nó không dám nhìn thẳng vào ánh mắt đó, nó lại chỉ biết cúi đầu im lặng. Nó biết, sức khỏe nó không tốt nhưng nó có muốn thế đâu. Nó cũng muốn chạy nhảy, đá bóng với lũ bạn lắm chứ, nó ghét phải ngồi một xó như vậy. Vậy mà ba nào có hiểu. Thế là những lần sau, mỗi khi đau ốm, nó chỉ biết cắn răng chịu đựng, đợi khi mọi người đi ngủ hết nó mới lén mò ra vườn, ngồi khóc một mình, nó không muốn ba má thêm lo. Vậy mà …

————————————-

Nó cố dứt ra khỏi những dòng suy nghĩ, nó đến đây là để nói chuyện với Chúa mà. Nó ngước nhìn lên trái tim Chúa Giêsu:

- Anh Hai, Anh có thương em không? – Từng tiếng nấc nghẹn ngào vỡ ra- Anh có thương em không?. . . Nếu thương em, tại sao Anh để em như vậy?- Nó bắt đầu chấp vấn Thiên Chúa. Khi gặp thử thách, người ta thường hay chấp vấn Thiên Chúa như vậy.

- Em…em không muốn sống thế này nữa!- Những tiếng lắp bắp nó cố nén lại chợt vỡ vụn ra- EM…MUỐN…CÓ…MỘT…GIA…ĐÌNH…KHÁC.

Nó tự lặng đi vài giây để bình tĩnh lại nhưng rồi:

- Tại sao Anh không trả lời em, hả Chúa? Tại sao Ngài không trả lời con? Tại sao? …Tại sao hả Chúa? –Nó thực sự trách Chúa. Giờ đây, nó cảm thấy ngay cả Thiên Chúa cũng bỏ rơi nó, Ngài không còn là Anh Hai của nó nhưng Ngài là Chúa, Chúa của vũ trụ và Ngài có nhiều việc lắm, Ngài quên nó rồi. Những giọt nước mắt lăn dài trên gò má nó. Nó khóc, khóc thật. Một đứa con trai khóc. Thình lình nó im bặt, quệt ngang giọt nước mắt lưng tròng, rồi chợt đôi mắt đó ánh lên, nó lại tiếp tục hi vọng vào Chúa. Nó lại lắp bắp:

- Hai…Hai…có thể cho em một kỳ tích được không? Cho…cho…

Chợt có cái gì chặn ngang cổ họng nó, nó cố nuốt mà không trôi, cái cảm giác nghẹn ắng chèn mạnh dây thanh quản, nghẹn lắm, nó cố gắng mà không thể thốt tiếp được lời nào. Nó quay người ra phía sau, cố ho thật to để khỏi nghẹn, nhưng chợt rùng mình khi nhận ra: ngoài kia màn đêm đã đan dày đặt trên những tấm tơ nhện.

Cái cảm giác ức chế không được giải tỏa cứ hành hạ nó. Chiều nay nó lại bị những cảm giác đó làm phiền, những lúc như thế nó sẽ tìm đến Chúa. À đúng rồi, đến với Chúa. Nó sẽ đến với Chúa. Nó vừa quay lưng định bước đến nhà thờ thì nghe có tiếng người đàn bà hổn hển gọi mình:

- Tí… Tí ơi…Con coi gói ghém đồ đạc rồi xuống bệnh viện với ba con đi!

- Ba…Ba…con bị sao vậy Tám?- Nó há hốc mồm.

- Ba con đi chặt cây, bị cây đâm vào chân phải đi bệnh viện rồi!

Nó hớt hải chạy về nhà, rồi chợt thần người ra khi nhớ đến những điều nó đã nói với Chúa. Chẳng lẽ nào…Nó sợ hãi. Ba…Không…Nó không dám nghĩ nữa. Lý trí bảo nó, chỉ bị thương ở chân thôi, không sao đâu. Vậy mà trái tim nó cứ có cảm giác bất an, thứ cảm giác mà nó chỉ có thể cảm nhận mà không thể diễn tả nên lời. Nó vội vàng cho vài bộ quần áo vào ba lô, dặn dò má vài câu rồi leo lên xe đạp, nó vẫn chưa đủ tuổi đi xe máy, mà ở nhà thì chẳng có ai. Mười sáu cây số, so với quãng đường thường ngày nó đi học thì cũng chẳng nhằm nhò gì. Vậy mà hôm nay con đường sao lại xa dằn dặt đến thế. Từng vòng bánh xe nặng trịch đổ dài theo chút ánh nắng cuối ngày. Chập choạng. Chập choạng rồi. Bóng tối bắt đầu lan dần vào đôi mắt vô hồn của nó. Cạch…Cạch…Cạch. Chiếc xe đạp lao xuống ổ gà làm nó giật mình. Nó như người mất hồn, chẳng hiểu nó đang nghĩ gì nữa. Nó thương ba, nó hối hận, nó bất an và nó đang lo sợ, lo sợ mất đi cái gì đó, một cái gì đó vô hình nhưng rất quý giá. Cái chập choạng của chiều đã nhường chỗ cho cái chếnh choáng của đèn đường trong đêm. Những dòng xe vội vã cứ tạt qua mặt nó, tình cờ, người ta thấy trên khuôn mặt nó có hai giọt nước nhỏ nhỏ lăn dài vào kẽ môi.

- Chẳng lẽ nào…- Nó thì thầm- Anh Hai ơi, em biết lỗi rồi…. em không muốn đổi gia đình khác đâu. Hai…Hai có nghe em nói không? –Nó thẫn thờ hỏi.

Chẳng phải nó sợ ba lắm sao, chẳng phải ba không thương nó sao, chẳng phải…chẳng phải… chẳng phải. . . Nó cứ lan man trong những suy nghĩ rối bời như mớ tơ vò. Nếu không phải đã đến bệnh viện thì không biết nó còn suy nghĩ và tự trách mình những điều gì nữa. Đút vội phiếu giữ xe vào túi, nó chạy đi tìm ba. Nó cố giữ cho giọng khỏi run lên vì xúc động để gọi điện cho cậu,:

- Alô! Ba con nằm ở phòng nào vậy cậu?

- Mầy đang ở chỗ nào?

- Con đang đứng trước cổng bệnh viện.

- Vậy thì mầy đi thẳng, rẽ trái, khi gặp hành lang thì rẽ phải, đi xuống dãy cuối cùng, phòng truyền nhiễm.

- Dạ. Mà sao lại là phòng truyền nhiễm?

- Ba mầy muốn kiếm tiền cho tụi bay nộp học phí nên ở lại trên núi hai, ba ngày liền. Trưa nay lúc đang chặt cây thì lên cơn nóng lạnh, vậy mà vẫn không chịu nghỉ, cứ ráng làm. Trong lúc sơ ý, ba mầy bị cây lao xuống, cắm vào chân. Đưa vào bệnh viện, bác sĩ kiểm tra mới biết ba mầy còn bị sốt rét nữa!

Tự dưng hai hằng nước mắt nó ứa ra, sống mũi nó cay xè. Bây giờ nó đã hiểu, những lúc nó tủi thân vì ba không đến trường đón nó, là lúc ba đang dầm mưa, dãi nắng trên rừng để kiếm tiền cho nó ăn học. Những lúc nó cảm thấy uất ức vì bị ba mắng là lúc ba muốn nó cố gắng học hành để sau này không khổ như ba. Vậy mà nó đã…Nó đã làm gì… Ba…Nó muốn gọi thật to mà có cái gì cứ dằn lòng nó xuống. Hai mắt nó cứ nhòe đi mà đôi chân vẫn cứ bước.

- Đừng vô, bác sĩ mới kiểm tra xong, để ba mầy ngủ tí.

- Ba con ăn uống gì chưa cậu?

- Hồi nãy tao chạy ra trước cổng bệnh viện mua cho ba mầy chút cháo rồi.

- Thế cậu ăn uống gì chưa?

- Để ba mầy ngủ đã, tao từ từ ăn cũng được!

- Vậy thôi cậu đi ăn đi, có con ở đây rồi.

- Ừm, vậy coi ba mầy cần gì thì giúp, có cái nạng bên gường đó.

Nó đứng bên cửa sổ nhìn vào phòng. Ba nằm đó, mu bàn chân trái bị băng kín lại, nhìn mớ bông băng nó đoán chắc vết thương sâu lắm. Phía gót chân, những đường nức nẻ, chai sần cắt sâu vào da thịt. Nó lặng nhìn khuôn mặt ba, khuôn mặt gầy rạc và xanh xao hẳn, hai gò má cóp vào thành hõm sâu hóm. Vậy mà từ trước đến giờ nó vô tâm nên đâu nhận ra những điều ấy. Nó quay mặt đi để tránh cảm giác cố lỗi vì bấy lâu nay luôn trách móc ba. Chợt nó nghe tiếng ba rên khe khẽ, chắc là ba đang đau lắm. Ba co dần chân trái lên rồi từ từ trở người, nó bước vào:

- Sao vậy ba? Ba đau ở chỗ nào?

- Nằm lâu ba thấy khó chịu quá! Mà con xuống đây làm gì?- Ba thì thào hỏi.

Sao lúc trước nó muốn ba gọi nó là “Ba- con”, vậy mà bây giờ điều ước trở thành hiện thực, nó lại xót xa như ai xát muối vào lòng vậy. Ba ơi! Ba hãy la con đi, hãy gọi con là “mầy- tao” như trước kia đi:

- Ngày mai con học thêm dưới này, nên sẵn tiện vô thăm ba luôn. –Nó nói dối.

- Ừm! Con lo học hành đi, ở đây có người lớn lo rồi.

- Dạ! Ba nghỉ đi, con ra ngoài tí.

Nó quay mặt đi, cố bước thật nhanh vì sợ mình không kiềm chế được cảm xúcvà để tránh ánh mắt của ba, ánh mắt mà nó từng nghĩ là ghét nó, là khinh thường nó, trong ánh mắt đó bây giờ còn có cả sự hối hận của nó.

Bệnh viện Phù Cát 11 giờ đêm. Đám muỗi vo ve bên tai làm nó khó ngủ, nó xoay người lại, co cụm trên chiếc ghế đá lạnh tanh kê sát bên hành lang. Dãy bên kia, tiếng lũ trẻ khóc dạ đề trong cái hơi lạnh của đêm càng nghe não nề hơn. Trăng đã lên. Những giọt sương lạnh bắt đầu thấm dần vào người nó. Ánh đèn sáng mờ mờ hắt vào mặt nó, cố gắng lắm nó mới chợp mắt được. Đang lơ mơ chợt nó thấy có bóng ai đó đổ dài lên tường rồi đè lên người nó. Chậm rãi…Chậm rãi…Từng bước…Từng bước một. Hình như có tiếng nạng gỗ chạm vào nền gạch. Rất khẽ. Nó hồi hộp nín thở. Cái bóng càng lúc càng tiến lại gần. Một bước…Hai bước…Ba bước…Chiếc bóng gầy gầy từ từ cúi xuống. Từ từ, rất nhẹ nhưng lại vụng về. Tiếng chăn sột soạt. Ai đó vừa kéo chăn đắp lên người nó. Đôi mắt nó nhòe dần, nhòe dần. Cổ họng nó run lên vì xúc động, nó nghẹn ngào:

- Baaaa…

Một buổi chiều Chúa nhật bình yên đến lạ. Trong nhà thờ, nơi hàng ghế đầu tiên, một bóng người đang quỳ nhưng đầu luôn ngẩng cao, dáng vẻ rất vui tươi, đôi mắt mở to với tất cả niềm hi vọng và cậy tin. Khuôn mặt ấy cứ ngước nhìn lên cây Thập Tự như hoa hướng dương hướng về mặt trời. Hôm nay, nó không buồn nhưng nó vẫn đến nhà thờ. Để làm gì?. . . Để tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã cho nó một kì tích, kỳ tích mà theo thánh ý Ngài là đúng nhất, chứ không phải theo ý mà nó đã cho là đúng nhất. Giờ đây nó đã hiểu, không chỉ lúc buồn nó mới cần đến Chúa, mà ngay cả lúc vui nó cũng cần Ngài, cần Ngài suốt cả cuộc đời. Chợt nó mỉm cười khi nhận ra nỗi buồn dâng lên cho Chúa sẽ biến thành niềm vui. Nó thấy mình thật đúng khi gọi Thiên Chúa là Anh Hai, bởi lẽ chỉ có những người trong gia đình mới hiểu và yêu thương nó như vậy. Nó thì thầm với Chúa:

- Em cảm ơn Anh Hai. Nhiều…Nhiều lắm.

 

BỐ TÔI LÀ “ÔNG TỪ”
(Mã số: 14-085)

Nó cầm chiếc điện thoại trên tay bấm số của bố nó nhưng mãi không gọi về. Nó đang rất vui vì sau thánh lễ Truyền tin tối nay, nó đã nhận được thư hồi đáp của cha bề trên dòng Missionaries of the Poor (Dòng Truyền giáo phục vụ vì người nghèo), Ngài sẵn sàng hướng dẫn và giúp đỡ nó tìm hiểu ơn gọi vào dòng này. Nó xem đây là một bước ngoặt thành công đầu tiên trong con đường tìm hiểu ơn gọi của nó, mặc dù con đường đó còn rất dài và nó biết sẽ có rất nhiều thử thách đang chờ phía trước; nhưng nó tin tưởng bởi vì nó luôn tự hào có một người bố tuyệt với, đã hy sinh rất nhiều cho nó có được như ngày hôm nay.

Bố nó trước đây vốn là một ông xóm trưởng rất được người dân trong xóm tín nhiệm, tương lai sự nghiệp của ông đang rất sáng lạn, bởi người ta đang muốn đưa ông vào làm ở một vị trí cao trong cơ quan của xã, lúc ấy nó vẫn đang còn rất nhỏ, nó không hiểu gì về công việc của bố; nhưng bọn đàn anh trong xóm bảo với nó: Nếu bố mày được làm ở Ủy ban xã thì lương của ông không những nuôi anh em chúng mày ăn học cao, mà nhà mày còn xây nhà lầu, xe hơi… rất giàu đấy.

Ở trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, tuy bố nó làm xóm trưởng gần hết một khóa rồi, nhưng tính của ông rất thẳng thắn và luôn trong sạch trong công việc, (cũng chính nhờ điều này mà ông được người dân tín nhiệm thêm) tiền lương của ông xóm trưởng vừa đủ nuôi gia đình nó sống qua ngày. Nó rất hứng khởi vui mừng bởi người ta nói nhà nó sẽ giàu, sẽ có xe hơi, nhà lầu… và không chỉ có bọn đàn anh trong xóm nói như vậy, mà cả cô – chú, bà nội rồi các thầy cô bên trường dạy nó cũng nói như vậy. Nó rất tự hào và nghĩ rằng: “Tương lai của nó rồi sẽ vô cùng hạnh phúc, bởi nó sẽ được học lên rất cao, rồi gia đình nhà nó sẽ rất giàu”. Mỗi lần nhắc tới điều này, lũ bạn trố mắt với vẻ thán phục; nó lại càng thêm thích thú và tự hào hơn.

Thế nhưng, trước ngày đại hội xóm; ngày mà bố nó mãn khóa xóm trưởng đang làm và có khả năng rất cao, sẽ được người ta tín nhiệm vào một chức vụ cao hơn trong ủy ban xã. Trong bữa cơm trưa với gia đình:

Bố ơi! Ngày mai người ta sẽ chọn bố làm ở dưới xã phải không? Con nghe người ta nói, bố làm ở dưới đó thì tiền lương sẽ nhiều lắm? – Nó vừa nói, vừa nhai miệng cơm đầy.

Ông bố vừa cười nhẹ vừa nhìn vẻ mặt ngây thơ của nó rồi nói:

Phải, nếu được làm ở dưới xã thì bố sẽ nhận được nhiều tiền hơn. Nhưng bố sẽ không làm đâu.

Tại sao vậy ạ? – Nó trố mắt ngạc nhiên hỏi.

Phi này, con phải cố gắng học hành chăm chỉ; bố sẽ cố gắng kiếm tiền cho con ăn học cao. – Bố nó đáp.

Bố sẽ xin làm giáo lý viên của giáo xứ đấy. – Mẹ nó gắp thêm thức ăn vào chén nó và nói.

Nhưng làm giáo lý viên thì cha xứ đâu trả tiền cho bố? – Nó thắc mắc quay sang hỏi mẹ.

Mẹ nó cười và bảo:

Rồi sau này lớn lên, con sẽ hiểu lý do của bố.

Ngày đại hội, nó theo Bà nội đi ra nhà văn hóa xóm để tham dự. Bố nó được người ta bầu làm thêm một khóa xóm trưởng và được đưa vào ứng cử viên của xã. Nhưng, như bố nó đã nói trong bữa cơm ngày hôm trước, ông cảm ơn sự tín nhiệm của bà con trong xóm và từ chối những chức vụ mà người dân trong xóm đang bầu ông làm.

Ông trở về làm đơn xin vào đội ngũ giáo lý viên của giáo xứ 2 năm, sau đó lại được bà con trong giáo xứ cử ông làm “ông từ” giữ cửa nhà thờ thêm 4 năm nữa. Trong những thời gian đó, tuy công việc của bố không có lương, nhưng nó vẫn được ăn học đàng hoàng; nhiều lần kinh tế của gia đình nó rất tồi tệ khiến nó lại suy nghĩ rồi lại trách về lựa chọn công việc của bố mình lúc trước, có lúc nó dường như phát cáu và muốn giận ông bố mình vì nghĩ ông đã không cho nó một tương lai sáng hơn hiện tại. Nó phải vừa làm phụ công việc cho mẹ ở gia đình, vừa phải lo việc học hành; đôi lúc nó mệt mỏi và nghĩ mình bị làm quá sức, không được bố mẹ thương yêu hơn lũ bạn bè cùng lứa.

Bố nó làm giáo lý viên của xứ bận rộn với những việc tìm hiểu, soạn bài rồi lên lớp… khi ông được làm “ông từ” thì ông lại càng bận rộn hơn, hầu như cả ngày ông chỉ quanh quẩn ở nhà thờ, quét dọn lau chùi mọi thứ, rồi chuông lễ, chuẩn bị sách đèn… Ông không có thời gian tham gia vào việc đồng áng cũng như kinh tế của gia đình, kể cả ông đã vắng mặt trong bữa cơm gia đình là điều thường xuyên. Tất cả mọi công việc gia đình và 9 đứa con đều gánh lên vai mẹ nó, người phụ nữ yếu ớt nhưng chưa một lần than vãn điều gì với chồng. Bà luôn mĩm cười bởi bà biết lý do để chồng bà từ chối công việc tốt, có lương cao bên xã hội để hy sinh phục vụ những công việc cho giáo hội, giáo xứ một cách công không như vậy.

Nhưng kể từ lúc bố nó làm giáo lý viên, rồi làm “ông từ”; anh em chúng nó luôn được người ta khen là những đứa trẻ thánh thiện, siêng năng kinh hạt, tham dự thánh lễ…, bởi vì bố nó mặc dù bận rộn công việc của nhà thờ, nhưng vào những buổi tối hay bất cứ lúc nào có thể đều dạy và làm gương đạo đức cho anh em chúng nó theo. Đối với riêng nó, kể từ lúc bố nó làm “ông từ” ngoài việc học hành và phụ giúp mẹ một vài công việc nhà, nó thường theo bố đi vào nhà thờ quét dọn bà ghế, cung thánh, viết bảng… Rồi nó được chọn vào ban lễ sinh của giáo xứ, nó luôn chu toàn bổn phận là một cậu lễ sinh siêng năng và đạo đức.

Thời gian trôi qua, nó thi đậu vào đại học và được lên phố học hành; nó tìm hiểu ơn gọi và quyết định vào dòng sau khi ra trường. Nhìn những cậu công tử con nhà giầu, phần lớn rất hư hỏng cách này hay cách khác; giờ đây, nó đã hiểu lý do vì sao bố nó không chọn công việc kiếm nhiều tiền hơn, mà lại chọn việc hy sinh làm việc không lương cho giáo xứ, hiểu được mục đích mà công việc của bố nó làm sẽ mang cho nó một tương lai tuyệt vời như hiện tại. Và bây giờ đi đâu, làm gì nó cũng luôn luôn tự hào về bố nó và công việc của ông.

Tiếng xe của bà bán bún trước cổng phòng trọ kêu cót két, nó giật mình tỉnh giấc; vì vui mừng mà nó đã ngủ thiếp đi lúc nào không hay, trên tay vẫn cầm chiếc điện thoại với số của bố nó mà chưa kịp bấm gọi; chuông nhà thờ báo giờ lễ ngân lên vang vọng bên tai nó, nó mỉm cười và lẫm bẩm “Bố tôi là ông Từ”.

 

THIÊN CHÚA QUAN PHÒNG
(Mã số: 14-088)

Hồng, một cô bé nhỏ nhắn và dễ thương. Khuôn mặt em tròn trĩnh đáng yêu lắm, má lúm đồng tiền. Ai cũng bảo, con bé này “đáo để”. Nó lớn lên, rồi sẽ có khối thằng phải “chết”, mẹ nó chỉ mỉm cười và âm thầm cầu nguyện.

Thời con gái, mẹ của Hồng là một cô gái xinh đẹp, ngoan đạo. Cô gái ấy có một giọng hát rất tuyệt vời. Giọng hát của cô khiến cho bao tâm hồn tín hữu hướng lòng lên Chúa. Đó là một hồng ân mà Thiên Chúa ban cho. Cô luôn cảm tạ Chúa về điều đó. Mỗi khi được hát đáp ca, cô luôn chuẩn bị rất chu đáo. Cô muốn hát hết mình, hát bằng cả tấm lòng, cả tình yêu. Cô gái thùy mỵ nết na ấy là niềm ao ước của bao chàng trai trong xứ đạo.

Duyên phận của người con gái ấy được định trong một lần rất tình cờ. Giáng Sinh năm ấy, cô vừa tròn hai mươi tuổi, cái tuổi xuân xanh mơn mởn và trái tim rung cảm. Một thanh niên ngoại đạo đi xem lễ, nghe giọng hát của người thiếu nữ cất lên, anh đã mê. Ngày qua tháng lại, người thanh niên ấy thường xuyên đến nhà cô gái. Anh đi tán nàng. Bởi anh mê nàng lắm. Một người con gái vừa dịu dàng vừa xinh đẹp. Hẳn là anh đã “chấm” nàng ở cả tính nết lẫn nhan sắc. “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, cô đã chọn anh. Anh vừa đẹp trai, siêng năng, chân thành. Sự chân thành của anh khiến lòng cô cảm phục. Tình yêu của đôi bạn trẻ được tôi luyện qua bao thử thách.

Sau một tai nạn, cô gái như vừa bước qua cửa tử. Cô không còn xinh đẹp như trước nữa. Những ngày ấy, cô thật khó chấp nhận sự thật. Chẳng lẽ Chúa Nhân Lành, Người lại nỡ bỏ rơi đứa con bé bỏng của Người sao? Nỗi cay đắng tràn ngập tâm hồn cô. Ngày ngày, anh vẫn đến chăm sóc cô ở bệnh viện. Cô nhận thấy rằng mình không hề bị bỏ rơi. Chúa vẫn cho cô có một người để quan tâm săn sóc và yêu cô thật lòng. Cha mẹ cần cô biết mấy. Mỗi ngày, Thiên Chúa vẫn không ngừng trao cho cô những món quà. Tai nạn có thể cướp đi nhan sắc của cô nhưng nó không thể cướp đi tình yêu mà mọi người dành cho cô. Trái lại, nó cho cô có cơ hội nhận ra rằng sự sống thật đáng quý biết bao. Sức khỏe của cô cũng dần hồi phục, cô được xuất viện. Người yêu của cô mừng lắm. Anh quyết định cầu hôn cô. Cô rất bất ngờ. Cô yêu anh nhiều lắm nhưng không muốn vì cô mà anh phải khổ. Phải chăng, tình yêu ấy chỉ là sự thương hại? Ý nghĩ ấy cứ ám ảnh cô và làm cô rất khổ tâm. Cô tâm sự với mẹ. Mẹ cô là người luôn tôn trọng tự do của con cái, mẹ chỉ âm thầm cầu nguyện:

- Con hãy cầu nguyện. Chúa sẽ cho con câu trả lời. Con gái yêu, hãy lắng nghe tiếng nói của con tim. Mẹ chỉ mong con được hạnh phúc.

Cô thấy nỗi lo của mẹ và chính bản thân cô cũng rất bối rối. Mỗi lần người yêu đến chơi, cô đều tránh mặt. Chàng trai không hiểu điều gì đã xảy ra, lí do nào khiến người yêu tránh mặt mình. Anh khổ tâm lắm. Cô gái đã cầu nguyện thật nhiều. Cô không trốn tránh nữa, cô gặp anh:

- Anh hãy tìm một người con gái khác xinh đẹp hơn em, tài giỏi hơn và có thể đem lại cho anh hạnh phúc. Còn em thì…

- Em đừng nói thế! Anh đến với em chỉ vì anh yêu em. Có thế thôi.

- Nhưng, em không còn xinh đẹp như trước nữa.

- Thế thì đã sao? Anh yêu em không phải chỉ vì em xinh đẹp nhưng anh yêu chính tâm hồn của em.

- Lấy em, anh sẽ phải khổ suốt đời. – Mắt cô đã nhòa lệ.

- Anh không sợ khổ. Anh chỉ sợ không có em bên cạnh, trong cuộc đời anh thôi. Anh sẽ đợi… Anh sẽ cầu nguyện! Cầu nguyện cho em chóng khỏi. – Chàng trai nói trong nghẹn ngào.

Ôi, anh sẽ cầu nguyện. Điều đó khiến cô hạnh phúc biết bao. Hẳn là anh đã học được cách cầu nguyện từ cô ngày nào. Họ nguyện cầu cùng Thiên Chúa tha thiết. Trời se duyên, họ yêu nhau và nhất định lấy nhau. Sự chân thành của anh cuối cùng đã khiến cha mẹ cô gái đồng ý. Anh chàng hứa sẽ học đạo đàng hoàng để xin cưới nàng. Ngày hạnh phúc đã đến, khuôn mặt đôi tân hôn rạng ngời niềm hạnh phúc. Lễ cưới diễn ra trong niềm vui và hạnh phúc của mọi người. Một đám cưới nho nhỏ, đơn sơ giản dị nhưng cả hai đều cảm thấy mãn nguyện.

Họ lấy nhau được hơn một năm thì có một mụn con, niềm vui như vỡ òa trong tổ ấm nho nhỏ ấy. Họ đặt tên con bé là Hồng, Hồng trong hai chữ “Hồng ân”. Chính Thiên Chúa đã chúc phúc cho tình yêu ấy được đơm bông và chắc chắn sẽ có ngày, những bông hoa ấy sẽ kết thành quả ngọt trên cành. Hai vợ chồng cặm cụi làm ăn, nhưng làm mãi vẫn chỉ đủ ăn chứ không khá hơn được. Dầu thế, mái nhà nhỏ vẫn luôn chan chứa tiếng cười. Khi đứa con lớn được bốn tuổi, mẹ nó sinh thêm một em – một cô công chúa. Nhưng niềm vui nào có trọn vẹn. Đứa trẻ có khiếm khuyết ở môi. Nó bị hở hàm ếch. Thật tội nghiệp! Mẹ nó dường như ngất đi khi nhìn thấy đứa con gái bé bỏng của mình. Lòng người mẹ ấy quặn đau, một sự tủi thân và nỗi xót xa khi nghe những câu hỏi ngây thơ của đứa con nhỏ.

-Mẹ ơi! Sao môi của em bé không giống môi của con, hả mẹ?

Người mẹ ấy chỉ kịp vờ ngoảnh mặt đi cố giấu những giọt nước mắt đang chực rơi trên gò má. Chị sụt sịt nói:

- Con phải ngoan, từ nay con làm chị rồi đó.

- A! Làm chị! Con sẽ không khóc nhè nữa. Con sẽ ngoan ngoãn. Mẹ nhỉ?

Người cha buồn lắm, lòng thắt lại, cố an ủi vợ: -Y khoa hiện đại, mình sẽ kiếm tiền phẫu thuật cho con, em ạ ! Nhưng kiếm tiền, mà hơn nữa còn phải kiếm thật nhiều tiền, bố mẹ Hồng sẽ chăm chỉ làm việc, làm vì những đứa con yêu. Ngày ngày, dù ở xa nhà thờ nhưng bố mẹ Hồng vẫn chở nhau đi nhà thờ đọc kinh, chủ nhật hàng tuần thì đèo nhau đi lễ ở nhà thờ xứ. Có những hôm trời mưa gió, đôi vợ chồng trẻ vẫn rất chăm chỉ đi, dù cho quãng đường mười mấy cây số. Khi bé thứ hai bi bô tập nói, mẹ Hồng dạy cho nó đọc kinh. Nó đọc, chao ôi nó đọc, tuy không rõ tiếng như con người ta nhưng nó đọc mà ánh mắt sáng lên. Nó hỏi mẹ nó về Đức Mẹ. Nó yêu Đức Mẹ hơn yêu mẹ nó. Mẹ Hồng vui lắm. Mẹ chỉ dạy có ít lần là bé đã thuộc hết cả kinh Kính Mừng.

Đôi vợ chồng sống rất đạo đức. Cả xóm đạo ai cũng quí mến. Có người bảo, tiếng hát của mẹ Hồng làm Thiên Chúa rất hài lòng, nhưng hẳn là Người hài lòng về cách sống có tình nghĩa và đạo đức hơn là tiếng hát. Ông bà ngoại cũng hài lòng lắm. Ông nội thì qua đời từ khi cha Hồng còn đỏ hỏn, một mình bà nội vất vả nuôi con khồn lớn, đến tuổi xế chiều bà cũng qua đời. Mỗi khi Hồng tò mò hỏi chuyện về ông bà nội, Hồng thấy cha còn thương và nhớ ông bà lắm. Cha mẹ Hồng luôn sống hòa thuận, chan hòa với xóm làng, có quà gì họ cũng chia sẻ. Bố mẹ Hồng nhận mãi thì ngại. Có lần mẹ Hồng từ chối, xin không nhận :

- Bác cứ để cho các cháu bên ấy. Các cháu nhà em có quà rồi ạ.

Bác hàng xóm khua tay:

- Tôi cho hai cháu chứ có cho nhà chị đâu mà chị từ với chối. Chúng nó ngoan nên tôi quý, tôi cho.

Mẹ Hồng cảm động lắm, khuôn mặt ánh lên niềm tự hào. Ở quê, người ta quan tâm nhau, cách quan tâm rất giản dị. Không cần quà cáp nhiều tiền, chỉ đôi ba củ khoai, một quả táo, có lúc là một quyển truyện các Thánh hay một cuốn sách Giáo lý vừa mua khi đi Chầu lượt; có lúc chỉ là đi cấy hay đi gặt lúa cho nhau, làm nhà này xong rồi cùng làm cho nhà khác. Tất cả những cử chỉ ấy gắn kết họ với nhau. Ấy là tình làng nghĩa xóm. Cuộc sống dù không mấy khá giả, có thể nói là rất nghèo, nhưng gia đình nhỏ vẫn chan chứa tình yêu. Có những lúc vợ chồng không tránh khỏi cãi vã vì “ cơm áo gạo tiền”, hay những lúc con ốm, nhưng trong mái nhà nhỏ ấy vẫn luôn có Chúa hiện diện. Cả gia đình rất sùng kính gia đình Thánh Gia. Nhờ đó mà mọi khó khăn trong cuộc sống, cả gia đình đều vượt qua. Thiên Chúa vẫn luôn quan phòng…

Đứa bé đã có cơ hội tìm lại vẻ đẹp mà bao đứa trẻ có quyền nhận được. Cha Hồng đem nó đi phẫu thuật. Nhưng lần này bé chỉ được khâu lại đôi môi, còn phần lợi của bé vẫn chưa làm được. Bé đã bốn tuổi nhưng vẫn chưa đủ cân. Hai cha con đành quay về. Em Hồng chỉ vừa xuất viện có hơn hai tháng thì Hồng phải nhập viện. Cha mẹ Hồng lại tất bật kiếm tiền chạy chữa cho con. Ông bà ngoại dù không khá giả nhưng cũng có một ít tiền tiết kiệm phòng khi tuổi già. Số tiền ấy nay trở thành cứu cánh cho đứa cháu tội nghiệp. Mọi người trong Giáo họ cũng góp thêm vào, kẻ ít người nhiều. Thiên Chúa vẫn làm phép lạ cách tỏ tường trên gia đình bé nhỏ ấy. Hồng bị bệnh viêm màng tai. Căn bệnh đã cướp đi mạng sống của bốn trẻ trước đó. Đến ca của Hồng thì được giới thiệu lên tuyến trên. Thế là cha Hồng khăn gói mang con ra tận Hà Nội chữa trị. Ở nhà, ông bà ngoại, các cậu các dì và cả Giáo Họ hiệp ý cầu nguyện. Nhờ sự tận tình chăm sóc và chữa trị kịp thời, Hồng đã tai qua nạn khỏi. Trước khi xuất viện, Hồng được bác sĩ bế ra tận cổng. Họ mến Hồng, mến vì nghị lực phi thường của cô bé tám tuổi. Mỗi khi chích thuốc hay thay băng, Hồng không khóc. Hồng nói, Hồng đã có Chúa với Mẹ ở cùng. Về đến nhà, bé em ra đón chi. Hai chị em ôm nhau thắm thiết. Bà nội nhìn thấy các cháu của bà yêu thương nhau, bà mừng lắm: – Tụi bay lo xin lễ tạ ơn cho các cháu. Nếu không có Chúa Mẹ giữ gìn, cái Hồng hẳn đã không còn. – Bà Hồng luôn nhắc nhở gia đình Hồng phải tin tưởng vào Chúa quan phòng.

Năm tháng trôi qua, bây giờ Hồng và em gái Hồng đều đã lớn, cha mẹ Hồng đã yếu hơn ngày trước. Trên khuôn mặt đã in màu thời gian, bao gian khổ và nét mặt của sự từng trải. Nhưng gió sương và lam lũ không thể xóa mờ nét đẹp của một con người đạo đức. Cuộc sống lam lũ, bao lo toan nhưng chẳng bao giờ Hồng nghe cha mẹ thở than. Hồng rất hãnh diện và hạnh phúc vì điều đó. Có lẽ, trong tim bố mẹ Hồng, con cái là tất cả. Tình yêu của cha mẹ Hồng đã được ươm mầm trong thử thách và nở hoa trong một ngày xuân nắng ấm. Có những đêm, Hồng thấy mẹ khóc thầm. Hồng thấy thương và yêu cha mẹ nhiều hơn. Hồng cảm nhận được tình yêu vô bờ bến của cha mẹ. Hồng thấy lòng tràn ngập một tình yêu thương đến lạ.

Một ngày, Hồng tâm sự với mẹ về ước mơ của mình. Hồng muốn đi tu. Hồng muốn dâng cuộc đời mình cho Chúa để phục vụ tha nhân và cầu nguyện cho các linh hồn. Mẹ Hồng mỉm cười. Nụ cười đem lại cho Hồng niềm vui và sự dịu ngọt. Cha Hồng nhắn nhủ con gái: Chúa đã ban cho cha mẹ tình yêu, ban cho cha mẹ có các con. Giờ cha mẹ xin dâng các con cho Chúa Nhân Lành. Hồng ôm chầm lấy cha. Nước mắt chảy tràn mi…

 

NHƯ LÀ ĐỊNH MỆNH
(Mã số: 14-089)

“Lòng thương xót Chúa ấp ủ tôi suốt cuộc đời”

Tình duyên ngang trái

Công việc làm ăn của ông bà Hai dạo này có vẻ phát đạt lắm, thi thoảng cuối tuần sau khi xem lễ về, ông bà lại thường tổ chức tiệc tùng mời bạn bè trong giới về tham dự. Bất chợt một hôm, Tuấn gặp lại Khánh Ngân cùng cha mẹ đến chơi nhà Tuấn. Ông bà Tư Lụa là bạn làm ăn lâu năm của gia đình ông bà Hai. Hai bên nhà ngỏ ý gắn kết đôi trẻ trăm năm. Hồi lên Sài Gòn trọ học, cuối tuần Tuấn thường dự lễ Chúa nhật ở nhà thờ lớn. Mấy lần Tuấn tình cờ gặp một cô gái có đôi mắt trong veo biết nói, cô là Khánh Ngân con ông bà Tư Lụa có cửa hiệu buôn to trên phố gần nhà thờ. Trong nhà Tuấn có cô người ở tên Ngọc Lan, tánh tình hiền lành chất phác. Tuấn thầm thương trộm nhớ rồi cuối cùng cũng thổ lộ với Lan. Còn Lan, được cậu chủ để ý là điều cô không ngờ, cô thấy vui và hạnh phúc lắm, nhưng cô sợ ông bà chủ biết thì chết cả hai. Giờ thì nghe đến chuyện hôn nhân, Tuấn biết chuyện không thể cứu vãn, anh lo âu buồn bã, song vì cha mẹ, anh đành chấp thuận hôn sự nầy

Đêm trước ngày thành hôn, Tuấn hẹn gặp Lan ở bờ sông sau nhà. Gặp Tuấn, Lan chỉ biết khóc mà không nói gì. Chuyện vãn hồi lâu Lan cũng trao đời con gái cho anh, cô khóc cho tình duyên mình ngang trái, khóc cho phận mình lỡ làng. Sau đêm hôm ấy, không ai biết được Lan đã đi đâu duy chỉ có một người.

Cưới nhau đã nửa năm mà Ngân và Tuấn vẫn chưa hề có một ngày vui vì chưa có tin mừng, hai người đã thăm khám khắp nơi mà vẫn tuyệt vọng. Phần Tuấn, hằng tuần mỗi lúc dự lễ Chúa nhật anh đều cầu xin Người cho anh thỏa nguyện ước và anh cũng không quên cầu xin Người ban phước bình an cho Lan ở phương trời nào đó.

Chiều nay ông Sáu lại lén mợ Ngân mà mang mấy gói mì sang cho Lan. Thật ra Lan không đi đâu xa, cô chỉ cách Tuấn con sông qua bên kia xóm mà không ai hay biết ngoài ông Sáu, người đã vun đắp tình cảm cho cô và Tuấn nhưng không thành. Ở giai đoạn cuối của thai kì, Lan mệt mỏi và yếu lắm, cô lần nhớ ra mấy kinh mà trước đây bà Hai có dạy cho cô, sau này ông Sáu mang cho cô nhiều sách kinh hơn, cô đọc mỗi khi rảnh rỗi buồn tẻ. Dần dà chuyện ông Sáu sang sông Tuấn cũng biết và vui mừng hơn vì biết tin Lan có bầu, kết quả của cái đêm trước ngày thành hôn của anh. Tuấn giấu Ngân đưa cho ông Sáu một khoảng tiền lo cho Lan sanh nở mà cô không hề biết. Lan đặt tên cho con là Minh Tú mà hy vọng rằng rồi đây đời con sẽ sáng sủa hơn đời mình. Nhiều đêm ru con mà Lan khóc thầm trong dạ, lời ru buồn bã vẳng trong xóm ven sông xen lẫn lời kinh nguyện tha thiết.

Từ khi biết mình không thể có con, Ngân buồn bã thất vọng và nhất là cô sợ mất Tuấn. Khi hay tin Tuấn có con với người ở cũ là Lan thì cô vô cùng tức giận nhưng cái lý trí của một người đàn bà có học đã thắng. Toan tính nghĩ suy cuối cùng Ngân quyết định bắt con mà ép Lan về ở với mình. Lan vì thương Tuấn và con, muốn gần chồng mà con thì được đủ đầy sung túc, không cách nào khác cô đành chấp nhận cho Ngân danh chánh ngôn thuận làm mẹ của bé Tú, còn cô về phận người ở như ngày trước ở với ông bà Hai. Cô được mợ chủ Ngân dựng cho một căn nhà lá sau vườn hướng xoay ra bờ sông để tá túc.

Ngọn lửa oan nghiệt…

Trời đã tối mịt mà Lan vẫn chưa thấy Tuấn về, ban chiều Tuấn vội qua xóm có việc gì gấp lắm. Ngoài ngõ, mấy con chó sủa inh ỏi, từng cơn gió lùa xốc vào mát lạnh cả căn nhà lá nhỏ hẹp của Lan. Dưới bóng đèn dầu leo lét, Lan ngồi khâu lại mấy cái áo cũ đã sờn.

Bên nhà Ngân, đèn vẫn còn sáng. Ngân phận là vợ chánh thức của Tuấn, được cha mẹ hai bên cưới hỏi đàng hoàng, lại được bổn đạo dự lễ cưới ở nhà thờ hẳn hoi. Còn Lan, người đến trước, lại có con trai với Tuấn nhưng vì phận người ở không môn đăng hộ đối cũng không được ông bà Hai cha mẹ Tuấn chấp nhận…Trên bàn, ly nước đậu đen hãy còn nóng hổi mà khi nãy cô Ngân mang sang cho Lan, Lan lại để dành cho chồng. Chân nam đá chân chiêu, trời hanh hao gió và sặc mùi rượu, Tuấn về nhà đã say khướt. Lan dìu chồng vào nghỉ và không quên cùng anh uống cạn ly nước đậu. Uống hết ngụm nước đậu, Tuấn lăn ra ngủ say, Lan cũng dọn dẹp kim chỉ và tắt đèn đi nghỉ sớm.

Quãng nửa đêm, tiếng chó sủa, tiếng chân người chạy huỳnh huỵch trong xóm.

- Cháy! Bà con ơi, cháy! Cứu! Cứu với!

Ngọn lửa bốc quá mái nhà Lan nhưng bên trong không thấy động tĩnh gì. Mọi người hò hét đập cửa, ông Sáu người giúp việc cho ông bà Hai cũng chạy sang, cuối cùng ông lôi được Lan ra ngoài. Mãi sau khi dập hết ngọn lửa mọi người không thấy Tuấn đâu thì hỡi ôi…. Bên nhà Ngân, thằng nhỏ Tú cứ khóc ngặt, ánh mắt của đứa trẻ lên năm ngây thơ nhòe ướt.

-Kế hoạch bị phá sản rồi! Nhân cớ này ta cứ phao tin con Lan đốt nhà giết chồng hòng chia chác tài sản. Hai mắt Ngân long sòng sọc, đám người lẻn về trong đêm tối.

Về phần Lan, sau đám tang chồng, vì không chịu nổi cảnh chì chiết nguyền rủa của Ngân mà cô đã ra đi. Ông bà Hai đang trên tỉnh mà hay tin con bị chết cháy thì vội vàng trở về, không lâu sau đó vì buồn bã nhớ con mà sanh tâm bệnh, ông bà đã quy tiên đột ngột, bổn đạo trong họ đến cầu kinh suốt mấy tuần liền. Ông Sáu, vì nợ lời hứa với một người mà đưa Lan đi biệt không trở về. Ông đã chứng kiến không biết bao nhiêu lần mợ Ngân ném đá giấu tay với cô Lan nhưng không thành. Còn Ngân, sau khi Lan và ông Sáu bỏ đi, cha mẹ chồng đều đã về với tổ tiên, mình cô bơ vơ nên cô cũng vội bán hết ruộng vườn, vơ vét tài sản rồi ôm Minh Tú lên đường sang Mỹ định cư theo anh em cô.

Đoàn tụ, thời gian thấm thoát thoi đưa…

Người trong xóm chợ đã quen thuộc với hình ảnh một ông lão sáng sáng gánh hàng dọn ra chợ và một người đàn bà hãy còn trẻ xách giỏ theo sau. Từ khi thoát khỏi căn nhà đầy ác mộng ấy, ông Sáu và Lan dắt díu nhau lang bạt khắp nơi cuối cùng cũng dạt về xóm này, mới đó mà đã hai mươi năm tròn. Hằng đêm Lan nhớ chồng mà khóc sưng cả mắt rồi thêm nỗi nhớ con da diết mà không biết bây giờ con sống ra sao…Thời gian đầu Lan như người điên, cứ nửa mê nửa tỉnh, mê thì miệng lẩm bẩm mỗi kinh Kính mầng mà tỉnh thì hỡi đâu, cô khóc tưởng rằng mù hai con mắt. Độ bảy tám năm sau đó, cô tỉnh hẳn, được bà con trong xóm chợ nghèo góp cho chút tiền làm vốn mà mở gánh chè ngoài chợ sống cho qua ngày. Cuối tuần cô và ông Sáu đều đặn đến nhà thờ xem lễ với bà con xóm đạo trong xóm chợ, cô cầu cùng Đức Chúa cho mình được bằng an và hơn hết là được một lần gặp lại con.

Tình cờ hay là sự sắp đặt của thánh ý Thiên Chúa… Một bữa nọ trời trưa nắng gắt, chợ đã vãn, một vài người còn cố thu dọn sạp hàng rồi trở về, bỗng một góc chợ lao xao chạy ngược xuôi gọi xe cấp cứu. Một vụ đụng xe trước chợ làm xóm nghèo náo loạn, bà con túm tụm thì hỡi ôi. Bà Năm vịt lộn kêu thét:

-Lan! Lan! Tỉnh dậy đi em! Gọi cấp cứu nhanh lên bà con ơi…. Mặt mũi nó đầm đìa máu thế này….

Trong bệnh viện, phòng cấp cứu với tiếng tít te phát ra từ chiếc máy đo nhịp tim vẫn đều đặn. Ngoài hành lang, bà con xóm chợ quây kín xôn xao…

- Tui thấy cổ gánh đồ về ra tới đó rồi sao chập choạng chới với rồi té ụp xuống, vừa hay xe của hai cậu đây ngang qua, đầu cổ va vào xe mà đầm đìa máu vậy đó! Cô Ba trái cây kể về cái sự cố đụng xe lúc nãy. Hai thanh niên trẻ trên ô tô cũng lo lắng hồi hộp không kém. Cửa phòng đã mở, vị bác sĩ già thông báo cô Lan chỉ bị chấn thương phần mềm không nghiêm trọng đến tánh mạng nhưng cần phải tĩnh dưỡng thêm vì cô ấy bị suy nhược cơ thể cấp. Mọi người mừng rơn.

Người lái xe hôm ấy là Minh Tú, tuy lỗi không do anh nhưng anh thấy áy náy lắm. Về nước cùng mẹ Ngân lần này, Tú tập trung vào tìm kiếm đối tác để làm ăn, nào ngờ đâu bao sự tình cờ như là mộng báo. Trong lúc Minh Tú xuống làm thủ tục đóng viện phí thì anh hốt hoảng, giống như có một luồng điện vừa xẹt ngang người anh vậy… Nguyễn Thị Ngọc Lan, sinh ngày 6 tháng 6 năm 1966. Tú giật mình vì ngờ ngợ khi gặp mặt, cả ông già đi bên bà ấy nữa, sao Tú thấy quen quen, hình như anh đã gặp ở đâu đó nhưng anh không tài nào nhớ được…Lúc lên phòng anh gặp riêng ông Sáu mà đem nỗi hoài nghi tâm sự, nào ngờ…Cuộc trùng phùng đầy bất ngờ ấy đã cho Tú nhận ra người mẹ hơn hai mươi năm xa cách mà anh chưa hề biết. Xúc động hơn anh biết mình có đạo từ thuở nhỏ lúc theo ba lên nhà thờ, tên thánh của anh là Phanxico Xavie. Còn riêng Tú, anh đi từ ngạc nhiên này đến hết ngạc nhiên khác. Hồi còn bên đất Mỹ, không hiểu sao anh thường xao xuyến trước vẻ đẹp tráng lệ của các ngôi thánh đường, nào ngờ thánh ý Chúa đã sắp đặt cho anh. Qua cuộc trò chuyện với ông Sáu thì Tú còn biết được những việc động trời mà má Ngân đã giấu anh suốt hai mươi năm qua. Tuy vậy Tú vẫn hoài nghi trong lòng, vì mỗi khi nhắc đến cái chết của ba, má Ngân chưa bao giờ kể chi tiết mà Tú chỉ biết ba chết vì cháy nhà và má Ngân luôn nhắc đến một người đàn bà nào đó đáng nguyền rủa đã gây nên cái chết của ba. Ông Sáu hiểu lắm khúc tơ lòng đang rối trong Tú nên đã bày cách cho Tú để chính miệng má Ngân thừa nhận mọi lỗi lầm đã gây ra trong quá khứ. Người trợ lý đi cùng Tú đã gọi điện thông báo cho bà Ngân về việc cậu chủ gặp tai nạn. Ngân hốt hoảng vội vàng hỏi địa chỉ mà bắt taxi đến. Tú đã lánh vào trong. Tại phòng bệnh hôm ấy, một cuộc gặp gỡ mà cả hai người không thể ngờ tới, đó là Ngọc Lan và Khánh Ngân của ngày nào. Cuộc đối đáp giữa ông Sáu và Ngân dần hé lộ ra nguyên nhân cái chết của Tuấn. Bất ngờ Tú xuất hiện, Ngân run lên vì sợ, đó là dấu chấm hết cho sự gian dối mà cô che giấu suốt hai mươi năm qua. Tú không thể ngờ người nuôi dưỡng anh hai mươi mấy năm qua không phải là mẹ đẻ anh, càng đau đớn hơn chính bà là người làm chia cắt tình mẫu tử thiêng liêng của anh và càng ghê tởm hơn chính bà đã gây nên cái chết oan nghiệt của ba anh. Anh không thể nào tha thứ cho bà. Ngân lạy lục van xin Tú trong tuyệt vọng, cái điều cô lo sợ bấy lâu nay đã chực trào ra, cô thầm trách ông trời sao bất công với mình. Lo lắng về cái giá phải trả Ngân ân hận muộn màng.

Trở về…

Xóm chợ cũng là xóm đạo hôm ấy vui mừng quá đỗi vì Lan đã tìm được người con bấy lâu xa cách. Người ta kéo đến chúc mừng bà vì ý nguyện bà và cả xóm cầu xin đã được Chúa thương tình chấp thuận. Vui nhất vẫn là Lan vì Minh Tú đã đi học giáo lý và được trở lại đạo, Tú đã dọn về xóm chợ này ở với cô và ông Sáu, niềm vui ánh lên trong mắt mỗi người thật mãn nguyện tròn đầy. Trước bàn thờ, ông Sáu tay run run thắp nén nhang mà khấn rằng…

-Lạy Chúa, lạy Chúa tôi, tôi tạ ơn Người!

. . . rồi ông nhìn sang di ảnh của Tuấn.

- Cậu chủ ơi tôi đã đợi hai mươi năm rày mới có ngày hôm nay. Cậu Tú đã trở về, mợ Lan vẫn bằng yên vô sự, coi như tui giữ trọn lời hứa với cậu rồi nghen!

Về phần Ngân, cô luôn sống trong sự cô đơn và tuyệt vọng, cái giá phải trả cho những lỗi lầm của cô đã gây ra trong quá khứ. Minh Tú không thể nào tha thứ cho má Ngân nhưng lòng anh lại rộn những luồng suy nghĩ trái chiều. Dù gì anh cũng sống bên má Ngân từ nhỏ, một cú sốc quá lớn khiến anh chao đảo, liệu anh có nên tha thứ cho má Ngân hay không. Hằng đêm anh cầu nguyện cùng Chúa, xin người giúp anh chọn lấy phương cách tốt nhất, anh đem tâm sự nầy mà giãi bày với má Lan. Thấu hiểu suy nghĩ của con, Lan khuyên con mọi lẽ phải trái thiệt hơn.

- Dầu gì ba con cũng đi xa hai mươi năm rồi, má mong ba yên nghỉ, còn má Ngân, má nghĩ chắc cô ấy cũng ăn năn hối hận dữ lắm rồi, con tha thứ cho má Ngân đi!

Tú lặng lẽ không nói lời nào, có lẽ đây là ý Chúa chăng. Một người mẹ hiền từ nhơn đức thế này mà anh xa cách bấy lâu nay quay về gần gũi. Lời mẹ ấm áp quá, sao mẹ có thể tha thứ dễ như vậy. Hàng loạt câu hỏi rối bời trong anh. Và rồi anh cũng quyết định, Lan thật bất ngờ. Tú đón má Ngân về sống chung một mái nhà với má Lan, vì theo anh, anh có hai người mẹ, dẫu quá khứ có là gì đi nữa thì họ vẫn là mẹ của anh, hai người mẹ bình đẳng trong anh. Sự hối lỗi của Ngân đã làm Lan và Minh Tú cảm động đến chảy nước mắt. Ngân đã xin trở lại đạo và năng tham dự các hoạt động đoàn thể trong xứ, vì theo cô, chỉ có như vậy thì cô mới có thể chuộc lại một phần nào lỗi lầm của mình mà cô đã gây ra trong quá khứ, cô luôn hy vọng rằng Chúa sẽ thương nhận lấy sự trở lại của cô.

Ngày giỗ Tuấn năm nay lại thêm rộn ràng. Ông Sáu, Ngọc Lan, Khánh Ngân và Minh Tú bấy nhiêu con người ấy đã trải qua biết bao thăng trầm bể dâu trong quá khứ nay lại có thể về chung sống dưới một mái nhà bằng yên, tất cả chỉ có thể là hồng ân Thiên Chúa.


BẦU TRỜI RỘNG MỞ
(Mã số: 14-090)

Ngày còn bé chúng tôi rất thích tụ tập chơi các trò chơi dưới ánh trăng. Cứ mỗi mùa trăng lên là nhà thờ giáo xứ tôi lại đông nghịt bọn con nít. Chúng gọi nhau í ới dọc theo con đường nhỏ dẫn vào ngôi thánh đường khuất bên đám bạch đàn ngút ngàn, để lộ thánh giá với ánh hào quang trên nóc tháp chuông nhà thờ. Thánh lễ bắt đầu, vang vọng tiếng trẻ con thưa kinh ríu rít nhộn nhịp hẳn lên. Lễ xong, chúng ùa ra như bầy vịt con tìm đàn, cố chạy theo người giáo lý viên dạy mình để được ghi danh siêng năng. Rồi tha hồ hòa vào những trò chơi dân gian, tiếng cười tí tắt vang khắp một vùng. Tất cả dệt nên bản tình ca đồng quê.

Màn đêm tĩnh lặng yên ả của làng quê, bỗng náo động như ngày hội, hạnh phúc bao trùm cả xóm đạo. Ngày ấy, đứa nào cũng như tôi, luôn thèm khát được đến với Chúa, dù đã đi lễ sáng tối, nhưng vẫn không đủ để thỏa cơn thèm được múc lấy hạnh phúc từ nơi thánh đường nhỏ ấy.

Thời gian cứ mãi trôi, chúng tôi dần lớn lên, Thánh Lễ cũng dần thưa thớt người. Chạy theo với cuộc sống hiện đại, chúng tôi dường như lãng quên Chúa, lao đầu vào việc học chỉ còn giữ mỗi ngày lễ Chúa Nhật. Thuở ấy, tôi được mệnh danh là thông minh, học giỏi và chăm chỉ, cả hiểu biết cuộc sống đời lẫn đạo. Trong xóm không đứa nào bằng, bố mẹ rất hãnh diện về tôi.

Thế rồi, cũng đến lúc phải đi qua ngã rẽ của đời học sinh, đứng trên bục vinh quang, tôi bước vào kì thi đại học. Đó là một bước ngoặc mới, bước ngoặc khó khăn nhất, nhưng với tôi nó không mấy đáng sợ. Tôi lên thành phố thi và trở về với vẻ mặt vui tươi đợi chờ kết quả. Khi ấy tôi năng đến nhà thờ đến nỗi nhiều người ở xa tưởng tôi là một nữ tu nên cúi đầu chào.

Cuối tháng tám giấy báo về tận nhà, tôi không mảy may lo lắng hay hồi hộp. Liếc mắt nhìn tờ giấy cầm trên tay, tôi như chết lặng, bầu trời bỗng nhiên tối mịt, tất cả như ngừng chuyển động, để lại trên không trung mình tôi với bao nỗi tuyệt vọng. Tôi không tin vào mắt mình và cố biện minh cho điều đó nhưng sự thật vẫn là sự thật.

Một ngày rồi lại hai ngày, tôi không dùng cơm cùng gia đình, cũng không nói với bất kì ai một lời. Thậm chí tôi không dám bước chân ra khỏi nhà bởi cái tính tự cao không cho phép tôi gặp gỡ mọi người. Sợ phải nghe những lời khinh chê của hàng xóm, sợ lắm khi tôi đã làm cho ba mẹ thất vọng, mọi thứ trong tôi rối bời. Không dám đối mặt với sự thật, tôi thu mình vào cái vỏ ốc cứng nhắc, tất cả những lời khuyên với tôi đều vô ích. Lí trí đã bị đánh bại, nhường chỗ cho tính kiêu ngạo chỗi dậy mãnh liệt. Tôi trách Chúa sao nỡ đối xử với tôi như thế, tôi đã rất cố gắng, rất chăm chỉ, để rồi nhận được kết cục này sao. Tôi không buồn đến nhà thờ nữa. Một tuần rồi hai tuần, thiết tưởng mình sẽ tốt hơn nhưng càng như thế tôi thấy lòng càng trĩu nặng, day dứt.

Ngày 14 tháng 9, lễ Suy Tôn Thánh Giá. Tôi quyết định gạt qua tất cả để đến tham dự Thánh Lễ. Vừa bước vào cổng, tôi nghe có tiếng xì xào của mấy bà hàng xóm: “Con ông L mà học hành gì, thi rớt đại học, thua con tui mà bày đặt”. Nghe chưa dứt câu mà tim tôi đau nhói, nghĩ đến ba mẹ mà thương lắm khi niềm tự hào của ông bà đã bị vụt tắt. Tôi ghét cái thế gian đáng sợ này này.

Thánh lễ bắt đầu, tôi nhanh chân bước vào ngôi thánh đường đầy ắp kỉ niệm mà giờ đây trong tâm trí tôi nó đang bị nhấn chìm xuống tận đáy đại dương. Bài thánh ca vang lên, nước mắt tôi bắt đầu ứ đầy khóe mi đợi dịp tuôn trào như “tức nước vỡ bờ”. Cả cộng đoàn thinh lặng lắng nghe cha giảng: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” ( Mt 16, 24). “Khi con đau khổ, hãy nhấn chìm nỗi đau của con vào nỗi đau của Chúa, hãy tham dự Thánh Lễ. Nếu thế gian không hiểu những nỗi đau của con, đừng lo lắng; chỉ cần Chúa Giêsu, Mẹ Maria và các Thánh hiểu con. Hãy sống với các Ngài và để máu con tuôn chảy vì ơn cứu độ cho thế gian: như Chúa của con” (Ch. Lubich, Suy niệm). Câu Kinh Thánh dẫn nhập của cha và lời suy niệm của một vị huyền triết đưa tôi lạc vào một thế giới mới, một thế giới đầy hoa thơm cỏ lạ, nơi ấy chỉ riêng tôi với cõi trời bình yên phẳng lặng, cho tôi mặc sức thỏa thuê thả mình vào dòng suối hạnh phúc và vỡ òa trong sung sướng. Chợt nghe vang vọng đâu đó có tiếng gọi: “ Lan ơi! Lan ơi!”. Tôi giật mình trở về với hiện tại, quay nhìn xung quanh không một bóng người, Thánh Lễ đã kết thúc tự lúc nào, chỉ còn mình tôi với Chúa, bỗng thấy lòng nhẹ nhõm và thanh thản. Hạnh phúc là ở đây chăng, hay chăng là tiếng Chúa gọi tôi hãy tỉnh thức. Ngước nhìn lên Thánh Giá tôi thấy mình nhỏ bé nhưng độc đáo biết bao, một luồng ánh sáng chiếu rọi vào tâm trí tôi. Dường như có ai đó đang thúc bách tôi “Hãy theo Ta! Hãy theo Ta”, tôi nhanh chóng tìm cha xứ và xin cha giúp tôi được tham gia lớp tìm hiểu ơn gọi của giáo phận, không một chút do dự tôi đến gặp cha để thưa chuyện. Vẻ mặt ngơ ngác xen lẫn sự hài lòng của cha càng giúp tôi thêm mạnh mẽ hơn trên con đường mình đã chọn.

Bầu trời về đêm với vẻ đẹp lung linh huyền ảo của hàng triệu vì sao sao quá đỗi yên bình. Tôi thấy mình như tan biến ngọt ngào trong thiên nhiên, tim tôi như hòa cùng nhịp đập của vũ trụ và tai tôi như đang lắng nghe tiếng thở của lòng đất và đâu đó có tiếng cất lên từ sâu thẳm trong thâm tâm. Rảo bước trên con đường quen thuộc thời ấu thơ, tôi ngân nga bài hát: “ Chúa cất tiếng gọi con”, đó là ước mơ từ thuở bé cho đến bây giờ.

Một buổi sáng đầy hứng khởi, tôi quyết định làm hồ sơ xét tuyển vào trường cao đẳng y và mang trong mình tâm ước được phục vụ anh chị em mình.

Bỏ qua ngoài tai những lời chê bai, khinh thường của mọi người, tôi rời miền quê lên thành phố học và dự tu. Một năm cho bao mộng tưởng, tôi đã vượt qua mọi khó khăn, sống và học tập thật tốt. Con đường tìm hiểu ơn gọi trong tôi từ đó bắt đầu như men trong bột âm thầm dậy lên theo năm tháng. Bầu trời u tối ảm đạm đã bị xua tan đi để lại những tia nắng ấm áp và bụi sương tràn đầy sức sống. Những nhói đau trong cuộc sống giúp tâm hồn tôi vững tin hơn vào Chúa, những vấp ngã giúp tôi càng trưởng thành hơn. Trong cơn giông bão của thử thách và niềm đau tôi không nguôi hy vọng vào niềm hạnh phúc đích thực nơi Thiên Chúa. Một bầu trời mới mở rộng đón chào tôi.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

.

1

LM PAUL NGUYỄN ĐỨC VĨNH

Vị Thánh trong ngày

Sách các phép

Mười điều răn

Thành viên

Kích chuột để

1

Suy niệm Lời Chúa 5P

Nhóm Mân Côi

1
 

Tin Thể Thao

    Giờ kinh phụng vụ

    Lịch Phụng Vụ