1
14:39 +07 Thứ sáu, 29/03/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 65


Hôm nayHôm nay : 8967

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 281958

Tổng cộngTổng cộng : 27453463

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » TIN-GIỮ-LÀM

Học hỏi trong Tuần Thánh Phê-rô và Giu đa

Thứ hai - 29/03/2021 20:15-Đã xem: 715
Tin Mừng Nhất Lãm thuật lại rằng sau khi Phêrô chối Thầy ba lần thì gà gáy lần thứ hai, ông nhớ lại lời Thầy đã nói: “Trước khi gà gáy lần thứ hai, anh sẽ chối Thầy ba lần”, và Phêrô đi ra và ông khóc thảm thiết (Mt 26, 75: Lc 22, 62); và ông sụp mình xuống và khóc lóc (Mc 14, 72); trong khi đó, Gioan không nói đến sự kiện Phêrô khóc, và chỉ kể lại đơn giản: và tức thì gà gáy (Ga 18, 27).
Học hỏi trong Tuần Thánh Phê-rô và Giu đa

Học hỏi trong Tuần Thánh Phê-rô và Giu đa


Hỏi trong Tuần Thánh

PHÊRÔ - GIUĐA ISCARIỐT

Một bạn trẻ gửi đến một câu hỏi: Thưa cha, tại sao thánh Phêrô và ông Giuđa cả hai cùng phạm tội; người thì bán Chúa, người thì chối Chúa. Cả hai ông đều sám hối và mỗi người lại chọn một hành động khác nhau?

Phần trả lời chỉ là những suy tư cá nhân dựa trên chính những bản văn Kinh Thánh. Trước hết, chúng ta cần ghi nhận rằng hành vi nộp Thầy của ông Giuđa Iscariốt là một tội trọng đáng phải chết vì có liên quan đến chính tính mạng của Đức Giêsu; còn hành vi chối Thầy của Phêrô không đến đáng phải chết, nó liên quan đến sự trung thành và lòng can đảm của Phêrô đối với Đức Giêsu mà thôi. Nói cách khác, hành vi của Giuđa dẫn đến giết người; hành vi của Phêrô dẫn đến sự chối bỏ tương quan đức tin vào Thầy Chí Thánh. Như vậy, chúng ta có thể thấy bản chất của vấn đề khác nhau hoàn toàn. Cho nên sự so sánh hay việc đặt song song giữa tông đồ Phêrô và tông đồ Giuđa Iscariốt, do đó hệ quả của hành vi của hai tông đồ này là không công bằng. Chúng ta hãy xét từng trường hợp.
 
1. Sự thể chối Thầy và hành vi “sám hối” của tông đồ Phêrô
Các bản văn Kinh Thánh tường thuật lại sự việc chối Thầy của Phêrô là Mátthêu 26, 69-75; Máccô 14, 66-72; Luca 22, 56-62; và Gioan 18, 15-27. Nếu đọc kỹ, chúng ta sẽ thấy cách tường thuật của các tác giả sách Tin Mừng có sự khác nhau đáng kể. Tin Mừng Nhất Lãm, tức là Mátthêu, Máccô và Luca đều kể là Phêrô chối Thầy ba [3] lần trước khi gà gáy lần thứ hai [2]; trong khi đó, Gioan kể lại ba lần nhưng không có sự liên tục, và khi Phêrô chối lần thứ ba, tức thì gà gáy (x. Ga 18, 17.25.27).
 
Tin Mừng Nhất Lãm thuật lại rằng sau khi Phêrô chối Thầy ba lần thì gà gáy lần thứ hai, ông nhớ lại lời Thầy đã nói: “Trước khi gà gáy lần thứ hai, anh sẽ chối Thầy ba lần”, và Phêrô đi ra và ông khóc thảm thiết (Mt 26, 75: Lc 22, 62); và ông sụp mình xuống và khóc lóc (Mc 14, 72); trong khi đó, Gioan không nói đến sự kiện Phêrô khóc, và chỉ kể lại đơn giản: và tức thì gà gáy (Ga 18, 27).
 
Chúng ta để ý: ở đây cả bốn sách Tin Mừng không trực tiếp nói đến việc Phêrô “sám hối”, nghĩa là các tác giả Tin Mừng không dùng một động từ hay danh từ có nghĩa “sám hối” để chỉ cho hành vi ăn năn trở lại của Phêrô. Các tác giả Nhất Lãm chỉ đơn giản nói ông Phêrô ra ngoài và khóc lóc, thế thôi. Tuy nhiên, hành động “ra ngoài, sụp xuống, khóc lóc thảm thiết” của Phêrô có thể hiểu được chính là hành vi sám hối ăn năn của ông.
 
Tại sao Phêrô lại có khả năng ăn năn trở lại? Chúng ta hãy xem vài yếu tố. Thứ nhất, Phêrô đã được chính Thầy Giêsu báo trước và cho biết dấu hiệu: “Thật, Thầy bảo anh, nội trong đêm nay, trước khi gà gáy, anh sẽ chối Thầy ba lần” (Mt 26, 34; Mc 14, 30; Lc 22, 34; Ga 13, 38). Thứ hai, trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu đã bảo đảm cầu nguyện cho sự trở lại của Phêrô: “Simôn, Simôn, này Satan đã đòi cho được anh em mà quày cho một trận như sàng lúa; nhưng Thầy đã cầu xin cho anh, ngõ hầu lòng tin của anh khỏi bị tiêu diệt. Phần anh, một khi đã trở lại, anh hãy củng cố anh em của anh.” (Lc 22, 31-32).
 
Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng Phêrô đã được ban cho một nội lực để trở lại và nội lực này được chính Chúa bảo đảm cho ông. Hơn nữa, sức mạnh nội tại này cũng đã có sẵn nơi Phêrô rồi, khi ông dõng dạc tuyên bố: “Dẫu phải chết với Thầy, tôi cũng sẽ không chối Thầy” (Mt 26, 35; Mc 14, 31); hoặc: “Thưa Thầy, làm một với Thầy, dẫu phải đi đến tù ngục và tử hình, tôi cũng sẵn sàng” (Lc 22, 33); hay: “Thưa Thầy, tại sao tôi không thể theo Thầy ngay bây giờ? Tôi sẽ thí mạng sống tôi vì Thầy! ” (Ga 13, 37).
 
Thế nên, chúng ta nhận ra rằng để chọn lựa một hành động không phải là một quyết định nhất thời, nhưng là hệ tại cả một hành trình sống như thế nào, cả trong tâm tư và nơi hành động. Chính do tâm tư và hành động của mình mà người ta rút ra được kết quả của đời sống, đúng như Đức Giêsu đã nói: “Nào ai hái được trái nho nơi bụi gai, hoặc trái vả nơi bụi găng sao? Cũng thế, cây tốt thì sinh trái tốt, còn cây xấu thì sinh trái xấu. Cây tốt không thể sinh trái xấu, và cây xấu không thể sinh trái tốt.” (Mt 7, 17-18).
 
Hình ảnh Phêrô trong Tin Mừng không chỉ nói riêng về Phêrô, nhưng còn nói về mọi tín hữu trong đời sống đức tin vào Đức Giêsu Kitô ở mọi thời và mọi nơi. Trong những lúc gặp gian truân và bị bách hại, ta thật sự có đủ mạnh mẽ trung thành và can đảm tuyên xưng lòng tin vào Đức Kitô?
 
2. Sự thể “bán” Thầy và hành vi “tự sát ” của tông đồ Giuđa Iscariốt
Bây giờ chúng ta xét đến trường hợp của ông Giuđa Iscariốt. Tôi để hai từ “bán” và “tự sát” trong ngoặc kép là muốn có một sự thận trọng trong cách sử dụng hai từ này. Hình ảnh tông đồ Giuđa Iscariốt xuất hiện trong Tin Mừng ngay từ đầu đã thấy thấp thoáng số phận đen tối của ông. Trong danh sách Mười Hai Tông Đồ, ông là người đứng sau cùng và được nhận diện ngay: “Giuđa Iscariốt, cũng là kẻ đã nộp Người (Đức Giêsu)” (x. Mt 10, 4; Mc 3, 19; Lc 6, 16). Tên của ông được nhắc đến khoảng 20 lần trong bốn sách Tin Mừng. Động từ paradidomi, trao nộp, xuất hiện khoảng 37 lần trong cả bốn sách Tin Mừng thường ám chỉ và áp dụng cho Giuđa Iscariốt. Hình như trong các tường thuật Tin Mừng, Giuđa chỉ lên tiếng có hai lần: một lần liên quan đến tiền bạc (x. Ga 12, 4-6) và một lần khi Đức Giêsu thông báo rằng có một người trong Nhóm Mười Hai sẽ nộp Người, Giuđa đã hỏi: “Thưa Thầy, chẳng lẽ là tôi?” Đức Giêsu trả lời: “Anh nói đó” (Mt 26, 25).
 
Vậy Giuđa có “bán” Thầy không? Và cách ông chết (tự vẫn) thế nào? Chúng ta hãy đọc cách Tin Mừng tường thuật về ý định của Giuđa nộp Đức Giêsu và hãy chú ý từng chi tiết. Tin Mừng Mt kể: “Bấy giờ, một người trong Nhóm Mười Hai tên là Giuđa Iscariốt, đi gặp các thư ợng tế mà nói: "Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi thứ gì?" Họ quyết định cho ông ba mươi đồng bạc. Từ lúc đó, ông cố tìm dịp thu ận tiện để nộp Đ ức Giêsu” (Mt 26, 14-16).
 
Chúng ta để ý: Giuđa không hề ngả giá về số tiền bao nhiêu (một số bản dịch dịch là: quý vị muốn cho tôi bao nhiêu? thì không chính xác!), ông chỉ hỏi các thượng tế cho ông cái gì để ông nộp Đức Giêsu thôi. Và chính các thượng tế đã quyết định cho Giuđa ba mươi đồng bạc!
 
Tin Mừng Mc kể: “Và Giuđa Iscariốt, một người trong Nhóm Mười Hai, đi gặp các thượng tế để nộp Ngư ời cho họ. Nghe ông nói, họ rất mừng và hứa cho một món tiền. Giuđa liền tìm cách nộp Ngư ời sao cho tiện.” (Mc 14, 10-11). Thánh Máccô cũng kể rằng Giuđa đến với các thượng tế với ý định là để nộp Đức Giêsu. Các thượng tế biết thế thì vui mừng lắm và còn hứa cho ông Giuđa một món tiền. Như vậy, theo Máccô, ông Giuđa cũng không ngả giá tiền và thậm chí cũng không cần phải điều kiện gì. Tiền là do các thượng tế hứa cho ông, vậy thôi.
 
Tin Mừng Luca thì thuật lại chi tiết hơn nhưng bi kịch hơn: “Satan đã nhập vào Giuđa, cũng gọi là Iscariốt, một người trong Nhóm Mười Hai. Ông đi và trao đổi với các thượng tế và lãnh binh Đền thờ về cách thức nộp Ngư ời cho họ. Và họ rất mừng và đồng ý sẽ cho ông một món tiền. Ông ưng thuận và tìm dịp ti ện để nộp Đức Giêsu cho họ, lúc không có đám đông.” (Lc 22, 3-6).
 
Cách tường thuật của thánh Luca cho chúng ta thấy tình cảnh của Giuđa đã trở nên bi đát: Satan đã nhập vào Giuđa! Tin Mừng Gioan cũng kể lại chi tiết này trong bữa Tiệc Ly: Ma quỷ đã gieo vào lòng Giuđa, con ông Simôn Iscariốt, ý định nộp Đức Giêsu” (Ga 13, 2) và “Ông vừa ăn xong miếng bánh, Satan liền nhập vào ông. Đức Giêsu bảo ông: "Anh làm gì thì làm mau đi!"” (Ga 13, 27).
 
Qua cách trình bày của các sách Tin Mừng trên đây, chúng ta nhận thấy thế này: Giuđa có ý định nộp Đức Giêsu, chứ không hề có ý định bán Đức Giêsu. Nhưng tại sao Giuđa lại nộp Thầy? Các Tin Mừng không cho biết lý do. Các thượng tế là những người hăm hở vui mừng khi biết tin Giuđa sẽ nộp Đức Giêsu cho họ và chính các thượng tế đã hứa cho Giuđa tiền, Mátthêu nói rõ là cho ba mươi đồng bạc. Còn Satan thì lẻn vào tâm hồn ông Giuđa. Và ông Giuđa tìm dịp tiện để nộp Đức Giêsu. Khi dịp thuận tiện đến, ông Giuđa đã dùng nụ hôn để phản bội Thầy (x. Mt 26, 48-49; Mc 14, 44-45; Lc 22, 47-48).
 
Vậy là ông đã vì tiền và dùng tình yêu (nụ hôn) để phản bội Thầy. Hành động của Giuđa được các Thượng tế và hàng niên trưởng hậu thuẫn bằng cách cho tiền và Satan thì lẻn vào trong tâm hồn ông Giuđa. Tóm lại, hành động của ông Giuđa bị dẫn dắt bởi Thần Tiền và Thần Dữ! Bây giờ chúng ta đọc đoạn kết cuộc đời của ông Giuđa Iscariốt: ông đã chết cách nào?
 
Giuđa không có cái may mắn được đảm bảo cho sự ăn năn trở lại. Thay vào đó, những lần nói về ông hay nhận xét về ông thì quả là đen tối. Ở Tin Mừng Gioan 6, 70 Đức Giêsu nói: “Không phải là Thầy đã chọn anh em tất cả là Mười Hai sao? Vậy mà một trong anh em lại là quỉ sứ!” Và tác giả Tin Mừng Gioan nhận xét: “Người nói về Giuđa, con của Simôn Iscariốt. Vì y là kẻ sẽ nộp Ngư ời, y là một người trong Nhóm Mười Hai” (Ga 6, 71). Ở Gioan 12, 4-6, Giuđa được nhắc đến như thế này: “Giuđa Iscariốt, một trong các môn đệ của Người, kẻ sẽ nộp Ngư ời mới nói: ‘Tại sao lại không bán dầu thơm ấy ba trăm đồng quan mà bố thí cho người nghèo?’ Y nói thế, không phải vì y bận tâm đến người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp,  y giữ túi tiền, nên có gì bỏ vào thì y phỗng mất.” Trong khi đó, Tin Mừng Nhất Lãm thuật lại lời Đức Giêsu nói về Giuđa như sau: “Con Người ra đi như đã viết về Người; nhưng khốn cho người đó, kẻ làm cho Con Người bị nộp! Thà người ấy đã chẳng sinh ra thì hơn!” (Mt 26, 24; Mc 14, 21; Lc 22, 21). Như vậy, số phận của Giuđa thật là tồi tệ!
 
Trong Tân Ước, có hai chỗ thuật lại cái chết của ông Giuđa, nhưng hai cách thuật truyện về cái chết của ông rất khác nhau. Mátthêu kể: “Bấy giờ, Giuđa, kẻ đã nộp Người, thấy Ngư ời bị kết án, thì hối hận mà đem trả lại ba mươi đồng bạc cho các Thượng tế và hàng niên trưởng, mà rằng: Tôi đã phạm tội là nộp máu người vô tội. Nhưng họ nói: “Việc gì đến chúng tôi! Anh tự liệu lấy!” Và ông đã ném bạc vào Đền thờ, đoạn lui về mà ra đi treo cổ.” (Mt 27, 3-4).
 
Sách Công vụ lại kể: “Trong những ngày ấy, Phêrô đ ứng dậy gi ữa các anh em – một đám đông tề tựu lại, lối một trăm hai mươi người – và nói: ‘Thưa anh em, Kinh Thánh phải được ứng nghiệm, lời Thánh Thần đã dùng miệng Đavid để tiên báo về Giuđa, kẻ đem đường cho những người đến bắt Đức Giêsu. Y đã từng được liệt vào số chúng tôi, cùng đã được thông phần vào công việc phục vụ này. Vậy y đã lấy tiền công phi nghĩa mà tậu một thửa đất, và nhào đầu xuống, y đã vỡ bụng, lòi ruột ra. Sự ấy, mọi người ở Giêrusalem đều biết, khiến thửa đất kia đã được gọi – theo tiếng của họ - là Hakeldama, nghĩa là Ruộng máu! Vì trong sách Thánh vịnh đã viết: ‘Trại của nó hãy thành hoang vu, và đừng có ai ở lại trong đó. Và: Chức vụ của nó, kẻ khác hãy cất lấy!” (Cv 1, 15-20).
 
Chúng ta tự hỏi: tại sao cùng là một cái chết, Mátthêu lại kể một cách và sách Công vụ lại kể cách khác? Theo Mátthêu, sau khi Giuđa ném tiền vào Đền thờ, ông đi ra và đi treo cổ (dịch sát nghĩa tiếng Hylạp là: tự treo mình lên); còn theo sách Công vụ thì Giuđa sau khi đã mua một thửa đất (trong khi đó theo Mátthêu thì chính các thượng tế mua thửa đất [x. Mt 27, 6-10]), ông đã nhào đầu xuống, bị vỡ bụng và lòi ruột ra. Vậy thực tế thì ông Giuđa chết cách nào? Chúng ta không biết chính xác!
 
Tuy nhiên, ở đây chúng ta nên đọc sát bản văn Mátthêu để hiểu Giuđa và hiểu ý của tác giả sách Kinh Thánh (cách trình thuật truyện về cái chết của ông Giuđa trong sách Công vụ xin hẹn đọc ở một dịp khác).
 
Chúng ta đọc kỹ ý của ông Giuđa ở Tin Mừng Mátthêu: “Bấy giờ, Giuđa, kẻ đã nộp Người, thấy Ngư ời bị kết án, thì hối hận mà đem trả lại ba mươi đồng bạc cho các Thượng tế và hàng niên trưởng, mà rằng: Tôi đã phạm tội là nộp máu người vô tội.” Ông Giuđa hối hận, chứ không phải là ông “sám hối”. Động từ hối hận chỉ xuất hiện trong Tân Ước 6 lần (x. Mt 21, 29.31; 27, 3; 2 Cr 7, 8.8; Dt 7, 21). Hành động đầu tiên của việc hối hận của Giuđa là đem “trả lại ba mươi đồng bạc”; hành động thứ hai là ông thú nhận tội lỗi của mình: “Tôi đã phạm tội là nộp máu ngư ời vô tội”. Lời thú tội của ông vô cùng quan trọng: Đức Giêsu là Đấng vô tội! Và ông Giuđa trả lại ba mươi đồng bạc là trả lại cho các thượng tế điều họ đã hứa cho ông. Điều các thượng tế hứa cho ông lại là giá máu của người vô tội. Như vậy, ý định ban đầu của ông Giuđa không phải là ông muốn treo cổ, mà là ông đem trả lại tiền và thú nhận tội lỗi của ông. Nhưng tại sao ông lại phải treo cổ?
 
Chúng ta đọc tiếp: “Nhưng họ [các thượng tế và hàng niên trưởng] nói: “Việc gì đến chúng tôi! Anh tự liệu lấy!” Ah, thì ra các thượng tế và hàng niên trưởng đã phủi tay! Ông Giuđa phải tự liệu bằng cách treo cổ!
 
Trình thuật của Mátthêu chương 27, 3-10 về cái chết của ông Giuđa vọng lại rất nhiều chỉ dẫn Kinh Thánh Cựu Ước. Chúng ta có thể đọc được âm hưởng trong các sách Ngôn sứ Giêrêmia các chương 18, 2-18; 19, 1-15; 32, 6-9 và sách Ngôn sứ Zacaria 11, 12-13. Về cái chết treo cổ của Giuđa, chúng ta có thể đọc được trong câu chuyện của ông Akhithophel trong sách thứ hai Samuel chương 17. Ông Akhithophel bàn mưu với Absalôm để đuổi theo và hạ sát vua Đavid. Nhưng cuối cùng kế của ông Akhithopel không được chấp nhận. Khi “Akhithophel thấy ngư ời ta không làm theo lời bàn của mình, thì thắng lừa, lên đường đi về nhà, trong thành mình. Y thu xếp việc nhà, rồi thắt cổ tự tử. Y được chôn cất trong phần mộ của cha y.” (2 Sam 17, 23). Ở đây, ông Giuđa đã không được các thượng tế và hàng niên trưởng chấp nhận việc trả lại tiền và lời thú tội của ông, ông đã ném tiền lại mà ra đi thắt cổ!
 
Liên quan đến tội nhận tiền hối lộ làm đổ máu người vô tội, chúng ta đọc được trong sách Luật Môsê: “Ngươi phải lánh xa điều gian dối. Ngươi không được giết kẻ vô tội và công chính, vì Ta không cho kẻ có tội được trắng án. Ngươi không được nhận quà hối lộ, vì quà hối lộ làm cho những kẻ sáng mắt hóa ra đui mù và làm hỏng việc của những người công chính.” (Xh 23, 7-8). Và: “Đáng nguyền rủa thay kẻ giết trộm người đồng loại! Toàn dân sẽ thưa: Amen! Đáng nguyền rủa thay kẻ nhận quà hối lộ để giết người vô tội! Toàn dân sẽ thưa: Amen!” (Đnl 27, 24-25).
 
Hành động của Giuđa đi đến Đền thờ, gặp các thượng tế và hàng niên trưởng, trả lại tiền và thú nhận tội lỗi là hành vi “đền tội” của ông qua trung gian các tư tế (thượng tế) có thể được hiểu chiếu theo Luật Môsê (x. Lv 5). Nhưng các thượng tế đã từ chối hành vi “đền tội” của Giuđa, do đó tội của ông không được tha, và hậu quả là Giuđa phải lãnh lấy sự nguyền rủa chiếu theo Luật Môsê. Ông đã phải tự treo cổ!
 
Đọc trong cách trình bày này của Mátthêu, chúng ta mới hiểu được tình cảnh “bi đát” của cái chết của ông Giuđa. Giuđa đã để cho Thần Của và Thần Dữ dẫn dắt. Nhưng cũng chính Thần Của và Thần Dữ này lại thể hiện ở một khuôn mặt khác nơi các Thượng tế (hàng tư tế) và hàng niên trưởng (các nhà lãnh đạo). Chính họ đã ghét và cố tình từ chối sự thật và sự công chính!
 
Tóm lại, hình ảnh tông đồ Giuđa Iscariốt gợi lên cả một hành trình của mỗi một đời người trong tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân. Nhiều khi ta hay có thói quen “mặc định” cho ông Giuđa là kẻ “bán Chúa” và “thằng Giuđa phải sa hỏa ngục” (sic!) và biết bao nhiêu những thêu dệt về hình ảnh của ông thường là quá đáng. Tuy nhiên, ta lại ít phản tỉnh rằng rất nhiều khi hình ảnh Giuđa lại là chính ta.
 
Ở những xã hội lấy chủ nghĩa duy vật và vô thần làm nền tảng cho sự lãnh đạo và phát triển, thực chất chẳng vô thần đâu, nhưng là đang bị Thần Của và Thần Dữ dẫn dắt. Nơi đời sống tôn giáo, không thiếu gì các vị “thượng tế” và hàng “niên trưởng” thời đại chỉ biết giữ cho được cái “ghế”, cái “chức vị” của mình, thích được người ta ca tụng, vỗ tay hoan hô, vòng hoa đeo xúng xính; nhưng lại rất ngại lên tiếng bênh vực người nghèo, bênh vực những kẻ bị áp bức và bị bóc lột. Họ là những người ghét sự thật và sự công chính; đôi khi họ nại vào những lý do tôn giáo để chối từ bổn phận ngôn sứ trước những bất công xã hội. Thế nên, hình ảnh Giuđa không chỉ là Giuđa, nhưng có liên quan đến chính ta!
 
----------------------------------------
Vincent M. Phạm Cao Qúy, CSsR.
 
Roma, Tuần Thánh 2015.
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn